VỀ MỘT SỐ ĐÓNG GÓP NGHIÊN CỨU

ĐẠO CAO ĐÀI CỦA

NHÂN TỬ NGUYỄN VĂN THỌ

(Nhận định khái quát ban đầu)

Huệ Khải (Dũ Lan Lê Anh Dũng)

Để hết lòng tri ân Thầy Nhân Tử. (LAD)

Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Thủ bút và chữ ký (1972)

 

Sơ thảo này trình bày ít nhiều nhận định khái quát ban đầu về một số đóng góp nghiên cứu đạo Cao Đài của một nhà Đạo học đương đại - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ. Đó cũng chỉ là một phần trong toàn bộ sự nghiệp của Nhân Tử.

Niên biểu tóm tắt sau đây phần nào cho thấy quá trình học tập và nghiên cứu xiển dương Đạo học của Nhân Tử, còn là một thi tài thông thạo tiếng Pháp, Anh, Hán, Nôm và La tinh.

I. NIÊN BIỂU (trích một số sự kiện quan trọng)

1921: Sinh tại Chi Long, Hà Nam, 15-12 (17-11 Tân dậu).

1944: Đậu tú tài toàn phần triết học văn chương Pháp.

1952: Tốt nghiệp bác sĩ khoa y Đại học Hà Nội. Luận án Les secrets des reins révéles (150 tr.) bình dịch Huyền tẫn phát vi của Hải Thượng Lãn Ông, so sánh Tây y với Đông y (âm dương, thủy hỏa, hàn nhiệt, hư thực...).

Về thận, ông cho rằng ngoài hai quả thận tương ứng với hai quả thận theo Tây y, Đông y còn có mệnh môn tương ứng với các hạch thượng thận (capsules surrénales) trong Tây y. Mệnh môn gồm ba phần: (1) chân thủy: chủ điều hòa huyết dịch, tương ứng với vùng đới cầu (zone glomérulée) sinh ra các chất minéralo-corticoides trong Tây y; (2) chân hỏa: chủ điều hòa khí lực, tương ứng với vùng chùm (zone fasciculée) sinh ra các chất glucocorticoides trong Tây y; (3) mệnh môn ở giữa chủ sinh dục, tương ứng với vùng võng đới (zone réticulée) sinh ra các chất hạch sinh dục (hormones sexuelles) của Tây y.

Giáo sư Pierre Huard,[1] trong La médecine chinoise au cours des siècles, tán thưởng luận án này, cho rằng Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ có công bắc được nhịp cầu nối Đông và Tây y. Luận án được giải thưởng năm đó [Hoàng Vũ 1974-74: 63-102] [2].

12.1955 - 6.1956: Tu nghiệp khoa y ở Texas, Mỹ.

Khoảng 1956-1963: Phó hội trưởng, rồi Hội trưởng Hội Cổ học Đà Nẵng.

1960: In tác phẩm đầu tay Khảo luận và phê bình học thuyết Khổng tử. Bản thảo Trung dung tân khảo được Tinh việt Văn đoàn trao giải Lecomte du Nouy.

1962: Hội viên Tinh việt Văn đoàn.

1965: Hoàn tất các bản thảo Vô cực luận; Thái cực luận; Hà đồ; Lạc thư; Dịch học nhập môn; Tượng luận thiên; Dịch luận thiên; Dịch kinh giản lược.

1966: Hội viên Hội Thần học Quốc tế (La Haye), do tạp chí Concilium (Hòa Lan) giới thiệu. Hoàn tất các bản thảo Âm dương luận; Tứ tượng luận; Ngũ hành luận.

1967: Dạy triết học Trung Quốc tại Đại học Văn khoa (Viện đại học Sài Gòn); rồi là giảng sư thực thụ tại đây (1972-75). Hoàn tất các bản thảo Đạo đức kinh (bình dịch); Văn hóa là gì? và bản dịch tiếng Pháp Qu’est-ce que la culture?; Hướng tinh thần; Kinh Dịch (diễn ca & bình giảng).

1967-69: Thành viên Ủy ban Điển chế Văn tự.

