QUÁ TRÌNH ĐI TÌM ĐẠI ĐẠO

VÀ ÍT NHIỀU CẢM NGHĨ VỀ TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Kính thưa Quí vị,

Trước hết tôi chân thành cảm tạ ban Giám đốc đã dành cho tôi vinh hạnh thuyết trình trong một ngày đặc biệt như hôm nay, ngày kỷ niệm I năm thành lập Hội đồng nghiên cứu giáo lý, và cũng là ngày khởi điểm một thời kỳ mới trong công trình nghiên cứu khoa Tôn giáo đối chiếu.

Tôn giáo đối chiếu là một môn khó và khá mới mẻ. Hội đồng tôn giáo đối chiếu lại gồm toàn những vị cao minh, lỗi lạc. Chính vì vậy mà tôi đã xin phép ban Giám đốc, không đi thẳng vào vấn đề, mà chỉ muốn đi bên lề của vấn đề, bằng cách trình bày cùng quí vị:

Quá trình đi tìm đại đạo của tôi qua các tôn giáo, cũng như ít nhiều cảm nghĩ của tôi về khoa tôn giáo đối chiếu.

 

I. QUÁ TRÌNH ĐI TÌM ĐẠI ĐẠO CỦA TÔI QUA CÁC TÔN GIÁO

Nói về cái tôi là đáng ghét. Tuy nhiên, nếu nói về cái tôi một cách khiếm cung, thành khẩn, với mục đích cống hiến kinh nghiệm bản thân mình, để xây dựng sự nghiệp chung, thì có thể không còn đáng ghét, mà có thể lại đáng yêu.

Dẫu sao, thì tôi cũng xin tạ lỗi cùng quí vị trước, và xin hết sức thành khẩn trình bày những cảm nghĩ, những đường lối, những phương pháp hoạt động, những kết quả đã thâu lượm được, để cống hiến quí vị. Nguyện vọng tha thiết của tôi chắc cũng như là của quí vị, là muốn sống đạo, sống một đại đạo siêu không gian, thời gian, một đại đạo làm cho đời sống mình thêm hào hùng, hiên ngang, hứng khởi, đẹp tươi, linh động và sáng tạo.

Kính thưa quí vị,

Cách đây ngót 20 năm, trong khi soạn thảo và suy tư để làm một bài diễn văn về Khổng giáo, tôi bỗng thấy lóe ra trong trí não tôi mấy ý niệm mà trước đó tôi không hề biết. Đó là:

- Con người chẳng những có Xác, có Hồn lại còn có Thần.

- Thần con người Thần trời đất là một.

- Đạo giáo là phương thức giúp cho:

 * Thần linh nội tại ấy thức dậy và trở nên linh động.

 * Hồn sống thuận theo Thần, tiến tới Thần, hóa thành Thần, hợp nhất với Thần.

 * Chân đạo là con đường dẫn từ tâm đến Thần, hay nói khác đi từ Nhân đến Thiên, từ Người đến Trời.

Tôi nhận định ngay được rằng, những khám phá trên đối với tôi hết sức là quan trọng, và hết sức quí giá, vì cho thấy ngay Chân tướng con người, cũng như Tinh hoa các đạo giáo.

Tuy nhiên, thoạt đầu, tôi chỉ coi những nhận định trên như là một giả thuyết, và với tư cách của một người thành khẩn yêu chuộng khoa học và chân lý, tôi nhất định chứng minh những điều đó.

Chứng minh bằng cách nào?

Tôi liền nghĩ rằng: Nếu những nhận định trên là chân lý, nó sẽ phải có tính cách siêu không gian, thời gian, phổ quát, bất biến, và như vậy, bất kỳ ai, không phân biệt quốc gia, lịch sử, khi đã đạt tới một trình độ tiến hóa tâm hồn nhất định nào, sẽ chứng nghiệm được.

Như vậy, các giáo chủ, các bậc hiền triết xưa nay, dĩ nhiên phải có nhận định như vậy. Và nhận định này cũng phải được ký thác trong các thánh thư trong các kỳ thư, bí điển của nhân loại, và trong từ ngữ thường đàm của các quốc gia.

Với một quan niệm vững vàng như vậy, một đường lối rõ ràng như vậy, với những tiêu chuẩn chính xác như vậy, tôi quyết tâm, lập chí chứng minh cho được những gì mình đã khám phá ra. Và như vậy tôi bắt đầu khảo cứu các đạo giáo, các triết thuyết, các khoa huyền học trong thiên hạ.

Tôi đã khảo cứu Công giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Bà La Môn giáo, Bái Hỏa giáo, Kỳ Na giáo, Cao Đài giáo, Thông Thiên Học, Tam Tông Miếu, Su-Bút, và các khoa học huyền bí như Tarot, Alchimie, Rose Croix, Franc-maconnerie, Chiêm tinh học, ngoài ra còn đọc các triết gia danh tiếng cổ kim, đời sống các nhà đạo sĩ các nhà thấu thị.

Trong khi khảo cứu các đạo giáo, tôi đã cố giữ:

- Một lòng thành khẩn tha thiết đi tìm Chân lý.

- Một lòng cung kính đối với các bậc giáo chủ tiền bối.

- Một thái độ khách quan của một nhà khoa học, dám cân nhắc, dám phê phán.

- Một khí phách hiên ngang, tin tưởng vào ánh sáng tâm thần của mình.

- Một chí nguyện: làm giàu thêm vốn liếng của nhân loại, bằng cách sáng tạo thêm, minh họa thêm cho vấn đề đạo giáo trở nên sáng tỏ.

- Một tâm niệm rằng đạo phải lồng vào đời sống con người, phải giúp con người tiến triển về mọi mặt, nhất là về mặt tâm linh.

Càng đọc về các đạo giáo bao nhiêu, tôi càng thấy những nhận định tiên khởi của tôi là đúng.

Có một điều đặc biệt là từ ngày mà trong tâm tư tôi lóe sáng ra những quan niệm trên thì cũng là ngày mà tôi thay đổi cuộc sống. Từ một nếp sống phiến diện, hướng ngoại, xu thế, một nếp sống đoạn tháng qua ngày, tôi bước vào một nếp sống mới, có lý tưởng, có mục phiêu, say sưa đọc sách, say sưa suy tư, say sưa sáng tác. Hơn thế nữa, từ một nếp sống xa Trời, tôi bước vào một nếp sống mới gần Trời, kính Trời, mường tượng như có Trời kề cận bên mình, và cố công sửa sang mọi chếch mác dở dang trong tâm hồn. Và tôi mới thấm thía hiểu lời Trung Dung:

 «E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

 Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi, càng tỏ sáng nhiều,

 Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng.» [1]

Và cũng đã thấm thía lời người xưa truyền tụng: «Nhân gian tư ngữ, Thiên văn như lôi, Ám thất khuy tâm, Thần mục như điện.» , . , .

 Con người thầm thì với nhau,

Trời nghe tỏ rõ khác đâu sấm rền.

 Niềm riêng, buồng tối như đêm,

Mắt thần sáng rực như đèn chiếu soi.

Bài diễn văn đầu tiên của tôi cũng là quyển sách đầu tiên của tôi là: Khảo luận và phê bình học thuyết Khổng tử.

Tôi đã dùng tôn giáo đối chiếu để chứng minh rằng: Đạo Khổng cũng như các đạo giáo khác thực ra chỉ dạy rằng:

1. Dưới lớp nhân tâm, còn có Thiên Tâm.

2. Đạo là con đường dẫn từ Tâm đến Thiên, liên kết được Nhân tâm với Thiên Tâm.

3. Đạt đạo là khi Tâm hồn phối kết được với Thần, với Thiên Tâm.

Lúc ấy tôi chỉ mới biết dùng sơ đồ 2 hình vuông kề nhau, hoặc không có, hoặc có nhịp cầu nối giữa để mô tả hai trạng thái:

- Con người khi chưa biết Trời ngự trị trong tâm khảm mình, khi chưa thực sự sống đạo.

- Con người khi đã biết có Trời ngự trị trong lòng mình, khi đã thực sự sống đạo.

Tới khoảng năm 1959, khi soạn thảo bộ Trung Dung tân khảo, nhân suy tư về chữ Trung, tôi đã tìm ra được một sơ đồ mới, hết sức là giản dị, đồng thời cũng hết sức là bao quát, biến hóa. Đó là hình Tâm điểm và một hay nhiều vòng tròn đồng tâm bao quanh.

