Đường vào Triết học và Đạo học

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 8

BÀN VỀ CHÂN LÝ

 

Đối với những người «có đức tin», thì chân lý là cái gì chắc như cục gạch. Mà đã tin rồi, thì đến chết, thì dù chết vẫn còn tin.

Dù ai nói Đông, nói Tây,

Ta đây cũng vững như cây giữa rừng.

Dù ai nói ngả, nói nghiêng,

Thì ta cũng vững như kiềng ba chân!.

 Thế nhưng đối với những hạng «ăn không, ngồi rồi» như các triết gia, thì chân lý lại xổng như hoãng, lẩn như trạch. Mỗi chỗ, mỗi đạo, Chân lý lại đeo một mặt nạ hóa trang mới. Pontius Pilatus, trong cuộc chạm trán với Chân Lý, với đấng tự xưng: «Ta là Đường, là Sự Sống, là Chân Lý.» (John, 14:6), lại dám ngạo nghễ đặt vấn đề: «Chân lý là gì?» (John,18:38) Lạ lùng thay câu hỏi này đã chẳng được Hiện thân Chân Lý trả lời. Tuy nhiên Ngài cũng cho biết trong một trường hợp khác rằng: «Chân lý sẽ làm cho chúng ta được tự do.» (John 8,32). Nữ sĩ Tùng Long, trong một cuộc đàm đạo với tôi, đã nói: «Có nhiều điều ở xa, tưởng là chân lý; đến gần xem, lại thấy không còn là chân lý nữa.» Câu nói này làm tôi suy tư rất nhiều. Thực vậy, có điều thì vùng này cho là «chân», vùng kia lại cho là «ngụy»; thời này cho là chân, thời khác lại cho là ngụy. Pascal đã phải nói: «Bên này dãy núi Pyrénées là chân, bên kia lại cho là ngụy.» Có điều Tây cho là Chân; Đông lại cho là Ngụy, v.v... Nhân loại xưa nay cứ như vậy mãi mãi, cứ luôn luôn «sư bảo sư phải; vãi nói vãi hay.» Khẩu chiến không đủ, lại bút chiến; bút chiến chưa hả, quay sang chém giết lẫn nhau, không phải là một vài giờ, mà là trải nhiều năm tháng. Công giáo đã so gươm với Hồi giáo trải qua năm cuộc thánh chiến (1096–1099; 1147–1149; 1189–1192; 1202–1204; 1216–1217); so gươm với Tin Lành cũng khoảng mấy chục năm. Mãi đến thỏa ước Augsburg (1555), đôi bên mới chấp nhận thế da beo, qui thành những vùng Công giáo riêng, và Tin Lành riêng.

 

TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐOÁN ĐỊNH CHÂN LÝ

Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn để đoán định thế nào là Chân Lý.

1.- Chân lý phải được xây dựng trên các lời Thánh Kinh, vì Thánh Kinh là Lời Chúa; mà Lời Chúa thì không sai.

2.- Phải được 12 Tông Đồ truyền lại. Kinh Tin Kính mà các giáo hữu Công giáo thường đọc, tương truyền là do các Tông đồ truyền lại. Nhưng thực ra nó mới được thành hình vào khoảng thế kỷ thứ tư, và hoàn tất vào năm 1543. [1]

3.- Nó phải được các thánh Giáo Phụ (nghĩa là những vị Thánh Công giáo trong những thế kỷ đầu tiên) tin và giữ như Clement, Ignatius, Polycarp, Justin, Irenaeus, Athanasius, John Chrysostom, Cyril, Basil, Gregory of Nyssa, Ambrose, Augustine, Tertullian rao giảng, v.v...

4.- Nó phải được các Công đồng Giáo hội tuyên xưng. Có 21 Công đồng lớn từ trước tới nay: I Nicene (325); I Constantinople (381); Ephesus (431), Chalcedon (451); II Constantinople (553); III Constantinople (680); II Nicea (787); IV Constantinople (869); I Lateran (1123); II Lateran (1215); III Lateran (1779); IV Lateran (1215); I Lyon (1245); II Lyon (1274); Vienne (France) (1311); Constance (1414- 1418); Basel (1431); V Lateran (1512- 17); Trente (1545- 63); I Vatican (1869 - 1870); II Vatican (1963- 65)...

5.- Nó phải được Giáo hội dạy tuân giữ.

6.- Nếu có thể, nó phải được mọi người chấp nhận (hominum consensus).

Nói nghe thì to tát như vậy, nhưng chung qui vẫn là: Chân lý là cái gì do Giáo hội chỉ dạy.

Giáo hội mới là cơ quan đoán định tối hậu, quyết định tối hậu.

Về phương diện Thánh kinh, Giáo hội đã quyết định sách nào là Thánh kinh.

Ví dụ trường hợp Thánh Kinh cũ: Giáo hội Công giáo đã có thêm nhiều sách mà Do Thái Giáo, hay Tin Lành không có, hay không chấp nhận là Thánh Kinh. Ví dụ như: Esther; Judita; Tobya; Macabê I & II; Khôn ngoan; Huấn ca (Ecclesiasticus); Baruch 1- 5; Baruch 6; nhiều chương nhiều đoạn của sách Daniel (xem Daniel 3: 24- 90.- Daniel 13; Daniel 14).

Công giáo cho những quyển trên là Chân thư. Tin Lành cho đó là Ngụy thư. Và nếu chúng ta có trong tay một quyển Thánh Kinh, dở ra xem, thấy có sách Macabê chẳng hạn, chắc chắn là Thánh thư Công giáo; nếu không có, chắc chắn là của Tin Lành.

Trong số gọi là Tân ước cũng đã được tuyển lựa từ một số lớn sách. Những quyển không được Giáo Hội lựa là Tân ước, nay trở thành những Ngụy thư như: Phúc âm người Do Thái; Phúc âm Phêrô; Phúc âm thời thơ ấu (của Chúa); Công vụ Paul và Thecla; Công vụ John; Công vụ Thomas; Khải Huyền Phêrô. Mới hay sách vở cũng như con người có may, có rủi. «Để thì là hòn đất, cất thì thành ông Bụt.» Đúng là:

Thời lai, phong tống Đằng vương các,

Vận khứ, lôi anh tiến phúc bi.

Dịch:

Lúc may, gió thổi lầu Đằng tới,

Vận bĩ, bia chôn sấm cuốn đi...

Cho mãi tới khoảng năm 180, thì toàn bộ Kinh thánh mới chỉ mới có là 22 quyển. Đến năm 326, nhờ uy thế của thánh Athanasius, toàn bộ tân ước lên tới 27 quyển như ngày nay. [2]

Mới hay, thời gian có một uy lực vô biên. Và con người cũng có một quyền lực vô biên không kém!

