» mục lục

Xác định niên đại của Huỳnh Đình Kinh [1] 

* Rolf Homann (1941-2003)

* Lê Anh Minh dịch

 

Trong các bản Huỳnh Đình Kinh, chúng ta không thể nào tìm được thông tin về tác giả. Viên Đốn Tử 圓頓子 trong tác phẩm Huỳnh Đình Kinh Giảng Nghĩa 黃庭經講義 của ông cũng nói như thế: «Huỳnh Đình Kinh bất trứ soạn nhân danh thị cập thời đại.» 黃庭經不著撰人名氏及時代 (Huỳnh Đình Kinh không ghi tên họ và thời đại của soạn giả). [2]

Ngay từ đời Tống người ta cũng không biết ai là tác giả của Huỳnh Đình Kinh. Âu Dương Tu viết: «Cả Nội Cảnh lẫn Ngoại Cảnh đều không nói về tên họ của tác giả Huỳnh Đình Kinh.» [3]

Chính một bản Huỳnh Đình Kinh có từ đời sơ Đường mà Mễ Phất 米芾 nêu ra trong quyển Thư Sử 書史 (Lịch sử Thư pháp) của ông cũng không công bố tên họ của tác giả bộ kinh này. [4]

Về sự khó khăn của việc xác định niên đại và tác giả của các thư tịch cổ Trung Quốc, Arthur Waley nói rằng: «Dân Trung Quốc cổ đại đã quen quan niệm rằng thư tịch là sách ghi chép về truyền thống [của họ]. Mục đích của họ là muốn bảo tồn những đồ vật cổ kính để chúng không bị người đời quên lãng. Hệ quả tất nhiên là những người ghi chép cần phải ghi chép những thư tịch đó với diện mạo là cổ tịch chứ không phải là sách trình bày những ý tưởng của họ như là các phát kiến riêng tư và mới mẻ.» [5]

Do đó, trong một vài tác phẩm viết về Huỳnh Đình Kinh đã bảo kinh này có vào thời các vị đế vương trong truyền thuyết. Chẳng hạn như quyển Hỗn Nguyên Thánh Kỷ 混元聖紀 của Tạ Thủ Hạo 謝守灝 đời Tống viết rằng dưới đời vua Đế Khốc 帝嚳 (2435-2365) đã xảy ra sự kiện sau đây: «Lão Quân 老君 giáng thế, cư ngụ tại Giang Tân 江濱, tự xưng là Lục Đồ Tử 錄圖子 […] Ngài giảng về những lời lẽ huyền diệu của Huỳnh Đình.» [6]

Đời Nguyên, Triệu Đạo Nhất 趙道一 trong tác phẩm Lịch Thế Chân Tiên Thể Đạo Thông Giám 歷世真仙體道通鑑 cũng viết tương tự: «Vào thời Đế Khốc, Lục Đồ Tử giáng trần tại Giang Tân. Ngài giảng Huỳnh Đình Kinh để dạy đạo thanh tĩnh và hòa đồng (thanh hòa chi đạo 清和之道) […] Ngài truyền kinh này cho Đế Khốc. Cũng có nghĩa là ngài soạn 50 chương Huỳnh Đình Kinh [7]

Henri Maspero đã mô tả một hình thức khác của sự truyền bá đạo kinh với các kinh sách khác như sau: «Đức Thái Thượng đã giảng những kinh này cho các vị thần tối cao nghe, và chư thần này, đến lượt mình, đã viết các lời kinh bằng chữ vàng trên các lá ngọc; đã giải thích các lời kinh này cho chư thần có ngôi vị thấp hơn họ. [...] Thỉnh thoảng, chư thần tối cao này còn giảng dạy những lời kinh ấy cho con người.» [8]

Chúng ta cũng tìm thấy chỉ dẫn tương tự có liên hệ với Huỳnh Đình Kinh. Đó là tác phẩm Huỳnh Đình Kinh Giải 黃庭經解 của Lưu Nhất Minh 劉一明: «Huỳnh Đình Kinh là bí văn của Đông Hoa Phù Tang Đế Quân 東華扶桑帝君. [9] Một tên khác của kinh này là Đại Đế Kim Thư 大帝金書. Gọi là Kim Thư vì kinh được khắc trên thẻ bằng vàng (kim giản 金簡). Kinh còn có tên khác là Đông Hoa Ngọc Thiên 東華玉篇. Gọi là Ngọc Thiên vì kinh cũng được khắc trên ngọc.» [10]

Thượng Thanh Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh, Vụ Thành Tử chú

Ngay từ đầu kinh của cả Nội Cảnh và Ngoại Cảnh đều khẳng định tác giả là một vị thần. Đầu Nội Cảnh viết: «Thượng Thanh Tử Hà Hư Hoàng tiền, Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân, nhàn cư Nhụy Châu tác thất ngôn.» 上清紫霞虛皇前, 太上大道玉晨君, 閑居蕊珠作七言 (Trước làn khí đỏ tía nguyên thủy hư vô nơi tầng trời Thượng Thanh, đức Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân nhân lúc thư nhàn nơi cung Nhụy Châu đã viết kinh bảy chữ.) [11]

Tôi không tra cứu được vị thần có danh hiệu như vậy. Theo lời chú của Vụ Thành Tử, đây là tên của một vị thần do ghép hai danh hiệu của hai vị thần khác: Tử Thanh Thái Tố Cao Hư Động Diệu Tam Nguyên Đạo Quân 紫清太素高虛洞曜三元道君 Cao Thánh Thái Chân Ngọc Thần Huyền Hoàng Đại Đạo Quân 高聖太真玉晨玄皇大道君. [12] Tên của hai vị thần này đã được đạo sĩ trứ danh Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 (452-536) chép vào thần phổ. [13] Mao Sơn Chí 茅山志 của Lưu Đại Bân 劉大彬 đời Nguyên cũng ghi chép về hai vị thần này. Đây là hai vị thần đứng đầu trong truyền thống của phái Thượng Thanh Mao Sơn Tông 上清茅山宗. [14] Lời chú khác kết luận rằng đây không phải nói về tên hai vị thần, mà chỉ là tên hiệu của một vị: đức Ngọc Thần Quân 玉晨君.

Lãnh Khiêm 泠謙 đời Tống nơi lời chú trong tác phẩm Huỳnh Đình Kinh Bí Nghĩa 黃庭經秘義 của ông đã nhắc đến địa vị của Hải Nội Thập Châu Ký và viết rằng: «Đức Ngọc Thần Quân cư ngụ nơi tầng trời Thượng Thanh. Ngài cai quản cung Nhụy Châu Bối Khuyết, nhân lúc thừa nhàn ngài soạn những câu thơ bảy chữ để thuyết giảng Đại Đạo.» [15]

Ngọc Thần Quân cũng là thần cư ngụ nơi Phổi (phế thần 肺神). [16]

Huỳnh Đình Ngoại Cảnh cho biết các tên hiệu khác nhau: Lão Quân 老君, [17] Thái Thượng 太上, [18] Lão Tử 老子. [19] Các nhà bình chú đều cho rằng Lão Quân và Thái Thượng tức là Lão Tử, do đó rốt cuộc tác giả của Huỳnh Đình Kinh chính là Lão Tử.

Học giả Vương Minh 王明 cương quyết bác bỏ sự gán ghép Lão Tử với Huỳnh Đình Kinh. Ông cho rằng sự gán ghép này là một nhầm lẫn có từ đời Đường. Các vua đời Đường có cùng họ Lý với Lý Nhĩ 李耳 (tức Lão Tử), do đó đã nhận Lý Nhĩ làm tổ tiên của mình. [20]

Tất cả những trích dẫn đến đây đều nhất trí tác giả của Huỳnh Đình Kinh là thần tiên. Qua đó, lời chú của Viên Đốn Tử (trích dẫn nơi đầu chương này) được xác minh rằng chúng ta không thể nào tìm ra tác giả đích thực của Huỳnh Đình Kinh.

