THIÊN VĂN VỚI TẾT VỚI XUÂN [1]

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

X uân đã về! Hương sắc Xuân chẳng những tràn ngập vũ trụ mà còn tràn ngập lòng người, tràn ngập báo chí!

Số Phương Đông lần này, vì Tết, vì Xuân, đã tạm ngừng đăng tải những bài vở thường xuyên, đã thay đổi cả nội dung lẫn hình thức để đón Xuân.

Vì thế nên loạt bài về thiên văn thông thường của tôi, đến số này cũng tạm gián đoạn.

Nhưng chẳng lẽ trong khi trời, đất, người rộn rã đón Xuân mà riêng mình lại thờ ơ, lãnh đạm với Xuân. Cho nên trong khi:

            Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ,

            Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.

Tôi cũng muốn viết một bài có hương sắc Xuân, để cùng độc giả xa gần vui Xuân, và cũng là mượn dịp gửi đến quí vị độc giả thân mến những cảm tình nồng hậu và những lời chúc tụng chân thành của tôi nhân buổi đầu Xuân.

Suy đi tính lại, tôi thấy không gì hơn là, trong khi chúng ta vui Xuân, là làm được cho các vì sao trên trời cùng chúng ta rộn rực niềm Xuân, làm được cho vũ trụ cùng với chúng ta rộn rã niềm Xuân. Cho nên thay vì viết một đề tài thông thường, tôi sẽ xin mạn đàm về: Thiên văn với Tết, với Xuân.

Ngày Nguyên đán

Ngày Nguyên đán đối với dân tộc Á Đông dĩ nhiên là một ngày trọng đại, vì Nguyên đán là:

            Sáng đầu năm,

            Sáng đầu tháng,

            Sáng đầu ngày.

Vì lẽ đó, người xưa gọi ngày Nguyên đán là ngày Tam Thủy, hay Tam Nguyên.

Có cái lạ là ngày Nguyên đán lại không trùng với ngày Lập Xuân. Ví dụ như năm Canh Tuất (1969) thì Lập Xuân là ngày 28 tháng chạp, năm Kỷ Dậu; năm Tân Hợi (1970), Lập Xuân là ngày 9 tháng giêng; đến năm Nhâm Tí này, Lập Xuân lại là ngày 21 tháng chạp Tân Hợi…

Ngày Nguyên đán thường nhằm vào ngày đầu tháng giêng, nhưng đó không phải là một công lệ cố định.

Trong bài Tết Nguyên đán qua các nước và các thời đại đăng trong số Xuân Trung Bắc Chủ Nhật, năm Nhâm Ngọ (1942), ông Lê Hồng Phong ghi đại khái như sau:

Đời vua Hoàng Đế (1697 tcn), dân Trung Hoa ăn Tết vào ngày 1 tháng 11 ta bây giờ.

Vua Nghiêu (2356-2255), vua Thuấn (2255-2205) lại tính tháng đầu năm vào tiết Vũ Thủy, tức là vào khoảng trung tuần tháng Février, hay hạ tuần tháng giêng ta bây giờ.

Đến thời nhà Hạ (2205-1766) mới lấy tháng Dần làm tháng giêng và lấy ngày 1 tháng giêng làm ngày Nguyên đán.

Nhà Thương (1766-1122) lại lấy tiết Đại Hàn để khởi tính tháng giêng, tức là khoảng hạ tuần tháng Janvier hay thượng tuần tháng chạp ta bây giờ.

Nhà Chu trở lại theo Hoàng Đế, lấy tháng Tí tức là tháng 11 bây giờ làm tháng đầu năm.

Nhà Hán thời bắt chước vua Nghiêu, vua Thuấn, lấy tiết Vũ Thủy làm đầu năm.

