NHIỆM VỤ VÀ SỨ MẠNG NGƯỜI LÀM VĂN HÓA [1]

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

Kính thưa quý vị,

Trước đây, Quý vị đã nhiều lần nghe thuyết trình về văn hóa. Vì thế nên lần này tôi mạo muội bàn về: «Người làm văn hóa cũng như nhiệm vụ và sứ mạng của người làm văn hóa».

Thực vậy, đã bàn về Văn hóa thì trước sau cũng phải có một lần bàn về vấn đề trọng yếu này, vì Văn hóa dù cao đẹp đến đâu cũng vẫn là sản phẩm của con người. Như vậy, muốn có một nền Văn hóa cao siêu, chân chính, lẽ dĩ nhiên là phải đề cập đến vấn đề nhân sự đến những người đã tạo tác nền Văn hóa.

Trong bài thuyết trình này tôi xin lần lượt đề cập ba đề mục sau đây:

 

1. Phân loại những người làm Văn hóa.

2. Nhiệm vụ của những người làm Văn hóa.

3. Sứ mạng của những người làm Văn hóa.

 

1. PHÂN LOẠI NHỮNG NGƯỜI LÀM VĂN HÓA

Đại khái chúng ta có thể phân chia những người làm Văn hóa ra làm ba hạng chính sau đây:

a. Những người làm Văn hóa siêu việt.

b. Những người làm Văn hóa trung đẳng thông thường.

c. Những người làm Văn hóa hạ đẳng.

a. Những Người Làm Văn Hóa Siêu Việt

- Những người làm Văn hóa siêu việt tước tiên là những người có thiên tài xuất chúng.

Làm thơ cho có vần có điệu thì ai cũng có thể làm được, nhưng sáng tác được những vần thơ trác tuyệt như Lý Thái Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Tản Đà, thì trong một đời hồ dễ có mấy ai.

- Đọc đời sống của các văn nghệ sĩ chân chính, siêu việt ta thường thấy họ hết sức tha thiết với nghệ thuật, say sưa nghệ thuật. Mễ Phế, một danh họa thời Bắc Tống, ngay từ lúc thiếu thời đã say sưa nghệ thuật. Ông ra công thu thập tất cả những danh họa những bút pháp của danh gia. Có một lần Ông đương du ngoạn trên thuyền cùng với các bạn thơ, chợt có một người đưa cho xem 1 bản thủ bút của Vương Chi Hi. Mễ Phế mê thích quá và dọa sẽ nhảy xuống sông tự tử nếu chẳng được tặng bức chữ ấy. Cố nhiên là người ta phải biếu ông.[2]

- Một văn nghệ sĩ siêu việt phải biết thanh lọc tâm thần cho thoát vòng cương tỏa của lợi danh, để cho lòng không còn bị vấn vương bởi những chuyện đời nhỏ nhen, phù phiếm. Nhà thơ Bạch Cư Dị trong bài thơ Nhàn tịch đã cho biết bí quyết khiến Ông trở thành thi nhân như sau:

«Phóng hoài riêng thú tiêu dao,

Người vui khi gặp cảnh nào cũng vui.

Phép gì được thế ai ơi,

Vì lòng không vướng chuyện đời nhỏ nhen.» [3]

- Một văn nghệ sĩ siêu việt là một người sống huyền hóa với đất trời, với vạn hữu, đã rũ bỏ được mọi khuôn sáo mọi qui ước chật hẹp của chúng nhân, để cho tâm thần hồn nhiên tỏa ra trên ngọn bút, hoặc phát tiết ra theo vần thơ tiếng nhạc hoặc có thể thông thần, trực giác, đi sâu được vào lòng vạn vật để tìm ra cái tinh thần bất diệt đang rạt rào sống động bên trong.

Khảo về các danh họa, danh sĩ Trung Hoa ta đều thấy như vậy. Ví dụ như các bức tranh:

- Cành mai của Từ Vị.

- 6 quả hồng của Mục Khê.

- Cây bên ghềnh đá của Thạch Đào.

- Cành trúc của Nghê Tán.

- Bình bông của Bát Đại Sơn Nhân.

- Núi cây trong sương của Mễ Phế.

Tất cả đều nói lên cái khinh thoát, cái giản dị, cái tự nhiên của họa sĩ cũng như của cảnh vật.

Tất cả bí quyết chỉ là:

- Thoát khuôn sáo.

- Hòa mình với cảnh vật.

- Giữ cho tâm thần sảng khoái, thảnh thơi, bình dị, vô tư vô cầu.[4]

Cúc - tranh của Bát Đại Sơn Nhân đời Minh-Thanh

Họa sĩ Hoàng Công Vọng sống trong rừng núi. Ông vẽ bức danh họa «Nhà lan» khi ở trong Huyền Chân đạo trường, mà Huyền Chân đạo trường chính là trạng thái tự nhiên, vô niệm.[5] Họa sĩ Thạch Đào chủ trương:

«Luận vẽ cũng như luận thiền. Cái hay, cái quý là đã thoát được ra ngoài vòng tư lự và vào được «đệ nhất nghĩa» tức là vào được cảnh giới tuyệt đối vô nhân, vô ngã. Như vậy mới là cao thủ. Bằng không thời là sa vào vòng tương đối, không phải là một họa sĩ chân tài.» [6]

Bát Đại Sơn Nhân, một họa sĩ danh tiếng khác cũng cho rằng:

«Khi lòng trong sáng như mặt nước trong, lúc ấy chẳng có gì trong vũ trụ mà mình chẳng thích. Khi tâm hồn êm ả như gió mát thoảng trong ánh dương, lúc ấy chẳng có ai mà mình quên.»[7]

Họa sĩ Thạch Đào, làm thơ tự vịnh và ca ngợi đời sống hồn nhiên, phóng khoáng giữa thiên nhiên, xa cảnh phồn hoa, tục lụy như sau:

Trúc mai - tranh của Thạch Đào đời Thanh

«Ta ưa tĩnh lánh nơi thành phố,

Xa phồn hoa dựng cỗ nhà tranh.

