THIÊN NHÃN VÀ THƯỢNG ĐẾ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

Thiên Nhãn được dùng để chỉ Thượng Đế trong Cao Đài, trong Tam Điểm, trong đồng 1 Dollar Mỹ.

Cao Đài chọn Thiên Nhãn làm biểu tượng cho Đạo CAO ĐÀI, tại Phú Quốc vào năm 1921.

Thượng Đế là Thần trong chúng ta. Trong ta gồm có hồn xác.Trong ta có đủ Tam Tài: Thần (Thượng Đế), Hồn (Tiểu Ngã, Giả Ngã, Vọng Ngã), Xác.

Như vậy thay vì coi Thượng Đế là một nhân vật ngoại tại, ta hãy coi Ngài là chính chúng ta. Ngài thường xuyên hoạt động trong mỗi người chúng ta, cuộc đời ta cốt là thực hiện Chân Thiện Mỹ, thực hiện Ngài.

Đời xưa người ta thường nghĩ Thượng Đế là một nhân vật quyền uy, nhưng khác ta, và ở ngoài ta, và xét nét mọi công việc ta làm để thưởng phạt, Ngài như một Ông vua tuyệt đối còn chúng ta là thần dân tùy quyền Ngài thưởng phạt.

Ngày nay ta gọi Ngài là Đại Linh Quang, chúng ta là Tiểu Linh Quang, Ngài với ta là Một. Ngài nói: «Thầy là các Con, các Con là Thầy.»[1] Lại nói:

«Con là Một Thiêng Liêng tại thế,

Cùng với Thầy đồng thể linh Quang.

Khóa chìa Con đã sẵn sàng,

Khi vào cõi tục, khi sang Thiên Đình.» [2]

Ngài nhận là Ngài ở trong Ta.

Thánh Giáo Sưu Tập 1968–69 nơi trang 5 viết: «Bao nhiêu huyền bí, thiêng liêng, nhiệm mầu siêu việt, nhưng chìa khóa mở, Đức Chí Tôn đã đặt trong chỗ cao nhất của mọi người, hãy tìm lấy và mở lấy hỡi chư Hiền.»

Như vậy, chỗ cao nhất trong con người là nơi đâu?

Thưa là Nê Hoàn Cung, là Não thất 3, ở tâm điểm đầu não con người. Cửa Trời ở đấy, Thiên Nhãn ở đấy, Thiên Thai ở đấy.

Đại Thừa Chân Giáo nơi trang 62 viết: «Huyền Quan nhất Khiếu là chi? Là Thiên Nhãn Vậy. Nó ở ngay Nê Hoàn Cung gồm trọn chân dương chánh Đạo...»

Nơi tr. 56 lại viết: «Chữ Cao Đài là gì? Là Côn Lôn đỉnh hay Nê hoàn thuộc vể Thượng Giới... Thiên môn là cái gì? Là Cái Khiếu Nê Hoàn Cung đó. Chừng nào linh hồn phá Thiên Môn đặng là nhập vào Thượng Thanh Cung.»

Theo Cao Đài , tu hành có mục đích thành Tiên, thành Phật, thành Trời:

«Tu Hành là học làm Trời,

Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.» [3]

Cho nên Đắc Đạo là: Trở về được với Điểm Đạo trong con người.

«Khi nhìn qua tất cả vạn vật, hình thức vẫn khác nhau, danh tánh khác nhau, nhưng tựu trung vẫn có 1 Điểm Đạo.Đó là Thượng đế chí tôn, đó là Nhân Bản, đó là Thánh, Hiền, Tiên Phật.» [4]

«Thế là Đắc Nhất, thế là hợp nhất với Thượng Đế... Rồi từ cái được nhiều như vậy, các con nếu biết phương pháp để đạt tới sự Đắc Nhất, là chìa khóa mở cửa Đạo, hiệp với Thầy vậy.»

«Một là Bản Thể của Vũ trụ, Một là căn do mọi biến hóa trong vũ trụ, và lúc chung cuộc, con người lại trở về Một, vạn hữu lại trở về một. Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể hay ở chỗ đó mà đẹp cũng ở chỗ đó.» [5]

Tóm lại Thiên Nhãn là Một, là căn bản là gốc gác con người, là lương Tâm. là Bản Thể là Nhân Bản con người, nên đức Thượng Đế kêu gọi chúng ta:

«Đi về đâu Việt Nam ơi,

Về nơi Nhân Bản của Trời trước kia.» [6]

 

Vũ trụ quan Cao Đài

Vũ trụ quan Cao Đài là thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể: Nhất thể tán vạn thù, Vạn thù qui nhất thể.