Như vậy tết Nguyên đán ngày nay nhằm ngày 1 tháng giêng là theo tục lệ đời nhà Hạ…[2]

Hai chữ Nguyên đán đã được dùng tự lâu đời. Xuân Thu Tả Truyện viết: «Nguyên đán là ngày lên ngôi của các vua chúa đời xưa. Mỗi đời vua đều bắt đầu bằng ngày đó.» [3]

Nói thế có nghĩa là dẫu vua có lên ngôi một vài tháng trước, nhưng năm cũ vẫn được kể là thuộc triều vua trước. Từ ngày Nguyên đán trở về sau, mới được kể là triều đại của tân quân.

Sáng sớm ngày Nguyên đán, trong triều ca, đình thần chúc vua vạn tuế. Ngoài dân gian, mọi người cũng chúc nhau sang giàu, hạnh phúc, buôn may bán đắt, sinh con đẻ cái, thăng quan tiến chức, công thành danh toại, v.v.

Mùa Xuân

Ta thấy năm Âm lịch xưa bắt đầu:

- Hoặc là vào đầu tháng giêng, tức là vào đầu mùa Xuân.

- Hoặc là vào giữa tháng 11, tức là vào ngày Đông Chí.

Ta có thể nói:

- Ngày Đông Chí (15 tháng 11 ta, 21-25 tháng 12 Tây) là ngày đầu năm Thiên văn (début de l’année astronomique).

- Ngày đầu Xuân (1 tháng giêng ta) là ngày đầu năm nhân sự (début de l’année humaine ou civile).

Ngày Đông Chí là ngày «nhất Dương sinh», là ngày mặt trời như quay gót lại trên đường trời, là ngày mà vừng Dương như sống lại.

Ngày tái sinh của mặt trời ấy từ xưa đã được nhiều nước ăn mừng rất lớn, nhất là các nước quanh vùng Địa Trung Hải, vì dân chung quanh vùng ấy thờ thần Mithra (thần mặt trời). Sau này giáo hội La Mã, vào khoảng thế kỷ IV, đã chính thức chấp nhận ngày lễ ấy làm ngày lễ Giáng Sinh.[4]

Nhưng vì ngày Đông Chí tiết trời còn lạnh lẽo quá, nên người ta mới chọn tháng giêng làm tháng đầu năm nhân sự, để tiện khởi sự công việc đồng áng.

Đối với người Trung Hoa:

- Tháng 11 ta (tháng Tí) ứng vào quẻ Phục (nhất Dương).

- Tháng 12 ta (tháng Sửu) ứng vào quẻ Lâm (nhị Dương).

- Tháng giêng ta (tháng Dần) ứng vào quẻ Thái (tam Dương).

Vì thế, nói về tháng giêng, ta thấy các cụ xưa thường dùng chữ «Tam Dương khai Thái» .

Mùa Xuân là mùa vạn vật chuyển mình sống động lại. Chữ Xuân có nghĩa là động, sống động.[5]

Mùa Xuân, sau những giọt mưa Xuân, các loài đông miên (animaux hibernants) bừng tỉnh dậy, và mầm mộng cây cối cũng bắt đầu thoát ra khỏi vỏ.

Mùa Xuân gồm có 3 tháng:

- Tháng giêng (tháng Dần). Dần nghĩa là tấn tuồng vũ trụ bắt đầu được trình diễn. Chữ Dần thêm bộ thủy thành chữ diễn ).[6]

- Tháng hai (tháng Mão). Mão nghĩa là cửa trời đất mở ra để vạn vật đua sống.[7]

- Tháng ba (tháng Thìn). Thìn có nghĩa là chấn động, phân phát. Chữ Thìn thêm bộ trên đầu thành chữ chấn .[8]

Mùa Xuân cũng như các mùa khác, còn được chia thành 6 tiết khí. Mỗi tiết hay khí được chia thành 6 hậu. Như vậy mỗi tiết hay khí có 15 ngày, mỗi hậu là 5 ngày.

Thiên Nguyệt Lệnh sách Lễ Ký đã mô tả những hiện tượng thiên nhiên quan sát được trong mùa Xuân, qua các tiết hậu như sau:

- Lập Xuân (đầu tháng giêng: primum ver).

