TINH HOA CAO ĐÀI GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

 

Cao Đài giáo là một đạo tương đối mới mẻ, chính thức chào đời năm 1926. Tuy nhiên, ta không nên đánh giá một đạo giáo vì đó là một đạo giáo mới hay cũ, mà vì nội dung nó hay, hay dở mà thôi.

Cao Đài giáo tin rằng mình sẽ trường tồn với thời gian, trong vòng «thất ức niên dư», mỗi ức là mười vạn, mỗi vạn là mười ngàn năm.[1]

Cao Đài dùng cơ bút để lập đạo.

Đại đạo Tam kỳ Phổ độ.

Đại đạo là gì? Thưa là tinh hoa các đạo giáo xưa nay.

Tam kỳ là gì? Đó là tinh hoa các đạo giáo thiên hạ, của ba thời kỳ, từ thượng cổ, trung cổ và cận kim.

Phổ độ là gì? Thưa là muốn cứu rỗi mọi người, chẳng trừ ai.

Đại đạo Tam kỳ Phổ độ nòng cốt là theo tinh hoa Tam giáo (Nho, Thích, Lão) nhưng cũng tham khảo Thiên Chúa giáo, Bà La Môn, Hồi giáo, v.v...

Hiểu Đại đạo Tam kỳ Phổ độ như trên có lẽ hay hơn. Khi còn ở Việt Nam, trong những năm cộng tác với Cao Đài [Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam], đường Cống Quỳnh, Sài Gòn, tôi đã chủ trương như vậy. Đạo hữu Thiên Vương Tinh cũng đồng ý với tôi, và trong Cao Đài giáo lý, rằm tháng 2, năm Kỷ Mùi đã viết một bài «Tìm hiểu Đại đạo Tam kỳ Phổ độ» rất sâu sắc, nơi các trang 40-48.

Sang Hoa Kỳ, đọc quyển Lịch sử đạo Cao Đài của Lê Anh Dũng, tôi thấy Anh luận về mấy chữ Đại đạo Tam kỳ Phổ độ rất là cao siêu.

Anh nhận định: «Kỳ Ba diễn ra từ sau nửa thế kỷ XIX.»

Anh suy luận tiếp: «Trong hai thời kỳ trước, các nền tư tưởng triết giáo tiêu biểu nói trên, còn bị ngăn cách. Sang kỳ Ba, thế giới ngày một gần lại, con người đã chinh phục được khoảng cách thiên nhiên. Phương tiện ấn loát và thông tin ngày càng phát triển cùng với phương tiện giao thông đã góp phần đưa các nền tư tưởng gần lại, giao lưu với nhau.

«Kỳ Ba như vậy có một đặc sắc riêng là xu thế dung hòa và tổng hợp tư tưởng Đông Tây kim cổ.

«Năm 1863, tại Iran, Baha Ulla sáng lập đạo Bahai, chủ trương các tôn giáo đều có chỗ đại đồng.

«Năm 1875, tại Hoa Kỳ, bà Blavatsky (người Nga) lập trụ sở Thông thiên học ngay tại New York. Năm 1879, trụ sở này rời về Ấn Độ, đặt tại Madras. Thông thiên học đề cao chân lý đại đồng, hướng con người thoát ra vỏ ốc tôn giáo (religions) để tiến lên Đại đạo (sur-religion) bằng cách nêu tiêu ngữ: «Không tôn giáo nào vượt qua chân lý.»

«Các triết gia, học giả đã làm nổi lên phong trào đối chiếu và tổng hợp tư tưởng triết giáo, nhằm nỗ lực định hướng con người gần lại nhau trong tư tưởng đại đồng, vạn giáo nhất lý.

«Cuối thế kỷ XIX đã có hai sự kiện đáng kể:

«– Năm 1893, Đại hội tôn giáo thế giới được triệu tập tại Chicago (Hoa Kỳ).

«– Năm 1900, Hội nghị quốc tế về lịch sử tôn giáo (lần I) được triệu tập tại Paris (Pháp).

«Hai sự kiện trên đã mở đường cho những hoạt động nhằm cổ vũ cho một lý tưởng hòa đồng tôn giáo và dung hợp tư tưởng vào các thập niên kế tiếp. Chẳng hạn:

«– Năm 1939, Radhakrishnan dạy Tôn giáo đối chiếu tại Đại học Oxford (Anh).

«– Năm 1959, Viện Văn hóa Pháp và Đại học Paris mở khoa Tôn giáo đối chiếu.

