TÍNH MỆNH KHUÊ CHỈ TOÀN THƯ

» MỤC LỤC  |  NGUYÊN  |  HANH  |  LỢI  |  TRINH

NGUYÊN TẬP

» 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27 

28  29  30  31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45  46  47  48  49  50  51  52


5. CHÍNH TÀ THUYẾT 邪 正 說

Đại Đạo sinh Thiên Địa. Thiên Địa sinh Nhân, sinh Vật. Thiên Địa Nhân Vật Nhất Tính Đồng Thể.

Trời có Âm Dương, đất có Cương Nhu, Vật có trống mái, Người có Nam nữ. Có Âm Dương mới có Nhật Nguyệt Tinh Thần. Có Cương Nhu mới có Sơn Xuyên Thảo Mộc. Có trống mái mời có Thai, Noãn, Thấp, Hoá. Có Nam nữ mới có phối ngẫu, sinh dục.

Chúng sinh nhân phối ngẫu nên có dâm dục, nhân sinh dục mà có ân ái. Có sinh dục, ân ái, nên có ma chướng, phiền não, và vô số khổ ách. Có vô số khổ ách, nên có luân hồi, sinh tử.

Vì thế nên Đức Thái Thượng vì có đức hiếu sinh, nên đã mở cửa độ đời, viết kinh, lập phép, dạy dân phản phác hoàn thuần, vô dục thì quán ở Diệu, hữu dục thì quán ở Khiếu (ĐĐk, I), chí hư thủ tĩnh (ĐĐK, 16), Qui Căn Phục Mệnh (ĐĐK, 16), tảo phục trùng tích, thâm căn cố đế, đắc nhất thủ trung (ĐĐK, 5 và 39), hư tâm thực phúc (ĐĐK, 3), nhược chí cường cốt (ĐĐK, 3), toả nhuệ, giải phân (ĐĐK, 56), hoà quang đồng trần (ĐĐK, 4 và 56), chuyên khí trí nhu (ĐĐK, 10), bão Nhất vô Ly (ĐĐK 10), tri hùng thủ thư (ĐĐK, 28) tri bạch thủ hắc (ĐĐK, 28), bế môn, tắc đoài (ĐĐK, 52 và 56), bị hạt hoài ngọc (ĐĐK, 70), yểu yểu minh minh. Tinh ngày một tăng, hoảng hoảng hốt hốt, Tinh không bị tiết. Tinh sinh thì càng ngày càng tăng trưởng, tinh không tiết thì không bao giờ kiệt. Tinh có thể hoá Khí, Khí có thể hoá Thần, Thần có thể hoàn Hư, Ngũ Hành không trộm mất được, Âm Dương không chế phục được. Cùng với Đạo hợp một thể, siêu xuất thiên địa. Đó là cái đạo Thanh Tĩnh Vô Vi của Lão Tử.

Đến đời Hán, có Nguỵ Bá Dương phỏng theo Kim Bích Kinh để soạn bộ Tham Đồng Khế. Bấy giờ mới có những danh từ Long Hổ, Diên, Hống.

Đến đời Đường, nhiều Tiên ra đời, Đơn Kinh cũng được xuất bản, có những danh từ khác lạ ở nơi Đơn Kinh, nhiều không kể xiết. Nhưng xét cho cùng, thì những danh từ đó cũng chỉ một vật mà thôi.

Vì thánh Nhân phát triển giáo Lý, thập phần tế mật, tường tận, chỉ muốn mọi người đều lãnh ngộ, mà trở thành Chân. Ai ngờ tên càng nhiều, thì sự càng phiền, sách càng nhiều thì Đạo càng tối. Lại còn nhiều bí từ, ẩn ngữ, làm mất đường vào, khiến học giả cũng đành phải thở dài.