Bà La Môn, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Cao Đài đều theo học thuyết này. Học thuyết này là Chân Đạo nội tâm hay con đường hiền thánh muôn thủa muôn phương.

Các Thánh triết này từ xa xưa đã lan tràn khắp thiên hạ. Các thánh triết này sau trước đều chủ trương con người có Bản thể Trời và có thể trở về sống kết hợp nhất như với Trời (Union mystique avec Dieu; Mystical union with God; hay Atonement = At one ment) (Đắc Nhứt)

Họ chủ trương vũ trụ này đã từ một Đại thể phóng phát, tán phân ra mà thành, (emanation theory), sẽ biến hóa đa đoan, nhưng lúc chung cuộc muôn loài lại trở về với Đại thể trên (Final Apocastatasis).

Học Thuyết này, Âu Châu gọi là the Emanation theory.

Á châu gọi là The Monistic theory, tức là thuyết Nhất thể tán vạn thù, Vạn thù qui nhất thể.

Kinh Dịch cũng chủ trương như vậy.

Vì một kiếp người không sao đủ để trở về với Trời, nên các triết gia theo chiều hướng trên, đều chủ trương con người sẽ tái sinh.

Có điều chắc chắn là các triết gia có chủ trương trên, bất kỳ thuộc đạo giáo nào, đều là những bậc thánh hiền đạo cao, đức cả. Lời họ giảng đều giống nhau. Mạnh tử viết: «Tiên thánh, hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã.» .[7]

Ramakrishna viết: Thánh hiền sau trước đều có những lời giảng dạy như nhau. (Tous les sages ont un enseignement unique.) [8]

Thuyết này xưa nay ở âu Châu rất ít người bàn cãi tới và thường coi đó là tà đạo. Các Đạo giáo công truyền ở Âu Châu theo thuyết Sáng Tạo (Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo). Trái lại, các đạo giáo lớn Á Châu như Bà La Môn, Phật, Lão, Khổng, Cao Đài đều theo thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

 

Sau đây là bản tóm lược hai thuyết trên:

A. Thuyết Thiên địa Vạn vật nhất thể (The monistic theory)

1/ Vũ trụ hữu hình này là những phân thể của một Toàn Thể, đã được phóng phát, tán phân ra, những Tiểu Linh Quang phát ra từ một Đại Linh Quang.

2/ Như vậy, vạn hữu đồng căn, dị dạng, nhất thể vạn thù.

3/ Thượng Đế tiềm ẩn trong lòng quần sinh, vũ trụ.

4/ Giác ngộ là biết rằng mình có bản thể Thượng Đế, có tính Trời.

5/ Tìm Trời, tìm Đạo phải tìm trong lòng, phải đi vào nội tâm.

6/ Lúc chung cuộc vạn vật sẽ siêu thăng, trở về với Thượng Đế. Như vậy, chung cuộc là hòa hợp.

7/ Vũ trụ, lịch sử chuyển hóa hai chiều, vãng lai, thuận nghịch, thành một chu kỳ (Cyclical Conception of History).

B. Thuyết Sáng Tạo (Creationism)

1/ Vũ Trụ hữu hình này là do quyền năng của Thượng đế sáng tạo ra từ Không.

2/ Vạn hữu dị thể, dị dạng, và hoàn toàn khác nhau từ căn cốt.

3/ Thượng Đế siêu việt và tách ra khỏi vạn hữu.

4/ Mặc khải là tin theo giáo hội rằng Thượng đế là đầu và cùng sau hết mọi sự.

5/ Tìm Trời, tìm Đạo phải tìm trong nhà thờ, nhà thánh và qua các phép Bí Tích.

6/ Chung cuộc là phán xét, và tan vỡ kinh hoàng (Tận thế).

7/ Lịch sử, vũ trụ và con người biến hóa một chiều theo đường thẳng (Linear Conception of History).

