THIÊN CHÚA GIÁO
VỚI HỌC THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT
NHẤT THỂ
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Muốn nhận định về vấn đề này cho chính xác, chúng
ta cần phân biệt hai thành phần:
A. Thành phần quần chúng và
giáo lý công truyền.
B. Thành phần thiểu số hiền
thánh (huyền học mystique)
☸
A. Nếu đứng về phía quần chúng và giáo lý công
truyền của Thiên Chúa giáo mà nói, thì phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa giáo không
hề chấp nhận thuyết «Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể». Theo Thiên Chúa giáo thì
Thượng Đề toàn năng sinh ra vạn hữu bởi không. Tạo vật và Thượng Đế hết sức là
xa cách nhau.
Bản thể Thượng Đế khác biệt hoàn toàn với bản thể
vạn hữu. Ở nơi quần sinh, có thể nói được là mỗi vật đều có một bản thể khác
nhau.
Ngoài ra, Thiên Chúa giáo còn chủ trương: chỉ có
ba ngôi Thiên Chúa là đồng nhất thể. Chỉ có Chúa Jésus giáng trần là có «tính»
Trời và «tính» người. Còn nhân loại, bất kỳ ai, cũng chỉ có «tính người» mà
thôi, vì thế mà ai ai cũng bất toàn, ngoại trừ Chúa Jésus.
Chính vì vậy mà khi nói con người có thể kết hợp
được với Thượng Đế, thì chỉ có ý nói kết hợp bằng tình yêu, bằng ơn thánh sủng,
chứ không phải là trở nên cùng một bản thể với Thượng Đế.
Công giáo rất tránh chữ déification hay
divinisation (thần thánh hóa con người – người biến thành, trở thành Trời –
«làm Trời»), cho đó là một sự phạm thượng, phạm thánh, và chủ trương lúc chung
cuộc, tất cả những linh hồn thánh thiện chỉ được chiêm ngưỡng thiên nhan trên
nước trời mà thôi (vision béatifique).
B. Nhưng nếu ta khảo cứu thư tịch do các thánh
hiền công giáo, do các nhà huyền học công giáo để lại, thì ta lại thấy các ngài
chủ trương:
1-
Thượng Đế là bản thể muôn loài (đó chính là
thuyết Thiên Địa vạn vật nhất thể).
2-
Thượng Đế hay bản thể bất khả tư nghị ấy đã
phóng phát ra muôn loài. Đó chính là thuyết phóng phát (Théorie de l’émanation).
3-
Thượng Đế là cốt lõi, là tâm điểm muôn loài. Đó
là thuyết Thượng Đế nội tại (Théorie de l’immanence).
4-
Muốn tìm Thượng Đế, phải tìm nơi đáy
lòng, phải hư tâm v.v…
5-
Cuối cùng là con người có thể kết hợp nhất với Thượng Đế.
Ta sẽ dùng thư tịch thánh hiền công giáo để chứng
minh những điều đó:
1. Thượng Đế là bản thể muôn
loài:
Sách Thần học Đức (Théologie germanique), một tập
sách huyền học viết vào khoảng thế kỷ 13,14 rất nổi tiếng nhưng lại không biết
ai là tác giả, đã viết: «Thánh Paul nói: «Khi cái hoàn toàn đến, thì
cái bất toàn sẽ lui.(I.Corinthian 13,10)»
Chúng ta hãy lưu ý tới «cái hoàn toàn» và
«cái bất toàn».
«Cái hoàn toàn» là cái «Diệu hữu»
bao quát và tóm thâu vạn hữu vào trong mình và vào trong bản thể mình, - không
có nó và ngoài nó ra thì không có thực thể nào khác, và vạn hữu đều dựa vào nó
mà có bản thể. Cho nên đó chính là bản thể muôn loài, nó vốn bất biến bất thiên,
nhưng lại làm biến thiên mọi sự.
Còn «cái bất toàn» là tất cả cái gì phát
xuất hay bắt nguồn từ «cái hoàn toàn».
Y như ánh sáng hay hiện tượng phát ra từ mặt trời
hoặc từ ngọn nến, và hiện ra thế này thế nọ, cái đó được gọi là tạo vật, và tất
cả cái gì là phân thể như vậy dĩ nhiên là bất toàn.
