Chương 3

Trang Tử Nam Hoa Kinh

Lược dịch Nội Thiên

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

Chương 1: Tìm Hiểu về Lão, Trang

Chương 2: Trang Tử và Nam Hoa Kinh

 

Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp...

 

Cách đây hơn một năm tôi đã có dịp thuyết trình về: Lão Tử và Đạo đức kinh. Bài đó đã được đăng trong Cao Đài giáo lý, số Tân niên, Ất Mẹo. Vì thế nên, ngày hôm nay, tôi tiếp tục bàn về Trang Tử với Nam Hoa Kinh. Tôi sẽ không khai thác khía cạnh văn chương của Trang. Tôi cũng không lưu tâm đến bút pháp của Trang, đến tài biện bác của Trang. Bình Trang, tôi thủy chung chỉ muốn làm nổi bật lên những phương thức mà Trang đã dùng để đi lên siêu việt, để giúp mọi người sau này nhìn thấy rõ con đường dưỡng sinh, tu thân, cầu Đạo, đắc Đạo của Trang.

Trong bài này tôi lần lượt bàn những vấn đề sau:

 

① Lược sử Trang Tử theo Tư Mã Thiên.

② Khái lược về Nam Hoa Kinh.

③ Chân tướng Trang Tử.

④ Đại cương học thuyết Trang Tử.

⑤ Lược dịch 7 chương của Nội thiên.

 

 

I. LƯỢC SỬ TRANG TỬ THEO TƯ MÃ THIÊN

Trang Tử là người xứ Mông [1] tên Chu . Chu vốn làm chức lại, coi vườn sơn (Tất Viên ) ở Mông, đồng thời với Huệ Vương nước Lương,[2] Tuyên Vương nước Tề[3] Trang Tử đa văn quảng kiến, học thức uyên thâm, nhưng căn cốt vẫn là lời Lão. Cho nên sách ông viết hơn mười vạn chữ, đại để đều là ngụ ngôn.

Làm những bài Ngư phủ, Đạo chích, Khư khiếp để chế giễu những người theo Khổng Tử, và làm sáng tỏ học thuật Lão Tử. Những tên Úy Lũy, Hư Cang Trang Tử đều là chuyện bịa không có thực. Nhưng khéo viết văn, xếp lời, chỉ việc, tả tình, để bài bác bọn nhà Nho, nhà Mặc. Dù những người học rộng thời ấy, cũng không sao cãi, để gỡ lấy mình được. Lời Trang Tử mênh mông phóng túng, cốt cho sướng ý mình, cho nên các bậc vương công, đại nhân không thể dùng được.

Uy Vương nước Sở (339-328), nghe biết Trang Tử là người hiền, sai sứ mang nhiều lễ vật sang mời, hứa cho làm tướng quốc. Trang Chu cười nói với sứ giả nước Sở: «Nghìn vàng là lợi lớn, khanh tướng là ngôi tôn. Ông chẳng thấy con trâu đem tế Trời (trong lễ Giáo) đó sao? Nuôi nấng trong vài năm, cho mặc đồ gấm vóc, để cho vào Thái miếu. Lúc ấy, dù muốn làm con lợn con côi cút cũng không được nữa. Ông đi ngay đi. Đừng làm bẩn tôi. Tôi thà chơi đùa trong rạch bùn cho thích, chứ không để cho kẻ có nước buộc ràng. Chung thân tôi không làm quan, để sống cuộc đời thoải mái như ý thích.» [4]

 

II. KHÁI LƯỢC NAM HOA KINH

Trang Tử viết một bộ sách, sau này gọi là Nam Hoa Kinh hay Nam Hoa Chân Kinh .

Theo Hán thư nghệ văn chí, thì Nam Hoa Kinh thoạt kỳ thủy có 52 thiên. Sau này Quách Tượng dồn lại còn có 33 thiên.

33 thiên lại chia làm 3 phần (theo bản Quách Tượng): Nội thiên, Ngoại thiên Tạp thiên.

NỘI THIÊN gồm bảy thiên: 1. Tiêu diêu du , 2. Tề vật luận , 3. Dưỡng sinh chủ , 4. Nhân gian thế , 5. Đức sung phù , 6. Đại tông sư , 7. Ứng đế vương .

NGOẠI THIÊN gồm 15 thiên: 8. Biền mẫu , 9. Mã đề , 10. Khư khiếp , 11. Tại hựu , 12. Thiên địa , 13. Thiên đạo , 14. Thiên vận , 15. Khắc ý , 16. Thiện tính , 17. Thu thủy , 18. Chí lạc , 19. Đạt sinh , 20. Sơn mộc , 21. Điền tử Phương , 22. Trí bắc du .

TẠP THIÊN gồm 11 thiên: 23. Canh tang Sở , 24. Từ vô Quỉ , 25. Tắc dương , 26. Ngoại vật , 27. Ngụ ngôn , 28. Nhượng vương , 29. Đạo chích , 30. Duyệt kiếm , 31. Ngư phụ , 32. Liệt Ngự Khấu , 33. Thiên .

Các nhà bình giải thường cho rằng:

Nội thiên là của Trang Tử viết (có thể trừ ra một vài đoạn như đoạn Tử Tang Hộ trong thiên Đại tông sư. Có người cho rằng Nhân gian thế cũng không do Trang Tử viết.

Còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì hoặc do môn đệ Trang Tử viết ra, hoặc người sau viết ra mà mượn tên Trang Tử.

Lâm Tây Trọng, đời Thanh toát lược Nam Hoa Kinh như sau: «Trong 33 thiên, nói đi nói lại hơn 10.000 chữ. Đại ý chẳng qua là: Tỏ rõ đạo đức, rẻ rúng nhân nghĩa, coi sống chết là một, coi phải trái in nhau, hư tĩnh điềm đạm, vắng lặng, không làm, thế đấy thôi. Xét ra thì: Bảy bài Nội thiên là văn có đầu đề, do chính tay Trang Tử định lấy. Còn Ngoại thiên, Tạp thiên đều lấy chữ trên đầu thiên mà đặt tên… Ấy là những văn không đầu đề. Người đời sau lấy những bài vặt vãnh của Trang sắp đặt lại.»

Lâm Tây Trọng bình tiếp đại ý bảy chương Nội thiên như sau: «Tiêu diêu du cốt nói lòng người quen thành tựu nhỏ nhen, nhưng LỚN mới là quí. Tề vật luận cốt nói lòng người thường quen câu nệ, nhưng mới là hay. Dưỡng sinh chủ cốt nói lòng người thường miệt mài đối phó với vật ngoài, nhưng THUẬN mới là phải. Nhân gian thế là phép vào đời. Đức sung phù phép ra đời. Đại tông sư là phép trong có thể là thánh . Ứng đế vương là phép ngoài có thể là vua . Ấy là nghĩa riêng của bảy bài Nội thiên. Thế nhưng lòng người có lớn mới có thể hư,thì mới có thể thuận… Vào được đời rồi mới ra được đời… Trong làm nổi Thánh, thì ngoài mới làm nổi vua… Ấy là những lẽ đi theo nhau của bày bài Nội thiên. Cứ thế thôi là cũng đã hết được ý chính…»

Từ xưa tới nay, đã có rất nhiều nhà bình giải Trang, phiên dịch Trang. Mỗi người giải Trang theo một khía cạnh, một đường lối. Người thì giải Trang theo Lão, người thì giải Trang theo Khổng, người thì giải Trang theo Phật. Trong số các nhà bình giải Trang từ xưa đến nay, chúng ta ghi nhận ít nhiều tên quen thuộc như Quách Tượng, Lâm Hi Dật, Lâm Tây Trọng, Chương Bính Lân, Mã Tự Luân, Cao Hanh, Nghiêm Phục, v.v.

 

III. CHÂN TƯỚNG TRANG TỬ

Muốn hiểu tư tưởng Trang, phải biết chân tướng của Trang là gì. Xưa nay người ta thường cho rằng Trang Tử là một triết gia, thích sống đời sống phóng khoáng. Có người lại nói cho Trang là một nhà biện luận có tài như Công Tôn Long, hay Huệ Tử. Đánh giá Trang như vầy là rất thấp.

Vậy Trang Tử là ai? Từ lâu đọc Lão Trang, tôi vẫn đinh ninh rằng các Ngài là:

- Những nhà Huyền học (Mystiques), nói theo từ ngữ Âu Châu, Những bậc tiên thánh đã siêu phàm, thoát tục, nói theo từ ngữ Á Châu.

- Những vì Thiên dân (Canh Tang Sở, 22-D) hay Thiên tử (Nhân gian thế, IV, A) hay Chân nhân (Đại Tông sư, 6-A), hoặc Chí nhân, Thần nhân hay Thánh nhân (Tiêu diêu du, 1-C) theo lời Trang tử. Trang Tử cũng là một nhà Huyền học, một bậc chí nhân như Lão tử.

