NHẤT THỂ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

तात त्वं असी

 THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

 Đó là một học thuyết. Không biết rõ danh hiệu này phát xuất tự bao giờ, nhưng nó thật là một kho tàng chung của Thiên hạ.

Gần đây tôi đọc quyển Le Symbolisme des Nombres của Bác Sỉ R. Allendy (Paris Chacornac Frères, 11 Quai Saint Michel. 1948), tôi thấy Thuyết Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể, hay Nhất tức nhất Thiết, Nhất Thiết tức nhất cũng được nói qua tới.

Sách cho biết vũ trụ này là một (Les anciens Alchimistes grecs disaient:” L’Univers est un” Strd. tr. 9).

- Một tán thành Vạn, Vạn qui về một. (Strd, tr. 10)

- Héraclite nói:  Một sinh ra từ Vạn thù, Vạn Thù sinh ra từ Một. (De la multiplicité des choses provient l’Un, et de l’Un la multiplicité. Strd, tr.10)

- Một tiến ra Vạn bằng phân tách, Vạn trở về Nhất bằng Qui Nạp (Là est le secret des deux sentiers: Sentiers mystique d’union, de Yoga, par lequel l’être retourne vers L’Unité synthétique dont il émane, et le sentier de séparation, d’individualisme, d’égoisme, qui partant  de la singularité personnelle comme d’un terme ultime, ne peut que descendre vers l’unité analytique absolue 0/1, c’est-à-dire vers l’anéantissement progressif. Strd. tr.11).

- Như vậy, chúng ta chỉ là những miếng vụn của Toàn Thể duy nhất (Alors que l’illusion des sens tend à montrer la personnalité  actuelle comme l’unité suffisante, le mysticisme est la compréhension du Macrocosme dont les êtres actuels ne sont que des fragments; c’est la réalisation de l’Unité. Strd. Tr. 11)

Sách trích dẫn  Bhagavad-Gita (Bà La Môn giáo), l’Imitation de Jésus-Christ (Công Giáo), và Huyền Học Kabbale và cho rằng chúng ta phải tìm cho ra được nhất thể ấy, và phải sống phối hợp nhất như với Nhất thể ấy (Strd.tr. 12).

Ví dụ Bhagavad Gita viết:  Cho nên, người sống hợp nhất, tâm hồn sẽ thanh cao và thấy  Hồn mình ở trong vạn vật, và Vạn vật  trong tâm hồn của họ, khi hồn họ sống kết hợp với Trời, và thấy đâu đâu cũng là đồng nhất.

-Ai mà thấy ta ở khắp mội nơi,  và thấy trong ta có muôn vật, thì không thể mất ta, và cũng không bị ta bỏ rơi.

- Kẻ nào tôn thờ Bản Thể ta trong muôn vật, và sống vững chãi trong Đồng Nhất, thì bất kỳ hoàn cảnh nào. cũng luôn sống với ta.

- Ai mà biết mình là Nhất Thể, và thấy đâu đâu cũng là Nhất thể, thì dù sướng hay khổ, cũng là một đạo sư thượng thặng.

(Il est écrit dans la Bhabavad-Gita: “Ainsi, par l’Union...L’Homme purifíé voit l’Âme résidant en tous les êtres vivants et dans l’Âme tous ces êtres, lorsque son Âme est unie de l’Union divine et qu’il voit de toutes parts l’identité.

- Celui qui me voit partout et qui voit tout en moi ne peut plus me perdre ni être perdu pour moi.

- Celui qui adore mon essence résidant en tous les êtres vivants et qui demeure ferme dans le spectacle de l’Unité, et en quelque situation qu’il se trouve, est toujours avec moi.

- Celui qui, instruit par sa propre identité, voit l’identité partout, heureux ou malheureux, est un yogi excellent.) (Le Symbolisme des Nombres, p. 12.- Bhagavad-Gita VI, 29, 30, 31,32, tr. Burnouf.)

Gương Phúc (L’imitation de Jésus Christ) viết:” Ai mà thấy tất cả là một, đem mọi sự về một, và thấy mọi sự trong một, thì lòng sẽ bình yên, và sẽ sống bình yên trong Thượng Đế. (Celui qui trouve tout dans l’Unité, qui rapporte tout à l’Unité, et qui voit tout dans l’Unité peut avoir le coeur stable et demeurer en paix avec Dieu) (Le Symbolisme des Nombres, p. 12. Imitation de Jésus-Christ, I- 3)

Sách Kabbale, huyền học Do Thái viết: Jéhovah là Một, và tên Ngài là Một. (Le Symbolisme des Nombres, tr. 15.)

Nhất thể ấy là Thượng Đế, là Tạo Hóa. ( Partout le nombre Un a été rapporté au Ptemier Principe, au Dieu initial, au  Créateur Suprême) (Strd. tr. 14)

Như vậy, Một là tất cả, là Căn Nguyên là Cùng Đích muôn loài,  là Alpha và Oméga (Le point situé à l’intérieur du Cercle peut donc représenter à la fois la source et le but de toutes choses, le principe et la fin, l’ alpha et l’oméga. Strd tr. 17).

- Một như vậy tượng trưng cho cả vũ trụ. Các nhà Luyện Kim Âu Châu gọi nó là Azoth, Vì chữ này gồm chử đầu là chữ cuối của Mẫu tự Latin, Hi Lạp và Do Thái ( Ta thấy chữ Azoth có chữ A chữ Z của mẫu tự LaTin, chữ Omega của mâũ tự Hi Lạp và chữ Th của mẫu tự Do thái. Strd tr. 17)

- Mặt trời xưa cũng được tượng trưng bằnh Hình vòng tròn có chấm giữa, (Strd. tr. 17).

Sách cho rằng cái sai lầm của chúng ta là coi sự phân chia hình thức và tương đối như là mâu thuẫn đối kháng tuyệt đối, và quên mất cái Một chân  thực ở đằng sau mà vạn hữu qui tụ về. (L’erreur consiste en effet, à prendre la différentiation apparente et relative des choses pour une opposition irréductible et à méconnaitre L’Unité véritable en laquelle elles se fondent. Le Symbolisme des Nombres, tr. 31

 

Akhenaten (1575-1358 trước Công Nguyên) là vị Pharaoth  duy nhất đem áp dụng thuyết Thiên Địa Vạn Vật nhất thể vào phương cách trị dân.

Ông lấy Biểu Hiệu đĩa tròn màu vàng y, tượng trưng cho Thần mặt Trời (Aten). Ông chọn vừng dương làm khẩu hiệu, vì vừng dương là một khối Nam Châm vĩ đại, vì đó là một luồng khí lực từ điện bao gồm tòan thể vũ trụ này, là một tâm thức thiêng liêng thấm nhuần tất cả vạn vật ( Dấu Chân trên cát, tr. 105), nhờ vừng dương nên muôn loài mới sống. Ông gọi đó là Đấng Chân Lý tuyệt đối điều khiển muôn loài. (Xem Nguyên Phong, Dấu Chân trên cát, tr. 83).

Trước khi lên ngôi vua, Ông đã ẩn cư trong sa mạc nhiều năm để nghiên cứu và tìm về mạch nguồn cổ xưa, và ý thức được rằng vốn có một định luật cao cả điều khiển tất cả mọi sự vật trong trời đất (Sách Trích Dẫn, tr. 85)

Khi lên làm Pharaoth ông nhất định không thờ Đa thần như các Pharaoths trước, không gây chiến tranh với các nước láng giềng như các Pharaoth xưa,  cho hết cung tần mỹ nữ về quê quán, mở kho chẩn bần cho dân mỗi khi có hạn hán, không bắt lính tráng, giải ngũ cho nhiều người, giáo dục dân chúng để cho họ biết rõ qui luật vũ trụ, và không làm gì trái với thiên nhiên, và làm việc thuận lòng trời, tránh những sự tranh dành, bóc lột lẫn nhau, cướp đoạt, thù hằn, lợi dụng lẫn nhau, và tránh không bao giờ gây chiến tranh. Tóm lại, Ông muốn thay đổi Ai Cập tận gốc rễ.(Strd. tr. 107, 108, 109) Chỉ muốn cai trị theo tiếng gọi lương tâm. (Strd. t. 112)

Ông cầu thần mặt trời: Hỡi Aten, xin cho con sức mạnh để thực hiện những việc đúng với sứ mạng con, xin cho con hoà  nhập với Ngài để cho con có được sự minh triết như Ngài (Strd. tr. 113).

Tiếc thay, Ông chỉ làm Pharaoth được có 17 năm và học thuyết của Ông  chỉ mới được biết vào năm 1945, trong cuốn sách The Egyptians của Mika Waltari (1908- 1979).

 

Các thánh triết chủ trương Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể, từ xa xưa, đã lan tràn khắp thiên hạ. Các thánh triết này, sau trước đều chủ trương con người có Bản thể Trời và có thể trở về sống kết hợp nhất như với Trời (Union mystique avec Dieu; Mystical union with God; hay Atonement = At one ment)

Họ chủ trương vũ trụ này đã từ một Đại thể phóng phát, tán phân ra mà thành, (emanation theory), sẽ biến hóa đa đoan, nhưng lúc chung cuộc muôn loài lại trở về với Đại thể trên (Final Apocastatasis).

Học Thuyết này, Âu Châu gọi là the Emanation theory hay the Monistic Theory.

Á châu gọi là thuyết Nhất thể tán vạn thù, Vạn thù qui nhất thể.

Kinh Dịch cũng chủ trương như vậy.

Vì một kiếp người không sao đủ để trở về với Trời, nên các triết gia theo chiều hướng trên, đều chủ trương con người sẽ tái sinh.

Có điều chắc chắn là các triết gia có chủ trương trên, bất kỳ thuộc đạo giáo nào, đều là những bậc thánh hiền đạo cao, đức cả. Lời họ giảng đều giống nhau. Mạnh tử viết: Tiên thánh, hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã. (Mạnh tử, Ly Lâu chương cú hạ, 1)

Ramakrishna viết: Thánh hiền sau trước đều có những lời giảng dạy như nhau. (Tous les sages ont un enseignement unique. L'enseignement de Ramakrishna, p. 256)

Thuyết này xưa nay ở Âu Châu rất ít người bàn cãi tới và thường coi đó là tà đạo. Các Đạo giáo công truyền ở Âu Châu theo thuyết Sáng Tạo (Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo). Trái lại, các đạo giáo lớn Á Châu như Bà La Môn, Phật, Lão, Khổng, Cao Đài đều theo thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

Sau đây là bản tóm lược 2 thuyết trên:

Thuyết Thiên địa Vạn vật nhất thể.

1/ Vũ trụ hữu hình này là những phân thể của một Toàn Thể, đã được phóng phát, tán phân ra.

2/ Như vậy, vạn hữu đồng căn, dị dạng, nhất thể vạn thù.

3/ Thượng đế tiềm ẩn trong lòng quần sinh, vũ trụ.

4/ Giác ngộ là biết rằng mình có bản thể Thượng đế, có tính Trời.

5/ Tìm trời, tìm Đạo phải tìm trong lòng, phải đi vào nội tâm.

6/ Lúc chung cuộc vạn vật sẽ siêu thăng, trở về với Thượng Đế. Như vậy, chung cuộc là hòa hợp.

7/ Vũ trụ, lịch sử chuyển hóa 2 chiều, vãng lai, thuận nghịch, thành một chu kỳ. (Conception cyclique de l'histoire)

Thuyết Sáng Tạo (Creationism)

1/ Vũ Trụ hữu hình này là do quyền năng của Thượng đế sáng tạo ra từ Không.

2/ Vạn hữu dị thể, dị dạng, và hoàn toàn khác nhau từ căn cốt.

3/ Thượng đế siêu việt và tách ra khỏi vạn hữu.

4/ Mạc khải là tin theo giáo hội rằng Thượng đế là đầu và cùng sau hết mọi sự.

5/ Tìm Trời, tìm Đạo phải tìm trong nhà thờ, nhà thánh và qua các phép Bí Tích.

6/ Chung cuộc là phán xét, và tan vỡ kinh hoàng (Tận thế).

7/ Lịch sử, vũ trụ và con người biến hóa một chiều theo đường thẳng (conception linéaire de l'Histoire).

Sánh 2 triết thuyết trên, tôi thấy thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể mới đích thực là thứ Triết học bất biến vĩnh cửu của nhân quần (Philosophia perennis: Perennial Philosophy). Và tôi không sao chấp nhận được thuyết Sáng Tạo, vì thấy nó chẳng ra đầu ra đuôi gì. Như vậy sao gọi là Triết Học được?

Ví dụ, thuyết Thiên địa vạn vậy đồng nhất thể không chấp nhận chuyện Chúa 3 ngôi có cùng 1 bản tính, vì nó chủ trương muôn loài đều cùng một bản tính. Không chấp nhận tội tổ tông, vì không chấp nhận truyện Adong, Eva mới có từ 4004 B.C. hoặc thiên đàng, địa ngục đời đời vì cho rằng chung cuộc muôn loài đều trở về cùng Thượng đế (final Apocatastasis) v.v.

Chính vì vậy, mà Đạo Công giáo cũng công khai chống lại và lên án Thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể.

Ví dụ Công giáo nói: Kẻ nào cho rằng Thượng đế và muôn vật đều có cùng một bản tính sẽ bị vạ tuyệt thông. (If anyone says that God and all things possess one and the same substance and essence, let him be anathema. Xem Jesuit Fathers of St Mary’s College, The Church Teaches, St. Mary’s Kansas.. tr. 153)

Kẻ nào nói rằng vạn vật hữu hạn, dù là vật hay là thần, đã phóng phát ra từ bản thể Trời; hay Bản Thể Trời đã hóa thành vạn vật bằng cách thể hiện hay bằng cách tiến hóa; hoặc Thượng đế vốn là phổ quát và bất định, đã hạn định mình để trở thành muôn loài, và muôn lòai đã phân hóa thành dòng giống, chủng tộc và cá thể, kẻ đó bị vạ tuyệt thông. (If anyone says that finite things, both corporeal and spiritual, or at least spiritual, emaned grom the divine substance; or that the divine essence brcomes all things by a manifestation or evolution of itself; or finally, that God is universal or indefinite being, which by determining itself makes up the universe which is diversified into genera, species, and individuals; let him be anathema.(xem sách trich dẫn trên, tr. 153)

Tôi không muốn kể thêm, ai muốn tìm hiểu thêm xin xem sách trên.

Như vậy, Công Giáo, Do Thái Giáo chính thống, Hồi Giáo chính thống chỉ có thể được xếp vào loại Đạo Giáo Công Truyền (Exoterism, Ngoại giáo), chứ không có chút gì là Mật truyền. Trái lại nơi đây chúng ta chỉ bàn về mật truyền (Esoterism, Nột Giáo), mà ngày nay Âu Châu gọi là huyền học (Mysticism), nghĩa là chỉ dạy cách sống hợp Đạo, hợp Trời, cách sống khinh phiêu, huyền hóa với Trời Đất. Đó chính là bàn về cái đạo tự nhiên, vĩnh cửu của nhân loại. Âu Châu định nghĩa  Huyền Học (Mysticism) là: Huyền học là Nghệ Thuật sống kết hợt với Thiên Chân. Huyền học gia là ngươi đã sống kết hợp  nhiều ít với Nhất như, làngười tin rằng mình có thể sống phối kết với Nhất Như. (Mysticism is the art of union with reality. The mystic is a person who has attained that union in a graeter or lesser degree; or  who aims at and believess in such attainment. E.C. Happold, Mysticism, Penguin Books, 1970.p. 38)

THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ THEO PHẬT GIÁO

Thuyết này ta thấy trong Phật giáo có nói rõ ràng.

Tam Tổ Tăng Sán ( -606) viết trong Tín Tâm Minh: Nhất tức nhất thiết. Nhất thiết tức nhất. Đãn năng như thử, hà lự bất tất. Một là tất cả, tất cả là một. Nếu được như vậy,  lo gì chẳng xong. (Thật dụng Phật Học từ điển, q. 1, tr. 19.- Thiền Luận, Trúc Thiên, Bộ Thượng, tr. 314).

