BÌNH GIẢNG QUẺ BÁC
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Quẻ Bác là một trong 12 quẻ dùng để chỉ sự vận
chuyển tuần hoàn của guồng máy Âm Dương, của tiết khí, cũng như để mô tả sự
doanh hư tiêu tức, sự thịnh suy, thăng trầm, tụ tán của vũ trụ và vạn vật.
Mười hai quẻ đó là:
Cấu |
Độn |
Bĩ |
Quan |
Bác |
Khôn |
|
→
Âm trưởng - Dương tiêu
→ |
|
Phục |
Lâm |
Thái |
ĐạiTráng |
Quải |
Kiền |
|
→
Dương trưởng - Âm tiêu
→ |
Ta nhận thấy ở nơi sáu quẻ trên (từ
Cấu đến Khôn), Âm là chủ và Dương biến dần thành Âm. Ở nơi sáu quẻ dưới (từ Phục
đến Kiền), Dương là chủ và Âm biến dần thành Dương. Đó là sự biến hóa hai chiều,
hai mặt của
một
thực
thể là Thái Cực mà ta có thể dùng phương trình của Einstein mô tả như sau:
E ⇄ mC2
Nếu vẽ hình (đồ bản) để cho thấy rõ sự
biến thiên, tuần tự, sự tiêu trưởng, tụ tán, ta sẽ có hai đồ bản như sau:
Đồ bản 1
Đồ bản 2
Thấu triệt hai đồ bản này, ta sẽ hiểu lẽ
biến dịch, tiết tấu của vũ trụ, của lịch sử nhân quần, và của vạn vật.
Ta sẽ lần lượt tháo gỡ ít nhiều cơ vi
huyền nhiệm của vũ trụ và của Dịch lý:
A. VỀ VŨ TRỤ
Ta thấy rằng vũ trụ có tụ có tán. Vũ trụ
của chúng ta còn ở trong thời tán, và ngày nay đang tiến về phía biên.
Nhờ phương pháp thâu quang phổ
(spectroscopie) và dựa vào định luật
Doppler-Fizeau
các nhà thiên văn học khám phá ra rằng giải Ngân Hà đang đua nhau tiến về miền
biên viễn, và vũ trụ y như cái bọt xà bông của trẻ con chơi đang được thổi phồng
lên, theo lý thuyết của Georges-Lemaître, đã được Hubble và Eddington xác nhận.
Sư kiện khuếch tán, nở nang này càng ngày
càng đưa các vì sao xa dần trái đất; muôn triệu vì sao không còn đủ soi cho trái
đất,
sức nóng của các vì sao không được dùng để sưởi ấm hay nung nấu trái đất.
Nhìn vào quang phổ, ta thấy quang phổ các
giải ngân hà xê dịch dần về phía màu đỏ, y như tiếng còi tàu càng ngày càng thấp
giọng, khi tàu trườn mình phóng mãi xa ta.
Khi tới một cực điểm nào đó, các vì
sao sẽ có lúc quay gót trở về dần cùng trái đất. Và trong một tương lai xa xăm
có lẽ những vì sao đã già nua tuổi tác ấy sẽ trở thành những ngọn đèn điện soi
đêm cho nhân quần, sưởi ấm cho trần hoàn, để không còn những ngày
giá băng, không còn có những đêm trường tăm tối.
B. PHÁC HỌA SỰ BIẾN THIÊN CỦA TIẾT KHÍ, BỐN MÙA
Mười hai quẻ Dịch tiêu tức nói trên
còn được
dùng để phác họa lại bộ mặt biến thiên của
khí tiết, của bốn mùa, từ những:
«Ngày
xuân con én đưa thoi,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.»
[Kiều]
cho đến:
«Rừng
thu từng biếc chen hồng,
Nghe chim như nhắc tầm lòng thần hôn.»
[Kiều]
Quẻ Bác là quang cảnh của tháng 9, tháng
10 âm lịch, từ Sương Giáng đến Tiểu Tuyết,
lúc trời đất
đã đem sương pha tuyết phủ lên cỏ cây, làm cho «cây trơ trụi
lá, cành xác xơ cành». Lúc ấy may mắn lắm mới còn được
một vài quả lủng lẳng trên những cành cao; còn lại được
là vì người muốn ăn mà ngại hái.
C. TRÀO LƯU LỊCH SỬ
Xét về trào lưu lịch sử thì Bác là lúc
vật đạo thịnh, thiên đạo suy. Bao nhiêu cái đẹp cái hay đều chạy ra ngoài bì
phu, dồn cả vào vật chất.
