THIÊN ĐẠO, NHÂN ĐẠO, ĐỊA ĐẠO

TRONG KHỔNG GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

Đạo Khổng là một đạo đã bị nhiều ngộ nhận, mặc dầu nó đã được các triều đại xưa ra công truyền bá vào trong các lớp quần chúng Việt Nam từ hơn 1000 năm nay.

Lý do là vì:

- Nhiều người học Đạo Khổng cốt để được văn hay chữ tốt, mũ cao áo dài.

- Nhiều người khác đã giản dị hóa đạo Khổng đến mức tối đa với những chữ: Hiếu, Trung hoặc Lễ Nghĩa.

Vì thế nên đã từ lâu, đa số người Việt Nam chúng ta thường cho rằng đạo Khổng là một đạo chuyên dấn thân lo đời, chuyên về luân lý, chính trị. Như vậy, đối với họ dĩ nhiên đạo Khổng chỉ là một hình thức đạo giáo thấp kém, nếu đem so sánh nó với đạo khác. Bất quá đạo Khổng chỉ dạy được con người nhơn đạo, tức là dạy con người ăn ở theo đúng luân thường đạo lý, chứ không dạy được con người cách thành Tiên, thành Thánh, thành Thần, thành Phật. Nói cách khác, Khổng Giáo không có Thiên đạo, Thánh đạo.

Nhưng nếu ta chịu tham khảo Tứ Thư, Ngũ Kinh ta sẽ thấy đạo Khổng không đến nỗi thấp kém như vậy; trái lại, nó đã bao quát toàn diện đời sống con người, cũng như cuộc tiến hóa con người. Thực vậy, nếu chúng ta dở:

- Kinh Dịch (Hệ Từ Hạ, ch. 11, Thuyết quái, ch. 2)

- Luận Ngữ (Công Dã Tràng V, 12)

- Trung Dung (chương 20, và 21 nơi chú thích) ta thấy Khổng Giáo đã đề cập đến đủ cả ba thứ đạo:

- Địa đạo

- Nhân đạo

- Thiên đạo

Nhưng thực ra, Khổng Giáo đã chủ trương Thiên đạo hết sức là cao siêu, người tầm thường không thể đủ sức đạt được.[1] Đến như Tử Cống mà còn phải than:

 «Văn chương bình luận phán phê,

Văn chương Phu Tử ta nghe thường rồi.

 Còn như Tính với Đạo Trời,

Mấy đời thầy giảng, mấy đời ta nghe.» [2]

Trung Dung bàn về Thiên đạo, Nhân đạo như sau: «Thành giả, Thiên chi đạo dã, Thành chi giả, nhân chi đạo dã.» , , (Trung Dung, 20)

Tạm dịch:

«Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện: đạo người xưa nay.»

Như vậy theo Khổng Giáo:

a. Chỉ có sự hoàn toàn, chí thành, chí thiện mới là đạo Trời, mới là đích điểm của con người.

Như vậy, chỉ khi nào con người lên tới tuyệt đỉnh tinh hoa, chí thánh, chí thiện, lúc ấy mới đạt Thiên đạo, mới Phối Thiên, Tiên, với Phật, vì Tiên hay Phật bất quá cũng chỉ là một con người giác ngộ, hoàn thiện, giải thoát.

Chính Lão Tử xưa cũng cho rằng: «Phối Thiên là cực điểm của người xưa.» , (Thị vị phối Thiên, cổ chi cực.) (Đạo Đức Kinh, chương 68).

b. Ngược lại, bao lâu con người còn trên đà tiến tới hoàn thiện, thì bấy lâu vẫn còn ở trên đoạn đường Nhân đạo.

Theo đúng định nghĩa nầy, thì chúng ta bất kỳ là theo đạo giáo nào, chúng ta cũng đều còn đang trên các nẻo đường nhân đạo, vì ai trong chúng ta dám vỗ ngực nói rằng mình hiện nay đã hoàn thiện, siêu việt tuyệt vời?

Chúng ta cũng có thể hiểu các từ ngữ Địa đạo, Nhân đạo, Thiên đạo, theo cách khác.

