» Tô Thức / Tô Đông Pha (1036-1101)

BÀI PHÚ TIỀN XÍCH BÍCH

CỦA TÔ THỨC

Bản dịch mới của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

 

Tô Thức 蘇 軾 tự là Tử Chiêm 子 瞻, quen gọi Tô Đông Pha 蘇 東 坡 (1036-1101) người tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa; đỗ tiến sĩ đời vua Nhân Tông 仁 宗 nhà Tống (1010-1063). Trong thời gian bị đày ở đất Hoàng Châu  黃 州  vì chống quan tể tướng Vương An Thạch 王 安 石, ông làm nhà ở Đông Pha để ở và lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ 東 坡 居 士. Mùa thu năm Nhân Tuất (1082), ông cùng bạn thả thuyền chơi trên sông Xích Bích rồi ngẫu hứng làm bài phú này, gọi là Tiền Xích Bích phú 前 赤 壁 賦.

Ba tháng sau đến, tiết đông, ông lại đi chơi khúc sông này lần nữa, cảm khái làm bài thơ thứ hai, gọi là Hậu Xích Bích phú .

Đó là hai thi phẩm kiệt tác trong văn học Trung Hoa, khiến thi nhân đời Minh là Lý Phan Long phải khen rằng: «Anh hùng như Tào Tháo, sự nghiệp như Chu Du nay còn đâu? Chỉ có vầng trăng đẹp, dòng nước trong và câu thơ bất hủ của Đông Pha muôn đời còn mãi.»

Người đời sau dựng tượng Tô Đông Pha bằng đá trắng ngay chân núi Xích Bích, trong một ngôi đình, với một bức hoành viết bốn chữ lớn «Vạn cổ phong lưu» để kỷ niệm một kỳ tài thi ca.

Tên sông Xích Bích gắn liền với một chiến trường nổi tiếng thời Tam Quốc: Chu Du đại phá quân Tào Tháo.

 

TIỀN XÍCH BÍCH PHÚ 前 赤 壁 賦 

壬 戌 之 秋, 七 月 既 望. 蘇 子 與 客 泛 舟, 遊 於 赤 壁 之 下.

清 風 徐 來, 水 波 不 興, 舉 酒 屬 客, 誦 明月 之 詩, 歌 窈 窕 之 章. 少 焉, 月 出 於 東 山 之 上, 徘 徊 於 斗 牛 之 間, 白 露 橫 江, 水 光 接 天. 縱 一葦 之 所 如, 凌 萬 頃 之 茫 然. 浩 浩 乎 如 馮 虛 御 風, 而 不 知 其 所 止; 飄 飄 乎 如 遺 世獨 立, 羽 化 而 登 仙. 於 是 飲 酒 樂 甚, 扣 舷 而 歌 之. 歌 曰:

《  桂 棹 兮 蘭 槳

擊 空 明 兮 泝 流 光

渺 渺 兮 吾 懷

望 美 人 兮 天 一 方.》

客 有 吹 洞 簫 者, 倚 歌 而 和 之 ; 其 聲 嗚 嗚 然, 如 怨, 如 慕, 如 泣, 如 訴, 餘 音 嫋 嫋 不 絕 如 縷. 舞 幽 壑 之 潛 蛟, 泣 孤 舟 之 嫠 婦.

蘇 子 愀 然, 正 襟 危 坐, 而 問 客 曰:

– 何 為 其 然 也 ?

客 曰:

– 月 明, 星 稀, 烏 鵲 南 飛, 此 非 曹 孟 德 之 詩 乎 ? 西 望 夏 口, 東 望 武 昌, 山 川 相 繆, 鬱 乎 蒼 蒼, 此 非 曹 孟 德 之 困 於 周 郎 者 乎 ? 方 其 破 荊 州, 下 江 陵, 順 流 而 東 也, 舳 艫 千 里, 旌 旗 蔽 空. 釃 酒 臨 江, 橫 槊 賦 詩. 固 一 世 之 雄 也, 而 今 安 在 哉 ? 況 吾 與 子 漁 樵 於 江 渚 之 上, 侶 魚 蝦 而 友 麋 鹿, 駕 一 葉 之 扁 舟. 舉 匏 尊 以 相 屬.寄 蜉 蝣 於 天 地. 渺 滄 海 之 一 粟, 哀 吾 生 之 須 臾, 羨 長 江 之 無 窮, 挾 飛 仙 以 遨 遊, 抱 明 月 而 長 終, 知 不 可 乎 驟 得, 託 遺 響 於 悲 風.