Đó là thời kỳ mà nhân loại chạy theo dục
vọng, tiền tài, bỏ cái gốc là đức hạnh, mà chạy theo cái ngọn là danh lợi.
Xét về phương diện vật chất thì đó là một
thời kỳ huy hoàng, vàng son nhất, nhưng xét về phương diện tinh thần thì đó lại
là thời kỳ sa đọa nhất. Đó là thời kỳ mà:
«Hình thời còn bụng chết đòi
nau.»
Đó cũng là thời kỳ mà tiểu nhân
thời gióng trống phất cờ, còn quân tử thì lao đao lận đận, chạy được
miếng ăn cũng khó, giữ được
thân là may.
Lịch sử chẳng qua là một sự diễn biến
cộng đồng, theo định luật của toán xác suất từ tụ đến tán; từ trị đến loạn; từ
chính đến tà; từ đức đến tài; từ nhất đến vạn; từ thiên đạo đến nhân đạo, đến
vật đạo; từ tinh thần đến vật chất; từ thiên lý đến nhân dục; từ tinh thần đến
thể xác; nội tâm đến hoàn cảnh; từ phúc đến họa; từ lạc đến bi. Hết vòng rồi
quay ngược lại như nước thủy triều khi lên khi xuống, và con người thì như thân
phận cánh bèo trôi dạt trên dòng thời gian, mặc tình cho ba đào thế sự dập vùi,
không mấy khi tự mình điều khiển được gót lãng du phiêu bạt của mình.
Xét về chiêm tinh học thì quẻ Bác ứng với
cung Ma Yết. Ma Yết là con bọ cạp, cũng có khi còn được đổi thành con phượng,
con diều. Đó là thời kỳ mà tiểu nhân như con bọ cạp dùng nọc độc hại người,
không còn phương sách ám muội đê hèn nào mà họ chẳng dùng, để thủ tiêu những
người mà họ xét là chướng tai gai mắt.
Con bọ cạp tượng trưng cho dục vọng, cho
đấu tranh, cho xâm lăng, cho chinh chiến,
và thời kỳ này cũng là thời kỳ địa ngục của
trần gian,
một thời kỳ lao lung khổ sở mà con người phải
qua trước khi hồi tâm trở về cùng chân lý chân đạo.
D. THỜI GIAN CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI
Quẻ Bác đối với một
con người thì là khoảng 30-35 tuổi, gần nửa đời, nửa đoạn,
đang còn chạy theo những vật dục, những chuyện ăn mặc, hưởng thụ bên ngoài, như
là đứa con hoang đàng đang xài phá đến mức hầu khánh tận cái gia tài tinh thần
mà lúc sơ sinh trời đã phú thác cho.
Quẻ Bác như vậy cho ta thấy sự phá tán
tinh thần của những hạng người ngoại quân tử nội tiểu nhân, ngoài thì hào
nhoáng lộng lẫy mà trong lòng thì là hang ổ rắn rết, trộm cướp. Đứng về phương
diện đạo lý, đó là những hạng người đang sống trong giấc mơ trần thế, bao nhiêu
tình dục dồn cả ra ngoài, sống vong thân mà vẫn hỉ hả; sống trong mê loạn mà vẫn
tưởng mình trong sáng, nhưng rồi ra:
«Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay
không.» [Cung Oán]
Để lồng quẻ Bác vào trong khúc nhạc
biến thiên của vũ trụ và của
con người, ta hãy ghi lại tất cả những nhận xét trên vào
trong một đồ bản sau đây:
Sau khi đã bình giải rộng về lẽ
doanh hư tiêu tức của
đất
trời bằng 12 quẻ Dịch, ta cũng nên nhận định rằng 4 chữ
doanh, hư, tiêu, tức thường được
dùng để chỉ sự thịnh suy của
Dương khí,
ta có thể vẽ lại như sau:
Để trở về quẻ Bác, ta có thể tóm tắt đại
khái như sau:
Bác là tiêu hao, bác lạc; quần âm muốn
tiêu ma, hủy diệt cho hết mọi hào Dương.
Bác ứng với thời kỳ quân tử suy, tiểu
nhân thịnh, thời kỳ mà các tiêu chuẩn giá trị được dựa trên các căn bản thực
dụng, vật chất và ngoại cảnh.
Bác ứng vào tháng 9 (kiến Tuất), ứng vào
khoảng từ Sương Giáng đến Tiểu Tuyết.