May thày ta là Doãn Chân Nhân ra đời. tiếp nối hệ thống đại đạo, khôi phục lại Vô Danh chi cổ giáo. San định lại cho giản dị, toát lược lại những gì cần yếu, bỏ đi những ẩn dụ tối tăm, để lộ ra Chân Đế, xiển dương Chính Lý, án đồ lập tượng, những gì người xưa không nói ra được thì Thày nói ra, trực chỉ thế nào là Diên Hống (Nguyên Thần, Nguyên Khí), thế nào là Long Hổ (Cũng là Nguyên Thần, Nguyên Khí), thế nào là Đỉnh Lô (Đan Điền), thế nào là Dược Vật (dạy muốn luyện thành Nội Đơn, phải chuẩn bị mọi yếu tố như cho Nguyên Thần, Nguyên Khí tụ hội nơi Đơn Điền, rồi Tâm Tĩnh Nhập Định cho thai tức thành hình, v.v.), thế nào là Thái Thủ (Đem Nguyên Thần, Nguyên Khí về kết luyện nội đơn), thế nào là Sưu Thiêm (Thân bất độïng và Khí Định thì là Sưu, Tâm bất động mà Thần Định thì gọi là Thiêm), thế nào là Ôn Dưỡng (Điều Lý Trung Hoà), thế nào là Hoả Hầu (tức là phải để tâm vào quá trình luyện công, và phải biết Điều Tiết, Khống Chế), thế nào là Chân Chủng Tử (Chỉ Nguyên Thần, Nguyên Khí kết ở Đơn Điền, chỉ cảm thấy mà không biết hình tượng), thế nào là Chân Tính Mệnh (Chỉ kết quả tu luyện khi thành công rồi, lúc ấy Nguyên Thần từ trong ngực có thể ra ngoài, thành Tiên), thế nào là Kết Thai (Chỉ khi kết thành Nội đơn, người Tu Chân đạt được tối cao cảnh giới, có thể Trừơng Sinh, Bất Tử. Lúc ấy; Khí Tức Định Tĩnh,bất xuất, bất nhập; Ý Định Thần Tĩnh, Tất Tâm Không Hư), thế nào là Liễu Đáng (Chỉ Tu Luyện Đơn Công tối chung hoàn tất). Thảy đều phát minh, mảy lông không dấu. Sau này những người có chí học Đạo sẽ không còn bị Đơn Kinh làm mê hoặc.

Lại nữa, Đơn Kinh, và sách của chư tử nay có đầy rẫy, giảng Lý thì nhiều, nhưng ít lưu khẩu quyết, mới đầu không biết đường vào, kế đến không biết thế nào là Thái Dược Kết Thai (Đem Nguyên Thần, Nguyên Khí về kết nội đơn), cuối cùng không biết thế nào là Chung Qui Bản Nguyên, Người học sau này không biết thứ tự tu luyện, thì làm sao mà cuối cùng được Ngưng Kết, Đơn Thành. Cho nên không sao tránh khỏi đảo điên thứ tự, lấy trước làm sau, lấy sau làm trước được.

 Học đạo suốt đời, rất nhiều người không biết đường vào cửa Đạo, ccũng có người vào được Đạo nhưng không biết đường tiến lên bệ, lên được bệ nhưng không biết vào nhà, vào được nhà nhưng không vào được buồng, Đó là thứ đệ của công phu, đó là việc đầu tiên của Tu Chân. Sao có thể thiếu được.

Tôi rất thích 4 câu kệ này của Tạng Kinh :

Chúng sinh vô tận thệ nguyện độ,

眾 生 無 邊 誓 愿 度,

Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn,

煩 惱 無 盡 誓 愿 斷,

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,

法 門 無 量 誓 愿 學,

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

佛 道 無 上 誓 愿 成.

Vô tận chúng sinh, thề nguyện độ,

Vô tận phiền não, thề dẹp hết.

Vô lượng Pháp môn, thề nguyện học,

Vô thượng Phật đạo, thề nguyện thành.

Đức Thế Tôn có nói: Độ tận chúng sinh rồi mới thành Phật.

Ta vì thế mà phát một niệm từ bi, đem hết bí quyết của Thày ta truyền dạy phô bày ra không dấu diếm, cho sau này những ai có duyên, sẽ trở lại Thiên Giới mà không sa vào khổ hải nữa. Đó là Tâm Nguyện của ta.