«Cái gì là phân thể» thì có thể hình dung,
tư nghị được, còn «cái gì hoàn toàn viên mãn» thì không thể nào hình
dung, tư nghị được. Chính vì vậy mà ta không đặt tên được cho cái hoàn toàn, vì
nó vốn không tên.
Tạo vật không thể hình dung, tư nghị, hay xưng
danh nó được …»
Sách tiếp tục viết đại khái như sau:
«Cái bản thể viên mãn đó chỉ có thể hay biết được
bằng tâm, mà phải là tâm hư, nghĩa là một thứ tâm đã trút bỏ được mọi
bóng hình của vạn hữu, mọi ảo ảnh của vạn tượng bên ngoài, một tâm hồn đã trút
bỏ được ngay cái phàm ngã, cái tiểu ngã của mình.»
Tóm lại, muốn biết cái hoàn toàn, cái viên mãn,
phải rũ bỏ được, phải siêu xuất được lên trên mọi cái bất toàn.
Các nhà huyền học công giáo cũng chủ trương:
«Thượng Đế ở trong mọi loài, mọi loài ở trong Thượng Đế.»
St. Jean de la Croix chủ trương Thượng Đế là bản
thể của mọi người cũng như mọi loài. Cho nên «Thượng Đế hiện diện bằng bản thể
mình trong lòng mọi người, dẫu đó là kẻ tội lỗi nhất».
Thánh Bernard viết:
« Thượng Đế là gì?
- Đó là ngang dọc, cao sâu.
- Ủa, sao ngài lại chủ trương Thượng Đế có bốn
phía như vậy, đó là điều mà ngài vốn ghét.
- Không phải vậy…
Gọi Thượng Đế là MỘT cho dễ hiểu, nhưng chưa mô tả
được tính cách Ngài. Tính cách Ngài có thể chia ra, nhưng Ngài thời không thể
chia. Lời lẽ tuy khác, đường đi tuy nhiều, nhưng chỉ có một chủ trương một ý
nghĩa. Mọi đường lối đều dẫn về một Đấng tối cao.»
Eckhart viết: «Thượng Đế gần tôi hơn là tôi gần
tôi. Ngài cũng gần kề gỗ và đá như vậy, nhưng chúng không biết điều đó.»
Lời đó làm ta liên tưởng đến một lời tương tự của
Plotin (một nhà huyền học ngoại giáo thời cổ, khoảng 205-270): «Thượng Đế không
ở ngoài, nhưng hiện diện trong muôn loài, mặc dầu muôn loài không hay biết.»
2. Thuyết phóng phát (Théorie de
l’émanation)
Từ bản thể hoàn hảo ấy, muôn loài đã được phóng
phát ra như ánh sáng từ mặt trời, ánh nến từ ngọn nến…
Thánh Thomas d’Aquin cũng mặc nhiên công nhận
thuyết phóng phát khi ngài viết: «Bởi vì tất cả các sự hoàn hảo của vạn vật từ
Thượng Đế mà xuống mãi, mà Thượng Đế là tuyệt đỉnh của hoàn hảo, cho nên con
người cũng phải bắt đầu từ tạo vật thấp nhất để đi lên từng cấp, và như vậy để
tiến tới sự hiểu biết Thượng Đế.
Và vì ở nơi Thượng Đế, ở nơi tuyệt đỉnh muôn loài
ấy, ta thấy một sự đồng nhất hoàn tòn, và vạn hữu càng trở nên đồng nhất thì
càng trở nên mạnh mẽ hơn, đẹp đẽ hơn, chúng ta suy ra rằng vạn hữu càng rời xa
Thượng Đế, căn nguyên của vạn loài, thì càng trở nên khác biệt nhau.»
Nhưng nếu chỉ biết Thượng Đế là nguồn sinh vạn
hữu, thì chúng ta vẫn còn cảm thấy Ngài xa cách muôn trùng (transcendent), vẫn
thấy như có bức màn mây vô minh khuất lấp Ngài (the cloud of unknowing), và như
vậy, vẫn tưởng như là Ngài ở bên ngoài vạn hữu.
