Đường vào Triết học và Đạo học

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 17

TRỜI CHẲNG XA NGƯỜI

 

Đề tài «Trời chẳng xa người» mà tôi trình bày trong chương này, là một đề tài hết sức đơn giản, đơn giản như tấm lòng trung thực của tôi. Lời lẽ mà tôi dùng để trình bày vấn đề cũng là những lời lẽ đơn sơ trung thực, những lời lẽ bình dân của một người bình dân, nhưng tôi ước muốn nó sẽ trong sáng như muôn ánh trăng sao.

Tôi sẽ dùng lời lẽ của Thánh hiền, Tiên, Phật của các đạo giáo, những chứng lý triết học, khoa học để chứng minh lời tôi nói, chứ tôi không muốn đóng khung vào trong một khuôn khổ đạo giáo nào, hay tán dương một đạo giáo nào.

Tôi cũng xin minh xác rằng chữ TRỜI viết hoa mà tôi dùng, nó sẽ có một nội dung hết sức uyển chuyển, hết sức phong phú, khi thì là vị Tối Thượng Thần, khi thì là Bản thể của vũ trụ, khi thì hữu ngã, khi thì vô ngã. Danh từ đó sẽ tùy căn cơ của mỗi người mà biến hóa; khi nhỏ, thì nhỏ hơn hạt cải, hạt kê, khi to thì to trùm hết cả muôn phương vũ trụ.

Tôi sẽ trình bày vấn đề với một thái độ vô tư, vô chấp, và tôi cũng ước mong quí vị dành cho tôi một thái độ bao dung, vô tư vô chấp. Như vậy tôi sẽ thoải mái trình bày vấn đề, và quí vị cũng sẽ thoải mái đón nhận những điều tôi sẽ trình bày...

 

A. TRỜI CHẲNG XA NGƯỜI: Một chân lý làm nền tảng cho các đạo giáo

Sau nhiều năm suy tư và tìm kiếm, tôi đã tạo cho tôi một niềm tin vững mạnh này là: Cái chân lý làm nền tảng cho các đạo giáo cũng như cho các công cuộc tu trì của con người là quan niệm TRỜI CHẲNG XA NGƯỜI. Điều đó thật dễ hiểu; nếu Trời, nếu Đạo «vô sở bất tại» theo lời của của Nho gia Hạng Bình Am, hay ở khắp mọi nơi, theo từ ngữ Công Giáo, thì làm sao mà Trời có thể xa con người được? Nếu Trời chẳng xa người, thì dĩ nhiên Trời phải ở gần con người. Trời gần, không phải là Trời ở trong vùng mình, trong khu phố mình, trong gia đình mình, mà thực là Trời đã ngự trị ngay trong lòng mỗi con người chúng ta.

Ta có thể dùng lời lẽ thánh hiền đông tây, kim cổ để chứnhg minh điều đó. Sách Tính Lý viết: «Trời và người đối với nhau như hai mặt trong ngoài.» [1] Vương Dương Minh cho rằng: Trời ở ngay trong lương tâm mọi người, vì thế ông mới nói: «Tâm tức là Trời... Lương tâm tức là Trời.» [2]

Cụ Nguyễn Đình Chiểu, một vị thạc nho Việt Nam cũng đã tìm ra được chân lý ấy.

Cụ viết trong Ngư Tiều vấn đáp y thuật:

«Có Trời thầm dụ trong lòng,

Tuy ngồi một chỗ, suốt thông trăm đời.» 

Cụ lại viết thêm:

«Vậy thời theo lẽ an phần,

Trăm năm chờ mạng, trong thân có Trời.» [3]

 Các bậc hiền nhân quân tử trong đạo Nho, vì có niềm tin tưởng sâu xa rằng Trời chẳng xa người, nên dẫu ở một mình nơi vắng vẻ cũng vẫn e dè, kính sợ.

Trung Dung (chương 1) viết:

«E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi, cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo, lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi, càng tỏ sáng nhiều.

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng siêu lòng vàng.» 

Kinh Thi viết:

«Chái Tây Bắc, góc nhà thanh vắng,

Đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Đừng rằng tăm tối chơi vơi,

Đừng rằng tăm tối, ai người biết ta.

Thần giáng lâm, ai mà hay biết,

Nên dám đâu khinh miệt dể ngươi.» [4] 

Nhìn sang phía đạo Lão, ta cũng thấy có chủ trương tương tự.

Nam Hoa kinh viết: «Trời ở bên trong, người ở bên ngoài.» [5]

Trong truyện Đông du bát tiên, có chép: Hán Chung Ly và Lữ Động Tân hỏi Tào Quốc Cựu: «Ông tu luyện ra sao

Tào Quốc Cựu nói: «Lòng mộ Đạo thì lánh trần, chớ không có phép chi hết.»

Hai tiên hỏi: «Đạo ở đâu mà mộ?»

Tào Quốc Cựu chỉ Trời.

Hai tiên hỏi: «Trời ở đâu?»

Tào Quốc Cựu chỉ cái tim.

Hán Chung Ly cười rằng: «Lòng là Trời, Trời là Đạo. Đã biết cội rễ, tu sẽ thành tiên.» [6]

Quan niệm Trời chẳng xa người, mà Trời đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người, đã được Áo Nghĩa Thư của Ấn Độ Giáo lấy làm đề tài chính yếu, từ bốn nghìn năm nay.

Svetasvara Upanishad viết:

«Chân tâm nhỏ tựa ngón tay,

Lồng trong vạn vật muôn loài thụ sinh.

Tâm thần, trí lự bao quanh,

Ai mà biết được sẽ thành thần tiên.» [7]

 Mundaka Upanishad viết:

«Biết rằng trong dạ có Trời,

Rối ren, ngu muội tức thời tiêu tan.» [8]

 Svetasvara Upanishad viết:

«Dung quang Ngài khó mà cầu,

Mắt trần sau trước thấy sao được Ngài,

Biết Ngài trong dạ ấy ai,

Tâm thần biết thế muôn đời trường sinh.» [9]

 Ramakrishna, vị đại thánh Ấn Độ gần đây, cũng chủ trương: «Bao lâu bạn cảm thấy Thượng Đế xa bạn, thì bấy lâu bạn còn u tối. Nhưng nếu bạn nhận chân rằng Thượng Đế ở trong bạn, thì bạn đạt được sự khôn ngoan thật.» [10]

Đạo Phật, thay vì dùng chữ Trời lại dùng những chữ: Phật, Phật tính, Tự Tính, Chân Như, Bản Tính, Bản Thể v.v...

Lúc ấy, Phật lại quá gần gũi con người vì Phật chính là Bản Tâm, là Tự Tính của con người mà con người chẳng biết chẳng hay.

Vô Cấu Thiền sư có kệ:

«Đầu non ngũ uẩn một vừng không,

Vào ra cùng cửa chẳng tương phùng.

Từ bao nhiêu kiếp thuê nhà ở,

Mà nào có biết Chủ Nhân ông.» [11]

 Đường Thích Tuệ Hải nói: «Phật do tâm tạo. Người mê tìm Phật trong sách vở; người ngộ hướng vào tâm mà tìm Phật nơi mình...» [12]

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, nơi Chương Sám Hối đệ thất, Lục Tổ Huệ Năng đã long trọng tuyên xưng rằng trong sắc thân con người đã có đủ Tam Thân Phật, và Qui y là tự qui y với Phật trong lòng mình. Lục Tổ viết: «Tôi nói là qui y Phật nơi tâm, chứ không nói qui Phật ở đâu khác. Phật nơi mình mà không qui, thì còn nơi đâu nữa để mà y? Nay đã giác ngộ, thì đều nên qui y Tự Tâm Tam Bảo, trong thì điều ngự tâm tính, ngoài thì trọng kính tha nhân. Thế là tự qui y vậy... Tam Thân Phật không ở nơi Sắc Thân con người, mà ở nơi Tự Tính con người. Ai ai cũng có. Nếu mà mê không biết mình có Tự Tâm, không nhìn thấy Nội Tính, lại chạy ra bên ngoài đi tìm Tam Thân Như Lai, thế là không thấy trong mình có đủ Tam Thân Phật... Tam Thân Phật sinh ra từ nơi Tự Tính con người, chứ không thể có được tự bên ngoài...» [13]

Tóm lại, khi chưa giác ngộ khi thì ta với Phật xa cách nhau, đầu sông Tương cuối sông Tương, mà khi ngộ rồi thì ta với Phật là hình với bóng.

