TRỜI CHẲNG
XA NGƯỜI
Nhân Tử Nguyễn
Văn Thọ
Kính thưa quí vị,
Hôm nay được Quí liệt vị danh cho vinh dự đặc biệt
đến đây hầu chuyện cùng Quí vị, tôi hết sức cảm kích. Nên lời nói đầu tiên của
tôi là xin chân thành cảm tạ Quí vị. Quí vị đã có lòng ưu ái đối với tôi, tôi
cũng xin đáp lại bằng ba chữ Thành, Kính, Ái. Thành là lòng thành khẩn của tôi.
Kính là lòng kính trọng của tôi. Ái là lòng quí mến của tôi đối với Quí vị.
Đề tài «TRỜI CHẲNG XA NGƯỜI», mà hôm nay tôi muốn
thuyết trình cùng Quí vị, là một đề tài hết sức đơn giản, đơn giản như tấm lòng
trung thực của tôi; lời lẽ mà tôi dùng để trình bày vấn đề cũng là những lời lẽ
đơn sơ trung thực; những ý kiến tôi đưa ra hôm nay, tôi cũng muốn cho nó trong
sáng như ánh trăng sao.
Tất cả những ý tứ, những lời lẽ mà tôi trình bày,
phát biểu hôm nay, tôi còn muốn lồng chúng vào trong những cảm tình thành khẩn,
đẹp đẽ nhất của tôi, để chúng trở nên những đóa hoa thơm gởi tặng Quí vị. Thảng
hoặc mà lực bất tòng tâm, sự thể không theo được lý tưởng, thời kính mong Quí vị
lượng thứ.
Trong bài thuyết trình này, tôi sẽ dùng lời lẽ
thánh hiền các đạo giáo, những chứng lý của triết học, khoa học để dẫn chứng cho
những lời của tôi.
Tôi nghĩ rằng: Đại Đạo thời phải lớn, lớn trùm cả
khung trời! như lời Đức Lý Thái Bạch, trong bài thơ Hành lộ nan,
và như vậy nó không còn có không gian, thời gian, biên cương, hay màu da, sắc
áo.
A. TRỜI CHẲNG XA
NGƯỜI: Một chân lý làm nền tảng cho các đạo giáo
Sau nhiều năm suy tư và tìm kiếm, tôi đã tạo cho
mình một niềm tin vững mạnh này là: Cái chân lý làm nền tảng cho các đạo giáo
cũng như cho các công cuộc tu trì của con người chính là quan niệm TRỜI CHẲNG XA
NGƯỜI.
Điều đó thật dễ hiểu: Nếu Trời, nếu Đạo «vô sở bất
tại» theo lời Hạng Bình Am, hay ở khắp mọi nơi theo từ ngữ công giáo thì làm sao
mà Trời có thể xa con người được?
Nếu Trời chẳng xa người, thì dĩ nhiên Trời phải ở
gần con người. Trời gần, không phải là Trời ở trong vùng mình, trong khu phố
mình, trong gia đình mình, mà thực là Trời đã ngự trị trong lòng mỗi một người
chúng ta.
Ta có thể dùng lời lẽ thánh hiền chứng minh điều
đó.
Sách Tính Lý viết: «Trời với người đối với
nhau như hai mặt trong ngoài.»
Vương Dương Minh cho rằng Trời ở ngay trong lương
tâm mọi người. Vì thế Ông mới nói: «Tâm tức là Trời … Lương tri tức là Trời.»
Cụ Nguyễn Đình Chiểu, một vị thạc nho Việt Nam,
cũng đã tìm ra được chân lý ấy. Cụ viết trong Ngư Tiều vấn đáp y thuật:
«Có Trời thầm dụ trong lòng,
Tuy ngồi một chỗ suốt thông trăm đời.»
Cụ lại viết thêm:
«Vậy thời theo lẽ an phần,
Trăm năm nhờ mạng, trong thân có Trời.»
Các bậc hiền nhân quân tử trong đạo Nho, vì có
niềm tin tưởng sâu xa rằng Trời chẳng xa người, nên dầu ở một mình nơi vắng vẻ
cũng vẫn e dè kính sợ.
Trung Dung viết:
«E dè cái mắt không nhìn,
Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.
Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,
Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều.
Nên dù chiếc bóng tịch liêu,
Đã là quân tử chẳng siêu lòng vàng.»
(Trung Dung, chương I)
Kinh Thi viết:
«Chái Tây Bắc góc nhà thanh vắng,
Đừng làm chi đáng để hổ ngươi.
Đừng rằng tăm tối chơi vơi,
Đừng rằng tăm tối ai người thấy ta.
Thần giáng lâm ai mà hay biết,
Nên dám đâu khinh miệt, dễ ngươi.»
(Mao Thi, Đại Nhã
Ức Thiên)
Nhìn sang phía đạo Lão, ta cũng thấy có chủ trương
tương tự. Nam Hoa Kinh viết: «Trời ở bên trong, người ở bên ngoài.»
Trong truyện Đông Du bát tiên, có chép: «Hán Chung Ly và Lữ Đồng Tân hỏi
Tào Quốc Cựu: «Ông tu luyện ra sao?» Tào Quốc Cựu nói: «Lòng mộ đạo thì lánh
trần, chớ không có phép chi hết.» Hai tiên hỏi: «Đạo ở đâu mà mộ?» Tào Quốc Cựu
chỉ Trời. Hai tiên hỏi: «Trời ở đâu?» Tào Quốc Cựu chỉ cái tim. Hán Chung Ly
cười rằng: «Lòng là Trời. Trời là Đạo, đã biết cội rễ, tu chắc thành tiên.» (Cf.
Đông Du bát tiên, cuốn 4, tr.32).
Quan niệm Trời chẳng xa người, mà Trời ở ngay
trong lòng con người, được Áo Nghĩa Thư của Ấn Độ giáo lấy làm đề tài chính yếu,
từ năm nghìn năm nay.
Svetasvara Upanishad viết:
«Chân tâm nhỏ tựa ngón tay,
Lồng trong vạn vật muôn loài thụ sinh.