3. Thượng đế là cốt lõi, là tâm
điểm muôn loài
Cho nên các nhà huyền học công giáo lại tiến lên
một bước nữa và chủ trương «Thượng đế nội tại», «Thượng Đế hiện diện trong lòng
sâu vạn hữu».
Những lời Thánh Kinh công giáo như:
- «Nước Trời ở trong anh em» (Luc 17: 21)
- «Thần Chúa ở trong anh em» (I Cor. 3 : 16)
- «Thượng Đế không ở xa chúng ta, vì ta sống động
và có bản thể ta trong Ngài» (Acte des Apôtres 17 : 27-29)
Và như vậy, tuyệt đối mà mọi người đi tìm tới
không có ở xa vời tách khỏi thế giới phù sinh bất toàn, mà thực đã ở ngay trong
lòng biến dịch.
Và như vậy, Thượng Đế chính là cốt lõi con người,
là trụ cốt, là chân tâm con người.
Cái «bản thể thần linh» ấy các nhà huyền học thấy,
như lời Ruysbroeck đã nói, ở ngay tâm đỉnh con người. Eckhart gọi đó là «Thần
quang», Tauler gọi đó là «Căn cơ», giáo phái Quakers gọi đó là «Quang minh nội
tại», các nhà huyền học hiện đại gọi đó là «Nguyên lý», nguồn mạch của mọi sự
sống thực.
Eucken gọi đó là «Diệu lý» nơi con người, là chân
tâm, là cốt lõi con người, nơi mà «Trời Người gặp gỡ thuở ban sơ».
Khi các nhà huyền học nhìn thấy được cái nguyên
lý, nguyên thần ấy ở nơi mình, - sự việc mà Phật giáo gọi là «Kiến tánh», - họ
ngỡ ngàng vì đã được chứng kiến một sự kiện hết sức là kỳ diệu, đó là «Trời
người hợp nhất» trong một cái «lớn thì lớn như Trời, mà nhỏ thì nhỏ như tôi».
Thuyết phóng phát và thuyết nội tại dẫn tới thuyết
«qui nguyên phản bổn», và dẫn tới thuyết qui nguyên tức là qui tâm.
Ruysbroeck cho rằng: chỉ cần hồi quang quán chiếu
với một lòng kính mến, con người sẽ gặp Thượng Đế mà không cần môi giới. Họ sẽ
nghe thấy người cha của mọi quang minh luôn luôn trò chuyện với mình trong nơi
thầm lặng nhất của tâm thần. Họ sẽ nghe thấy được Nguyên Âm, nghe thấy được Thần
ngôn uyên nguyên ẩn áo.
Thánh Thérèse d’Avila viết: «Tôi đã hiểu được Chúa
ở trong mọi sự như thế nào, và ở trong tâm hồn như thế nào; cái bọt bể (éponge)
thấm đầy nước đã gợi ý niệm đó cho tôi.»
Con đường lữ thứ của những con người đi tìm Thượng
Đế chính là con đường nội tâm: có đi vào đáy lòng mới tìm thấy Đấng Tối Cao.
Nếu Á Châu (a) nói Vô cực, (b) nói Thái cực, (c)
nói trong con người có Thần trời, có Thiên tâm, thì Thánh Teresa, với quan niệm
Thiên Chúa 3 ngôi, đã chủ trương:
(a) Chúa Cha chính là tuyệt đối thể, nguồn mạch
vạn hữu, bất khả tư nghị, đó là «Chân nhất» theo từ ngữ của môn phái Tân Bá Lạp
đồ (Neoplatonist).
(b) Ngôi hai chính là Thần Ngã, là Đạo, là sự phát
huy, là sự hiển dương của Thiên Ý. Đó chính là nhịp cầu bắc giữa tuyệt đối và
tương đối.
(c) Thánh Thần chính là Thần nội tại, là nguồn
sinh tuyệt đối trong tâm khảm con người, nguồn mạch sinh ra sự viên giác nơi con
người, và chính là vòng khoen nối kết con người với bản thể Thượng Đế.