1968: In Lecomte du Noüy và học thuyết viễn đích. Hoàn tất bản thảo Trung dung bình giảng.

1970: In Những điểm tương đồng giữa Phật giáo, Công giáo và Khổng giáo.

1970-71: Dạy Tôn giáo đối chiếu (Comparative religions) tại cơ sở Alexandre de Rhodes (dòng Tên, Sài Gòn).

1970-82: Nói chuyện và dạy kinh Dịch, Khổng, Lão, Tôn giáo đối chiếu... tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam.

1971: Dạy triết tại khoa Triết (Viện đại học Minh đức).

1972: In Chân dung Khổng tử.

1973-75: Trưởng ban triết Đông (Viện đại học Minh đức).

1977: Hoàn tất các bản thảo Huỳnh đình kinh; Tinh hoa Lão giáo (Đạo học cầu chân); Tinh hoa Phật giáo; Tinh hoa Khổng giáo.

1978: Hoàn tất các bản thảo Tinh hoa Bà la môn giáo; Thuyết thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

1978-81: Dịch văn bản chữ Nôm thế kỷ XVII của Giáo sĩ Maiorica và tập đoàn (được hơn 1.000 trang).

1980: Hoàn tất các bản thảo Tinh hoa Thiên chúa giáo; Trang tử.

1982: Định cư ở bang California (Mỹ).

1983: Thi đậu Flex, Ecfmg, Anh văn (tương đương bác sĩ Mỹ).

1984: Hoàn tất bản thảo Đông y dược thảo.

1987 - tháng 8-1989: Thuyết giảng triết giáo phương Đông cho cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Tháng 9-1989: Cánh tay phải bị bại. Vẫn không ngừng làm việc, với sự trợ giúp đắc lực của người bạn đời tận tụy (bà Huyền Linh Lê Thị Yến).

1990: Hoàn tất bản thảo Đường Tiên nẻo Phật.

1991: Hoàn tất bản thảo The Monistic Theory.

1997: Xuất bản bộ Dịch kinh đại toàn, ba tập, viết chung với Huyền Linh Lê Thị Yến.

v.v...

 

II. NĂM ĐÓNG GÓP LỚN VỀ ĐẠO HỌC

Từ năm ba mươi sáu tuổi, sau khi tiếp xúc với nền Khổng học, Nhân Tử tự mình thoát ra khỏi những tri kiến đã có trong khoảng 20-30 năm trước từ một nền giáo lý phương Tây. Cũng từ đó, ông miệt mài dành cả cuộc đời mình để tìm kiếm không mệt mỏi trong kho tàng huyền học (mysticism) của đông tây, kim cổ con đường lớn (Đại đạo) của nền triết học vĩnh cửu (perennial philosophy) của hiền thánh, tiên phật.

Tất cả các sách, bản thảo, bài nói chuyện, bài giảng và hàng trăm bài báo, hàng vạn câu thơ lục bát, song thất lục bát, cả ngàn bài thơ bát cú, tứ tuyệt... trong mấy chục năm liên tục cầm bút của ông đã làm sự nghiệp trước tác và dịch thuật của ông lên tới vài nghìn trang (khoảng 7.000 trang chưa xuất bản); đó là kết quả một hùng tâm chuyên nhất tinh ròng của một nhà Đạo học lớn đương đại.

Qua nhiều nghìn trang viết của mình, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ ít nhất đã có năm đóng góp lớn cho việc nghiên cứu và xiển minh Đạo học, vạch lối chỉ nẻo đi vào Đại đạo. Sau đây là toát yếu năm đóng góp lớn ông đã đem tâm huyết một đời đúc kết được.

1. Quan niệm tam tài về con người (1956)

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ xác định rằng con người ngoài xác, hồn còn có thần. Thần con người và thần của trời đất là một. Ông cho biết rằng đây là chìa khóa đầu tiên giúp ông mở được kho tàng tư tưởng các đạo giáo trên thế giới. Ông mệnh danh nhận thức này là quan niệm tam tài về con người; theo đó, ở con người, ba phần xác, hồn, thần tương ứng với tam tài (địa nhân thiên) như sau:

a. Xác (địa): người có giác quan tiếp xúc ngoại giới; phải làm ăn để sống (đây là địa đạo).

b. Hồn (nhân): người có thất tình, lục dục, tư duy. Người phải biết làm người để xứng danh con Người (đây là nhân đạo).

c. Thần (thiên): người có linh tri, linh giác, trực giác. Người phải tiến lên làm trời, làm phật, khi còn tại thế thì biết tu dưỡng để sống hợp với Trời, với Đạo (đây là Thiên đạo).

