THÚ DÙNG TRANH TẾT ĐỂ CHÚC TẾT [1]

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

L úc còn bé, ở ngoài Bắc, tôi nhớ cứ vào mỗi dịp Tết là mọi người dân quê lại đua nhau đi sắm tranh Tết về treo nhà: tranh gà, tranh lợn, tranh cóc, tranh chuột, tranh cá, tranh Nhị Thập Tứ Hiếu, tranh chinh Đông, chinh Tây, v.v.

Lúc ấy tuy chưa biết gì về nghệ thuật, nhưng tôi cũng rất thích học thuộc lòng những sự tích và những lời lẽ viết trong tranh như:

            Yêu trẻ trẻ đến nhà,

            Trọng già, già để tuổi cho.

Hay:     Thuyền theo lái, gái theo chồng.

Hay:     Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn. v.v.

Lớn lên, ra tỉnh học, ít khi tôi còn được dịp ngắm tranh Tết bình dân, mỗi độ xuân sang.

Sau này vào miền Trung phục vụ, tôi hầu như quên bẵng đi mất những loại tranh Tết ấy.

Thế nhưng, năm 1961, nhân một chuyến ghé Paris ít ngày, một hôm đang thơ thẩn ở khu Quartier Latin, nơi có nhiều Việt Kiều ở, bỗng nhiên tôi nhìn thấy một hiệu sách Việt Nam. Tò mò tôi ghé vào xem, thì thấy hiệu sách đó rất là sơ sài, chỉ bày bán ít truyện Tàu cổ, và những bức tranh lợn, tranh gà cổ điển.

Tôi hết sức ngạc nhiên vì thấy ở ngay Paris mà người ta lại thích những loại tranh Tết bình dân mộc mạc ấy.

Rồi tôi lại được biết rằng hiện có những họa sĩ chuyên khảo về những loại tranh mộc bản kể trên. Hơn thế nữa, vào năm 1960, ông Maurice Durand cũng đã cho ấn hành quyển Imagerie populaire vietnamienne rất phong phú và giá trị.

Từ đấy tôi lưu tâm đến tranh Tết và dần dần tôi mới nhận ra tầm quan trọng của những tranh Tết về nhiều phương diện như:

- Dân tộc học,

- Nghệ thuật dân tộc cổ truyền,

- Thú chơi chữ chơi tranh của tiền nhân,

- Cách dùng tranh Tết để tuyên truyền cho chính quyền, v.v.

Cho nên trước khi bàn về thú dùng tranh tết để chúc tết, tôi muốn bàn qua về các khía cạnh của tranh Tết.

Trước hết là về phương diện dân tộc học, tranh Tết đã có cả ngàn năm lịch sử.

Có người cho rằng tranh Tết đã có từ thời nhà Lý (1010-1225), có người lại cho rằng nó đã có từ thời nhà Hồ (1400-1414), và được phát triển mạnh nhất vào cuối thời Lê (1533-1788).

Chính vì thế mà tranh Tết có một sắc thái dân tộc hết sức độc đáo và một truyền thống hết sức độc đáo. Tất cả đều đậm đà sắc thái Việt Nam, từ những bản khắc, những giấy tranh, cho đến những màu sắc, những hình ảnh, những đề tài, nhưng không vì thế mà giảm mất giá trị, mất phong vị.

Về phương diện nghệ thuật, tranh Tết thực là một loại nghệ thuật hết sức bình dân và hết sức Việt Nam.

Tranh Tết chỉ có mấy nơi làm nhưng chuyên môn nhất, lâu đời nhất và theo đúng nề nếp cổ truyền nhất là tranh làng Đông Hồ (Bắc Ninh). Thứ đến là những tranh Hàng Trống, sản xuất tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Cuối cùng là tranh Nam Đàn (Nghệ An) phỏng theo kỹ thuật cổ truyền của làng Đông Hồ.

Những bản khắc tranh thường bằng gỗ thị, thớ gỗ vừa cứng vừa nhuyễn, lại không bị mọt, nên có nhiều khi một bản khắc được dùng cả trăm năm.

Những giấy làm tranh thường là giấy bản hồ bằng thứ phấn trắng làm nền. Thứ phấn này lấy ở vỏ con sò (điệp) nung lên và đem tán nhỏ gọi là phấn điệp.