Thật dụng Phật Học giải thêm: Một là tất cả, tất cả là một. Ở nơi Chư Phật thì viên thông, không tăng không giảm. nhập vào lục đạo, thì đâu đâu cũng tròn trặn. Vạn loại đều là chư Phật. Ví như thuỷ ngân, vung vãi khắp nơi. Hạt nào cũng tròn. Nếu thu tất cả các hạt thuỷ ngân lại, thì chỉ có một khối. Thế là: Một là Tất cả, Tất cả là Một. (Sách trích dẫn, tr. 19)

Huệ Năng nói:” Chư Thiện Tri Thức, cái tâm lượng thiệt là rộng lớn, châu biến cả thảyPháp Giới, dùng nó (tới chỗ cùng lý, tận tính). Cái tâm lượng khi ứng dụng ra, thì biết hết cả thảy sự vật. Cả thảy tức qui về một, một tức gồm hết cả thảy, tới lui thong thả, tâm thể suốt thông, không ngưng trệ, tức là Bác nhã (trí huệ) vậy. ( Lục Tổ Huệ Năng, Kinh Pháp Bảo Đàn, Thích Minh Trực dịch, Phẩm Bát Nhã (Trí Huệ) tr.47.)

Thich Minh Trực bàn: Cả thảy các pháp đều do tâm tức là Như Lai Tạng mà phát ra, cho nên nói CẢ THẢY TỨC QUI VỀ MỘT. Tâm bao hàm cả thảy các pháp, cho nên nói MỘT TỨC GỒM HẾT CẢ THẢY. Biết rõ ngoài tâm không có cảnh, ngoài cảnh không có tâm. Tâm với cảnh vốn là một chẳng phải hai: Một gốc sanh ra muôn vật, muôn vật đồng về một gốc. (Nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhất bổn). Ấy là tâm suốt thông, cũng gọi là tâm đắc nhứt (Chơn Không).(Ib. tr. 47)

Đó cũng là chủ trương chính yếu của Hoa Nghiêm Tông ( Kinh Hoa Nghiêm truyền sang Trung Hoa năm 418, đời Đông Tấn) và Thiên Thai Tông (do Trí Khải Đại Sư (571-597) thành lập. (A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, Buddhist Culture Service, 16 Ta Tung Road, San Chung Shih, Taipei, Taiwan, China, p. 4).

Thiền sư Thạch Đầu Hoà Thượng (Thạch Đầu Hi Thiên 700-790), đệ tử của Thanh Nguyên Hành Tư, cũng đã dùng cả đời Ông để giảng dạy học thuyết này, mới đầu ở Nam Đàn sau rời sang Trường Sa tỉnh Hồ Nam.

Trong bài thơ Thảo Am Ca, Hi Thiên có câu: Am tuy tiểu nhi tàng Vạn Pháp. Nghĩa là Am này tuy nhỏ nhưng hàm chứa cả Vũ Trụ. Trước Hi Thiên, Tăng Triệu đã viết: Hội Vạn Vật dĩ thành kỷ gỉa, phù thánh nhân hồ (Chỉ có thánh nhân mới làm cho vạn vật trở nên chính mình). Tăng Triệu là 1 trong 4 đệ tử của Cưu Ma La Thập.

Hi Thiên và Tăng Triệu đều muốn nói rằng: Thân ta tuy nhỏ, nhưng nếu ta phát hiện được Pháp Thân ta thì Pháp Thân đó sẽ bao trùm cả đại vũ trụ.

Học thuyết này liên quan trực tiếp đến Nhất Thiết chủng trí, hay Nhất Thiết Trí, hay cái biết viên mãn của chư Phật. Gọi là Nhất thiết trí là cái nhìn vô phân biệt, gọi là Nhất thiết chủng trí  là Cái nhìn phân biệt,

Nó cũng là Bất Nhị Pháp Môn (The Unity of all Beings), môn pháp đứng đầu trong 84.000 pháp môn của Phật. Gọi là Pháp vì đó là quĩ phạm (then chốt) của Phật đạo, gọi là Môn vì là cửa mà chư thánh phải qua (Chúng Thánh do chi thú nhập). Trong kinh Duy Ma Cật, Văn Thù Sư Lợi hỏi Duy Ma Cật: Thế nào là Bất Nhị Pháp Môn. Duy Ma Cật làm thinh. Văn Thù khen: Không có văn tự, lời lẽ, đó chính là Bất Nhị Pháp Môn vậy. (Xem Thật dụng Phật Học từ điển, tr. 316).

Bất nhị pháp môn ít phân biệt thánh phàm, mê ngộ, có lẽ vì coi Vạn vật là Một, và đều có Phật tánh như nhau. (Thiện Ác bất nhị, Hữu Không bất nhị, Mê Ngộ bất nhị. A Dictionary of Chinese Buđhist Terms, tr. 103)

Ngài Cảo Thiền sư ngộ được câu: “Lìa tất cả các vọng chấp, mới là chư phật”, cho nên cũng cho rằng thành Phật thật quá dễ dàng. Ngài có bài Tụng:

Thân, khẩu, ý thanh tịnh,

Thị danh Phật xuất thế.

Thân, khẩu, ý bất tịnh,

Thị danh Phật diệt độ.

Tức tâm thị Phật’ vô dư Pháp,

Mê giả đa ư tâm ngoại cầu.

Nhất niệm quách nhiên qui bổn  tế,

Hoàn ư tẩy khước thượng thuyền đầu.

Dịch:

Thân, khẩu, ý thanh tịnh,

Đó là Phật xuất thế.

Thân, Khẩu, ý bất tịnh,

Tức là Phật nhập diệt.

Tâm kia là Phật chớ nên quên,

Mê mới ngoài tâm kiếm mọi miền.

Nhẽ ấy vỡ ra là tới Phật,

Dễ như rửa cẳng bước lên thuyền.

(Kinh Kim Cương, Thích Pháp Hoa dịch, Hương Đạo xuất bản).

Từ Điển Phật  A dictionary  of Chinese Buddhist terms còn nói: Nhất thể là: Ngoài tuy khác nhau, nhưng bản tính là một; Vũ trụ này trên nguyên tắc là một: Thiên địa dữ Ngã đồng căn, Vạn vật dữ Ngã nhất thể (tr. 10).

Khảo sách vở, ta thấy gần đây, nhiều nhà nghiên cứu Phật Giáo V. N. đã có nhiều vị bàn về Thuyết Thiên Địa Vạn vật Đồng Nhất Thể một cách kỹ lưỡng, như Đạo hữu Vũ Văn Phường, thân sinh của nhà văn Nguyên Phong, như học giả Cao Xuân Huy miền Bắc, hay như Cụ Mai Thọ Truyền, hay BS Lê Đình Thám, hay Cụ Nguyễn đăng Thục v.v...

Đạo hữu Vũ Văn Phường, trong hai tập Tìm Hiểu Kinh Hoa Nghiêm, và Tóm lược Triết Lý Kinh Hoa Nghiêm và Bồ Tát Đạo, đã bàn nhiều về triết lý trên, và tôi đã rút ra một số tư tưởng của ông. Ông viết : “ Lý Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới” của kinh Hoa Nghiêm, bắt nguồn từ thuyết “Vạn Vật Đồng Nhất Thể”, một là tất cả, tất cả là một, đã nêu rõ chân lý: Mọi sự vật trên thế giới đều có tính cách tương đối, nghĩa là đều Vô thường, Vô Ngã và Duyên Sinh. Tất cả các pháp trên thế gian đều có hình tướng và danh xưng khác nhau, nhưng cùng chung một gốc là Bản Thể, Chân Như, Chân tánh, Thật tướng, Không, Lý... (V.V.P.  Tìm hiểu Kinh Hoa Nghiêm tr 30.)

Cụ Cao Xuân Huy, một học giả miền Bắc, đã bàn về Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể như sau:

“ Trong 7 phái Thiền Tông, có một phái gọi là Trực Hiển Tâm Tính Thông. Nó nêu lên cái nguyên lý Xúc Loại Thị Đạo Nhi Nhậm Tâm, nghĩa là trong cái gì cũng có Đạo (tức là Phật), trong cỏ cây hoa lá đều có Phật Tính cả. Do đó muốn tìm Phật, thì không phải tìm đâu xa mà phải tìm ngay trong mọi vật xung quanh mình, và trong cái Tâm của mình. Phải để cho cái Tâm cúa mình thoải mái tự do, thì mới hiểu được Đạo.

Phái Xúc Loại Thị Đạo nhi Nhậm Tâm chủ trương Nhất Thiết Thị Chân Nghĩa là cái gì cũng là thật. Do quan niệm trên, mà khi tăng đồ hỏi Phật là gì, Thánh là gì, thì Viên Chiếu đáp: Muốn biết Phật là gì, chỉ cần nhìn xem cây cúc dưới giậu trong tiết Trùng Dương hay chim oanh ở đầu cành trong một ngày xuân ấm áp. Phật và Thánh, xét về bản thể không khác gì nhau cả. Quan điểm của phái này và Trang Tử có nhiều chỗ đồng nhất.” (Thơ Văn Lý Trần tr. 290, chú 3). Những ai không biết rằng Đạo lồng trong vạn vật, mà cứ đi tìm nó ở chỗ xa xôi, huyền bí, đi tìm cái “Huyền Cơ”, thì cũng như người không biết cách bưng mâm nước, chỉ đưa đến chỗ đổ vỡ mà thôi. (Thơ Văn Lý Trần, tr. 290, chú 4)

Viên Chiếu thiền sư nói:

Bất thận thủy bàn kình mãnh khứ,

Nhất tao tha điệt thối hà chi?

Mâm nước đầy bưng đi bất cẩn,

Vấp ngã rồi ân hận được sao?

(Thơ Văn Lý Trần, 267-281)

Không biết lẽ Thiên địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, trước hết sẽ không hiểu được tinh hoa Phật Giáo, sau nưã sẽ không hiểu được Thiền, rồi cứ xoắn suýt vào các tiểu tiết, hôn trầm trong những thói dị đoan, thật chẳng khác nào:

Rùa mù soi mãi vách non,

Ba ba khập khiễng leo hòn núi cao.

( Manh qui xuyên thạch bích,

Ba miết thượng cao sơn)

(Thơ Văn lý Trần, Viên Chiếu, tr. 274-282)...

Cụ Chánh trí Mai Thọ Truyền viết trong quyển Pháp Hoa Huyền Nghĩa như sau:

Sự Giác Ngộ của Phật là Vô Thượng, trí huệ của Phật là vô lượng vô biên, cái thấy biết của Phật (tri kiến) đã đạt đến mức tuyệt đối. Cái thấy biết đó là gì?

Là “Tất cả là một, tất cả chúng sinh đều từ PHỔ QUANG MINH TRÍ (nguồn ánh sáng bao trùm vũ trụ vô biên cũng vừa là trí huệ sáng ngời: Lumière omniprésente-Intelligence éclairante) mà ra, thì tất cả ánh sáng sẽ trở về với ánh sáng trí huệ ấy, tức là thành Phật”. Chánh trí Mai thọ Truyền, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Chùa Phật Giáo Việt Nam, tr.30).

...Phật đã đạt đến chỗ thấy hoàn toàn, cho nên Phật nhận rằng... “Tất cả là Một, Một là Tất cả, Tinh thần và Vật chất là Một, Sắc và Tâm là Một.”  (Ibid. 265)

Cụ Lê Đình Thám, trong bài Lời nói đầu cho quyển Kinh Lăng Nghiêm, đã cho rằng Một là Tất Cả Tất cả là Một, và Một chính là Pháp Giới Tính. là Tính bản nhiên, là Phật Tính của muôn loài. Chư Phật ra đời chỉ nhằm một mục đích là dạy bảo chỉ bày cho chúng sinh giác ngộ và thực chứng Pháp Giới Tính như Phật...

(Xem B. S. Lê đình Thám, Kinh thủ Lăng Nghiêm, Lời nói đầu)

Cụ Nguyễn Đăng Thục trong 2 quyển Thiền Học Việt Nam và Thiền Học Trần thái Tông bàn rất nhiều về Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, và lấy đó làm nền tảng Nho, Thích, Lão, và các đạo trên thế giới (Xem Thiền Học Trần Thái Tôn nơi tr. 197, 397, 404 v.v..)

Thiền Học Việt Nam nơi tr. 451 viết: Cái quan niệm về một thực tại linh động vừa một vừa nhiều, vừa đồng nhất, vừa sai biệt, vừa siêu nhiên vừa hiện thực, vừa tâm, vừa vật,”Vạn giả Nhất chi tán, Nhất nãi Vạn chi tông” nghĩa là vũ trụ hiện tượng sự vật thiên hình vạn trạng khác nhau là phương diện phóng tán của cái đồng nhất thể, phương diện bản thể đồng nhất lại là đầu mối gốc nguồn của vũ trụ thiên hình vạn trạng, cái tư tưởng truyền thống của nhân loại Đông Nam Á Châu ấy là nền tảng của tinh thần Tam Giáo, là tinh thần cởi mở, khai triển cho một dân tộc trưởng thành và tiến hóa chứ không phải là một hệ thống danh lý cố định, bảo thủ, đóng cửa...

Cụ Đồ Chiểu, điển hình miền Nam, đã dặn lại đời sau, lấy tinh thần “ Tam Giáo đồng nguyên, Vạn Pháp nhất Lý” cố hữu của dân tộc làm triết lý trụ cốt cơ bản để mở rộng khai phóng đặng thâu thái tinh hoa thế giới... (Xem Thiền Học Việt Nam, tr. 482-483).

Thiền sư Nhật Sojo (384- 414) viết:

Trời đất, Ta cùng một cội rễ,

Ngàn vạn thứ với ta thể chất đều đồng.

...Thiền sư không chỉ nói đến Giác Ngộ mà còn nói đến sự tìm về cái Chân Thật hằng có của Ta... Vấn đề là tìm về được với nguồn cội, trở về với bộ mặt thật khi cha mẹ chưa sinh- cái nhà Thiền thường gọi “Bản Lai Diện Mục”.

(Tuần Báo Giác Ngộ, số 41, 9,11,2000, tr. 14)

Trong quyển Thiền Đạo Tu Tập, nơi trang 422, Chang Chen Chi viết: Tất cả chúng sinh xưa nay có TÍNH...cái TÍNH ấy, từ thời vô thủy tới nay, không sinh, không diệt, vô sắc, vô hình, thường trụ, bất biến. Đó gọi là cái TỰ TÍNH BỔN HỮU...Cái Tự TÍNH này cùng với tất cả chư Phật, có 1 vị bình đẳng, cho nên gọi là Phật Tính. Tất cả Tam Bảo, Lục Đạo chúng sinh đều lấy cái TÍNH này làm căn bản, thành tựu hết thảy các Pháp Môn... Vì thế nơi trang 432, Chang Chen Chi có thể viết:” Thiên địa với ta đồng căn, vạn vật với ta một thể vậy.”

Trong quyển ZEN and Japanese Culture của Daisetz T. Suzuki, nơi trang 352 SUZUKI trích lời Tăng Triệu như sau:

Heaven and earth and I are of the same root,

The ten-thousand things and I, are of one substance.

Đó chính là lời dịch lại 2 câu của Chang Chen Chi nói trên.

Trang 354, Suzuki còn dẫn 3 câu thơ của Tennyson nói về Vạn vật đồng nhất thể như sau:

Little flower- but if I could understand

What you are, root and all, and all in all,

I should know what God and man is.

Dịch:

Bông hoa bé nhỏ con con,

Nếu tôi hiểu được nguồn cơn, gót đầu.

Nếu tôi hiểu nó cho sâu,

Trời Người bao chuyện nhiệm màu cũng thông.

Như vậy ta thấy hiểu được lẽ Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể là hiểu được Phật Tính, là hiểu được Phật Giáo...

Đến đây, tôi muốn bàn lại vấn đề Phật Tính vì đối với tôi các sách vở Phật Giáo không mấy nhất quán về vấn đề.

Vì Phật giáo chủ trương vạn vật là Vô Thường, nên cho rằng tất cả đều biến thiên, nhưng thực ra không phải vậy. Thực ra trong cái biến thiên còn có cái bất biến. Tôi sẽ chứng minh bằng lời lẽ của các vị hoà thương hay cư sỉ tiếng tăm trong Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Trong bài Đạo Phật là Đạo diệt khoå (Tuần Báo Giác Ngộ, Cơ quan ngôn luận của Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, số 40, tr. 11), Hoà Thượng Thích Thanh Từ viết:

... Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Chớ bảo mùa Xuân qua rồi thì hoa rụng hết, bởi vì đêm hôm ở trước sân còn một cành mai nở trắng xóa...Cành mai đó nói lên điều gì? Để nói rằng nơi mình còn có cái chân thật. Cái chân thật đó không bị thời gian cuốn đi. Cái Chân thật đó không bị vô thườnh sinh diệt bào mòn, nó vẫn nguyên vẹn nơi mình như cành mai nở vào mùa đông.