Khi bước qua dòng nước, Động Sơn nhìn thấy bóng mình, liền làm một bài thơ:

Ngoài ta ta kiếm mi,

Lần hồi mi sơ ta.

Giờ một mình ta bước,

Đâu đâu cũng gặp mi.

Nay mi chính là ta,

Nhưng ta chưa là mi.

Nếu hiểu được như thế,

Như Như hết phân ly. [14]

 Hồi Giáo cũng không có bí quyết gì khác.

Thánh kinh Coran của Hồi Giáo viết: «Thượng Đế gần con người hơn tĩnh mạch cổ con người.» [15]

Và đây là lời của một ông già chất phác người Thổ Nhĩ Kỳ, theo Hồi Giáo, nói cùng Alexis Zorba, con người chịu chơi, khi mà hắn còn là trẻ nít.

Alexis Zorba kể: Lão Hussein Aga là một người thánh thiện. Một hôm lão đặt tôi lên đầu gối lão. Lão nói: «Ta sắp nói với con một điều bí ẩn. Bây giờ hãy còn bé quá chưa có thể hiểu nổi. Nhưng khi nào lớn lên, con sẽ hiểu. Nghe lão nói đây con: Bảy tầng trời cũng như bảy tầng đất đều không đủ để chứa Thượng Đế. Nhưng tâm hồn con người chứa đựng được Ngài. Bởi vậy hãy cẩn thận, Alexis, chớ có bao giờ làm thương tổn đến tâm hồn con người.» [16]

Baba Kuhi, một đại thánh Hồi Giáo, chết vào năm 1050, đã có bài thơ mà tôi dịch như sau:

Ở ngoài chợ, ở trong dòng,

Ở đâu cũng thấy thuần ròng Chúa thôi.

Xuống khe, lên núi, lên đồi,

Ở đâu cũng thấy Chúa tôi tràn đầy.

Giàu sang, nghèo khó tuy thay,

Bao giờ cũng thấy Chúa ngay bên mình.

Dù khi tĩnh tọa cầu kinh,

Ăn chay, giữ giới, thấy mình Chúa thôi.

Bất kỳ hay dở trên đời,

Truy nguyên vẫn thấy Chúa tôi rành rành.

Mở to đôi mắt nhìn quanh,

Trông gì cũng thấy hóa thành Chúa thôi.

Nến tôi thắp cháy lửa Ngài,

Hào quang vừa tỏa, Chúa tôi hiện hình.

Mượn đôi mắt Chúa nhìn quanh,

Bỏ đôi mắt tục, vẫn rành Chúa thôi.

Giã từ hiện tượng hình hài,

Lạ sao vẫn thấy Chúa tôi như thường.

Tưởng mình tan biến hư vương,

Nào hay mình vẫn miên trường, vô biên. [17]

 Đạo Công Giáo cũng có chủ trương tương tự.

Thánh vịnh David 139 viết:

«Thần trí Chúa tôi sao thoát nổi,

Tôi trốn đâu cho khỏi Nhan Ngài?

Lên trời, Chúa đã chờ tôi,

Âm Ti náu ẩn, Ngài thời vẫn kia.

Hừng đông mượn cánh hia muôn dặm,

Táp biển khơi xa vắng ẩn mình.

Một mầu trời biển mông mênh,

Chúa đâu đã thấy hữu tình giang tay.

Tôi lấy tối bao vây chặt chẽ,

Biến sáng trời thành vẻ đêm tăm.

Nào ngờ mắt Chúa vẫn chong,

Màn đêm sao bỗng sáng chưng thành ngày.

Cật ruột tôi Chúa may, chúa dệt,

Từ mẫu thai đã kết nên tôi.

Tôi là tuyệt phẩm của Ngài,

Khen Ngài tôi chẳng còn nhời mà khen.

Hồn tôi, Ngài quá quen, quá rõ,

Thịt xương tôi, Ngài tỏ từ bao.

Biết tôi, biết tự thủa nào,

Từ tôi vừa thoạt tiêu hao bóng hình...»

 Phúc âm thánh Lu Ca Chương 17, câu 21 có lời Chúa phán: «Nước Trời không đến một cách lộ liễu. Không nói được nước Trời ở đây, ở đó, vì hãy biết: Nước Trời ở trong anh em.»

Nếu Nước Trời ở trong tôi, thì dĩ nhiên Vua Trời không thể lưu vong, mà đích thực đã ngự sẵn trong tôi.

Cũng trong dòng tư tưởng ấy, thánh Paul đã viết: «Anh em chẳng biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Linh, đấng ngự trong anh em sao?» [18]

Ngài lại viết: «Anh em hãy ngợi khen Thiên Chúa và mang Ngài trong thể xác anh em.» (I Cor. 6,20).

Và khi thuyết trình tại Viện Tối Cao Hi Lạp, Ngài đã nói: «Chúng ta sinh động và hiện hữu trong Thượng Đế... Chúng ta là dòng dõi Thượng Đế.» (Acts, 17, 29).

Thánh Augustine viết trong tập Tự Thú: «Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên đã không gặp Chúa của lòng con.» [19]

Trong Cuốn X, chương 27, Ngài còn viết: «Con đã yêu Chúa quá muộn... Chúa là phần trong, con là phần ngoài.».[20]

Đối với đạo Cao Đài, quan niệm Trời chẳng xa người cũng rất là quen thuộc.Trong một bài Thánh Giáo có thơ rằng:

«Thày ngự trong lòng mỗi chúng sinh,

Chúng sinh giác ngộ biết tu hành.

Thương yêu mựa tách người khôn dại,

Điều độ đừng chia kẻ dữ lành [21]

 Trong quyển Lịch sử đạo Cao Đài, phần Vô Vi, có một đoạn như sau: «Thánh ngôn trong đạo Cao Đài có viết: «Thày là các con, các con là Thày.» Thật đã bộc lộ được yếu tố mới mẻ, làm cho mọi người đều biết rằng Thượng Đế không phải là một đấng xa lạ, mang đặc tính của một địa phương hay ngồi trên cao chót vót mà nhìn xuống chúng sinh với tất cả sự thưởng phạt có tính cách bàng quan, mà chính Thượng Đế đã ứng hóa theo từng thân nhân loại để đem con người vào chỗ hòa đồng với Thượng Đế, điểm linh năng đầu tiên tạo nên vạn vật vũ trụ này.» [22]

«Vậy đối với Đạo Cao Đài, thì Trời đã hợp nhất với con người để chuyển hóa tâm tư mọi người, và dìu dắt những người có căn duyên, cho họ trở thành Tiên, Phật, Thánh.» [23]

Trong một đàn cơ khác, có thơ:

«Bạch ngọc từ xưa đã ngự rồi,

Chẳng màng hạ giới dựng cơ ngơi.

Sang hèn trối kệ, tâm là quí,

Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.» 