Màu sắc thì có năm màu, gọi là thuốc cái:

1- Phấn trắng lấy ở vỏ sò tán (điệp), nên gọi là thuốc điệp.

2- Xa thanh (xanh óng ánh xà cừ).

3- Mực Tàu.

4- Kim nhũ.

5- Ngân nhũ.

Ngoài ra cũng còn có nhiều màu khác. Mỗi màu lại có nhiều sắc thái.

Như đỏ thì có: hoa hiên, điều, son, cánh quế thẫm, cánh sen nhạt, phấn hồng, màu hoa đào.

Vàng thì có vàng thẫm, vàng nhạt, hoa lý.

Xanh thì có xanh nhạt màu hồ thủy hay hòa bình, hay nguyệt bạch, xanh lá cây, xanh lam, v.v.

Nâu thì có cánh kiến.

Các màu khi trộn với nhau, hay khi tô lên giấy, người ta thường pha thêm vào chút hồ tẻ loãng cho bớt thấm, bớt loang ra giấy.

«Màu đen thì lấy ở than rơm, than lá tre càng đun nấu và ủ lâu ngày càng đậm lại lúc in, màu đen dần dà lại có một chất xôm xốp rất quý; màu xanh lấy ở rỉ đồng; màu lam lấy ở lá chàm; màu vàng lấy ở hạt dành hoặc hoa hòe; màu trắng thì lấy ở vỏ sò, vỏ hến hầm đốt, dùng làm điệp quét lên giấy bản, hoặc dùng để in lên tranh xen lẫn với các màu khác, tạo ra một sắc thái riêng biệt và quý.» [2]

Ông Lê Văn Hòe trong bài Lẽ sống của tranh gà, tranh lợn trong số Xuân Văn Nghệ 1953, đã bình về tranh Tết như sau:

«Tranh gà, tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như mầu lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như nấm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cầy, toàn những màu sắc quen thuộc thân mến từ bao nhiêu đời người rồi. Những màu sắc in sâu vào tâm não nông dân hết thế hệ này đến thế hệ khác, thành những màu sắc dân tộc rồi. Những màu sắc xanh đỏ chói rực rỡ của tranh Tầu tranh Tây nó chướng quá, nó không mộc mạc quen thuộc như những màu xanh đỏ, thô kệch điềm đạm thật thà của tranh lợn, tranh gà.»

Đề tài của tranh thật hết sức giản dị: con gà, con lợn, con cóc, con cá, cậu bé con, ông lão già, quả đào, quả lựu, quả phật thủ, hoa sen, hoa cúc, v.v. hoặc những cảnh sinh hoạt của đồng quê hư đi cầy, đi cấy, gặt lúa, xay thóc, tát nước, hái dừa, làm mùa, úp nơm, mò cua, bắt óc, gánh mạ, dắt trâu đi cầy, cho trâu nằm nghỉ, v.v. hoặc những cảnh ăn chơi ngày hội, ngày hè như đánh đu, đô vật, rước rồng, v.v.

Cách phục sức của người trong tranh cũng hết sức mộc mạc: trẻ con thì để trái đào, đàn ông thì búi tóc củ hành, đàn bà thì vấn khăn, tóc đuôi gà, mặc yếm, mặc váy, xúng xính với những thắt lưng, ruột tượng, v.v.

Chính vì cái giản dị ấy, cái mộc mạc ấy, mà tranh được dân chúng ưa chuộng.

Hơn nữa những tranh Tết xưa đem bán ra với một giá bình dân, rẻ mạt, nên dẫu nghèo đến đâu cũng có thể mua được vài bức đem về dán tại nhà.

Tranh Tết tuy là mộc mạc, nhưng không vì thế mà kém đi phần cao siêu. Nó cũng đã diễn đạt được hết những hoài bão, ước mơ của quần chúng, những sự châm biếm, hài hước, những lời chúc tụng, và cũng có những lối chơi chữ, dùng tranh làm chữ để chúc Xuân, mà chỉ những người có ăn có học mới thưởng thức được hết cái thi vị của chúng. Lát nữa đây chúng ta sẽ trở lại vấn đề quan trọng này.