Sánh hai triết thuyết trên, tôi thấy thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể mới đích thực là thứ Triết học bất biến vĩnh cửu của nhân quần (Philosophia perennis: Perennial Philosophy). Và tôi không sao chấp nhận được thuyết Sáng Tạo, vì thấy nó chẳng ra đầu ra đuôi gì. Như vậy sao gọi là Triết Học được? [9]

 

Vương Dương Minh (1472-1528)

Vương Dương Minh (1472-1528) là một vị thánh nhân của Đạo Nho, ông sống vào thời nhà Minh, đời vua Võ Tông, đỗ tiến sĩ năm 28 tuổi.

Từ bé ông đã muốn trở thành thánh hiền. ông văn võ toàn tài. Văn thì làm đến Tổng Đốc Lưỡng Quảng. Võ thì bất kỳ cuộc phản loạn nào, hay giặc giã nào thời bấy giờ là do một tay ông bình định. Ông tài giỏi như thế, nhưng không gặp được minh quân lại còn bị nhiều người ghen tài, xui vua hại ông. Chính vì vậy mà năm ông 35 tuổi đã bị đày đi Long Trường mấy năm trời.

Nhân khi ở Long Trường, ông mới được giác ngộ, và tìm ra con đường nên thánh hiền là phải đi vào tâm mà tìm đạo, tìm Trời, và phải lấy Lương Tâm làm ngọn đuốc soi đường.

Ông cho rằng cái đạo thánh nhân đã đủ cả trong Tính con người. Ông đi tìm cái Nhất, cái Tinh trong tâm hồn. Nhất là cội gốc con người. Tinh là đạt đích con người. Ông nói: Tâm tức là Đạo, Đạo tức là Trời, biết Tâm thì biết Đạo, biết Trời. Vậy nên, cái công phu sự học, cốt là làm sáng cái tâm.

Có người hỏi Vương Dương Minh: đạo Nho với đạo Phật khác nhau thế nào? Ông đáp: không nên tìm cái đồng, cái dị của đạo Nho, đạo, Phật, tìm cái Phải mà học là được vậy.

Vương Dương Minh gọi Thiên Lý là Lương Tri, và dạy người khử nhân dục, tồn thiên lý.

Lương Tri thì kẻ hiền, người ngu ai cũng có như nhau, chỉ khác là người hiền thì lương tri sáng suốt, mà kẻ ngu thì để nó mờ tối đi mà thôi.

Vương Dương Minh thủy chung theo cái thuyết «Thiên địa vạn vật nhất thể», và lấy cái nghĩa «Nhất dĩ quán chi» của Khổng Tử làm căn bản cho sự học của mình. Như vậy, ông cũng như Lục Tượng Sơn chủ ở cái lý nhất quán trong tâm. Cái lý nhất quán đó là Thái cực, là Bản Thể con người, là Chánh Pháp Nhãn Tàng của Phật. Nhất dĩ quán chi là lấy cái Một mà suốt hết cả, đó chính là Trí Lương Tri của Vương Dương Minh.

Vương Dương Minh có làm một số bài thơ về Lương Tâm như sau:

1. Lương tri tức thị độc tri thì,

良 知 即 是 獨 知 時

Thử tri chi ngoại, cánh vô tri.

此 知 之 外 更 無 知

Thùy nhân bất hữu Lương Tri tại.

誰 人 不 有 良 知 在

Tri đắc Lương Tri khước thị thùy.

知 得 良 知 卻 是 誰

Lương tri thấy được, lúc độc tri,

Ngoài biết ấy ra, há biết gì.

Ai ai cũng có Lương Tri sẵn,

Hồ dễ mấy ai biết Lương Tri. 

2. Cá cá nhân tâm hữu Trọng Ni,

個 個 人 心 有 仲 尼

Tự tương văn kiến khổ già mê.

自 將 聞 見 苦 遮 迷.

Nhi kim chỉ dữ chân đầu diện,

而 今 指 與 真 頭 面

Chỉ thị Lương Tri, cánh mạc nghi.

只 是 良 知 更 莫 疑

Trong tâm ai cũng có Trọng Ni,

Kiến văn trùm lấp, mới u mê.

Nay ta đem chỉ chân đầu diện,

Chính thực Lương Tri chớ khá nghi. 