Một nhân vật có thật trong lịch sử có liên quan đến Huỳnh Đình Kinh là Ngụy Hoa Tồn 魏華存 (252-334). Tuy nhiên Ngụy phu nhân được đề cập như là người tiếp nhận Huỳnh Đình Kinh từ tay của thần tiên, chứ phu nhân không phải là tác giả của kinh này. Trong lời tựa của Nội Cảnh, Vụ Thành Tử viết: «Phù Tang Đế Quân mệnh Dương Cốc Thần Tiên Vương, [21] truyền Ngụy phu nhân.» 扶桑大帝君命暘谷神仙王傳魏夫人 (Phù Tang Đại Đế Quân ra lệnh cho Dương Cốc Thần Tiên Vương truyền [Nội Cảnh] kinh cho Ngụy phu nhân.)[22]

Những chính sử về các triều đại Trung Quốc không ghi chép về tiểu sử Ngụy Hoa Tồn và tên tuổi của nhân vật này – theo sự tra cứu của tôi – đã không được đề cập ở đâu cả trong chính sử. Tuy nhiên, ngoài chính sử thì có một tiểu sử về nhân vật này, đó là Nam Nhạc Ngụy Phu Nhân Truyện 南岳魏夫人傳 do Nhan Chân Khanh 顏真卿 [23] đời Đường viết. Dựa trên tiểu truyện này mà có đến 4 dị bản khác. [24] Nhiều nơi trong Đạo Tạng chúng ta cũng có thể tìm ra nhiều tiểu sử giản lược của Ngụy phu nhân. [25]

Nhân vật Ngụy Hoa Tồn khiến người ta phải chú ý nhiều bởi vì bà là sơ tổ của Mao Sơn Tông 茅山宗. [26] Tông phái này được mô tả tỉ mỉ trong chương 10 của Mao Sơn Chí 茅山志. Trong lịch sử truyền thừa của Mao Sơn Tông, đứng đầu có 7 vị thần mà 2 trong các vị này có liên quan đến Huỳnh Đình Kinh (đó là Tử Thanh Thái Tố Cao Hư Động Diệu Tam Nguyên Đạo Quân 紫清太素高虛洞曜三元道君 và Cao Thánh Thái Chân Ngọc Thần Huyền Hoàng Đại Đạo Quân 高聖太真玉晨玄皇大道君). [27]

Cho đến đời Nguyên, Ngụy Hoa Tồn và 44 đời tổ sư của tông phái này đã truyền dạy giáo lý của các bậc thần tiên nói trên. [28] Từ các tiểu sử của Ngụy phu nhân hiện có, tôi chỉ trích dẫn những sự kiện quan trọng nhất trong đời bà. Ngụy Hoa Tồn sinh năm 252 cn tại Nhậm Thành 任城. [29] Bà là con gái của Ngụy Thư 魏舒 (mất năm 290 cn). [30] Trên đường khoa hoạn, ông đã vươn lên một trong những quan chức cao nhất. [31] Ngụy Hoa Tồn tự là Hiền An 賢安, từ thuở hoa niên đã hâm mộ và nghiên cứu Lão Trang. Bà sau đó cũng nghiên cứu kinh điển Nho giáo và các trường phái triết gia còn lại. Rồi bà chuyên tâm tu tập theo Đạo giáo và ước nguyện trở thành thần tiên. Bà tu theo phục thực: ăn phục linh 茯苓 và hồ ma 胡麻, [32] luyện đạo dẫn, thích ẩn dật. Năm bà 24 tuổi, bị cha mẹ ép buộc lấy chồng là Thái Bảo Lưu Văn 太保劉文 ở Nam Dương 南陽. [33] Bà sinh được hai con tên là Phác và Hà . Khi con khôn lớn, bà biệt cư để tĩnh tọa và chay tịnh. Sau ba tháng tu luyện, bà được nhiều thần tiên giáng hạ dạy đạo, truyền kinh và khẩu quyết. Trong những kinh đó có Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh.

«Cảnh Lâm Chân Nhân [34] truyền Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh cho Ngụy phu nhân. Ngài ra lệnh cho bà phải đọc tụng kinh này cả ngày lẫn đêm. Khi đọc đủ một vạn lần, bà sẽ thấy được thần tiên; sẽ cảm thấy dễ chịu ở lục phủ, và có thể hòa hợp được tam hồn. Ngũ tạng sẽ khang kiện và dung mạo sẽ tươi trẻ trở lại như hài nhi. Đó là đạo trường sinh bất tử.» [35]

Ngụy phu nhân soạn phần bình chú cho Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh. [36]

Sau khi chồng qua đời, bà dời về Lạc Ấp 洛邑 (nay ở Hà Nam) và rồi đến bờ phía Nam sông Dương Tử. Mỗi khi gặp gian khó, bà đều được thần tiên phù hộ. Năm 334 cn, bà liễu đạo, đang lúc 83 tuổi. [37]

Tương truyền, bà được thần tiên phong là Tử Hư Nguyên Quân 紫虛元君, Thượng Chân Tư Mệnh 上真司命, Nam Nhạc Phu Nhân 南岳夫人, xếp vào hàng tiên, cai quản núi Đại Hoắc Sơn 大霍山 trong rặng núi Thiên Thai 天台.

Các kinh sách và khẩu quyết mà chư tiên truyền cho Ngụy phu nhân về sau đã đến tay của một đạo sĩ nổi tiếng là Dương Hi 楊羲 (330-386 cn). [38] Có hai thuyết về sự truyền thừa này. Một thuyết nói Ngụy phu nhân truyền các kinh này cho con cả là Lưu Phác, rồi ra lệnh cho Phác truyền cho Dương Hi. [39] Một thuyết thì nói: «Nếu người ta tìm hiểu sự xuất hiện đầu tiên của Thượng Thanh chân kinh, [thì sẽ thấy] sự truyền các kinh này bắt đầu từ năm Hưng Ninh thứ 2 đời Tấn Ai Đế (364 cn). Năm này, Nam Nhạc Phu Nhân (tức Tử Hư Nguyên Quân, Thượng Chân Tư Mệnh) giáng cơ truyền cho đệ tử là Dương Hi (vốn là xá nhân nơi công phủ của quan tư đồ của Lang Nha Vương 琅琊王).» [40]

Thượng Thanh Chân Kinh được nêu ở đây có quan hệ mật thiết với Huỳnh Đình Kinh. Trong Đạo Tạng Nguyên Lưu Khảo 道藏源流考 của Trần Quốc Phù viết: «Huỳnh Đình Kinh giải thích các chư thần trong thân thể con người. Đây là căn bản các pháp trong Thượng Thanh Kinh.» (Huỳnh Đình Kinh xiển thuật thân thần, vi Thượng Thanh Kinh pháp chi căn bản 黃庭經闡述身神為上清經法之根本). [41]

Trong Huỳnh Đình Kinh Khảo của Vương Minh, những kết quả có tầm quan trọng cho sự xuất hiện của Huỳnh Đình Kinh được ông toát lược thành 4 điểm như sau:

1. Trong khoảng từ đời Ngụy đến đời Tấn, ai đó đã sở hữu riêng một bản viết tay tương tự như Huỳnh Đình Kinh.

2. Ngụy Hoa Tồn sinh năm 253 cn. Khoảng năm 289 cn, bà nhận được Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh.

3. Ngụy Hoa Tồn mất năm 334 cn, lúc 83 tuổi. Thời gian Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Kinh được sáng tác thật đáng nghi ngờ.

4. Trước tiên Ngụy Hoa Tồn nói về Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh. Người con tên là Phác của bà đã truyền pháp cho Dương Hi. Năm 365 cn, Ngụy Hoa Tồn với tư cách thần tiên giáng hạ nơi bàn thờ nơi nhà của Dương Hi và giảng cho Dương Hi về cuốn kinh này. [42]

Cho đến nay chưa ai rõ giữa Nội Cảnh và Ngoại Cảnh, kinh nào có trước. Maspero bảo Ngoại cảnh có trước; Vương Minh bảo Nội cảnh có trước. Nhưng tôi thấy hai thuyết này đều không có đủ chứng cứ vững chắc. [43]

Có lẽ thứ tự trước sau của Nội Cảnh và Ngoại Cảnh không quan trọng bằng chính nội dung của chúng như Kaltenmark đã chỉ ra: «Dường như Nội Cảnh Kinh là kinh mà người ta tụng đọc và luyện tập theo lời dạy của kinh trong phạm vi nội bộ của Mao Sơn Tông, và dường như Ngoại Cảnh Kinh là để dành cho những người chưa nhập môn [tụng đọc].» [44]

Liệt Tiên TruyệnBão Phác Tử Nội Thiên không phân biệt Nội Cảnh và Ngoại Cảnh khi nhắc đến Huỳnh Đình Kinh:

«… Lúc đó, ngài trao cho ông ta quyển Lão Quân Huỳnh Đình Kinh và bắt ông ta phải tụng mỗi ngày ba lần…» [45]

«… Ông ta ngày đêm tụng đọc những kinh điển như Huỳnh Đình Kinh…» [46]

Như thế, Cát Hồng chỉ nói đến Huỳnh Đình Kinh trong danh mục các đạo thư, đề cập nơi Bão Phác Tử Nội Thiên. [47]

 


CHÚ THÍCH

[1] Dịch từ nguyên tác Đức ngữ: Datierung des Huang-t’ing ching, trích dịch từ Rolf Homann, Die wichtigsten Körpergottheiten im Huang-t’ing ching (Chư thần quan trọng nhất trong nhân thể theo Huỳnh Đình Kinh), Verlag Alfred Kümmerle, Göppingen, Germany, 1971, tr.14-24. Chú thích riêng của người dịch được ghi là [LAM chú].

[2] Lý Lạc Cầu 李樂俅, Tiên Học Diệu Tuyển 仙學妙選, Đài Bắc, 1967, tr. 27.

