MẠN ĐÀM VỀ VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC [1]

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

V ấn đề giáo dục và vấn đề văn hóa có liên quan mật thiế với nhau, nên đã bàn về văn hóa tất nhiên phải đề cập đến giáo dục; ngược lại, đã đề cập đến vấn đề giáo dục tất nhiên phải đề cập đến vấn đề văn hóa.[2]

Văn hóa và giáo dục có thể nói được là hai chiều, hai mặt của một vấn đề.

I. SO SÁNH MỘT VÀI ĐỊNH NGHĨA VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC

Văn hóa có thể hiểu được là lề lối sống riêng biệt của một dân tộc, với tất cả những gì hay, đẹp của nó, từ tín ngưỡng, tâm tư, tư tưởng, đến cách tiếp nhân, xử thế thường nhật.[3]

Một trong những mục phiêu của nền giáo dục làcho dân con hấp thụ được những cái hay, cái đẹp của truyền thống văn hóa ấy.[4]

Văn hóa cũng có thể hiểu được là sự đào luyện con người để con người trở nên thanh lịch.[5]

Mục đích chính yếu của một nền giáo dục chân chính thực ra cũng phải như vậy.[6]

Cũng vì thế mà trong tiếng Đức chữ Bildung, trong tiếng Hi Lạp chữ Padeia, vừa có nghĩa là văn hóa vừa có nghĩa là giáo dục.

Văn hóa cũng có nghĩa là nỗ lực để vươn tới Chân, Thiện, Mỹ.[7] Giáo dục cũng chính là công trình đoàn luyện con ngưới, để giúp họ tiến tới Chân, Thiện, Mỹ.[8]

II. THỜI NAY VẤN ĐỀ VĂN HÓA, GIÁO DỤC TRỞ NÊN PHỨC TẠP

Ngày xưa, vấn đề giáo dục tương đối dễ, vì văn hóa trong một nước thuần nhất, không bác tạp, pha phách như ngày nay. Đàng khác, những đòi hỏi về vật chất, ngoại cảnh cũng không cấp bách như ngày nay.

Ngược lại, ngày nay chúng ta đang sống trong một thời kỳ hết sức phức tạp, văn hóa Đông Tây tranh giành ảnh hưởng với nhau; những đòi hỏi của hoàn cảnh và thời thế nhiều khi trở nên hết sức cấp bách, vì thế nên các bậc thức giả có trách nhiệm lèo lái đường hướng văn hóa giáo dục nhiều khi cũng đâm rối rít, không còn biết xoay sở ra sao, không biết nên theo Đông hay theo Tây cho đúng điệu.

Sự băn khoăn, thắc mắc ấy đã được thể hiện trong thực tế bằng những khuynh hướng văn hóa hết sức khác biệt nhau.

Nhìn bao quát đường hướng văn hóa giáo dục ở các nước Đông Á trong khoảng 40-50 năm gần đây, ta thấy có 4 phong trào chính yếu sau đây:

1. Phong trào phục hưng các giá trị văn hóa cổ truyền, hoặc Phật giáo, hoặc Khổng giáo, hoặc tam giáo (Nho, Thích, Lão).[9]

2. Phong trào dung hòa Âu Á. Phong trào này đề xướng cần phải theo văn hóa Á Châu trên bình diện tinh thần và khoa học, kỹ thuật Âu Châu trên bình diện vật chất, khẩu hiệu là «Á đạo, Âu thuật».[10]

3. Phong trào thoát Á, nhập Âu. Phong trào này nhất quyết theo văn minh Âu Châu, gạt bỏ hẳn mọi nền văn hóa Á Châu mà họ cho là lạc hậu.[11]

Ở nước ta, Hoàng Đạo đã có thời kỳ cổ súy phong trào này trong quyển Mười điều tâm niệm.

4. Phong trào tuyên truyền và cổ súy chủ nghĩa Mác-xít. Phong trào này đả kích hết mọi nền văn hóa Á Âu khác, chỉ suy tôn có nền văn hóa Mác-xít.[12]

Ở Việt Nam chúng ta ngày nay, lớp người đứng tuổi và các bậc lão thành đều muốn phục hồi lại những giá trị tinh thần cố hữu của dân tộc, còn thanh niên thì đa số chạy theo nền văn minh Âu Mỹ.

Ông Tam Điểm trong bài Kết luận cuộc vận động Phật giáo đăng trong Đất Nước số 5, tháng 6 và 7 - 1968, đã viết:

«Đầu óc chúng ta đã thay đổi lối suy nghĩ và sự thay đổi nhiều khi cực đoan đến chỗ chúng ta chủ trương đoạn tuyệt quá khứ, xưng tụng theo mới, hoàn toàn theo mới. Các ý niệm Tây phương đã thay thế các ý niệm cổ truyền một cách toàn diện: đối với đa số thanh niên đô thị, không có vấn đề phê bình văn minh Tây phương, chỉ có vấn đề ồn ào bắt chước, cóp nhặt, theo đuổi. Trong giới trí thức, tiêu chuẩn của sự tiến bộ và khác biệt là sự học đòi Tây-Mỹ sớm hay muộn, cái mới nhất hay cái cổ điển nhất. Người ta đặt những câu hỏi đại loại: Dân chủ kiểu Mỹ hay kiểu Pháp, phát triển kiểu Nhật hay kiểu Nga. Không ai có thể nghĩ đến một kiểu Việt Nam.»

Đó là một nhận định đáng buồn nhưng không xa thực tế là bao.

