KINH DỊCH VỚI ĐÔNG Y [1]

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

Dịch Kinh là một pho sách tối cổ của Trung Hoa đã được bốn vị đại thánh sau đây soạn thảo:

- Phục Hi (c.2852) (vẽ tiên thiên bát quái)

- Văn Vương (1231- 1135) (vẽ Hậu thiên bát quái, viết Thoán từ)

- Chu Công (c.1100) (viết Hào từ)

- Khổng Tử (551- 479) viết Thập dực. Thập dực gồm: Thoán (thượng, hạ truyện), Tượng (Thượng, hạ truyện), Hệ từ (Thượng, hạ truyện), Văn ngôn truyện, Thuyết quái truyện, Tự quái truyện, Tạp quái truyện)

Dịch, theo từ nguyên, trên có chữ Nhật (chỉ sự thường hằng) dưới có chữ Nguyệt (chỉ sự biến thiên). Ý muốn nói: Dịch bao quát cả hai phương diện «biến, hằng» của vũ trụ.

Vì thế, Dịch có ba nghĩa:

- Bất biến.

- Biến thiên.

- Dễ.(Dễ, vì nếu ta biết mọi khía- cạnh biến- hằng của hoàn- cảnh, sự- vật, thì sự đời cũng như công chuyện đối phó sẽ trở nên dễ dàng).

Dịch là một bộ sách triết học, dùng:

- Tượng (ký hiệu - Symboles)

- Từ (Lời lẽ - Paroles)

- Số (Nombres)

Để mô tả căn do cũng như sự sinh thành, sự biến hóa của vũ trụ, quần sinh, và mọi giai đoạn danh hư, tiêu trưởng của vạn hữu cốt là để theo dõi được mọi sự biến tiên va cũng là để đoán định cho ra điều hay, điều dở (cát, hung), do đó sinh ra (Chiêm = đoán)

Dịch coi:

- Thái cực là nguồn gốc sinh ra vạn tượng, vạn hữu, vũ trụ, quần sinh.

- Âm Dương là hai động lực vừa tương thừa (complémentaires) vừa tương khắc (opposées ou contraires) tác động lẫn trên nhau, mà sinh ra mọi biến hóa.

- Tứ tượng, ngũ hành là những trạng thái biến hóa chính của một nguyên khí. Nguyên thể khi trải qua các giai đọan, từ khinh thanh đến trọng trọc và ngược lại (du subtil au grossier et vice- versa), theo những chu kỳ cố định, diễn biến theo luật định: Sinh (naissance), trưởng (croissance), liễm (retrait), tàng (latence, mort).

- Bát quái tượng trưng cho vạn tượng, vạn hữu (êtres, phénomènes)

- Sáu mươi tư quẻ tượng trưng cho mọi hoàn cảnh (situations) mà vạn tượng, vạn hữu trrong khi gặp gỡ, giao dịch với nhau đã gây nên.

Cho nên khi khảo sát sáu mươi tư quẻ, tượng trưng cho muôn vạn hoàn cảnh trên đời, ta thấy Dịch kinh chủ trương như sau:

1/ Muốn hiểu rõ hoàn cảnh, cần phải biết rõ những yếu tố đã tạo nên hoàn cảnh ấy, cũng như những đặc tính củatừng yếu tố ấy (Thoán). Vì thế Thoán tuyện bao giờ cũng phân tách quẻ kép (hoàn cảnh) ra thành những quẻ đơn (yếu tố cấu tạo nên hoàn cảnh), và tìm hiểu những đặc tính riêng biệt của chúng (quái đức, quái tượng, quái thể), ngõ hầu nắm vững được toàn thể hoàn cảnh và đoán định đại khái được những sự dở hay do nó xuất sinh.

2/ Đứng trước mỗi hoàn cảnh, phải xét xem nó có dạy ta được bài học luận lý gì (Tượng).

3/ Tìm xem hoàn cảnh sẽ diễn biến ra sao (sáu hào), tùy theo:

- Thời gian (trước, giữa, sau).

- Không gian (dưới, giữa, trên).

- Nhân sự, sang hèn, hay dở, cô đơn, hay có người phũ ủng (ứng).

- Cách cư xử, đối đãi, tiến, thoái của từng nhân vật.

4/ Như vậy sẽ đóan ra được sự thành, bại của mỗi hoàn cảnh để chiêu lành (xu cát), lánh dữ (tị hung).

Những nhận định của Dịch, gần đây, khi đem phối kiểm với các khái niệm tối tân nhất của khoa học và triết học hiện đại, đã trở nên hết sức chính xác và cao siêu.

Leibniz (1646- 1716), người phát minh ra khoa toán pháp nhị nguyên (arithmétique binaire ou dyadique) đã khảo cứu kinh Dịch vào khoảng những năm từ 1698 đến 1701, đã phải bỡ ngỡ vì thấy các quẻ Dịch tiên thiên từ Khôn đến Kiền có thể mã lại đúng y thứ tự 64 số của Toán pháp nhị nguyên, từ 0 đến 63. Thí dụ:[2]

 

32

16

8

4

2

1

Khôn = 0 =

0

0

0

0

0

0

Bác = 1 =

0

0

0

0

0

1

Tỉ = 2 =

0

0

0

0

1

0

Quan = 3 =

0

0

0

0

1

1

Dự = 4 =

0

0

0

1

0

0

Tấn = 5 =

0

0

0

1

0

1

Tụy = 6 =

0

0

0

1

1

0

Bĩ = 7 =

0

0

0

1

1

1

Cấu = 31 =

0

1

1

1

1

1

Phục = 32 =

1

0

0

0

0

0

Kiền = 63 =

1

1

1

1

1

1

- Dịch nói: Âm Dương tương thôi nhi sinh biến hóa, thì Engels và Marx nói: Mâu thuẫn sinh ra mọi biến hóa.

- Dịch nói: trong âm có dương, trong dương có âm thì các nhà khoa học ngày nay nói:

- Ánh sáng vừa là ba động (onde) vừa là quang tử (photons)

- Điện tử (électrons), nguyên tử (atomes), phân tử (molécule) vừa là ba động (onde), vừa là phân tử (particule).

- Dịch nói: Âm biến Dương, Dương biến Âm, thì Einstein đã đưa ra phương trình E = Mc2

- Trong đó E là năng lực.

 M là trrọng lượng.

 c là vận tốc của ánh sáng.

Einstein cũng còn cho rằng ánh sáng (Dương) có trọng lượng (âm).

- Dịch nói «Tam thiên, lưỡng địa» 參 天 兩地 tức là dương 3 âm 2.

Các nhà toán học ngày nay đã tìm ra chuỗi số Fibonacci (série récurrente de Fibonacci) :

0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, v.v… và cho biết tỷ số giữa hai số liên tiếp của chuỗi số nói trên (série récurrente de Fibonacci) càng ngày càng tiến về con số vàng F.

1  #  1   #  2  #  3   #  5   #  8    # 13   # …. √ 5- 1 = F = 0,62

1      2      3      5       8     13       21                2

Hoa lá trong thiên nhiên thường theo luật định này, trong cách xếp lá, xếp cánh hoa.

Hơn nữa, năm 1957, Dương Chấn Ninh, giáo sư đại học Princeton từ 1949; Lý Chính Đạo, giáo sư đại học Columbia từ 1951, dựa vào tỷ lệ âm dương của Dịch kinh nói trên đã làm một cuộc thí nghiệm tại Trung tâm thí nghiệm nguyên tử (National Bureau of Standards) ở Columbia, Hoa kỳ, và đã trình bày với ủy ban quốc tế tặng giải Nobel rằng lúc hạt nguyên tử nổ thì có phóng xạ. Những ly tử âm và dương hợp nhau lại (âm với âm), (dương với dương) thành ra hai tia sáng: tia dương dài bằng 3 đơn vị, tia âm dài bằng 2 đơn vị. Như vậy các ông đã đem định luật Cơ ngẫu (Loi de non- parité) của Dịch kinh, thay thế cho định luật song tiến (Loi de parité) xưa của khoa học. Hai nhà bác học Trung Hoa này, nhờ đó, đã được giải thưởng Nobel về Lý học năm 1957.