Những bậc thức giả xưa cũng đã sớm biết dùng tranh Tết để phổ biến đạo lý vào trong dân gian, vì thế mới có những loại tranh Nhị thập tứ hiếu, Chính khí ca, loại tranh phương ngôn, v.v.

Người Pháp thời còn đô hộ nước ta đã sớm nhận ra tầm quan trọng của tranh Tết nên đã mượn chúng làm lợi khí tuyên truyền cho chính phủ Pháp.

Ví dụ, trên bức tranh con gà trống, ta thấy đề: Pháp Nam phục hưng và những lời thơ sau đây:

  Sung sướng như chúng ta,

  Thực là nhờ Lang Sa.

  Giếng sâu mạch nước tốt,

  Cây cao bóng rợp xa.

(Nên nhớ: biểu tượng của nước Pháp là con gà trống. Đó cũng là cách chơi chữ.)

Hoặc trong bức tranh thần Vũ Đinh giữ cửa, ta thấy ghi:

«Nước Pháp chẳng bao giờ quên cái sứ mạng thiêng liêng giữ thái bình thịnh trị cho Đông Dương.»

Thế tức là ngụ ý coi nước Pháp là thần Vũ Đinh che chở cho nhà Việt Nam.

Nhân tiện cũng nên ghi nhận rằng tranh Tết thời Pháp thuộc cũng đổi chủ đề ít nhiều (nhất là những tranh Tết Hàng Trống) và mang nhiều ảnh hưởng văn minh Tây Phương, muốn khuyên dân nên theo nếp sống mới, như đi xe đạp, hút thuốc lá, đánh tennis, tập thể dục, v.v.

 

 

A. CHÚC TẾT BẰNG TRANH CHỮ

Gọi là tranh chữ vì nhiều tranh chỉ có một chữ, mỗi chữ lại được vẽ rất lớn, cũng có khi còn được điểm tô bằng nhiều hình ảnh rất công phu. Những tranh chữ thường có những sau đây:

- Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh.

- Phúc, Đức.

- Phúc, Thọ.

- Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Tranh chữ Phúc còn thấy có câu: Phúc như Đông Hải. Tranh chữ Thọ còn thấy có câu: Thọ tỷ Nam Sơn.

Tranh chữ cũng có thể là vừa tranh vừa chữ. Trong bức tranh, trên mỗi hình vẽ lại có một câu chúc tụng ngắn. Ví dụ:

- Tiến lộc tiến tài (vẽ trên hai lọ lục bình có cắm hoa sen, do hai vị quan văn hay hai vị thần văn cầm).

- Tích ngọc đôi kim (vàng bạc chất đống).

- Chiêu tài tiến bảo (có thêm tiền của; tranh hai chú bé: một chú cầm quả đào để chữ tích ngọc đôi kim, một chú cầm quả phật thủ đề chữ chiêu tài tiến bảo).

- Cao thăng lộc vị (vẽ hai vị quan cầm ngọc như ý, bên cạnh có ghi bốn chữ cao thăng lộc vị).

- Nhất bản vạn lợi (ghi trên bức tranh vẽ các cảnh nhà nông như xay thóc, đập lúa, gánh lúa, vác cầy ra ruộng, cấy lúa).

- Đinh tài tương vượng (con cái của cải đều vượng; hình hai chú bé ôm nhau ngồi bên cạnh hũ vàng, người anh đang cầm quyển sách, trên có ghi đinh tài tương vượng).

- Trường sinh, bình an (tranh ông lão gánh hai quả lựu, mang chữ trường sinh; tranh ông lão gánh hai quả đào, mang chữ bình an).

- Đào hiến thiên xuân (đào dâng nghìn tuổi xuân; tranh ông lão cầm quả đào).

- Lựu khai bách tử (quả lựu mở sinh trăm con; tranh ông lão cầm quả lựu bóc dở, cho trông thấy hạt).

- Phú quý vinh hoa vạn vạn niên (đề trên tranh vẽ ba đứa trẻ đang chơi với hoa, với chim).

- Nhất gia hòa khí tử tôn hiền (đề trên tranh vẽ ba đứa trẻ đang chơi chim, cá).

- Xuất môn nghinh bách phúc, nhập hộ chúc tam đa (đề trên bức tranh hai đứa trẻ đầu đội dĩa đào, dĩa lựu, tay mang lộc bình cắm hoa sen, hoa cúc).