Chúng ta mới thấy cái nhìn của các Thiền sư đúng như cái nhìn của chư Phật. Phật nói sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui. Tới chỗ lặng lẽ chân thật, cái đó không mất, cái đó mới là thật. Ở đây cũng vậy, bản thân con người, bản thân sự vật, bị thời gian lôi kéo, vô thướng sinh diệt; nhưng trong đó có một cái chưa bị thời gian chi phối, chưa bị tất cả các Pháp làm cho sinh diệt. Nó còn vẹn toàn giống như  một cành mai mùa đông. Vì thế chúng ta mới tu, chứ nếu sinh diệt hết thì còn gì để tu?

Trong cái sinh diệt, có cái chưa từng sinh diệt. Nhà Thiền thường hay ví dụ hình ảnh hoa sen trong lửa.

Trong lò lửa cháy hừng hực, mà hoa sen trong vẫn tươi thắm, đó là sao? Lò lửa chỉ cho thân này vô thường, cảnh đời vô thường, đổi thay giống như  lò lửa đang thiêu đốt. Tuy nhiên trong đó có một cành hoa sen tươi thắm, không bị thứ gì làm cho khô héo hết. Đây là chỉ cho cái thật mình, nó sẵn có, vượt qua hết tất cả vô thường, tất cả sinh diệt. Do đó chúng ta mới có khả năng thắng hết, qua hết các vô thường, để trở về cái chân thường, chân lạc. Đó chính là mục đích của người tu chúng ta.

Trong bài: Mình là cái gì (Tuần báo Giác Ngộ, số 24, tr. 10), Hòa Thượng viết: Chúng ta tu không phải để tìm cái gì xa xôi ở bên ngoài mà phải xoay lại soi sáng chính mình để tìm xem mình là gì? Cái gì là thật mình? Nếu tìm ra cái thật mình là ngộ đạo. Đừng tưởng ngộ đạo là chạy lên non lên núi; lên mây. lên trời, mà ngộ đạo là tìm ra cái thật mình. Tìm ra cái thật mình rồi, thì ngang đó giải quyết xong dòng sinh tử. Không tìm ra cái thật mình. thì luôn sống trong dao động, biến chuyển. Mà dao động biến chuyển là tướng sinh diệt vô thường. Nếu chấp giữ tất cả hình tướng tâm niệm vô thường là mình, thì mình là một dòng biến chuyển. Chuyển biến nơi này sang nơi kia không dừng. Phật gọi đó là luân hồi. Đã luân hồi thì chỉ có giải thoát luân hồi mới là vui.

Trong bài Mục Đích người tu thiền phải tiến đến, trong Tuần San Giác Ngộ số 142, tr. 16, Hoà Thượng viết: Kinh Pháp Hoa, phẩm Tín Giải nói các đại đệ tử Phật khi ngộ được tri kiến Phật rồi, các Ngài trình bày chỗ ngộ của mình bằng hình ảnh chàng Cùng Tử. Ra đi rồi thì càng ngày càng đói khổ. Khi thức tỉnh về tìm gặp Cha làm việc, dần dần được Cha giao hết sự nghiệp cho. Ông trưởng giả là Tâm bất sanh bất diệt của chúng ta đó. Khi chúng ta quên nó, chạy theo vọng tưởng là bỏ cha, bỏ đi càng xa càng khổ nhiều, khổ trong lục đạo luân hồi. Bây giờ trở về với Cha, là trở về với Tâm bất sanh, bất diệt thì hết đời cùng tử, hết khổ, và tất cả những gì của Cha ngày trước là của mình. Tánh giác sẳn có của mình nên trở về thì ngay đó trọn vẹn,  không thiếu gì cả, nên nói sự nghiệp của cha giao hết cho con. Hình ảnh hết sức rõ. Nhà Phật thường nói: Bội trần hiệp giác, hay bội giác hiệp trần. Bội cũng đọc là Bối.(Bối trần hiệp giác là QUAY LƯNG LẠI TRẦN, ĐỂ HIỆP NHẤT VỚI GIÁC. Lời giải thích của Nguyễn Văn Thọ). Bội  là trái là xoay lưng. Cho nên lối phản quan của nhà Thiền dạy chúng ta xoay trở lại vì lâu nay chúng ta cứ để cho năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi... chạy theo năm trần bên ngoài, nên càng ngày càng xa cái chân thật, tạo đủ thứ nghiệp luân hối sinh tử, Đó là cùng tử. Thật là quá rõ ràng.

 

Thích Thông Huệ, giải nghĩa kinh Địa tạng  như sau: Tựa đề của Kinh Địa Tạng cần giải thích trước tiên là U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.  Bổn là Bổn Tâm, Tôn là tôn quý, Tạng là Như Lai Tàng... Quan trọng là mình phải nhận ra được Bổn Tôn Địa Tạng nghĩa là Tự Tánh Như Lai Tàng tâm địa, cái cực tôn cực quý, hoặc nói gọn như trong kinh Niết Bàn, nhận lại cái Phật Tánh của mình, thì mới có thể đập phá được địa ngục tham sân si và cứu gíúp được chúnh sinh muôn loài... Nói theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm, khi nhận ra được Bổn Tâm, liền tức khắc tất cả các pháp đều trở thành những phẩm vật trang nghiêm. Có nghĩa là khi một người nhận ra bổn tâm của chính mình, tức khắc tất cả các pháp đều trở thành thị giả cho vị ấy. Bởi vì “Tất cả các Pháp đều từ tâm sinh”. Mê thì tất cả toàn mê, mà khi giác thì “Nhất thiết pháp giai thị Phật Pháp”, tất cả các Pháp đều là Pháp Phật, cõi Ta Bà liền tức khắc trở thành Tịnh Độ. (Tuần Báo Giác Ngộ, Số 28 tr. 20, 23)...Cái bổn tâm ấy xuất hiện, chính là “Bổn Tôn địa tạng xuất hiện nguyên hình, mà từ vô thủy vô chung chúng ta đều có mà lại quên đi. Đó là cái tâm thanh tịnh, cái tâm giác ngộ ứng hiện ra bên ngoài thành cái thấy, cái nghe, hay, biết của chúng ta... nói theo tinh thần Kinh Pháp Hoa, thì là khai thị cho chúng sinh ngộ theo tri kiến Phật, còn theo kinh Địa Tạng, đó là khai thị cho chúng sinh, nhận ra cái Bổn Tôn Điạ Tạng của chính mình. (Giác Ngộ 28, tr. 22-23). Thế là trong cái đãy da hôi thối của chúng ta này cón có hòn ngọc như ý, trong lò lửa vô thường này còn có hoa sen nở. (ib. 28, tr. 22).

Thiền sư  Đạo Huệ gọi Phật Tính là Chân Tâm hay Diệu Thể ở trong ta. Thiền sư Ngộ Ấn đời Lý gọi đó là Diệu Tính. (Giác Ngộ, 28, tr. 25)

Cái Phật Tính đó Chính là Bụt trong ta. Nguyễn Trãi nói: Bụt chính là lòng, Bụt khá cầu. Trong bài phú Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông nói:

Bụt ở trong nhà

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuấy Bổn, nên ta tìm Bụt,

Đến mới hay, chính Bụt là ta.

Trước khi giác Ngộ, Trần Nhân Tông đã lên núi tìm Phật, nhưng không thấy. Quốc Sư Viên Chứng nói với Ngài:

Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có ở trong lòng. Lòng lặng mà biết, thì đó là Ông Phật thật. (Xem Chữ Tâm và Chữ Nghiệp trong đời sống người Việt,  Giác Ngộ, 20, tr. 16-17.- )

Cái Phật tính ấy, chính là Tâm Ấn mà các tổ Thiền truyền thụ cho nhau. Tì Ni Đa Lưu chi (Vinitaruci) (569-582) nói: Tâm Ấn của Chư Phật không lừa dối, tròn vẹn như Thái Hư, không thừa không thiếu, không đi, không lại; không được, không mất; không giống, không khác; không thường còn, không gián đoạn; vốn không nơi sinh, cũng không nơi diệt; không xa cách, mà cũng không xa cách;.chỉ vì đối với cái duyên tà vọng mà phải đặt ra cái tên giả thiết đó thôi. Cho nên các Phật trong ba thế giới cũng lấy Tâm Ấn như thế. Tổ sư các đời cũng lấy Tâm Ấn như thế, và đến ta và ngươi cũng được Tâm Ấn như thế, cho đến các loài hữu tình, vô tình cũng được Tâm Ấn như thế! (Nguyễn Đăng Thục, Thiền Học Việt Nam, tr.17)

Sunyata = Thái Hư = Không là Một

Người xưa gọi Thái Hư là Vòng Tròn viên mãn. Trong quyển Trần Triều Dật Tôn Phật Điển Lục, Thượng Sĩ Ngữ Lục (Trúc lâm, Tuệ Trung, Thượng Sĩ Ngữ Lục) tr. 6, Việt Nam Phật Điển  tùng khan, Viện Khảo Cổ số VD2/6B. Thay vì truyền Tâm Ấn bằng lởi lẽ như trên của Tí Ni Da Lưu Chi, thì lại vẽ một vòng tròn. Ở 2 bên vòng tròn có đôi liễn bằng chữ Hán như sau:

Thái Hư nhất bản vạn trường linh, tâm ấn nhân nhân nguyên tự thành.

Tam Thế Phật Tổ truyền Tâm Ấn, tứ mục tương cố thái phân minh.

 

Bồ Đề Tâm Ấn

Viên đồng  Thái Hư

 

Đó cũng là Tâm Ấn của Thiền Tông trong Thập ngưu đồ, ảnh số 10,  Đó là Một vòng tròn với nhan đề Song Dẫn,  và hai câu liễn

Hoàn Ngã bản lai Chân Diện mục,

Vị sinh thân xứ nhất luân minh

Trả lại  ta Bản Lai Chân Diện Mục,

Một vầng nhật sáng lúc chưa sinh.

với bài thơ:

Chăn giữ trâu không còn,

Mục đồng ích chi nữa,

Chân Như soi muôn thủa,

Giáo lý nói chi hơn?(Xem bài Mục Ngưu Đồ, của Tống Anh Nghị, tr. Nguyệt San Giác Ngộ số 38, tr. 35)

Như vậy  Bản Lai Chân diện Mục của ta là cái gì tròn đầy, viên mãn như Thái Hư, như vừng Kim Ô luôn tròn trặn. Đó là cái Tinh Hoa của Trời đất, hằng cửu mà ta phải nắm giữ lấy.

Đó tức là đã tiến tới “Tất Cảnh Không”, hòa đồng hợp nhất với Bản Lai Chân Diện Mục không còn chút chi phân biệt.

...Đạt được Như Thế tức là Như Lai, tức là Phật Tính tại tâm, vì “Tâm tức Phật, Phật tức tâm”. Vấn đề phải giải quyết không ở chỗ tìm tòi, cẩu mong, suy tưởng mà là phá chấp ở tinh thần, cởi mở cái ràng buộc che phủ ở Tâm Hồn, “minh tâm kiến tính”...

(Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Việt Nam tr,39).

Tôi tóm tắt Đạo Phật như sau:

Vũ trụ này có 2 phần Chân là: (Bất Biến,  vĩnh cữu, Chân Như, Niết Bàn) và Vọng là: (Biến Thiên, Luân Hồi, nằm trong không gian, thời gian.)

Chúng ta phải bỏ Vọng về Chân.Vọng là Luân Hồi, Chân là Niết Bàn.

Hoà Thượng Thích Trí Quảng viết: Hai phần Chân và Vọng là vấn đề chính mà người tu phải suy tư, từng bước ta bỏ Vọng về Chân Tánh, và chủ trương Lìa Vọng Thức, phát huy Chân Linh. (Giác Ngộ, 180. tr. 18)

Thiền Sư Tông Bổn, đời Tống  (960- 1276) không rõ ngày sinh, ngày chết, tóm tắt đạo Phật như sau:

Tây phương bất dụng học đa đoan,

Nhất cú Di Đà tại phản quan.

Kiến đắc Bản lai Chân Diện Mục,

Thuỷ chi Sinh tử tức Nê Hoàn.

Dịch:

Tây phương chẳng buộc học đa đoan,

Một niệm Di Đà tại phản quan,

Thấy được Bản lai Chân Diện Mục,

Mới hay sống chết tức Nê Hoàn.

(Qui Nguyên Trực Chỉ, Tông Bổn biên tập, ĐỗThiếu Lăng dịch,  q. thượng, tr. 240, 252). 

THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ TRONG ĐẠO LÃO.

Đạo Lão chủ trương Đạo là bản thể vũ trụ (Đạo vi vũ trụ bản thể.- Trung Quốc Đạo Giáo, Khang Hy Thái, 1996, Đông Phương Xuất Bàn Trung Tâm, Thượng Hải Sơn Hà Lộ, 335, Zip code: 200335, q. 4, tr. 3.)

Đạo cũng gọi là Nhất, là Nguyên Khí. (Nhất giả, nãi Đạo chi căn dã, khí chi thuỷ dã, mệnh chi sở hệ thuộc, chúng tâm chi chủ dã.- Nhất giả, số chi thuỷ dã; Nhất giả sinh chi Đạo dã; Nhất giả, Nguyên Khí sở khởi dã; Nhất giả Thiên chi cương kỷ dã. Ib. tr. 4.)

Đạo đức Kinh viết: Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vât. (ĐĐK, 42).

Đạo sinh ra Chân Nguyên Nhất Thể,

Nhất thể sinh nhị khí âm dương.

Âm Dương biến hoá khôn lường,

Sinh Thần, Khí, Chất rõ ràng bộ ba.

Bộ Ba ấy sinh ra vạn vật…

Sách Trung Quốc Đạo Giáo nói trên giải như sau: “Nguyên Khí hoảng hốt tự nhiên, ngưng lại thành Nhất, gọi là Trời. Phân sinh ra Âm, ra Đất, gọi là Hai. Rồi Trời trên, Đất dưới, âm dương tương hợp với nhau, sinh ra Người, thế gọi là Ba.” (Nguyên khí hoảng hốt tự nhiên, kỳ ngưng thành Nhất, danh vi Thiên dã; Phân nhi sinh Âm nhi thành Địa, danh vi Nhị dã;  nhân vi thượng Thiên hạ Địa, Âm Dương tương hợp thi sinh nhân, danh vi Tam dã. Ib. tr. 4). Như vậy Đạo chính là Nguyên Khí đã sinh Hoá ra vạn vật. “Đạo là gì: Đạo là Nguyên Thủ của Vạn Vật, Nên không thể gọi tên. Trong lục cực này, không có Đạo thì không gì biến hoá được. Nguyên khí hành đạo, nên sinh vạn vật. Tất cả những gì lớn bé trong trời đất này, đều do Đạo sinh xuất ra cả. (Std. tr. 2).

Nguyên Khí đó phân thành Âm Dương (Trời đất ), hay Thái Âm, Thái Dương, còn vạn vật thì ở giữa. Nhờ hai khí đó, nên vạn vật mới thành hình thể, mới có tính tình.

Các Đạo gia áp dụng tư tưởng Đạo hay Khí hoá sinh vạn vật’ vào công phu tu luyện, như Hành Khí, Đạo Dẫn, Thổ Nạp, Thai Tức, Nội đơn v.v…

Đến đời Nhà Nguỵ (220-264), nhà Tấn (Tây Tấn 265-313, Đông Tấn 317-419), Vương Bật, Quách Tượng, Cát Hồng (Bão Phác Tử nội thiên)  đào sâu thêm về căn bản vũ trụ. Họ cho Vô là Căn bản vạn hữu, chứ không còn  chủ trương Hữu là căn bản vạn vật, và sáng tạo ra Khoa Huyền Học. (ĐĐK chương 40 cũng đã viết: Hữu sinh ư Vô.) Họ tạo thêm danh từ Huyền và cho nó ngang hàng với Đạo, và cho rằng Huyền cũng chính là bản thể vũ trụ, không có Huyền, thì Thần Khí đều mất. Như vậy, Đạo hay Huyền cũng là Một. (Huyền giả, tự nhiên chi thuỷ tổ, nhi vạn vật chi đại tông dã. Huyền chi sở khứ, khí trệ, thần thệ.)

