THỬ TÌM MỘT PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT LÃO GIÁO  [1]

Nguyên tác: Michael Saso

Nguyễn Văn Thọ dịch và chú giải

 S ự khảo sát về Lão giáo gần đây đã trở nên thông thường đối với những học giả đã từng sống một thời gian trong những cộng đồng Hoa-kiều tồn cổ ở Đông và Đông Nam Á. Những lễ nghi rực rỡ và bình dân của các đạo sĩ với vai trò mà chúng đóng góp trong đời sống đạo giáo của các cộng đồng Hoa kiều đã khiến các học giả phải chú tâm, mặc dầu họ ở Á Đông chưa được là bao. Những lễ nghi đạo Lão cử hành nơi miếu mạo hay tại tư gia, mới nhìn, ngỡ giản dị, nhưng nếu đi sâu vào cơ cấu và nội dung chúng, ta sẽ thấy chúng hết sức phức tạp. Dầu một lễ nghi đơn giản nhất liên quan đến công phu tu luyện nội đơn, chuyển khí điều tức, hô thần, kiến thần, chiêm bốc, cho nên nếu không biết nhiều bộ môn học thuật, sẽ không đủ khả năng phân tách và hiểu biết. Vì thế, thiết tưởng cũng nên phác họa ra một vài tiêu chuẩn đại cương khả dĩ giúp ta khảo về lễ nghi đạo lão. Đó chẳng qua là khởi xướng ra một phương pháp khảo cứu trong một lãnh vực còn hoang sơ, chưa có gì để giúp các học giả khảo sát về lễ nghi lão giáo, một vấn đề gian nan, mơ hồ, phiêu diêu.

Trước khi vào chủ đề, tôi muốn lưu ý độc giả đến ít nhiều cạm bẫy và khó khăn trên con đường tìm hiểu Lão giáo về phương diện nghi lễ cổ truyền. Điểm trước tiên và hết sức quan trọng cần xin lưu ý là các đạo sĩ, cũng như những người hành nghề gia truyền rất ghét tiết lộ bí quyết sinh nhai của họ. Về điểm này, các đạo sĩ hoàn toàn giống các thầy lang Tàu, người thợ may hay người bán đậu hủ. Họ chỉ truyền bí quyết cho con cái hay cho những đệ tử đã vất vả nhiều năm để phục vụ thầy. Một học giả trẻ măng và hăng hái vừa mới ra trường mà muốn vào đời để khảo về Lão giáo cũng y như một cô cậu học sinh, vừa hết tiểu học, đến xin việc với ông thợ mộc. Một đạo sĩ thường bắt đầu học nghề từ năm 10 hay 11 tuổi vào có chịu chức thì cũng phải vào khoảng 30. Cho nên, muốn thảo cứu về Lão giáo, cần phải được chuẩn bị kỹ càng, nhất là cần phải đọc thật nhiều kinh sách trong bộ Đạo tạng[2] và hiểu biết những nghi thức có liên quan đến một cuộc hành lễ đạo Lão. Ta có thể lấy nghi lễ công giáo mà so sánh. Nghĩa là (nếu chúng ta không có chuẩn bị mà khảo về lễ nghi Lão giáo thì chẳng khác nào vào một nhà thờ Công giáo lần đầu tiên), mà muốn khảo sát về lễ Mi-sa công giáo, khi chưa hề hiểu chút gì về những nghi thức phức tạp do vị linh mục cử hành. Một học giả, trước khi vào đời để khảo về Lão giáo cần phải thuộc những tiết mục dạy về lễ nghi Lão giáo trong bộ Đạo tạng, mà lát nữa tôi sẽ bàn tới.

Điểm thứ hai cần lưu ý trước khi vào chủ đề là đạo Lão có rất nhiều môn phái trong toàn cõi Á Đông và Đông Nam Á. Một học giả tường thuật về một lễ nghi đạo Lão đã được cử hành thế này thế kia, có thể bị một đồng nghiệp phản đối, vì chính học đã thấy một nghi lễ cũng trùng tên như vậy mà đã được cử hành cách khác ngay ở làng bên. Ví dụ có môn phái, khi muốn phong chức, thì bắt người sắp được thụ phong phải leo lên một chiếc thang gươm 36 lưỡi. Phái Chính Nhất (Cheng i), tức là phái “Chân truyền” thì lại cho nghi lễ này là tà, là nhảm. Các môn phái Lư Sơn, quàng khăn đỏ thì chỉ dùng nghi lễ trên làm trò cho dân chúng xem trước các cửa đền, cửa phủ mà thôi. Thực ra, lễ phong chức chân truyền hết sức là trang nghiêm theo đúng lễ nghi ghi trong sách của phái Long Hổ Sơn (Lung-hu-shan) mà đến nay, nhiều miền ở Đài Loan, trung thành với truyền thống vẫn còn giữ. Vì thế nên một học giả cần phải biết lai lịch các môn phái của Lão giáo, và không nên mô tả suông những hình thức lễ nghi bên ngoài, vì đó mới chỉ là một phần nhỏ nhoi của toàn cục, mà cần phải biết những điều tâm niệm bên trong diễn biến song song với các nghi lễ cử hành bên ngoài. Chính những điều tâm niệm ấy mới giúp ta đoán định được sự linh ứng của lễ nghi.

Sau hết, cần phải bàn qua về hai chữ Chính (Cheng) và Tà (Tà là tiếng khinh mà môn phái này thường dùng để chê nghi lễ của môn phái kia). Chữ Chính (Cheng) thực ra là dùng để chỉ những nghi lễ làm theo đúng nghi thức chân truyền, có ghi trong Đạo tạng và được gọi là Khoa nghi (K’o-i), cùng với những bộ pháp, ấn quyết, phù chú, sớ văn lưu truyền từ xưa, và đến nay vẫn còn là phần căn cốt, chính yếu của Lão giáo.

