DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6 | BẠT


Phần 5

HÀ ĐỒ

Chương 3. Đại cương

 

A.- Hà Đồ gồm 55 điểm đen trắng chia thành chẵn lẻ, Âm Dương.

Dương số: 1 + 3 + 5 + 7 + 9 = 25

Âm số: 2 + 4 + 6 + 8 + 10 = 30

Tức là chẵn nhiều hơn lẻ, Âm nhiều hơn Dương, với ngụ ý:

Âm phải bao bọc cho Dương tôn quí ở bên trong, Âm ti tiện ở bên ngoài. Âm chính ra phải đóng vai bì phu, vỏ bọc, vai khách. Âm Dương mới là chủ động, cốt cán.

Tuy nhiên, nhìn vào Hà Đồ ta thấy:

Bên phía phải, các số lẻ 7 và 9 (Dương) lại ở bên ngoài, các số chẵn 2 và 4 (Âm) lại ở bên trong.

Ở bên trái, thì ngược lại: Các số lẻ 1, 3 (Dương) ở phía trong, các số chẵn 6, 8 (Âm) ở phía ngoài.[1]

Các nhà bình giải muốn thoát ngõ bí, mới đề nghị rằng: ở Hà Đồ phải coi các số sinh 1, 2, 3, 4 bên trong là Dương, các số thành 6, 7, 8, 9 bên ngoài là Âm.

Như vậy Dương sẽ ở bên trong, Âm sẽ ở bên ngoài, tượng trưng nhẽ Âm Dương giao thái. [2]

Giải thích rằng trong là chủ, ngoài là khách, thì

đúng. Nhưng nói trong là Dương, mà ngoài là Âm e chỉ đúng một nửa. Thực vậy, Kinh Dịch trước sau vốn chủ trương các số 1, 3, 5, 7, 9 là Dương số; 2, 4, 6, 8, 10 là Âm số. [3] Cho nên có lẻ, nên giải thích như sau:

Hà Đồ cũng như Dịch Kinh luôn chủ trương: Âm Dương bất trắc, Âm Dương hỗ vi kỳ căn, cho nên dĩ nhiên có hai chiều, hai mặt, hai chủ trương đối lập: [4]

Nửa phải: Âm chủ, Dương khách

Âm trầm, Dương phù

Tượng trưng: Âm Dương bất giao (Bĩ)

Nửa trái: Dương chủ, Âm khách

Dương trầm, Âm phù

Tượng trưng: Âm Dương tương giao (Thái)

Lối giải thích này cho ta thấy lối kết cấu Hà Đồ cũng y thức như vòng Dịch Tiên Thiên, Âm Dương đắp đổi ngôi vị chủ khách, phù trầm. Nó hợp với Dịch lý vì cho ta thấy đời tuy có hai chiều, hai mặt nhưng những con người biết suy tư phải biết Điên đảo Âm Dương phản cửu hoàn, xoay trở Âm Dương để trở về quê hương gốc gác. Nói cách khác, phải biết điên đảo để thu Dương Thần vào bên trong đừng để cho tinh thần phù phiếm tán loạn ra bên ngoài, bởi vì:

Anh hoa phát tiết ra ngoài,

Nghìn thu bạc Mệnh một đời tài hoa [5]

B.- Hà Đồ chuyên về thường, Lạc thư chuyên về biến.

Vì chuyên về thường, nên Hà Đồ cho ta thấy:

1. Bản thể chân thường, ngũ thập cư trung của vũ trụ.

2. Các tiêu chuẩn biến thiên tiến hóa bằng cách trình bày 4 trạng thái tương đối, tương phản nhau từng đôi một. Ý nói trong vòng biến thiên có những giai đoạn đối lập, đối đỉnh nhau, và cơ cấu vạn hữu cũng đã hàm tàng những mâu thuẫn nội tại. Cho nên thịnh suy thăng trầm là lẽ tự nhiên của Trời đất.

Nguyên lý đó được trình bày như sau:

Trong đó, Thủy Hỏa mâu thuẫn đối lập nhau, Kim Mộc mâu thuẫn xung khắc nhau. Hai đôi mâu thuẫn đó đã được đặt vào những phương vị đối xứng, đối đỉnh.

3. Hà Đồ chỉ sự toàn thiện, toàn bích, lúc chung cuộc nên có đủ 10 con số, và đem số 10 đặt lại vào Trung Cung, ý nói Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy. [6]


CHÚ THÍCH

[1] Thái Cực chi tiên, Âm dựng hồ Dương, Thái Cực chi hậu, Dương thống hồ Âm. 太 極 之 先 陰 孕 乎 陽, 太 極 之 後 陽 統 乎 陰. — Đại Đỗng Chân Kinh, trang 19.

[2] Dĩ kỳ nội giả vi chủ, nhi tại ngoại giả thành chi dã. 以 其 內 者 為 主 而 在 外 者 成 之 也. — Dịch Kinh Đại Toàn, trang 19.

[3] Cf. Dịch Kinh Độc Bản, trang 1, chương Đồ thuyết. —  Hệ Từ thượng, chương 8, trang 99.

[4] Hai chiều, hai mặt ấy được thể hiện bằng hai quan niệm sau đây: một là ngoại cảnh, hình hài, hỗ trợ nội giới tinh thần, hai là tâm thần nô lệ cho hình hài, ngoại cảnh.

a. Cố hữu vi vô chi cung, hình nãi thần chi thất. 故 有 為 無 之 宮 形 乃 神 之 室. — Chư Chân Ngữ Lục, trang 2

b. Thần vi tâm dịch, tâm vi vật khiên. 神 為 心 役 心 為 物 牽 . — Thái Thượng Lão Quân Thuyết Thường Thanh Tĩnh Kinh Chú, tr 2.

[5] Kiều.

[6] Thiên địa đồng lưu nhi định phân bất Dịch dã. Át kỳ toàn dĩ thị nhân, nhi đạo kỳ thường giả. Số chí thập nhi thủy toàn. Khuyết nhất tắc bất toàn hĩ. 天 地 同 流 而 定 分 不 易 也. 揭 其 全 以 示 人 而 道 其 常 者. 數 至 十 而 始 全. 缺 一 則 不 全 矣. — Dịch Kinh Đại Toàn, trang 21.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7 | BẠT