- Thiên hạ thái bình, quốc gia thịnh trị.

- Thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc (viết trên tranh vẽ người nông phu ngồi nghỉ dưới gốc cây, bên cạnh cái cày, ấm nước và con trâu nằm nghỉ; hoặc trên tranh vẽ người nông phu ngồi nghỉ dưới bóng liễu, bên cạnh cái bừa và con trâu nằm nghỉ).

 

B. CHÚC TẾT BẰNG HÌNH ẢNH

Người xưa nhiều khi không dùng chữ, mà chỉ dùng hình ảnh để nói lên lời chúc nguyện. Có hai cách sử dụng hình ảnh:

1. Coi hình ảnh như là một tượng trưng

2. Coi hình ảnh như là một chữ

1. Coi hình ảnh như là một tượng trưng

- Quả đào tượng trưng cho sự sống lâu.

- Quả lựu tượng trưng cho sự đông con cái.

- Con lợn đực tượng trưng cho sự sung túc.

- Con lợn cái với bầy con tượng trưng cho sự sung túc và con cái đầy đàn.

- Con gà mái với bầy con tượng trưng cho gia đình đông đúc, đầm ấm.

- Con công tượng trưng cho sự bình an thịnh vượng.

- Con hạc biểu hiện sự sống lâu.

- Con cóc tía tượng trưng cho sự giàu có, can đảm, và cái gì quý báu, khó kiếm ra được.

- Cậu bé con tượng trưng cho con cái đầy đàn.

- Quan văn tượng trưng cho tước lộc.

- Ông già tượng trưng cho sự sống lâu.

- Quyển sách tượng trưng cho sự may mắn về đàng công danh, khoa cử.

- Rồng tượng trưng cho hạnh phúc.

- Phượng tượng trưng cho sự trường thọ.

- Cá vượt vũ môn tượng trưng cho sự thi đỗ.

 

2. Dùng hình ảnh thay chữ

Người ta cũng có thể dùng hình ảnh thay chữ, vì hình ảnh ấy đọc giống hay gần giống một chữ Hán nào đó, ví du:

- Vẽ con gà (Kê ) thay chữ Cát (tốt lành) vì chữ Kê đọc gần như như Cát.

- Vẽ cái bình (Bình ) để thay chữ Bình (bình an).

- Vẽ con cá (Ngư ) thay cho chữ Dư (dư thừa), vì Ngư và Dư đọc gần như nhau.

- Vẽ hoa sen (Liên , Hà ) thay chữ Liên (liên tục) hay thay chữ Hòa (hòa hợp).

- Vẽ quả thị, cành thị (Thị ) thay chữ Sự (sự việc) vì hai chữ đọc giống nhau.

- Vẽ ngọc như ý thay cho hai chữ Như Ý 如 意.

- Vẽ hoa cúc (Cúc ) thay chữ Cửu (lâu), Cư (ở) hay Cử  (tất cả).

- Vẽ con dơi (Biên Phúc 蝙 蝠) thay chữ Phúc (hạnh phúc). Vẽ 5 con dơi thời đọc là Ngũ Phúc 五 福.

- Vẽ con mèo (Miêu ) thay chữ Mạo (già 80 tuổi).

- Vẽ con bướm (Điệp ) thay chữ Điệt (già 70 tuổi).

- Vẽ bông hoa (Hoa ) thay chữ Vinh Hoa 榮 華.

- Vẽ cái kích (Kích ) thay chữ Cát (tốt lành).

- Vẽ ống sáo (Sinh ) thay chữ Sinh (sinh nở) hay chữ Thăng  (bay lên).

- Vẽ quả lựu (Lựu ) thay chữ Lưu (đời).

- Vẽ cây bầu (Đại) thay chữ Đại (đời).

- Vẽ con hươu (Lộc 鹿) thay chữ Lộc  祿  (lộc), v.v.

CÁCH DÙNG HÌNH ẢNH ĐỂ CHÚC TỤNG

Hiểu được các cách ngụ ý trên, ta sẽ hiểu cách dùng hình ảnh để chúc Tết.