Chữ Tà (Hsieh) được áp dụng cho: 1) những lễ nghi không theo chính truyền Lão giáo, nhưng đã được các pháp sư dùng trong các lễ bình dân. 2) những lễ nghi cũng mang danh là Khoa nghi (K’o-i) nhưng thực ra có một nội dung khác hẳn với nghi lễ chính truyền. Như phái Thần Tiêu (Shen-hsiao) làm các lễ có tên đúng với truyền thống, (như lễ Tảo chiêu, Tsao Ch’ao) nhưng có một nội dung hoàn toàn khác với các bản văn chân truyền. Theo nghĩa thứ nhất trên, thì lễ trèo thang gươm 36 lưỡi, hay lễ trừ ôn (đả vương bàn) là tà, vì đã vay mượn nơi các đạo khác trong dân dã và cho du nhập vào Lão giáo. Theo nghĩa thứ hai, thì các lễ của phái Thần Tiêu (Shen- hsiao) cũng là tà, vì tuy tên lễ giống với truyền thống, nhưng nội dung thời khác hẳn. Nhà học giả cần biết rằng vị pháp sư ông gặp thường làm cả hai loại lễ chính, tà, có thể vị pháp sư đó không phân biệt được chính, tà; mà cũng có thể là vì ông thích dùng tà thuật để đánh vào thị hiếu người dân Trung Hoa. Thế là sinh kế và lợi lộc đã thay thế cho sự thuần túy chính truyền trong nhiều lễ Lão giáo. Thế nên đứng về phương diện thuần túy khoa học cần phải đề ra những quy tắc để phân biệt thế nào là nghi lễ chính truyền, thế nào là nghi lễ bình dân rồi ra mới sắp xếp và học hỏi được về những nghi lễ phiền tạp, đa đoan, biến thiên vô tận, khiến một học giả nhìn vào phải phát kinh.

Như vậy, trước hết, chúng ta phải phân biệt các môn phái đạo Lão, với những đặc tính truyền thống lưu lại của chúng: Hiện nay ở Á Đông và Đông Nam Á, có những môn phái sau đây, đã được tôi lưu tâm khảo sát:

1) Phái Chính nhất (Cheng-i ) hay là phái Thiên sư, thuộc Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây.[3]

2) Phái Mao Sơn [4] với hai loại pháp môn: pháp môn nội luyện, dựa theo Huỳnh đình kinh (Yellow Court Canon) và pháp môn võ thuật, tương tự như Nhẫn thuật (Nin-jitsu) của Nhật Bản, dựa theo Kỳ môn độn giáp (Ch’i-men Tun-chia).

3) Phái Thái Cực (T’ai-chi) thuộc Vũ Đương Sơn (Wu-tang Shan)[5] ở Hồ Bắc (Hupei) với hai loại pháp môn: một là võ thuật trừ tà ma bằng kiếm kích, búa, giáo, và pháp môn tu luyện theo truyền thống của Trương Tam Phong (Chang San Feng)

4) Phái Toàn Chân (Ch’uan-chen sect) có ảnh hưởng đến các cư sĩ đạo Lão tu luyện tại gia.[6]

5) Phái Thần Tiêu (Shen-hsiao order) gồm nhiều tiểu phái như Linh Bảo phái (Ling-pao sect), Thiên sư phái (Heavenly master sect), Lão quân phái (Lord Lao sect), và thường gồm có những đạo sĩ gốc tích ở Chương Châu (Chang Chou) thuộc tỉnh Hạ Môn (Amoy)

6) Phái Lư Sơn (Lu shan or Lu-shan order). Phái này dễ nhận, vì các đệ tử thường quấn khăn đỏ quanh đầu, thổi tù và rung chuông tam cổ linh hay ngũ cổ linh bắt chước phái Chân Ngôn (Phật giáo) khi hành lễ.[7]

Bảng liệt kê của tôi như vậy vỏn vẹn chỉ có sáu giáo phái hay nói đúng hơn sáu cách thức cử hành các nghi lễ Lão giáo, kể thì quá ít, nhất là theo công báo thì có đến 86 giáo phái hay tổ chức Lão giáo được chính quyền bảo trợ, ấy là chưa kể đến vô số môn phái không chính thức và biến chế tùy địa phương, tùy gia thế; về phương diện này đạo Lão cũng không thua gì Phật giáo, các giáo phái Tin Lành, các dòng tu Công giáo.

Điều tôi cần làm sáng tỏ là các pháp sư dẫu thuộc môn phái nào, pháp môn nào, hành lễ ra sao, vẫn có vài điểm cốt yếu tương đồng mà một học giả phải biết. Biết ra, công trình khảo cứu về Lão giáo sẽ trở nên dễ dàng, và sẽ thấy có một mạch lạc giữa các môn phái và các lễ nghi phức tạp hiện thấy ngày nay. Những nguyên tắc nòng cốt tạo thành và điều động các lễ nghi Lão giáo, theo như tôi biết, đã được thể hiện một cách thỏa đáng trong những nghi thức khác nhau của mấy môn phái kể trên. Cho nên, tôi xin nói qua về lễ nghi của 3 môn phái đã nói ở trên, tức là phái Chính Nhất (Cheng-i ), phái Mao Sơn (Mao Shan sect) và phái Thần Tiêu (Shen Hsiao order), những mong nêu ra được một phương pháp cho người sau khảo về Lão giáo.

Môn phái quan trọng nhất ở miền Nam Trung Hoa, tức là ở miền sông Dương Tử, từ thời nhà Tống cho đến thế kỷ 20, là phái Chính Nhất (Cheng-i), một môn phái Chính truyền ở Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây (Kiang si). Uy tín vượt mức của môn phái này, trong và sau đời nhà Tống, do nhiều nguyên cớ, mà nguyên cớ chính là vì triều đình muốn kiểm soát các tôn giáo ở Trung Hoa. Các đạo sĩ được khuyến khích nên đến Long Hổ Sơn, xin vị Thiên sư ban sắc phong. Sắc phong do vị Thiên sư ở Long Hổ Sơn ban vừa làm tăng thế giá cho vị đạo sĩ, vừa là cách để kiểm soát các môn phái đạo Lão. Tới triều Minh, các đạo sĩ được ban phẩm hàm theo hàng quan lại, nghĩa là các đạo sĩ đến Long Hổ Sơn xin sắc phong đều được ân tứ phẩm hàm theo cửu phẩm triều đình. Điều quan trong nên ghi nhận là các đạo sĩ bất luận thuộc phái nào, miễn là ở miền Nam Trung Hoa đều được khuyến cáo đến xin thụ phong với vị Thiền sư. Thế tức là vị Thiền sư, chưởng môn phái Chính Nhất (Cheng-i) tại Long Hổ Sơn (Lung-hu Shan) đa có quyền sắc phong cho các đạo sĩ các phái Mao Sơn (Mao shan), Vũ Đương Sơn (Wu-tang Shan), Toàn Chân (Ch’uan Chen) và Thần Tiêu (Shen Hsiao) và dĩ nhiên là các đạo phái Chính Nhất (Cheng-i ) nữa. Thủ bản sắc phong của vị Thiên sư đã chứng minh điều này rõ ràng, và tùy môn phái lại ân tứ một lại cửu phẩm khác nhau. Vả lại xưa kia, các đạo sĩ có muốn học về nghi lễ các sơn môn đạo viện khác nhau cũng dễ. Họ được tự do đi đến các đạo viện, và có thể lập trường giảng dạy về môn phái mình ngay tại các sơn môn, đạo viện danh tiếng khác. Sử sách đã ghi rõ ràng rằng các môn phái Vũ Đương Sơn (Wu-tang-Shan) Thượng Thanh (Shang Ch’ing) ở Mao Sơn (Mao Shan) và Toàn Chân (Ch’uan chen) ở Bắc Trung Hoa cũng đã từng có chi nhánh tại Long Hổ Sơn (Lung Hu Shan) và tại các sơn môn , đạo viện danh tiếng khác ở miền Nam Trung Hoa. Hơn nữa, một đạo sĩ có thể đi khắp các đạo viện để học hỏi về lễ nghi của các phái khác. Họ cũng có thể rời đạo viện đến một làng hay một tỉnh lập đàn, làm lễ để cầu sinh, thủ lợi. Ngoài ra, các cư sĩ (hỏa cư: Huo-chü) có vợ con như ai vẫn có thể đến một đạo viện xin tu ít năm, để trau đồi phương thuật, hoặc đến Long Hổ Sơn, xin Thiên sư ban sắc phong.

