Quan niệm Tam Tài với
con người
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Dưới nhan đề này, tôi sẽ dùng quan niệm
Tam Tài để tìm hiểu về con người và đề phân loại các Ðạo giáo. Bàn về
con người tuy là một vấn đề hết sức thông thường, quen thuộc, nhưng
không bao giờ vô ích.
Soplocles xưa đã nói: «Dầu trong vũ trụ
này có gì đáng quí báu, đáng tôn sùng nhất đi chăng nữa, thì cũng chẳng
có gì đáng quí báu, đáng tôn sùng hơn con người.»
Nhưng nếu con người đáng quí báu, đáng tôn
sùng nhất, thì con người cũng là cái gì khó hiểu nhất từ xưa đến nay. Từ
bao thế hệ nay, chúng ta am hiểu về con người, nhưng cho đến nay, con
người vẫn còn là một vấn đề khó hiểu. Thật đúng như câu ca dao:
Sông kia còn có kẻ đo,
Lòng người, ai dễ mà dò sâu nông.
Chúng ta thực ra chẳng ai dám nói là đã
biết rõ mình. Ta thấy mặt mũi người khác, bóng dáng người khác, nhưng mà
oái oăm thay, mặt mũi ta, bóng dáng ta, ta phải mượn gương, mượn nước,
mượn máy ảnh, mới nhìn ra được.
Như thế tức là, ngay con người phiến diện
của ta đã hết sức xa lạ với ta rồi. Chúng ta dùng nó hằng ngày, mà thực
ra chẳng biết nó hính thù ra sao, hoạt động ra sao. Ðọc câu ca dao sau
đây sẽ rõ:
Ðàn ông năm, bảy lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người !
Ðến như óc, chất trí não, tâm tư chúng ta,
thì ta lại càng mù tịt. Cho đến cuối thế kỷ 20, người ta vẫn tưởng rằng,
chúng ta yêu bằng tim – bằng con tim thịt nằm trong lồng ngực – vì thấy
nó hồi hộp, khi ta rung động, cảm xúc. Nhưng bây giờ thấy trong các bệnh
viện, người ta thay tim rầm rầm, thay bằng tim thật, tim giả, thay van
tim, mới vỡ lẽ ra rằng mình đã lầm. Gần đây, triết học Âu Châu còn khám
phá ra rằng dưới lớp ý thức, còn có vô thức – hoặc là tiềm thức, hoặc là
Vô thức đại đồng. Khám phá mới mẻ này thật ra chỉ mới mẻ cho Âu Châu,
chứ Á Châu, từ mấy ngàn năm nay đã bàn hoài về vấn đề này, dưới những
danh từ khác như: Ðại Ngã, Tiểu Ngã; Chân Tâm, Vọng Tâm; Nguyên Thần,
Thức Thần;Thiên địa chi tính, khí chất chi tính, v.v.
Tóm lại, ta quả thật là một con người xa
lạ đối với ta. Hằng ngày, ta sống kề cận với ta, với tâm tư ta, mà ta
chẳng biết tâm tư ta ra sao.
Hằng ngày, ta khoe ta thế này, ta thế nọ,
nhưng đến khi hỏi ta là ai, ta là gì, thì ta đành chịu không biết trả
lời ra làm sao.
Chính vì thế, khi đem quan niệm Tam Tài,
để soi rọi vào vấn đề con người, tôi thấy mình đã không làm một chuyện
vô ích. Ðó chính là một cách suy tư, tìm hiểu về mình. Mà có chịu suy
tư, tìm hiểu về mình, mới có thể biết mình, biết Trời.
Mạnh Tử viết:
Thấu triệt lòng, sẽ hay biết Tính
Hay biết Tính, nhất định biết Trời.
Tồn tâm dưỡng tánh chẳng rời,
ấy là giữ đạo, thờ Trời chẳng sai.
Trung Dung cũng viết:
Biết người, trước phải biết Trời.
Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu Người làm
sao?
Chia con người thành 3 phần, chỉ là một
cách chia để tiện việc học hỏi. Khi cần tôi cũng có thể chia con người
thành 7, thành 10. Nhưng dẩu sao, thì chia con người làm ba thành phần
cũng đã giúp cho chúng ta có một cái nhìn khá chính xác, khá đứng đắn về
con người.