3. Vấn quân hà sự nhật đồng đồng,

問 君 何 事 日 憧 憧

Phiền não trường trung thố dụng công.

煩 惱 場 中 錯 用 功

Mạc đạo thánh nhân vô khẩu quyết,

莫 道 聖 人 無 口 訣

Lương tri lưỡng tự, thị Tham Đồng.

良 知 二 字 是 參 同

Sao anh suốt buổi chạy Tây Đông?

Trong vòng phiền não, uổng dụng công.

Đừng nói Thánh Môn không khẩu quyết,

Lương tri hai chữ, ấy Tham Đồng.

(Hai chữ Lương Tri có giá trị như bộ sách Tham Đồng Khế của Đạo Lão). 

4. Nhân nhân tự hữu định bàn châm,

Vạn hóa căn nguyên bản tại tâm.

Khước tiếu tòng tiền điên đảo kiến,

Chi chi, diệp diệp, ngoại đầu tầm.

Trong ta ai cũng sẵn nam châm,

Căn nguyên vạn hóa sẵn tại tâm.

Nực cười ta trước nhìn lộn ngược,

Ngoại cảnh chi li, vất vả tầm. 

5. Vô thanh vô xứ độc tri thì,

Thử thị Kiền Khôn, vạn hóa ki,

Phao khước tự gia vô tận tạng,

Diên môn trì bát, hiệu bần nhi.

沿

Vô thanh vô xú lúc độc tri,

Ấy thực Kiền Khôn, vạn hóa ki.

Vứt bỏ của nhà kho vô tận,

Từng cửa ăn xin, thực thảm thê.

Như vậy, Lương Tri là Phật tánh, là Chân Tâm. Nhân dục là Vọng tâm. Ta nói trong ta có Phật Tính, mà không biết làm cách nào để nhìn thấy Phật tính. Vậy nếu Lương tâm ta là Phật tính, mà ta lại thấy được Phật tính, tức là Kiến Tính thành Phật. Đó cũng là cách giúp ta Kiến tính thành Phật. Lương tri cũng chính là cái gốc của vạn vật, và là Thiên Lý.

Tôi từ nhiều năm nay vẫn chủ trương Lương tri là Thái Cực, Lương tri là Phật tính, là Chân Tâm, và là quyển Thánh Kinh mà Trời đã cất giấu trong lòng con người từ muôn thủa. Cho nên nếu ta sống theo Lương Tâm, tức là sống theo Phật, theo Khổng, theo Lão, theo Bà La Môn, theo vạn giáo. Chắc chắn là như vậy.

Theo tôi, Lương tâm là Tâm Lành, thì không thể sai. Lương Tâm là Thiên Tâm, do Trời sinh, không phải là nhân tạo.

Khảo từ ngữ các nước, ta thấy nước nào cũng phân biệt Nhân Tâm với Lương tâm.

Ta có thể viết:

Thần = Lương tâm.

Hồn = Nhân tâm.

Như vậy, Thần Thiên, phần Thần nơi chúng ta là Lương tâm phổ quát, vĩnh cửu. Còn phần Nhân nơi ta là Nhân Tâm, biến thiên, hữu hạn.

Lương tâm thời phi nhân, phi ngã. Nhân tâm thời mang sắc thái riêng tư của mỗi người. Nó là những bộ mặt hóa trang mà mỗi người chúng ta đeo lên trên Lương Tâm – trên Bản Lai diện mục – của chúng ta.

Khi ta làm gì xấu, thì Lương tâm ta oán trách ta.

Còn tâm hồn ta thì xấu hổ, phàn nàn, hối hận.

Chứng tỏ, Lương tâm ta cao hơn ta.

Lương tâm hay Chân Ngã hay Thượng đế nội tại, và Phàm tâm là tâm hồn con người, liên lạc với nhau hết sức là gắn bó, đến nỗi không thể nào gỡ ra được, rứt ra được.

Ngày nay, nhiều môn phái Tin Lành như Transcendentalists, Anabaptists, Quakers và Liberal Theology đều đồng thanh chủ trương Thượng đế ngự trong lòng chúng sinh và muôn vật. Emerson cho rằng: Mặc khải cao siêu nhất cho thấy rằng Thượng đế đã ngự sẵn trong lòng mọi người. (Emerson thought that the highest revelation was that God was in every person...)