Một vùng non núi bao quanh,

Lang thang đây đó, thênh thênh tấc lòng

Mùa xuân tới ngắm trông chim lượn

Mùa hè sang, suối xuống tắm chơi.

Mùa thu, đỉnh thắm leo coi.

Mùa đông sưởi nắng, nằm vùi ngoài không.

Bốn mùa trời thong dong hưởng thú,

Nhật nguyệt kia xin cứ vần xoay.

Rảnh thời kinh kệ ta coi

Mệt rồi ta ngủ, ngủ vùi ổ rơm.

Bạn hỏi ta mơ màng ai đó?

Ta liền thưa: Gặp gỡ Hiên Viên.

Hiên Viên đem bí quyết truyền.

Cấm ta chẳng được nói lên với đời.

Ao ta đây tuổi trời vài chục,

Sở truyền ta rộng mức biển khơi.

Khi ta múa bút vẽ vời,

Mới hay công dụng tuyệt vời bao la.

Bí quyết ấy nếu ta chỉ giáo,

Thời núi non khuynh đảo nát tan…» [8]

- Một nhà làm văn hóa siêu việt phải có cái nhìn tinh tế và óc sáng tạo.

Họa sĩ Delacroix ngày kia giữa những phút nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc, ngồi phơi mình trên cỏ nắng. Ông tinh nghịch bốc lên tay một nắm cát mắt lim dim, khẽ hé lòng bàn tay cho cát rơi lả tả trong nắng. Cát lăn tăn quay lộn, bắt ánh nắng mặt trời hiện ra muôn màu sắc lóng lánh như những phần tử ánh sáng lạ lùng. Ngoài xa, những đống rơm vàng rực, những đàn bà ngăm đen tượng trời hình đất, cả một khung cảnh kỳ thú và tuyệt diệu biến ảo trước mắt nghệ sĩ sau màn cát chứa đựng cả một vũ trụ ánh sáng và màu sắc quyến rrrũ như những hình ảnh mơ trrong một giấc mơ tuyệt đẹp. Delacroix bàng hoàng hấp tấp ghi lại những «ấn tượng» khả ái kia trên khung vải, bằng đầu bút, thành những chấm màu sắc li ti xinh xắn, chấm nọ đặt khít chấm kia. Trên tác phẩm đầy sức sống hiển hiện giữa những vẩy vàng nhảy múa lẫn lộn trong cát mang tên là «Những người đàn bà da đen thành Alger», Delacroix đã ghi lại tiếng ồn thơ rrung động và hình ảnh mỹ lệ vừa thoáng qua trong giây phút…Bức họa này đã mở màng cho phong trào cá nhân chủ nghĩa, tiền phong cho trường phái Ấn tượng.[9]

Khảo sát lại lề lối sống của người xưa, ta thấy văn nghệ sĩ thường sống một đời sống cao khiết. Một nghệ sĩ chân chính dùng nghệ thuật để trau dồi nhân cách, và cố gắng sống sao cho tinh ròng viên mãn, thâm sâu, để có thể rung cảm cùng nhịp với Đạo bổn, với «vũ trụ chi tâm», vì tin rằng đạo chỉ tự mặc khải ra cho những tâm hồn sáng suốt tinh luyện: chỉ có những bậc kỳ tài mới khám phá ra được bí quyết của Đạo và mới có được cái gọi là thần bút, khả dĩ biểu lộ được cái tiết diệu, huyền vi, bát ngát ràng buộc vạn hữu. Họa sĩ Đằng Sương Hữu (thế kỷ IX chuyên vẽ Mai và Ngỗng) đã từ chối quyền chức, không lập gia đình, để được sống tận tụy với hội họa. Nhờ vậy mà tư tưởng thâm sâu của Ông phát lộ ngay trên họa phẩm…[10]

Chính vì vậy mà ở chỗ cao siêu nhất nghệ sĩ và đạo sĩ gặp gỡ nhau. Vị đạo sĩ thời có bổn phận khám phá ra và diễn tả lại Thần Linh ngự trị trong lòng mình bằng lời lẽ, bằng đời sống để cho người bàng quang cũng được cùng mình chia xẻ sự cảm thông hòa hợp ấy; còn người nghệ sĩ thời dùng tài nghệ của mình, dùng tâm linh mình mà khám phá ra Thần Linh, hay Thái Hòa tiềm ẩn trong đáy lòng vạn hữu, vũ trụ, khiến những người khác cũng thưởng thức được và cũng cảm thông được với nguồn mạch huyền linh ấy một phần nào…

b. Những Người Làm Văn Hóa Trung Đẳng Thông Thường

Nhưng từ ít lâu nay, khi mà đời sống văn hóa vật chất đã quá tiến bộ, người ta không còn cho phép những người làm Văn hóa được sống siêu thoát như vậy nữa.

Ngày nay, người ta quan niệm rằng người làm Văn hóa không được xa rời quần chúng mà phải hòa mình vào đời sống của mọi người, để nhìn cho rõ những thảm cảnh của cuộc đời, để trở thành những chứng nhân trung thực của cuộc đời. Thay vì chọn con đường sống nội tâm thanh tĩnh, thay vì tập trung tinh thần để cho tâm thần trở nên tinh tế, nhạy bén, nhiều người làm văn hóa ngày nay đã chọn con đường dấn thân con đường phá tán. Họ có thể lao đầu vào những cuộc truy hoan, họ có thể mượn chất kích thích để thôi thúc cho con tim khối óc hoạt động sáng tạo nhiều khi một cách miễn cưỡng, giả tạo.