Giáo hội chẳng những quyết định đâu là Thánh kinh, mà còn giữ độc quyền tùy thời giải thích Thánh kinh, cắt nghĩa Thánh kinh theo đường hướng thuận lợi cho mình.

Ví dụ như xưa kia, khi khoa học chưa tiến bộ, thì Giáo hội cho rằng những điều Kinh Thánh dạy về sự tạo dựng nên vũ trụ, và con người, là sự kiện lịch sử; là chân lý hoàn toàn. Trời đất thực sự đã được tạo dựng nên trong vòng 7 ngày. Ngày thứ hai, Chúa thực sự đã dựng nên một «vòm trời» cong cong, và chắc chắn, giống như vòm trần của Convention Center ở Anaheim. Cái vòm đó gọi là trời (Genesis 1:6- 7). Vòm đó có đục những cửa, có gắn thêm những cửa như là những cửa đập nước. Nước phía trên vòm, thường thì không đổ xuống, trừ khi Trời muốn làm lụt cả, lúc ấy mới mở các cánh cửa đập trời ra (Genesis 7; 11- 12), và mưa mới đổ xuống như thác lũ (Gen. 7: 12). Trên vòm trời đó đã gắn những vì sao; và hai ngọn đèn trời, là mặt trăng mặt trời, thì đi lại trên đó để sáng soi cho trái đất (Gen. 1: 15- 19.- Josuah,10: 10- 15). Vòm trời đó có nhiều cột chống, và mỗi khi Chúa thịnh nộ thì thảy đều rung chuyển  (Job 26:11). Trái đất thì đứng y nguyên tại chỗ (Ecclesiastes 1:4), và cũng có nhiều cột chống đỡ (Job, 9:6; Psalm 75 (74):4). Đất phẳng và có bờ, có mép.

Trời có thể «cầm bờ, cầm mép» đất đó mà lắc, mà rung chuyển đất, cho kẻ dữ phải sợ hãi...(Job, 38: 13).

Trời, đất, người và vạn vật đã được tạo dựng nên khoảng vào năm 4004 trước C.N.

Galileo (1564–1641), là người đầu tiên chủ trương trái đất quay quanh mặt trời, đã bị Giáo Hội trừng phạt, vì dám nói sai Thánh Kinh. Nhưng càng về sau, khi mà Darwin ra đời, khi mà khoa học bắt đầu dùng đủ mọi phương pháp đào bới, xới lộn đất đai để khảo về cổ sinh vật; khi mà họ đã dùng mọi phương pháp tối tân, để chứng minh thái dương hệ đã có từ nhiều tỉ năm; vạn vật đã có từ nhiều triệu nay, thì Giáo hội lui về thế chống đỡ. Thoạt đầu thì cắt nghĩa lại chữ Yôm. Chữ Yôm không còn được cắt nghĩa là «Ngày» như xưa nữa, mà phải hiểu là một «thời kỳ địa chất», tức là nhiều triệu năm. Sau cùng, thấy lối giải thích đó cũng không ổn, [3] các vị lãnh đạo Giáo hội đã có một chủ trương mới mẻ rằng: Các tác giả các thánh thư không có ý dạy về khoa học, mà chỉ có ý cứu rỗi nhân loại, nên nhiều khi các Ngài cũng dùng những kiểu nói bóng bảy của dân gian, [4] và ủy ban nghiên cứu Thánh Kinh cho rằng ba đoạn đầu Sáng Thế Ký không có tính chất khoa học chính xác, mà chỉ là nói theo sự nhận biết của dân gian đương thời. [5] Đúng là chủ trương «lý, sự vô ngại; sự sự vô ngại» của Phật giáo, và như vậy chân lý hết sức là uyển chuyển, biến thiên.

Dở Kinh Thánh ra ta thấy luôn luôn là Trời phán thế này, Trời phán thế nọ. Có điều rất lạ là khi thì Chúa nói rằng ai mà thấy mặt ta thời sẽ chết (Exodus 33: 18- 24); khi thì lại cho Moses thấy mặt (Exodus,33:11), cho dân Do Thái thấy mặt (Deuteronome 5:4); khi thì lại cho Jacob thấy mặt (Genesis 33:31), mà chẳng bắt ai phải chết cả. Ngài hứa chính tay sẽ khắc lại 10 điều răn trên bia đá (Exodus 34:1), nhưng sau đó không biết làm sao, Ngài lại sai Moses chép Mười điều răn (Exodus, 34: 27- 28). Xem như vậy, thì Chúa cũng rất là uyển chuyển, và hết sức là «dơ cao, đánh sẽ», y như người cha ở gian trần này.

Có điều lạ là trong khi bên trời Âu, thì nói Chúa phán thế này, Chúa phán thế nọ, thì ông Khổng bên trời Đông lại cứ tuyên bố: «Thiên hà ngôn tai 天 何 言哉 (Trời có nói gì đâu! – Luận ngữ, Dương Hóa XVII, 18).

Bên trời Âu, nhờ quyền uy của Giáo hội Công giáo, mà «đức tin» đã bất biến trong vòng 15 thế kỷ. Thế nhưng rồi Luther ở đâu lừng lững tiến ra. Ông không chấp nhận quyền Giáo Hoàng và Giáo Hội. ông chỉ biết theo tiếng lương tâm, và tin vào sách Thánh. Giáo Hội Công Giáo gọi ông ra trình diện tại Hội nghị Worms năm 1521, và bắt ông phải trừu lại mọi lời ông đã tuyên bố. Ông khẳng khái trả lời: «Lương tâm tôi bị chi phối, bị chinh phục bởi lời Thiên Chúa. Tôi không thể phản lại lời tôi, vì đi ngược lương tâm thì đâu có tốt, có hay. Đây tôi đây, tôi chẳng làm gì khác được. Xin Chúa giúp tôi. Amen!» Thời ấy mà dám tuyên bố như vậy, là ký vào bản án tử hình của mình. Thế mà Luther đã dám làm. Thật là hào hùng! Thật là khẳng khái! Và chỉ trong vòng ít năm trời, ông đã có hàng vạn, hàng triệu người theo. Thật là hết sức lạ lùng. Và từ ấy, bên trời âu, có thêm một tôn giáo mới: đó là đạo Tin Lành...

