VẤN
ĐỀ CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI
THEO
QUAN NIỆM CỦA THÁNH NHÂN NGÀY XƯA
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Trước khi vào đề, tác giả xin có đôi lời
thanh minh:
1/- Đề tài trên thực là trọng đại và phức
tạp. Viết một quyển sách mà bàn, còn khó thay, nữa là viết một bài báo.
Vì thế, trước hết xin quý vị lượng thứ cho những điều khiếm khuyết.
2/- Có vị sẽ cho rằng tôi đang làm một
chuyện vô ích.
Bởi vì thời nay, có biết bao nhiêu vấn đề
sôi bỏng thì không bàn lại đi bàn về một thời xa xưa từ lâu đã được chôn
vùi vào quá vãng.
Vả:
«Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt,
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.»
古 人 不 見 今 時 月
今 月 曾 經 照 古 人
(Trăng nay từng rõi người xưa,
Người xưa nào thấy trăng giờ được đâu!)
Mà nào ai tắm đúng hai lần trong một dòng
sông đâu?
Thời chúng ta theo trào lưu lịch sử, đã
tiến tới chế độ dân chủ, đã tiến tới văn minh vật chất huy hoàng, còn
đâu cần đến những tư tưởng cũ mèm, mà ngay từ xưa, Thương Ưởng (?- 338
TCN), Hàn Phi Tử (?- 232 TCN) cũng đã từng ra công chối bỏ.
Để trả lời những vị đó, tôi xin thưa:
Riêng tôi, tôi không nghĩ như vậy. Tục ngữ đã có câu: «Phi cổ bất thành
kim» 非 古 不 成 今
(Không cổ sao thành được kim). Nếu chúng ta chịu học lại cổ nhân, ắt là
chúng ta sẽ tránh được nhiều điều lầm lỗi.
Vả lại ngay đến những nhà đại cách mạng
gần đây cũng không dám khinh thường dĩ vãng, cũng muốn tìm cho ra những
bài học quý báu của quá vãng.
Tôn Dật Tiên (1865-1925) đã viết: «Bạn
đừng có quên dĩ vãng. Dĩ vãng phải là thầy dạy bạn trong tương lai.»
Trương Kỳ Quân, một học giả Trung hoa hiện
đại, đã chủ trương rằng: «Tam dân chủ nghĩa (Dân tộc, Dân sinh, Dân
quyền) của Tôn Văn chính là kết tinh của nền văn minh Trung Hoa quá
vãng.»
Tưởng Giới Thạch đã dựa vào học thuyết của
Quản Tử (?-645 TCN) và Vương An Thạch (1021-1086) để xây dựng nên một
học thuyết kinh tế mới cho Trung hoa.
Mao Trạch Đông cũng đã áp dụng binh thư
Tôn Võ để chiến thắng.
3/ Đường lối chính trị và lề lối tổ chức
xã hội mà tôi sắp đem trình bày cùng quý vị chính là của các tiên vương
đời trước, của Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ. Đường lối ấy đã được đức Khổng
cùng các môn đệ nghiên cứu quảng bá lưu truyền trong Tứ thư, Ngũ kinh.
Trung Dung viết:
«Trọng Ni tổ thuật Nghiêu, Thuấn, hiến
chương Văn, Võ.» 仲
尼
祖
述
堯
舜
憲
章
文
武
(Trung Dung, chương 30).
«Đức Khổng trần thuật đạo Thuấn, Nghiêu,
Làm sáng tỏ lối đường Văn, Võ.»
Sở dĩ nay tôi muốn đem những đường lối tổ
chức chính trị và xã hội nói trên để trình bày lại cùng quí vị chính là
vì tôi thấy người xưa đã hết sức muốn xây dựng một nền chính trị lý
tưởng, một xã hội lý tưởng, trên những nguyên lý bất biến của trời đất,
theo những định luật bất biến của trời đất.
Giờ đây xin quí vị hãy cùng tôi quay lại
cuộc phim quá vãng để tìm hiểu về tổ chức chính trị và xã hội của người
xưa.
A. TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ THEO QUAN NIỆM THÁNH
NHÂN NGÀY XƯA
1. TẠI SAO
PHẢI CÓ CHÍNH QUYỀN
Con người sinh ra ở đời không phải ai cũng
thông sáng; không phải ai cũng biết lẽ phải trái, biết ăn ở cho phải đạo
làm người. Tình dục con người hay phóng túng, cần phải có người chỉ huy,
cầm cương, nảy mực, lèo lái, hướng dẫn. Hơn nữa, sự sống chung cần phải
được điều hòa mới có thể cùng nhau sống an vui và hạnh phúc được. Vì thế
nên cần phải có những người hay, người giỏi cầm đầu dân nước. Đó cũng
chính là Thiên ý.
Trong kinh thư, Võ Vương nói: «Trời sinh
ra dân ở cõi này, cũng sinh ra kẻ làm vua, kẻ làm thầy. Vua và thầy giúp
thượng đế (mà cai trị dân, giáo hóa dân). Cho nên trong bốn phương, hai
hạng đó được Trời yêu mến một cách đặc biệt…»
(Mạnh Tử, Lương Huệ vương
chương cú hạ, đoạn 3).
2. CHÍNH QUYỀN PHẢI LÀ MỘT CHÍNH QUYỀN LÝ TƯỞNG
Nhưng muốn cho dân chúng sống an vui, sung
túc và có cơ phát triển, tiến bộ cần phải có một chính quyền lý tưởng.
Chính quyền lý tưởng ấy cần phải được xây
dựng trên căn bản hoàn thiện, hoàn mỹ, tức là phải coi mình có Thiên
chức, Thiên mạng để đem an lạc lại cho chúng dân và có nhiệm vụ hướng
dẫn chúng dân tới Hoàn thiện, Hoàn mỹ, tới Thượng đế.
Cho nên, theo quan niệm của tiền nhân, vua
xưa kia phải là một vị thánh nhân, một vì Thiên Tử, một hiện thân của
Thượng Đế.
Ch’in Ya Yen viết:
«Đấng thánh nhân ở ngôi cao đã lập ra được
một gương mẫu tuyệt đỉnh về nhân đức lấy chính bản thân mình đơi sống
mình để dạy dỗ thiên hạ. Lấy đơi sống mình để dạy dỗ, tức là cho chúng
dân trông thấy những hành vi, cử chỉ của mình; lấy lời lẽ dạy dỗ để dân
ca tụng, ngâm vịnh cho thuộc, cho nhớ. Cả hai phương diện đều cần thiết,
không thể bỏ đằng nào được.
«Trong thiên hạ chỉ có Lý là hằng cửu, là
cao đại…Lý đó bắt nguồn từ trời, vì trời đã đem chân lý ấy ghi tạc vào
tâm khảm con người nên nững lời lẽ hợp với chân lý hợp với lương tâm con
người tức là lời giáo huấn của trời. Trời tức là vị thánh nhân không
nói. Thánh nhân tức là Trời biết nói; Một là hai, hai là một vậy.»
3. CHÍNH TRỊ PHẢI ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN NHỮNG CĂN BẢN
HẰNG CỬU, TỰ NHIÊN
- Chính trị, theo người xưa, phải dựa trên
căn bản:
TÔN GIÁO: làm chính trị, làm vua là để
thay dân thế trời và thay trời trị dân: để thi ân, giáo hóa và hướng dẫn
chúng dân.
TRIẾT LÝ: làm chính trị cốt là để cải
thiện dân, đưa dân đến hoàn thiện.
Làm chính trị là dạy dân theo tiếng lương
tâm, theo những luật định thiêng liêng của trời đất.