Hội nghị quốc tế Thông Thiên Học tại Salzbourg nước Áo, năm 1966 vừa qua, đã có những lời tuyên bố nảy lửa như sau: «Trong ta có một Vô Cùng... Giác ngộ tâm linh sẽ mặc khải cho thấy yếu tố thần linh duy nhất trong tâm thần mọi người... Thời buổi này, cần phải nhận chân rằng trong mọi người, có một tàn lửa Thiên Chân và những khả năng vô biên, vô tận...Tôn giáo xưa cho rằng: Trời và người xa cách nhau. Thông Thiên ngày nay dạy rằng: Trời, Người là một... Người ta thấy Thượng Đế trong taọ vật Ngài... Ngay trong lòng mình, con người có thể tìm thấy Thượng Đế. Về phương diện đạo giáo, sự khám phá này vĩ đại như sự khám phá nguyên tử năng. Nó cho con người một quyền lực tinh thần không bờ bến, cũng như nguyên tử năng đã cho con người một sức mạnh kỳ diệu...»  [24]

 

B. TRỜI NGỰ TẠI TRUNG TÂM ĐIỂM ĐẦU NÃO CON NGƯỜI

Trên đây đã nói Trời ngự trong lòng ta, nhưng chữ lòng đây còn hết sức là man mác, mơ hồ. Chúng ta cần xác định lại cho hẳn hoi.

Đã đành Đạo thời vô sở bất tại, ở khắp cùng trời đất, ở khắp châu thân chúng ta, nhưng vẫn có thể nói được là Trời cũng có một sở cư đặc biệt trong con người chúng ta. Sở cư ấy ở đâu? Xin trả lời: Đó là Não thất ba, ở ngay chính giữa đầu não con người.

Chúng ta có thể nói vậy, vì các đạo gia, các nhà thấu thị, triết gia, khoa học gia đã cho chúng ta những bằng chứng hết sức là chắc chắn.

*Não Thất Ba là một động trống ở chính giữa đầu não con người. Từ đó nhìn ra, ta thấy như các thần kinh, các mạch máu đều qui hướng, triều củng về.

*Não thất ba lại còn có liên lạc trực tiếp với các xoang não khác trong đầu, với ống tủy xương sống và như vậy với tất cả thần kinh khắp châu thân.

Thiên văn Trung Hoa cho rằng Thượng Đế ngự trị trong Tâm Điểm hoàn võ, gần nơi sao Bắc Thần.

Theo Dịch, thì Thái cực ở Trung Tâm điểm vòng Dịch, ở giữa các hào quải.

Theo tổ chức hành chánh, chánh trị xưa như ở Trung Hoa, thì Thiên Tử lập kinh đô ở trung tâm quốc gia.

Cũng một lẽ, Thượng Đế sẽ ngự trị ngay ở Trung tâm điểm đầu não chúng ta, ở trong Nê Hoàn Cung, hay Thiên Cốc, hay Não Thất Ba.

Mundaka Upanishad viết:

«Nơi nào mà mọi thần kinh,

Như đũa gặp trục trong vành bánh xe,

Nơi thần kinh hội tụ về,

Là nơi Tuyệt đối chưa hề hóa thân,

Cố tìm Tuyệt Đối trong thân,

Rồi ra sẽ thoát biển trần hôn mê...» [25]

 Nhìn vào các sơ đồ óc não của khoa cơ thể học, ta thấy các thần kinh óc não như muôn ngàn tai hoa qui tụ về Não Thất Ba, chẳng khác nào muôn ngàn dòng sông hiện tượng đổ dồn cả vào trùng dương Bản Thể.

Phật giáo có một câu chú hết sức phổ thông, đó là chú: Án Ma Ni bát minh hồng (Oum mani padme hum). Nghĩa là: Ôi, Ngọc Châu Virn Giác nằm tại Liên Hoa Tâm.

«Liên Hoa» được giải là óc não, và các nhà bình giải cho rằng «Liên Hoa tâm» đây là trung điểm đầu não con người...[26]

Như vậy câu chú trên có thể dịch nôm na như sau: «Ôi, Tuyệt đối đã ở ngay trong giữa đầu não con người.»

Đó là một khám phá mà Phật Giáo Tây Tạng coi là hết sức quan trọng.

Đạo Lão thời cho rằng: «Đầu có chín cung; cung giữa là Nê Hoàn.» [27] Mà «Nê Hoàn là sở cư của thần minh». [28]

Người xưa còn gọi Nê Hoàn Cung là Thiên Cốc, và Thần trong Thiên Cốc là Cốc Thần. Mà Cốc Thần chính là Trời là Đạo.

Tính Mệnh Khuê Chỉ có thơ:

«Căn kinh Đại Đạo ít ai hay,

Thường nhân dùng mãi, biết nào ai!

Vì người, xin chỉ Thần Tiên động,

Một khiếu cong cong tựa nét ngài.»  [29]

 Theo Thánh kinh Công Giáo, Thượng Đế từng đối thoại với tổ tông loài người trong một vườn địa đàng đầy hoan lạc.Vườn ấy có 4 con sông chảy ra bốn hướng. Đó là 4 con sông Pison, Géhon, Tigre và Euphrate. (Khởi Nguyên, 2, 10, 15).

Khảo địa dư ngày nay, không thấy nơi nào trong hoàn cầu có 4 con sông chảy ra theo hình thước thợ như vậy.

Nhưng khảo cơ thể học, ta thấy trong óc não ở nơi tâm điểm có Não Thất Ba. Quanh Não Thất Ba có Vòng động mạch Willis. Từ Vòng Willis có 4 động mạch não hướng ra bốn hướng óc theo đúng hình thước thợ.

Thế là Đào Nguyên Lạc Cảnh vẫn đã nằm sẵn trong đầu não con người. Thượng đề vẫn thường xuyên đối thoại với con người qua tiếng Lương Tâm...

Vả đầu não ta với vai với cổ chính cũng là núi Tu Di có thắt cổ bồng, trên đó có Phật ngự, theo tượng hình và từ ngữ Phật giáo.

Khảo Cơ thể học, xương sống cổ thứ nhất được gọi là Atlas. Theo thần thoại Hi Lạp, Atlas là Thần chống đỡ trời. Ý muốn nói đầu ta chính là bầu trời vậy. Các sách tướng pháp Á Châu cũng cho rằng đầu ta chính là bầu trời vì có đủ nhật nguyệt, và ngũ tinh trên mặt. Đầu ta chính là bầu trời để mang chứa Trời, cho nên trán ta mới gọi là Thiên Đình, nơi vua Trời ra thiết triều.

Tóm lại sau khi đối chiếu các tôn giáo với khoa học, triết học ta có thể kết luận rằng: Trời ngự trong lòng chúng ta. Nhưng lòng đây không phải là lòng ruột, không phải là Hạ Đơn Điền, cũng không phải là quả tim, vì quả tim nằm chếch phía chứ không ở chính giữa ngực. Lòng đây cũng không phải ở một khoảng chơi vơi giữa tim và thận, mà lòng đây phải được đem lên thượng đỉnh, đem lên trung tâm đầu não con người, lên Não Thất Ba, nơi mà mọi mạch máu, mọi thần kinh đầu đều qui hướng về.

Người xưa đã chỉ tỏ cho ta thấy muốn tìm ra «lòng», tìm ra Chân Tâm, phải từ huyệt Bá Hội nơi đỉnh đầu đi xuống, và từ huyệt Ấn Đường, nơi giữa hai lông mi đi vào. Giao điểm của hai đường ngang dọc đó sẽ là Não Thất Ba hay Nê Hoàn Cung. Có lẽ vì thế mà các tượng Phật Thánh Ấn Độ thường có những phương cách đặc biệt để chúng ta chú ý đến đỉnh đầu, và nơi giữa hai làn mi.

Trong bộ Phật Học Đại Tự Điển có ghi: «Từ giữa hai làn mi, đi sâu vào một tấc là Minh Đường, hai tấc là Động Phòng, ba tấc là Nê Hoàn.»

 

C. NHỮNG HỆ QUẢ CỦA QUAN NIỆM TRÊN

a. Hệ quả Triết học

1. Trời là bản thể con người.

Nếu Thượng Đế hằng ngự trị trong lòng ta, thì Thượng Đế chính là căn cơ, gốc gác của ta, Thượng Đế chính là Bản Thể của ta, là Chân Tính của ta.

Hiểu nhẽ đó nên Mạnh tử mới nói: «Tính người vốn tốt.»