Chính vì vậy mà dần dần sự siêu việt trong văn chương nghệ thuật không còn, mà văn chương văn nghệ chỉ còn là phản ảnh của đời sống thực tại.

Vì quá lặn lội vào cuộc đời, những người làm Văn hóa hạng 2 này không có tính cách vươn vượt, siêu thoát. Nhưng trái lại họ cũng rất tha thiết vì đời đấu tranh cho công lý, cho công bình, bác ái, cho nhân phẩm tự do, cũng như khuấy động lòng yêu nước thương nòi, chủ trương phú quốc cường dân…

Tuy họ không có thiên tài như những nhà Văn hóa siêu việt kể trên, tuy văn chương họ không rạt rào như mây tuôn, khói tỏa, nước bủa, sóng trào, tuy tác phẩm họ không có phong thái thần tiên siêu việt như những sản phẩm của các bậc thần văn, thần bút kể trên, nhưng thực ra họ cũng rất đáng được quý mến vì họ rất gần gũi với đời, họ chia vui sẻ buồn với đồng bào đồng chủng và họ cũng chính là những người nhìn thay dân, nói thay dân, nghĩ thay dân, nhiều khi lại còn bị tù tội thay dân.

Đúng như lời Camus đã nói: Họ là những người thay vì ngồi xem những dũng sĩ tử chiến với mãnh thú trong thao trường, thì chính họ đã dấn thân xuống thao trường để đấu tranh cùng mãnh thú.[11]

c. Những Người Làm Văn Hóa Hạ Đẳng

Ngoài ra còn một hạng người làm văn hóa thứ 3 nữa.

Tuy cũng mang danh là những người làm văn hóa, nhưng thực ra họ là những người thợ thơ, thợ văn, thợ vẽ, thợ chạm, thợ nặn, thợ đúc. Họ chỉ biết làm theo những khuôn khổ, những đường lối sẳn có, chỉ biết làm văn hóa một cách máy móc, theo truyền thống chứ không có gì là sáng tạo là cao siêu. Danh họa Lộc Sài đã nói: «Không phương pháp (kỹ thuật) là không tốt, nhưng bao giờ cũng lại theo phương pháp cũng lại không tốt. Nghệ sĩ không nên để mình bị kiềm tỏa trong vòng chuyên môn, nhưng cần phải biết siêu thoát, biến hóa…» [12]

Hạng thứ ba này làm văn hóa vì sinh kế, nên sẳn sàng trở thành khí cụ của công quyền, bảo sao làm vậy, sẳn sàng áp dụng những chủ trương, những tủ đoạn mị dân, mê dân, hoặc chúng. Họ cũng sẳn sàng chiều theo thị hiếu của quần chúng đến nỗi có thể thoát ly, đọan tuyệt với hết lý tưởng văn chương, văn nghệ để ma tận dụng khai thác những hình thức sống sượng, tục tằn, bất cần danh dự với lương tâm, miễn sao có nhiều tiền nhiều bạc là đủ…

Phác họa ra ba mẫu người Văn hóa:

- Mẫu người siêu việt.

- Mẫu người thông thường.

- Mẫu người hạ đẳng.

Tức là cho chúng ta thấy mọi khía cạnh rõ ràng của văn hóa, cũng như vai trò đa đoan của Văn Hóa. Văn hóa có thể là cuộc tiêu khiển, mua vui khi trà dư, tửu hậu, nhưng Văn hóa cũng là sự cố gắng đem Chân, Thiện, Mỹ đến cho đời, từ những bước đi chập chững cho tới những công trình siêu đẳng.

Trúc - tranh của Từ Vị đời Minh

 

2. NHIỆM VỤ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM VĂN HÓA

1) Người làm văn hóa có nhiệm vụ trước tiên là phải thành thực với mình, với người, không được dùng văn chương văn nghệ mà bóp méo hay vo tròn thực tại.

Cố tổng thống Kennedy đã nói: «Nhiệm vụ cao cả nhất của người cầm bút là trung thực với mình và viết cho đúng. Văn nghệ sĩ phục vụ thực sự là phục vụ đất nước đắc lực nhất.»

Nhưng muốn cho người làm văn hóa nói lên tiếng nói chân thực của mình, chính quyền phải cho họ được tự do.

Cố tổng thống Kennedy nói thêm: «Tôi chắc chắn rằng nếu được tự do phát biểu ý kiến, thì chân lý thế nào cũng thắng, bất kỳ trong phạm vi chính trị hay tôn giáo.» [13]

2) Nhà văn hóa không có quyền nông cạn hời hợt. Oscar Wilde đã viết: «Cái khuyết điểm trầm trọng nhất của văn nghệ sĩ là sự nông cạn hời hợt.» [14]

3) Người làm văn hóa phải giữ sao cho khí phách được hiên ngang không chịu để cho ai mua chuộc ngọn bút mình, con tim khối óc của mình. Thực vậy một khi đã bán mình cho danh cho lợi, một khi đã chịu phận cá chậu chim lồng, thì làm sao tác phẩm của mình cảm hóa được lòng người, làm sao mong hướng dẫn được người khác đến tinh hoa cao đại.

4) Một người làm văn hóa phải tha thiết với công trình mình sáng tạo, mục phiêu mình sáng tạo.

Có tha thiết có say sưa thì công trình mình sáng tạo mới dồi dào, sống động.