- Địa đạo, vật đạo là mưu sinh, là lo ăn, lo mặc, lo tránh bệnh tật, lo thích ứng với hoàn cảnh, lo phú quốc, cường dân.

- Nhân đạo là ăn ở xứng đáng với danh hiệu con người là ăn ở theo đúng nhân luân. Nhân đạo có thể nói được là bao gồm các vấn đề luân lý, chính trị, xã hội.

- Thiên đạo là siêu xuất lên trên bình diện con người, để thành Thánh, Tiên, Phật? Phạm vi của Thiên đạo như vậy là thuần túy tâm thần.

Ba thứ đạo này tương ứng với ba phần trong con người chúng ta.

 

① Vì trong ta có phần Thiên, phần Tính, nến cần phải hoàn thiện mình, để đạt đạo Phối Thiên, trở thành Thánh Thần, sống phối hợp với Trời, với Tuyệt Đối. Đó là Thiên Đạo, bao gồm các phương pháp dạy làm Thánh Thần.

② Vì trong chúng ta có phần Nhân, phần tâm, phần Hồn nên cần phải ăn ở cho xứng đáng với danh nghĩa con người. Đó là Nhân đạo bao gồm các phương pháp dạy làm người.

③ Vì trong ta có phần Địa, phần Vật, phần Xác, nên cần phải lo ăn mặc, lo làm, để có một đời sống thoải mái? Đó là Địa đạo, bao gồm tất cả các phương pháp làm ăn, làm nghề, làm nghiệp.

Khổng Giáo với chủ trương Tam Tài cố hữu, dĩ nhiên gồm đủ ba thứ đạo ấy.

A. Trước hết, đạo Khổng có Vật đạo, Địa đạo

Khổng Giáo dạy con người:

- Phải thuận thiên thời, thuận thủy thổ mà sống cho vui, cho mạnh.[3]

- Phải sống cho khang kiện.

- Phải sống cho sung túc.[4]

Vì thế cho nên, về phương diện chính trị, xã hội, Khổng Giáo đã hết sức cổ súy:

- Tận dụng khai thác thiên nhiên, khai thác ngũ hành để mà sống cho no ấm.[5]

Vua xưa trị dân, phải lo cho dân:

- có ruộng mà làm,

- có nhà mà ở,

- có miếng mà ăn,

- có đồ mà dùng

lại còn hết sức khuyến khích nông nghiệp, tầm tang, bá công, bá nghệ.[6]

Tóm lại, về phương diện Vật đạo, Địa đạo, Nho giáo đã đặt trọng tâm vào công cuộc phú quốc, cường dân, và đã tỏ ra hết sức là thực tế, với những khẩu hiệu:

- Túc thực : làm cho dân có đủ ăn.[7]

- Phú chi : làm cho dân giàu.[8]

B. Khổng giáo hết sức chú trọng đến Nhân đạo

Lo cho dân no ấm không đủ, phải dạy dỗ dân cho biết cách ăn ở xứng đángvới danh nghĩa con người.[9]

Muốn được vậy, Khổng giáo dạy con người phải: Chính Tâm , Tu Thân , Tề Gia , Trị Quốc , Bình Thiên Hạ . Nói cách khác, Khổng giáo đã tha thiết yêu cầu mọi người hãy cố gắng trau dồi tâm thân, cố gắng đem trật tự và hòa bình vào tâm thân mình, vào gia đình mình, vào quốc gia mình, và vào thế giới mình đang ở.

Khổng giáo ra công cổ súy Ngũ Thường :

Nhân : hãy trở nên hoàn thiện, hãy thương yêu mọi người.

Nghĩa : hãy cư xử cho hẳn hoi với mọi người.

Lễ : hãy ăn ở hợp lẽ tự nhiên. Hãy kính trọng người khác.

„ Trí : hãy trau dồi trí não mình, hãy trở nên minh giác.

Tín : hãy thành tín với mọi người.