Sở dĩ tôi tìm ra được sơ đồ vòng tròn với tâm điểm, chính là vì nhớ lại hồi còn bé, ném gạch, ném đá xuống ao chuỗm chơi, tôi luôn luôn thấy hiện ra cảnh tượng một tâm điểm và nhiều vòng tròn từ đó lan rộng mãi ra trên mặt nước. Sau này, đọc sách vở tôi thấy các hiện tượng vô tuyến truyền thanh, truyền hình hay radar đều lan tỏa theo sơ đồ nói trên.

Tôi kết luận đó là một định luật tự nhiên phổ quát. Và suy luận ra rằng tất cả mọi loại hiện tượng bên ngoài đều sinh ra từ một nguyên lý bên trong. Suy rộng ra vũ trụ này đã được sinh ra từ một Bản thể duy nhất.[2]

Như vậy là từ một chữ Trung, từ một Tâm Điểm và một hay nhiều Vòng Tròn bên ngoài đã giúp tôi hiểu được Trung Dung, kinh Dịch và Tinh hoa, căn cốt của các đạo giáo.

Tôi thiết nghĩ rằng Tâm điểm hay Trung điểm, hay Trung Dung, Trung Đạo đã được cố nhân dùng để tượng trưng cho Chân tâm, cho Bản thể, cho Thượng Đế bất khả tư nghị, hay Phật tính, hay Vô cực, Thái cực, hay Hư vô, nguồn gốc phát sinh ra vạn hữu.

Còn các vòng tròn bên ngoài đã được dùng để tượng trưng cho thế giới hiện tượng, thế giới vạn hữu biến thiên bên ngoài, từ khinh thanh đế trọng trọc, từ tế vi đến thô thiển, từ tinh thần đến vật chất.

Nếu cái gì chuyển động cũng do Tâm, y như bánh xe chuyển động phải nhờ trục, thì dưới những lớp lang biến hóa bên ngoài dĩ nhiên còn phải có một Thiên Tâm làm chủ chốt.

Thiên Tâm ấy, có nhiều tên gọi khác nhau, hoặc là Bản thể, hoặc là Đạo, Thái cực, Vô cực, Thiên hay Đế, tùy theo mỗi đạo giáo.

Lìa xa Tâm, là lìa xa Bản thể, là tiến vào hiện tượng. Tiến tới Tâm là tiến tới Bản thể, là trở về với Đạo, với Trời.

Chu Liêm Khê xưa cũng đã viết: «Từ Vô cực mà suy luận tới vạn vật, tức là suy luận ra đầu đuôi của trời đất. Từ vạn tượng, trở về Vô cực là gót đầu của thánh nhân.» [3]

Sơ đồ trên giúp chúng ta hiểu được quan niệm của cổ nhân về quá trình hình thành của vũ trụ. Ta có thể mượn lời của Mircéa Eliade, mà mô tả quá trình ấy như sau:

«Thực vậy, ta đã thấy, trong nhiều truyền thống, sự tạo dựng phát xuất từ một tâm điểm, bởi vì đó là nguồn mạch mọi hiện hữu, mọi sinh lực. Có truyền thống còn dùng từ ngữ của phôi thai học, để mô tả tượng hình trung điểm ấy …

«Đấng Chí Thánh đã tạo dựng nên vũ trụ như một bào thai. Cũng như bào thai đã lớn lên từ núm rốn, thì Thượng Đế cũng đã tạo nên vũ trụ từ một núm rốn, và từ đấy Ngài tung tỏa ra muôn phương.»

«Yoma cho rằng: vũ trụ đã được tạo dựng từ một tâm điểm là núi Sion (Do Thái). Rig Veda cũng viết: Vũ trụ này được quan niệm như là phát xuất từ một tâm điểm, từ đó lan tỏa ra mãi ...» [4]

Thái Cực như thân cây toả nhánh, tàn lá

Thái Cực làm tâm điểm, như mặt trời tung toả hào quang ra muôn phương

Kinh Dịch cũng chủ trương vạn tượng đã phát xuất từ một Tâm điểm là Thái Cực. Các đồ hình Dịch cho thấy Thái cực hoặc như là một vừng dương tung tỏa hào quang ra muôn phương, hoặc như một cây đại thụ mang trên mình muôn tàn muôn lá hiện tượng ...

Khi đã tìm ra được Thiên Tâm trên lý thuyết và bằng hình vẽ, sau khi đã nhờ đó mà hiểu vi ý của Kinh Dịch, tôi tiến thêm một bước nữa là đi tìm Thiên Tâm trong vũ trụ, trong con người và trong vạn hữu.

Tìm Thiên Tâm trong vũ trụ tương đối dễ, vì người Trung Hoa xưa đã tin rằng Thiên Tâm ở Bắc cực, và ngành Thiên văn Trung Hoa đã xây dựng trên quan niệm ấy. Và dĩ nhiên người Trung Hoa đã tin rằng Thượng Đế ở nơi Tâm điểm ấy.[5]

Trái lại công trình đi tìm Thiên Tâm trong con người của tôi khó khăn hơn, nhưng hứng thú hơn, vì có nhiều nét sáng tạo hơn ...

Khoảng năm 1960, một hôm tôi sực nhớ đến câu chuyện vườn địa đàng trong Cựu Ước. Sách mô tả rằng nơi đó có 4 con sông chảy vào từ bốn hướng, nơi đó Ông Adam thường xuyên gặp gỡ, và đối thoại thân mật với Thượng Đế. Tôi nhận ra một điểm đặc biệt hơn nữa, là sau khi Ông Adam bị đuổi ra khỏi vườn, thì Chúa đã cho thiên thần cầm gươm lửa giữ cửa vườn chứ không phá đi. Nếu vườn đã không bị phá, thì phải còn. Nếu vườn còn, thì nay nhân loại chắc chắn phải tìm được nhất là vì nơi đó có 4 con sông chảy vào, trong số đó có hai con sông còn tồn tại: đó là sông Tigre và sông Euphrate ở miền Trung Đông hiện nay. Nếu vườn không còn, thì đó chỉ là một chuyện huyền thoại ám chỉ một vấn đề gì. Tôi liền suy: nếu bên ngoài không đâu có vườn có 4 con sông chảy vào, thì tại sao không tìm trong đầu não con người, vì nơi chính trung tâm đầu não con người, có 4 động mạch như bốn con sông chảy vào rồi lại còn bao quanh thành một vòng động mạch Willys. Hơn thế nữa các thần kinh đầu đều qui hướng về tâm điểm đó, như tai hoa xe hướng về trục xe.

Vậy thì đó là vườn địa đàng Trời đã dành để cho mọi người. Và nơi đó, chúng ta thường xuyên vẫn còn được đối thoại với Thượng Đế qua tiếng nói thầm lặng của lương tâm mà chúng ta nào có biết, có hay.[6]

Tôi liền đi thu thập và khảo sát các hình vẽ hình chụp về óc não con người, khảo sát về các xoang, các phòng (ventricules) trong đầu não con người, và đi đến kết luận rằng, với vị trí Trung tâm điểm của nó, Não thất ba (3è ventricule) chính là Thiên Tâm.

Đối với tôi, đó là một khám phá hết sức kỳ diệu, và tôi quyết tâm chứng minh điều đó, bằng thư tịch các đạo giáo.

Khảo Upanishads và huyền học Tây Tạng, tôi thấy Bà La Môn giáo, cũng như Phật giáo, đều tin rằng Tuyệt đối thể, hay Ngọc Châu Viên Giác đã tiềm ẩn ngay tại Liên hoa tâm, tại tâm điểm bông sen ngàn cánh.

Quyển Huyền học Tây Tạng, một quyển sách chuyên giải có một câu thần chú: Um mani padme hum (Ôi, ngọc châu viên giác nằm tại liên hoa tâm). Trong quyển sách ấy có một hình vẽ các luân xa trong con người, trên cùng có một hình bông sen ngàn cánh, giữa bông sen, có chữ AUM, với chú giải: Bông sen ngàn cánh là óc con người. Mà Aum là Atman, là Thượng Đế nội tại, như vậy thì Liên hoa tâm đích thực là Não thất ba. Đó chính là Phương thốn sơn, là Tà nguyệt tam tinh động, là Linh sơn, Linh đài, là Bồng Lai Nhược Thủy, là Guhâ (tâm xoang, không động)[7] của người xưa ...

