MẠN ĐÀM VỀ
VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

V
ấn đề giáo dục và vấn đề văn hóa có liên quan mật thiế với nhau, nên đã bàn về
văn hóa tất nhiên phải đề cập đến giáo dục; ngược lại, đã đề cập đến vấn đề giáo
dục tất nhiên phải đề cập đến vấn đề văn hóa.
Văn hóa và giáo dục có
thể nói được là hai chiều, hai mặt của một vấn đề.
I. SO SÁNH
MỘT VÀI ĐỊNH NGHĨA VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC
Văn hóa có thể hiểu
được là lề lối sống riêng biệt của một dân tộc, với tất cả những gì hay, đẹp của
nó, từ tín ngưỡng, tâm tư, tư tưởng, đến cách tiếp nhân, xử thế thường nhật.
Một trong những mục
phiêu của nền giáo dục làcho dân con hấp thụ được những cái hay, cái đẹp của
truyền thống văn hóa ấy.
Văn hóa cũng có thể
hiểu được là sự đào luyện con người để con người trở nên thanh lịch.
Mục đích chính yếu của
một nền giáo dục chân chính thực ra cũng phải như vậy.
Cũng vì thế mà trong
tiếng Đức chữ Bildung, trong tiếng Hi Lạp chữ Padeia, vừa có nghĩa
là văn hóa vừa có nghĩa là giáo dục.
Văn hóa cũng có nghĩa
là nỗ lực để vươn tới Chân, Thiện, Mỹ.
Giáo dục cũng chính là công trình đoàn luyện con ngưới, để giúp họ tiến tới
Chân, Thiện, Mỹ.
II. THỜI NAY VẤN ĐỀ VĂN
HÓA, GIÁO DỤC TRỞ NÊN PHỨC TẠP
Ngày xưa, vấn đề giáo
dục tương đối dễ, vì văn hóa trong một nước thuần nhất, không bác tạp, pha phách
như ngày nay. Đàng khác, những đòi hỏi về vật chất, ngoại cảnh cũng không cấp
bách như ngày nay.
Ngược lại, ngày nay
chúng ta đang sống trong một thời kỳ hết sức phức tạp, văn hóa Đông Tây tranh
giành ảnh hưởng với nhau; những đòi hỏi của hoàn cảnh và thời thế nhiều khi trở
nên hết sức cấp bách, vì thế nên các bậc thức giả có trách nhiệm lèo lái đường
hướng văn hóa giáo dục nhiều khi cũng đâm rối rít, không còn biết xoay sở ra
sao, không biết nên theo Đông hay theo Tây cho đúng điệu.
Sự băn khoăn, thắc mắc
ấy đã được thể hiện trong thực tế bằng những khuynh hướng văn hóa hết sức khác
biệt nhau.
Nhìn bao quát đường
hướng văn hóa giáo dục ở các nước Đông Á trong khoảng 40-50 năm gần đây, ta thấy
có 4 phong trào chính yếu sau đây:
1. Phong trào
phục hưng các giá trị văn hóa cổ truyền,
hoặc Phật giáo, hoặc
Khổng giáo, hoặc tam giáo (Nho, Thích, Lão).
2. Phong trào
dung hòa Âu Á.
Phong trào này đề xướng cần phải theo văn hóa Á Châu trên bình diện tinh thần và
khoa học, kỹ thuật Âu Châu trên bình diện vật chất, khẩu hiệu là
«Á đạo, Âu thuật».
3. Phong trào
thoát Á, nhập Âu.
Phong trào này nhất quyết theo văn minh Âu Châu, gạt bỏ hẳn mọi nền văn hóa Á
Châu mà họ cho là lạc hậu.
Ở nước ta, Hoàng Đạo
đã có thời kỳ cổ súy phong trào này trong quyển Mười điều tâm niệm.
4. Phong trào
tuyên truyền và cổ súy chủ nghĩa Mác-xít.
Phong trào này đả kích
hết mọi nền văn hóa Á Âu khác, chỉ suy tôn có nền văn hóa Mác-xít.
Ở Việt Nam chúng ta
ngày nay, lớp người đứng tuổi và các bậc lão thành đều muốn phục hồi lại những
giá trị tinh thần cố hữu của dân tộc, còn thanh niên thì đa số chạy theo nền văn
minh Âu Mỹ.