Ngoài ra Khổng giáo còn chia xã hội thành năm nhóm có bổn phận đối đãi với nhau cho hẳn hoi, gọi là Ngũ Luân 五 倫. Ngũ Luân là:

② Phụ tử có tình thân (Phụ tử hữu thân )

③ Quân thần có nghĩa (Quân thần hữu nghĩa )

④ Vợ chồng có phân biệt (Phu phụ hữu biệt )

 Lớn nhỏ có trật tự (Trưởng ấu hữu tự )

⑤ Bằng hữu có tín thành (Bằng hữu hữu tín )[10]

Năm nhóm nhưng chính là mười thành phần, trong đó ai nấy đều có bổn phận thích ứng với địa vị mình. Khổng giáo đòi hỏi Thập nghĩa :[11]

- Quân nhân, thần trung (vua hiền, tôi trung),

- Phụ từ, tử hiếu (cha hiền, con hiếu thảo),

- Phu nghĩa, phụ thính (chồng có nghĩa, vợ vâng lời chồng),

- Huynh lương, đệ đễ (anh hiền lương, em thương kính anh),

- Trưởng huệ, ấu thuận (kẻ lớn rộng ban ân huệ, kẻ nhỏ vâng thuận theo).

Tóm lại, để hướng dẫn mọi người trong công cuộc giao tiếp với nhau hằng ngày, Khổng giáo đã tìm ra được định luật Trung thứ [12] hay Hiệt Củ [13] tức là «Suy bụng ta ra bụng người» với khẩu hiệu bất hủ: «Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.» .[14]

Ngoài ra, Khổng giáo còn đề cao thuyết chính danh 正 名, ước mong cho mọi người có tài đức xứng với địa vị mình.[15]

Khổng giáo chê kẻ tiểu nhân, khen người quân tử.

Tiểu nhân là những người:

- chỉ biết lo những phần thấp kém trong con người.[16]

- cầu danh, tranh lợi,[17] mặc tình cho vật dục và ngoại cảnh khiên dẫn, bất chấp mọi chuyện sa đọa.[18] Họ là những người chỉ lo a dua, xu phụ,[19] không có thực tài, thực đức, không biết thanh lọc tu luyện tâm hồn, vì thế nên có một đời sống nội tâm rất là nghèo nàn chất chưởng, lo lắng, băn khoăn.[20]

Trái lại, Quân tử là những người:

- Sống cho những phần cao siêu nơi con người.[21]

- Trọng nghĩa, khinh lợi.[22]

- Có hoài bão cao đẹp, luôn luôn hướng thượng,[23] cố gắng tiến đức tu nghiệp,[24] cố tu đạo, theo đạo,[25] lo hoàn thiện mình.[26]

- Sáng suốt, ham học, biết thức thời.[27]

- Nói ít làm nhiều.[28]

- Thương yêu mọi người.[29]

- Lúc nào cũng ung dung thư thái.[30]

Tóm lại, người quân tử luôn trau dồi tâm thân,[31] “ở thì ở chỗ quảng đại của thiên hạ, đứng thì đứng vào địa vị chính đáng của thiên hạ, đi thì đi trên con đường lớn của thiên hạ, đắc chí thì cùng với nhân dân noi theo đạo nghĩa, không đắc chí thì một mình thực hành đạo nghĩa. Giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo hèn không làm thay đổi lòng, vũ lực không khuất phục được chí lớn. như thế mới là trượng phu (Mạnh tử, Đằng Văn Công hạ, 2).

Đó là người quân tử mà Kinh Thi đã khen bằng những vần thơ:

 «Kìa xem bên khuỷu sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai,

 Người sao văn vẻ hỡi người,

Nhường như cắt, đánh, rũa mài bấy nay.

 Lẫm liệt thay, rực rỡ thay!

