VÀO ĐẠO HỌC - TRIẾT HỌC VỚI

NHÂN TỬ NGUYỄN VĂN THỌ [1]

HOÀNG VŨ (Bác sĩ Hoàng Văn Đức)

 

 Nhằm mục đích giới thiệu nhà học giả Nguyễn Văn Thọ tài liệu này gồm 4 phần chính và kết luận:

 

I. Thân thế tác giả.

II. Hành trình đi vào Đại Học, Triết Học của tác giả.

III. Những đóng góp vào Đạo giáo, Triết học và Khoa học của tác giả.

IV. Nhận định về tác giả qua sách vở, báo chí.

V. Kết luận

 

I. THÂN THẾ TÁC GIẢ

Tác giả sinh ngày 15-12-1921 tại Chi Long, Hà Nam Bắc Việt, tên NGUYỄN VĂN THỌ, bút hiệu NHÂN TỬ.

Tác giả đỗ Tú Tài toàn phần Triết Học Văn Chương Pháp năm 1944 và tốt nghiệp Y khoa bác sỹ tại Đại học đường Hà Nội năm 1952.

Sau khi tốt nghiệp y khoa bác sỹ, tác giả bị động viên với tư cách là bác sỹ quân y vào quân lực VNCH từ tháng 9 năm 1952. Với tư cách đó, tác giả đã phục vụ liên tiếp tại nhiều đơn vị và nhiều bệnh xá, bệnh viện tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Cuối năm 1952, tác giả được gởi đi tu nghiệp tại Army Medical Service School, Fort Sam Texas.

Tháng 6 năm 1956 trở về nước, Ông được cử giữ chức y sĩ trưởng bệnh viện tản thương 21 Đà Nẵng, và được thăng cấp y sĩ thiếu tá năm 1956. Đến năm 1958, ông được cử làm Y sĩ trưởng Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng, và Ông ở chức vụ đó cho tới năm 1963.

Khi ở Đà Nẵng, ngoài chức Y sĩ trưởng Tổng Y Viện, Ông còn kiêm nhiệm chức Đại diện quân y quân khu 2, Chủ tịch các hội đồng Trưng Binh, Miễn Dịch, sáng lập viên và hiệu trưởng trường Văn Hóa Quân Đội Đà Nẵng, Phó Hội Trưởng rồi Hội Trưởng Hội Cổ Học Đà Nẵng.

Sang 1964, đương sự vào Sài Gòn, phục vụ tại Tổng Y Viện cộng hòa từ 1964 cho đến tháng 5- 1965.

Sau đó, Ông giải ngũ, trở về hành nghề y sĩ tư tại 77 Võ Tánh, Phú Nhuận, Gia Định.

Ngoài hoạt động chuyên môn, Ông còn tham gia nhiều công tác hoạt động Văn Hóa.

Ông được mời giảng dạy triết học Trung Hoa tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn từ 1967. Đến 1972 được cử nhiệm làm giảng sư thực thụ.

Ngoài ra, Ông còn được mời làm Giáo Sư triết học tại Phân Khoa Triết Học Viện Đại Học Minh Đức từ 1971. Trong niên khóa 1973- 1974 Ông được cử nhiệm chức Giáo Sư Trưởng Ban Triết Đông Tại Đại Học Minh Đức.

Ngoài ra, trong những năm 1970- 1971, Ông còn giảng dạy Triết lý tôn giáo tại trụ sở Dòng Tên Alexandre de Rhodes, 161 Yên Đỗ, Sài Gòn.

Ông gia nhập Tinh Việt Văn Đoàn từ 1962.

Được tạp chí Concilium Hòa Lan mời gia nhập Hội Thần học gia quốc tế từ 1966.

Nhân viên tong ủy ban điển chế văn tự từ 1967 đến 1969.

Du Hành Quan Sát và Tu Nghiệp

Ông đã du hành quan sát Philippines năm 1952, theo lời mời của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ Sài Gòn cùng với các Ông Hồ Quang Phước và Trần Điền.

Ông đã du học tại Hoa Kỳ (từ tháng 12- 1955 đến 5- 1956) tại trường Army Medical Service School, Fort Sam Texas Hoa Kỳ.

Và đã đại diện ngành quân y Việt Nam tham dự Hội Nghị Quân Y Quốc Tế tại Teheran, Ba Tư năm 1961.

Các Tác Phẩm

Ông đã viết rất nhiều sách, nhưng mới được in có một số, còn một số lớn chưa in.

A/ Đã xuất bản

1) Khảo luận và phê bình học thuyết Khổng Tử (Khổng Học Đà Nẵng xuất bản năm 1961).

2) Lecomte du Noüy và Học Thuyết Viễn Đích (Văn Đàn xuất bản năm 1961).

3) Khổng học tinh hoa. (Khai Trí xuất bản, 1970).

4) Những điểm tương đồng của Phật Giáo, Công Giáo và Khổng Giáo (Công giáo tiến hành địa phận Xuân Lộc xuất bản).

5) Chân dung Khổng Tử (Khai Trí xuất bản năm 1972).

B/ Chưa xuất bản

1) Les secrets des reins révélés. (Luận án y khoa đệ trình tại Y khoa Đại Học đường Hà Nội năm 1952. Được giải thưởng luận án năm đó).

2) Trung Dung Tân Khảo (Giải thưởng văn chương Lecomte du Noüy do Tinh Việt Văn Đoàn trao tặng năm 1960- 1961).

3) Vô cực luận.

4) Thái cực luận.

5) Hà Đồ.

6) Lạc Thư.

7) Dịch học nhập môn.

8) Tượng luận thiên.

9) Dịch kinh giản yếu.

10) Âm Dương, Tứ Tượng, Ngũ Hành luận.

11) Kinh Dịch diễn ca và bình giảng (Toàn bộ: 1500 trang).

12) Lão Tử Đạo Đức kinh (diễn ca và bình giảng).

13) Văn Học là gì. (Diễn văn tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn đã đăng tải trong Văn Hóa nguyệt san năm 1969- 1970, Gió Việt của Bộ Ngoại Giao năm 1970, Tạp chí Tân Học năm 1972.)

14) Qu’est-ce que la culture. (Bản dịch pháp văn của bài diễn văn trên)

15) Trung Dung giảng luận.

16) Hướng Tinh Thần (Phong trào Hưng Giáo Văn Đông đã cho phổ biến hạn hẹp).

C/ Đang soạn thảo

1) Thiên văn học Trung Hoa (đã được đăng làm nhiều kỳ trên Tạp Chí Phương Đông).

2) Vấn Đề Văn Hóa.

3) Tôn giáo đối chiếu.

D/ Linh Tinh

Ngoài ra tác giả còn công tác với các tập san:

1) Cổ học Quảng Nam (1958-1960).

2) Đại học Huế. (1959).

3) Văn Đàn. (1961-1963).

4) Văn Hóa Tập San từ 1969.

5) Gió Việt của Bộ Ngoại Giao (1970).

6) Phương Đông từ 1971.

7) Minh Đức từ 1972.

8) Tân Học. (1972)

Tác giả cũng đã diễn thuyết ở nhiều nơi về nhiều vấn đề văn chương, triết học, đạo giáo.

Đã diễn thuyết về Khổng Giáo, tại:

- Đại học Huế (1959).

- Trung Phần Tương Tế Huế (1960) do lời mời của Viện Hán Học Huế.

- Đà Nẵng.

- Hội An. (1960)

- Vĩnh Điện (Quảng Nam, 1960).

- Hòa Vang (Quảng Nam, 1960).

- Tổng Y Viện Cộng Hòa Sài Gòn.

- Hội Việt Mỹ Sài Gòn (Thuyết trình bằng anh văn, tháng 10-1970. Bài diễn văn đã được đăng tải bằng song ngữ Anh Việt trong tạp chí của Hội Việt Mỹ.

Đã diễn thuyết về:

- Đề tài «Sức mạnh con người» tại câu lạc bộ sĩ quan Huế (1961).

- Đề tài «Thanh niên trước ngưỡng cửa đời» tại trườong Sao Mai Đà Nẵng (1962) và trường Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (1966).

- Đề tài «Văn Hóa là gì?» tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn (1969).

- Đề tài «Ít nhiều nhận định về Tôn giáo đối chiếu» tại trường Taberd Sài Gòn (1970) và Chi Hội Kiêm Ái, Phan Thanh Giản, Sài Gòn (1973).

- Đề tài «Những điểm tương đồng giữa Phật giáo, Khổng giáo và Công giáo» tại tòa Giám Mục Long Khánh (1970).

- Đề tài “Trời chẳng xa người” tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài 171 Cống Quỳnh Sài Gòn (1970).

- Đề tài “Tìm hiểu vũ trụ, con người và Đạo giáo qua Kinh Dịch tại Chi bộ Kiêm Ai đường Phan Thanh Giản Sài Gòn (1973).

- Đề tài «Ý nghĩa âm nhạc trong văn minh Đông Phương» tại Phân khoa

Từ 1969 tác giả đã dành các buổi chiều chủ nhật để giảng dạy kinh Dịch cho một số sinh viên đã tốt nghiệp cử nhân triết tại Văn Khoa Sài Gòn. Một giảng khóa đã kéo dài hơn 400 giờ.

Hiện nay Ông tiếp tục giảng dạy Lão Trang cho các sinh viên cũng chiều chủ nhật tại 171 Cống Quỳnh Sài Gòn.

Huy chương đã được:

- Anh dũng bội tinh với ngôi sao vàng năm 1955.

- Văn hóa giáo dục bội tinh do Phủ Văn Hóa trao tặng năm 1972.

 

II. HÀNH TRÌNH ĐI VÀO ĐẠO, TRIẾT HỌC CỦA TÁC GIẢ

Ở đời cái gì cũng có duyên do, nguyên ủy.

Vậy chúng ta cũng nên xét xem vì những lý do gì và trong trường hợp nào tác giả một tây y đã đi vào con đường Đạo Học và Triết Học Đông Phương.