ĐẠO ĐỨC: Làm chính trị phải dựa vào hai
tôn chỉ chính yếu: «Yêu dân và kính dân.»
Hơn nữa làm chính trị tức là để sửa trị
người. Muốn sửa trị người trước hết mình phải là con người ngay chính.
Đó là một đề tài mà Tứ Thư, Ngũ Kinh tường đề cập đến.
- Chính trị như vậy có nghĩa là cải thiện
toàn dân. Nên bất kỳ ai cũng phải đóng góp.
Từ vua đến dân ai cũng phải tu thân. (Đại
học, chương 1)
Người quân tử chẳng ra khỏi nhà, vẫn làm
được chính trị là vì vậy.(Luận ngữ, I, 21. -Đại học IX)
4. BA NGUYÊN TẮC CHÍNH YẾU, BẤT DI DỊCH CỦA CHÍNH
TRỊ
Người xưa trị dân, dựa vào 3 nguyên tắc:
- Thuận theo thời trời.
- Thuận theo thế đất.
- Thuận theo lòng người.
a/ Trị dân thuận theo thời trời.
Người xưa trị dân, rất chú trọng đến thời
trời, vì thế rất chú trọng đến thiên văn và lịch số.
Vua Nghiêu xưa đã từng sai Hi, Hòa khảo
sát tinh tượng, tiên đoán các ngày nhật thực, nguyệt thực, v.v… Thời
Nghiêu đã có tên «Nhị thập bát tú». (Xem Kinh thư Nghiêu điển).
Lễ ký nơi Thiên Nguyệt lệnh, đã mô tả tỉ
mỉ công việc của nhà vua trong từng tháng từng năm.
Đại khái:
- Trong những mùa xuân, hạ, khi nhựa sống
đang tràn đầy trong vũ trụ, công việc đồng áng, tàm tang đang bận rộn
nhà vua sẽ không động dụng dân chúng, sẽ không giết các tội nân, không
động dụng quân sĩ binh đao. Dân sẽ không giết chim phá tổ không săn bắn,
không vét tát sông hồ, không đốt phá rừng rú, không chặt cây đẳng cối.
- Trong những mùa thu đông, khi vạn vật
héo khô dần, vua mới bắt đầu cho thi hành các án trảm quyết. Thu đông là
những mùa gặt hái thâu liễm.
- Các ngày hạ chí đông chí, khi mà âm
dương nhị khí giao nhau, thời nên giảm công việc, tránh viễn hành.
- Ngày Xuân phân, Thu phân nhật dạ tương
đồng, nên nhà vua truyền xem xét lại cân lường đấu hộc. (Xem Lễ ký
nguyệt lệnh; Xem Li ki của Couveur dịch quyển I, tr.330-410. Xem Nguyệt
lệnh trong tập Khổng học tinh hoa của tác giả, tr.337-438)
b/ Người xưa trị dân thuận theo thủy
thổ
Vua Đại Võ là vị vua của Trung Hoa đầu
tiên rất sàn về địa lý. Ngài đã vẽ địa đồ của nước Trung Hoa. Thiên Vũ
cống trong Kinh Thư cho thấy Ngài biết rõ:
- Địa thế từng miền.
- Năng xuất đất đai của từng miền.
- Thổ sản của từng miền.
- Nghề nghiệp của từng miền.
- Đường lối giao thông của từng miền.
Tùy theo sức sản xuất và sự phú cường của
từng miền, Ngài định thuế khóa và phẩm vật cống tiến. (Xem Kinh Thư, Vũ
cống).
Lễ ký viết: «Các thánh vương xưa thuận
theo định luật trời đất mà cai trị. Các ngài không bắt người vùng núi
xuống ở vùng biển; không bắt người ngoài đảo vào ở trong đồng. Các ngài
sử dụng ngũ hành, sử dụng nguyên liệu, vật thực tùy theo thời. Các ngài
tùy tuổi dân mà cho phép kết hôn, tùy tài đức mà ban tước vị.
Các ngài sử dụng dân theo đúng thời tiết,
cho nên trong nước thoát thủy tai, hạn hán, côn trùng, dân chúng không
lo đói khát.»
Lễ Ký, Lễ vận, Tiết IV 16, Couvreur, Li
Ki.I, p.535.-Xem thêm Lễ ký: Lễ khí II, 10; Lễ khí, Tiết 1,3)
c/ Người xưa trị dân thuận theo nhân
tâm
Các vị thánh vương xưa cho rằng dân muốn
là trời muốn, nên làm vua phải biết thuận nhân tâm.
Vậy nên các vua xưa, khi làm việc gì trọng
đại, thường hỏi ý dân, hay ít là giải thích cho dân, cho quân được rõ
nguyên do hành động của mình.
Thành Thang trước khi cất binh đánh vua
Kiệt nhà Hạ, đã làm bài Thang thệ, phủ dụ dân quân (Xem Kinh Thư, Thang
thệ)
Võ Vương trước khi đánh vua Trụ nhà Thương
Ân, đã họp quân sĩ và chư hầu ở bến Mạnh Tân, để hiểu thị (Kinh Thư.
Thái thệ)
Vua Bàn Canh khi muốn dời đô tư Cảnh sang
Ân, để đề phòng lụt lội cho dân, đã hội họp dân lại, giải thích hơn
thiệt. (Kinh Thư Bàn Canh)
Đại học viết: «Thi vân: “Lạc chỉ quân tử,
dân chi phụ mẫu.” Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi. Thử vị
dân chi phụ mẫu.» 詩
云:
«樂
只
君
子,
民
之
父
母.»
民
之
所
好,
好
之;
民
之
所
惡,
惡
之.
此
之
謂
民
之
父
母.
«Sướng thay bậc phụ mẫu dân,
Cùng dân yêu ghét muôn phần chẳng sai
Đáng làm cha mẹ muôn người.» (Đại học,
chương X)
Luận ngữ chủ trương: Phải sử dụng dân cho
hợp thời. (Sử dân dĩ thì.
使 民 以 時.
- Luận ngữ, 1,5).
Trung Dung cũng ghi: «Thì sử, bạc liễm, sở
dĩ khuyến bá tính dã.»
時
使,
薄
斂,
所
以
勸
百
姓
也.
«Muốn bách tính kính tin một dạ.
Xâu phải thời, thuế má phải chăng.» (Trung
Dung, chương 30)
Thuận thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đó là
nắm vững được ba yếu tố tạo dựng lịch sử. (Xem Mạnh Tử, Công Tôn Sửu
chương cú hạ, I)
5. PHƯƠNG PHÁP VÀ NGHỆ THUẬT TRỊ DÂN
A/
Phương Pháp Nghệ Thuật Trị Dân Theo Hồng Phạm Cửu Trù
Hồng phạm đưa ra chín tôn chỉ, mà xưa gọi
là cửu trù.
1/ Ngũ hành
Đấng quân vương phải am tường vật lý, phải
biết khai thác các tài nguyên của đất nước, để lo cho dân no ấm.
2/ Ngũ sự
Đấng quân vương phải biết phương pháp tu
thân.
- Dáng điệu phải nghiêm trang kính cẩn.
- Nói năng phải hợp lý.
- Trông nhìn phải sáng suốt.
- Nghe ngóng phải tinh tế.
- Nghĩ ngợi phải cho thấu triệt.
Được như vậy, đấng quân vương sẽ trang
nghiệm, oai vệ, lý sự, đường hoàng, không ngoan, sáng suốt, tinh tường,
mưu lược.