- Dịch cho rằng vạn sự, vạn vật đều theo định luật doanh, hư, tụ, tán, thì ngày nay các nhà thiên văn học như Lemaître, Gamow, đã chủ trương rằng vũ trụ đã được phát xuất và triển dương từ một nguyên thể (atome primitif). Sự khuếch tán (expansion) của vũ trụ ngày nay cũng đã được các nhà thiên văn học chứng minh và chấp nhận.

Tiến sĩ R.C Tolman thuộc viện kỹ thuật California, cũng chủ trương rằng, nếu vũ trụ hiện nay trong thời kỳ tán, thì trong một tương lai xa xăm sẽ có thời kỳ tụ; và tán rrồi tụ, tụ rồi tán, cứ thế mãi mãi vô cùng tận. [3]

Dịch kinh cho rằng vũ trụ này là Nhất thể, Vạn thù. Vạn tượng thu rút lại chỉ còn Âm Dương và Thái Cực.

Ngày nay, khoa học cũng nhận thấy sau bức màn hiện tượng, biến hóa chỉ có:

- Âm điện tử (–) (electrons).

- Dương điện tử (+) (Protons).

- Trung hòa tử (Neutrons).

Nhưng thu rút lại thì chỉ còn có một nguyên khí.[4]

Dịch kinh như vậy đã dùng phương pháp «dĩ nhất quán vạn» 以一 串 萬 để suy khảo về vạn vật.

Gần đây, Einstein cũng đã cố gắng để xây dựng «Thuyết nhất quán» (Théorie du Camp unitaire: Unified Field Theory) và ông cho rằng Thuyết nhất quán, nếu chứng minh được hoàn toàn, sẽ là cái gì cao siêu nhất.[5]

Dịch đã chủ trương «Thuyết nhất quán» tự ngàn xưa. Như vậy Dịch không cao siêu nhất sao?

Như vậy những gì mà tiền nhân đã trực giác, thì ngày nay dần dần nhân loại đã chứng minh và đã áp dụng được. Ta có thể nói dịch kinh đã gặp gỡ khoa học và triết học hiện đại.

Phần dẫn nhập trên, tuy hơi dài dòng nhưng rất quan trọng. Nó cho ta thấy tại sao Dịch kinh lại có một địa vị rất quan trọng trong nền học thuật Trung Hoa, và đã được áp dụng vào mọi ngành học như thiên văn, địa lý, y, bốc v.v… Đây chúng ta chỉ khảo cứu ảnh hưởng của Dịch kinh đối với y học Trung Hoa.

 

DỊCH KINH VỚI Y HỌC

Y học Trung hoa là một khoa học đặc biệt. Thay vì đi theo con đường thực nghiệm như ngày nay, nó đã đi theo con đường suy lý.

a/ Con đường thực nghiệm là quan sát thực tại kỹ càng để tìm ra những luật định: rồi từ những luật định, suy ra những lý thuyết, những nguyên lý.

Áp dụng vào y học, phương pháp thực nghiệm sẽ chú trọng đến mổ, xẻ, quan sát tạng phủ; cân lường, phân tách các cơ quan; huyết dịch v.v… để tìm hiểu bệnh trạng và tìm cách chữa chạy.

Y học Trung hoa thường không theo phương pháp thực nghiệm này.

Thỉnh thoảng cũng có thấy mổ xác chết, nhưng đó không phải là vấn đề cần yếu.

Trong suốt mấy nghìn năm lịch sử y học Trung hoa, ta chỉ thấy: Vương Mãng (36 TCN - 23 CN) sai mổ xác tử tội để xem xét tạng phủ, huyết mạch.

Một lần mổ xác chết khác đã xảy ra vào năm 1106 mà sách Cổ kim y giám đã đề cập.[6]

Rồi mãi đến đời vua Nhân Tông nhà Thanh (1796- 1850) và vua Tuyên Tông (1820- 1851), mới lại có một lương y tên là Vương Thanh Nhiệm tự Huân Thần, người trực lệ chuyên chú về mổ xẻ xác chết để khảo cứu. Ông đã viết quyển Y lâm cải thác để cải chính các thuyết nói về lục phủ ngũ tạng.[7]

b/ Y học Trung hoa đã theo con đường suy lý, y như những ngưòi Hy Lạp xưa.

Phương pháp suy lý đi từ những nguyên lý đã được chấp nhận là đúng, để suy dần ra mọi hiệu quả, và áp dụng vào mọi trường hợp.

Đó là phương pháp của Dịch học và của toán học.[8]

Chính vì vậy mà cần phải biết Dịch để thấu hiểu về Đông y.

Các sách y học thường nói: «Học Dịch nhiên hậu khã dĩ ngôn y.» [9] 學 易 然後 可 以 言 醫.

Lãn Ông cho rằng phải học Dịch để biết thuốc. Nhưng không cần học Quái, Tượng, Hào, Từ, mà chỉ cần học lẽ Âm Dương biến hóa, Ngũ hành sinh khắc.[10]

1/ Nhân thân tiểu thiên địa.

Trước tiên dựa vào Dịch, Đông y quan niệm rằng: Nhân thân tức là tiểu thiên địa. Ta có:

 

Đại vũ trụ

Tiểu vũ trụ

Trời

Đất

Ngũ hành

Tứ tượng

24 tiết khí

12 tháng

360 ngày

9 cửa trời

Sông ngòi.

Đầu (tròn)

Chân (vuông)

Ngũ tạng

Tứ chi

24 xương sống

12 đốt khí quản

360 xương

Cửu khiếu

Huyết mạch[11]

2/ Ngũ vận, Lục khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chủ trương của Dịch là chủ trương Tam tài: Thiên, địa, nhân. Ap dụng nguyên tắc chính yếu ấy của Dịch, y học cho rằng con người không thể nào tách rời được khỏi ảnh hưởng của trời đất cho nên mọi sự biến hóa của khí tiết trong triền năm hoặc mọi sự biến hóa của thời khí theo vận niên, đều ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người.

Do đó mà Y học Trung hoa có một khoa riêng, đó là khoa Ngũ vận, Lục khí.

Nội kinh đề cập đến Ngũ vận Lục khí đầu tiên. Đến đời vua Đường Túc Tông (756- 763), Vương Băng, hiệu Khải huyền tử, đã giảng minh thuyết này rất kỹ, trong quyển Huyền châu mật ngữ.

Khuôn khổ bài này không cho phép bàn về Ngũ vận, Lục khí.

Chỉ cần nhắc lại rằng: sau khi đã cân nhắc sự sinh khắc giữa:

- Chủ vận, khách vận.

- Chủ khí, khách khí.

- Khách vận, khách khí.

Người ta có thể đoán trước một năm lành dữ ra sao, bệnh tật nhiều hay ít dễ chữa hay khó chữav.v…[12]

3/ Quan niệm Thái cực áp dụng vào y học.

Khảo Đông y ta thấy tiền nhân ít khi bàn đến Thái cực trong y học.

Chu Hi, một thạc nho thời Tống, cho rằng: Người người đều có Thái cực.

Nhưng y gia lại sẻn lời về vấn đề này.

Có lẽ các ngài cho Tâm là Thái cực (khi thì hiểu là tâm hồn, khi thì hiểu là quả tim).[13]

Đường Tông Hải (c.1875) đời Thanh, cho rằng bào thai một tháng nơi con người là Thái cực.[14]

Triệu Dưỡng Quì (c.1680?), Phùng Thị (c.1702), Lãn Ông (1724- 1791) cho rằng:

Hệ thống thận (gồm thận và Mệnh môn) là Thái cực, vì thế có trước các tạng phủ.[15]

Phùng Thị nói: Ở nơi con người hai quả thận hợp thành Thái cực.[16]

Phùng Thị và Lãn Ông vì vậy đã coi Mệnh môn là căn bản con người trong khi trị liệu.