Tác giả cho biết: tác giả đã đi vào con đường triết học và đạo học theo ngả tự giác, tự ngộ. Sách vở đối với tác giả chỉ là những công cụ thứ yếu. Tuy nhiên tác giả cho rằng sách vở giúp chúng ta làm sống động lại, và bừng tỉnh ra những mầm mống đã tiềm ẩn sẳn trong tâm thức mình, hoặc giúp ta kiểm chứng lại những tư tưởng đã tìm lại được.

Tác giả đã tìm ra được chiều kích sâu xa của tâm hồn, nhân đọc đến hai chữ Suất Tính của Trung Dung.

Tác giả lý luận:

Suất Tính là «Theo tính». Đã có Theo thì phải có Dẫn, nghĩa là phải có cặp đôi.

Nếu cái Dẫn đây là Tính.

Thì cái Theo ắt phải là Tâm.

Vậy Tâm là gì? Tính là gì?

Tác giả cho rằng:

Tâm là Nhân tâm, là tâm hồn con người, là phần Nhân nơi con người.

Tính là Thiên tâm, là Thần, là phần Thiên nơi con người.

Để mọi người nhận định được Tâm, Tính cho rõ hơn, cho dễ dàng hơn, tác giả nhận định thêm rằng:

Tâm là tâm hồn, là Tâm tư biến thiên, riêng biệt của mỗi người. Nó chính là con người tầm thường còn nằm trong hoàn cảnh (Le Moi empirique, le Moi en situation)

Tính là lương tâm, lương tri bất biến. Đó là con người lý tưởng, con người siêu việt mà nhân loại thường mơ ước. (Le Moi idéal, Le Moi transcendant)

Đối với tác giả đây là một khám phá then chốt, hết sức quan trọng; nó giúp con người hiểu rõ ràng về thân thế và định mạng con người và giúp con người tìm ra được chân đạo.

Hiện nay thân thế con người còn điêu linh, đó là vì con người tầm thường, còn vướng mắc trong hoàn cảnh. Nhưng định mạng con người sẽ rất cao sang, vì con người sẽ tiến dần tới con người lý tưởng. Chân đạo thực ra chỉ là tát cả những phương cách giúp con người tầm thường trở thành con người siêu việt, con người lý tưởng mà thôi.

Tuy nhiên, thoạt kỳ thủy, ông chỉ coi nhận định trên như là một giả thuyết, và với tư cách một người yêu chuộng khoa học và chân lý ông nhất định chứng minh điều đó.

Chứng minh bằng cách nào?

Ông cho rằng nếu nhận định trên là một chân lý, nó sẽ phải có tính cách siêu không gian, thời gian, phổ quát, bất biến và như vậy bất kỳ một ai, không phân biệt quốc gia, lịch sử, khi đã đạt tới một trình độ tiến hóa tâm hồn nào đó sẽ chứng nghiệm được.

Như vậy, các giáo chủ, các bậc hiền triết xưa nay, dĩ nhiên phải có nhận định như vậy. Và nhận định này cũng đã phải được ký thác trong các thánh thư, trong các kỳ thư, bí điển của nhân loại, và trong từ ngữ các quốc gia.

Với một quan niệm vững vàng như vậy, một đường lối rõ ràng như vậy, với một ý chí sắt đanh và cương quyết chứng minh cho được điều mình đã khám phá ra, như vậy ông bắt đầu khảo cứu các đạo giáo, các triết thuyết, các khoa huyền học trong thiên hạ.

Ông đã khảo cứu Công giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Bà La Môn giáo, Hồi giáo, Bài Hỏa giáo, Kỳ Na giáo, Cao Đài, Thông Thiên, Su Bút, và các khoa huyền bí như Tarot, Alchimie, Rose Croix, Franc maçonnerie, Astrologie; ngoài ra còn đọc các triết gia danh tiếng cổ kim, Á cũng như Âu.

Từ ấy cho đến nay, thấm thoát đã 15, 16 năm trời, Ông đọc không biết bao nhiêu là sách vở và càng ngày ông càng tin chắc rằng không một thánh thư nào, không một giáo chủ nào mà không chủ trương như vậy.

Theo ông, Thánh Kinh Công giáo đã nói đến:

- Chữ THẦN (Do Thái: Ruah. - Hi Lạp: Pneuma. - Latinh: Spiritus. - Pháp: Esprit) 872 lần.

- Chữ HỒN (Do Thái: Nephesch. - Hi lạp: Psuché. - Latinh: Anima. - Pháp: Âme) 873 lần.

Thánh Paul cũng đã phân biệt THẦN và HỒN hết sức rõ ràng minh bạch trong Thessaloniciens 5, 23 và Hébreux 4, 12.

Bà La Môn cũng như Phật giáo đều phân biệt Đại ngã và Tiểu ngã; Chân Tâm và Vọng Tâm v.v…

Nho giáo đã phân biệt TÍNH và TÂM. Trung Dung dạy Suất Tính. Đại Học dạy Chính Tâm.

Lão Giáo cũng phân biệt Đạo và Tâm hay Thần và Tâm. Chủ trương của đạo Lão là «Tâm tử, Thần hoạt» (Tâm phải chết đi cho Thần được sống động, linh hoạt).

Khảo từ ngũ nhân loại, không một nước nào mà không phân biệt TÂM với LƯƠNG TÂM.

Như vậy, với hai chữ TÂM THẦN, Ông đã tìm được ra sức mạnh vạn năng của nhẽ Âm Dương giao thái (conjunctio oppositorum) và hiểu được áo nghĩa của huyền thoại xưa như Sâm Thương, Osiris Isis, Castor Pollux, Eros- Psyché v.v…

Sau khi đã khám phá ra được TẦNG SÂU TÂM HỒN mà ông gọi là:

- THẦN.

- THIÊN.

- TÂM ĐIỂM BẤT BIẾN.- THIÊN ĐỊA CHI TÂM.

- LÝ TƯỞNG HẰNG CỬU.

- LƯƠNG TÂM, LƯƠNG TRI v.v…

Ông tiến thêm một bước nữa để nhận định đâu là Chân đạo?

Nhân định TÂM, THẦN ở trên giúp cho ông thấy rõ rằng: Trời chẳng ở đâu xa, mà đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người.

Và như vậy, muốn tìm Trời, tìm Đạo, tìm về Bất biến, Hằng cửu, Tuyệt đối, con người chỉ có việc đi sâu vào nội tâm.

Ông chủ trương đó là tinh hoa của mỗi đạo giáo, và chân đạo duy nhất dưới mọi hình thức tôn giáo biến thiên, đa tạp phiền toái bên ngoài.

Và từ ấy, Ông thay đổi nếp sống, trở nên hăng say, đi vào con đường trước tác, giảng giáo, diễn thuyết, không ngoài mục đích chia sẻ cùng người những điều mà ông đã khám phá ra, cũng là những điều ông cho là chân lý rốt ráo, đích thực.

Quyển sách triết học đầu tiên của ông là quyển Khảo Luận và Phê bình Học Thuyết Khổng Tử.

Quyển sách này trước khi in thành sách do Hội Cổ Học Đà Nẵng, Ông đã dùng để diễn thuyết ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Viện Đại Học Huế, Faifoo, Điện Bàn Quảng Nam, Tổng Y Viện Cộng Hòa v.v… và đã được phát thanh trên đài Huế.

Trong quyển sách này, ông đã đối chiếu đạo Khổng với các đạo giáo khác để đi đến kết luận rằng: Đạo Khổng cũng như các đạo giáo khác thực ra chỉ dạy rằng:

1) Trong Tâm còn có Tính.

Dưới lớp Nhân Tâm còn có Thiên Tâm.

2) Đạo là con đường dẫn từ Tâm đến Thiên: liên kết được Nhân Tâm với Thiên Tâm.

3) Đạt đạo là khi Tâm hồn phối kết được với Thiên, với Thiên Tâm.

Quyển sách thứ hai mà ông viết là quyển Trung Dung Tân Khảo.

Quyển này tuy mới được quay ronéo và được phổ biến hạn chế, nhưng đã được trao tặng giải thưởng Lecomte du Noüy của Tinh Việt Văn Đoàn năm 1961, và đã được tác giả biến chế để dùng làm sách giảng khóa trong Đại Học Văn Khoa từ năm 1967.

Trong quyển này, ông phát minh thêm một điều hết sức giản dị nhưng cũng hết sức quan trọng và mới mẻ.

Ông chỉ dùng có Tâm điểm (Centre) và nhiều vòng tròn đồng tâm để tìm hiếu vũ trụ và con người.

Theo ông, Tâm điểm hay Trung điểm, hay Trung Dung đã được cổ nhân dùng để tượng trưng cho Chân Tâm, Bản Thế Thượng đế bất khả tư nghị, hay Phật tính, hay Hư vô, nguồn gốc phát sinh ra vạn hữu.

Các vòng tròn bên ngoài đã được dùng để tượng trưng cho thế giới hiện tượng, thế giới vạn hữu, biến thiên bên ngoài, từ khinh thanh đến trọng trọc, từ tế viv đến thô thiển, từ tinh thần đến vật chất v.v…

Ông đã dùng tâm điểm và vòng tròn với các ý nghĩa mà nó hàm tàng, để giải thích các tượng hình đạo giáo, triết học, huyền học xưa và nay.

Ông nhận định rằng người xưa đã coi Tâm là nguồn gốc biến hóa là nguyên ủy, Thủy chung, đã coi Tâm điểm là Trục, là Cốt, chi phối mọi cuộc chuyển động bên ngoài.

Nếu cái gì chuyển động cũng do Tâm, y như bánh xe chuyển động phải nhờ trục, thì dưới những lớp lang biến hóa bên ngoài dĩ nhiên còn phải có Thiên Tâm làm chủ chốt.

Tâm ấy có nhiều tên gọi khác nhau, hoặc là Bản thể, hoặc là Thiên, hoặc là Thái cực, hoặc là Thiên, hoặc là Đế, tùy theo mỗi đạo giáo.