2. Minh họa cơ cấu vũ trụ bằng tâm điểm và vòng tròn (1960)

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dùng tâm điểm vòng tròn tượng trưng cho Bản thể, Trời, nguồn gốc phát sinh vạn hữu. Các vòng tròn đồng tâm tượng trưng cho thế giới hiện tượng, vạn hữu biến thiên; càng gần tâm điểm thì càng khinh thanh; càng hướng ra ngoại vi thì càng nặng nề, trọng trược.

Con đường thánh hóa để làm trời, làm phật vì thế phải là con đường hướng tâm, quy tâm. Trước Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, các nhà đạo học Mật tông từng sử dụng mạn-đà-la (mandalas) với cùng một ý nghĩa biểu thị cơ cấu vũ trụ như vậy.

3. Dùng khoa cơ thể học phương Tây xác định được nê hoàn cung (1961)

Con người là tiểu vũ trụ, cũng có cơ cấu tâm điểm và vòng tròn. Ở người, vòng tròn biến thiên ngoại vi là hai mạch nhâm, đốc; còn tâm điểm con người, nơi chơn thần ngự trị, là não thất (thứ) ba (3è ventricule) trong đầu, mà đạo Lão gọi là nê hoàn cung, huỳnh đình, linh đài, thiên cốc, cốc thần; đạo Phật gọi là liên hoa tâm, niết bàn; kinh Thánh Thiên chúa giáo gọi là vườn Địa đàng,[3] v.v...

Não thất ba (3è ventricule), theo An Atlas of Normal Radiographic Anatomy,

của Isadore Meschan, nxb Saunders, tr. 285; dẫn lại trong Nguyễn Văn Thọ, Trung dung tân khảo (bản thảo).

4. Chìa khóa Dịch lý (1963)

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ tìm ra chìa khóa để mở cửa vào đạo Dịch. Đó là thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể;[4] cùng với hai hệ luận: (1) Nhất thể tán vạn thù, vạn thù quy nhất thể; và (2) Thiên địa tuần hoàn, chung nhi phục thủy.

5. Bảy tầng lớp trong con người (1970)

Theo Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, mỗi tôn giáo đều có nhiều bình diện; mỗi bình diện tương ứng một tầng lớp trong con người; muốn hiểu các đạo giáo, trước phải biết được bảy tầng lớp này:

(1) Ngoại cảnh, vật chất, và nghề nghiệp;

(2) Gia đình, xã hội, và quốc gia;

(3) Xác có ngũ quan, tương ứng với phần nghi lễ (formalism) của các tôn giáo;

(4) Tiểu trí, tương ứng với giáo lý, giáo điều (dogmatism) của các tôn giáo;

(5) Trọc hồn (anima), tương ứng với phần luân lý, giới răn (moral, asceticism) của các tôn giáo;

(6) Thanh hồn (animus), tương ứng với phần nghệ thuật hay cái đẹp (esthetics) của các tôn giáo, nó dạy con người sống tiêu sái, khinh khoái, thoát tục;

(7) Thần (spirit), tương ứng với phần huyền học (mysticism) của các tôn giáo, nó dạy con người sống huyền đồng, hiệp nhất với Trời, với Đạo (mystic union with God).

Năm tầng lớp đầu (1-5) là phần ngoại giáo công truyền (exoterism, hình nhi hạ học) thường phù hợp cho đại chúng, được nhiều người theo; còn hai tầng lớp chót (6-7) là bí giáo, hay nội giáo mật truyền (esoterism, hình nhi thượng học) thường ít người theo và cũng ít người đạt tới kết quả.