Đạo Do Thái, đạo Công giáo, đạo Hồi đều cho rằng Chúa hay Allah cũng đều là một Chúa. Nhưng Do Thái tin rằng Yavê là duy nhất. Ngài không bao giờ có đến Ba Ngôi, và viện dẫn vô số lời Thánh Kinh để bảo vệ lập trường mình (Deuteronomy, 6:8; Isaia 45: 5; 45:6; 45: 21; 44: 6- 7; 44:24; 43:11- 13; 40: 25- 26, v.v...). Do Thái cũng không có ý niệm rằng tội tổ tông có thể truyền cho cả loài người, và khiến cho con người bị trừng phạt muôn đời, và viện dẫn lời Thánh Kinh cho rằng Chúa chỉ phạt ba đời (Deuteronomy 4: 9), hoặc một đời (Ezechiel 18:. 2- 4). Do Thái cũng không bao giờ tin rằng Chúa Jesus là đấng Cứu thế, vì từ khi có đạo Công Giáo, dân Do Thái đã bị cơ cực, đốn mạt hết sức, thay vì là nếu có đấng Cứu thế giáng trần, thì Do Thái sẽ được vinh quang, hiển hách, như lời Thiên Chúa đã phán xưa (Jeremiah, 23: 5- 6). Và dân Do Thái muôn đời vẫn là dân riêng của Thiên Chúa (Jeremiah, 33:19- 26).

Đối với Công giáo, thì Chúa 3 ngôi là niềm tin cốt tủy; tội tổ tông, và chuyện Chúa giáng trần cứu chuộc là một niềm tin cốt tủy. Họ cho rằng đạo Do Thái – mà theo thánh kinh, thì đạo Do Thái là chính Chúa Trời lập ra – là một thứ đạo lạc hậu, không cần thiết nữa, vì chính Chúa giáng trần đã lập ra đạo mới.

Đạo Hồi giáo, cũng rất kính trọng Chúa Jesus,, nhưng chỉ coi Ngài là một vị tiên tri, nhưng tiên tri thua kém Mohammed. Mohammed mới là tiên tri đệ nhất hạng. Chúa Allah là duy nhất không thể nào có con, có cái (Koran, Sura 2, 116). Một ngày 5 lần, người giáo hữu Hồi Hồi phải sấp mình quay về hướng La Mecca (nếu ở Costa Mesa, thì phải quay đầu lạy về hướng Tustin!) mà kính cẩn cầu nguyện rằng Allah là đấng Duy Nhất, và Muhammed là Tiên tri Ngài.

Người Công giáo tin rằng Đức Mẹ suốt đời đồng trinh, và hết sức tôn sùng Đức Mẹ, tôn xưng Ngài là Nữ Vương trên trời, là Mẹ Thiên Chúa. Người giáo hữu Tin Lành thì lại chủ trương, sau khi sinh hạ Chúa Jesus rồi, Đức Mẹ sau còn có nhiều con trai, con gái khác nữa (Mat. 1:25; Mark. 6:3- 4.- Mat. 12:46), và chê rằng sự sùng bái Đức Mẹ như vậy là phi lý. Họ gọi đó là Mariolatry.

Phái Tin Lành Lutherans (theo Luther) chỉ tin vào Thánh Kinh; không phục quyền Giáo hoàng; không có lễ Misa – mà Công giáo trọng nhất– ; chỉ còn giữ hai phép Bí tích là Phép Rửa tội và Phép Mình Thánh. Nhưng họ lại không tin rằng sau khi Thày cả đọc lời truyền, thì bánh và rượu trở thành Mình thánh, Máu thánh (transsubstantiation) như Công giáo vì, theo họ, từ khi Chúa Jesus sống lại, Ngài đã ở khắp mọi nơi như Thiên Chúa, không cần phải đọc «thần chú», Ngài mới đến được trong bánh và rượu. Họ không chấp nhận các Bí tích khác như Thêm Sức, Giải tội, Truyền Chức, Hôn Phối, Xức Dầu.

Họ không tôn sùng Đức Mẹ và không chấp nhận rằng Đức Mẹ đã linh hồn và xác lên trời. Tin Lành theo Calvin cũng không chấp nhận lễ Misa, và viện dẫn lời thánh Paul trong Thánh thư gửi cho giáo dân người Do Thái (Hebrews, 10:12,13,14.- 13:15), để chứng minh quan điểm mình là đúng. Họ không tôn sùng Đức Mẹ, cũng chẳng tuân phục quyền Giáo hoàng. Thảo nào mà Giáo hội La Mã gọi họ là «những kẻ rối đạo».

Giáo Hội Công giáo đến năm 1054 chia thành hai: Giáo hội miền Tây gọi là Giáo Hội La Mã; Giáo Hội miền Đông gọi là Giáo Hội Chính Thống. Chia rẽ nhau, vì Giáo Hội La Mã tin rằng Ngôi Ba bởi Ngôi Nhất và Ngôi Hai mà ra. Tiếng La- tinh dùng chữ Filioque (và bởi Con). Còn Giáo Hội miền Đông thì không chấp nhận rằng Ngôi Ba lại có thể do Ngôi Con mà sinh ra.

Tóm lại, Giáo Hội La Mã thì rằng «Filioque»; Giáo Hội Chính Thống thì rằng «không Filioque»...  Quan trọng tới mức độ có một lần Giáo Hội miền Đông bị quân Hồi giáo vây đánh, sai sứ giả sang cầu cứu giáo hoàng La Mã. Giáo hoàng La Mã đồng ý kêu gọi các nước Công giáo ra quân cứu trợ, với điều kiện là từ nay Giáo Hội Chính Thống phải thêm vào kinh Tin Kính của họ chữ Filioque. Bên Giáo Hội Chính thống lập tức trả lời: thà rằng để cho Hồi giáo cai trị, còn hơn là phải thêm chữ Filioque vào kinh. Đức tin của cả hai bên ghê gớm như vậy!

Giáo hội La Mã bắt linh mục phải ở vậy, còn Giáo Hội Chính Thống thì không. Giáo Hội La Mã cho rằng mình có quyền trên. Giáo Hội Chính Thống cho rằng tại sao mình lại phải ở dưới. Đôi bên rút phép thông công, tẩy chay, chúc dữ lẫn cho nhau trong vòng nhiều thế kỷ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhất là sau Vatican II, đôi bên tha tội, tha vạ lẫn cho nhau, và chủ trương sống huynh đệ hơn.

Cho nên đúng là phúc cho kẻ nào không hề kiểm điểm lại những điều mình tin. Không hề dòm ngó sang các đạo giáo bạn, cứ dắm mắt tin theo những người lãnh đạo tinh thần của mình, cho đến lúc nhắm mắt tắt hơi. Có người kể chuyện một người chồng theo đạo, để cưới vợ. Khi được vợ hỏi rằng có tin Chúa có Ba Ngôi hay là không. Ông chồng trả lời: «Em nói Ba Ngôi, thì anh tin có Ba Ngôi, em nói Bốn Ngôi, thì anh tin có Bốn Ngôi. Có gì mà phải thắc mắc đâu!» Thực là một đức tin tuyệt vời.

Người Á Đông là những người cứng đầu, khó dạy. Nhất là các ông nhà nho. Họ cứ chủ trương «tận tín thư tắc bất như vô thư» (quá tin vào sách thà đừng có sách) (Mạnh Tử, Tận Tâm hạ - 3). Thiền tông cũng chủ trương: «Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật» , , (Bất chấp sách vở, đi thẳng vào tâm, thấy Tính thành Phật). Thế lại là một hạng cứng đầu, bất trị khác!

