Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 ? - 1791)

»» NGHIÊN CỨU VỀ Y THUẬT CỦA LÃN ÔNG

                    

Hải Thượng Lãn Ông là tên hiệu của Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân), một nho gia và danh y Việt Nam vào cuối đời Hậu Lê. Ông sinh năm 1720 (?), người xã Liêu xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc phủ Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Về năm sinh của ông, các sách ghi không thống nhất: Gia phả ghi ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (tức 27-12-1724). Các tài liệu khác thì chép năm sinh là 1720 hay 1721.

Ông thuộc một gia đình có nhiều đời đỗ đạt. Cha và chú đều đỗ tiến sĩ và làm quan đến đại thần. Lúc còn trẻ, ông đã nổi tiếng hay chữ. Đến năm 20 tuổi, ông xếp bút nghiên để tòng quân. Đang ở trong quân ngũ, ông phải về quê ngoại là xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, trấn Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh) để phụng dưỡng mẹ già. Tại Hương Sơn, ông nghiên cứu y học, trở thành một y sư danh tiếng. Ông mở trường dạy học và trước tác bộ sách y khoa đồ sộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh. Năm 1782, ông được quan Chính Đường (Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên Phi Đặng Thị Huệ). Tuy việc chữa bệnh không thành, ông đã phải ở kinh đô trong khoảng một năm. Sau khi về Hương Sơn, ông ghi lại những điều mắt thấy tai nghe tại kinh đô trong tác phẩm Thượng Kinh Ký Sự.

Bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 66 quyển, biên soạn trong 40 năm, là bộ bách khoa thư về y học của Việt Nam vào thế kỷ XVIII. Ngoài giá trị khoa học, bộ y điển này còn có giá trị văn học đáng kể. Y huấn cách ngôn của ông là 9 câu cách ngôn về y đức, thể hiện tấm lòng cao cả của một thầy thuốc. Y dương án Y âm án là hai tập bệnh án, nhưng đồng thời chúng đã toát lên những sinh hoạt của xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII. Bên cạnh đó, tập bút ký Thượng Kinh Ký Sự đã mô tả hiện thực đời sống tại kinh đô thời bấy giờ.


Tham khảo: Từ điển Văn Học, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, tr.382-383