III. MUỐN LÀM VĂN HÓA GIÁO DỤC CẦN PHẢI BIẾT NHỮNG ĐỊNH LUẬT CHI PHỐI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Đứng trước một thực tế phiền tạp như vậy, việc trước tiên của chúng ta là phải có một cái nhìn bao quát, sáng tỏ về văn hóa và giáo dục, nhiên hậu mới tìm ra được một đường lối thích đáng.

Các nền văn hóa xưa và nay - kể cả các đạo giáo và các nền triết học - chung qui chỉ có mục đích dạy ta:

- Làm thần minh, làm thánh hiền, tiên, phật (Dei cultura hay Dei cultus).[13]

- Làm người (Animi cultura hay animi cultus).[14]

- Làm ăn (Agri cultura hay agri cultus).[15]

Muốn làm thần minh, làm thánh hiền, phải biết luyện thần, phải sống một cuộc đời siêu phàm, thoát tục. Vấn đề này dĩ nhiên là khó, và xưa nay chỉ có một số rất ít người theo được mà thôi.

Còn lại hai vấn đề: Làm ngườilàm ăn.

- Muốn làm người cho xứng đáng với danh hiệu làm người, cần phải luyện tâm, luyện trí.

Luyện tâm để trở nên người thanh lịch, khoan quảng, hòa nhã, liêm minh, nghĩa khí, biết tiếp nhân xử kỷ cho phải đạo làm người.

Luyện trí để trở nên thông minh, tinh tế, biết nghĩ, biết suy, biết đàng đối phó với hoàn cảnh cho hay cho phải.

- Muốn làm ăn cần phải biết nghề nghiệp, biết cách khai thác ngoại cảnh. Đó là mọi phương tiện để kiếm ăn, kiếm tiền, ngõ hầu có một đời sống vật chất khả quan.

Muốn dạy người làm ăn, chỉ cần huấn luyện khối óc và đôi tay họ.

Do đó có tác giả đã tóm tắt chương trình giáo dục như sau:

- Giáo dục con tim.

- Giáo dục khối óc.

- Giáo dục đôi tay.[16]

Ngoài ra, văn hóa cũng như giáo dục đều dựa vào niềm tin này là:

- Con người có mầm mộng hoàn thiện; nói cách khác, con người có thể trở nên hoàn thiện.

- Con người muốn trở nên hoàn thiện phải được dạy dỗ và biết cách tu luyện, cũng như viên ngọc có được dũa mài mới trở nên giá trị, đẹp đẽ.

Chung qui, văn hóa và giáo dục cốt là đưa con người lên tới chỗ tinh hoa, hoàn thiện, hạnh phúc.

Nhưng trước khi đạt tới mục phiêu tối hậu ấy, con người phải giải quyết một cách ổn thỏa được mọi vấn đề:

+ cơm áo.

+ thích ứng với hoàn cảnh, chế ngự được ngoại cảnh.

+ thích ứng được với tha nhân: hòa đồng, cộng tác được với tha nhân trong một xã hội công bình, bác ái, có tổ chức, và phải có:

+ một xác thân tráng kiện.

+ một khối óc mẫn tiệp.

+ một con tim thanh lịch, hào hùng, bao dung, khoan quảng.

+ một tâm thần hư linh, bất muội.

Tóm lại, nhà văn hóa, giáo dục phải giúp cho con người:

1. Thích ứng được với hoàn cảnh.

2. Tiến hóa để đi đến lý tưởng, đến Chân, Thiện, Mỹ.

Khi chúng ta đã nắm vững được những đường hướng văn hóa xưa nay là như vậy rồi, những định luật chi phối đời sống con người cũng như sự tiến hóa con người rồi,ta liền trông thấy mục đích của các nền giáo dục xưa nay.

IV. NỀN GIÁO DỤC XƯA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NÓ

Nền giáo dục xưa của Đông cũng như Tây cốt là đào tạo con người để họ trở nên những mẫu người quân tử, những con người thanh lịch, những con người có khả năng lãnh đạo quốc gia.

A. Nền giáo dục xưa ở Á Châu (Khổng giáo)

Xét công trình Khổng giáo xưa, ta thấy nó cốt dạy con người:

- Biết đạo lý.

- Biết ý nghĩa cuộc đời.

- Biết cách đào luyện tâm tyrí, tu dưỡng tinh thần, trau dồi nhân cách.

- Tóm lại, cải thiện, cải hóa tâm thần để đi đến tinh hoa cao đạo.[17]

Vì thế, chữ giáo thường đi đôi với chữ hóa.

Thoán Truyện quẻ Mông viết:

            «Ta đây dạy dỗ mầm non,

  Cốt là nuôi dưỡng, bảo tồn tinh hoa.

            Khải mông, dưỡng chính bôn ba,

  Dưỡng nuôi chính khí mới là thánh công.»[18]

Đức Khổng xưa dạy học trò cũng không ngoài mục đích đó. Vì thế, ngài không dạy nghề làm ruộng, làm vườn (Luận Ngữ, 13-4) không dạy cách cầm quân đánh giặc (Luận Ngữ, 15) mà chỉ chuyên dạy cách làm người, làm thánh hiền (Luận Ngữ, 19-7).

Nói theo từ ngữ bây giờ, ngài không dạy khoa học, kỹ thuật , binh bị, mà chỉ dạy chính trị, triết lý, luân lý, đạo lý.

Mục đích của công trình giáo dục ấy đã nhiều lần được trình bày trong Luận Ngữ.

