» mục lục 

Chư thần cư ngụ trong thân thể con người [1]

* Rolf Homann (1941-2003)

* Lê Anh Minh dịch

 

Chủ đề của Huỳnh Đình Kinh được khẳng định ngay từ đầu của bản Ngoại Cảnh: «Lão Quân nhàn cư tác thất ngôn, giải thuyết thân hình cập chư thần.» 老君閑居作七言,解說身形及諸神 (Lão Quân lúc thư nhàn, viết thơ 7 chữ, để giải thích về thân hình con người và các thần linh trong đó). [2] Sự mô tả về chư thần trong thân thể con người (nhân thân chư thần 人身諸神) này rất chi tiết và chiếm phần lớn nhất trong văn bản Huỳnh Đình Kinh. Sự trình bày này và các lý thuyết liên quan đã ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của thuyết nhân thân chư thần. [3]

Tuy nhiên không phải thuyết nhân thân chư thần được phát triển đầu tiên trong Huỳnh Đình Kinh, Huỳnh Đình Kinh cho đến nay được biết đến như là một tác phẩm tối cổ nêu ra danh xưng chư thần quan trọng nhất trong thân thể con người và mô tả các chức năng của các ngài.

Từ đời Hán người ta đã biết đến nhân thân chư thần rồi. Tuy nhiên các lý thuyết dẫn đến sự phát triển thuyết nhân thân chư thần đã bắt nguồn từ các quan niệm xa xưa về sự hợp nhất giữa đại vũ trụ (Makrokosmos) và tiểu vũ trụ (Mikrokosmos).

Trong quyển Trung Quốc Đạo giáo sử 中國道教史, tác giả Phó Cần Gia 傅勤家 đã trình bày sự phát triển của thuyết chư thần trong thân thể nơi chương Nhân thân trung chi thần 人身中之神 (thần ngụ trong thân thể con người) như sau: «Thái Bình Kinh 太平經 đã nói rõ nhân thân chư thần. Thiên Tinh thần huấn 精神訓 của quyển Hoài Nam Tử 淮南子 đã phân khí làm hai loại thần: âm và dương. Khí là sinh mệnh của vũ trụ, cũng là hoạt động lực. Theo Đạo giáo, nếu khí bên trong thân thể con người tương giao qua lại liên tục với khí của vũ trụ, tức là con người sống. Do đó mới có công phu luyện thổ cố nạp tân 吐故納新 (nhả hơi cũ, nuốt hơi mới), tức là công phu luyện khí, luyện đan. Rồi họ lại xem khí là thần; nơi ngũ tạng trong thân thể mỗi tạng đều có thần lai vãng. Cho nên muốn sống lâu thì phải nhìn thẳng (trực quán 直觀) các vị thần này và phải hợp nhất (đồng thể 同體) với các ngài.» [4]

Phó Cần Gia cũng giải thích ở đây sự phát sinh nhân thân chư thần là từ cùng một khí mà khí này tạo ra nhân thân và vũ trụ. Về khía cạnh khí, Porkert đã giảng rõ trong quyển Thuật ngữ về Khí trong kinh sách y học Trung Quốc: «Sự biến đổi của sự sinh hóa đặt nền tảng trên khí. Trong muôn vật của vũ trụ không có gì mà không phát sinh từ khí. Khí bao trùm vũ trụ và khí tác động vũ trụ từ bên trong. Khí tác động những thứ khác: mặt trời, mặt trăng, hành tinh, định tinh chiếu sáng; sấm mưa mây gió hình thành; vạn vật suốt bốn mùa sinh, trưởng, thu, tàng. Sự hiện hữu của con người hoàn toàn tùy thuộc vào khí.» [5]

Ta có công thức ngắn gọn:

Khí = năng lực tạo ra đại vũ trụ.

Khí = năng lực tạo ra tiểu vũ trụ. [6]

Một câu phát biểu tương tự cũng có thể áp dụng với tinh . Haloun cũng nhìn nhận: «Khí tương đối đơn giản. Ý nghĩa ban đầu chỉ là «không khí» (air), là «không khí dày dặc» (thick air). Chúng ta có giả thuyết là: Khí là nền tảng vật chất của vũ trụ (the physical basis of the universe)... Thuyết của người Trung Quốc là: Khí tác động thông qua một tác nhân gọi là tinh , thường được phiên dịch là «tinh túy» (essence).» [7]

Trong Quản Tử, sự tạo thành của tinh đối với vũ trụ và con người được nhấn mạnh rõ hơn: «Tinh của vạn vật ban cho chúng sự sống. Ở dưới đất thì tinh sinh ra ngũ cốc; ở trên trời thì tinh là la liệt tinh tú. Khi lưu chuyển giữa trời đất, tinh được gọi là quỷ thần. Khi tàng chứa nơi ngực của con người, tinh được gọi là thánh nhân.» [8]

Vì rằng khí và tinh chuyển hóa nhau nên tôi thấy không cần tiếp tục khai triển vấn đề này. Porkert cũng nhận thấy: «Tinh hóa thành khí (Tinh hóa vi khí 精化為氣).» và «Khí hóa thành tinh (khí hóa vi tinh 氣化為精).» [9]

Hai câu trên đưa đến kết luận rằng vũ trụ và thân thể con người được tạo thành bằng những chất liệu giống nhau. Nhưng điều này chưa thể dẫn đến kết luận rằng chư thần trong nhân thể phát sinh từ cơ sở của các giả thiết trên, mà điều này chỉ dẫn đến quan niệm về sự thống nhất giữa đại vũ trụ và tiểu vũ trụ. Về khía cạnh này, Phó Cần Gia đã bảo: «... tức là tạng phủ đều có thần. Theo Đạo giáo, con người được xem là một tiểu thiên địa, cho nên thần trong trời đất đều hiện hữu trong thân thể con người chúng ta.» [10]

Phó Cần Gia chỉ nêu ra mà không giải thích điều này. Tôi muốn thử chỉ ra mối liên hệ giữa đại vũ trụ và tiểu vũ trụ và thử giải thích chư thần trong thân thể con người đã phát sinh như thế nào.

Thiên Thiên văn huấn 天文訓 trong Hoài Nam Tử đã giảng: «Các khiếu (lỗ) và tứ chi của nhân thể đều có liên hệ với trời. Trời có cửu trùng (trung ương và 8 hướng) thì người có cửu khiếu. Trời có bốn mùa để bố trí thứ tự 12 tháng thì người có tứ chi để điều khiển 12 quan tiết. Trời có 12 tháng để xếp thứ tự 360 ngày thì người có 12 quan tiết để điều khiển 360 lóng xương và khớp xương. Cho nên khi làm việc mà ai không thuận theo trời tức là đi ngược lại sự sống của bản thân.» [11]

Thiên Tinh thần huấn 精神訓 trong Hoài Nam Tử còn giảng chi tiết hơn về sự thống nhất giữa trời và người: «Cho nên đầu tròn tượng trưng trời, chân vuông tượng trưng đất. Trời có bốn mùa, ngũ hành, cửu giải, 360 ngày; người cũng có tứ chi, ngũ tạng, cửu khiếu, 360 lóng xương. Trời có gió, mưa, lạnh, nóng; người cũng có tiếp nhận, cho tặng, vui vẻ, giận dữ. Thế nên, mật là mây, phổi là khí, gan là gió, thận là mưa, tỳ là sấm, để người cùng kết hợp với trời đất.» [12]

Bên cạnh những «đức tính» của trời, sự phân chia bầu trời thành từng vùng [13] cũng phóng rọi vào con người. Rõ rệt nhất là thí dụ về nhật nguyệt và các hành tinh. Chúng không chỉ được xem là các hiện tượng thiên nhiên mà còn được xem là hệ thống thứ tự các thiên quan 天官. Theo Karlgren, chữ quan này là: «Nơi công thự, công sở (official’s residence, office); chức việc hành chánh (public charge); quan lại (official, officer); chức vụ (function), thi hành chức năng (to function).» [14]

Lời chú của Sách ẩn 索隱 về thuật ngữ thiên quan 天官 [15]  nơi quyển 27 (Thiên quan thư 天官書) của Sử Ký Tư Mã Thiên đã giải rằng: «Thiên văn có 5 quan. Quan tức là tinh quan. Chòm sao (tinh tòa) có tôn ti, nên những quan nơi con người cũng có địa vị khác nhau. Thế gọi là thiên quan [16]

Trong tác phẩm Tuân Tử 荀子, các thiên quan được chuyển sang cho con người: «Chức vụ của trời đã xác lập, công việc của trời đã thành, hình đủ thì thần sinh. Ưa, ghét, mừng, giận, thương, vui được chứa cả trong đó, thế gọi là thiên tình 天情 (tình cảm tự nhiên được trời phú bẩm). Tai, mắt, miệng, mũi, hình thể đều có thể giao tiếp với bên ngoài nhưng không thể thay thế nhau, thế gọi là thiên quan 天官. Tâm ở giữa, hư tĩnh, để làm chủ ngũ quan, thế gọi là thiên quân 天君.» [17]

Quan niệm tương tự trên đây cũng thấy xuất hiện nơi chương 13 của Quản Tử: «Trong thân thể con người, tâm là chủ tể. Nhiệm vụ của cửu khiếu là thể hiện các chức năng biệt lập của các quan năng. Tai và mắt là các giác quan để nghe và nhìn.» [18]

Các quan niệm trên được Lương Khâu Tử 梁邱子 lập lại trong Huỳnh Đình Ngoại Cảnh: «Mắt trái là mặt trời (thái dương); mắt phải là mặt trăng (thái âm).» [19]

Trong Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn 黃帝內經素問, 12 bộ phận cơ thể được mô tả chi tiết là 12 quan: «Tâm là cơ quan của vua chúa, là nơi thần minh xuất ra. Phổi là cơ quan của đại tướng, ban ra sự trật tự và điều tiết. Gan là cơ quan của tướng quân, đề ra chiến lược và kế hoạch. Mật là cơ quan trung chính, cho ra sự quyết đoán. Trong lồng ngực là cơ quan của thần sứ, phát ra vui vẻ sung sướng. bao tử và lá lách là kho lúa gạo, phát ra năm vị. Ruột già là cơ quan truyền đi vật uế tạp, biến hóa chúng. Ruột non là cơ quan nhận lấy nhiều tạp chất để đưa vào ruột già, biến hóa chúng. Thận là cơ quan làm việc mạnh mẽ, phát sinh kỹ xảo. Tam tiêu là cơ quan dẫn lối âm dương khai thông ngòi nước cho khỏi bế tắc, nước từ đó thoát ra. Bàng quang (bọng đái) là cơ quan quản lý thủ đô và châu quận, nước tàng chứa ở đây.» [20]

Những thí dụ ít ỏi trên đây đã minh xác rằng: trên cơ sở là sự thống nhất giữa đại vũ trụ và tiểu vũ trụ, các thiên quan trên trời cũng hiện hữu dưới đất và nơi thân thể con người.

Thiên quan, tức là các tinh tú, là nơi thần minh cư ngụ: «Nơi cung giữa là sao Thiên cực, là nơi sáng nhất, vốn là nơi thường trú của thần Thái Nhất.» [21]

Vì thiên quan có thần minh cư ngụ, nên thiên quan tương ứng ở con người cũng có thần minh cư ngụ. Quản Tử nói: «Có thần trú nơi thân thể con người, thần có lúc cũng đi, có lúc cũng đến. Nhưng không ai biết được điều này. Khi mất thần, con người mê loạn.» [22]

Quan niệm cụ thể về nhân thân chư thần đã thấy vào đời Hán, qua lời chú của Hà Thượng Công về «Cốc thần» 谷神 trong Lão Tử Đạo Đức Kinh: «Cốc là nuôi dưỡng. Nếu con người có thể nuôi dưỡng thần thì họ sẽ bất tử. Thần đây là thần của ngũ tạng. Thần của gan là hồn , thần của phổi là phách , thần của tim là thần , thần của thận là tinh , thần của tỳ là chí , ngũ tạng bị thương tổn hết thì năm thần này xuất ra khỏi nhân thể.» [23]

Sự liên hệ ngũ tạng với ngũ thần (gan-hồn, phổi-phách, tim-thần, thận-tinh, tỳ-chí) được nêu ra trên đây cũng tương đồng với quan niệm của y học Trung Quốc. [24]

Thần của ngũ tạng có liên hệ mật thiết với thần của bốn mùa và thần của ngũ hành. Thái Bình Kinh 太平經 có nói như vậy, nhưng không kể chi tiết tên của các vị thần này: «Thần của bốn mùa và thần của ngũ hành khi nhập vào thân thể con người thì thành chư thần của ngũ tạng, khi xuất ra thì trở thành thần của bốn mùa và thần của ngũ hành.» [25]

Thái Bình Kinh cũng nói như vậy ở một đoạn khác: «Khí của bốn mùa và ngũ hành nhập vào bụng của con người thì sinh ra chư thần của ngũ tạng, có màu sắc tương ứng với màu sắc của bốn mùa và trời đất.» [26]

Chư thần (ở đây gọi là «kỵ thần» 騎神) của trung ương và bốn phương hướng được mô tả trong Thái Bình Kinh như sau: «Kỵ thần hướng đông cầm cây mâu, kỵ thần hướng nam cầm cây kích, kỵ thần hướng tây cầm cung nỏ và cái rìu, kỵ thần hướng bắc cầm cái thuẫn mạ vàng và cây đao, kỵ thần trung ương cầm kiếm và cái trống. Khi nghĩ đến các vị thần này thì trước tiên hãy nhìn vào chư thần trong thân mình (nội thần) và hãy nhìn chư thần bên ngoài mình (ngoại thần); hoặc trước tiên nhìn dương thần, sau đó nhìn nội thần.» [27]