[LAM chú] Viên Đốn Tử là hiệu của dạo gia hiện đại Trần Anh Ninh 陳攖寧 (1880-1969).

[3] Âu Dương Tu 歐陽修, Âu Dương Vĩnh Thúc Tập 歐陽永叔集, quyển 6, chương 1, tr. 60.

[4] Mễ Phất (1051-1107) viết trong Thư Sử rằng Huỳnh Đình Kinh là tác phẩm có từ thời Lục Triều 六朝 (222-587). Ngoài ra, Mễ Phất còn mô tả tỉ mỉ bản Huỳnh Đình Kinh mà ông có và nghiên cứu lịch sử truyền bá kinh này.

[LAM chú] Chữ trong 米芾 thường phiên âm là phế, phí, phất. Ở đây tôi đọc Mễ Phất, căn cứ Tân Hoa Tự Điển, Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh, 2000, tr. 182, phiên là /fú/ và giảng: (1) Thảo mộc mậu thịnh 草木茂盛: cây cỏ sum xuê tươi tốt. (2) Đồng phất, Tống đại thư họa gia Mễ Phất, dã tác Mễ Phất 同黻 /fú/. 宋代書畫家米芾亦作米黻 /Mǐ Fú/: đồng với chữ phất, thư họa gia đời Tống Mễ Phất, cũng viết là Mễ Phất. (3) Cũng đọc là /fèi/.

[5] Arthur Waley, The Life and its Power, London, 1965, p. 102.

[LAM chú]: Hiện tượng này hết sức phổ biến trong các cổ tịch, nhất là đạo kinh. Thông thường một đạo sĩ nào đó viết ra một quyển sách, và để tăng trọng lượng cho tác phẩm cũng như để người đời trân trọng và tụng niệm, đạo sĩ đã mượn danh một thần tiên nào đó làm tác giả.

[6] Đạo Tạng 道藏 551/W762, chương 1, tr. 10b/11a.

[7] Đạo Tạng 道藏 139/W293, chương 2, tr. 3b/4a.

[LAM chú] Rolf Homann dịch thanh hòa chi đạo der Weg des reinen Friedens (đạo thanh bình) nhưng ý chỉ giảng dạy của Lão Tử là Thanh tĩnh vô vi 清靜無為 Hòa kỳ quang đồng kỳ trần 和其光同其塵, vì thế tôi dịch là đạo thanh tĩnh và hòa đồng. Một chi tiết khác: không rõ bản Huỳnh Đình Kinh nào lại có đến 50 chương? Thông thường Nội Cảnh có 36 chương và Ngoại Cảnh có 3 bộ (thượng, trung, hạ), còn toàn văn của Trung Cảnh không phân chia thành các chương.

[8] Henri Maspero, Les dieux taoistes; comment on communique avec eux; đăng trong Academie des Inscriptions et Belles Lettres – Comptes rendus des séances de l’Année 1937, Paris 1937, p. 368. (Ces Livres, le Vénérable céleste les a récités aux dieux les plus hauts, et ceux-ci, à leur tour, les ont écrits en caractères d'or sur des feuilles de jade; ils les ont expliqués aux dieux qui sont audessous d'eux, ... De temps en temps, les dieux les enseignent aux hommes.)

[9] Thuật ngữ Đông Hoa được giải thích như là sự mô tả các cung thuộc hướng đông (xem Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 1, tập 9, tr. 21: Đông Hoa chư phương chư cung danh 東華諸方諸宮名). Ở đây ta có thể dựa vào Richard Wilhelm để dịch thuật ngữ Đông Hoa (xem Richard Wilhelm, Dschuang-dsi Das Wahre Buch vom Südlichen Blütenland: Trang Tử Nam Hoa Chân Kinh, Jena 1920). Cây phù tang là loại cây huyền thoại, ở hướng đông. Trong các kinh văn thời Lục Triều, phù tang tượng trưng cho vùng đất huyền thoại ở hướng đông. Vị thần cai quản nơi đây là Đông Hoa Đế Quân (xem K. M. Schipper, L’Empereur Wou des Han dans la légende taoiste, Paris, 1965, tr. 69, 81).

 [LAM chú] Vấn đề phù tang được tranh luận đã lâu nhưng vẫn chưa thấu đáo. Cách giảng của Wilhelm chỉ là một thuyết khá phổ biến.)

[10] Đạo Tạng Tinh Hoa 道藏精華, bộ 4, tập 7, tr. 1. (Huỳnh Đình Kinh giả, Đông Hoa Phù Tang Đế Quân chi bí văn dã. Nhất danh Đại Đế Kim Thư dĩ kỳ khắc ư kim giản. Nhất danh Đông Hoa Ngọc Thiên dĩ kỳ khắc ư ngọc. 黃庭經者, 東華扶桑帝君之秘文也. 一名大帝金書以其刻於金簡. 一名玉篇以其刻於玉)

[LAM chú] Homann không chép nguyên văn chữ Hán. Tôi tra lại câu trên trong Huỳnh Đình Kinh Giải của Lưu Nhất Minh trong bộ Đạo Thư Thập Nhị Chủng 道書十二種 và chép lại nơi đây.

Vụ Thành Tử 務成子 cũng giải thích tương tự trong Đạo Tạng Tinh Hoa 道藏精華, bộ 1, tập 9, tr. 21: Đông Hoa chư phương chư cung danh 東華諸方諸宮名. Một tên khác nữa của Nội Cảnh được nhắc đến nơi đây là: Thái Thượng Cầm Tâm Văn 太上琴心文.

[11] Đại Hán Hòa Từ Điển 大漢和辭典 của Tetsuji Morohashi, 31339/8, có ghi chú về một nơi chốn được chép trong quyển Hải Nội Thập Châu Ký 海內十洲記 của Tung fang-shuo (Đông Phương Sóc 東方朔 ?) mà ngày nay kinh văn này không thể tìm được. Đó là Ngọc Thần Đại Đạo trị Nhụy Châu bối khuyết 玉晨大道君治蕊珠貝闕 (đức Ngọc Thần Đại Đạo cai trị nơi cung bối khuyết Nhụy Châu). Trong Sở Từ 楚辭 có câu: «Tử bối khuyết nhi ngọc đường.» 紫貝闕而玉堂 (cửa khuyết đỏ tía chạm vỏ sò và điện ngọc) (xem Tứ Bộ Bị Yếu 四部備要 503, chương 16, tr. 4a) D. Hawkes, Ch’u Tz’u, the Songs of the South, Oxford 1959, p. 153, đã dịch sai là: «My tower of spotted shells, my hall of jade.» (Tháp vỏ sò có đốm và điện ngọc của ta.)

[LAM chú] Khuyết là hai cái lầu ở trước cửa cung điện, giữa hai cái lầu này là lối đi vào cung điện. Khuyết (cũng gọi là song khuyết 雙闕) giống như cửa để trống. Về sau, khuyết cũng phiếm chỉ cung điện, hoàng cung hay cửa hoàng cung. Người ta thường dịch là cửa khuyết. Bối (vỏ sò) ngày xưa là vật quý, dùng làm tiền; nên bối khuyết có thể là một cách nói ví von bày tỏ sự cao sang của cung điện, chưa chắc đó là cửa cẩn chạm vỏ sò.

[12] Đạo Tạng Tinh Hoa 道藏精華, bộ 1, tập 9, tr. 31. (Thái Thanh Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh)

[LAM chú] Vụ Thành Tử chú về tên hiệu Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân như sau: «Thái Thượng tức là Cao Thánh Thái Chân Ngọc Thần Huyền Hoàng Đại Đạo Quân.» Còn Hư Hoàng là nội hiệu của Tử Thanh Thái Tố Cao Hư Động Diệu Tam Nguyên Đạo Quân. Như vậy Homann đã nhầm khi bảo rằng Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân là tên ghép của hai tên khác. Lời chú của Vụ Thành Tử đâu có nói như vậy. (Nguyên văn: Hư Hoàng giả, Tử Thanh Thái Tố Cao Hư Động Diệu Tam Nguyên Đạo Quân nội hiệu dã. Thái Thượng, tức Cao Thánh Thái Chân Ngọc Thần Huyền Hoàng Đại Đạo Quân dã: 虛皇者,紫清太素高虛洞曜三元道君內號也.太上,即高聖太真玉晨玄皇大道君也; xem: Huỳnh Đình Kinh, Thượng Hải Cổ Tịch xbx, 1990, tr. 25). Mục Lân 睦麟 chú rằng: Hư Hoàng là bản hiệu của thần Nguyên Thủy Hư Vô 元始虛無之神; Ngọc Thần Quân 玉宸君 (theo Vân Cấp Thất Thiêm 雲笈七籤, chữ viết là ) là danh hiệu của Thái Thượng Đại Đạo Quân. (Trung Quốc Khí Công Tứ Đại Kinh Điển 中國氣功四大經典, Giang Tây Cổ Tịch xbx, 1999, tr. 227)

[13] Đạo Tạng 73/W164, Động Huyền Linh Bảo Chân Linh Vị Nghiệp Đồ 洞玄靈寶真靈位業圖.