Và như vậy, khi vào tới nơi thâm sâu nhất trong
tâm hồn, con người sẽ thấy mọi sự dị biệt tan biến, và chỉ còn thấy «Chúa tại
một tâm điểm».
4. Muốn tìm Thượng Đế, phải tìm
nơi đáy lòng, phải hư tâm.
Thomas R. Kelly viết:
«Ẩn sâu trong lòng chúng ta, có một thánh thất,
một Thiên Tâm, một chân ngôn mà chúng ta bất kỳ lúc nào cũng có thể trở về.
«Vĩnh cửu đã ở ngay trong tâm khảm ta, khuyến dụ
ta, cho chúng ta biết chúng ta có một định mệnh lạ lùng sang cả, và kêu gọi
chúng ta trở về Thiên Tâm ấy.
«Tin tưởng hoàn toàn vào ánh sáng nội tâm ấy,
chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc sống thực. Ánh sáng nội tâm ấy sẽ làm bừng sáng
«thiên nhan» và sẽ cho ta nhìn thấy những vinh quang mới của bề mặt thực con
người. Đó là Đấng Christ (nội tại) đang ngủ mà chúng ta cần đánh thức dậy… Ngài
ở ngay trong chúng ta.»
Thomas R. Kelly suy luận thêm, đại khái rằng:
Như vậy tâm hồn chúng ta y thức như có hai tầng:
- Một tầng phiến diện để lo các chuyện trần hoàn.
- Một tầng sâu trong tâm khảm để tiếp xúc với
Thượng Đế, với vĩnh cửu.
Con người đạo hạnh phải là con người viên mãn,
không thể vì cái tâm phiến diện vụn vặt, bất toàn, mà bỏ quên mất cái phần chính
yếu đẹp đẽ nhất, huy hoàng nhất của con người (đó là cái tâm khảm chân chính).
Thánh Augustin viết: «Chúng con tiến lên trên con
đường của Chúa ở ngay trong lòng chúng con, và hát lên bài hát của các tầng cấp;
nội tâm của chúng con bừng sáng lên vì ngọn lửa của Chúa, và chúng con đi, bởi
vì chúng con tiến lên cho tới sự bình yên của Jérusalem.»
Biết rằng Thượng Đế ngự trị trong tâm khảm mình,
là nguồn gốc của mình, biết rằng từ nguồn gốc vĩnh cửu ấy phóng phát ra tâm tư
của mỗi người chúng ta, và từ tâm tư nhỏ nhoi ấy của mỗi người chúng ta, chúng
ta có thể trở về với nguồn gốc vĩnh cửu, với bản thể tuyệt đối, tức là hiểu được
vòng đại tuần hoàn của tạo hóa, vòng đại chu thiên của Trời Đất.
( Being, which is above all, manifests itself as
Becoming; as the dynamic, omnipresent Word of Life. The Divine Love immanent in
the heart and in the world comes forth from, and return to, the Absolute One.
Thus is completed «the Eternal Circle from Goodness, through Goodness, to
Goodness». Mysticism, p.136).
Như vậy, hành trình đi tìm tuyệt đối không phải là
một hành trình diệu vợi xa xôi, ma chính chỉ là một sự giác ngộ, giác ngộ thấy
thực thể lồng ngay trong tâm khảm mình cũng như trong tâm vũ trụ.
Thế là đất cũng tràn ngập trời, và đúng như
Téwekkul Bég, một nhà huyền học Hồi giáo đã nói: «Ngài là tôi, mà tối tăm thay
là lòng tôi thuở trước, tôi đã không biết được điều bí ẩn siêu việt ấy.»
Kết quả công phu tu luyện là phá vỡ được bức tường
ngăn giữa nhân tâm và thiên tâm, để tiến sâu được vào tâm khảm con người để mà
gặp gỡ Thượng Đế.
Thế là về với Chúa Cha, là kết nghĩa với Chúa Con.
Thế là hưởng được sự an lạc của thượng đỉnh tâm
hồn, lúc ấy không còn phân biệt nội ngoại xa gần, và chỉ còn lại sự an tĩnh của
yêu đương.