Chương Thiên hạ trong sách Nam Hoa Kinh bình về Trang Tử như sau: «Trên thời vui chơi cùng đấng Tạo Hóa, dưới thời bè bạn với những người đã thoát vòng sinh tử, thủy chung…» [5]

Như vậy muốn hiểu Trang tử, phải hiểu thế nào là một nhà Huyền học, thế nào là một bậc Chí nhân.

Huyền học (Mystique) hay Chí nhân hay Chân nhân là những danh từ tặng cho những ai có một đời sống siêu nhân, mãnh liệt, y thức như đã tiếp xúc được với luồng huyền lực vô biên của vũ trụ.

Nhà Huyền học là người:

- Có tâm thần rất thông minh, tinh tế,

- Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình.

- Nhận thức được tấn tuồng biến thiên, ảo hóa của vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.

- Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh, linh diệu.

- Sống phối hợp với Trời, coi mình như một hiện thân của Thượng Đế.

Các nhà Huyền học Đông cũng như Tây, đều tin tưởng rằng sau bức màn hiện tượng biến thiên, chất chưởng, còn có một bản thể siêu việt tuyệt vời.

Các Ngài không biết dùng danh từ gì để mô tả Tuyệt đối ấy cho hay, cho phải, cho nên hoặc là tuyên bố mình bất lực trước Tuyệt đối vô biên ấy, hoặc là dùng những danh từ tiêu cực, mơ hồ để diễn tả, để đề cập đến Tuyệt đối thể ấy.

Các Ngài cho rằng con người sinh ra phải tìm về cho được tới nguồn mạch thiêng liêng, huyền diệu ấy, và tất cả các sự biến thiên của vũ trụ lúc chung cuộc cũng kết thúc trong đại thể vô biên, vô tận ấy.

Mà nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Con người chỉ việc lắng lòng lại, chỉ việc thu thần định trí nhìn sâu vào tâm khảm mình sẽ tìm ra được Bản thể siêu việt huyền nhiệm ấy.

Khi đã đạt tới cõi tâm linh siêu vi huyền nhiệm ấy, con người sẽ thoát được mọi trạng thái vong thân, và vươn lên bên trên cái thế giới tương đối đầy mâu thuẫn như: Thị phi, thiện ác, sinh tử, và thoát ly được hết những gì hữu hạn, nhân vi, kiềm tỏa con người.

Khi đã đạt tới cõi tâm linh ấy, thì lập tức cũng sẽ thâm nhập, hòa đồng được với cõi vô biên man mác, và chính nhờ đó mà con người lấy lại được cái phẩm giá vô song của mình. Vì nhận ra được chiều kích mênh mông vô hạn, vì nhận ra được giá trị vô biên của mình, con người sẽ sống hồn nhiên, tiêu sái, thảnh thơi, hạnh phúc…

Tóm lại, một con người đi trên con đường huyền học lúc nào cũng lo trau chuốt nhân cách, cố sống sao cho tinh ròng viên mãn, để có thể rung cảm, để có thể hòa nhịp, hòa đồng được với Đạo, với vũ trụ chi tâm.

Nếu một nghệ sĩ dùng tài nghệ mình, tâm linh mình mà khám phá ra được và diễn tả ra được Thần linh hay Thái hòa tiềm ẩn trong đáy lòng vũ trụ, trong đáy lòng vạn vật, khiến cho người khác cũng thưởng thức và được cảm thông với nguồn mạch huyền linh ấy một phần nào, thì các nhà huyền học có bổn phận khám phá ra và diễn tả lại Thần linh ngự trị nơi đáy lòng mình, bằng lời lẽ, bằng đời sống, để những người bàng quan cũng được cùng mình chia sẻ sự cảm thông, hòa hợp ấy…

Gần đây, có dịp đọc quyển Sáng tạo và Lão giáo (Creativity and Taoism) của Trương Trung Viên (Chuang Chung Yuan), tôi thấy tác giả cũng có những nhận định tương tự như vậy về Lão, Trang. Trương Trung Viên viết: «Đối với Lão, Trang, đạt tới bản thể tuyệt đối là vào được lãnh vực siêu việt vô cùng, vào được cảnh giới hư vô, nơi đó ta có thể cảm thông được với vạn hữu…

«Chúng ta có thể đi vào cảnh giới hư vô bằng Điềm hay bằng Trí. Điềm là Điềm đạm Hư vô, Phật gia gọi thế là Định. Trí là Huệ hay Bát nhã…» [6]

«Điềm tĩnh là phương pháp tiệm tu. Tuệ trí là phương pháp đốn ngộ. Hai phương pháp này đều được đạo Lão mô tả, và cũng có một mục đích là để vào được cảnh giới Hư vô…

«Hư vô có thể là Thiên quang, hay là Thuần phác hỗn độn. Đó là hai phương diện của một Thực thể.» [7]

«Cho nên muốn tiến vào được cảnh giới Hư vô, Vô thức Đại đồng, vào tới Thiên chân Bản thể, phải có chân trí huệ. Trí huệ mới là chiếc chìa khóa để mở cửa Đạo, để phanh phui ra được mọi kỳ bí của Hư vô, ở nơi đó không còn phân biệt nhĩ ngả, ở nơi đó vạn sự, vạn hữu là một…» [8]

Vào trong cảnh giới hư vô, vì cảm thông được với vạn hữu, nên coi mọi sự như một, hòa hợp tuyệt đối, hết còn phân nhĩ ngã…[9]

Như vậy, nhờ điềm đạm hư vô, nhờ trí huệ, con người sẽ chuyển hóa được mình, sẽ cảm thông được với vạn hữu.[10]

Trang Tử cũng chủ trương cần phải thoát ly mọi ràng buộc của thế giới biến thiên, mọi giá trị tương đối của ngoại cảnh. Càng rũ bỏ được cái phù du, hư ảo bao nhiêu, thì càng đạt được đời sống đích thực bấy nhiêu…[11]

Như vậy, đối với Trang tử, Chân nhân hay là con người giác ngộ là con người đã phá vỡ được cái kén Tiểu ngã, để hòa mình với Đại ngã…[12]

Những nét trên tưởng đã phác họa được chân tướng Trang tử.

 

IV. ĐẠI CƯƠNG HỌC THUYẾT TRANG TỬ

Trang Tử là một nhà Huyền học, nên lời lẽ của Ông, tư tưởng của Ông tuy là ẩn ước, bóng bảy, nhưng nếu chúng ta tìm được chốt then đường hướng của Ông, cũng như của đời Ông, ta sẽ thấy chúng trở nên hết sức rõ ràng.

Ông viết trong chương Ngoại vật:

«Có nơm là vì cá,

Được cá hãy quên nơm.

Có dò là vì thỏ,

Được thỏ hãy quên dò.

Có lời là vì ý,

Được ý hãy quên lời.

Ta tìm đâu được người biết quên lời

Hầu cùng nhau đàm luận.» [13]

Thế tức là Ông muốn nhắn nhủ chúng ta đừng nên câu nệ về những lời nói của Ông, và bút pháp của Ông, đừng bận tâm đến:

- Chi ngôn (gặp đâu nói đó)

- Trùng ngôn (Gán lời mình cho một nhân vật lịch sử nào)

- Ngụ ngôn (Nói bằng thí dụ, sự tích, bóng gió, như trong chương Thiên hạ, F) nhưng phải chú trọng đến những tư tưởng của Ông, những chủ trương chính yếu của Ông.

Đại khái Trang Tử chủ trương:

- Vũ trụ này có hai phần:

1- Một là Đạo. Mà Đạo thời vô sở bất tại, vô biên tế, duy nhất bất khả phân, vĩnh cửu trường tồn. (ch. 6-f,g)

2- Hai là Hình tướng biến thiên, luẩn quẩn trong vòng tương đối, sinh tử. (ch. 6-s,f)

Hai đàng tuy vô cùng khác biệt, nhưng lại liên lạc hết sức chặt chẽ, hết sức mật thiết với nhau, đến nỗi có thể nói được là: Đâu có hiện tượng, thời ấy có Đạo, và như vậy cái hữu hạn vừa nằm trong cái vô cùng, lại vừa hàm chứa được cái vô cùng.

Từ trong lòng Đạo mà nhìn ra, thì muôn loài muôn vật là một, hoàn toàn giống nhau, vô cùng vô tận như nhau.

Từ trong cảnh giới hiện tượng mà nhìn ra thì muôn loài muôn vật hết sức khác nhau, biến thiên, phù du, ảo hóa. (ch. 5-a)

- Con người cũng như vũ trụ, có hai phần:

1- Một là Đạo thể vô biên tế bên trong.

2- Hai là con người phàm tục bên ngoài, với thất tình lục dục niệm lự biến thiên, trí thức, phán đoán thường nhật, thông thường, tử sinh vô định.

Thiên Thu Thủy có một câu bất hủ, tóm tắt được quan niệm này, đó là: Thiên tại nội, nhân tại ngoại. (Thu thủy, A).