蘇 子 曰:

– 客 亦 知 夫 水 與 月 乎 ? 逝 者 如 斯, 而 未 嘗 往 也, 盈 虛 者 如 彼, 而 卒 莫 消 長 也. 蓋 將 自 其 變 者 而 觀 之, 則 天 地 曾 不 能 以 一 瞬 ; 自 其 不 變 者 而 觀 之, 則 物 與 我 皆 無 盡 也, 而 又 何 羨 乎 ? 且 夫 天 地 之 間, 物 各 有 主, 苟 非 吾 之 所 有, 雖 一 毫 而 莫 取. 惟 江 上 之 清 風, 與 山 間 之 明 月, 耳 得 之 而 為 聲, 目 遇 之 而 成 色, 取 之 無 禁, 用 之 不 竭, 是 造 物 者 之 無 盡 藏 也, 而 吾 與 子 之 所 共 適.

客 喜 而 笑, 洗 盞 更 酌, 肴 核 既 盡, 杯 盤 狼 藉, 相 與 枕 藉 乎 舟 中, 不 知 東 方 之 既 白.

TIỀN XÍCH BÍCH PHÚ

Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng. Tô Tử dữ khách phiếm chu, du ư Xích Bích chi hạ.

Thanh phong từ lai, thủy ba bất hưng, cử tửu chúc khách, tụng minh nguyệt chi thi, ca yểu điệu chi chương. Thiếu yên, nguyệt xuất ư đông sơn chi thượng, bồi hồi ư đẩu ngưu chi gian, bạch lộ hoành giang, thủy quang tiếp thiên. Túng nhất vĩ chi sở như, lăng vạn khoảnh chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ; phiêu phiêu hồ như di thế độc lập, vũ hóa nhi đăng tiên. Ư thị ẩm tửu lạc thậm, khấu huyên nhi ca chi. Ca viết:

«Quế trạo hề lan tương,

Kích không minh hề tố lưu quang.

Diểu diểu hề ngô hoài,[1]

Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương.»

Khách hữu xuy động tiêu [2] giả, ỷ ca nhi họa chi; kỳ thanh minh minh nhiên, như oán, như mộ, như khấp, như tố, dư âm niểu niểu bất tuyệt như lũ. Vũ u hác chi tiềm giao, khấp cô chu chi ly phụ.

Tô Tử tiễu nhiên, chính khâm, nguy tọa nhi vấn khách viết:[3]

– Hà vi kỳ nhiên dã?

Khách viết:

– Nguyệt minh, tinh hy, ô thước nam phi, thử chi [4] Tào Mạnh Đức chi thi hồ? Tây vọng Hạ Khẩu,[5] đông vọng Vũ Xương, sơn xuyên tương mục, uất hồ sương sương, thử phi Tào Mạnh Đức khốn ư Chu Lang giả hồ? [6] Phương kỳ phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng,[7] thuận lưu nhi [8] đông dã, trục lô thiên lý, tinh kỳ tế [9] không, sái tửu lâm giang, hoành sáo [10] phú thi, cố nhất thế chi hùng dã, nhi kim an tại tai? Huống ngô dữ tử ngư tiều ư giang chử chi thượng, lữ ngư hà nhi hữu mi lộc, giá nhất diệp chi biên chu, cử bào tôn dĩ tương chúc, ký phù du ư thiên địa, diểu thương [11] hải chi nhất túc, ai ngô sinh chi tu du, tiện trường giang chi vô cùng, hiệp phi tiên dĩ ngao du, bão minh nguyệt nhi trường chung, tri bất khả hồ sậu đắc, thác di hưởng [12] ư bi phong! [13]

Tô Tử viết:

– Khách diệc (bất) [14] tri phù thủy dữ minh nguyệt hồ? Thệ giả như tư, nhi vị thường vãng dã. Doanh hư giả như bỉ, nhi tốt mạc tiêu trưởng dã. Cái tương tự kỳ biến giả nhi quan chi, tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn; tự kỳ bất biến giả nhi quan chi, tắc vật dữ ngã giai vô tận dã, nhi hựu hà tiện hồ? Thả phù thiên địa chi gian, vật các hữu chủ, cẩu phi ngô [15] chi sở hữu, tuy nhất hào nhi mạc thủ. Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt, nhĩ đắc chi nhi vi thanh, mục ngộ [16] chi nhi thành sắc, thủ chi vô cấm, dụng chi bất kiệt, thị tạo vật giả chi vô tận tàng dã, nhi ngô dữ tử chi sở cộng thích.

Khách hỉ nhi tiếu, tẩy trản cánh chước, hào hạch ký tận, bôi bàn lang tạ, tương dữ chẩm tạ hồ chu trung, bất tri đông phương chi ký bạch.

» Tiền Xích Bích Phú - Thư pháp Tô Thức (trích đoạn)

... 余 懷 望 美 人 兮 天 一 方 客 有 吹 洞 簫 者 倚 歌 而 和

之 其 聲 嗚 嗚 然 如 怨 如 慕 如 泣 如 訴 餘 音 嫋 嫋 如 ...

BẢN DỊCH VĂN XUÔI CỦA PHAN KẾ BÍNH:

Ngoài rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất,(a) Tô Tử cùng với khách bơi thuyền chơi ở dưới núi Xích Bi. Hây hẩy gió mát sóng lặng như tờ. Cầm chén rượu lên mời khách, đọc bài thơ Minh Nguyệt và hát một chương Yểu Điệu.(b) Một lát, mặt trăng mọc lên trên núi Đinh Sơn, đi lững thững ở trong khoảng hai sao Ngưu, Đẩu. Khi đó, sương tỏa trên mặt sông, vẻ nước trong tiếp đến chân trời, tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ đi đâu thì đi, vượt qua trên mặt nước mông mênh muôn khoảnh. Nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không mà không biết là đi đến đâu; hớn hở sung sướng như người quên đời đứng một mình, mọc cánh mà bay lên tiên. Vì thế uống rượu vui lắm, rồi gõ vào mạn thuyền mà hát. Hát rằng:

  Thung thăng thuyền quế chèo lan,

 Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.

  Nhớ ai canh cánh bên lòng,

 Nhớ người quân tử (c) ngóng trông bên trời.

Trong bọn khách có một người thổi ống sáo, theo bài ca của ta mà họa lại. Tiếng sáo não nùng rền rĩ, như sầu như thảm, như khóc như than. Tiếng dư âm hãy còn lanh lảnh, nhỏ tít lại như sợi tơ chưa dứt. Làm cho con giao long (thuồng luồng) ở dưới hang tối cũng phải múa mênh, người đàn bà thủ tiết ở một chiếc thuyền khác cũng phải sụt sùi.

Tô Tử buồn rầu sắc mặt, thu vạt áo ngồi ngay ngắn mà hỏi khách rằng:

- Làm sao lại có tiếng não nùng làm vậy?

Khách đáp rằng:

- Câu «Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi» (nghĩa là trăng sáng sao thưa, quạ bay về nam), chẳng phải là câu thơ của Tào Mạnh Đức (d) [17] đó ru? Đương khi Tào Mạnh Đức phá Kinh Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt đông, tàu bè muôn dặm, cờ tán rợp trời; rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, đó thực là anh hùng một đời, mà nay thì ở đâu? Huống chi tôi với bác đánh cá kiếm củi ở trên bến sông này, kết bạn cùng tôm cá, chơi bời với hươu nai, bơi một chiếc thuyền nho nhỏ, nhắc chén rượu để mời nhau, gửi thân dù du (con vờ) ở trong trời đất [18] xem ta nhỏ nhặt như một hạt thóc ở trong bể xanh, thương cho sự sống của ta không bao lâu, mà khen cho con sông này dài vô cùng. Vậy mà muốn được dắt tiên bay để chơi cho sung sướng, ôm lấy vừng trăng tỏ mà sống mãi ở đời. Tôi biết không làm sao được như vậy cho nên nảy ra tiếng rầu rĩ ở trong cơn gió thoảng.»