Đến đời nhà Tuỳ (589-618), nhà Đường (618-905) có một biến chuyển lớn lao về tư tưởng. Từ Bản thể luận truyền vào Tâm Tính luận. Trong thời gian này, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông của Phật Giáo dẫn đầu phong trào:”Nhất thiết duy tâm sở tạo.”, và đề xuất rằng: “Tâm là chính nhân Phật tính”, “Tức tâm thị Phật”

Đến đầu đời Đường thì 1 nhóm lý luận gia đạo giáo như Thành Huỳnh Anh, Lý Vinh, Vương Huyền Lãm, Tư Mã Thừa Trinh v.v dựa vào những câu của Lão Tử như “Địch trừ huyền lãm” (đđk, 10), “Chí hư cực thủ tĩnh đốc” (ĐĐK, 16), và “Tọa vong” (Nam Hoa Kinh, 6, J), “Tâm Trai”(NHK, 4, A) của Trang  để suy cầu về “đạo tính” trong tâm hồn con người, tìm ra nguồn gốc thần tiên trong con người. Trùng Huyền Phái, Thành Huyền Anh, Lý Vinh thì loại bỏ Vọng Tâm, Chấp Trước, để nhập vào “Hư Thông diệu lý” của Đạo, nhập vào “Cảnh giới Bất tử, bất sinh”. Vương Huyền Lãm cho rằng: “Chúng sinh thời sinh diệt, mà Đạo thì Vô sinh diệt”. “Cái Đạo bất sinh bất diệt ấy, không ở ngoài tâm con người, mà ở ngay trong tâm con người. Thế là trong tâm con người có Đạo Tính. Cho nên Tu đạo không tìm cầu bên ngoài, mà chính là phải tìm cầu trong tâm. Thay vì nói: Đạo sinh vạn vật, cũng nói được Tâm sinh vạn vật. Lại nói: Thấy có, thấy  không cũng là do tâm. Nếu không có Tâm, thì làm sao còn có Có Không? Thế là “Tâm sinh chư pháp sinh, tâm diệt chư pháp diệt”. Tư Mã Thừa Trinh trong quyển Tọa vong luận viết: Tu luyện là Tu Tâm. Ông còn nói: Tâm là phong độ của Đạo, hư tĩnh chí cực, tức Đạo cư nhi Tuệ sinh (Tâm vi Đạo chi khí vũ, hư tĩnh chí cực, tắc Đạo cư nhi tuệ sinh.). Tâm là chủ thân con người, là chủ soái vạn thần, tĩnh thời sinh Tuệ, Động thời làm Hôn Ám.(Tâm giả, nhất thân chi chủ, vạn thần chi sư, tĩnh tắc sinh Tuệ, động tắc thành hôn). Ông cho rằng có 7 giai đoạn để đắc đạo gọi chung là “Chủ Tĩnh, Khứ Dục” : Tín Kính, Đoạn Duyên, Thu Tâm, Giản Sự, Chân Quán, Thái Định, Đắc Đạo.

Cuối đời nhà Đường, đầu đời Ngũ Đại (907-960) đạo sĩ Đàm Tiếu viết quyển Hoá Thư, giải biến hoá là do Hư. Ông viết: “Do Hư hoá sinh thiên địa vạn vật, rồi  Vạn Vật lại tái hoá thành Hư. Cho nên Hư là chỗ qui tụ vạn vật.” Thế là Hư hoá Hình rồi Hình lại hoá Hư, phân làm thuận nghịch 2 chiều biến hoá. Thế là chữ Hư đã đi vào dân gian cũng như chữ Đạo. (Std. q.4, tr. 7)

Đến đời Tống (960-1126), Các danh Nho như Chu Đôn Di, Trình Di, Trình Hạo, Chu Hi đem Tâm Tính Học Phật Giáo, phối hợp với chủ trương Tu, Tề, Trị, Bình của Nho, tạo thành Tống Minh Lý Học hết sức tinh vi.(Std. q.4, tr. 6)

Chung qui, Hiểu chữ Nhất là hiểu được tinh hoa đạo giáo Á Đông nói chung, Lão Giáo nói riêng.

Dù đứng trên lập trường Vô Ngã hay Hữu Ngã mà nhìn vào Nhất Thể, dù gọi Nhất Thể đó là Khí, là Thể, là Thần, là Lão, là Thiên, khái niệm cơ bản vẫn là:

Nhất thể đó linh minh, huyền diệu, có khả năng sinh xuất biến hóa ra vạn sự vạn hình.

Nhất Thể đó có thể hóa thành Tam Thể, Vạn Thể.

Nhất Khí đó có thể hóa thành Tam Khí, Vạn Khí.

Nhất Thần đó có thể hóa thành Tam Thần, Vạn Thần.

Nhất Lão đó có thể hóa thành Tam Lão, Vạn Lão.

Nhất Thiên đó có thể hóa thành Tam Thiên, Vạn Thiên.

Thế tức là hiểu Lẽ Một, sẽ hiểu được Căn Cơ, Gốc Gác của muôn loài, muôn vật, và có thể đi đến một kết luận hết sức triết học và khoa học sau đây: “Thiên, Địa, Nhân, Vật Nhất Tính, Đồng Thể.” (Tính Mệnh Khuê Chỉ, Nguyên, tr. 6a)

Suy ngược lại sẽ có:

Nếu Nhất Thần hóa Chúng Thần, thì Chúng Thần seư qui Nhất Thần; Nhất khí hóa Vạn Khí thì Vạn Khí cũng qui Nhất Khí.

Nếu trong con người có Chúng Thần, thì cũng có Nguyên Thần, có Nhất Thần.

Nếu trong con người có Vạn Khí, Ngũ Khí, Tam Khí, thì ai cũng có Chân Nguyên        

Nhất Khí hay Nguyên Khí.

Vì hiểu lẽ Một cho nên người đạo sĩ:

Chọn cái Tinh Hoa, bỏ cái Bác Tạp.

Chọn cái Giản dị, bỏ cái Tần Phiền.

Chọn Chân Tâm mà bỏ Thất Tình, Lục dục, Tứ Đại, âm Dương đối đãi.

Vì hiểu lẽ Một cho nên người đạo sĩ biết mình là Tiên Thiên Nhất Khí hóa thân, nghĩa là có đồng bản tính với Thượng Thần trong trời đất.

Vì biết lẽ Một cho nên hiểu rằng Chân Thần trong mình và Chân Thần trời đất là Một. Mình đây chẳng qua là Hóa Thân của Chân Thần đó mà mình chẳng hay.

Họa sĩ Wyzewa đã viết từ năm 1893:

Cái mà ta gọi là Thực Tại chẳng qua chỉ là hình ảnh của Bản Thể thầm kín nơi ta, phóng phát ra hư cảnh bên ngoài mà thôi

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

Vì thế nói: Thánh Nhân tẩy rửa tâm hồn, trở về náu ẩn trong nơi thầm kín. Trong đó vốn đã có Bản Thể uyên nguyên cùng với Thái Hư hỗn thành nhất khối. Vì thế nói: Thánh Nhân đồng thể với Thái Hư. (Cố viết: Thánh nhân dĩ thử tẩy tâm thoái tàng ư mật, Kỳ Trung Bản Hư Nguyên dữ Thaí Hư hỗn nhi vi Nhất. Cố viết: Thánh Nhân dữ Thái Hư đồng thể. - Xem Tính Mệnh Khuê Chỉ, nơi hình Trung Tâm Đồ, q. Nguyên Tr 10b.)

Lão Giáo vì thế chủ trương Thủ Trung Bão Nhất, giữ Trung ôm Nhất.

Khổng giáo vì thế chủ trương: Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi, Đạo ta dùng chữ Nhất bao quát tất cả.

Tính Mệnh Khuê Chỉ có chép: “Khi Hoàng Đế lên núi Nga Mi, gặp Thiên Chân Hoàng Nhân ở Ngọc Đường và hỏi về cái đạo Chân Nhân. Hoàng Nhân đáp: Đó là cái đạo quí trọng nhất của Đạo Gia. Kinh của Đạo này, Thượng đế giấu trong 5 thành núi Côn Lôn (đầu não con người), cất trong hòm ngọc ( Trong sọ người), viết vào thẻ vàng, phong bằng bùn tím (Nê Hoàn), đóng ấn bằng chữ Trung (Trung Tâm đầu não con người).

Nhất đó ở Thái Uyên Bắc Cực (đầu), trước có Minh Đường (Trán), sau có Ngọc Trẩm (ót), trên là Hoa Cái (Đỉnh Đầu), dưới là Giáng Cung...” (Tính Mệnh Khuê chỉ, q. Lợi, Tr 9b)

Với những lời lẽ mập mờ đó, Ta thấy ngay rằng Hoàng Nhân đã muốn nói như sau:

Muốn tìm Trời, tìm Đạo, tìm Nhất, tìm Trung, phải tìm nơi Trung Điểm đầu não con người.

Trước đó vài dòng Tính Mệnh Khuê Chỉ đã khéo léo đề cập tới Nê Hoàn Cung và trich dẫn Kinh Huỳnh Đình:

Nê Hoàn Cửu Chân giai hữu phòng,

Phương Viên Nhất Thốn xứ thử trung.

Đồng phúc tử y, phi la thường,

Đãn tư nhất bộ thọ vô cùng.

Dịch:

Nê Hoàn Cửu Chân đều có phòng,

Vuông Tròn Một Tấc tại Não Trung.

Áo tía, quần là đều rỡ ràng,

Tâm tồn Cửu Chân, thọ vô cương.

                         (Huỳnh Đình Kinh chương 7 và Tính Mệnh Khuê Chỉ q. Lợi tr. 9a).

 

Nhập Dựơc Kính viết:

Nê Hoàn nhất khiếu đạt Thiên Môn,

Trực thượng Hư Hoàng Ngọc Đế Tôn.

Thử thị Chân Nhân lai vãng lộ,

Thời thời khóa hạc, khứ triều nguyên.

                                (Nhập Dược Kính, tr. 10b)

Nê Hoàn một khiếu thấu cửa Trời,

Ngọc Hoàng Thượng Đế ấy tòa ngôi.

Thánh hiền lui tới, duy đường ấy,

Cưỡi hạc băng chừng thẳng tới nơi.

Viết đến đây, tôi liên tưởng đến lời chú của Phật Giáo Tây Tạng: Um Mani padme Hum, ôi Ngọc Châu Viên Giác nằm tại Liên Hoa Tâm, mà Liên Hoa Tâm theo lời bình giải của các đạo sư Tây Tạng, thì chính là Trung Tâm Đầu Não con người.

Chúng ta cũng nên nhớ, Đạo Lão chẳng những coi Đạo là Bản Thể muôn loài, coi coi Đạo chính là vũ trụ, và tượng hình Đạo bằng vòng tròn. Sách The Secret of everlasting Life (Tham Đồng Khế của Richard Berstchinger, nơi tr. 83, có vẽ một vòng tròn dưới ghi:The very Image of the Tao itself. (Đây chính là Hình Ảnh của Đạo.

Trần Đoàn cũng vẽ một hình tròn tượng trưng cho Đạo và dạy thêm rằng muốn về với Đạo, phải đi ngược dòng đời, băng qua ngũ hành, Âm Dương.

 

 

 Tôi mở đầu đoạn này bằng Bản Thể Uyên Nguyên của vũ trụ và của con người, kế đến bàn về hai chữ Trung và chữ Nhất, cuối cùng kết thúc bằng chữ Nhất và đem chữ Nhất ấy vào Trung Tâm Đầu Não con người, vào Nê hoàn Cung, nơi mà từ vô lượng kiếp Đức Thái Thượng đã dạy đạo cho chúng ta, đúng như lời kinh Huỳnh Đình: Thị tích Thái Thượng cáo ngã giả... (Huỳnh đình Kinh chương 17), thiết tưởng cũng đã phạt quang được gai góc và để lộ ra con đường Đại Đạo...

KHỔNG GIÁO VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ.

 Đạo Khổng là một đạo rất hay, chỉ tiếc là khó hiểu, nhưng nếu ta mất công sưu tầm, sẽ tìm ra mạch lạc của nó.

Chỗ cao siêu của Đạo, Đức Khổng không phải bất kỳ ai cũng truyền, mà chỉ truyền cho người có căn cơ, như Nhan Hồi.

Tử Cống than: “Văn chương Thầy ta thì chúng ta đều được nghe. Còn về Bổn Tánh và Thiên Đạo, thì chúng ta chẳng được nghe Thầy ta dạy.”(Luận Ngữ, 5, 12)

Ngài nói: “Ngô Đạo, Nhất dĩ quán chi”(L.N. chương IV, câu 15): Đạo ta, có thể thâu tóm bằng chữ Nhất. Như vậy, Nhất đây là thuyết: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

Khi bình về Học Thuyết Khổng Tử, cụ Trần Trọng Kim đã viết: Khổng Tử là một bậc thượng trí. Ngài nghĩ ngợi mà suy xét mọi việc rồi mới phát minh ra cái học thuyết, chủ lấy sự theo Thiên Lý làm căn bản. Ngài cho là trời đất và vạn vật đều có cái Lý ấy cả, TẤT CẢ ĐỒNG CÙNG MỘT THỂ, cho nên Ngài mới lấy chủ nghĩa THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ làm thống hệ cho học thuyết của mình. Cái Lý ấy là cái Nguyên Nhân của sự sinh hoá trong vũ trụ... Cái lý vô hình ấy... gọi là Thái Cực. ( Nho Giáo Trần Trọng Kim, q. 1, tr. 68)

 

Khảo Khổng Giáo, ta thấy Thái Cực, Nhất, Trung, Thiên Lý, Thiên Đạo, Thiên Tâm, hay Tính đều là một.

Qui Nguyên Trực Chỉ, một quyển sách cổ từ thời nhà Tống có chủ trương Tam Giáo đồng nguyên, nơi chương 26 có viết: Cái Chân Như Bản Tánh mà mỗi người đều có sẵn trước khi được cha mẹ mình sinh, nó là một cái Thể chân thiệt, không dối trá, gọi là Bổn Lai Diện Mục. Thiền Tông thì gọi nó là Chánh Pháp Nhãn Tạng. Liên Tông thì gọi nó là Bổn Tánh Di Đà. Đức Khổng thì gọi nó là Thiên Lý. Đức Lão Tử thì gọi nó là Cốc Thần. Dịch thì gọi nó là Thái Cực. Mỗi nơi kêu tên một khác, kỳ thiệt nó vẫn là một Chân Như Bản Tánh vậy. (Qui Nguyên Trực Chỉ, Đỗ Thiếu Lăng dịch, chương 26, tr, 339)

Cho thấy cái chốt, cái căn bản của Khổng Giáo chính là Thái Cực.

Luận Ngữ viết: Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sinh. (Luận Ngữ, ch. I, câu 2). Người quân tử chuyên lo CÁI GỐC. GỐC có vững, đạo lý mới sinh ra.

Vụ bổn như vậy là trọng gốc, là lưu tâm, lưu ý đến căn bản vũ trụ, quần sinh; là lưu tâm, lưu ý đến những vấn đề hệ trọng quan thiết đến vận mạng con người; là suy khảo về nguyên lý vũ trụ, quần sinh, về bản tính, về chân đạo, chân lý.

Cái gì là căn bản vũ trụ quần sinh?

Khổng giáo xưa nay vẫn chấp nhận rằng: Thái Cực hay Trời là căn bản vũ trụ, quần sinh.

Đại Đỗng Chân Kinh, một sách của Đạo Lão viết:

Muốn tìm căn bản, phải tìm nơi Thái Cực (Căn bản do lai Thái Cực tầm- Đại Đỗng chân kinh, tr. 4b). Hệ từ viết: Dịch hữu Thái cực. Thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái (Dịch: Hệ Từ thượng)

Dịch Kinh Đại Toàn cũng có một bài thơ, trong đó có câu:

Tu tri nhất bản sinh song cán,

Thủy tín thiên nhi dữ vạn tôn.

Dịch

Có hay một gốc đôi cành trẽ,

Mới thấy nghìn con, vạn cháu đông.