Ông Tam Điểm trong bài
Kết luận cuộc vận động Phật giáo đăng trong Đất Nước số 5, tháng 6
và 7 - 1968, đã viết:
«Đầu
óc chúng ta đã thay đổi lối suy nghĩ và sự thay đổi nhiều khi cực đoan đến chỗ
chúng ta chủ trương đoạn tuyệt quá khứ, xưng tụng theo mới, hoàn toàn theo
mới. Các ý niệm Tây phương đã thay thế các ý niệm cổ truyền một cách toàn
diện: đối với đa số thanh niên đô thị, không có vấn đề phê bình văn minh Tây
phương, chỉ có vấn đề ồn ào bắt chước, cóp nhặt, theo đuổi. Trong giới trí thức,
tiêu chuẩn của sự tiến bộ và khác biệt là sự học đòi Tây-Mỹ sớm hay muộn, cái
mới nhất hay cái cổ điển nhất. Người ta đặt những câu hỏi đại loại: Dân chủ kiểu
Mỹ hay kiểu Pháp, phát triển kiểu Nhật hay kiểu Nga. Không ai có thể nghĩ đến
một kiểu Việt Nam.»
Đó là một nhận định
đáng buồn nhưng không xa thực tế là bao.
III. MUỐN LÀM VĂN HÓA GIÁO
DỤC CẦN PHẢI BIẾT NHỮNG ĐỊNH LUẬT CHI PHỐI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Đứng trước một thực tế
phiền tạp như vậy, việc trước tiên của chúng ta là phải có một cái nhìn bao
quát, sáng tỏ về văn hóa và giáo dục, nhiên hậu mới tìm ra được một đường lối
thích đáng.
Các nền văn hóa
xưa và nay
-
kể cả các đạo giáo và các nền triết học
-
chung qui chỉ có mục đích dạy ta:
-
Làm thần minh, làm thánh hiền, tiên, phật (Dei cultura hay Dei cultus).
-
Làm người (Animi cultura hay animi cultus).
-
Làm ăn (Agri cultura hay agri cultus).
Muốn làm thần minh,
làm thánh hiền, phải biết luyện thần, phải sống một cuộc đời siêu phàm, thoát
tục. Vấn đề này dĩ nhiên là khó, và xưa nay chỉ có một số rất ít người theo được
mà thôi.
Còn lại hai vấn đề:
Làm người và làm ăn.
-
Muốn làm người cho xứng đáng với danh hiệu làm người, cần phải luyện tâm, luyện
trí.
Luyện tâm để trở nên
người thanh lịch, khoan quảng, hòa nhã, liêm minh, nghĩa khí, biết tiếp nhân xử
kỷ cho phải đạo làm người.
Luyện trí để trở nên
thông minh, tinh tế, biết nghĩ, biết suy, biết đàng đối phó với hoàn cảnh cho
hay cho phải.
-
Muốn làm ăn cần phải biết nghề nghiệp, biết cách khai thác ngoại cảnh. Đó là mọi
phương tiện để kiếm ăn, kiếm tiền, ngõ hầu có một đời sống vật chất khả quan.
Muốn dạy người làm ăn,
chỉ cần huấn luyện khối óc và đôi tay họ.
Do đó có tác giả đã
tóm tắt chương trình giáo dục như sau:
-
Giáo dục con tim.
-
Giáo dục khối óc.
-
Giáo dục đôi tay.
Ngoài ra, văn hóa cũng
như giáo dục đều dựa vào niềm tin này là:
-
Con người có mầm mộng hoàn thiện; nói cách khác, con người có thể trở nên hoàn
thiện.
-
Con người muốn trở nên hoàn thiện phải được dạy dỗ và biết cách tu luyện, cũng
như viên ngọc có được dũa mài mới trở nên giá trị, đẹp đẽ.
Chung qui, văn hóa và
giáo dục cốt là đưa con người lên tới chỗ tinh hoa, hoàn thiện, hạnh phúc.
Nhưng trước khi đạt
tới mục phiêu tối hậu ấy, con người phải giải quyết một cách ổn thỏa được mọi
vấn đề:
+ cơm áo.
+ thích ứng với hoàn
cảnh, chế ngự được ngoại cảnh.
+ thích ứng được với
tha nhân: hòa đồng, cộng tác được với tha nhân trong một xã hội công bình, bác
ái, có tổ chức, và phải có:
+ một xác thân tráng
kiện.
+ một khối óc mẫn
tiệp.