Mạnh Tử còn viết:

«Thấu triệt lòng sẽ hay biết Tính,

Hay biết Tính, nhất định biết Trời.

Tồn tâm, dưỡng Tính chẳng rời,

Ấy là giữ đạo, thờ Trời chẳng sai.»

(Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú hạ 1).

Cho nên, nếu Trời là Nguồn Sáng, thì người sẽ là những ánh sáng từ đó phát ra; nếu Trời là gốc cây, thì con người sẽ là thân cây, là cành, lá, quả, hoa.

Các nhà thấu thị còn tiến thêm một bước nữa, và cho rằng Trời chẳng những là Bản Thể con người mà còn là Bản Thể của muôn loài, muôn vật. Niềm tin này chính đã sinh ra Thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

Trời là bản thể bên trong, nhân loại, quần sinh là hiện tượng, là ứng dụng bên ngoài, nhưng đôi đằng vẫn mật thiết tương quan với nhau. Chu Hi viết: «Thể Dụng nhất nguyên, Hiển Vi vô gián.»

«Thể với Dụng cùng chung gốc rễ,

Hiển cùng Vi khôn nhẽ chia phôi.» 

Đó là một học thuyết cổ sơ nhất của nhân loại, nhưng ngày nay vô số người âu Mỹ cũng lại hết sức tin theo.

Cady, tác giả quyển Lessons in Truth, đã viết: «Như vậy, Thượng Đế chính là Thực thể đứng khuất lấp sau mọi hình thái của sống động, của tình yêu, của trí huệ và của quyền uy. Mỗi một tảng đá, mỗi một cây, mỗi một muông thú, bất kể cái gì có hình tướng đều là sự hiển hình của một Chân Thần – của một Trời – khác nhau chỉ là ở cấp độ hiển dương nhiều hay ít. Và muôn ngàn hiện tượng, muôn ngàn cá thể, dù là nhỏ nhoi hèn hạ đến đâu cũng dung chứa Toàn Thể.» [30]

2. Luật Trời chẳng xa người

Nếu Trời chẳng xa người, thì làm sao mà luật Trời xa con người được?

Kinh Thi viết:

«Trời sinh ra khắp chúng dân,

Vật nào phép nấy định phân rành rành.

Lòng dân sẵn có căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành đẹp tươi.»

(Kinh Thi, Chưng dân).

Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo nhiều lần đã long trọng xác nhận rằng luật Trời đã ghi tạc trong tâm con người.

Trong sách Deuteronomy (Phục Truyền Luật Lệ Ký), khi truyền Mười Điều Răn cho dân Do Thái, Chúa phán: «Thực vậy, lề luật mà ta truyền dạy hôm nay, không có ở ngoài tầm kích ngươi. Nó không ở trên trời, để ngươi phải nói: "Ai lên trời cho chúng tôi, để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và thi hành. Nó cũng chẳng ở cách trùng dương để ngươi phải nói: Ai sẽ vượt biển cả cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và thi hành. Đạo kề bên ngươi, Đạo ở trong miệng ngươi, trong lòng ngươi, để ngươi có thể đem thực hiện.» (Deuteronomy, 30,11).

Tiên tri Jeremiah cũng viết lại lời Thiên Chúa: «Ta để lề luật ta trong tầng sâu bản thể chúng, và sẽ viết luật ta trong đáy lòng chúng.» (Jeremiah, 31, 33–34).

Về phía triết gia, Emmanuel Kant viết: «Bàu trời đầy sao trên đầu ta, và định luật luân lý trong lòng ta, đó là hai điều càng ngày càng làm cho tâm hồn ta phải kính phục.» [31]

Johann Gottfried von Herder (1744–1803), một văn gia Đức, cũng chủ trương đại khái rằng: khuôn mẫu hoàn thiện chẳng lìa xa con người, mà đã ghi tạc trong thâm tâm con người. Mẫu người hoàn thiện đã sẵn có trong thâm tâm con người. [32]

3. Con người có hai phần Chân và Vọng

Vì Trời là căn cơ, là bản tính con người, vì trong lòng ta có Trời, vì Trời là bản thể nhân loại, nên thánh hiền xưa nay thường phân biệt hai phần Chân và Vọng trong con người.

Phần Chân thời thường hằng, bất biến,

Phần Vọng thời biến thiên, sinh tử.

Phần bất biến là Thiên, là Chân Tâm, Chân Ngã.

Phần biến thiên nơi ta là Nhân, là Vọng tâm, Vọng Ngã.

Phần Chân Thường, Chân Ngã nơi ta, người xưa còn gọi là Bản Lai diện mục, là Phật tính, là Cốc Thần, là Huyền Tẫn, là Tính, là Thần, là Đạo, là Atman, là Cái Đó (Giá Cá), là đấng KiTô nội tại v.v...

Phần biến thiên phù phiếm nơi ta, thường được gói ghém trong mấy chữ: Tấm thân «tứ đại giả hợp», và bao gồm hết tâm tình, tư lự, tri giác, cảm xúc v.v... tất cả những yếu tố đó tạo nên con người thực tại và lịch sử như chúng ta đây, những con người đang sống trong vòng biến thiên, hiện tượng, đang chìm nổi trên trùng dương trần thế, bềnh bồng như thân phận cánh bèo, lòng những ước mơ hạnh phúc, mà thực ra chưa mấy ngày là được hưởng hạnh phúc thảnh thơi...

Thánh hiền xưa nay cốt chỉ cho con người thấy phần Thiên, bất biến bất diệt nơi con người.

Tính Mệnh khuê chỉ viết:

«Phụ mẫu sinh tiền một điểm linh,

Chẳng linh, vì đã kết thành hình.

Hình hài che khuất nguồn sáng láng,

Thoát hình âu sẽ vẹn tinh anh [33]

 4. Tìm ra được phần bất biến ấy nơi con người, nhiên hậu mới lập được căn cơ tu trì vững chãi.

Tiến thêm một bước nữa, ta có thể suy luận như sau: Cái gì biến thiên sẽ có sinh, có tử. Mà tâm hồn ta thời biến thiên nên cũng có sinh, có tử.

Cái gì bất biến, hằng cửu mới bất sinh, bất tử. Mà chỉ có Trời mới bất biến, hằng cửu, nên chỉ có Trời mới bất sinh, bất tử.

Trang Tử vì biết trong mình có phần Thiên, nên mới dám nói:

«Ta và trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.» [34]

 Trời bất biến; con người biến thiên. Đã biến thiên thời không vĩnh cửu. Vậy con người muốn vĩnh cửu, muốn trường sinh bất tử, phải kết hợp với Trời, nhân tâm phải kết hợp với Đạo Tâm.. Trường sinh bất tử không phải là một dữ kiện nhưng là cả một công trình cần phải được thực hiện.

Chính vì thế mà đạo Lão mới nói:

Dục cầu nhân bất tử,

Tu tầm bất tử nhân. 

Dịch:

Muốn cho người được trường sinh,

Phải tìm ra Đấng huyền linh, trường tồn. (Tiên học, tr. 2)

Đạo Lão cũng chủ trương: «Tâm tử, thần hoạt.» (Hồn chết đi, cho thần sống động.)

 Phật giáo cũng chủ trương rằng: nếu bỏ cái chân thường, mà chắt chiu ôm ấp cái biến thiên, ấy là làm một công chuyện vô ích, xét về phương diện siêu nhiên.

Thủ Lăng Nghiêm viết:

«Phật bảo A Nan: Từ muôn kiếp tới nay, chúng sinh lao lung, điên đảo; các nghiệp chướng sinh ra đày dãy như trái ác xoa. Còn những ngươì tu hành chẳng thành được vô thượng bồ đề, lại thành ra những bậc thanh văn, duyên giác, các thứ ngoại đạo, trời và ma vương, ma quyến, đều là vì không biết hai thứ căn bản, tu luyện cuồng xiên, thác loạn, y như đòi nấu cát thành cơm, thì có đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng được.