Gặp bệnh gì dai dẳng khó chữa, là quay về chữa căn bản; chữa Mệnh môn chân thủy chân hỏa, áp dụng câu Nội kinh, «trị bệnh tất cầu kỳ bản».

Riêng tôi tuy vẫn nghĩ rằng Thái cực là toàn thể con người khi mới phôi thai, nhưng từ 1960, đối chiếu đồ bản dịch Tiên Thiên với các hình thể họcc về đầu não con người, tôi nhận định thêm rằng:

Ở vòng dịch, Thái cực ở trung điểm. Ở nơi con người Thái cực ở trung tâm não bộ, hay não thất ba (3ème ventricule), mà đạo Lão gọi là Nê Hoàn Cung, mà đạo Phật gọi là Liên hoa tâm, mà ta có thể gọi là Trung điểm qui nguyên, phản bản (Foyer centrencéphalique de réintégration), theo từ ngữ của một nhóm sinh lý học gia ở Paris.[17]

Tôi đã khảo cứu kỹ càng về vấn đề này và đã đối chiếu các quan niệm đạo giáo, y học, khoa học và triết học để chứng minh quan niệm này trong quyển Trung Dung tân khảo của tôi (sắp xuất bản một ngày gần đây).

Hiểu vấn đề này sẽ giúp cho ta hiểu thêm về con người, về các đạo giáo, về cách tu luyện của các đạo gia v.v…

4/ Quan niệm âm dương của dịch học áp dụng vào y học [18]

Tố Vấn cho rằng: «Trong con người thì ngoài là dương trong là âm, bụng là âm, lưng là dương, tạng là âm, phủ là dương. Cho nên ngũ tạng: Tâm, can, tùy, phế, thận đều thuộc âm. Lục phủ: đởm, vị, đại tràng, tiểu tràng, bàng quang, tam tiêu đều thuộc dương.» [19]

Đối với y học Trung hoa thì Dương chủ khí, Âm chủ huyết.

Các mạch nơi cổ tay phải đều thuộc dương:

- Mạch thốn: Phổi (Kim)

- Mạch quan: Tì (Thổ).

- Mạch xích: Thận hỏa (Hỏa).

Các mạch nơi cổ tay trái đều thuộc âm:

- Mạch Thốn: Tim (Hỏa).

- Mạch quan: gan (Mộc).

- Mạch xích: Thận Thủy (Thủy).

- Người cũng chia thành ba hạng:

Dương tạng

Âm tạng.

Bình tạng.

Dương tạng là những người có khí lực mạnh mẽ, da nóng, mặt mũi hớn hở, tóc đen, rậm và tốt, tiếng nói to, hơi thở mạnh, ăn uống dễ tiêu, tính tình nóng nảy, sống lâu.[20]

Âm tạng là những người sợ lạnh, da mát và ướt, mặt mũi hơi xanh, tó mềm, lông thưa, người mau mệt, tiếng nói yếu ớt, hay đầy hơi, hay bị tiêu chảy, lộ hầu, thịt mềm nhẽo, tính tình trầm tĩnh v.v…

Bình tạng là những người cả hai khí huyết đều mạnh ngang nhau.[21]

- Về phương diện bện học (pathologie), người Trung hoa phân biệt Dương bệnh và Âm bệnh.

Dương bệnh là những bệnh ngoại cảm. Âm bệnh là những bệnh nội thương.

Dương bệnh cũng còn được gọi là Thực chứng. Âm bệnh cũng còn được gọi là Hư chứng.

Dương bệnh cũng có thể là những bệnh sinh ra vì huyết dịch hư hao hay thận thủy suy.

Khi con bệnh đã suy kiệt Dương khí, thời y học gọi là Dương thoát. Dương thoát có những triệu chứng như sau:

- Mạch hầu như đã tuyệt.

- Tứ chi giá lạnh.

- Trán vã mồ hôi.

- Thở hắt ra.

- Khó thở.

- Nấc.

- Hôn mê.

- Lưỡi co. v.v…

Khi con bệnh mà âm suy kiệt, huyết dịch suy kiệt, thời y học gọi là âm hư. Âm hư có những triệu chứng như sau:

- Mạch vi, mạch khẩn.

- Nhiệt độ cao.

- Mặt đỏ.

- Người khô đét như củi.

- Vật vã.

- Khát nước nhiều.

- Mê sảng.

Khi con bệnh mà khí huyết đều hao kiệt, thời y khoa gọi là Âm hư, Dương thoát. Triệu chứng như sau:

- Tứ chi giá lạnh.

- Trán vã mồ hôi.

- Hôn mê.

- Thở như suyễn.

- Nấc cụt v.v…

- Nguyên tắc chữa bệnh chính là bồi bổ Âm Dương, điều hòa Âm Dương. Dương thịnh thì bổ Âm để chết bớt dương quang.

Âm thịnh thì bổ Dương, để làm tiêu tan cái u uất của Âm.

Thế tức là:

- Bổ Thủy dĩ chế Dương quang.

- Bổ Hỏa dĩ tiêu Âm ế.

- Các vị thuốc đều chia thành Âm Dương hay Bình vị.

Dương dược là những vị thuốc nóng, có hiệu lực làm gia tăng sự tiêu hóa, kích thích sự hô hấp, sự tuần hoàn, bồi bổ khí lực.

Âm dược là những thuốc mát, thuốc hàn, có hiệu lực bổ huyết dịch, làm cho con người bớt nóng, bớt háo.

Những vị thuốc bình vị là những vị thuốc hòa hoãn, vừa bổ dương vừa bổ âm.

Phương dược dùng để trị liệu, điều hòa Âm Dương khí huyết có thể toát lược như sau:

a/ Trị liệu Dương khí, Dương hỏa

1/ Khi Dương khí gần tuyệt, người xưa thường cấp trị bằng Nhân sâm, hoặc Quế, Phụ.

2/ Khi dương khí hao tổn, giao động vừa phải, thời dùng:

- Bài Tứ Quân (để bổ khí).

- Bài bổ trung ích khí thang, hoặc Phụ tử lý trung thang để bổ tì vị.

3/ Khi Dương khí, Thận khí suy tổn đã lâu thời dùng:

- Bài Bát vị.

- Bài Sinh mạch.

b/ Trị liệu Âm huyết, Âm thủy

1/ Khi huyết dịch suy tổn, thời dùng: Bài Tú vật, bài Qui tì.

2/ Khi thận thủy suy tổn, thời dùng: Bài lục vị.

c/ Bình bổ

1/ Muốn bình bổ cả Âm lẫn Dương, cả khí lẫn huyết, người ta dùng bài Bát trân hay Thập toàn v.v…

Để nhận định được tầm quan trọng của Âm Dương, ta hãy đọc một đoạn sách của Cảnh Nhạc.

Trương Cảnh Nhạc viết: «Phàm chẩn bệnh, trị liệu, trước hết phải thẩm định Âm Dương. Đó là cương lĩnh của y học.

«Luận về Âm Dương không sai, thời trị bệnh làm sao mà sai được y học tuy phiền tạp, nhưng có thể bao quát bằng một câu Âm Dương mà thôi.

«Cho nên bệnh có Âm Dương, mạch có Âm Dương, thuốc có Âm Dương. Lấy bệnh mà nói, thời bệnh bên ngoài là Dương, bên trong là Âm; nhiệt là Dương, hàn là Âm: trên là Dương, dưới là Âm, động là Dương, tĩnh là Âm; nói nhiều là Dương, không nói là Âm; thích sáng là Dương, ưa tối là Âm, Dương yếu không thể thở ra, Âm yếu không thể hít vào: Dương bệnh khó cúi, Âm bệnh khó ngửa.