Năm 1971 ông áp dụng phát hiện này khi giảng dạy Tôn giáo đối chiếu tại cơ sở Alexandre de Rhodes (dòng Tên, Sài Gòn). Có thể không sai, nếu nói rằng ông là người đầu tiên ở Việt Nam dạy Tôn giáo đối chiếu một cách «bài bản» (methodically).

Từ năm phát hiện trên, từ kết quả của nghiên cứu và dạy Tôn giáo đối chiếu, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ minh xác (1976):

a. Chân lý trong thiên hạ chỉ có một. Đại đạo trong thiên hạ chỉ có một. Nó phải phát xuất từ thâm tâm con người, phải dựa trên những định luật vĩnh cửu đã sẵn ghi tạc trong lương tâm con người, và thánh hiền xưa nay chỉ rút tỉa từ đó ra. Như thế vạn giáo trong thiên hạ đều gặp nhau ở tâm điểm.

b. Nhân loại phải có một triết lý vĩnh cửu (perennial philosophy) không phân biệt đông, tây. Triết lý đó, theo ông, ở phương đông là thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể (monistic theory), ở phương Tây là thuyết phóng phát (emanation theory), hay phóng phát tán phân (emanation and division theory).

 

III. NHÂN TỬ VỚI CAO ĐÀI

Từ năm 1970, chỉ sau khi đã định hình cho chính ông những suy gẫm, đúc kết về con đường huyền nhiệm tâm linh (Đại đạo) của nhân loại, với năm đóng góp cho Đạo học nói trên, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ lại có duyên tiếp cận với Cao Đài, chủ yếu qua Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam.

Nguồn thánh giáo Cao Đài phong phú các thể thơ là một điểm phù hợp với hồn thơ của ông. Tinh thần Đại đạo, vạn giáo nhất lý, dung hợp đông tây kim cổ với bản sắc văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc được truyền tải trong tư tưởng Cao Đài là điều thứ hai mà ông tâm đắc.

Nhưng, quan trọng hơn thế, những phát hiện Đạo học mà ông một mình truy tìm và thủ đắc trong mấy mươi năm, với ông như một hành trang riêng tư trên viễn đồ tri kiến; đến khi nghiên cứu Cao Đài, giống như Tử Kỳ nghe được tiếng đàn Bá Nha, giữa ông và tư tưởng Cao Đài hoàn toàn không có gì cách bức.

Nói gọn hơn, Đại đạo (mysticism) hay con đường triết lý vĩnh cửu của nhân loại đông tây kim cổ mà tự ông đã khổ công chiêm nghiệm và hệ thống hóa được, ông cũng thấy lại nó đầy đủ trong Cao Đài, và thậm chí còn được cách tân bằng phong vị thuần túy Việt Nam, nhuần nhụy tính dân tộc.

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ chưa từng là một tín đồ Cao Đài, ông chưa một lần dự đàn cơ, nhưng có lẽ sẽ không ngoa nếu nói rằng cho đến nay hiếm người nghiên cứu Cao Đài nắm bắt được tinh hoa Cao Đài, cái thần của tư tưởng Cao Đài được như ông.

· Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ đóng góp gì cho nghiên cứu Cao Đài ?

Phải chăng vẫn còn sớm để có thể tổng kết được trọn vẹn, đầy đủ dữ kiện trả lời câu hỏi ấy? Cho đến nay, ngoại trừ một số bài nghiên cứu Cao Đài đăng rải rác trên một số tập san, ông chưa có hẵn một công trình dày dặn chuyên biệt hay một chuyên luận mang tính tập đại thành về Cao Đài. Tuy nhiên, có thể nêu ra đây ít nhất là ba mặt đóng góp của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ:

a. Gián tiếp: Toàn bộ những bản thảo của ông, khi có điều kiện xuất bản trọn vẹn, nhất là những gì về triết lý vĩnh cửu (toát lược ở phần II trên đây) mà ông hệ thống hóa được, đó là cái nền không thể thiếu cho người muốn nghiên cứu tư tưởng Cao Đài ở tầm kích Đại đạo. Người muốn sở đắc một phương pháp và một nhãn quan để khỏi phải mày mò, không mất thời gian quẩn quanh, có thể nương cậy vài nghìn trang viết của ông, nhất là khi trong nước chưa có nhiều sách uy tín về Đại đạo học (mystic studies).