Những quan niệm xuyên qua ít ví dụ nêu trên đã được khai triển rộng hơn vào đời Đông Hán: Số lượng chư thần trong nhân thể phát triển đến 36000 vị; những vị thần quan trọng nhất được mô tả cụ thể về danh xưng, chức vụ, vóc dáng, y phục. Maspero đã viết rõ: «Thực sự toàn thân con người tràn ngập thần linh. Không những mỗi đan điền, mỗi tạng, mỗi phủ đều có ít nhiều thần linh mà mọi cơ quan hay nói đơn giản là mọi thứ có vẻ có nhân tính đều hình thành một thực thể biệt lập, như mắt, tai, tóc, v.v. Mỗi vị thần này đều có tên họ, biệt hiệu, tước vị. Thần có y phục, nơi cư ngụ, chức nghiệp, và vai trò trong sự hài hòa chung của sự sống của thân thể đó.» [28]

Có nhiều phương hướng khác nhau trong sự phát triển chư thần trong nhân thể: «Nhưng trong tất cả chư thần trong nhân thể này, người ta phân biệt ngay hai loại khác nhau: một loại đơn thuần liên quan các bộ phận của thân người (ordre purement physiologique)… và một loại thần liên quan đến bản thể vũ trụ (ordre ontologique).» [29]

Loại thần thứ hai này phân làm hai nhóm: một nhóm ứng với 24 khí tiết và một nhóm được tạo sinh theo cửu thiên 九天. [30]

Trong loại thần liên quan đến các bộ phận của thân thể con người (die physiologischen Gottheiten), ta thấy có 7 vị thần đầu, 5 vị thần của ngũ tạng, và 6 vị thần của lục phủ. Đại Đỗng chân kinh 大洞真經 còn đặc biệt phát triển tiếp số chư thần này: từng bộ phận được ấn định có thêm nhiều vị thần nữa. Nhưng số chư thần được nêu ra trong Đại Đỗng chân kinh thì khác xa với số chư thần được nêu trong các đạo thư hay đạo kinh tương tự về sau đến nỗi người ta không thể suy đoán được. Để minh họa điều này, tôi trích dẫn Lão Tử Trung Kinh 老子中經: «8 vị thần phổi (phế thần) là Thái Hòa Quân 太和君, tên gọi [ở] phủ Thượng Thư 尚書 của Ngọc Chân Cung 玉真宮. Các quan tùy tùng có 3600 người, cỡi chiếc xe bằng khí mây trắng, do bạch hổ kéo hoặc họ cỡi bạch long (rồng trắng). 9 vị thần tim (tâm thần) là Thái Úy Công 太尉公, gọi là Nguyên Quang 元光, Thái Thủy Nam Cực Lão Nhân 太始南極老人, ở Giáng Cung 絳宮. Các quan tùy tùng có 3600 người, cỡi chiếc xe bằng khí mây đỏ; chim đỏ tạo thành cái lọng trên xe, rắn đỏ làm thành tay nắm. Xe do chim đỏ kéo hoặc họ cỡi xích long (rồng đỏ.) 7 vị thần gan (can thần) là Lão Tử Quân 老子君, tên gọi [ở] phủ Lan Đài 蘭臺 của Minh Đường Cung 明堂宮. Các quan tùy tùng có 3600 người, cỡi chiếc xe bằng khí mây xanh, do rồng xanh kéo hoặc họ cỡi nai trắng. 5 vị thần mật (đảm thần) là Thái Nhất Đạo Quân 太一道君, cư ngụ nơi Tử Phòng Cung 紫房宮. Họ cỡi chiếc xe bằng khí mây màu ngọc, trên có cái lọng che ngũ sắc, do 6 con rồng bay kéo. Các quan tùy tùng có 3600 người.» [31]

Về chư thần khác của đầu và các bộ phận trong thân, Lão Tử Trung Kinh còn cho những chi tiết tương tự.

Loại thần liên quan đến bản thể vũ trụ (ontologische Gottheiten) tương ứng với 24 khí tiết được Maspero mô tả như sau: «Một nhóm thần nổi tiếng khác là 24 thần (nhị thập tứ thần) mà mỗi vị cùng một lúc vừa cai quản một bộ phận trong thân thể con người vừa ứng với 24 khí tiết. Nơi thân thể con người (=tiểu vũ trụ), 24 khí tiết là 24 vòng tròn chồng lên nhau, phân đều từ đỉnh đầu xuống lòng bàn chân; và trong đại vũ trụ, chúng là 24 nửa tháng dương lịch do một năm được chia ra, sao cho tiết Hạ Chí là ngay đỉnh đầu, tiết Thu Phân và Xuân Phân là ngay rốn, và tiết Đông Chí là ở bàn chân.» [32]

Sự phân loại thông thường nhất là 3x8=24 thần căn cứ vào 3 bộ (tam bộ 三部 = đầu, ngực, bụng) của thân thể con người. Mỗi bộ có 8 cảnh thần.

Thượng bộ bát cảnh thần 上部八景神 gồm có:

1. Thần não (não thần 腦神) tên Giác Nguyên Tử 覺元子, tự Đạo Đô 道都;

2. Thần tóc (phát thần 髮神) tên Huyền Phụ Hoa 玄父華, tự Đạo Hành 道衡;

3. Thần da (bì phu thần 皮膚神) tên Thông Chúng Trọng 通眾仲, tự Đạo Liên 道連;

4. Thần mắt (mục thần 目神) tên Linh Giám Sinh 靈監生, tự Đạo Đồng 道童;

5. Thần tủy ở cổ (hạng tủy thần 項髓神) tên Linh Mạc Cái 靈膜蓋, tự Đạo Chu 道周;

6. Thần xương sống (lữ thần 膂神) tên Ích Lịch Phụ 益歷輔, tự Đạo Trụ 道柱;

7. Thần mũi (tỵ thần 鼻神) tên Trọng Long Ngọc 仲龍玉, tự Đạo Vi 道微;

8. Thần lưỡi (thiệt thần 舌神) tên Thủy Lương Trĩ 始梁峙, tự Đạo Kỳ 道岐.

Trung bộ bát cảnh thần 中部八景神 gồm có:

1. Thần yết hầu (hầu thần 喉神) tên Bách Lưu Phóng 百流放, tự Đạo Thông 道通;

2. Thần phổi (phế thần 肺神) tên Tố Linh Sinh 素靈生, tự Đạo Bình 道平;

3. Thần tim (tâm thần 心神) tên Hoán Dương Xương 煥陽昌, tự Đạo Minh 道明;

4. Thần gan (can thần 肝神) tên Khai Quân Đồng 開君童, tự Đạo Thanh 道清;

5. Thần mật (đảm thần 膽神) tên Đức Long Câu 德龍拘, tự Đạo Phóng 道放;

6. Thần thận trái (tả thận thần 左腎神) tên Xuân Nguyên Chân 春元真, tự Đạo Khanh 道卿;

7. Thần thận phải (hữu thận thần 右腎神) tên Tượng Tha Vô 象他無, tự Đạo Ngọc 道玉;

8. Thần tỳ (tỳ thần 脾神) tên Bảo Nguyên Toàn 寶元全, tự Đạo Khiên 道騫.

Hạ bộ bát cảnh thần 下部八景神 gồm có:

1. Thần bao tử (vị thần 胃神) tên Đồng Lai Dục 同來育, tự Đạo Triển 道展;

2. Thần ruột cùng (cùng trường thần 窮腸神) tên Triệu Đằng Khang 兆騰康, tự Đạo Hoàn 道還;

3. Thần ruột già và ruột non (đại tiểu trường thần 大小腸神) tên Bồng Tống Lưu 蓬送留, tự Đạo Trù 道廚;

4. Thần trong ruột (động trung thần 胴中神) tên Thụ Hậu Bột 受厚勃, tự Đạo Hư 道虛;

5. Thần hoành cách mô (hung cách thần 胸膈神) tên Quảng Anh Trạch 廣英宅, tự Đạo Trung 道中;

6. Thần hai hàng xương sườn (lưỡng lặc thần 兩肋神) tên Tịch Giả Mã 辟假馬, tự Đạo Thành 道成;

7. Thần tả dương (tả dương thần 左陽神) tên Phù Lưu Khởi 扶流起, tự Đạo Khuê 道圭;

8. Thần hữu âm (hữu âm thần 右陰神) tên Bao Biểu Minh 包表明, tự Đạo Sinh 道生. [33]

Tên 28 vị thần này không thống nhất với tên các thần thuộc nhóm liên quan các bộ phận của thân người (physiologische Gottheiten) [đã kể trong Lão Tử Trung Kinh].

Chư thần liên quan bản thể vũ trụ (ontologische Gottheiten) tương ứng với Cửu thiên 九天 đã bắt nguồn từ một thuyết của Trung Quốc về sự sáng thế: «Cửu thiên có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng thế giới và cửu thiên sinh trưởng trong thân người.» [34]

Cửu thiên ở đây là 9 khí hình thành thế giới. Các khí này bắt nguồn từ nguyên khí 元氣. Trước tiên nguyên khí phân làm 3 khí, rồi phân thành 9 khí: «Cửu khí biến đổi một loạt . Mặt trời, mặt trăng, tinh tú, âm dương, ngũ hành, đều tiếp nhận sự sống từ cửu khí.» [35]

Trong thân thể con người, cửu khí hay cửu thiên thể hiện ra là cửu cung 九宮. Cửu cung tọa lạc nơi mỗi ba bộ phận. Cửu cung nơi thượng bộ (=đầu) thường được mô tả chi tiết, còn cửu cung nơi trung bộ (=mình) và hạ bộ (=phần dưới) thì chưa được biết rõ. Chỉ trong một văn bản duy nhất sau đây là Thượng Dương Tử Kim đan đại yếu 上陽子金丹大要, tôi tìm thấy sự mô tả chi tiết về cửu cung ở trung bộ: «Tim (nơi thần cư ngụ) là Giáng tiêu cung 絳霄宮. Thận (nơi thần cư ngụ) là Đan nguyên cung 丹元宮. Gan (nơi thần cư ngụ) là Lan đài cung 蘭臺宮. Phổi (nơi thần cư ngụ) là Thượng thư cung 尚書宮. Tỳ (nơi thần cư ngụ) là Huỳnh đình cung 黃庭宮. Mật (nơi thần cư ngụ) là Thiên hoằng cung 天霐宮. Ruột non (nơi thần cư ngụ) là Huyền linh cung 玄靈宮. Ruột già (nơi thần cư ngụ) là Mộc linh cung 木靈宮. Bàng quang (nơi thần cư ngụ) là Ngọc phòng cung 玉房宮 [36]

Văn bản đời Nguyên trên đây rõ ràng là một cố gắng muộn màng nhằm hệ thống hóa cửu cung nơi trung bộ thân người. Qua sự tổng kết các cơ quan của trung bộ và hạ bộ nhưng lược bỏ cửu cung nơi hạ bộ, sự cố gắng này không có giá trị gì.

Huỳnh Đình Kinh có sự đặc biệt: với tư cách làmột đạo kinh xưa nhất nói về chư thần trong thân thể con người, kinh này dung chứa cả ba sự khai triển đã nêu trên đây. Trọng tâm của sự mô tả này là chư thần liên quan đến các bộ phận trong thân người (physiologische Gottheiten). Trong Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh, thần ở đầu được liệt kê danh tính ở chương 7 (Chí đạo 至道) và các thần ngũ tạng được liệt kê danh tính ở chương 8 (Tâm thần 心神), nhưng các thần lục phủ thì không kể danh tính ra. Gần phân nửa của Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh mô tả tỉ mỉ nhất về chư thần ngũ tạng. [37]

Ở đây tôi muốn nêu ra một sự khai triển đặc biệt các thần lục phủ theo quan niệm đời Tống: «Theo một quyển sách khuyết danh tác giả vào đời Tống đã minh họa, mỗi phủ trong lục phủ của thân người được cho rằng có động vật cư ngụ. Hổ trắng ở phổi, rắn và rùa ở mật, rồng ở gan, phượng hoàng ở tỳ, chim đỏ ở tim, nai hai đầu ở thận.» [38]

Thần gan có hình rồng

Thần mật có hình rắn và rùa

Thần phổi có hình hổ trắng

Thần tim có hình chim đỏ

Thần thận có hình nai hai đầu

Ở đây danh xưng chư thần ngũ tạng nêu trong Huỳnh Đình Kinh được mô tả thêm hình dáng qua sự trình bày của Hồ Âm 胡愔 trong Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngũ Tạng Lục Phủ Đồ 黃庭內景五臟六腑圖.