Ta có thể bình đại khái về quẻ Bác như
sau:
Bác là bác lạc suy tàn, âm khí tăng,
dương khí giảm, tà thuyết thịnh, chính đạo suy. Đó là thời kỳ mà năng lực triển
dương, khuếch tán của trời đất đã gần hao kiệt theo nguyên lý «năng lực tiêu
hao»
của Carnnot Clausius… Đó là thời kỳ mà nơi kinh thành thì thiếu lãnh tụ anh
minh, ngoài đồng nội vắng hiền nhân quân tử…
Đó là thời kỳ mà mọi người trở nên
cao ngạo, nhố nhăng, không còn biết thế nào là phải
là hay, sống gặp hay chăng chớ. Đó là thời kỳ nhiễu nhương
ly loạn, sẻ nghé tan đàn, làm ta liên tưởng đến mấy vần Kinh Thi:
«Lạnh lùng gió bấc lọt da,
Bời bời mưa tuyết, tuyết sa đầy trời !
Ai ơi ai có yêu ai,
Dắt nhau ta kiếm một nơi đi cùng.
Còn gì là cái thung dung,
Sự đời đã giục bên lòng xiết bao !»
Đạo trời tuần hoàn: đầy rồi lại vơi, vơi
rồi lại đầy; thịnh rồi lại suy, suy rồi lại thịnh.
Bác đến cùng cực sẽ khốn khổ đến điều…
Khốn khổ đến điều người ta sẽ xót xa, hối tiếc vì những lầm lỗi của mình vì đã
chiêu lấy họa hoạn. Khi con người biết hối tiếc tức thì cơ trời sẽ xoay chuyển,
và Dương sinh, và ánh sáng hạnh phúc thịnh trị sẽ dần dà trở lại với nhân quần.
Lý Long Sơn bình rằng:
«Doanh hư tiêu tức là do thời vận xui
nên. Người quân tử nên trọng lẽ trời. Như thế, dẫu ở vào thời Bác cũng không đến
nỗi phải thở than sầu muộn, cũng không đến nỗi phải đổi dạ thay lòng. Vì biết
rằng sau thời Bác sẽ có thời Phục, nên bình tâm chờ đợi. Nếu không thế mà lại
giận vì thấy tiểu nhân đắc thế, ra sức kình chống, ắt sẽ khiến cho bọ cạp xỉa
ngòi độc ra mà đốt hại, đến nỗi phải thân tàn ma dại, không có thuốc nào cứu vãn
được.»
Bác theo Từ Nguyên là búa rìu đang ra sức
chặt, chém cho cây trở nên xơ xác.
Thoán Từ cho rằng đó là thời kỳ tiểu nhân
hoành hành, còn người quân tử thì chẳng làm ăn dở dói gì được. Dịch Kinh an ủi
người quân tử hãy nên nhẫn nhục, hãy nên biết cơ trời, thời trời, đừng có buồn,
bởi vì:
«Sông có khúc,
người có lúc.»
Hay: «Anh
hùng mà gặp khúc lươn,
Khi cuộn thời ngắn, khi vươn thời dài.»
Tượng Từ thì tạm quên những chuyện
phôi pha, bác lạc mà lại dạy ngược lại rằng: Khi người quân tử ở trên mà cầm
quyền trị dân, phải
biết chăm sóc cho dân, vì dân là nền tảng cho quốc gia;
dân có hay thì mình mới vững; mình mà mất dân thì cũng như núi mất đất, sẽ không
còn nơi nương tựa, và cảnh suy vong bác lạc sẽ theo sau.
Trong quẻ Bác, trên là một hào Dương
liền, dưới là 5 hào Âm, trông chẳng khác gì cái giường có chân, có mặt; hay cái
nhà có mái có vách.
Vì thế mà hào Sơ, hào Nhị, hào Tứ vẽ ra
một cảnh phá giường. Hết chặt chân giường (hào Sơ) rồi lại phá tới khung giường
(hào Nhị), hết thang giường rồi lại xoay tới cả đến người nằm bên trên (hào Tứ).
Ý nói rằng: Tiểu nhân có nhiều thủ đoạn
để hãm hại người quân tử. Khi họ đắc thế, có bầy có bọn, mà quân tử thì lẻ bạn
lẻ bầy, cô thân cô thế, họ sẽ tìm cách hại người quân tử. Họ làm cho người quân
tử mất công mất việc, mất cơ sở sinh nhai, mất cả môi trường hoạt động, mất sự
an lạc tĩnh lãng, hồn nhiên. Ví như người quân tử có cái giường, mà tiểu nhân
đến chặt chân cho khập khiễng, đến phá thang, phá giát cho hư, cho gẫy (hào Sơ
và Nhị). Chẳng những thế, họ còn muốn vạc da đẽo thịt người quân tử, làm cho lầm
than điêu đứng, họ mới vui, mới thỏa (hào Tứ).