Tô Tử nói:

- Vậy thế bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi [19] bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy, mà chưa từng thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà xem thì muôn vật cùng với ta đều không bao giờ hết cả. Cần gì phải khen đâu ! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy. Nếu không phải là của ta thì dẫu một ly ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông, cùng là vừng trăng sáng ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa, và là cái thú chung của bác với của tôi.»

Khách nghe vậy, mừng mà cười, rửa chén lại rót rượu uống lần nữa. Khi đồ nhắm hoa quả đã khan, mâm bát bỏ ngổn ngang, cùng nhau gối đầu ngủ ở trong thuyền, không biết vừng đông đã sáng bạch tự lúc nào.[20]

CHÚ THÍCH CỦA PHAN KẾ BÍNH

(a) Tức là năm thứ tư niên hiệu Nguyên Phong nhà Tống (1082).

(b) Chương Yểu Điệu là một chương ở thơ Minh Nguyệt trong Kinh Thi. Thơ ấy có ý chê người quyền thế, không ưa người hiền, mà chỉ ưa gái đẹp.

(c) Quân tử ở đây chỉ về những người cùng làm quan với mình trong trào, ý là nhớ bạn.

(d) Tào Mạnh Đức tức là Tào Tháo. Vì trông thấy cảnh Xích Bích, cho nên nhớ chuyện Tào Tháo đánh nhau với Chu Du.

» Xích Bích Phú - Thư pháp Triệu Mạnh Phủ (trích đoạn đầu)

 

BẢN DỊCH MỚI của Bác sĩ Nhân Tử NGUYỄN VĂN THỌ

Năm Nhâm Tuất mùa thu tháng bẩy,

Rằm đã qua, chiều lại bâng khuâng.

Dưới chân Xích Bích chập chùng,

Khách cùng Tô Tử thuận giòng chơi trăng.

Gió thu nhẹ linh lung khẽ thổi,

Sông như gương chẳng nổi sóng hoa.

Rượu ngon chuốc chén năm ba,

Hát cung «Yểu Điệu», ngâm thơ «Trăng Vàng».

Chẳng mấy chốc đông ngàn trăng ló,

Rẽ Đẩu Ngưu bỡ ngỡ đường mây.

Sương vương mặt nước tỉnh say,

Giòng sông trong vắt in mây lồng trời,

Thuyền một lá chơi vơi thỏa thích,

Nước muôn tầm xa tít mênh mông.

Nhẹ nhàng cưỡi gió tầng không,

Thuyền trôi nào biết vân mồng về đâu !

Lòng phơi phới ngỡ hầu thoát tục,

Tung cánh mơ phơ phất lên tiên.

Rượu ngon chếnh choáng hơi men,

Nhịp nhàng ta gõ mạn thuyền ta ca:

«Chèo lan nhẹ đẩy đưa thuyền quế,

«Khua ánh trăng ta rẽ nước mây.

«Nhớ ai canh cánh khôn khây,

«Nhớ người má phấn đó đây cách trùng.»

Khách có kẻ tay nâng ống sáo,

Theo lời ca mà tạo nên cung.

Trên sông tiếng trúc linh lung,

Như sầu như thảm não nùng oán than.

Trời mây nước âm vang phảng phất,

Nước trời mây hiu hắt dư ba.

Giao long động tối la đà,

Thuyền đơn gái hóa mắt lòa lệ châu.

Tô Tử bỗng rầu rầu nét mặt,

Sửa dung y, khoan nhặt gạn gùng:

Vì đâu thổi tiếng não nùng,

Cùng nhau xin cạn nỗi lòng tiêu sơ.

Khách mới đáp: «Sao thưa trăng sáng,

Mấy bóng ô lãng đãng về Nam.