Nhóm chư thần tương ứng với 24 tiết khí được mô tả như sau trong Huỳnh Đình Nội Cảnh chương 23: «Phép đối trị sự sống thật đơn giản: chỉ cần học theo sách Động Huyền [của Lão Quân] và sách Ngọc Thiên (tức Huỳnh Đình Kinh). Ngoài ra, trong thân hình có bát cảnh thần [ở mỗi bộ trên, giữa, dưới], thống nhiếp khí toàn thân thì 24 vị thần này hiện ra.» [39]

Sự giải thích chư thần liên quan đến 24 tiết khí không phải duy nhất chỉ có ở sách này. Chẳng hạn Lãnh Khiêm 泠謙 trong Huỳnh Đình Kinh Bí Nghĩa đã giảng rằng bát cảnh tương ứng với bát quái tức là 8 quẻ cơ bản để hình thành 64 quẻ kinh Dịch. Còn 24 chân nhân ứng với 24 hào âm và dương của bát quái. [40] Ngoài ra người ta cũng có thể giải 24 chân nhân này ứng với 24 tiếng đồng hồ của một ngày (bát cảnh thần ứng với 8 tiếng, nhân với 3 [sáng, chiều, tối] là 24 thần).

Về các thần tương ứng với cửu cung của trời, chương 7 của Nội Cảnh đã viết: «Chư thần nơi mặt đều lấy nê hoàn làm tông chủ, [trời có cửu cung mà người cũng thế] nên nê hoàn [ở trung cung] và 8 cung xung quanh đều có 9 vị thần.» [41]

Đến đây, vấn đề vẫn còn chưa giải quyết xong: Chư thần trong thân thể con người để phục vụ mục đích gì?

Theo quan niệm của Thái Bình Kinh, khi chư thần tồn tại trong thân người mà không bị thương tổn thì con người ta khỏe mạnh, nếu chư thần rời bỏ thân ta thì ta bệnh hoạn và chết: «Cho nên thần gan đi mất mà không trở về thân ta, thì mắt ta không sáng. Khi thần tim đi mất thì môi ta xanh tái. Khi thần phổi đi mất thì mũi ta bị nghẹt. Khi thần thận đi mất thì tai ta điếc. Khi thần tỳ đi mất thì miệng ta không cảm nhận được vị ngọt. Khi thần đầu đi mất thì ta mắt ta tối sầm. Khi thần bụng đi mất thì bao tử ta rối loạn, không thể tiêu hóa thực phẩm. Khi thần tứ chi đi mất thì ta không thể cử động và di chuyển được.» [42]

Tuy nhiên, khi chư thần vẫn tồn tại trong thân thể con người thì, theo Thái Bình Kinh mô tả, người ta sẽ có tình trạng như sau: «Khi chư thần tồn tại trong thân thể ta, ta sẽ cảm thấy tươi vui, sẽ cảm thấy hạnh phúc và không truy cầu tài bảo hay ganh đua với đời. Vì không ham danh lợi, sau một thời gian dài, ta sẽ trông thấy hình ảnh chư thần.» [43]

Sau đó, điều quan trọng đối với sức khỏe con người chính là tam trùng 三蟲 kẻ thù tự nhiên của con người cũng như của nhân thân chư thần sẽ bị tiêu diệt thông qua sự hành khí và phục thực đúng đắn. Tam trùng cư ngụ nơi ba bộ phận của con người.

Kaltenmark viết: «Thượng trùng tấn công mắt và gây tai hại cho đầu. Trung trùng hại bụng và ruột. Hạ trùng gây bệnh thận, làm cạn tinh tủy, làm khô xương, gây thiếu máu.» [44]

Tam trùng được mô tả tỉ mỉ chi tiết và sinh động trong Thái Thượng Trừ Tam Thi Cửu Trùng Bảo Sinh Kinh 太上除三尸九蟲保生經: «Thượng trùng Bành Cư 彭琚 có tên trẻ con là A Ha 阿呵 ở trong đầu con người. Nó tấn công nê hoàn tức thượng đan điền, khiến cho người ta cảm thấy nặng đầu, mắt tối sầm, khóc chảy nước mũi, tai điếc, răng rụng, miệng hôi, khuôn mặt nhăn nheo. Nó làm con người mê loạn, yêu thích xe ngựa, say mê âm nhạc và nữ sắc... Trung trùng Bành Chất 彭質 có tên trẻ con là Tác Tử 作子, yêu thích ngũ sắc và ngũ vị. Nó cư ngụ nơi tim và bao tử con người. Nó tấn công tử cung (cung màu đỏ) và trung tiêu, khiến con người nhầm lẫn và mất trí nhớ. Nó làm giảm tinh. Khi khí sinh ra, tai họa đến. Mặt khác, nó gây sầu não. Khi âu lo thái quá, miệng khô, mắt trắng, răng sâu. Ngày đêm nó làm hại lục phủ ngũ tạng. Nó gây ra bệnh tật. Do nó mà người ta ngủ nhiều và thấy ác mộng... Hạ trùng Bành Kiểu 彭矯 có tên trẻ con là Lý Tế 李細, cư ngụ nơi bụng và chân con người. Nó làm hại khí hải đến nỗi khô cạn và làm cho bách bệnh sinh ra. Nó xúi con người trộm cướp, ham mê nữ sắc, danh vọng, và ham mê trụy lạc, gây tác hại. Người ta không thể cản được nó làm hại sinh mệnh của họ. Nó khiến con người kết hợp với ma quỉ, quay lưng với cuộc sống, cận kề cái chết, cạn kiệt tinh khí. Nó làm khô tủy, cơ bắp đau nhức, thịt nóng hực, ý chí bạc nhược, thân thể trống rỗng, mông nặng nề, bàn chân và đầu gối rã rời. Nước tiểu và xú khí thoát ra, và dần dần tai họa đến...» [45]

 

Tam thi (tam trùng) 三尸 (三蟲)

Tam trùng đã xuất hiện từ đời Đông Hán, như trong tác phẩm Luận Hành 論衡 của Vương Sung 王充 đã chép: «Người ta có tam trùng trong ruột. Côn trùng sống nơi đầm lầy gọi là con đỉa. Chúng ăn chân người, còn ở con người thì tam trùng ăn ruột.» [46]

Về sau, do ảnh hưởng của thuyết về chư thần tương ứng với cửu thiên, người ta lại phân biệt xa hơn nữa là tam thi cửu trùng (cũng là kẻ thù của con người). Về cửu trùng thì Thái Thượng Trừ Tam Thi Cửu Trùng Bảo Sinh Kinh cũng đã mô tả sinh động.

Chư thần trong thân thể con người là đối tượng của tĩnh tọa, gọi là nội quán 內觀: «Nội quán cũng cho phép người ta nhìn thấy các thần trong thân thể... Nhiều đạo kinh đã mô tả chính xác chư thần này, nêu ra danh tánh của thần và thường cho biết hình dáng của thần để dễ nhìn thấy và giao tiếp với thần.» [47]

Tuy chư thần theo quan niệm của Đạo giáo là có cung điện cả trên trời lẫn dưới đất, nhưng chư thần không thường trú nơi đó, mà luôn dạo chơi khắp nơi, nên thật là khó khăn cho các đạo sĩ được giao tiếp với chư thần. Điều đó cũng là một điều thực dễ dàng khi đạo sĩ luôn có khả năng giao tiếp chư thần nhờ tham thiền nội quán chư thần trong thân thể, mà các vị này tương ứng với chư thần trên trời.

Tóm tắt chư thần nơi ba bộ vị của thân thể

I. Thượng bộ 上部 của thân thể:

a/ Chư thần liên quan các bộ phận thân thể theo Huỳnh Đình Kinh:

1- Thần Tóc = Thương Hoa 蒼華

2- Thần Trán = Tinh Căn 精根

3- Thần Mắt = Minh Thượng 明上

4- Thần Mũi = Ngọc Lũng 玉壟

5- Thần Tai = Không Nhàn 空閑

6- Thần Lưỡi = Thông Mệnh 通命

7- Thần Răng = Ngạc Phong 崿鋒

b/ Chư thần liên quan 24 khí tiết (Đạo Tạng 1051/W1388: 洞玄靈寶二十四生圖經 Động Huyền Linh Bảo Nhị Thập Tứ Sinh Đồ Kinh)

1- Thần Tóc = Huyền Phụ Hoa 玄父華

2- Thần Trán = Giác Nguyên Tử 覺元子

3- Thần Mắt = Hư Giám 虛監

4- Thần Mũi = Trọng Long Tử 仲龍子

5- Thần Lưỡi = Thủy Lương Trĩ 始梁峙

6- Thần Da = Thông Tượng Trọng 通象仲

7- Thần Tủy xương sống = Linh Mô Cái 靈謨蓋

8- Thần Xương sống = Ích Lịch Chuyển 益歷轉

c/ Chư thần liên quan cửu cung:

1- Chư thần cung Minh Đường 明堂: ở giữa là Minh Kính Thần Quân 明鏡神君; bên trái là Minh Đồng Chân Quân 明童真君; bên phải là Minh Nữ Chân Quân 明女真君. [48]

2- Chư thần cung Động Phòng 洞房: ở giữa là Hoàng Lão Quân 黃老君; bên trái là Nguyên Anh Quân 元英君; bên phải là Nguyên Bạch Quân 元白君. [49]

3- Chư thần cung Nê Hoàn 泥丸: bên trái là Thượng Nguyên Xích Tử 上元赤子; bên phải có Đế Hương 帝鄉 (chỉ có 2 thần đồng cư). [50]

4- Chư thần cung Lưu Châu 流珠: Lưu Châu Chân Quân 流珠真君. [51]

5- Chư thần cung Ngọc Đế 玉帝: Ngọc Thanh Thần Mẫu 玉清神母. [52]

6- Chư thần cung Thiên Đình 天庭: Thượng Thanh Chân Nữ 上清真女

7- Chư thần cung Cực Chân 極真: Thái Cực Đế Phi 太極帝妃.

8- Chư thần cung Huyền Đan 玄丹: Trung Hoàng Thái Ất Chân Quân 中黃太乙真君. [53]

9- Chư thần cung Thái Hoàng 太皇: Thái Thượng Quân Hậu 太上君后.

II. Trung bộ 中部 của thân thể:

a/ Chư thần liên quan các bộ phận thân thể theo Huỳnh Đình Kinh:

1- Thần Tim = Đan Nguyên 丹元

2- Thần Phổi = Hạo Hoa 皓華

3- Thần Gan = Long Yên 龍湮

4- Thần Thận = Huyền Minh 玄明

5- Thần Tỳ = Thường Tại 常在

6- Thần Mật = Long Diệu 龍曜

b/ Chư thần liên quan 24 khí tiết (theo Đạo Tạng 1051/W1388: Động Huyền Linh Bảo Nhị Thập Tứ Sinh Đồ Kinh 洞玄靈寶二十四生圖經)

1- Thần Tim = Hoán Dương Xương 煥陽昌

2- Thần Phổi = Tố Linh Sinh 素靈生

3- Thần Gan = Khai Quân Đồng 開君童

4- Thần Thận trái = Xuân Nguyên Quân 春元君

5- Thần Thận phải = Tượng Tha Vô 象他無

6- Thần Tỳ = Bảo Vô Toàn 寶無全

7- Thần Mật = Long Đức Câu 龍德拘

8- Thần Cuống họng = Bách Lưu Phóng 百流放

c/ Chư thần liên quan cửu cung: (không có)

III. Hạ bộ 下部 của thân thể:

a/ Chư thần liên quan các bộ phận thân thể theo Huỳnh Đình Kinh:

- Thần Mật = Long Diệu 龍曜

b/ Chư thần liên quan 24 khí tiết (theo Đạo Tạng 1051/W1388: Động Huyền Linh Bảo Nhị Thập Tứ Sinh Đồ Kinh 洞玄靈寶二十四生圖經)

1- Thần Bao Tử = Đồng Lai Dục 同來育

2- Thần Ruột già ruột non = Bồng Tống Lưu 蓬送留

3- Thần Ruột thừa = Phi Đằng Khang 非騰康

4- Thần Đầu ruột = Thụ Hậu Bột 受厚勃

5- Thần Cách (Zwerchfell: diaphragm: cơ hoành) = Quảng Anh Trạch 廣瑛宅

6- Thần Mông = Tịch Giả Mã 辟假馬

7- Thần Tả dương = Phù Lưu Khởi 扶流起

8- Thần Hữu âm = Bao Biểu Minh 包表明

c/ Chư thần liên quan cửu cung: (không có)


CHÚ THÍCH

[1] Nguyên tác Đức ngữ: Die Körpergottheiten, trích dịch từ Rolf Homann, Die wichtigsten Körpergottheiten im H’uang-t’ing ching (Chư thần quan trọng nhất trong nhân thể theo Huỳnh Đình Kinh), Verlag Alfred Kümmerle, Göppingen, Germany, 1971, tr. 24-51. Chú thích riêng của người dịch được ghi là [LAM chú].

[2] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 1, tập 9, trang 89.

Thuật ngữ thần thường được dịch là dieu divinité (thần linh) hay god (thần linh) theo Maspero, Kaltenmark, Welch. Ở đây hãy so sánh các chú thích của Porkert trong Die energetische Terminologie in den chinesischen Medizin-klassikern (Thuật ngữ về Khí trong kinh sách y học Trung Quốc), trong Sinologica VIII, số 4, Basel 1965, tr.189; và chú của ông trong Untersuchungen einiger philosophisch-wissenschaftlicher Grundbegriffe und Beziehungen im Chinesischen (Khảo vài khái niệm cơ bản về triết học và khoa học và các liên quan của chúng trong Hán ngữ), trong Zeitschrift der Deutschen Morgenländischen Gesellschaft (Tạp chí Xã hội Đông phương [theo nghiên cứu của người] Đức), bộ 110, tập 2, Wiesbaden, 1961, tr. 429; đặc biệt là chú thích 19 (trang 431), ông đã chỉ ra sự khác biệt về khái niệm Thần của người Trung Quốc và khái niệm Thần của người Tây phương.