- Xã hội loài người, cũng có hai phần:

1. Một là Thiên nhiên. Thiên nhiên là cái gì thuộc về Thiên chân, Thiên tính, và như vậy chắc chắn là hoàn mỹ.

2. Hai là Nhân tạo. Mà nhân tạo là tất cả những gì do khối óc con người bày vẽ ra, cho nên dĩ nhiên là kém cõi, dĩ nhiên là vụng về, không thể nào đem lại hạnh phúc thật cho con người được. (ch. 11-f; 6-a)

Và dĩ nhiên, Ông chủ trương rằng con người đạo hạnh phải siêu xuất:

- Khỏi vòng hiện tượng có giới hạn, để vươn lên tới Đạo thể vô biên, vô hạn (ch. 17-a; 6-g; 12-i, k; 16-b)

- Khỏi vòng niệm lự, tri thức, nhận định gian trần để đạt tới siêu thức. (ch. 2-c)

- Khỏi vòng nhân vi, nhân tạo, để trở về với Thiên nhiên, vì nhân vi nhân tạo không thể nào đem lại hạnh phúc thực sự cho con người. (ch. 8-a,b,c,d; 9-a,b,c; 10-d; 11-a, 12-c; 13-b,c; 14-f; 17-a; 25-g)

Chính vì thế mà Ông đả kích tất cả những gì mà con người đã vời ra, bất kỳ về phương diện gì:

. Kiến thức (ch. 25-h)

. Luân lý (ch. 8-a; 17-a; 25-h)

. Chính trị (ch. 9-c; 10-a; 29-b)

. Nghệ thuật (ch. 9-a)

. Kỹ thuật, cơ khí, văn minh (ch. 12-k)

Ông hoàn toàn thoát sáo, thoát hết mọi khuôn khổ bên ngoài và cho rằng có vậy tâm thần mới được phiêu diêu khinh thoát.

Trang Tử không hề đả phá một cách tiêu cực, nhưng thực ra Ông tích cực dạy con người phải đi tìm cái cao siêu, vĩnh cửu, cái lý tưởng tinh hoa, dạy con người phải sống phối kết với Trời, với Đạo cùng trời đất trường sinh bất tử. Có như vậy mới là biết được cái đại dụng, cái vô dụng của cuộc đời. (ch.1)

Ông cũng chủ trương cái Tuyệt đối nằm sẵn trong lòng cái tương đối, cũng như thường xuyên bao trùm, khỏa lấp cái tương đối cho nên khi đã vươn lên tới cõi Đại nhất, Đại đồng, con người sẽ hóa giải được mọi chuyện phân biệt lăng nhăng do khối óc con người tự tạo ra.

Cho nên chủ trương của Ông là coi thường mọi chuyện đời tương đối, coi in một như nhau mọi cuộc biến thiên: Sống chết, vắn dài, xa gần, cao thấp, quí tiện, hay dở, phải trái, yểu thọ v.v… (ch. 2)

Trang Tử đưa ra hai phương pháp chính yếu để đạt tới Tuyệt đối. Đó là: ĐiềmTrí (Thiện tính, 16-a)

Tư Mã Thừa Trinh (Ssu Ma Cheng Chen) một đạo sĩ thế kỷ 10, đã cho rằng chữ Trí (nơi thiên Thiện tính, a) tương đương với chữ Huệ (prajna); chữ Điềm (Thiện tính, 16-a) tương đương với chữ Định.

Trí (hoặc Minh) để nhìn thấu Bản thể.

Điềm (hoặc Định): tức là giữ Tâm bình tĩnh, tĩnh lãng.[14]

Thế là từ Lão Trang với hai chữ Điềm, Trí ta có thể bước sang lãnh vực Thiền tông dễ dàng, vì Thiền tông cũng đã được tóm thâu trong hai chữ: Định (Dhyana) và Huệ (prajna).

Dẫu sao thì Trang cũng là người bàn về quan niệm Phối Thiên rõ ràng nhất, trong sáng nhất.

Trang Tử khẳng định: Người xưa sống hợp nhất với Trời.[15]

Nơi chương Thiên hạ, Trang Tử viết: «Không lìa xa gốc gác thời gọi là Thiên nhân; Không lìa xa tinh hoa thì gọi là Thần nhân; Không lìa xa Chân thể hoàn hảo, thì gọi là Chí nhân… lấy Trời làm tông, lấy Đức làm gốc, lấy Đạo là cửa… đó là Thánh thần… Thần, Minh, Thánh, Vương đều cùng một nguồn mà ra… [16]

Nơi chương Sơn Mộc, Trang Tử viết: Có người hỏi tại sao nói được Người với Trời là một. Trọng Ni đáp: Đã là người, tức là Trời… Sở dĩ người không là Trời, là do hành động riêng tư, cho nên thánh nhân điềm tĩnh hòa mình với đại hóa… [17]

Nơi chương Tri Bắc Du, Khiết Khuyết hỏi Bị Y về Đạo. Bị Y bảo:

«Hãy giữ thân hình cho ngay ngắn,

Hãy tập trung tinh thần mà nhìn vào Duy nhất,

Trời sẽ hòa điệu với bạn.

Hãy thu nhiếp trí lự, hãy hợp nhất với Tuyệt đối,

Thần sẽ giáng trong lòng bạn,

Đức sẽ trở nên vẻ đẹp của bạn,

Đạo sẽ là nhà của bạn… Bạn hãy hồn nhiên, ngây thơ như con nghé mới sinh, đừng tìm duyên cớ mà chi…» [18]

Trang Tử có lẽ là một trong những người đầu tiên trên thế giới mô tả được rõ ràng cái đạo Thánh nhân.

Nơi chương Canh Tang Sở, Ông viết: «Muốn được tĩnh lãng, hãy giữ cho khí bình. Muốn có thần, hãy giữ cho tâm thuận. Muốn làm cho phải, thì chỉ khi cần thiết, bất đắc dĩ mới làm. Chỉ bất đắc dĩ, mới chịu làm làm mới chịu bỏ trạng thái tĩnh lãng tâm thần, đó là đường lối thánh nhân vậy.» [19]

Ông viết: «Giữ cho thần toàn vẹn là đạo thánh nhân.» [20] Ông để Khổng Tử bình luận về những người theo đạo thánh nhân như sau: «Họ là những người theo thuật của ông Hỗn Độn. Họ chỉ biết Tuyệt đối, mà không biết tương đối. Họ chuyên trị tâm, mà không cần trị cảnh. Họ rõ được quang minh, về được với Thuần phác, Duy nhất. Họ vô vi tĩnh lãng để trở về trạng thái thuần phác nguyên thủy. Họ hòa đồng với Tính, ôm ấp lấy Thần…» [21]

Trang Tử ngoài ra còn dạy chúng ta đừng để cho ngoại cảnh, cho thất tình, lục dục điên đảo, làm hư hoại tâm thần (ch. 5-c, f; 23-f)

Mỗi xuyến xao tâm thần là một tai họa, vì nó vừa làm giảm thọ con người, vừa làm cho chúng ta mất bình tĩnh trong sáng (23-g,f)

Trang Tử còn khuyên chúng ta nên an thời thuận xử (ch. 23-g,f) đừng bon chen vào chỗ công danh lợi lộc, đừng có kình chống với thiên nhiên, với tha nhân (ch.6-b; 33-b), có vậy mới được thảnh thơi hạnh phúc.

Lại nên sống thoát sáo (ch. 2; 3), có một đời sống cao đại, một tâm hồn thoát tục (ch. 11-e). Hãy rũ bỏ hình tướng hữu hạn, tâm tư hữu hạn mà băng lên sống trong lòng vô hạn, vô cùng (ch. 5-e; 11-e; 15-a,b; 16-b; 19-e; 22-e; 23-b,c; 24-h).

Ông ước mong cho muôn loài được phát triển theo căn cơ, theo thiên tính của chúng. (ch.2-a)

Thiên Biền mẫu viết: «Cẳng le thì ngắn, cố mà nối dài thì nó khổ. Chân hạc thì dài, chặt bớt thì nó đau, cho nên tính mà dài, không phải là cái nên chặt bớt, tính mà ngắn không phải là cái nên nối thêm: thế thì không có gì là lo.» [22]

Tóm lại, thực đúng như trong Thiên hạ thiên đã nói: «Trang Tử trên thì vui cùng Tạo hóa, dưới thì bè bạn với những người đã thoát vòng sinh tử, thủy chung…» [23]

Những lời nói của Trang Tử hết sức sắc bén, hết sức linh động, biến hóa.[24] Lắm lúc ông có giọng châm biếm, như cợt, như đùa, nửa hư, nửa thực, nhưng chung qui, Ông chỉ muốn cho người đọc Ông có cái nhìn rộng hơn, lối sống hay hơn, lý tưởng hơn, nhất là bỏ được cái hữu hạn, để vươn lên tới vô cùng. (ch.6-j, g)

Lúc thì Ông vui miệng nói ngay (chi ngôn) lúc thì ông làm sống động lại các nhân vật lịch sử, và cho họ nói những lời mà Ông muốn (trùng ngôn), lúc thì Ông kể truyện ngụ ngôn (ngụ ngôn) (ch. Thiên hạ, 33-f), lúc thì Ông tranh luận, so sánh, lúc thì đàm thoại, lúc thì vấn đáp, tất cả đều có mục đích phá vỡ cái vỏ «ngã chấp» của ta, để chúng ta mở mắt ra nhìn thấy được khung trời nội tâm, khung trời bản thể vô biên vô tận.