Ấy thơ Mạnh Đức xưa làm,

Dư âm phất phưởng mơ màng đâu đây.

Đây có phải phía Tây, Hạ Khẩu,

Miền Đông kia phải dấu Vũ Xương?

Sông sâu núi biếc miên man,

Cỏ cây muôn khóm chứa chan sự đời.

Xưa Mạnh Đức tơi bời nghiêng ngửa,

Phải nơi đây vì lửa Chu Lang.

Hồi nào quân tướng băng băng,

Kinh Châu vừa phá, Giang Lăng đà vào.

Thuận giòng nước ào ào tuôn đến,

Ngất trời mây xao xuyến bóng cờ.

Chén vàng pha ánh trăng mơ,

Ngà say quay giáo ngâm thơ oai hùng.

Ấy hào kiệt lẫy lừng một thủa,

Xưa tung hoành, nay ở nơi đâu?

Còn ta ẩn dật giang đầu,

Ngư tiều cam phận dãi dầu hôm mai.

Lấy tôm cá hươu nai làm bạn,

Một thuyền con mấy bận cùng say.

Phù du phận gửi trời mây,

Chiếc thân hạt thóc há dầy trùng dương.

Ngán kiếp sống mau nhường gió thoảng,

Khen sông dài thảng đãng vô cùng.

Lòng ta những muốn vẫy vùng,

Sánh vai tiên tử ngàn trùng lãng du.

Ôm trăng sáng say sưa thoải mái,

Sống cùng trăng, sống mãi với đời.

Nhưng mơ chẳng thực với người,

Nên ta quyến gió thổi bài sầu than.»

Tô Tử đáp: «Kìa trăng nọ nước,

Nước kia trôi sau trước vẫn nguyên.

Trăng kia tròn khuyết đôi phen,

Mà nào có giảm có thêm bao giờ.

Từ biến chuyển nhìn ra trời đất,

Thì đất trời chớp mắt đã qua.

Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,

Muôn loài muôn vật như ta vô cùng.

Chi mà phải mất công khen ngợi,

Của cải đời chi vội bon chen.

Vật nào chủ nấy dĩ nhiên,

Của người tơ tóc chẳng thèm mảy may.

Duy gió mát tỉnh say mặt nước,

Duy trăng trong tha thướt đầu non.

Tha hồ tai ngóng, mắt nom,

Thanh âm sắc thái muôn muôn ngàn ngàn.

Đấy là cả kho tàng Tạo Hóa,

Tha hồ dùng, dùng đã ai ngăn.

Ấy kho vô tận vô ngần,

Chung nhau tôi bác quây quần hưởng vui.»

Khách nghe cạn, tươi cười hớn hở,

Nâng chén quỳnh uống nữa thêm vui.

Thịt thà hoa quả nhắm rồi,

Mâm mâm bát bát rơi bời ngổn ngang.

Chung gối ngủ trong khoang một giấc,

Trời hừng đông sáng quắc nào hay.

* Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ dịch

» Xích Bích Dạ Du - tranh Phó Bảo Thạch (cận đại)

CHÚ THÍCH

[1] Cổ Văn Quan Chỉ 古 文 觀 止 (có Chú âm phù hiệu từng chữ Hán suốt trọn quyển), Chính Ngôn xuất bản xã, Đài Bắc, 1960, tr. 510 và Cổ Văn Quan Chỉ, Đại Trung Quốc Đồ Thư Công Ty, Đài Bắc, 1959, tr. 320, đều chép là: «Diểu diểu hề hoài.» 渺 渺 兮 予 懷. Bản in trong Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, quyển 3, nxb Nguyễn Hiến Lê, Saigon 1956, tr. 27, cũng chép là «dư hoài» 予 懷.

[2] Cổ Văn Quan Chỉ bản 1959 chép chữ tiêu (bộ thảo 艹); bản 1960 và bản của Nguyễn Hiến Lê chép chữ tiêu (bộ trúc ). Tiêu là tiếng gió thổi (phong thanh 風 聲); tiêu  là nhạc khí làm bằng ống trúc (ống tiêu, ống sáo dọc); địch cũng là ống sáo 8 lỗ nhưng thổi ngang. Động tiêu 洞 簫 là thổi sáo dọc; do đó chữ tiêu trong bài phải đi với bộ trúc.