[3] Holmes Welch, Taoism: The Parting of the Way, Boston, 1966, tr. 106.

[4] Phó Cần Gia 傅勤家, Trung Quốc Đạo giáo sử 中國道教史, Đài Bắc, 1967, tr. 104.

[LAM chú] Tôi dịch theo bản của Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh, 1998, tr. 104: «Thân trung chư thần, Thái Bình Kinh dĩ tường ngôn. Hoài Nam Tử - Tinh thần huấn dĩ phân khí vi âm dương nhị thần, khí giả vũ trụ chi sinh mệnh, hựu vi hoạt động lực, cứ Đạo giáo sở thuyết, nhân loại thân nội chi khí, năng dữ vũ trụ chi khí tương vãng lai nhi bất tuyệt, tức đắc trường mệnh. Cố hữu thổ cố nạp tân, tức luyện khí luyện đan chi công phu. Hựu dĩ khí vi thần, thể nội ngũ tạng, diệc các hữu thần lai vãng, cố dục trường thọ, đương trực quán thử thần, dữ chi đồng thể.» 身中諸神,太平經已詳言.淮南子精神訓已分氣為陰陽二神,氣者宇宙之生命,又為活動力,據道教所說,人類身內之氣,能與宇宙之氣相往來而不絕,即得長命.故有吐故納新即鍊氣鍊丹之工夫.又以氣為神,體內五臟亦各有神來往,故欲長壽,當直觀此神,與之同體.

[5] Porkert, Die energetische Terminologie in den chinesischen Medizinklassikern, 1965, tr. 185. Porkert dịch đoạn văn này trong Loại kinh 類經, nhưng tôi không có quyển này.

[6] Manfred Porkert, sđd., 1965, tr. 186.

[7] Haloun, Nachschrift eines Kollegs über die taoistischen Kapitel (36, 37, 49) im Kuan-tzu (Lời cuối của một khóa giảng về các chương Đạo giáo 36, 37, 49 trong Quản Tử), tr. 31.

Lời cuối này không công bố, nhưng giáo sư Eichhorn đã cung cấp cho tôi. Nguyên văn tiếng Anh: «Ch’i is comparatively simple. The original meaning is ‘air’, ‘thick air’. We have here a hypothesis that air is the physical basis of the universe… The Chinese theory is that air acts through an agent called ching , usually translated as ‘essence’

[8] Quản Tử, trong Tứ Bộ Bị Yếu, tr. 365, chương 16.

W.A. Rickett, Kuan-tzu, Hong Kong, 1965, tr. 158, dịch: «It is ever so that the essence of things is what gives them life. Below it gives life to the five grains; above it creates the ranked stars. When floating between Heaven and earth, we call it the spirit. When stored in the breast (of a person), we call it the sage.»

[LAM chú] Tôi dịch theo bản chữ Hán, chương Nội nghiệp 內業: «Phàm vật chi tinh, thử tác vi sinh, hạ sinh ngũ cốc, thượng vi liệt tinh, lưu thiên địa chi gian, vị chi quỷ thần, tàng ư hung trung, vị chi thánh nhân.» 凡物之精,此作為生,下生五穀,上為列星,流天地之間,謂之鬼神,藏於胸中謂之聖. (Ngô Văn Đào 吳文濤 & Trương Thiện Lương 張善良 biên tập, Quản Tử, Bắc Kinh, Yên Sơn xbx, 1995, tr. 339.)

[9] Porkert, sđd., 1961, tr. 424. Hai câu này Porkert dịch từ Vân Cấp Thất Thiêm 雲笈七籤.

[10] «Thử ngôn tạng phủ giai hữu thần dã. Nhiên Đạo giáo chi thuyết thị nhân thân vi nhất tiểu thiên địa, cố thiên địa chi thần giai tồn ngô nhân chi thân trung.» 此言臟腑皆有神也.然道教之說視人身為一小天地,故天地之神皆存吾人之身中. (Phó Cần Gia, sđd., tr. 106). Quan niệm về sự thống nhất giữa đại vũ trụ và tiểu vũ trụ tuy vậy không thuộc phạm vi của Đạo giáo, mà quan niệm này đã phổ biến trong xã hội Trung Quốc cổ đại rồi. Maspero, Le Taoïsme, 1950, tr. 123, đã chỉ ra sự liên hệ này giữa đại và tiểu vũ trụ [qua chư thần trong vũ trụ và chư thần trong thân thể con người], nhưng ông không khai triển quan niệm này. Nơi trang 109, theo tôi thì Maspero đã lầm khi nói về Bàn Cổ 盤古. Ở đây là huyền thoại nói về sự sáng tạo vũ trụ mang tính đồng hình với con người chứ không phải là quan niệm về đại và tiểu vũ trụ.

[LAM chú] Maspero viết: «Nhiệm Phưởng 任昉, thế kỷ VI cn, đã viết chính xác huyền thoại Bàn Cổ trong quyển Thuật Dị Ký 述異記 rằng: ‘Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và mặt trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc. Thời Tần và Hán, dân gian kể rằng đầu của Bàn Cổ là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải là Bắc Nhạc, và hai chân là Tây Nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng.’» (Ren Fang, au VIe siècle, rapporte exactement de même la légende de Pan Gu dans ses Récits Merveilleux: Autrefois, quan Pan Gu mourut, sa tête devint les Quatre Pics; ses yeux devinrent le soleil et la lune; sa graisse devint les fleuves et les mers; ses cheveux et sa barbe devinrent les herbes et les arbres. A l’époque des Qin et des Han, on racontait vulgairement que la tête de Pan Gu était le Pic de l’Est, son ventre le Pic du Centre, son bras gauche le Pic du Sud, son bras droit le Pic du Nord, ses pieds le Pic de l’Ouest. Les anciens Lettrés racontent que les larmes de Pan Gu sont les fleuves, que son souffle est le vent, sa voix le tonnerre, la pupille de ses yeux l’éclair.) Rồi Maspero có một kết luận (mà Rolf Homann bác bỏ): «Huyền thoại này không nhất thiết có nguồn gốc Đạo giáo, bởi vì chính quan niệm nhân thể là tiểu vũ trụ không phải riêng của Đạo giáo: Nó là tín ngưỡng phổ biến mà tại chính Trung Quốc tín ngưỡng này được bắt gặp hầu như ở mọi giới thế tục cũng như tôn giáo mọi thời. Nhưng các Đạo sĩ đã đẩy mạnh sự đồng hóa của con người đối với thế giới xa hơn những người đương thời của họ đã làm.» (La légende n’est pas nécessairement d’origine taoïste, car la conception même du corps-microcosme n’a rien de spécifiquement taoïste: c’est une croyance universellement répandue et qui, en Chine même, se rencontre à peu près dans tous les milieux laïques et religieux, à toutes les époques. Mais les Taoïstes ont poussé cette assimilation du corps au monde plus loin que ne le faisaient leurs contemporains.)

[11] Hoài Nam Tử, Tứ Bộ Bị Yếu, 424, chương 3, tr. 16a/b.

Thuật ngữ thập nhị tiết 十二節 (12 quan tiết) bao gồm: 2 cánh tay trong, 2 cánh tay ngoài, 2 bàn tay, 2 đùi, 2 ống chân, 2 bàn chân. Trung Y Danh Từ từ điển 中醫名詞辭典, Hongkong, 1964, tr. 4, giải: «Tứ chi các hữu tam đại tiết, hợp danh thập nhị tiết.» 四肢各有三大節合名十二節 (Mỗi chi của tứ chi đều có ba quan tiết lớn, gọi chung là 12 tiết). Lại có 360 (hoặc 366) tiết, Homann tôi vẫn chưa rõ, có lẽ là số lượng các đốt xương, khớp xương (Gelenke, Knochen).

[LAM chú] Tôi dịch theo Hoài Nam Hồng Liệt giải 淮南鴻烈解 in trong Đạo Tạng Yếu Tịch tuyển san (khan) )道臧要藉選刊, Thượng Hải Cổ Tịch xbx, 1995, quyển 5, tr. 27: «Khổng khiếu chi thể giai thông ư thiên. Thiên địa cửu trùng, nhân diệc hữu cửu khiếu. Thiên hữu tứ thời dĩ chế thập nhị nguyệt, nhân diệc hữu tứ chi dĩ sử thập nhị tiết. Thiên hữu thập nhị nguyệt dĩ chế tam bách lục thập nhật, nhân diệc hữu thập nhị chi dĩ sử tam bách lục thập tiết. Cố cử sự bất thuận thiên giả nghịch kỳ sinh giả dã.» 孔竅肢體皆通於天.天地九重人亦有九竅.天有四時以制十二月,人亦有四肢以使十二節.天有十二月以制三百六十日,人亦有十二肢以使三百六十節.故舉事而不順天者逆其生者也. Nguyên tác viết cửu trùng (tức cửu thiên hay cửu dã hay cửu giải) là 9 vùng gồm trung ương và 8 hướng. Homann dịch là «9 tầng trời» (neun Stockwerke) là không đúng vì mâu thuẫn với đoạn ông trích dẫn kế tiếp từ chương Tinh thần huấn. Xem chú thích 12 và 13 dưới đây.

[12] Hoài Nam Tử, Tứ Bộ Bị Yếu, 424, chương 7, tr. 2a.

[LAM chú] Tôi dịch theo Hoài Nam Hồng Liệt giải 淮南鴻烈解 in trong Đạo Tạng Yếu Tịch tuyển san (khan) 道臧要藉選刊, Thượng Hải Cổ Tịch xbx, 1995, quyển 5, tr. 50 và theo bản Hoài Nam Tử của Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1933, tr. 46: «Cố đầu chi viên dã tượng thiên, túc chi phương dã tượng địa. Thiên hữu tứ thời, ngũ hành, cửu giải, tam bách lục thập nhật, nhân diệc hữu tứ chi, ngũ tạng, cửu khiếu, tam bách thập tiết. Thiên hữu phong, vũ, hàn thử, nhân diệc hữu thủ dữ hỉ nộ. Cố đảm vi vân, phế vi khí, can vi phong, thận vi vũ, tỳ vi lôi, dĩ dữ thiên địa tương tham.» 故頭之圓也象天,足之方也象地.天有四時,五行,九解,三百六十日,人亦有四肢,五臟,九竅,三百十節.天有風雨寒暑人亦有取與喜怒.故膽為雲,廢為氣,肝為風,腎為雨,脾為雷,以與天地相參. Sách này chú rằng có bản chép 366 ngày và 366 lóng xương. Cửu giải = cửu thiên = 8 hướng và trung ương (bát phương trung ương vị chi cửu giải 八方中央謂之九解), Homann dịch là «9 phương hướng» (neun Richtungen). Xem tiếp chú thích 13.

[13] [LAM chú] Theo Thiên văn học Trung Quốc, bầu trời được phân thành 9 vùng gọi là cửu dã 九野 ứng với mặt đất là Cửu Châu 九州 (tức Trung Quốc cổ đại, Thượng Thư - Vũ Cống liệt kê 9 châu là: Ký , Duyện , Thanh , Từ , Dương , Kinh , Dự , Lương , Ung ). Cửu châu theo Đạo giáo là 9 cơ quan trong thân thể con người. Tu chân Thái Cực hỗn nguyên đồ 修真太極混元圖 nói: Nhân thân chi trung vạn tượng tồn yên, dĩ cửu châu ngôn chi. Thận vi Ký châu, bàng quang vi Từ châu, can vi Thanh châu, đảm vi Duyện châu, tâm vi Dương châu, tiểu trường vi Kinh châu, tỳ vi Dự châu, phế vi Lương châu, đại trường vi Ung châu. 人身之中萬象存焉,以九州言之.腎為冀州,膀胱為徐州,肝為青州,膽為兗州,心為揚州,小腸為荊州,脾為豫州,肺為梁州,大腸為雍州 (Vạn tượng đều tồn tại trong thân thể con người, lấy cửu châu để nói điều này. Thận: Ký châu, bọng đái: Từ châu, gan: Thanh châu, mật: Duyện châu, tim: Dương châu, ruột non: Kinh châu, lá lách: Dự châu, ruột già: Ung châu.)

Hoài Nam Tử gọi cửu dã 九野 cửu giải 九解 hay cửu thiên 九天: gồm trung ương và 8 hướng. Trung ương là Quân thiên 鈞天; hướng đông là Thương thiên 蒼天; hướng đông bắc là Biến thiên 變天; hướng bắc là Huyền thiên 玄天; tây bắc là U thiên 幽天; hướng tây là Hạo thiên 顥天; hướng tây nam là Chu thiên 朱天; hướng nam là Viêm thiên 炎天; hướng đông nam là Dương thiên 陽天. Đó là 9 vùng trời theo sự phân loại trong Lã Thị Xuân Thu 呂氏春秋 (thiên Hữu thủy lãm 有始覽). Hoài Nam Tử gọi tên khác một chút ở 2 hướng: hướng đông bắc gọi là Mân thiên 旻天, hướng tây gọi là Hạo thiên 皓天. Còn 7 hướng kia thì cũng gọi y như vậy. Cửu dã trên trời ứng với cửu khiếu 九竅 nơi người. Đó là 9 lỗ, gồm 7 dương khiếu 陽竅 (2 mắt, 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, miệng) và 2 âm khiếu 陰竅 (lỗ tiểu tiện, lỗ đại tiện).