«– Năm 1960, Hội nghị quốc tế về lịch sử tôn giáo (lần X) được triệu tập tại Marburg (Đức).

«– Năm 1961, Đại học Chicago và Đại học Yale (Hoa Kỳ) xuất bản các tậïp san định kỳ làm diễn đàn cho phong trào đối chiếu và tổng hợp triết giáo.

«– Năm 1963, Đại học Sorbonne (Pháp) mở khoa Triết lý đối chiếu...

 «(…) Theo A.J. Bahm, “tiềm tàng trong bản chất của tôn giáo là mỗi tôn giáo đều tự nhiên tìm cách trở nên đại đồng và (...) các tôn giáo trên thế giới sẽ có xu thế hướng về một nền tôn giáo toàn cầu”.

 «(…) Sự chuyển biến nhận thức về tôn giáo trong hai ý hướng chủ yếu (a) toàn cầu và (b) hiện đại, tựu trung chính là sự nhận thức về nhu cầu mới của nhân loại đang khao khát một nền đạo đại đồng vượt mọi biên cương, chủng tộc. Suốt thế kỷ XX, ở nhiều nước đã có nhiều hoạt động phục vụ cho lý tưởng này. Tất cả nhìn riêng, là một khâu, một mắt xích trong toàn chuỗi xích của phong trào vận động và tìm kiếm cho nhân loại một Đại đạo.

«(…) Ở trên đã nói về hai chữ Tam kỳ. Hai chữ Đại đạo bao hàm cái nghĩa vượt lên tôn giáo cố hữu của nhân loại. Nói cách khác, Đại đạo là siêu tôn giáo (sur-religion), hai chữ Phổ độ ngụ ý rằng đối tượng cứu rỗi là toàn thể chúng sanh (universalism).» [2]

Đọc kỹ những lời lẽ trên, ta thấy hiện ra những tư tưởng sau đây:

1. Con người đang khao khát đi tìm một chân lý đại đồng. Ngay đạo Công giáo nay cũng chủ xướng hòa đồng tôn giáo.

2. Cao Đài chủ trương đại đồng, và vạn giáo nhất lý.

3. Cao Đài cho rằng các tôn giáo nay đã mất phần tinh hoa, phần chân truyền. Và Thượng đế khai đạo kỳ này, là muốn dạy lại cho nhân loại phần tinh hoa, mật truyền ấy.

4. Cho nên Cao Đài chia đạo mình thành hai phần: Phần vô vi, tức là phần chân truyền. Phần phò loan hay phổ độ, là phần tôn giáo thông thường.

5. Đạo hữu Thiên Vương Tinh, trong bài Tìm hiểu Tam kỳ Phổ độ, đã viết rõ: Đại đạo Tam kỳ Phổ độ và Tôn giáo Cao Đài.

6. Thượng đế dạy lại con người phần vô vi; những giáo hữu [tín đồ] tuệ giác, tuệ căn lại gắng nghiên cứu phần vô vi mà nay thế giới gọi là đạo huyền đồng (mysticisme) hay thiên nhân hợp nhất trong các đạo giáo, thì trước sau gì chân lý cũng hiện ra cho mỗi người.

Tôi không là Cao Đài, nhưng tôi kính phục đường hướng trên, và cũng muốn đóng góp vào đó một phần nào.

 

Tại sao gọi là Đạo Cao Đài ?  

«Theo truyền tụng, trong Ấu học quỳnh lâm, có câu «Đầu thượng viết Cao Đài.» Léon Wieger, trong sách Chinois parlé (Sienhsien, 1936, p. 133), dịch Đầu thượng là Au commencement (thoạt kỳ thủy, khởi đầu). Nhiều người lại hiểu Đầu thượng là Trên đầu.

«Hiểu theo Wieger thì «Thoạt kỳ thủy là Cao Đài», phù hợp với quan niệm Cao Đài hay Thượng đế là nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ vạn vật, là Alpha như Tân ước đã chép.

«Còn hiểu «trên đầu là Cao Đài» thì phù hợp với huyền học đạo Lão. Theo đạo Lão, trên đầu có nê hoàn cung, là nơi Thượng đế nội tại. Đức Đông Phương Lão tổ dạy:

Thử hỏi Cao Đài ở chốn nao?

Người tu trở lại, trở về đâu?