b. Trực tiếp: Những năm 70, tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam, chính Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, đã dốc trọn tâm huyết và tài tuệ của mình để trang bị cho lớp người nghiên cứu đầu tiên của Hội đồng Nghiên cứu Giáo lý Đại đạo, và những giáo sĩ đầu tiên của Cơ quan những tinh hoa của nền Đạo học phương Đông (Khổng, Lão, Bà la môn...); tinh thần và phương pháp áp dụng khoa Tôn giáo đối chiếu để xiển minh tư tưởng Cao Đài. Ngoài việc thuyết giảng, ông còn biên soạn nhiều tài liệu (ronéo) để học viên tham khảo.

Đáng phục là ông không có tinh thần độc tôn cá nhân; chính ông giới thiệu một vài học giả, nhà nghiên cứu tên tuổi trong tôn giáo khác đến cộng tác với hai chương trình lớn nói trên của Cơ quan Phổ thông Giáo lý, đem đến cộng đồng Cao Đài một không khí học thuật, mở đường cho một lớp trí thức Cao Đài nghiên cứu Đại đạo sau này.

c. Một vài nhận định cụ thể: Trong một số bản thảo nghiên cứu về Đại đạo, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ đã có ít nhiều nhận định quan trọng về đạo Cao Đài.

· Về cơ bút Cao Đài

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ phân biệt «có ba nền triết học chính yếu chi phối tư tưởng nhân quần» là triết học duy thần, duy vật, và minh triết.

Về triết học minh triết, ông viết:

«Học thuyết này chủ trương vũ trụ và vạn hữu đã từ một Đại thể minh linh, huyền diệu, phóng phát, tán phân ra mà thành, chẳng khác nào từ môt vừng dương tung tỏa ra muôn ánh dương quang. Đại thể ấy minh linh huyền diệu, không thể nói là thần hay vật, ở khắp nơi, tràn ngập vũ trụ. Đại thể ấy sinh hóa muôn loài, siêu xuất muôn loài, nhưng đồng thời vẫn ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu. Cho nên Đại thể ấy chính là Bản thể duy nhất của muôn loài, và muôn loài chính là sự hiển dương vô tận của Đại thể ấy (...). Muôn loài từ Đại thể ấy phóng phát tán phân ra, biến hóa muôn vàn, nhưng lúc chung cuộc lại quay về cùng Bản thể vô biên ấy. Thế là Nhất thể tán vạn thù; vạn thù quy nhất thể.»

«(...) Học thuyết này hết sức quan trọng, vì giáo lý Cao Đài xây đắp nền tảng trên đó, vì cơ bút Cao Đài luôn luôn truyền dạy nó.

«(...) Cao Đài giáo chủ trương vạn vật nhất thể, và cho rằng Nhất thể tuyệt đối hay Thiên nhãn đã sinh hóa ra vũ trụ. (...) cơ bút thường dùng chữ sinh hóa, chữ hóa sinh thay vì dùng chữ tạo dựng [Nguyễn Văn Thọ 1988: 33-34].

· Về tôn giáo Cao Đài và Đại đạo Cao Đài

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ phân biệt: «Một hình thức hữu vi, hữu tướng bên ngoài, gồm các lễ nghi, trì tụng, công quả bên ngoài từ nội vụ đến ngoại giao. Có thể nói đó là tôn giáo Cao Đài.

«Một phần vô vi, vô tướng bên trong, gồm tất cả mọi công trình tâm trai, thiền định, cố gắng vươn lên tới tuyệt đỉnh tinh hoa, sống hòa mình với Đạo, với Trời, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ. Có thể nói đó là Đại đạo Cao Đài.

«Những người theo tôn giáo Cao Đài phụng thờ Thượng đế ngự trị trong các đền đài miếu mạo bên ngoài.