[14] Bernhard Karlgren, Grammata Serica Resensa, Stockholm, 1957, tr. 62.

[LAM chú] Bản tiếng Anh của Bernhard Karlgren (phiên âm là Cao Bản Hán 高本漢) được dịch ra Hán văn là Hán Văn Điển 漢文典, Thượng Hải Từ Thư xbx, tu đính bản, Thượng Hải, 1992. Nơi trang 81, các dịch giả (Phan Ngộ Vân 潘悟雲, Dương Kiếm Kiều 楊劍橋, Trần Trọng Nghiệp 陳重業, Trương Hồng Minh 張洪明) đã dịch Quan /kwan; kuan; guān/ là: (1) phủ quan và nơi quan làm việc 官府, 辦事處; (2) công chức 公職; (3) nhân viên hành chánh 行政人員, quan viên 官員; (4) chức vụ 職務, nhậm chức 任職. Tôi đã kiểm lại lời dịch trên trong ấn bản Stockholm, 1964, tr. 62: kwán/ kuán/ kuan: official’s residence, office (Li); office, public charge (Tso); official, office (Lunyü); function, to function (Li). Đó là các ý nghĩa mà Karlgren tìm thấy trong Lễ Ký (Li), Tả Truyện (Tso), và Luận Ngữ (Lunyü).

Hứa Thận 許慎, Thuyết Văn Giải Tự 說文解字, Trung Hoa Thư Cục, Bắc Kinh, 1996, tr. 304, giải: Sử sự quân dã, tòng miên tòng đôi do chúng dã, thử dữ sư đồng ý. 史事君也從宀從猶眾也此與師同意 (quan lại phục vụ vua; do chữ miên [mái nhà] ghép với đôi [nghĩa như đông người], cùng ý nghĩa với sư [giả tá của sự = phục vụ]).

 Như vậy chữ quan có kết cấu hội ý = miên + đôi. Chữ đôi  /dui/ ngày nay thường viết là , nghĩa là ‘gò đống’, ngụ ý ‘đông đúc’. Ngay từ ban đầu, chữ quan ngụ ý [người] thay vua giải quyết công việc hành chánh cho nhiều người ở một nơi có mái che. Về sau, một nét trên đầu chữ đôi bị mất đi và chữ quan hiện nay là . Dưới bộ miên là hình hai cái miệng liền nhau. Người dân đen vốn thấp cổ bé miệng, thường than thở rằng dân không chống cự nổi hay tranh cãi với quan được vì quan có đến hai cái miệng liền nhau.

[15] Xem Chavannes, Les Mémoires sur les Historiques de Se-ma Ts’ien (Sử Ký Tư Mã Thiên), Paris, 1967, (5 quyển), quyển 3, tr. 339, chú thích 1: «Les gouverneurs du ciel sont le soleil, la lune, les planètes... Le soleil, la lune et les cinq planètes fournissent les principales indications astrologiques pour la conduite des hommes.» (Thiên quan là mặt trời, mặt trăng, các hành tinh, ... Mặt trời, mặt trăng, và 5 hành tinh cung cấp những hiện tượng thiên văn chính yếu cho phẩm hạnh của con người.)

[16] Sử Ký hội chú khảo chứng 史記會注考證, Tōkyō, 1932, (10 tập), tập 4, quyển 27, tr. 1.

[LAM chú] Tôi dịch theo bản Sử Ký, Quảng Trí thư cục, Hương Cảng, năm ?, (6 tập), tập 3, quyển 27, tr. 98: «Thiên văn hữu ngũ quan. Quan giả tinh quan dã. Tinh tòa hữu tôn ti. Nhược nhân chi quan tào liệt vị. Cố viết thiên quan.» 天文有五官.官者星官也.星座有尊卑.若人之官曹列位.故曰天官.

[17] Tuân Tử, Tứ Bộ Bị Yếu, chương 11 (Thiên luận), tr. 10. Trang này có lời bình nơi chữ thiên tình: «Nghĩa là thân thể con người cũng có thiên chức, và công việc của trời được hoàn thành nơi nhân thể. Hình thể con người có trăm khúc xương và 9 lỗ (cửu khiếu). Thần là hồn tinh tế nhất. Thiên tình là những gì mà trời phú bẩm cho người.» Lại có lời bình nơi chữ thiên quan: «Tai phân biệt âm thanh, mắt phân biệt màu sắc, mũi phân biệt mùi, miệng phân biệt vị, và thân hình con người phân biệt nóng lạnh, bệnh tật. Các khả năng phân biệt này kết hợp tất cả nơi sự vật, và người ta không thể chuyển đổi các quan năng đó với nhau. Quan ở đây chỉ có nghĩa là bổn phận, tức là những bổn phận mà trời bảo ta làm.»

[18] Quản Tử, sđd., chương 13, tr. 2b: Chương Tâm thuật 心術 (thượng ): «Tâm chi tại thể, quân chi vị dã. Cửu khiếu chi hữu chức, quan chi phân dã. Nhĩ mục giả thị thính chi quan dã.» 心之在體,君之位也.九竅之有職,官之分也.耳目者,視聽之官也.

[19] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 1, tập 9, tr. 75.

[20] Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn, chương 3, tr. 1a/b.

[LAM chú] Homann dùng các bản dịch: Ilza Veith, Huangti Neiching Suwen, Berkeley, 1966, tr. 133; Chamfrault, Traité de Médicine Chinoise (Trung Y luận), (5 tập, từ 1954 đến 1963), Angoulême, tập 2 (1957), tr. 46-47; Hsieh, A Review of Ancient Chinese Anatomy, in trong: The Anatomical Record, Vol 20, No 2, Philadelphia, 1921, tr. 105-107. Tôi dùng bản chữ Hán và chú giải của Vương Băng 王冰 (đời Đường), in trong: Phương Xuân Dương 方春陽 chủ biên, Trung Quốc Khí Công Đại Thành 中國氣功大成, Cát Lâm Khoa Học Kỹ Thuật xbx, 1999, tr. 127. Đoạn trích trên đây từ chương Linh Lan Bí Điển Luận 靈蘭秘典論 «Tâm giả, quân chủ chi quan dã, thần minh xuất yên; phế giả, tướng phó chi quan, trị tiết xuất yên; can giả, tướng quân chi quan, mưu lự xuất yên; đảm giả, trung chính chi quan, quyết đoán xuất yên; đán trung giả, thần sứ chi quan, hỉ lạc xuất yên; tỳ vị giả, thương lẫm chi quan, ngũ vị xuất yên; đại trường giả, truyền đạo chi quan, biến hóa xuất yên; tiểu trường giả, thụ thịnh chi quan, hóa vật xuất yên; thận giả, tác cường chi quan, kỹ xảo xuất yên; tam tiêu giả, quyết độc chi quan, thủy đạo xuất yên; bàng quang giả, châu đô chi quan, tân dịch tàng yên, khí hóa tắc năng xuất hĩ.» 心者,君主之官也,神明出焉;肺者,相傅之官,治節出焉;肝者,將軍之官,謀慮出焉;膽者,中正之官,決斷出焉;膻中者,臣使之官,喜樂出焉;脾胃者,倉廩之官,五味出焉;大腸者,傳道之官,變化出焉;小腸者,受盛之官,化物出焉;腎者,作強之官,伎巧出焉;三焦者,決瀆之官,水道出焉;膀胱者,州都之官,津液藏焉,氣化則能出矣. Vương Băng chú: Trị nhậm mọi vật nên gọi là quân chủ chi quan; thanh tĩnh nên gọi là thần minh xuất; ngôi vị cao nhưng không phải là vua nên gọi là tướng phó; chủ về vinh vệ nên gọi là trị tiết xuất; dũng mãnh mà có óc phán đoán nên gọi là tướng quân; tiềm tàng chưa phát nên gọi là mưu lự xuất; ngay thẳng không hoài nghi nên gọi là quyết đoán xuất; đán trung là chỗ trong lồng ngực ở giữa hai vú, tức là khí hải, là chủ quản của tâm, ban lệnh và huấn giáo, đán trung chủ về khí để phân bố âm dương, hễ khí và chí thích hợp thì vui vẻ sung sướng phát sinh; truyền đạo là đường truyền đi chất uế tạp, biến hóa chúng [thành phân]; tác cường là tác dụng mạnh mẽ, kỹ xảo là hình dung sự biến hóa, ở nam thì tác cường, ở nữ thì kỹ xảo; quyết độc là khai thông ngòi nước cho khỏi bế tắc, để dẫn lối âm dương, tạo ra đường nước chảy. (Tân dịch = nước miếng; ở đây tôi dịch thoát như Homann: die Flüssigkeiten= chất lỏng, nước [nói chung])

[21] Sử Ký hội chú khảo chứng 史記會注考證, Tōkyō, 1932, (10 tập), tập 4, quyển 27, tr. 3/4; Chavannes, sđd., quyển 3, tr. 339, dịch: «Dans le Palais central, l’étoile T’ien-ki (Faîte du ciel) est la plus brillante; elle est la résidence de T’ai-i (l’Unité suprême).»

[LAM chú] Bản in của Quảng Trí thư cục: «Trung cung Thiên Cực tinh, kỳ nhất minh giả, Thái Nhất thường cư dã.» 中宮天極星,其一明者,太一常居也.

[22] Quản Tử, ch. 16, tr. 3a/b. Chương Nội nghiệp 內業: «Hữu thần tự tại thân, nhất vãng nhất lai, mạc chi năng tư, thất chi tác loạn.» 有神自在身,一往一來,莫之能思,失之作亂.

[23] Đạo Đức chân kinh chú 道德真經注, Đạo Tạng 363/W676. ch. 6, tr. 5a.

[LAM chú] Tôi dịch theo bản Lão Tử Hà Thượng Công chương cú 子河上公章句, in trong Trung Quốc Khí công tứ đại kinh điển 中國氣功四大經典, Giang Tô cổ tịch xbx, 1999, tr. 15; và bản in trong: Phương Xuân Dương chủ biên, sđd., tr. 51. Hà Thượng Công chú câu «Cốc thần bất tử» 谷神不死 nơi chương 6 của Đạo Đức Kinh. Cốc là nuôi dưỡng; cốc thần là nuôi dưỡng thần; ta nuôi thần thì ta sẽ bất tử. Nguyên văn: «Cốc, dưỡng dã. Nhân năng dưỡng thần, tắc bất tử dã. Thần, vị ngũ tạng chi thần dã. Can tạng hồn, phế tạng phách, tâm tạng thần, thận tạng tinh, tỳ tạng chí, ngũ tạng tận thương, tắc ngũ thần khứ hĩ.» 谷養也.人能養神則不死也.神謂五臟之神也.肝臟魂,肺臟魄,心臟神,腎臟精,脾臟志,五臟盡傷,則五神去矣.

[24] Hoàng Đế Nội kinh tố vấn, ch. 3, tr. 7b, 8b.

[LAM chú] Homann chỉ nói thế, nhưng không trích dẫn câu văn. Có lẽ Homann muốn đề cập đoạn sau đây trong chương Lục tiết tạng tượng luận 六節臟象論: «Tâm giả, sinh chi bản, thần chi xứ dã, kỳ hoa tại diện, kỳ sung tại huyết mạch, vi dương trung chi thái dương, thông ư hạ khí. Phế giả, khí chi bản, phách chi xứ dã, kỳ hoa tại mao, kỳ sung tại bì, vi dương trung thái âm, thông ư thu khí. Thận giả, chủ trập, phong tàng chi bản, tinh chi xứ dã, kỳ hoa tại phát, kỳ sung tại cốt, vi âm trung chi thiếu âm, thông ư đông khí. Can giả, bãi cực chi bản, hồn chi cư dã, kỳ hoa tại trảo, kỳ sung tại cân, dĩ sinh huyết khí, kỳ vị toan, kỳ sắc thương, thử vi dương trung chi thiếu dương, thông ư xuân khí. Tỳ, vị, đại trường, tiểu trường, tam tiêu, bàng quang giả, thương lẫm chi bản, doanh chi cư dã, danh viết khí, năng hóa tao phách, chuyển vị nhi nhập xuất giả dã, kỳ hoa tại thần tứ bạch, kỳ sung tai cơ, kỳ vị cam, kỳ sắc hoàng, thử chí âm chi loại, thông ư thổ khí.» 心者,生之本,神之處也,其華在面,其充在血脈,為陽中之太陽,通於夏氣.肺者,氣之本魄之處也,其華在毛,其充在皮,為陽中太陰,通於秋氣.腎者,主蟄,封藏之本,精之處也,其華在髮,其充在骨,為陰中之少陰,通於冬氣.肝者,罷極之本,魂之居也,其華在爪,其充在筋以生血氣,其味酸,其色蒼,此為陽中之少陽,通於春氣.脾胃大腸小腸三焦膀胱者,倉廩之本,營之居也,名曰器,能化糟粕,轉味而入出者也,其華在唇四白,其充在肌,其味甘,其色黃,此至陰之類,通於土氣. (Tâm là gốc của sự sống, là chỗ thần cư ngụ, sáng rỡ tại mặt, bổ sung huyết mạch, là thái dương trong dương, thông với khí mùa hè. Phổi là gốc của khí, là chỗ phách cư ngụ, sáng rỡ tại lông, bổ sung da, là thái âm trong dương, thông với khí mùa thu. Thận chủ về nội tàng để sinh hóa, là gốc của sự cất giữ [tinh], là chỗ tinh cư ngụ, sáng rỡ tại tóc, bổ sung xương, là thiếu âm trong âm, thông với khí mùa đông, Gan là gốc của trừ bỏ sự mệt nhọc, là nơi hồn cư ngụ, sáng rỡ tại móng tay móng chân, bổ sung gân, để sinh huyết khí, có vị chua, có màu đen sẫm, là thiếu dương trong dương, thông với khí mùa xuân. Lá lách, bao tử, ruột già, ruột non, tam tiêu, bọng đái đều là gốc của sự thu nạp và tiêu hóa, là nơi doanh khí cư ngụ, tên là vật chứa đựng, có chức năng biến hóa cặn bã, chuyển hóa thực phẩm đã hấp thu và bài tiết chúng, sáng rỡ tại thịt màu trắng quanh môi, bổ sung cơ bắp, vị ngọt (!?), màu vàng, thuộc loại chí âm, thông với khí của đất.) (Tôi dịch theo bản Phó Trinh Lượng 傅貞亮 chủ biên, Nội kinh giảng nghĩa 內經講義, Hồ Nam Khoa học Kỹ thuật xbx, 1995, tr. 42-43)

[25] Thái Bình Kinh hợp hiệu 太平經合校, sđd., tr. 292.