Thánh Albert le Grand cũng nói: «Lên tới Chúa, tức
là đi sâu vào tâm mình…»
Lời này cũng giống như lời Mạnh Tử:
Thấu triệt lòng sẽ hay biết Tính,
Hay biết Tính nhất định biết Trời.
Tận kỳ tâm, tắc tri kỳ Tính, Tri kỳ Tính, tắc tri
Thiên. 盡
其
心
,則
知
其
性
,知
其
性
,則
知
天
(Mạnh Tử, Tận Tâm [hạ])
Eckhart cũng nói: «Chúa ở gần ta, mà ta ở xa Ngài,
Chúa ở trong mà ta ở ngoài. Chúa ở nhà ma ta thời tha phương viễn xứ.»
Theo Thánh Bernard thì các nhà huyền học thu thần
định trí, hướng nội, tiến vào chiều sâu tâm hồn, vì tin rằng trong đó có Chúa
Trời ngự trị, và đi vào tâm là có thể tìm thấy Chúa. Trên con đường đi vào Tâm
đó, họ tin rằng thần thánh ở với họ, còn Thượng Đế thì chẳng những ở với họ, mà
còn ở trong họ.
Tóm lại, khẩu quyết của Thánh Hiền công giáo chính
là Nước Trời ở trong ta, vậy hãy tìm Nước Trời ngay trong tâm thần ta.
5. Con người có thể kết hợp nhất
như với Thượng Đế, con người có thể thành Thượng Đế.
Eucken viết: «Cái lạ lùng nhất, là con người có
thể biến thành Trời.»
Thánh Athanase viết: «Chúa xuống làm người, để ta
có thể làm Chúa.»
Thánh Augustin kể lại quãng đời trước khi Ngài trở
lại đạo, có viết: «Tôi nghe thấy tiếng từ thinh không nói với tôi: Ta là thực
phẩm cho những người đã khôn lớn. con hãy lớn lên và hãy ăn ta, không phải để
cho con biến ta thành thể chất con, mà chính là để con biến thành TA.»
Eckahrt viết: «Chúa nói với mỗi linh hồn: Ta đã
làm người vì con, nếu con không làm Chúa vì Ta, thì con đã chẳng tốt với ta.»
Eckahrt còn viết bạo hơn: «Nếu tôi có thể biết
Chúa trực tiếp thì nhứt định tôi phải trở thành Ngài, và Ngài trở thành tôi.
Ngài và tôi trở nên một Tôi.»
Thánh Paul nói: «Tôi sống chẳng phải là tôi sống,
mà là chúa sống trong tôi.» (Galaties 2:20)
Thánh Paul còn nói: «Ai sống kết hợp với Chúa, sẽ
có một thần như Chúa.» (I. Cor. 6, 17)
☸
Sau khi biết được quan điểm của các thánh hiền
công giáo đối với thuyết «Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể» và những hệ quả xa gần của
nó, ta trở lại Kinh Thánh, và lấy Thánh Kinh để làm tiêu chuẩn cho vấn đề, tôi
nhấn mạnh hai chữ Thánh Kinh, chứ không muốn đề cập đến giáo lý thông thường.
1. Trước hết, Thánh Kinh gọi Chúa Jésus là Con
Thiên Chúa (Mat. 4,3 – I Jean 3, 8) nhưng cũng gọi con người thánh thiện là con
Thiên Chúa (Rom. 8:1 – Rom. 8:19)
2. Chúa Jésus lập kinh Lạy Cha để cho mọi người
biết chúng ta và Ngài đều là con Thiên Chúa; và như vậy, nếu Ngài có «Tính Trời»
thì lẽ dĩ nhiên chúng ta cũng phải có tính Trời (suy luận của tác giả).
3. Mọi người đều có thể làm được phép lạ, có khi
còn hơn Ngài, nếu họ có đức tin (Luc. 17:6)
4. Ngài dám coi tha nhân là Thượng Đế:
- Khẩu hiệu của Ngài là mến Chúa yêu người (Mat.
22: 37-40)
- Thương giúp kẻ nghèo, kẻ tật bệnh, là thương
giúp Ngài (Mat.25, 35, 40).