Luận Ngữ viết: «Bá công có hành nghề mới nên công. Quân tử có học vấn mới thấu triệt đạo lý.» (Luận Ngữ, 19-7)

Và ngay nơi chương đầu sách, Luận Ngữ cũng cho ta biết rõ ràng về mục đích của sự học đời xưa: «Học cốt là để biết hiếu đễ, cẩn tín, yêu người, trọng đức, chứ không phải chỉ học văn chương suông.» (Luận Ngữ, 1-6)

«Học cốt là để biết cách ăn ở cho vẹn hiếu, vẹn trung, vẹn tình, vẹn nghĩa.» (Luận Ngữ, 1-7)

Khổng giáo xưa dùng Lục Kinh để giáo hóa:

* Dùng Kinh Thi để dạy cho con người có hồn thơ, biết yêu đời, biết sống ôn nhu, đôn hậu.

* Dùng Kinh Nhạc để dạy con người hiểu xa biết rộng, biết phóng tầm mắt nhìn được về cả một quá vãng xa xăm.

* Dùng Kinh Dịch để dạy cho con người biết sống khiết tịnh, tinh vi, tế nhị, biết thích ứng với hoàn cảnh và thời thế.

* Dùng Kinh Lễ dạy cho con người biết sống khiêm cung, cần kiệm lễ độ, biết kính trên nhường dưới, để xã hội đi đến chỗ đại hòa đại thuận.

* Dùng Kinh Xuân Thu để dạy cho con người có óc phán đoán tinh tế.[19]

Sách Chu Quan cho rằng giáo dục xưa cốt dạy người:

+ Lc đức:

            . Trí (trí huệ, khôn ngoan)

            . Nhân (nhân đức, bác ái)

            . Thánh (thánh thiện)

            . Nghĩa (nghĩa lý, cư xử đúng theo nghĩa lý, nhiệm vụ và lý tưởng)

            . Trung (sự hoàn thiện)

            . Hòa (sự thanh thản quân bình, hòa hợp tự nhiên)

+ Lc hnh:

            . Hiếu (hiếu thảo đối với cha mẹ)

            . Hữu (vẹn tình bè bạn)

            . Mục (hòa thuận với mọi ngưới)

            . Nhân (vẹn nghĩa họ hàng)

            . Nhâm (thành khẩn, có tinh thần trách nhiệm)

            . Tuất (biết thương xót người)[20]

+ Lc nghệ: Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số

            . Học Lễ tức là học những phương thức, qui mô để sống một đời sống xứng đáng.

            . Học Nhạc cho tâm thần trở nên trang nhã, hồn nhiên, sống cảm thông, hòa hợp được với vũ trụ và tha nhân.

            . Học Xạ (bắn cung) để tập cho tâm thần được trở nên chính trực, biết tập trung, khỏi tản mạn.

            . Học Ngự (đánh xe) để tập cho con người bình tĩnh, và biết điều hòa các động tác cho khéo léo.

            . Học Thư (sách vở) tức là học văn chương, nghĩa lý, đạo lý.

            . Học toán số là học cho biết tính toán, suy luận.

Như vậy cái học xưa của Á Đông là học hỏi để làm thánh hiền. làm chính nhân quân tử.

Ta có bài hát ru em cũng phản ảnh được phần nào tinh thần và đường lối ấy. Nó bắt đầu như sau:

            «Hạ hơi hơi, hạ hời hời,

            Học là học đạo làm người,

  Làm người phải biết lẽ trờidám sai.

            Làm trai cho đáng nên trai,

  Chớ đừng đi nghịch cho phai lòng vàng…»

Trình Tử bình luận về mục đích rốt ráo của sự học người xưa như sau:

«Người thường (thường nhân) phải học hỏi để tiến dần từ bên ngoài vào nội tâm. Học cốt để biết tâm mình, biết đường lối tâm hồn phải noi theo, rồi ra sẽ hết sức noi theo đường lối ấy cho đến kỳ cùng, thế gọi là đi từ biết đi đến hoàn thiện. Cho nên học cần phải «Tận kỳ tâm, tri kỳ tính», rồi ra mới cố gắng thực hiện được sự hoàn thiện và nên danh thánh nhân vậy…» [21]

B. Nền giáo dục xưa ở Âu Châu

Đường hướng giáo dục ở Âu Châu từ thời Trung Cổ cho đến thế kỷ XIX cũng muốn đoàn luyện con người, cho họ trở thành những mẫu người lý tưởng, cho họ hấp thụ được những cái hay, cái đẹp của tiền nhân. Học văn chương, văn học (humanisme, humanités) chính là học lấy tinh hoa nhân loại (humanité).[22]

Âu Châu thời Trung Cổ có:

+ Tam khoa (Trivium):

            . Văn phạm (Grammaire)

            . Hành văn (Rhétorique)

            . Biện luận (Dialectique)

+ Tứ thuật (Quadrivium):

            . Nhạc (Musique)

            . Toán học (Arithmétique)

            . Hình học (Géométrie)

            . Thiên văn (Astronomie)

Cho đến một thời gian gần đây, chương trình Trung học còn là như sau:

- 3 hay 4 năm học Văn phạm (Classes de grammaire)

- 1 năm Văn chương (Classe d’humanités)

- 1 năm học hành văn diễn thuyết (Classe de Rhétorique)

Tựu chung, mục đích giáo dục của người Âu Châu xưa cũng là đào tạo cho dân con trở nên những người biết ăn, biết nói, biết suy luận; biết thưởng thức cái hay, cái đẹp; biết nghĩa lý đạo đức; biết đường tiếp nhân xử kỷ, trở nên tinh hoa nhân loại.

