THƯỢNG THANH HUỲNH ĐÌNH NỘI CẢNH KINH
Tìm
hiểu thuật tu Tiên của Trung Quốc
Nhân Tử Nguyễn Văn
Thọ
khảo luận & bình dịch
»
Mục Lục
LỜI NÓI
ĐẦU
Huỳnh Đình kinh là một kỳ
thư của Lão giáo, có tự lâu đời. Danh mục Huỳnh Đình kinh đã được ghi
trong Tấn thư nghệ văn chí
[1] 晉 書 藝 文 志 và Tống sử nghệ văn chí
[2]
宋 史 藝 文 志. Như vậy Huỳnh Đình kinh tối thiểu đã có từ hơn 1600 năm nay.
Huỳnh Đình kinh có mục đích
giúp ta trở thành thần tiên. Đọc chính kinh và các khẩu quyết trì tụng
kinh này nơi đầu kinh ta thấy ngay điều đó. Chẳng hạn như:
- Muốn thọ lĩnh kinh này,
phải trai giới trước 9, 7, hay 3 ngày.
- Phải có phòng thất đặc
biệt thanh tịnh để tụng kinh này.
- Khi bước vào phòng để tụng
kinh này, phải quán tưởng như có chư thần cùng theo vào.
- Khi tụng kinh này, phải
quán tưởng như trong lòng mình có đủ các cung trời, và các vị Thượng
thần trên trời đều có đủ trong lòng mình.
- Tụng kinh này 10.000 lần
sẽ trở thành thần tiên.
Nếu mỗi ngày tụng kinh này
một lần phải mất 28 năm mới đủ một vạn lần. Nếu mỗi ngày tụng 10 lần,
phải mất ngót 3 năm. Thu thần định trí, đem chư thần trong trời đất vào
lòng mình, xác tín rằng: chư thần trong trời đất luôn đi đứng cùng mình,
chẳng phải một lần mà ngàn vạn lần, chẳng phải một ngày một buổi mà
nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Nếu được như vậy, chẳng phải là thần
minh thì còn là gì?
Tử Vi chân nhân 紫 微 真 人 nói:
«Xưa Mạnh tiên sinh tụng Huỳnh Đình theo đường lối đó trong 8 năm. Huỳnh
Đình chân nhân giáng nhập vào ông. Đó là điều hết sức huyền diệu. Bí
quyết Huỳnh Đình chính tại điểm này. Nếu suốt ngày, từ sáng đến chiều,
lúc nào cũng quán tưởng chư thần trong thân mình, thì khỏi cần đọc Huỳnh
Đình kinh vậy.»
[3]
Kinh này hết sức khó hiểu,
phải có căn cơ đặc biệt mới mong hiểu nổi. Tuy nhiên nếu mỗi khi trì
tụng kinh này mà tâm trí luôn tưởng có chư thần hiện diện trong thân tâm
mình, thì không hiểu kinh, kinh này vẫn là phương tiện quý báu, giúp ta
trở thành thần tiên.
Ở Việt Nam đã có người phiên
dịch Huỳnh Đình,[4]
nhưng bí quyết của Huỳnh Đình chưa được phanh phui. Tôi có được một bản
Huỳnh Đình Nội Cảnh, dịch theo nguyên bản của Tử Hà chân nhân 紫 霞 真 人
bình chú. Tam Tông Miếu có nhã ý cho tôi mượn nguyên bản chữ Hán nói
trên. Sách này in mộc bản năm Dân Quốc thứ 5 (1916) vào đầu mùa hạ năm
Bính Dần (1916) do Mộng Giác Tử 夢 覺 子 Hồng Huệ Sâm 洪 惠 琛 soạn ở Sán Đầu
汕 頭 nơi trường học Tam Thụy 三 瑞. Tôi lại có được Huỳnh Đình Nội Cảnh Vụ
Thành Tử chú bằng chữ Hán, không biết được in ra từ năm nào.