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.» [32]

C. Mục đích tối hậu của Khổng giáo vẫn là Thiên đạo

Thiên đạo có mục đích dạy cho con người biết rõ rằng mình có nguồn mạch chí thành, chí thiện ngay trong tâm khảm mình. Bản tính con người đồng thể với bản tính của Trời. Nói cách khác, căn nguyên gốc gác con người, Tuyệt đối thể, Thượng Đế chẳng có đâu xa, mà đã hiện diện ngay trong bản tâm, bản tính con người. Vì thế con người cần phải kính cẩn nghiêm chỉnh lòng lại, theo gương mẫu khuôn phép hoàn thiện sẵn có trong lòng mình để mà tự tu, tự luyện, để ngày một trở nên khinh khoát trở nên hoàn thiện. Khổng Giáo cho rằng con người phải cố gắng triển dương mầm mống hoàn thiện sẵn có nơi mình cho tới tầm mức chí cao chí đại, chí thành, chí thiện mới được ngưng nghỉ. Đạt đạo tức là thực hiện được bản tính của mình, thực hiện được định mệnh sang cả của mình, phối kết với Thượng Đế. Trung Dung gọi thế là Trung Đạo, là Thiên Đạo, hay Đạo Phối Thiên.[33] Lão Tử cũng coi đó là tuyệt điểm tinh hoa của cổ nhân.[34] Đó cũng chính là đích điểm mà bộ kinh Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư đã chỉ vẽ cho con người.

Cho nên mẫu người lý tưởng trong Khổng Giáo không phải là Quân Tử mà chính là Thánh Nhân.

Thánh Nhân là những người đã thể hiện được sự toàn thiện. Các ngài sống hoàn toàn phù hợp với Thiên Lý, vì thế nên cũng gọi là Chí Thành.

Các Ngài có cái nhìn tinh tế thấu triệt vì lòng không còn bợn tư tà dục vọng, do đó mới thấu đạo được những điều tinh vi huyền diệu. Hơn nữa, chính cũng vì không còn bị dục tình quấy nhiễu, nên lúc nào cũng ung dung thanh thản Thiên lý, thiên đạo được nhập thể, được thể hiện nơi các Ngài một cách sáng tỏ, để soi đường dẩn lối cho kẻ khác.

Chu Hi cho rằng: «Thánh nhân là hiện thân của Trời.» [35]

Dịch kinh từ lâu vẫn coi con người toàn thiện có đức độ sánh với Trời. Dịch Kinh viết:

 Đại nhân đức hạnh bao la,

Như Trời như đất cao xa muôn trùng.

 Sáng như nhựt nguyệt hai vừng,

Sống đời tiết tấu hợp khung bốn mùa.

 Những điều lành dữ ghét ưa,

Quỉ thần đường lối đem so khác nào,

 Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,

Sau Trời cho hợp cơ màu thời gian.

 Trời không trách cứ phàn nàn,

Thời người còn dám than van nỗi gì.

 Trời người chẳng trách chẳng chê,

Quỉ thần âu cũng chẳng hề oán than.[36]

Trung Dung đề cập đến Thánh Thần nhiều nhất, với những lời lẽ đẹp đẽ nhất. Dưới đây xin trích dẫn một trong nhiều đoạn:

Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đủ đầy thông minh trí huệ,

Y như thế có Trời ẩn áo giáng lâm,

Mới khoan dung hòa nhã ôn thuần,

Y như thế có dung nhan Trời phất phưởng.

Phấn phát tự cường, kiên cường hùng dũng ,

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng.

Trang trọng khiết tinh, trung chính triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn,

Nói năng văn vẻ rõ ràng tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi.

Mênh mang sâu thẳm ứng hiện phải thì,

Mênh mang như khung trời bao la vô hạn.

Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm,

Thấy bóng Ngài dân một dạ kính tôn,

Nghe lời Ngài dân tin tưởng trọn niềm.

Ngài hành động muôn dân đều an lạc.

Nên thanh danh Ngài vang lừng Trung Quốc,

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui.

Đâu có được Trời che, và đất chở,

Đâu còn nhựt nguyệt hai vừng tở mở

Đâu có móc đọng, đâu có sương rơi,

Đâu còn có dòng máu nóng con người.

Ở nơi đó, Ngài vẫn được tôn sùng quí báu.

Thế nên gọi là cùng Trời phối ngẫu.[37]

Tóm lại theo Nho giáo Thánh Nhân là những người «Dữ Thiên đồng đức» (đức độ như Trời), và «Kế Thiên lập cực» (Thay Trời để lập cực điểm tinh hoa cho nhân loại). Mẫu người lý tưởng ấy dĩ nhiên là ước mơ chung cho nhân loại không phân đạo giáo.