Có cái lạ là bên Đông cũng như bên Tây, xưa chỉ dạy dân cho nên người, chứ không dạy dân làm thầy, làm thợ; chỉ chú trọng đến văn hóa, nghệ thuật, mà sao nhãng khoa học, kỹ thuật.

Như vậy, giáo dục xưa thiếu hẳn vấn đề hướng nghệ, huấn nghệ. Vả lại, tuy rằng mới đầu mục đích được đặt ra là học nghĩa lý, học đạo lý, học làm người, như người ta thường nói: «Tiên học lễ, hậu học văn.» nhưng dần dà từ chương lấn át nghĩa lý. Người ta đi học để làm quan hay để biết làm thơ phú, biết ngâm thơ, vịnh nguyệt, v.v. Lỗi lầm này theo đà thời gian, cả Đông lẫn Tây đều mắc phải.

Thay vì học để làm người, người ta học để làm quan. Bài hát ru em của ta cũng có một đoạn như sau:

  «Ngoan, ngoan, ngoan thực là ngoan,

  Bé cần học, lớn làm quan,

  Khắp triều chu tử [23] đều làng Thi Thư.[24]

  Chèo thuyền đến bến thày Chu,[25]

  Bút nghiên là dấu võng dù cân đai,

  Rõ bảng rõ bài,

  Tranh khôi đoạt giáp dễ nhường ai…» (Hát ru em)

Chu Hi xưa cũng đã sớm nhận thấy sự sa đọa ấy. Ông viết:

«Từ khi phép học để trở nên thánh hiền không còn được truyền tụng, các học giả không biết đến lý do của sự học, mà chỉ học từ chương, học chú thích, học thuộc lòng. Do đó sách vở ngày một nhiều, mà nghĩa lý ngày càng mờ tối, học hành ngày một vất vả mà tâm hồn ngày một phóng đãng; văn chương ngày một cao mà thực hành, trau dồi đức hạnh ngày một hết.» [26]

Chính vì thế mà ở Âu Châu, từ thế kỷ XIX; ở Á Đông từ khi ta bị lọt vào vòng thống trị của Âu Châu, người ta bắt đầu chỉ trích nền giáo dục cũ.

Người ta cho nó là hẹp hòi, chỉ đào tạo nên được một số quyền chức, chứ không phổ cập đến toàn dân. Lý do là vì muốn học những «tử ngữ» như La Tinh, Hi Lạp, Hán Văn, người ta phải mất nhiều năm mới mong đọc nổi sách thánh hiền, đọc nổi sách về tư tưởng.

Người ta cho nó là viễn dụng, không thực tế và cho rằng học xem Khổng Tử, xem Cicéron nói gì không ích lợi bằng xem một cái máy quay ra sao.

Người ta cũng cho rằng nền giáo dục cũ làm đình đốn sự tiến bộ của đất nước, vì chỉ tạo nên được những người nỏ mồm, bẻm mép chứ không tạo nên được những nhân tài thực sự.

Dĩ nhiên là những lời phê bình chỉ trích ấy có nhiều chỗ quá đáng và sai lạc, nhưng chúng đã đảo lộn được chiều hướng giáo dục và đã đưa tới nền giáo dục ngày nay.

V. NỀN GIÁO DỤC NGÀY NAY VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NÓ

Ngày nay nền giáo dục đã chuyển hướng hoàn toàn. Giáo dục ngày nay hoàn toàn chú trọng đến khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mại, luật pháp mà sao nhãng triết lý, văn chương, đạo đức.

André Piettre trong bài Những dịp may của một nền văn hóa mới trong quyển Recherches et Débats số 14 đã viết như sau:

«Xưa kia người ta thiên về tinh thần. Xác chất đối với người xưa chẳng qua là nấm mồ, theo lời Platon, và văn hóa chỉ chú trọng đến tinh thần. Ngày nay có thể nói: sự đời đã đảo ngược. Khoa học vật lý và các kỹ thuật vật chất đã toàn thắng.»

Ngày nay người ta huấn luyện khối óc, huấn luyện đôi tay thì rất tài, mà huấn luyện con tim thì quá dở.

Nói cách khác, nền giáo dục hiện đại chỉ tạo nên được những chuyên viên, chứ không đào tạo nên được những người có đức hạnh thực sự.

Đàng khác, học đường thay vì là những nơi đào luyện tâm thần, đã trở nên những trung tâm kinh tế, kinh doanh thực sự.

Ngày nay ở các trường, người ta thường dạy những điều thực tiễn, thực dụng như sinh ngữ, toán học, khoa học mà quên mất phần đức dục. Môn công dân có dạy cũng là dạy cho lấy lệ.

Về văn học thường chỉ học từ chương, thi phú, bút pháp, văn pháp, mà quên hẳn dạy dỗ những nghĩa lý cao xa.

Người ta cũng dứt khoát gạt ra ngoài phạm vi học đường ảnh hưởng thần quyền, giáo quyền, v.v. để tránh sự thao túng của Giáo Hội.

Tóm lại, nền giáo dục hiện tại trên thế giới chỉ có khuynh hướng kỹ thuật và thực dụng mà thôi.

Nhờ lối giáo dục mới này, mà các vấn đề cơm áo, nhà cửa, bệnh hoạn và các nhu cầu thường nhật của quần chúng được cải thiện.