Quan sát các tượng phật, tượng thánh, tượng thần, tôi chỉ thấy ở nơi đầu mới có vòng hào quang, mà vòng hào quang đó tỏa ra từ trung tâm não bộ. Nơi đầu các tượng thần phật, cũng thường có điểm hai chỗ: một điểm giữa trán, một điểm ở đỉnh đầu, ý nói, từ hai điểm ấy, nếu kéo hai đường ngang dọc, thì giao điểm sẽ là trung tâm não bộ, là Thiên Tâm.

Khảo đạo Lão, chẳng những ta thấy có những hình vẽ về cửu cung nơi đầu não con người, như thấy trong quyển Tính mệnh khuê chỉ, mà nơi nhiều sách khác, còn có những lời xác quyết hết sức quan trọng:

Ví dụ: Đầu có 9 cung, cung chính giữa được gọi là Nê Hoàn hay Thiên Tâm.[8] Đó là Huyền quan khiếu, là Cốc thần, là Côn lôn đỉnh. Muốn trở nên bất tử phải tu dưỡng Nê Hoàn, tu dưỡng Côn Lôn, v.v.[9]

Khảo từ ngữ Trung Hoa, ta còn thấy điều rất lạ lùng này là chữ Nê Hoàn hay chữ Niết Bàn đều là phiên âm chữ Nirvana. Và kinh Phật nhiều khi dịch Niết Bàn là Nê Hoàn.

Trong Vô Lượng Thọ Kinh có bài kệ:

«Khiến cho tôi thành Phật, cõi nước đệ nhất.

Chúng sinh ở cõi tôi thật là kỳ diệu.

Đạo tràng của tôi thật là siêu tuyệt.

Cõi nước tôi cũng như cảnh Nê Hoàn, không cõi nào được sánh bằng.»

Thủ Lăng Nghiêm kinh, quyển ba viết: «Như nhất chúng sinh vị thành Phật, Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn.» ( ). Và dịch là: Như một chúng sinh chưa thành Phật, Chúng tôi nguyện chẳng nhập Niết Bàn.[10]

Trong quyển Chu Dịch xiển chân của Lưu Nhất Minh, ta thấy có một hình vẽ Tâm điểm và vòng tròn. Trong đó Tâm điểm là Cốc thần, hay Thái Cực, hay Kim Đơn, Viên giác ...

Nói tóm lại, tìm ra được Thiên Tâm, đạt tới Thiên Tâm, phối kết được với Thiên Tâm là trở về được với Thái cực, với Bản thể, với Đạo, với Cốc Thần, thế là Viên giác, thế là luyện thành Kim đơn đại đạo ...

Tôi còn nhận định thêm được rằng: các đạo gia Trung Hoa cũng như Ấn Độ xưa nay đều chú trọng đến Nê Hoàn Cung và hai mạch Nhâm Đốc chẳng khác nào nhà thiên văn học phải chú trọng đến sao Bắc thần và vòng Hoàng đạo.

Khảo về cơ thể học, về danh từ cơ thể học, chúng ta lại thấy rằng Âu cũng như Á xưa đều tin rằng Nhân tâm có thể phối hợp với Thiên Tâm, mà nơi trời người gặp gỡ chính là trong đầu não con người.

Chính vì vậy mà theo đạo Lão thì trong đầu con người có một cung gọi là Động phòng.

Theo Âu Châu, thì trong óc não con người, có một nơi gọi là Thalamus, mà Thalamus chính là Động phòng theo nguyên nghĩa Hy La.

- Để chứng minh Thiên Tâm nơi đáy lòng vạn hữu, tôi đã tìm được những ảnh chụp các tinh thể nước đá hay tinh thể tungstène. Những hình vẽ đó cho thấy các phần tử được xếp lớp lang quanh một vòng tròn rỗng ở giữa.

Những công trình nghiên cứu khảo sát này đưa đến một kết luận rất là lạ lùng là Thiên Tâm vừa ở chỗ này, chỗ nọ lại vừa ở khắp nơi. Cũng một Thiên Tâm là khu nữu cho vũ trụ vạn hữu, lại cũng một Thiên Tâm ấy làm khu nữu cho từng người từng vật. Y thức như, khi một vừng trăng hiện ra trên khung trời, thì mỗi một sông hồ là một vừng trăng, mỗi một giọt nước là một vừng trăng, muôn vạn vừng trăng mà vẫn là một vừng trăng.

Người xưa nói: «Toàn thể vạn vật có một Thái cực, mỗi một vật đều có một Thái cực.» [11]

«Thái cực lớn thì trùm trời đất, mà nhỏ thì lọt trong hạt cải tế vi.» [12]

Những lời đó thật là sâu sắc ... .

Sự xác định được rằng Thiên Tâm ở ngay trong trung tâm đầu não con người sẽ đưa đến những hệ quả tôn giáo hết sức quan trọng:

1. Nó giải thích được nguồn gốc của các mặc khải (Révélation) trong các đạo giáo.

Chúng ta thấy rằng, trước đây, mỗi đạo giáo ở một phương, dùng những từ ngữ khác nhau:

- Công giáo thì dùng La tinh, Pháp văn, Anh văn, hay Hi Lạp.

- Bà La Môn dùng tiếng Phạn.

- Phật giáo dùng tiếng Phạn, hay Pali.

- Hồi giáo dùng tiếng Ả Rập.

- Lão giáo, Khổng giáo, Phật giáo ở Trung Hoa dùng chữ Hán.

- Các đồng tử Cao Đài, Minh Lý dùng chữ Việt.

Ngày nay, ngồi lại gần nhau, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với nhau, ta thấy có nhiều điểm tương đồng. Tại sao lại có thể có được những điểm tương đồng như vậy, khi mà không ai bảo ai, không ai biết ai trước? Phải chăng là vì tất cả đều có một Thiên Tâm nơi đầu não con người tung tỏa ra?

Cũng trong chiều hướng ấy, tôi đã viết nơi đầu sách Chân dung Khổng Tử như sau:

«Nhìn chung vào bản đồ Trung Quốc, ta thấy thực là giang sơn riêng chiếm một cảnh trời. Phía Đông thì là cả một Đại dương với muôn tầm sóng cả, phía Bắc thời Hoàng Hà chín khúc cuộn cuộn chảy, dãy Thái Hằng tuyết phủ mây che, làm cho thi hào Lý Thái Bạch đã phải viết:

Đường đi khó, tìm đường đi khó quá,

Rút kiếm bén, ngỡ ngàng trông đây đó,

Lòng băn khoăn, ta biết sẽ đi đâu?

Muốn qua Hoàng Hà băng giá lấp sông sâu,

Muốn lên non Thái tuyết một màu ảm đạm.

 (dịch bài Hành lộ nan của Lý Bạch)

Xa hơn nữa là sa mạc Gobi với cát phủ bao la, với gió gào lạnh lẽo. Phía Tây, thì Tần Lĩnh và Côn Lôn là hai dãy núi trập trùng, hiểm trở, phía tây nam, thời Hi Mã Lạp Sơn với những ngọn núi cao chót vót chín từng mây như những bức trường thành muôn vạn nhận, vươn lên thinh không để ngăn cách Trung Hoa với các nước miền Nam như Ấn Độ và Tây Tạng.

Nói thế nghĩa là Trung Quốc cổ thời rất khó mà có được những liên lạc văn hóa với các trung tâm văn hóa khác, như Ấn Độ, Babylone, Hi Lạp, Ai Cập. Thế nhưng ngày nay, khi mà từ ngữ, cũng như biên giới thiên nhiên khong còn là những bức tường thành kiên cố ngăn cách con người, ngày nay, khi đem so sánh học thuyết Khổng Tử với các học thuyết khác trên thế giới, ta thấy có rất nhiều điểm tương đồng, y như đã xuất phát từ một nguồn. Nguồn ấy là đâu, phải chăng là tâm linh con người?