Khổng Tử xưa kia cũng đã say sưa tìm cầu chân lý đến nỗi nhiếu khi quên ăn, quên ngủ[15] và đặc biệt nhất là tuổi già nó đến lúc nào cũng không biết, không hay.[16]

5) Người làm văn hóa phải tin tưởng vào thiên chức cao cả của mình, phải nhận chân rằng tư tưởng của mình rồi ra sẽ có ảnh hưởng lớn đến đời, đến dân, cho nên phải hết sức thận trọng mỗi khi phát biểu ý kiến.

Hệ Từ Thượng nơi chương VIII đã viết:

«Dạy rằng quân tử trên đời,

Ngồi nhà nói phải, muôn người vẫn theo.

Dặm nghìn còn phải hướng chiều

Thời gần gang tấc đâu điều lần khân.

Nói lời sai lạc nhố nhăng,

Ngàn xa vẫn thấy bất bằng nổi lên.

Nữa là gang tấc kề bên,

Nói sai ai kẻ họa thêm với người.

Khi người quân tử nói lời,

Nói ra ảnh hưởng đến đời đến dân.

Hành vi phát động tuy gần,

Nhưng mà ảnh hưởng dần dần lan xa.

Việc nhời ấy chính động cơ,

Động cơ đã phát, hãy chờ nhục vinh.

Mới hay quân tử ngôn hành,

Đủ làm trời đất rung rinh mấy hồi.

Cho nên trong việc trong lời,

Cố sao thận trọng đáng người hiền nhân.»

6) Người làm văn hóa phải ăn ở xứng đáng, phải tự đào luyện cho mình được một tâm hồn cao cả thanh khiết, một cái nhìn khoáng đạt, sáng suốt vô tư, một tấm lòng thành khẩn thiết tha muốn cải thiện đồng loại.

Họ phải lấy câu Trung Dung sau đây làm phương châm:

«Mỗi động tác quân tử đều nên như mẫu mực,

Mỗi hành vi là khuôn phép chúng dân theo.

Mỗi lời nói thiên hạ đời sau sẽ nương vào,

Người xa ngưỡng vọng người gân kông hề ngán…» (T.D. XXIX)

7) Người làm văn hóa phải biết rung động biết cảm xúc trước những nỗi khổ đau của đồng loại, và phải là một chiến sĩ chống lại mọi nỗi bất công, mọi áp chế, bóc lột mọi tà thuyết, mọi ý đồ mị dân, ngu dân… Bài thơ Thạch hào lại của Đỗ Phủ tả cảnh lầm than của dân chúng thời ly loạn, tả cảnh lính tráng đến nhà dân bắt người đi đánh giặc lúc ban đêm, bắt cả bà già ông lão làm cho nhân dân điêu đứng, bây giờ đọc ta vẫn thấy não lòng…

8) Người làm văn hóa chân chính, vì là tinh hoa của đất nước cũng như của nhân loại, nên không thể có niềm tin tưởng dễ dãi như mọi người, nhất là đối với những vấn đề trọng đại như triết học, chủ nghĩa, đạo giáo v.v…Ngược lại, họ phải biết soát xét và kiểm thảo mọi vấn đề.

Có người hỏi Vivekananda xem có nên áp dụng các phương pháp khảo sát dùng trong khoa học để khảo cứu đạo giáo không.

Ông đáp: «Nên, và thêm: Càng sớm càng tốt. Nếu một tôn giáo mà bị phá hủy bằng sự khảo sát, thì nó chỉ là một sự mê tín bất xứng. Nó càng tiêu ma sớm càng tốt. Cái gì là cặn bã sẽ bị vứt bỏ, cái gì thiết yếu sẽ tồn tại và sẽ toàn thắng…» [17]

9) Ngoài ra người làm văn hóa còn phải có thái độ khoan dung cởi mở cảm thông với mọi người.

Vivekananda cũng còn viết: «Bổn phận thứ nhất của bạn là tìm hiểu và yêu mến người không ngghĩ như bạn. Chẳng những ta không nói với kẻ khác rằng họ sai, như những kẻ cuồng tín thường làm, mà ta còn bảo rằng họ đúng, nếu họ theo đường lối của họ, theo phương pháp thích hợp với họ. Bạn đừng đả kích những người không cảm nghĩ như bạn. Cả triệu ánh sáng đều quy tụ về một tâm điểm ấy là mặt trời. Dẫu ánh sáng xa cách nhau mấy rồi ra cũng sẽ gặp nhau ở tâm điểm…Mỗi người chúng ta hãy cố gắng tiến lên mãi cho tới trung tâm…» [18]

10) Người làm văn hóa phải là những chiến sĩ dũng cảm nêu cao ngọn đuốc chân lý, soi đường chỉ lối cho quần chúng. Họ phải nói được như Romain Rolland: «Tôi cảm thấy trong tôi một niềm tin mạnh mẽ. Tôi phải dốc hết niềm tin ấy sang kẻ nào cần dùng. Tôi sẽ mặc khải cho dân tộc tôi; tôi sẽ là một kẻ kích động; tôi sẽ gây nên lòng dũng cảm dù là gây ra bão táp. Rồi cho cuộc đời cứ tiêu hủy tôi xâu xé tôi cũng không sao miễn là tôi đã nhóm được lòng tin đó trong kẻ khác và trong tôi.» [19]

6 quả hồng tranh của Mục Khê đời Tống

 

3. SỨ MẠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM VĂN HÓA

Mạnh Tử xưa có nói: «Trong Kinh thư có lời rằng: Trời sinh ra dân ở cõi đời này, cũng sinh ra người làm vua, kẻ làm thầy để giúp Thượng đế trong công cuộc cai trị dân, giáo hóa dân…» [20] Câu nói đó cho thấy từ ngàn xưa những người làm văn hóa có một sứ mạng hết sức là trọng đại.»