3/ Bát chính
Đấng quân vương phải biết trị dân.
Cương lĩnh trị dân gồm 8 điểm. Trị dân là
lo cho dân:
1) - No ấm.
2) - Sung túc có đủ tiện nghi.
3) - Có lễ nghi, tế tự.
4) - Có nhà cửa, đất đai.
5) - Có một nền giáo hóa hẳn hoi.
6) - Khỏi bị bọn gian ác, bất lương, đạo
tặc quấy nhiễu.
7) - Biết đường tiếp nhân, xử thế.
8) - Được bảo vệ tính mạng và tài sản,
thoát nạn ngoại xâm, nhờ có binh hùng, tướng mạnh của nhà nước.
4/ Ngũ kỷ
Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của
năm, tháng, ngày; sự vận chuyển của nhật, nguyệt, tinh thần, lịch số.
Như vậy mới có thể dạy dân biết cách điều hòa công tác cho hợp thời, hợp
tiết để được ấm no, thịnh vượng, cho trời đất người cùng hòa tấu một bản
nhã ca thanh bình, thái thịnh.
5/ Hoàng cực
Đấng quân vương sẽ ở ngôi Trời, ngôi Hoàng
cực, thay Trời trị dân. Muốn được như vậy phải có đức hạnh siêu phàm,
thoát tục, xứng đáng làm môi giới giữa Trời và muôn dân.
6/ Tam đức
Thuật trị dân phải dựa vào 3 đức sau đây:
a)
Chính
trực.
b)
Cương
(cương quyết khi nước loạn, khi phải đối đầu với những kẻ phản loạn, lưu
manh)
c)
Nhu (nhu
hòa khi nước an bình, khi giao tiếp với những người đạo cao đức cả).
7/ Kê nghi
Đấng quân vương phải biết suy nghĩ, bàn
bạc, hỏi han khi gặp trường hợp nan giải.
Trước một công chuyện nan giải sẽ hội ý
kiến:
- Của nhà vua.
- Các khanh sĩ, thứ dân.
- Của thượng đế (bằng cách bói thi, qui)
Phối kiểm lại sẽ biết thế nào là tốt là
xấu và tìm ra được đường lối đẹp đẽ nhất để xử sự.
8/ Thứ trưng
Đấng quân vương phải nhân các điềm trời mà
soát xét lại đường lối cai trị của mình, xem tuần tiết, độ lượng gió
mưa, nóng lạnh của trời mà suy ra xem mình đã cai trị dở hay hay. Lý do
là vì đấng quân vương, đúng với danh hiệu của nó, sẽ cảm ứng được với
đất trời, và hiểu được tiếng nói thầm lặng của đất trời qua các biến
thiên của thời tiết.
9/ Ngũ phúc, Lục cực
Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảm của
nhân dân để nhận định giá trị của nền cai trị mình.
Nếu cai trị mà hay, dân chúng sẽ được
hưởng Ngũ phúc:
- Thọ.
- Giàu.
- Yên vui.
- Ham chuộng nhân đức.
- Chết già yên ổn.
Nếu cai trị mà dở, dân chúng sẽ lâm vòng
Lục cực:
- Chết non.
- Bệnh tật.
- Lo buồn.
- Nghèo khổ.
- Tội ác.
- Yếu ớt. (Xem Kinh Thư, Hồng phạm cửu
trù)
Thế mới hay:
Con người chẳng những soi bóng nước
Còn phải ngắm mình trước muôn dân.
B/
Phương Pháp Nghệ Thuật Trị Dân Theo Trung Dung
Trung dung cũng đưa ra chín tôn chỉ để trị
dân, thường gọi là Cửu kinh.
1/ Tu thân
Đấng quân vương phải giữ tâm hồn cho trong
sạch, cử chỉ tác phong cho trang ngiêm đĩnh đạc như vậy mới làm cho đạo
nghiã trở nên thịnh đạt được.
2/ Kính hiền tài
Có kính hiền tài thì những trang hiền tài
mới giúp đỡ mình hết lòng.
Muốn tỏ lòng kính hiền tài, biết “chiêu
hiền đãi sĩ”, nhà vua phải xa lánh nữ sắc, xa lánh kẻ nịnh hót; phải
trọng nghĩa khinh tài.
3/ Phải thương yêu họ hàng
Phải giúp đỡ họ hàng nghe lời họ hàng, như
vậy thân tộc sẽ không còn ai oán thán
4/ Kính đại thần
Muốn vậy phải cho họ đủ phương tiện làm
việc, đủ quyền hạn thì họ mới chân thành mà cộng tác với mình.
5/ Thương yêu công bộc quốc gia
Phải tăng lương cho họ, như vậy họ sẽ nỗ
lực đền đáp.
6/ Thương dân như con
Không được bắt dân làm xâu khi họ đang bận
công việc đồng áng, không được thu thuế nặng. Có thương dân thì dân mới
hài lòng.
7/ Khuyến khích nhân tài, khuyếch
trương bách nghệ
Phải biết khuyến khích, mở cuộc thi đua,
treo giải thưởng để khuyến khíh thợ thuyền, như vậy nước sẽ không thiếu
hóa tài.
8/ Đón tiếp người viễn xứ
Biết chiêu tập hiền tài, người giỏi ở tứ
phương sẽ về với mình.
9/ Che chở chư hầu
Thật lòng giúp đỡ những nước nhỏ, thiên hạ
sẽ sợ uy mình sẽ thần phục mình.
(Xem Trung dung chương 28)
C/
Phương Pháp Nghệ Thuật Trị Dân Theo Luận Ngữ
- Phải biết chọn người tài đức cộng sự.
(Luận ngữ, VII 20.-XII,19-XVIII,11)
- Phải luôn luôn cẩn trọng, không được coi
thường thiên chức lãnh đạo dân con của mình, (Luận ngữ, XIII,15)
- Không được hành sự hấp tấp, vội vàng;
không được tham lợi nhỏ để hỏng việc lớn v.v…(L.N.XIII,17)
- Phải làm sao để mọi người lo tròn chức
vụ mình (Luận ngữ, XII,11)
D/
Phương Pháp Nghệ Thuật Trị Dân Theo Đại Học
- Chính kỷ trước, chính nhân sau. (Đại
học, chương I)
- Phải trọng Nhân Nghĩa hơn Tài Lợi. (Đại
học X)
- Đã làm chính trị thời không được làm
kinh tài, tranh lợi với dân, (Đại học X)
- Người trên mà tham tài, mà vơ vét tài
sản của dân, mà dùng tiểu nhân nhũng nhiễu dân, thì dẫu thánh nhân giáng
hạ, cũng không cứu nổi họa nhà tan, nước nát. (Đại học X)
E/
Phương Pháp Nghệ Thuật Trị Dân Theo Lễ Ký
Muốn trị dân phải áp dụng thực thi: Lễ,
Nhạc, Hình, Chính.
- Lễ
Lễ là dạy dân biết nhân luân, biết hiếu
kính.
(Lễ ký, Khúc lễ, Phần I, tiết I, mục 22:
Thánh nhân đem Lễ để dạy con người xử sự khác biệt với muôn thú) (Xem
Khúc lễ, các tiết mục tiếp theo).
Lễ là tất cả các định luật tự nhiên những
mẫu mực, qui tắc chi phối hành vi cử chỉ con người, chi phối các cách
giao tiếp của con người (Xem Khúc lễ, phần I, tiết I, mục 8,9,10)
- Nhạc
Nhạc có mục đích giúp cho con người tinh
luyện tâm thần, giúp cho conngười trở nên cao khuết, hồn nhiên thư thái.