[14] Đạo Tạng 154/W301, Mao Sơn Chí 茅山志 chương 10, tr. 1b/2a.

[15] Đạo Tạng Tinh Hoa 道藏精華, bộ 3, tập 5, tr. 13. (Huỳnh Đình Kinh Bí Nghĩa 黃庭經秘義). Lãnh Khiêm đời Tống bình chú Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh. Bản bình chú này về sau được Cung Khánh Vinh 龔慶榮 hiệu đính và xuất bản năm 1928.

[16] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 7, tập 4, tr. 590. (Vân Cấp Thất Thiêm 雲笈七籤).

[17] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 1, tập 9, tr. 85. (Thái Thượng Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Kinh)

[18] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 1, tập 9, tr. 71. (Thái Thượng Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Kinh)

[19] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 3, tập 10, chương 1, tr. 1. (Huỳnh Đình Kinh Chú 黃庭經注 của Thạch Hòa Dương 石和陽 đời Minh)

[LAM chú] Câu đầu tiên của Ngoại Cảnh là: «Lão Quân nhàn cư tác thất ngôn, giải thuyết thân hình cập chư thần.» 老君閑居作七言解說身形及諸神 (Lão Quân lúc thư nhàn sáng tác các câu thơ bảy chữ để giải thích về thân hình con người và chư thần trong đó.) Vụ Thành Tử chú: Lão Tử là tinh hồn của trời, là đấng tự nhiên, tạo lập thần tiên, thường tồn muôn đời; viết thơ bảy chữ để dạy người đời sau. (Nguyên văn: Lão Tử giả, thiên chi tinh hồn, tự nhiên chi quân. Tạo lập thần tiên, vạn thế thường tồn. Tác tư thất ngôn dĩ thị hậu sinh. 老子者, 天之精魂. 造立神仙, 萬世常存. 作斯七言以示後生) (Huỳnh Đình Kinh, Thượng Hải Cổ Tịch xbx, 1990, tr. 1).

[20] Vương Minh 王明, Huỳnh Đình Kinh Khảo 黃庭經考, in trong Lịch Sử Ngữ Ngôn Nghiên Cứu Sở Tập San 歷史語言研究所集刊, Vol. XX, 1948.

[LAM chú] Nhiều người ngộ nhận rằng Phật giáo cực thịnh vào đời Đường vì các sự kiện như Huyền Trang thỉnh kinh và sự phiên dịch kinh Phật đại qui mô, v.v... Nhưng thật sự chính Đạo giáo mới là cực thịnh.

[21] Theo quan niệm của Trung Quốc, mặt trời xuất hiện từ Dương Cốc. Trong Hoài Nam Tử 淮南子 (in trong Tứ Bộ Bị Yếu 四部備要 424, chương 3, tr. 9b) viết: «Nhật xuất vu Dương Cốc, dục vu Hàm Trì, phất vu Phù Tang thị vị thần minh.» 日出于暘谷浴于咸池拂于扶桑是謂晨明 Maspero dịch là: «Mặt trời ra khỏi Dương Cốc, tắm nơi ao Hàm. Khi mặt trời chạm đến Phù Tang, ấy là lúc rạng đông.» (Le soleil sort de Yang-kou et se baigne à l’étang Hien. Quand il touche au fou-sang, c’est l’aube.) (Henri Maspero, Legendes Mythologiques dans le Chou King; in trong Journal Asiatique CCIV, Janvier-Mars, Paris, 1924, p. 17)

[22] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 1, tập 9, tr. 21 (Thái Thượng Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh) và Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 3, tập 5, tr. 3 (Huỳnh Đình Kinh Bí Nghĩa). Ngụy phu nhân tức là Ngụy Hoa Tồn.

[23] Tùng Thư Tập Thành 叢書集成 3435, (Cố Thị Văn Phòng Tiểu Thuyết 顧氏文房小說, tập 2).

[LAM chú] Chưa rõ Cố thị 顧氏 (người họ Cố) là ai, không phải là viết nhầm từ Nhan thị 顏氏, bởi vì Trần Quốc Phù cũng trích dẫn tựa sách này trong quyển Đạo Giáo Nguyên Lưu Khảo (tập thượng, tr. 31) của ông. Nhan Chân Khanh (709-785) tự là Thanh Thần 清臣, người đời gọi là Nhan Lỗ Công 顏魯公, quê ở Vạn Niên 萬年 thuộc Kinh Triệu 京兆 đời Đường (nay là Tây An 西安 thuộc Thiểm Tây 陝西). Ông là cháu đời thứ 5 của Nhan Sư Cổ 顏師古. Thuở nhỏ nhà nghèo, nên sự học của ông đều do mẹ dạy. Ông bác thông kinh sử, thờ cha mẹ chí hiếu. Nhan Chân Khanh phần nhiều được biết đến như một đại thư pháp gia hơn là một nhà luyện đan. Thư pháp ông học nơi Chử Toại Lương 褚遂良, về sau noi theo bút pháp của Trương Húc 張旭. Chữ Khải của ông (gọi là Nhan thể 顏體) đoan trang mộc mạc và mạnh mẽ, nổi tiếng như Liễu Công Quyền 柳公權 qua câu nói của người đời ví von truyền tụng «Nhan cân Liễu cốt» 顏筋柳骨 (chữ Nhan Chân Khanh như gân, chữ Liễu Công Quyền như xương). Kể từ đời Đường, chữ Khải trở thành một thư thể hoàn chỉnh với các đại thư gia như Liễu Công Quyền, Nhan Chân Khanh, Âu Dương Tuân 歐陽詢. Đời Nguyên có thêm Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫. Họ tạo thành bốn phong cách khải thư (Liễu thể, Nhan thể, Âu thể, Triệu thể) được xem là mô phạm khải thư cho thế nhân nghiên tập từ đời Đường tới ngày nay. Liễu thể cứng cỏi quật cường, Nhan thể mộc mạc mạnh mẽ, Âu thể thanh tú trang nghiêm, Triệu thể yểu điệu kiều lệ. Nhan Chân Khanh đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên, từng làm quan giám sát ngự sử. Ông cũng là nhà luyện đan như Tô Đông Pha, Lý Bạch, Triệu Mạnh Phủ, v.v. Tương truyền sau khi ông mất, người ta thấy ông trên núi La Phù Sơn 羅浮山. Bạch Ngọc Thiềm 白玉蟾 (khai sáng Kim Đan Phái của Nam Tông, tức Tử Dương Phái) đời Tống nói rằng Nhan Chân Khanh căn kiếp là Bắc Cực Khu Tà Viện Phán Quan 北極驅邪院判官. Ngoài các tác phẩm thư pháp, tác phẩm văn chương của ông có Nhan Lỗ Công Văn Tập 顏魯公文集. (tham khảo: Ngô Phong, Trung Hoa Đạo Học Thông Điển, Nam Hải xuất bản công ty, 1994, tr. 944)

[24] Các dị bản này in trong: Thái Bình Quảng Ký 太平廣記, chương 58; Ký sử Thông Giám 記史通鑑, chương 22; Khâm Định Toàn Đường Văn 欽定全唐文, chương 340, 4366ff; và Thái Bình Ngự Lãm 太平御覽, chương 678 (tiểu sử thật ngắn gọn).

[25] Đạo Tạng 75/W168, tr. 7a; Đạo Tạng 150/W295, ch. 3, tr. 7a; Đạo Tạng154/W301, ch. 10, tr. 4a; Đạo Tạng 330/W591, ch. 2, tr. 4a; Đạo Tạng 992/W1230, ch. 5, tr. 13b; Đạo Tạng 995/W1230, ch. 18, tr. 2a; Đạo Tạng 1019/W1292, ch. 4, tr. 7b.

[LAM chú] Xin chú ý: Homann dùng các ký hiệu theo thư mục về Đạo Tạng do Wieger lập (Léon Wieger, Taoisme, tome I, Bibliographie générale).

[26] Sự liên hệ giữa Huỳnh Đình Kinh và Mao Sơn Tông được nêu ra trong Annuaire (Niên Giám) 1967/1968, tr. 80.