Tâm thần trí lự bao quanh,
Ai mà biết được sẽ thành thần tiên.»
Mundaka Upanishad viết:
«Biết rằng trong dạ có Trời,
Rối ren, ngu muội tức thời tiêu tan.»
Svetasvara Upanishad viết:
«Dung quang Ngài khó mà cầu,
Mắt trần sau trước thấy sao được Ngài.
Biết Ngài trong dạ ấy ai,
Tâm thần biết thế muôn đời trường sinh.»
Ramakrisna, vị đại thánh Ấn Độ gần đây, cũng nói:
«Bao lâu bạn cảm thấy Thượng Đế xa bạn, thì bấy lâu bạn còn u tối. Nhưng nếu bạn
nhận chân rằng Thượng Đế ở trong bạn, thì bạn đã đạt được sự khôn ngoan thật.»
Đạo Phật tránh dùng chữ Trời, nhưng dùng chữ Như
Lai, mà Như Lai chính là «vô sở bất tại», hoặc dùng chữ «Nguyên Thường», tức là
Căn Nguyên hằng cửu.
Đấng «vô sở bất tại», Căn Nguyên hằng cửu, bất
biến bất dịch làm chủ chốt cho mọi cuộc chuyển biến của vạn vật, vạn hữu, nếu
không phải là Trời thì là gì?
Kinh Kim Cương viết:
«Như Lai chẳng ở đây ở đó,
Chẳng đi đâu, chẳng có đến đâu.»
Nếu vậy thì:
«Như Lai ở sẵn lòng sâu,
Vào sâu tâm khảm mà cầu Như Lai…»
Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết: «Vì ngươi đánh
mất căn nguyên hằng cửu của ngươi, nên mới bị luân chuyển.»
Ngài Huệ Năng nói trong Pháp Bảo đàn kinh:
«Người trong đời cả ngày miệng niệm Bát Nhã, mà chẳng biết Bát Nhã là Tính tự
nhiên của mình.»
Hồi Giáo cũng không có bí quyết gì khác.
Thánh kinh Coran của Hồi giáo viết: «Thượng
Đế gần con người hơn tĩnh mạch cổ con người.»
Và đây là lời của một ông già chất phác nguời Thổ
Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo nói cùng Alexis Zorba, con người chịu chơi, khi mà hắn còn
là trẻ nít.
Alexis Zorba kể: «Lão Hussein Aga là một người
thánh thiện. Một hôm lão đặt tôi lên đầu gối lão. Lão nói: «Ta sắp nói với con
một điều bí ẩn. Bây giờ hãy còn bé quá chưa có thể hiểu nổi. Nhưng mà khi nào
lớn lên, con sẽ hiểu. Nghe lão nói đây con: Bảy tầng trời cũng như bảy tầng đất
đều không đủ để chứa Thượng Đế. Nhưng tâm hồn con người chứa đựng được Ngài. Bởi
vậy hãy cẩn thận Alexis, chớ có bao giờ làm thương tổn đến tâm hồn con người.»
Đạo Công Giáo chính cũng có chủ trương tương tự.
Thánh Paul viết: «Anh em chẳng biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Linh,
đấng ngự trong anh em hay sao?»
Ngài lại viết: «Anh em hãy ngợi khen và mang Thiên
Chúa trong thể xác anh em.»
Và khi thuyết trình trước Viện Tối Cao Hi Lạp Ngài
nói: «Chúng ta sinh động, và hiện hữu trong Thượng Đế … Chúng ta là dòng dõi
Thượng Đế.» (Actes, 17, 29)
Thánh Augustin viết:
«Chúa sâu xa hơn tâm khảm tôi,
Và cao siêu hơn thượng đỉnh tôi.»
Đối với đạo Cao Đài, quan niệm Trời chẳng xa người
cũng rất là quen thuộc.
Trong một bài thánh giáo có thơ rằng:
«Thầy ngự trong lòng mỗi chúng sanh,
Chúng sanh giác ngộ biết tu hành,
Thương yêu mựa tách người khôn dại,
Điều độ đừng chia kẻ dữ lành.»
Trong quyển Lịch sử đạo Cao Đài phần Vô Vi,
có một đoạn như sau:
«Thánh ngôn trong đạo Cao Đài có dạy: «Thầy là các
con, các con là Thầy.» Thật đã bộc lộ được yếu tố mới mẻ, làm cho mọi người đều
biết rằng Thượng Đế không phải là một đấng xa lạ, mang đặc tính của một địa
phương hay ngồi trên cao chót vót mà nhìn xuống chúng sinh với tất cả sự hóa
theo từng thân nhân loại để đem con người vào chỗ hòa đồng với Thượng Đế, điểm
linh năng đầu tiên tạo nên vạn vật vũ trụ này.»
Vậy đối với Đạo Cao Đài, thì Trời đã hợp nhất với
con người để chuyển hóa tâm tư mọi người, và dìu dắt những người có căn duyên
cho họ trở thành Tiên, Phật, Thánh
.
B. TRỜI NGỤ TẠI TRUNG
TÂM ĐIỂM ĐẦU NÃO CON NGƯỜI
Trên đây đã nói Trời ngự trong lòng ta, nhưng chữ
lòng đây còn man mác, mơ hồ lắm. Chúng ta cần xác định lại cho minh xác.
Đã đành Trời, Đạo ở khắp châu thân ta, vì như trên
đã nói: «Đạo vô bất tại.» Nhưng chắc chắn Trời phải có một sở cư đặc biệt trong
con người chúng ta. Sở cư ấy là đâu? Xin trả lời: Đó là Não thất Ba, ở ngay
chính giữa đầu não con người.
Chúng ta dám nói như vậy, vì đạo giáo, triết học,
khoa học cho chúng ta những bằng chứng hết sức là chắc chắn.
Não thất ba là một động trống ở chính giữa đầu não
con người, từ đó nhìn ra ta thấy như các thần kinh và các mạch máu đầu đều qui
hướng, triều củng về. Não thất ba lại còn liên lạc trực tiếp với não thất 4 và
ống tủy xương sống, do đó với tất cả thần kinh khắp châu thân.