Nhạc cũng có mục đích đem lại sự đoàn kết, hòa mục trong dân chúng, tình
tương thân, tương ái trong mọi tầng lớp xã hội. (Xem lễ ký, Nhc5 ký,
XVIII,15; Tế Nghĩa, XXI)
- Hình
Hình có mục đích ngăn chặn những chuyện
phạm pháp, sa đọa (hình phạt trúng, cố thứ dân an-Lễ ký, Nhạc
ký,XVII,15)
- Chính
Chính là tổ chức công cuộc cai trị. (Xem
Lễ ký, Vương Chế, tiết III, mục 1; tiết V, mục 28)
Chính trị là tiên liệu, là quy định mọi
công việc lớn nhỏ trong nước.
Lớn như: Cách tổ chức quốc gia, phân châu,
phân dã; số lượng các nước lớn nhỏ, phẩm trật quan chức nơi triều đình,
cũng như ở các nước chư hầu; số lương hướng cũng như phẩm phục tương ứng
với từng chức vụ, phân hạng nông dân với những ruộng đất cho mội hạng;
minh định công việc cho từng hạng quan lại; minh định thể thức trưng
binh, hoãn dịch; minh định những hạng người được chính quyền cấp dưỡng;
minh định lễ nghi trong dân gian v.v… (Xem Lễ ký, Vương Chế)
Nhỏ như: Cách nam nữ đi lại, xe cộ đi lại
trong đường xá v.v…(Xem Lễ ký, Vương chế)
Vì thế Trung dung cũng viết:
«Phàm sự dự tắc lập, bất dự tất phế.»
凡
事
豫
則
立,
不
豫
則
廢.
(Việc gì tính trước cũng linh,
Không toan tính trước âu đành dở dang.)
(Trung dung. XX)
F/
Phương Pháp Nghệ Thuật Trị Dân Theo Mạnh Tử
- Phải lấy dân làm trọng, «Dân vi quí, xã
tắc thứ chi, quân vi khinh.»
民 為 貴, 社 稷 次 之, 君 為 輕 (Mạnh Tử, Tận
tâm hạ,14)
- Phải coi dân như ruột thịt. «Vua mà coi
tôi như tay chân, ắt tôi sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi tôi như chó
ngựa, ắt tôi sẽ coi vua như người qua đường. Vua mà coi tôi như bùn rác,
ắt tôi sẽ coi vua như kẻ cướp, người thù.» (Mạnh Tử, Ly lâu hạ,3)
- Phải chế định điền sản cho dân được no
đủ. «Đấng minh quân chế định điền sản, chia cho dân cày cấy, cốt cho họ
trên đủ phụng dưỡng cha mẹ, dưới đủ nuôi nấng vợ con. Nhằm năm được mùa
thì mãi mãi no đủ, phải năm thất bát, thì khỏi chết đói. Được vậy rồi
vua mới khuyên dân làm thiện. Tự nhiên rồi họ sẽ làm điều thiện dễ
dàng…» (Mạnh Tử, Lương Huệ vương, chương cú thượng, tiết 7)
- Phải làm gương tốt cho dân. «Hễ ở trên
vua ăn ở có nhân, thì chẳng ai cư xử bất nhân. Hễ ở trên vua nói theo
điều nghĩa, thì chẳng ai bỏ bê việc nghĩa.» (Mạnh Tử, Ly lâu hạ, tiết 5)
- Phải lo giáo hóa dân. «Làm người ai cũng
có đạo lý. Như đã được ăn no, mặc ấm, ở yên, mà chẳng có giáo dục, thì
gần với loài thú rồi đó…» (Mạnh Tử, Đằng văn Công, thượng, tiết 3)
- Không nên làm bê trễ công việc làm ăn
của dân. Vua Văn công nước Đằng, hỏi về cách trị quốc. Mạnh Tử đáp rằng:
«Nhà cầm quyền không được làm chậm trễ công việc làm ăn của dân.» (Mạnh
Tử, Đằng văn Công, thượng, tiết 3)
- Ông viết thêm: «Nếu chính quyền chẳng
đoạt mất thì giờ cấy gặt của những gia đình làm ruộng trăm mẫu, thì
tronng nhà tám miệng ăn chẳng đến nỗi đói khổ.» (Mạnh Tử, Lương Huệ
Vương, chương cú thượng, tiết 7)
Tứ thư, ngũ kinh còn cho rằng: làm chính
trị phải biết thường xuyên kiểm điểm lai chương trình hoạt động, cũng
như uy thế của chính quyền.
Kiểm soát bằng cách:
- Tuần thú.
- Triều, sính.
- Nghiên cứu dân ca, ca dao, đồng dao.
- Nghe lời gián nghị.
- Thu thập các lời phê bình. v.v.
Tóm lại chính trị xưa có mục đích làm cho
dân:
- No ấm.
- Sống trong an bình trật tự hòa hợp.
- Sống xứng đáng với danh nghĩa con người.
- Biết hướng thượng, tiến tới tinh hoa,
hoàn thiện.
Khảo về nền chính trị của các bậc thánh
vương xưa, ta thấy nó thực là cao siêu, toàn mỹ.
Nó đi sâu vào gốc rễ của thần quyền thế
quyền, đưa ra một lý thuyết trị dân rất là cao siêu, huyền dịu, rập đúng
theo guồng máy âm dương của vũ trụ và tiết tấu của trăng sao, lại có mục
đích giúp con người khai thác được những khả năng vô tận tiềm ẩn trong
lòng mình và trong lòng vũ trụ.
Nó xây nền đắp tảng trên vĩnh cửu tuyệt
đối. Nói cách khác, nó đã lấy trời làm căn bản, đã coi nền chính trị là
công cụ để cải hóa con người
lập ra những nguyên tắc căn bản cho các bậc quân vương dựa vào mà cai
trị dân cho tuyệt hảo: thúc đẩy dân chúng làm lụng, tiết kiệm để trở nên
giàu có, sung túc,
tu nhân, tích đức
để trở nên người quân tử, nên hiền thánh vời nguyện vọng tha thiết là
đem lại cho nhân dân an bình, thái thịnh, hạnh phúc cả về tinh thần lẫn
vật chất,
mục đích là làm cho mọi người trở nên hoàn thiện.
Như vậy mục đích của nó cũng tuyệt đối.
Tiếc thay nền chính trị cổ thời với ý
nghĩa cao đẹp ủa nó đã bị dục vọng con người và bụi bặm lịch sử che lấp
hết mọi vẻ đẹp. Vương đạo biến dần sang Bá đạo: Nhân trị chuyển dần sang
Pháp trị, nhân đạo dần dần nhường bước cho bạo tàn.
Các vị đế vương thời sau, như Tần Thủy
Hoàng, như Hán Cao Tổ đâu còn hiểu biết gì về những tế nhị, những tinh
hoa của nền chính trị xưa. Tuy cũng mang danh là Thiên Tử, nhưng nào có
hiểu Thiên Tử nghĩa là làm sao.
Cho nên, chế độ vua chúa dần dà trở nên
một mâu thuẫn trên lý thuyết, một gánh nặng trên thực tế đối nhân dân.
Đến nỗi ngày nay, nhiều triết gia không
còn hiểu nỗi được lý do sự tồn tại của nền quân chủ…
B. TỔ CHỨC XÃ HỘI THEO QUAN NIỆM THÁNH
NHÂN NGÀY XƯA
Trước hết, hiền thánh xưa quan niệm rằng
con người sinh ra ở đời phải sống hợp quần với nhau, phải tương liên,
tương trợ mới tốt.