Trước đây trong bài THÂN THẾ VÀ ÐỊNH MỆNH
CON NGƯỜI trong Đất Nước Tôi số 13, tôi đã kể lại hành trình của tôi từ
quan điểm nhị nguyên – con người có Hồn có Xác – đến quan niệm Tam Tài –
con ngườl có Xác, Hồn, Thần. Ðại khái tôi đã kể lại rằng: tôi đã tìm ra
được quan niệm Tam Tài trong mấy giây đồng hồ giác ngộ tâm linh và từ
khi biết được trong lòng có Ðạo có Trời, cuộc đời tôi đã chuyển hóa hết
sức là mãnh liệt.
Quan niệm Nhị Nguyên, tôi học được do
truyền thống xã hội; Quan niệm Tam Tài tôi học được do giác ngộ tâm
linh. Nhưng nói cho đúng hơn, lẽ Nhất Quán của Trời đất mới là điều rốt
ráo mà tôi đã lĩnh hội được.
Sau khi nhận ra rằng con người có ba phần:
Tính (Thần), Hồn, Xác, tôi lại thấy được rằng: Các tôn giáo, tuy khác
nhau bề ngoài, nhưng chung qui là đưa con người tới Thiên Ðạo, tới Ðại
Ðạo. Thiên Ðạo, Ðại Ðạo hoàn toàn ở trong nội tâm ta, nó chính là đường
đi từ Hồn, đến Thần, biến hóa Hồn con người thành Thần trời đất.
Trời, Ðạo Trời hằng tiềm ẩn trong lòng ta,
và không hề rời ta một phút giây.
Những quan niệm trên đã đến với tôi hết
sức là bất ngờ, nhưng hết sức là mãnh liệt. Và riêng tôi, tôi coi đó là
một đại hồng ân mà Thượng Ðế đã ân tứ cho tôi.
Tôi nhận định thêm rằng từ trước tới nay,
tôi đã đánh mất chiều kích sâu xa, cao đại của con người, mà chỉ mới
sống hời hợt trên bình diện nhân tâm, chưa hề có ý tưởng, hay ước mơ
sống vươn vượt lên trên cái Nhân tâm, chưa hề có ý tưởng đạt tới Thiên
tâm. Và tôi tự nhủ rằng từ trước đến nay tôi đã sống mơ màng, ù cạc,
không biết được chính bản thân mình.
Tuy nhiên, theo đúng tinh thần khoa học,
tôi thấy những điều tôi vừa lãnh hội được khi ấy, nếu đem chia sẻ với
chúng nhân, thì sẽ bị coi như là một giả thuyết. Nên tôi thấy nó còn cần
được chứng minh.
Như quí vị đã thấy: Ðiều tôi được truyền
dạy là:
Dưới lớp nhân tâm, còn có Thiên tâm, Thiên
tính. Cho nên con người thực ra có 3 phần chính yếu:
Ði từ trong ra đến ngoài, ta có:
1- Phần Tính, phần Thiên Tính, hay phần
Thiên, phần Trời phần Thần vĩnh cửu, làm căn cốt.
2- Phần Tâm, hay phần Nhân Tâm, tức là
phần Nhân, phần Người, phần Hồn gồm trí lự, thất tình lục dục, bao phủ
bên ngoài phần Thiên.
3- Phần ngoài cùng là phần xác, phần Ðịa,
phần Ðất, phần vật, đóng vai trò hỗ trợ, bao bọc cho các phần cao quí
bên trong, chẳng khác nào phần vỏ bên ngoài nơi cây, nơi quả.
Mục đích chân chính và cao siêu nhất của
các đạo giáo là làm sao dạy con người rũ bỏ được phần xác, phần hồn,
biến thiên, luân lạc trong vòng sinh tử, và chỉ giữ lại phần Thiên, vĩnh
cửu và bất tử, y thức như một vệ tinh nhân tạo, càng lên cao, càng phải
vất đi dần dần những phần phụ thuộc không còn cần thiết, mới có thể
thoát vòng áp lực của khí quyển, mà đi vào không gian.