+ một con tim thanh
lịch, hào hùng, bao dung, khoan quảng.
+ một tâm thần hư
linh, bất muội.
Tóm lại, nhà văn hóa,
giáo dục phải giúp cho con người:
1. Thích ứng được với
hoàn cảnh.
2. Tiến hóa để đi đến
lý tưởng, đến Chân, Thiện, Mỹ.
Khi chúng ta đã nắm
vững được những đường hướng văn hóa xưa nay là như vậy rồi, những định luật chi
phối đời sống con người cũng như sự tiến hóa con người rồi,ta liền trông thấy
mục đích của các nền giáo dục xưa nay.
IV. NỀN GIÁO DỤC XƯA VÀ
MỤC ĐÍCH CỦA NÓ
Nền giáo dục xưa của
Đông cũng như Tây cốt là đào tạo con người để họ trở nên những mẫu người quân
tử, những con người thanh lịch, những con người có khả năng lãnh đạo quốc gia.
A. Nền giáo dục xưa ở Á
Châu (Khổng giáo)
Xét công trình Khổng
giáo xưa, ta thấy nó cốt dạy con người:
-
Biết đạo lý.
-
Biết ý nghĩa cuộc đời.
-
Biết cách đào luyện tâm tyrí, tu dưỡng tinh thần, trau dồi nhân cách.
-
Tóm lại, cải thiện, cải hóa tâm thần để đi đến tinh hoa cao đạo.
Vì thế, chữ giáo
thường đi đôi với chữ hóa.
Thoán Truyện quẻ Mông
viết:
«Ta
đây dạy dỗ mầm non,
Cốt là nuôi
dưỡng, bảo tồn tinh hoa.
Khải
mông, dưỡng chính bôn ba,
Dưỡng nuôi
chính khí mới là thánh công.»
Đức Khổng xưa dạy học
trò cũng không ngoài mục đích đó. Vì thế, ngài không dạy nghề làm ruộng, làm
vườn (Luận Ngữ, 13-4) không dạy cách cầm quân đánh giặc (Luận Ngữ,
15) mà chỉ chuyên dạy cách làm người, làm thánh hiền (Luận Ngữ, 19-7).
Nói theo từ ngữ bây
giờ, ngài không dạy khoa học, kỹ thuật , binh bị, mà chỉ dạy chính trị, triết
lý, luân lý, đạo lý.
Mục đích của công
trình giáo dục ấy đã nhiều lần được trình bày trong Luận Ngữ.
Luận Ngữ
viết:
«Bá
công có hành nghề mới nên công. Quân tử có học vấn mới thấu triệt đạo lý.»
(Luận Ngữ, 19-7)
Và ngay nơi
chương đầu sách, Luận Ngữ cũng cho ta biết rõ ràng về mục đích của sự học
đời xưa: «Học
cốt là để biết hiếu đễ, cẩn tín, yêu người, trọng đức, chứ không phải chỉ học
văn chương suông.»
(Luận Ngữ, 1-6)
«Học
cốt là để biết cách ăn ở cho vẹn hiếu, vẹn trung, vẹn tình, vẹn nghĩa.»
(Luận Ngữ, 1-7)
Khổng giáo xưa dùng
Lục Kinh để giáo hóa:
* Dùng Kinh Thi để dạy
cho con người có hồn thơ, biết yêu đời, biết sống ôn nhu, đôn hậu.
* Dùng Kinh Nhạc để
dạy con người hiểu xa biết rộng, biết phóng tầm mắt nhìn được về cả một quá vãng
xa xăm.
* Dùng Kinh Dịch để
dạy cho con người biết sống khiết tịnh, tinh vi, tế nhị, biết thích ứng với hoàn
cảnh và thời thế.
* Dùng Kinh Lễ dạy cho
con người biết sống khiêm cung, cần kiệm lễ độ, biết kính trên nhường dưới, để
xã hội đi đến chỗ đại hòa đại thuận.
* Dùng Kinh Xuân Thu
để dạy cho con người có óc phán đoán tinh tế.