Ví dụ:

1. Vẽ hình quả đào với 5 con dơi là Ngũ Phúc. Mà Ngũ Phúc theo Hồng Phạm Cửu Trù trong Kinh Thư là:

  + Giàu (Phú )

  + Sống lâu (Thọ )

  + Khỏe mạnh (Khang ninh 康 寧)

  + Yêu nhân đức (Du hiếu đức 攸 好 德)

  + Chết êm ái (Khảo chung mệnh 考 終 命)

2. Vẽ hoa cúc (tượng trưng phúc thọ) với một giải lụa dài (bàn trường) là muốn chúc: Phúc thọ bàn trường 福 壽 ○長 . Vẽ hoa cúc với con chim hoàng tước là chúc cử gia hoan lạc 舉 家 歡 樂 (cả nhà yên vui), vì Cúc  đọc gần như chữ Cử , chữ Hoàng  đọc gần như chữ Hoan (vui).

3. Vẽ quả phật thủ với con bướm là chúc Điệp thọ 耋 壽 (sống lâu đến 70-80), vì quả phật thủ tượng trưng cho Thọ hay Phúc, con bướm (Điệp ) thay chữ Điệp (Điệt) là già 70 tuổi.

4. Vẽ quả phật thủ (phúc) với quả đào (thọ) và quả lựu (đông con) là chúc: đa phúc, đa thọ, đa nam tử.

5. Vẽ quả phật thủ, quả đào, quả lựu với 9 miếng ngọc như ý là có ý chúc: tam đa cửu như 三 多 九 如 , nghĩa là chúc cho phúc thọ, con cháu đầy đàn, bền vững. Theo Kinh Thi (Tiểu nhã- Thiên bảo), cửu như là:

  - Như núi (như sơn 如 山),

  - Như gò (như phụ 如 阜),

  - Như đồi (như cương 如 岡),

  - Như nổng (như lăng 如 陵),

  - Như sông nước cuồn cuộn chảy (như xuyên chi phương chí 如 川 之 方 至),

  - Như mặt trăng lâu dài (như nguyệt chi hằng 如 月之 恆 ),

  - Như mặt trời đang lên (như nhật chi thăng 如 日之 升),

  - Như núi Nam trường thọ (như Nam sơn chi thọ 如 南山 之 壽),

  - Như tùng bách luôn tươi xanh (như tùng bách chi mậu 如 松 柏 之 茂).

6. Vẽ quả lựu đã bóc vỏ một phần để lộ hạt ra là có ý chúc: lựu khai bách tử 榴 開 百 子 (lựu mở sinh trăm con).

Nếu vẽ quả lựu với 5 cậu bécon là ý chúc cho con cái sau này đều dương danh hiển đạt như 5 con của ông Đậu Yên Sơn đời Tống.

Có khi lại vẽ quả lựu (Lựu > Lưu )[3] với cái mũ (Quan  > Quan ), cái đai lưng (Đái ), cái thuyền (Thuyền > Truyền ), đó là chúc: Quan đái truyền lưu 官 帶傳 流 (được phong quan tước nhiều thế hệ).

7. Vẽ cành thị (Thị > Sự ) với ngọc như ý (Như ý 如 意) với một giải lụa dài (bàn trường) là có ý chúc: Sự sự như ý bàn trường 事 事 如 意 ○長 (làm gì cũng được như ý mãi mãi).

Vẽ cành thị với cái kích (Kích > Cát ), cái khánh (Khánh ), con cá (Ngư > Dư ) là chúc cho: Sự sự cát khánh hữu dư 事 事吉 慶 有 餘 (làm gì cũng được tốt lành thắng ý nhiều).

Vẽ hai quả thị với ngọc như ý là chúc sự sự như ý 事 事 如 意.

8. Vẽ cây ngô đồng (Đồng > Đồng : cùng với) với con hươu (Lộc 鹿 > Lộc  祿) và chim hạc (trường thọ) là có ý chúc Lộc thọ đồng lộc hạc 祿 壽 同 鹿 鶴 (được bổng lộc và sống lâu như hươu, hạc).

Vẽ chim hỉ thước 喜 鵲 (Hỉ : vui) đậu cây ngô đồng (Đồng > Đồng : cùng với) là có ý chúc Đồng hỉ 同 喜 (mọi người cùng vui vẻ).