Từ non một thế kỷ nay, các đạo giáo Đông Phương bắt đầu thẩm thấu vào óc chất, vào tâm hồn Âu Mỹ. Người Mỹ bắt đầu thích Yoga, thích Thiền. Nhiều người Mỹ lấy vợ Nhật cũng theo đạo của vợ là đạo Phật, thuộc phái Liên Hoa Nichiren. Tôi thấy họ tụng thần chú «Nam mô ô ran gi kô» (Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa) rất là sùng bái và cho rằng đó là phương tiện cứu độ hết sức là bảo đảm. Thiệt là giản dị, thiệt là hấp dẫn! Về kinh Phật, giáo phái này giản lược và miễn trừ hết chỉ cần đọc hai phẩm của kinh Diệu Pháp Liên Hoa là Phẩm Phương tiện đệ nhị, và Phẩm Như Lai thọ lượng thập lục. Cũng chẳng cần phải hiểu là phẩm đó nói gì, vì thế nên được khuyến cáo tụng bằng tiếng Nhật, như vậy sẽ bảo đảm sự không hiểu của mình! Chính nhờ thế mà mỗi tuần có cả trăm người xin qui y; Mỹ, Mễ, Đại Hàn, vô số...

Nhiều người Mỹ bây giờ cũng có những chủ trương hết sức cởi mở.

Cuối đường Victoria ở Costa Mesa có một giáo phái gọi là Universalist - Unitarian Church. Họ chủ trương Chúa chỉ có một ngôi; tính con người vốn lành; sách thánh thiên hạ đều là những sách đáng tôn kính. Không sách thánh nào chiếm địa vị độc tôn. Giáo đường của họ chỉ là nơi mà mỗi tuần giáo hữu tập họp lại để kể cho nhau nghe những kinh nghiệm của bản thân mình, những điều hay mình đã thâu lượm được. Bất kỳ ai thuộc tôn giáo nào, dù ngay là người chủ trương vô thần cũng được hoan nghênh. Chỉ có ở thời đại này, chỉ có ở xứ Mỹ này, mới lại có một giáo phái ngang chướng như vậy, mà vẫn được tự do hoạt động! Chả bù cho Servetus Michael (1511–1553), có thể nói là một trong những vị tiên phong của Giáo phái này, chỉ vì ông chống đối vấn đề Chúa Ba Ngôi; không tin Chúa Jesus có thiên tính; đả kích chuyện rửa tội cho trẻ con từ thủa lọt lòng, mà đã bị cả Công giáo, cả Tin Lành lùng bắt. Tuy trốn thoát khỏi tòa Hình Án Công giáo ở Lyon (Pháp), nhưng lại bị lộ thân thế ở Geneva (Thụy Sĩ), và đã bị Calvin, một Giáo Chủ Tin Lành bắt và cho lên giàn hỏa. Tuy rằng ngày nay người ta dựng tượng ông ở Geneva, kể như là thống hối chuyện đã xảy ra, nhưng nào có đem được cái thân «mây khói» của ông cho nhập thể lại ở trần hoàn này thêm một ngày nào nữa đâu?...

Thi hào Anh, Robert Browing (1812–1899) đã dám khơi khơi làm thơ chủ trương Chân lý tại nhân tâm, mà cũng chẳng bị hình phạt nào. ông viết đại khái rằng:

Thiên Chân ở sẵn lòng ta,

Chẳng từ ngoại cảnh sinh ra bao giờ.

Thiên chân ngự giữa tâm tư,

Mà tường ngũ uẩn mịt mù lấp che!

Cái thân tứ đại gớm ghê,

Ra tay già tỏa, gây mê, gây lầm!

Làm cho bừng sáng Thiên Chân,

Ấy là giác ngộ, khỏi cần ngoại quang! [6]

 Thật đúng là trái bom nổ trong vòm trời Âu Mỹ. Tuy nhiên, đối với người Á Châu, thì chuyện đó cũng là thường thôi.

Vương Dương Minh (1472–1528) từ ngót 500 năm nay đã nói:

Thiên thánh giai quá ảnh,

Lương tri nãi ngô sư.

 Dịch

Thần thánh ngàn xưa đều quá vãng,

Lương tri mới thực đúng thày ta.

 Vả Trung Dung, chương 29, cũng đã viết:

Nên đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm,

Đem trưng bày, phổ cập tới thứ dân,

Khảo chứng tiên vương không có chi lầm lỗi,

Sánh với luật đất trời không phản bội,

So quỉ thần, đường lối đúng không sai.

Thánh nhân ngàn đời sau, chẳng hề có chê bai.

So quỉ thần đường lối đúng không sai,

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai,

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ.

 

CẢM NGHĨ CỦA TÔI VỀ CHÂN LÝ

Khảo kỹ lưỡng về các đạo giáo trong thiên hạ, tôi thấy rõ ràng hiện ra hai trào lưu:

– Một trào lưu dành cho quần chúng do các Giáo Hội hướng dẫn. Mỗi đạo giáo lại đưa ra một số điều phải tin, và cho đó là chân lý. Không tin những chân lý đó, sẽ không thể nào nhập đạo.

– Đạo Công giáo, đạo Tin Lành đặt điều kiện tiên quyết là phải tin Chúa Jesus là Thiên Chúa giáng trần, cứu chuộc tội lệ muôn loài.

– Đạo Mohammed đặt điều kiện là phải tôn xưng Đức Mohammed là vị Tiên Tri sáng giá nhất, vượt trên cả Chúa Jesus.

– Theo trào lưu này, thì đạo nào cũng cho rằng mình mới nắm giữ được Chân Lý, còn các đạo khác dĩ nhiên là lầm lạc. Và nếu mở lòng từ bi, với sự khoan dung vượt bực, thì cũng chỉ chấp nhận rằng, ngoài đạo mình là chân truyền, chính thống ra, thì các đạo giáo khác, chỉ là những bóng mờ, chỉ là những sứ giả dọn đường cho đạo mình mà thôi.

– Các đạo giáo dành cho quần chúng nói trên, tuy có khác nhau, về nhiều phương diện, nhưng đại khái giống nhau, vì cho rằng:

1.- Vũ trụ này đã được Thiên Chúa tạo dựng nên bởi không, và rất là mau, khoảng sáu ngày. Ahura Mazda, Thiên Chúa của Bái hỏa giáo, theo như lời vị mục sư của Bái Hỏa, mà tôi đã gặp, có lẽ đã dựng nên trời đất lâu hơn, vất vả hơn, nhưng cũng chỉ trong vòng mấy tháng!