Thứ nhất là: Hàm dưỡng Bản Nguyên, Cứu hộ Mệnh Bảo 涵 養 本 原 救 護 命 寶

(Hàm dưỡng chân vô, cứu hộ bản căn. 涵 養 真 無 救 護 本 根 )

Thứ hai là: An Thần tổ khiếu, Hấp tụ Tiên Thiên 安 神 祖 竅, 翕 聚 先 天

(Ý thủ Đơn Điền, ngưng thần tụ khí. 意 守 丹 田, 凝 神 聚 氣 )

Thứ Ba là: Chấp tàng khí huyệt, Chúng diệu qui căn 蟄 藏 氣 穴,眾 妙 歸 根

(Khí tàng Đơn điền, Chúng diệu qui chi. 氣 藏 丹 田, 眾 妙 歸 之 )

Thứ tư là: Thiên Nhân hợp phát, Thái dược qui hồ 天 人 合 發, 釆 藥 歸 壺

(Thiên Nhân đồng phát động, Thái Khí qui Đơn Điền. 天 人 同 發 動, 釆 氣 歸 丹 田 )

Thứ năm là: Kiền Khôn giao cấu, Khử khoáng lưu Kim 乾 坤 交 媾 去 礦 留 金

(Thượng hạ Đơn Điền giao hợp; Nguyên Thần, Nguyên Khí thành Đơn. 上 下 丹 田 交 合, 元 神 元 氣 成 )

Thứ sáu là: Linh Đơn nhập đỉnh, trường dưỡng thánh thai 靈 丹 入 鼎 長 養 聖 胎

(Thần Khí ngưng kết Đơn Điền, Vĩnh viễn tư dưỡng Linh Tính. 神 氣 凝 結 丹 田, 永 遠 滋 養 靈 )

Thứ bảy là: Anh Nhi hiện hình, Xuất Ly Khổ Hải 嬰 儿 現 形, 出 離 苦 海

(Nội đơn thành, Xuất Khổ Hải. 內 丹 成, 出 苦 海 )

Thứ Tám là: Di Thần Nội viện, Đoan củng Minh Tâm 移 神 內 院, 端 拱 冥 心

(Di Thần Thượng Đơn Điền, Đoan toạ tức kỳ Tâm. 移 神 上 丹 田, 端 坐 息 其 心 )

Thứ chín là: Bản Thể Hư Không, Siêu xuất Tam Giới 本 體 虛 空, 超 出 三 界

(Chân Nguyên Hư Tĩnh, Siêu thoát Tam Giới. 真 元 虛 靜, 超 脫 三 界 )

Trong đó lại có: Luyện Hình, Kết Thai (kết Đơn), Hoả hầu, để toàn công phu Cửu Chuyển Hoàn Đơn), Đại Đạo khẩu quyết đến đây đã trọn vẹn.

Ngày nay, những người học Đạo, đội mũ cao, măïc bào vuông, tự mãn, tự túc, không chịu hạ mình đến xin Thày ta chỉ cho thứ tự, tu trì, như mù lại giắt mù, chạy vào đường ngang, ngõ tắt, há chẳng biết Đại Pháp có 3600 thứ, với 24 phẩm Đại Đơn, tất cả đều là Bàng Môn. Chỉ có Đạo Kim Đơn này mới là Tu Hành Chính Lộ. Trừ Đạo này ra, không có đường nào khác để thành tiên, thành Phật.

Cho nên trong Thượng Hội Pháp Hoa, đức Thế Tôn: Duy thử nhất thực sự, dư nhị tức phi chân.

Doãn Chân Nhân nói: 96 chủng Ngoại Đạo, 3600 Bàng Môn. Tất cả đều hư ảo. Chỉ những gì ta nói mới là Chân.

Chung Ly Quyền nói:

Đạo Pháp tam thiên, lục bách môn,

道 法 三 千 六 百 門,

Nhân nhân các chấp nhất miêu côn.

人 人 各 執 一 苗 根.