[LAM chú] Homann thiếu chính xác khi bảo Ngụy phu nhân là sơ tổ (die erste Patriarchin) của Mao Sơn Tông. Thực ra, Ngụy phu nhân là sơ tổ của Thượng Thanh Phái 上清派 (sơ tổ gọi là Thái Sư 太師). Nhị tổ là Dương Hi 楊羲 (gọi là Huyền Sư 玄師). Tam tổ là Hứa Mục 許穆 (gọi là Chân Sư 真師). Tứ tổ là Hứa Hối 許翽 (gọi là Tông Sư 宗師; từ đời thứ 4 về sau đều gọi là Tông Sư). Ngũ tổ là Mã Lãng 馬朗. Lục tổ là Mã Hãn 馬罕. Thất tổ là Lục Tu Tĩnh 陸修靜. Bát tổ là Tôn Du Nhạc 孫游岳. Cửu tổ là Đào Hoằng Cảnh 陶弘景. Mao Sơn Tông lấy Mao Sơn (núi cỏ mao) làm tổ đình. Mao Sơn Tông kế thừa Thượng Thanh Phái. Đào Hoằng Cảnh là tổ sư đời thứ 9 của Thượng Thanh Phái (không chú trọng phù lục). Sau khi quy ẩn 10 năm tại Mao Sơn, ông sáng lập Mao Sơn Tông (coi trọng phù lục), lấy tên núi làm tên giáo phái. Cho nên đôi khi sách vở chép là Thượng Thanh Mao Sơn Tông. Có nhiều cách đặt tên giáo phái (đây là chủ đề thú vị mà tôi sẽ trình bày ở dịp khác). Một số giáo phái của Đạo giáo lấy một địa danh làm tên (có thể là nguyên quán của tổ sư hoặc khu vực phát khởi giáo phái) thí dụ như: Lâu Quán Đạo 樓觀道, Long Hổ Tông 龍虎宗, Mao Sơn Tông 茅山宗, Các Tạo Tông 閣皂宗, Long Môn Phái 龍門派.

[27] Đạo Tạng 154/W301, ch. 10, tr. 1a-4b (Mao Sơn Chí).

[LAM chú] Mao Sơn Chí do Lưu Đại Bân đời Nguyên viết. Ông là tổ sư đời 45 của Thượng Thanh Phái. Từ Lưu Đại Bân trở về sau, sử liệu thiếu sót nên không rõ sự truyền thừa của giáo phái này ra sao. Thứ tự 45 vị tổ của giáo phái này là: [1] Thái sư Ngụy Phu Nhân (252-334), [2] Huyền sư Dương Hi 楊羲 (330-386), [3] Chân sư Hứa Mục 許穆 (tức là Hứa Mật 許謐, 305-367). Từ đời thứ 4 trở đi mỗi vị tổ gọi là Tông sư: [4] Hứa Hối 許翽 (341-370), [5] Mã Lãng 馬朗 (?-?), [6] Mã Hãn 馬罕 (?-?), [7] Lục Tu Tĩnh 陸修靜 (406-477), [8] Tôn Du Nhạc 孫游岳 (398-498). Từ tổ đời thứ 9, giáo phái được gọi là Thượng Thanh Mao Sơn Tông: [9] Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 (456-536), [10] Vương Viễn Tri 王遠知 (528-635), [11] Phan Sư Chính 潘師正 (584-682), [12] Tư Mã Thừa Trinh 司馬承禎 (647-735), [13] Lý Hàm Quang 李含光 (682-769), [14] Vi Cảnh Chiêu 韋景昭 (693-785), [15] Hoàng Động Nguyên 黃洞元 (697-792), [16] Tôn Trí Thanh 孫智清 (?-?), [17] Ngô Pháp Thông 吳法通 (824-907), [18] Lưu Đắc Thường 劉得常 (?-?), [19] Vương Thê Hà 王栖霞 (881-943), [20] Thành Diên Chiêu 成延昭 (911-990), [21] Tưởng Nguyên Cát 蔣元吉 (?-998), [22] Vạn Bảo Xung 萬保沖 (?-?), [23] Chu Tự Anh 朱自英 (976-1029), [24] Mao Phụng Nhu 毛奉柔 (?-?), [25] Lưu Hỗn Khang 劉混康 (1035-1108), [26] Đát Tịnh Chi 笪淨之 (1068-1113), [27] Từ Hi Hòa 徐希和 (?-1127), [28] Tưởng Cảnh Triệt 蔣景徹 (?-1146), [29] Lý Cảnh Hợp 李景合 (?-1150), [30] Lý Cảnh Ánh 李景映 (?-1164), [31] Từ Thủ Kinh 徐守經 (?-1195), [32] Tần Nhữ Đạt 秦汝達 (?-?), [33] Hình Nhữ Gia 邢汝嘉 (?-1209), [34] Tiết Nhữ Tích 薛汝積 (?-1214), [35] Nhiệm Nguyên Phụ 任元阜 (1175-1239), [36] Bào Chí Chân 鮑志真 (?-1251), [37] Thang Chí Đạo 湯志道 (?-1258), [38] Tưởng Tông Anh 蔣宗瑛 (?-1282), [39] Cảnh Nguyên Phạm 景元范 (?-1262), [40] Lưu Tông Sưởng 劉宗昶 (?-?), [41] Vương Chí Tâm 王志心 (?-1273), [42] Địch Chí Dĩnh 翟志穎 (?-1277), [43] Hứa Đạo Kỷ 許道杞 (1237-1219), [44] Vương Đạo Mạnh 王道孟 (1242-1315), [45] Lưu Đại Bân 劉大彬(?-).

[28] Đạo Tạng 154/55/W301, ch. 10-12 (Mao Sơn Chí). Phó Cần Gia 傅勤家 (Trung Quốc Đạo Giáo Sử, in lại tại Đài Bắc 1967, tr. 213) nêu ra mối liên hệ giữa Huỳnh Đình Kinh và một giáo phái khác: «Đông Hoa Đế Quân 東華帝君 tức Vương Huyền Phụ 王玄輔 hay Vương Thiếu Dương 王少陽 đã giáng thế vào thời Chiến Quốc (475-221). Ngài nằm ngủ nơi căn phòng của Lão Tử nơi Chung Nam Sơn 終南山. Trong giấc mơ, ngài được truyền kinh này.»

[LAM chú] Homann không trích dẫn tên của giáo phái này là gì. Tôi kiểm tra trong ấn bản 1998 in lại Bắc Kinh, tr. 212, thì thấy Phó Cần Gia gọi đó là Thiếu Dương phái 少陽派, thuộc Ngũ Tổ phái 五祖派. Vương Huyền Phụ 王玄輔 (hay Vương Huyền Phủ 王玄甫, Vương Nguyên Phủ 王元甫, Tử Phủ Thiếu Quân 紫府少君, Hoa Dương Chân Nhân 華陽真人, Đông Hoa Đế Quân 東華帝君) sống đời Hán, truyền đạo cho Chung Ly Quyền 鐘離權; Chung Ly Quyền truyền đạo cho Lữ Động Tân 呂洞賓 và Lưu Hải Thiềm 劉海蟾 (Lưu Thao 劉操). Tất cả 5 vị gọi là Bắc Ngũ Tổ của Toàn Chân Đạo. Toàn Chân Đạo cực thịnh vào đời Nguyên. Kể từ đời Nguyên các vị này được triều đình phong là Đạo Quân và Đế Quân. Vương Huyền Phủ được triều Nguyên sắc phong là Toàn Chân Đại Giáo Chủ, Đông Hoa Tử Phủ Phụ Nguyên Lập Cực Thiếu Dương Đế Quân 全真大教主東華紫府輔元立極少陽帝君, từ đấy ngài có tên là Vương Huyền Phụ (chữ phụ này là phụ Nguyên: giúp đỡ triều Nguyên) và Vương Thiếu Dương. Trong Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ, Lữ Tổ khẳng định nơi chương 1 rằng đan pháp của ngài «Tự Thái Thượng hóa hiện, đệ truyền Đông Hoa, dĩ cập Nam Bắc nhị tông» 自太上化現遞傳東華以及南北二宗 (được truyền từ Thái Thượng Lão Quân đến Đông Hoa Đế Quân rồi phân làm 2 tông Nam và Bắc). Lưu Hải Thiềm 劉海蟾 truyền đạo cho Trương Bá Đoan 張伯端 đời Nam Tống. Trương Bá Đoan tức Tử Dương Chân Nhân 紫陽真人 làm giáo chủ của Nam Phái 南派 (tức là Tử Dương Phái hay Nam Tông). Nam Tông có ngũ tổ là: Trương Bá Đoan, Thạch Thái 石泰, Tiết Đạo Quang 薛道光, Trần Nam 陳楠, Bạch Ngọc Thiềm 白玉蟾). Đầu đời Kim, Lữ Tổ truyền đạo cho Vương Triết (Vương Trùng Dương 王重陽). Vương Trùng Dương sáng lập Toàn Chân Đạo 全真道 (tức là Bắc Tông) và truyền cho 7 đệ tử là Bắc Thất Chân 北七真 (hay Bắc Thất Tử 北七子): Mã Đan Dương 馬丹陽, Đàm Xứ Đoan 譚處端, Lưu Xứ Huyền 劉處玄, Vương Xứ Nhất 王處一, Hác Đại Thông 郝大通, Tôn Bất Nhị 孫不二, Khưu Xứ Cơ 丘處機. Theo Holmes Welch, sự phân chia Nam Bắc nhị tông có lẽ theo phương pháp tu tập chứ không theo khu vực địa lý. Không rõ Phó Cần Gia vin vào nguồn tư liệu nào mà cho rằng Lão Tử truyền Huỳnh Đình Kinh cho Vương Huyền Phủ. Nếu vậy, sao Vương Huyền Phủ không truyền Huỳnh Đình Kinh cho Chung Ly Quyền? Trong hệ thống truyền thừa từ Bắc Ngũ Tổ đến Nam Bắc nhị tông, Huỳnh Đình Kinh không được xem là tổ kinh.