Hôm nay, khi viết đến vấn đề rất quan
trọng này, một vấn đề đi ngược lại với quan điểm của quần chúng, tôi
liền cầu chứug thánh hiền. Phép cầu chứng thánh hiền muôn thủa của tôi
rất giản dị. Tôi nhìn quanh quất thấy một quyển sách nào mà mắt tôi nhìn
thấy, liền cầm lên, và dở ra đọc. Trong trường hợp này, tôi rút ra quyền
Thiền học, bộ thượng, do Suzuki viết và Trúc Thiên dịch. Tôi dở ra trúng
vào trang 276, mà tôi chưa từug đọc, thấy có đoạn viết như sau:
Một thầy Bà la môn tên là Móng Tay Ðen
mang đến cúng Phật hai cây bông nguyên cành rễ khổng lồ, thầy dùng phép
thần thông nắm chặt mỗi tay một cây. Phật gọi tên, thầy dạ. Phật liền
bảo: «Buông xuống đi». Thầy Bà la môn bỏ cây hoa tay trái xuống trước
mặt Phật. Phật lại bảo buông xuống nữa. thầy bỏ luôn cả cây hoa tay mặt.
Phật lại bảo buông nữa .Thầy Bà la môn bạch: «Tôi có gì đâu nữa mà buông
bỏ. Phật muốn dạy gì?» Phật đáp: «Tôi không hề bảo thầy buông hết mấy
cây hoa, tôi bảo thầy bỏ là bỏ sáu căn, sáu trần, sáu thức. Khi thầy bỏ
được hết đến không có gì nữa để bỏ, đó là lúc thầy thoát ly tất cả ràng
buộc của sanh tử, luân hồi...»
Như vậy cái nhìn của tôi bây giờ chính là
cái nhìn mà Phật xưa đã có, và ý nghĩ của tôi đã được sự hưởng ứng, sự
đồng vọng của Tiên Phật muôn đời.
Sau đó, ngẫu nhiên tôi lại đọc một đoạn
của Ðại sư Paramahansa Yogananda tự thuật lại kinh nghiệm của một lần
ông xuất thần đầu tiên. Ông tả rằng: «...Tôi thấy rằng từ Trung điểm
thiên cung, tức là từ trung điểm Linh đài tôi, tung tỏa ra muôn ánh hào
quang soi cùng Vũ trụ. Nguồn sống vĩnh cửu, như quỳnh tương tiên tửu rạo
rực trong tôi. Âm thanh sáng tạo của Thượng Ðế, tôi nghe thành chữ Aum
chuyển rung trời đất...Nhưng bỗng đâu phổi tôi bắt đâu thở lại. Tôi rất
thất vọng vì thấy rằng, cái bao la vô cùng tận của tôi đã mất. Tôi lại
trở về cái xác thân hữu hạn của tôi, chẳng xứng chút nào với Thần con
người. Tôi như một đứa con hoang đàng đã từ bỏ đại thể vô biên, mà giam
mình vào trong tiểu thể hữu hạn...»
Tôi cho đây không phải là một sự trùng
hợp ngẫu nhiên, mà chính là khi lòng mình mà thành sẽ cảm động được trời
đất, khi ý mình mà thành, thì thần minh sẽ phụ họa. Trở lại vấn đề, điều
mà tôi cần chứng minh là con người có ba phần Thần, Hồn, Xác. Ðể chứng
minh vấn đề này, tôi sẽ dùng thánh thư các đạo giáo kỳ thư bí điển trong
thiên hạ văn chương triết học và ngôn ngữ Ðông Tây. Sự tương đồng tìm ra
sẽ là ấn chứng cho một chân lý phổ quát, đại đồng.
Thuyết Tam Tài với
Khổng giáo
Nhờ dùng chìa khóa Tam Tài tôi mới mở ra
được kho tàng Khổng giáo. Khổng giáo nhận con người có 3 phần: Xác, Hồn,
Thần. Nhưng danh từ Khổng giáo dùng hơi khác:
- Xác
- Tâm, Nhân tâm, Nhân dục, Khí chất chi
tính.
- Tính, Thiên tính, Thiên tâm, Thiên địa
chi Tính, Ðạo tâm, Trung.
Kinh Thư, Thiên Ðại Vũ Mô, kể lại rằng
khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, đã truyền luôn cả tâm ấn sau:
Nhân tâm duy nguy, 人 心 惟 危
Đạo tâm duy vi, 道 心 惟 微
Duy tinh, duy nhất, 惟 精 惟 一
Doãn chấp, quyết trung. 允 執 厥 中
Tôi dịch:
Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,
Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.
Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,
Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời
Mạnh Tử cũng phân biệt Tâm và Tính.
Trong sách Mạnh Tử, chương Tận tâm hạ, ông
đã viết: «Tận kỳ tâm giả tri kỳ Tính dã; tri kỳ Tính tắc tri Thiên hĩ.»
盡
其
心
者
, 知
其
性
也
. 知
其
性
, 則
知
天
矣.