Một gốc là Thái Cực. Đôi cành là âm Dương.

Gốc hay Thái Cực thời trường tồn, bất biến.

Âm Dương thời hư ảo, biến thiên.

 

Trang Tử viết trong Nam Hoa Kinh như sau: Hư Tĩnh, Điềm Đạm, Tịch Mạc, Vô Vi ấy chính là Gốc sinh ra vạn vật. Hiểu điều đó, nên Nghiêu làm vua thiên hạ, Thuấn trở nên hiền thần; ở ngôi trên, áp dụng được nó, nên đế vương, thiên tử; ở cấp dưới, áp dụng được nó, trở nên huyền thánh, tố vương. (Nam Hoa Kinh, Thiên Đạo XIII, A).

Nhìn sang Triết Học ấn Độ, ta thấy sách Áo Nghĩa Thư cũng có chủ trương tương tự.

Shri Aurobindo toát lược Áo Nghĩa Thư đại khái như sau:

Áo Nghĩa Thư muốn lập căn bản vũ trụ quần sinh và đưa ra quan niệm Thực Thể duy nhất, bất biến, lồng trong mọi tạp thù, biến ảo, và là chủ chốt chi phối vũ trụ hình tướng, biến dịch bên ngoài.

Áo Nghĩa Thư cho rằng: hai phương diện biến hằng của vũ trụ quần sinh, đều bao hàm trong những trạng thái động tĩnh của Brahman, Thực thể duy nhất, bất khả phân, và căn cơ của vũ trụ. Theo Áo Nghĩa Thư, Thực Thể duy nhất ấy thể hiện và hiển dương trong thế giới chuyển dịch và hình tướng này, qua trung gian những lớp lang, tiết tấu, những giai đoạn, những trình độ, những thời kỳ khác nhau.

Sự biến thiên, chuyển dịch cốt là để thực hiện lại Duy Nhất, cốt là để cho quần sinh phối hợp được với Duy Nhất. (Shri Aurobindo, Trois Upanishads, p. 20 and ss.)

Tư Mã Thiên tóm tắt niềm tín ngưỡng tự nhiên của nhân loại bằng những lời lẽ mộc mạc sau đây: Trời là thủy tổ của con người, cha mẹ là gốc gác của con người. Người ta khi cùng khổ sẽ quay về nguồn, về gốc, cho nên khi khổ sở, lao lung, cùng cực thời thường kêu Trời, thời thường kêu cha mẹ. (Traduction Couvreur, Annales de la Chine p. 110)

Đức Khổng cũng tin rằng Trời là gốc gác muôn vật, quần sinh, gốc gác con người, nên muốn hiểu con người, trước phải biết Trời, vì Trời là gốc, mà con người là cành, là ngọn. Trung Dung viết:

Tư tri nhân, bất khả bất tri Thiên.

Dịch:

Biết Người, trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu Người làm sao?

                                   (Trung Dung ch. XX)

Những người vụ bản còn là những con người đi sâu được vào tầng lớp làm căn cơ, cốt cách con người, tìm ra được ĐạO được TRờI ở đáy lòng.

Ngày nay, người ta gọi những người đó là những người có “tâm địa ban sơ” (mentalité archaique), nghĩa là những tâm hồn sống kề cận với căn bản, với cốt cách con người (Arche). Đó là những con người hãy còn hồn nhiên, toàn vẹn, chưa bị pha phôi bởi vọng niệm, tư tâm, kiến văn, kiến thức. Nói thế, tức là con người vụ bản đi sâu được vào Vô thức. Vô thức đây không phải là thứ Tiềm thức hời hợt của Freud, chơi vơi giữa óc não và nhân tâm, nhưng Vô Thức đây chính là Vô Thức Đại Đồng của Jung, là Toàn Nhất của Hartmann, là Tự thể của Kant, là Tuyệt Đối của Schelling, hay Bản Tính của Carus.

Đức Khổng gọi cái Vô Thức ấy là Tính (Trung Dung, I), Thiên Mệnh (Trung Dung, I), là Mệnh (Luận Ngữ XX, 3), là Đạo (Trung Dung I), là Thành (Trung Dung XX, XXI), là Minh Đức (Đại Học, I), và suy luận ra rằng ý thức hay nhân tâm không phải là chủ trong con người, ngược lại chúng phải khuôn theo, thuận theo Vô Thức, thuận theo Thiên Tính để tiến tới hoàn thiện. Tìm ra được căn cơ, cốt cách, bản tính con người, tức là tìm thấy Đạo, thấy Trời trong tâm khảm mình.

Ngô Thảo Lư viết: Đạo, Lý, Thành, Thiên, Đế, Thần, Mệnh, Tính, Đức, Nhân, Thái Cực, lời tuy có khác, nhưng ý chỉ có một. (Tống Nguyên học án, q. 12, tr. 8).

Chính vì thế mà Mạnh Tử viết:

Thấu triệt lòng, sẽ hay biết Tính,

Hay biết Tính, nhất định biết Trời,

Tồn Tâm, dưỡng Tính chẳng rời,

Ấy là giữ Đạo thờ Trời chẳng sai...

( Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng I).

Đại Học viết:

Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc Lương Tâm cương quyết phát huy,

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện, còn đi chưa ngừng.

Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,

Lòng định rồi, nhẹ gánh lo toan

Hết lo, lòng sẽ bình an,

Bình an, tâm trí rộng đường xét suy.

Suy xét rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời, ngành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Thế là gần Đạo, gần Trời còn chi.

 

Đã nói rằng Trời là căn cơ, gốc gác con người, thì con người chẳng thể lìa xa được khỏi Trời, dù là một phút giây, vì cành làm sao lìa khỏi gốc được? Vì thế Trung Dung viết: Đạo bất khả tu du li dã.

Quan niệm này đem so với quan niệm của các nhà minh triết ấn Độ, ta thấy giống nhau hoàn toàn.

Katha Upanishad viết:

Chân Tâm chủ tể muôn loài,

Thể thời duy nhất, Hình thời ngàn muôn.

Biết Ngài ngự giữa tâm hồn,

Mới mong hạnh phúc trường tồn, vô chung,

Biết Ngài bất biến thung dung,

Lồng trong trời đất lao lung chuyển vần.

Biết Thần ngự giữa chúng Thần,

Biết Ngài duy nhất giữa quần sinh ban,

Bao nhiếu mơ ước chứa chan,

Biết Ngài phân phát cho toàn sinh linh.

Biết Ngài ngự giữa lòng mình,

Mới mong hạnh phúc siêu sinh trường tồn.

                               (Ketha Up. 5, 14. - Prasna 6, 5 - Brih. 4, 4 - 1-2)

 

Vì thế mà Kinh Thi mới viết:

Chái Tây Bắc, góc nhà thanh vắng,

Đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Đừng rằng tăm tối chơi vơi,

Đừng rằng tăm tối, ai người thấy ta.

Thần giáng lâm ai mà hay biết,

Nên dám đâu khinh miệt, dể ngươi?

                                      (Mao Thi, Đại Nhã, ức Thiên)

Quan niệm trên cũng đã được Trung Dung nhắc lại nơi chương XVI.

Đức Khổng vì đã tìm ra được Trời, được Đạo tàng ẩn trong tâm khảm mình, nên đã sống một cuộc đời đạo hạnh chân thực, nghơa là sống phối kết với Trời.

Trung Dung gọi thế là Phối Thiên (Tr. D. ch. XXVI)

Thomas Mann gần đây cũng cho rằng đạo hạnh chân thực chính là sống phối kết với bản thể (L'Homme se sente directement branché sur le mystère profond de l'être.) (Critique, mars, 1961. No 166, p. 218).

Ngoài ra, Đức Khổng còn cho rằng mọi lề luật chi phối con người và quần sinh vũ trụ đều đã được ghi tạc ngay trong lòng con người, trong lòng quần sinh, vạn hữu.

Trung Dung viết:

Đạo luôn gần gũi người đời,

Những ai lập đạo xa rời chúng nhân,

Hiếu kỳ, lập dị là nhầm.

                                  (Tr. D. XXII)

Kinh Thi viết:

Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép nấy định phân rành rành.

Lòng dân sẵn có căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành, tốt tươi.

                                 (Kinh Thi, Chưng Dân).

Chính vì lĩnh hội được cái chân đạo ấy, mà Đức Khổng không câu nệ về những hình thức cầu đảo bên ngoài.

Khi Ngài đau, Tử Lộ khuyên Ngài nên cầu đảo. Ngài trả lời: Ta cầu đảo từ lâu rồi. (L. N. VII, 30). ý Ngài muốn nói: tuy không cầu đảo theo thói thông thường, nhưng thực ra đời Ngài đã là cả một bài kinh nguyện trường thiên, vì luôn sống phối kết với Thượng Đế.

Ngài khuyên mọi người nên học cho nhiều để tìm cho ra cốt cách, căn cơ của mình, tìm cho ra Trời, ra Đạo ở nơi tâm khảm mình, và cho rằng đó là điều kiện thiết yếu để sống cuộc đời đạo hạnh, chân thực.

Đại Học viết:

Muốn đức sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa lo cải hóa dân mình.

Trị dân trước trị gia đình,

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên

Muốn sửa mình, Tâm nên sửa trước,

Sửa Tâm Hồn, trước cốt ý ngay.

Ý ngay, phải học cho dày.

Dày công học vấn sẽ hay Khuôn Trời.

Hay Khuôn Trời thoắt thôi thấu triệt

Thấu triệt rồi, ý thiệt, lòng ngay.

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên.

Nhà đã yên, nướữc liền thịnh trị.

Nước trị bình bốn bể bình an.

Từ dân cho tới vua quan,

Tu thân một mực lấy làm căn cơ.

                                        (Đại Học, I)

Ngài chủ trương dạy thiên hạ làm bừng sáng ngọn đuốc lương tâm, cố gắng cải thiện không ngừng, để tiến tới hoàn thiện.

Đại Học viết:

Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc Lương Tâm cương quyết phát huy.

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng.

                                       (Đại Học, I)

Đó chính là chủ trương của các vị đại Thánh, đại Hiền trong thiên hạ.

Thời cổ xa xưa, Mahagourou, vị thánh Ai Cập, cũng đã dạy thiên hạ phát huy “ánh sáng nội tại ấy”. Đó là ánh sáng soi cho mọi người sinh ra nơi trần thế. Ánh sáng ấy là “con người chân thực”. Aịnh sáng ấy tiềm tàng khắp nơi, ẩn áo ngay cả trong lòng nham thạch. Đối với con người... ánh sáng ấy gần gũi họ hơn mọi sự, ánh sáng ấy đã hiện diện trong lòng mọi người. Thực thể ấy gần gũi con người hơn mọi hình thức leồ nghi, vì con người chỉ cần hồi quang, quán chiếu là tìm thấy ngay ánh sáng ấy. Khi con người biết ra, mà vượt lên trên mọi lễ nghi hình thức, là con người lên được tới cùng Osiris, lên được tới ánh sáng. aữnh sáng ấy chính là thượng thần Amoun-Ra, căn nguyên và cùng đích mọi sự. (A. E. Powell, Le système solaire, p. 351)

Tóm lại, Đức Khổng chủ trương chân đạo phát xuất từ “thâm tâm con người”. Trung Dung viết:

Nên đạo quân tử phát xuất tự “thâm tâm”,

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân,

Khảo chứng tiên vương không có chi lầm lỗi.

Sánh với luật đất trời không phản bội,

So quỉ thần đường lối đúng không sai,

Thánh nhân ngàn đời sau, chẳng có chê bai.

So quỉ thần đường lối đúng không sai,

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai,

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ.

                                      (Trung Dung XXIX)

Những con người vụ bản là những con người hiếu cổ. Hiếu cổ không phải để mua vui, mà chính là để hướng về nguồn, mà chính là để dùng gương xưa, tích cũ, lèo lái cho công trình tạo tác thời nay, mà chính là để theo chân người xưa, khám phá và làm sống động lại các tầng lớp thẳm sâu của tiềm thức. Như vậy khảo cổ tức là khơi sâu, chẳng những khơi sâu thời gian và lịch sử, mà còn khơi sâu tâm khảm con người, làm cho con người mở rộng thêm tầm kích, sống thêm sâu xa linh diệu. Chính vì vậy mà Đức Khổng ưa khảo cổ. Ngài nói trong Luận Ngữ:

Ta trần thuật chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân.

                                     (Luận Ngữ, Thuật Nhi, VII, 1)

Trung Dung viết thêm: Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn, Võ. (Trung Dung XXX).

Các môn đệ Đức Khổng nhiều người cũng tỏ ra hiếu cổ. Mạnh tử thuật lại rằng: Các ông ấy có chí cả, và thường lớn tiếng nhắc đi, nhắc lại: ôi người xưa, ôi người xưa.(Mạnh tử, Tận Tâm chương cú hạ, 37. LN. VII, 19. L.N. IV, 21).

Những người vụ bản còn có tâm hồn định tĩnh. Vì họ chú trọng đến các tầng lớp thẳm sâu trong tâm hồn, nên có đời sống nội tâm rồi rào.

Các ngài ưa trầm tư, mặc tưởng, để tìm ra nguyên lý, tìm ra định luật chi phối vũ trụ

Đại Học viết:

Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,

Lòng định rồi, nhẹ gánh lo toan.

Hết lo lòng sẽ bình an,

Bình an tâm trí, rộng đàng xét suy.

Suy xét rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời, ngành ngọn đầu đuôi.

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Thế là gần Đạo, gần Trời còn chi.

                                         (Đại Học, I)

Trang Tử cũng có chủ trương tương tự ông viết: Nước lặng sẽ chiếu soi thấy được râu mày, lại được thợ dùng để đánh thăng bằng. Nước lặng mà còn trong, huống chi là tinh thần? Lòng thánh nhân mà tĩnh lãng, thời sẽ nên gương soi trời đất, vạn vật. (Nam Hoa Kinh, Thiên Đạo, XIII, A).

Vì vậy mà Đức Khổng thường trầm tư, mặc tưởng (L. N. XV, 30). Ngài cũng dạy các môn đệ năng xét mình, để trừ khử những điều không hay, không tốt, (L. N. I, 3), để khiến cho tâm hồn trở nên băng tuyết (L. N. II, 2).

Chính nhờ sống một cuộc sống nội tâm sâu sắc như vậy mà đức Khổng thường ung dung thư thái (L. N. VII, 4). Có thể nói được rằng ngày nay chúng ta thường buồn bực, khổ sở, bất mãn, một phần là vì đã bỏ quên mất nếp sống tâm hồn, mà sống phiến diện nơi óc não, nơi giác quan, hay vùi đầu vào ngoại cảnh, đem hết tâm lực chạy theo tiền bạc, lợi danh, hoặc thú vui nhục dục.

Thế là trạng thái đánh mất tâm hồn mình, theo từ ngữ Thánh Kinh ( Mat. 16, 26), hoặc theo từ ngữ của Harvey Cox trong cuốn The Feast of Fools ( While gaining the whole world, Western men has been losing his own soul), hay làm thất lạc con tim theo Mạnh Tử (Mạnh Tử, Cáo Tử chương Cú thượng, 2).

 

Nhờ vụ bản, mà Đức Khổng đã tìm ra được nguyên lý duy nhất, do đó suy ra vạn sự.

Đức Khổng đã nói: Đạo ta là do một nguyên lý mà suy ra (Ngô đạo, nhất dĩ quán chi, L. N. IV 15), và L.N. XV, 2).

Nguyên lý duy nhất ấy chính là gốc, mọi sự khác chỉ là ngọn. Biết đứớùc nguyên lý duy nhất rồi sau sẽ suy ra các điều khác. Không biết được nguyên lý duy nhất thời mọi sự sẽ rối mù.

Đoàn Trung Còn bình: Nhất dĩ quán chi là một môn học cao vi của nhà Nho. Người ta bắt đầu từ chỗ gần, mà xét tới chỗ xa, từ chỗ hiển mà đạt tới chỗ mật. Nhà học Đạo cần phải có tâm bình đẳng, đạt mức trung dung, do một mối mà phăng lần ra, thì có thể bắt từ ngọn mà đi đến gốc. Nhờ quan sát như vậy, nhà Đạo hiểu tâm tánh người đời. Cao hơn nữa, nhà Đạo biết ra lẽ bí mật trong vũ trụ vậy. (Đoàn trung Còn, L. N. XV, 2)

Chính vì thế mà Trang tử đã nói: Thông kỳ nhất, vạn sự tất. (Biết được nguyên lý, thời vạn vật cũng biết xong xuôi. (Nam Hoa Kinh, Thiên Địa XII, A). ông cũng còn nói: Trước hết phải nắm được tâm điểm, Sau đó sẽ ứng dụng được vô cùng (Đắc kỳ hoàn trung, dĩ ứng vô cùng Nam Hoa Kinh, Tề vật luận II, C).