Bất kỳ một hoàn cảnh nào, bất kỳ một câu chuyện gì, đối với Trang, cũng như là một chiếc bàn đạp, để tung mình lên cho tới cõi siêu vi.

Nhờ đó mà Trang không xa lìa đời sống hằng ngày, không xa lìa chúng nhân mà vẫn làm được công trình là giúp con người vươn lên trên những cái nhỏ hẹp của đời sống hằng ngày, đó là băng lên cho tới cõi u linh, huyền diệu.

Đọc Trang, ta thấy rằng nếu không thoát sáo, không thể nào có một đời sống nội tâm phong phú đích thực…

Chung qui, Trang Tử chỉ ước muốn chúng ta sống tiêu diêu, khinh thoát, trong cõi Tuyệt đối, vô cùng mà Ông gọi là:

. Cái nghề nghiệp vô vi (Vô vi chi nghiệp, ch.6-g)

. Cái làng không ở nơi đâu (Vô hà hữu chi hương, ch.I-f)

. Cánh đồng bao la rộng rãi (Khoáng mạc chi dã, ch.I-f)

Trang Tử chỉ ước muốn chúng ta trở thành những:

. Thần nhân

. Thánh nhân

. Chí nhân (ch. I-c; 33-a)

. Chân nhân (ch. I-c; 2c, f)

. Những người đạt tới Chí đạo (ch. 11-c)

Mà chân nhân thì trên phải hòa mình được với Đại thể, dưới thì vui sống được với mọi người, mọi loài, mọi vật, với cảnh trí thiên nhiên, với mọi hoàn cảnh mình gặp (2h, 3abc, 5d v.v…)

Tâm hồn thì như làn nước lắng chiếu soi được trời đất nhân quần một cánh hết sức vô tư và chân thật. (13 a)

Đọc Trang, trước hết phải hiểu tinh thần của Trang, chủ trương của Trang.

Sách của Trang là một kho tàng châu báu, nhưng thay vì để kho tàng ấy chất đống vào một nơi, ông đem nó vung vãi ra trong một vùng lớn lao gồm 10.000 chữ, dấu chúng vào trong những ngụ ngôn, những huyền thoại những câu chuyện bông lông…

Ta hãy quên lời quên chuyện của Trang kể mà chỉ lưu tâm lượm lặt lấy những tư tưởng của Trang. Đó mới chính là những châu ngọc mà Trang dành cho chúng ta vậy.

 

V. LƯỢC DỊCH 7 CHƯƠNG TRONG NỘI THIÊN

I. TIÊU DIÊU DU

a. Hãy sống một cuộc đời huyền hóa với trời đất (đoạn a,b)

     Hồn ta hỡi, hãy tiêu diêu,

Tung đôi cánh rộng khinh phiêu chín tầng…

Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,

Cưỡi gió mây bay thẳng về Nam,

     Bay về quê cũ giang san,

Hồ trời vùng vẫy miên man thỏa tình.

b. Mặc cho miệng thế dèm pha, chỉ trích (đoạn a,b)

Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,

Óc phàm phu sao hiểu chí nhân…

     Vùi thân trong chốn hồng trần,

Họ như ve, sẻ qua lần tháng năm.

Tầm mắt hẹp mà thân ti tiểu,

Kiếp phù du nào hiểu chi đâu,

     Thân lươn bao quản lấm đầu,

Cốt sao cho khỏi cơ cầu thì thôi,

Phận sâu bọ, đành rồi sâu bọ,

Thân nấm rêu nào rõ tuần trăng.

     Ve sầu nào biết thu xuân,

Minh linh ngoài mấy vạn năm hay gì?

Như Bành tổ có chi là thọ,

Mà chúng nhân quá cỡ tán dương.

c. Hãy sống thoát tục, vươn lên cao đại (đoạn c)

     Người vui tước phận lý hương,

Ngươi vui mũ áo xênh xang trị vì.

Kìa Liệt Tử thích đi mây gió,

Cưỡi gió mây đây đó thỏa lòng.

     Còn ta khinh khoát vô cùng,

Sánh vai nhật nguyệt, vẫy vùng khinh phiêu.

     Quên mình quên hết mọi điều,

Quên tên, quên hết bao nhiêu công trình.[25]

Sống đời sống thần linh sảng khoái,

Như Hứa Do chẳng đoái công hầu.

     Uống ăn nào có chi đâu,

Mà lo với lắng cho rầu lòng ai.

d. Đời sống thần linh không phải là chuyện hoang đường (đoạn d)

Ta chẳng nói những lời phách lối,

Lời của ta đâu nỗi hoang đường.

     Lời ta minh chính đường hoàng,

Vì người không hiểu, trách quàng trách xiên…

     Kẻ mù tối sao xem mầu sắc,

Người điếc tai sao bắt âm thanh.

     Cho nên những kẻ vô minh,

Tối tăm ù cạc, ngọn ngành hiểu chi,

Sao biết được uy nghi sang cả,

Của những người huyền hóa siêu linh.

     Đất trời gồm tóm trong mình,

Lồng vào muôn vật sự tình nào hai.

Dẫu sóng cả ngất trời không đắm,

Dẫu nóng nung cũng chẳng làm sao.

     Trời mây mặc sức tiêu dao,

Cho dù Nghiêu, Thuấn dễ nào sánh vai…

e. Phải biết lợi dùng hết tầm kích của đời mình (đoạn e, f)

Kiếp sống nọ mấy ai biết dụng,

Biết cách dùng cho đúng, cho hay.

     Có dưa năm thạch trong tay,

Bổ ra năm bảy, dưa này vứt đi.

Như nếu biết để y như trước,

Dùng làm phao, sông nước nó băng.

     Đổi bất qui thủ lấy vàng,

Ngỡ là đã khéo tính toan lãi lời.

Ai ngờ nó giúp Ngô thắng Việt,

Giúp chủ nhân mãn kiếp vinh quang.

     Biết dùng thời thực mênh mang,

Dùng sai, dùng dở oán than nỗi gì.

Nhưng hay nhất là khi vô dụng,

Thoát vòng đời tù túng lợi danh.

     Sống trong Vô cực siêu linh,

Xa bề khổ ải, mặc tình nhởn nhơ…

2. TỀ VẬT LUẬN

     Ta và trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.[26]

Ta nào biết vắn dài, nhĩ ngã,

Lòng muôn phương, muôn ngả tỉnh say.[27]

     Thênh thang chèo quế buồm mây,

Lòng trời lạc nẻo chốn này là đâu? [28]

Nhạc trời tấu vui sầu muôn điệu,[29]

Bóng quang huy phiêu diễu mung lung,

     Nơi đây ta dứt lòng trần,

Bạn cùng thần thánh, muôn phần hân hoan.[30]

Triều nổi sóng muôn vàn ta mặc,

Lửa ngất trời phần phật ta khinh.[31]

     Ta nay đã thoát điêu linh,

Thoát vòng sinh tử, tử sinh của đời.[32]

Ta sống giữa lòng trời vĩnh cửu,

Ta sống trong khu nữu muôn loài.[33]

     Vời trông thế sự vần xoay,

Ta nào còn biết bên này bên kia.

Tranh chấp hết, thị phi cũng hết,

Thị với phi phân biệt uổng công.[34]

     Đã vài tới điểm đại đồng,

Trông ta trời đất mênh mông một màu.

Lớn với nhỏ in nhau một lứa,

Sống vắn dài cũng thủa phù sinh.

     Sợi lông bát ngát mênh mông,

Mà xem non Thái như tình cỏn con.

Kẻ chết yểu sống hơn trăm kiếp,

Còn Lão Bành yếu triết, tảo vong,[35]

     Ta nay xếp mọi tơ lòng,

Hết niềm nhĩ ngã, sống trong lòng trời.[36]

Nguồn mạch ấy chẳng vơi, chẳng cạn.

Mà tràn lan, lai láng rạt rào.

     Kho trời đã rõ tiêu hao,

Tiêu sao cho hết, dùng sao cho cùng.[37]

Mặc tôm cá sống cùng tôm cá,

Mặc hươu nai nghĩa gá hươu nai,

     Mặc cho khỉ vượn sánh đôi,

Mặc cho trai gái tìm nơi tương phùng.[38]

Ta tìm Đạo trong lòng vũ trụ,[39]

Trong lòng ta ta cứ tìm Trời.

     Thương cho nhân thế miệt mài,

Lao đao lận đận suốt đời uổng công.[40]

Những bôn tẩu mơ mòng ảo ảnh,

Khiến cho đời hiu quạnh gian truân.