Vì thế nên tuy có nhiều môn phái, nhưng vẫn có một yếu tố liên kết được đạo giáo phái, làm được cho các giáo phái dẹp bất hòa và bắt tay thân thiện. Yếu tố ấy xưa nay vẫn là nghi lễ chính truyền, gọi là Khoa nghi (K’o-i) còn có ghi trong bộ Uy Nghi (Wei-i) ở Đạo Tạng.[8] Một đạo sĩ, bất kỳ ở cấp nào, phái nào, có chủ trương gì, xưa nay vẫn phải học về Khoa Nghi, mà theo truyền thuyết đã được Trương Đạo Lăng lưu lại, từ cuối thời Hán, và đã được Lục Tu Tĩnh (Lu-Hsiu-Ching) và các đạo sĩ thời Nam Bắc triều soạn thành nghi lễ. Những nghi lễ này đến nay vẫn còn được coi là tuyệt tác của Lão giáo. Nhưng nếu chỉ đọc Khoa Nghi sẽ không tìm ra được mối nhất quán liên kết các lễ nghi với nhau, thành thử vẫn phải đi vào đời để tìm hiểu. Đã đành vẫn có những ngoại lệ, ví dụ như những lời chỉ dẫn về lễ Túc Khải (Su Ch’i) trong tập 281, chương 16 Đạo Tạng, hoặc về lễ Cấm đàn (Chin-t’ân) đã được mô tả hết sức kỹ càng trong tập 985 của Đạo Tạng. Đã hẳn, rất khó lòng mà xin được vị pháp sư giảng cho mình nghe những lời tụng niệm đi kèm với những nghi tiết lễ nghi bên ngoài. Nhưng chuyện đó vẫn có thể thực hiện, nếu vị học giả tỏ ra là đã hiểu lễ nghi, đã đọc Đạo Tạng. Các pháp sư thường không chịu tiết lộ các ấn quyết, thần chú, linh phù, khẩu quyết, hoặc vì muốn giữ bí truyền, hoặc vì muốn đòi tiền thưởng, một chuyện có thể có, đối với những người sống bằng nghề cúng tế. Thế nên, một học giả có thể tốn tiền, tốn công ăn chực nằm chờ nhiều năm cầu xin ngọc quyết (Yü-chüeh), nhưng rốt cuộc mới vỡ lẽ ra rằng những bí quyết mà vị pháp sư đã tiết lộ, té ra đã được lấy trong các sách của phái Thần Tiêu (Shen hsiao) chẳng có gì là bí truyền, chứ không phải đã được lấy trong các bí kíp của phái Chính Nhất (Cheng-i) chân truyền. Vì thế các học giả cần thuộc Đạo Tạng để có thể phân biệt lễ nghi chân truyền với lễ nghi của phái Thần Tiêu (Shen Hsiao) mà có lẽ đã thịnh hành từ đời nhà Tống về sau. Một học giả khi bước chân vào đời để khảo về lễ nghi, cần thuộc các nghi tiết đã được ghi chép rõ ràng trong Đạo Tạng. Như vậy vị pháp sư dạy mình, sẽ dễ bề chỉ dẫn cho mình hơn. Vốn các đạo sĩ không được phép tiết lộ bí mật đối với kẻ phàm phu, người ngoài cuộc hay khác phái, nhưng họ vẫn được phép bàn về nghi tiết, về cách thức vẽ bùa chú, cách thức tụng niệm với một học giả đã hiểu biết về Đạo tạng.

Nghi lễ chân truyền căn cứ vào các bảng hô thần gọi là pháp lục trong Đạo Tạng, trong quyển 877, Thái Thượng Tam Ngũ Chính Nhất Minh Uy Lục (T’ai-shang San-wu Cheng-i Meng-Wei Lu) quyển 878, Thái Thượng Chính Nhất Mệnh Uy Pháp Lục (T’ai Shang Cheng-i Meng-wei Fa-lu) và quyển 879 Chính nhất Pháp văn Thập lục Triệu nghi (Cheng-i Fa wen Shih Lu Chao Yi). Bộ “Lục” sau chót trên đây là sách căn bản để phong chức cho hàng Thất phẩm (Ch’i p’in) và chức Tam ngũ đô công (San wu Tu-kung) mà các pháp sư vẫn dùng khi ký tên. Bộ “Lục” thứ hai trên đây là sách căn bản để phong chức cho hàng Lục phẩm (Liu-p’in) và bộ Lục thứ nhất ở trên là căn bản để phong chức cho hàng ngũ phẩm (Wu-p’in) và Tứ phẩm (Ssu p’in) của Đạo sĩ. Những bộ “Lục” trên đều có trong bản Văn kiểm (Wen Chien) mà mỗi đạo sĩ đều có. Trong bản Văn kiểm, ngoài các bảng danh sách tôn thân, còn có các thần chú, bí quyết để liên lạc với các cõi Trời, cùng những lời tạp dẫn, thay đổi tùy tập truyền của mỗi vị pháp sư. Các vị pháp sư thường không thích nói đến chư thần, nhưng vẫn sẵn lòng cho các học giả xem bản Văn kiểm, nếu được yêu cầu.