Sách Chu Quan
cho rằng giáo dục xưa cốt dạy người:
+ Lục đức:
. Trí (trí
huệ, khôn ngoan)
. Nhân
(nhân đức, bác ái)
. Thánh
(thánh thiện)
. Nghĩa
(nghĩa lý, cư xử đúng theo nghĩa lý, nhiệm vụ và lý tưởng)
. Trung
(sự hoàn thiện)
. Hòa (sự
thanh thản quân bình, hòa hợp tự nhiên)
+ Lục hạnh:
. Hiếu
(hiếu thảo đối với cha mẹ)
. Hữu (vẹn
tình bè bạn)
. Mục (hòa
thuận với mọi ngưới)
. Nhân
(vẹn nghĩa họ hàng)
. Nhâm
(thành khẩn, có tinh thần trách nhiệm)
. Tuất
(biết thương xót người)
+ Lục nghệ:
Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số
. Học Lễ
tức là học những phương thức, qui mô để sống một đời sống xứng đáng.
. Học Nhạc
cho tâm thần trở nên trang nhã, hồn nhiên, sống cảm thông, hòa hợp được với vũ
trụ và tha nhân.
. Học Xạ
(bắn cung) để tập cho tâm thần được trở nên chính trực, biết tập trung, khỏi tản
mạn.
. Học Ngự
(đánh xe) để tập cho con người bình tĩnh, và biết điều hòa các động tác cho khéo
léo.
. Học Thư
(sách vở) tức là học văn chương, nghĩa lý, đạo lý.
. Học toán
số là học cho biết tính toán, suy luận.
Như vậy cái học xưa
của Á Đông là học hỏi để làm thánh hiền. làm chính nhân quân tử.
Ta có bài hát ru em
cũng phản ảnh được phần nào tinh thần và đường lối ấy. Nó bắt đầu như sau:
«Hạ
hơi hơi, hạ hời hời,
Học là
học đạo làm người,
Làm người phải
biết lẽ trờidám sai.
Làm
trai cho đáng nên trai,
Chớ đừng đi
nghịch cho phai lòng vàng…»
Trình Tử bình luận về
mục đích rốt ráo của sự học người xưa như sau:
«Người
thường (thường nhân) phải học hỏi để tiến dần từ bên ngoài vào nội tâm. Học cốt
để biết tâm mình, biết đường lối tâm hồn phải noi theo, rồi ra sẽ hết sức noi
theo đường lối ấy cho đến kỳ cùng, thế gọi là đi từ biết đi đến hoàn thiện. Cho
nên học cần phải «Tận kỳ tâm, tri kỳ tính», rồi ra mới cố gắng thực hiện
được sự hoàn thiện và nên danh thánh nhân vậy…»
B. Nền giáo dục xưa ở Âu
Châu
Đường hướng giáo dục ở
Âu Châu từ thời Trung Cổ cho đến thế kỷ XIX cũng muốn đoàn luyện con người, cho
họ trở thành những mẫu người lý tưởng, cho họ hấp thụ được những cái hay, cái
đẹp của tiền nhân. Học văn chương, văn học (humanisme, humanités) chính là học
lấy tinh hoa nhân loại (humanité).
Âu Châu thời Trung Cổ
có:
+ Tam khoa
(Trivium):
.
Văn phạm (Grammaire)
. Hành văn
(Rhétorique)
. Biện
luận (Dialectique)
+ Tứ thuật
(Quadrivium):
. Nhạc
(Musique)
. Toán học
(Arithmétique)
. Hình học
(Géométrie)
. Thiên
văn (Astronomie)
Cho đến một thời gian
gần đây, chương trình Trung học còn là như sau:
- 3 hay 4 năm học Văn
phạm (Classes de grammaire)
- 1 năm Văn chương
(Classe d’humanités)
- 1 năm học hành văn
diễn thuyết (Classe de Rhétorique)
Tựu chung, mục đích
giáo dục của người Âu Châu xưa cũng là đào tạo cho dân con trở nên những người
biết ăn, biết nói, biết suy luận; biết thưởng thức cái hay, cái đẹp; biết nghĩa
lý đạo đức; biết đường tiếp nhân xử kỷ, trở nên tinh hoa nhân loại.
Có cái lạ là bên Đông
cũng như bên Tây, xưa chỉ dạy dân cho nên người, chứ không dạy dân làm thầy, làm
thợ; chỉ chú trọng đến văn hóa, nghệ thuật, mà sao nhãng khoa học, kỹ thuật.
Như vậy, giáo
dục xưa thiếu hẳn vấn đề hướng nghệ, huấn nghệ. Vả lại, tuy rằng mới đầu mục
đích được đặt ra là học nghĩa lý, học đạo lý, học làm người, như người ta thường
nói: «Tiên
học lễ, hậu học văn.»
nhưng dần dà từ chương lấn át nghĩa lý. Người ta đi học để làm quan hay
để biết làm thơ phú, biết ngâm thơ, vịnh nguyệt, v.v. Lỗi lầm này theo đà thời
gian, cả Đông lẫn Tây đều mắc phải.