Quan niệm này đaã được đề cập đến ở nơi
quẻ Tỉ trong Dịch kinh.
Quẻ Tỉ chính là do hai chữ nhân (người)
viết lộn trái lại và đi kèm theo nhau.
Ta có thể tóm tắt quẻ Tỉ như sau:
Tỉ là liên kết, hợp quần, là qui dân, tụ
chúng.
Con người sinh ra ở đời, phải sống đoàn
kết với nhau, mới dễ mưu cầu hạnh phúc. Nhưng kết đoàn với nhau cần phải
theo chính lý, chính nghĩa. Người trên phải có đức độ tài ba, thực lòng
mưu cầu hạnh phúc cho dân. Người dưới phải hết lòng phụ bật người trên,
trên dưới một lòng mới gây nên sự nghiệp lâu dài.
Kiến An Khâu thị bình về quẻ Tỉ như sau:
«Tiên vương xưa chia dân thành từng chòm
xóm. Năm mười nhà canh tác trong cùng một cánh đồng, uống cùng một giếng
nước, ra vào bè bạn với nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống thường
nhật; phù trì nhau trong những lúc tật nguyền, thế cho nên được yên vui.
Còn như để cho dân tan đàn, sẻ nghé, mỗi người bạc lạt mỗi ngã thì hung
hạo không biết chừng nào.» (Xem Dịch Kinh Đại Toàn, nơi quẻ Tỉ).
Thánh hiền xưa lại quan niệm rằng:
Con người muốn sống hạnh phú, sung sướng
không thể nào sống bừa phứa được, mà phải biết tuân theo những quy luật,
những định tắc mà thiên nhiên đã phú bẩm cho mình.
Con người sống trong thiên nhiên, phải
biết sống thuận theo thời tiết, thủy thổ, mới có thể sống khỏe mạnh,
sung sướng.
Con người sống trong xã hội, cũng cần phải
biết sống với tha nhân, cần phải chấp nhận những định tắc, những tiêu
chuẩn mà tiền nhân, mà đại chúng, mà phong tục tập quán đã chấp nhận là
hay, là phải mới tránh được những lỗi lầm, mới mong tạo được niềm hòa
khí và sự thái thịnh chung.
Con người sống không phải là để sống suông
mà còn là để tiến hóa, để trở nên hoàn hảo ngày một hơn mãi.
Tóm lại, con người sinh ra muốn có một
cuộc sống hẳn hoi mạnh giải, có ý nghĩa, về phương diện cá nhân cũng như
về phương diện xã hội, cần phải biết thuận theo những định luật thiên
nhiên, những định luật sinh lý, tâm lý, xã hội.
Về phương diện xã hội chẳng hạn người xưa
đã cố gắngn rất nhiều để tìm cho ra những nguyên lý căn bản, những định
luật thiên nhiên chi phối đời sống xã hội.
1/ NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN
a) Người xưa lấy trời
làm nền tảng cho mọi công cuộc xây dựng xã hội.
Trong công cuộc trị dân, các thánh vương
xưa rất quan tâm đến vấn đề tế tự.
Các vị đế vương phụ trách việc tế lễ trời,
còn dân chúng lo việc thờ cúng tổ tiên. Cử chỉ ấy nhắc nhở chúng dân
đừng quên gốc gác của mình, cũng như đừng bao giờ quên rằng trời đã sinh
ra mình.
Nó cũng nhắc nhở con người sinh ra không
phải để mê mãi chuyện trần hoàn, mà thực ra cốt để trở nên hoàn thiện,
tìm kiếm lại được đức trung (sự hoàn thiện)
cao quý mà trời đã
phú cho, tìm lại được sự hoàn thiện nguyên thủy, để đi đến chỗ Phối
Thiên, đến chỗ sống thánh thiện, kết hợp với Trời mà Kinnh Thi cũng như
Trung Dung đã nhiều lần đề cập tới.
Như vậy đời sống mới có đầu đuôi mới có ý nghĩa.
Vả nếu không có trời, thì lấy gì làm nền
tảng cho nền luân lý chính trị?
Xuân Thu Tả Truyện, viện dẫn Kinh Thi để
chứng minh điều đó
Kinh Thi viết:
«Tại sao các người không kính sợ nhau? Thế
là các người đã không kinh sợ Trời rồi vậy.»
Xuân Thu Tả Truyện cho rằng, Một người cầm
quyền không bạo ngược với kẻ là vì kính sợ Trời vậy.
Chu Tụng viết: «Ta kính sợ oai trời, nên
ta được trời bảo hộ.»
Lễ Ký viết:
Vạn vật đều gốc gác ở trời, con người gốc
gác ở tiên tổ, cho nên làm lễ Giao là để phối kết với Thượng đế, tỏ lòng
tri ân với nguồn gốc của mình, và quay về cội rễ đầu tiên vậy.
b) Thiên tính con
người toàn thiện.
Người xưa quan niệm rằng: con người sinh
ra đời đã được Trời phú bẩm cho một Thiên tính toàn thiện.
Kinh Thi viết:
«Trời sinh ra khắp muôn dân
Vật nào phép nấy định phân rành rành
Lòng dân đã sẵn căn lành,
nên ưa những cái tinh thành, tốt tươi.»
Nhưng vì vật dục lôi cuốn, hoàn cảnh đẩy
đưa, vì đói khát, vì dốt nát, on người dầ dà sa đọa vào vòng lầm lạc,
tội lỗi.
Tuy nhiên, thiên lương con người thực ra
chỉ bị lu mờ đi, chứ không bao giờ bị pha phôi, hủy diệt, vì thế có thể
dùng giáo hóa để cải thiện con người, phuc hồi thiên lương, thiên tính
họ. Việc ấy chắc có thể thực hiện được.
2/ ÍT NHIỀU ĐỊNH LUẬT THIÊN NHIÊN CHI PHỐI ĐỜI
SỐNG XÃ HỘI
a) Định luật tôn ti,
trật tự trong xã hội.
Dịch Kinh cho rằng:
«Trời tôn quí, đất thấp hèn,
Kiền Khôn hai quẻ âu liền định theo.
Sự đời ao thấp tranh treo
Nên trong hào quái có điều hèn sang.»
Như vậy, vũ trụ dùng trời đất, Dịch Kinh
dùng âm dương, đã cho ta thấy rõ vạn vật, vạn loài đều có tôn ti. Hạ
Dương viết: «Vạn vật đều có quí tiện, cao hạ, đại tiểu, tôn ti văn chất
khác nhau. Thánh nhân chế phép tắc để mọi loài quí tiện cao hạ sống hợp
với tính cách mình.»
Khang Hi, nơi quẻ Khôn, đã bình về lẽ tôn
ti trong con người và trong xã hội như sau:
Nơi con người thì Dương là «Tâm chi thần
minh», Âm là ngũ quan, bá thể.
Trong nhân luân thì Dương là vua là cha là
chồng. Âm là bầy tôi là con là vợ.
Tâm linh nhờ có tay chân mới vận động
được; vua nhờ có tôi; chồng nhờ có vợ; cha nhờ có con, thì công việc mới
chu toàn.
«Ở nơi con người thì tứ chi, bà hài phải
thuần phục tâm linh, trong xã hội tì thần tử, thê thiếp phải thuận phục
quân phụ, hay phu quyền, như vậy xã hội mới có tôn ti, thể thống. Nếu ở
con người tứ chi, tai mắt tự do theo sở dục, nếu trong xã hội thần tử,
thê thiếp tự ý hành sự, nếu nơi nhân thân mà lý với dụcc giao tranh, nếu
nơi xã hội mà công với tư va chạm thì mầm loạn lạc sẽ phát sinh…»
b) Định luật «Hiệt củ»
絜
矩,
«suy bụng ta ra bụng người.»
«Hiệt củ» nói nôm na là phép «Thước tấc».
Ta muốn gì thì người cũng muốn thế. Ta
muốn người làm cho ta thế nào thì hãy làm cho mọi người như vậy.
Cái gì ta không muốn thì đừng làm cho
người. (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân).
Thay vì nói là «phép thước tấc», ngày nay
ta có thể gọi phương châm «Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân»
己
所
不
欲
勿
施
於
人
là khuôn vàng, thước ngọc của nhân loại trong khi tiếp nhân, xử
thế.
c) Định luật cảm ứng (Loi de l’influence
réciproque) và định luật phản ứng dây chuyền (Loi des réactions en
chaînes).
Dựa vào những định luật này, các thánh
hiền xưa cho rằng nếu một người mà hay có thể làm cho nhiều người trở
nên hay; một người mà dở có thể làm ho nhiều người khác trở nên dở.
Đại học viết: «Một nhà nhân đức có thể làm
cho cả nước nhân đức; một nhà lễ nhượng có thể làm cho cả nước lễ
nhượng. Một người tham nhũng có thể làm cho cả nước rối loạn. Cái cơ là
như vậy. Vì thế có câu: Một lời có thể làm hư cả công việc; một người có
thể làm yên cả đất nước.»
Đại học lại viết: «Nếu bậc quốc trưởng ở
trên cung kính với cha mẹ, thì dân chúng ở dưới cảm động mà ăn ở hiếu
thảo với cha mẹ. Nếu bậc quốc trưởng ở trên trọng kính huynh trưởng, thì
dân chúng ở dưới cảm động mà ăn ở lễ nhượng với bậc đàn anh. Nếu bậc
quốc trưởng ở trên thương xót kẻ côi cuút, thì dân chúng ở dưới sẽ cảm
động mà thương giúp kẻ nghèo khổ, chẳng dám trái nghịch…»
Định luật này cũng còn áp dụng vào chính
trị. Quí Khang Tử, đại phu nước Lỗ, hỏi đức Khổng về chính trị. Đức
Khổng đáp: «Chính trị là làm cho dân trở nên ngay chính. Nay quan đại
phu mà treo gương ngay chính, thì còn ai dám ăn ở bất chính?»
Ngài còn cho rằng người trên mà muốn làm
điều lành, thì dân ắt nghe theo. Vì người quân tử như gió, mà tiểu nhân
như cỏ. Gió thổi qua thì cỏ sẽ rạp xuống.
d) Định luật tâm vật
hỗ tương ảnh hưởng (Loi de l’interaction psychosomatique)
Người xưa cho rằng Tâm tình ảnh hưởng đến
hình hài, ngoại cảnh. Ngược lại ngoại cảnh, hình hài cũng ảnh hưởng đến
tâm tình.
Đại học bàn về định luật «Tâm ảnh hưởng
đến hình hài» như sau:
«Giàu thời nhà cửa khang trang,
Đức thời thân thể khang an rạng ngời.
Lòng mà khinh thoát thảnh thơi.
Rồi ra sẽ thấy hình hài tốt tươi.» (Đại
học VI)
KhổngTử gia ngữ bàn về ảnh hưởng của
«vật, của ngoại cảnh, của hình hài đến tâm tình»:
«Một hôm, Ai Công nước Lỗ hỏi Khổng Tử:
“Giải mũ và áo chương phủ có ích lợi cho đạo nhân không?” Khổng Tử
nghiêm sắc mặt mà thưa: “Sao vua lại nghĩ thế? Người mặt áo sô gai,
chống gậy, chí không để đến sự vui, không phải là tại không nghe thấy,
vì y phụ khiến như thế; người mặt cái phủ, cái phất, áo ổn, mũ miện,
dáng điệu không nhờn, không phải là nguyên tính vốn trang nghiêm vì y
phục khiến như thế; người đội mũ trụ mặc áo giáp, cầm cây giáo không có
cái khí nhút nhát, không phải là vì thân thể vốn mạnh bạo, mà vì y phục
khiến như thế…» (Khổng tử gia nghĩa, Hiếu sinh, X.)
Chính vì vậy mà người lập ra những lễ
nghi, hình thức bên ngoài để mong cảm hóa con người bên trong.
3/ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP, NHỮNG ĐƯỜNG LỐI CHÍNH YẾU ĐỂ
ĐEM YÊN VUI LẠI CHO XÃ HỘI
a) Người xưa dùng Lễ
Nghĩa trị dân, cải thiện dân, điều hòa đời sống xã hội.
Lễ.
Lễ là một danh từ hết sức hàm súc. Nó gồm
rất nhiều ý nghĩa.
- Lễ trước hết là một danh từ chung, bao
quát hết mọi định luật tự nhiên chi phối vạn vật quần sinh (Ensemble des
lois naturelles).
- Lễ là nghi lễ, là tất cả bổn phận con
người đối với trời đất, tổ tiên (Céremonies, rites religieux, rituel,
céremonial).
- Lễ là tất cả các qui luật chi phối sinh
hoạt tâm thần con người (Lois morales).
- Lễ là tất cả các cách tổ chức chính trị,
xã hội (Oganisation politique et sociale).
- Lễ là những cách cư xử, tiếp nhân, đối
vật thanh lịch khéo léo. (Bonnes manières, convenances, décence, bonne
tenue, bienséance, politesse, courtoisié).
- Lễ là phong tục tập quán hay nói đúng
hơn là tất cả những gì gọi là thuần phong mỹ tục (Usages et coutumes,
tradition).
Lễ ký, nơi thiên Lễ Vận, bình luận về Lễ
như sau:
«Lễ phát xuất tự trời, đem áp dụng ở dưới
đất lồng vào trong mọi công việc, biến hóa theo thời gian, thích ứng với
phương tiện và nghề nghiệp từng người. Ở nơi lòng người nó điều hòa và
làm phát triển được mọi tính tình. Trong hành vi nó bao quát được mọi
công việc, mậu dịch, lao tác, ngôn từ, ẩm thực, quan hôn, tang tế, xạ
ngự, triều sính.
«Lễ qui định cái gì hay, cái gì phải. Đối
với con người nó rất là cần thiết.
Nó giúp con người hiểu thế nào là nhân đức
thật sự. Nó giúp con người nuôi kẻ sống, chôn kẻ chết, thờ quỷ thần, đạt
thiên đạo, thuận nhân tình. Cho nên thánh nhân cho rằng con người phải
biết Lễ.
«Cho nên quốc phá, gia vong, trước hết là
vì con người đã quên lễ nghĩa, quên bổn phận.
«Thánh vương xưa lập ra qui tắc, lễ nghĩa
để trị nhân tình.
«Nhân tình như ruộng đất, mà lễ phép như
cày bừa. Giảng điều hay, lẽ phải như gieo hạt: dạy dỗ, giáo hóa như làm
ỏ, lấy nhân ái (đạo đức) để dạy dân, lấy âm nhạc để an dân…
«Mục đích là đến chỗ đại hòa đại thuận.»
(Lễ ký, Lễ vận, chương VII, tiết IV, mục 5,6,7 v.v…)
Tóm lại mục đích của lễ là:
- Nuôi dưỡng những tính tốt.
- Ngăn chặn những tính xấu.
- Điều hòa đời sống tình ảm, nhân tình.
- Xác định tôn ti, thiện ác, thị phi.