«Thế nào là hai thứ căn bản? hỡi A Nan! Một là căn bản tử sinh từ muôn kiếp y như nay, ngươi và chúng sinh lấy tâm vọng tưởng (tâm phan duyên) là tự tính.

«Hai là Căn bản Niết Bàn Nguyên Thanh tịnh thể đó ở nơi ngươi, chính là «Thức tinh nguyên minh» có thể sinh ra vạn duyên, vạn sự, mà đã bị trần duyên làm mất bỏ.

«Cũng vì chúng sinh đã bỏ mất cái căn nguyên sáng láng ấy, cho nên hằng ngày tuy vẫn luôn dùng, mà vẫn chẳng tự biết được nó, rồi ra lặn lội, đắm đuối vào các thú vui uổng phí cả cuộc đời.» [35]

Bỏ cái Nguyên Thường, trường cửu mà theo cái vô thường, biến dịch, coi vọng tưởng mà lầm là «chân tính» của mình, thì khác nào nhận giặc làm con, làm sao thoát khỏi luân hồi, khổ ải.

Phật bảo A Nan: «Cái đó là vọng tưởng do lục trần bên ngoài mà sinh, nên gọi là vọng tưởng. Nó làm hoặc loạn chân tính con người. Bởi vì từ xưa tới nay, ngươi nhận giặc làm con, bỏ mất tính chân thường của ngươi, nên ngươi bị luân chuyển.» [36]

Làm sao mà phân biệt được Chân Tâm, Vọng Tâm nơi con người?

Phật cho rằng cái gì từ bé đến già mà không thay đổi là Chân Tâm.

Theo đà thời gian, tuế nguyệt, đầu ta bạc, măt ta nhăn, nhưng cái Chân Tâm ấy chẳng hề nhăn, chẳng hề bạc. [37]

Suy ra, trong con người, cái gì bất động, bất biến là Chân Tâm.

Đã bất biến, thường trụ thời là Chủ Nhân; đã trừng tịch, bất động thời là Không. [38]

Trái lại, cái gì thay đổi, biến thiên trong con người, cái gì dao động, thì là vọng tâm. Mà đã dao động, thì chẳng qua là trần ai, hay là khách qua đường mà thôi.

Cho nên vọng tâm chính là hiện tượng, sẽ bị sinh diệt, còn Chân Tâm mới là căn bản, mới là Bản Thể bất sinh, bất diệt. [39]

Bỏ mất bản tâm, mà lại nhận duyên trần, nhận vật làm mình, nhận dao động, biến thiên làm Chân Tâm, thì làm sao chẳng bị quay cuồng trong ngọn lốc luân hồi, lưu chuyển? [40]

Không ý thức được quan niệm căn bản ấy, đã mất Chân Tâm, Bản Tâm rồi, thì dẫu có đem thân xuất gia, lòng vẫn chẳng nhập đạo, chẳng khác gì đứa con bỏ nhà cha ra đi, ắt bị lao lung, khổ ải. Tu trì như thế làm sao mà chứng quả được, cũng ví như nghe người nói chuyện uống ăn, thì làm sao mà no được? [41]

Tóm lại ôm ấp, chắt chiu cái biến thiên, hủ hoại, mong ước cho nó được trở nên thường hằng, bất hủ, bất hoại, là muốn đi ngược lại định luật của trời đất, cũng y như là muốn cho má không nhăn, đầu không bạc, răng không rụng, để mà xuân mãi với thời gian.

Nói cách khác: Gieo nhân nào, thì được quả ấy: Nếu chúng ta lựa những hạt giống phàm phu, tục tử mà gieo giồng, thì chúng ta chỉ gặt hái được những quả phàm phu, tục tử. Nếu chúng ta tìm những hạt giống Trời, Phật, Thánh, Thần mà gieo giồng, thì chúng ta mới chứng được quả Trời, Phật, Thánh, Thần.

Xưa nay chưa từng thấy ai cho ấp trứng gà, mà lại nở ra chim phượng bao giờ.

b. Hệ quả đạo giáo

1. Kính sợ Trời tiềm ẩm đáy lòng.

Nếu Trời ngự trị trong lòng chúng ta, nếu chúng ta biết Trời soi xét tâm can chúng ta hằng phút, hằng giây, tự nhiên chúng ta sẽ kính úy, sẽ thay đổi tính tình, sẽ cố ăn ở cho trang trọng, sẽ không còn dám làm điều sằng bậy.

Người xưa âu đã biết điều này, nên mới nói: «Hoàng Thiên bất khả khi», nghĩa là: dối Trời không được. Hoặc:

«Nhân gian tư ngữ, thiên văn nhược lôi,

Ám thất khuy tâm, thần mục như điện.» 

Dịch:

Nhân gian thầm thĩ với nhau,

Trời nghe mồn một, ngỡ đâu sấm rền.

Phòng riêng, lòng trạnh nỗi niềm,

Trời nhìn tỏ rõ như in chớp lòa. 

Có biết kính úy, thời mới bước được vào con đường tu trì, tu thân, tiến đức thực sự.

Luận Ngữ (14, 15) viết: «Tu kỷ dĩ kính.» (Kính để sửa mình.)

Sách Ecclesiasticus viết: «Sự kính sợ Trời, là khởi điểm cho sự khôn ngoan.» (Eccl. I, 14).

2. Trọng kính mọi người, thương yêu mọi người.

Nếu ta tin tưởng rằng có Trời tiềm ẩn trong lòng mỗi một người, tự nhiên ta sẽ đem lòng kính trọng đồng loại, bởi vì mọi người đều là những đền thờ sống động của Thượng Đế.

Chính vì thế mà người quân tử trong đạo Nho «ra khỏi nhà thời trang trọng như đón khách quí, đối với dân, thời kính cẩn như đang hành đại lễ.» (Luận Ngữ XII, 2).

Người Á Châu có lẽ đã sớm hiểu biết rằng Trời chẳng xa người, rằng đồng loại là trọng, nên hết sức kính trọng người khác.

Khảo phong tục dân Ấn, dân Tầu, dân Việt, dân Nhật, đâu đâu ta cũng thấy có phong tục trọng khách, và lấy sự lễ độ làm giường mối cho mọi công cuộc giao tiếp.

Đằng khác, nếu nhận định rằng Trời là Bản thể con người, thì chúng ta hoàn toàn giống nhau về phương diện căn bản, bản thể, về phương diện lương tâm, mà chỉ khác nhau về tuổi tác, địa vị, hoàn cảnh, màu da, sắc áo v.v... Tóm lại xét về Bản thể, chúng ta đều là một.

Chính vì thế chúng ta có bổn phận coi mọi người như anh em và có nhiệm vụ bác ái đối với mọi người.

Khẩu hiệu «Tứ hải giai huynh đệ» phải được nhân loại càng ngày càng đề cao, và thực thi triệt để.

Mới hay:

«Hoàn cầu phục vụ con người,

Con người nay trước, con Trời mai sau.

Nội tâm cố tiến vào sâu,

Cửa Trời dần mở, cơ mầu dần hay.

Chớ còn gàng quải đó đây,

Ngoài tuy muôn nước, trong nay một nhà.

Thiên sơ vạn thủy băng qua,

Muôn người như một, thái hòa khắp nơi.» 

3. Đi sâu vào đáy lòng để tìm Đạo, tìm Trời.

Nếu Trời đã ở trong lòng ta, thì con đường gần nhất để tìm Trời, tìm Đạo, chính là đi sâu vào đáy lòng để mà tìm kiếm.

Tu trì chính là biết tập trung tư tưởng, biết gạn đục khơi trong tâm hồn, để cho «tam hoa qui đỉnh, ngũ khí triều nguyên», cho mọi sự trở về căn nguyên đích thực của nó tại «não thất ba» – tại Nê Hoàn – để cho lòng người được hợp với lòng Trời. Chính vì thế mà Mạnh tử mới viết: «Đạo ở gần, mà cứ đi tìm ở xa.» (Đạo tại nhĩ nhi cầu chư viễn. Mạnh tử, Ly Lâu thượng, câu 2).