Theo Thiên văn thì Thượng Đế ngự tại sao Bắc thần,
tâm điểm hoàn võ.
Theo Dịch thì Thái Cực ở Trung tâm điểm vòng Dịch
ở giữa các Hào quái.
Theo tổ chức hành chính, chính trị xưa, ví dụ như
ở Trung Hoa, thì Thiên Tử ngự trị ở giữa lòng đất nước.
Cũng một lẽ, Thượng Đế sẽ ngự trị ngay ở Trung tâm
điểm đầu não chúng ta, ở trong Nê Hoàn Cung, hay Thiên Cốc, hay Não thất ba.
Chúng ta có thể chứng minh điều này chẳng mấy khó
khăn.
Mundaka Upanishad viết:
«Nơi nào mà mọi thần kinh,
Như đũa gặp trục trong vành bánh xe.
Nơi thần kinh hội tụ về,
Là nơi Tạo Hóa chưa hề hóa thân.
Cố tìm Tuyệt đối, Chân Tâm,
Rồi ra sẽ thoát biển trần hôn mê.»
Where the channels are brought to
Like the spokes in the hub of a wheel.
Therein he moves about, becoming manifold.
Om! Thus meditate upon the Soul (atman).
Success to you in crossing to the farther shore
beyond darkness.
(Mundaka Up. 2.2.6).
Nhìn vào các sơ đồ óc não của khoa Cơ Thể Học hiện
nay, ta thấy các thần kinh óc não như muôn ngàn tai hoa qui tụ về não thất 3,
chẳng khác nào muôn vàn giòng sông hiện tượng ào ạt đổ dồn vào trùng dương Bản
thể.
Phật giáo có một câu chú hết sức là phổ thông, đó
là chú: An ma ni bát minh hồng (Oum mani padme hum). Dịch Việt văn là: Ôi châu
ngọc viên giác nằm tại liên hoa tâm.
Các nhà bình giải cho rằng Liên Hoa Tâm đây chính
là óc não con người.
Như vậy câu chú ấy có thể dịch nôm na như sau: Ôi!
Tuyệt đối đã ở ngay giữa đầu não con người. Đó là một khám phá mà Phật giáo Tây
Tạng coi là hết sức quan trọng.
Đạo Lão thời cho rằng:
«Đầu có chín cung, cung giữa là Nê Hoàn.»
Mà «Nê Hoàn là sở cư của Thần minh.»
Người xưa cũng gọi đó là Thiên Cốc. Thần ở Thiên
Cốc, Cốc Thần. Mà Cốc Thần chính là Trời và Đạo.
Tính mệnh khuê chỉ có thơ:
«Căn kinh đại đạo ít ai hay,
Thường nhân dùng mãi, biết nào ai?
Vì người, xin chỉ Thần Tiên động:
«Một khiếu cong cong tựa nét ngài.»
Theo Thánh Kinh Công giáo, Thượng đế từng đối
thoại với tông loài người là Adam và Eve trong một vườn địa đàng đầy an lạc.
Vườn ấy có bốn con sông chảy theo hình thước thợ
ra bốn phương trời.
Khảo địa dư ngày nay, không thấy nơi nào trong
hoàn cầu 4 con sông chảy theo hình thước thợ như vậy.
Nhưng khảo cơ thể học, ta thấy nơi óc não, thì não
thất ở giữa. Quanh đó là một vòng động mạch Willis. Từ vòng động mạch Willis,
phát xuất ra 4 động mạch, chảy theo hình thước thợ đi 4 phương óc.
Thế là Đào Nguyên, Lạc Cảnh vẫn nằm sẵn ngay trong
đầu ở con người. Ở đó Thượng Đế thường xuyên đối thoại với mọi người qua tiếng
của lương tâm…
Vả đầu óc ta với vai với cổ, cũng y như núi Tu Di
có mắt cổ bồng, trên đó có Phật ngự, theo tượng hình và từ ngữ Phật Giáo.
Khảo Cơ Thể Học, ta cũng thấy rằng đốt xương sống
cổ thứ được gọi là Atlas.
Theo Thần thoại Hi Lạp, Atlas là thần đỡ Trời.
Trong mình ta Atlas đỡ đầu óc ta. Như vậy cổ nhân muốn nói đầu ta chính là bầu
trời vậy.
Đầu ta chính là bầu trời, vì các sách Tướng Pháp
cổ đều cho rằng mặt ta gồm đủ Nhật Nguyệt và Ngũ Tinh…
Đầu ta chính là bầu trời để mang chở Thượng Đế cho
nên trán ta mới được gọi là Thiên đình (Sân Trời), cho nên người xưa mới nói
«Đầu tải thiên, túc lý địa.» (Đầu mang trời, chân đạp đất).
Tóm lại sau khi đối chiếu các tôn giáo với khoa
học, triết học ta có thể kết luận rằng Trời ngự trong lòng ta. Nhưng lòng đây
không phải là lòng ruột, không phải là hạ đơn điền, không phải là quả tim vì quả
tim nằm chếch phía bên tả, chứ không ở chính giữa ngực, lòng đây cũng không phải
là nơi mỏ ác, hay một điểm nào chơi vơi giữa tim và thận, như người đời thường
lầm tưởng. Mà lòng đây phải được hiểu theo nghĩa bóng, phải được đem lên đầu,
đem lên thượng đỉnh, đem lên não thất 3 ở chính giữa đầu óc, nơi mà mọi thần
kinh mọi mạch máu óc não đều qui hướng về. Người xưa đã chỉ tỏ cho ta rằng muốn
tìm lòng, tìm chân tâm, chúng ta phải đi từ huyệt Bá Hội nơi đỉnh đầu đi xuống,
và từ Ấn Đường nơi giữa hai làn mi đi vào. Giao điểm hai đường đó chính là Não
thất 3. Có lẽ vì thế mà các tượng Phật, Thánh Ấn Độ thường có những phương cách
đặc biệt để cho chúng ta chú ý đến đỉnh đầu và nơi giữa vầng trán…
Trong bộ Phật học đại tự điển, quyển đầu cũng có
ghi: «Từ giữa hai làn mi đi sâu vào 1 tấc là Minh Đường, 2 tấc là Động Phòng, 3
tấc là Nê Hoàn.»