Thuỳ tri ta tử Huyền Quan Khiếu,

誰 知 些 子 玄 關 竅,

Bất tại Tam Thiên lục Bách Môn.

不 在 三 千 六 百 門.

Đạo Pháp ba nghìn sáu trăm môn.

Mỗi người nắm được một miêu côn

Hay đâu là Khiếu Huyền Quan đó,

Không thấy có trong 3600 môn.

Vì Đại Đạo Huyền Quan khó gặp dễ thành, nhưng kết quả chậm, bàng Môn tiểu thuật thì dễ học khó thành, lại kiến hiệu chậm. Cho nên những kẻ tham tài, hiếu sắc thường thường mê muội và chẳng giác ngộ.

Trong đó có số người thích Lô Hoả (tức luyện Ngoại đơn Hoàng bạch hay Kim Ngọc), có số người lại thích nữ sắc để Thái Âm Hộ Dương, có người chuyên ngó Đỉnh Môn (Thượng Đơn Điền), có người chuyên giữ gốc rốn, có người chuyển vận đôi mắt để luyện công, có số người chuyên trì thủ Ấn Đường (Huyệt giữa hai lông mày), có số người chuyên chà xát vành rốn (Hạ Đơn Điền), có người thích lắc Giáp Tích (xương sống lưng), có người thích xoa bóp ngoại thận (Dịch hoàn) để tồn thần dưỡng khí), có người thích vận chuyển chân khí, có người thích dùng gái trinh để Thái Âm, có người thích bú sữa tại phòng trung, có người thích Bế Tức Hành Khí. Có người ưa co duỗi để hành khí, có người thích vận động Tam Đơn Điền, có người thích hóp bụng co hậu môn để khỏi mất tinh, có người thích hơ lưng nằm tuyết để tu luyện, có người thích ăn Linh Chi và Bạch Truật, có người thích Thôn Khí Yết Tân (nạp Khí, nuốt Tân Dịch), có người thích Nội Quan Tồn Tưởng, có người thích Hưu Lương Tịch Cốc, có người chịu lạnh và ăn bẩn, có người thích ban tinh, vận khí, có người nhìn mũi, điều hoà hơi thở, có người bỏ vợ vào núi, có người định quan giám hình (nhập định thủ hình), có người hùng kinh, điểu thân (bắt trước gấu trèo, chim xoè cánh để luyện phép đạo dẫn), có người nuốt sương và thực khí, có người chuyên ngồi không nằm, có người lo trừ thất tình, tảo trừ tạp niệm, có người thiền định bất ngữ, có người trai giới, đoạn vị, có người thích mộng du tiên cảnh, có người yên lặng chầu về Thượng đế, có người luyện mật chú trừ tà ma, có người luyện kiến văn, chuyển tụng, có người ăn tinh khí mình để hoàn nguyên, có người bế huyệt Vĩ Lư để khép đóng Dương Quan, có người nấu luyện tiểu tiện gọi là Thu Thực, có người thu kinh nguyệt đàn bà mà họ gọi là Hồng Diên, có người luyện chế Nhau Người làm Tử Hà Xa để làm thuốc cường dương, có người dùng Chân Khí để thông kinh, hành khí, trợ giúp cho việc vợ chồng, có người nhắm mắt, minh tâm để luyện Bát Đoạn Cẩm, có người thổ cố, nạp tân, dùng Hư, Ha, Hô, Hi, Suy, Y (lục tự), có người chuyên Diện Bích có chí muốn Hàng Long, Phục Hổ (Đem Nguyên Thần xuống Hạ Đơn Điền để phát động Thận Khí), có người tập khinh công để đạp gió cưỡi rồng, có người muốn hấp thụ Tinh Hoa của Nhật Nguyệt, có người ưa đạp Cương, Lý Đẩu để xem sao, có người nương theo các quẻ Truân (Sáng), Mông (Chiều) để luyện Hoả Hầu, có người luyện thuật Kim Ngân Hoàng Bạch, thiêu mao lộng hoả, có người mong trường sinh bất tử, có người muốn bạch nhật siêu thăng lên trời, có người chấp sắc tướng không muốn hoá, có người Tu Trì Hư Tĩnh cho khí tán không trở lại, có người giữ Giới, Định, Tuệ để mong giải thoát, có người muốn trừ Sân Si để cầu Thanh Tĩnh, có người khi còn sống mà muốn siêu thăng Tây Vực Phật Giới, có nguời nguyện lên Thiên Đường khi chết... phân phân loạn loạn như vậy, không sao kể xiết.