Sách Deutéronome viết: «Thực vậy, Lề luật mà ta truyền dạy ngươi hôm nay, không có ở ngoài tầm kích ngươi. Nó không có ở trên trời, để ngươi phải nói: Ai lên trời cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và thi hành. Nó cũng không phải ở cách trùng dương để ngươi phải nói: Ai sẽ vượt biển cả cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và được thi hành. Đạo kề bên ngươi, đạo ở trong miệng trong lòng ngươi, để có thể đem thực hiện.» (Deutéronome 30, 11-14)

... Người Việt xưa viết:

«Quan âm nghìn mắt nghìn tay,

Cũng do một điểm linh đài mà ra.»

thật là chí lý vậy ...» (Chân dung Khổng tử, tr. 13-14)

Gần đây, khi dọn bài thuyết trình này, tôi có mượn được cuốn sách «Sự gặp gỡ giữa Ấn giáo và Thiên chúa giáo» (Le Rencontre de l’Hindouisme et du christianisme) [13] của linh mục Henri le Saux. Ông đã viết nơi chương dẫn nhập của sách như sau:

«Những trang sách này, với những khuyết điểm của nó, có thể giúp cho anh em giáo hữu khác tìm ra được, cho mình và cho Giáo hội, những kho tàng vốn là của chính mình, tìm ra được những kho tàng, trong các pho sách cổ Ấn giáo, hay nói đúng hơn, trong tâm khảm con người, nơi mà những pho sách ấy được nghe đọc trước tiên.

«Cái động phủ mà từ đó các thánh thư Ấn giáo đã tung tỏa ra như từ một nguồn suối trong lành, đó chính là tâm khảm mỗi người, và đó chính là nơi, mà người Công giáo được mời mọc vào, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh để mà tìm cho ra toàn thể huyền nhiệm Atman, huyền nhiệm Đại Ngã, huyền nhiệm mà xưa kia các bậc thấu thị đã thấy ở đó.

«Vả chăng đó cũng chính là nơi gặp gỡ thiết yếu quan trọng, đó là nơi mà thần người hợp nhất bất khả phân với Thần Chúa, một sự hợp nhất bất khả phân về bản thể đã làm cho các nhà thấu thị Ấn Độ ngỡ ngàng, và chính cũng là sự khế hợp tuôn ra từ lòng đức Chúa Cha, mà chúa Jésus đã chia sẻ cho chúng ta.» [14]

Nhận định như trên thực là sâu sắc.

2. Nó dẫn tới quan niệm: Trong con người còn có Trời.

Chính vì vậy mà cách đây mấy năm, cũng ở trong khuôn viên này, tôi đã thuyết trình đề tài «Trời chẳng xa người», và đã lấy các tôn giáo để chứng minh điều đó. Bài này đã được đăng trong tập san Cao Đài Giáo Lý các số 90, 91.

3. Hệ quả thứ ba là nếu Trời ngự trị ngay trong lòng mọi người, thì Trời sẽ là Bản thể, người sẽ là Hiện tượng.

Nói cách khác: Bản thể con người với bản thể Trời là một. Và như vậy địa vị con người thực ra hết sức là cao sang.

Chúng ta chính là thuộc dòng dõi thần minh, như là thánh Paul đã nói.[15] Chúng ta chính là Thần minh, như lời Chúa Jésus đã tuyên bố.[16]

Mọi người chúng ta đều có Phật tính, theo từ ngữ Phật giáo.[17] Nói theo từ ngữ Phật giáo, thì chúng ta chính là những vị Phật sẽ thành.[18]

Nói theo từ ngữ thánh Paul, thì chúng ta chính là những con Thiên Chúa, những người được cộng hưởng gia tài Thiên Chúa với người Anh chúng ta là Chúa Jésus.[19] Và vũ trụ này đang kinh qua đau khổ, để thai nghén ra những vì con Thiên Chúa.[20]

Khi biết được như vậy, tất nhiên chúng ta phải hết sức vui mừng, hết sức hứng khởi, hết sức cố gắng để thực hiện mục phiêu đó.

Thảo nào mà đại sư Đạo Sinh sau khi đã trực giác được rằng: «Dẫu người đại gian ác cũng có Phật tính, cũng có thể thành Phật», đã say sưa đem thuyết giảng điều đó cho mọi người, và sau khi ngài bị cấm thuyết giảng cho người, thì vào núi thuyết giảng cho đá nghe ...

Câu chuyện Đạo Sinh rất là cảm động.

Năm 429, thời Nam Tống, Đại sư được 57 tuổi. Đại sư trực giác thấy rằng: «Người đại gian ác cũng đều có Phật tính, cũng có thể thành Phật.» Ông liền đem giảng thuyết cho Phật tử nghe tại chùa Long Quang ở Kinh đô.[21] Khi ấy kinh Niết Bàn chưa được truyền dịch sang Trung Quốc nên chúng tăng cho rằng chủ trương của Đạo Sinh nghịch đạo và sái quấy, và đã đuổi đại sư ra khỏi kinh đô.

Đạo Sinh phải chạy trốn lên núi Hổ Khưu Sơn. Ở nơi thâm sơn, cùng cốc ấy, không có ai là đồng đạo, đồng chí, Ông phải đem giảng điều đó cho các tảng đá nghe, và lạ lùng thay các tảng đá đều gật đầu tán thưởng.[22]

Khoảng 4 năm sau, kinh Niết Bàn được dịch sang tiếng Trung Hoa và được truyền bá. Mọi người đọc thấy trong kinh có câu: «Niết bàn bất diệt, Phật có Chân ngã, hết mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể học thành Phật.» [23]

Lúc ấy ai ai cũng xưng tụng đại sư là bậc đại trí đại giác, đã không đọc mà đã suy ra được một điều trùng hợp với kinh Niết Bàn, các chùa lớn nơi kinh đô lại đua nhau mời đại sư giảng thuyết, và đón tiếp đại sư hết sức là long trọng.

Gần đây nhà thấu thị Edgar Cayce, trong những phút xuất thần, cũng chủ trương rằng:

«Trong mọi người đều có tàn lửa Thiên chân, một ngọn lửa Thiên chân, được vùi sâu trong lòng mỗi người, và nhờ sức mạnh của những tâm hồn khác, có thể bừng cháy lên … Đấng Christ là Người Anh cả … và định mệnh tối hậu của mỗi một người là sẽ trở thành Chúa KiTô, không kém …» [24]

4. Hệ quả thứ 4 là: Nếu Trời ngự trị nơi tâm, thì:

- Nước Trời quả thật đã kề bên ta. [25]

- Nước Trời ở trong ta. [26]

Và công trình tìm Đạo, tìm Trời, là phải đi vào tâm khảm mà tìm. Các bậc đại giác xưa nay đều chủ trương như vậy.

Lục tổ Huệ Năng nói:

 «Bồ đề tầm mịch nơi tâm,

Tại sao huớng ngoại mà tầm nơi nao?» [27]

Lâm Tế Lục nói:

«Hướng ngoại mà tìm cầu,

Tất cả đều ngoan si,

Hướng nội mà tùy xứ tiện nghi,

Tất cả đều chân thật.» [28]

Mạnh tử viết:

 «Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành,

 Kiện toàn hoàn thiện tinh anh,

Vui nào hơn được vui mình đang vui.» [29]

Chu Hi cũng viết nơi bài tựa Trung Dung:

 «Quay về ta mà tìm đạo ấy,

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai,

 Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có, đồng thời khuếch sung.» [30]

Thánh Thérèse d’Avila viết:

«Thực là một ân sủng lớn lao mà Thượng Đế ban cho ta, khi Ngài giúp ta tìm Ngài trong tâm khảm ta.» [31]

Trong Cao Đài Giáo Lý số 80 Trung Thu Nhâm Tý, có viết:

«Biết rằng đời tu thân hành đạo của các con phải có hai phần: Một là hướng ngoại, hai là hướng nội.

Hướng ngoại để liên ái đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm học hỏi làm phương tiện để cầu tiến.

Còn hướng nội để các con nghe tiếng nói của lương tri, lời dặn dò của bản linh chân tánh, cái chân lý của tâm linh.

Hướng nội để các con rời bến mê đến bờ giác mới mong trở về cùng Thầy, cùng Mẹ, hay nói một cách khác, trở về cùng khối Đại Linh Quang ...» [32]

5. Muốn trở về với Đạo, với Trời, muốn phối kết với Đạo với Trời, trước tiên phải tinh luyện tâm hồn mình, sao cho:

- Tâm bình,

- Khí sảng,

- Thần minh.

Tóm lại phải rũ bỏ được phàm tâm để mặc lấy Thiên Tâm.[33] Nhân tâm có biến đi, thì Thiên Tâm mới hiện, y thức như vầng trăng có lặn thì vầng Dương mới hiện ra, hay hạt lúa có tiêu tan đi, thì cây lúa mới mọc lên được. Đó chính là ý nghĩa câu: «Ai muốn cứu hồn mình, thì sẽ mất. Ai mất hồn mình vì ta, thì sẽ được lại.» [34]

 

II. THIỂN KIẾN CỦA TÔI VỀ KHOA TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

1. Khảo về Khoa Tôn giáo đối chiếu, đối với tôi, hết sức là thích thú.

Nó mở rộng tầm kiến thức ta, nó làm cho chúng ta trở nên khoan dung, cởi mở, sẵn sàng đón nhận những cái hay, cái đẹp của các tôn giáo bạn.