Đức Khổng còn dùng nguyên lý duy nhất mà suy ra lẽ tuần hoàn biến hóa của mọi sự biến địch trong hoàn võ. Ngài cho rằng mọi sự biến hóa chung qui đều trở về lại căn nguyên, và sự tu luyện học hỏi của con người cũng cốt là để nhập thần, huyền hóa. Vì thế mà Ngài đã viết trong Hệ Từ, khi bình về Hào Cửu Tứ quẻ Hàm như sau:

Dạy rằng muôn sự trên đời,

Cần chi lo lắng, rối bời mà chi.

Muôn đường nhưng vẫn đồng qui,

Trăm chiều lo lắng qui về một căn.

Cần chi mà phải băn khoăn,

Việc gì mà phải bận tâm lo lường.

Vầng trăng đắp đổi vầng dương,

Vầng dương đắp đổi đài gương Quảng Hằng.

Mặt trời cùng với mặt trăng,

Luân phiên đắp đổi, nên hằng sáng soi.

Lạnh đi, nóng lại tới nơi,

Nóng đi, lạnh lại trở lui thay liền.

Hàn ôn đắp đổi thường xuyên,

Cho nên niên tuế miên triền sinh ra.

Trôi vào quá vãng là co,

Vị lai là giãn, giãn là triển dương.

Khuất thân, co giãn thời thường

Đôi bên cảm ứng, mở đường lợi sinh.

Sâu đo có lúc co mình,

Co mình cốt để duỗi mình dễ hơn.

Long xà đông tới chập chờn,

Ngủ vùi tháng lạnh, bảo tồn tấm thân,

Học sao tinh nghĩa nhập thần,

Rồi ra áp dụng muôn phần hay ho,

Đã rành đã tỏ hóa cơ,

Rồi ra lợi dụng ấm no thân mình.

Thân mình sung túc, an ninh,

Rồi ra nhân đức thi hành sùng tôn,

Băng chừng từ đó tiến lên,

Là vào tới cõi siêu nhiên, thánh thần.

Thần minh khế hợp vào tâm,

Hóa cơ đã tỏ, siêu nhân đã đành.

                                      (Hệ từ hạ, chương V)

Đức Khổng đã áp dụng nguyên lý duy nhất ấy vào công cuộc tu thân, tề gia. trị quốc, bình thiến hạ.

Sau khi đã định được căn bản của vũ trụ quần sinh là Thái Cực, là Trời, mà Trời hay Thái Cực thời:

-Bất biến,

-Hằng cửu,

-Siêu vi.

-Vừa lồng trong vạn vật, vừa siêu xuất vạn vật.

-Vừa là căn cơ, vừa là cùng đích muôn loài.

-Lại hoàn thiện, tuyệt đối.

Ở nơi con người thì Thái cực là Lương Tâm, Lương tri, tuyệt đối, hoàn thiện, nên chính là Tính con người, là phần Thiên nơi con người. Nó khác hẳn với nhân tâm, vì nhân tâm chỉ là thất tình, lục dục, luôn luôn biến thiến, thay đổi.

Cho nên trong công trình tu luyện phải luôn theo tiếng lương tâm, giữ gìn cho lương tâm được luôn luôn trong trẻo, và phải trở về với lương taốm là mới trở về được với Đạo, với Trời.

Kinh Thư gọi Lương Tâm là Đạo Tâm. (Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15)

Trung Dung gọi là Tính. (Trung Dung, I)

Đại Học gọi là Minh Đức. (Đại Học, I)

Kinh Dịch gọi là Thái Cực. (Dịch, Hệ Từ)

Mạnh Tử gọi là Xích tử chi tâm (Mạnh Tử, Ly Lâu hạ, 12).

Ngoài ra chư nho còn gọi là Nhất, là Trung, là Thành, là Mệnh v.v...Chính vì thế nên Bản Tính con người thời hoàn thiện. (Nhân chi sơ, Tính bản thiện). (Tam Tự Kinh)

Chính vì thế mà trong công cuộc tu thân con người phải tiến tới hoàn thiện (Đại Học, I), tiến tới chí thành, chí thiện

Thành giả Thiên chi đạo dã,

Thành chi giả, nhân chi đạo dã.

Dịch

Hoàn toàn là Đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện, đạo người xưa nay.

                                    (Trung Dung, XX).

Như vậy, cá nhân và xã hội đều phải theo một khuôn mẫu, là tiến tới choồ hoàn thiện. Khổng tử nói: Trò Sâm, Đạo ta do một nguyên lý mà suy ra. Tăng tử đáp: Dạ...Đạo Thày là đem hoàn thiện vào lòng mình và làm cho người khác trở nên giống mình (L. N. Lý Nhân, IV, 15).

Mạnh tử cũng nói: Mạnh tử chỉ bàn về tính thiện, và không ngớt ngợi khen Nghiêu Thuấn...Đạo Lý chỉ có một mà thôi (Mạnh tử, Đằng văn Công chương cú thượng, 1)

Chính trị chính là sửa sang mọi người và đưa mọi người về tới Hoàng Cực hoàn thiện.

Trung Dung viết:

Đạo quân tử có 5 hình thức,

Nương 3 chồi, thịnh đức sum sê.

Quân thần, phụ tử, phu thê,

Anh em cốt nhục, bạn bè tất giao.

y 5 đạo tối cao thiên hạ,

Trí, Dũng, Nhân, đức cả 3 chồi,

Năm cành, 3 cỗi tốt tươi,

Tinh thành do một gốc Trời trổ sinh.

                                     (Trung Dung XX)

Trung Dung còn viết:

Thành vốn dĩ tự mình hoàn thiện,

Đạo thời thường tự khiển, tự do.

Thành là cùng đích, duyên do,

Duyên do, cùng đích khắp cho muôn loài.

Bỏ nhẽ ấy khôn bài có vật,

Nên hiền nhân quí nhất chữ Thành.

Hoàn thành không những riêng mình,

Rồi ra hoàn thiện quần sinh muôn loài.

Hoàn thành mình là người nhân đức,

Tác thành vật, là bực thông minh.

Thiên nhiên tự tính uy linh,

Trong ngoài hai mặt, một mình quán thâu.

Nên quân tử biết câu sau trước,

Xếp thời giờ, tổ chức cho hay.

                                         (Trung Dung XXV).

Như vậy, về phương diện chính trị, phải liệu lý từ trong ra ngoài. Căn cơ có tỏ, thì tâm mới định; thần có linh, thì tâm mới thiện; Tâm có thiện, thì thân mới an; thân có an, thì gia đình mới tốt; gia đình có tốt, thì quốc gia mới thịnh; quốc gia có thịnh, thì thiên hạ mới mong bình. Mới hay có thấu đáo căn cơ, cốt cách của mình, thì thân mới tu, gia mới tề, quốc mới trị, thiên hạ mới bình. Cái gốc có vững, thì cái ngọn mới không xiêu.

Ngày nay, thế giới trở nên đảo điên, suy vi, loạn lạc, chính là vì người ta đã trở nên vong bản, đã quên mất gốc, hoặc không biết rằng cái gốc hoàn thiện đã ở ngay trong tâm cơ con người. Thành thử, người ta cầu mong hòa bình mà chỉ thấy loạn lạc; người ta hứa hẹn an lạc, mà chỉ thấy toàn gian khổ, điêu linh. Tất cả những cái thống khổ, khốn nạn, tất cả những chén phiền não, tân toan mà con người đã, đang, và sẽ uống hằng ngày, đều là do đã lạc mất tâm, đã quên mất gốc.

Chúng ta muốn an bình ư? Hãy tìm về gốc, trở về nguồn. Chúng ta muốn có một nền học vấn cao siêu ư? Hãy khảo về gốc, suy về nguồn. Chúng ta muốn tìm ra giải đồng thân ái, liên kết ta được với người, với chúng dân trong hoàn võ ư? Hãy tìm ra gốc, tìm ra nguồn.

Căn cơ, nguồn gốc của chúng ta, chúng ta khỏi tìm ở khởi điểm lịch sử. Nguồn gốc vũ trụ nhân quần, chúng ta khỏi suy khảo cho tới phút lập địa, khai thiên. Muốn tìm về gốc nguồn chúng ta, chúng ta chỉ việc phạt quang hết những lau lách dục vọng hay tạp niệm nội tâm (M. T. Tận tâm chương cú hạ, 21), rồi ra chúng ta sẽ thấy hiện ra một con đường quang, đưa tới nguồn, tới gốc, rồi ra chúng ta sẽ thấy hiện ra trong Não Thất 3, tức là trong Nê Hoàn Cung chúng ta một viên ngọc quí sáng ngời, đó là Lương Tâm chúng ta, mà Đạo Lão gọi là Kim Đơn, mà khoa luyện đan âu Châu gọi là Philosopher's Stone. Đó là cái Đạo mà sáng nghe biết rồi, chiều chết cũng cam của Khổng giáo. ( Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ. L. N. Lý Nhân IV, 8). Tìm ra Đạo này là một công trình khó khăn, nhưng thích thú.

Tóm lại, Thái Cực hay Trời, khi sinh ra ta thì gọi là Căn Cơ, khi kêu ta về thì gọi là Cùng Đích. Giữa thời nở ra rồi lại khép lại.

Như vậy Trời không ở đâu xa, mà đã nằm sẵn trong lòng sâu con người. Ta đã thấy bất kỳ đạo giáo chân chính nào trên thế giới cũng đều chủ trương như vậy.

Sách Trung Dung đã viết theo kiểu này: Sách bắt đầu bằng chữ Thiên, rồi nở ra thành Tam Đức, Ngũ Luân, Cửu Kinh, đoạn khép lại thành Đạo Thánh Nhân, rồi lại trở về với Trời vô thanh, vô xú. Thật là hoàn hảo tuyệt vời.

Thế là:

Tung ra tản mạn khắp muôn phương trời,

Thu tóm lại dấu nơi ẩn áo.

Hay sao hay, kỳ ảo khôn cùng

Đó là thực học chính tông,

Ai hay tìm hiểu, sẽ thông ý mầu,

Thông ý mầu, rồi sau ứng dụng,

Dùng cả đời, cũng chẳng hề vơi.

                                      (Trung Dung, Chu Hi chương cú)

 

Sau đây, chúng ta sẽ dùng Kinh Dịch để giải thêm thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

Kinh Dịch chủ trương: Vũ trụ này do một đại thể duy nhất, một căn nguyên duy nhất phân hóa ra. Bản thể duy nhất ấy Dịch gọi là Thái cực, là âm Dương hợp nhất, là Thổ, là Nhất, là 5, hay 15.

Dịch trình bày tư tưởng trên bằng:

a) Hình vẽ Thái Cực, gồm âm lẫn Dương.

b) Bằng chữ Dịch gồm 2 chữ Nhật, và Nguyệt. Nhật thời Bất Biến, Nguyệt thời Biến Thiên.

c) Bằng chữ Thổ, gồm hai nét âm Dương, và nét Sổ hợp nhất.

d) Bằng số 5 vì năm là 3 (Dương) + 2 (âm).

e) Bằng số 15 vì 15 là 9 (Dương) + 6 (âm).

Thái Cực thời Bất Biến.

Âm Dương thời Biến Hóa vô cùng.

Bản Thể ấy đã sinh hóa, phóng phát ra vũ trụ, bằng cách phân hóa.

1 chia 2.

2 chia 4

4 chia 8

8 chia 16, chia 32, chia 64

 

Dịch diễn tả tư tưởng ấy bằng chữ: Thái Cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái...

Hoặc bằng hình vẽ:

a/ Bản thể vũ trụ và vạn hữu vẽ thành vòng Dịch tròn.

Lúc đó:

Tâm điểm là Thái Cực.

Vạn hữu là hào quải vây quanh bên ngoài..

Thái Cực hay Bản Thể như vừng dương sinh xuất muôn ánh hào quang vạn hữu.

 

b/ Bản thể vũ trụ (Thái Cực) và Vạn Hữu (Hào quaýi) xếp theo hình ngang. Lúc ấy, Bản Thể (Thái Cực) là gốc cây, vạn hữu (hào quái) như cành, như lá bên trên.

Vòng biến dịch tuần hoàn của vũ trụ được tượng trưng bằng:

a/ Vòng Dịch Tiên Thiên bát quái

  


 

Đồ hình này có 2 nửa phải, trái. Nửa phải có 4 quẻ là Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Hào trong cùng của 4 quẻ này đều là Hào âm. Hơn nữa, Hào âm ngày càng tăng. Hào Dương càng ngày càng giảm: (Tốn có 1 hào âm, Khảm có 2 hào âm cách nhau, Cấn có 2 Hào âm liền nhau, Khôn có 3 hào âm), vì thế, chiều này gọi là chiều âm trưởng, Dương tiêu.

Như vậy, ta thấy rằng, ở chiều này, Vật Chất ngày càng thịnh, Tinh Thần ngày càng suy

 

Nửa trái có 4 quẻ là Chấn, Ly, Đoài, Kiền. Hào trong cùng của 4 quẻ này đều là Hào Dương. Hơn nữa, Hào Dương ngày càng tăng, Hào âm ngày càng giảm. (Chấn có 1 hào Dương, Ly có 2 hào Dương cách nhau, Đoài có 2 hào dương liền nhau, Kiền có 3 hào Dương), vì thế chiều này gọi là chiều Dương trưởng, âm tiêu. Như vậy ta thấy rằng ở chiều này Tinh Thần ngày càng thịnh, Vật Chất ngày càng suy.

b/ Bằng Vòng Dịch Tiên Thiên 64 quẻ.

nơi vòng Dịch Tieốn Thiên 64 quẻ, ta thấy nửa phải có 32 quẻ, từ Cấu đến Khôn. Tất cả các Hào trong cùng của 32 quẻ này đều là Hào âm. Đó là Chiều âm, vì âm ngày càng thịnh, đó cũng gọi là chiều Thuận.

Nửa trái có 32 quẻ, từ Phục đến Kiền. Tất cả các hào trong cùng của 32 quẻ này đều là Hào Dương. Đó là Chiều Dương vì Dương ngày càng thịnh, đó cũng còn gọi là Chiều Nghịch,

Thế là:

Gẫm Đạo Lý có sau, có trước,

Lẽ âm Dương có ngược, có xuôi.

Xuôi là gió cuốn bụi đời (Thiên Phong Cấu),

Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm,

Có thử thách mới phân vàng đá,

Có lầm than mới rõ chuyện đời.

Ngược là sấm chớp tơi bời (Địa Lôi Phục),

Tầng sâu bày giãi căn trời nội tâm,

Trông tỏ đích chí nhân, chí chính,

Biết mục phiêu sẽ định, sẽ an.

Rồi ra suy xét nguồn cơn,

Con đường phối mệnh chu toàn tóc tơ.

 

Dịch Kinh quí nhất chiều nghịch. (Dịch nghịch số dã. Kinh Dịch, Thuyết quái, chương III, câu 2), vì Chiều Nghịch là Chiều sinh Thánh, sinh Thần, còn chiều Thuận là Chiều sinh Nhân, sinh Vật.

c/ Hoặc giản dị hơn, bằng vòng Dịch Thập Nhị quái khí.

 

Thập Nhị quái Khí là 12 quẻ rút ra từ Vòng Dịch 64 quẻ nói trên.

Nửa phải có 6 quẻ là Cấu, Độn, Bĩ, Quan, Bác, Khôn. Đó là Chiều âm.

Nửa trái có 6 quẻ là Phục, Lâm, Thái, Đại Tráng, Quải, Kiền. Đó là chiều Dương.

d/ Hoặc bằng 1 đồ bản vẽ Thái cực nằm chính giữa, với 6 vòng tròn đồng tâm bên ngoài. Ngoài cùng có 12 quái khí.

 

 

Trông vào hình đồ trên ta thấy:

1/ Thái Cực ở Tâm Điểm.