2.- Con người là con người. Trời là Trời. Tính con người hoàn toàn khác với tính Trời.

3.- Con người là cái gì hèn hạ, cái gì ngu muội, cái gì yếu đuối, nên cần phải có sự hướng dẫn của giáo quyền, và vị Giáo Chủ chính là đấng Cứu thế. Phật là đấng Cứu thế; Jesus là đấng Cứu thế.

4.- Chân lý là cái gì ở bên ngoài con người, đã được các bậc thượng trí, thượng nhân, được Trời đặc biệt «phụ nhĩ, rỉ tai», đã ghi chép nguyên văn lại cho mọi người.

5.- Sự cứu rỗi hoàn toàn ở ngoài con người. Sự cố gắng của con người, là một sự cố gắng vô ích. Sự cứu độ của thần phật bên ngoài mới là tất cả.

6.- Sự cứu rỗi, sự thưởng phạt là ở lai sinh. Và con người bất quá là lên những thiên đàng, được coi như là những vườn thượng uyển, theo kiểu Hồi giáo; Tịnh độ (Tịnh thổ) theo kiểu Phật giáo; hay là Thiên quốc theo kiểu Công giáo. ở những nơi đó dĩ nhiên là sẽ hưởng đủ mọi sung sướng, và dĩ nhiên là sẽ được chiêm bái Thiên Nhan đời đời kiếp kiếp.

7.- Càng đi chùa, đi nhà thờ nhiều bao nhiêu lại càng tốt bấy nhiêu. Càng đọc kinh nhiều bao nhiêu, càng niệm Phật nhiều bao nhiêu, càng lần tràng hạt nhiều bao nhiêu lại càng tốt bấy nhiêu.

Càng chấp nhận hết mọi điều giáo huấn của giáo đoàn, lại càng được coi là có đức tin mạnh bấy nhiêu.

Ngoài ra còn một luồng tư tưởng thứ hai là của chung cho những bậc thượng trí, thượng nhân trong thiên hạ. Tuy nhiên cũng đừng nên tâng bốc họ lên như vậy. Cũng đừng nên gọi họ là những bậc thượng căn, vì làm như vậy sẽ làm cho quần chúng giận. Vì chẳng nhẽ quần chúng đông đảo như vậy lại là những kẻ hạ căn hay sao. Vì số lượng của những người này quá ít, và trên thực tế chẳng có quyền hành gì, chẳng chăng trói, đánh đập, chẳng bắt bớ, chẳng giết lát được ai, cho nên chúng ta có thể gọi họ bằng những danh từ khinh dể hơn ví dụ như là bọn lập dị, bọn rối đạo, bọn bất kính, bọn cứng đầu, hay là bọn tà ma, ngoại đạo.

Họ là những người lập dị, và hết sức ngạo nghễ vì cho rằng:

1.- Căn nguyên vũ trụ không phải là một vị Thượng Thần tạo dựng nên, nhưng là do một Đại thể siêu việt sinh xuất, phóng phát ra. Đại thể vô biên này đã sinh xuất ra chư thần, vũ trụ và quần sinh. Ví dụ Ấn Độ, về phương diện tôn giáo thì tin có Ba Ngôi: Brahma (Ngôi tạo dựng); Vishnu (Ngôi bảo tồn) và Shiva (Ngôi hủy diệt); nhưng về phương diện Minh Triết, lại chủ trương ba vị Thượng Thần kia chỉ là những hiện thân của một Đại thể, vô biên, siêu việt, tối thượng. Đại thể này mới chính là căn nguyên vũ trụ, quần sinh.[7] Sau này dẫu có vị thần nào cao siêu mấy mặc lòng, cũng đều từ đó phóng phát ra.

2.- Vũ trụ này đã do Đại thể đó phóng phát, tán phân ra. Cho nên vũ trụ và vạn hữu đều là hiện thân của Đại thể ấy, đều là phân thể của Đại thể ấy.

3.- Đại thể ấy không hề cách xa vạn hữu, sinh linh.

4.- Đại thể ấy là căn cốt vạn loài. Chính vì vậy mà con người có Thiên Tính.

5.- Con người sinh ra ở đời này cốt là để trở thành Thần, Phật, Thánh, Tiên.

6. - Các sách thánh trong thiên hạ đều không phải là chân lý, tuyệt đối. Đối với các nhà Minh triết, dẫu là sách gì, cũng vẫn là do con người viết ra. Mà đã do con người viết ra, thời hẳn có chỗ đúng, có chỗ sai. Nên «tận tín thư tắc bất như vô thư». Thế tức là:

«Vị ngộ, Pháp Hoa chuyển,

Ngộ thời chuyển Pháp Hoa

 (Pháp bảo đàn kinh) 

Dịch:

Khi mê, kinh Pháp Hoa sai sử ta,

Ngộ rồi, ta thao túng lại Pháp Hoa. 

Lúc còn ngu si, thì trông vào tha lực; khi giác ngộ rồi, trông vào tự lực.

Hoằng Nhẫn sau khi truyền y bát cho Huệ Năng, đã tiễn đệ tử ra thuyền. Huệ Năng lên thuyền cầm sào. Hoằng Nhẫn đứng trên bờ, lấy tay đẩy thuyền, ra ý tiễn đưa. Huệ Năng liền ứng khẩu rằng:

Khi mê, thày đẩy thuyền cho,

Bây giờ giác ngộ, chính ta đẩy thuyền... 

7.- Vũ trụ này đã do một Đại thể phóng phát tán phân ra. Mỗi con người là một thành phần của Đại thể ấy, cho nên sau khi đã ruổi rong nơi trần hoàn này, lúc chung cuộc lại trở về với Nhất Thể đó, như muôn sông cuối cùng lại đổ vào trùng dương, trở về đại hải; không còn coi mình là sông riêng rẽ nữa.

Lão tử viết

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn Bản Nguyên.

Hoàn Bản Nguyên an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.

(Đạo đức kinh XVI) 

Áo Nghĩa thư viết:

Kìa sông tới biển thời tiêu,

Hết danh, hết sắc, hết điều riêng tây.

Trở thành biển cả từ nay,

Gọi là biển cả mảy may khác gì.

Con người nhìn lại cũng y,

Khi "mười sáu bộ" đã qui về Ngài,

Còn đâu danh tướng lôi thôi,

Rồi ra cũng chỉ là ngôi chân thần,

Thế là vĩnh cửu bất phân,

Chẳng còn bộ phận, còn thuần tinh hoa.

Đã điều qui tụ hiệp hòa,

Như đũa liền trục, ắt là Chân Nhân,

Chân nhân là chính Chân Thần,

Tử sinh thôi hết bận tâm lo lường. [8]

 Cho nên cứu rỗi, đối với họ là thoát vòng sinh tử, luân hồi, trở về với Đại thể vô biên, chứ không hiểu cứu rỗi là do một vị Cứu thế xuống xá tội cho con người, rồi cho con người lên cõi trời nào đó.