2. Khảo đạo giáo này, ta có thể hiểu biết hơn về đạo giáo nọ. Ví dụ câu: «Tâm tử thần hoạt» của đạo Lão [35] làm cho ta hiểu rõ hơn câu: «Bỏ phàm tâm mặc Thiên Tâm» của thánh Paul[36] và chủ trương: Tuyệt hết niềm tây, hoàn toàn bỏ mình quên mình, để phối hợp với Thượng Đế của các đạo giáo.[37]

Rũ bỏ phàm tâm mặc lấy Thiên Tâm, cầu trường sinh bất tử, chính cũng là những mục phiêu, chẳng những là của các môn phái Mật tông, Huyền học, mà cũng còn là mục phiêu của các khoa Yoga, Thiền và Đơn đạo.[38]

6. Đạt đạo là đạt tới Tâm điểm, đạt tới Thiên Tâm, khế hợp với Thiên Tâm. chữ Phối Thiên thực quả là một vừng dương chân lý chẳng những đã chói sáng trong Trung Dung, mà còn cả trong Đạo Đức kinh,[39] thế mà ít ai thấy được.

Đại sư Đạo Sinh xưa thường than thở trước tượng Phật: «Lạy Phật tổ, Ngài được chính đẳng, chính giác, chính là nhờ đã khế hợp với Thiên Tâm, thế mà nay, những người xưng mình là môn đệ của Ngài lại chỉ biết nắm giữ những qui luật không cần thiết, những tập tục vu khoát, hủ lậu, còn chính hạnh, chính niệm của Ngài, thì lại làm mất tiêu đi lên đến chín tầng mây xanh …» [40]

Kết hợp nên một với Thượng đế, chính là điều mà Chúa Jésus đã nguyện ước cho toàn dân thiên hạ sẽ được như vậy.

Ngài nói: «Ước gì mọi người là một, như Cha, Cha ở trong con, và con ở trong Cha, ước gì họ cũng nên một trong chúng ta …» [41]

Ví dụ: Khảo sát chuỗi liên châu:

Vô vi = Niết bàn = Nê Hoàn = Cốc Thần = Thiên Tâm = Thái cực = Thánh thai = Viên giác v.v…[42] chẳng những làm cho ta hiểu được sự tương đồng giữa Tam giáo, thấy được tinh hoa Tam giáo, mà còn làm cho ta hiểu được ba chữ Sad, Cid, Ananda của Bà La Môn giáo chẳng hạn.

Sad là Bản thể. mà Bản thể vũ trụ chính là Thái cực.[43] Cid là sự hiểu biết về toàn thể, về Bản thể mà Viên giác chính là sự hiểu biết ấy. Ananda là hạnh phúc mà Niết Bàn chính là Cực lạc, là Hạnh phúc.

Suy ra thì quan niệm của người xưa chẳng qua là: «Có hiểu biết được Bản thể cao sang của mình, mới đem lại được cho mình chân hạnh phúc.»

Thảo nào mà trên đền thờ thành Delphes xưa người ta đã khắc câu: «Anh hãy biết mình» hay gần đây Ramana Maharishi đã tập trung phương pháp giảng giáo của mình trong 2 câu hỏi: Tôi là ai? Anh là ai? [44]

- Khảo về khoa tôn giáo đối chiếu, phải thành khẩn, phải khách quan, phải biết tạm tách mình ra khỏi những nền nếp suy tư, những lập trường, những quan điểm mà mỗi đạo giáo riêng biệt đã tạo ra cho mình, mà đạo giáo mình theo đã tạo ra cho mình.[45]

Hơn thế nữa, phải có một đời sống tâm linh sâu sắc, định tĩnh, suy nghiệm thường xuyên, phải vào được tới đáy thẳm lòng mình mới mong hiểu được các bậc đại giác, đại ngộ …[46]

Khảo về các tôn giáo sẽ giúp chúng ta tìm ra tinh hoa đạo giáo, biết đâu là chân lý, chân đạo.

Riêng tôi, sau khi dành nhiều năm để khảo sát về các tôn giáo, tôi thấy những nhận định tiên khởi của tôi đã trở thành những điều xác tín:

1. Tôi xác tín rằng:

Vũ trụ này là đồng một Bản thể. Các đại triết gia Đông cũng như Tây đều nhất thiết công nhận chủ trương Thiên địa vạn vật nhất thể với những biến thái:

- Nhất thể vạn thù.

- Thể duy nhất, dụng vạn thù (Bản thể là một, nhưng hình thức, công dụng thời khác nhau muôn vàn).

- Nhất tán vạn, vạn qui nhất.

- Nhất thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể v.v…

Trong Tập San Cao Đài Giáo Lý số 80, có bàn về chữ Một rất là hay, và có bài thơ sau:

«Thầy lược giải huyền vi số một,

Một vốn là trụ cốt Càn Khôn.

Một danh Thái cực Chí Tôn,

Một là nhất quán vĩnh tồn trường sinh.

Một là vốn diệu linh tiến hóa,

Một là sinh tất cả muôn loài.

Khắp trong vũ trụ rộng dài,

Đều do một Đạo Cao Đài hóa sinh.» [47]

Khổng Tử cũng đã từ một Nguyên lý ấy mà lập thuyết, vì thế Ngài mới nói «Ngô đạo nhất dĩ quán chi» (Luận Ngữ, Lý nhân đệ tứ).

Thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể chính là thuyết Advaita (Bất nhị)[48] của triết học Ấn Độ, và cũng là chủ trương chính yếu của Veda [49].

2. Tôi xác tín rằng: Con người đồng bản thể với Thượng Đế, vì đó chính là chủ trương của các đạo giáo:

- Bà La Môn đã cho rằng Atman, tức Bản thể con người chính là Brahman, là Thượng đế, Bản thể vũ trụ. Đó chính là học thuyết Advaita của Shankara.

- Thánh giáo Cao Đài viết:

«Thầy là các con, các con là Thầy.» [50]

- Chúa Jésus phán:

Trong luật pháp các ngươi há đã chẳng chép: Ta đã phán: Anh em là thần minh hay sao? [51]

- Thánh Paul nói: Chúng ta là dòng dõi Thượng Đế.[52]

- Phật giáo mới chủ trương: Nhất thiết chúng sinh đều có Phật tính v.v…

3. Tôi xác tín rằng:

Vì Thiên địa vạn vật nhất thể, nên vũ trụ vạn hữu có liên quan hết sức mật thiết với nhau: Mình là vạn hữu vạn hữu là mình, dưới những hình tướng khác.

Cũng vậy, toàn thể nhân loại vì cùng chung một bản thể, nên đều là anh em ruột thịt với nhau, mình là người, người là mình, cần tận tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, dìu dắt lẫn nhau lên dần tới tuyệt đỉnh tinh hoa.

Và «Thương người như thể thương thân» chính là lý tưởng cố hữu của người Việt Nam chúng ta và cũng chính là lý tưởng của các đạo giáo, của toàn thể nhân loại …

4. Tôi xác tín rằng: Đạo Trời, Nước Trời, Hạnh phúc, Chân lý, Tàn lửa Thiên chẳng ở đâu xa mà đã ở ngay trong tâm khảm con người. Trời đã ngự trị ngay trong lòng con người. Đền thờ đẹp đẽ nhất không phải là đền thờ Jérusalem, không phải là Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Vatican, không phải những đền thờ Hồi giáo ở La Mecque hay ở Ispahann mà chính là tâm hồn thanh khiết, cao siêu của những con người thánh thiện.

- Chúa Jésus phán: «Nước Trời ở trong anh em.» [53]

- Thánh Paul nói: «Anh em là đền thờ Chúa Thánh thần.» [54]

- Cao Đài giáo cũng có thơ:

 «Ai cũng muốn thành tiên cho chóng,

Mà quên rằng Phật sống nơi tâm;

 Đầu non chót núi vái thầm,

Hang cùng nẻo tận ráng tầm cho ra,

 Sao không nhớ lại lời Cha,

Định tâm thì thấy có xa đâu nào.» [55]

5. Tôi xác tín rằng: Hành đạo chân chính là đem tinh hoa nhân loại lồng vào đời sống mình. Là:

- Thực thi Giới, Định, Tuệ.