[LAM chú] Đoạn này trích từ chương Trai giới tư thần cứu tử quyết 齋戒思神救死訣; tôi dùng bản của Ninh Chí Tân chủ biên, Đạo giáo thập tam kinh, sđd., tr. 907. Nguyên văn: «Thử tứ thời ngũ hành tinh thần nhập vi nhân ngũ tạng thần, xuất vi tứ thời ngũ hành thần tinh.» 此四時五行精神入為人五臟神出為四時五行神精.  Homann chú thích «tinh thần»«thần tinh» nghĩa như nhau vì ông dựa vào chú giải của: Ōbuchi Numani (Đại Uyên Nhẫn Nhĩ 大淵忍爾), Taheikyō no chosō ni tsuite 太平經の思想について (Bàn về tư tưởng của Thái Bình Kinh), in trong tạp chí Tōyō Gakuhō 28/4, Tōkyō, 1941, tr. 161.

[26] Thái Bình Kinh hợp hiệu, sđd., tr. 292.

[LAM chú] Nguyên văn theo bản của Ninh Chí Tân: «Tứ thời ngũ hành chi khí lai nhập nhân phúc trung vi nhân tạng tinh thần, kỳ sắc dữ thiên địa tứ thời sắc tương ứng dã.» 四時五行之氣來入人之腹中為人臟精神,其色與天地四時色相應也.

[27] Thái Bình Kinh hợp hiệu, sđd., tr. 293.

[LAM chú] Nguyên văn theo bản của Ninh Chí Tân: «Đông phương chi kỵ thần trì mâu. Nam phương chi kỵ thần trì kích. Tây phương chi kỵ thần trì cung nỏ phủ. Bắc phương chi kỵ thần trì tương thuẫn. Trung ương chi kỵ thần trì kiếm cổ. Tư chi đương tiên đổ thị nội thần dĩ, đương đổ thị ngoại thần dã, hoặc tiên kiến dương thần nhi hậu kiến nội thần.» 東方之騎神持矛.南方之騎神持戟.西方之騎神持弓弩斧.北方之騎神持鑲楯.中央之騎神持劍鼓.思之當先睹是內神已,當睹是外神也,或先見陽神而後見內神. Kỵ thần là thần cỡi ngựa, vì phía trên đoạn văn này nói: «Chư thần đều đội mũ đội khăn, cỡi ngựa, và ngựa cũng có màu tùy theo ngũ hành.» (Giai đái quan trách thừa mã, mã diệc tùy kỳ ngũ hành sắc cụ 皆戴冠幘乘馬,馬亦隨其五行色具). Homann chú: «Theo Tham Đồng Khế 參同契, tập 3, tr. 34, Dương thần là hồn, âm thần là phách.» 陽神曰魂陰神曰魄 (Dương thần viết hồn, âm thần viết phách). Tuy nhiên lời chú của Trung Hoa Đạo Học Thông Điển 中華道學通典 hợp lý hơn lời chú của Homann: «Nội thần là thần của ngũ tạng; dương thần là ngoại thần (thần ngoài thân thể) vì ngoài là dương, trong là âm.» (Nội thần chỉ ngũ tạng thần tượng. Dương thần tức ngoại thần, ngoại vi dương, nội vi âm. 內神指五臟神象;陽神即外神,外為陽,內為陰) (Ngô Phong 吳楓 chủ biên, sđd., 1994, tr. 409). Đoạn trích này thuộc chương 109 (Trai giới tư thần cứu tử quyết), nói về ngũ thần là kỵ thần (thần cưỡi ngựa) do ngũ hành hóa thân, mỗi vị đều cầm binh khí. Nơi chương 111 (Ngũ thần sở trì quyết 五行所持訣) ở sau đã giải thích về binh khí của ngũ thần này như một loại tín phù 信符.

[28] Maspero, sđd., 1950, tr. 116.

[29] Gauchet, Un Livre Taoique, Le «Cheng-chen King» (Sinh thần kinh), sur la Génération des Esprits dans l’Homme, in trong: Bulletin des l’Université l’Aurore, No 37, Thượng Hải, 1949, tr. 71.

[30] Maspero, sđd., tr. 117, 118. Homann chú: «Gauchet dường như đã lầm khi liệt kê 24 thần này vào loại thần liên quan đến các bộ phận của thân thể con người.» («Mir scheint, daß hier Gauchet ein Irrtum unterlaufen ist, denn er rechnet diese 24 Gottheiten den physiologischen Gottheiten zu.») (Gauchet, sđd., tr.71)

[LAM chú] Chính Homann mới lầm lẫn vì ông theo kiến giải sai lầm của Maspero. Xem thêm chú thích 32 và 33 dưới đây.

[31] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 7, tập 2, tr. 278.

[LAM chú] Tôi dịch theo bản chữ Hán Lão Tử Trung Kinh, tức là quyển 18 của Vân Cấp Thất Thiêm (in trong Đạo Tạng Yếu Tịch tuyển san (khan) 道臧要藉選刊, Thượng Hải Cổ Tịch xbx, 1995, quyển 1, tr. 140): “Phế thần bát nhân Đại (Thái) Hòa Quân dã, danh viết Ngọc Chân Cung Thượng Thư phủ dã. Kỳ tòng quan tam thiên lục bách nhân, thừa bạch vân khí chi xa, tham giá bạch hổ hoặc thừa bạch long. Tâm thần cửu nhân Thái Úy Công dã. Danh viết Giáng Cung Thái Thủy Nam Cực Lão Nhân Nguyên Quang dã. Kỳ tòng quan tam thiên lục bách nhân, thừa xích vân khí chi xa, chu tước vi cái, đan xà vi bính, tham giá chu tước hoặc thừa xích long. Can thần thất nhân Lão Tử Quân dã. danh viết Minh Đường Cung Lan Đài phủ dã. Kỳ tòng quan tam thiên lục bách nhân, thừa thanh vân khí chi xa, tham giá thanh long hoặc thừa bạch lộc. Đảm thần ngũ nhân Thái Nhất Đạo Quân dã. Cư Tử Phòng Cung, thừa ngũ thái huyền hoàng tử cái châu ngọc vân khí chi xa, tham giá lục phi long, tòng quan tam thiên lục bách nhân.» 肺神八人大和君也.名曰玉真宮尚書府也.其從官三千六百人,乘白雲氣之車,驂駕白虎或乘白龍.心神九人太尉公也.名曰絳宮太始南極老人元光也.其從官三千六百人,乘赤雲氣之車,朱雀為蓋,丹蛇為柄,驂駕朱雀或乘赤龍.肝神七人老子君也.名曰明堂宮蘭臺府也.其從官三千六百人,乘青雲氣之車,驂駕青龍或乘白鹿.膽神五人太一道君也.居子房宮,乘五彩玄黃紫蓋,珠玉雲氣之車,驂駕六飛龍.其從官三千六百人.

Homann bỏ một đoạn về tỳ thần, tôi dịch bổ sung: «Tỳ thần ngũ nhân Huyền Quang Ngọc Nữ Tử Đan Vô dã. Thừa hoàng kim châu ngọc vân khí chi xa, tham giá phượng hoàng hoặc thừa hoàng long. Tòng quan tam thiên lục bách nhân. Chân nhân Tử Đan tại thượng ngọa, vị quản trung hoàng vân khí vi trướng, châu ngọc vi sàng, thực hoàng kim ngọc nhị, ẩm lễ tuyền ngọc dịch.» 脾神五人玄光玉女,子丹毋也.乘黃金珠玉雲氣之車,驂駕鳳凰或乘黃龍.從官三千六百人,真人子丹在上臥,胃管中黃雲氣為帳,珠玉為床,食黃金玉餌,飲醴泉玉液 (5 vị thần tỳ tên Huyền Quang Ngọc Nữ, Tử Đan Vô; cỡi chiếc xe bằng khí mây màu của vàng và ngọc, do phượng hoàng kéo hoặc họ cỡi rồng vàng. Các quan tùy tùng có 3600 người. Tiên Tử Đan nằm ở trên, có khí mây màu vàng nơi cuống bao tử làm màn, ngọc báu làm giường, ăn bánh bằng vàng bằng ngọc, uống nước suối ngọt.)

[32] Maspero, Taoïsme, 1950, tr.117-118.

[LAM chú] Lịch pháp Trung Quốc cổ đại căn cứ vào vị trí mặt trời trên vòng Hoàng Đạo 黃道 mà chia một năm thành nhị thập tứ tiết khí 二十四節氣 (24 tiết khí) hay nhị thập tứ khí 二十四氣 (24 khí). Một tháng âm lịch chia làm 2 phần: nửa đầu gọi là tiết khí 節氣, nửa sau gọi là trung khí 中氣. Tháng nhuần thì không có trung khí. Sau đây là 24 tiết khí: (1) Lập xuân 立春 (đầu xuân, 5/2 dương lịch, vị trí trên đưòng Hoàng đạo là Aquarius), (2) Vũ thủy 雨水 (ẩm ướt, 19/2, Pisces), (3) Kinh trập 惊蟄 (sâu nở, 5/3, Pisces), (4) Xuân phân 春分 (giữa xuân, 20/3, Aries), (5) Thanh minh 清明 (trong sáng, 5/4, Aries), (6) Cốc vũ 谷雨 (mưa rào như hạt thóc, 20/4, Taurus), (7) Lập hạ 立夏 (sang hè, 5/5, Taurus), (8) Tiểu mãn 小滿 (đầy ít, 21/5, Gemini), (9) Mang chủng 芒種 (tua rua, 6/6, Gemini), (10) Hạ chí 夏至 (giữa hè, 21/6, Cancer), (11) Tiểu thử 小暑 (nắng nhạt, 7/7, Cancer), (12) Đại thử 大暑 (nắng nhiều, 23/7, Leo), (13) Lập thu 立秋 (vào thu, 7/8, Leo), (14) Xử thử 處署 (nắng ít, 23/8, Virgo), (15) Bạch lộ 白露 (sương trắng, 8/9, Virgo), (16) Thu phân 秋分 (giữa thu, 23/9, Libra), (17) Hàn lộ 寒露 (sương lạnh, 8/10, Libra), (18) Sương giáng 霜降 (sương sa, 23/10, Scorpio), (19) Lập đông 立冬 (sang đông, 7/11, Scorpio), (20) Tiểu tuyết 小雪 (tuyết ít, 22/11, Sagittarius), (21) Đại tuyết 大雪 (tuyết nhiều, 7/12, Sagittarius), (22) Đông chí 冬至 (giữa đông, 21/12, Capricorn), (23) Tiểu hàn 小寒 (chớm lạnh, 6/1, Capricorn), (24) Đại hàn 大寒 (giá rét, 21/1, Aquarius).

Trương Chí Triết, Đạo Giáo Văn Hóa Từ Điển, Giang Tô cổ tịch xbx, 1994, tr. 795, giảng rằng 24 thần này không có liên quan đến 24 khí tiết như quan điểm của Maspero. Theo Trương Chí Triết, 24 thần (nhị thập tứ thần 二十四神) hay 24 chân (nhị thập tứ chân 二十四真) là chư thần trong thân thể con người. Thân thể con người chia làm 3 bộ, mỗi bộ có 8 vị thần (gọi là bát cảnh thần 八景神); tổng cộng là 24 thần. Con số 8 là ứng với tam nguyên 三元 và ngũ hành 五行. Homann cũng trích dẫn bát cảnh thần trong đoạn văn kế tiếp. Theo đó, ông theo kiến giải của Maspero, nghĩa là 24 thần ứng với 24 tiết khí chứ không phải là tổng số bát cảnh thần ở ba bộ. Nhưng Maspero đã lầm vì chính bát cảnh thần thuộc về nhóm thần mà Gauchet đặt tên là ordre physiologique.

[33] [LAM chú] Homann tham khảo Werner nhưng chép sơ sài, lược bỏ tên và tự của từng vị thần. Tôi kiểm tra lại mục này trong: Werner, A Dictionary of Chinese Mythology, New York, 1961, và trong Trương Chí Triết (sđd.) để bổ sung thêm chi tiết phần viết của Homann. Lời giải của Werner và Trương Chí Triết giống như lời giải trong Nhị thập tứ sinh đồ kinh 二十四生圖經 Nhị thập tứ thần hành sự quyết 二十四神行事訣.