1) Người làm văn hóa chân chính trước tiên có sứ mạng thiêng liêng phục vụ chân lý, phân biệt đâu là giả, đâu là chân cho đồng loại.

Sống trong trần ai tụy lụy này, nơi mà vàng thau lẫn lộn, cân giả chen xen, đồ giả thường mang nhãn hiệu đồ thật, tà thuyết thường đội lốt chân lý, người làm văn hóa phải có cái nhìn cho tinh tế sự nhận xét cho đích đáng hẳn hoi.

Kim chỉ nam hướng dẫn chúng tatrong cuộc đi tìm cầu chân lý chỉ có thể như sau:

- Cái gì thiên nhiên, thiên tạo, vĩnh cửu phổ quát là chân lý.

- Ngược lại cái gì nhân tạo, qui ước, biến thiên, hạn hẹp, có màu sắc địa phương lịch sử, chủng tộc đều không phải là chân lý thực sự.

Chân lý luôn luôn siêu việt lên trên những thiên kiến, những tính toan bè phái, những quyền lợi giai cấp. Chính vì thế mà những chiến sĩ tiền phong đem đuốc sáng chân lý soi cho đời lại thường bị những người có quyền thế đương thời phỉ báng, hãm hại, cho thế là gieo rắc hoang mang, phổ biến tà thuyết tà đạo, phá rối trật tự trị an. Đó là trường hợp mà Chúa Jesus, mà Socrate, mà All Hallaj đã gặp phải. Ấy là chưa kể đến những Savonarole (1452-1498), Bruno Giordano (1550-1600), Jean Huss (1369-1415) và muôn vàn anh hùng văn hóa khác đã tuẫn tiết vì chân lý.

2) Ngoài sứ mạng đem chân lý đến cho nhân loại, người làm văn hóa còn còn có sứ mạng làm cho cuộc đời của chúng dân thêm vui, thêm đẹp.

Muốn cho đời thêm vui, thêm đẹp, người làm văn hóa phải biết tận dụng âm thanh, màu sắc, phải biết khai thác các vẻ đẹp tiềm ẩn trong thiên nhiên, trong vạn vật, trong cuộc sống cần cù lao tác của dân chúng hằng ngày, trong đời sống giao tế thường nhật, ngoài ra còn phải biết khai thác những vẻ đẹp của lý trí tâm tư…

Và chính là để đem nguồn vui đến cho nhân loại mà bao nhiêu nhà văn hóa đã cống hiến cả cuộc đời.

Đó là những văn nghệ sĩ, những tài tử, những minh tinh, những họa sĩ, nhạc sĩ, những nhạc công.

Nhờ có họ mà nhà cửa của chúng ta ngày một thêm vui, thêm đẹp. Nhờ có họ mà chúng ta mới có dịp thưởng thức những bức tranh đẹp, những pho tượng khéo, những quyển sách hay, những tấn kịch cảm động, những cuốn phim tuyệt vời những bản nhạc êm đềm réo rắt.

3) Nhà văn hóa còn có sứ mạng chuyển hóa tâm hồn con người, làm cho họ hướng thiện.

Nói thế tức là người làm văn hóa phải biết đem nhân nghĩa, đạo đức tô điểm cho đời sống con người, đem công bình bác ái phổ biến vào đời sống xã hội con người.

Người làm văn hóa chân chính, như vậy, phải luôn luôn đứng về phía quần chúng, bảo vệ quyền lợi của quần chúng, chống bạo lực, bạo quyền, tố giác mọi điều bất công, bất nghĩa, bất tín, bất trung.

Nhà văn Camus viết: «Chúng ta phải lên tiếng bênh vực tất cả những ai đang đau khổ, bất chấp những vẻ huy hoàng đã qua hay sẽ tới của quốc gia hay đảng phái đang áp bức họ. Không có loại đao phủ nào có đặc quyền với nghệ sĩ. Vì thế ngay lúc này và nhất là trong lúc này, nghệ thuật không thể phục vụ một đảng phái nào. Trước cũng như sau, nghệ thuật chỉ phụng sự nỗi thống khổ và quyền tự do con người mà thôi…» [21]

Chính vì thế mà người làm văn hóa không có quyền coi nghệ thuật như là một phương cách tiêu sầu, khiển muộn lúc trà dư, tửu hậu cho mình cho người.

Nghệ thuật mà chỉ phục vụ hình thức, chỉ câu nệ về kiểu cách bên ngoài, còn bên trong thì rỗng tuếch, không đưa ra được tư tưởng gì, không vạch ra được một đường hướng nào, thì chỉ là một thứ văn nghệ phòng trà, làm cho con người trở nên phù phiếm, nhụt chí tiến thủ, cầu an hưởng thụ mà thôi.

4) Nhà văn hóa có sứ mạng tra vấn, kiểm soát đường đi, nước bước của nhân loại, cân nhắc cái hay, cái dở của mọi đường hướng, mọi tính toan.

Chính vì vậy mà từ xưa đến nay nhiếu nhà văn hóa đã luôn luôn tra vấn về thân thể con người, về định mạng con người, về những ưu khuyết điểm của các đạo giáo, các chủ nghĩa hiện hành, và họ cũng đã không ngần ngại nói lên tư tưởng của họ, cảm nghĩ của họ mặc dù đôi khi những tư tưởng ấy, những cảm nghĩ ấy không làm đẹp lòng những người đương quyền.

Mới đây, trong một bài diễn văn nhan đề là: «Những bài học khôn ngoan cho Tây Phương, đọc tại Amsterdam, nhân dịp Ông lĩnh giải thưởng văn chương Erasme 1973, Claude Lévi-Strauss đã nhận định đại khái về người Âu Châu như sau:

- Quá đề cao mình, cho rằng con người có toàn quyền mặc tình chi phối vạn hữu.