Nhân loại thực ra đang sống theo hai tầm nhìn, lối nghĩ này.

Quần chúng thời theo phía tôn giáo.

Thánh hiền Đông, Tây, kim cổ theo Minh triết (hay Đại Đạo).

Tôn giáo hiện nay có nhiều. Nhưng mạnh nhất, đông nhất phải kể là Công giáo. Cho nên, tôi lấy Công giáo là đại diện cho phía quần chúng. Và một lần nữa, tôi toát lược sự khác biệt nhau từ xưa tới nay, giữa Tôn giáo và Minh triết như sau:

Đạo Công giáo, đại diện cho tôn giáo quần chúng, chủ trương như sau:

a.- Thoạt kỳ thủy có Thiên Chúa.

b.- Thiên Chúa đã dựng nên trời đất, muôn vật bởi không (ex nihilo).

c.- Thiên Chúa và quần sinh hết sức xa cách nhau.

d.- Tổ tông đã phạm tội và truyền tội ấy cho dân gian

e.- Chúa Jesus là Thượng đế ngôi Hai giáng trần, chuộc tội thiên hạ.

f.- Sự cứu rỗi là sự Chúa rửa sạch tội khiên cho con người (thực ra là cho một số ít con người), và cho họ lên hưởng phúc trên thiên đàng, đời đời, kiếp kiếp. Còn những kẻ tội lỗi, những kẻ không tin vào Chúa, vào ơn cứu rỗi của Chúa sẽ bị trừng phạt trong hỏa ngục vô cùng, vô tận.

g.- Con người như vậy muôn kiếp vẫn là người. Thánh chẳng qua cũng chỉ là những người "sống đẹp lòng Chúa".

Phía Minh triết, đại diện cho những bậc đại giác, đại ngộ, và như vậy họ hết sức ít ỏi. Đại khái, họ sẽ chủ trương như sau:

a.- Thoạt kỳ thủy có một Đại thể, linh minh vô cùng tận.

b.- Đại thể ấy đã phóng phát (emanation), tán phân (division) thành vũ trụ, quần sinh, Thượng Thần, hạ vật.

c.- Đại thể ấy và vũ trụ quần sinh (phân thể) không hề xa cách nhau; chỉ là một trong (đại thể), một ngoài (phân thể); một ẩn (Đại thể), một hiện (phân thể) mà thôi.Cho nên trong lòng biến thiên, vẫn có bất biến; trong lòng hữu hạn, vẫn có vô cùng; trong lòng sinh tử, vẫn có bất diệt; trong lòng phiền não, vẫn có Bồ đề...

d.- Tội lệ là do sự ngu si của con người, nghĩ mình sống tách rời, sống riêng biệt với Đại thể,

e.- Chúa Jesus, hay Phật, hay Lão, hay Mohammed, hay Khổng cũng chỉ là những người giác ngộ, những người tiên phong trên con đường trở về hợp nhất với Đại thể mà thôi.

f.- Sự cứu rỗi không phải để rửa sạch tội khiên con người, mà chính là để biến con người hữu hạn thành con người vô biên, là giúp con người thoát kiếp người, thoát vòng kiềm tỏa của không gian thời gian, thoát vòng sinh tử biến hóa, trở về nhập một lại với Đại thể vô biên.

g.- Như vậy, con người có lúc làm người, có lúc làm Trời, làm Phật. Lúc chung cuộc tất cả quần sinh đều trở về nhập lại với Vô biên.

Minh triết với đạo giáo có khi đi song song với nhau; có khi sống một ẩn một hiện; có rất nhiều khi Minh triết đã bị bách hại, thành ra Minh triết nhiều khi phải hóa trang để sống còn. Vì thế mới có các hội kín, mới có những Khoa học huyền bí như Tarot (bài Tarot), Alchemy (Thuật luyện kim), Astrology (Chiêm tinh học) v.v...

Học các môn Khoa học huyền bí phải đi tìm Minh triết, dấu diếm bên trong, mà phải vất vả, đọc nhiều sách, mới thấy nó hiện ra. Vì đời xưa, nói hở mồm, là có thể lạc vào tử địa ngay!

Ở Ấn Độ, ở Đông Phương, ai căn cơ ra sao, cứ việc theo những hình thức tôn giáo nào mà họ cho rằng thích hợp với họ. Chẳng ai cấm ai. Âu Châu, thì không thế, nam nữ, già trẻ, lớn bé, khôn dại, nhất luật chỉ có một khuôn. Cái đó có lẽ cũng là phản ảnh thái độ của hai dân tộc.

Còn như ở Mỹ ngày nay, tổ chức chính quyền rất là cởi mở. Hiến pháp đã qui định Chính quyền và Giáo hội tách rời nhau, và như vậy Chính phủ không ủng hộ một đạo giáo nào, hơn đạo giáo nào. Không một đạo giáo nào, dù to, dù nhỏ, dù Đông, dù Tây, dù Nam, dù Bắc mà không được cấp giấy phép. Các hiệu sách bán các sách Huyền bí thả giàn. Thực là nghìn năm một thủa. Đúng là quang cảnh «Thiên gia tề phóng; bách hoa tề khai!». Trong giáo đường, dạy thuyết Tạo dựng (Creationism); ngoài học đường dạy thuyết Tiến hóa (Evolution). Thế mà «Thuỷ hỏa» vẫn «ký tế» được với nhau. Từ chữ «Melting pot» (nồi đúc) và chữ «E Pluribus Unum» (do nhiều dân, thành một dân), tôi hình dung nước này chính là «Lò cừ Tạo Hóa» giúp ta đi từ Vạn trở về Nhất...

Sự phân biệt Tôn giáo và Minh Triết của tôi thực sự mang một nội dung mới mẻ. Âu Châu xưa nay chỉ phân biệt giữa tôn giáo và triết học. Trước hết họ định nghĩa tôn giáo là sự tin kính và thờ phượng Thiên Chúa, nên nhiều khi đã coi các tôn giáo Đông Phương như là những môn phái triết học. Phật giáo cũng có khi chỉ được coi là một thứ triết học, vì đã không chủ trương tin Trời, thờ Trời. Trong quyển The world's great Religions, một ấn bản dành cho thanh niên, do Tạp Chí Life xuất bản, Golden Press New York in năm 1969, ban biên tập Life chủ trương sẽ bàn về 6 tôn giáo lớn trong thiên hạ. Nhưng lại liệt kê như sau:

1.- Ấn độ giáo (Hinduism)

2.- Phật giáo (Buddhism)

3.- Các triết học Trung Hoa (Khổng và Lão)

4.- Hồi giáo (Islam)

5.- Do Thái giáo (Judaism)

6.- Thiên Chúa giáo (Christianity). (Xem sách trích dẫn, tr.7)

 Mới hay biên cương tôn giáo và triết học vẫn còn rất mù mờ. Tất cả đều tùy theo định nghĩa mà mình gán cho từ ngữ mình dùng. Như vậy ban biên tập Life đã không coi Khổng giáo (Confucianism), Lão giáo (Taoism) là những tôn giáo. Đó chỉ là những triết học.