[29] Nhậm Thành thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay.

[30] Theo Tấn Thư 晉書, chương 41 và H. A. Giles, A Chinese Biographical Dictionary, London, 1898, tr. 867 (Nr. 2291).

[31] Quan Tư đồ 司徒. Rotours dịch là «directeur de l’instruction»; xem Robert des Rotours, Traité des Fonctionnaires et Traité de l’Armée, hai tập, Leiden, 1947 và 1948, tr. 19.

[LAM chú] Từ điển Từ Hải giải thích đây là chức quan có từ đời Đường-Ngu. Đời Chu ấn định Địa quan đại tư đồ 地官大司徒 là một trong lục khanh. Đời Hán Ai Đế 漢哀帝 sửa đổi chức thừa tướng thành Đại tư đồ, cùng với Đại tư đồ mã 大司徒馬, Đại tư đồ không 大司徒空 cùng xếp vào hàng Tam công 三公. Đến đời Thanh, tục gọi Hộ bộ thượng thư là Đại tư đồ. (Sđd, tr. 247)

[32] J. Roi và Y. Ou, Le Taoisme et les Plantes d’immortalité (Đạo giáo và thảo mộc trường sinh), in trong Bulletin de l’Université l’Aurore, No 4, Tome 2, Shanghai 1941, tr. 540, 541, giải thích phục linh là Pachyma cocus và hồ ma là Sesanum indicum.

[33] Thái bảo là chức quan mà Rotours dịch là «le grand gardien». (Sđd, tr.19). Nam Dương là thành phố thuộc Tứ Xuyên ngày nay.

[34] Cảnh Lâm Chân Nhân 景林真人 đồng nhất với vua của Dương Cốc 暘谷 (der König der Heiligen vom leuchtenden Tal). Xem Tùng Thư Tập Thành 叢書集成 3435:1.

[35] Xem Tùng Thư Tập Thành 叢書集成 3435:2.

[LAM chú] Việc truyền kinh sách này xảy ra lúc Ngụy phu nhân 37 tuổi. Khanh Hy Thái chép: «Năm Thái Khang thứ 9 đời Tây Tấn (tức năm 288 cn), phu nhân 37 tuổi, chư tiên bỗng giáng hạ dạy đạo. Thanh Hư Chân Nhân 清虛真人 (tức Vương Bao 王褒) làm sư phụ, truyền cho phu nhân 31 quyển kinh, gồm: Thái Thượng Bảo Văn 太上寶文, Bát Tố Ẩn Thư 八素隱書, Đại Đỗng Chân Kinh 大洞真經, Linh Thư Tử Văn Bát Đạo 靈書紫文八道, Tử Độ Viêm Quang 紫度炎光, Thạch Tinh Ngọc Mã 石精玉馬, Thần Chân Hổ Văn 神真虎文, Cao Tiên Vũ Huyền 高仙羽玄, v.v. Ngài nói với phu nhân rằng các kinh sách này xưa kia do các chân quân Tây Vực truyền cho ngài, nay ngài truyền lại cho phu nhân. Cho nên việc truyền thụ kinh của phái Thượng Thanh bắt đầu từ đó. Về sau lại có Cảnh Lâm Chân Nhân biệt truyền cho phu nhân Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh.» Khanh Hy Thái cũng như Vương Minh không tin việc thần tiên giáng cơ dạy đạo là có thực trong Đạo giáo. Theo Khanh Hy Thái, Vương Bao tự là Tử Đăng 子登, quê ở Tương Bình 襄平 (thuộc Phạm Dương 范陽), là cháu 7 đời của An Quốc Hầu 安國侯. Vương Bao học đạo ở núi Hoa Âm 華陰. Vương sinh năm Kiến Chiêu 建昭 đời vua Hán Nguyên Đế 漢元帝 (tức năm 36 tcn), tính tới lúc Ngụy Hoa Tồn chào đời là 287 năm, nên việc truyền kinh này không đáng tin. Vương Minh cũng không tin, ông đưa giả thuyết: Giữa hai đời Ngụy và Tấn, trong dân gian đã có bản thảo Huỳnh Đình bí tàng, viết dạng thơ 7 chữ. Khoảng năm Thái Khang thứ 9, Ngụy phu nhân có được bản thảo này, bèn viết lời chú; hoặc cũng có thể một đạo sĩ nào đó đã đọc cho bà ghi chép. Sau đó bà chú thích, soạn thành bản cố định. Ngay cả việc Ngụy Phu Nhân truyền kinh cho Dương Hi 楊羲 (đệ nhị tổ của Thượng Thanh Mao Sơn Tông) cũng không đáng tin, bởi vì sự kiện xảy ra vào năm Hưng Ninh 興寧 thứ 2 đời vua Tấn Ai Đế 晉哀帝 (364 cn) tức là sau khi Ngụy phu nhân mất 30 năm. Do đó kinh sách của phái Thượng Thanh đều do tay Dương Hi sáng tác. Xem: Khanh Hy Thái, Trung Quốc Đạo Giáo (4 quyển), Thượng Hải, 1996; quyển 1, tr. 232-233. Chia sẻ quan điểm này có Lưu Lâm 劉琳, viết bài «Khảo về Dương Hi và cha con Hứa Mật tạo tác Thượng Thanh kinh» (Dương Hi dữ Hứa Mật phụ tử tạo tác Thượng Thanh kinh 楊羲與許謐父子造作上清經) in trong tạp chí Trung Quốc Văn Hóa, số 8, Bắc Kinh, 1993, tr. 104-110. Nhưng điểm này nảy sinh một vấn đề quan trọng về phương pháp luận. Nếu người nghiên cứu phát xuất từ quan điểm vô thần, không tin vào thần tiên, không tin hiện tượng cơ bút hay đồng cốt là có thực, thì họ sẽ phủ nhận toàn bộ đạo kinh như là sáng tác của thần tiên và cho rằng đó chỉ là sản phẩm của con người mượn danh thần tiên mà viết ra. Nhưng nếu phát xuất từ quan điểm hữu thần, cũng như các đạo sĩ và tín đồ, họ chấp nhận ngay những hiện tượng đại loại như Ngụy phu nhân sau khi mất 30 năm giáng đàn nơi bàn thờ nhà của Dương Hi để mượn tay Dương Hi viết kinh. Việc Đạo kinh do thần tiên viết ra là không có gì phải hoài nghi, tuy rằng bên cạnh đó cũng có một số đạo kinh do con người ngụy tạo.

[36] Xem Tùng Thư Tập Thành 叢書集成 3435:3.

[37] [LAM chú] Địa danh này là Giang Nam. Trần Quốc Phù 陳國符 (Đạo Tạng Nguyên Lưu Khảo 道藏源流考, Bắc Kinh tái bản 1989, tập thượng, tr. 31) sử dụng cùng nguồn tài liệu với Homann là Cố Thị Văn Phòng Tiểu Thuyết. Trần Quốc Phù chép: «Sau khi [chồng là] Ấu Ngạn 幼彥 mất, gặp lúc loạn lạc, phu nhân bảo ban mọi người hai bên nội ngoại, giúp đỡ người cùng khốn, đó cũng là điềm chân tiên mặc thị cho. Biết Trung Nguyên sắp loạn, bà dắt hai con qua sông. [Người con cả tên] Phác [sau làm] quan tư mã ở Dữu Lượng 庾亮, rồi làm tư mã ở Ôn Thái Chân 溫太真, sau đó làm thái thú ở An Thành 安城. [Người con thứ, cũng là con út tên] Hà [sau] giữ chức trung lang lệnh, tùng sự nơi thái úy Đào Khản 陶侃. Phu nhân từ Lạc Ấp đến Giang Nam cư ngụ. Trong thời giặc giã trộm cướp, hễ bà gặp nguy khó thì đều được thần tiên giúp đỡ cho yên lành. Hai con đã nên người rồi, bà trai giới tu tịnh, mong thành thần tiên, [liễu đạo] lúc 83 tuổi.» (tức là năm Hàm Hòa 咸和 thứ 9, đời vua Tấn Thành Đế 晉成帝).