2/ Vạn Hữu được tượng trưng bằng 6 vòng tròn bao quanh bên ngoài.

3/ Vòng biến dịch bắt đầu từ tâm điểm đi ra tới biên, rồi lại quay ngược trở về Tâm.

4/ Càng đi ra bên ngoài, âm càng thịnh, dương càng suy (âm từ 1 hào, dần dần tăng lên cho tới 6 Hào).

5/ Lúc vòng Dịch quay trở về được đánh dấu bằng quẻ Phục. (Quay trở lại)

Như vậy, Phục là con đường hồi tâm, qui tâm, hồi hướng, hướng nội.

Phục cũng là Kiến Thiên Địa chi Tâm: Thấy được Tâm (Bản Thể) của Trời đất. Tâm của Trời đất cũng là Tâm của mình.

6/ Càng đi sâu vào tâm, càng trở nên trong sáng. âm căn càng ngày càng giảm, dương quang càng ngày càng tăng.

Vào đến vòng dịch thứ 6, là đạt thuần dương, thuần Kiền.

7/ Vào tới Tâm Điểm là Đắc Đạo, đắc Nhất, đắc Thiên.

8/ Vòng biến dịch, tuần hoàn trên vẽ lại đời sống con người lý tưởng, cũng như đời sống nhân quần và toàn bộ lịch sử tiến hóa con người. Chẳng những thế, còn vẽ lại được vòng biến dịch luân lưu của mặt trời, mặt trăng, hay nói rộng hơn là toàn thể chu kỳ biến hóa của vũ trụ.

9/ Vòng biến dịch này có 2 chiều:

Con người nói riêng, nhân loại nói chung, khi còn trẻ sẽ hướng ngoại, đem tinh thần phục vụ giang sơn, tổ quốc, cải thiện ngoại cảnh, đổi lấy miếng cơm, manh áo, đóng góp với đời...

Khi đã luống tuổi, khi đã trở về già, sẽ hướng nội, qui tâm, sẽ dùng ngoại cảnh hỗ trợ cho tâm thần, tu luyện bản thân, tiến mãi trên con đường huyền hóa...

Thiệu Khang Tiết viết:

Vạn Vật tòng Trung nhi khởi, tòng Trung nhi chung.

Vạn Vật từ Trung Tâm sinh xuất, lại qui hoàn về Trung.

Dịch lại viết:

Nhất âm, nhất Dương chi vị đạo. Kế chi giả, thiện dã, thành chi giả, tính dã (Hệ từ thượng, chương V).

Một âm, một Dương là Đạo (Đạo có 2 chiều: âm trước, Dương sau: Vật chất trước, tinh thần sau). Theo đường đó thời tốt, đi tới cùng đường sẽ thực hiện được Tính Trời.

Chỗ cao siêu của Dịch là cốt dạy con người: Tẩy Tâm, thoái tàng ư mật (Hệ từ Thượng, ch. 11), tẩy rửa tâm hồn, trở về với tâm linh.

Các chính Tính, Mệnh, Bảo hợp Thái Hòa. (Kiền Quái, Thuyết quái) Giữ cho Tính, Mệnh được ngay chính, bảo vệ, hiệp nhất được với Thái Hòa (Thái Cực).

Quan niệm Nhất thể vạn thù đã đưa đến những hậu quả sau đây:

*1. Nho gia đều tin vào thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể, tin rằng mình có thể sống kết hợp với Đạo, với Trời.

Trình Y Xuyên (1033- 1107) nói: Dịch giả, Thiên Nhân Hợp Nhất nhi dĩ hĩ (Dịch chỉ là Người và Trời hợp nhất mà thôi).

Trương kỳ Quân, tác giả bộ Trung Quốc ngũ thiên niên sử đã viết: Dịch chi vi thư quảng đại tất bị, vô sở bất bao, nhi ngữ kỳ yếu qui, tắc vi minh Thiên Nhân hợp nhất chi đạo. (Sách Dịch mênh mông bao quát, nhưng nói cho ngay, chỉ dạy nhẽ Thiên Nhân hợp nhất mà thôi).

Ngày nay người ta đọc sách Nho, xưng mình là Nho Học, nhưng ít người hiểu được rằng Tính con người chính là Thái Cực, thật là vẹn hảo. Con người không biết chuyện đó, chính vì xã hội đã làm cho họ sai lầm mà thôi.

Hai nữa người ta không biết rằng con người có 2 tính: 1 là Tính Trời hay Thiên địa chi Tính, hai là tính người, hay khí chất chi tính. Tính người chính là thất tình, lục dục cần phải gột bỏ. Tính Trời thì quang minh chính đại, nó là ngọn đuốc lương tâm, luôn luôn ở trong con người, để soi sáng cho con người. Chính vì thế mà Nho Gia sau trứớữc chỉ dạy: Khử nhân dục (Nhân tâm), tồn Thiên Lý (Thiên Tính hay Thái Cực) mà thôi.

Ngày nay mở mồm ra, là người ta chê mình là kẻ xấu, kẻ hèn mọn, tội lỗi. Những người có tư tưởng sai lầm như vậy, dẫu tu suốt đời cũng không sao tiến bộ được. Thực là uổng phí cuộc đời.

Người ta cũng không biết rằng: Tuy vạn tượng thời biến hóa khôn lường, nhưng Bản thể hay Bản Tính chúng ta thời trường tồn bất biến. Nên nếu chúng ta muốn trường sinh bất tử phái rũ bỏ những gì biến thiên, tức là Vọng tâm hay nhân tâm, mà chắt chiu caữi gì vững bền muôn thủa, đó là Thái Cực hay Thiên Tâm, Thiên tính của chúng ta.

Dịch kinh nơi quẻ Hằng đã viết: Thiên địa chi Đạo hằng cửu nhi dĩ dã. Quan kỳ sở Hằng, Thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hỹ. Đạo Trời thời thường hằng vĩnh cửu. Hiểu nhẽ đó, sẽ biết tình ý của muôn loài. Tiếc thay nay có ai hiểu thế nào là Hằng, Biến đâu.

Dịch gọi Hằng cửu đó là Thái Cực. Nó đã nằm sẵn trong lòng sâu con người. Dịch gọi đó là Điểm Trung Hoàng. Tìm ra được nó, nhiên hậu mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp.

Văn Ngôn hào Lục Ngũ quẻ Khôn viết:

Hiền Nhân thông lý Trung Hoàng,

Tìm nơi chính vị mà an thân mình.

Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh, mỹ miều.

Phát ra sự nghiệp cao siêu.

Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi.

Trung Dung là sách dạy ta tìm về Tâm Điểm bất biến đó của vũ trụ. Trung dung gọi đó là Đạo Trung Dung, hay đạo Trời.

Trung ấy là không nghiêng, không ngứýa,

Trung ấy là muôn thuở y nguyên.

Trung là Đạo Chính mọi miền.

Dung kia là lý hiển nhiên mọi đời.

Tâm pháp này truyền nơi cửa Khổng,

Ông Tử Tư sợ chóng sai ngoa,

Bút thần tay thảo thiên hoa,

Truyền cho Mạnh tử thành pho sách này.

Sách mới thoạt trình bày một lẽ,

Sau dần dần mới tỏe thành muôn.

Tung ra tản mạn khắp muôn phương trời,

Thu tóm lại, dấu nơi ẩn áo,

Hay sao hay, kỳ ảo khôn cùng.

Đó là thực học chính tông,

Ai say tìm hiểu sẽ thông ý mầu,

Thông ý mầu rồi sau ứng dụng,

Dùng cả đời cũng chẳng hề vơi.

                                    (Trung Dung, Chu Hi chương cú).

Trung Dung chia con người thành ba phần:

Tính (Thiên tính, Thiên Tâm, Lòng Trời = Thiên đạo).

Tâm (Nhân tâm, nhân dục, khí chất chi tính, lòng người =Nhân Đạo).

Xác (vật chất = Vật đạo).

Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa cũng chủ trương như vậy.

Kinh Thư, thiên Đại Vũ Mô, 15 viết:

Nhân tâm duy nguy,

Đạo tâm duy vi,

Duy tinh duy nhất,

Doãn chấp quyết Trung.

Dịch:

Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.

Lòng Trời thì bất biến, lòng con người thì biến thiên. Thế là thấy được lẽ Biến, Hằng trong ta vậy.

Bất kỳ là theo đạo giáo nào, không hiểu những điều căn bản trên là không biết gì về Đạo (Thái Cực), về duyên do và cùng đích của Đạo, của con người.

 

*2. Thực ra, con người là một phân bộ trong thống thể vũ trụ, nên có liên quan mật thiết đến vũ trụ.

Trình Minh Đạo (1032-1065) viết: Vạn vật dữ ngã nhất thể dã (Ta và vạn vật đếu chung một bản thể.)

Lục Tượng Sơn (1140-1192) viết: Việc ở trong vũ trụ chính là việc trong bổn phận mình; việc ở trong bổn phận mình, tức là việc ở trong vũ trụ. (Phan Bội Châu, Khổng học Đăng II, tr. 715)

Linh Mục Vương Xương Chỉ, trong quyển Triết Học Luân Lý của Vương dương Minh đã viết: Tin rằng vũ trụ này là một thống thể, trong đó sự thác loạn của một bộ phận có ảnh hưởng đến toàn bộ vũ trụ, tin rằng con người là tâm điểm vũ trụ, tâm con người là tâm vũ trụ, đó là tư tưởng hàm tàng trong kinh điển, và đã được các triết gia thời Tống chủ trương.

Cũng như các triết gia Trung Hoa khác, Vương Dương Minh (1472-1528) cũng nhắc lại: Con người là tâm điểm vũ trụ. Vũ trụ và ta là một thống thể. [1]

Linh Mục Matteo Ricci (1552-1610) sang giảng đạo bên Trung Hoa vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 đã nhận định như sau: Trào lưu tư tưởng mà nhiều người đã theo hiện nay, theo tôi có lẽ đã vay mượn ở một giáo phái tà thần từ 500 năm nay (Tống Nho). Quan niệm ấy là: Thiên địa vạn vật nhất thể. Hóa công cùng với trời đất, người vật, cỏ cây, tứ tượng đều hợp thành một phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy, họ rút ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể trở nên giống Trời. [2]

Một học thuyết cao siêu như vậy, mà một nhà truyền giáo trứ danh như Ricci lại cho là tà giáo, tà thần, thì thật là đáng thương cho Ricci vậy.

 

*3. Mọi người đếu giống nhau về phương diện bản thể.

Mạnh tử nói: Phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những bậc thánh nhân với chúng ta đều cùng một loại...

(Mạnh tử, cáo tử chương cú thượng, tiết 7).

*4. Con người có thể tiến tới Đại thể, có thể hoà đồng với Đại Thể vũ trụ. Đó chính là chủ trương : Cao minh phối Thiên, Bác hậu phối địa của Trung Dung, (T. D. 26)

Trình tử cũng cho rằng: Thánh nhân phải có một tầm kích mênh mông như vũ trụ. (Thánh nhân hữu Thiên Địa chi lượng dã. Uyên Giám loại hàm, nơi chữ Thánh, tr. 4670).

*5. Thế giới là một nhà, người trong bốn biển đều là anh em.

Trương Hoành Cừ (1020-1077) làm bài Tây Minh tóm tắt đại khái nhân sinh quan mình như sau: Lấy thế giới làm một nhà, Trời đất làm cha mẹ, nhân loại làm anh em, vạn vật làm đồng loại của mình. Vì xem thế giới là một nhà, trời đất là cha mẹ, nên người ta phải giữ cho tròn bổn phận làm người, vì xem nhân loại đều là anh em, vạn vật đều là đồng loại, nên người ta phải rộng lòng nhân ái.

Lễ Ký nơi thiên Lễ Vận đã đề ra một thế giới đại đồng.

Kinh Dịch, nơi quẻ Đồng Nhân, cũng đã đưa ra một viễn tượng đại đồng mai hậu.

Thế mới hay đức Khổng là vị thánh nhân. Ngài chẳng những dạy con người phải tổ chức một đời sống quốc gia xã hội cho hoàn hảo, để mọi người sống trong an bình, hạnh phúc, tương thân, tương ái, mà còn truyền dạy đạo Trời, hay đạo Trung Dung, một thứ Đạo huyền đồng, mà Kinh Thi đã trình bày trong Đại Nhã, mà Luận Ngữ đã khen là “sáng mà nghe biết, chiều chết cũng cam” (L. N. IV, 8).

Tôn chỉ đạo ấy là:

a- Trong Tâm ta còn có Thần Trời, nghĩa là trong Nhân Tâm còn có Đạo tâm.

b- Con người có bổn phận dùng đời mình để siêu xuất phàm tâm, phối hợp với Thiên Tâm.

Mục đích của công phu tu luyện của cuộc đời đạo hạnh chân chính là sống phối kết với Thượng Đế.

Tất cả tôn chỉ ấy đã được cô đọng trong mấy câu khẩu quyết mà xưa vua Nghiêu đã truyền cho vua Thuấn:

Nhân Tâm duy nguy,

Đạo tâm duy vi,

Duy tinh, duy nhất,

Doãn chấp quyết Trung.

(Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15)

Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.

Trong quyển Trung Dung Tân Khảo của tôi, tôi có toát lược Trung Dung như sau:

Sông thế sự hãy ưa chèo ngược,

Chèo ngược dòng lên tuốt căn nguyên,

Căn nguyên là chính thanh thiên

Vô biên, vô tận, triền miên không cùng.

Bỏ phù phiếm tìm tông tìm tích,

Giương cung thần ngắm đích thâm tâm.

Bắn vào Trung Điểm tâm thần

Ấy là thoát cõi hồng trần lầm than.

Như trăng sáng băng ngàn trần thế,

Rẽ Đẩu Ngưu đượm vẻ thần tiên.

Ấy là tâm pháp thánh hiền,

Ấy là Trung Đạo tương truyền xưa nay

BÀ LA MÔN VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

Có thể nói ngay được rằng: Thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể là một học thuyết then chốt, làm căn bản cho các thánh thư Ấn độ như Veda, Upanishads, Bhagavad Gita...

Câu hỏi triết học mà các nhà thấu thị Ấn độ luôn luôn đặt ra cho các đệ tử, cũng như cho các độc giả thánh thư là : Vũ trụ này do đâu mà có, đã được cấu tạo nên bằng chất liệu gì?

Con người đã sinh xuất từ đâu, đã do đâu mà sống còn,  chịu sự chỉ huy của ai v.v.. (Svetasvatara Up. I-I. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học Đông phương quyển 3, trang 38 với lời trích dẫn kinh Rig Veda).

Và câu trả lời duy nhất, nhưng dưới nhiều hình thức :

- Trực ngôn (Chandogya Up. 6, 14, 3.- Brihad-Aranyaka Up. III, 9. I)

- Ẩn dụ (Aitareya Up. I.- Chandogya Up. 6. 12. I-3.- 6, 13. I-3.- 6, 2. I-4)

- Huyền thoại (Yajur Veda bạch XXXII, I.- Rig Veda X, 90) chỉ là :

Vũ trụ này cũng như vạn hữu đều do một nguyên lý, một bản thể duy nhất sinh hóa ra, phóng phát ra.[3]

Bản thể duy nhất ấy có rất nhiều danh hiệu :

- Brahman (Brihah-Aranyaka Up. 2.3.6.-3,9. 26)

- Atman

- Brahmanaspati (Rig Veds 10.72. 2)

- Visvakarman (Tạo hóa - The All Maker. Rig  Veda, 10. 81)

- Purusha (Chân nhân) (Rig Veda 10.90)

- Prajapati (Chúa tể càn khôn) (Lord of creatures)

- Hiranyagarbha (Kim đơn - Kim nhân. - The Golden Germ. Rig Veda. 10. 121.I)

Nếu nhân cách hóa Bản thể vũ trụ ấy, và gọi đó là Đấng Tối Cao, thì đấng tối cao này đã sinh hóa ra vũ trụ bằng chính thân thể mình... đã hi sinh thân xác mình, đã phân hóa xác thân mình để tạo thành vũ trụ vạn hữu, chứ không phải là đã tạo dựng nên vũ trụ bằng một chất liệu nào ngoài mình. (Rig Veds X, 90)

Xin trích dẫn (lược dịch) một đoạn Aitareya Up.:

...Miệng Ngài sinh ra tiếng nói và lửa,

Mũi Ngài sinh ra hơi thở và gió,

Mắt Ngài sinh ra cái thấy và mặt trời.