Nếu Lương Tâm là Bất Biến nơi con người, thì Lương tâm chính là Thượng đế nơi con người, là Phật tính nơi con người.

Cho nên, trên đây tôi đã viết nghe thấy được Tiếng Lương Tâm là Thấy được Thượng Đế trong mình, thấy được Phật tính trong mình.

Trên đây, tôi đề cập đến một số cao nhân, danh sĩ trong nhiều đạo giáo khác nhau như Pythagoras, Plato, Plotin, Plotinus, môn phái Neo-Platonism, Eckhart, Ruysbroeck, Bruno, Sankara, Vivekananda, Đạo Sinh, Vương Dương Minh v.v... mục đích là cho thấy Chân Đạo không phải ở đầu thời gian, ở cuối thời gian, ở giữa thời gian. Chân Đạo không ở trong sách vở. Chân Đạo không ở bên Đông, cũng không ở bên Tây, Chân Đạo không có quốc gia, cũng như không có giang sơn bờ cõi. Chân Đạo không có ở trong các đoàn thể, các tổ chức xã hội. Chân Đạo không ở trong đền đài, miếu mạo, hay ở trong tay những kẻ uy quyền, mà Chân Đạo đã ở ngay trong tâm thần mỗi một người.

Thượng đế vì vô biên vô tận, nên chẳng những ở trên trời, mà còn ở khắp nơi trong vũ trụ bao la này, cũng như đồng thời là Bản Ngã ẩn sâu sẵn trong lòng con người.

Như vậy con đường dẫn tới Thượng đế gần nhất là con đường nội tâm. Những tâm hồn tinh khiết, thanh cao, những khối óc thông minh, sáng láng, chẳng chóng, thì chày sẽ nhận ra được chân lý tối sơ ấy.

Ram Linsson viết: «Giây liên lạc nối kết ta với Đại Thể thực đã ở ngay trong tầng sâu các cơ cấu tâm tình ta, ở bên dưới các lớp lang ý thức sâu xa và thầm kín nhất.»

Cho nên các đạo giáo xưa nay đã bày biện ra muôn vàn hình thức bên ngoài, các thánh thư từ trước tới nay đã dùng mọi phương cách, đã dài giòng dạy dỗ con người. Tất cả những cái đó cũng không ngoài mục đích giúp con người gạn đục, khơi trong tâm hồn, để có thể cảm thông với Thượng đế bằng tâm thần mình, và cuối cùng là thể nhập vào Ngài.

Chân lý, Chân đạo bao giờ cũng giản dị, cũng trong sáng, cũng vĩnh cửu và phổ quát. Chân lý, Chân đạo bao giờ cũng đem lại cho con người tự do, hạnh phúc, y thức như cơm áo bao giờ cũng đem lại no ấm cho con người. Cho nên, tất cả những gì rắc rối, tần phiền, tất cả những gì thằng thúc, trói buộc, đè nén con người, tất cả những gì làm con người trở nên ngu si, đần độn, khổ sở, khốn nạn về tinh thần cũng như về vật chất, tất cả những gì làm tiêu ma nghị lực con người, làm suy giảm nhân cách con người, tất cả những cái đó đều không phải là chân lý, chân đạo.

Trên phương diện thực hành, thái độ chân chính nhất của một người đạo hạnh chân thực là không mất thì giờ chê đạo này, đạo nọ, mà phải luôn cố gắng tiến bước trên đường nhân, nẻo đức, tiến tới hoàn thiện, tinh hoa; luôn cố gắng cho lòng mình rộng mở để bao dung, thông cảm với người; cho lòng mình rung cảm trước những nỗi đau thương của đồng loại và ra tay tế độ.

Bất kỳ là chúng ta theo đạo nào, và cho dù đạo ấy cao siêu mấy đi nữa, nếu mà lòng chúng ta vẫn còn thô lỗ, còn đầy oán hờn, còn đầy ghen ghét, còn đầy mưu gian, chước độc, mà tâm trí chúng ta còn hẹp hòi, còn tối tăm, rối rít, còn khổ sở, còn đớn hèn; còn bị lo âu, còn bị dày vò, còn trống rỗng và vô vị, thì thực thà mà nói, chúng ta vẫn là những con người vô đạo, hay ít là những ảnh hưởng tốt đẹp của các đạo giáo chưa có chút tác động nào trên tâm thần chúng ta. Đạo giáo mới chỉ là những thời trang phủ trên người chúng ta những lớp xa hoa, phù phiếm mà thôi.