- Tránh Tham, Sân, Si.

- Khử nhân dục, tồn Thiên lý.

- Tri chân, hành thiện.

- Yêu kính tha nhân, phục vụ tha nhân.

- Thành khẩn, chân thực, làm lành, làm phải.

- Khoan dung, đại độ.

- Thuận thời, xử thế, minh triết bảo thân.

- Điềm đạm, hư vô.

- Thời thường tinh tiến...

6. Tôi xác tín rằng:

Cùng đích của Nhân loại, cũng như mục phiêu của công cuộc tu trì: chính là để «Thực hiện Thượng đế» ngay từ khi còn ở gian trần này, chính là sống một cuộc đời thánh thiện, phối hợp nhất như với Thượng Đế ngay từ khi còn ở gian trần này.

Đại Học gọi thế là: Dừng chân lại nơi toàn thiện. (Chỉ ư chí thiện ).

Trung Dung, Đạo Đức Kinh gọi thế là Phối Thiên .

Người đạt đạo phải rũ bỏ được cái phàm tâm, cái mình nhỏ nhoi, hèn mọn, để mặc lấy Thiên Tâm, thiên thể, đại thể, đại đồng, thung dung, khinh khoát, quên mọi biên cương bờ cõi, giới hạn, quên mọi tiểu tiết đặc thù, thung dung vui sống trong toàn thể vô biên.

Đó chính là trạng thái Đại đồng vô kỷ; Vô kỷ, Vô công, Vô danh của Trang Tử.[56]

III. KẾT LUẬN

Tôi xin hết sức vắn tắt trong phần kết luận.

- Tôi thiết nghĩ rằng:

Đọc mãi các thánh thư, rốt cuộc sẽ tìm ra được một bộ thánh thư cổ nhất, quí nhất, nổi tiếng nhất trong thiên hạ, đó là pho sách Lương tâm con người.

Khảo mãi các tôn giáo sẽ tìm ra được chân đạo, mà chân đạo ấy đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người. Đó là con đường dẫn từ Tâm đến Thần. Trên con đường từ Tâm đến Thần đó, mỗi bước tiến phải được đánh dấu bằng sự gạn đục khơi trong trong tâm hồn. Càng tiến tới, càng phải thêm sáng láng về tâm linh, càng phải thêm khinh phiêu về cốt cách. Có Tinh thì mới Nhất được...

Tuy nhiên đi tìm cho ra chân đạo, đại đạo không phải là chuyện dễ. Lắm lúc chúng ta muốn nói như đức Lý Thái Bạch, trong bài thơ Hành lộ nan:

Đường đi khó, tìm đường đi khó quá,

Rút kiếm bén, ngỡ ngàng trông đây đó,

Lòng băn khoăn, ta biết sẽ đi đâu?

Muốn qua Hoàng Hà băng giá lấp sông sâu,

Muốn lên non Thái tuyết một màu ảm đạm.

Muốn khuây khỏa, vừa ra khe buông câu tạm,

Đã mơ màng thuyền mộng lướt trời mây.

Đường muôn ngả, đường muôn ngả, đâu còn đây?

Khó đi quá, tìm đường đi khó quá …

Nhưng gió lộng sẽ phá muôn tầm sóng cả,

Thổi buồm mây một lá tếch ngàn khơi.

Đại đạo lớn, lớn trùm cả khung trời,

Mà bịn rịn, ta chưa ra đi nổi …

 (Hành lộ nan, Lý Thái Bạch)

Khó thì khó thật, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không đi tìm. Khó thì khó thật, nhưng không phải vì thế mà tìm không được.

Đấng Chí Tôn thường giáng cơ cho biết:

«Con đòi chi, thì Thày cho nấy,

Con nào muốn ăn mặn, thì Thày cho ăn mặn,

Con nào muốn ăn ngọt, thì Thày cho ăn ngọt.

Con nào muốn ăn cay, thì Thày cho ăn cay.

Lên rừng, thì Thày cho củi,

Xuống biển thì Thày cho muối nghe con …» [57]

Biết được Thiên ý là như vậy, nên tôi xin kết thúc bài thuyết trình này bằng một bản thánh ca trích trong Veda:

 «Đường trời cao vút tầng mây,

Ai ơi đừng có một ngày lui chân.

 Đức trời lồng với kinh luân,

Ta đem ta xẻ, ta phần cho ai,

 Hãy lên rong ruổi xe trời,

Băng miền cực lạc muôn đời trường sinh.

 Răng long đầu bạc mặc tình,

Đừng bao giờ nói rằng mình già nua.

 Thần thông trời đã phú cho,

Bạc đầu lòng vẫn nhởn nhơ, nhẹ nhàng.

 Vén mây, vượt núi băng ngàn,

Đường trời chót vót chớ màng lui chân.»

 (Atharvaveda)

Saigon, 22-8-1976

 

CHÚ THÍCH

[1] Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn. Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, cố quân tử thận kỳ độc dã. 是 故 君 子 戒 慎 乎 其 所 不 睹,恐 懼 乎 其 所 不 聞.莫 現 乎 隱,莫 顯 乎 微.故 君 子 慎 其 獨 也. Trung Dung, ch. I.

[2] Habentibus symbolum, facilis est transitus (For those who have the symbol, the passage is easy). Đối với những ai có được sơ đồ, quá trình sẽ dễ dàng. (C.J. Jung, Psychology and Alchemy, 215-217.)

[3] Tự Vô cực thuyết đáo vạn vật thượng, thiên địa chi chung thủy dã. Tự vạn vật phản đáo Vô cực thượng, thánh nhân chi chung thủy dã. 自 無 極 說 到 萬 物 上,天 地 之 終 始 也.自 萬 物 反 到 無 極 上,聖 人 之 終 始 也 (Tống Nguyên học án, q.12.- Liêm Khê học án (hạ). Thái cực đồ thuyết, tr. 2a)

[4] Aussi dans divers tradition, voyons-nous la création partir d’un centre, parce que là se trouve la source de toute réalité, et partant de l’énergie de la vie. Il arrive même que les traditions cosmologiques expriment le symbole du centre dans des termes qu’on dirait empruntés à l’embryologie: «Le Très Saint a créé le monde comme un embryon. Tout comme l’embryon, croýt à partir du nombril, de même Dieu a créé le monde par le nombril et de là, il s’est répandu dans toutes les directions … Yoma affirme: «Le monde a été créé en commencant par Sion.» Aussi dans le Rig Veda, l’univers est conçu comme prenant son extension à partir d’un point central … (Mircéa Eliade, Traité d’histoire des religions, p. 323).

[5] Thiên trung cung, Thiên cực tinh, kỳ nhất minh giả, Thái nhất thường cư. 天 中 宮,天 極 星.其 一 明 者,太 一 常 居. Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, Cheng Wen publishing Company, Taipei, 1967, Tome I, p. 524.

[6] This built-in prompter has been called many things: The voice of God, the voice of conscience, or the spark of inner men. - Ruth Montgomery, A Search for the truth, Bantam book, 1967, p. 140.

[7] Anagarika Govinda, Les fondements de la mystique tibétaine, Charles Andrien dịch ra Pháp văn. Tựa tiếng Anh: Foundations of Tibetan Mysticism.

– Jean Herbert, Spiritualité vivantes, xem ảnh các trang 200, 201.

– Guhâ là tiếng Ấn Độ có nghĩa là hang động. Nghĩa bóng là Xoang, hay Tâm khảm (grotte; en langue mystique: la cavité ou crypte du coeur). Xem Henri le Saux, La Rencontre de l’hindouisme et du christianisme, Editions du Seuil, 1966, p.229, và các tr. 21, 22, 218.

[8] Đầu hữu cửu cung, trung hữu Nê Hoàn. 頭 有九 宮 中 有 泥 丸. Kim đơn đại thành tập, tr. 4.

… Thủ hữu cửu cung, thượng ứng cửu ngung, kỳ trung nhất viết Thiên tâm, viết Tử phủ, Thiên Uyên, Thiên luân, Thiên quan, Thiên kinh, Thượng đô quan, Côn Lôn đỉnh, kỳ danh phả chúng, tổng nhi ngôn chi: Huyền quan nhất khiếu. 首 有 九 宮, 上 應 九 隅, 其 中 一 宮 曰 天 心, 曰 紫 府, 天 淵, 天 輪, 天 關, 天 京,上 都 關, 崑 崙頂, 其 名 頗 眾, 總 而 言 之 : 玄 關 一 竅. Kim đơn đại thành tập, tr. 2q.