Nhưng ngược lại, tinh thần con người trở nên sa sút. Con người dần dần quên đạo đức, nghĩa lý mà chạy theo lợi lộc công danh.

Trong số báo Time ngày 2-8-1968, ông Robert M. Hutchins, Giám đốc Trung tâm khảo cứu các thể chế dân chủ, cho rằng: «Cái lối học hướng nghiệp ngày nay kết quả sẽ làm cho con người trở nên nô lệ của hoàn cảnh.» [27]

Ông cũng cho rằng người ta đã lẫn lộn không còn phân biệt được thế nào là huấn nghệ, thế nào là giáo dục.[28]

Sự nhận xét sau thật chí lý. Ngày nay người ta đã mập mờ đánh lận con đen: huấn nghệ thời kêu bằng giáo dục; dạy từ chương, văn pháp thời lại tưởng là truyền bá lễ nghĩa, đạo đức…

Ở học đường đã vậy, ở gia đình con cái lại cũng không được mục kích những gì gọi là cao siêu.

Cha mẹ thời đầu tắt mặt tối, suốt ngày đi lo kiếm tiền, không còn có thì giờ dạy dỗ con cái. Ấy là chưa kể đến những cảnh cha mẹ rượu chè, cờ bạc, trai gái bê tha, ghen tuông lục đục với nhau. Như vậy hỏi làm sao mà con cái có thể trở nên cao siêu cho được ?

Ở ngoài xã hội, những sách vở đứng đắn thì ít, mhảm nhí thì nhiều, các văn nghệ sĩ đua nhau «ẩn thiện, dương ác» cho nên những ảnh hưởng hay thời ít, mà ảnh hưởng dở thời nhiều.

Đàng khác, đi học, khi đã có mảnh bằng; đi làm, khi đã có địa vị khả quan, lương bổng hẳn hoi rồi, thì ít ai muốn học hỏi cầu tiến thêm nữa.

Hơn nữa, cái tuổi mà người ta cần được giáo dục, huấn luyện lại về đạo đức, cái tuổi mà người ta cần phải hồi tâm suy tư về ý nghĩa cuộc đời, tức là cái tuổi từ 40 trở đi, thì lại là cái tuổi dùng để hưởng thụ.

Cho nên những chếch mác dở dang hiện nay có trong xã hội, không qui trách nhiệm nguyên cho chính quyền, cho học đường, mà còn cho những cha mẹ thiếu bổn phận, cho các bậc mệnh danh là lãnh đạo tinh thần mà không hiểu lãnh đạo tinh thần là thế nào; cho những văn nghệ sĩ chuyên khơi thị dục, thị hiếu của quần chúng; cho mỗi một người chúng ta vì đã thiếu sáng suốt, thiếu phán đoán, thiếu học hỏi, thiếu cố gắng.

VI. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

Như thế, ta thấy rằng nền giáo dục xưa và nay đều có cái hay cái dở.

- Chú trọng tinh thần thì vật chất đình đốn.

- Chú trọng vật chất thì tinh thần suy đồi.

Vì thế nên ngày nay chúng ta cần phải có một nền văn hóa và giáo dục toàn diện, gồm cả hai phần tinh thần vật chất với sự đóng góp của chính quyền, của học đường, của gia đình, và của cá nhân.

Cổng trường Trung học Trương Vĩnh Ký Saigon có một câu đối chữ Nho rất có ý nghĩa:

  «Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,

  Tây Âu khoa học yếu minh tâm.»

  (Khổng Mạnh cương thường nên tạc dạ,

  Tây Âu khoa học phải ghi lòng.)

Dẫu sao đi nữa, thì mục đích chính yếu của giáo dục phải là:

1. Luyện tâm.

2. Luyện trí.

3. Huấn nghệ.

Muốn luyện tâm và trí, con người nhất định là phải dùng văn học. Văn học đây có một nghĩa rất rộng:

«Văn là thay lời nói, ghi chép hết thảy sự vật, nghĩa lý. Học là gồm cả các tư tưởng, học thuật, tinh thần, khí phách của một dân tộc, một văn hóa.» [29]

Tuy nhiên, từ chương phải nhường bớt chỗ cho nghĩa, lễ.

Những gương anh hùng, liệt sĩ, những gương trung hiếu, tiết nghĩa phải được soạn thành những bài tập đọc, những bài luận thuyết, hoặc biên thành ca, phổ thành nhạc để dạy cho con em từ khi chúng bước chân vào chốn học đường. Ngoài ra, cũng nên tưởng thưởng cho những học sinh anh dũng, tiết tháo, nết na, đức hạnh, cũng như là những học sinh học hành xuất sắc vậy.

Muốn huấn nghệ, thời dạy kỹ thuật cho dân con, cho họ có nghề có nghiệp, có tinh thần khoa học, biết quan sát, biết suy tu, biết tổ chức sáng chế, v.v.

Huấn nghệ có cao có thấp. Cao thời dạy nơi các đại học, thấp thời dạy nơi các trường huấn nghệ thông thường. Những trường sau này càng nhiều càng tốt.

Đồng thời cũng nên có những trường hải, nông, lâm, súc trung đẳng ở nhiều nơi trong nước, không những là để đào tạo cán bộ, mà còn là để trực tiếp dạy dân biết cách trồng tỉa, chăn nuôi, khai thác hải sản, lâm sản thế nào cho có hiệu quả nhất.

Trong công cuộc giáo dục, điều cần yếu khác là tuyển lựa các giáo sư, giáo chức. Trong sự tuyển lựa này, phải để ý đến cả hai phương diện tài năng và đức độ.