- Trong quá khứ đã hủy diệt nhiều sắc dân.

- Đã hủy diệt nhiều nền văn minh cổ.

- Đã xúc phạm đến thiên nhiên, làm ô nhiễm không khí và nước.[22]

Ông chủ trương rằng, dưới ánh sáng nhân chủng học thái độ ấy là sai lầm, vì theo Ông các sắc dân cổ sơ đều chủ trương rằng đức hiếu sinh là cần: mình sống nhưng cũng phải để cho người khác, vật khác sống nữa. Mình sống nhưng không phải được quyền tha hồ tác oai, tác quái, mà phải biết tôn trọng hoàn cảnh thiên nhiên. Như vậy đức hiếu sinh và cuộc sống hài hòa cùng thiên nhiên, vũ trụ chính là những bài học khôn ngoan mà những dân tộc cổ sơ có thể dạy cho người Tây Phương…

Triết gia Karl Jaspers, khi Hitler sắp lên cầm quyền, đã cho xuất bản một cuốn sách nhỏ, nói về những nguy cơ đe dọa thế giới. Sau khi Đức quốc bại trận, Ông đã diễn thuyết nhiều lần về tội lỗi của người Đức. Và năm 1958 Ông đã lớn tiếng tố giác nguy cơ bom nguyên tử.[23]

Năm 1955, ít lâu trước khi từ trần, nhà bác học Einstein đã cùng với ít nhiều khoa học gia khác ký vào một bản tuyên cáo. Bản tuyên cáo này vừa là một lời cảnh cáo vừa là một sự khẩn cầu, trong đó ông nói: «Nếu trong trường hợp bom khinh khí được dùng thả sức, thì phải tiên đoán một phần nhân loại sẽ chết tức khắc, và các sinh vật còn lại sẽ bị bệnh tật khổ sở và sẽ chết dần chết mòn hết…» [24]

Như vậy các nhà văn hóa chân chính đích thực là lương tâm nhân loại. Họ luôn đề cao cảnh giác nhân loại, và luôn khuyến cáo nhân loại:

+ Trọng nhân phẩm con người.

+ Thành thực với người chứ đừng dùng những thủ đoạn lừa dân, bịp dân.

+ Hiếu sinh chứ không hiếu sát.

+ Không được bóc lột con người.

+ Không được làm mất tự do con người.

+ Không được khinh miệt những giá trị tinh thần vĩnh cửu.

+ Không được coi con người là phương tiện mà phải coi con người như là cứu cánh.

5) Một nhà văn hóa chân chính có sứ mạng là dạy cho dân biết tự lập, tự cường, tự tín, tự trọng.

Nếu mình không giúp mình, không trọng mình thì còn ai muốn giúp mình, trọng mình cho được.

Chúng ta ngày nay không còn có thể có thái độ nô bộc như xưa là cúi đầu chịu đựng mọi sự áp bức của thống khổ, tật nguyền, bất công, đói khát.

Tất cả những gì do hoàn cảnh, do nhân loại tạo nên, ta đều có thể hoán cải, đều có thể lướt thắng.

Với một khối óc tinh tế luôn luôn tìm hiểu, suy tư để phanh phui ra mọi duyên do của mọi nỗi đau thương, khổ ải còn đè nặng trên chúng ta, với một ý chí sắt thép tìm mọi phương thế để khắc phục tiêu diệt những duyên do ấy, thì bất kỳ một khó khăn nào ta cũng lướt thắng bất kỳ một dang dở nào ta cũng tiêu trừ, và như vậy ta sẽ tạo cho ta một đời sống tươi vui, hạnh phúc.

Con người sinh ra ở đời, không phải là để sống lầm than khổ sở, không phải là để sống một cuộc đời nô lệ tù đày, trâu ngựa, mà là để sống một cuộc đời xứng đáng, thanh cao, hạnh phúc.

Bổn phận các vị lãnh đạo bổn phận các nhà giáo dục, bổn phận các bậc trưởng thượng, bổn phận các nhà văn hóa là phải hun đúc chí quật cường của dân, dạy cho dân biết cách tổ chức đời sống gian trần cho yên vui, đẹp đẽ, xứng đáng và luôn hướng thượng.

Lãnh đạo dân, giáo hóa dân mà làm cho dân nhụt chí phấn đấu tiến thủ, làm cho dân trở nên ù lỳ, chịu đựng, hèn hạ, đốn mạt, thì sự lãnh đạo, sự giáo hóa ấy chỉ là một phương cách ngu dân, chứ không phải là một sự lãnh đạo, sự giáo hóa đích thực.

Suy cho cùng, con người chúng ta về phương diện cá nhân, cũng như về phương diện xã hội, là phản ảnh biến thiên của sự giao thoa giữa hai con người:

- Con người lý tưởng.

- Con người thực tại.

Con người lý tưởng nơi ta luôn luôn mơ ước một sự viên mãn hoàn hảo, một thế giới đào nguyên, lạc cảnh.

Con người thực tại nơi ta thì luôn luôn va chạm với thế giới hữu hình, thực tại và bị chi phối rất nhiều bởi những hoàn cảnh địa lý, lịch sử, xã hội, tâm tình và bị chìm nổi giữa muôn ngàn âu lo, sầu não, họa phúc bất thường.

Con người luôn luôn mơ ước lý tưởng, luôn muốn thực hiện chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, muốn thực hiện chân thiện mỹ không phải là điều dễ. Muốn vậy, các vấn đề vật chất, tâm thần cần phải được giải quyết thỏa đáng, các liên lạc giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với môi trường, với gia đình, quốc gia, xã hội, liên lạc giữa quốc gia này với quốc gia khác cần được giải quyết cho thật hẳn hoi, cần được cải thiện cho đến mức tối đa.