Về Huỳnh Đình Ngoại Cảnh,
tôi có bốn bản Hán văn:
- Bản Lương Khưu Tử 梁丘子 chú,
không đề năm in.
- Bản Vụ Thành Tử 務 成 子 chú,
không đề năm in.
- Bản Tử Hà chân nhân 紫 霞 真
人 chú (Viên Kiều Sơn 圓 橋 山, Tử Hà động 紫 霞 洞, Hàm Hư Tử 涵 虛 子).
- Bản của Tung Ẩn Tử 嵩 隱 子
Thạch Hòa Dương 石 和 陽 thuật, in thạch bản năm Càn Long thứ 58 (tức
1793).
Huỳnh Đình Nội Cảnh theo
truyền thuyết là do đức Đại Đạo Ngọc Thần Quân 大 道 玉 神 君 (Linh Bảo Thiên
Tôn 靈 寶 天 尊) chép. Huỳnh Đình Ngoại Cảnh theo truyền thuyết là do đức
Lão Tử chép, toát lược, giản yếu lại Nội Cảnh. Tuy phân nội ngoại khác
nhau nhưng cả hai cùng chủ trương:
1. Con người là tiểu vũ trụ.
2. Trong con người có đủ ba
tầng trời Tam Thanh và đủ chư thần.
3. Con người có thể tu luyện
trở thành thần tiên.
4. Bí quyết trở thành thần
tiên đại khái vẫn là:
- Trừng phẫn diệt dục.
- An thần, định trí, thanh
tâm.
- Diệt phàm tâm cho thiên
tâm hiện.
Vì không nắm được vi chỉ của
Huỳnh Đình nên dân gian Việt Nam thường nghĩ rằng Huỳnh Đình bất quá là
dạy người ăn ngay ở lành; nếu mình đã ăn ngay ở lành thì cần gì đọc
Huỳnh Đình nữa. Cụ Nguyễn Đình Chiểu viết trong Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật
như sau:
«Xin
lòng nhân dục cho thanh,
Trau
mình nào phải tụng kinh Huỳnh Đình.
Xin
lòng luân lý cho minh,
Nuôi
lòng nào phải đọc kinh Âm Phù.
Cho
hay Tiên Phật rằng tu,
Cũng trong bảo
dưỡng đương đầu mà ra.»
[5]
Huỳnh Đình, cả nội cảnh lẫn
ngoại cảnh, đều được viết theo thể thơ thất ngôn, cổ phong. Kinh có một
lối gieo vần hết sức đặc biệt. Gieo vần bằng thì cứ vần bằng mãi; gieo
vần trắc thì cứ vần trắc mãi. Đọc lên, có một âm thanh khác lạ. Chính vì
vậy mà có nhiều vị đạo sư ở Việt Nam cho rằng nếu biết tụng kinh này cho
phải phép thì âm thanh của kinh cũng có thể chuyển hoá tâm hồn con
người, cũng như khi trì tụng các chú kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, v.v.
Tôi không tin như vậy.
Huỳnh Đình kinh - cả nội lẫn
ngoại - có nhiều bản, do nhiều người chú giải. Chánh kinh thì dị biệt
không bao lăm, nhưng lời bình chú thì khác nhau trời vực, vì tuỳ thuộc
vào căn cơ, trình độ học vấn tu luyện của người bình giải. Chính vì vậy
mà ta không câu nệ vào lời bình. Lời bình nào hữu lý thì mới chấp nhận.
Trong khi phiên dịch, tôi
không chấp văn nệ tự, vừa dịch mà cũng vừa giải. Đôi khi gặp lúc chính
kinh quá khúc mắc, tôi liền dựa vào lời bình để lấy ý, dịch thoát. Có
thể nhiều độc giả không đồng ý với tôi về điểm này. Để biện minh cho lập
trường của mình, thay vì trích dẫn Trang tử
[6]
hay Mạnh Tử,[7]
tôi xin cống hiến quý vị bài thơ của Tùng Giang Vương Cảnh Dương Duy
Nhất 松 江 王 景 陽 惟 一 :
«Tự nhiên chi đạo bản
vô vi,
自 然 之 道 本 無 為
Nhược chấp vô vi, tiện
hữu vi.