Dịch:
Thấu triệt lòng sẽ hay biết Tính,
Hay biết Tính nhất định biết Trời.
Chính vì Khổng tử và Mạnh tử hiểu rằng con
người có Thiên tính nên đã chủ trương: Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tống
Nho sau này, hay dùng chữ Thiên địa chi tính để chỉ Thiên Tính,
và Khí chất chi tính để chỉ nhân tâm, nhân dục.
Thuyết Tam Tài với
Bà La Môn giáo

Bà La Môn giáo từ xa xưa vốn đã chia con
người ra làm ba
thành phần:
- Xác (thô thân)
- Nhân tâm (Jiva) (tế thân)
- Brahman, Atman, Ngã tuyệt đối (Absolute
Self, Metaphysical Self).
Bà La Môn gọi hồn con người là Tiểu Ngã,
Thần con người là Ðại Ngã hay Atman.
Atman hay Thượng Ðế ngự trị trong tâm
khảm con người cũng chính là Brahman, Tuyệt đối thể trong vũ trụ. Ðối
với Bà La Môn; con người chân thực của ta không phải là Tiểu Ngã nhỏ
nhoi, mà là Ðại Ngã vô biên tế. Tat tvam Asi = Con chính là Cái Ðó;
nghĩa là con chính là Atman, là Ðại Ngã bất khả tư nghị.
Katha Upanishad viết: «Ðại Ngã trổ cửa
giác quan ra phía ngoài, cho nên người ta nhìn ra ngoài, mà không biết
nhìn vào trong lòng mình. Có vài kẻ khôn ngoan trong khi đi tìm trường
sinh, bất tử, nhờ nội quan quán chiếu, đã trực diện quan chiêm được Ðại
Ngã.»
Chandogya Upanishad viết: «Bao quát mọi
hoạt động, bao quát mọi ước mơ, bao quát mọi hương vị, bao quát cả hoàn
võ nầy, mà vẫn vô ngôn, vô ý, đó là Ðại Ngã của tôi, lồng trong tâm khảm
tôi, đó là Brahman Thượng Đế. Sau khi từ biệt cõi trần này, tôi sẽ thể
nhập vào trong Ngài...»
Radhakrishnan, cựu Tổng Thống ấn Ðộ, cũng
là một đại triết gia lừng danh quốc tế, đã viết: «Chân thể, lồng trong
tâm khảm muôn loài, chính là tinh hoa tâm hồn con người. Bé hơn hết mọi
sự, mà cũng lớn hơn hết mọi sự, tinh hoa âý tiềm ẩn trong tâm vạn hữu.
Cái học thuyết làm cho bộ kinh ÁO NGHĨA THƯ được nhiều người trên thế
giới hay biết, đó là học thuyết TA T TVAM ASI (Con Là Cái Ðó). VĨNH CỬU
đã ở ngay trong con người, THẦN LINH đã ngự trị nơi tâm khảm con người.
Vị THỦY TỔ Muôn Loài, mà ngũ quan chẳng biết, chảng hay, mà bao lớp lang
hiện tượng như những bức màn vân vụ đã làm khuất lấp; vị Thủy Tổ ấy vẫn
ngự trị, vẫn sống động trong tâm hồn con người...»
Thuyết Tam Tài với
Phật giáo

Phật giáo cũng phân biệt nơi con người
Vọng tâm và Chân tâm.
Vọng tâm hay Vọng ngã tức là Nhân tâm, gồm
thất tình, lục dục sinh diệt, biến thiên; Chân tâm, hay Bản Lai diện
mục, thời trường tồn vĩnh cửu.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm cho rằng có tìm ra
được phần chân thường nơi con người thì mới mong thoát bến mê, bể khổ;
bằng cứ chấp nhất nơi phần vọng tâm, vọng ngã, thì muôn đời luân lạc
trong muôn kiếp phù sinh.
Phật nói với vua Ba Tư Nặc: «Ðại vương có
biết trong thân có cái Bất Diệt không?»
Phật lại dạy A Nan: «A Nan, ngươi muốn tu
cho thành Ðạo, thì phải biết hai thứ căn bản: Một là căn bản vô thủy
sinh tử, tức là hiện nay, ngươi và chúng sinh đều lấy cái tâm vọng tưởng
mà nhận làm tư tính đó. Hai là Căn bản Niết Bàn tức là Thức Thứ Tám, vi
tế tư tưởng của ngươi đang có, ngày nay gọi là Thức tinh nguyên minh đó.