Trong các sách lễ Khoa nghi, còn thấy có những tập Pháp lục giống như Văn kiểm nhưng ngắn hơn, để dùng trong những lễ đặc biệt. Như vậy, tất cả các lễ theo Khoa nghi (K’o-i) như lễ Tiếu (Chiao) tức là cúng Xuân, lễ Trai (Chai) tức là lễ cầu siêu đều rập theo một khuôn khổ trong đó có giai đoạn triệu thỉnh tôn thần về giám lễ, mà chỉ vị pháp sư mới biết danh hiệu, chức tước ngài. Như vậy mỗi lễ trong Khoa nghi đều có một bản danh sách tôn thần riêng để vị pháp sư triệu thỉnh, lại còn có những vị thần đặc trách về công việc đệ trình các sớ văn lên trời. Một học giả có thể xác định được môn phái, phẩm trật và tính cách chân giả của vị pháp sư, nếu biết so sánh các bản danh sách tên thần ghi trong những sách lễ mang tay của họ với Đạo tạng.

Trong những đoạn trên, ta đã nêu rõ rằng các lễ Khoa nghi đều rập theo một khuôn khổ, trong đó có đoạn hô thần đến chứng giám cho cuộc lễ.

Khuôn khổ lễ nghi chân truyền hình như đã có từ lâu. Các sách như Vô thượng tất yếu (Wu shang Pi yao) và Vô thượng Hoàng Lục Đại trai Lập thành Nghi (Wu-shang Huang lu Ta chai Li ch’eng Yi) quyển trên từ thời Nam Bắc triều, quyển dưới từ đời Đường, đã ghi rõ các giai đoạn nghi lễ theo Khoa nghi mà nay vẫn còn theo. Đại cương, một lễ nghi chân truyền theo khuôn khổ như sau:

1. Lễ nhập đàn. Rước (pháp sư) từ tĩnh thất đến đàn tràng.

2. Lễ Bộ hư (Pu Hsu). Hát bài Tâm ca, đồng thời bước quanh đài theo bộ pháp của Đại Vũ (Vũ bộ: Yü Pu), dùng bộ pháp vẽ lại Lạc thư, hay Bát quái Văn Vương (Wen Wang) quanh nơi sẽ hành lễ, đoạn làm lễ Nhiễu đàn (Jao-t’an) tức là đi quanh đàn 5 lần miệng niệm ngũ khí hay ngũ sắc của ngũ hành.

3. Lễ Khải bạch. Xướng tên các vị thần giám lễ. Vị pháp sư phải thấy vị thần mình triệu thỉnh.

4. Lễ Nhập ý. Tụng các bản văn như sớ văn (Shu-wen), Biểu (Piao), Điệp (Tieh), Chương (Chang), Quan (Kuan) v.v… tùy loại thần, loại lễ.

5. Lễ Tồn niệm như pháp (Ts’un Nien Ju Fa). Pháp sư quì giữa đàn, tập trung tinh thần, miệng niệm chú, tay trái bắt quyết. Cử tọa hát bài «Ngũ tinh liệt chiếu» (Wu hsing Lieh Chao).

6. Lễ Minh pháp cổ nhị thập tứ thông. Đánh 3x8=24 tiếng trống cái. Đạo sĩ tụng sách Ngọc quyết (Yü Chüeh)

7. Lễ Phát Lô (Fa Lu). Đọc kinh Vô thượng tam thiên Huyền Nguyên Thủy Tam Khí (Wu shang T’ien Hsuan Yuan Shih San Ch’i). Lúc ấy, Pháp sư tụng niệm theo Đan thư, bắt ấn quyết, hô thần lai giám, dùng họa phù phác ra các cõi trời đạo Lão, tâm niệm, chuyển khí, điều tức. Cách thức tâm niệm đều có ghi trong các bộ Ngọc quyết (Yü Chüeh) hay Bí quyết (Mi Chüeh) và nhiều nơi khác trong Đạo Tạng.[9]

8. Chính lễ. Bây giờ tới phần chính lễ. Bất kỳ là lễ cầu siêu, hay lễ cúng Xuân, các lễ nghi đặc biệt cho mỗi kỳ, mỗi dịp đều được cử hành vào lúc này; chẳng hạn như làm lễ Túc Khải, cắm 5 đạo Linh phù, lễ Chính Tiếu để tế Tam Thanh,v.v…

9. Lễ thập phương. Cúng Thập phương.

10. Lễ Trùng xưng pháp vị (Chung ch’eng Fa wei). (Trình biểu, sớ, dẫn tiến Tiên cung) Tức là lễ thu hồi bằng cách sao chép lại các biểu sớ đã dâng lên thiên đình. Lúc này thường có lễ «Chạy đàn» dưới những hình thức khác nhau, tùy môn phái.

11. Lễ Phát thập nguyện. Phát mười điều tâm nguyện.

12. Lễ Phục Lô. Tắt đèn nhang.

Trừ vài biến thái, tùy theo mỗi lễ, các lễ Khoa nghi Lão giáo chân truyền thường theo khuôn khổ nói trên. Tuy nhiên, đừng nên kết luận rằng mọi lễ nghi Lão giáo đều theo Khoa nghi. Trái lại, người Lão giáo Trung Hoa đã từng được xem những lễ có tính cách khác hẳn, ví như những lễ bình dân trong các đền miếu thôn quê, có dặm thêm kinh kệ giảng về công tội, phù phép trị bệnh, trừ tà, cúng dâng thờ phượng. Tuy nhiên, chúng ta đừng có lầm mà quá chú trọng đến các kinh kệ (Ching) các Tiểu pháp (Hsiao Fa) nói trên, mặc dầu thường thấy làm, thường được dân chuộng. Các kinh kệ (Ching) giảng về công tội rõ ràng là bắt chước các kinh kệ Phật giáo, và cũng như các kinh kệ Phật giáo đồng loại, cốt là để đọc cho kín các giờ kinh nhật tụng trong các đạo viện, và để cho dân thỏa mãn, biết thế nào là công, thế nào là tội, làm sao được phúc trời, làm sao xá tội vong nhân, làm sao tẩy trừ trần ai tục lụy. Các lễ Khoa nghi (K’o-i) thường được cử hành kín đáo, trong các đền miếu cửa đóng then cài, không cho quần chúng xem. Và nếu có làm trước quần chúng, thì các ấn quyết phải làm dấu trong tay áo thụng, và các thần chú phải được đọc thầm. Dẩu sao, thì lễ Khoa nghi mới là lễ căn cốt tinh hoa của Lão giáo, và nhà khảo cứu cần biết rằng các «bí quyết» để làm những lễ đó có ghi trong các bộ Ngọc quyết (Yü Chüeh) hay Bí quyết (Mi Chüeh) của vị pháp sư.