Phải chăng tìm đến Cao Đài thượng,

Đài thượng vô vi tại đỉnh đầu.[3]

Thánh giáo sưu tập 1968-1969 nơi trang 5, cho biết chỗ cất giấu chìa khoá thiêng, để mở cửa nhiệm huyền: «Bao nhiêu huyền bí, thiêng liêng, nhiệm mầu, siêu việt, nhưng chìa khoá mở, Đức Chí tôn đã đặt trong chỗ cao nhất của mỗi người, hãy tìm lấy, và mở lấy, hỡi chư hiền.»

Chỗ cao nhất trong con người là ở đâu?

Thưa là nê hoàn cung, là não thất ba, nơi tâm điểm đầu não con người. Cửa Trời ở đấy, Thiên nhãn ở đấy, Thượng đế ở đấy, Thiên thai cũng ở đấy.

Đại thừa chân giáo nơi trang 61, viết: «Chữ Cao Đài là gì? Là côn lôn đỉnh, hay là nê hoàn cung, thuộc về Thượng giới... Thiên môn là cái gì? Là cái khiếu nê hoàn cung đó.»

Cao Đài giáo lý số 89, viết [trích thánh giáo]:

«Tỉnh giấc chiêm bao, ớ trẻ bày,

Đừng còn non núi, hoặc cung mây.

Cao Đài vẫn ở lòng con đó,

Bỏ tính tham lam sẽ gặp Thầy.»

Như vậy, Cao Đài hay Thượng đế xưa nay không bao giờ rời xa con người, mà vẫn luôn ở sẵn trong lòng con người, và là bản thể con người. Cao Đài là bản thể con người, ngự trị trong giữa đầu não con người.

Xưa Môisen hỏi tên Thượng đế. Ngài trả lời: «Ta là bản thể.» (Deus ad Moysen: Ego sum quy sum. Ex 3, 14.)

Câu này, cho đến nay, ít ai hiểu nổi. Cũng y như Thượng đế mới đầu xưng là AĂÂ.

Đức Cao Đài còn xưng mình là: Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát.

Cao Đài biểu thị cho Nho giáo.

Tiên ông biểu thị cho Tiên giáo.

Đại bồ tát Ma ha tát biểu thị cho Phật giáo.[4]

Ngài còn xưng:

«Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã,

Thích Ca Mâu Ni thị Ngã.

Thái Thượng Ngươn Thỉ thị Ngã,

Kim viết Cao Đài.» [5]

Ngài cũng còn dạy:

«...Tên là cái giả triền miên muôn đời,

Xuống lên, lên xuống luân hồi,

Đến tên Ngọc đế mấy hồi đổi thay,

Khi xưng Giáo chủ Cao Đài,

Khi xưng Thiên Chúa, khi khai Di Đà,

Lắm hồi Bồ tát Ma ha,

Bao lần Khổng Mạnh cũng Già này đây.» [6]

Như vậy, chung quy đều là giả danh, tá danh. Đúng là: «Đạo khả đạo, phi thường Đạo; Danh khả danh, phi thường danh.» ; [Đạo đức kinh, Chương I.]

 

Biểu tượng Cao Đài: Thiên nhãn 

Thượng đế dạy Đức Ngô Minh Chiêu lấy Thiên nhãn làm biểu tượng cho đạo Cao Đài, tại Phú Quốc vào năm 1921.

Trong một đàn cơ ngày 31 tháng Giêng năm Bính Dần (25-02-1926), Đức Cao Đài dạy tại sao lại dùng Thiên nhãn mà thờ như sau:

«...Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ thánh tượng Con Mắt mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:

«Nhãn thị chủ Tâm

Lưỡng quang chủ tể

Quang thị Thần

Thần thị Thiên

Thiên giả Ngã dã.

«Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày đạo bị bế. Lập Tam kỳ Phổ độ này, duy Thầy cho thần hiệp tinh, khí đặng đủ tam bảo là cơ mầu nhiệm siêu phàm, nhập thánh.

«Từ ngày bế đạo, thì luật lệ hãy còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên đình mỗi phen đánh tản thần không cho hiệp cùng tinh, khí. Thầy đến để hoàn nguyên chơn thần cho các con đắc đạo.

«Con hiểu: Thần cư tại nhãn. Bố trí cho chư đạo hữu hiểu rõ nguồn cội Tiên Phật yếu nhiệm là tại đó. Thầy khuyên các con mỗi phen nói đạo, hằng nhớ danh Thầy.»

Trong mấy câu ngắn gọn kể trên, bao gồm nhiều ý nghĩa quan trọng.