            1. Gió thổi làm tan băng giá (đông phong giải đống).

            2. Các loài sâu bọ sống trong đất bắt đầu giao động (trập trùng thủy chấn).

            3. Cá ngoi lên trên lớp băng (ngư thướng băng).

- Vũ Thủy (mưa rơi; cuối tháng giêng)

            4. Rái cá bắt cá (bắt cá tế thần: lại tế ngư).

            5. Chim hồng chim nhạn bắt đầu bay về (hồng nhạn lai).

            6. Mưa bắt đầu rơi (thủy vũ thủy).

- Kinh Trập (các loài sâu bọ giao động; đầu tháng hai).

            7. Đào bắt đầu nở hoa (đào thủy hoa).

            8. Chim oanh bắt đầu líu lo (thương anh minh).

            9. Chim ưng hóa thành chim gáy (?) (ưng hóa vi cưu).

- Xuân Phân (giữa mùa Xuân: Équinoxe du printemps; cuối tháng hai).

            10. Nhạn đen trở về (huyền điểu chí).

            11. Bắt đầu có sấm (lôi nãi phát thanh).

            12. Bắt đầu có chớp. Các loài đông miên phá tổ ra ngoài (thủy điện, trập trùng cảm động, khải hộ thủy xuất).

- Thanh Minh (tiết trời trong sáng; đầu tháng 3).

            13. Ngô đồng (vông) bắt đầu nở hoa (đồng thủy hoa).

            14. Chuột đồng hóa thành chim cút (?) (điền thử hóa vi như).

            15. Cầu vồng bắt đầu mọc (hồng thủy hiện).

- Cốc Vũ (mưa để nuôi lúa; cuối tháng 3).

            16. Bèo bắt đầu sinh (bình thủy sinh).

            17. Các mầm mộng nhất tề mọc lên (cứ giả tất xuất, giả tất đạt).

            18. Chim tu hú vỗ cánh rỉa lông trên các ngàn dâu (minh cưu phất kỳ vũ, đái thắng giáng vu tang).

Về hàng thập Can, Xuân ứng với chữ Giáp, Ất.

- Giáp là phá vỏ mà ra.

- Ất là hãy còn cụp, chưa vươn lên được.[9]

Như ta đã thấy, hiện tượng thoát khỏi lòng đất, thoát khỏi vỏ là một hiện tượng thiên nhiên quan trọng trong ngày Xuân. Vì thế nên trong ngày Xuân thuở xưa, vua và quần thần phải ra đồng cày mỗi người một hay vài ba luống, chẳng những là để làm gương cho dân nên bắt tay ngay vào công việc đồng áng, mà còn là để làm một động tác tượng trưng: phá vỡ mặt đất để giúp cho muôn vật sớm vươn lên.

Về bát quái, Xuân ứng với quẻ Chấn, vì chấn là sấm động. Người xưa cho rằng ngày Xuân sấm động làm rung chuyển lòng đất cho muôn loài có sức mọc lên.

Về màu sắc, Xuân ứng với màu xanh, vì màu xanh là màu của cây cỏ lúc đang xuân.

Về phương hướng, Xuân ứng với phương đông, vì Xuân cũng ấm áp, cũng sáng láng như mặt trời mới mọc ở phương đông.

Về đức hạnh, Xuân ứng với đức Nhân, nên trong mùa Xuân, nhà vua xưa tránh sự sát phạt, mà chỉ tưởng thưởng, cầu hiền.

Đối với tứ linh, Xuân ứng với rồng. Rồng là con vật đông miên; lúc mưa Xuân sẽ tỉnh dậy và dùng sừng húc tung đất ra để sống lại cuộc sống vẫy vùng, ngang dọc như xưa. Thiên văn học sẽ khai thác sự tương ứng này.