Âu Châu chủ trương triết học chỉ là sản phẩm của sự suy tư, tìm hiểu của con người. Còn đạo giáo là sản phẩm của Đức tin; sản phẩm của sự sáng soi và dìu dắt của Thượng đế. Từ trí khôn con người lên tới đức tin; từ triết học lên tới tôn giáo, phải đi qua một trung gian là Thần học (Theology).

Tôn giáo vì bàn về những chuyện quá trí con người, nên nhiều khi con người thấy nó vô lý, nhưng vẫn phải tin. Giáo phụ Tertullian xưa nói: «Tôi tin vì vô lý.» (Credo quia absurdum).

Phái Minh Triết (Theosophy hay Mysticism) chủ trương: Tuy óc chất thông thường của con người không tìm ra được những vấn đề siêu nhiên; nhưng vì con người thông phần bản tính Trời; vì con người ai ai cũng có một tàn lửa Thiên Chân ở đáy lòng, nên thực ra đã có những khả năng vô biên tận. Đã có Vô Cùng trong dạ, thì sao lại chẳng hiểu được Vô Cùng. Cho nên dĩ nhiên là các bậc đại giác, đại ngộ trong thiên hạ, ai ai cũng có đồng đều khả năng tìm thấy được Chân Lý. Tuy rằng thoạt kỳ thủy, họ ở trong các tôn giáo khác nhau, nhưng khi đã giác ngộ; thành chân, chứng thánh, thì lập tức họ có luận điệu giống nhau. Họ là những người như Eckhart (1260?-1327?) (Công giáo); Plotinus (203-279) (Do Thái giáo); Ibn al-Arabi (Môn phái Sufi - Bạch Y- Hồi giáo); Vivekananda (1863-1932) (Ấn độ giáo); Moses Cordovero (1522-1570) môn phái Kabalah (thuộc Do Thái giáo); Boehme Jacob (1575-1624) (Tin Lành); Spinoza Benedict (1623-1677) (Do Thái giáo bị khai trừ) v.v... Thực đúng như lời Mạnh tử đã nói: «Tiên thánh, hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã.» Max Muller đã có lần chủ trương muốn tìm lẽ nhất quán trong thiên hạ, phải học hỏi với các bậc minh triết trong thiên hạ.

Tuy các bậc minh triết chỉ là thiểu số trong thiên hạ, và thường cũng chẳng lập môn, lập phái; giỏi lắm là có một vài đồ đệ, như Plotinus có Porphyry. Nhưng quan niệm của họ về con người hết sức là cao siêu, mục đích cuộc đời của con người, đối với họ hết sức là sang cả. Như trên đã nói, đối với họ, thì con người ai ai cũng có Tính Trời, nên định mạng tối hậu của con người là sống Phối Thiên, kết hợp với Trời; hòa mình với Đại thể của vũ trụ.

Cho nên Minh triết phải được xếp hạng trên tôn giáo. Trong tương lai, nhân loại sẽ tiến dần dần từ phía các tôn giáo khác nhau, tới một nền Minh triết duy nhất. Vì thế mà tôi đã gọi nền Minh triết trên là Đại Đạo. Nó không còn Đông, còn Tây; còn kim, còn cổ; không còn Phật, còn Lão, còn Khổng, còn Hồi, mà tất cả đã được gạn lọc, mà tất cả đã được thăng hoa, để trở thành một viên ngọc chí quí, chí bảo, tặng cho những người có công đi kiếm, đi tìm. Viên ngọc đó sẽ không còn bị che, bị đậy bằng những lời dụ ngôn, bằng những lời ẩn dụ, nhưng sẽ được trao tặng trực tiếp cho người hữu duyên, hữu phúc (Mark 4:34; Mat. 13:35; Luke 8:9; Mat. 13:10- 15). Chân lý đối với họ là những gì trực tiếp chiêm nghiệm được (Mat.13:16), chứ không phải là chuyện chấp nhận quàng xiên; ai nói sao, thì «đâm nhao» làm vậy; không còn phải là câu chuyện «nghe hơi nồi chõ»; «gãi ngứa ngoài giày». Đây không còn chuyện tha tội, tha vạ; mà là chuyện đích thực trao quyền trở thành những «Con Thiên Chúa», những người cộng hưởng gia tài với Chúa (Romans 8:14- 17.- 8: 18- 30), và sẽ được ngồi trên ngai Thiên Chúa, như đã phán hứa trong sách Khải Huyền: «Ai thắng, Ta sẽ cho ngự với Ta trên ngai của Ta; cũng như Ta đã thắng và đã ngự với Cha Ta trên ngai của Người.» (Revelation 3:21). Cũng nên nhận chân rằng có nhiều vị Minh triết Đông Tây, vẫn còn chưa chịu ngừng bước tiến hóa nơi đây, mà nhất định thể nhập vào với Đại thể Vô Biên, viên dung, toàn mãn, vô nhân, vô ngã, nhất như, vô phân biệt...

Bao lâu con người chưa đạt tới trình độ tiến hóa cao siêu, bấy lâu ta thấy vẫn hết sức cần có những tôn giáo. Vả cũng không có ai phủ nhận được vai trò tích cực của các tôn giáo, trong công trình giáo dục con người; hướng dẫn con người làm lành, lánh dữ; giữ gìn trật tự, trị an cho xã hội; xây dựng được những đền, đài, miếu, mạo, hết sưc là nguy nga tráng lệ; sản xuất được không biết bao nhiêu là văn phẩm, nghệ phẩm tuyệt vời. Một hôm, ngồi đàm đạo với một bạn tôi về vai trò các tôn giáo, ông bạn tôi nói một câu hết sức lý thú. Ông cho rằng chính nhờ ở sự hi sinh cao cả của không biết là bao nhiêu người đã cất công đi giảng truyền tôn giáo cho đời, mà bây giờ chúng ta mới có thể ngồi yên ổn, uống nước trà, và trò chuyện cùng nhau.

Vả Chân Lý chẳng qua là một vấn đề gắn liền với lập trường, với quan điểm, với tầm nhìn, lối nghĩ của mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi thời đại. Thực tại thời vô biên, lại biến hóa khôn lường, từng phút từng giây; còn từ ngữ chúng ta thời hữu hạn. Dùng cái hữu hạn, mô tả cái vô cùng thì làm sao mà hoàn toàn chính xác được. Ví dụ như Ánh sáng bây giờ ta thấy vừa là phân tử (particles), hay quang tử (photons); vừa là ba động (waves), nên nếu chúng ta «chấp nhất» trong bất kỳ vấn đề gì, chắc chắn chúng ta sẽ sai lạc, sẽ hẹp hòi.