     Nào hay ở giữa lòng trần,

Tấc thành đã sẵn muôn phần quang hoa.[41]

Nơi chốn ấy chói lòa ánh sáng,[42]

Cũng là nơi tĩnh lãng siêu nhiên.[43]

     Là nơi sực nức hương tiên,

Rườm rà ta bỏ, tần phiền ta quăng.[44]

Đừng biện luận nói năng chi nữa,

Biết nói sao, biết tả làm sao? [45]

     Mênh mông bát ngát rạt rào,

Im hơi lặng tiếng mới cao, mới tài.[46]

Ta quên hết hình hài ngôn ngữ,

Quên rằng ta còn có hay không.[47]

     Lạ thay phong thái huyền đồng,

Rũ sao cho sạch tơ lòng mới nghe.[48]

Sống khinh khoát muôn bề khinh khoát,

Cùng trăng sao bát ngát xa chơi.

     Lòng mang vũ trụ đất trời,

Cùng chư thần thánh muôn đời sống chung.[49]

Sống mãi mãi vô cùng, vô tận,

Mặc trời mây chuyển vận quanh ta,

     Mặc cho trần thế bôn ba,

Vì ta đã được tinh hoa đất Trời… [50]

Thử ướm hỏi đâu nơi dừng gót,

Đâu là nơi cùng tột phải đi?

     Ta nay truyền lẽ huyền vi,

Có Trời lập tức hết kỳ bôn ba.

Được Trời, Đạo ấy là đạt đích,

Hết lần mò tầm mịch lăng nhăng.[51]

     Được Trời là được Thiên chân,

Chân nhân phải có Thiên quân đáy lòng.[52]

3. DƯỠNG SINH CHỦ

     Muốn cho đời sống khinh phiêu,

Bớt điều háo hức, bớt điều bon chen.

     Chớ lo mua chuốc lời khen,

Cũng đừng đọa lạc tội khiên gông cùm.

     Sao cho trong ấm ngoài êm,

Đề huề gia đạo, chu tuyền tấm thân.

     Chớ xông vào chỗ gian truân,

Tránh điều tranh chấp, giành phần hơn thua.[53]

     Kìa xem thủ thuật mổ bò,

Cố tìm khớp trống, mới lùa lưỡi dao.

     Nơi không chống đối mới vào,

Chỗ nào cứng rắn đâm lao ích gì, [54]

     Lầu son gác tía mà chi,

Nếu lòng không được mọi bề khinh phiêu.[55]

     Sống đời khinh khoát tiêu diêu,

Buông tay, đắm mắt: cũng điều thiên nhiên.

     Có chi mà sợ cùng phiền,

Chết là thoát tục, thành tiên ngại gì.[56]

4. NHÂN GIAN THẾ (SỐNG TRÊN ĐỜI)

     Sống đời ở giữa thế gian,

Đừng đem dây rợ buộc ràng mà chi.

     Đừng có ỷ sở tri, sở học,

Mà tính toan xoay cuộc cờ đời.

     Trước khi muốn cảm hóa người,

Tâm linh trước phải tuyệt vời mới nên.[57]

Tâm linh phải biết niềm chay tịnh.[58]

Giữ cho lòng bình tĩnh hư vô,

     Nhà không ánh sáng hiện ra,

Lòng không sẽ thấy chói lòa trời cao.[59]

Kìa Vũ, Thuấn xưa nào có khác,

Nọ Phục Hi cũng trạc thế thôi. [60]

     Còn như đối đãi với đời,

Dẫu rằng quyền biến chớ sai tấc thành.

Đừng nóng nảy lo tranh lo chấp,

Đừng bon chen háo hức, say mê.

     Trước sau trang trọng đề huề,

Đừng đem nóng giận hại bề giao du.[61]

Với người chớ khư khư cố chấp,

Phải lựa chiều tùy bậc tùy nơi,

     Dạy người không phải bẻ người,

Mà là uốn nắn lần hồi mới hay.[62]

Muốn dại dụng chớ say tiểu dụng,

Đừng cho người thao túng đời ta.

     «Thao quang, hối đức» mới là,

Thần minh sau trước khôn qua lẽ này.[63]

5. ĐỨC SUNG PHÙ

     Vương Bài nước Lỗ cụt chân,

Nhưng mà đệ tử đông bằng Trọng Ni.

Thường Quí lạ, mới đi ướm hỏi,

Hỏi Trọng Ni nông nổi trước sau.

     Vương Bài nào lạ chi đâu,

Lại thêm tàn tật lẽ nào tiếng tăm.

Trọng Ni đáp: Thánh nhân là thế,

Ngay Khưu này hồ dễ sánh vai.

     Ta còn muốn lấy làm thầy,

Hèn chi kẻ kém Khưu này theo chân.

Một nước Lỗ đã rằng chi lạ,

Ta muốn cùng thiên hạ đi theo.

     Họ thường gạn hỏi đến điều,

Con người như thế cao siêu thế nào.

Trọng Ni đáp: Biết bao cao cả,

Sống chết kia đâu há quan tâm.

     Trời long, đất lở rầm rầm,

Mà Ngài đâu có lộ phần xuyến xao.

Biết tính mạng, tiêu hao gốc ngọn,

Lòng lâng lâng nào bợn trần ai.

     Mặc cho muôn vật vần xoay,

Bởi vì chủ chốt trong tay đã cầm.

Thường Quí nói xin phân giải rõ,

Nghĩa huyền vi soi tỏ một phen.

     Đáp rằng: Vạn vật biến thiên,

Phải nhìn cho tỏ hai bên dị đồng.

Từ khác biệt mà trông vạn vật,

Thời chia phôi gan mật, Việt Ngô.

     Nhưng từ đồng điểm nhìn ra,

Muôn loài là một, phôi pha chưa từng.

Vui sống cõi hòa đồng của Đức,

Xếp một bên nhận thức ngũ quan.

     Sá chi mất một chân phàm,

Chẳng qua hòn đất ném tòm khác chi.[64]

Dùng trí tuệ để suy tâm khảm,

Dùng tâm cơ nhàn lấm thường tâm.[65]

     Đã tìm ra được Thiên quân,

Như hồ trong vắt chiếu cùng trời mây.

Như tùng bách tháng ngày tươi tốt,

Như Thuấn Vương đạo cốt Tiên phong.

     Thảnh thơi, điềm tĩnh ung dung,

Oai phong hùng dũng giữa vòng biến thiên.

Vì lòng họ gồm kiêm trời đất,

Lại cưu mang vạn vật sinh linh.

     Cũng là tai mắt thân hình,

Mà trong rực rỡ tâm linh huy hoàng.

Họ hiểu biết mênh mông vô tận,

Sống vô cùng, vô hạn từ bao.

     Ai theo nào khiến ai nào,

Con người thế ấy, nói sao cho cùng.[66]

     Thiên chân ví ở cõi lòng,

Sá chi lành sất, hình dung bề ngoài.

     Tâm linh đường đã vạch rồi,

Sá chi mũ mãng, hán hài, công danh.

     Mở lòng rộng rãi mông mênh,

Trời kia đất nọ há dành riêng ai.[67]

     Đừng nên đày đọa hình hài,

Đừng vì danh hão phí hoài tấm thân.

     Tại sao tù túng tinh thần,

Hãy nên khôn khéo gỡ lần vấn vương.[68]

     Thái Hòa giữ vẹn «Tâm thường»,

Thất tình chớ để tổn thương tâm thần.

     Sự đời chất chưởng thăng trầm,

Lẽ trời đã thế bận tâm làm gì.

     Cùng người hoan lạc sầu bi,

Dung nhan ta đổi tùy nghi, tùy thời.

     Giữ sao cho vẹn lòng trời,

Đừng cho gió cuốn, sóng trôi tâm hồn.

     Thế là giữ được «tài toàn»,

Thế là đức hạnh chứa chan tuyệt vời.[69]

     Dừng chân lòng dạ có nơi,

Ngoại thân nào quản hình hài nhỏ nhen.

     Hình người, lòng đã thành tiên,

Tình đời phải trái tần phiền sạch không.

     Với người tuy vẫn lộn sòng,

Với Trời kỳ thật hòa đồng từ bao.[70]

 

6. ĐẠI TÔNG SƯ

Bài Đại Tông sư này gồm ba đề mục chính:

a. Chân nhân.

b. Đạo.

c. Nghệ thuật sống.

Vậy chương này sẽ có ba tiết bàn về những vấn đề trên.

a. Chân Nhân

     Biết trời mà biết cả người,

Đó là cái biết tuyệt vời thâm uyên.

     Biết trời mới biết căn nguyên,

Biết người mới biết chu tuyền tấm thân.

     Chân tri là bậc chân nhân,

Chân nhân mới được thông phần chân tri.

     Chân nhân khinh khoát huyền vi,

Há lo tranh chấp, há vì công danh.

     Trèo cao lòng cũng chẳng kinh,

Nước trào, lửa cháy, tâm linh chẳng sờn.

     Một lòng sau trước sắt son,

Lòng mang Đạo cả nào còn sợ chi.