 

Thiên văn với Tết với Xuân

Những điều vừa trình bày trên sẽ giúp ta hiểu rõ những liên lạc giữa Thiên văn với Tết với Xuân.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng người xưa cho rằng trời đất người phải hài hòa cộng tác với nhau. Cho nên, người xưa đặt tên các sao dựa vào các công việc và các ước mơ của con người, để tùy theo khí tiết, tùy theo sự vần xoay của bốn mùa, cứ xem sao là biết mình phải làm gì.

Cũng vì thế mà Xuân ứng với chòm sao Thanh Long trong Nhị thập bát tú.[10]

Chòm sao Thanh Long gồm 7 nhóm sao là: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.

Giác là sừng rồng,[11] Cang là cổ rồng,[12] Đê là ngực rồng,[13] Phòng là bụng rồng,[14] Tâm là tim rồng,[15] Vĩ và Cơ là đuôi rồng.[16]

1. Sao Giác (a , s de la Vierge)

Léopold Saussure viết: «Sao Giác, sao Cang tượng trưng cho ngày Lập Xuân của Trung Hoa.» [17]

Ngày Xuân, vạn vật dưới gian trần dùng mầm, dùng đầu, dùng sừng để húc ra khỏi đất, khỏi vỏ thì ở trên trời sao Giác chính là sừng rồng cũng như muốn húc để giúp muôn loài chóng được trổ sinh.[18]

2. Sao Thiên Điền (phụ tinh của sao Giác)

Phía Bắc sao Giác có sao Thiên Điền (gồm hai sao s t de la Vierge). Sao Thiên Điền như muốn nhắc lại sự tích đã ghi trong Nguyệt Lệnh của Lễ Ký:

Tháng đầu Xuân, vua đem cày lên xa giá, dẫn công khanh, đại phu, chư hầu, thân chinh ra cày tại tịch điền.[19]

3. Sao Tiến Hiền (phụ tinh của sao Giác)

Phía Tây sao Giác có sao Tiến Hiền (đó là các sao y , x, g và k de la Vierge). Sao này nhắc nhở nhà vua ngày Xuân nên đi tìm hiền tài còn mai danh ẩn tích trong nước.[20]

4. Sao Cang (i , x , l , m de la Vierge)

Sao Cang ngoài nghĩa là cổ rồng, còn có nghĩa là buổi sớm. Sao Cang như muốn nhắc nhớ rằng sáng sớm ngày đầu Xuân, vua phải thiết triều cho bá quan chúc tụng, để đánh dấu một năm mới, một triều đại mới.[21]

5. Sao Đê (các sao a , b , g , i de la Balance)

Sao Đê mọc vào khoảng Xuân Phân, khi vạn vật đã đi đến chỗ thành toàn. Nếu sao Đê mà sáng sủa, thì trần gian sẽ được hạnh phúc. Nếu nó mờ tối, thì thiên hạ sẽ lắm tai ương, tật bệnh.[22]

6. Sao Đế Tịch (phụ tinh của sao Đê)

Sao Đế Tịch (d de Bayer, no 208 de Flamsteed) nhắc nhớ rằng ngày Xuân, vua ban yến diên cho chư hầu và quần thần.

Ngày Xuân là những ngày ăn uống thoải mái. Chẳng những vua chúa yến diên mà nhà nông cũng mặc tình ăn uống. Sách Trí phú kỳ thư có một bài thơ ngũ ngôn trường thiên tả cảnh tết nhất, uống ăn của nhà nông xưa. Xin lược dịch thành mấy câu lục bát sau đây:

            «Nhà nông trọng buổi đầu năm,

  Cỗ bàn làng xóm đãi đằng mua vui.

            Trẻ già áo xống hẳn hoi,

  Rủ nhau thức dậy lúc trời hừng đông.

            Cụ ông đầu bạc răng long,

  Vẫn cùng con cháu thung dung cười đùa.

            Cụ bà hiền lại thêm từ,

  Mái sương phơ phất, lòa xòa mang tai.

            Cỗ bàn bày sẵn suốt ngày,

  Ăn ăn uống uống no say phỉ tình.