«Những người theo Đại đạo Cao Đài phụng thờ Thượng đế ngự trị ngay trong linh đài của tâm hồn mình, muốn sống kết hợp với Trời, với Đạo ngay từ khi còn ở trần gian này.» [Nguyễn Văn Thọ 1987: 13-14].

· Cao Đài ra đời khi nhân loại cần có một Đại đạo

Theo Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ: «Có lẽ ngày nay nhân loại đã trưởng thành, không còn phải uống những thứ sữa ngoại giáo (religion exotérique),[5] không còn phải theo những lề luật khắc trên bia đá, có thể vỡ, có thể mòn, không còn quá lệ thuộc vào những đền đài miếu mạo bên ngoài có thể đổ, có thể nát, mà đã đến lúc được ăn cơm hột của nội giáo vô vi (religion ésotérique), lấy Tâm mình làm đền đài dung chứa Thượng đế, lấy Lương tâm làm thánh kinh, với những luật Trời đã ghi tạc trên đó, lung linh như những vì sao đã được nạm vào bầu trời thu trong sáng...

«Phải chăng đó cũng là Thiên ý, khi Thượng đế sáng lập ra đạo Cao Đài. Sáng lập đạo Cao Đài để dạy con người nội giáo thượng thừa. Lạ lùng thay, khi lập đạo Cao Đài, đức Chí tôn thay vì xưng mình là Thượng đế, là Ngọc hoàng, ngự trên chín tầng trời thẳm, trên bửu tòa khắc nạm bằng muôn vì sao, lại xưng mình là Cao Đài, Thiên nhãn.

«Mà Cao Đài là gì? Thưa là đầu não con người. (...) Thiên nhãn là gì? (...) Nó ở ngay nê hoàn cung (...). Thượng đế như vậy từ nay đã nhập thể nơi mỗi con người...» [Nguyễn Văn Thọ 1987: 19-20].

· Cao Đài với nền văn hóa dân tộc

Khẳng định mối tương quan giữa văn hóa dân tộc và Cao Đài (nền đạo bản địa Việt Nam), Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ viết:

«Về phương diện đạo giáo, tuy nước ta từ thời Lý, Trần theo Phật, nhưng tinh thần hòa đồng Tam giáo đời nào cũng hết sức mãnh liệt. Đó là một nét rất đặc thù về văn hóa dân tộc.»

«(...) Từ mấy chục năm gần đây, Cao Đài (...) cũng đã ra công phát huy, ra công thừa kế cái tinh thần đạo giáo dân tộc ấy.

«Thay vì theo một đạo giáo nào mà thôi, hoặc Phật, hoặc Lão, hoặc Khổng, hoặc Gia tô, thì đạo Cao Đài cùng một lúc đã đổ chung các đạo giáo ấy vào một khuôn, gạn lọc lấy tinh hoa, loại trừ những gì phù phiếm. Như vậy thiết tưởng Cao Đài chính đã đại diện cho Việt Nam về phương diện tôn giáo. Thế giới ngày nay nếu nói: Bà la môn giáo là của Ấn; Phật giáo là của Ấn; Khổng, Lão là của Trung Hoa; Gia tô giáo, Thiên chúa giáo là của Tây phương; Hồi giáo là của các nước Ả Rập; thì cũng phải nói: Cao Đài giáo là của Việt Nam.

«Cao Đài lại dùng cơ bút như là một phương tiện truyền đạo, giảng đạo, dạy đạo. Và nền văn chương, thi phú cơ bút này đã đóng góp không ít vào nền văn học, thi ca, và tư tưởng của nước nhà.

«Tôi không dự [đàn] cơ, nhưng đã khảo cứu rất nhiều cơ bút của Cao Đài, và nhận thấy hết sức là phong phú, và có nhiều đoạn hết sức là sâu sắc, thâm thúy. Đó là một hiện tượng văn hóa hết sức là ly kỳ.»

«(...) Nếu về phương diện đạo giáo, Cao Đài có sứ mạng thu thập tinh hoa các đạo giáo thiên hạ, để đúc kết lại cho nên một Đại đạo phổ độ cho nhân quần, thì về phương diện văn hóa, sứ mạng người giáo hữu [tín đồ] Cao Đài cũng phải là thu thập tinh hoa các nền văn hóa nhân loại để đúc kết nên một nền văn hóa toàn diện, vừa đượm màu sắc dân tộc và màu sắc thế giới.