Chúng ta hãy tỏ ra khoan dung độ lượng, thông cảm lẫn nhau và đừng để cho màu sắc tôn giáo làm phai nhạt tình huynh đệ, tình đồng bào, đồng chủng.

Cái quan hệ của chúng ta không phải là theo đạo này, đạo nọ, mà cái quan hệ chính là ở nỗ lực tìm cầu chân lý, nỗ lực sống theo lý tưởng mình tin theo.

Ramakrishna viết: «Bất kỳ bạn theo đường nào, điều quan hệ là phải thành khẩn khao khát chân lý. Thượng đế biết rõ những bí ẩn của lòng bạn, và dẫu bạn có đi lầm đường cũng không sao, miễn là bạn thành khẩn, Thượng đế sẽ đưa bạn về đường ngay, nẻo chính... Mà có con đường nào thoát lầm lạc đâu? Ai cũng nghĩ rằng đồng hồ mình đúng, nhưng kỳ thực chẳng ai có giờ đúng. Cái đó cũng chẳng ngăn trở công việc.»

Vậy chúng ta hãy nên chịu khó cố gắng tìm hiểu lẫn nhau, học lấy cái hay của nhau, tránh cái dở cho nhau, bắt tay nhau cùng xây dựng tương lai, cho trần hoàn chóng trở thành nơi lạc cảnh.

Trên đây tôi đã đề cập đến nhiều nhân vật không có liên quan gì với nhau, nhưng họ đều là những người đạo cao đức cả, và đã từng được thiên hạ tôn sùng.

Cái đạo mà họ theo chính là cái đạo nội tâm. Họ đều đi vào nội tâm mà tìm đạo, tìm trời. Họ đều tìm ra được cái Thái Cực, cái Một tiềm ẩn trong lòng con người. Lương Tâm, Lương Tri họ đều tung tỏa hào quang. Thiên lý, Chân tâm họ đều hiển lộ ra bên ngoài. Họ là những người đã đắc Đạo, chứ không phải là những con người còn trên đường cầu đạo. Đạo mà họ theo chính là Đại Ngã trong con người họ. Những gì thuộc con người phiến diện nơi họ, những gì phù du hư ảo nơi họ đã tan biến đi, và Chân Lý vĩnh cửu như vừng dương chiếu soi trong người họ. Họ đã thực hiện được Chân Ngã, hay Đại Ngã. Đó chính là cái Chân Lý rốt ráo mà tôi muốn đem truyền đạt cho mọi người. Tôi nhớ tới câu trong Kinh Thư:

 Nhân tâm duy nguy,

 Đạo tâm duy vi,

 Duy tinh duy Nhất,

 Doãn chấp quyết Trung.

Dịch:

 Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

 Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

 Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

 Ra công, ra sức giữ nguyên lòng trời.

Lòng Trời đây, chính là Thiên Mệnh, Thiên Tính, Chánh Pháp Nhãn Tàng hay Bản Lai diện Mục nơi con người. Lòng Trời tức là Chân Như Phật Tánh, hay Chân Tâm. Lòng con người tức là Vọng Tâm, Vọng Niệm, tư tâm, tà tâm. Chúng ta chuyển từ Đạo này sang Đạo nọ, bằng cách hoán chuyển danh từ. Mong quí vị lãnh hội được điều vi diệu đó.

CHÚ THÍCH

[1] Thánh Giáo Sưu Tập 1970- 71, tr. 134.

[2] Thánh Giáo Sưu tập 1966–67, tr. 36.

[3] Thánh Giáo Sưu Tập 1970–71, tr. 134.

[4] Thánh Giáo Sưu Tập 1990, tr. 95.

[5] Thánh Giáo Sưu Tập 1970–71, tr. 210.

[6] Thánh Giáo Sưu Tập 1970–71, tr. 213.

[7] Mạnh Tử, Ly Lâu chương cú hạ, 1.

[8] L'enseignement de Ramakrishna, p. 256.

[9] Xem Nguyễn Văn Thọ, Thiên Địa vạn vật nhất thể, tr. 63- 87.