Song song với các tổ chức học đường cũng cần phải để tâm phát triển các thư viện. Các thư viện cần phải được tổ chức cho qui mô, tập trung được nhiều sách giá trị về văn học, nghệ thuật, tư tưởng, khoa học, v.v. Sách vừa được đọc tại chỗ, vừa có thể cho mượn về nhà - nếu không phải là loại sách quá hiếm - với số tiền cược ít là gấp rưỡi giá tiền sách, để tránh sự mất mát.

Lại cũng có những trung tâm văn hóa bình dân như Malraux đã cho thành lập ở nhiều tỉnh bên Pháp để phổ biến văn hóa, nghệ thuật cho những người ít học; phát giác nhân tài, khuyến khích sáng tác.

Ngoài ra chính phủ cũng nên lập ra những trung tâm nghiên cứu, hoạch định ra những chương trình để cho các nhà văn hóa, khoa học nghiên cứu, khảo sát, phát minh.

Các quốc gia tân tiến ngày nay đều có những chương trình như phát minh nguyên tử, thí nghiệm không gian, du hành nguyệt cầu, những viện nghiên cứu y học, khoa học, những trung tâm khảo cứu văn học như cơ quan Unesco, hoặc phân khoa văn hóa đặc biệt như ở các trường đại học Harvard, Hawað, Sorbonne, v.v.

Nếu giàu sang hơn một chút nữa, thời cũng nên có những cơ quan phổ biến văn hóa, nghệ thuật của nước mình ra nước ngoài. Đó là chuyện mà các cường quốc đã làm từ 1919. Pháp đi tiên phong, rồi đến Đức đến Nhật. Năm 1925, Nga cho thành lập cơ quan văn hóa quốc ngoại. Năm 1934, Anh cho thành lập British Council. Năm 1938, Mỹ cũng cho thiết lập cơ quan để cộng tác văn hóa với các nước.

Cơ quan văn hóa quốc tế Unesco, thành lập tháng 11-1946 và đã có hơn 30 quốc gia hội viên, cũng là một cơ quan văn hóa mà quốc gia ta nên tham dự. Unesco nhận định như sau:

«Vì chiến tranh bắt đầu từ tâm hồn con người, nên công cuộc bảo vệ hòa bình cũng phải được xây dựng từ trong tâm hồn con người. Xưa nay, trong suốt quá trình lịch sử nhân loại, các dân tộc nghi kỵ lẫn nhau, chính là vì đã không hiểu biết lề lối sống của nhau.

«Phổ biến văn hóa cho sâu rộng và giáo hóa cho nhân quần về công bình, tự do, hòa bình là điều kiện cần thiết để bảo vệ phẩm giá con người và là bổn phận thiêng liêng mà mọi quốc gia phải thi hành trong tinh thần tương thân tương trợ.» [30]

Tóm lại, muốn cho nước mạnh, dân giàu, có nền kỹ thuật tiến bộ, có nền văn hóa cao siêu, dĩ nhiên chính quyền và người dân phải cộng tác để kiện toàn hoàn thiện nền giáo dục.

Một nền giáo dục lý tưởng phải đào tạo được đầy đủ nhân sĩ, nhân tài về mọi phương diện, cung ứng được hết mọi nhu cầu quốc gia, cũng như theo kịp đà tiến bộ quốc tế và thực sự chuyển hóa được dân tâm, dân trí.

VII. TỔNG LUẬN

Tổng kết lại:

- Giáo dục cốt là để giúp cho con trẻ sống sung sướng và chuẩn bị cho chúng bước vào cuộc đời một cách êm đẹp.[31]

- Giáo dục cốt là để giúp cho thanh thiếu niên có phương kế sinh nhai; giúp cho họ biết đóng vai trò một công dân xứng đáng trong một nước dân chủ.[32]

- Giáo dục cốt là để giúp cho người dân phát triển được mọi tiềm năng của họ.[33]

- Giáo dục cốt là để đào tạo nên những cá nhân tốt sống trong một xã hội tốt.[34]

Nền giáo dục của chúng ta về phương diện văn học sẽ đặt trọng tâm nghiên cứu các nền đại văn hóa Á Âu, với một tinh thần vô tư và một tâm hồn nhiệt thành đi tìm chân lý.

Từ những nền văn hóa Á Âu đó, chúng ta sẽ rút ra những quan điểm tương đồng, chúng ta sẽ tìm cho ra những điều cao siêu chân thực. Những chân lý phổ quát đại đồng chính là tinh hoa nhân loại, và cần phải được ta truyền lại cho hậu thế.

Về phương diện khoa học, chúng ta sẽ cố học cách sáng chế, sử dụng máy móc kỹ thuật, nhưng không để cho máy móc kỹ thuật nô lệ hóa chúng ta.

Chúng ta phải làm sao cho hai ngành văn học và khoa học, tuy theo hai chiều hướng khác nhau, một đàng chuyên lo cải thiện tâm thần, một đàng chuyên lo cải thiện vật chất ngoại cảnh, đều cùng hướng về một mục phiêu là tạo nên những con người cao siêu đức độ, tài cán và hạnh phúc trong một xã hội có kỷ luật, có tổ chức, đượm tình thương yêu bình an và hạnh phúc.

Nền giáo dục của chúng ta dạy làm ăn nhưng cũng dạy làm người. Và nếu có thể, còn dạy làm thánh hiền nữa. Tóm lại, giáo dục phải phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực nơi người.