Nếu một lễ Khoa nghi được cử hành theo khuôn khổ trên, thì cứ sự thường một lễ làm đúng cách, là một lễ chân truyền. Cho nên, vị pháp sư muốn nói sao thì nói, ta cứ xem ông làm lễ, là biết ông thuộc phái nào, cấp bậc nào. Một pháp sư càng chân truyền, thì kinh sách càng giống Đạo Tạng, thì hành lễ càng đúng nghi thức. Các lễ của phái Thần Tiêu (Shen hsiao) tuy trùng danh trùng hiệu, trùng tiết tấu như các lễ Khoa nghi, nhưng nội dung thì lại khác, nhất là các đoạn Ngọc quyết (Yü Chüeh) đã bị hiểu sai hay chép thiếu. Cho nên, ta cần phải đọc kỹ lưỡng phần Uy Nghi (Wei-i) trong Đạo Tạng và cách sách giảng về Nghi lễ, như quyển Thượng thanh linh bảo đại pháp (Shang ch’ing Linh-pao Ta-fa) của Kim Doãn Trung (Chin Yun Chung) đời Tống[10] hay quyển Đạo Môn thông giáo tất dụng tập (Tao men T’ung chiao Pi Yung Chi) của Lã Thái Cổ (Lu T’ai Ku) cũng đời Tống.[11]

Như tôi đã nói nơi tiết 10 trong phần phác họa nghi lễ chính truyền, lễ dâng biểu sớ cũng rất quan trọng để đoán định môn phái và truyền thông của vị pháp sư. Pháp sư theo phái Ngọc kinh (Yü ching), tức là một phái tu theo Mao Sơn (Mao Shan) hay Hoa Sơn (Hua Shan), chạy đàn rất khéo, trước khi đốt biểu sớ dâng thần. Vị pháp sư Đô giảng (Tu-chiang) tức là vị xướng văn tế, dẫn bước tế theo hình Lạc thư hay Bát quái Văn Vương, đệ văn tế vào giữa đàn tràng. Ông dâng văn tế lên vị pháp sư chủ tế. Vị này lại dẫn bước tế theo hình Hà Đồ, tức là theo hình Bát quái Phục Hi. Ông dẫn bước tế như vậy tất cả 12 lần, mỗi lần bắt đầu từ một cung trong 12 địa chi đã được vẽ thành vòng tròn nơi giữa đàn tràng. Vừa dẫn bước tế, vị pháp sư vừa tụng niệm, rất là phức tạp, theo phép Nội đan của Mao Sơn; lúc mở, lúc đóng các quẻ Dịch, để dẫn linh thần vào đàn và trục tà ma ra khỏi nơi hành lễ. Cách dẫn bước tế cũng là một nghi thức đã được ghi trong sách lễ của vị Thiên sư ở Long Hổ Sơn, mà các vị pháp sư đã được thụ phong tại đó từ đời Thanh, sau này vẫn tuân giữ, khi đi hành đạo tại các nước trong vùng Đông và Đông Nam Á.

Pháp sư phái Thần Tiêu (Shen Hsiao) dù được Thiên sư sắc phong, cũng không dẫn bước tế như phái Hoa Sơn, lúc cuối các lễ Khoa nghi. Thay vào đó, họ dẫn bước tế lối khác, và làm nhiều trò vui khác. Ví dụ họ dùng bài Ngũ lôi bằng gỗ hồng, gỗ đào, mà lát nữa tôi sẽ bàn trở lại. Họ còn cho căng một tấm vải đen từ Bắc đến Nam đàn tràng, tượng trưng cho sự giao hội của trời đất, trước khi đốt văn tế. Lễ nghi của phái Thần Tiêu có điểm này đặc biệt là tự do dặm thêm vào lễ nhiều trò vui, để kích động dân, cảm hóa dân; những trò này chẳng liên quan gì đến mục đích của chính lễ, và cũng không đòi hỏi tâm niệm hay thi triển nội công, nội lực khi hành lễ. Dĩ nhiên là những lễ phép của phái Thần Tiêu vui hơn và được dân thích hơn. Pháp sư nào biết dặm thêm trò khi làm lễ sẽ được nhiều tư gia hay đền phủ mời đến hành lễ hơn. Trong các trò bình dân ấy, có trò leo thang gươm 36 lưỡi trần, trò nhúng sắt nung đỏ vào bát dấm, rồi cho người dự lễ bước qua làn hơi dấm để giải tội, trò dùng máu mào gà, máu mỏ vịt để giải tội, trò đốt hình ôn thần, v.v…

Theo thiển kiến tôi, thì những lễ phép không chính thống ấy phần thì là của những sắc dân đời xưa, mà người Hán đã học được trong cuộc Nam tiến; phần thì phỏng theo lễ nghi của những phái Phật giáo như Chân Ngôn và Thiên Thai, phần thì đã được các pháp sư tạo ra trong khi hành đạo sát cánh với những người dân quê Trung Hoa, theo Lão giáo. Các học giả cần để ý và ghi chép các lễ phép ấy, nhưng đừng lầm lộn chúng với những nghi lễ chính truyền. Vả lại những lễ phép của phái Thần Tiêu thì được tha hồ đem dạy cho các học giả ngoại quốc. Vì thế một học giả sau nhiều tháng lặn lội vào nghề, say sưa học các lễ phép Thần Tiêu, rút cuộc mới ngã lẽ rằng mình chưa hề được truyền một chút gì về các ngọc quyết chân truyền.

Trên đây tôi đã nói về nghi lễ của giáo phái chính thống, và đã bàn qua về tính cách khoa trương của các lễ thuộc phái Thần Tiêu, bây giờ tôi xin nói tới các giáo phái khác mà lúc đầu tôi có đề cập tới, đó là phái Toàn Chân, phái Mao Sơn, và một phái võ ở Hồ Bắc, pha Mao Sơn lẫn Võ Đương. Phái Toàn Chân đã không có mấy ảnh hưởng ở Đài Loan và theo chỗ tôi biết cũng đã không có mấy ảnh hưởng trong vùng Đông Á. Tuy thế, cũng vẫn còn thấy có những vị pháp sư thực thụ thuộc phái Toàn Chân, và những cư sĩ tu tại gia theo tôn chỉ tu duỡng của Toàn Chân. Nhưng vì phái này không mấy liên quan đến chủ đề, nên tôi xin nêu ra rằng phái Toàn Chân cũng có lễ Tiếu (Lễ cúng Xuân) và lễ cầu siêu tống táng như các môn phái bạn. Tuy nhiên, phái này xưa kia đã có rất nhiều ảnh hưởng ở Bắc Trung Hoa, còn hơn cả phái Chính Nhất nữa. Còn phái Mao Sơn và phái Thái Cực hay Vũ Đương thường được nhắc tới cùng phép Ngũ Lôi, một phép mà nhà học giả cần biết. Theo tôi, thì phái Mao Sơn cũng như phái Vũ Đương hiện còn chưa được người Au Châu viết tới mấy.