     Chân nhân nằm ngủ chẳng mê,

Còn khi tỉnh thức muôn bề thảnh thơi.

     Chân nhân khác biệt người đời,

Niềm tràn phất phới, niềm trời sâu xa.

     Tử sinh nào khác chi là,

Đi vào chẳng thích, đi ra chẳng cần.

     Nhân tâm chẳng phá đạo tâm,

Ý trời há để lòng trần cản ngang.

     Cho nên dáng dấp đàng hoàng,

Tâm hồn bình thản dung quang sáng ngời.

     Vui buồn hợp nhất với Trời,

Mênh mông bát ngát, ai người dám so.

     Kinh quyền tùy tiện đẩy đưa,

Trời chiều, vả lại người ưa mới là.[71]

b. Đạo

     Đạo trời hữu tính hữu hình,

Vô vi vả lại vô hình mới hay.

     Dễ truyền, khó bắt lạ thay,

Giữ thời giữ được, trông rày hẳn không.

     Tự sinh, tự bản vô cùng,

Có từ trời đất còn không có gì.

     Sinh trời sinh đất ra uy,

Quỉ thần âu cũng là tùy sở do.

     Cao cao vô tận, khôn dò,

Cao hơn Thái Cực vẫn cho là thường.

     Thẳm sâu sâu mấy ngàn muôn,

Sâu hơn vũ trụ mà nhường không hay.

     Lâu lai nào kể tháng ngày,

Trước trời, trước đất, lâu này lâu chi.

     Sống từ muôn thuở vẫn y,

Ngàn muôn tuổi thọ, đã gì già nua.

     Hi Di, Hoàng đế, Kiên Ngô,

Kham Phi, Chuyên Húc đã nhờ thần thông.

     Đạo trời soi sáng cõi lòng,

Mới thành Thần Thánh sống cùng trời mây.

     Lão Bành, Phó Duyệt nhờ tay,

Ngung Cường, Vương Mẫu may thay được người.

     Mới nên Thần Thánh tuyệt vời,

Ngự nơi Thiếu Quảng, chơi nơi Ngân Hà.

     Biết bao thỏ lặn, ác tà,

Hai vầng nhật nguyệt khôn qua Đạo Trời.

     Kìa như Bắc Đẩu thảnh thơi,

Cũng nhờ Đạo cả mới ngôi cửu trùng.

     Đạo Trời ngẫm thực vô cùng,

Biết bao quyền phép thần thông nhiệm mầu.[72]

c. Nghệ thuật sống

     Ta nên sống thuận mệnh Trời,

Vấn đề sinh tử nên coi là thường.

     Hình hài chẳng vấn vương tấc dạ,

Vẻ bên ngoài biến hóa quản chi.

     Tồn vong sinh tử cũng y,

Chẳng qua máy tạo huyền vi an bài.[73]

     Đời trần thế là đời mộng ảo,

Tỉnh với mơ lộn lạo khác chi,

     Tử sinh như ở với đi,

Như thay hình tướng có chi bận lòng.

Dù Nam, Bắc, Tây, Đông cũng vậy,

Trời bảo sao, ta hãy vui theo.[74]

     Mặc cho ngoại cảnh xoay chiều,

Giữa lòng Tạo Hóa khinh phiêu thỏa tình.

Đem tâm gởi mênh mông bát ngát,

Thời tâm này mất mát làm sao? [75]

     Muốn tìm ra Đạo chí cao,

Nếu không suy tưởng nhẽ nào tìm ra.

Hãy thâu lượm tinh hoa sử sách,

Hãy khơi tung nguồn mạch đáy lòng.

     Hư vô khi đã khai thông,

Rồi ra sẽ được huyền đồng chẳng sai.

Tìm Trời phải quên đời, quên cảnh,

Quên phù sinh, ảo ảnh bên ngoài,

     Tâm hồn khi hết pha phôi.

Mới mong rực rỡ ánh trời hiện ra.

Đã thấy Đạo, đâu là kim cổ,

Hết cổ kim vào chỗ trường sinh.

     Ham sinh thời lại điêu linh,

Phù sinh chẳng chuộng, thần linh ấy là.[76]

Hãy cố gắng vượt qua nhân nghĩa,

Hãy quên đi nghi lễ của đời.[77]

     Quên mình, quên cả hình hài,

Thông minh trí huệ, gác ngoài tâm linh.

Hãy hợp với vô hình, vô tượng,

Cùng Đại thông vô lượng sánh đôi.[78]

     Thế là được Đạo được Trời,

Thoát vòng biến hóa muôn đời trường sinh… [79]

Ai chỉ vẽ sự tình sau trước,

Ấy thầy ta đại lược cho ta.

     Thầy ta muôn vật điều hòa,

Mà nào kể nghĩa với là kể ơn.

Ban ân trạch cho muôn thế hệ,

Mà chưa hề lấy thế làm nhân.

     Trường tồn đã mấy muôn năm,

Mà chưa hề thấy có phần già nua.

Thầy ta chở cùng che trời đất,

Lại ra tay điêu khắc muôn loài,

     Thế mà một mực thảnh thơi,

Chưa hề có bảo là tài, là hay.[80]

 

7. ỨNG ĐẾ VƯƠNG (Nghệ thuật trị dân)

Trị dân nước thế nào cho phải,

Làm sao cho quốc thái dân an.

     Bên ngoài lo lắng sửa sang,

Hay lo cảm hóa tâm can con người.

Sửa sang nghi thức bên ngoài,

Thực là tính chuyện vá trời đào sông.[81]

     Lấy lòng dân nước làm lòng,

Nhu hòa điềm đạm, như không mới là.

     Đừng nên lận đận bôn ba,

Lao tâm khổ tứ cho ra thân tàn.

     Phải cho phong độ đàng hoàng,

Rồi ra mới đáng nêu gương cho người.[82]

     Minh vương nghệ thuật tuyệt vời,

Công trùm thiên hạ mà coi như thường.

     Đức trời cảm hóa muôn phương,

Há cần dân phải lo lường nài van.

     Âm thầm gây dựng mối giường,

Để cho muôn vật an khương thái hòa.[83]

     Riêng mình rũ bỏ phù hoa.[84]

Vui trong Đạo cả cao xa tuyệt vời.[85]

     Sống trong Vị thủy chơi vơi.[86]

Cỡi chim «Khinh khoát» ra ngoài lục hư.

     Làng Vô hà hữu ngao du,

Sống trong «Vô hữu» lặng tờ tịch liêu.[87]

     Vô vi như thể trời cao,

Vô vi trác tuyệt nói sao cho cùng.

     Bao trùm vô tận thinh không,

Mịt mù tông tích ai lùng cho ra.[88]

     Tâm hồn gương sáng sáng lòa,

Chiếu soi muôn vật đâu là riêng tây.[89]

     Vô vi hỗn độn ai hay,

Phẩm tiên chớ để lọt tay phàm trần… [90]


CHÚ THÍCH

[1] Mông 蒙 theo Địa lý chí thì thuộc nước Lương; theo Lưu Hướng biệt lục thì thuộc nước Tống. Phùng Hữu Lan cũng cho rằng Trang Tử là người nước Tống.

[2] Lương Huệ Vương nguyên niên và khoảng năm 6 đời Chu Liệt vương (370).

[3] Tề Tuyên Vương (332-313). Trang Tử đồng thời với Mạnh tử (372-289). Huệ Tử (380-300), Công Tôn Long (320-250). Như vậy, Trang Tử sống vào những khoảng năm (360-286).

[4] Sử Ký Tư mã Thiên, Lão, Trang, Thân, Hàn liệt truyện.

[5] «Thượng dữ Tạo vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh, vô chung thủy giả vi hữu…» 上 與 造 物 者 游 而 下 與 外 死 生,無 終 始 者 為 友 (Thiên hạ, F).

[6] To the Taoist, the attainment of absolute reality is to be in the realm of the great infinite, the realm of non being. To enter the realm of non-being is to have reached the ground of the great sympathy.

      One may enter the realm of non-being either through quiescence, t’ien , or though intuitive knowledge, chih . The former concentrates upon repose, or what the Buddhists call Dhyana. The latter stresses on intuition or prajna.

     The concentration on repose is often referred to as the method of gradual attainment; stress on intuition is referred to as sudden enlightenment. Both methods are described in Taoist writings. But the goal of either method is the entry into the realm of non-being. - Chuang Chung Yuan, Creativity and Taoism, p. 49.

[7] Non being manifests itself either as the Heavenly light or the uncarved block. They are two aspects of the same thing. (Ibid. p.49)

[8] The first approach, through Chih, or intuitive knowledge is pure self consciousness through immediate, direct, primitive penetration instead by methods that are derivative, inferential, or rational. In the sphere of intuitive knowledge, there is no separation between the knower and the known, subject and object are identified… (Ibid. p. 49)

[9] Free identification and interfusion in the realm of non-being are the functions of the great sympathy. In short, it is the Tao, the higher unity of all things. (Ibid. p.50)

[10] In the realm of non-being the interfusion and identification of multiplicity takes place as a manifestation or the great sympathy. (Ibid, p.49-50)

[11] Emancipation from the bondage of the ever-changing world, from the relative value of external things, and from the unstable and evasive existence, is achieved through the denial and denial. (Ibid, p.120).