Tác giả lại tìm ra được rằng quan niệm Tâm trục và Vòng tròn biến hóa bên ngoài, đã được người xưa dùng để tìm hiểu Thiên Văn, Tổ chức xã hội, tìm hiểu con người.

Trên trời, thì Tâm là Bắc Cực. Vòng tròn biến thiên là vòng Hoàng đạo bên ngoài, là vòng biến hóa của Âm Dương (mặt trăng mặt trời) và của ngũ hành (Ngũ tinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)

Dưới đất: Tâm là Kinh đô, là Nhà Vua. Vòng biến hóa bên ngoài là Dân gian, Châu quận.

Nơi con người: Tâm là Nê Hoàn Cung (não thất 3), vòng biến hóa bên ngoài là hai mạch Nhâm và Đốc.

Tác giả nhận định thêm rằng: các đạo gia chân chính xưa nay bất kỳ là ở Ấn Độ hay Trung Hoa hay Tây Tạng đều phải biết Nê Hoàn Cung và hai mạch Nhâm và Đốc.

Đi sang phía trời Âu, tác giả khám phá ra rằng người Âu Châu xưa cũng chú trọng đến các Phòng (ventricules) trong não bộ mà họ gọi là ventricules.

Tác giả cũng nhận định rằng Au cũng như Á xưa đều tin rằng Nhân Tâm có thể phối hợp với Thiên Tâm. Mà nơi trời người gặp gỡ chính là ở trong đầu não con người.

Chính vì vậy, mà theo đạo Lão trong đầu con người có một cung gọi là Động Phòng.

Theo Châu Âu, thì trong óc não con người cũng có một nơi gọi là Thalamus, mà Thalamus chính là Động Phòng theo nguyên nghĩa Hi La.

Và nhờ áp dụng Dịch cũng như các khám phá khoa học hiện đại mà tác giả đã đi đến nhận định hết sức quan trọng này là Nê Hoàn cũng như người xưa chính là Não Thất ba của khoa Cơ Thể học hiện đại.

Với khám phá này, tác giả nghĩ rằng đã phối hợp được Đạo giáo với Triết học, Khoa học.

Về phương diện Đạo giáo, tác giả minh định rằng Não Thất Ba là Liên Hoa Tâm tử ngữ Phật Giáo, là Huỳnh Đình, là Nê Hoàn Cung, là Trung Cung, theo từ ngữ Lão giáo, Khổng giáo, là Thánh điện, là Bồng Lai Nhược Thủy, là Vườn địa đàng của Tổ Tông, nơi có bốn con sông (tức là bốn động mạch não) chảy vào theo hình thước thợ và chảy quanh theo vòng Willis, nơi đó có các thần kinh qui về, nơi đó chính là nơi mà trời ngự trị trong lòng con người, thường đối thoại với con người bằng ngôn ngữ lương tâm.

Về phương diện triết học muốn tìm cho ra bản thể con người, chúng ta phải vào cho tới chỗ thẳm sâu nhất ấy của đầu não con người.

Về phương diện khoa học và y học, cũng như đạo giáo tác giả nghĩ rằng đã đóng góp một phần không nhỏ khi khám phá ra được diệu dụng của Não Thất Ba, mà Lão giáo gọi là Nê Hoàn, mà Phật giáo gọi là Niết Bàn, một đại huyệt trong con người, vì nơi đó tất cả kinh mạch đều triều củng về. Não thất ba trực tiếp liên lạc với các xoang não khác (Ventricules latéraux et 4ème ventricule), với tủy xương sống và với mọi dây thần kinh khác rồi từ đó liên lạc trực tiếp với muôn phương vũ trụ bên ngoài (ta nên nhớ các dây thần kinh đều rỗng giữa và khi ra đến da đều liên lạc được với thế giới bên ngoài), hợp với vũ trụ bên ngoài thành một hồn khối bất khả phân đúng như Ba La Môn đã nói Atman: là Brahman, hay Nội tại (Immanent) chính là Siêu việt (Transcendant).

Tác giả cũng chứng minh rằng nếu con người đạt được Trung điểm Tâm Thần chính là đã lên đến Thái cực, đạt tới tinh hoa muôn thủa.

Trong Trung Tân Khảo tác giả viết:

…Dương cung thần nhắm đích Thâm tâm,

Bắn vào trung điểm Tâm Thần,

Ấy là thoát khỏi hồng trần lầm than,

Như trăng sáng băng ngàn trần thế

Rẽ Đẩu Ngưu đượm vẻ thần tiên.

Ấy là Tâm pháp thánh hiền,

Ấy là Trung Đạo tương truyền xưa nay…

Bộ sách lớn thứ 3 mà tác giả viết bao gồm 13 tập lớn nhỏ và gồm 2500 trang, Khảo luận và bình dịch Dịch Kinh.

Phần dẫn nhập chiếm 1000 trang.

Phần bình dịch chiếm 1500 trang.

Đặc biệt là tác giả dịch toàn bằng thơ, bình giảng theo phương pháp khoa học, rồi lại tóm tắt mỗi quẻ bằng 8 bài thơ tứ tuyệt. Như vậy nếu ta đếm các bài thơ tứ tuyệt mà tác giả đã làm trong bộ Dịch kinh này thì ít nhất cũng có khoảng 500 bài. Còn thơ Dịch theo lối lục bát hay Song Thất Lục Bát thời được cả vạn câu.

Tác giả đi vào Kinh Dịch như là một tác giả nhiều hơn là một nhà bình dịch.

Nhìn vào vòng Dịch Tiên thiên tròn, ông đọc ra rằng:

Vũ trụ hiện tượng này đều do một Tâm sinh xuất, Tâm đó là Thái cực hay Vô cực.

Các hào quái bên ngoài tượng trưng cho sự biến hóa của vạn hữu. Những biến hóa bên ngoài mặc dầu đa tạp, nhưng thực ra được chi phối bởi những định luật hết sức khéo léo, chặt chẽ.

Nhìn vào HÀ ĐỒ, Ông đọc rằng:

Số 5 và số 10 bên trong tượng trưng cho Bản thể, cho Thái cực, cho Thượng đế. Các số 1, 2, 3, 4 bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu với những cơ cấu căn bản của chúng, hoặc thuần âm (2) hoặc thuần dương (1) hoặc bán âm bán dương (4, 3).

Các số 6, 7, 8, 9 tượng trưng cho hai cực biến hóa và chiếu hướng biến hóa.

6 là cực âm.

9 là cực dương.

7 là Dương thoái về Âm.

8 là Âm tiến về Dương v.v…

Nhìn vào Lạc Thư, Ông đọc:

5 là Thái cực.

Các số bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu, phân thể của Thái Cực, vì:

1 + 9: 2 x 5

2 + 8: 2 x 5

3 + 7: 2 x 5

4 + 6: 2 x 5

Hơn nữa, các số ngang, dọc, chéo cộng với nhau đều là 15. Mà 15 trong Hà Đồ là số ở Trung Cung tượng trưng cho Thái Cực, cho Thượng Đế.

Nhìn vào tám quẻ trong vòng Bát Quái Tiên Thiên, ông nhận định: Sự biến hóa trong vũ trụ và nhân quần đều có chiều hướng.

Nếu ta vẽ vòng Dịch tiên thiên, rồi chia nó thành hai phần Tả (B) và Hữu (A), ta sẽ thấy:

Chiều A là chiều Âm trưởng Dương tiêu. Chiều B là chiều Dưởng trưởng Âm tiêu.

 

                                             

 

Từ xưa đến nay, ở bên Trung Hoa cũng như ở bên Việt Nam, các nhà bình giải Dịch Kinh chưa có ai phân biệt được xem quẻ kép khác quẻ đơn cái gì.

Riêng ông, ông nhận định một cách đơn giản như sau:

Quẻ đơn tượng trưng cho vạn hữu, về hình thể hoặc về tính tình.

Có như vậy mới hiểu được THUYẾT QUÁI trong kinh Dịch, vì trong đó hoàn toàn dùng Bát Quái tượng trưng cho vạn hữu, hay tính tình vạn hữu.

Quẻ kép tượng trưng cho mọi hoàn cảnh mà vạn hữu nhân quần sinh ra trong khi giao tiếp với nhau.

Thượng kinh và hạ kinh viết lại 64 quẻ, tức là đưa ra 64 hoàn cảnh khác nhau để dạy con người phương pháp xử sự cho khéo léo tùy mỗi hoàn cảnh mình gặp.

Phương pháp mà Dịch kinh dùng để mô tả mỗi quẻ kép tức là nghiên cứu mỗi hoàn cảnh thực là giản dị và thống nhất:

Mỗi quẻ kép có:

Tự quái.

Thoán từ.

Thoán truyện.

Tượng truyện.

Hào từ Tiểu tượng truyện.

Tự quái có mục đích dạy ta khi gặp mỗi QUẺ, tức là mỗi hoàn cảnh phải xét xem nó duyên do từ đâu.

Thoán từ dạy ta phải ước lượng tổng quát tình hình và hoàn cảnh mình gặp xem đại khái nó sẽ hay hay sẽ dở.

Thoán truyện dạy phải phân tách, nghiên cứu mỗi hoàn cảnh cho kỹ lưỡng.

1) Trước hết phải phân mỗi hoàn cảnh thành những yếu tố cấu tạo cũng như khi gặp một quẻ kép phải phân nó thành những quẻ đơn, mới hiểu được.

- Xem chúng liên hệ ảnh hưởng đến nhau ra sao.

- Nếu được, tìm xem ai là chủ chốt.(Tìm chủ hào)

- Nghiên cứu xem hoàn cảnh đó hay dở ra sao, chiều hướng ra sao.

- Nghiên cứu xem nó dạy ta được bài triết học nhân sinh nào không.

Đại tượng Truyện dạy ta, đứng trước bất kỳ hoàn cảnh nào hiện tượng nào dù là thiên nhiên hay nhân sinh, nhân thế, lập tức phải tìm lấy một bài học luân lý.

