LECOMTE DU NOÜY

VÀ HỌC THUYẾT VIỄN ĐÍCH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân | Thư bà Mary Lecomte du Noüy | Lời nói đầu

Phần 1: chương 1  2  3  4 | Phần 2: chương 1  2  3  4 | Phần 3: chương 1  2  3  4

Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


 

LỜI NÓI ĐẦU

Ut sit Deus omnia in omnibus.

(I Cor. 15, 28)

 

Tư tưởng Lecomte du Noüy đến nay không còn xa lạ đối với chúng ta.

Các tác phẩm của Ông đã được lưu hành từ lâu tại Việt Nam và nhiều nhà trí thức đã được đọc các nguyên tác của Ông.

Hơn nữa, năm 1953, Tinh Việt Văn Đoàn cũng đã phiên dịch và cho xuất bản quyển «Định mệnh con người» của Ông.

Văn Đoàn từ thời ấy đã có chủ đích phiên dịch tất cả các tác phẩm của Lecomte du Noüy ra Việt văn. Nhưng vì thế sự thăng trầm, lịch sử biến chuyển, dự định ấy đến nay cũng chưa thành tựu.

Gần đây ông Phạm Đình Tân ngỏ ý nhờ tôi toát lược các tác phẩm của Lecomte du Noüy, trình bày lại cho phổ thông, giản dị, và phê bình học thuyết viễn đích của nhà bác học này.

Nhận thấy tuy đó là một công tác khó khăn, nhưng nếu làm được, sẽ giúp ích nhiều cho đồng bào, nhất là thế hệ thanh niên trí thức, tôi không quản ngại vất vả, để một thời gian suy tư khảo cứu viết thành cuốn sách này.

Đây không phải là một bản dịch. Chủ tâm của tôi là cốt sao nắm vững tư tưởng chủ yếu của Lecomte du Noüy, còn cách hành văn, diễn xuất phải được tự do phóng khoáng. Cho nên, từ cách bố cục đến lề lối trình diễn tư tưởng thường là khác với nguyên bản.

Tôi cố gắng dùng lối văn thông thường giản dị, trình bày tư tưởng Lecomte du Noüy một cách phổ thông, để độc giả dễ bề lĩnh hội.

Tuy nhiên, vì học thuyết Lecomte du Noüy bao quát rất nhiều lãnh vực: khoa học, triết học, đạo giáo, siêu hình, nên dù có giản dị mấy, nó vẫn còn tương đối khó. Đó là đặc điểm cố hữu của các tác phẩm khoa học, triết học, nên nhiều khi phải đọc đi đọc lại mới thấy thú vị của học thuyết.

Trong cuốn sách này, tôi cố trình bày những lý do khiến Lecomte du Noüy thay đổi khuynh hướng, lập trường, từ vô thần trở về hữu thần, từ những giá trị khoa học, hoàn cảnh thời gian trở về với những giá trị vĩnh cửu của con người, với tinh hoa đạo giáo.

Tôi cũng cố gắng trình bày tư tưởng của Ông một cách khách quan, chính xác.

Trong phần bình luận, tôi đã hết sức vô tư và thành khẩn. Gặp ưu điểm thời tán dương, thấy nhược điểm thời phê phán, mặc dù tôi hết sức quí trọng nhân cách, và ngưỡng mộ tài ba lỗi lạc của tác giả.

Tôi đã dùng phương pháp đối chiếu để khảo cứu và phê bình học thuyết viễn đích. Như vậy độc giả sẽ hiểu rõ tư tưởng Lecomte du Noüy hơn, và nhân sự cân nhắc, so sánh, có thể suy tư thêm để tìm ra chân lý đại đồng phổ quát.

Tóm lại, trong công cuộc khảo luận và phê bình học thuyết viễn đích, tất cả cố gắng của tôi là làm sao cho độc giả thấm nhuần tư tưởng Lecomte du Noüy, có được một lối nhìn chính xác, khách quan, thấu hiểu được những huyền cơ vũ trụ, khai phóng được các tiềm năng, tiềm lực sẵn có nơi mình và làm bừng sáng ngọn lửa thiên chân đang âm ỉ đáy lòng, tìm ra được ý nghĩa và hướng đi chân chính của cuộc đời.

Đó cũng chính là thâm ý và nguyện vọng của Lecomte du Noüy.

Ước mong cuốn sách nhỏ này sẽ giúp ích được trong muôn một những người có thiện tâm thiện chí, trong công trình thực hiện nhân phẩm, tiến tới tinh hoa, lý tưởng và Thượng Đế.

Saigon, ngày 15-4-1967

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Cẩn chí


Mục lục | Tựa của Phạm Đình Tân | Thư bà Mary Lecomte du Noüy | Lời nói đầu

Phần 1: chương 1  2  3  4 | Phần 2: chương 1  2  3  4 | Phần 3: chương 1  2  3  4

Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo