Mù đôi mắt, sáng tâm linh

SỐ MẠNG VÀ VINH QUANG CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888)

 

BÁC SĨ KIÊM HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN THỌ NGHIÊN CỨU VỀ BỆNH MÙ CỦA CỤ ĐỒ CHIỂU VÀ PHẢN HƯỞNG CỦA BỆNH ẤY TRONG TÂM TRẠNG VÀ TRIẾT LÝ TÁC GIẢ LỤC VÂN TIÊN

«Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,

Lòng Đạo xin tròn một tấm gương.» [2]

«Mù đôi mắt, sáng tâm linh», dưới đề tài này tôi muốn nhân số báo kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu góp một vài ý kiến thô thiển về cuộc đời và tâm trạng bậc danh sĩ mù khả kính, theo quan điểm y học và triết học.

Bạn đọc sẽ thấy bàng bạc trong bài này hai ý tưởng mù-sáng xoay vần như guồng máy âm dương, và tại sao mù thể chất cụ Nguyễn Đình Chiểu thay vì chặn đứng bước đường công danh của cụ, đã đem lại cho cụ một nguồn vinh quang bất diệt.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu mù năm 1848 khi vừa 26 tuổi, lúc đời thanh niên đang được thêu dệt bằng những bông hoa thơ mộng, tình ái, công danh.

Cụ mù rất mau, có lẽ cụ đã mắc phải chứng «mục trướng» hay «mục thũng chớp nhoáng» (Glaucome foudroyant).

Chứng mục thũng phát sinh vì tân dịch trong mắt bỗng nhiên sinh ra nhiều mà không có lối thoát. Đến nay y học cũng chưa tìm ra được nguyên nhân chính yếu đích xác. Nhưng những sự vất vả buồn phiền, những xúc động tinh thần, những sự lao lung thể chất đêm quên ngủ ngày quên ăn thường được coi là những nguyên nhân phụ thuộc. Bệnh mục thũng chớp nhoáng này có thể làm cho con người hóa mù tức khắc.[3]

Có lẽ cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tả trường hợp mù chớp nhoáng của mình trong Lục Vân Tiên, vì Lục Vân Tiên chính là hóa thân của Nguyễn Đình Chiểu.

Lục Vân Tiên mù rất mau lẹ trong khi âu sầu vì tang mẹ, đau đớn vì danh phận lỡ làng, mệt mỏi vì đường trường gian khổ. Bệnh mù đã đến với Lục Vân Tiên như đám mây giông.

 Tiên rằng: Khô héo lá gan,

 Ôi thôi con mắt đã mang lấy sầu.

 Mịt mù còn thấy chi đâu,

 Chân đi đã mỏi, mình đau như dần.

 Có thân phải khổ lấy thân,

 Than ôi ! Thân biết mấy lần chẳng may ![4]

Muốn trị bệnh mục trướng hay mục thũng, dĩ nhiên cố làm sao cho tiêu bớt nước trong mắt. Ngày nay người ta dùng Diamox hay giải phẫu để tân dịch trong mắt có chỗ thoát.

Nếu theo Đông y[5] thì trong trường hợp đặc biệt này có lẽ phải dùng những thuốc «bổ hỏa» như Bát Vị để «dẫn hỏa quy nguyên». Đó là phương pháp «Bổ hỏa dĩ tiêu âm ế».[6] Đằng này họ đã cho cụ uống toàn hàn dược như hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, thì làm sao mà khỏi được. Đây là y lý và phương pháp trị liệu của Triệu Ngang trong Lục Vân Tiên:

 Cứ trong kinh lạc mà thông,

 Mạnh môn tướng hỏa đã xông lên đầu.

 Tam tiêu tích nhiệt đã lâu,

 Muốn cho giáng hỏa phải đầu tư âm.

 Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm,

 Gia vào cho bội nhiệt tâm mới cầm.[7]

Sau này khi đã thông y lý, cụ Đồ Chiểu hết sức bài bác lối chữa bệnh nông cạn đó trong Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật: thiện âm dương biện luận.

Cụ viết: «Âm thịnh ở dưới, bức Dương lên trên… Hiện nay, những người đau, mặt đỏ, miệng khô, buồn bực, ho suyễn, ai không bảo là hỏa thịnh tới cùng ! Nào ai biết cái hỏa đó bị cái âm lạnh trong thận bức ép. Đem thuốc hàn lương cho uống thì chết nhiều lắm, oan uổng lắm thay.» [8]

Nhưng dù sao cụ đã mù từ 26 tuổi ! Những giả thuyết của ta nào có lợi cho người quá vãng.

Bây giờ ta chỉ cần xét xem những biến chuyển tâm hồn của cụ Đồ Chiểu khi đã bị mù:

Trước hết, dĩ nhiên là cụ rất buồn, buồn vì sự nghiệp dở dang, công danh bít nẻo.

Nhân đọc quyển tiểu thuyết Tàu nhan đề Tây Minh cụ thấy vai chính trong chuyện là Lục Vân Tiên gặp nhiều cảnh ngộ thảm thương tựa thân thế mình, nên theo đây soạn ra bản chuyện nôm để trước là gửi tâm sự mình vào, sau là để dạy đạo làm người cho đồng bào đồng chủng.

Thành ra sự mù lòa nếu lấp nẻo đường công danh khoa cử của cụ, thì lại mở cho cụ con đường văn chương nghĩa lý.

Đàng khác, lúc lâm bệnh cụ mới nhận chân sự huênh hoang và sự dốt nát của con người.

Lương y đứng trước con bệnh thời hoang mang lạc lõng bạt ngàn mây gió, không còn biết bám vào đâu để định bệnh, chữa bệnh.[9]

Chữa không nổi thì truyền bệnh nhân qua thầy bùa thầy pháp. Ông nào cũng khoe tài khoe giỏi mà rốt cuộc trăm voi không được bát nước xáo. Một Lục Vân Tiên đau mắt, thế mà thầy pháp đã thỉnh triệu chư tiên, chư thần, từ Tề Thiên Đại Thánh, Tiết Nhân Quý, đến Ngũ Long, Ngũ Hổ, thậm chí thỉnh cả Võ Tắc Thiên về chữa giúp. Nếu mời được họ thì sẽ chật nhà chật đất… Mời võ tướng về trị bệnh: thật là khôi hài, thật là mai mỉa.[10]

Chắc cụ nhận thấy rằng sự mù lòa thể chất không nguy hại bằng sự mù lòa tâm thần, vì thế cụ quyết tâm cầu học:

 Xin giữ lòng hằng chuyên việc học,

 Một câu phước họa để trời cân.[11]

Trước tiên là cụ học thuốc, vì cụ đã gặp trường hợp:

 «… thời vận bất tề,

 Thêm lầm thầy thuốc làm bê việc nhà.»[12]

Cụ học thuốc là một phản ứng rất tự nhiên sau khi bị mù:

 «Người xưa ba chuyến gãy tay,

 Tức mình học thuốc mới hay làm thày.»[13]

Đọc quyển Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật Y Thuật ta thấy ngay sự hiểu biết sâu rộng của cụ về y lý, y đạo.

Cụ học Dịch để tìm hiểu lẽ doanh hư tiêu trưởng của đất trời. Cụ khảo cứu Lão Trang rất nhiều, tuy cụ vẫn tin tưởng rằng đạo Nho thiết thực hơn:

 Muốn theo Tiên đạo cho bền,

 Phải dùng Nhu đạo mới nên phận mình.[14]

Những người tầm thường khi mù, thường có một giác quan khác trở nên linh lợi hơn để bù đắp lại: hoặc xúc giác, hoặc khứu giác, hoặc thính giác. Minh trong Gánh Hàng Hoa ngửi mùi thơm của bó hoa có thể nhận tách bạch ra được rằng trong đó có hoa móng rồng, hoa hoàng lan, hoa mộc, hoa sói, hoa ngâu.[15]

Cụ Nguyễn Đình Chiểu là người có tâm hồn cao đẹp, nên sau khi bị mù cụ đã biết hồi quang phản chiếu để tìm ra chân lý, để tìm ra những điều siêu vi huyền diệu của vũ trụ.

Ông Nguyễn Bá Thế cho rằng cụ Nguyễn Đình Chiểu đã thấy bóng hình Đại Đạo ngay từ tấm bé; tôi cho rằng cụ thấy Đại Đạo sau khi đã mù lòa.

Nhưng tôi cũng kết luận như ông Nguyễn Bá Thế: «Chắc chắn Nguyễn Đình Chiểu đã thấy cái bóng của Đại Đạo. Không thế, về sau Nguyễn Đình Chiểu đâu dễ sáng rực được tâm hồn. Không thế, Nguyễn Đình Chiểu đâu đã được thanh cao tuyệt phẩm.» [16] Đó là một điều tôi sẽ chứng minh sau.

Có điều chắc chắn là nếu con mắt vật chất của cụ khép lại, thì con mắt tâm hồn cụ mở ra cho cụ thấy những tinh hoa cao đại. Nên những biến chuyển thăng trầm của giòng đời không làm cho cụ buồn khổ nữa. Cụ biết rằng:

 Việc người chẳng khác việc trăng trên trời.

 Tuy là soi khắp nơi nơi,

 Khi mờ khi tỏ khi vơi khi đầy.[17]

Nhưng tuổi cụ, bầu nhiệt huyết cụ, hoàn cảnh đảo điên của giang san tổ quốc chưa cho phép cụ thảnh thơi hành đạo. Cụ còn phải sống cuộc đời tranh đấu.

Từ năm 1856 trở đi, quân Pháp bắt đầu đặt chân vào Nam Phần, hoành hành tàn phá gây ra muôn cảnh lầm than. Triều Nguyễn lúc ấy như cây non trước gió, chẳng còn sức lực gì để chống chọi với cuồng phong. Dân chúng thì tan đàn xẻ nghé, cơ cực, khốn cùng.

 Đau đớn bấy ! Mẹ già ngồi khóc trẻ,

 Ngọn đèn khuya leo lét trong lều.

 Não nùng thay ! Vợ yếu chạy tìm chồng.

 Cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.[18]

Cụ không thể cầm súng, cầm gươm như Trương Công Định, Đỗ Đình Thoại, Phan Công Tòng, nhưng cụ tích cực tham gia kháng chiến bằng ngọn bút, bằng gan óc của mình.

Cụ viết rất nhiều kịch, nhiều văn tế, nhiều thơ để cổ vũ tinh thần dân chúng, để kêu gọi các trang anh hùng hào kiệt ra tay cứu nước, cứu dân. Có lẽ các loại văn kháng chiến của cụ đã được viết từ năm 1856 cho đến 1867, nhất là từ năm 1862 (năm triều đình nhượng cho Pháp ba tỉnh phía Đông Nam Phần) cho đến năm 1867 (năm Nam Phần lọt vào tay Pháp).

Lập trường chính trị của cụ là một tấm gương trung liệt: trung quân, ái quốc, căm thù giặc Pháp xâm lăng, đề cao khí tiết của những chiến sĩ hào hùng ỏ mình vì dân vì nước như Phan Công Tòng, Trương Công Định, chê ghét những người đem thân làm khuyển mã cho người,[19] xót thương dân chúng gặp cảnh lầm than cơ cực.

Cụ coi quân Pháp là giặc Hung Nô,[20] là giặc Tây Liêu,[21] là bầy chuột cống chuột chù,[22] là giặc cào cào châu chấu,[23] cần phải tiêu diệt thì dân nước mới được hưởng lại cảnh thái hòa.

 Ngày nào trời đất an ngôi cũ,

 Mừng thấy non sông bặt gió Tây.[24]

Lời lẽ trong các bài văn chống Pháp, bài hịch, bài văn tế, có lúc bi ai. Có lẽ trong số các nhà văn kháng chiến không ai có cái giọng văn đanh thép, căm hờn thực dân cho bằng Nguyễn Đình Chiểu.[25]

Nhưng sức người khôn ngăn vận nước. Cảnh nườc mất nhà tan vẫn đến…

Từ 1867 trở đi, Pháp đã nghiễm nhiên biến thành chủ nhân ông của Nam Phần. Thạch Tấn (ám chỉ Tự Đức) đã đem U Yên (ám chỉ Nam Phần) dâng cho Khiết Đan (ám chỉ Pháp) nên cụ Nguyễn Đình Chiểu thấy mình đã đến lúc mai danh ẩn tích.[26]

Cụ đành phải đóng vai ẩn sĩ mù lòa. Và đây là tâm sự não nùng của cụ:

 Dù sinh Y, Phó đời giờ,

 E khi cày ruộng cuốc bờ mà thôi.

 Huống ta là kẻ không ngôi,

 Tài chi sửa gối làm tôi nước loàn.

 Đã cam chút phận dở dang,

 «Trí quân»hai chữ mơ màng năm canh.

 Đã cam lỗi với thương sinh,

 «Trạch Dân» hai chữ luống danh ở lòng.

 Lại cam thẹn với non sông,

 «Cứu thời» hai chữ luống công thuở nào.

 Nói ra thời nước mắt trào,

 Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi !

 Kinh luân dấu thánh coi rồi,

 Thời trời đã vậy, thôi thôi nào cầu !

 Thà cho trước mắt mù mù,

 Chẳng thà ngồi ngó kẻ thù quân thân.

 Thà cho trước mắt vô nhân,

 Chẳng thà ngồi ngó sinh dân nghiêng nghèo.

 Thà cho trước mắt vắng hiu,

 Chẳng thà thấy cảnh trời chiều phân xâm.

 Thà cho trước mắt tối hầm,

 Chẳng thà thấy đất lục trầm can qua.

 Đã đui mà giữ đạo nhà,

 Còn hơn có mắt ông cha chẳng thờ.

 Đã đui mà khỏi danh nhơ,

 Còn hơn có mắt ăn nhơ tanh rình.

 Dù đui mà đặng trọn mình,

 Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu.[27]

Quyển Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật là quyển sách cụ viết trong thời kỳ ẩn dật đó. Cụ trở lại y nghiệp là lo tiến đức tu đạo.

 Chẳng may gặp buổi nước loàn,

 Thương câu «dân mạc» về đàng Y Lâm.

 Ẩn mình chôn ngọc vùi câm,

 Người con mắt tục coi lầm biết đâu.[28]

Lúc này là lúc cụ càng trau dồi thêm nhân cách, đắc đạo. Lời văn trở nên siêu phàm thoát tục. Người danh sĩ mù đã trở nên sáng suốt. Trong lòng người đã có vầng dương muôn thuở hiện ra:

 Có trời thầm dụ trong lòng,

 Tuy ngồi một chỗ suốt thông trăm đời.[29]

Như vậy từ đây cụ sẽ ung dung thanh thả:

 Vậy thời theo lẽ an phần,

 Trăm năm chờ mạng, trong thân có trời.[30]

Và sống đúng lẽ lạc thiên tri mệnh:

 Ta nghe quân tử vui trời,

 Chỗ lo chẳng vuột khỏi nơi ngôi mình.[31]

Quyển Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật như vậy chẳng những dạy y thuật mà còn dạy triết lý, đạo lý. Cụ tự nhận mình là một triết gia:

 Đời suy người triết phù trì,

 Nên câu «thiên trụ địa duy» vững vàng.[32]

Cụ chủ trương rằng muốn tìm ra «Trời trong thân» mà cụ gọi bóng bẩy là chốn Đan Kỳ[33] hay ông Đan Kỳ,[34] thì cần phải:

1. Tìm hiểu con người cần qua «Ải Nhân Xu».[35]

2. Phải qua «Trường Âm Chất»nghĩa là phải tích đức tu nhân.[36]

 Ấy là âm chất cả dùng,

 Lấy câu «vi thiện» kể chung phẩm người.

 Đến như âm chất gốc trời,

 Ở câu hiếu thuận đời đời bia son.[37]

3. Tới «Am Bảo Dưỡng» [38] tức là phải biết bảo dưỡng thiên chân, phải biết:

 Tiếc yêu hai chữ «tinh thần ».[39]

và phải biết ngăn lòng dục:

 Muốn cho thần sáng, tinh ròng,

 Gửi nuôi khí huyết, ngăn lòng dục sâu.[40]

4. Nhưng mà muốn vào chốn Đan Kỳ, thì chỉ có ông Đan Kỳ mới chỉ lối nổi:

 Muốn cho biết lẽ tinh thông,

 Lần vào cửa Đạo, hỏi ông Đan Kỳ,

 Học cho biết chỗ u vi,

 Phép mầu ý nhiệm, rộng suy giúp đời.[41]

5. Sau hết phải nhận chân được lẽ huyền diệu của đất trời và vũ trụ đều có sẵn nơi ta.

 Dạy rằng muốn thấy phép linh,

 Coi chừng trời đất trong hình người ta.[42]

 … Coi hai thơ ấy tỏ tình,

 Thấy trời đất ở trong mình người ta,

 Cho hay máy tạo chẳng xa,

 Âm Dương qua lại, trẻ già trong thân.[43]

Bây giờ ta trông rõ tâm hồn cụ Đồ Chiểu là một tâm hồn cao đẹp lạ thường, sáng láng lạ thường.

Cụ những mong Hy thánh, Hy thiên:

 Người ta mong học Hy hiền,

 Thầy ta hy thánh, bạn nguyền Hy thiên.

 Bạn thầy mong học Hy thiên.[44]

Cụ muốn như làn gió mát vận chuyển cùng vũ trụ:

 Thanh phong cầm tiết chẳng day,

 Bụi nhơ chẳng chút, so tày giá trong.

 Lấy lòng tạo hóa làm lòng,

 Cho người nghe tiếng, khó mong thấy hình.[45]

Như ánh trăng trong soi khắp núi sông, để đêm đêm bạn cùng tao nhân mặc khách:

 Tốt thay minh nguyệt thú sao,

 Đường trong trời đất chỗ nào chẳng thông.

 Lòng gương soi khắp non sông,

 Đêm thanh cảnh vắng bạn cùng văn nhân.[46]

Cho nên dần dần cụ cảm thấy anh hoa chính khí đất trời như ngưng đọng lại nơi mình, tin tưởng là rường cột tinh thần chống đỡ sơn hà khi nghiêng ngửa:

 Đời suy người triết phù trì,

 Nên câu «thiên trụ địa duy» vững vàng.[47]

Cụ đã làm sống động lại những lời thơ bất hủ của Văn Thiên Tường.[48]

Thế là ta thấy tâm hồn cụ Nguyễn Đình Chiểu càng về già càng trong sáng lên mãi. Ở con người đạo nghĩa, lòng bao giờ mà chẳng có hương thơm, càng đặt mình vào trong cảnh ngộ đau đớn éo le, tư tưởng càng như được gạn đục khơi trong, tinh thần càng như được nấu nung cho sáng trưng sáng quắc. «Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tìm ra được sinh thú bất tuyệt trong sự chính tâm tu thân cao cả.» [49]

Tóm lại, người mà mù thường mất hết tinh thần và nghị lực, nhưng cụ Nguyễn Đình Chiểu mù lại tìm được lẽ sống. Cố chính tâm tu thân, treo cao gương trung liệt, dùng trí óc tài năng và ngòi bút chiến đấu cho chính nghĩa, bảo vệ luân lý đạo đức.

 Chở bao nhiêu Đạo thuyền không khẳm,

 Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.[50]

Người mà mù thì cuộc đời thường tan tác như hoa rơi trước gió, nhưng Nguyễn Đình Chiểu mù mà trở nên cánh phượng tung bay.

Thật là cao đẹp thay !

Gian nan đã không chế ngự được cụ, bệnh hoạn đã không chinh phục được cụ; sự mù lòa vật chất đã mang lại cho cụ một nguồn sáng tinh thần bất diệt. Thời gian tuy phôi pha nhưng danh tiết của cụ sẽ ngày càng rạng tỏ.

Cụ thật là Văn Thiên Tường của Việt Nam, đáng được tán tụng bằng những lời thơ chính khí.

Cụ thật là người quân tử chân chính của đạo Nho:

«Ở thì ở chỗ quảng đại của thiên hạ; đứng thì đứng vào địa vị chính đáng của thiên hạ; đi thì đi trên con đường lớn của thiên hạ; đắc chí thì cùng vì nhân dân noi theo đạo nghĩa; không đắc chí thì một mình thực hành đạo nghĩa. Giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo hèn không thay đổi lòng, vũ lực không khuất phục được chí lớn.» [51]

Thật là:

 Người sao văn vẻ hỡi người,

 Dường như cắt đánh, rũa mài bấy nay.

 Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,

 Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.[52]

Nhân dịp kỷ niệm cụ, ước gì những người sáng mắt như chúng ta noi được tấm gương trung liệt, bắt được khí phách hào hùng, nối được tinh thần cao cả của một danh sĩ mù đã khuất núi gần một thế kỷ nay...

Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 


Chú Thích

[1] Xem chú thích ảnh phía cuối bài.

[2] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 345.

[3] Cf. F. Terrien, Ophtalmologie, p. 308 et ss; Le glaucome (chứng mục trướng hiện nay gọi là bệnh tăng nhãn áp).

[4] Lục Vân Tiên, câu 645-650.

[5] Thời cụ Nguyễn Đình Chiểu chưa có Tây y tại Việt Nam.

[6] Xem Hải Thượng Lãn Ông, Châu Ngọc Cách Ngôn, tr. 2.

[7] Lục Vân Tiên, câu 691-697.

[8] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 60-72. «Âm thịnh vu hạ, bức Dương vu thượng, tỉnh thủy khí hàn nhi lôi điện hợp dã. Kim nhân bệnh, diện hồng, khẩu khát, táo phiền, suyễn khái giả, thùy bất vân hỏa thịnh chi cực? Ức thục tri kỳ vi thận trung âm hàn sở bức hồ ? Dĩ hàn lương chi dược tiến, nhi tệ giả đa hĩ. Oan tai !» = Âm thịnh ở dưới bức Dương lên trên, ví như nước giếng, do khí ở dưới lạnh đi, mà trên có sấm chớp hợp lại. Nay có người bệnh mặt đỏ, miệng khát, buồn bực, vật vã, ho suyễn, ai không bảo là hỏa khí thịnh cực. Có biết đâu làbị khí âm hàn trong tạng thận bức bách mà sinh ra. Nếu cho uống thuốc hàn lương thì chết hại nhiều lắm, oan uổng thay ! (phiên âm chữ Hán trích từ nguồn: Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, tập II, Hà Nội, 1982, tr.130 và 142)

[9] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 35. «Cổ lai y thư thậm đa, nghiệp y giả vị miễn hữu phồn hiệu chi thân. Cẩu học vô sở bản, tắc lâm bệnh mang nhiên, như bằng hư ngự phong, mạc tri kỳ sở chỉ.» = Xưa nay sách thuốc rất nhiều, người làm thuốc không khỏi phàn nàn về nỗi chồng chất man mác quá ! Nếu không căn bản vào đâu, thì tới khi chẩn bệnh, sẽ bỡ ngỡ như nương khoảng không, cưỡi ngọn gió, không biết chỗ nào vào chỗ nào cả. (phiên âm chữ Hán trích từ nguồn: Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, tập II, Hà Nội, 1982, tr. 116 và 122).

[10] Lục Vân Tiên, Á Châu xuất bản, tr. 71, 72, 73.

[11] Dương Từ - Hà Mậu.

[12] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 107.

[13] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, câu 138-139, tr. 107.

[14] Dương Từ - Hà Mậu.

[15] Khái Hưng, Gánh Hàng Hoa, tr. 61.

[16] Nguyễn Bá Thế, Nguyễn Đình Chiểu, tr. 22-23.

[17] Lục Vân Tiên, Á Châu xuất bản, câu 60-63, tr. 32.

[18] Văn tế vong hồn dân mộ nghĩa. (xem: Phan Văn Hùm, Nỗi Lòng Đồ Chiểu, tr. 89.)

[19] Ngựa Tiêu Sương.

[20] Tử chiến. (Thuần Phong, Nguyễn Đình Chiểu, đăng trong tạp chí Hiện Đại, tháng 11-1960)

[21] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 83, 332-333.

[22] Thảo Thử Hịch. (xem: Nguyễn Bá Thế, Nguyễn Đình Chiểu, tr. 281)

[23] Hoàng trung trập khởi.

[24] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 87.

[25] Xem: Thanh Lãng, Biểu Nhất lãm Văn Học Cận Đại, tr. 98.

[26] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 79.

[27] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 341-342.

[28] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 90.

[29] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 372.

[30] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 208.

[31] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 348.

[32] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 340.

[33] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 97, 102, 108.

[34] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 134, 147.

[35] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 47.

[36] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 101, 195-199.

[37] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 199.

[38] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 101, 108.

[39] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 203.

[40] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 203.

[41] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 134, 147.

[42] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 231.

[43] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 233.

[44] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 329.

[45] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 330. Xem thêm: Phan Văn Hùm, Nỗi Lòng Đồ Chiểu, tr. 63; câu thứ tư (Lấy lòng tạo hóa làm lòng) trích ở Phan Văn Hùm.

[46] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 230.

[47] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 340 (LAM đã chỉnh câu thơ này theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập II, tr. 247, hai câu 2749 và 2750 của Ngư Tiều Vấn Đáp Nho Y Diễn Ca)

[48] Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, từ câu 1350 đến 1375, tr. 336-340.

[49] Nguyễn Bá Thế, Nguyễn Đình Chiểu, tr. 56.

[50] Nguyễn Bá Thế, Nguyễn Đình Chiểu, tr. 165.

[51] Mạnh Tử, Đằng Văn Công (hạ), câu 2: «Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo; đắc chí , dữ dân do chi; bất đắc chí, độc hành kỳ đạo; phú quý bất năng dâm; bần tiện bất năng di; uy vũ bất năng khuất.» 居 天 下 之 廣 居 , 立 天 下 之 正 位 , 行 天 下 之 大 道 ; 得 志 與 民 由 之 ; 不 得 志 獨 行 其 道 ; 富 貴 不 能 淫 , 貧 賤 不 能 移 , 威 武 不 能 屈.

[52] Tản Đà (dịch), Kinh Thi, tr. 168.

CHÚ THÍCH ẢNH TƯ LIỆU

(1) Ảnh chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu in trong Tập kỷ yếu Kỷ Niệm Nguyễn Đình Chiểu (1971) do giáo sư Võ Văn Dung nhờ một họa sĩ vẽ. Bức chân dung 1971 này phóng tác từ bức ảnh của ông Nguyễn Đình Chiêm, con trai thứ 7 của cụ đồ, và bức ảnh của ông Nguyễn Đình Ninh, cháu nội cụ đồ. Đến bức chân dung trong Tập kỷ yếu Kỷ Niệm Nguyễn Đình Chiểu (1982), họa sĩ Hoàng Hiệp (tức Thanh Xuân) phóng tác theo bức họa 1971 và thêm thắt chi tiết (như vẽ thêm râu cho quắc thước) theo yêu cầu của bà Mai Huỳnh Hoa (cháu ngoại nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, đồng thời là chắt ngoại cụ đồ, và là vợ của Phan Văn Hùm). Bức chân dung trên đây là ảnh vẽ năm 1982, sau đó chính thức được thờ tại đình Đình Chánh, xã Mỹ Lộc, Cần Giuộc, Long An; và thờ nơi chùa Tôn Thạnh (tức chùa Ông Ngộ) tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, Cần Giuộc, Long An (quê vợ cụ đồ là bà Lê Thị Điền). [Nguồn trích dẫn: Châu Anh Phụng, Sưu Tập về Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn Hóa Thông Tin Long An, 1998]

(2) Hình bìa quyển Lục Vân Tiên Truyện (bản chữ Nôm do Duy Minh Thị đính chính). Duy Minh Thị tức là Trần Quang Quang ở xóm Dầu Phọng (Phụng Du Lý), An Bình (Chợ Lớn), làm Kinh Lịch (lettré) khi người Pháp mới sang. Bản Nôm của Duy Minh Thị được in do hiệu sách Quảng Thạnh Nam tại Chợ Lớn, 1865. [Nguồn: Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, Tủ sách Văn Học, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Saigon, 1973]

(3) Khi Pháp chiếm thành Chí Hòa năm 1861, cụ tản cư về ấp Thanh Ba, mù lòa nhưng vẫn dạy học. Một người học trò (cai tổng Lê Tăng Quýnh) của cụ đã gả em gái là Lê Thị Điền (tục gọi cô Năm Điền) cho cụ. Nơi chùa Tôn Thạnh, từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862), bề ngoài là cụ mở lớp dạy học nhưng bên trong thì lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp và nơi đây cụ đã sáng tác Lục Vân Tiên, Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, Dương Từ Hà Mậu, v.v. Chùa Tôn Thạnh, tục gọi Chùa Ông Ngộ (kỷ niệm người lập chùa năm 1805 là sư Nguyễn Chất, pháp danh Viên Ngộ), cách thị trấn Cần Giuộc khoảng 3 km, cách thị xã Tân An 35 km về hướng Đông Bắc. Trong Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, cụ đồ viết: «Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.»Ngày 27-9-1997, Bộ Văn Hóa Thông Tin đã ra quyết định công nhận chùa Tôn Thạnh là di tích lịch sử. [Nguồn trích dẫn: Châu Anh Phụng, Sưu Tập về Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn Hóa Thông Tin Long An, 1998]

Chùa Tôn Thạnh