1. Thượng đế xưng mình là Ánh Sáng, là Thần ở ngay trong đôi mắt ta.

2. Ngài cho rằng xưa nay Thần con người đã bị Thiên đình đánh lạc.

3. Nay Ngài đến để trả lại Thần cho con người.

Như vậy Thượng đế tuyên xưng Ngài là Ánh Sáng là Thần, là Bản thể con người, ở ngay trong mắt ta.

Ngài nói con người đã bị tản thần, thì trong Genesis cũng viết: «Thần của ta sẽ không còn lưu tồn mãi nơi loài người, bởi chúng là xác thịt. Ngày đời của chúng là 120 năm.» [Gen 6, 3.]

Công giáo cũng vẫn cho rằng: Con người chỉ có Xác và Hồn, không có Thần.

Tiên tri Joel hứa Chúa trả lại Thần cho con người. «Sẽ xảy ra là sau đó ta sẽ đổ Thần ta trên mọi xác phàm.» [Jl, 3,1.]

Cao Đài dạy ta đừng quên là ta có Thần Chúa trong ta. Những câu này, thiệt đáng ghi nhớ.

 

Vô vi và Phổ độ 

Thượng đế lập Cao Đài gồm hai thành phần: Vô vi và Phổ độ.

Vô vi:

Ngài truyền Vô Vi cho đức Ngô Minh Chiêu từ 1921.

Phổ độ:

Ngài truyền Phổ độ cho nhóm Phò loan từ 1925. Nhóm Phò loan gồm các ông Cao Quỳnh Cư (1887-1929), Cao Hoài Sang (1900-1971), Phạm Công Tắc (1890-1959), và sau này có thêm những ông Nguyễn Trung Hậu (1892-1961), Lê Văn Trung (1895-1934), Lý Trọng Quí, Lê Văn Giảng, Võ Văn Sang, Nguyễn Văn Hoài, Đoàn Văn Bản, Vương Quan Kỳ (1880-1940), v.v...

Có bảy đàn tiên đầu tiên là:

1. Đàn phố Hàng Dừa của nhóm Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc.

2. Đàn Cầu Kho của nhóm Đoàn Văn Bản, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Vương Quan Kỳ, Lê Văn Giảng, Nguyễn Văn Mùi, v.v…

3. Đàn Chợ Lớn do nhóm Lê Văn Trung, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu, Lê Bá Trang.

4. Đàn Lộc Giang tại chùa Phước Long của nhóm Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng, Mạc Văn Nghĩa.

5. Đàn Tân Định của nhóm Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Nguyễn Ngọc Thơ.

6. Đàn Thủ Đức của nhóm Ngô Văn Điều, Huỳnh Văn Mai, Võ Văn Nguyên.

7. Đàn Tân Kim của nhóm Nguyễn Văn Lai, Ca Minh Chương, Phạm Văn Tươi. Có các ông Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Tương, Phạm Văn Tiếp, v.v... hầu đàn.

Sau này còn thêm được những đại đệ tử như: Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951), Lê Văn Lịch (1890-1959), Trần Đạo Quang (1870-1946).

Đạo Cao Đài chính thức ra đời [lập Tờ khai Đạo] ngày 07-10-1926, và có 28 vị ký tên.

Buổi khai đạo, Đức Cao Đài cũng đã đem được Ngũ chi về theo Cao Đài.

Ngũ chi là:

1. Chi Minh Đường của ông Lê Văn Lịch.

2. Chi Minh Sư của Trần Đạo Quang.

3. Chi Minh Tân của Lê Minh Khá.

4. Chi Minh Thiện (Hạnh Thông Tây, Gia Định), thường thiên về quốc sự. Chi này quy tụ nhiều trí thức buổi đầu như Trần Hiển Vinh, Nguyễn Phan Long, v.v...

5. Chi Minh Lý của Âu Kiết Lâm.

Do đó mà tôn chỉ đầu tiên của Cao Đài là Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục nhứt.

Sau này các môn đệ Cao Đài chia làm nhiều chi phái như:

* Vô vi (1920) Chiếu Minh Đàn của Ngô Minh Chiêu.

* Phổ độ (1926) Lê Văn Trung và các ông Cư, Tắc, Sang, Hậu.

* Bến Tre (1938): Nguyễn Ngọc Tương.

* Tây Ninh (1938): Phạm Công Tắc.

* Cầu Kho (1930): Vương Quan Kỳ.