- Đem lại sự hòa hợp; ngăn chặn sự chia
rẽ, loạn lạc.
- Đào luyện cho con người thêm thanh lịch,
thêm nhân cách…
Nghĩa.
Nghĩa là bổn phận chính yếu của mỗi một
thành phần xã hội, trong khi giao tiếp đối đãi với nhau.
Tiên vương xưa chia xã hội thành 10 thành
phần như sau: Quân, Thần, Phụ, Tử, Phu, Phụ, Huynh, Đệ, Trưởng, Ấu.
Mỗi hạng có một bổn phận khác nhau:
- Quân nhân (Vua phải nhân).
- Thần trung (Thần phải trung).
- Phụ từ (Cha phải khoan từ).
- Tử hiếu (Con phải hiếu thảo).
- Huynh lương (Anh phải tốt lành).
- Đệ đễ (Em phải kính thuận).
- Phu nghĩa (Chồng phải chính đính).
- Phụ thính (Vợ phải nghe lời chồng).
- Trưởng huệ (Người lớn phải thi ân).
- Ấu thuận (Người nhỏ phải vâng phục).
Đó là thập nghĩa (Lễ Ký, Lễ vận, chương
VIII, tiết 2, mục 19).
Nếu ai ăn ở cho đúng phương vị, đúng bổn
phận mình, thì thân tu, quốc trị, thiên hạ bình. (Luận ngữ, XII II).
b) Người xưa dạy dân
phải sống hòa hài cùng vũ trụ.
Người xưa tổ chức đời sống xã hội cho dân
con theo định tắc.
«Thượng luật thiên thì, hạ tập thủy thổ.»
«Trên thuận theo thời tời, dưới thuận theo
thế đất.» (Trung dung XXX).
Như vậy thánh nhân xưa dạy con người phải
thích ứng với hoàn cảnh vật chất, tích cực khai thác hoàn cảnh vật chất
để mà vui sống.
Hoàn cảnh vật chất gồm có trời đất, nhị
khí âm dương, nóng lạnh, sáng tối, thời tiết; có tinh, thần, nhật,
nguyệt; có thảo, mộc, sơn, xuyên; có ngũ vị (Toan, Khổ, Tân, Hàm, Đạm) ;
có ngũ âm (Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ) ; có ngũ sắc (Thanh, Hoàng,
Xích, Bạch, Hắc).
Cho nên con người phải dựa vào âm dương,
thời tiết nóng lạnh vào bốn mùa mà tổ chức công việc, nhất là tổ chức
công việc đồng áng tằm tơ. Phải biết tận dụng ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm để
tài bồi cho đời mình càng ngày càng thêm đậm đà, ý vị, đẹp tươi. Lễ ký
đã quảng luận vấn đề này rrất dài dòng nơi thiên lễ vận.
c) Thánh hiền xưa dạy
dân vui sống.
Khảo kỹ lưỡng về các phong tục xưa ta thấy
người xưa tuy phải làm lụng lắm lúc cũng hết sức vất vả, nhưng họ hết
sức yêu đời và sống vui tươi.
Nhiều tác giả Âu châu, khi khảo về phong
tục Trung hoa xưa đã nhận thấy điều đó.
Kinh Thi có tất cả gồm 70 bài thơ diễm
tình. Đọc lên ta thấy biết bao là tình ý của các cặp trai tài, gái sắc
yêu nhau, hò hẹn nhau, nhớ thương nhau.
Thêm vào đó biết bao là cảnh hát đàn, hát
đúm trong những đêm thanh gió mát hoặc trong những khi lao tác ngoài
đồng… và biết bao là lễ, tết công cộng để dân có dịp chung vui.
4/ MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
Mục đích của cuộc sống theo người xưa là
để tiến tới hoàn thiện.
- Hồng phạm, cửu trù, gọi thế là «Qui kỳ
hữu cực»: Tiến tới cực điểm tinh hoa.
- Trung dung viết:
«Hoàn toàn là đạo của trời,
Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.»
Theo từ ngữ Trung dung, tiến tời hoàn
thiện tức là tiến tới Trung đạo.
- Đại học viết:
«Đại học có mục tiêu rõ rệt,
Đuốc lương tâm cương quyết phát huy.
Dạy dân lối sống tân kỳ,
Chưa nơi hoàn thiện, còn đi chưa ngừng.»
- Trung dung cũng như sách Mạnh Tử đều cho
rằng:
«Sự hoàn thiện chính là (viễn đích của)
con người.»
«Nhân giả nhân dã.»
C. TỔNG LUẬN
Về phương diện chính trị, ta thấy rằng:
Các bậc thánh vương xưa lên trị nước không
phải là để hưởng thụ, để buông thả cho dục tình tha hồ phóng túng, nhưng
chính là để tuân theo ý trời, tuân theo những định luật thiên nhiên của
trời đất và của nhân loại, để mà hướng dẫn dân con. Chính vì thế mà các
ngài thời thường yêu cầu đình thần và dân chúng đàn hạch, kiểm thảo hành
vi hoạt động của mình.
Các ngài hứa đem an bình lại cho dân, nhưng không hứa suông mà lại dạy
dân phải thực hiện an bình bằng cách tu thân, bằng cách tôn trọng tam
cương ngũ thường, giữ vẹn tín nghĩa, trọng đức khinh tài v.v…Thế tức là
dạy dân biết tự trọng, biết tự tạo cho mình một nền hòa bình an lạc do
tài đức của mọi người, chớ không phải ngồi không ăn sẳn, ỷ lại chờ trời
đổ an bình xuống cho mình, như đổ mưa mốc xuống cho cây cỏ.
Vẻ đẹp khác ccủa nền chính trị xưa là cố
gắng hòa hợp động tác con người với sự vận chuyển của các tinh cầu, sự
vận động của vũ trụ, sự biến hóa của bốn mùa.
Trong bài này tôi đã chứng minh rằng tổ
chức chính trị củaa các thánh vương xưa đã được xây trên nền tảng vĩnh
cữu. Nói cách khác nó đã lấy trời làm căn bản, đã coi nền chính trị như
là một công cụ để cải hóa con người.
Các thánh vương xưa đã cố công lập ra
những nguyên tắc căn bản cho các vua chúa sau dựa vào để mà cai trị dân
cho tuyệt hảo. Các ngài thúc đẩy dân chúng làm lụng, tiết kiệm để trở
nên giàu có, sung túc,
tu nhân tích đức
để trở nên những chính nhân, quân tử, nên hiền thánh.
Các ngài tha thiết ước mong đem lại ho
nhân dân an bình, thái thịnh, hạnh phúc, cả về tinh thần lẫn vật chất,
mục đích là cho mọi người trở nên hoàn thiện.
Về phương diện xã hội, ta thấy người xưa
qui định xã hội thành 3 thành phần khác nhau:
1) Thành phần vô hình. Đó chính là
thượng đế, Thần minh và Tiên tổ.
Thành phần vô hình này chính là thành phần
gốc gác căn cơ không thể nào quên lãng được.
Vì thế mới có lễ Giao, lễ Xã, lễ Thường,
lễ Đế (Trung dung chương XIX) và Xuân thu nhị kỳ, có lệ tế lễ nơi tông
miếu (Trung Dung XIX)
2) Thành phần xã hội hữu hình: đó là
mọi người đang sống. Điều cốt yếu là làm sao cho mọi người:
- No đủ.
- Bình an.
- Vui sống.
- Sống đúng theo nhân luân, sao cho vua ra
vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con (Luận ngữ, XII, II)
3) Thành phần hoàn cảnh vật chất: mà
con người cần phải biết thích ứng và khai thác để mà sống cho hẳn hoi,
sung sướng.