Các Hào chuyên xét xem, mỗi hoàn cảnh sẽ hay dở ra sao:

- Tùy theo mỗi giai đoạn tiến triển.

- Tùy theo tài đức và địa vị từng người trong hoàn cảnh.

- Tùy theo cách cư xử cứng mềm, vụng về hay khôn khéo của từng người.

- Tùy theo sự phù ủng hay chống đối mà mỗi người được hay bị. v.v…

Nhìn vào Đồ Bản Dịch Kinh 64 quẻ xếp theo chiều dài ông nhận định:

Thái cực mà vạn hữu hợp lại với nhau thành một cây đại thụ. Gốc là Thái Cực duy nhất. Hai thân chính là Âm Dương, các cành lá là Hào quái tượng trưng cho vạn hữu và sự biến hóa của vạn hữu. Như vậy tất cả vũ trụ này đều có liên lạc chặt chẽ với nhau.

Ngoài ra, Ông còn dùng Tâm Điểm và các vòng tròn đồng tâm để giải Dịch.

Ông suy rằng nếu đem xoay chuyển vận động các vòng tròn đồng tâm nói trên thì Tâm điểm sẽ đứng yên một chỗ, còn các vòng tròn bên ngoài sẽ chịu định luật thăng giáng, biến thiên. Ngoài ra chúng còn chịu định luật ly tâm và hướng tâm. Ông nhận định tiếp thêm rằng, nếu vậy muôn vật muôn loài trong vũ trụ, một khi đã có hình tướng đều phải chịu những định luật thăng trầm, ly tâm, hướng tâm như vậy.

- Ly tâm là Tán.

Hướng tâm là Tụ

(Đối với vũ trụ)

- Ly tâm là hướng ngoại.

Hướng tâm là Hướng nội.

(Đối với con người).

- Ly tâm hay hướng ngoại là Từ Tinh thân hướng dần ra vật chất.

Hướng tâm hay hướng nội là Từ vật chất hướng dần, tiến dần về phía tinh thần.

Và như vậy, biến hóa có CHU KỲ hẳn hoi, chứ không phải bừa bãi, hay theo một đường thẳng dẵng như như quan niệm Châu Au hiện đại. Như vậy nếu lấy:

Tâm điểm lấy Thái Cực hay Trời làm Alpha, thì sau một đại chu kỳ hay biến hóa, cùng điểm đích điểm sẽ lại là Alpha. Như vậy ta sẽ có Omega = Alpha.

Nếu thời nguyên thủy đã có thời Hoàng Kim, thì lúc chung cuộc cũng lại sẽ có thời Hoàng Kim…

Và tác giả suy ra rằng vũ trụ cũng như nhân loại hiện nay chưa đi hết nữa con đường biến thiên tiến hóa.

Vũ trụ hiện còn ở trong chiều TÁN.

Nhân loại hiện còn đang trên đà HƯỚNG NGOẠI, tiến về VẬT CHẤT.

Tác giả nhận định thêm rằng nếu Dịch là biến, nếu Dịch là một khoa triết học, khoa học chuyên khảo về Bản Thể và Hiện Tượng, chuyện khảo về bản thể hằng cửu, và các sự biến thiên, chuyển vận của vạn hữu, thì Dịch phải được coi là một khoa học phổ quát, chứ không phải là một bảo vật độc chiếm của một nước nào, và muốn khảo Dịch cho có kết quả, không nên gò bó mình vào mấy lời phê phán của một số Nho gia, mà còn phải:

- Khảo các đạo giáo.

- Các triết học Âu Á.

- Các phát minh khoa học.

Các học thuyết triết học, khoa học cổ kim nữa.

Năm 1972 ông bắt đầu bình giảng Đạo Đức Kinh của Lão Tử và hoàn thành công trình này vào tháng 06- 1973. Bộ Đạo Đức Kinh của Ông gồm 500 trang và có những đặc điểm sau đây:

- Dịch bằng thơ.

- Dùng Tôn giáo đối chiếu để giải Đạo Đức Kinh.

- Dùng Huyền học để giải Đạo Đức Kinh.

- Dùng Dịch Kinh để giải Đạo Đức Kinh.

Ông bình giảng Đạo Đức Kinh theo những tiêu chuẩn hết sức giản dị, nhưng hết sức vững vàng, mới mẻ.

Ông cho rằng:

Lão Tử là một nhà huyền học đã đắc Đạo, đạt Chân.

Vậy muốn hiểu Lão Tử, phải biết những quan niệm và phương châm cơ bản của khoa Huyền học, cũng như mục đích của Huyền học.

Mà Huyền học Đông cũng như Tây, chỉ có mục đích dạy ta:

- Trọng Tâm còn có Đạo và Trời.

- Phải quay vào Tâm mà tìm Đạo, tìm Trời.

- Phải tinh luyện thanh lọc tâm hồn để xứng đáng phối hợp với Trời với Đạo.

Mục đích của khoa huyền học là giúp con người đạt tới tuyệt đỉnh công phu: Dữ Đạo hợp chân; Thủ Trung bão Nhất, «Phối Thiên», tức là kết hợp với Đạo với Trời.

Ngoài ra theo lời yêu cầu của bè bạn; hay của các đoàn thể Tôn giáo, ông còn viết những sách sau:

- Lecomte du Noüy và Học thuyết viễn đích.

- Hướng tinh thần.

- Những điểm tương đồng giữa Phật giáo, Khổng giáo, và Công giáo.

- Khổng học tinh hoa.

- Chân dung Khổng Tử.

Trong quyển Lecomte du Noüy và Học thuyết viễn đích, tác giả toát lược, khảo sát và phê bình học thuyết Viễn Đích của Lecomte du Noüy.

Lecomte du Noüy, dựa vào thuyết tiến hóa của Lamarck, Darwin để chủ trương con người có thể tiến hóa từ những sinh vật sơ đẳng cho tới tình trạng hiện thời.

Nhưng khác với thuyết tiến hóa vô thần, Lecomte du Noüy chủ trương cuộc tiến hóa này được Thượng đế hướng dẫn một cách hết sức khéo léo.

Cũng nên nhớ rằng Lecomte du Noüy không phải là Công giáo.

Ông thú nhân lúc bé tuy có theo Công giáo nhưng sau này ông có một thời gian theo vô thần, duy vật. Sau này, nhờ toàn học ông đã tìm được Thượng đế, nhưng Đạo Ông theo là một thứ đạo nội tâm, chứ không câu chấp hình thức và giáo điều và vì vậy mà có thể nói trong suốt đời Ông, Ông đã đứng ngoài các tổ chức Đạo giáo.

Lecomte du Noüy đặt vấn đề một cách dứt khoát như sau:

- Tiến hóa này: Hoặc là do Thượng đế hướng dẫn một cách âm thầm, khéo léo. Hoặc là do ngẫu nhiên như là đánh súc sắc.

Nhưng Toán học đã chứng minh được rằng cuộc tiến hóa này không thể nào do ngẫu nhiên, vì toán xác suất, thì với khối lượng vật chất của trái đất như nay, cái may để sinh ra một phần Phân tử Protéin giản dị hết sức (ví dụ có phân tử lượng là 20.000, có một số nguyên tử là 2.000) chỉ có thể xảy ra một lần trong mỗi 10243 tỉ năm.

Cái may sinh ra được một tế bào sống chỉ có thể xảy ra 1 lần trong 102.000.000.000.000 lần.

Đó là những con số vượt quá sức tưởng tượng của loài người vạn vạn triệu triệu, tỉ tỉ lần, nếu ta nhớ rằng tất cả số vi trần trong vũ trụ này mới đạt tới con số: 2 x 1079 theo Eddington

Và lịch sử thế giới này chỉ mới có là: 2 x 109 năm, hoặc 2 x 1017 giây đồng hồ.

Vả lại nếu vũ trụ này ngẫu nhiên sinh, thì tiến hóa không thể nào có chiều hướng.

Thế nhưng, cuộc tiến hóa này đã có chiều hướng và đã xảy ra trong một thời gian kỷ lục là: 2 x 109 năm.

Như vậy, bắt buộc phải chấp nhận rằng cuộc tiến hóa này do Thượng đế hướng dẫn.

Lecomte du Noüy chủ trương thêm rằng: nếu vậy thì ngày nay nhân loại vẫn còn đang tiến hóa. Tuy nhiên cuộc tiến hóa này đã xoay chiều để tiến về phương diện chiều hướng óc não, tinh thần.

Và như vậy, cuộc tiến hóa này sẽ đưa con người đến địa vị siêu đẳng, đó là địa vị thần minh.

Tác giả sau khi đã phân tích và nhận định về Lecomte du Noüy đã có chủ trương như sau:

- Vũ trụ nhân sinh này dĩ nhiên là có biến hóa, nhưng không phải biến hóa, thẳng dẵng một chiếu từ vô cơ đến hữu cơ, đến sinh vật, đến con người rồi đến thần minh.

Mà phải tiến hóa theo hai chiều từ:

- Thần đến vật.

- Rồi lại từ Vật đến Thần.

Lịch sử nhân loại thực ra cũng biến hóa theo hai chiều hướng: từ Thần đến Vật, rồi trong tương lai sẽ tiến từ Vật đến Thần.

Cuộc tiến hóa từ Người đến Thần dành cho cả năm châu, chứ không phải dành riêng cho người da Trắng như Lecomte du Noüy và Teilhard de Chardin đã ngầm chủ trương bằng những đồ bản tiến hóa.

Tác giả đồng ý với Lecomte du Noüy rằng con người chỉ có chân giá trị khi biết chuyển hóa tâm thần, và chân đạo không phải là thứ đạo ngoại tại mà là thứ đạo nội tại.

Con người khi tiến hóa đến cùng cực sẽ trở thành thần minh, sống phối kết với Thượng đế.

Trong hai quyển Hướng tinh thần và Những điểm tương đồng giữa Phật giáo, Khổng giáo và Công giáo, tác giả cho rằng có thể tìm ra được mẫu số chung cho của các đạo giáo.