Về Bát cảnh thần và 24 chân (thần) thì Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh cũng đã nói nơi chương 23 (Trị sinh 治生): «Trị sinh chi đạo liễu bất phiền, đản tu động huyền dữ ngọc thiên; kiêm hành hình trung bát cảnh thần; nhị thập tứ chân xuất tự nhiên.» 治生之道了不煩,但修洞玄與玉天,兼行形中八景神,二十四真出自然 (Pháp trị sinh [tức cách đối trị sự sống] rất giản dị, chỉ cần chuyên tâm tu luyện theo kinh Động Huyền [của Lão Quân] và kinh Ngọc Thiên [tức Huỳnh Đình Kinh]; đồng thời [nội quán] các bát cảnh thần trong thân thể thì 24 thần này sẽ xuất hiện tự nhiên [cho ta thấy]). Chính chương này cũng chứng minh kiến giải của Maspero là sai.

[34] Gauchet, sđd., 1949, tr. 70.

[35] Đạo Tạng 186/W393: Động huyền Linh bảo tự nhiên Cửu thiên sinh thần chương kinh giải nghĩa 洞玄靈寶自然九天生神章經解義, ch. 1, tr. 8b.

[LAM chú] Vì chưa tìm được bản kinh chữ Hán này, tôi dịch theo lời dịch tiếng Đức của Homann. Thật ra còn có các giải thích khác nhau về cửu khí:

Trong Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh, chương 1 (Thượng thanh 上清), đã đề cập cửu khí: «Cầm tâm tam điệp, vũ thai tiên, cửu khí ánh minh, xuất tiêu gian; Thần cái, đồng tử, sinh tử yên, thị viết ngọc thư, khả tinh nghiên.» 琴心三疊儛胎仙,九氣映明出霄間,神蓋童子生紫煙,是曰玉書可精研 (Hòa khí thông thần, tích tinh lũy khí, dưỡng chí tồn thần, luyện thành đại dược, cổ vũ chân nguyên để kết thai tiên. Chân khí của cửu cung sáng chiếu đến chỗ tối cao thì thần mi và mắt tự nhiên phát; đây là yếu chỉ của Huỳnh Đình ngọc thư, kẻ có thực tâm tu luyện hãy nghiên cứu kỹ.) Nơi đây, mỗi đan điền có 3 nguyên khí, vị chi là 9. Vụ Thành Tử chú rằng: Khí của cửu thiên nhập vào mũi con người, chu lưu trong 9 cung của não, sáng chiếu lên trên nên gọi là ‘xuất tiêu gian’. Cửu thiên sinh thần kinh nói: Nuôi dưỡng Tam nguyên, cửu khí kết hình. (Cửu thiên chi khí, nhập vu nhân tỵ, chu lưu não cung, ánh minh thượng đạt, cố viết xuất tiêu gian. Cửu thiên sinh thần kinh viết: Tam nguyên dục dưỡng, cửu khí kết hình. 胎仙,九氣映明出霄間,神蓋童子生紫煙,是曰玉書可精研). (Phương Xuân Dương, sđd., tr. 408).

Trương Chí Triết, sđd., tr. 745, giải: «Cửu khí là do Thủy khí 始氣, Nguyên khí 元氣, và Huyền khí 玄氣 sinh ra. Thủy khí sinh Hỗn khí 混氣 màu xanh thẫm, Hỗn khí sinh Động khí 洞氣 màu đỏ, Động khí sinh Hạo khí 皓氣 màu xanh. Nguyên khí sinh Mân khí 旻氣 màu lục, Mân khí sinh Cảnh khí 景氣 màu vàng, Cảnh khí sinh Độn khí 遁氣 màu trắng. Huyền khí sinh Dung khí 融氣 màu đỏ tía, Dung khí sinh Viêm khí 炎氣 màu xanh bích, Viêm khí sinh Diễn khí 演氣 màu đen.» Trương Chí Triết giải theo Thái Thanh Ngọc Sách 太清玉冊, một đạo kinh đời Minh do Chu Quyền 朱權 soạn.

[36] Đạo Tạng 736/W1053, Thượng Dương Tử Kim đan đại yếu, chương 4, tr. 4b.

[LAM chú] Vì chưa tìm được bản kinh chữ Hán này, tôi dịch theo lời dịch tiếng Đức của Homann.

[37] [LAM chú] Nhận xét của Homann không đúng. Trước tiên, Huỳnh Đình Kinh không phải là đạo kinh cổ xưa nhất nói đến chư thần trong thân thể con người, vì Thái Bình Kinh (đời Hán) cũng đã giải thích rồi tuy chưa tỉ mỉ. Thứ đến, chư thần ngũ tạng và lục phủ đều được liệt kê danh tính đầy đủ trong Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh, như chương 7 liệt kê tên chư thần nơi đầu, chương 8 liệt kê tên chư thần ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận). Các thần này còn được giải thích ở từng chương: chương 9 (phế thần), chương 10 (tâm thần), chương 11 (can thần), chương 12 (thận thần), chương 13 (tỳ thần). Còn lục phủ là ngũ tạng cộng thêm «đảm» (mật). Nơi chương 14 đã giải thích tên của đảm thần.

[38] E.V. Cowdry, Taoist Ideas of Human Anatomy, in trong: Annals of Medical History, Vol 3, No 4, New York, 1921, tr. 305.

[39] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 1, tập 9, tr. 54 (Thượng Thanh Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh, ch. 23): «Trị sinh chi đạo liễu bất phiền, đản tu Động Huyền dữ Ngọc Thiên; kiêm hành hình trung bát cảnh thần, nhị thập tứ chân xuất tự nhiên.» 治生之道了不煩,但修洞玄與玉篇;兼行形中八景神,二十四真出自然.

[40] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 3, tập 5, tr. 74/75 (Huỳnh Đình Kinh Bí Nghĩa 黃庭經秘義).

[41] Đạo Tạng Tinh Hoa, bộ 1, tập 9, tr. 54 (Thượng Thanh Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh, ch. 7): «Nhất diện chi thần tông nê hoàn, nê hoàn cửu chân giai hữu phòng.» 一面之神宗泥丸,泥丸九真皆有防.

[LAM chú] Nê hoàn vốn là thuật ngữ của Đạo giáo, viết là 泥汍. Khi Phật giáo Trung Quốc vay mượn chữ này để dịch chữ Phạn Nirvāņa (Niết bàn) thì viết là 泥洹. Chữ Nirvāņa  còn được phiên âm là: Nê viết 泥曰, Nê bạn 泥畔, Niết bàn na 涅槃那, v.v. Dịch nghĩa là: tịch diệt, diệt, diệt độ, an lạc, giải thoát, bất sinh, v.v. (Xem Đinh Phúc Bảo 丁福保, Phật học đại từ điển 佛學大辭典, Thượng Hải, 1995, quyển hạ, tr. 1790; xem William Edward Soothill & Lewis Hodous, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (Trung Anh Phật học từ điển), Đài Bắc, 1962, tr. 265.) Như vậy nê hoàn của Đạo giáo khác với nê hoàn của Phật giáo. Trong Tu tập chỉ quán tọa thiền pháp yếu 修習止觀坐禪法要 của Thiên Thai tông (một bí kíp mà Đạo gia cũng rất xem trọng) có câu: «Nhược phù nê hoàn chi pháp, nhập nãi đa đồ. Luận kỳ cấp yếu, bất xuất chỉ quán nhị pháp.» 若夫泥洹之法,入乃多途.論其急要,不出止觀二法 (Pháp giải thoát có nhiều lối vào. Nói về đường lối nhanh và thiết yếu nhất thì không ngoài chỉ và quán). Nhân tiện, xin nói thêm: Tác giả của Tu tập chỉ quán tọa thiền pháp yếu là Trí Nghĩ 智顗 đại sư (không phải là «Trí Khải» đại sư). Chữ bấy lâu nay vẫn bị phiên âm sai là «Khải» trong kinh sách Phật giáo bằng tiếng Việt. Từ điển Từ Hải (tr. 1480) phiên thiết: nghi khởi thiết âm nghĩ vĩ vận 疑豈切音螘尾韻, vậy đọc là nghĩ. Ý nghĩa: Cẩn trang mạo 謹莊貌 (dung mạo trang nghiêm). Âm Bắc Kinh hiện nay của là /yǐ/, không phải là /kǎi/.

[42] Thái Bình Kinh hợp hiệu, 1960, tr. 27.

[LAM chú] Tôi dịch theo Trung Hoa Đạo Học Thông Điển (sđd., tr. 286): «Cố can thần khứ, xuất du bất thời hoàn, mục vô minh dã. Tâm thần khứ bất tại, kỳ thần thanh bạch dã. Phế thần khứ bất tại, kỳ tỵ bất thông dã. Thận thần khứ bất tại, kỳ nhĩ lung dã. Tỳ thần khứ bất tại, lịnh nhân khẩu bất tri cam dã. Đầu thần khứ bất tại, lịnh nhân huyễn minh dã. Phúc thần khứ bất tại, lịnh nhân phúc trung ương thậm bất điều, vô sở năng hóa dã. Tứ chi thần khứ bất tại, lịnh nhân bất năng tự di dã.» 故肝神去,出游不時還,目無明也.心神去不在,其唇青白也.肺神去不在,其鼻不通也.腎神去不在,其耳聾也.脾神去不在,令人口不知甘也.頭神去不在,令人眴冥也.腹神去不在令人腹中央甚不調,無所能化.四肢神去不在,令人不能自移也.

[43] Thái Bình Kinh hợp hiệu, 1960, tr. 722.

[44] Max Kaltenmark, Laotseu et le Taoisme, Paris, 1965, tr. 158.

[45] Đạo Tạng, 580/W864 (Thái Thượng Trừ Tam Thi Cửu Trùng Bảo Sinh Kinh 太上除三尸九蟲保生經), tr. 7a-7b.

[LAM chú] Tam trùng 三蟲 cũng gọi tam thi 三尸 hay tam bành 三彭. Tuy nhiên trong cách gọi «tam thi cửu trùng» của đạo kinh nói trên thì cửu trùng gồm: 1. Phục trùng 伏蟲, 2. Hồi trùng 回蟲, 3. Bạch trùng 白蟲, 4. Nhục trùng 肉蟲, 5. Phế trùng 肺蟲, 6. Vị trùng 胃蟲, 7. cách trùng 鬲蟲, 8. Xích trùng 赤蟲, 9. Khang trùng 蜣蟲. Người Việt Nam nói «nổi cơn tam bành» (ý nói nổi giận đùng đùng) nhưng ít ai biết tam bành là thuật ngữ của Đạo giáo. Về tam thi hay tam bành và tên gọi, có các thuyết khác nhau:

Trung Hoàng Kinh 中黃經 nói: «Thượng trùng ở trong đầu não, trung trùng ở trong minh đường, hạ trùng ở trong bụng và bao tử.» 一者上蟲居腦宮,二者中蟲居明堂,三者下蟲居腹胃 (Nhất giả thượng trùng cư não cung, nhị giả trung trùng cư minh đường, tam giả hạ trùng cư phúc vị).

Thái Thượng Tam Thi Trung Kinh 太上三尸中經 thì nói: «Thượng thi tên Bành Cư, thích báu vật, ở trong đầu con người. Trung thi tên Bành Chất, thích ngũ vị, ở nơi bụng con người. Hạ thi tên Bành Kiểu thích sắc dục, ở trong chân con người.» 上尸名彭倨,好寶物,在人頭中.中尸名彭質,好五味,在人腹中.下尸名彭矯,好色欲,在人足中 Thượng thi danh Bành Cư, hiếu bảo vật, tại nhân đầu trung. Trung thi danh Bành Chất, hiếu ngũ vị, tại nhân phúc trung. Hạ thi danh Bành Kiểu, hiếu sắc dục, tại nhân túc trung).

Ngọc Xu Kinh Chú 玉樞經注 nói: «Thượng thi tên Thanh Cô, trung thi tên Bạch Cô, hạ thi tên Huyết Cô.» 上尸名青姑,中尸名白姑,下尸名血姑 (Thượng thi danh Thanh Cô, trung thi danh Bạch Cô, hạ thi danh Huyết Cô).

 Tuy có các thuyết khác nhau như vậy, nói chung tam thi là mối nguy hại cho thân thể, vì tam thi bị giam giữ trong thân thể con người, chỉ khi con người chết đi thì tam thi mới được phóng thích khỏi thân thể con người. Theo Cảm Ứng Thiên 感應篇 Vân Cấp Thất Thiêm 雲笈七籤, ngày canh thân 庚申, tam thi thần 三尸神 sẽ lên trời bẩm báo với Thiên Tào và xuống địa phủ thưa kiện, trình báo mọi tội lỗi của con người nơi thế gian để giảm bớt tuổi thọ của họ. Do đó các đạo sĩ có phép gọi là thủ canh thân pháp 守庚申法: Vào ngày canh thân họ phải trai giới, tĩnh tọa và không được ngủ để cho tam thi thần không thể xuất ra. Lại có thuyết cho rằng tam thi hay tam trùng sống là nhờ hơi ngũ cốc (cốc khí 谷氣), nếu con người không ăn ngũ cốc thì tam thi phải chết, nghĩa là thân thể sẽ dứt mọi bệnh tật. Thuyết này là cơ sở của phép tu tịch cốc 辟谷 cầu trường sinh. Thuyết tam thi hay tam trùng xuất hiện đã lâu, ngay trong Thái Bình Kinh đời Hán quyển 92 đã ghi chép, rồi đến đời Tấn cũng thấy chép trong Bão Phác Tử Nội Thiên 抱朴子內篇 (chương Vi Chỉ 微旨). Chính Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là mô phỏng theo chương Vi Chỉ này. Vân Cấp Thất Thiêm (chương 82) của Trương Quân Phòng 張君房 đời Bắc Tống cũng nói đến tam thi, tam trùng.