Phúc âm Lu Ca viết: «Nước Trời ở trong anh em.» (Luke 17:21).

Emmanuel Swedenborg nói: «Trời ở bên trong, chứ không ở bên ngoài chúng ta.» [42]

Albert le Grand nói: «Lên cùng Thượng Đế tức là về với lòng mình. Ai mà vào được tới đáy lòng mình, sẽ tự vượt, để đạt tới Thượng Đế.» [43]

Mạnh tử viết:

«Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành.

Kiện toàn, hoàn thiện tinh anh,

Vui nào hơn được vui mình đang vui [44]

 Môn phái Khất sĩ Bauls ở Ấn Độ cũng chủ trương như vậy. Họ tha thiết đi tìm Trời, nhưng là đi tìm Trời trong tâm hồn họ, chứ không phải trong đền đài, miếu mạo [45]

Đối với họ, vũ trụ này được tạo dựng có mục đích là để cho Vô Cùng được thể hiện trong Hữu Hạn. Mà sự thể hiện này không phải sẽ thấy ở bầu trời đầy sao, mà sẽ thấy trong tâm hồn con người.

Họ cũng quan niệm rằng: «Con người sở dĩ không trông thấy Thượng Đế ngự trong lòng họ, vì họ bị choáng lòa bởi vọng tâm. vọng niệm, vọng ngã. Họ không biết có Thượng Đế trong họ, vì họ chỉ quan tâm đến tiểu ngã, vọng ngã, đến vật chất, ngoại cảnh, đến những thú vui trần tục.» [46]

Maitri Upanishads của Ấn Độ Giáo đã viết:

...Tâm thường có hai chiều, hai vẻ,

Vẻ phàm phu và vẻ thanh cao.

Phàm phu dục vọng dạt dào,

Thanh tao vì chẳng xuyến xao tâm thần.

Lòng cố giữ thập phần tĩnh lãng,

Đừng ù lì, phá tán lòng ai.

Hòa đồng hợp nhất với Trời,

Ấy là tuyệt diệu trên đời mấy ai.

Lòng chớ để pha phôi, lạc lõng,

Tội tình chi lóng ngóng Đông Tây.

Đáy lòng giải thoát là đây,

Giác minh vô tận ở ngay đáy lòng.

Hãy cố gắng tập trung thần trí,

Thời oan khiên phiền lụy tiêu tan.

Hoà đồng phối hợp Atman,

Ấy là hạnh phúc muôn ngàn tả sao!

Diễm tuyệt ấy lời nào tả xiết,

Chỉ tâm thần mới biết mới hay.

Nước kia nước nọ hòa hài,

Lửa phừng trong lửa, ai người biện phân.

Khí pha khí, ai lần manh mối!

Đã hiệp hòa khó nỗi chia ly.

Tâm thần mà nhập huyền vi,

Thời thôi trần cấu còn chi bận lòng.

Lẽ giải kết ở trong hoàn võ,

Đều do tâm dây rợ mối manh.

Lụy là bám víu sự tình,

Tâm không lụy vật âu đành thần tiên...

(Maitri Upanishad, 6, 34).

 Bước sang Phật giáo, ta có thể lãnh hội vi ý của Bồ Đề Đạt Ma, qua chương Bồ Đề Đạt Ma Huyết Mạch luận như sau:

Chân tâm bao quát đất trời,

Xưa nay chư Phật chẳng rời Chân Tâm.

Chẳng cần lập tự, lập văn,

Xưa nay chư Phật tâm tâm tương truyền,

Tâm ta gồm mọi sự duyên,

Mọi đời sau trước, mọi miềm gần xa.

Tâm ta là chính Phật Đà,

Phật đà ở tại tâm ta chẳng rời,

Niết Bàn, Viên Giác, Như Lai,

Ngoài tâm tìm kiếm, công toi ích gì.

Ngoài tâm tìm kiếm được chi,

Niết Bàn đâu có lối về ngoài tâm.

Tự Tâm chí chính, chí chân,

Tự Tâm là Phật, Tự Tâm: Niết Bàn

Ngoài tâm tìm kiếm đa đoan,

Tay không bắt gió, mơ màng hư vô.

Tâm ta tạo Phật cho ta,

Bỏ tâm tìm Phật hỏi là tìm đâu.

Phật Tâm, Tâm Phật trước sau,

Ngoài tâm tìm Phật hỏi sao chẳng lầm.

Cho nên phải biết hồi tâm,

Nội quan quán chiếu mà tầm siêu linh.

Bản Lai Diện Mục của mình,

Muốn tìm thời phải ly hình nhập tâm...

 Đạo Lão cũng chủ trương muốn tìm Trời, tìm Đạo phải tìm nơi tâm điểm của đầu não.

Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ viết đại khái như sau:

«Ta nay truyền dạy đạo Trời,

Nương theo Dịch Lý dạy người điểm Trung.

Huyền quan ở chính giữa lòng,

Giữa chừng Tý Ngọ khơi dòng thần tiên.

Hồi quang soi tỏ căn nguyên,

Căn nguyên rạng rỡ, ước nguyền thỏa thuê.» [47]

 Đạo Cao Đài cũng dạy:

«Đạo ở trong người chẳng phải xa,

Đừng nên tìm kiếm khắp ta bà.

Tâm linh lúc ẩn, khi bày hiện,

Mặc mặc tham thiền sẽ lộ ra...» [48]

 Đại Thừa Chân Giáo của Cao Đài cũng viết:

«Chớ nên ẩn núp núi xa,

Xưa nay các đạo hiểu ra rất lầm.

Đạo đâu? Đạo ở nơi tâm,

Thì đâu có phải kiếm tầm đâu xa?» [49]

 Tóm lại, nếu biết rằng trong lòng ta có Trời, thì chúng ta đã tìm được con đường tìm Đạo, tìm Trời giản dị và gần gũi nhất.

Nếu thực tình chúng ta có thiện tâm, thiện chí muốn tìm

Đạo, tìm Trời, chúng ta phải đi sâu vào nội tâm mà tìm Trời, tìm Đạo. Trời, Đạo không phải là một chuyện mà cả, bán buôn nơi ngã ba, đầu chợ. Nước Trời chẳng đến rộn rã trong rước sách, tàn quạt, trống chiêng, mà đã đến âm thầm, mà đã ẩn tàng sẵn ngay trong tâm hồn ta.

Vậy muốn tìm ra chân sư bày tỏ cho mình các nhẽ huyền vi, chỉ giáo cho mình phương pháp tu luyện trường sinh, bất tử, ta phải như Tề Thiên Đại Thánh, tìm về Phương Thốn Sơn, tìm về Tà Nguyệt Tam Tinh Động. Phương Thốn Sơn chính là «tấc lòng» ta, mà Tà Nguyệt Tam Tinh Động chính là Tâm ta viết bằng «Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời».

Đi sâu vào nội tâm, gạt cho hết mây mù dục vọng tăm tối, không sờn lòng, không lui gót, chắc chắn có ngày chúng ta sẽ thấy Trời, thấy Đạo hiện ra rực rỡ giữa tâm hồn ta. Khi ta đã đạt tới mục phiêu cao diệu ấy, ta sẽ thấy thánh hiền sau trước chẳng hề có sai ngoa, và các đạo giáo cũng không có bí quyết gì cao diệu hơn.

4. Mục đích công cuộc tu trì là phối hợp với Trời, với Chân Tâm, mục đích công cuộc tu trì là đi đến chỗ thần thánh hóa con người, đi đến chỗ Phối Thiên.

* Sách Thần Học Đức nói: «Nếu có ai hỏi bạn thế nào là một thần nhân, bạn sẽ trả lời: Đó là người sáng láng rực rỡ bởi ánh sánh thiên chân vĩnh cửu; đó là người nồng cháy lửa yêu thương Thượng Đế.» [50]

* Nho giáo cho rằng: Tu là để đi đến chỗ «Duy Tinh Duy Nhất, Doãn chấp quyết Trung» mà tôi tạm dịch như sau:

«Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.»