Hiểu giáo dục như vậy sẽ thấy giáo dục rất quan trọng cho tiền đồ đất nước.

Giáo dục không phải nguyên hạn hẹp trong ít nhiều năm học tại nhà trường, mà phải bắt đầu từ tuổi ấu thơ ở gia đình; mà phải tiếp tục mãi mãi cho tới già tới chết.

Khi còn trẻ dại, xã hội giáo dục ta; đến khi khôn lớn, ta phải tự giáo dục, đoàn luyện mình để tiến đến tinh hoa cao đại.

Luật tạo hóa là muốn cho mọi người cố gắng không ngừng để cải thiện bản thân, cải thiện đời sống, cải thiện hoàn cảnh.

Ngồi yên mà cầu xin thánh thần lo hộ cho mình có cơm ăn, áo mặc; học hộ mình, thi hộ mình, tu hô mình thuì chắc là chẳng thể nào được.

Vận mệnh của mình, tương lai của mình, hạnh phúc của mình cũng như sự vinh quang thái thịnh của cả dân tộc là do công lao của mỗi một người chúng ta cố gắng tạo nên, chứ không phải ngẫu nhiên mà có.

Chính vì vậy mà văn hóa, giáo dục là những vấn đề hết sức quan trọng và khẩn yếu.


[1] Đã đăng tạp chí Phương Đông, số 13, tháng 7-1972, chủ đề TRUYỀN THỐNG HỌC ĐƯỜNG và GIÁO DỤC.

[2] Cách đây mấy năm, trong một bài diễn văn tai trường Quốc Gia Âm Nhạc ngày 3-7-69 với đề tài «Văn hóa là gì?» tôi đã bàn cãi rất nhiều về các định nghĩa văn hóa. Bài diễn văn này sau đó được đăng tải trong:

- Tập san Gió Việt (của Bộ Ngoại Giao), bộ 1970, số 3-4.

- Văn hóa Tập san (của Nha Văn Hóa), các số 2-3, 4-5 năm 1969 và số 1 năm 1970.

 Để tránh sự trùng phức, trong bài này tôi không muốn bàn rộng về văn hóa, mà sẽ đặt trọng tâm vào vấn đề giáo dục. Quý vị nào muốn tham khảo về văn hóa xin tìm đọc những tập san nói trên.

[3] «La culture d’une société est la mode de vie de ses membres, c’est l’ensemble des idées et des habitudes qu’ils acquièrent, partagent et transmettent de génération en génération.» cf. L’Originalité des Cultures, Unesco, p. 12, note 2.

[4] «The purpose of education, it seems, is to transmit culture.» cf. T.S. Eliot, Notes towards the Definition of Culture, p.96.

[5] «We should define Culture as a process of humanisation.» … «Culture is a social process of sublimation.» Cf. Gerald Holton, Science and Culture, p.218.

[6] «Now so long as we mean by education, everything that goes to form the good individual in a good society.» cf. T.S. Eliot, Notes towards the Definition of Culture, p.105.

[7] «Arnold… defining culture as a pursuit of total perfection by means of knowledge of the best which has been thought and said in the world and the development thereby of all sides of our humanity.» Encyclopedia Britanica, Culture and Humanity, p.743.

[8] «The true object of education… is the generation of happiness.» (William Sodwin). Eliot, , Notes towards the Definition of Culture, p.97. «Happiness is often associated with the full development of personality.» Ibid. p.97.

[9] Amaury de Riencourt, L’Âme de la Chine, p.134. Xem Văn Hóa Á Châu, tập II, số 16; bài Văn hóa Trung Hoa dưới mắt các học giả.

[10] Xem Văn Hóa Á Châu, tập III, số 6 (tháng 9-1960); bài Tư Trào Trung Hoa Cận Kim, từ tr.43 đến 55.

Xem Văn Hóa Á Châu, tập III, số 4 (tháng 7-1960), từ tr.23 đến 29.

Xem Acta Asiatica, Bulletin of the Institute of Eastern Culture, no13, Tokyo, 1967, bài Reform of the Meiji Restoration and the Birth of Modern Intellectuals, tr.63.

[11] Xem Văn Hóa Á Châu, tập III, số 4 (tháng 7-1960); bài Tư Trào Trung Hoa 1898-1950 của Nguyễn Đăng Thục, từ tr.17 đến 29.

Xem Văn Hóa Á Châu, tập III, số 5 (tháng 8-1960); bài Tư Trào Trung Quốc tiền bán thế kỷ XX, của Nguyễn Đăng Thục, từ tr.43 trở đi.

Xem Amaury de Riencourt, L’Âme de la Chine, p.316-317.

Xem Acta Asiatica, số 13, năm 1967, bài Modernization of Japan and the Problem of «IE» consciousness, của Kamishima Jiro, tr.3; và bài Recent Trend of the Studies on «Modernization of Japan» của Toriumi Yashuhi, từ tr.100 trở đi.

… Kyoson Tschida: «Lorsque nous reconnaissons», déclare-t-il en effet, «que la supériorité de l’Occident réside dans ses calculs et sa technique, nous ne devons pas oublier que ce fait implique qu’à la base de cette supériorité même, il y a un esprit qui le caractériste. Cet esprit, nous pourrions l’appeler une «aspiration vers la civilisation.» Amaury de Riencourt, L’Âme de la Chine, p.318.