[12] Psychologically speaking, it is the transformation from «a consciousness limited to ego-form of the non-ego-like-self.» (Ibid, p.121).

[13] Thuyên giả sở dĩ tại ngư; đắc ngư nhi vong thuyên. Đề giả sở dĩ tại thố, đắc thố nhi vong đề. Ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn. Ngô an đắc phù vong ngôn chi nhân nhi dữ chi ngôn tai. 筌 者 所 以 在 魚 得 魚 而 忘 筌  蹄 者 所以 在 兔 得 兔 而 忘 蹄  言 者 所 以 在 意 得 意 而 忘 言  吾 安 得夫 忘 言 之 人 而 與 之 言 哉.

[14] According to the tenth century Taoist named Ssu-Ma-Cheng-Chen, the words Chih and T’ien are what the Buddhists refer to as Hsing, or Dhyana and Hui or Prajna. - Chuang Chung Yuan, Creativity and Taoism, p. 41…

…  According to Taoism, there are two routes leading to enlightenment, Ming, or Ontological insight, Ching or quiescence. (Ibid, 123)

…  One may enter the realm of non-being either through quiescence T’ien or through intuitive knowledge, Chih. The former concentrates upon repose, or what the Buddhists call Dhyana. The latter stresses on intuition, or Prajna (Ibid. 49)

[15] Cổ chi nhân Thiên nhi bất nhân. 古 之 人 天 而 不 人  (Liệt Ngự Khấu, 32-c)

[16] Bất ly ư tông, vị chí Thiên nhân. Bất ly ư tinh vị chi Thần nhân. Bất ly ư Chân, vị chi Chí nhân. Dĩ Thiên vi tông, dĩ đức vi bản, dĩ Đạo vi môn, triệu ư biến hóa, vị chi Thánh nhân. 不 離 於 宗, 謂 之 天 人. 不 離 於 精, 謂 之 神 人. 不 離 於 真, 謂 之 至 人. 以 天 為 宗, 以 德 為 本, 以 道 為 門, 兆 於 變 化, 謂 之 聖 人 (Thiên hạ, 33-a)

…  Chân giả, tinh thành chi chí dã. 真 者 精 誠 之至 也   (Ngư phụ, 31-d)

…  Thần hà do giáng, minh hà do xuất, thánh hữu sở sinh, vương hữu sở thành, giai nguyên ư Nhất… 神 何 由 降, 明 何 由 出? 聖 有 所 生, 王 有 所 成, 皆 原 於 一   (Thiên hạ, 33-a)

[17] Hà vị nhân dữ Thiên nhất da? Trọng Ni viết: Hữu Nhân, Thiên dã, hữu Thiên, diệc Thiên dã. Nhân chi bất năng hữu Thiên, tính dã. Thánh nhân yến nhiên, thể thệ nhi chung hĩ.  何 謂 天 與 人 一 邪? 仲 尼 曰: 有 人, 天 也, 有 天, 亦 天 也. 人 之 不 能 有天, 性 也.聖 人 晏 然 體逝 而 終 矣. (Sơn mộc, 20-g)

[18] Khiết Khuyết vấn đạo hồ Bị Y. Bị Y viết: Nhược chính nhữ hình, nhất nhữ thị, Thiên hòa tương chí. Nhiếp nhữ tri, nhất nhữ độ. Thần tương lai xá, đức tương vi nhữ mỹ, Đạo tương vi nhữ cư. 齧 缺 問 道 乎 被 衣. 被 衣 曰: 若 正 女 形, 一 女 視. 天 和 將 至. 攝 女 知, 一 女 度. 神 將 來 舍, 德 將 為 女美, 道 將 為 女 居 (ch. 22-c).

[19] Dục tĩnh, tắc bình khí, dục thần tắc thuận tâm. Hữu vi dã dục dáng, tắc duyên ư bất đắc dĩ, bất đắc dĩ chi loại, thánh nhân chi đạo. 欲 靜 則 平 氣 , 欲 神 則 順 心. 有 為 也 欲 當 則 緣 於 不 得 已, 不 得 已 之 類, 聖 人 之 道 (Canh Tang Sở, ch.32-g)

[20] Chấp đạo giả, Đức toàn. Đức toàn giả, Hình toàn. Hình toàn giả Thần toàn. Thần toàn giả, thánh nhân chi đạo dã.  執 道 者 德 全 德 全 者 形 全. 形 全 者 神 全. 神 全 者, 聖 人 之 道 也 (ch.12-k)

[21] Bỉ giả tu Hỗn độn thị chi thuật dã. Thức kỳ nhất, bất tri kỳ nhị. Trị kỳ hội, nhi bất tri kỳ ngoại. Phù minh bạch nhập tố, vô vi phục phác, thể tính, bão thần. 彼 假 修 混 沌 氏 之 術 者 也. 識 其 一 不 知 其 二. 治 其 內 而 不知 其 外. 夫 明 白 入 素, 無 為 復 朴 體性, 抱 神 (ch.12-k)

[22] Thị cố phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu, hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi. Cố tính trường phi sở đoản, tính đoản phi sở tục, vô sở khứ ưu dã. 是 故 鳧 脛 雖短, 續 之 則 憂, 鶴 脛 雖 長, 短 之 則 悲. 故 性 長非 所 短, 性 短 非 所 續, 無 所 去 憂 也 (Biền mẫu, 8-a).

[23] Thượng dữ Tạo vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh, vô chung thủy giả vi hữu… 上 與 造 物 者 遊, 而 下 與 外 死 生 無 終 始 者 為 友 (Thiên hạ, 33-f)

[24] Chúng ta nên nhớ Trang Tử có tài biện luận như Huệ Thi, Công Tôn Long Hoặc hơn nữa. (ch. I-e, f; 2-d; 5-f; 17-d, f, g; 18-b; 24-e; 25-d; 26-g; 27-b; 33-g).

[25] Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh. 至 人 無 己, 神 人 無 功, 聖 人 無 名 (ch. I-c)

[26] Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. 天 地 與 我 並 生, 而 萬 物 與 我為 一 (ch. 2-d)

[27] Ký dĩ vi nhất, thả đắc hữu ngôn hồ 既 已 為 一, 且 得 有 言 乎 (ch. 2-d)

… Thị cố hoạt nghi chi diệu, Thánh nhân chi sở đồ dã. 是 故 滑 疑 之 耀 聖 人 之 所 圖 也 (ch. 2-d).

Phương khả, phương bất khả, Phương bất khả, phương khả. Nhân thị, nhân phi. Nhân phi, nhân thị… 方 可 方 不 可, 方 不 可 方 可. 因 是 因 非, 因 非 因 是 (ch. 2-c)

[28] Thục tri bất ngôn chi biện, bất đạo chi Đạo. 孰 知 不 言 之 辯, 不 道 之 道 (ch. 2-e)

[29] Nhữ văn địa lại, nhi vị văn Thiên lại phù? 女 聞 地 籟 而 未 聞 天 籟 夫 (ch. 2-a)

[30] Thánh nhân ngu truân, tham vạn tuế, nhi nhất thành thuần. 聖 人 愚 芚 參 萬 歲 而 一 成 純 (ch. 2-g) Thánh nhân bất tùng sự ư vụ… nhi du hồ trần cấu chi ngoại 聖 人 不 從 事 於 務 [...] 而 遊 乎塵 垢 之 外 (ch. 2-g)

[31] Đại trạch phần nhi bất năng nhiệt, hà hán hộ nhi bất năng hàn. 大 澤 焚 而 不能 熱, 河 漢 沍 而 不能 寒 (ch. 2-f)

[32] Nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sinh vô biến ư kỷ. 而 游 乎 四 海 之 外, 死 生 無 變 於己 (ch. 2-f)

[33] Bỉ thị mạc đắc kỳ ngẫu, vị chi Đạo khu. Khu thủy đắc kỳ hoàn trung, dĩ ứng vô cùng. 彼 是 莫 得 其 偶, 謂 之 道 樞. 樞 始 得 其 環 中, 以 應 無 窮 (ch. 2-c)

[34] Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên quân thị chi vị lưỡng hành. 是 以 聖 人 和 之 以 是 非 而 休 乎 天 鈞 是 之 謂 兩 行 (ch. 2-c)

[35] Thiên hạ mạc đại ư thu hào chi mạt, nhi đại sơn vi tiểu. Mạc thọ ư thương tử, nhi Bành tổ vi yểu. 天 下 莫 大 於 秋 毫 之 末, 而 大 山 為 小;莫 壽 於 殤 子, 而 彭 祖 為 夭 (ch. 2-e).

[36] Vong niên, vong nghĩa, chấn ư vô cảnh, cố ngụ chư vô cảnh 忘 年 忘 義 振 於 無 竟 故 寓 諸 無 竟 (ch. 2-h).