- Bức bách giáo hữu là bức bách Ngài (Actes des
Apôtres 9: 5-6)
5. Con người chẳng bao giờ xa rời được Thượng Đế:
Thượng Đế là gốc nho, con người là cành nho. Cành có bao giờ rời được gốc? (Mat
15.5)
6. Và như vậy, con người có thần Trời trong tâm
hồn. (I Cor.3: 16)
7. Nếu vậy thì Nước Trời phải ở đáy lòng (Luc
17:21). Nếu vậy thì chân đạo hạnh phải là sự chuyển hóa tâm thần (Jean 4: 24),
phải là sự ban phát sự công bằng chính trực (Prov. 21:3 - Isaie I:17 - Jér 22:3)
chứ không phải là sự mắp máy môi miệng (Isaie 29: 13 - Mat. 15:8)
8. Ước nguyện của Chúa Jésus là ước gì Trời Người
hợp nhất (Jean 17: 21-25)
9. Định mệnh tối hậu của nhân loại là: con người
toàn thiện có thể ngồi tòa thiên Chúa.
Sách Khải Huyền viết: «Kẻ nào thắng, ta sẽ cho
ngồi với ta trên tòa ta, cũng như ta đã thắng và đã ngồi cùng Cha ta trên tòa
Ngài.
Ai có tai thì hãy nghe lời Thánh Thần dạy các giáo
hội. (Ap.3:21-22).
☸
Cuối bài khảo luận này, chúng ta có thể suy tư như
sau:
1. Nếu Chân Lý là về phía quần chúng và về phía
giáo lý công truyền, thì ta thấy chủ trương của thánh hiền công giáo là sai, và
Thánh Kinh cũng sai nốt, và Đông Tây sẽ không bao giờ gặp gỡ được về phương diện
đạo giáo.
2. Nếu Chân Lý là về phía thánh hiền, thì Đông Tây
chẳng qua là cùng chung một Chân Lý, vì đạo này có thể sáng soi cho đạo nọ, và
càng học hỏi, càng so sánh, Chân Lý càng trở nên sáng tỏ, con đường đạo giáo
càng được hoạch định rõ ràng, định mệnh cao sang con người càng được xác định,
và niềm hy vọng con người càng trở nên lớn lao.
PHỤ LỤC
A. ÍT NHIỀU NHÀ HUYỀN HỌC CÔNG
GIÁO (THÁNH HIỀN CÔNG GIÁO)
- Saint Paul
- Saint Jean
– St. Clément d’Alexandrie (circa 160-220)
– St. Augustin (354-430)
– St. Denys l’Aréopagite (viết sách vào khoảng
475-525)
– St. Hildegarde (1098-1179)
– Ste Elizabeth de Schoenau (1138-1165)
– Ste Gertrude (1250-129 )
– Ste Mechthid de Hackborn (+1310)
– St François d’Assise (1182-1226)
– Ste Gertrude la Grande (1256-1311)
– St. Bonaventure (1221-1274)
– Ste Douceline (née en 1214)
– Ste Angèle de Foligno (1248-1390)
– St Thomas d’Aquin (1226-1274)
– Dante (1265-1321)
– Maýtre Eckhart (1260-1329)
– Jean Tauler (circa 1300-1361)
– Henri Suso (c. 1300-1365)
– Jean Ryusboeck (1293-1318)
– Thomas à Kempis (1380-1471)
– Jeanne d’Arc (1412-1431)
– Ste Catherine de Sienne (1347-1380)
– Ste Catherine de Gêne (1447-1510)
– St Ignace de Loyaula (1491-1556)
– Ste Thérèse (1515-1586)
– Pierre d’Alcantara (1499-1562)
– St Jean de la Croix (1542-1591)
– Ste Rose de Lima (1586-1617)
– St François de Sales (1567-1662)
– Frère Laurence (1611-1692)
– Pascal (1623-1662)
– Mme Guyon (1648-1717)
B. ÍT NHIỀU SÁCH HUYỀN HỌC CÔNG
GIÁO
1. The Mirror of Simple Souls (B.M.
Add. 37.790), Sélections with Introduction by E. Underhill (Porch Series) London
1911.
2. The Clould of Unknowing, Edited
from B.M. Harl EC 674, by E. Underhill London, 1912.