            Gọi nhau ngồi xếp vòng quanh,

  Người già kẻ yếu thời dành ưu tiên…

            Ruộng đồng cần sức canh điền,

  Phải nên xới bón, phải nên gieo trồng.

            Đầu năm chẳng khá ở không,

  Đầu Xuân là lúc việc đồng bắt tay.» [23]

7. Sao Phòng (b , d , h , r du Scorpion)

Phòng vừa có nghĩa là bụng rồng, vừa có nghĩa là chuồng trâu bò. Ý nói rằng: mùa Xuân, vào khoảng Xuân Phân, người ta có thể thả trâu bò ra đồng ăn cỏ được rồi.

Sao Phòng mọc vào khoảng Xuân Phân. Lúc ấy cũng nên cho ngựa đi giống. Sách Chu Lễ viết: «Ngày Xuân Phân là lúc Âm Dương giao hợp, cho nên nên cho ngựa đi giống.» [24]

8. Sao Điếu Linh và sao Kiện Bế (phụ tinh của sao Phòng)

Sao Điếu Linh (sao Cái Khóa: các sao w 3363 và 3365 du Scorpion hay dh du Scorpion) và sao Kiện Bế (v , w du Scorpion) nhắc nhớ nhà vua rằng trong tháng giữa mùa Xuân nên để cho nhân dân được thanh thản. Cho nên trong thời kỳ này, nhà vua giảm bớt hình phạt cho dân, tha cùm xiềng cho phạm nhân, không bắt người bừa bãi, không xét xử việc hình án.

Lại cũng nên để cho vạn vật thong dong thoải mái, nên thời kỳ này, vua truyền cấm không được vét ao hồ, đốt rừng rú, quấy phá những cây còn non. Lại truyền săn sóc trẻ nhỏ, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Thế là trong ngày Xuân, nhà vua bắt chước Trời thi ấn bố đức cho thiên hạ.[25]

9. Sao Đông Hàm, Tây Hàm (phụ tinh của sao Phòng)

Phía Bắc các sao Phòng và Tâm có sao Đông Hàm (x , y , w du Serpentaire) và sao Tây Hàm (A , q , h , S de la Balance).

Hàm là kết hợp, hòa hợp. Đại khái các sao này nhắc nhớ không nên bê tha sắc dục trong tháng giữa Xuân kẻo sinh con có tật nguyền.[26]

10. Sao Tâm (s , c du Scorpion)

Sao Tâm có nhiều ý nghĩa:

a. Nó nhắc nhớ lễ đốt lửa mới ngày Thanh minh vào buổi sáng sớm. Vì thế có thơ rằng:

  Hàn thực, hoa gian, thiên thụ tuyết,

  Thanh minh, nhật xuất, vạn gia yên.

  (Tuyết lẫn ngàn cây ngày Hàn thực,

  Khói tuôn vạn nóc, sớm thanh minh.) [27]

b. sao tâm cũng nhắc nhớ nhà vua nên thương dân, mở kho lẫm mà chẩn tế cho người nghèo, vì mọi người là tâm của trời đất, mà vua thì đứng đầu mọi người.[28]

11. Sao Vĩ (9 sao ở đuôi chòm Scorpion; tức là e , M , 2 , 1 , n , q , i , x , l , v du Scorpion)

Sao Vĩ mọc vào khoảng cuối tháng 3. Sao Vĩ còn có tên là Triết Mộc. Sách Điền Gia Lịch cho rằng đốn cây vào kỳ sao Vĩ mọc tức là vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4, sẽ đỡ bị mọt.[29]

12. Sao Cơ (g , d , e du Sagittaire et b du Télescope)

Sao Cơ tương ứng với đuôi rồng. Theo từ nguyên, chữ Cơ còn có nghĩa là cái bồ đựng phân bón. Ý nói rằng vào khoảng cuối tháng 3 phải bón ruộng, đồng thời cũng phải diệt cỏ dại làm hại hao mầu. Sách Trí phú kỳ thư có câu thơ:

  «Xuân thiên thủy mãn, tu lăng biểu,

  Hảo biện thanh tiền, mịch phẩn khôi.»