[37] Nhược hữu năng tri thử chi vị thiên phủ, chú yên nhi bất mãn, chước yên nhi bất kiệt, nhi bất tri kỳ sở do lai 若 有 能 知 此 之 謂 天 府 注 焉 而 不 滿 酌 焉 而 不 竭 而 不知 其 所 由 來 (ch. 2-d).

[38] Viên biên thư dĩ vi thư, mê dữ lộc giao, thu dữ ngư du. Mao Tường, Lệ Cơ, nhân chi sở mỹ dã 猿 猵 狙 以 為 雌, 麋 與 鹿 交, 鰍 與 魚 游. 毛 嬙, 麗 姬, 人 之 所 美 也 (ch. 2-e).

[39] Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên quân. 是 以 聖 人 和之 以 是 非 而 休 乎 天 鈞 (ch. 2-c).

[40] Chung thân dịch dịch nhi bất kiến kỳ thành công, niết nhiên bì dịch nhi bất tri kỳ sở qui, khả bất ai da? 終 身 役 役 而 不 見 其 成 功, 薾 然 疲 役 而不 知 其 所 歸, 可 不 哀 邪 (ch. 2-b).

[41] Phù tùy thành tâm nhi sư chi, thùy độc thả vô sư hồ. 夫 隨 其 成 誠  心 而 師 之, 誰 獨 且 無 師 乎 (ch. 2-b)

[42] Thử chi vị bảo quang 此 之 謂 葆 光 (ch. 2-e).

[43] Hóa thanh chi tương dãi, nhược kỳ bất tương đãi, hòa chi dĩ Thiên nghê 化 聲 之相 待, 若 其 不 相 待, 和 之 以 天 倪 (ch. 2-h).

[44] Vong niên, vong nghĩa, chấn ư vô cảnh, cố ngụ chư vô cảnh  忘 年 忘 義 振於 無 竟 故 寓 諸 無 竟 (ch. 2-i).

[45] Phù đại Đạo bất xưng, đại biện bất ngôn. 夫 大 道 不 稱, 大 辯 不 言 (ch. 2-c).

[46] Thục tri bất ngôn chi biện, bất đạo chi đạo 孰 知 不 言 之 辯, 不 道 之 道 (ch. 2-d).

[47] Kim giả ngô táng ngã 今 者 吾 喪 我 (ch. 2-a).

[48] Thánh nhân bất tùng sự ư vụ, bất tựu lợi, bất vi hại, bất hỉ cầu. 聖 人 不 從 事務, 不 就 利, 不 違 害, 不 喜 求 (ch. 2-g).

[49] Nhược nhiên giả, thừa vân khí, kỵ nhật nguyệt nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sanh vô biến ư kỷ. 若 然 者, 乘 雲 氣, 騎 日 月 而 游 乎 四 海 之 外, 死 生 無 變 於己 (ch. 2-e)… Bàng nhật nguyệt hiệp vũ trụ vi kỳ vẫn hợp旁 日 月, 挾 宇 宙 為 其 吻 合 (ch. 2-g).

[50] Chúng nhân dịch dịch, Thánh nhân ngu truân, tham vạn tuế, nhi nhất thành thuần. 眾 人 役 役, 聖 人 愚 芚 參 萬 歲 而 一 成 純 (ch. 2-g)

[51] Xem ch. 2-d, từ: « Cổ chi nhân tri hữu sở chí hĩ…» 古 之 人 其 知 有 所 至 矣 đến « vị thủy hữu thị phi dã.»  未 始 有 是 非也 (Đạt Vô cực, hay Thái cực là đạt đích).

[52] Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên quân. 是 以 聖 人 和之 以 是 非 而 休 乎 天 鈞 (ch. 2-c).

[53] Tóm đoạn a. Dưỡng sinh chủ.

[54] Tóm đoạn b.

[55] Tóm đoạn c.

[56] Tóm đoạn d.

[57] Xem đoạn a, tr.230-235 Wieger, Les Pères du Système Taoiste, (Đoạn này Nguyễn duy Cần bỏ không dịch).

[58] Tâm trai 心 齋. a, tr. 232.

[59] Hư thất sinh bạch, cát tường chỉ chỉ, vị tọa trì. Phù tuần nhĩ mục nội thông nhi ngoại ư tâm tri, quỉ thần tương lai xá. 虛 室 生 白, 吉 祥 止 止, 謂 坐 馳. 夫 徇 耳 目 內 通, 而 外 於 心 知, 鬼 神 將 來 舍 Wieger, (ch.4: Nhân gian thế), tr.234.

[60] Ibid. a, tr. 234.

[61] Xem đoạn b, tr. 235.

[62] Xem đoạn c, tr. 236-237.

[63] Xem d, tr. 238-239. 1, 240-241.

[64] Tóm tắt đoạn a, Đức Sung Phù. Xem Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 294-297.

[65] Dĩ kỳ tâm đắc kỳ thường tâm. 以 其 心 得 其 常 心. Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 291.

[66] Từ «Trọng Ni viết: Nhân mạc giám ư lưu thủy» 仲 尼 曰 人 莫 鑑 於 流 水 đến «dĩ vật vi sự hồ» 以 物 為 事 乎 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 291-292).

[67] Phù thiên vô bất phúc, địa vô bất tải, Ngô dĩ phu tử vi Thiên địa. 夫 天 無不 覆, 地 無 不 載, 吾 以 夫 子 為天 地 (Ibid, tr. 305).

[68] Vô Chỉ viết: Thiên hình chi an khả giải 無 趾 曰: 天 刑 之, 安 可 解 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 306-308).

[69] Ai Công viết: Hà vị tài toàn?… Thị chi vị tài toàn 哀 公 曰 : 何 謂 才 全? [...] 是 之 謂 才 全 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 314-315).

[70] Diểu hồ tiểu tai, sở dĩ thuộc ư nhân dã, ngao hồ đại tai, độc thành kỳ thiên. 眇 乎 小 哉, 所 以 屬 於 人 也, 謷乎 大 哉, 獨 成 其 天 (Ibid., tr. 323)

[71] Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 340-347.

[72] Xem đoạn d Đại Tông Sư.- Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 358-360.

[73] Xem Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 351-355.

[74] Ibid. tr. 351-355. 362-377.

[75] Cố Thánh Nhân tương du ư vật chi sở bất đắc độn nhi giai tồn 故 聖 人 將 遊於 物 之 所 不 得 遯 而 皆 存 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 354).

[76] Xem đoạn e, tr. 364-365.

[77] Xem i, tr. 385-389.

[78] Xem «tọa vong» 坐 忘 (tr. 392)… Đọa chí thể, truất thông minh, ly hình, khứ tri, đồng ư đại thông. 墮 枝 體, 黜 聰 明 離 形 去 知 同 於 大 通 (Ibid., tr. 393)

[79] Đồng tắc vô háo dã, hóa tắc vô thường dã. 同 則 無 好 也, 化 則 無 常 也 (Ibid., tr. 393)

[80] Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 386-389.

[81] Phù thánh nhân chi trị dã, trị ngoại hồ. 夫 聖 人 之 治 也, 治 外 乎 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 411)

[82] Lao hình, truật tâm 勞 形 怵 心 (Ibid., tr. 417).

[83] Ibid., tr. 418.

[84] Điêu trác phục phác. 雕 琢 復 朴 (Ibid., tr. 428)

[85] Thể tận vô cùng nhi du vô trẫm 體 盡 無 窮, 而 遊 無 朕 ( tr. 434)

[86] Liệt Tử tự dĩ vi vị thủy học nhi qui 列 子 自 以 為 未 始 學 而 歸 (Ibid., tr. 428)

[87] Thừa phù mãng diêu chi điểu, di xuất lục cực chi ngoại, nhi du vô hà hữu chi hương, dĩ xứ khoáng lạng chi dã. 乘 夫 莽 眇 之 鳥 以 出 六 極 之 外, 而 遊 無 何 有之 鄉, 以 處 壙 埌 之野 (Ibid., tr. 414)

[88] Lập hồ bất trắc nhi du ư vô hữu giả dã 立 乎 不 測 而 遊 於 無 有 者 也 (Ibid., tr. 418)

[89] Vô vi danh thi, vô vi mưu phủ, vô vi sự nhiệm, vô vi tri chủ, thể tận vô cùng, nhi du vô trẩm. 無 為 名 尸, 無 為 謀 府, 無 為 事 任 無 為 知 主, 體 盡 無 窮, 而 遊 無 朕 (Ibid., tr. 434)

- Chí nhân chi dụng tâm nhược kính, bất tương, bất nghịch, ứng nhi bất tàng. Cố năng thắng vật nhi bất thương. 至 人 之 用 心若 鏡;不 將, 不 逆;應 而 不 藏. 故 能 勝 物 而不 傷 (Ibid., tr. 434)

[90] Xem các đoạn f, g (Ibid., tr. 434-436)

Chương 1: Tìm Hiểu về Lão, Trang

Chương 2: Trang Tử và Nam Hoa Kinh