«Nói về mạch thì mạch phù, mạch mạnh, mạch hoạt, mạch xác là Dương; mạch trầm, mạch vi, mạch nhỏ, mạch rít là Âm.

«Nói về thuốc thì thăng tán là Dương, liễm giáng là Âm; tân nhiệt là Dương, khổ hàn là Âm. Chạy vào khí là Dương, chạy vào khí là Dương, chạy vào huyết là Âm. Tính động mà chạy là Dương, tính tĩnh mà giữ là Âm. Đó là đại pháp trong nghề thuốc…

«Dương đã mạnh mà còn bổ Dương, thời Dương càng bốc lên mạnh, Âm càng tiêu hao. Dương đã không đủ mà lại còn dưỡng Am, còn dùng Âm phương, thời Âm càng thịnh, mà Dương bị diệt vong vậy.

Nếu minh biện Âm Dương, thời dẫu y lý tuy huyền vi, nhưng cũng đã suy ra được quá nửa rồi vậy…»[22]

5/ Quan niệm ngũ hành áp dụng vào y học

Dịch trong chính kinh, không đề cập đến ngũ hành mà chỉ nói đến Tứ Tượng, nhưng ngũ hành đã tiềm ẩn trong Dịch, vì:

Thái Cực + Tứ Tượng = Ngũ hành.

Hà Đồ đã xếp các số theo phương vị ngũ hành như sau:

7/2

|

8/3 5/10 4/9

|

1/6

Quan niệm ngũ hành, đến đời nhà Hán, mới được triệt để khai thác Phương vị của ngũ hành có thể được giản lược như sau:

Nam (Hỏa)

|

Đông (Mộc) Trung (Thổ) Tây (Kim)

|

Bắc (Thủy)

 

Trung thổ là Bản thể, là chốt ở giữa.

Mộc, Hỏa, Kim, Thổ là những hiện tượng, những giai đọan biến thiên ở bên ngoài. Cho nên Trung thổ chính là Tinh Túy, là Bản thể, là Tinh hoa. Âu Châu xưa gọi đó là Quinte essence (tinh túy thứ 5).

Ngũ hành là một quan niệm toàn bích, vì gồm cả Tứ Tượng bên ngoài và Thái cực bên trong.

Trung Hoa cũng như các dân tộc xa xưa tin rằng vũ trụ, vạn vật đều do một nguyên thể, một nguyên động lực phân tán, vận chuyển ra bốn phương, theo hai chiều kinh (dọc), vĩ (ngang), thành ra hai cặp ngẫu lực chính. Các ngẫu lực này hoạt động, ảnh hưởng lẫn nhau và dần dà sinh ra mọi loại năng lực.

 

- Đứng về phương diện nguyên liệu, chất liệu ngũ hành là năm yếu tố cấu tạo vũ trụ. Hành thổ ở Trung cung, là căn cơ và là cùng ích cho muôn vật. Chữ Thổ đây không nên hiểu là đất thường, mà nên hiểu là căn cơ, hay bản chất muôn vật. Vì thế mà sách Ngộ chân thiên có viết:

Tứ tượng, ngũ hành toàn tạ thổ. (Tứ tượng, ngũ hành toàn nhờ đất.) [23]

Quan niệm này tương tự như quan niệm Âu Châu, vì Âu Châu rằng bốn nguyên chất tạo thành vũ trụ, còn có «tinh túy thứ 5» (quintessence), mà họ còn gọi là Thái hư (éther), hay bản chất (Matière première).[24]

Ấn Độ, Tây Tạng và nhiều phái huyền học Âu Châu cũng chủ trương con người là «tiểu vũ trụ» và gồm ngũ hành, như đại vũ trụ bên ngoài. Họ hình dung hình người như sau:

 

 

 

- Xét về không gian, thì ngũ hành chính là năm vị trí chính yếu Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung.

- Xét về thời gian, thì ngũ hành chính là năm thời đại khác nhau bốn mùa biến thiên ở bên ngoài và một mùa hằng ccửu ở bên trong vừa là mùa hoàng kim khởi thủy, vừa mùa hạnh phúc lúc chung cuộc.

- Trung Hoa đã lấy ngũ hành làm tiêu chuẩn để phân loại mọi sự, từ màu sắc, khí, vị đến tính chất v.v…

Ngũ hành sinh khắc.

Người có thân và thù, thì ngũ hành cũng có tương sinh, tương khắc.

Ngũ hành tương sinh là:

Mộc sinh Hỏa.

Hỏa sinh Thổ.

Thổ sinh Kim.

Kim sinh Thủy.

Thủy sinh Mộc.

Ta có thể trình bày lẽ tương sinh đó bằng 2 cách như sau:

 

 

Ngũ hành tương khắc là:

- Mộc khắc Thổ.

- Thổ khắc Thủy.

- Thủy khắc Hỏa.

- Hỏa khắc Kim.

- Kim khắc Mộc.

Ta có thể trình bày lẽ tương khắc đó bằng 2 cách như sau:

Sinh có thể hiểu được là sinh dưỡng, phù trợ, tác phúc, tóm lại bao gồm mọi ảnh hưởng tốt.

Khắc có thể hiểu được là kiềm chế, thù địch, lấn lát, xung khắc, tác hại, tóm lại bao gồm mọi ảnh hưởng xấu.

Mỗi một hành đều có liên lạc tốt xấu với các hành khác.

- Hai Sinh gọi là Phụ mẫu và Tử tôn.

- Hai Khắc gọi là Quan quỉ và Thê tài.

- Một Hòa gọi là Huynh đệ.

Người xưa đã lập thành như sau:

- Sinh ngã giả vi phụ mẫu (Sinh ra ta là phụ mẫu. Cái gì phù trị, ủng hộ, hy sinh cho ta là phụ mẫu).

- Ngã sinh giả vi Tử tôn (Ta sinh ra là tử tôn. Cái gì mà ta săn sóc, bao bọc, yêu đương, hộ trì, chắt chiu, thì gọi là tử tôn).

- Khắc Ngã giả vi Quan quỉ (Khắc ta thì gọi là quan quỉ. Cái gì đàn áp, ức hcế, bóc lột, lợi dụng, làm hại được ta, thì gọi là Quan quỉ).

- Ngã khắc giả vi Thê tài (Cái gì mà ta ức chế, đàn áp, lợi dụng, chi phối được thì gọi là Thê tài).

- Tỉ hòa giả vi Huynh đệ (Hòa với ta thì gọi là huynh đệ. Cái gì đối với ta có ảnh hưởng ngang ngửa, đồng đều thì gọi là huynh đệ).

Ví dụ: Nếu ta lấy Kim làm đương nhân, đương sự thì:

- Thổ sẽ là Phụ mẫu của Kim, vì Thổ sinh ra Kim.

- Thủy là Tử tôn của Kim, vì Hỏa khắc Kim.

- Hỏa là Quan quỉ của Kim, vì Hỏa khắc Kim.

- Mộc là Thê tài của Kim, vì Kim với Kim đồng đều, đồng loại.

Y học Trung hoa đã triệt để khai thác thuyết ngũ hành.

Quan niệm ngũ hành soi sáng y học Trung hoa về mọi phương diện bệnh lý (Quan niệm ngũ hành soi sáng y học Trung hoa về mọi phương diện Bệnh lý (Pathogénie), Dược học (Pharmacologie) và y lý trị liệu (thérapeutique).

Về phương diện bệnh lý chẳng hạn, Đông y chia năm thành ngũ vận.

Các năm Giáp, Kỷ thuộc Thổ.

Các năm Ất, Canh thuộc Kim.

Các năm Bính, Tân thuộc Thủy.

Các năm Đinh, Nhâm thuộc Mộc.

Các năm Mậu, Quý thuộc Hỏa.

Rồi lại nhân lẽ Âm Dương, Ngũ hành sinh khắc, bất cập, hay bình khí mà suy xem năm nào khí hậu sẽ ra sao, nóng lạnh, ấm khô, mưa gió ra sao, để biết những bệnh gì sẽ dễ sinh ra trong năm ấy.