* Minh Chơn Lý (1931-1935): Nguyễn Văn Ca (Định Tường).

* Tiên Thiên (1932): Nguyễn Hữu Chỉnh (Cai Lậy).

* Minh Chơn Đạo (1935): Cao Triều Phát (Cà Mau).

Chi Nhánh, chi phái rồi ra cũng sẽ hợp nhất.

«Bửu toà thơ thới trổ thêm hoa,

Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.

Chung hiệp rán vun nền đạo đức,

Bền lòng son sắt, đến cùng ta.

Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu...» [7]  

 

Thế nào là Vô vi?  

Vô vi là phần cao siêu nhất trong một đạo giáo. Người theo vô vi phải có tuệ căn, phải có trình độ tu luyện, phải nắm vững được cái cao siêu bí diệu của đạo giáo. Cao Đài chỉ có một mình Đức Ngô Minh Chiêu là theo được vô vi. Ngài không tham quyền cao, chức trọng, sẵn sàng từ bỏ chức Giáo tông (24-4-1926), và tách rời đám Phổ độ.

Người theo vô vi trông thấy Trời, thấy Bản thể vũ trụ, thấy Lương tâm trong lòng mình.

Phần vô vi trong Cao Đài chính là toát lược tâm pháp triết học, và Đại đạo chân truyền.

Tâm pháp triết học là gì?

Thưa là thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Đại khái chủ trương:

1. Vũ trụ hữu hình này là phân thể của một toàn thể, đã được phóng phát, tán phân ra.

2. Như vậy, vạn hữu đồng căn nhưng dị dạng, nhất thể vạn thù.

3. Thượng đế tiềm ẩn trong giữa lòng quần sinh, vũ trụ.

4. Giác ngộ là biết rằng con người có Bản thể Thượng đế, có tính Trời.

5. Tìm Trời, tìm Đạo phải tìm trong lòng, phải đi vào nội tâm.

6. Lúc chung cuộc, vạn vật sẽ siêu thăng, trở về với Thượng đế. Thế là vạn vật tuần hoàn, chung nhi phục thủy.

7. Vũ trụ, lịch sử chuyển hoá hai chiều, vãng lai, thuận nghịch, thành một chu kỳ.

Đạo hữu Thiên Vương Tinh viết: «Thiên địa vạn vật nhất thể theo Cao Đài giáo là một Nguyên lý, là Chân lý, là Đạo chứ không phải chỉ là một quan niệm, một chủ trương hay một học thuyết.»

«Nguyên lý Thiên địa vạn vật nhất thể được minh xác qua thánh ngôn, thánh giáo.»[8]

Cao Đài chủ trương Trời người đồng thể:

«Con là một thiêng liêng tại thế,

Cùng với Thầy đồng thể Linh quang.»  [9]

Hoặc:

«Thật là diệu diệu huyền huyền,

Trời người có một, chẳng riêng khác gì.» [10]

Hoặc:

«Người là tiểu thiên địa đó,

Người với Trời nào có khác chi.

Hễ Trời có những món gì,

Người người đều cũng đủ y như Trời.» [11]

Chẳng những vậy, muôn loài cũng đồng bản thể như nhau:

«Đạo là nơi nhất nguyên chủ tể,

Đạo cũng là đồng thể vạn linh.»  [12]

Như vậy, con người và vạn vật đều đồng bản thể với Đạo, với Trời. Chính từ cơ sở Thiên địa vạn vật nhất thể mà phát sinh chủ trương ái nhân, ái vật. Tình huynh đệ đại đồng theo Cao Đài giáo, không phải chỉ là tình của người với người, mà chúng sinh, vạn hữu đều là huynh đệ anh em, trước sau trên bước đường tiến hoá.

«Đạo tuy định nghĩa khắp muôn phương,

Căn bản làm đầu một chữ Thương.

Thương chúng, thương mình, thương tất cả,

Thì đem chơn đạo sớm hoằng dương.» [13]

Cao Đài hứa cho con người quy nguyên phản bản, Thiên nhân hiệp nhất, phục hồi nguyên thần.

«Chỉ một cái Tâm, Tâm vũ trụ,

Thoát ly vạn tướng, phục nguyên thần.» [14]

Cao Đài chủ trương con người có ba phần: Thần; Khí (Hồn); Tinh (Xác).

Thần là Trời, là phần bất biến trong con người. Còn gọi là nhị xác thân hay Đạo tâm, hay Nguyên thần hay Chơn thân.