Thay vì học để làm
người, người ta học để làm quan. Bài hát ru em của ta cũng có một
đoạn như sau:
«Ngoan,
ngoan, ngoan thực là ngoan,
Bé cần học, lớn
làm quan,
Khắp triều chu tử
[23]
đều làng Thi Thư.
Chèo thuyền đến
bến thày Chu,[25]
Bút nghiên là dấu
võng dù cân đai,
Rõ bảng rõ bài,
Tranh khôi
đoạt giáp dễ nhường ai…»
(Hát ru em)
Chu Hi xưa cũng đã sớm
nhận thấy sự sa đọa ấy. Ông viết:
«Từ
khi phép học để trở nên thánh hiền không còn được truyền tụng, các học giả không
biết đến lý do của sự học, mà chỉ học từ chương, học chú thích, học thuộc lòng.
Do đó sách vở ngày một nhiều, mà nghĩa lý ngày càng mờ tối, học hành ngày một
vất vả mà tâm hồn ngày một phóng đãng; văn chương ngày một cao mà thực hành,
trau dồi đức hạnh ngày một hết.»
Chính vì thế mà ở Âu
Châu, từ thế kỷ XIX; ở Á Đông từ khi ta bị lọt vào vòng thống trị của Âu Châu,
người ta bắt đầu chỉ trích nền giáo dục cũ.
Người ta cho nó là hẹp
hòi, chỉ đào tạo nên được một số quyền chức, chứ không phổ cập đến toàn dân. Lý
do là vì muốn học những «tử ngữ» như La Tinh, Hi Lạp, Hán Văn, người ta
phải mất nhiều năm mới mong đọc nổi sách thánh hiền, đọc nổi sách về tư tưởng.
Người ta cho nó là
viễn dụng, không thực tế và cho rằng học xem Khổng Tử, xem Cicéron nói gì không
ích lợi bằng xem một cái máy quay ra sao.
Người ta cũng cho rằng
nền giáo dục cũ làm đình đốn sự tiến bộ của đất nước, vì chỉ tạo nên được những
người nỏ mồm, bẻm mép chứ không tạo nên được những nhân tài thực sự.
Dĩ nhiên là những lời
phê bình chỉ trích ấy có nhiều chỗ quá đáng và sai lạc, nhưng chúng đã đảo lộn
được chiều hướng giáo dục và đã đưa tới nền giáo dục ngày nay.
V. NỀN GIÁO DỤC NGÀY NAY
VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NÓ
Ngày nay nền giáo dục
đã chuyển hướng hoàn toàn. Giáo dục ngày nay hoàn toàn chú trọng đến khoa học,
kỹ thuật, kinh tế, thương mại, luật pháp mà sao nhãng triết lý, văn chương, đạo
đức.
André Piettre trong
bài Những dịp may của một nền văn hóa mới trong quyển Recherches et
Débats số 14 đã viết như sau:
«Xưa
kia người ta thiên về tinh thần. Xác chất đối với người xưa chẳng qua là nấm mồ,
theo lời Platon, và văn hóa chỉ chú trọng đến tinh thần. Ngày nay có thể nói: sự
đời đã đảo ngược. Khoa học vật lý và các kỹ thuật vật chất đã toàn thắng.»
Ngày nay người ta huấn
luyện khối óc, huấn luyện đôi tay thì rất tài, mà huấn luyện con tim thì quá dở.
Nói cách khác, nền
giáo dục hiện đại chỉ tạo nên được những chuyên viên, chứ không đào tạo nên được
những người có đức hạnh thực sự.
Đàng khác, học đường
thay vì là những nơi đào luyện tâm thần, đã trở nên những trung tâm kinh tế,
kinh doanh thực sự.
Ngày nay ở các trường,
người ta thường dạy những điều thực tiễn, thực dụng như sinh ngữ, toán học, khoa
học mà quên mất phần đức dục. Môn công dân có dạy cũng là dạy cho lấy lệ.
Về văn học thường chỉ
học từ chương, thi phú, bút pháp, văn pháp, mà quên hẳn dạy dỗ những nghĩa lý
cao xa.