[9] Tử dục bất tử tu Côn Lôn … Côn Lôn giả, đầu dã. Lệnh nhân dưỡng não trung Nê Hoàn. Bất tử đắc trường sinh dã. 子 欲不 死 修 崑 崙. 崑 崙者 頭 也. 令 人 養 腦 中 泥 丸. 不 死 得 長 生 也. Huỳnh đình ngoại cảnh kinh, tr. 2.

- Bạch tổ vân: Duy nhân đầu hữu cửu cung, trung nhất cung danh viết Cốc thần. 白 祖 云 : 惟 人頭 有 九 宮,中 一 宮 名 曰 谷 神. Tính mệnh khuê chỉ, quyển II, tr. 56.

[10] Xem Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, nơi chữ Nê Hoàn.

[11] Vạn vật thể thống nhất Thái cực, vạn vật các cụ nhất Thái cực. 萬 物 體 統 一 太 極,萬 物 各 具 一 太 極. Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, Trung Quốc triết học sử, đệ tam thiên thượng.

[12] Thái cực dã, đại tắc bao thiên địa, tiểu tắc nhập giới tử. 太 極 也 大 則 包 天 地,小 則 入 芥 子. Thái cực quyền bổng đồ thuyết, tr. 8a.

[13] Henri le Saux, Le Rencontre de l’Hindouisme et du christianisme, Editions du Seuil, Paris, 1966.

[14] Telles quelles, elles (ces pages) peuvent aider d’autres frères chrétiens à découvrir – pour eux et pour l’Eglise – ces trésors qui sont à eux, à les découvrir dans les vieux écrits de l’Inde, et plus encore dans cette guhâ, ou lieu secret du coeur, où ils furent d’abord entendus.

Car cette Guhâ d’où jaillirent les Oupanishads comme d’une source bénie, c’est le fond du coeur de chacun; et c’est là même que le chrétien est invité à pénétrer sous la conduite de l’Esprit, pour y découvrir en sa plénitude le mystère de l’Atman du Soi qu’y entrevirent les rishis.

 C’est là en effet le lieu de la rencontre essentielle; là où l’esprit de l’homme n’est plus qu’un avec l’Esprit de Dieu, avec l’Esprit, qui procède du Père et que communique le Fils, l’Esprit, cette indivision essentielle qui fascina les voyants de l’Inde, et qui est en même temps communion essentielle, qui sourd du sein du Père et dont Jésus nous fit part. (Sách đã dẫn, tr. 22-23).

[15] Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng bạc, hay là đá, bởi công nghệ, và tài xảo của người ta chạm trổ nên. - Công vụ sứ đồ, 17; 28, 29.

[16] Đức Chúa Jésus đáp rằng: trong luật pháp các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã phán: Các ngươi là các thần hay sao? - Phúc âm Giăng, 10, 34. - Thi thiên, 82, 6.

[17] Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính. 一 切 眾 生 皆 有 佛 性.

[18] Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật. 汝 是 當 成 佛. 我 是 已 成 佛.

[19] En effet, tout ceux qu’anime l’Esprit de Dieu sont fils de Dieu. Aussi bien, n’avez-vous pas reçu un esprit d’esclaves pour retomber dans la crainte; vous avez reçu un esprit de fils adoptifs qui nous fait nous écrier: Abba! Père! L’Esprit en personne se joint à notre esprit pour attester que nous sommes enfants de Dieu. Enfants et donc héritiers; héritiers de Dieu et cohéritiers du Christ, puisque nous souffrons avec lui pour être aussi glorifiés avec lui. - Epitre aux Romains, 8; 14, 16 (Bible de Jérusalem)

 Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời. Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi, đặng còn ở trong sự sợ hãi, nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó, chúng ta kêu rằng: Abba! Cha! Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự, kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với đấng Christ, miễn là chúng ta đều chịu sự đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài. - Romains 8, 14, 16.- Bản dịch Thánh thư công hội. (Société biblique britannique et étrangère Shanghai, 1925.)

[20] J’estime en effet que les souffrances du temps présent ne sont pas à comparer à la gloire qui doit se révéler en nous. Car la création en attente aspire à la révélation des fils de Dieu … - Epitre aux Romains 8, 18 … Car ceux qui d’avance il a discernés, il les a aussi prédestinés à reproduire l’image de son fils, afin qu’il soit l’ainé d’une multitude de frères. - Epitre aux Romains 18, 29. Xin đọc bản Việt văn ở các Kinh Thánh tiếng Việt.

[21] Xiển đề chi nhân giai hữu Phật tính, đô đắc thành Phật. 闡 提 之 人 皆 有 佛 性, 都 得 成 佛. Lịch đại cao tăng cố sự, Trung Quốc Phật học hội ấn hành, Bành Sở Hành trứ, Tập I, sách 7, tr. 5.

[22] Sinh công thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu. 生 公 說 法 頑 石 點 頭. Ibid. tr. 6.

[23] Niết bàn bất diệt, Phật hữu Chân ngã. Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tính, học đắc thành Phật. 涅 槃 (泥 洹 ) 不 滅,佛 有 真 我. 一 切眾 生 皆 有 佛 性. 學 得成 佛. Ibid. tr. 31.

[24] In the other person burned always that spark of the divine, that celestial fire deep down, which the forces of another’s soul «fan into flame». - Harmon Bro, Ph.D., Edgar Cayce on religious and psychic experience. Paperback Library, N.Y. 1970, p. 142.

… More often perhaps than any other phrase, the designation given to Christ by the Cayce readings was the Elder Brother

… The ultimate destiny of every man was to become as Christ, no less. (Ibid.143) (Những tư tưởng trên có thể đem so sánh với lời sau đây trong sách Khải Huyền của thánh Giăng (Khải Huyền, 3, 21): «Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài.»

[25] Matthieu, 3, 11.

[26] Luc, 17, 21.

[27] Pháp bảo đàn kinh: Bồ đề hướng tâm mịch, hồ vi hướng ngoại cầu huyền. 菩 提 向 心 覓 , 胡 為 向 外 求 玄.

[28] Lâm Tế Lục thị chúng. Cf. Thích Thiện Ân, Zen I, tr. 103.

[29] Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên. 萬 物 皆 備 於 我 反 身 而 成 樂 莫 大 焉. Mạnh Tử, Tận tâm, thượng: 1 và 2.

[30] Học giả ư thử phản cầu chư thân, nhi tự đắc chi, dĩ khử phù ngoại dụ chi tư nhi sung kỳ bản nhiên chi thiện. 學 者於 此 反 求 諸 身 而 自 得 之, 以 去夫 外 誘 之 私 而 充 其 本 然 之 善 .Trung Dung, chương I, chú thích của Chu Hi.

[31] C’est une grand grâce que Dieu nous fait quand il nous aide à le chercher dans notre intérieur. - Sainte Thérèse d’Avila, citée par Illan de casa Fuerte, La Religion essentielle, p. 130.

[32] Xem bài Trung Thu mẹ nhủ con hiền, tr. 6.

[33] Cf. I Corinthiens, 15, 44, 49.

[34] Matthieu, 10, 39.

[35] Xem Huỳnh đình kinh chú, Ngoại cảnh ngọc kinh, quyển thượng, tr. 17, Tung Ẩn tử, Thạch Hóa đường thuật.

[36] I, Cor. 15, 44-49.

[37] Marc, 8, 34 «Si quelqu’un veut venir à ma suite, qu’il se renie lui-même, qu’il se charge de sa croix et qu’il me suive …

… Phật giáo gọi thế là diệt Ngã.

… Sri Aurobindo, Les Bases du Yoga: «Pour ceux qui veulent mener la vie spirituelle, le Divin doit toujours passer d’abord; tout le reste doit être secondaire …» (Les Bases du Yoga, p. 21.)

… Appartenir au Divin, c’est être soumis de manière à sentir la présence, le pouvoir la lumière et l’ananda du Divin, possédant tout l’être, plutôt que sentir qu’on les possède soi-même pour sa propre satisfaction … - Ibid. p. 59.