[3] Cách ngắt câu trên trong bản Nguyễn Hiến Lê. Nhưng hai bản Cổ Văn Quan Chỉ ngắt câu là: chính khâm nguy tọa, nhi vấn khách viết.

[4] Hai bản Cổ Văn Quan Chỉ và bản Nguyễn Hiến Lê đều chép là phi , không phải là chi.

[5] Hạ Khẩu tức là Hán Khẩu 漢 口, nay là tên huyện, nằm phía tây của huyện Vũ Xương.

[6] Bản dịch Phan Kế Bính dịch thiếu ý: «Sơn xuyên tương mục, uất hồ thương thương, thử phi Tào Mạnh Đức chi khốn ư Chu Lang giả hồ?» (sông núi vờn quanh, cây cỏ xanh xanh um tùm; đây chẳng phải là nơi Tào Tháo bị Chu Du vây khổn hay sao?)

[7] Nay là huyện Giang Lăng ở tỉnh Hồ Bắc.

[8] Nguyên bản là nhi , không phải là chi.

[9] Đọc là tế, không đọc là tệ như Nguyễn Hiến Lê đã phiên âm. Tế, âm Bắc Kinh là /bì/: che đậy, bao trùm.

[10] Khang Hi tự điểnThuyết Văn Giải Tự phiên thiết là: sở giác 所 角, sắc giác âm sóc 色 角 音 朔 ; vậy chữ này đọc là sác hay sóc, không đọc là sáo. Âm Bắc Kinh của /shuò/, nghĩa là giáo dài (trường mâu 長 矛 ).

[11] Đọc là thương, không đọc là sương. Thành ngữ «Thương hải tang điền.» 滄 海 桑 田.

[12] Đọc là hưởng, không phải là ưởng.

[13] Đây là trọn lời nói của khách, không nên ngắt câu xuống hàng, tạo thành hai đoạn mở đầu là «Phương kỳ …» và «Huống ngô…» như bản Nguyễn Hiến Lê.

[14] Bản Nguyễn Hiến Lê chép thêm chữ bất ở phần phiên âm, nhưng phần chữ Hán kèm theo thì không có. Hai bản Cổ Văn Quan Chỉ đều không có chữ bất này. Nguyên văn chữ Hán là: «Khách diệc tri phù thủy dữ nguyệt hồ.»

[15] Hai bản Cổ Văn Quan Chỉ đều chép là ngô , bản Nguyễn Hiến Lê chép là ngã . Trọn bài phú, tác giả đều xưng hô là ngô tử. Như vậy chép là ngã sẽ không nhất quán, mặc dù ngôngã đồng nghĩa. Thực sự, trong bản thư pháp của Tô Thức thì chép là .

[16] Hai bản Cổ Văn Quan Chỉ đều chép là ngộ , bản Nguyễn Hiến Lê chép là ngụ .

[17] Chỗ này dịch thiếu (chú thích của Nguyễn Hiến Lê).

[18] Chỗ này ấn công cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu (1950) in hoặc sai chăng? Như vầy có lẽ đúng hơn: «gởi thân phù du ở trong trời đất, nhỏ nhặt như một hạt thóc ở trong bể xanh.» (chú thích của Nguyễn Hiến Lê).

[19] «Vị thường vãng dã» nên dịch là: «chưa từng hết bao giờ» thì có phần rõ nghĩa hơn. (chú thích của Nguyễn Hiến Lê).

[20] Phiên âm, chú giải và bản dịch của Phan Kế Bính đều trích trong quyển Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, quyển 3, từ trang 27 đến 33, của Nguyễn Hiến Lê. Nguyễn Hiến Lê cũng trích dẫn Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm, ấn bản 1950; mà Dương Quảng Hàm trích bài dịch này từ Đông Dương Tạp Chí, lớp mới, số 63. Sách của Dương Quảng Hàm chỉ có bài dịch, không có phần chữ Hán và phiên âm hán Việt bài phú này.