Phái Mao Sơn, cũng còn có tên là Thượng Thanh hay Ngọc Kinh đã có ảnh hưởng khá lớn đối với Lão giáo hiện hành ở Đông Nam Á và Đài Loan. Ảnh hưởng của phái này được thể hiện trong hai loại pháp môn: Loại pháp môn thứ nhất gồm những nghi thức căn bản, và phương pháp tu tâm dựa vào Huỳnh Đình Kinh và Đại Đỗng Chân Kinh. Những đạo sĩ học theo những sách này hiện thấy ở Đài Loan, nhất là ở Bắc Đài Loan, nơi có đông dân gốc tích ở Tuyền Châu, Phúc Kiến. Loại pháp môn thứ hai của Mao Sơn có vẻ bình dân hơn, chuyên về mặt chữa bệnh, trừ tà, và một loại vũ thuật giống như Nhẫn thuật của Nhật Bản. (Tôi đang đặc biệt khảo sát về môn võ này và sẽ viết thành một thiên khảo luận riêng). Đại khái, môn nhẫn thuật này dựa vào Bắc Đẩu và các vị thần Thiên Cương Bắc Đẩu. Các pháp sư cho rằng phép hô thần Thiên Cương Bắc Đẩu, và thần Lục Đinh, Lục Giáp để chữa bệnh hoặc báo thù là của phái Mao Sơn. Thực ra thì vị tổ sư thứ 8 của phái Mao Sơn là Đào Hoăng Cảnh (T’ao Hung Ching) đời Lương đã viết một bộ sách tên là Thái Thượng Xích Văn Đỗng Thần tam lục (T’ai Shang Ch’ih wen Tung shen San Lu), khác với truyền thống Huỳnh Đình Kinh, trong đó có những phương thuật đặc biệt của Mao Sơn. Phái Võ Đương ở Hồ Bắc cũng có một môn võ giống loại võ Nhẫn Thuật. Anh hưởng của môn phái này hiện còn mạnh ở khắp vùng Đông Nam Á. Y như Mao Sơn môn phái này cũng có hai loại pháp môn. Pháp môn tu luyện dành cho các đạo sĩ, tu sĩ, pháp môn trừ tà dành cho đại chúng. Pháp môn tu luyện của phía này do Trương Tam Phong lập ra, chú trọng về «Dưỡng khí điều thần, điều tức, phục dược, phòng trung, dưỡng tinh, diên mệnh.» Còn pháp môn trừ tà, thì cũng giống môn võ Nhẫn thuật của Mao Sơn đã nói trên, chỉ khác là số linh thần được triệu thỉnh thì đông hơn, nhiều hơn, như thấy ghi trong quyển Thái thượng Bắc cực phục ma thần chú sát quỉ lục (T’ai shang Pei chi Fu Muo Shen Chou Sha kuei Lu) những quyển khác trọng Đạo tạng có liên quan đến đức Huyền Thiên Thượng đế (Hsuan-t’ien Shang ti) vị thần chủ của giáo phái. Phái Vũ Đương cũng trọng vọng các vị địa lý, bậc sư, các vị võ sư Thái Cực Quyền. Các pháp sư thuộc môn phái này thường tự xưng là Thái Cực (T’ai chi hay Bắc cực sư (Pei-chi Taoist masters).

Trên thực tế, các vị pháp sư ở Đông Nam Á ít khi là thuần túy thuật hẳn về một môn phái nào. Nhưng thực ra, các ngài học phương thuật lẫn của nhau, và khi ký tên, ngoài chức tước dài đặc của mình, vị pháp sư còn ghi thêm các chức tước các pháp thuật đã xin được, học được nơi khác. Một đạo sĩ khi xưng danh, thường khoe mình biết hết pháp thuật của Mao Sơn, Vũ Đương, và Chính Nhất. Vì thế nên nhà học giả cần thuộc Đạo tạng mới biết được vị ấy nói đúng hay sai. Vả lại, Lão giáo cũng vốn có cổ lệ tra vấn kiểu như vậy, và tín hữu nào khi đã thấu hiểu kinh điển lễ nghi, cũng có thể đường đường coi mình như là một vị pháp sư.

Sau hết, xin đế cập đến Ngũ lôi pháp. Đó là một pháp có từ lâu và rất được các pháp sự xưa nay ưa chuộng. Ngũ lôi pháp là một pháp quyết tối mật, một trong những bảo bối mà vị pháp sư muốn dấu kỹ, không muốn đả động tới. Nhưng, cũng như các trường hợp trên, Đạo Tạng đã có ghi đầu đủ các Lục, Pháp về Ngũ Lôi, ở trong bộ Đạo Pháp Hội Nguyên các tập từ 884 đến 941 (Tao fa huei yuan) trong Đạo Tạng. Nhiều vị pháp sư khoe mình rất sành Ngũ lôi pháp, và ưa dùng Ngũ lôi bài bằng gỗ đào khi hành lễ. Nhưng trên thực tế, nhà khảo cứu nên thận trọng đừng vội tin lời họ, hãy đọc kỹ Đạo Tạng, trước khi đến với họ, hay trước khi muốn học về pháp môn nào của Lão giáo. Tôi đã thấy đa số pháp sư thường chỉ khoe hay, khoe giỏi, chứ không có thực tài thực lực. Lý do là vì người xưa đã quá thận trọng trong khi truyền phép Ngũ lôi, thành thử bí quyết ngày một thất truyền hay bị thất bát tẫu tán vào trong những phù phép khác hiện hành tại Đông Nam Á. Tuy thế bí pháp chân truyền Ngũ Lôi hiện vẫn còn được phái Chính Nhất Tư Đàm ở Đài Loan giữ gìn cẩn thận. Họ cho tôi một cuốn sách mà tôi đã giao cho nhà in Thành Văn ở Đài Bắc để xuất bản.