Nhị xác thân, hay Chơn thân là cái xác thân vững bền muôn kiếp, sống mãi bằng Trời, không tử, không sanh, không thêm, không bớt. Luyện đặng cái Chơn thân ấy, thì trường sinh, bất tử, khỏi phải chịu quả báo, luân hồi, đời đời, kiếp kiếp an hưởng vui chơi nơi bồng lai, tiên cảnh. Ấy là Chơn nhân vậy... [15]

Khí tức là Hồn con người đầy thất tình, lục dục, biến hoá, vô thường, luân hồi, sinh tử.

Tinh tức là phần Xác.

Những người theo vô vi sau này tu theo kinh Đại thừa chân giáo của phái Chiếu Minh (Ngô Văn Chiêu), và kinh này rất được ngưỡng mộ. Từ 17-7-1997 tại hải ngoại lại có một đàn do đức Ngô Minh Chiêu giáng cơ, nhan đề là Thánh ngôn học đạo. Văn chương tề chỉnh, ý tứ cao siêu, mục đích:

«Dạy người trở lại Huyền Khung,

Lập đời thượng cổ, khắp trong hoàn cầu.» (Đàn ngày12-8-1997)

Hoặc:

«Tâm con chính thị Thiên toà,

Gặp Thầy nơi đó, há mà tìm đâu.

Chừng nào con chứng Ni Mâu,

Thì Thầy ứng hiện minh châu nơi lòng.» (Đàn ngày 14-8-1997).

Hoặc:

«Phước thay sinh được làm người,

Là cơ hội học làm Trời, nghe con.» (Đàn ngày 19/8/97).

Hoặc:

«Vòng vo vạn nẻo xa xăm,

Nào ngờ Trời Phật nơi tâm của mình.

Con ơi dạ nhớ đinh ninh,

Thầy luôn luôn ở bên mình con nghe.» (Đàn ngày 19/8/97).

Hoặc:

«Trải bao kiếp nhờ vào tiến hoá,

Nay nhân loài đã quá võ môn,

Đã thành chính đẳng Chân nhân,

Nhận ra bí nhiệm lý chân đời người.

Nhận ra được Trời người đồng thể,

Trời với người chẳng phải hai ngôi.

Vốn là Thiên điển mà thôi,

Vận hành lưu chuyển, xiết ôi diệu kỳ.

Kỳ diệu thay huyền ky máy Tạo,

Người với Trời vốn Đạo mà thôi.

Tầm phăng hiểu được con người,

Tự nhiên sẽ hiểu được Trời khó chi.» [16]

 

Ý nghĩa Phổ độ

 Phổ độ là phần sáng lập một tôn giáo, cũng đủ mọi phần lễ nghi, hình thức, lề luật, giáo điều. Đó là phần chi tiết, cho những người sơ cơ, bước vào đường Đạo. Phổ độ chung quy sẽ phải nhường bước cho vô vi, vì vô vi mới là chủ đích chính yếu của Cao Đài.


CHÚ THÍCH

[1] Đỗ Vạn Lý, Tìm hiểu đạo Cao Đài, tr. 45.

[2] Lê Anh Dũng, Lịch sử đạo Cao Đài, tr. 18-23.

[3] Lê Anh Dũng, Lịch sử đạo Cao Đài, tr. 70-71.

[4] Đồng Tân, Tìm hiểu đạo Cao Đài, tr. 39-40.

[5] Thánh ngôn hiệp tuyển, tr. 14.

[6] Đỗ Vạn Lý, Tìm hiểu đạo Cao Đài, tr. 31.

[7] Thánh ngôn hiệp tuyển, tr. 7, đàn 20-02-1926.

[8] Cao Đài giáo lý, Rằm tháng 2, năm Kỷ Mùi, tr. 42.

[9] Thánh giáo sưu tập 1966-1967, tr. 36.

[10] Đại thừa chân giáo, tr. 65.

[11] Đại thừa chân giáo, tr. 65.

[12] Thánh giáo sưu tập 1966-1967, tr. 35.

[13] Thánh giáo sưu tập 1972-1973, tr. 157.

[14] Thánh giáo sưu tập 1972-1973, tr. 78.

[15] Đồng Tân, Tìm hiểu đạo Cao Đài, tr. 39. –  Đại thừa chân giáo, tr. 356, Xuất thần.

[16] Đàn ngày 11-9-1997, giải về Thiên nhân đồng thể, vạn pháp đồng căn...