Khanh Hy Thái chép tên người con út là Hà với bộ ngọc, () không phải với bộ xước 辶 () như Trần Quốc Phù. Phác là ngọc chưa giũa, Hà là ngọc có tỳ vết. Vì có nhiều dị bản về tiểu sử của Ngụy phu nhân nên việc sao chép có chỗ bất đồng, nhưng tôi nghĩ có lẽ Khanh Hy Thái cũng như Homann đã chép đúng. Việc bà đặt tên hai con trai với bộ ngọc như vậy dường như là để gởi gấm nỗi niềm tâm sự. Chúng ta biết bà không chịu lấy chồng vì có lòng mộ đạo, tinh nghiên tam giáo, mong làm thần tiên. Mãi đến khi 24 tuổi bị cha mẹ ép buộc, bà mới sánh duyên với Ấu Ngạn (tức Lưu Văn 劉文, làm quan thái bảo duyện ở Nam Dương). Khi sinh con trưởng, đặt tên là Phác, có lẽ bà tự ví mình là viên ngọc chưa hoàn hảo, cần mài giũa (tức là tu luyện); đến khi sinh con thứ cũng là út, đặt tên là Hà, có lẽ bà tự ví mình là viên ngọc đã có tỳ vết rồi, muốn tu hành nhưng trần duyên đã vướng lụy. Nhưng về sau Lưu Phác cũng là một đạo sĩ, còn Lưu Hà không biết có đi tu hay không.

[38] [LAM chú] Homann lầm Dương Hi 楊羲 (330-386) với Vương Hi Chi 王羲之 (307-365), nên chép là Dương Hi Chi 楊羲之. Thực ra, Vương Hi Chi làm quan Hữu Quân đời Đông Tấn, cũng là đại thư pháp gia (người đời tôn là Thảo thánh). Vương không thích công danh, từ quan làm đạo sĩ. Vương Hi Chi từng chép Huỳnh Đình Kinh bằng chữ Khải và truyền bá kinh này. Nhưng Vương không thuộc phái Thượng Thanh Mao Sơn Tông. Gia đình Vương Hi Chi là thế gia, tu theo Ngũ Đấu Mễ Đạo, do đó Vương Hi Chi cũng tu theo tông phái này. Nguyên văn của Homann là: «Die Wei Fu-jen von den Göttern übergegeben Schriften und Amulette gelangten dann in die Hände des berühmten Taoisten Yang Hsi-chih 楊羲之 (330-386 n.Chr.)» Tôi chỉnh lại là Dương Hi. Homann dùng chữ Amulette (phù lục), nhưng thực tế từ tổ đời thứ 9 là Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 mới chú trọng phù lục, đổi tên Thượng Thanh Phái thành Mao Sơn Tông; trở thành một trong phù lục tam tông là: Mao Sơn Tông 茅山宗, Long Hổ Tông 龍虎宗, và Các Tạo Tông 閣皂宗. Còn 8 đời tổ trước Đào Hoằng Cảnh thì chú trọng nội quán chư thần. Do đó tôi không dịch là phù lục, mà dùng chữ khẩu quyết (der Geheimausspruch) thay vào đó.

[39] Xem Tùng Thư Tập Thành 叢書集成 3435:3.

[40] Đạo Tạng 640/W1004: (Chân Cáo 真誥) chương 19, tr. 9b.

[LAM chú] Nguyên văn trong Chân Cáo quyển 19 (Chân Cáo Tự Lục 真誥敘錄) do Đào Hoằng Cảnh viết: «Phục tầm Thượng Thanh Kinh xuất thế chi nguyên, thủy ư Tấn Ai Đế Hưng Ninh nhị niên thái tuế Giáp Tý, Tử Hư Nguyên Quân Thượng Chân Tư Mệnh Nam Nhạc Ngụy Phu Nhân hạ giáng đệ tử Lang Nha Vương tư đồ công phủ xá nhân Dương mỗ…» 伏尋上清經出世之源,始於晉哀帝興寧二年太歲甲子,紫虛元君上真司命南岳夫人下降弟子琅琊王司徒公府舍人楊某. Homann dịch ra Đức ngữ: «Untersucht man das ursprüngliche Auftreten des Shang-ch’ing chên-ching 上清真經, ‘wahrhafter Klassiker der oberen Reinheit’, in der Welt, so beginnt es unter Kaiser Ai  , Tsin-Dynastie, und zwar im zweiten Jahr der Regierungsdevise Hsing-ning 興寧 (364 n.Chr.). In diesem Jahr kam die ursprüngliche Fürstin der Purpurleere, der Schicksalsgott der obersten Wahrhaftigkeit, die Wei Fu-jen des südlichen heiligen Berges herab auf die Welt und übergab diese Werke ihrem Schüler, dem König von Lang-yeh 瑯琊, dem Director des Instruktionswesens, dem Groß-Sekretär Yang...» Theo đó, Homann hiểu cụm từ «Lang Nha Vương tư đồ công phủ xá nhân Dương mỗ» cùng chỉ một người là Dương Hi: Lang Nha Vương = tư đồ = xá nhân = Dương Hi (330-387). Về chức tư đồ xin xem lại chú 31 ở trên (Homann dịch theo cách giải của Rotours là «directeur de l’instruction» [một chức quan về giáo dục?]). Xá nhân chính là môn khách (Homann dịch là «viên thư ký lớn». Còn Lang Nha Vương theo từ điển Từ Hải tức là tên gọi Tấn Nguyên Đế (trị vì 317-322 cn). Nhưng niên kỷ của Dương Hi trễ hơn, do đó tôi tạm dịch là: «... Dương Hi (vốn là xá nhân nơi công phủ của quan tư đồ của Lang Nha Vương).» Tuy nhiên giữa Nguyên Đế và Ai Đế còn 4 đời vua nữa, nên không chắc Lang Nha Vương là ai. Ngoài ra còn có một thông tin khác, theo Hán Ngữ Đại Từ Điển (quyển thượng, tr. 2393): «Lang Nha ngày nay thuộc dịa bàn Tây Nam thành phố Trù Châu, tỉnh An Huy. Thời Tây Tấn phạt Ngô, Lang Nha Vương Tư Mã Kiêm 司馬鶼 đóng quân tại đây do đó mới có tên gọi la Lang Nha (Tây Tấn phạt Ngô, Lang Nha Vương Tư Mã Kiêm binh trú thử, nhân danh).» Như thế Lang Nha Vương chắc chắn không thể là Dương Hi. Tư Đồ có thể là do viết sai chữ Tư Mã. Vậy câu trích dẫn về Dương Hi tạm giải thích là: «Dương Hi là xá nhân của Lang Nha Vương Tư Mã Kiêm.» Tuy nhiên đây cũng là phỏng đoán, tôi xin tồn nghi chi tiết này.

[41] Trần Quốc Phù, sđd., 1963, tr. 327.

[42] Vương Minh, sđd., 1948, tr. 547. Nơi đoạn này, Vương Minh tham khảo Thái Bình Quảng Ký 太平廣記, ch. 58, tr. 359. Như vậy, Ngụy phu nhân giáng hạ năm Hưng Ninh thứ 3 (tức là 365 cn). Trích dẫn này khác với chi tiết tôi đã dịch từ Chân Cáo.

[LAM chú] Vương Minh ấn định năm sinh của Ngụy phu nhân và năm truyền kinh cho Dương Hi trễ hơn 1 năm (tức là 253 và 365 thay vì 252 và 364). Theo Đào Hoằng Cảnh, Ngụy phu nhân truyền Đại Đỗng Chân Kinh cho Dương Hi chứ không phải Huỳnh Đình Kinh. Còn Lưu Phác, vâng lệnh mẹ là Ngụy phu nhân, truyền Linh Bảo Ngũ Phù Kinh 靈寶五符經 cho Dương Hi. Sau khi nhận lãnh Đại Đỗng Chân Kinh, Dương Hi chép lại theo kiểu chữ Lệ và truyền cho Hứa Mật 許謐 (tức Hứa Mục 許穆, tổ đời thứ 3 của Thượng Thanh Phái), rồi Mục truyền lại cho con là Hứa Hối 許翽.

[43] Maspero, Les Procédés de «Nourrir Le Principe Vital» dans la Religion Taoiste Ancienne, in trong: Journal Asiatique 229, Paris 1937, tr. 237-238. Xem thêm: Phó Cần Gia 傅勤家, Trung Quốc Đạo Giáo Sử 中國道教史, Đài Bắc in lại 1967, tr. 106.

Vương Minh, sđd., 1948, tr. 547. Xem thêm: Âu Dương Vĩnh Thúc Tập 歐陽永叔集, quyển 6, chương 7, tr. 59: «Đa dĩ Nội Cảnh tam thập lục chương vi bản kinh.» 多以內景三十六章為本經 (Đa số đều xem Nội Cảnh gồm 36 chương là kinh gốc.)