Họ cho rằng:

Các năm Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm là những năm Dương. Vận khí những năm ấy sẽ quá vượng, quá thịnh, sẽ thừa, nên gọi là thái quá.

Các năm Ât, Đinh, Kỷ, Tân, Quý là những năm Âm. Vận khí những năm ấy sẽ suy yếu, sẽ bất cập, mà khí của một hành đã suy, thì khí của hành tương khắc sẽ thịnh.

Ví dụ những năm Giáp (Dương Thổ), Thổ khí sẽ thái quá, như vậy sẽ mưa nhiều và sẽ ẩm thấp nhiều, do đó các bệnh thấp sẽ dễ sinh.

Những năm Kỷ (Âm thổ, Thổ khí sẽ bất cập), do vậy sẽ gió nhiều do đó các bệnh phong dễ sinh (vì Hành khắc là Mộc, mà Mộc sinh Phong).

Những năm Bính lạnh nhiều (Âm Thủy). Thủy khí bất cập, nên ẩm thấp nhiều và các bệnh Thấp sẽ dễ sinh (vì Hành khắc là Thổ, Thổ sinh Thấp v.v.) [25]

Tóm lại ta thấy:

Mộc thịnh sinh Phong.

Hỏa thịnh sinh Nhiệt.

Thổ thịnh sinh Thấp (Xem thí dụ năm Giáp).

Kim thịnh sinh Táo.

Thủy thịnh sinh Hàn (Xem thí dụ năm Bính).

Còn khi một Hành suy, thì Hành tương khắc sẽ thịnh, cho nên:

Mộc suy (bất cập) thời Táo sinh (vì Kim khắc Mộc).

Hỏa suy (bất cập) thời Hàn sinh (vì Thủy khắc Hỏa).

Thể suy (bất cập) thời Phong sinh (vì Mộc khắc Thổ).

Kim suy (bất cập) thời Nhiệt sinh (vì Hỏa khắc Kim).

Thủy suy (bất cập) thời hấp sinh (vì Thổ khắc Thủy). (Xem thí dụ năm Tân ở trên).[26]

- Dược học cũng dựa trên ngũ hành:

Đại khái: Các thuốc màu xanh, vị chua, chữa gan.

Các thuốc màu đỏ, vị đắng, chữa tim.

Các thuốc màu vàng, vị ngọt, chữa tì.

Các thuốc màu trắng, vị cay, chữa phổi.

Các thuốc màu đen, vị mặn, chữa thận v.v…

Phương pháp trị liệu cũng dựa trên quan niệm ngũ hành tương sinh, tương khắc, hoặc ngũ hành điên đảo.

Ví dụ:

a/ Tử hư bổ kỳ mẫu (Con hư, bổ mẹ).

Tỳ Thổ hư, uống thuốc ôn noãn (ấm) để bổ tâm hỏa (quân hỏa), Thận hỏa (tướng hỏa).

- Can mộc hư cho thuốc nhu nhuận để bổ thận thủy.

- Phế kim hư, cho thuốc cam (ngọt) noãn (ấm) để bổ tỳ thổ.

- Tâm hỏa hư, cho thuốc Toan (chua), thu (thu liễm), để thấm nhuần can mộc.

- Thuận Thủy hư, cho uống thuốc tân (cay) nhuận để bổ phế.[27]

Lãn Ông cho một vài ví dụ như sau:

«Nếu một người không chịu ăn uống tức là Dương minh (vị thổ đau pải bổ tái âm quả hỏa (Tim) và nên dùng thang Qui tì, bổ tâm hỏa để sinh Vị thổ.»

«Nếu như ăn được mà không tiêu, thế là Thái âm Tì thổ bị bệnh, nên bổ Thiếu dương Tướng hỏa (Thận hỏa), và nên dùng Bát vị hoàn (bổ thận hỏa để sinh Tì thổ), v.v.» [28]

b/ Mẫu thật tả tử.

Phế kim (mẹ) thực, phải tả, Thận Thủy (con).

Thận Thủy (mẹ) thực, phải tả, Can mộc (con).

Can mộc (mẹ) thực, phải tả, Tâm hỏa (con).

Tâm hỏa (mẹ) thực, phải tả, Tỳ thổ (con).

Tỳ thổ (mẹ) thực, phải tả, Phế kim (con).[29]

Đi sâu vào vấn đề ta thấy các y gia còn áp dụng lẽ ngũ hành điên đảo vào công việc điều trị. Nhưng nơi đây chúng ta cũng chẳng cần phải bàn rộng hơn về vấn đề này làm chi nữa. Người nào có tâm cầu học, tự nhiên sẽ tìm sách kê cứu lấy.[30]

6/ Quan niệm bát quái áp dụng vào y học.

- Các nhà chuyên môn về mắt chia mắt thành tám vùng (khuyếch) :

- Thiên khuyếch (Kiền) = Lòng trắng phía giữa mắt: Phổi và Đại trường.

- Địa khuyếch (Khôn) = Mi tên và dưới phía trong = Tì vị.

- Thủy khuyếch (Khảm) = Đồng tử = Thận.

- Hỏa khuyếch = Ly = Khóe mắt trong, ngoài = Tâm va Mệnh môn.

- Lôi khuyếch (Chấn) = Mi tên phía ngoài = Tiểu trường.

- Sơn khuyếch (Cấn) ) = Tròng đen = Đởm.

- Phông khuyếch = Tốn = Lòng trắng phía trong.

- Trạch khuyếch = Đoài = Mi dưới phía ngoài = Bàng quang.[31]

 

Y gia cũng cho tạng phủ phối hợp với bát quái như sau:

- Can = Chấn

- Đởm = Tốn

- Phế = Kiền

- Vị = Cấn

- Thận = Khảm

- Tiểu tràng = Đoài

- Tì = Khôn

Nếu trong người mà khí dương giáng, khí âm thăng, thì gọi là «Giao», ngược lại thì là «Bất giao».

«Giao» thời trong người khỏe mạnh, «bất giao» thời trong người bệnh hoạn.

Cho nên:

a/- Nếu Tì khí (Khôn) thượng thăng, Kim khí (Phế = Kiền) hạ giáng, thì Âm Dương giao = Địa Thiên Thái: lúc ấy khí huyết điều hòa.

- Nếu Tì khí (Khôn) không thượng thăng, Phế Kim (Kiền) không thể hạ giáng, thì là Âm Dương gián cách, Thượng hạ bất thông. Đó là tượng quẻ Bĩ (Thiên Địa bất giao). Đó là bệnh Quan cách.

b/- Nếu Thủy (Thận) thăng, Hỏa (tâm) giáng, thì là Tâm thận tương giao, Thủy Hỏa Ký tế.

- Nếu Thủy không thăng, Hỏa không giáng, thì là Thủy Hỏa bất giao hay Hỏa Thủy vị tế…[32]

Định luật Am thăng Dương giáng cũng được áp dụng vào 12 kinh mạch.

Thủ Dương kinh đi từ tay xuống đầu.

Túc Dương kinh đi từ đầu xuống chân.

Thủ âm kinh đi từ mình lên tay.

Túc âm kinh đi từ chân lên mình:[33]

7/ Các số trong kinh Dịch áp dụng vào y học

Các số trong kinh Dịch cũng thường được áp dụng vào y học. Số 8 để chia cuộc đời đàn ông thành nhiều thời kỳ, vì số 8 ứng vào quẻ Cấn, mà Cấn là thiếu nam.

Con trai:

8 tháng mọc răng.

8 tuổi thay răng.

8 x 2: Dậy thì.

8 x 8: Hết tình dục.

Số 7 để chia đời đàn bà thành nhiều giai đoạn, vì số 7 ứng vào quẻ Đoài, mà Đoài là thiếu nữ.