Mẫu số chung ấy là:

Trời chẳng xa người, Trời đã ở ngay trong tâm khảm con người. Trong quyển Trung Dung Tân Khảo, Ông cũng đã có lần viết:

«Trời tuy thị vô biên vô tận,

Nhưng mà Trời vẫn lẫn trong Tâm.»

Ông Trời vừa siêu việt vừa nội tại ấy, tùy theo từ ngữ mỗi đạo giáo, có thể là: Thái Cực, Vô Cực, Hư, Vô, Không, Bản thể, Chân Như Phật Tính Như Lai, Atman, Trời, Thượng đế, Tuyệt đối, Nhất, Đạo Tâm, Chân Tâm v.v… nhưng chung quy vẫn là Trời chẳng xa người.

Như vậy, muốn tìm Trời, tìm Đạo con người phải quay trở về Tâm mình mà tìm kiếm.

Tìm đạo, tìm Trời, không phải để hưởng thụ mà chính là để tìm ra khuôn mẫu hoàn thiện, tìm ra những phương thức chính xác, hữu hiệu để chuyển hóa, thanh lọc tâm hồn mình để đi dần đến chỗ Khinh Thanh, Định, Tĩnh, Quang Minh, Trường Tồn, Vĩnh Cửu…

Trong quyển Khổng học tinh hoa, tác giả dùng văn liệu và sử liệu để chứng minh rằng người xưa đã tìm ra một học thuyết chính trị hết sức cao siêu.

- Lấy Trời làm căn bản cho vũ trụ sinh linh.

- Coi mọi người như anh em trong một nhà. Người giỏi giang đức hạnh có bổn phận hướng dẫn giáo hóa những người ngu si, kém cỏi.

- Cố gắng tổ chức một đời sống cộng đồng hoàn toàn về mọi phương diện ở trần gian này. Cốt sao cho:

- Mọi người được no cơm ấm áo.

- Mọi người đối xử với nhau một cách hẳn hoi, đẹp đẽ.

- Mọi người có phương tiện đến Chân, Thiện, Mỹ.

Quyển Chân Dung Khổng Tử được viết ra để cho sinh viên có:

- Một khái niệm rõ ràng chính xác về Khổng Tử và Khổng giáo.

- Một cái nhìn khái quát về Tứ Thư Ngũ Kinh.

Nhưng cũng có mục đích chính yếu là tìm ra một mẫu người lý tưởng, tiềm ẩn ngay trong tâm hồn mình, tìm ra được can cơ tâm hồn mình, tìm ra được ý nghĩa của sự biến thiên tiến hóa của cuộc đời, sống cho lý tưởng, cho hân hoan, cho hứng khởi, sống hòa hợp được với tha nhân và ngoại cảnh, vạn hữu, tìm ra được một hướng đi lý tưởng cho cuộc đời, biết cố gắng cải thiện bản thân và xây dựng giang sơ đất nước.

Hiện nay tác giả còn đang sọan thảo:

- Tôn giáo đối chiếu.

- Vấn đề văn hóa.

- Nam hoa kinh yếu chỉ.

- Thiên văn học Trung Hoa v.v…

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng không phải đợi cho đến năm 1958 tác giả mới đi vào con đường suy tư, trước tác; nhưng kỳ thực vào 1951 khi tác giả soạn thảo cuốn luận án: Les secrets des reins révélés, tác giả đã tỏ ra một người:

- Khảo cứu công phu.

- Suy nghĩ chín chắn.

- Quan niệm sáng suốt.

- Trình bày rõ ràng.

- Dẫn chứng chính xác.

- Ưa đối chiếu Đông Tây để có một cái nhìn tổng hợp và toàn bích….

 

III. NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ ĐẠO GIÁO, TRIẾT HỌC, VÀ KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ

1. Những Đóng Góp Về Khoa Học

Sự đóng góp đầu tiên của ông trên con đường văn chương, sự nghiệp là sự đóng góp về y học.

Luận án y học mà ông đệ trình năm 1952, nhan đề là «Les secrets des reins révélés». Trong quyển luận án này Ông đã bình, dịch quyển Huyền Tẫn Phát Vi của Hải Thượng Lãn Ông.

Ông đã dầy công giải thích các quan niệm về Âm Dương, Thủy Hỏa, Hàn Nhiệt, Hư Thực của Đông Y theo những quan niệm y học hiện tại.

Ngoài ra Ông lại còn so sánh quan niệm về Thận của Đông y với quan niệm vể Thận của Tây y.

Ông cho rằng ngoài hai quả thận tương ứng với hai quả thận (reins) của Y học Châu Âu, Đông y đã khám phá ra một cơ quan khác mệnh danh là mệnh Môn, tương ứng với những hạch thượng thận (Capsules surrénales) của Au Châu.

Mệnh môn gồm 3 phần:

1) Chân thủy, chủ điều hòa huyết dịch, tương ứng với vùng Đới cầu (Zone glomérulée) sinh ra các chất Minéralocorticoides của Tây y.

2) Chân hỏa, chủ điều hòa khí lực tương ứng với Vùng Chùm (Zone fasciculée) sinh ra các chất glucocorticoides của Tây y.

3) Mệnh môn, ở giữa, chủ sinh dục, tương ứng với vùng Võng đới (Zone réticulée) sinh ra các chất hạch sinh dục (hormones sexuelles) của Tây y.

Sự đóng góp quan trọng thứ hai về y học, nhưng cũng lại có liên quan rất nhiều đến triết học và đạo giáo là tác giả, vào khoảng năm 1959 đã nhân đồ hình Dịch Kinh, nhất là đồ hình Thái cực nằm giữa, mà suy ra được rằng trong con người Não Thất Ba (3ème ventricule) nằm nơi tâm điểm não bộ chính là Chân Tâm của con người.

Não Thất Ba này chính là:

- Nê hoàn Cung của Lão giáo.[2]

- Liên Hoa Tâm chứa ngọc châu viên giác của Phật giáo.[3]

- Niết Bàn của Phật giáo.[4]

- Vườn địa đàng đã được đề cập đến trong Thánh kinh Công Giáo.[5]

- Là nơi Tuyệt đối chưa hề hóa thân của Bà La Môn giáo, như đã được ghi trong Kinh Upanishad.[6]

Gọi khám phá trên là một đóng góp về phương diện khoa học vì hiện nay các nhà sinh lý học Âu Mỹ tiền tiến cũng đang cố tìm cho ra điểm hội tụ trong đầu não mà họ gọi là “Giác giới” (lieu de la compréhension) hay là Não tâm (Le foyer centrencéphalique, le foyer centrencépalique d’intégration) và cho rằng Bản ngã ẩn áo sau điểm hội tụ ấy. Tuy nhiên họ mới đi đến giả thuyết rằng “Hạ thị Tằng” (Hyphothalamus) là Não tâm. Nhưng cứ vào cơ thể học, thì Hạ Thị Tằng đâu có ở chính giữa óc mà được gọi là Não tâm. Chỉ có Não Thất Ba mới được gọi là Não Tâm. Hơn nữa Hạ Thị Tằng còn ở trong vòng vật chất hữu hình, chỉ vào tới Não Thất Ba chúng ta mới vào tới nơi Vô tướng. (Cf. Roger Godel, Vie et Rénovation, Gallimard, tr. 34, 48).

Đối với tác giả, khám phá này chẳng những quan trrọng về phương diện khoa học, y học, mà còn rất quan trọng về phương diện đạo giáo và triết học.

Tác giả cho rằng khám phá trên đã cho ta thấy đạt điểm công phu của các nhà huyền học, thấu thị thời xưa là đã dùng linh giác mà tìm ra được rằng Thượng đế ở Trung tâm vũ trụ và trung tâm đầu não con người.

2. Những Đóng Góp Của Tác Giả Về Phương Diện Triết Học

Tác giả cho rằnnng Triết học ngày nay trở nên tối tăm, phức tạp chính là vì đã đánh mất tinh hoa căn bản, chính là vì không có cái nhìn toàn bích.

Tác giả cho rằng tinh hoa căn bản mà nhân loại đã đánh mất chính là Quan niệm nhất thể của vũ trụ. Mà nhất thể của Vũ trụ theo tác giả không phải là cái gì ù lỳ, bất động vô tri, mà chính là Thái cực siêu xuất trên cả hai phương diện Tinh Thần và Vật Chất.

Nhất thể đó là tâm điểm căn nguyên, phát sinh ra mọi hiện tượng trong vũ trụ sau này.

Tác giả thường hay dùng Tâm điểm và các vòng tròn đồng tâm để hình dung quan điểm đó.

Ông nhận định:

Tâm điểm là nhất, là Thái cực, là Bản thể.

Vòng tròn bên ngoài là Vạn, là Vạn hữu, là Hiện tượng.

Ông lý luận cái gì chuyển động cũng có Tâm có Trục là chủ chốt.

Cho nên xưa nay con người đã cố gắng đi tìm Tâm điểm.

- Tâm điểm vũ trụ hiện tướng là Bản thể duy nhất bất biến.

- Tâm điểm thiên văn mà người xưa cho là bắc cực.

- Tâm điểm trái đất mà tùy theo dân nước có thể là:

+ Côn lôn (Trung Hoa).

+ Babylone (Chaldée).

+ Jerusalem (DoThái).

+ Delphes (Hi Lạp). v.v.

- Tâm điểm con người Nê Hoàn Cung.

Sau khi đã dùng vòng tròn với Tâm điểm để tượng trưng cho toàn thể vũ trụ, ông tìm ra rằng vũ trụ này được chi phối bởi “Định luật ba động” (phénomene ondulatoire). Bất kỳ là ánh sáng, âm thanh hay từ điện cũng đều phát động, phổ biến theo những đường tròn đồng tâm, ý thức như một viên gạch ném xuống ao hồ, cũng tạo ra những đường tròn đồng tâm như vậy.

Suy ra, tư tưởng con người, ảnh hưởng tâm linh con người cũng được phóng phát đi theo những định luật trên.

Ngoài ra, vũ trụ này còn được chi phối bởi định luật: Vãng phục.