Cho nên, một học giả muốn vào đời để khảo về đạo Lão cần phải được chuẩn bị chu đáo, để có thể đối thoại được với vị pháp sư như bạn chứ không như với thầy. Mặc dầu các học giả xưa nay vẫn phân biệt hai thứ đạo Lão, một thứ cho người tu hành, một thứ cho dân gian, nhưng thực ra cả hai thứ đạo này trà trộn với nhau trong các lễ nghi đạo Lão ở Đông và Đông Nam Á. Muốn trở thành một vị pháp sư thực thụ, người tín đồ Lão giáo trước hết phải học đủ thứ môn: luyện đan, điều tức, bảo tinh, và uống các loại thuốc trường sinh diên thọ. Họ cũng còn phải học thêm các môn Địa, Bốc, Lý, Số, Âm Dương Dịch Lý. Một học giả muốn khảo sát đạo Lão hiện hành ở Đông Nam Á, nên biết những điểm trên, nên đọc kỹ các tiết mục về lễ nghi, về tu dưỡng trong Đạo Tạng, như vậy sẽ đỡ được nhiều năm tốn công vô ích.

Vì thế, tôi đề nghị, khi học về Lão giáo nên phân lễ thành lễ chính thống hay lễ bình dân tùy như theo hay không theo Uy nghi trong Đạo Tạng. (Chúng ta đừng dùng chữ Tà, vì chữ này ngụ ý chê bai mà các môn phái dùng để chê nhau, chứ không phải là một nhãn hiệu khoa học). Phần nhiều các lễ làm ở đền phủ hay tư gia hiện nay đều là những lễ bình dân. Một học giả, nghe cách tụng kinh, xem cách làm lễ, phải đoán đuợc vị pháp sư đó thuộc môn phái nào và làm lễ gì. Có nhiều lễ bình dân, như lễ thả thuyền tống ôn thực ra chẳng có chút gì là Lão giáo chân truyền. Lễ này thấy người Công giáo Phi cũng làm, nhiều làng ở Okinawa (Xung Thằng) làm và nhiều miền khác ở Đông Nam Á cũng làm. Tuy vậy lễ nào cũng phải chú ý, cũng phải ghi chép tường tận. Công trình biên khảo hào hứng thú vị như vậy mà tới nay vẫn chưa được các tập san biên khảo về Trung Hoa đả động tới.

BẢNG PHIÊN ÂM CÁC DANH TỪ TRUNG HOA

TRONG BÀI CỦA MICHAEL SASO RA DANH TỪ HÁN VIỆT

Chai: Trai

Chang: Chương

Chang Chou: Chương Châu

Chang San Feng: Trương Tam Phong

Cheng: Chính

Cheng Chiao: Chính Tiếu

Cheng I: Chính Nhất

Cheng-i Fa-wen Shih-lu Chao-yi: 正一 Chính Nhất Pháp văn Thập lục Triệu nghi

Cheng i T’zu tan: Chính Nhất Tự Đàn

Ch’eng wen: Thành Văn

Ch’i p’in: Thất phẩm

Ch’i men Tun chia: Kỳ môn độn giáp

Chiao: Tiếu

Ch’i pai: Khải bạch

Chin t’an: Cấm đàn

Chin Yun Chung: Kim Doãn Trung

Ching: Kinh

Ch’uan Chen: Toàn Chân

Ch’uan Chou: Tuyền Châu

Chung ch’eng Fa wei: Trùng xưng pháp vị

Fa lu: Phát Lô

Fa shih: Pháp sư

Fang chung: Phòng trung

Feng shui: Phong thủy

Heavenly master sect: Thiên sư phái

Hsiao fa: Tiểu pháp

Hsieh:

Hsuan t’ien Shang ti: Huyền Thiên Thượng đế

Ho tu: Hà Đồ

Hu pei: Hồ Bắc

Hua shan: Hoa Sơn

Huo chü: Hỏa cư

Jen tan: Nhiễu đàn

Jen shu: Nhẫn thuật

Ju i: Nhập ý

Kiang si: 西 Giang Tây

K’o i: Khoa nghi

Kuan: Quan

Ling pao sect: Linh Bảo phái

Liu p’in: Lục phẩm

Lo shu: Lạc thư

Lu shan / Lü shan : Lư Sơn

Lord Lao sect: Lão Quân phái

Lu Hsiu Ching: Lục Tu Tĩnh

Lu T’ai Ku: Lã Thái Cổ

Mao Shan: Mao Sơn

Mi chüeh: Bí quyết

Ninjitsu: Nhẫn thuật

Okinawa: Xung Thằng

Piao: Biểu

Pei chi: Bắc Cực

Pu hsu: Bộ hư

Registers: Lục

San wu tu kung: Tam Ngũ Đô Công

Shang Ch’ing: Thượng Thanh

Shang Ch’ing Ling Pao Ta Fa: Thượng Thanh Linh Bảo Đại Pháp

Shen Hsiao: Thần Tiêu

Shingon: Chân Ngôn

Shu wen: Sớ Văn

Ssu p’in: Tứ phẩm

Su ch’i: 宿 Túc khải

Ta Tung Chen Ching: Đại Đỗng Chân Kinh

T’ai chi: Thái Cực

T’ai chi ch’uan: Thái Cực Quyền

T’ai Shang Cheng I Meng Wei Fa Lu: Thái Thượng Chính Nhất Mệnh Uy Pháp Lục

T’ai Shang Pei chi Fu muo Shen chou Sha Kuei Lu: 殺 鬼 Thái Thượng Bắc Cực Phục Ma Thần chú Sát quỷ lục

T’ai Shang Ch’ih Wen Tung Shen San Lu: Thái Thượng Xích Văn Đỗng Thần Tam Lục

T’ai Shang San Wu Cheng I Meng Wei Lu: Thái Thượng Tam Ngũ Chính Nhất Minh Uy Lục

Taipei: Đài Bắc

Taiwan: Đài Loan

T’an: Đàn

Tao Fa Huei Yuan: Đạo Pháp Hội Nguyên

Tao Hung Ching: Đào Hoằng Cảnh

Tao Men T’ung Chia Pi Yung Chi: Đạo Môn Thông Giáo Tất Dụng Tập

Tieh: Điệp

T’ien T’ai: Thiên Thai

Tsao Chiao: Tảo Chiêu

Ts’un nien ju fa: Tồn niệm như pháp

Tu chiang: Đô giảng

Wei I: Uy nghi

Wen chien: 檢  Văn Kiểm

Wu hsing lieh chao: Ngũ tinh liệt chiếu

Wu lei pai: Ngũ Lôi bài

Wu p’in: Ngũ phẩm

Wu shang Huang lu Ta chai li Ch’eng yi: 籙 大 Vô thượng Hoàng lục Đại trai lập thành nghi

Wu shang Pi yao: Vô thượng tất yếu

Wu shang san t’ien Hsuan Yuan Shih San Ch’i: Vô thượng Tam Thiên Huyền Nguyên Thủy Tam Khí

Yellow Court Canon: Huỳnh Đình kinh

Yin Yang: Âm Dương

Yü Chüeh: Ngọc Quyết

Yü pu: Vũ bộ

Yü Ching: Ngọc Kinh

CHÚ THÍCH

[1] Đã đăng tạp chí Phương Đông, số 25, tháng 7-1973, với chủ đề: Bộ mặt Tôn giáo ngày nay bên phương Đông.