Con gái:

7 tháng mọc răng.

7 tuổi thay răng.

7 x 2: Dậy thì.

7 x 7: Tắt kinh.[34]

Y gia cho rằng Vinh khí và Vệ khí một ngày đêm đi khắp chu thân 50 vòng. Mà số 50 chính là số «Đại diễn» trong kinh Dịch. (1)

Ngoài ra ta thấy:

Số 4: Tứ quân, tứ vật, Tứ nghịch thang.

Số 5: Ngũ vị, ngũ tạng, ngũ khí, ngũ sắc…

Số 6: Lục phủ, lục khí, lục vị.

Số 8: Bát trận, Bát vị, Bát trân.

Số 10: Tập toàn v.v…

8/ Các từ ngữ Dịch áp dụng vào y học

Các từ ngữ Dịch thường được dùng để đặt tên cho các bài thuốc. Như: Thái cực hoàn, Lưỡng nghi cao, Khảm ly hoàn, Ký tế hoàn, Nhị khí đơn, Tráng thủy phương, Bổ âm liễm dương phươn, Dương hư ích hỏa phương, Cứu Dương thang, Tư kim tráng thủy phương, Bội thổ cố trung phương, Bổ âm ích dương phương, Phù âm ức dương phương, Tư âm giáng hỏa phương, Bổ âm tiết dương phương, Bảo âm phương, Bộ âm liễm dương, an thần phương v.v.[35]

9/ Định luật tam lưỡng áp dụng vào y học

Dịch cho rằng Dương 3, Âm 2, như vậy là Dương trọng hơn Âm và Dịch luôn chủ trương phù Dương, ức Am.

Vì thế Trương Cảnh Nhạc chê Chu Đơn Khê, vì họ Chu đã chủ trương bổ Âm.[36]

Gần đây, ông Oshawa (Sakurazawa Nyoichi: Anh Trạch Như Nhất) lại chủ trương:

Âm = 5

Dương = 1

Cho rằng âm là K (Potassium).

Dương là Na (sodium).

Và cho rằng cần phải ăn uống thế nào để giữ tỷ số:

Âm = K = 5

Dương Na

Không biết ông đã dựa vào đâu để đưa ra chủ trương trên, vì:

Dịch chủ trương: Âm = 2

 Dương 3

- Sinh lý học cho rằng, trong huyết tương:

Số lượng của K là 5 mEq/l hay 20mgr %.

Số lượng của Na là 143 mEq/l hay 330mgr %.

Như vậy:  K =  1 [37]

 Na 16

10/ Quan niệm Tiên thiên và Hậu thiên áp dụng vào y học

Y học cũng tường đề cập đến Tiên thiên và Hậu thiên.

Tiên thiên là khí bẩm thụ của mỗi người khi chưa sinh.

Hậu thiên là đời sống của mỗi người sau khi sinh.

Ta thường nói: «Tiên thiên bất túc, hậu thiên khuy tổn.» [38]

Triệu Dưỡng Quì cho rằng: «Y gia gọi Tiên Thiên là «Nhất điểm, Thủy hỏa vô hình» (Mệnh môn Thủy Hỏa) ; Gọi Hậu Thiên là «Hữu hình chi thể», từ tạng phủ đến huyết nhục, bì phu, tân dịch, v.v.»

Phùng thị, Lãn Ông cũng đều gọi:

Âm Dương Tiên Thiên là Chân Thủy, Chân Hỏa vô hình của Mệnh môn.

Âm Dương Hậu thiên là khí huyết, tạng phủ, hành nhiệt.[39]

 

11/ Ít nhiều dịch lý áp dụng vào y học

A/ Thầy thuốc phải có đức hiếu sinh

Dịch nói: «Sinh sinh chi vị dịch.» (Hệ Từ thượng, chương 5).

Một thầy thuốc có lương tâm cũng phải có đức hiếu sinh. Phải hết sức lo chữa cho người, đừng làm hại người vì sự dốt nát, cẩu thả, vô lương tâm của mình.

Phùng Thị khuyên thầy thuốc đừng đi ngao du sơn thủy, mà phải ở nhà, đề phòng có người bị bệnh nguy cấp đến nhờ mình chữa chạy.[40]

B/ Người biết dịch phải biết tìm gốc bệnh mà chữa.

Trị bản có thể hiểu được hai cách:

1/ Bản là Căn Bản con người.

Phùng thị, Lãn Ông cho rằng căn bản con người là Mệnh môn và Chân Thủy, Chân hỏa, nên mỗi khi gặp những bệnh kỳ quái, những bệnh dai dẳng là quay ra trị bản bằng Bát vị hay lục vị.[41]

2/ Bản thường được hiểu là nguyên nhân bệnh.

Muốn tìm được nguyên nhân bệnh, phải:

Vọng (Quan sát hình sắc bệnh nhân).

Văn (Nghe hơi thở, tiếng nói, tiếng rên của bệnh nhân).

Thiết (bắt mạch).

Vấn (Hỏi han bệnh nhân) cho kỹ càng.

Lại phải biết thế nào là Biểu (Bệnh ở ngoài bì phu, ngoại cảm) lý (bệnh đã đi vào tạng phủ, nội thương), nhiệt (nóng), Hàn (lạnh), Thực (Tả hữu dư). Hư (Chính bất túc) …

C/ Dịch cũng như y chủ trương «Bớt thừa, Thêm thiếu».

Tượng tuyện quẻ Khiêm viết: «Địa trung hữu sơn, khiêm; quân tử, biều đa, ích quả, xứng vật bình thi.» , ; , .

Tượng rằng:

Núi trong lòng đất là Khiêm,

Hiền nhân nhiều bớt, ít thêm mới là.

Những gì chênh lệch quá đa,

Sửa sang cho bớt cho vừa thời thôi.

Trong thiên Nội kinh trị pháp, Kỳ Bá nói: «Cao thời nên xuống thấp thời nâng lên; Ôn thời làm mát, mát thời làm Ôn; tán thời thu, thu thời tán; táo thời nhuận; nhanh thời làm cho chậm; rắn làm mềm ra, mềm làm rắn lại, suy thời bổ, mạnh thời tả, v.v.» [42]

D/ Người hiểu lẽ dịch phải biết chừng mực, tiết độ.

Theo gương quẻ Tiết (Thủy Trạch Tiết), người biết lẽ Dịch phải biết tiết độ, chừng mực, chẳng nên lao tâm, lao lực sắc dục quá độ, chẳng nên nằm nhiều, ngồi nhiều, v.v…

Ngày nay, muốn khống chế con người, người ta thường bắt con người chịu đựng một hình phạt nào quá mức, quá lâu, như:

- Đứng nghiêm nhiều giờ.

- Nhịn đói, nhịn khát lâu ngày.

- Nhìn đèn quá sáng.

- Bắt thức mãi không cho ngủ v.v…

Cuối cùng con người sẽ bị gục ngã, chẳng những về thể chất mà còn về tinh thần nữa…

E/ Người biết Dịch bao giờ cũng phải có tầm mắt bao quát.

Vì thế nên khi chữa bệnh, thầy thuốc cần phải biết quá vãng của bệnh nhân di truyền của bệnh nhân, cách thức ăn, ở, làm lụng ở bệnh nhân, những mối ưu tư của bệnh nhân; như vậy chữa bệnh mới có hiệu quả. Lại phải chữa bệnh cho bệnh nhân làm sao để không di hại cho bệnh nhân về sau này.

F/ Người biết Dịch cần biết lẽ Phản phúc, chính phản.

Ta thấy trong kinh Dịch các sắp xếp 64 quẻ của Thượng kinh và Hạ kinh đều theo định luật «phản phúc», «chính phản»: Kiền ngược với Khôn, Mông ngược với Truân, Tụng ngược với Nhu v.v… Y gia cũng phải biết thế nào là Chính trị, thế nào là Phản trị.