  (Mùa Xuân nước lớn nên làm cỏ,

  Biện sẵn tiền nong, sắm phân tro.)[30]

Trên đây là chỉ là đại cương về ý nghĩa của ít nhiều vì sao đối với ngày Xuân ngày Tết.

Vì khuôn khổ của tờ báo, tôi đã lược qua nhiều chi tiết, đã bỏ bớt nhiều phụ tinh và chỉ trình bày những điêèu chính yếu.

Tuy vậy bài này vẫn giúp ta có được những nhận định sau:

- Người xưa bàn về Thiên văn mà không lạc vào huyền thoại, mà vẫn giữ được tính cách thiết thực hữu ích.

- Các vì sao hoặc là nhắc nhớ những công trình phải làm trong triền năm, hoặc là khuyến thiện trừng ác.

- Người xưa đã muốn biến bầu trời với muôn tinh tú thành tấm gương khổng lồ phản chiếu lại công việc của trần hoàn, làm cho trời đất người trở thành một khối duy nhất bất khả phân.

Dịch Kinh viết: «Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình.» [31] Hình thời đà rõ rệt, tượng thời còn mung lung, nhưng hai đàng vẫn hòa hài như là hình với bóng.

Volney viết: «Các tinh tú, hoặc từng vì sao, hoặc từng nhóm sao, đã được đặt tên theo những công việc của người, hay của thiên nhiên, và bầu trời trở thành một tấm gương phản chiếu lại những công việc nơi trần thế.» [32]

„ Người xưa chẳng những đã dùng văn tự, sách vở mà còn dùng các vì sao trên trời để viết công chuyện trần hoàn. Như vậy chứng tỏ người xưa có những ước mơ to tát: muốn cho mình có một tầm kích vô biên, vì mỗi vì sao vĩ đại trên trời mới nói lên được có một động tác nào đó của con người. Còn gì vinh dự cho con người hơn bằng sự đã dám lấy vũ trụ làm nhà, lấy mặt trời, mặt trăng, ngũ tinh và Nhị thập bát tú làm lịch, và các vì tinh tú trên trời làm những ngôn ngữ để chép nên lịch sử của mình…

Để kết thúc bài này, tôi xin chân thành cầu chúc quý vị độc giả:

            Vui như Tết, đẹp như Xuân,

  Cùng muôn tinh tú chung phần thanh cao.

 


CHÚ THÍCH

[1] Đã đăng tạp chí Phương Đông, số kép 8-9, tháng 2,3-1972, Xuân Nhâm Tý.

[2] Tài liệu trên của ông Lê Hồng Phong chưa chắc đã chính xác. Nhà Chu, theo Xuân Thu và Lễ Ký (thiên Nguyệt Lệnh), chắc chắn đã lấy tháng giêng làm tháng đầu năm. Đầu sách Xuân Thu viết: «Xuân vương chính nguyệt.» Lễ Ký (thiên Nguyệt Lệnh) cũng bắt đầu bằng câu: «Mạnh Xuân chi nguyệt.»

[3] Nguyên đán tiên vương chi chính thời dã. Lý đoan ư thủy. Tả Truyện, cf. Gustave Schegel, Uranographie chinoise, p. 94.

[4] Le 25-XII était l’anniversaire du Dieu solaire et particulièrement celui de Mithra et ce n’est que depuis le 4e siècle que ce jour fut adopté pour la date - inconnue - de la naissance de Jésus. cf. La Dignité humaine, p. 139.

[5] Dương khí động vật ư thời vi Xuân. Xuân xuẩn dã. Vật xuẩn sinh nãi động vận. (Tiền Hán Thư luật lịch chí) (G. Schlegel, p.83, note 4)

[6] Giải theo Uyên Hải Tử Bình.