9. Bông sen (Liên ) chỉ sự liên tục, liên tiếp (Liên ), nên vẽ đứa trẻ cỡi trên lưng con kỳ lân tay cầm bông sen và ống sáo (Sinh > Sinh ) là ý chúc: Liên sinh quý tử 連 生 貴 子 (liên tiếp sinh quý tử).

10. Vẽ 4 đứa trẻ con, mỗi đứa một vẻ: đứa cầm cành táo (Tảo : cây táo > Tảo : sớm), đứa cầm ống sáo (Sinh > Sinh ), đứa cầm cái ấn quan văn, đứa cầm cái kích quan võ là có ý chúc: sớm sinh con cái sau này thành quan văn hay quan võ.

11. Vẽ cậu bé con ăn mặc sang trọng (Phú ), cổ đeo cái khánh (Khánh : may mắn hạnh phúc) đang ngắm bầy cá vàng (Ngư > Dư ) là ý chúc: Giàu có, đông con, hạnh phúc có thừa).

12. Cành mai dùng thay chữ Mỗi (mọi người) hay chữ Mi (làn mi). Cành trúc dùng thay chữ Chúc (chúc tụng). Do đó vẽ Chim hỉ thước (Hỉ : vui) đậu cành mai (mọi người) cành trúc là ý chúc cho mọi người đều vui vẻ. Có người giải là Hỉ mi 喜 眉 (mặt mày vui vẻ).

Vẽ trúc mai là chúc mọi người may mắn.

Vẽ mai, trúc với con mèo (Miêu : mèo > Mạo : già 80) và con bướm (Điệp : bướm > Điệp : già 70) là ý chúc mọi người sống lâu đến 70-80 tuổi.

13. Cành quế chỉ sự thanh quý, nên vẽ đứa trẻ cầm cành quế, hoa sen (Liên), và ống sáo (Sinh) là ý chúc: Liên sinh quý tử 連 生 貴 子 (liên tiếp sinh quý tử).

14. Hoa mẫu đơn là hoa phú quý, còn chim phượng theo đạo Lão là chim Đan điểu, thứ chim linh, chim quý ở động thần tiên, nên vẽ mẫu đơn với chim phượng là ý chúc: Sẽ có được mọi điều quý báu nhất trong đời.

Vẽ mẫu đơn với con gà (Kê  > Cát ) là chúc: phú quý cát tường 富 貴 吉 祥.

15. Con gà trống gọi là Công kê 公 雞 , nên có thể thay cho chữ Công (công nghiệp). Gà có thể gáy. Chữ Nho gáy là Minh , mà Minh thì đọc giống như chữ Danh . Nên vẽ gà trống là đã đủ chúc được công danh 功 名.

C. NHỮNG CÁCH CHÚC TẾT CÓ TÍNH CÁCH BÙA CHÚ

Ngoài ra còn có những hình thần thánh dán ngoài cửa hoặc trong nhà để trừ tà, giáng phúc, như:

- Thần Vũ Đinh (môn thần) trừ tà.

- Thần Huyền Đàn (trấn môn).

- Thần Tử Vi (trấn trạch).

Các hình thần trên đây thường được vẽ kèm theo các hình Nhị Thập Bát Tú, Tứ linh, Tứ tượng, Thái Cực, Ngũ hành, Bát quái, Long mã phụ đồ, Thần quy phụ thư, v.v. cho tăng thêm vẻ thần bí. Chính vì thế mà tất cả các loại hình trên được gọi chung là bùa trấn trạch. Tuy nhiên chúng cũng là những lời ước nguyện. Ước nguyện được sống yên ổn, hạnh phúc dưới sự che chở của chư thần, không bị tà ma quấy nhiễu.

Trên đây tôi chỉ khảo tranh Tết về loại tranh chúc tụng. Thật ra còn nhiều loại tranh như:

- Tranh thờ,

- Tranh giáo hóa (Chính khí ca, Nhị Thập Tứ Hiếu, phương ngôn, v.v.),

- Tranh lịch sử (Ngô Quyền, Trưng, Triệu, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, v.v.),

- Tranh truyện (Truyện Kiều, Thạch Sanh, Nhị Độ Mai, Phan Trần, Hoa Tiên, Chinh Đông, Chinh Tây, Tam Quốc, Tây Du, v.v.)