[46] Tứ Bộ Bị Yếu, 391: Vương Sung, Luận Hành, ch. 16, tr. 9a/b. Homann dịch theo bản tiếng Anh của Forke, Lun-heng, (2 tập), New York, 1962, tập 2, tr. 366: «Man has three worms in his intestines. The worms living in low marshes are called leeches. They eat man’s feet, as the three worms eat his bowels.»

[47] Max Kaltenmark, sđd., 1965, tr. 177.

[48] [LAM chú] Homann chép nhầm: Minh Đồng Chân Quân 明童真君, Minh Nữ Chân Quan 明女真官, Minh Kính Quân 明鏡君. Thật ra nơi cung Minh Đường, ở giữa là Minh Kính Thần Quân 明鏡神君; bên trái là Minh Đồng Chân Quân 明童真君; bên phải là Minh Nữ Chân Quân 明女真君. Tôi chỉnh lại là Minh Kính Thần Quân [thêm chữ Thần] và Minh Nữ Chân Quân [không phải Quan]. Ở đây tôi cũng nói thêm: quan niệm Minh Đường của Nho giáo và quan niệm Minh Đường của Đạo giáo hoàn toàn khác nhau. Theo Nho gíáo, Minh Đường là nhà thái miếu của thiên tử để tế tự. Cổ Đại Hán ngữ từ điển (Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh, 2000, tr. 1075) giải ngắn gọn: «Cổ đại thiên tử tuyên minh chính giáo đích địa phương. Phàm triều hội, tế tự, khánh thưởng, tuyển sĩ, dưỡng lão, giáo học đẳng đại điển, quân tại thử cử hành.» 古代天子宣明政教之地方.凡朝會,祭祀,慶賞,選士,養老,教學等大典,均在此舉行 (Nơi thiên tử làm rõ chính trị và tôn giáo. Nói chung những việc lớn như triều hội [chư hầu], cúng tế, khen thưởng, tuyển chọn kẻ sĩ, dưỡng lão, dạy học, v.v. đều cử hành tại đây.) Tên gọi Minh Đường có từ đời Chu. Trước đời Chu, nhà thái miếu không gọi là Minh Đường, như đời nhà Hạ gọi là Thế Thất 世室, đời nhà Ân gọi là Trùng Ốc 重屋.

Thật ra có nhiều thuyết khác nhau về Minh Đường. Theo Nguyệt Lệnh 月令 trong Lễ Ký 禮記, Minh Đường có 9 cung: cung giữa là Thái Miếu 太廟 hay Thái Thất 太室; 3 cung phía Nam thì chính giữa là Minh Đường, hai bên là tả cá 左個 và hữu cá 右個; 3 cung phía Bắc thì chính giữa là là Huyền Đường 玄堂, hai bên là tả cá và hữu cá; 3 cung phía Đông thì chính giữa là là Thanh Dương 青陽, hai bên là tả cá và hữu cá; 3 cung phía Tây thì chính giữa là là Tổng Chương 總章, hai bên là tả cá và hữu cá. Cung Minh Đường ở phía Nam được lấy làm tên chỉ cho 9 cung. 9 cung này có 36 cửa một cánh (hộ ) và 72 cửa sổ (dũ ), và mái lợp bằng cỏ mao . (xem: Từ Hải, tr. 632)

Minh Đường theo Nguyệt lệnh trong Lễ Ký

Minh Đường theo Đạo giáo:

Cửu cung: (0) = Thủ thốn song điền - (1) Minh Đường - (2) Động Phòng - (3) Đan Điền - (4) Lưu Châu - (5) Ngọc Đế - (6) Thiên Đình - (7) Cực Chân - (8) Huyền Đan - (9) Thái Hoàng

Theo Đạo giáo, Minh Đường là một trong 9 cung nằm trong đầu não. Từ giữa 2 chân mày đi vào một thốn là Minh Đường, vào một thốn nữa là Động Phòng. Đái Nguyên Trường, Tiên học từ điển, Chân Thiện Mỹ xuất bản xã, Đài Bắc, 1970, tr. 94, giải: «Tại Trùng Lâu chi hạ, Động Phòng chi thượng, vi Hạ Minh Đường, mi tâm nội nhất thốn, vi Thượng Minh Đường, Minh Đường Động Phòng, quân hữu thượng hạ nhị xứ, cố đặc tường chi.» 在重樓之下,洞房之上,為下明堂,眉心內一寸,為上明堂,明堂洞房,均有上下之處,故特詳之. (Dưới Trùng Lâu và bên trên Động Phòng là Hạ Minh Đường, từ mi tâm [=giữa 2 chân mày] đi vào trong 1 thốn là Thượng Minh Đường. Minh Đường và Động Phòng đều có 2 phần thượng và hạ, do đó phải đặc biệt hiểu rõ chúng.)

Nơi mục từ Nê Hoàn, Đái Nguyên Trường (sđd, tr. 99) nói thêm: «Chính lưỡng nhĩ giao thông chi huyệt, tiền Minh Đường, hậu Ngọc Chẩm.» 正兩耳交通之穴前明堂後玉枕 (Ngay nơi huyệt giao thông giữa hai tai thì phía trước là Minh Đường, phía sau là Ngọc Chẩm.)

[49] [LAM chú] Homann chép nhầm: Vô Anh Công Tử 無英公子, Bạch Nguyên Quân 白元君, Hoàng Lão Quân 黃老君.

[50] [LAM chú] Homann chép nhầm: Thượng Nguyên Xích Tử 上元赤子; Triệu Lặc Tinh 肇勒精.

[51] [LAM chú] Homann chép nhầm: Lưu Châu Chân Thần 流珠真神, Nhật Nguyệt Trung Nữ Tử 日月中女子.

[52] [LAM chú] Homann chép nhầm: Ngọc Thanh Thần Mẫu 玉清神母, Tam Tố Nguyên Quân 三素元君.

[53] [LAM chú] Homann ghi chú nhầm: «Không có tên thần ở cung này.» (Name fehlt).

Từ chú thích 48 đến 53, tôi căn cứ quyển Tồn Tưởng Thiên 存想篇 mà điều chỉnh lại tên chư thần trong bảng tóm tắt của Homann. (xem: Lục Cẩm Xuyên 陸錦川 chủ biên, Khí Công Truyền Thống Thuật Ngữ Từ Điển 氣功傳統術語辭典, Tứ Xuyên Khoa Học Kỹ Thuật xbx, 1991, tr. 60) Tôi đã điều chỉnh bảng tóm tắt của Homann. Để độc giả tiện tham khảo, tôi cũng trích lại sau đây bảng tóm tắt của ông (tr. 47-51); chỗ khác biệt đánh dấu là [*]:

Schema der drei Hauptrichtung der Körpergottheiten

(Sơ đồ ba bộ vị chính có thân nội chư thần)

I. Obere Abteilung des Körpers =Thượng bộ 上部 thân thể:

a/ Physiologische Gottheiten nach dem Huang-t’ing-ching: Chư thần liên quan các bộ phận thân thể theo Huỳnh Đình Kinh: 1- Thần Tóc (Haar) = Thương Hoa 蒼華, 2- Thần Trán (Gehirn) = Tinh Căn 精根, 3- Thần Mắt (Augen) = Minh Thượng 明上, 4- Thần Mũi (Nase) = Ngọc Lũng 玉壟, 5- Thần Tai (Ohren) = Không Nhàn 空閑, 6- Thần Lưỡi (Zunge) = Thông Mệnh 通命, 7- Thần Răng (Zähne) = Ngạc Phong 崿鋒.

b/ 24 Halbmonat-Gottheiten: Chư thần liên quan 24 khí tiết: 1- Thần Tóc (Haar) = Huyền Phụ Hoa 玄父華, 2- Thần Trán (Gehirn) = Giác Nguyên Tử 覺元子, 3- Thần Mắt (Augen) = Hư Giám 虛監, 4- Thần Mũi (Nase) = Trọng Long Tử 仲龍子, 5- Thần Lưỡi (Zunge) = Thủy Lương Trĩ 始梁峙, 6- Thần Da (Haut) = Thông Tượng Trọng 通象仲, 7- Thần Tủy xương sống (Mark der Nackenknochen) = Linh Mô Cái 靈謨蓋, 8- Thần Xương sống (Nackenwirbel) = Ích Lịch Chuyển 益歷轉.

c/ Neun-Himmel-Gottheiten: Chư thần liên quan cửu cung: 1- Cung Minh Đường 明堂 (Regierungshalle): Minh Đồng Chân Quân 明童真君; Minh Nữ Chân Quan 明女真官 [*]; Minh Kính Quân 明鏡君 [*]. 2- Cung Động Phòng 洞房 (Grottenzimmer): Vô Anh Công Tử 無英公子 [*]; Bạch Nguyên Quân 元白君 [*]; Hoàng Lão Quân 黃老君. 3- Cung Nê Hoàn 泥丸 (Zinnoberfeld): Thượng Nguyên Xích Tử 上元赤子; Triệu Lặc Tinh 肇勒精 [*]. 4- Cung Lưu Châu 流珠 (Fließende Perlen): Lưu Châu Chân Thần 流珠真神 [*]. 5- Cung Ngọc Đế 玉帝 (Jade-Kaiser): Ngọc Thanh Thần Mẫu 玉清神母; Tam Tố Nguyên Quân 三素元君 [*].6- Cung Thiên Đình 天庭 (Himmlische Halle): Thượng Thanh Chân Nữ 上清真女. 7- Cung Cực Chân 極真 (Äußerste Wahrhaftigkeit): Thái Cực Đế Phi 太極帝妃. 8- Cung Huyền Đan 玄丹 (Dunkles Zinnober): Không có tên (Name fehlt). 9- Cung Thái Hoàng 太皇 (Großer Erhabener): Thái Thượng Quân Hậu 太上君后.

II. Mittlere Abteilung = Trung bộ 中部 thân thể:

a/ Physiologische Gottheiten nach dem Huang-t’ing-ching = Chư thần liên quan các bộ phận thân thể theo Huỳnh Đình Kinh: 1- Thần Tim (Herz) = Đan Nguyên 丹元; 2- Thần Phổi (Lunge) = Hạo Hoa 皓華; 3- Thần Gan (Leber) = Long Yên 龍湮; 4- Thần Thận (Nieren) = Huyền Minh 玄明; 5- Thần Tỳ (Milz) = Thường Tại 常在; 6- Thần Mật (Galle) = Long Diệu 龍曜.

b/ 24 Halbmonat-Gottheiten: Chư thần liên quan 24 khí tiết: 1- Thần Tim (Herz): Hoán Dương Xương 煥陽昌. 2- Thần Phổi (Lunge): Tố Linh Sinh 素靈生; 3- Thần Gan (Leber): Khai Quân Đồng 開君童; 4- Thần Thận trái (linke Niere): Xuân Nguyên Quân 春元君; 5- Thần Thận phải (rechte Niere): Tượng Tha Vô 象他無; 6- Thần Tỳ (Milz): Bảo Vô Toàn 寶無全; 7- Thần Mật (Galle): Long Đức Câu 龍德拘; 8- Thần Cuống họng (Schlund): Bách Lưu Phóng 百流放.

c/ Neun-Himmel-Gottheiten: Chư thần liên quan cửu cung (không có)

III. Untere Abteilung des Körpers = Hạ bộ 下部 thân thể:

a/ Physiologische Gottheiten nach dem Huang-t’ing-ching: Chư thần liên quan các bộ phận thân thể theo Huỳnh Đình Kinh: 6 Nebeneingeweide (keine Namen der einzelnen Gottheiten): Lục phủ (không có tên của từng vị thần riêng lẻ), mit Ausnahme der Galle (ngoại trừ Đảm thần= Thần Mật (Galle): Long Diệu 龍曜).

b/ 24 Halbmonat-Gottheiten: Chư thần liên quan 24 khí tiết: 1- Thần Bao Tử (Bauch): Đồng Lai Dục 同來育; 2- Thần Ruột già ruột non (Dick-und Dünndarm): Bồng Tống Lưu 蓬送留; 3- Thần Ruột thừa (Darmansatz): Phi Đằng Khang 非騰康; 4- Thần Đầu ruột (Eingeweide): Thụ Hậu Bột 受厚勃; 5- Thần Cách (Zwerchfell: cơ hoành): Quảng Anh Trạch 廣瑛宅; 6- Thần Mông (Hüften): Tịch Giả Mã 辟假馬; 7- Thần Tả dương (linkes Yang): Phù Lưu Khởi 扶流起; 8- Thần Hữu âm (rechtes Yin): Bao Biểu Minh 包表明.

c/ Neun-Himmel-Gottheiten: Chư thần liên quan cửu cung (không có)


 » mục lục