C. NHỮNG HỆ QUẢ CỦA
QUAN NIỆM TRÊN
a. Hệ quả triết học
1. Trời là bản thể con người
Nếu Thượng Đế hằng ngự trị trong lòng ta, thì
Thượng Đế chính là căn cơ, gốc gác của ta, Thượng Đế chính là Bản thể của ta, là
Chân tính của ta.
Hiểu lẽ đó nên Mạnh Tử mới nói: «Tính người vốn
tốt.»
Mạnh Tử viết thêm:
«Thấu triệt lòng sẽ hay biết Tính,
Hay biết Tính, nhất định biết Trời.
Tồn tâm, dưỡng tính chẳng rời,
Ấy là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.»
(Mạnh Tử, Tận Tâm chương
cú hạ, I).
Cho nên Trời ví như là căn bản, nguồn gốc nhân
loại, quần sinh ví như là những cành lá, những dòng sông.
Trời là bản thể bên trong, nhân loại quần sinh là
những ứng dụng bên ngoài. Trời thì vi ẩn, nhân loại quần sinh thời hiển hiện,
nhưng đôi đằng mật thiết tương quan với nhau.
Chu Hi viết: «Thể dụng nhất nguyên, hiển vi vô
gián.»
«Thể với dụng cùng chung gốc rễ,
Hiển cùng vi khôn lẽ chia phôi.»
2. Luật Trời chẳng xa người
Nếu Trời chẳng xa được con người, thì làm sao mà
luật Trời xa con người được.
Kinh Thi viết:
«Trời sinh ra khắp chúng dân,
Vật nào phép nấy định phân rành rành.
Lòng dân sẵn có căn lành,
Nên ưa những cái tinh thành đẹp tươi.»
Thánh kinh Công Giáo nhiều lần đã long trọng xác
nhận rằng luật Trời đã ghi tạc trong thâm tâm con người.
Trong sách Deutéronome (Phục Truyền Luật Lệ ký),
khi truyền 10 điều răn cho dân Do Thái, Chúa phán:
«Thực vậy, lề luật mà ta truyền dạy ngươi hôm nay,
không có ở ngoài tầm kích ngươi. Nó không có ở trên Trời, để ngươi phải nói: ‘Ai
lên trời cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và được thi
hành.’ Nó cũng chẳng ở cách trùng dương để ngươi phải nói: ‘Ai sẽ vượt biển cả
cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và được thi hành, để
ngươi có thể đem thực hiện.’» (Deutéronome, 30, 11-14).
Jérémie viết lại lời Thiên Chúa: «Ta để luật ta
trong tầng sâu bản thể chúng, và sẽ viết luật ta trong đáy lòng chúng.»
(J’erémie, 31, 33-34).
Về phía triết gia, ta thấy Emmanuel Kant viết:
«Bầu trời đầy sao trên đầu ta và định luật luân lý trong lòng ta, đó là hai điều
càng ngày càng làm cho tâm hồn ta phải kính phục.» (Cf. P. Ch. Lahr S. J.,
Morale, p. 486).
Herder (Johann Gottfried von, (1744-1803), một văn
gia Đức, cũng chủ trương đại khái rằng: khuôn mẫu hoàn thiện chẳng lìa xa con
người, mà đã ghi tạc trong thâm tâm con người. Mẫu người hoàn thiện đã sẵn có
trong thâm tâm con người.
3. Con người có hai phần Chân
và Vọng
Vì Trời là căn cơ, là bản tính con người, vì trong
lòng ta có Trời, vì Trời là bản thể nhân loại, nên thánh hiền xưa nay thường
phân biệt hai phần chân và vọng trong con người.
Phần Chân thời thường hằng, bất biến.
Phần Vọng thời biến thiên, sinh tử.
Phần bất biến là Thiên, là Chân Tâm, Chân Ngã.
Phần biến thiên là Nhân, là Vọng Tâm, Vọng ngã.
Phần Chân thường, Chân Ngã nơi ta, người xưa gọi
là Bản Lai Diện Mục, là Cốc Thần, là Huyền Tẩn, là Tính, là Thần, là Đạo, là
Atman, là Cái đó (Giá cá) v.v…
Phần biến thiên phù phiếm nơi ta, thường được gói
ghém trong mấy chữ: Tấm thân «Tứ Đại giả hợp», và bao gồm hết tâm tình, tư lự,
tri giác, cảm xúc v.v… tất cả những yếu tố đó tạo nên con người thực tại và lịch
sử như chúng ta đây, những con người đang sống trong vòng biến thiên, hiện
tượng, đang còn chìm nổi trên trùng dương trần thế, bềnh bồng như thân phận cánh
bèo, lòng những ước mơ hạnh phúc mà thật ra chưa mấy ngày là được hưởng hạnh
phúc, thành thơi…
Thánh hiền xưa nay cốt chỉ cho con người thấy phần
Thiên bất biến, bất diệt nơi con người.
Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:
«Phụ mẫu sinh tiền một điểm linh,
Chẳng linh, vì đã kết thành hình.
Hình hài che khuất nguồn sáng láng.
Thoát hình âu sẽ vẹn tinh anh.»
4. Tìm ra được phần bất biến ấy
nơi con người, nhiên hậu mới lập được căn cơ tu trì vững chãi.
Tiến thêm một bước nữa, ta có thể suy luận như
sau:
Cái gì biến thiên, tức là có sinh, có tử, mà tâm
tư ta có biến thiên nên có sinh có tử.
Cái gì bất biến, hằng cửu, mới bất sinh, bất tử.
Mà chỉ có Trời mới bất biến, hằng cửu, nên chỉ có Trời mới bất sinh, bất tử.
Trang Tử, vì biết trong mình có phần Thiên, nên
mới dám nói:
«Ta và trời đất cùng sinh,
Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.»