 Như vậy con người muốn phối hợp với Trời, trước tiên phải rũ bỏ lòng phàm. Người xưa gọi thế là: «Tận nhân dĩ hợp Thiên». Đạo Lão gọi thế là «Tâm tử thần hoạt». Đạo Phật gọi thế là: «Phế Tích, lập Bổn», hay «Phế Quyền lập Thật», hay «trở về Chân Tâm» hay «nhập Niết Bàn».

Khi tính người tan biến còn nguyên có Tính Trời, thì các thánh hiền Hồi giáo gọi là trạng thái «FANA»; khi tâm hồn sống động bởi Chúa, hay nói cách khác, khi Chúa hoạt động trong tâm hồn, thì họ gọi là trạng thái «BAQA». [51]

Như vậy Phối Thiên là rũ bỏ Nhân Tính, phục hồi Thiên Tính.

*Abu-Yazid, một vị thánh Hồi Giáo, nói: «Tôi đã gặp Chúa toàn năng trong giấc mộng và hỏi Ngài: "Đường nào về với Chúa?" Ngài trả lời tôi: "Hãy trút bỏ ngã chấp và hãy vươn lên."» [52]

*Yazid Bastami, một vị thánh Hồi giáo khác nói: «Tôi bỏ hết hồn tôi, như con rắn lột xác, rồi tôi nhìn vào bản thể tôi, và khi ấy "Tôi" chính là "Ngài".» [53]

*Ấn Giáo cũng cho rằng công phu tu luyện cao siêu nhất là được kết hợp với Atman.

«Từ nay âu đã thành Thần,

Từ nay mơ ước hồng trần tiêu tan.

Người phàm nay đã siêu phàm,

Lòng trần nay đã biến sang lòng Trời [54]

 Đạo Cao Đài cũng chủ trương:

«Tu là học để làm Trời,

Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian [55]

 Biết được rằng trong lòng mình có Trời, có Đạo, là tạo cho mình có được một kho tàng quí báu vô cùng tận. Khi đã giác ngộ được điều cao đại này, chúng ta sẽ thấy trong lòng bừng lên một niềm phấn khởi vô biên, thấy đời sống có một ý nghĩa vô cùng cao đại, thấy định mạng con người thật là hết sức sang cả.

Chính vì trong lòng con người có phần Trời, nên bất kỳ ai cũng có những khát vọng siêu nhiên, nên đạo giáo nào cũng muốn đem Trời lồng vào trong tâm hồn con người, hoặc bằng những phương pháp tu trì, tĩnh tâm giác ngộ, hoặc bằng các lễ nghi, bí tích bên ngoài.

Vì con người chẳng thể xa Trời, nên các đạo giáo đã luôn luôn tỏ ra muốn bắc nhịp cầu nối kết Trời với Người, Người với Trời; nối kết Bản Thể với Hiện Tượng; Hằng Cửu với Biến Thiên; Đại Ngã với Tiểu Ngã; Chân Tâm với Vọng Tâm. Lời lẽ tuy khác nhau nhưng nội dung ý nghĩa chỉ là một. Vì Trời vốn hoàn thiện, nên con người có bổn phận vươn lên cho tới Hoàn Thiện.

Tất cả những điều Huấn Dụ, những Giới Răn, những Giáo Điều đều có mục đích đưa dần con người tới hoàn thiện.

Có tiến tới hoàn thiện mới giác ngộ được căn bản tuyệt vời của mình, mới thực hiện được định mạng sang cả, cao siêu của mình là phối hợp với Thượng Đế, với Chân Tâm, với Thái Cực, với Trời, với Đạo.

Dịch Kinh viết:

Cơ trời biến hóa vần xoay,

Làm cho vạn vật thêm hay, thêm tình.

Kiện toàn tính mệnh của mình,

Giữ gìn toàn vẹn tính lành Trời cho.

Thế là ích lợi không bờ,

Thế là vĩnh cửu, thế là lợi trinh. [56]

 Đã có sẵn mầm mống cao đại, mầm mống hoàn thiện trong người, dĩ nhiên chúng ta có bổn phận phát huy và triển dương cái mộm mống hoàn thiện cao đại ấy cho nó được phát triển đến chỗ chí cùng chí cực.

Tôi xin cống hiến quí vị mấy lời nhắn nhủ mà tôi đã dịch từ Thánh Thư Veda của Ấn Độ Giáo:

«Đường trời cao vút tầng mây,

Ai ơi đừng có một ngày lui chân.

Đức Trời lồng với kinh luân,

Ta đem ta sẻ, ta phần cho ai.

Hãy lên rong ruổi xe trời,

Băng miền cực lạc, muôn đời trường sinh.

Răng long, đầu bạc mặc tình,

Đừng bao giờ nói rằng mình già nua.

Thần thông Trời đã phú cho,

Bạc đầu, lòng vẫn nhởn nhơ, nhẹ nhàng,

Vén mây, vượt núi, băng ngàn,

Đường trời chót vót, chớ màng lui chân.» [57]


CHÚ THÍCH

[1] Thiên dữ nhân tương vi biểu lý. --Tính Lý, q. 2, tr. 54.

[2] Tâm tức Thiên...Lương tri tức Thiên. -- Wang Tchang Tchi, La philosophie morale de Wang Yang Ming, p. 10.

[3] Nguyễn đình Chiểu, Ngư tiều vấn đáp y thuật, tr. 372 & 208.

[4] Kinh Thi, Đại Nhã, ức thiên.

[5] Thiên tại nội, nhân tại ngoại. -- Nam Hoa Kinh, Chương Thu Thủy.

[6] Đông du bát tiên, cuốn 4, tr. 32.

[7] A Person of the measure of a thumb is the inner Soul (antaratman), ever seated in the heart of creatures. He is framed by the heart, by the thought, by the mind. They who know this, become immortal.

Svetasvara Upanishad, 3. 13.

[8] He who knows that, set in the secret (of the heart), He here in earth, my friend, rends asunder the knot of ignorance.

Mundaka Upanishad,2, 1- 10.

[9] His form is not to be beheld,

No one soever sees Him with the eye,

They who know Him with heart and mind,

Is abiding in the heart, become immortal.

Svetasvara Upanishad, 4. 19- 20.

[10] Tant que vous sentez Dieu loin de vous et extérieurement, vous avez l'ignorance, mais quand vous réalisez Dieu intérieurement, vous arrivez à la vraie sagesse. (L'Enseignement de Ramakrishna, p. 403).

[11] Vô Cấu tử kệ vân:

Ngũ uẩn sơn đầu nhất đoạn không,

Đồng môn xuất nhập bất tương phùng.

Vô lượng kiếp lai nhẫm ốc túc,

Đáo đầu bất thức chủ nhân ông.

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. 2, tr. 11.

[12] Phật thị tâm tác. Mê nhân hướng văn tự trung cầu; ngộ nhân hướng tâm nhi giác.

Vô Tích Đinh Phúc Bảo Trọng, Tâm Kinh tường chú, tr. 7a.

[13] Ngôn tự qui y Phật, bất ngôn qui y tha Phật. Tự Phật bất qui vô sở y xứ. Kim ký tự ngộ, tu qui y Tự Tâm Tam Bảo, nội điều tâm tính, ngoại kính tha nhân, thị tự qui y dã...Hướng giả Tam Thân Phật tại Tự Tính trung, thế nhân tổng hữu. Vi Tự Tâm mê, bất kiến nội Tính, ngoại mịch Tam Thân Như Lai, bất kiến tự thân trung hữu Tam Thân Phật...Tam Thân Phật tòng Tự Tính sinh bất tòng ngoại đắc...

Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Sám Hối đệ lục.

[14]   Thiết kỵ tùng tha mịch,

Thiều thiều dữ ngã sơ.