[12] Xem Văn Hóa Á Châu, tập III, số 5 (tháng 8-1960); bài Tư Trào Trung Quốc tiền bán thế kỷ XX, của Nguyễn Đăng Thục, từ tr.43 đến 52.

[13] Nhiều người dịch Dei cultus là thờ phượng thần minh. thiết tưởng dịch như vậy là lạc nghĩa.

[14] Đoàn luyện con tim.

[15] Canh tác ruộng đất.

[16] L’éducation du cœur, celle de la tête, et celle de la main. (Louis Lallmant, La Vocation de l’Occident, p.153.)

[17] Xem: Nguyễn Văn Thọ, Chân Dung Khổng Tử, ch.15: Đức Khổng - vị giáo sư gương mẫu.

 Lễ Ký, Học ký, ch. 16; Trung Dung, ch.20.

[18] Mông dĩ dương chính, thánh công dã. (Kinh Dịch, quẻ Mông, thoán truyện)

[19] Lễ Ký, ch.23- Kinh giải.

[20] Xem Phan Bội Châu, Khổng học đăng, q.2, tr.718, 748.

 Xem Từ Nguyên nơi chữ Lục hạnh.

[21] Xem Hoặc Vấn Trung Dung, tr.IIIa.

 Xem Trung Dung giảng luận, giảng khóa triết Trung Hoa của tác giả, tr.161, note 1.

[22] Pour eux-même, les termes d’humanisme et d’humanités évoquent une forme de culture dans laquelle l’homme entend assucer ce qu’il y a en lui de proprement humain. (Comprendre, no15, p.178)

 … L’humanisme classique peut-il encore, comme il le fit au cours des siècles, aider l’homme à dominer par l’esprit les problèmes intellectuels et moraux qui se posent à lui, en développant la liberté et le sérieux de son jugement?

 - Contribuer à la formation des personalité, équilibrées en facilitant l’intégration des connaissance particulières, en développant le gout des satisfactions esthétiques et en palliant l’excès possible d’une éducation purement technique, qui risquerait de laisser l’homme sans idéal et sans normes de conduite autres que ceux de l’utilité et de l’efficacité.

 Contribuer à la vie propre de chaque collectivité, à l’intégration harmonieuse de l’individu à la communauté, aussi bien dans les pays les plus avancés techniquement que dans les pays encore insuffisament développés, héritiers d’une antique tradition culturelle et engagés aujourd’hui dans un processu de développement accéléré.

 Développer le respect de la personne humaine, accroýtre la volonté de compréhension et le sentiment de solidarité entre les peuples au sein de chacune des grandes régions culturelles et entre elles… Ce que les civilisations ont traditionellement cherché dans l’humanisme classique, c’est non seulement cette libération à l’égard du momentané et du particulier, mais aussi, plus précisément un commerce étroit et approfondi avec ce que l’humanité a produit de meilleur, une familiarité avec les grands exemples, un sens de l’éternité de certains problèmes fondamentaux, le modèle d’une méditation ou d’une réflexion, sans compromis. Pour ces différents aspects, l’humanisme traditionel se présentait comme une leçon de sagesse.

 Comprendre- Revue de la société européenne de culture près «la Biennale» (Giustinian Venise) No15, p.177.

[23] Chu: đỏ; tử: tía. Các quan ngày xưa mặc áo đỏ, áo tía.

[24] Thi Thư: Kinh Thi và Kinh Thư.

[25] Tức Chu Hi.

[26] Chu Tử: «Tự thánh học bất truyền, vi sĩ giả bất tri học chi hữu bản nhi sở dĩ cầu chi ư thư, bất việt hồ ký tụng huấn hỗ, văn từ chi gian. Thị dĩ thiên hạ chi thư dũ đa, nhi lý dũ muội; học giả chi sự dũ cần, nhi tâm dũ phóng; từ chương dũ lệ, nghị luận dũ cao, nhi kỳ đức nghiệp sự công chi thực dũ vô.» Xem Tứ Thư tiết yếu, Đại Học, 7, Tựa. - Xem Trung Dung bình giảng của tác giả (giảng khóa Triết Trung Hoa tại Đại học Văn Khoa), tr.85, chú 1.

[27] To Robert M. Hutchins, this vocation-oriented approach to education will end up by making man the slave of his environment. (Time, Aug. 2.1968, p.46)

[28] Hutchins argues that Americans have failed to distinguish between training and education. Ibid., p.47.

[29] Nguyễn Đổng Chi, Cổ Văn Học Sử, Thư viện Bác Cổ Hà Nội, ngày 01-2-1942.

[30] Ruth Emily Mc Mury and Muna Lee, The Cultural Approach, p.234.

[31] «The government purpose», said the white paper which heralded the latest Education Act, ‘is to secure for children a happier childhood and a better start in life.»

 Eliot, Notes towards the Definition of Culture, p.97.

[32] Dr. C.E.M. Joad: Education has a number of ends. Of these he lists three:

 a. To enable a boy or girl to earn his or her living.

 b. To equip him to play his part as the citizen of a democracy.

 c. To enable him to develop all the latest powers and faculties of his nature and so enjoy a good life.

 Eliot, Notes towards the Definition of Culture, p.98.

[33] Xem chú thích c kế bên trên.

[34] Now so long as we mean by «education» everything that goes to form the good individual in a good society. Ibid.105

 … The Oxford dictionary tells us that education is «the process of bringing up (young persons)» that it is «the systematic instruction, schooling or training given to the young (and, by extension, to adults) in preparation for the work of life» that it is «culture or development of powers, formation of character.» Ibid. p.96.