Trời bất biến. Con người biến thiên. Đã biến thiên
thì không vĩnh cửu. Vậy con người muốn vĩnh cửu, muốn trường sinh bất tử, phải
kết hợp với Trời, nhân tâm phải kết hợp với Đạo tâm. Trường sinh bất tử không
phải là một dữ kiện (fait donné) mà là cả một công trình phải thực hiện (oeuvre
à réaliser).
Chính vì thế mà đạo Lão mới nói: «Dục cầu nhân bất
tử, Tu tầm bất tử nhân.»
欲
求
人
不
死,
須
尋
不
死
人.
«Muốn cho người được trường sinh,
Phải tìm ra đấng huyền linh, trường tồn.»
(Tiên
Học, tr. 2)
Hoặc chủ trương: Tâm tử, Thần hoạt.
心
死
神
活
(Tâm chết để Thần sống.)
Phật giáo cũng chủ trương rằng nếu có cái chân
thường mà chắt chiu ôm ấp cái biến thiên, ấy là làm một công chuyện vô ích, xét
về phương diện siêu nhiên.
Thủ Lăng Nghiêm viết:
«Phật bảo Anan: Từ muôn kiếp tới nay, chúng sinh
bị lao lung, điên đảo, các nghiệp chướng sinh ra đầy dẫy như trái ác xoa. Còn
những người tu hành chẳng thành được vô thượng bồ đề, lại thành ra những bậc
thanh văn duyên giác, các thứ ngoại đạo, các trời và ma vương, ma quyến, đều là
vì không biết hai thứ căn bản, tu luyện cuồng xiên, thác loạn, y như đòi nấu cát
thành cơm, thì có đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng được.»
Thế nào là hai thứ căn bản? Hỡi Anan: Một là căn
bản sinh từ muôn kiếp, y như nay người và chúng sinh lấy tâm vọng tưởng (tâm
phân duyên) làm tự tính.
Hai là căn bản «Vô thủy Niết Bàn nguyên thanh tịnh
thể đó ở nơi người, chính là «thức tinh nguyên minh» có thể sinh ra vạn duyên
vạn sự, mà đã bị trần duyên làm mất bỏ.
Cũng vì chúng sinh đã bỏ mất cái căn nguyên sáng
láng ấy cho nên hằng ngày tuy vẫn luôn dùng, mà chẳng tự biết được nó; rồi ra,
lặn lộn đắm đuối vào các thú vui uổng phí cả đời.
Bỏ cái nguyên thường, trường cửu mà theo cái vô
thường biến dịch, coi vọng tưởng mà lầm là «chân tính» của mình, thì khác nào
nhận giặc làm con, làm sao thoát khỏi luân hồi, khổ ải?
Phật bảo Anan: «Cái đó là vọng tưởng do lục trần
bên ngoài mà sinh, nên gọi là vọng tưởng. Nó làm hoặc loạn chân tính con người.
Bởi vì từ xưa tới nay, ngươi nhận giậc làm con, bỏ mất tính chân thường của
ngươi, nên ngươi bị luân chuyển.»
Làm sao mà phân biệt được chân tâm, vọng tâm nơi
con người?
Phật cho rằng cái gì từ bé đến già mà không thay
đổi là chân tâm.
Theo đà thời gian tuế nguyệt, đầu ta bạc, mặt ta
nhăn, nhưng cái chân tâm ấy chẳng hề nhăn chẳng hề bạc.
Mà đã không nhăn, không bạc, không biến, thì làm gì có sinh có diệt. Suy ra
trong con người cái gì bất động, bất biến là Chân tâm.
Đã bất biến, thường trụ thời là chủ nhân; đã trừng
tịch, bất động thời là Không.
Trái lại cái gì thay đổi biến thiên trong con
người, cái gì giao động, thì là vọng tâm. Mà đã giao động, thì chẳng qua là trần
ai, hay là khác qua đường mà thôi.
Cho nên vọng tâm chính là hiện tượng, sẽ bị sinh
diệt, còn chân tâm mới là bản thể bất sinh, bất diệt.
Bỏ mất bản tâm, mà lại nhận duyên trần, nhận vật
làm mình, nhận giao động, biến thiên làm chân tâm, chân cảnh, thì làm sao mà
chẳng bị quay cuồng trong ngọn lốc luân hồi, lưu chuyển?
Không ý thức được quan niệm căn bản ấy, đã mất
chân tâm, bản tâm rồi, thì dẫu có đem thân xuất gia, lòng vẫn chẳng nhập đạo,
chẳng khác gì đứa con bỏ nhà cha ra đi, ắt bị lao lung, khổ ải. Tu trì như thế
làm sao mà chứng quả được, cũng ví như nghe người nói chuyện uống ăn, thì làm
sao no được.
Tóm lại, ôm ấp, chắt chiu cái biến thiên, hủ hoại,
mong ước cho nó được trở nên thường hằng, bất hủ, bất hoại, là muốn đi ngược lại
định luật của trời đất, cũng y như là muốn cho má không nhăn, đầu không bạc,
răng không rụng, để mà xuân mãi với thời gian.
Xưa nay, nào có phấn son, hương sắc nào mà không
mờ phai cùng với quang âm, tuế nguyệt?
Nói cách khác: Gieo nhân nào thời được quả ấy.
Nếu chúng ta lựa những hạt giống phàm phu, tục tử
mà gieo giống thì chúng ta chỉ gặt hái được phàm phu, tục tử.
Nếu chúng ta tìm được những hạt giống Trời, Phật,
Thánh, Thần mà gieo giống, thì chúng ta sẽ chứng được những quả Trời, Phật,
Thần, Thánh.
Xưa nay chưa từng ai cho ấp trứng gà mà lại nở ra
con phượng bao giờ.
b. Hệ quả đạo giáo
1. Kính sợ Trời tiềm ẩn đáy
lòng
Nếu Trời ngự trị trong lòng chúng ta, nếu chúng ta
biết Trời soi xét tâm can chúng ta hằng phút hằng giây, tự nhiên chúng ta sẽ
kính úy, sẽ thay đổi tính tình, sẽ cố ăn ở cho trang trọng, sẽ không còn dám làm
điều sằng bậy.