 Có nhiều người theo Đạo, theo Thích, chỉ theo một thật, một quyết như vậy, mà cho đó là Kim Đơn Đại Đạo, ô hô, họ như bọn Quản Trung Thiết Báo (dùng ống quản mà xem beo), đáy giếng nhìn trời. quấy dẫn trăm mối, chi Ly vạn trạng, đem Chí Đạo phá đoạn phân môn, lấy mê dắt mê, manh tu, hạt luyện, dẫn người vào đường tà.

Cho nên Vương Lương Khí làm bài «Phá Mê Ca», Trần Nê Hoàn làm bài «La Phù Ngâm», Chung Ly Quyền làm bài «Chính Đạo Ca», nêu lên những lỗi lầm của bàng môn, cốt để cứu người bước lầm vào đường tà. Nhưng trong đó cũng có một số điều có thể dùng trừ bệnh tật, cứu lão tàn, tăng tuổi thọ, sống đời an lạc. Nếu có ai siêu thoát thì bất quá chỉ làm được Bồng Đảo Tiên hay đắc quả La Hán mà thôi.

Cho nên Phó Đại Sĩ viết:

Nhiêu kinh bát vạn kiếp, Chung thị lạc không vong. 饒 經 八 萬 劫 終 是 落 空 亡 (Trải qua tám vạn kiếp, Cuối cùng cũng rơi vào Không Vong.)

Trương Bình Thúc cũng viết:

Học Tiên tu thị học Thiên Tiên,

學 仙 須 是 學 天 仙,

Duy hữu Kim Đơn tối đích đoan.

惟 有 金 丹 最 的 丹,

Học Tiên là phải học Thiên Tiên,

Phải học Kim Đơn mới chính truyền.

Vả Đạo Kim Đơn là đạo giản dị không phiền phức, lấy Hư Vô làm Thể, lấy Thanh Tĩnh làm dụng, Lấy hữu vi để thành công trong bước đầu, lấy Vô Vi để thành công khi tới cuối. Từ đầu đến cuối, không có gì là cao viễn, nan hành. Tại sao thế nhân không biết rằng Đạo ở gần mà cứ cầu nơi xa, việc thì dễ mà cứ tìm chỗ khó. Bỏ sáng, theo tối, chẳng đáng thương sao?

 KIM là cái gì kiên cố, ĐƠN là cái gì trọn vẹn, đó chính là Tì Lô Tính Hải (Thượng Đơn Điền) nơi người, Kiền Nguyên (Đầu) Diện Mục của con người. Đức Thế Tôn xưng là «Không bất Không, Như Lai, Tạng», Lão Tử gọi là «Huyền hựu Huyền», Nhập Diệu Môn» (Huyền chi hựu Huyền, Chúng Diệu chi môn).

 Nếu gọi đó là Đạo, gọi đó là Vô Thượng Chí Tôn chi Đạo, nếu gọi đó là Pháp, thì đó là Phép tối thượng nhất thừa.

Hiền thánh Tam Giáo, đều theo đường chính này, còn gì là Chính hơn được đây?

Lòng ta thực muốn theo đời Hoàng Cực Chiêu Minh, với chúng sinh có cùng một nguyên nhân là Kiền Nguyên, cùng nhau kết bạn trong hội Long Hoa, cho nên làm ra thuyết này để đem người về đàng Chính. Cùng với đồ thuyết của Thày ta, chỉ rõ từng đồ khiếu, khiến cho học giả ấn chứng Kim Đơn Kinh, khi đã xem qua sẽ không còn nghi hoặc nữa.


» 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27 

28  29  30  31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45  46  47  48  49  50  51  52