Tóm lại người xưa quan niệm rằng:
Con người sinh ra ở đời không phải muốn tự
do làm gì thì làm mà phải tuân theo các định luật thiên nhiên, các định
luật sinh lý, tâm lý, nhân sinh và các định luật giao tế, xã hội. Có
tuân theo các định luật thiên nhiên, chúng ta mới tạo được cho mình một
đời sống lý sự đẹp tươi, vui, tạo cho mọi người một đời sống xã hội an
bình, hòa hợp. Đó là điều kiện căn bản để tiến tới chân, thiện, mỹ…

CHÚ THÍCH
Đã đăng Tập san Minh Đức, số 4, tháng 1&2 năm 1973.
Sun-Yat-Sen, dans
ses mémoires, répète: «N’oublie pas le passé, qu’il soit ton maitre dans
l’avenir.»
The Three Principles
of the People is, so to speak, the most well rounded form of expression
of the Chinese heritage. In order to understand China, it is advisable
that you first explore this typical Chinese ideology.
Dans sa théorie
économique chinoise, Tchiang Kai Chek s’appuie sur la doctrine de Kouang
Choun, premier ministre du prince de Ts’i au VIIè siècle avant Jésus
Christ, et sur les mesures prises par Wang Ngan Che, Premier ministre de
Song au XIè siècle.
Mao Tse Tung
lui-même, dans ses mémories militaires étudie la tactique des gures
durant les époques de «Printemps et de l’Automne» et des Royaumes
Combattants qui datent de plus de 2000 ans.
Xem Kinh Thư, Thiên «Trọng Hủy chi cáo»,
tiết 2: «Trời sinh dân có lòng dục, nếu không có chủ tất loạn.Thế nên
Trời sinh ra những người thông minh có bổn phận hướng dẫn kẻ khác.»
Xem Kinh Thư, Thiên «Thang cáo», tiết 6:
«Trời khiến ta mang lại đoàn kết và an ninh tới cho gia đình, cho quốc
gia các bạn.»
Xem Nguyễn Văn Thọ,
Khổng học tinh hoa, tr.88.
Chính giả chính dã.
(Luận ngữ, chương XII, 16. -Lễ ký, Ai công vấn, tiết 7)
-Nhân giả nhân dã. (Trung dung, chương XX)
Vi chính tiên lễ.
Lễ kỳ chính chi bản dư? (Lễ ký, Ai công vấn, tiết 11)
Luận ngữ, XII,16:
«Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo. Thảo thượng chi phong
tất yển.» 君
子
之
德
風,
小
人
之
德
草.
草
上
之
風
必
偃.
- Mạnh tử, Đằng văn công thượng, 2: «Thị
cố, hiền quân tất cung kiệm, lễ hạ; thủ ư dân hữu chế.»
是
故,
賢
君
必
恭
儉,
禮
下;
取
於
民
有
制
(Vậy nên các vua hiền thì giữ mình khiêm cung, ăn xài tiết kiệm có
lễ độ với kẻ bầy tôi và lấy thuế của dân có chừng mực.)
- Mạnh tử, Đằng văn công thượng, 23: «Nhân
luân minh ư thượng, tiểu dân thân ư hạ.»
人
倫
明
於
上,
小
民
親
於
下
(Nếu người trên biết rõ và giữ được nhân luân, thời người dân ở dưới
sẽ thân mến và hòa mục với nhau.)
Thiên thị tự ngã dân thị, Thiên thính tự ngã dân thính. KINH THƯ Thái
thệ trung, 7) -Dân chi sở dục. Thiên tất tòng chi. KINH THƯ Thái thệ
thượng, II) -Duy Thiên huệ dân duy tích phụng Thiên (Thái thệ trung, 4)
Cố hữu ngôn viết:
nhân vô ư thủy giám, đương ư dân giám. (Kinh thư, Tửu cáo, tiết 2)
Trí gián cổ; lập
báng mộc. (Textes historiques của Wieger trang 31)
- Xem Wieger, Textes historiques, Tome I,
p.88-89.
- Xem Khổng học tinh hoa của tác giả,
trang 95, chú thícch 1 và 2.
- Xem Kinh thư, Dân chính, tiết 3.
«Hoàn thành không
những riêng mình.
Rồi ra hoàn thiện quần sinh muôn loài.
Hoàn thành mình là người nhân đức,
Tác thành vật là bậc thông minh.
Thiên nhiên tự tính uy linh,
Trong ngoài hai mặt, một mình quán thâu.»
Đại hoc chi đạo tại
minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.
大
學
之
道,
在
明
明
德,
在
親
民,
在
止
於
至
善
(Đại học, chương I)
…Fifth, of royal perfection. - The
sovereign having established his highest point of excellence, he
concentrates in himself the five happinesses, and then diffuses them so
as to give them to his people…
James Legge, The Shoo king, p.328.
…Les sacrifices par
lesquels l’homme remontant à l’origine et à la source, remercie des
biens recus.
Cố viết phối Thiên,
(Trung Dung XXX)
Marcel Granet FÊTES
ET CHANSONS ANIENNES DE LA CHINE, Paris Librairie Ernest Lerroux, 1929.
- Marcel Granet, DANSES ET LÉGENDES DE LA
CHINE ANCIENNE, Paris Librrairie Felix Alcan, 1926.
Các bài thơ trữ tình trong Kinh Thi:
CHU NAM: Quan Thư. - Quyển nhĩ. - Chung
tư. - Đào yêu. -Phù dĩ. - Hán quảng.
THIỆU NAM: Thước sào. -Thái phiền. - Thảo
trùng. - Hành lộ. - An kỳ lôi. - Biểu hữu mai. - Tiểu tinh. - Dã hữu tử
khuân. -Hà bỉ nùng hĩ.
BỘI PHONG: Bào hữu khổ diệp. -Cốc phong.
-bắc phong. - Tình nữ.
DUNG PHONG: Tang trung. - Thuần chi bôn
bôn. - Đế đống.
VỆ PHONG: Manh. - Trúc can. - Hà quảng. -
Mộc qua.
VƯƠNG PHONG: Thái cát. - Đại xa. - Khâu
trung hữu ma.
TRỊNH PHONG: Tương trọng tử. - Tử vân đại
lộ. - Nữ viết kê minh. - Hữu nữ đồng xa. - Sơn hữu phù tô. - Thác hề.
-Giảo đồng. - Khiên thường. - Phong. - Phong vũ. - Tử khâm. - Dương chi
thủy. - Xuất kỳ đông môn. - Dã hữu man thảo. - Trân, Vĩ.
TỀ PHONG: Đông phương chi nhật.
ĐƯỜNG PHONG: Trù Mậu. - Hữu đệ chi đỗ. -
Cát sinh.
TẦN PHONG: Kiêm gia. - Thần phong.
TRẦN PHONG: Uyển khâu. - Đông môn chi
phần. - Hoành môn. - Đông môn chi trì. - Đông môn chi dương. - Phòng hữu
thước sào. - Trạch bi.
CỐI PHONG: Thấp hữu trường sở.
TÀO PHONG: Phù du. - Hậu nhân.
BÀN PHONG: Thất nguyệt. - Đông sơn. - Phạt
kha…
Thành giả thiên chi
đạo dã. Thành chi giả nhân chi đạo dã. (Trung Dung chương XX)
Nhân giả nhân dã.
(Trung Dung chương 20)
(Mạnh Tử, Tân tâm chương cú hạ, tiết 16)
|