Vãng (Phénomene direct).

Phục (Phénomene réfléchi).

Cho nên ta thấy trong tiếng Pháp chữ Reflexion vừa được dùng để cỉ phản xạ của ánh sáng vừa để chỉ sự suy tư. Như vậy, suy tư cốt là để phản bản qui nguyên.

Suy ra thì tất cả các hiện tượng trong vũ trụ này đều được biến chuyển theo định luật tuần hoàn để tạo thành một chu kỳ, trong đó Alpha = Oméga.

Những chu kỳ điển hình mà ta thấy được có rất nhiều, trong đó có:

Chu trình Nước.

Chu trình Carbone.

Chu trình Azote.

Sự tuần hoàn trong con người.

Sự hô hấp trong con người v.v…

Có như vậy ta sẽ định được rằng vũ trụ nay biến hóa chẳng qua là theo định luật tuần hoàn mà thôi.

Nếu bản thể là Vô cực, là Thái cực, là Căn cơ vạn hữu, là Đạo, là Trời, thì bản thể ấy cũng sẽ là cùng đích của một cuộc đại biến hóa.

Phương thức biến hóa là sự phân cực, phân thể, và những giao thoa tác dụng vô biên của chúng.

Chiều hướng tiến hóa là Tụ, Tán, Vãng, Lai.

Tán là đi từ Tâm ra Biên, từ Thần xuống Vật.

Tụ là đi từ Biên về Tâm, từ Vật lên Thần.

Và như vậy, sự biến hóa của con người tuy đa đoan, phiền tạp mấy rồi cũng dẫn tới một mục phiêu là Thần minh hóa con người.

Từ những nhận định trên tác giả suy ra:

- Một vũ trụ quan.

- Một nhân sinh quan.

- Một sử quan.

Hết sức là giản dị.

VŨ TRỤ QUAN

Theo tác giả vũ trụ hiện tượng này là phân thể của một Đại thể, một Bản thể duy nhất.

 

                                                   

 

Như vậy theo tác giả, vũ trụ này có hai chiều, hai hướng:

Chiều sinh, theo các phép toán CHIA và TRỪ, từ một Đại thể phân hóa dần mãi ra cho tới các sự vật các hiện tượng chia ly, phiền tạp.

Chiều hóa, theo các phép toán NHÂN và CỘNG, tứ vạn hữu đi ngược dần về các giá trị cao siêu và cuối cùng trở lại Đại thể.

Tác giả đã dài dòng bàn về vũ trụ quan này trong:

TRUNG DUNG TÂN KHẢO.

Và trong các số báo PHƯƠNG ĐÔNG trong các số 22, 26, 27 dưới nhan đề: Dịch kinh với thiên văn học.

Trong Trung Dung Tân Khảo, tr.194 tác giả viết:

“Từ Vô cực, Thái cực biến hóa dần xuống tới vạn hữu là từ cao siêu đi dần xuống tới ti tiện, là bước dần xuống các nấc thang giá trị, cho tới kỳ cùng.

Đi từ vạn hữu trở về Thái cực, là tiến từ ti tiểu tới cao đại, là bước dần lên các nấc thang có giá trị, cho tới hoàn hảo siêu việt. Đó là lẽ tồn vong, thăng trầm của vũ trụ…

“Nhưng vì Vô cực, Thái cực ở ngay trong đáy lòng con người, nên nếu để cho tâm hồn tản lạc phá tán theo các hiện tượng bên ngoài, thì sẽ đi đến chỗ trụy lạc, tan rã.

Còn nếu biết đi trở ngược từ hiện tượng nhận ra tâm hồn, thần trí, Thái cực, Vô cực tiềm ẩn đáy lòng, thì sẽ tìm ra được con đường siêu thoát.

«Theo vũ trụ quan trên, thì không gian cũng biến động, cũng co giãn khôn lường. Càng đi cô nội tâm, càng đi sâu vào tầng trong, thì không gian và thời gian càng co lại, tưởng chừng đi đến không điểm (Le Cinq ou le Zéro métaphysico mathématique) mà kỳ thực lại tiến tới vĩnh cửu trường tồn; càng tiến ra bên ngoài thì thời gian và không gian càng giãn ra, dài ra, tưởng chừng tiến tới vô cùng, mà kỳ thực lại tiến về phù du hư ảo, cho nên một giây phút trong tâm thần có thể tương đương với mấy nghìn vạn năm bên ngoài. Tinh thần cũng vì thế mà có thể nói được không trong tương lai và dĩ vãng, hằng cửu, bất biến.

Cho nên một cuộc đời vật chất bên ngoài, nghĩ đi nghĩ lại, cũng chỉ nhanh như một giấc mộng…

Theo tác giả, vũ trụ quan trên có thể nói được là một quan niệm khá chính xác về vũ trụ, vì nó bộc lộ được huyền cơ tạo hóa, quán thâu được lẽ biến hằng của trời đất, toát lược lịch sử nhân quần vũ trụ, cũng như phác họa được cơ cấu nhân quần vũ trụ bằng một tâm điểm và một vòng tròn, bằng một chữ TRUNG và bằng một chữ Dịch. (Xem Trung Dung Tân Khảo, tr.194- 195)

NHÂN SINH QUAN

Tác giả, sau khi đã nghiên cứu các đồ bản Dịch kinh, đã tìm ra được một nhân sinh quan hết sức mới mẻ, nhưng cũng hết sức tự nhiên.

Nhân sinh quan này đã được trình bày trong:

- Trung Dung Tân Khảo của tác giả.

- Trong Cổ học đặc san Quảng Nam, nhân kỳ Khánh thành Khổng miếu Quảng Nam năm 1960.

- Trong tập san Quân y năm 1960.

Tác giả cho rằng, con người sinh ra ở đời, vì không phải trên nhiều bình diện khác nhau, nên tùy theo tuổi tác của mình mà giải quyết các vấn đề liên quan đến mọi bình diện mình sống, để sao cho có một cuộc đời tốt đẹp toàn bích.

Tuổi trẻ thì hướng ngoại để xây dựng ngoại cảnh, xây dựng gia đình giang sơn tổ quốc.

Đến khi đã đứng tuổi, đã già, thì hướng nội để lo tu luyện bản thân, lo trau dồi thanh lọc tâm thần.

Thế tức là:

«Hậu thăng tiền giáng định nhất chu.»

(Trước xuống sau lên định một vòng)

Tác giả coi đó là một con đường lý tưởng, vì gồm cả hai bề vật chất lẫn tinh thần, uyển chuyển diễn tiến theo đà thời gian, tuổi tác, như là một bài thơ, một khúc nhạc mà tiết tấu hòa nhịp với trăng sao. Và trong chương «Nhân sinh quan theo Trung Dung và Dịch lý», tác giả đã chứng minh rằng một cuộc đời như vậy sẽ đồng điệu với tiết tấu biến thiên của nhật nguyệt, tinh thần, tứ thời, bát tiết.

Như vậy, theo nhân sinh quan nói trên, thì con người vừa phải hết sức thực tế, vừa phải hết sức lý tưởng. Đã sinh ra ở trần hoàn này, chúng ta không thể thờ ơ, cũng không thể trốn chạy, mà không lưu tâm cải thiện mọi hoàn cảnh mình gặp. Cho nên một đời sống lý tưởng, có thể ví như một nguồn sáng, đi tới đâu là chiếu soi, rõi sáng tới đó…

SỬ QUAN

Gần đây, Âu Châu đã bắt đầu chủ trương rằng lịch sử có chiếu hướng nhưng chiều hướng ra sao và qua những giai đoạn nào thì cho đến nay chưa có một sử quan nào toàn bích.

Auguste Comte (1798-1857) trước đây đã tìm ra ba giai đoạn của lịch sử:

1) Trạng thái thần quyền (état théologique).

2) Trạng thái siêu bình (état métaphysique).

3) Trạng thái thực tiễn (état positif).

Nhưng ta thấy quan niệm trên chỉ cho ta biết về dĩ vãng và một phần nào hiện tại, còn tương lai vẫn chìm đắm trong mơ hồ, bí ẩn.

Tác giả dựa vào Dịch và Trung Dung đã tìm ra một chu kỳ mênh mông bát ngát hơn nhiều.

Tác giả quan niệm về sử quan như sau:

A) Thời Kỳ Hướng Ngoại (Thời kỳ dĩ vãng và hiện tại)

1) Giai đoạn thần quyền. (Tốn) (dĩ vãng).

2) Giai đoạn siêu hình (Khảm) (dĩ vãng).

3) Giai đoạn thực tiễn (Cấn) (dĩ vãng và hiện tại).

4) Giai đoạn vật chất (Khôn) (hiện tại và tương lai gần).

B) Thời Kỳ Hướng Nội (Thời kỳ vị lai)

1) Giai đoạn giác ngộ (Chấn).

2) Giai đoạn nhân đạo (Ly).

3) Giai đoạn nghệ thuật đạo đức (Đoài).

4) Giai đoạn thiền đạo (Kiền).

5) Giai đoạn toàn thiện toàn mỹ (Thái cực).

Theo sử quan này, thì con người mới đầu có thể bị phong trần (Cấu Phong trần), nhưng đến chung cuộc sẽ được hiển vinh hạnh phúc, để rồi sẽ vào yên nghỉ trong Trung Cung, Thái cực, Hoàng cực…

3. Những Đóng Góp Về Đạo Giáo

Tác giả cho rằng muốn hiểu đạo giáo, cần phải hiểu rõ các tầng lớp trong con người.

Tác giả rất ngạc nhiên vì thấy rằng xưa nay, rất ít người chịu mất công siêu tra tìm hiểu về con người, trái lại luôn luôn dễ dàng chấp nhận những quan điểm không được toàn vẹn về con người.

Ông cho rằng:

Thời Thượng cổ nhân loại có nhiều bậc thượng trí, thượng nhân đã biết rõ về con người.

Và thủa ấy có quan niệm rằng con người gồm đủ Tam tài, Thiên, Địa, Nhân hay Thần, Hồn, Xác.