« (...) Một nền văn hóa toàn diện, toàn bích phải gồm đủ cả ba phần:

«Thiên đạo có mục đích dạy con người trở thành thần thánh.

«Nhân đạo có mục đích dạy con người tu tâm, luyện tính, ăn ở cho xứng đáng với danh hiệu con người.

«Địa đạo có mục đích dạy con người biết cách làm ăn sinh sống, ăn ở cho sung sướng, thoải mái, có tiện nghi.

«Nền văn hóa toàn diện có mục đích phát huy mọi giá trị, mọi khả năng trong con người, trên mọi bình diện, tạo cho mọi người những điều kiện tinh thần vật chất thuận tiện, để họ được nâng đỡ, được hướng dẫn, ngõ hầu có thể phát triển mọi khả năng của mọi người, kiến tạo một xã hội tương dung tương trợ, hạnh phúc công chính, và giúp con người có những điều kiện thuận tiện, những môi trường thuận tiện để sống một cuộc đời ung dung sung sướng, thoát được mọi cảnh lầm than, đói khổ, ốm đau, tật nguyền và cuối cùng có thể thần thánh hóa mình.» [Nguyễn Văn Thọ, cảm nghĩ: 7, 8, 15].

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ là một trường hợp nhìn Cao Đài từ ngoài cộng đồng Cao Đài. Ông nhìn Cao Đài từ một hướng khác. Nhìn từ một hướng khác, nhưng ông giúp những người quan tâm tìm hiểu đạo Cao Đài một số cơ sở cần yếu để nhận chân được tính Đại đạo trong Cao Đài. Không dễ gì làm được như thế, nếu như nhà Đạo học Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ không đến với Cao Đài, nhìn Cao Đài từ góc độ Đại đạo. Cũng có thể thấy thêm rằng, là người phi Cao Đài (non-Caodaist), Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ không chỉ đến với Cao Đài bằng trí, bằng tài, mà bằng cả tuệ và tâm.

Ghi chú xuất xứ trích dẫn:

[Hoàng Vũ 1974-74: 63-102] tức là từ trang 63 tới 102 trong quyển [Hoàng Vũ 1973-74] kê sau đây:

[Hoàng Vũ 1973-74]. «Vào Đạo học triết học với Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ», nguyệt san Minh đức. Sài Gòn: tháng 12-1973 01-1974, tr.63-102.

[Nguyễn Văn Thọ, cảm nghĩ]. «Ít nhiều cảm nghĩ về văn hóa dân tộc», bản thảo, 19 trang đánh máy.

[Nguyễn Văn Thọ 1987]. «Nhận định về Đại đạo», tập san Trung hòa, số 6, xuân Đinh mão, tr. 13-22.

[Nguyễn Văn Thọ 1988]. «Thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể với cơ bút Cao Đài», tập san Trung hòa, xuân Mậu thìn, tr. 32-41.

Huệ Khải

(Dũ Lan Lê Anh Dũng)

(20-11-1996)


CHÚ THÍCH

[1] Tác giả Etudes historiques sur l’ancienne médecine du Vietnam et en Chine (1955); Lãn Ông et la médecine sino-vietnamienne (1956).

[2] Xem «Ghi chú xuất xứ trích dẫn» ở cuối bài viết này.

[3] garden of Eden, the earthly Paradise.

[4] Cũng gọi nhất bản 一本 thay cho nhất thể 一體.

[5] I, Corinthiens, 3, 2.

 

Summary:

SOME CONTRIBUTIONS TO CAODAI STUDIES BY NHÂN TỬ NGUYỄN VĂN THỌ

Renowned for his expertise in comparative religions, Nguyễn Văn Thọ, M.D., achieves mastery of both occidental and oriental religious philosophies of the world, ancient and contemporary. Besides his selected background, this essay sums up his major attainments of human beings’ perennial mysticism, and presents some of his very authoritative observations about Caodai’s thoughts as well as its remarkable position in the Vietnamese people’s culture.