Người ta cũng dứt
khoát gạt ra ngoài phạm vi học đường ảnh hưởng thần quyền, giáo quyền, v.v. để
tránh sự thao túng của Giáo Hội.
Tóm lại, nền giáo dục
hiện tại trên thế giới chỉ có khuynh hướng kỹ thuật và thực dụng mà thôi.
Nhờ lối giáo dục mới
này, mà các vấn đề cơm áo, nhà cửa, bệnh hoạn và các nhu cầu thường nhật của
quần chúng được cải thiện.
Nhưng ngược lại, tinh
thần con người trở nên sa sút. Con người dần dần quên đạo đức, nghĩa lý mà chạy
theo lợi lộc công danh.
Trong số báo
Time ngày 2-8-1968, ông Robert M. Hutchins, Giám đốc Trung tâm khảo cứu các
thể chế dân chủ, cho rằng:
«Cái
lối học hướng nghiệp ngày nay kết quả sẽ làm cho con người trở nên nô lệ của
hoàn cảnh.»
Ông cũng cho rằng
người ta đã lẫn lộn không còn phân biệt được thế nào là huấn nghệ, thế nào là
giáo dục.
Sự nhận xét sau thật
chí lý. Ngày nay người ta đã mập mờ đánh lận con đen: huấn nghệ thời kêu bằng
giáo dục; dạy từ chương, văn pháp thời lại tưởng là truyền bá lễ nghĩa, đạo đức…
Ở học đường đã vậy, ở
gia đình con cái lại cũng không được mục kích những gì gọi là cao siêu.
Cha mẹ thời đầu tắt
mặt tối, suốt ngày đi lo kiếm tiền, không còn có thì giờ dạy dỗ con cái. Ấy là
chưa kể đến những cảnh cha mẹ rượu chè, cờ bạc, trai gái bê tha, ghen tuông lục
đục với nhau. Như vậy hỏi làm sao mà con cái có thể trở nên cao siêu cho được ?
Ở ngoài xã hội,
những sách vở đứng đắn thì ít, mhảm nhí thì nhiều, các văn nghệ sĩ đua nhau
«ẩn
thiện, dương ác»
cho nên những ảnh hưởng hay thời ít, mà ảnh hưởng dở thời nhiều.
Đàng khác, đi học, khi
đã có mảnh bằng; đi làm, khi đã có địa vị khả quan, lương bổng hẳn hoi rồi, thì
ít ai muốn học hỏi cầu tiến thêm nữa.
Hơn nữa, cái tuổi mà
người ta cần được giáo dục, huấn luyện lại về đạo đức, cái tuổi mà người ta cần
phải hồi tâm suy tư về ý nghĩa cuộc đời, tức là cái tuổi từ 40 trở đi, thì lại
là cái tuổi dùng để hưởng thụ.
Cho nên những chếch
mác dở dang hiện nay có trong xã hội, không qui trách nhiệm nguyên cho chính
quyền, cho học đường, mà còn cho những cha mẹ thiếu bổn phận, cho các bậc mệnh
danh là lãnh đạo tinh thần mà không hiểu lãnh đạo tinh thần là thế nào; cho
những văn nghệ sĩ chuyên khơi thị dục, thị hiếu của quần chúng; cho mỗi một
người chúng ta vì đã thiếu sáng suốt, thiếu phán đoán, thiếu học hỏi, thiếu cố
gắng.
VI. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI
Như thế, ta thấy rằng
nền giáo dục xưa và nay đều có cái hay cái dở.
- Chú trọng tinh thần
thì vật chất đình đốn.
- Chú trọng vật chất
thì tinh thần suy đồi.
Vì thế nên ngày nay
chúng ta cần phải có một nền văn hóa và giáo dục toàn diện, gồm cả hai phần tinh
thần vật chất với sự đóng góp của chính quyền, của học đường, của gia đình, và
của cá nhân.
Cổng trường Trung học
Trương Vĩnh Ký Saigon có một câu đối chữ Nho rất có ý nghĩa:
«Khổng
Mạnh cương thường tu khắc cốt,
Tây Âu khoa
học yếu minh tâm.»
(Khổng Mạnh cương
thường nên tạc dạ,
Tây Âu khoa học phải
ghi lòng.)