Tai Ngài sinh ra cái nghe và bốn phương trời.

Da Ngài sinh ra tóc, tóc sinh ra cây cối.

Tim Ngài sinh ra tâm tư và mặt trăng. v.v...(Aitareya Up. 1.)

Như vậy mối giây liên lạc giữa Thượng Đế và vũ trụ là mốt giây liên lạc cố hữu. (relation organique).

Ví dụ Ngài là con nhện, thì vạn hữu là thân Ngài (Rig Veda, X, 90).

Ví dụ Ngài là lửa, thì vạn hữu là những tia lửa, những tàn lửa từ lửa phóng ra. (Brihad Aranyaka Up. 20.2.1)[4]

Vạn hữu với Ngài như nước và muối. Khi muối đã hòa tan trong nước, thì đâu có nước, đấy sẽ có muối. (Chandogya Up. 6,13, 1-3)

Từ học thuyết trên sinh ra hai dòng tư tưởng :

a). Nhà thấu thị có thể coi Brahman là vũ trụ (Mundaka 2.2. II) (Mandukya Upanishads 2)[5]

Là lửa, Ngài sưởi ấm,

Ngài là vừng Thái dương,

Ngài là mưa móc đượm nhuần,

Ngài là đất, là vật chất, là Thần,

Ngài là Hữu, Ngài là Vô, Ngài là Hằng cửu[6]

Ngài là vừng dương trong thinh không,

Ngài là thần Vasu trong không khí, Ngài là gió,

Ngài là đạo sư trước bàn thờ, Ngài là tân khách đến chơi nhà

Ngài ở trong người, trong không gian, trong định luật thiên nhiên, Ngài ở trên trời. Ngài sinh trong nước, trong mục súc, trong định luật thiên nhiên, trong nham thạch. Đấng toàn thiện, đấng tối cao là như vậy. [7]

... Brahman, thật ra là bất tử. Brahman ở đằng trước, Brahman ở đằng sau, ở bên trái, ở bên phải; Brahman ở trên, Brahman ở dưới, Brahman thật ra chính là toàn thể thế giới, toàn thể vũ trụ. (Mundaka 2.2 II) [8]

Bởi vì thật sự, vạn hữu là Brahman(Manukya Up. 2) [9]

...Ngài nhập vào vạn hữu, ngay cả vào đầu móng tay, y như dao cạo ra vào bao dao, y như lửa nằm trong mồi lửa...[10]

 

b)- Nhà thấu thị cũng có thể coi Brahman, Atman là Bản thể, là Cốt lõi, là Trục cốt vạn hữu.[11]

Tìm ra được Cốt lõi ấy, Trục cốt ấy, là hiểu được Brahman, hiểu được vạn hữu, hiểu được chính mình.[12]

Đó là chìa khóa mở ra mọi hiểu biết.[13]

Thực tại chỉ là Một. Biến thiên phiền tạp chỉ là hình tướng[14].

Trên mặt đất này không có tạp thù, không có biến thiên thực sự. Kẻ nào chỉ nhìn thấy biến thiên cách biệt bên ngoài, kẻ ấy sẽ còn trong Vòng sinh tử. Tất cả phải được nhìn thấy trong Nhất thể, trong thực thể, Bản thể duy nhất bất khả tư nghị... (Brih. 2.4.5)[15]

Upanishads tuyên xưng :Thực sự nếu nhìn thấy được, nghe thấy được, nghĩ ra được, tìm hiểu được Đại Ngã, sẽ hiểu được vũ trụ này. (Brih. 2.4.5.)[16]

Thực sự, ai mà thấy được sợi giây nhất quán, thấy được chủ tể hàm tàng trong vạn hữu, người đó biết Brahman, người đó hiểu biết vũ trụ, hiểu biết thần minh, hiểu biết Veda, hiểu biết tạo vật, hiểu biết Đại Ngã, hiểu biết mọi sự... (Brih. Up. 3.7.1)[17]

- Thấy được Trời lồng trong vạn hữu là đạt tới chân tri, là tìm thấy được Thượng Đế.

Ai mà thấy được Chúa Trời,

Lồng trong vạn vật, vạn loài thọ sinh,

Trường tồn giữa mọi điêu linh,

Trường tồn vĩnh cửu trong mình biến thiên,

Thế là tri giác vẹn tuyền...

               oOo

Ai mà thấy được vạn loài,

Ngoài tuy riêng rẽ trong thời đồng căn,

Lòng trời kết giải đồng tâm,

Từ Trời phóng xuất xa gần miên man,

Thế là tìm thấy Brahman..[18]

- Biết được Căn bản, biết được chân tướng mình, biết được rằng có Trời trong dạ là điều kiện thiết yếu để trở thành tiên phật, thánh, thần..

Chân nhân nhỏ tựa ngón tay,

Lồng trong tâm khảm muôn loài thụ sinh,

Tâm thần trí lự bao quanh,

Ai mà biết được trở thành thần tiên..[19]

... Biết trời trong dạ ấy ai,

Thành thần, siêu thoát vòng đời tử sinh.

Cùm xiềng tháo gỡ sạch sanh,

Không còn sinh tử, điêu linh, thảm sầu.[20]

Thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể dẫn tới một tuyên ngôn rất vĩ đại về giá trị, về phẩm giá con người.

Con người chính là Thượng Đế.Bạn chính là Cái đó TAT TVAM ASI. (तात त्वं असी) [21]

 

Chúng ta sẽ dùng một đoạn Mundaka Up. để toát lược và kết thúc thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể của Bà La Môn:

Ngài luôn hiện hữu gần kề,

Ngự trong tâm khảm chẳng hề xa xôi,

Làm tâm, làm đích muôn loài,

Muôn dân muôn thuở chẳng ngoài quyền uy,

Sinh linh vạn hữu hướng về,

Ngài là cùng đích mọi bề ước mơ.

Huyền vi, linh diệu không bờ,

Trí khôn phàm tục khôn dò, khôn hay.

oOo

Ngài là Thượng Đế cao vời,

Siêu linh, bất biến đời đời nhất như.

Sinh tồn, ngôn ngữ tâm tư,

Trường sinh, thực tại, như như cũng Ngài...[22]

Ngài là đích điểm phải coi,

Phải nhìn, phải ngắm, chớ lơi lòng vàng.

Thánh thư là cánh cung dương,

Mũi tên thần trí, ta mang lắp vào.

Bạn ơi ngắm đích đi nào,

Dương cung hãy bắn trúng vào Thiên tâm.

Oum là chính chiếc cung thần,

Mũi tên là bạn, hồng tâm là Trời.

Hãy nhìn ngắm đích chớ lơi,

Như tên, bạn phóng vào Trời cho sâu.

Đấng làm trục cốt hoàn cầu,

Khí, thần, trời, đất nước sau nương nhờ.

Bạn ơi đừng có nghi ngờ,

Đó là Chân Ngã, đó là chính Anh.

oOo

Nhịp cầu bắc tới trường sinh,

Những nhời vừa nói bắc thành chẳng sai,

Quên đi tạp thuyết trên đời,

Chào mừng bạn đã là người quá giang.

Từ nay bến giác đã sang,

Bờ mê nhìn lại mơ màng âm u.

oOo

Trời là toàn thể, nhất như,

Trước sau, trên dưới, toàn khu đều Ngài.

Tả biên, hữu dực chơi vơi,

Lồng trong vạn hữu, khắp nơi vô cùng...[23]


 

CHÚ THÍCH:

[1] Considérer l'Univers comme faisant un tout et où le désordre d'une partie se répercute dans le Tout; considérer encore l'homme comme au centre de cet Univers et faire du coeur de l'homme le coeur de l'Univers telle est l'idée contenue dans les livres classiques et exprimée surtout par les philosophes des Song... Avec tous les penseurs chinois, il (Wang Yang Ming) répète que l'homme c'est le coeur de l'Univers, l'univers avec moi constitue un seul corps.

Wang Tch'eng Chi, S. J., La philosophie morale de Wang Yang Ming, pp. 74-75

 

[2] Mais l'opinion la plus suivie actuellement et qui me parait (pare) empruntée à la secte des idoles depuis 500 ans (Philosophie des Song) c'est que tout ce monde est fait d'une seule substance, et que le Créateur du monde avec le Ciel et la Terre, les hommes et les animaux, les arbres et les végétaux, et les quatre éléments forment un corps continu dont les divers êtres sont les membres. C'est de cette unité de substance que l'on déduit le devoir de la charité envers les hommes et la possibilité pour tous de devenir semblables à Dieu.

Henri Bernard Maitre, Sagesse Chinoise et Philosophie chrétienne, p. 108.

 

[3] In a seemingly chidlike manner, like the early Greek cosmologists, they advanced now one thing and now another as an image of the primary material out of which the whole world is made. Yet again like the early Greek philosophers and also with the subtlety of genuine philosophic insight, they were always aware of the underlying unity of all being. Out of this penetrating intuition those early Indian thinkers elaborated a system of intelligent monism which has been accepted as most illuminating and inherently true by their descendants throughout the centuries. If there is any one intellectual tenet which, explicitly or implicitly, is held by the people of India, furnishing a fundamental presupposition of all their thinking, it is the doctrine of universal immanence of an intelligent monism. The Thirteen principal Upanihads translated from the Sanscrit, by Robert Ernest Hume, Geoffrey Cumberlege Oxford University Press, 1951, p. 1,2.... As all the spokes are held together in the hug and felly of a wheel, just so in this Soul all things, all gods, all worlds, all breathing things, all selves are held together. (Brihad Aranyaka Up. 2.5.5.15) Monism now is the ruling conception of the world, for the world is identical with Atman. Atman alone is the whole world. (Chand. 7.25.2). (Ib. p. 21)

 

[4] As the spider might come out with his thread, as small sparks come forth from the fire, even so from this Soul come forth all vital energies (prana), all world, all gods, all beings... (Brihad Aranyaka Up. 2.1.20).

Những chuyện thần thoại của Bà La Môn về sự Prajapati, hay Purusa phân thân thành vũ trụ đã được trình bày trong:

- Rig Veda X, 90; Yajurveda (VS, XXXI, XXXII (vài câu); Atharvaveda XIX, 6, và K,2; Taittiriya Up. 1.5.1.- 1,6,1.- Aitareya Up. 1.1-5) Huyền thoại Prajapati, hay Purusa phân thân thành vũ trụ giống huyền thoại Bàn tổ ở Trung Hoa, Gaya maretan ở Iran, Ymier ở các nước Bắc Âu (Phần Lan-Thụy điển) và đã được Linh mục Hoàng Sỹ Quý trình bày trong Annales du musée Guimet 4-9-69 (PUF) dưới nhan đề : Le mythe Indien de l’homme cosmique trang 113-154

 

[5] a/- Brahma, indeed, is this immortal. Brahma before, - Brahma behind, to right and to left. - Stretched forth below and above, - Brahma indeed is this whole world, this widest extent. (Mundaka Up. 2.2. II)

b/- For truly, everthing here is Brahman. (Mandukya Up. 2)

 

[6] As fire(Agni), he warms. He is the sun (Surya). - He is the bountiful rain (Parjanya).- He is the wind (Vayu).- He is the earth, matter (rayi), God (deva), - Being (sat) and non Being (asat), and what is immortal. Prasna U. 2,5

 

[7] The Swan (i.e. the sun) in the clear, the Vasu in the atmosphere, the priest by the altar, the guest in the house, In man, in broad space, in the right (rta), in the sky, Born in water, born in cattle, born in the right, born in the rock, is the Right, the Great. (Katha 5.2)

 

[8] Mundaka Up. 2.2. II (Xem I) a/ trên.

[9] For truly, everything here is Brahma. (Mand. 2) Om is Brahma. Om is the whole World. Taittirya Up. 1.8.1.

[10] He entered in here, even to the fingernail-tip, as a razor in a razorcase, or fire in a fire holder (i.e. the fire-wood) (Brih. 1.4.7) So, cleaving asunder this very hair-part, by that door he entered.

This is the door named the cleft. That is the delighting. (Aitareya Up. 3.12)

 

[11] He is your soul, which is in all things...

Explain to me him who is just the Brahma present and not beyond our ken, him who is the Soul in all things. (Brih. Up. 3.4.2)

...He is your Soul the Inner Controller, the Immortal. Brih. 3,7,7. Xin đọc cả tiết 7, chương 3 Brih. Up.

- Chand. Up. 6, 13,3

6, 12,3.- Katha 5.10

- The Thirteen Upanishads, The Philosophy of the Up. p. 27.

[12] Brih. Up. 3.7.1.

[13] He is the key to all knowledge. (Ib. p. 30)

[14] Reality is One. Diversity and manifoldness are only an appearance (Ib. p. 36)

[15]

There is on earth no diversity.

He gets death after death,

who perceives here seeming diversity.

As a unity only is It to be looked upon

This indemonstrable enduring Being.

(Brih. 4.4.19-20)

[16] So, verily, with seeing of, the hearkening to, with the thinking of, and with the understanding of the Soul, this world-all is known. (Brih. Up. 2.5.5)

[17] Verily, Kapya, he who knows that thread and the so-called Inner Controller he knows the worlds, he knows the gods, he knows the Vedas, he knows created things, he knows the Soul, he knows everything. (Brih. Up. 3.7.1)

[18]

Who sees his Lord

Within every creature

Deathlessly dwelling

Amidst the mortal,

That man sees truly

Who sees the separate

Lives of all creatures

United in Brahman

Brought forth from Brahman

Himself finds Brahman.

Bhagavad Gita, Translated by Swami Probhavananda, and Christopher Isherwood)

Nancy Wilson Ross, Three Ways of Asian Wisdom, A Clarion Book, Published by Simon and Shuster, New York 10020, 1969, p. 12

[19] A person of the measure of a thumb is the Inner Soul (Antaratman)

Ever seated in the heart, of creatures.

He is framed by the heart, by the thought, by the mind.

They who know that become immortal.

Svetasvatara UP. 3.13

[20] By knowing, that is therein, Brahma-knowers Become merged in Brahma, intent theron, liberated from the womb (i.e. from rebirth) (Svet. 1.7)

By knowing God there is a falling of all fetters, With distress destroyed, there is cessation of birth and death. (Svet. 1.11)

[21] Verily that great, unborn Soul, undecaying, undying, immortal, fearless, is Brahma. Verily, Brahma is fearless. He who knows this becomes the fearless Brahma (Brih. Up. 4.4.25)

[22]

Il se tient manifeste, tout proche,

l’ habitant de la crypte, le Grand But,

centre de tout;

sur lui sont fixés tous les mondes,

tous les habitants des mondes,

Il est resplendissant, l’objet de tout désir,

Plus menu que l’atome,

Au delà de toute atteinte du savoir...

 

[23]

 Cela c’est le Brahman, le Suprême, l’Immuable.

La vie c’est Lui; la Parole, c’est Lui; l’esprit c’est Lui;

Le Réel c’est Lui; l’ immortalité c'est Lui.

C’ est Lui la cible qu’il faut viser,

Ami, vise droit au but.

Prends entre les mains l’arc splendide des Oupanichads

sur lui place la flèche

aiguisée dans la méditation.

De ton esprit tendu vers l'unité, bande ton arc.

Ami, vise ce but, C'est Lui, l'Immuable.

Om, le pranava, voilà ton arc,

La flèche, c’est le Soi, 

C'est toi-même

La cible c’est Brahman.

Vise-la sans te laisser distraire.

Fixe toi-là toi-même, comme la flèche en sa cible.

Celui sur qui tout ce monde est fixé,

Cieux comme terre, souffle comme esprit,

sache que c’est cela même l’unique soi : c’est toi.

Tous autres mots, laisse-les aller,

Le pont qui mène à la non-mort, c’est celà.

Salut à toi qui passe à l’autre rive,

au-delà de la ténèbre...

Brahman en vérité, c’est tout cela, c’est tout.

Devant, Brahman! derrière, Brahman!

à droite, Brahman! à gauche, Brahman!

au dessus, Brahman! au dessous, Brahman!

Brahman seul en vérité!

en tout et partout!

Mundaka Up. 2.2. 2-5. - 2.2. II.

(cité par Henri le Seau, in La Recontre de l'Hindouisme et du Christianisme, Aux Editions du Seuil, Paris, p. 136-137

 

 

*