[LAM chú] Nói chung các nhà nghiên cứu đều cho rằng Ngoại Cảnh có trước Nội Cảnh. Có nhiều quan điểm giải thích hai chữ nội ngoại này. Kaltenmark nhấn mạnh sự nội truyền và ngoại truyền, tức là đặc điểm truyền thừa của Đạo giáo: Ngoại Cảnh dành cho người chưa nhập môn vào đạo; Nội Cảnh dành cho người đã nhập môn tức là các đạo sĩ Mao Sơn Tông. Khanh Hy Thái nói sự phân biệt nội-ngoại là từ câu «Trọc minh ngoại cảnh, thanh minh nội cảnh» 濁明外景清明內景 trong chương Giải Tế 解蔽 của Tuân Tử 荀子 (Sáng còn đục là cảnh ngoài; sáng trong vắt là cảnh trong). Khanh Hy Thái cũng nói sự phân biệt nội-ngoại là đặc điểm truyền thừa (nội giáo / ngoại giáo) của Đạo giáo. Tuy nhiên theo Lương Khâu Tử đời Đường, đó chỉ là cảnh giới bên ngoài và bên trong thân thể, đồng thời chỉ ra phương pháp tu luyện là nội quán chư thần trong thân thể. Ông giải: «Huỳnh giả, trung ương chi sắc. Đình giả, tứ phương chi trung dã. Ngoại chỉ sự, tức thiên trung nhân trung địa trung. Nội chỉ sự, tức não trung tâm trung tỳ trung, cố viết Huỳnh Đình. Nội giả, tâm dã. Cảnh giả, tượng dã. Ngoại tượng dụ tức nhật nguyệt tinh thần vân hà chi tượng dã, nội tượng dụ tức huyết nhục cân cốt tạng phủ chi tượng dã. Tâm cư thân nội, tồn quán nhất thể chi tượng sắc, cố viết nội cảnh dã.»  黃者中央之色.庭者四方之中也.外指事,即天中人中地中.內指事,即腦中心中脾中,故曰黃庭.內者心也.景者象也.外象喻即日月星辰雲霞之象也.內象喻即血肉筋骨臟腑之象也.心居身內存觀一體之象色.故曰內景也 (Huỳnh là màu vàng ở trung ương. Đình là chỗ giữa bốn phương. Ngoại là chỉ sự vật bên ngoài như sự vật trong trời, ở người, ở đất. Nội là chỉ sự vật bên trong như trong não, trong tim, trong lá lách. Do đó nói Huỳnh Đình. Nội là chỉ tâm, Cảnh là chỉ cảnh tượng. Cảnh bên ngoài ám chỉ cảnh tượng mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, mây, ráng. Cảnh bên trong ám chỉ cảnh tượng máu, thịt, gân, xương, ngũ tạng, lục phủ. Tâm ở bên trong thân thể, tồn tư quán tưởng các cảnh tướng hình sắc trong thân tức là nội cảnh). Trong bản Thái Thượng Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, khắc in năm Đạo Quang 27 (năm 1818), Đan Hà - Thanh Hà nhị Nguyên Quân bí bản 丹霞青霞二元君秘本; Viên Kiều Sơn Tử Hà Động Hàm Hư Tử 圓嶠山紫霞洞涵虛子 chú nơi chương 1 rằng: «Chương này là [Vương] Thiếu Dương tổ sư viết lời khen mở đầu kinh. Tổ sư nói: Lão Tử lúc thư nhàn, đem Nội Cảnh kinh giản lược lại, viết theo thơ 7 chữ. Để phân biệt [hai bản] Huỳnh Đình, gọi là Ngoại Cảnh. Nên Nội và Ngoại là gọi thứ tự trước sau. Không phải chỉ bên trong và bên ngoài thân thể.»  此章乃少陽祖師開經贊也.祖師曰:老子閑居無事.嘗即內景經刪繁就簡,作七言.仍名曰黃庭.別之曰外景.內外乃前後之稱.非指身中內外也 (Thử chương nãi Thiếu Dương tổ sư khai kinh tán dã. Tổ sư viết: Lão Tử nhàn cư vô sự, thường tức Nội Cảnh Kinh san phồn tựu giản, tác vi thất ngôn. Nhưng danh viết Huỳnh Đình. Biệt chi viết Ngoại Cảnh. Nội ngoại nãi tiền hậu chi xưng, phi chỉ thân trung nội ngoại dã.) Như thế, với các ý kiến trái ngược nhau này, ta chưa thể nào khẳng định thứ tự trước sau của hai bản. Còn quan điểm của Khanh Hy Thái và Kaltenmark về sự truyền thừa là phỏng đoán vô bằng. Thực tế nội dung Nội Cảnh và Ngoại Cảnh khá giống nhau từ lý luận đến phương pháp tu luyện, trừ dị biệt sau: Ngoại Cảnh nói vị trí Huỳnh Đình là khoảng trống: ở trên Quan nguyên (dưới rún 3 thốn), ở trước U khuyết (tức Sinh môn, Thần khuyết), và ở sau Mệnh môn (hai thận). Nội Cảnh nói Huỳnh Đình có 3 cung: Thượng cung ở não (thượng đan điền), Trung cung ở tim (trung đan điền), và Hạ cung ở lá lách (hạ đan điền). Theo Huỳnh Đình Kinh thì tỳ (lá lách) là bộ phận quan trọng nhất trong phủ tạng.

[44] Annuaire 1967-1968, Tome LXXV, École pratique des Hautes Études. Bài viết: Religions de la Chine, Paris, 1967, tr. 80.

[45] Max Kaltenmark, Le Lie-sien Tchouan (Liệt Tiên Truyện), Pékin, 1953, tr. 177-178.

[LAM chú] Nguyên văn: «Dữ Lão Quân Huỳnh Đình Kinh, lịnh nhật độc tam quá.» 與老君黃庭經,令日讀三過. Câu này nằm trong truyện nói về Chu Hoàng 朱璜. Tóm tắt: Chu Hoàng người Quảng Lăng, thuở nhỏ có bướu độc bèn tìm đến đạo sĩ Nguyễn Khâu 阮丘 ở núi Tuy . Đạo sĩ thương, nói: «Ngươi phải trừ khử tam thi (tam trùng) trong bụng thì mới khỏi bệnh. Ngươi có căn tiên, ta sẽ dạy đạo.» Chu Hoàng nói nếu khỏi bệnh sẽ theo đạo sĩ 30 năm, không dám hồi gia. Đạo sĩ ban cho Chu Hoàng 7 loại thuốc, mỗi ngày uống 9 viên, sau trăm ngày thì khỏi bệnh. Dưỡng thêm 10 ngày, thân thể tráng kiện béo tốt, tinh thần minh mẫn. Đạo sĩ đưa cho Chu Hoàng quyển Huỳnh Đình Kinh do Lão tử viết, bảo tụng đọc ngày ba lần. Sau khi thông hiểu, Chu Hoàng theo đạo sĩ vào miếu Ngọc Nữ 玉女 trên núi Phù Dương 浮陽. 80 năm sau, có người gặp Chu Hoàng nơi quê cũ, tóc đen mượt, không ăn thực phẩm như ngày xưa đã từng. Ở đó mấy năm rồi đi mất. Đến cuối đời Hán Vũ Đế [có chép] chuyện này. (Xem: Liệt Tiên Truyện kim dịch - Thần Tiên Truyện kim dịch, Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xbx, Bắc Kinh, 1996, tr.107)

[46] James R. Ware, Alchemy, Medicine, Religion in the China of A.D. 320: The Nei P’ien of Ko Hung Pao-p’u tzu (Luyện đan, Y thuật, Tôn giáo ở Trung Quốc năm 320 cn: Cát Hồng Bão Phác Tử Nội Thiên), Cambridge (Mass.), 1966, tr. 324.

[LAM chú] Đây không phải là câu văn dịch, mà chỉ là tóm ý, không có trong chương Hà Lãm 遐覽 (xem xét rộng) của Bão Phác Tử. Đại ý chương này Cát Hồng để cho Bão Phác Tử đối đáp với một nhân vật tưởng tượng. Người đó trong thời ly loạn, quá ngao ngán kinh sách Nho gia và thi phú hoa mỹ. Ông ta hỏi về các đạo thư để tu học, mong thành thần tiên. Cát Hồng Bão Phác Tử chia sẻ khổ tâm đó, và nói mình may mắn có thầy là Trịnh Tư Viễn 鄭思遠 (Trịnh Ẩn 鄭隱). Sau khi ca tụng đức hạnh của Trịnh sư phụ, Cát Hồng trích dẫn danh mục đạo thư dồi dào của sư phụ, trong đó có Huỳnh Đình Kinh. Cát Hồng còn cảnh giác sự sao chép lầm trong đạo thư. «Kinh sách sao chép 3 lần, chữ ngư chép nhầm thành chữ lỗ; chữ chép nhầm thành chữ hổ 書三寫魚成魯虛成虎 (Thư tam tả, ngư thành lỗ, hư thành hổ). (Xem: Bão Phác Tử Nội Thiên trong Đạo Giáo Thập Tam Kinh, Hà Bắc, 1994, tập hạ, tr. 1301-1312).

[47] James R. Ware, sđd., tr. 380.

 » mục lục                     ▶ Xem bài tiếp: Chư thần cư ngụ trong thân thể con người