Dẫu sao đi nữa, thì
mục đích chính yếu của giáo dục phải là:
1. Luyện tâm.
2. Luyện trí.
3. Huấn nghệ.
Muốn luyện tâm và trí,
con người nhất định là phải dùng văn học. Văn học đây có một nghĩa rất rộng:
«Văn
là thay lời nói, ghi chép hết thảy sự vật, nghĩa lý. Học là gồm cả các tư tưởng,
học thuật, tinh thần, khí phách của một dân tộc, một văn hóa.»
Tuy nhiên, từ chương
phải nhường bớt chỗ cho nghĩa, lễ.
Những gương anh hùng,
liệt sĩ, những gương trung hiếu, tiết nghĩa phải được soạn thành những bài tập
đọc, những bài luận thuyết, hoặc biên thành ca, phổ thành nhạc để dạy cho con em
từ khi chúng bước chân vào chốn học đường. Ngoài ra, cũng nên tưởng thưởng cho
những học sinh anh dũng, tiết tháo, nết na, đức hạnh, cũng như là những học sinh
học hành xuất sắc vậy.
Muốn huấn nghệ, thời
dạy kỹ thuật cho dân con, cho họ có nghề có nghiệp, có tinh thần khoa học, biết
quan sát, biết suy tu, biết tổ chức sáng chế, v.v.
Huấn nghệ có cao có
thấp. Cao thời dạy nơi các đại học, thấp thời dạy nơi các trường huấn nghệ thông
thường. Những trường sau này càng nhiều càng tốt.
Đồng thời cũng nên có
những trường hải, nông, lâm, súc trung đẳng ở nhiều nơi trong nước, không
những là để đào tạo cán bộ, mà còn là để trực tiếp dạy dân biết cách trồng tỉa,
chăn nuôi, khai thác hải sản, lâm sản thế nào cho có hiệu quả nhất.
Trong công cuộc giáo
dục, điều cần yếu khác là tuyển lựa các giáo sư, giáo chức. Trong sự tuyển lựa
này, phải để ý đến cả hai phương diện tài năng và đức độ.
Song song với
các tổ chức học đường cũng cần phải để tâm phát triển các thư viện. Các thư viện
cần phải được tổ chức cho qui mô, tập trung được nhiều sách giá trị về văn học,
nghệ thuật, tư tưởng, khoa học, v.v. Sách vừa được đọc tại chỗ, vừa có thể cho
mượn về nhà
-
nếu không phải là loại sách quá hiếm
-
với số tiền cược ít là gấp rưỡi giá tiền sách, để tránh sự mất mát.
Lại cũng có những
trung tâm văn hóa bình dân như Malraux đã cho thành lập ở nhiều tỉnh bên Pháp để
phổ biến văn hóa, nghệ thuật cho những người ít học; phát giác nhân tài, khuyến
khích sáng tác.
Ngoài ra chính phủ
cũng nên lập ra những trung tâm nghiên cứu, hoạch định ra những chương trình để
cho các nhà văn hóa, khoa học nghiên cứu, khảo sát, phát minh.
Các quốc gia tân tiến
ngày nay đều có những chương trình như phát minh nguyên tử, thí nghiệm không
gian, du hành nguyệt cầu, những viện nghiên cứu y học, khoa học, những trung tâm
khảo cứu văn học như cơ quan Unesco, hoặc phân khoa văn hóa đặc biệt như ở các
trường đại học Harvard, Hawað, Sorbonne, v.v.
Nếu giàu sang hơn một
chút nữa, thời cũng nên có những cơ quan phổ biến văn hóa, nghệ thuật của nước
mình ra nước ngoài. Đó là chuyện mà các cường quốc đã làm từ 1919. Pháp đi tiên
phong, rồi đến Đức đến Nhật. Năm 1925, Nga cho thành lập cơ quan văn hóa quốc
ngoại. Năm 1934, Anh cho thành lập British Council. Năm 1938, Mỹ cũng cho thiết
lập cơ quan để cộng tác văn hóa với các nước.
Cơ quan văn hóa quốc
tế Unesco, thành lập tháng 11-1946 và đã có hơn 30 quốc gia hội viên, cũng là
một cơ quan văn hóa mà quốc gia ta nên tham dự. Unesco nhận định như sau:
«Vì
chiến tranh bắt đầu từ tâm hồn con người, nên công cuộc bảo vệ hòa bình cũng
phải được xây dựng từ trong tâm hồn con người. Xưa nay, trong suốt quá trình
lịch sử nhân loại, các dân tộc nghi kỵ lẫn nhau, chính là vì đã không hiểu biết
lề lối sống của nhau.