Mới hay, con người sống ở trần gian này, không phải chỉ có một đời sống mà nhiều đời sống: đời sống xác thân, đời sống lý trí, đời sốngtâm tình, đời sống tâm linh, đời sống gia đình, đời sống quốc gia, xã hội. Tất cả những đơi sống ấy phải được tài bồi cho đẹp đẽ, tất cả những đời sống ấy phải hài hòa ăn khớp với nhau thì chân, thiện, mỹ mới có cơ thực hiện.

Văn hóa chính là sự phát hiện ra mọi bộ mặt con người mọi đời sống con người, và đồng thời cũng là những bước tiến chậm chạp hướng về chân, thiện, mỹ.

Chính vì thế mà gần đây, trong Tuần Báo Tin Văn, Patrich d’Elme đã phân biệt Văn Hóa đại khái thành hai loại:

- Văn hóa thanh lịch, cao siêu, đó là văn nghệ.

- Văn hóa phổ thông, đó là cuộc sống hằng ngày.[25]

Chúng ta cũng có thể phân loại hoạt động sáng tac của văn ngệ sĩ thành hai loại:

- Trước hết văn ngệ sĩ là chứng nhân của thời đại. Họ là những người trí thức sống giữa cuộc đời chứng kiến cuộc đời của mìn và của đồng loại, rồi suy tư, nhận định, tìm hiểu những nỗi u uẩn của nó ghi lấy những rung cảm mà cuộc đời đã hiến cho để rồi lại diễn tả nó ra mà truyền thông cho đồng loại, khiến cho sau cùng mọi người đều hiểu được ý nghĩa của lịch sử, của cuộc đời.

Họ dùng âm thanh, màu sắc, từ ngữ, hình ảnh tâm tình để mô tả và làm sống động lại những uẩn khúc của tâm tư; những cảnh hợp tan, sống chết; khổ đau hay hoan lạc; những hành động kém hèn hay cao cả; những tâm hồn ti tiện hay những khí phách thanh cao; những thời nhiễu nhương, ly loạn; hay những cảnh thanh bình, hòa lạc. Tóm lại văn nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật, văn chương làm cho những quang cảnh ở đời trở nên bất tử….

- Mặt khác, văn nghệ sĩ cũng là những người đi tiên phong trên con đường hướng về Chân, Thiện, Mỹ.

Giữa những cơn giông tố trần gian, văn nghệ sĩ là những người đã có công vén mây mù, cho nhân quần thấy lại ánh dương quang, và luôn nuôi dưỡng trong lòng quần chúng niềm hy vọng niềm tin tưởng vào một tương lai hạnh phúc và tốt đẹp.

Họ luôn luôn giúp con người thanh lọc, tinh luyện tâm tư, đem lại nguồn vui, sức sống, đem lại sự thanh cao, tế nhị cho nhân quần, làm cho bản năng, bản thể con người phát triển đến mức tối đa. Như vậy, chẳng những họ đã giúp con người vui sống, mà còn đem lại cho con người một niềm hy vọng vô biên là một ngày nào đó nhân loại sẽ thực hiện được Chân, Thiện, Mỹ.

Trước khi kết thúc bài này, tôi xin có một lời ước nguyện. Ước nguyện rằng tất cả các nhà văn hóa trong nước, các nhà văn nghệ sĩ trong nước nhận chân được tiên chức cao cả của mình, luôn luôn cầu tiến cầu học, luôn luôn có một đời sống thanh cao, tế nhị, tự do, phóng khoáng, sáng suốt, cởi mở, bao dung và lúc nào cũng tận tình tôn sùng, phục vụ cái hay, cái đẹp, cái phải; luôn luôn là những nguồn sáng tung tỏa quang huy vào trần hoàn, là những nguồn năng lực truyền thụ sinh khí cho quần chúng. Ước nguyện rằng tất cả các nhà văn hóa, các nhà văn nghệ sĩ trong nước tận tình xây dựng hạnh phúc cho đồng bào, đem lại vin quang cho tổ quốc. Được thế thực là điều đại hạnh, đại phúc cho nước Việt Nam thân yêu của chúng ta vậy.

CHÚ THÍCH

[1] Bài diễn văn tại trường Quốc Gia Sư Phạm vào tháng 12-1973, nhân dịp kỷ niệm 27 năm thành lập Tinh Việt Văn Đoàn. Đã đăng Tập san Minh Đức số 10, tháng 6&7 năm 1974.

[3] Xem Trần Trọng Kim, Đường Thi, tr.86.

[2] Xem Văn Hóa Tập San, Tập XI q.12, số 76 tháng 12-1962 tr.1393-1394.

[4] Xin đọc Chang Chung Yuan. Creativity and Taoism, The Julian Press, Inc, New York, 80 East 11th Street New York 3: Bức vẽ cành mai tr.8 plate 1; 6 quả hồng plate 4; cây bên ghềnh đá Plate 5; Cành trúc Plate 6; Bình bông, Plate 10; Núi cây trong sương mù, Plate 3.

[5] Xem sách trích dẫn nói trên, plate 2.

[6] «Luận họa giả như luận thiền tương tự, qui bất tồn tri giải, nhập đệ nhất nghĩa, phương vi cao thủ. Phủ tắc tức lạc đệ nhị nghĩa hĩ, tuyệt phi mẫn thủ». (Xem sách trích dẫn nói trên, plate 5).

[7] Xem sách trích dẫn trên, plate 10.

[8] Xem sách trích dẫn trên, plate 5.

[9] Xem Phạm Kim Khải, Nghệ thuật hội họa Tây phương, đăng trong Văn Hóa Á Châu, số 19, tháng 10, 1959, tr.86.