- CHÍNH TRỊ hay NGHỊCH TRỊ là lấy Hàn trị Nhiệt, lấy Nhiệt trị Hàn, để chữa những thực chứng, để chữa ngoại tà.

PHẢN TRỊ hay TÒNG TRỊ là dùng thuốc Ôn, Nhiệt trị «Giả nhiệt» thuốc Hàn, Lương trị giả Hàn để chữa Hư chứng, để lập lại thế quân bình của Nội cảnh (Milieu intérieur).

G/ Biết lẽ dịch phải biết biến hóa.

Thầy thuốc giỏi phải biết gia giảm, biến hóa cứ không chữa bệnh trần - trần theo những phương thuốc cố định sẵn có.

Phải biết lẽ sinh (Potentialisation, synergie), khắc (Incompatibilité ou Inhition) của các vị thuốc: phải biết thế nào là quân Thần Tá, Sứ để tùy nghi tăng giảm phân lượng các vị thuốc, tùy nghi gia giảm, tùy ngghi dùng thang, hoàn; ngõ hầu đạt tới hiệu năng tối đa của bài thuốc và giảm tời mức tối thiểu những độc tính của vị thuốc nếu có (Neutralisation, Inhibition de la toxicité).

Lại phải biết tùy bệnh dùng thuốc, tùy người cho thuốc, tùy bệnh nặng nhẹ, mới lâu mà cho thuốc: tùy thời tiết, thổ ngơi mà cho thuốc.

Thế mới gọi là biết biến hóa…

H/ Thầy thuốc giỏi phải lấy sự chữa bệnh, đoán bệnh là dễ.

Dịch cũng có nghĩa là Dễ.

Nếu chúng ta am tường sự biến chuyển của thời tiết, sự biến chuyển của bệnh tật, những phản ứng của bệnh nhân, biết những nguyên tắc căn bản của Dịch học và Y học, nếu ta biết giản dị hóa vấn đề, để bao giờ cũng có cái nhìn trong sáng, thì sự làm thuốc trở nên dễ dàng.

Đại phàm:

Người khỏe, ngẫu nhiên bị bệnh, đó là Thực chứng; đó là ngoại cảm: có thể dùng thuốc Công, Hạ để trục tà.

Người yếu, bị bệnh lay lắt, đó là hư chứng, đó là Nội thương, cần phải bổ, để lập lai thế quân bình giữa khí và huyết, giữa thủy và hỏa.

- Những bệnh mới mắc: Chữa khí huyết bằng Tứ quân (bổ khí), Tứ vật (bổ huyết).

- Những bệnh mắc lâu ngày, những ký bệnh quái bệnh, chữa Thân Thủy, Thân Hỏa bằng Bát vị (Chữa Chân Hỏa), Lục vị (Chữa Chân Thủy).

Đại phàm:

Dược tính ôn là những khí Xuân sinh.

Nhiệt là như khí Hạ Trưởng.

Lương là như khí Thu Tàng (Liễm).

Hàn là như khí Đông Sát.

Vì thế nên:

Người khí bất túc, dùng cam ôn mà bổ.

Người khí bất túc thái quá dùng Tân nhiệt mà bổ.

Người mà nóng quá dùng thuốc thanh lương cho mát.

Tà khí mà thịnh mãn quá chừng, dùng thuốc bổ hàn mà Tả.

Cho nên thuốc cam, ôn đều là Bổ, Lương Hàng đều là Tả.

Người đã hư mà còn cho uống hàn lương tức là hại người, giết người vậy.[43]

Trần Tu Viên, trong Y học tam tự kinh, lại cho rằng chỉ cần biết rõ một chữ là làm thuốc được. Đó là chữ Nhân là Người với hai nét Tả, Hữu tượng trưng cho Âm Dương; Dương khinh thanh, Âm trọng trọc; nhưng Âm Dương chẳng hề rời nhau… Biết điều hòa Âm Dương là biết làm thuốc vậy.[44]

Người biết lẽ dịch phải nên cẩn trọng.

Người biết dịch, khi làm thuốc phải biết đề phòng «phòng vi, đỗ tiệm» 防 微 覩 漸 (đề phòng cái nhỏ nhặt, lưu tâm đến cái dần dà) vì:

«Dịch rằng: Khi bước trên sương.

Hãy phòng băng cứng thời thường đến sau.» [45]

Lãn Ông viết trong Châu ngọc cách ngôn:

«Thật lớn thay! Làm nghề thầy thuốc giữ mạng sống nhân loại, phải thấy khi cái bệnh cơ nó chưa lộ ra; phải ngăn đón từ khi mới chớm phát; thấy cái bệnh thế khi nó chưa hiện hình, và phòng bị từ khi bệnh mới nhen nhúm. Như vậy sẽ không có cái chuyện là phải ôm bụng, cắn rốn mà ăn năn không kịp. Làm nghề thầy thuốc không gì xấu hơn là chuyện ấy.» [46]

Cho nên người làm thuốc bao giờ cũng phải cẩn trọng, lo lường, cố tránh hết mọi sơ hở có thể xảy ra, vì mạng người là trọng.

Phải luôn tự nhủ như lời Kinh Dịch:

«Rằng nguy, rằng hỏng mới là,

Khóm dâu vững chãi thiết tha buộc ràng.» [47]

K/ Lương y phải biết kiểm điểm hành vi và cách chữa bệnh của mình.

Người biết lẽ Dịch phải biết luôn tự kiểm điểm hành vi và lề lối chữa bệnh của mình, xem kết quả hay dở ra sao để mà sửa chữa những lỗi lầm có thể mắc phải của mình.

Các danh y đếu bình lại cách chữa bệnh của mình, tùy trường hợp.

Lãn Ông đã viết quyển Dương y án ghi những trường hợp đã chữa khỏi bệnh, và Âm y án, ghi những trường hợp và những lý do không chữa khỏi bệnh.

L/ Người hoc Dịch phải biết lẽ tương đối

Ở đời này cái gì suy ra cũng tương đối. Cho nên sách vở của các danh y xưa cũng tương đối, có chỗ đúng, có chỗ sai.

Nếu so với thực tế, thấy chỗ nào sai, cần sửa lại chớ nên bo bo, cố chấp, cho rằng cái gì của người xưa cũng là hay, là đúng.

Như vậy mới tiến bộ được. Đó cũng là quan điểm mà tác giả dùng để kết thúc bài này.


CHÚ THÍCH

[1] Đã đăng Tập san của Đại học Minh Đức, số 3, tháng 10 &11 năm 1972.

[2] Như ta đã biết:

Hệ thống thập phân (système décimal) có hàng một, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn…

«Hệ thống toán pháp nhị nguyên» của Leibniz lại có hàng 1, hàng 2, hàng 4, hàng 8, hàng 16, hàng 32…

Gọi là nhị nguyên, vì chỉ dùng có hai ký hiệu là 0 và 1. 0 là không, 1 là 1, hay 2, hay 4, hay 8, hay 16, hay 32 tùy ở hàng nào.

[3] Xem: Lincoln Barnett, The Universe and Dr. Einstein (A Mentor Book) pp.107- 110,

Xem: Nguyễn văn Thọ, Lecomte du Noüy và học thuyết Viễn đích, tr.72, I2.

[4] De fait, il s’est avéré au cours des cinquante dernières années que les automes chimiques sont composés et qu’il sont constitués par seulement trois élements de base que nous appelons protons, neutrons et électrons… De ce fait, le nombre trois des éléments de base ce reduit encore une fois au nombre un. Il n’y a qu’une seule matière homogène mais celle- ci peut exister sous divers états discrets et stationnaires. Certains de ces états sont stables, à savoir proton, neuton et électrons et beaucoup d’autres sont instables.

- Werner Heisenberg, La nature dans la physique contemporaine, p.52, 54.