Ngã kim độc tự vãng,

Xứ xứ đắc phùng cừ.

Cừ kim chính thị ngã,

Ngã kim bất thị cừ.

Ưng tu thậm ma hội,

Phương đắc khế như như.

(Thiền luận, quyển hạ, tr. 351- 352.)

[15] Coran, Sourate 50, 16.

[16] Nikos Kazantzaki, Alexis Zorba, con người chịu chơi, tr. 462.

[17] In the market, in the cloister - only God I saw,

In the valley and on the mountain - only God I saw.

Him I have seen beside me oft in tribulation;

In favour and in fortune - only God I saw.

In prayer and fasting, in praise and contemplation,

In the religion of the Prophet - only God I saw.

I opened my eyes, and by the light of His face around me

In all the eyes discovered - only God I saw.

Like a candle I was melting in his fire,

Amidst the flames outflashing - only God I saw.

Myself with my own eyes I saw most clearly,

But when I looked with God's eyes - only God I saw.

I passed away into nothingness, I vanished,

And lo, I was the all- living - only God I saw.

                                                     (Babu Kuhi of Shira).

[18] I Cor. 3, 16 và I Cor. 6, 19.

[19] Quaerebam Te foris a me, et non inveniebam Deum cordis mei. - Cuốn VI, Chương I (Cf. Ps. 72, 26).

[20] Sero te amavi... Et ecce intus eras et ego foris.

[21] Đàn cơ Nam Thành Thánh Thất, giờ Ngọ, Mồng 1, tháng Giêng, Kỷ Dậu.

[22] Cao Hiên, Lịch sử Cao Đài, Phần Vô Vi, tr. 188.

[23] Đàn cơ Nam Thành thánh thất, giờ Ngọ, Mồng 1, tháng Giêng, Kỷ Dậu.

[24] Lotus Bleu, 72e Année, No 4, Avril, 1967, p. 15 & 327.

[25]  Where the channels are brought together,

Like the spokes in the hub of the wheel.

Therein he moves about, becoming manifold.

Om! Thus meditate upon the Soul (Atman).

Success to you in crossing

To the farther shore beyond darkness.

(Mundaka Up. 2.2.6).

[26] Jean Herbert, Fondements de la Mystique Tibétaine, các hình ảnh tr. 200- 201.

[27] Đầu hữu cửu cung. Trung viết Nê Hoàn. (Kim Đơn đại thành tập tr. 4).

[28] Cửu thiên chi thượng thần tiên sở cư. Tại nhân tức Nê Hoàn. Lưu Châu cung thị dã...(Đại Đỗng Chân Kinh, tr. 10).

[29]  Đại đạo căn kinh thức giả hi,

Thường nhân nhật dựng, thục năng tri?

Vị quân chỉ xuất thần tiên quật,

Nhất khiếu loan loan tự nguyệt mi.

Tính Mệnh khuê chỉ q. 2 tr. 2.

[30] "God then, is the substance (from sub - under and state - to stand), or the real thing standing under every visible form of life, love, intelligence, or power. Each rock, tree, animal, everything visible, is a manifestation of the one Spirit - God - differing only in degree of manifestation, and each of the numberless manifestations, or individualities, however insignificant, contains the whole...

(Cady, Lessons in Truth, pages 8,9).

[31] Cf. P. Ch. Lahr S.J., Morale, p. 486).

[32] Herder, Idées pour la philosophie de l'Histoire de l'Humanité, pp.269-271).

[33] Thái Huyền chân nhân viết:

"Phụ mẫu sinh tiền nhất điểm linh,

Bất linh chỉ vị kết thành hình.

Thành hình tráo kiếp quang minh chủng,

Phóng hạ y nhiên triệt để thanh.

Tính Mệnh Khuê Chỉ,q. 2, tr. 4.

[34] Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. Nam Hoa Kinh, Tề vật luận.

[35] Thủ Lăng Nghiêm, q. 1, Việt Nam Phật Tử Hội xuất bản, tr. 22- 23.

[36] Ib. tr. 25.

[37] Ib. q. 2, tr. 5.

[38] Ib. tr. 33, 34.

[39] Ib. q. 1, tr. 36; q. 2 tr. 1.

[40] ibid. q. 1, tr. 36.

[41] Ib. tr. 28- 29.

[42] Le ciel est au dedans et non en dehors de chacun...Le Ciel est dans l'homme.

Illan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p. 183).

[43] Monter vers Dieu, c'est entrer en soi- même. Celui qui entre en lui- même et pénètre au fond de son être, se dépasse et atteint vraiment Dieu. Ib. p. 130.

[44] Mạnh tử, Tận tâm chương cú hạ.

[45] An intense yearning of heart for the divine which is in man and not in the temple.

Ed. Dimock, Rabindanah Tagore in The Journal of Asian Studies, Vol. XIX, No 1, Nov. 1959, p. 35.

[46] The revealment of the Infinite in the finite which is the motive of all creation, is not seen in the perfection of the starry heaven... It is in the soul of man...Ib. p. 41.

Man's vision of the divine is blurred because of the self. Man does not realize the God within him, because he is too conc er ned with the ego, with the material world, with sensual satisfaction...Ib. p. 43.

To know the God within, one must first realize that the body is perishable and transitory, like a house which crumbles with age and returns slowly to the earth from which it is built, or like a garden fading with the seasons...Ib. p.43.

[47]  Ngô kim lược thuyết tầm chân lộ,

Hoàng Trung thông lý tải Đại Dịch.

Chính vị cư thể thị Huyền quan,

Tí Ngọ trung gian kham định tức,

Quang hồi tổ khiếu, vạn thần an.

Thái ất Kim Hoa Tông Chỉ, tr. 15.

[48] Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 29 tháng Giêng, Tân Hợi.

[49] Đại Thừa Chân Giáo, tr. 240.

[50] Théologie germanique: "Si l'on vous demande ce qu'est un homme divin ou divinisé, vous répondrez: Celui qui est tout éclairé et resplendissant de la lumière éternelle et divine, tout embrasé de l'amour éternel et divin...

La Religion Essentielle p. 161.

[51] Au bout du chemin mystique, Dieu seul est présent. Le Saint peut alors disparaitre complètement en Dieu: c'est l'état du 'fana', il peut aussi, à d'autres moments, subsister par Dieu. C'est l'état du 'Baqa'. Mais dans les deux cas, c'est Dieu qui agit en lui.

Marijan Molé, Les Mystiques Musulmans, p. 61.

[52] Abu Yazid dit: " Je vis le Seigneur de la Puissance en rêve et lui demandai: "Quel est le chemin qui mène vers Toi?" Il me dit: "Dépouille- toi de ton toi, et élève- toi!"

Marijan Molé, Les Mystiques Musulmans, p. 54.

[53] Yazid Bastâmi: Je me suis dévêtu de mon âme (charnelle- nafs), comme le serpent dépouille sa peau, puis j'ai considéré mon essence, et voici que mon "Je" c'est Lui.

Louis Massignon, Sur les Origines du Lexique technique de la Mystique musulmane, II, 97.

[54] When are liberated all,

The desire that lodge in one's heart,

Then a mortal becomes Immortal,

Therein he reaches Brahma,

Brihad Aranyaka Up. 4.4.7.

[55] Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 29 tháng Giêng, Tân Hợi.

[56] Kiền đạo biến hóa các chính tính mệnh, bảo hợp Thái Hòa, nãi lợi trinh. Dịch kinh. Quẻ Kiền, Thoán truyện.

[57] Hymn from the Veda:

Steep and high is your path of pilgrimage, o man; never descending low. I have equipped thee with the divine wisdom and power to live a full and vigorous life.

Come and enter the divine chariot of immortal bliss.

Never say you are old, o my traveller,

With advancing age, blessed with the wealth of wisdom, you shall ever remain young and vigorous.

Up and high your path, never descending low.

(Atharvaveda.).


» Mục lục | Phi lộ | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20