Người xưa âu đã biết điều này nên mới nói: «Hoàng
Thiên bất khả khi.»
黃
天
不
可
欺.
Hoặc:
«Nhân gian tư ngữ, Thiên văn như lôi, Ám thất khuy
tâm, Thần mục như điện.»
人
間
私
語
天
聞
如
雷
暗
室
虧
心
神
目
如
電.
«Nhân gian thầm thì với nhau,
Trời nghe mồn một ngỡ đâu sấm rền.
Phòng riêng lòng trạnh nỗi niềm,
Trời nhìn tỏ rõ như in chớp lòa.»
Có biết kính úy, thời mới bước được vào con đường
tu trì, tu thân, tiến đức thực sự.
Luận Ngữ viết: «Tu kỷ dĩ kính.»
修
己
以
敬
(Kính để sửa mình) (Luận Ngữ 14, 15).
Sách Écclésiastique viết: «Sự kính sợ Trời là khởi
điểm cho sự khôn ngoan.» (Eccl. 1, 14).
2. Trọng kính mọi người, thương
yêu mọi người
Nếu ta tin rằng có Trời tiềm ẩn trong lòng mỗi một
người, tự nhiên ta sẽ đem lòng kính trọng đồng loại, bởi vì mọi người đều là
những đền thờ sống động của Thượng Đế.
Vì thế mà người quân tử «ra khỏi nhà thì trang
trọng như đón khách quí, đối với dân, thì kính cẩn như đang cử hành đại lễ.»
(Luận Ngữ, XII, 2).
Người Á Châu có lẽ đã sớm hiểu biết rằng Trời
chẳng xa người, rằng đồng loại là trọng, nên hết sức kính trọng người khác.
Khảo phong tục dân Việt, dân Ấn, dân Tàu, dân
Nhật, đâu đâu ta cũng thấy có phong tục trọng khách, và lấy sự lễ độ làm giường
mối cho mọi công cuộc giao tiếp.
Đằng khác, nếu nhận định rằng Trời là bản thể con
người, thì chúng ta hoàn toàn giống nhau trên phương diện căn cơ, bản thể, trên
phương diện lương tâm, mà chỉ khác nhau về tuổi tác, địa vị hoàn cảnh, màu da,
sắc áo, v.v. Tóm lại xét về Bản thể, chúng ta đều là một.
Nghĩ thế cho nên chúng ta phải có bổn phận coi mọi
người như anh em và có nhiệm vụ bác ái đối với mọi người.
Khẩu hiệu «Tứ hải giai huynh đệ» phải được nhân
loại càng ngày càng đề cao và thực thi đến triệt để.
Mới hay:
«Hoàn cầu phục vụ con người,
Con người nay trước, con Trời mai sau.
Nội tâm cố tiến vào sâu,
Cửa Trời dần mở, cơ mầu dần hay.
Chớ còn gàng quải đó đây,
Ngoài tuy muôn nước trong nay một nhà.
Thiên sơn, vạn thủy băng qua,
Muôn người như một thái hòa khắp nơi.»
3. Đi sâu vào đáy lòng để tìm Đạo tìm Trời
Nếu Trời đã ở trong lòng ta, thì con đường gần
nhất để tìm Trời, tìm Đạo, chính là đi sâu vào đáy lòng để mà tìm kiếm.
Tu trì chính là biết tập trung tư tưởng, biết gạn
đục, khơi trong tâm hồn, để cho «tam hoa qui đỉnh, ngũ khí triều nguyên»
cho mọi sự trở về căn nguyên đích thực của nó ở thấu 3, để cho lòng người phối
hợp với lòng Trời.
Chính vì thế mà Mạnh Tử mới viết: «Đạo ở gần, mà
cứ tìm ở xa.» (Mạnh Tử, Ly Lâu thượng, câu 2).
Thánh kinh Công giáo viết: «Nước trời ở trong anh
em.» (Luc, 17, 21).
Emmanuel Svedenborg nói: «Trời ở bên trong chứ
không phải ở bên ngoài chúng ta.»
Albert le Grand nói: «Lên cùng Thượng Đế tức là
trở về với lòng mình. Ai mà vào được tới đáy lòng mình, sẽ tự vượt, để đạt tới
Thượng Đế.»
Mạnh Tử viết:
«Cả vạn vật ở trong ta đó,
Quay về ta, ta cố tinh thành.
Kiện toàn hoàn thiện tinh anh,
Vui nào hơn được vui mình đang vui.»
Môn phái khất sĩ Bauls ở Ấn Độ cũng chủ trương như
vậy. Họ tha thiết đi tìm Trời, nhưng là đi tìm Trời trong lòng con người chớ
không phải trong đền thờ, miếu mạo.
Họ cho rằng: Vũ trụ này được tạo dựng có mục đích
là để cho Vô Cùng được thể hiện trong Hữu Hạn. Mà sự thể hiện này không phải sẽ
thấy trên bầu trời đầy sao, mà sẽ thấy trong tâm hồn con người.
Họ cũng quan niệm rằng: Con người sở dĩ không
trông thấy Thượng Đế ngự trong lòng họ, vì họ bị choáng lòa bởi vọng tâm, vọng
niệm, vọng ngã. Họ không biết có Thượng Đế trong họ, vì họ chỉ quan tâm đến tiểu
ngã, vọng ngã, đến vật chất, ngoại cảnh, đến những thú vui trần tục.
Maitri Upanishad viết:
… Tâm thường có hai chiều, hai vẻ,
Vẻ phàm phu và vẻ thanh cao.
Phàm phu dục vọng rạt rào,
Thanh tao vì chẳng xuyến xao tâm thần.
Lòng cố giữ thập phần tĩnh lãng,
Đừng ù lì phá tán lòng ai,
Hòa đồng hiệp nhất với Trời.
Ấy là tuyệt diệu trên đời mấy ai.