3. Theologica germanica (Pfeiffer
Edition, edited by Susanna Winkworth London, 1907.
4. St Joan of the Cross, The ascent of Mount
Carmel, trans. by David Lewis, New edition London 1906.
5. St. Teresa, The Interior Castle,
trans. by the Benedictines of Stanbrook Abbey, London, 1912.
6. Evelyn Underhill, Mysticism,
Methuen and Co Ltd, 36 Essex Str. W.C. London, 1926.
CHÚ THÍCH
Now, when that which is Perfect is come, then
that which is in part shall be done away.» But when does it come? I say:
When as much as may be, it is known, felt, and tasted of the soul. For the
lack lies altogether in us, and not in it. In like manner the sun lights the
whole world, and is as near to one as another, yet a blind man sees it not;
but the fault lies in the blind man, not in the sun. And as the sun may not
hide its brightness, but must give light unto the earth (for heaven indeed
draws its light and heat from another fountain), so also God, who is the
highest good, will not to hide Himself from any, wherever He finds a devout
soul that is thoroughly purified from all creatures. For in what measure we
put off the creature, in the same measure are we able to put on the Creator,
- neither more or less. For if my eye is to see anything, it must be single,
or else be purified from all other things, - and where heat and light enter
in, cold and darkness must depart, - it cannot be otherwise.
«…Donc pour entendre quelle est cette union, dont nous traitons il faut
savoir que Dieu demeure en toutes les âmes, fut ce celle du plus grand
pécheur du monde et y est présent en substance. Et cette manière d’union est
toujours entre Dieu et toutes les créatures, selon laquelle il les conserve
en leur être, de sorte que si elle venait à leur manquer, elles
s’anéantiraient aussitôt et ne seraient plus. Ainsi quand nous parlerons de
l’union de l’âme avec Dieu, ce ne sera pas de cette union substantielle de
Dieu qui est toujours en toutes les créatures, mais de l’union et de la
transformation de l’âme en Dieu qui n’est pas toujours faite mais qui se
fait seulement quand il y a ressemblance, comme l’autre s’appelle l’union
essentielle ou substantielle. Celle-là est naturelle, celle-ci surnaturelle,
qui est quand les deux volontés, à savoir celle de l’âme et celle de Dieu,
sont conformes en un n’y ayant aucune chose en l’une qui répugne à l’autre.
Partant quand l’âme ôtera entièrement de soi ce qui répugne et n’est pas
conforme à la volonté divine, elle demeurera transformée en Dieu par amour.»
Đọc những lời lẽ này ta lại nhớ đến lời của
Đại sư Đạo Sinh «Xiển đề chi nhân giai hữu Phật tính»
闡 提 之 人 皆 有 佛 性, và
như vậy, Thượng Đế cũng là toàn thể vũ trụ. Thượng Đế = Vũ Trụ.
What is God? says St. Bernard.
-
Length, breadth, height, and depth.
-
What, you say, you do after all profess to believe in the fourfold Godhead
which was an abomination to you?
The
opinion which is represented in its most extreme form by the above-mentioned
Theory of Emanations, declare His utter transcendence. This view appears
early in the history of Greek philosophy. It is developed by Dionysius, by
the Kabalists, by Dante; and is implied in the language of Rulman Merswin
and many other Christian ecstatics.
The solar system is an almost perfect symbol
of this concept of the universe, which finds at once its most rigid and most
beautiful expression in Dante’s «Paradiso». The Absolute Godhead is
conceived as removed by a vaste distance from the material world of sense,
the last or lowest of that system of dependent worlds or states which,
generated by or emanating from the Unity or Central Sun, becomes less in
spirituality and splendeur, greater in multiplicity the further they recede
from their source. That source, the Great Countenance of the Absolute, can
never, say the Kabalists, be discerned by man. It is the Unplumbed Abyss of
later mysticism: the Cloud of Unknowing wraps it from our sight. Only by its
«emanation» or manifested attributes can we attain knowledge of it.
By the outflow of these same manifested
attributes and powers the created universe exists, depending in the last
resort on the «latent deitas»: who is therefore conceived as external to the
world which He illuminates and vivifies. (Mysticism, p. 116-117) |