[5] The Unified Field Theory touches the «grand aim of all science» which, as Einstein once defined it, is «to cover the greatest number of empirica facts by logical deduction from the smallest possible numbe of hypothesis or axioms». The urge to consolidate premises, to unified concepts, to penetrate the variety and particularly of the manifest world to the undifferentiated unity that lies beyond is not only the heaven of science; it is the loftiest passion of the human intellect. The philosopher and mystic as well as the scientist, have always sought through their various disciplines of introspection to arrive at the knowledge of the ultimate immutable essence that undergirds the mutable illusory world. More than twenty- three hundred years ago Plato declared «The true lover of knowledge is always stirving after being… He will not rest at those multitudinous phenomena whose existence is appearance only.»

Lincoln Barnett, The Universe and Dr. Einstein, p.122

[6] Huard et Maurice Durand La Médicine sino- vietnamienne, p.28 (BSKELNS Tome XXVIII, No 3 2- e trimestre, 1953)

[7] Đỗ Đình Tuân, Đông y lược khảo, q. tr.37

[8] Le ationalistme le rationlisme grec en parrticulier, méprise les procédes inductifs de la science le souci des faits - paticuliers.

Cette attitude mépisante s’accompagne d’une préfeence pou les procédes déductifs; modelés sur les sciences matématiques, dans lesquelles selon une métode rigoureuse on pat de principes fondamentaux, génerraux, pour paveni à des théorèmes plus paticuliers et plus détailles tandis que dans les sciences natuelles modenes à partir des faits paticulierrs, on revient à des prrincipes géneraux.

A Wasserrtein; Le role des hypothéses, (Revue philosophique de la France et de l’Etranger (PUF) No I, Janvier Mars, 1972, p.7

[9] Cf. Y học nhập môn, tr.1

[10] Xem Lãn Ông Y gia quan niệm, Tiểu dẫn tr.1.

[11] Pierre Huard et Maurice Durand La Médicine sino- vietnamienne, p. 242 (B.S.E.I.N.S. Tome XXVIII, No 3,3e trimeste 1953).

[12] Đọc: «Ngũ vận, Lục Khí» trong:

Đỗ Đình Tuấn, Đông y lược khảo, q.1, tr. 88- 104.

Việt Cúc, Y gia yếu chỉ.

[13] Đọc Phùng Thị cẩm nang, q.1. Chương: Bình Triệu thị y quán thuyết, tr.47- 48

[14] Nhân chi ơ thai, nhất nguyệt vi phôi, diệc chỉ hồn nhiên nhất đoàn vi sinh nhân chi Thái cực.

Đường Tông Hải, Y dịch tường thuyết, bản chép tay của tác giả, tr.8.

[15] Xem: Phùng Thị cẩm nang, q.1, tr. 47- 48.

Lãn Ông, Huyền Tân phát vi, tr. 3- 8.

[16] Phùng Thị cẩm nang, q.2. chương Mệnh môn đồ thuyết, tr. 3- 8.

[17] Xem Roger Godel, Vie et Renovation (Gallimard) p. 34- 38.

[18] Xem Phùng Thị q.2, Âm Dương luận, tr. 16- 19.

[19] Xem Âm Dương luận của tác giả (bản Ronéo tr.22 tở đi)

Nhiệm Ứng Thu, Âm Dương ngũ hành, tr.29.

Lãn Ông y gia quan niệm Âm Dương tr.3- 7.

[20] Xem: Lãn Ông, Khôn hóa thái chân, tr. 13,14,15,16.

Huyền tẫn phát vi tr. 24- 27 - Y học tùng thư tr. 206- 207.

[21] Xem: Lãn Ông, khôn hóa thái chân, tr. 13,14,15,16.

Huyền tẫn phát vi tr. 24- 27 - Y học tùng thư tr. 206- 207.

[22] Xem Cảnh Nhạc toàn thư, Truyền Trung lục - Âm Dương thiên (Quyển 1, từ trang 18 trở đi).

[23] Chu dịch Tham đồng khế phát huy, q. thượng tr.4.

[24] Meckey’s Freemasonry encyclopedia, Tome II, p.615.

[25] Y học nhập môn, quyển thủ, chương Vận khí tr.40- 44.

[26] Ib. tr. 40- 44.

[27] Hùng thì cẩm nang, q.1, tr.21.

[28] Lãn Ong, khôn hóa, thái chân. Hậu thiên luận, tr.8.

[29] Thượng đức y học khai nguyên, tr.37- 43.

Trong Phùng thi cẩm nang (q.1, tr.24), ta còn thấy áp dụng ngũ hành theo chiều khắc vào công cuộc chữa bệnh như sau:

a/ Ngã thật, bổ kỳ khắc ngã.

Can mộc thật bổ Kim (Kim khắc Mộc) để bịnh Mộc.

Hỏa thật, bổ Thủy để bình Hỏa.

Thổ thật, bổ Mộc để bình Thổ.

Kim thật, bổ Hỏa để bình Kim.

Thủy thật, bổ Thổ để bình Thủy.

b/Ngã hư gia tả kỳ khắc ngã.

Kim bị Hỏa lấn át, tả Tâm (Hỏa) rồi sẽ bổ Phế.

Mộc bị Kim lấn át, bình Phế (Kim) rồi sẽ bổ gan.

Thổ bị Mộc lấn át, Tổn Can (Mộc) rồi mới sinh

Thủy bị Thổ lấn át, thanh Tì rồi mới an Thận.

Hỏa bị Thủy lấn át, ức Thận rồi mới bổ Tim.

[30] Xem Y pháp tâm truyền, chương Điên đảo ngũ hành, tr.2.

[31] Xem Trần Vu Viên, Nhãn khoa tiệp kính, tr.1.

Xem Huard et Wong, Chinese Medicine, World University Library, p.190.

Xem Định Ninh, Học Dịch y biên soạn (Bản viết tay), tr.18- 19.

[32] Lãn Ông Y gia quan niệm, tr.14.

- Phùng Thị cẩm nang, tạp chứng q.1, tr.48- 49.

- Lãn Ông, Hiệu phỏng tân phương, tr.14.

[34] Ib.p.64.

[35] Cf.Lãn Ông tâm đấc thần phương, và Hiệu phỏng tán phương v.v…

[36] Cf.Lãn Ông tâm đấc thần phương, và Hiệu phỏng tán phương v.v…

[37] Xem Cảnh Nhạc toàn thư Truyền trung lục thượng, tr.19.

- Lãn Ông, Y gia quan niệm, tr.26.

- Xem phương pháp Tân Dưỡng Sinh của Oshawa Anh Minh và Ngạn Ôn dịch tr.209.

[38] Hữu Thiên chi Thiên giả vị sinh ngã chi Thiên; sin ư vô nị do ổ thiên dã. Ưu nhân chi thiên giả vị thành ngã chi thiên, thành ư Hữu, nhi do hộ Ngã dã. Sin giả tại tiền thành giả tại hậu, nhi, Tiên Thiên Hậu Thiên chi nghĩa ư tư kiến hĩ.

Cảnh Nhạc toàn thư, Truyên tung lục trung, tr.42,42.

[39] Phùng thị cẩm nang, q.1, tr.48- 56.

- Lãn Ông, Huyền tẫn phát vi, tr.9, khôn hóa thái chân, tr.3.

[40] Phùng thị quyển thủ, tr.6b.

[41] Cảnh Nhạc toàn thư, truyền trung lục trung, Cầu bản luận tr.44.

[42] Cảnh Nhạc toàn thư, Truyền trung lục thượng, tr.36.

[43] Lãn Ông, Y gia quan niệm, tr.25.

[44] Tân Tu Viên, Y học tam tự kinh, tr.23.

[45] Xem quẻ Khôn, hào sơ lục, và văn ngôn.

[46] Xem Định Ninh, Châu Ngọc cách ngôn (bản dịch đánh máy Châu ngọc cách ngôn của Lãn Ông, tr.54).

[47] Xem Kinh Dịch, quẻ Bĩ, Hào cửu ngũ, và Hệ từ hạ, chương năm.