Lòng chớ để pha phôi, lạc lõng,
Tội tình chi lóng ngóng đông tây,
Đáy lòng giải thoát là đây,
Giác minh vô tận ở ngay đáy lòng.
Hãy cố gắng tập trung thần trí,
Thời oan khiên, phiền lụy tiêu tan.
Hòa đồng phối hợp Atman,
Ấy là hạnh phúc muôn ngàn tả sao?
Diễm tuyệt ấy lời nào tả xiết,
Chỉ tâm thần mới biết mới hay.
Nước kia nước nọ hòa hài,
Lửa phừng trong lửa ai người biện phân?
Khí pha khí, ai lần manh mối?
Đã hiệp rồi khó nỗi chia ly,
Tâm thần mà nhập huyền vi,
Thời thôi trần cấu còn chi bận lòng.
Lỡ giải kết ở trong hoàn võ,
Đều do tâm dây rợ mối manh.
Lụy là bám víu sự tình,
Tâm không lụy vật đã đành thần tiên.
(Maitri Upanishad,
6, 34).
Lĩnh hội vi ý sách Bồ Đề Đạt Ma huyết mạch
luận, ta có thể tóm tắt tư tưởng của Ngài Bồ Đề Đạt Ma như sau:
Chân tâm bao quát đất Trời,
Xưa nay chư Phật chẳng rời chân tâm,
Chẳng cần lập tự, lập văn,
Trước sau chư Phật tâm tâm tương truyền.
Tâm ta gồm mọi nhân duyên,
Mọi đời sau trước, mọi miền gần xa.
Tâm ta là chính Phật đà,
Phật đà ở tại tâm ta chẳng ngoài.
Niết Bàn, Viên giác, Như Lai,
Ngoài tâm tìm kiếm công toi ích gì,
Ngoài tâm tìm kiếm được chi,
Niết bàn đâu có lối về ngoài tâm.
Tự tâm chí chính, chí chân,
Tự tâm là Phật, Tự tâm niết bàn.
Ngoài tâm tìm kiếm đa đoan,
Tay không bắt gió mơ màng hư vô.
Tâm ta tạo Phật cho ta,
Bỏ tâm tìm Phật hỏi là tìm đâu?
Phật Tâm, Tâm Phật trước sau,
Ngoài tâm tìm Phật hỏi sao chẳng lầm.
Cho nên phải biết hồi tâm,
Nội quan quán chiếu mà tầm siêu linh.
Bản lai diện mục của mình,
Muốn tìm thời phải ly hình nhập tâm…
Mượn ý kinh Kim Cương và Bồ Đề Đạt Ma
huyết mạch luận, ta có thể phác họa phương pháp tu thân, minh tâm kiến tính
thành Phật như sau:
Hãy rũ bỏ phù vân sắc tướng,
Hãy cố tìm vô thượng Bồ Đề.
Niết Bàn muốn rõ nẻo về,
Đừng nên chấp trước đam mê lụy trần.
Con đường giải thoát nội tâm,
Cố suy, cố nghĩ, cố tầm cho ra.
Vọng tâm cố vén mây mù,
Băng qua hình tướng, vào tòa Như Lai.
Nơi vô trụ là nơi an lạc,
Pháp Vô vi là pháp thánh hiền
Chớ đừng dính líu sự duyên,
Đừng đem thanh sắc mà phiền Như Lai.
Hãy nhớ kỹ hình hài sắc tướng,
Đều một tuồng mộng tưởng mau qua,
Đầu là bào ảnh quang hoa,
Sương vương ngọn cỏ, chớp lòa chân mây.
Như Lai chẳng ở đây ở đó,
Chẳng đi đâu, chẳng có đến đâu,
Như Lai ở sẵn lòng sâu,
Vào sâu tâm khảm mà cầu Như Lai.
Đạo Lão cũng chủ trương muốn tìm Trời, tìm Đạo,
phải tìm nơi tâm điểm của đầu não.
Thái ất kim hoa tông chỉ viết đại khái như
sau:
«Ta nay truyền dạy Đạo Trời,
Nương theo Dịch lý dạy người điểm Trung.
Huyền quan ở chính giữa lòng,
Giữa chừng Tí Ngọ khơi dòng thần tiên.
Hồi quang soi tỏ căn nguyên,
Căn nguyên rạng rỡ, ước nguyền thỏa thuê.
Đạo Cao Đài cũng dạy:
Đạo ở trong người chẳng phải xa,
Đừng nên tìm kiếm khắp ta bà.
Tâm linh lúc ẩn khi bày hiện,
Mặc mặc tham thiền sẽ lộ ra.
Đại Thừa chân giáo viết:
Chớ nên ẩn núp núi xa,
Xưa nay các đạo hiểu ra rất lầm.
Đạo đâu? Đạo ở nơi tâm,
Thì đâu có phải kiếm tầm đâu xa ?
Tóm lại nếu biết rằng trong lòng ta có Trời, thì
chúng ta đã tìm thấy được con đường tìm đạo, tìm Trời giản dị và gần gũi nhất.
Nếu thực tình chúng ta có thiện tâm, thiện chí
muốn tìm Đạo, tìm Trời, chúng ta phải đi sâu vào nội tâm mà tìm Trời, tìm Đạo.
Trời không phải là một chuyện bán mua, quảng cáo nơi ngã ba, đầu chợ. Nước Trời
chẳng có đến rộn rã trong rước sách trống chiêng, mà đến âm thầm, mà đã ẩn tàng
ngay trong tâm hồn ta.
Vậy muốn tìm ra chân sư, bày tỏ cho mình các lẽ
huyền vi, chỉ giáo cho mình phương pháp tu luyện trường sinh bất tử, ta phải như
Tề Thiên Đại Thánh tìm về Phương Thốn Sơn, tìm tới Tà Nguyệt Tam Tinh động, mà
Phương Thốn Sơn chính là tấc lòng ta, mà Tà Nguyệt Tam Tinh Động chính là tâm ta
viết bằng «nửa vành trăng khuyết và ba sao giữa Trời».