[7] Giải theo Gustave Schegel, Uranographie chinoise, p.42.

[8] Giải theo Uyên Hải Tử Bình.

[9] Giải theo Uyên Hải Tử Bình.

[10] Nhị thập bát tú gồm có bốn chòm sao: Thanh Long (Đông), Chu Tước (Nam), Bạch Hổ (Tây), Huyền Võ (Bắc) ứng với Tứ Linh: Long , Tước, Hổ, Qui.

[11] Giác là sừng rồng. cf. G. Schlegel, sđd., p.87.

[12] Cang nhân cảnh dã (Thuyết Văn). Cang điểu lung (Nhĩ Nhã - Thích điểu). G. Schlegel, sđd., p.98, note 1.

[13] Đê: Đông phương Thanh Long thất tú, Đê hung (Thạch Thân, Tinh Kinh) G. Schlegel, sđd., p.102, note 1.

[14] Phòng: Đông phương Thanh Long thất tú, Phòng phúc (Thạch Thân, Tinh Kinh) G. Schlegel, sđd., p.113, note 2.

[15] Hỏa (tức tâm): Thanh Long chi trung tinh (Thư Kinh - Nghiêu điển truyện) G. Schlegel, sđd., p.138.

[16] Vĩ: Thanh Long chi vĩ dã (Tinh Kinh) G. Schlegel, sđd., p.153, note 3. Cơ: Cơ long vĩ da (Nhĩ Nhã, Quách chú) G. Schlegel, sđd., p.161, note 2. Cơ tại thanh long chi mạt, cố vân long vĩ. (Hình sớ) G. Schlegel, sđd., p.161, note 3.

[17] Ainsi par exemple, les cornes du Dragon … sont dans l’Uranographie chinoise le signe du Li-tch’ouen (lập xuân) le repère du commemcement de l’année. cf. L. Saussure, Les Origines de l’Astronomie chinoise, p.280.

[18] G. Schlegel, sđd., p.87.

[19] Cf. Nguyệt Lệnh, Lễ Ký. Nguyễn văn Thọ, Khổng Học Tinh Hoa, p.342.

[20] G. Schlegel, sđd., p.92.

[21] G. Schlegel, sđd., p.93-96.

[22] G. Schlegel, sđd., p.102-104.

[23] Điền gia trọng nguyên nhật,

Trí tửu hội lân lý.

Tiểu đại dịch tân y,

Tương giới vị minh khởi.

Lão ông niên dĩ mại,

Hàm tiếu lộng tử tôn.

Lão ẩu huệ thả từ,

Bạch phát bị lưỡng nhĩ.

Bôi bàn nhật la liệt,

Ẩm thực trí cam chỉ.

Tương hô đoàn loan tọa.

Liêu úy ai mộ tư,

Điền khao tạ nhân lực.

Phân nhưỡng yếu sự lý.

Tân tuế bất cảm nhàn.

Nông sự tự tư thủy.

Trí phú kỳ thư. cf. G. Schlegel, sđd., p. 108.

[24] Biot, le Tcheou-li, Tome II, tr.260.

[25] G. Schlegel, sđd., p. 126-131.

[26] G. Schlegel, sđd., p. 131-132.

[27] G. Schlegel, sđd., p. 138-151.

[28] G. Schlegel, sđd., p. 150.

[29] Tứ nguyệt phạt mộc bất chú. Trí phú kỳ thư, Điền Gia Lịch) G. Schlegel, sđd., p. 156.

[31] Hệ Từ Thượng, chương I.

[30] G. Schlegel, sđd., p.161-168.

[32] «Les étoiles indivuellement ou en groupes, avaient reçu des noms tirés des opérations de l’homme ou de la nature pendant la révolution solaire; et le ciel astronomique était devenu comme un miroir de réflexion de ce qui se passait sur la terre.» G. Schlegel, sđd., p.74. - Volney édit de 1826, Tome V, tr. 168.