Đến thời Trung cổ người ta đã đánh mất Thần nơi con người mà chỉ cho rằng con người có hồn và xác không mà thôi.

Đến thời cận kim này, người ta bắt đầu đánh mất thêm cái phần hồn nơi mình nữa, mà cho rằng con người chỉ duy có xác mà thôi.

Chính vì có những cái nhìn không toàn vẹn về con người, nên những nhận định về đạo giáo cũng trở nên lệch lạc.

Tác giả cho rằng: nếu ta chấp nhận con người với Ba phần chính yếu là:

- Thần linh với quan năng là Tuệ giác.

- Tâm hồn với quan năng là Tri giác.

- Xác chất với quan năng là Cảm giác.

Ta sẽ thấy ngay rằng:

Vì có thần linh nơi con người, nên con người mới yêu mến say sưa những gì thuộc về Đạo, về Trời, vì thực ra con người là dòng dõi Thần linh. Vì có tâm hồn, nên con người mới tha thiết đến vấn đề luân lý, nhân đạo, muốn đối xử với nhau cho hẳn hoi tử tế.

Vì có xác thân, nên mới cần phải giải quyết các vấn đề cơm áo, ngoại cảnh.

Và như vậy, theo tác giả, con người có ba thứ Đạo:

- Thiên đạo: Luyện thần để mong siêu thoát, trở về phương vị thần linh.

- Nhân đạo: Luyện tâm để ăn ở cho xứng đáng với danh hiệu con người, đối xử với nhau cho hợp tình, hợp lý.

- Vật đạo hay địa đạo: Lo vấn đề ngoại cảnh cơm áo.

Không một đạo giáo nào có thể đưa ra được một quan niệm gì bao quát hơn, cao siêu hơn.

Tác giả cũng còn hay dùng những bình diện khác nhau nơi con người sau đây để tìm hiếu về Đạo giáo:

1. Vì con người có tai mắt, có giác quan, cho nên đạo giáo nào cũng có những lễ nghi, hình thức bên ngoài để thỏa mãn cảm quan con người.

2. Vì con người có khối óc biết suy nên đạo nào cũng có một số giáo lý tín điều hòng làm thỏa mãn sự suy tư của con người.

3. Vì con người có tâm hồn, nên đạo nào cũng có một nền luân lý dạy con người làm lành, lánh dữ và cho biết đâu là thiện đâu là ác.

4. Vì con người có phần linh khí nên đạo giáo nào cũng chú trọng đến phương diện nghệ thuật, và đạo giáo nào cũng có một số người giác ngộ, thoát tục, biết sống một cuộc đời thanh thoát, khinh phiêu, nghệ thuật.

5. Vì con người có phần Chân thể, Tinh hoa, nên xưa nay đã có một số thánh hiền, một số giáo chủ đã đạt được tới tinh hoa đó.

Đối với tác giả, lễ nghi hình thức bên ngoài, giáo lý, tín điều chỉ là những yếu tố tùy thuộc. Điều quan trọng là chuyển hóa tâm thần, thực hiện được tinh hoa, phối hợp được với Thượng đế. Với những yếu tố sơ khởi về Đạo giáo ấy, tác giả đi đến những nhận định quan trọng sau đây:

- Các Đạo giáo trong thiên hạ, tưởng khác nhau nhưng đều có những tầng lớp, những hiện tượng giống nhau.

- Một Đạo giáo tưởng là thuần nhất, nhưng thật ra rất phức tạp và có nhiều bộ mặt, nhiều sắc thái lớp lang rất làkhác biệt. Cùng là giáo hữu một Tôn giáo, nhưng kỳ thực xa nhau, khác nhau rất nhiều, vì ở trên những bình diện khác nhau.

Cuối cùng tác giả đi đến kết luận sau:

Đạo giáo chẳng qua là con đường đưa con người tới tinh hoa. Nhưng con đường ấy, thực ra không ở bên ngoài mà đã được gắn liền vào với các tầng lớp khác nhau nơi con người.

Đạo giáo chính là con đường đi từ ngoại cảnh, xác thân vào cho đến thần linh nội tại, băng qua các chặng đường nội tâm. Các hình thức bên ngoài chẳng qua là những phóng ảnh của những động tác tâm linh, niệm lự, đánh dấu lấy các chặng đường tiến hóa ấy mà thôi. Tác giả chủ trương Thần linh nội tại, nhưng nội tại thực ra không có nghĩa là riêng tư, hạn hẹp, mà chính là phổ quát, siêu việt, đại đồng.

Khi đã ý thức được như vậy, tác giả khuyến cáo mọi người nên học hỏi, chịu khó so sánh, đối chiếu các đạo giáo để tìm ra những điểm tương đồng, và nhìn cho tỏ các chặng đường tâm thần cần phải vượt qua, để có thể về cùng Bản thể siêu linh, vô đối…

 

IV. NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC GIẢ QUA SÁCH VỞ BÁO CHÍ

Với những nhận định độc đáo về con người, về vũ trụ, về đạo giáo như vậy, chúng ta không lấy làm lạ, nếu thấy tác giả được giới văn học trong và ngoài nước bắt đầu chú ý.

Bà quả phụ nhà bác học Lecomte du Noüy, trong bức thư gởi cho ông Phạm Đình Tân, đã được đăng nguyên văn và được phiên dịch trong quyển Lecomte du Noüy và học thuyết Viễn Đích, đã khen tặng tác giả là một nhà BÁC HỌC và là một TRIẾT GIA.

Cố giáo sư Tam Ích, đã nhiều lần ca tụng tác giả.

Ví dụ, trong Tập san Diễn Đàn, số 21 ra ngày 12- 12- 1969, giáo sư Tam Ích đã nhận định về tác giả như sau:

«Ngoài giáo sư Linh mục Nguyễn văn Thính đã diễn thuyết về Văn hóa và Văn minh một cách đặc biệt phong phú và có giá trị, có một nhà học giả và giảng sư đại học, đã làm một bài diễn thuyết đầy đủ nhất về các định nghĩa văn hóa, đầy đủ nhất từ đầu thế kỷ 20 đến bây giờ bách khoa hơn bách khoa, vị đó là bác sĩ Nguyễn Văn Thọ đã tham khảo gần hết sách đông y và các bộ bách khoa đồ sộ nhất nói về văn hóa…»

Trong bài bạt quyển Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông Phương của Nguyễn hữu Lương, xuất bản mới đây giáo sư Tam Ích lại viết:

«Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ người tôi đề cặp đến nhiều lần đã dùng lăng kính triết Tôn giáo Đông Tây và đã dùng một ngôn phát (écriture) rất duy lý (rationel) để soạn một bộ sách đồ sộ (gồm 6, 7 cuốn lớn) về Kinh Dịch và yếu tính triết học Á Đông…»

Trong quyển Tiểu Luận của GS. Trần Văn Mãi nhan đê là «Ảnh hưởng của Kinh Dịch trong Từ ngữ và Văn chương Việt Nam» (1972) nơi trang 240-241 đã nhận định về tác giả như sau:

«Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ đã dày công sưu tầm nhiều tài liệu về Dịch học và có viết một số sách đã in Ronéo như Thái Cực luận dày 112 trang (1967), Hà Đồ (1967), Vô cực luận hơn 130 trang (1967), Dịch học nhập môn (1967) gồm 2 tập, tập 1 bàn về cương lĩnh và Dịch luận dày 155 trang, tập 2, 112 trang là Tượng luận thiên bàn giải từng quẻ một. Ngoài ra trong Trung Dung Tân Khảo và Khổng Học tinh hoa (1966) của giáo sư có nhiều ý kiến liên quan mật thiết đến Dịch lý rất đáng được chú ý sâu xa, để trả lời lại Ngụy Biện của Phạm Duy Diễn cho rằng Khổng Tử không hề biết tới Kinh Dịch. Và kết quả của công phu nghiên cứu trên đã đưa đến niềm tin chân thành là hiểu lẽ Dịch nói trên sẽ mở một con đường tiến hóa bao la cho cá nhân cũng như cho nhân quần xã hội…»

Bác sĩ Hồ Chung Tú trong quyển Luận án y khoa của Ông đệ trình ngày 15/8/1971 nhan đề là Sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông, nơi chương Lãn Ông và Huyền Tãn Phát Vi từ trang 75 đến trang 101 đã dịch hoặc phỏng theo luận án của bác sĩ Nguyễn văn Thọ nhan đề là Les Secrets des Reins révélés, để trình bày:

- Các quan niệm y học Trung Hoa.

- Quan niệm trị liệu của Lãn Ông.

- Thuyết mệnh môn v.v…

Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trong quyển Mối tình màu hoa đào đã nhiều lần đề cập đến tác giả (xem các trang 185, 215, 216, 217)

Ví dụ nơi trang 186, Nguyễn Mạnh Côn viết:

«Về cơ thể học, người ta có thể giải thích tác dụng của một khu vực «không có gì» ở trong đầu mỗi người. Bàc sĩ Nguyễn Văn Thọ, là người tham bác cả Y Học Đông Tây, có cho chúng ta biết nếu từ một điểm ở giữa hai đầu lông mày (mà chữ Trung hoa gọi là lưỡng mi gian), người ta kéo một nét kẻ ngang vào, và từ đỉnh đầu (mà y học Trung Hoa gọi là huyệt Bá Hội), người ta kéo một nét kẻ ngang thẳng xuống, thì nơi mà hai nét kẻ ấy gặp nhau là một cái túi rỗng, mà y học Tây phương gọi là Troisième ventricule) …»

Trong bài tựa quyển Trung dung Tân Khảo của tác giả nhà văn Phạm Đình Tân đã nhận định như sau:

«Đằng khác, tác giả còn đưa ra nhiều quan điểm triết học, và nhân sinh quan rất mới mẻ mặc dầu vốn đã tiềm tàng trong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Thiết tưởng cũng nên nêu ra ít nhiều chủ trương của tác giả:

«1) Về con người, tác giả phân tách ra nhiều tầng lớp, và chủ trương trong lòng nhân tâm phù phiếm biến thiên còn có lớp đạo tâm thiên tâm làm khu nữu, làm tiêu chuẩn chủ chốt. Mọi nơi, mọi đời đều hướng về chân tâm ấy như là quê thật của mình. Đó là thiên địa chi tâm, đó là núi Côn Lôn đối với dân Trung Hoa đó là núi Tu Di với Ấn Độ, đó là Jerusalem, là núi Sion đối với dân Do Thái, đó là Athènes, là Delphes, là nơi chôn nhau cắt rốn (omphalos: ombilic) đối với dân Hi Lạp v.v…

«2) Tác giả dựa vào Dịch Kinh đưa ra một nhân sinh quan vô cùng biến hóa, luôn thích thời mà cũng luôn siêu thời, trước thấp sau cao, trước trọng vật chất, sau trọng tinh thần, tự nhi tiến, đúng theo lẽ Âm Dương tiêu trưởng của trời đất để chung cục tiến tới hoàn thiện.