若 執 無 為 便 有 為
Đắc ý vong ngôn,
phương liễu triệt,
得 意 忘 言 方 了 徹
Nệ hình chấp tượng
chuyển hôn mê. 泥 形 執 象 轉
昏 迷
Thân tâm tĩnh định bao
thiên địa,
天 心 靜 定 包 天 地
Thần khí xung hòa hội
khảm ly.
神 氣 沖 和 會 坎 離
Liệu đắc giá ta chân
diệu quyết,
料 得 這 些 真 妙 訣
Kỷ nhân hội đắc kỷ
nhân tri.»
[8]
幾 人 會 得 幾 人 知
Tạm dịch:
Cái
đạo tự nhiên vốn vô vi,
Nếu
chấp vô vi, ấy hữu vi.
Được
ý quên lời rằng liễu triệt,
Nệ
văn chấp tượng hoá hôn mê.
Thân
tâm tĩnh định bao thiên địa,
Thần
khí xung hòa hội khảm ly.
Chỉ
có bấy nhiêu chân diệu quyết,
Mấy
ai hiểu được, mấy ai tri?
Quyển Huỳnh Đình kinh bình
dịch này gồm hai phần: (1) Phần khảo luận và (2) Phần bình dịch.
Phần khảo luận gồm các
chương sau:
- Chương 1: Những khái niệm
cơ bản của đạo Lão
- Chương 2: Xuất xứ và tác
giả Huỳnh Đình kinh
- Chương 3: Huyền nghĩa hai
chữ Huỳnh Đình
- Chương 4: Các quan niệm
then chốt của Huỳnh Đình
- Chương 5: Lược khảo lễ
nghi trì tụng Huỳnh Đình
- Chương 6: Ít nhiều nhận
định về Huỳnh Đình kinh
Phần bình dịch theo thứ tự
sau:
- Kinh có 36 chương. Tên mỗi
chương là hai chữ đầu chương bản chữ Hán.
- Trình bày chính kinh bằng
chữ Hán kèm theo phiên âm.
- Ghi những dị biệt của các
bản kinh, nếu có.
- Lược dịch bằng thể thất
ngôn cổ phong.
- Chú giải những chữ khó.
- Bình giải.
Để kết thúc lời phi lộ này,
tôi mượn lời kinh Huỳnh Đình, nơi chương một:
Từ
cung trời thẳm thượng thanh thiên,
Kinh
được viết ra, Ngọc Đế tiền.
Lời
thơ bảy chữ đầy châu ngọc,
Biến
được thân mình thành vạn tiên.
Huỳnh
Đình mỹ hiệu gọi nội thiên,
Khiến
tâm linh sảng thướng Tam thiên.
Tâm
thần hòa hợp cùng Ngọc Đế,
Mắt
tỏa hào quang rực ánh tiên.
Đó
chính ngọc thư phải tinh nghiên,
Đọc
quá vạn lần thăng Tam thiên.
Thiên
tai vạn bệnh đều qua khỏi,
Hổ
lang chẳng hại, lại diên niên.
Viết
xong năm 1976 tại Việt Nam
Nhân Tử
Bác sĩ Nguyễn văn Thọ
CHÚ THÍCH
Đời Tấn
晉 (265 - 402)
Đời Tiền Tống, tức Nam Triều Tống
南
朝
宋
(420 - 479).
Đời Tống
宋
(960 - 1278)
Ngôn giả sở dĩ
tại ý, đắc ý nhi vong ngôn.
言
者
所
以
在
意.
得
意
而
忘
言
(Trang Tử
莊
子,
Ngoại Vật
外
物).
Minh Đạo Thiên
明
道
篇.
Xem Lý Lạc Cầu
李
樂
俅,
Tiên Học Diệu Tuyển
仙 學 妙 選, tr. 139.
»
Mục Lục
|