- Tranh trào lộng (riễu những tệ đoan xã hội, những thói văn minh rởm, hoặc riễu Tây chế Tàu, v.v.)

- Tranh sinh hoạt dân gian và đồng quê, v.v.

Nều mà đem bàn cả, thì không biết bao giờ mới nói hết.

Bàn qua về tranh Tết, về ý nghĩa những lời chúc tụng và những cách dùng để chúc Tết trong các tranh Tết, ta mới thấy chúng tuy đơn sơ, mộc mạc, nhưng không kém phần cao siêu, và đã chiếm được một địa vị khả quan trong nền văn hóa nước nhà.

Nó vừa thấp lại vừa cao.

Thấp vì những hình ảnh của chúng rất là đơn sơ mộc mạc, dân dã, dù một đứa bé con cũng thích, cũng hiểu. Cao vì dẫu một học giả uyên thâm cũng khó lòng mà biết hết cái hay ho ý vị của nó.

Tôi ước mong một ngày gần đây, bộ Văn Hóa Giáo Dục cũng sẽ in bán cho dân chúng miền Nam những tranh Tết mộc mạc rẻ tiền như vậy.

Làm văn hóa mà đi sâu được vào tới mọi thôn xóm của dân gian, vào được tới mọi hang cùng ngõ hẻm, để đem lại cái hương vị của nghệ thuật, cái màu sắc của ngày xuân, ngày tết, cái bản sắc của dân tộc, cái tinh hoa của nền đạo lý cổ truyền, đem lại được cho dân gian một ước mơ, hay nói đúng hơm một niềm tin tưởng vào hạnh phúc tương lai, giúp cho họ ăn tết, hưởng xuân vui hơn, như thế chẳng phải là một sự đóng góp văn hóa giá trị hay sao?

Để kết thúc bài này, tôi xin mượn hai bài thơ chúc bình an, trường sinh của tranh Tết xưa để chúc mừng năm mới quý vị độc giả. Hai bài thơ này đề trên hai bức tranh bình an trường sinh.

Trên bức bình an vẽ một ông lão tráng kiện, gánh một gánh quả, mỗi bên có một trái đào lớn, trái thì ghi chữ bình, trái thì ghi chữ an, với bài thơ rằng:

  Tự đâu mà lại gánh an bằng,

  Tuổi tác xem chiều hãy khỏe lưng.

  Thôi đã giã ơn công cán ấy,

  Đem cho vâng lấy, để cho mừng.

  Cho vâng lấy, để cho mừng,

  Hãy ra sức gánh an bằng về đây.

Bức tranh thứ hai cũng vẽ một cụ già tráng kiện, râu tóc đẹp đẽ, gánh hai quả lựu, một quả ghi chữ trường, một quả ghi chữ sinh, với bài thơ như sau:

  Gã nào thong thả gánh tràng sinh,

  Lão tráng hùng hào mới biết danh,

  Song đã có lòng đem lại đấy,

  Ơn cho mặc đội, sở cung mình.

  Ơn mặc đôi, sở cung mình,

  Mỗi năm một gánh trường sinh đến nhà.

Kính chúc quý vị bình an trường thọ.

  Xuất môn nghinh bách phúc,

  Nhập hộ chúc tam đa.

và vui hưởng một xuân mới trong bầu không khí hoan lạc.


[1] Đã đăng tạp chí Phương Đông, số kép 31-32, tháng 1, 2-1974, Xuân Giáp Dần.

 Đây là một bài khảo luận, lượm lặt hoặc phiên dịch những tài liệu đã có, nhất là của:

- Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, École Française d’Extrême Orient, Paris, 1960.

- Tranh Tượng Dân Gian, nhà xuất bản Mỹ Thuật, Hà Nội.

- Các số Indochine 127 (Jeudi 4-2-1943) và 230 (Samedi 16-2-1945)

- Schuyler Camman, Types of Symbols in Chinese Art, trong quyển Studies in Chinese Thought, edited by Arthur Wright.

- Thái Tuấn, Ngày Xuân xem tranh mộc bản Việt Nam, tạp chí Phương Đông, số 19-20.

[2] cf. Tranh Tương Dân Gian Việt Nam.

[3] Dấu > là chuyển đổi ý nghĩa thành.