[10] Xem Kim Định, Cửa Khổng tr.137, 138.

[11] Xem Camus, Sứ mệnh văn nghệ hiện đại, Trần Phong Giao dịch, Giao điểm 1963, tr.28.

[12] Xem Kim Định, Cửa Khổng, tr.136.

[13] Xem Les voies de la Liberté, p.37.

[14] Xem Camus, Sứ mệnh Văn nghệ hiện đại, Trần Phong Giao dịch, 35.

[15] Luận ngữ XV Về Linh Công, câu 30.

[16] Luận ngữ VII, Thuật nhi câu 18.

[17] Xem Romain Rolland, La vie de Vivekananda, 11, p.78.

[18] L’évangile universel, p.51.

[19] Nguyễn Nam Châu, Sứ mạng văn nghệ, tr.19.

[20] Mạnh Tử, Lương Huệ Vương chương cú hạ, câu 3.

[21] Xem Camus, Sứ mệnh văn nghệ hiện đại, Trần Phong Giao dịch, 54.

[22] … J’ai tort, sans doute de m’exprimer au futur, car voilà des siècles qu’a commencé l’entreprise aujourd’hui proche de son terme, consistant à détruire aveuglément la richesse et la diversité des cultures humaines. Voilà des décennies que, par adivité et par imprudence, l’homme s’emploie à exterminer des espèces vivantes dont chacune représente pourtant à sa façon un chef-d’oeuvre aussi irremplaçable que le seraient, si elles disparassaient, les oeuvres de nos plus grands artistes que nous préservons religieusement dans les musées. Enfin, voilà des annés que ces biens essentiels dont il y a un demi siècle à peine, l’idée qu’ils puissent manquer ou être gravement adultérées se serait heurtée à l’incrédulité générale: l’air et l’eau, sont à leur tour corrompus par des miasmes dont il faut retracer l’origine jusqu’à cette prolifération démentielle de l’espèce humaine qui, en même temps qu’elle compromet l’existence des autres espèces vivantes et la pureté des éléments, en vient à menacer physiquement et moralement l’homme lui-même. (Cf. Nouvelles littéraires, du 4 au 10 Juin 1973, No. 2384, mục Lévi-Strauss, Des Leçons de Sagesse pour l’Occident pp.2 et 11.)

Car ne nous y trompons pas; l’éveil de la sensibilité publique au destin lamentable des peuples dits archaðques, la sympathie, la révolte même qu’inspire la fin des dernières tribus de l’Amérique tropicale, proviennent moins d’un sursaut de clairvoyance ou de génerosité que d’un réflexe profondement égoðste: nous nous identifions à ces peuples que nous avons condamnés au moment où nous découvrons que nous sommes les prochains à figurer sur la liste. En faisant mine de les défendre, mais trop tard pour pouvoir les sauver, c’est nous-mêmes, plutôt, que nous plaignons et voudrions protéger. Nous mêmes, c’est-à-dire une humanité devenue trop nombreuse sur un espace terrestre qu’elle ne peut agrandir, réduite de ce fait à se coloniser elle-même en quelque ne peut agrandir, réduite de ce fait à se coloniser elle-même en quelque sorte; confinée dans une réserve insuffisante pour assurer ses besoins vitaux à l’exemple de ces malheureuses populations exotiques depuis des siècles une fraction d’humanité qui se croyait triomphante imposa un sort préfigurant peut-être, à une échelle réduite, celui que, pour l’hummanité entière, entraineront ses excès. (ib. p.3)

Car aucune de ces sociétés n’a jamais cultivé une image de l’homme conçu comme le seigneur et maître de la création, libre de s’octroyer des droits exorbitants sur toutes les manifestations de la nature et de la vie. Bien au contraire: leurs systèmes philosophiques sont d’accord pour faire à l’homme une place de choix dans la naturer, mais à la condition qu’elle n’empitète pas sur celle des autres espèces vivantes et que celles-ci restent libres d’exister et de prospérer; comme si, au regard de cette proclamation par trop exclusive des droits de l’homme dont nous tirons tant d’orgueil, les peuples que nous appelons prrimitifs répondaient depuis des centaines de millénaires, par une proclamation permanente des droits de la vie.

En allant partager leur existence, les ethnologues n’amassent donc pas simplement des documents scientifiques; ils écoutent et recueillent les leçons de sagesse dont l’Occident pourrait s’inspirer s’il voulait éviter qu’une humanité trop imbue d’elle, prompte à détruire tout ce qui n’est pas d’elle, ne dispose plus d’aucun glacis protecteur pour se prémunir contre ses propres atteintes; et que, ne respetant plus la vie en dehors de lui, l’homme désapprenne à la respecter en lui - comme les guerres mondiales, les camps d’extermination, les armes atomiques et chimiques le prouvent parce qu’il a oublié que sa dignité essentielle est moins celle qui s’attribute de manière exclusive comme être pensant, que celle qu’il partage avec des millions d’espèces végetales et animales comme être vivant… (Ib. p.3 et 11)

[23] Xin đọc Karl Jaspers, La Bombe atomique et l’avenir de l’Homme, Tribune libre, 1958, p.8.

[24] Einstein, peu de temps avant sa mot, en 1955, signa avec d’autre savants une déclaration qui était un avertissement et une supplication et dans laquelle il était précisé: «Au cas òu les bombes H seraient massivement employées, il faudait prévoir le décès immédiat d’une patie de l’humanité, puis de tortuantes maladies, et enfin la mort lente de tous les êtres vivants (ib. 25)

[25] La culture noble, celle des arts et des lettres, est le précieux gouvernail de la culture vulgaire, celle de la vie quotidienne. (Patrick d’Elme. - Nouvelles Litéraires) Juillet 1973, 15.