«3) Tác giả cũng còn dựa vào vòng Dịch, mà suy ra định luật tuần hoàn, và đưa ra một giả thuyết mới mẻ về chu kỳ lịch sử nhân loại gồm hai chiều xuôi ngược, từ tinh thần tiến ra vật chất, rồi lại từ vật chất trở lại tinh thần, và chủ trương rằng lúc chung cuộc lịch sử nhân loại sẽ sống hoàn thiện theo đúng thiên ý, phồi hợp vời trời.

«4) Tác giả còn đưa ra một giả thuyết mới mẻ về y học và cơ thể học (anatomie) khi chủ trương rằng trung tâm não bộ là chân tâm con người, để đi đến một kết luận triết học, đạo học là trời chẳng xa người, mà đã tiềm ẩn ngay trong tâm khảm, trong đầu não con người.

«5) Nhưng có lẽ một phát minh độc đáo nhất là tác giả chỉ dùng một tâm điểm và một hay nhiều vòng tròn đồng tâm để mà khám phá ra các định luật chi phối con ngươi và vũ trụ. Lúc thì tác giả để vòng tròn đứng nguyên cho ta thấy một chân tâm và nhiều tầng lớp khác nhau bao bọc, lúc để vòng tròn di động cho ta thấy sự biến thiên chất chưởng của các tầng lớp bên ngoài, và sự bất biến hằng cửu của trung tâm, cũng như để suy ra các định luật «hiển, vi», «tụ, tán», những lẽ «vãng phản», «tồn vong», «doanh hư» của vũ trụ, của con người. Tác giả cũng chỉ dùng có một hình tròn để làm như chìa khóa tìm ra tinh hoa các đạo giáo, tìm ra trung điểm trung đạo của các đạo giáo; dùng một tâm điểm và nhiều đường tròn đồng tâm để phơi bày những tương đồng tương dị của các đạo giáo, dùng hình tròn để tìm ra nguyên thủy, thủy chung của cuộc đời, dùng một tâm điểm và nhiều đường tròn đồng tâm để thuết minh hai chiều vãng phản của cuộc đời, để chủ trương rằng con người phải luôn tiến bước không được dừng chân đứng lại ở chặng đường nào, giai cấp nào, mà phải tiến tới trung tâm điểm, tiến tới hoàn thiện…

«Tóm lại, với công phu tìm tòi khảo sát, tác giả cuốn Trung Dung Tân Khảo đã khai thác được cả một kho tàng tư tưởng của cố nhân, đã tìm ra được nhiều điều bí ẩn về thân thế, và định mệnh con người đã phát họa được vòng tuần hoàn của cuộc đời, vẽ ra được một con đường để con người có thể đi theo, xuyên qua vật chất trần thế để toàn thiện mình, tiến tới Thượng đế nguồn gốc của mọi vật…»

Thiết tưởng Ông Phạm Đình Tân đã toát lược và đã nhận định hết sức là trung thực về tác giả…

Cụ phó bảng Nguyễn Hà Hoàng, Quảng Nam có tặng tác giả một câu đối như sau:

«Tướng sĩ dĩ cư, tiểu ẩn ẩn sơn, đại ẩn thị,

Cận nhân hữu thuật, thượng y y quốc, thứ y dân.»

Tạm dịch:

- Xem nơi ở, biết kẻ ẩn sĩ, ẩn sĩ nhỏ ẩn núi ẩn sĩ lớn ẩn tỉnh.

- Thuật gần Nhân là nghề thuốc, lương y lớn chữa nước lương y nhỏ chữa người…

Năm 1961 khi Ông được giải thưởng Văn Chương Tinh Việt Văn Đoàn, các giáo sư trường văn hóa quân đội đã tặng ông bốn chữ «THÔNG KIM QUÁN CỔ»…

Về phương diện y học, luận án tiến sĩ y khoa của ông rất hay được Giáo sư Thạc sĩ Pierre Huard đề cập đến trong các sách của Thạc sĩ.

Ví dụ, giáo sư Huard đã toát lược luận án của tác giả trong quyển: Études historiques sur l’acienne médecine du Vietnam et en Chine (BSEI NS Tome XXX No. 2, 2ème trimestre 1955 tr.180- 181) và đề cập đến rất nhiều lần trong các sách khác nhau:

- Lãn Ông et la Médicine sino vietnamienne (BESI NS Tome XXVIII No.3 3ème trimestre 195 tr.2241.

- P.Huard et Minh Wong, la Médicine Chinoise au cours des siècles (Les Edition Roger Docaste Paris, 1957), tr.113.

Tong quyển La Médicine chinoise au cours des siècles nói trên, giáo sư Huard đã cho rằng BS Nguyễn Văn Thọ đã có công bắc một nhịp cầu giữa Đông và Tây y.

Trong quyển BSEI, NS Tome XXX, 2ème trimestre 1956, giáo sư Huard cũng đã lập lại nhân định trên…

Bài thơ của tác giả dịch của Thiệu Khang Tiết đề cao một đời sống toàn bích linh động đã được nhạc sĩ Thẩm Oánh phổ nhạc và đăng trong tạp chí Phương Đông số 1920.

 

V. KẾT LUẬN

Trước khi đi vào kết luận cũng nên nhắc lại rằng:

Tác giả có được cái vinh dự là Hội Thần Học quốc tế trụ sở tại La Haye gồm toàn những nhà Thần học trứ danh nhứt ở trrên thế giới mời làm hội viên từ năm 1966.

Và gần đây hội các triết gia Việt Nam đã có ý định mời tác giả làm chủ tịch danh dự.

Năm 1972 tác giả đã được trao tặng Văn Hóa Giáo Dục bội tinh.

Và trong niên giám các nghệ sĩ do Phủ văn Hóa phát hành cũng đã có đề cập đến thân thế và sự nghiệp của tác giả.

Chúng tôi cũng đã tin tưởng mãnh liệt rằng, một khi các tác phẩm của tác giả được ấn loát trong và ngoài nước, tác giả sẽ có một địa vị vững vàng trong lãnh vực triết học đạo học chẳng những là quốc gia mà còn là quốc tế nữa.

Những quan điểm của tác giả về Trung Dung và Dịch Kinh có thể nói được la chẳng thua sút một triết gia Trung Hoa nào từ trước tới nay.

Tác giả cũng còn có công đem thi phú vào lãnh vực triết học đạo học Việt Nam.

Thay vì làm thơ ca mây vịnh gió tác giả đã dùng những lời văn trong sáng, những lời thơ mỹ miều để đem đạo đức, đem tinh hoa đến cùng mọi người.

Với hằng vạn câu thơ và hàng ngót ngàn bài thơ bát cú, hay tứ tuyệt, tác giả còn có thể được mện danh là một thi sĩ.

Để kết luận, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác giả như:

- Một triết gia lỗi lạc.

- Một đạo gia phi thường.

- Một văn gia cự phách.

- Một học giả uyên bác.

- Một thi sĩ tài hoa.

Nếu một ngày nào đó trong tương lai giải thưởng văn học nghệ thuật tuyên dương sự nghiệp được tổ chức lại và tổ chức công bằng chúng tôi thiết nghĩ, hơn ai hết bác sĩ Nguyễn Văn Thọ chắc chắn sẽ là một trong những người xứng đáng hơn để lãnh giải thưởng đó, và người lãnh sẽ làm vinh dự cho giải thưởng cùng những người chấm giải.

CHÚ THÍCH

[1] Đã đăng Tập san Minh Đức, số 8, tháng 12-1973 & 01-1974.

[2] Đầu hữu cửu cung, trung viết Nê Hoàn. (Kim đơn đại thành tập tr.4, Trung Dung Tân Khảo, tr.90, chú 1)

[3] Xem Trung Dung Tân Khảo, tr.87 nơi đó tác giả có chụp lại một bức ảnh của quyển Foundation of the Tibetan mysticism của Anagarika Govinda viết để giải thích chú Oum mani Padme Hum Nghĩa là Ngọc Châu Viên Giác nằm tại liên hoa tâm. Mà liên hoa tâm chính là Trung điểm đầu não con người.

[4] Theo tác giả, thì chữ Nê Hoàn đã được kinh Lăng Nghiêm dùng để chỉ Niết Bàn.

Cuối quyển ba, Kinh Lăng Nghiêm có câu:

Như nhất chúng sinh vị thành Phật

Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn

Dịch:

Như một chúng sinh chưa thành Phật,

Chúng tôi nguyện chẳng nhập niết bàn.

Tử Điển Phật giáo của Đoàn Trung Còn cũng cho rằng chữ Nê Hoàn hay chữ Niết Bàn đều là phiên âm của chữ Nirvana mà ra.

(Xem Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, nơi chữ Nê Hoàn).

[5] Tác giả cho rằng Não thất ba tới vòng động mạch Willis và bốn động mạch não chảy ra bốn phương theo hình thước thợ trên đầu chính là vườn Eden với bốn con sông chảy ra bốn hướng.

[6] Xem: Mundaka Upanishad 2, 2.6. -- Hướng tinh thần.