«Phổ
biến văn hóa cho sâu rộng và giáo hóa cho nhân quần về công bình, tự do, hòa
bình là điều kiện cần thiết để bảo vệ phẩm giá con người và là bổn phận thiêng
liêng mà mọi quốc gia phải thi hành trong tinh thần tương thân tương trợ.»
Tóm lại, muốn cho nước
mạnh, dân giàu, có nền kỹ thuật tiến bộ, có nền văn hóa cao siêu, dĩ nhiên chính
quyền và người dân phải cộng tác để kiện toàn hoàn thiện nền giáo dục.
Một nền giáo dục lý
tưởng phải đào tạo được đầy đủ nhân sĩ, nhân tài về mọi phương diện, cung ứng
được hết mọi nhu cầu quốc gia, cũng như theo kịp đà tiến bộ quốc tế và thực sự
chuyển hóa được dân tâm, dân trí.
VII. TỔNG LUẬN
Tổng kết lại:
- Giáo dục cốt là để
giúp cho con trẻ sống sung sướng và chuẩn bị cho chúng bước vào cuộc đời một
cách êm đẹp.
- Giáo dục cốt là để
giúp cho thanh thiếu niên có phương kế sinh nhai; giúp cho họ biết đóng vai trò
một công dân xứng đáng trong một nước dân chủ.
- Giáo dục cốt là để
giúp cho người dân phát triển được mọi tiềm năng của họ.
- Giáo dục cốt là để
đào tạo nên những cá nhân tốt sống trong một xã hội tốt.
Nền giáo dục của chúng
ta về phương diện văn học sẽ đặt trọng tâm nghiên cứu các nền đại văn hóa Á Âu,
với một tinh thần vô tư và một tâm hồn nhiệt thành đi tìm chân lý.
Từ những nền văn hóa Á
Âu đó, chúng ta sẽ rút ra những quan điểm tương đồng, chúng ta sẽ tìm cho ra
những điều cao siêu chân thực. Những chân lý phổ quát đại đồng chính là tinh hoa
nhân loại, và cần phải được ta truyền lại cho hậu thế.
Về phương diện khoa
học, chúng ta sẽ cố học cách sáng chế, sử dụng máy móc kỹ thuật, nhưng không để
cho máy móc kỹ thuật nô lệ hóa chúng ta.
Chúng ta phải làm sao
cho hai ngành văn học và khoa học, tuy theo hai chiều hướng khác nhau, một đàng
chuyên lo cải thiện tâm thần, một đàng chuyên lo cải thiện vật chất ngoại cảnh,
đều cùng hướng về một mục phiêu là tạo nên những con người cao siêu đức độ, tài
cán và hạnh phúc trong một xã hội có kỷ luật, có tổ chức, đượm tình thương yêu
bình an và hạnh phúc.
Nền giáo dục của chúng
ta dạy làm ăn nhưng cũng dạy làm người. Và nếu có thể, còn dạy làm thánh hiền
nữa. Tóm lại, giáo dục phải phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực nơi người.
Hiểu giáo dục như vậy
sẽ thấy giáo dục rất quan trọng cho tiền đồ đất nước.
Giáo dục không phải
nguyên hạn hẹp trong ít nhiều năm học tại nhà trường, mà phải bắt đầu từ tuổi ấu
thơ ở gia đình; mà phải tiếp tục mãi mãi cho tới già tới chết.
Khi còn trẻ dại, xã
hội giáo dục ta; đến khi khôn lớn, ta phải tự giáo dục, đoàn luyện mình để tiến
đến tinh hoa cao đại.
Luật tạo hóa là muốn
cho mọi người cố gắng không ngừng để cải thiện bản thân, cải thiện đời sống, cải
thiện hoàn cảnh.
Ngồi yên mà cầu xin
thánh thần lo hộ cho mình có cơm ăn, áo mặc; học hộ mình, thi hộ mình, tu hô
mình thuì chắc là chẳng thể nào được.
Vận mệnh của mình,
tương lai của mình, hạnh phúc của mình cũng như sự vinh quang thái thịnh của cả
dân tộc là do công lao của mỗi một người chúng ta cố gắng tạo nên, chứ không
phải ngẫu nhiên mà có.
Chính vì vậy mà văn
hóa, giáo dục là những vấn đề hết sức quan trọng và khẩn yếu.

|