Đề cập đến Địa đạo, Nhân đạo, Thiên đạo trong Khổng Giáo tức là muốn bao quát mọi đường đi nước bước của con người trên con đường tiến hóa vô biên… Nó có thể giúp ta hiểu rõ về con người, về mọi khía cạnh đạo giáo. Hơn nữa nó cũng có thể vạch cho chúng ta con đường tinh tiến để trở nên những mẫu người toàn vẹn.

CHÚ THÍCH

[1] Xem Trung Dung các chương 2, 3, 4, 5… và Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng, 41.

[2] Tử Cống viết: Phu Tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã. Phu Tử chi ngôn Tính dữ Thiên Đạo, bất khả đắc nhi văn dã. 夫 子 之 文 章, 可 得 而 聞 也. 夫 子 之 言 性 與 天 道, 不 可 得 而 聞 也 (Luận Ngữ, Công Dã Tràng, 12)

[3] Trung Dung 30; Kinh Dịch, quẻ Nhu và quẻ Tiết; Luận Ngữ, Hương Đảng 10.

[4] Luận Ngữ, Nhan Uyên 7.

[5] Kinh Thư, Hồng Phạm Cửu Trù; Luận Ngữ, Nhan Uyên 12; Trung Dung 20.

[6] Mạnh tử, Đằng Văn Công, thượng 3,4.-Trung Dung 20.

[7] Luận Ngữ, Nhan Uyên, 9.

[8] Luận Ngữ, Tử Lộ, 9.

[9] Mạnh Tử, Đằng Văn Công, thượng: 3, 4.

[10] Mạnh Tử, Đằng Văn Công, thượng: 4.

[11] Lễ Ký, Lễ vận.

[12] Trung Dung, ch. 13.- Luận Ngữ, Lý Nhân, 15.

[13] Đại Học, 10

[14] Trung Dung 13. – Luận Ngữ, Vệ Linh Công 23.

[15] Luận Ngữ, Nhan Uyên, 11.- Tử Lộ, 3.

[16] Mạnh Tử, Cáo tử, thượng: 15

17] Luận Ngữ, Lý Nhân, 4-16

[18] Luận Ngữ, Hiến Vấn, 14

[19] Luận Ngữ, Tử Lộ, 23

[20] Luận Ngữ, Tử Lộ 8- 26.- Luận Ngữ, Thuật Nhi 7- 36.

[21] Mạnh Tử, Cáo tử, thượng: 15

[22] Luận Ngữ, Lý Nhân, 4-6.

[23] Luận Ngữ, Hiến Vấn, 14-24

[24] Dịch Kinh, quẻ Kiền, Hào Cửu tam, Văn ngôn.

[25] Luận Ngữ, Lý Nhân, 4- 9

[26] Trung Dung, ch. 20 - Luận Ngữ, Vệ Linh Công 15-17,20. Trung Dung, ch. 14.

[27] Luận Ngữ, Ung Dã 6-25; Lý Nhân 4-10.- Trung Dung, ch. 14.

[28] Luận Ngữ, Lý Nhân, 4-23.

[29] Luận Ngữ, Nhan Uyên, 12-15.

[30] Luận Ngữ, Thuật Nhi, 7-36; Vệ Linh Công, 15-1.

[31] Mạnh Tử, Cáo tử, thượng: 15.

[32] Kinh Thi, Tản Đà dịch, tr. 168.- Kinh Thi, Vệ nhất chi ngũ kỳ úc.- Đại Học 3.

[33] Trung Dung, ch. 31.

[34] Đạo Đức kinh, ch. 48: Thị vị phối thiên cổ chi cực.

[35] Xem Nguyễn Văn Thọ, Khổng học tinh hoa, tr. 47.

[36] Kinh Dịch, Quẻ Kiền, Văn ngôn hào Cửu ngũ. Xem thêm Hệ từ thượng, ch. 6.

[37] Trung Dung, ch.31