Bàn về Chân Lý, bài học hay nhất mà chúng ta học được chính là bài học khiêm tốn! Trên đời này, nói thế nào, cũng có người không vừa lòng. Phía tôn giáo chê phía Minh Triết là «vô thần», là «phiếm thần». Phía Minh Triết thì cho rằng tôn giáo đã quá hữu hạn hóa Đại thể vô biên, đã giam Đại thể Vô Biên vào trong vòng Âm Dương, vòng hình, danh, sắc, tướng, bằng các thứ định nghĩa của mình, các thứ hài danh (đặt tên) của mình; đã nhân cách hóa Tuyệt đối, khiến cho Vô Biên Tuyệt đối cũng sầu bi, hỉ, nộ, phàn nàn, hối hận như con người. Đại thể vô biên phải siêu trên thần vật. Vì thế mà các nhà Minh triết Âu Châu đã dùng các chữ Godhead, hay «It»; các nhà Minh Triết Đông Phương đã dùng các chữ Vô Cực, Thái cực, Hư Vô hay Đạo để «cưỡng ép» mà gọi Đại thể vô biên.

Nói về Chân Lý, bàn về chân giả, mới đầu tưởng là chỉ ở nơi ngoài xã hội, nơi sách vở bên ngoài; cuối cùng té ra không phải vậy.

Công cuộc suy tư tìm hiểu đâu là Chân, đâu là Giả trong con người chúng ta, càng ngày càng làm ta rùng mình: Rốt ráo, phần lớn nơi con người chúng ta là giả cả! Cái gì thuộc hình danh, sắc tướng nơi người chúng ta đều là giả cả. Thế là chúng ta phải vất đi một mớ lớn các cái giả về xác thân. Tiếp đến cái gì biến thiên cũng đều là giả cả. Thế là suy tư, niệm lự, thất tình lục dục cũng đều bị kiểm kê là giả. Chỉ còn cái Bản thể Chân thường hằng cửu nơi ta mới được tuyên bố là Chân Thực, là Chân Lý. Mà Cái Đó lại là của chung trời đất chứ chẳng phải của riêng ta. Cho nên cái ta, chẳng còn gì, cũng bị phế là giả luôn.

Đến đây, tôi thấy mình chẳng còn gì nữa, vì cái mình riêng tư suy cho kỹ, là hư ảo; thảo nào mà người xưa đã dùng những chữ Tứ Đại giả hợp, hay chữ Vọng Tâm, Vọng Niệm, Vọng Ngã, nên tôi làm chúc thư để đời như sau:

– Thân xác tôi rút cuộc là những Nguyên tử Khinh khí, Dưỡng khí, Đạm khí, và Thán khí hợp lại mà thành. Khi tôi thoát tục sẽ trả chúng về muôn phương; và cho chúng toàn quyền đi xum họp chỗ khác, lập tổ ấm nơi khác.

– Tân dịch, máu huyết, tôi trả về cho sông biển, trả về cho mây mưa.

– Cái gì là không khí, là «hồn», tôi trả về cho không trung vô hạn.

– Cái gì là quang, là Thần tôi trả cho nó nhập lại với nhật nguyệt, tinh cầu.

– Còn lại Linh giác, Linh tri, vì chính là thuộc Bản thể của vũ trụ, nên dĩ nhiên là sẽ y cựu thuộc về Bản thể vũ trụ; chưa có tôi, chẳng hề tăng; có tôi rồi cũng chẳng hề giảm.

Tuy nhiên, sau khi đã vứt bỏ hết các lớp lang phụ thuộc, giả tạo, tạm bợ bên ngoài, sau khi đã tìm ra được Chân Bản Thể của mình và của vũ trụ, tôi thấy mình đã tìm ra được chân lý rốt ráo của nhân quần, mà Bà La Môn giáo đã tóm tắt bằng mấy chữ: Tat Tvam Asi: Con là Cái Đó...

Đến đây, tôi thấy chuyện tôi bàn về Chân Lý; về Chân, Giả, thật ra chẳng có nghĩa lý gì nữa.


CHÚ THÍCH

[1] Vergilius Ferm, An Encyclopedia of Religions,The Philosophical Library, New York, 1945, tr. 33 nơi chữ Apostle's creed, và tr. 207- 209 nơi chữ Creeds of Christendom.

[2] Ib.tr.116- 118, nơi chữ Canon Old & New Testament.

[3] "Yôm" en Hébreux n'a jamais signifié: période géologique et "il y eut un soir, il y eut un matin" n'a jamais voulu dire: il s'écoula deux ou trois milliards d'années.- Georges Crespy- De la Science à la Théologie, p. 17.

[4] Ainsi que l'affirmait déjà Léon XIII dans son Encyclique Providentissimus Deus: “Les écrivains sacrés n'ont pas voulu renseigner les hommes sur les choses qui ne sont d'aucune utitlité pour le salut; voilà pourquoi, plutôt que de poursuivre une recherche scientifique, ils décrivent les choses avec des métaphores ou parlent selon le langage commun usité de leur temps.- Louis Pirot, La Sainte Bible, Tome 1, Genèse, p. 127.

[5] La Commission Biblique dans sa décision de 30 Juin, 1909 sur le caractère historique des trois premiers chapitres de la Genèse, affirme que l'intention de l'auteur sacré n'est pas d'enseigner d'une manière scientifique la constitution intime des choses et l'ordre de la création, mais il parle selon la connaissance populaire d'après les données des sens et dans le langage du temps. - Ib. p. 127.

[6] Herbert B. Puryear, Ph.D. Edgar Cayce, Reflections on the Path, Bantam Books, 1979, p.15.

Truth is within ourselves; it takes no rise

From outward things, whate'er you may believe.

There is an inmost center in us all,

Where truth abides in fulness; and around

Wall upon wall, the gross flesh hems it in,

This perfect, clear perception- which is truth.

A baffling and perverting carnal mesh

Binds it, and makes all errors: and to KNOW,

Rather consists in opening out a way

Whence the imprisoned splendour may escape,

Than in effecting entry for a light

Supposed to be without.

[7] In Hinduism, Brahma is the Creator of the universe, one of a trinity with Shiva and Vishnu. But these three gods are personified manifestations of something greater: Brahman, the changeless, eternal principle which makes the universe what it is.

Editor Cavendish, Man, Myth & Magic, An illustrated Encyclopedia of the supernatural, Marshall Cavendish Coporation/New York, 1970, p.323.

[8] Prasna 6.5- 6.- Brih.4.4.1- 2.


» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20