Tuy nhiên, không phải là ai cũng xấu. Có
những người tuy bề ngoài về phe phái với tiểu nhân nhưng trong lòng vẫn hướng về
người quân tử, vẫn muốn ám trợ người quân tử. Đó là Trần Bình không nỡ chuốc
rượu cho Bái Công nơi Hồng Môn hội yến, để Bái Công khỏi say sưa mà thất thế;
sau lại còn giúp cho Bái Công đào tẩu;
đó là Từ Thứ tuy bề ngoài về với Tào Tháo mà lòng vẫn hằng ám trợ cho Lưu Bang
(hào Tam).
Hơn thế nữa, có những người đã lên tới
bậc lãnh tụ quần âm, đã thống suốt cả bầy cả đảng tiểu nhân, mà có khi còn biết
xướng xuất dắt nhau về cùng chính nghĩa. Đó là như trường hợp của vua A Dục đem
dân về cùng Phật Giáo, vua Constantin, vua Clovis đem dân về cùng Công giáo,
v.v. (hào Ngũ).
Gặp thời Bác, tức là thời đảo điên ly
loạn, thì số người quân tử còn lại cũng rất là thưa thớt, y như là một vài quả
may ra còn sót lại đầu cành.
Tuy ít, nhưng đó chính là hứa hẹn cho sự
phục sinh tinh thần sau này, và cũng chính là bằng chứng chính nghĩa chẳng
bao giờ bị sức gì có thể làm suy vong tiêu diệt được. Mà lạ hơn nữa, người
quân tử khi ấy vẫn được dân kính, dân tôn, vẫn có thể còn được lên xe xuống
ngựa…
Kẻ tiểu nhân nếu cố tâm hủy diệt cho tận
tuyệt quân tử, cho tận tuyệt chính nghĩa và đạo lý, thì có khác chi con người
ngu dại tự nhiên đi kéo sập mái nhà mình đang ở, rồi ra sẽ lấy gì mà che nắng
che mưa. Thế chính là Hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu (Ngậm máu phun
người trước dơ miệng mình) (hào Thượng Cửu).
☸
Thế mới hay:
Gặp thời điên Bác, phải khôn ngoan,
Phải biết dừng chân chớ tiến càn.
Trời đất doanh hư, người phúc họa,
Đừng vì cảnh ngộ loạn tâm xoang. [Thoán]
*
Núi kia nhờ đất mới vươn cao,
Vua phải nhớ dân mới vững trào.
Hãy biết thương dân, thương bách tính,
Lòng người tựa vững mới anh hào. [Tượng]
*
Tiểu nhân có lúc cũng lên hương,
Quân tử hãy lo chuyện phá giường.
Phá hoại chân giường, giường khập
khiễng,
Sinh nhai trắc trở ắt tang thương.
[Sơ Lục: Bác sàng dĩ túc.]
*
Phá chân chưa thỏa, phá thang giường,
Độc ác bày chi cảnh nhiễu nhương?
Quân tử bơ vơ vương tủi hận,
Lầm than cám cảnh, nẫu can trường.
[Lục Nhị:
Bác sàng dĩ biện]
*
Theo bọn tiểu nhân, chẳng tiểu nhân,
Cũng vì sinh kế mới vong thân.
Nhưng lòng chê chối phường đơn bạc,
Quân tử trước sau quyết đỡ đần.
[Lục Tam: Bác chi vô cữu.]
*
Tiểu nhân mà mạnh thế thời thôi,
Cái nạn Cao Cầu sắp tới nơi.
Quân tử có thân nên bảo trọng,
Kẻo không cùng khốn, cũng tơi bời.
[Lục Tứ: Bác sàng dĩ
phu.]
*
Thống suất quần âm bỏ nẻo tà,
Cải tà qui chánh mới vinh ba.
Như vì vương nữ đưa cung nữ,
Về với quân vương vẹn xướng hòa.
[Lục Ngũ: Quán ngư.]
*
Gặp thời bác lạc thế chênh vênh,
Quân tử khác chi quả mót cành.
Quân tử lúc cùng dân vẫn trọng,
Tiểu nhân quá quắt ắt điêu linh.
[Thượng Cửu: Thạc quả
bất thực.]
CHÚ THÍCH
Bác
hay
剝
tạo thành
bởi các bộ phận: ♮ (Ký: rìu), nét
丿(chỉ sự chặt), nét
|
(cây), nét
—
(đã bị chặt đầu), nét >< (vỏ và lá rụng xuống quanh cây).
|