… Une certaine humilité spirituelle, une vue de soi sérieuse et sans arrogance une perception tranquille des imperfections de sa nature présente, et, au lieu de satisfaction de d’assertion de soi, le sens de la nécessité de dépasser son moi actuel, non par ambition égoiste, mais par une aspiration vers le Divin, seraient il me semble, pour cet assemblage fragile, terrestre et humain, des conditions bien meilleres pour avancer vers la transformation supramentale. - Ibid. p. 58.

… James made the point that «self-surrender has been and always must be regarded as the vital turning-point of the religious life.» And the total abnegation of self or ego is without question the hallmark of psychedelic experience. «Only when I become as nothing,» wrote James, «can God enter in and no difference between his life and mine remain outstanding.» - William Braden, The private sea LSD and the search for God, Bantam Book, 1967, p. 22.

Kìa sông tới biển thời tiêu,

Hết danh hết sắc hết điều riêng tây.

Trở thành biển cả từ nay,

Gọi là biển cả mảy may khác gì.

Con người nhìn lại cũng y,

Khi «mười sáu bộ» đã qui về ngài.

Còn đâu danh tướng lôi thôi,

Rồi ra cũng chỉ là Ngôi chân thần.

Thế là vĩnh cửu bất phân,

Chẳng còn bộ phận, còn thuần tinh hoa.

Đã điều qui tụ hiệp hòa,

Như đũa liền trục ắt là chân nhân.

Chân nhân là chính chân thần,

Tử sinh thôi hết bận tâm lo lường.

(Prasna Upanishad. 6, 5-6 -Brih. Upanishad. 4-4, 1-2)

[38] Il n’est pas possible de construire un fondement au yoga, si le mental est agité. La première chose requise est le calme dans le mental … Le premier but est d’ouvrir cette conscience à une conscience spirituelle supérieure, et pour cela aussi un mental calme est de première nécessité … - Sri Aurobindo, Les Bases du Yoga, Sri Aurobindo Ashram, Pondichéry, p.1.

… Quoiqu’on cherche, quelqu’on atteigne, il faut conserver le calme. Même la connaissance, le pouvoir, l’ananda, s’ils viennent et ne trouvent pas ce fondement, sont incapables de rester et doivent se retirer jusqu’à ce que la pureté et la paix divines du Sat-Purusha soient établies de façon permanente …

 Aspirez au reste à la conscience divine, mais d’une aspiration calme et profonde. Elle peut être ardente aussi bien que calme … (Ibid. p. 14)

… Si vous désirez quelque chose en plus de la paix et du calme, que ce soit l’épanouissement complet de l’être intérieur et la perception du pouvoir divin qui est à l’oeuvre en nous … (Ib. 15)

… Perséverez et ce qui est encore tordu sera redressé et vous connaýtrez et sentirez constamment la vérité de la présence du Divin, ainsi votre foi sera justifiée par l’expérience directe … (Ib. 18, 19)

[39] Trung Dung, chương 31: Cố viết phối Thiên. 故 曰 配 天. Chương 26: Cao minh phối Thiên. 高 明 配 天. Đạo Đức Kinh, chương 67: Thị vị Phối Thiên cổ chi cực. 是 謂 配 天,古 之 極.

[40] Phật tổ a, nhĩ đích chính kiến, chính giác, thật tại thị khế hợp Thiên tâm đích, khả thị, nhất ban hiệu xưng vi nhĩ đích môn đệ tử môn, khước mặc thủ chước nhất ta bất tất yếu đích trần qui, nhất ta cận ư vu khoát đích lâu tập, phản nhi tương nhĩ đích chính hạnh, chính niệm, nhất cổ não đô bị đâu đáo cửu tiêu vân ngoại khứ liễu …佛 祖 啊 你 的 正 見 正 覺 實 在是 契 合 天 心 的,可 是一 般 號 稱 為 你 的 門 弟 子 們 卻 墨 守 著 一 差 不 必 要 的 陳 規.一 些 近 於 迂 闊 的 陋 習.反 而 將 你 的 正 行 正 念 一 股 腦 都 被 丟 到 九 霄 雲 外 去 了. Lịch đại cao tăng cố sự, đệ nhất tập, thập sách chi nhất, tr. 1,2.

[41] Que tous soient un, comme toi, Père, tu es en moi et moi en toi, qu’eux aussi soient un en nous … (Jean, 17, 21)

[42] Cưu Ma La Thập đã dùng chữ Vô vi để dịch chữ Niết Bàn. (Xem Kim Cương kinh giải nghĩa của Giang Vị Nông cư sĩ, q.2, tr. 129). Xem hình Cốc Thần và lời chú giải trong quyển Chu Dịch xiển chân của Lưu Nhất Minh, mà tôi đã đính vào trong bài này.

[43] Căn bản do lai Thái cực tầm. – Đại đỗng chân kinh, quyển thượng tr. 5.

[44] C’est pourquoi Ramana (Maharishi) centrait tout son enseignement et toute sa doctrine spirituelle sur cette simple question: «Qui suis-je?» «Qui est tu? Découvre qui tu es réellement et le reste suivra infailliblement.» - Henri Le Saux, La rencontre de l’hindouisme et du christianisme, p. 58.

[45] Chacun sait comme il est difficile de faire l’époché, même provisoire, de ses convictions, surtout religieuses. Cela pourtant est la condition préalable de tout vrai dialogue. - Ib. 43.

 Giải thích chữ Époché: -Époché: «mise entre parenthèse», comme hors circuit; à ne point confondre avec le «doute méthodique» de Descartes. Dans ses Idées directrices, Husserl la dédinit: «Une certaine suspension du jugement qui se compose avec une persuasion de la vérité qui demeure inébranlable.» (Traduction. P. Ricoeur, Gallimard, p. 100)- Ib. note 1.

[46] A cela ne saurait suffire quelque connaissance superficelle du folklore religieux de l’Inde, si intéressant soit-il; pas davantage une étude même scientifique de ses rites et de ses traditions; pas même, il faut le dire l’approfondissement intellectuel des Ecritures et des oeuvres des Maýtres. Plus que tout cela, c’est une habitude intérieur - une sorte d’habitus, en termes d’Ecole – de recueillement et de contemplation qui est requise du chrétien désireux d’entrer en contact avec les Ecritures de l’Inde ou avec sa tradition mystique. C’est «la connaissance» des profondeurs ultimes de ce soi, de ce lieu très secret du coeurs où le mystère s’est rélévé à l’âme attentive des rishis. En ce lieu seulement, le lieu du «jaillissement» de la «source» comme l’appelait Ramana Maharishi, un dialogue véritable peut s’instaurer. (Ib. 35)

[47] Cao Đài Giáo Lý, số 80, Trung Thu Nhâm tý, tr. 9, 10.

[48] Advaita: Non dualité; expérience advaitine; expérience de non-dualité (non dualité de l’atman et du Brahman, du principe dernier de son être et de sa personnalité et du principe suprême de l’univers) Henri Le Saux, La Rencontre de l’hindouisme et du christianisme, p.229.

[49] Xem BAU. III.9.1. –Rig Veda. X. 129.6 Yajur Veda bạch XXXII.1 .- Rig Veda.1.164. 46. – Rig Veda. VI.9.5. – Maitri Upanishad. VI.8. VI.8. – và X. 114.5. – AV. 1.24.1.

[50] Thánh giáo sưu tập, 1968-1969, tr. 186.

[51] Jean, X, 34.

[52] Công vụ sứ đồ, 17, 29.

[53] Luc, 17, 21.

[54] I, Cor. 3, 16.

[55] Đọc Cao Đài Giáo Lý, số 86 bài Qui Y Phật, số 91, bài Trời chẳng xa người.

[56] Trang Tử, Nam Hoa kinh, thiên Tại HựuTiêu diêu du.

[57] Cao Đài Giáo Lý, số 77, tr. 20.

- Vivekananda: Mỗi linh hồn đều có Thượng đế tính trong tiềm thể.

- Mục đích là biểu hiện Thượng đế tính bên trong bằng cách chế ngự thiên nhiên, cả ngoại cảnh lẫn nội tâm …

- Toàn thể tôn giáo tựu trung chỉ là vậy. Giáo lý hoặc tín điều hoặc nghi lễ, kinh sách, hoặc giáo đường, hoặc hình thức đều là chi tiết phụ thuộc …

- Cứu cánh của tất cả tôn giáo là giác ngộ Thượng đế trong linh hồn. Đó là tôn giáo phổ biến duy nhất …

Xem John Yale, Tôn giáo là gì, viết theo lời của Vivekananda. Dịch giả Vương Gia Hớn, An Tiêm, 1970 tr. 37, 39.