[2]  Đạo tạng là toàn thể thư tịch Lão giáo. Tất cả có 1464 bộ. Mỗi bộ gồm từ 1 quyển đến 300, 400 quyển.

LÝ KIỆT chia Đạo tạng thành 12 tiểu mục sau đây:

1) Bản văn (Les textes fondamentaux). 2) Thần phù (Les formules efficaces). 3) Ngọc quyết (Les commentaires et amplifications.). 4) Linh phù (Les graphies efficaces, diagrammes, dessins). 5) Phả lục (Histoires et traditions). 6) Giới luật (Morale et ascétisme). 7) Uy nghi (rits). 8) Phương pháp (pratiques, manipulations). 9) Chúng thuật (diététique, alchimie, astres, nombres, etc.). 10) Ký truyện (mythologie, légendes). 11) Tán tụng (liturgie, hymnes, adresses). 12) Biểu tấu (documents, pétitions aux empereurs, édits reçus d’eux, etc.) Xem Ký Kiệt, Trịnh Vĩnh Tường, Mạnh Chí Tài, Đạo tạng mục lục tường chú, năm Đạo Quang thứ 35 (1845).

TRỊNH TIỀU (thế kỷ 12) đã chia Đạo Tạng thành 25 tiểu mục sau đây:

1) Lão Tử. 2) Trang tử. 3) Chư tử. 4) Âm phù kinh. 5) Huỳnh đình. 6) Tham đồng khế. 7) Mục lục (les catalogues). 8) Truyện (les légendes). 9) Ký (les histoires). 10) Luận (les dissertations). 11) Thư (les graphies). 12) Kinh (les textes). 13) Khoa nghi (Displines et rits). 14) Phù lục (formules et talismans). 15) Thổ nạp (Aérothéraphie, photothérapie). 16) Thai tức (Entretien du Principe vital). 17) Nội quan (Soin particulier). 18) Đạo dẫn (Massage). 19) Tịch cốc (abstinence). 20) Nội đan (Cures morales). 21) Ngoại đan (cures chimiques). 22) Kim thạch dược (médecine et pharmacie). 23) Phục thực (diète des candidats à l’immortalité). 24) Phòng trung (Hygiène sexuelle). 25) Tu dưỡng (Hygiène physique et morale)

Xem Léon Wieger, Taoisme, Tome I, Bibliographie générale, p.24.

[3] Long Hổ Sơn là một ngọn núi thuộc tỉnh Giang Tây, thuộc quyền sở hữu của phái Chính Nhất, và của các vị Thiên sư con cháu của Trương Đạo Lăng vị Tổ sư sinh vào thời Hán. Mãi đến thời Trung Hoa Dân Quốc, Long Hổ Sơn mới bị quốc hữu hóa. Môn phái này được các vua chúa hết sức trọng vọng, vì các vị Thiên sư thuộc dòng Trương Đạo Lăng đã trụ trì tại đó từ thời Hán cho tới nay. Vị Thiên sư mà các học giả Au Châu gặp được năm 1932, xưng mình là vị Thiên sư thứ 63 dòng Trương Đạo Lăng. Các vị Thiên sư ở đây, chẳng khác nào là vị Giáo Hoàng của đạo Lão và có quyền phong chức đạo sĩ, pháp sư cho tất cả các môn phái khác.

 Xem E.T.C. Werner, A Dictionary of Chinese Mythology, p.36.

 Henri Doré, Manuel des superstitions chinoises, p. 165.

[4] Mao Sơn, tức là núi Cú Khúc Sơn ở Giang Tô. Đời nhà Hán có ba vị đạo sĩ anh em ruột với nhau là Mao Doanh, Mao Cổ, Mao Trung đã ở núi ấy tu luyện, sau thành tiên, nên gọi là Mao Sơn. (xem Từ Nguyên)

[5] Núi Vũ Đương ở quận huyện tỉnh Hồ Bắc là một dãy núi lừng danh với 72 ngọn cao chót vót. Muốn lên núi, phải vất vả khó khăn lắm mới được. Vua Vĩnh Lạc (1403-1425) đã xuất công quỹ ra để làm đường lên núi. Trên đỉnh núi có đền thờ đức Trấn Vũ; đền thờ bằng đồng, gọi là Kim điện. Các đạo sĩ ở trong các đạo viện Vũ Đương thường có chừng 2000 người . Henri Doré, Manuel des superstitions chinoises, p. 162.

[6] Phái Toàn Chân gọi là Toàn Chân phái vì Vương Trùng Dương, tổ sư của phái này xưa ở trong một am gọi là Toàn Chân. Hơn nữa gọi là Toàn Chân, vì các đệ tử phái này muốn sống thoát tục, để bảo toàn chân nguyên. (Từ Nguyên)

[7] Phái Chân ngôn tông (Tantrisme) còn được gọi là Mật tông hay Du Chỉ Tông vì lôi hành đạo cũng giống với nhóm Du-chỉ (Yoghis) Ấn Độ. Chuyên về Linh phù, Chân ngôn, Pháp ấn… (Phật học Tự Điển)

 Núi Lư Sơn cũng ở Giang Tây. Xem Doré, sđd., p. 165.

[8] Xem Léon Wieger, Taoisme, Tome I, Bibliographie générale, từ số 182 đến 215; từ số 462 đến 541; từ số 1147 đến 1412.

[9] Xem Wieger, Taoisme, Tome I, mục Ngọc quyết từ các số 85 đến 143.

[10] Xem Wieger, Taoisme I, Bibliographie générale, No 1205, p.190.

[11] Xem Wieger, Taoisme I, Bibliographie générale, No 1205, et 1209.