Đi vào nội tâm, gạt cho hết mây mù dục vọng tăm
tối, không sờn lòng, không lui gót, chắc chắn có ngày chúng ta sẽ thấy Thời,
thấy Đạo hiện ra rực rỡ giữa tâm hồn ta. Khi ta đã đạt được mục phiêu cao diệu
ấy ta sẽ thấy thánh hiền sau trước chẳng hề có sai ngoa, và các đạo giáo cũng
không có bí quyết gì cao diệu hơn được.
4. Mục đích công cuộc tu trì là
phối hợp với Thượng Đế
Trời ngự trong lòng con người là một biểu dương
tột độ của tình yêu Thượng Đế đối với nhân loại. Nhân loại nếu nhận ra được sự
kiện này sẽ kính mến Thượng Đế hết lòng hết sức. Mà tình yêu sẽ đưa đến chỗ hòa
đồng, hợp nhất.
Cho nên mục đích của công cuộc tu trì chính là đã
đi đến chỗ thần thánh hóa con người, đi đến chỗ Phối Thiên.
Sách Thần học Đức nói: «Nếu có ai hỏi bạn thế nào
là một thần nhân, bạn sẽ trả lời: Đó là người sáng láng rực rỡ bởi ánh sáng
thiên chân vĩnh cửu, đó là người nồng cháy lửa yêu đương Thượng Đế.»
Nho Giáo cho rằng tu là để đi đến chỗ «Duy tinh,
duy nhất, doãn chấp quyết trung» ! Mà ta tạm dịch như sau:
Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,
Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.
Như vậy muốn phối hợp với Thượng Đế, con người
phải hoàn toàn rũ bỏ lòng phàm.
Người xưa gọi thế là «Tận nhân dĩ hợp Thiên» hay
«Tâm tử thần hoạt» (Hồn chết đi cho Thần sống động).
Tiên Nho còn cho rằng phải đi cho tận nhân đạo rồi
mới lên tới Thiên đạo (Tận nhân đạo tắc Thiên đạo chí). Lên tới Thiên Đạo tức là
đạt đạo Trung Dung là Phối Thiên. Như vậy Phối Thiên là thoát nhân tính, mặc lấy
Thiên tính.
Abu-Yazid một vị thánh Hồi Giáo nói: «Tôi đã gặp
Chúa huyền năng trong giấc mộng và hỏi Ngài: «Đường nào đưa tới Chúa.» Ngài trả
lời tôi: «Hãy trút bỏ ngã chấp và hãy vươn lên.»
Yazid Bastami, một thánh nhân Hồi Giáo khác nói:
«Tôi rũ bỏ hết hồn tôi, như con rắn lột xác, rồi tôi nhìn bản thể của tôi, và
khi ấy ‘tôi’ chính là ‘Ngài’.»
Ấn Giáo cũng cho rằng công phu tu luyện cao siêu
nhất được kết hợp với Atman, với Thượng Đế.
«Từ nay âu đã thành Thần,
Từ nay mơ ước hồng trần tiêu tan.
Người Phàm nay đã siêu phàm,
Lòng trần nay đã biến sang lòng Trời.»
Đạo Cao Đài cũng chủ trương:
«Tu là học để làm Trời,
Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.»
D. TỔNG
LUẬN
Biết được rằng trong lòng mình có Trời, có Đạo, là
tạo cho mình được một kho tàng quí báu vô cùng tận.
Khi đã giác ngộ được điều cao đại này, chúng ta sẽ
thấy trong lòng bùng lên một niềm phấn khởi vô biên, thấy đời sống có một ý
nghĩa vô cùng cao đại, thấy định mạng con người thật là hết sức sang cả.
Chính vì trong con người có phần Trời, nên bất kỳ
ai cũng có những khát vọng siêu nhiên, nên đạo giáo nào cũng muốn đem Trời lồng
vào trong tâm hồn con người, hoặc bằng phương pháp tu trì, tĩnh tâm giác ngộ,
hoặc bằng các lễ nghi, bí tích bên ngoài.
Vì người chẳng thể xa Trời, cho nên các đạo giáo,
đã luôn luôn bắc nhịp cầu nối kết Trời với Người, Người với Trời, nối kết Bản
thể với Hiện tượng, Hằng Cửu với Biến Thiên, Đại Ngã với Tiểu Ngã, Chân Tâm với
Vọng Tâm. Lời lẽ tuy khác nhau, nhưng nội dung, ý nghĩa chỉ là một.
Vì Trời vốn hoàn thiện nên con người có bổn phận
tiến tới hoàn thiện.
Tất cả những lời huấn dụ, tất cả những giới răn,
những giác điều, qui điều đều có mục đích đưa dần con người tới hoàn thiện.
Có tiến tới hoàn thiện, mới giác ngộ được căn bản
tuyệt vời của mình, mới thực hiện được định mạng cao siêu của mình là phối hợp
với Thượng Đế.
Dịch kinh viết:
Cơ Trời biến hóa vần xoay,
Làm cho vạn vật thêm hay thêm tình.
Kiện toàn tính mệnh của mình,
Giữ gìn toàn vẹn tính lành Trời cho.
Thế là ích lợi không bờ,
Thế là vĩnh cửu, thế là lợi trinh.
Đã có sẵn mầm mống cao đại, mầm mống hoàn thiện
trong người, dĩ nhiên chúng ta có bổn phận phát huy và triển dương cái mầm mống
hoàn thiện, cao đại ấy cho nó được phát triển đến chỗ chí cùng, chí cực.
Thâm tâm sẵn có tính Trời,
Di luân, trung chính muôn đời y nhiên.
Khi tung, vô tận, vô biên,
Khi thu, ẩn áo im lìm tiếng tăm.
Nguồn cơn rõ lẽ biến hằng,
Kính tin rồi mới thành thân, thành người.
Thanh cao người lẫn bóng Trời,
Âm Dương biến hóa ngược xuôi khôn cùng…
Sài gòn, ngày 30/3/1971.
4 tháng 2 năm Tân Hợi.
CHÚ
THÍCH
|