Bởi đem cái Thức tinh nguyên minh bỏ đi, nên tuy hằng ngày vẫn dùng đến,
mà chẳng biết đặng cái thể của Bổn minh Tư Tính, đến nỗi lặn lội vào các
thú mà thọ nghiệp sinh tử, luân chuyển, Thiệt là uổng thay?»
Ðại đức Thích Chân Giám, khi bình đoạn
này, đã viết: «Phải biết rằng chỗ thủ thắng của kinh này là toàn phá nơi
Thức tâm, mà hiểu rành Căn Tánh, vì dùng theo Thức tâm mà tu, thì dầu
trải qua trần hà sa số kiếp cũng không đặng đạo Bồ Ðề; còn do nơi Căn
Tánh mà vào, thì trong lúc vừa khảy móng tay, cũng vượt lên đặng bậc Vô
Học. Cho nên muốn quyết định thành chánh giác và chứng Niết Bàn, thì cứ
lấy Căn Tính mà làm cái Tâm “nhân địa” rồi sau mới có thể viên thành
được cái Giác ở nơi “quả địa”.»
Thuyết Tam Tài với
Lão giáo

Nhìn sang phía Lão Trang, ta cũng thấy
rằng các Ngài chủ trương trong tâm còn có Ðạo, có Trời Tâm thì ở trong
vòng tương đối, biến thiên, hữu vi, hữu tướng. Ðạo thì tuyệt đối, hàng
cửu, vô vi, vô tướng, bất khả tư nghị. Muốn tu trì, dĩ nhiên là phải xây
căn cơ trên Ðạo, phải hiểu thấu đáo về Ðạo phải siêu lên trên cõi hữu
vi, hữu tướng, nhân vị, nhân tạo, mà đi vào cõi Vô vi, Tuyệt đối.
Chính vì coi Ðạo là căn cốt muôn loài,
nên ngay đầu sách Ðạo Ðức kinh, Lão Tử đã dành một chương nói về Ðạo.
Hóa công hồ dễ đặt tên,
Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.
Không tên, sáng tạo thế gian,
Có tên, là mẹ muôn ngàn thụ sinh.
Tịch nhiên cho thấy uy linh,
Hiển dương cho thấy công trình vân vi,
Hai phương diện, một Hóa Nhi,
Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn
lường,
Ấy là chúng diệu chi môn,
Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền
vi.
Trang Tử, chính vì thấy rằng trong tâm
mình còn có Ðạo, có Trời, có Bản thể bất sinh, bất tử, nên đã nói trong
thiên Tề vật luận, Nam Hoa kinh:
Ta và Trời đất cùng sinh,
Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.
Âm Phù Kinh viết:
Thiên tính Nhân dã,
天 性 人 也
Nhân tâm cơ dã.
人 心 機 也
Lập Thiên chi đạo,
立 天 之 道
Dĩ định nhân dã.
以 定 人 也
Dịch:
Thiên tính là Người,
Nhân tâm là máy.
Lập ra Thiên đạo,
Ðịnh mực phiêu Người.
Trong bài tựa quyển Huyền Diệu Cảnh của
đức Lã Ðộng Tân ta thấy Thiên đạo, Nhân đạo được định nghĩa như sau:
Thế nào là Thiên đạo? Thiên đạo là tu
tính, dưỡng mệnh, vượt tình trạng con người mà hợp với Trời. Thế nào là
Nhân đạo?. Nhân đạo là giữ tròn ngũ luân, ngũ sự (giữ trọn nhân luân)
Tóm lại Ðạo Lão cũng cho rằng con người
có Thiên tính, và đắc đạo là «Hợp Thiên». Theo Ðạo Lão, lúc mới đầu con
người còn mê muội, chưa biết được rằng Ðạo, hay Trời đã ở sẵn trong tâm,
nên phải «tầm sư, học Ðạo», «tầm sư cầu Ðạo». Khi đã chứng Ðạo, sẽ thấy
được rằng Ðạo đã ở sẵn trong lòng mình. Thế là đắc Ðạo, mà Ðắc Ðạo là
Ðắc Thiên. Khi đã biết rằng Ðạo là căn cốt của mình, tự nhiên con người
sẽ trở nên hồn nhiên, tiêu sái. Người xưa khen là có Tiên phong, Ðạo
cốt. Ðối với người Trung Hoa Ðạo là Thiên, là Thần...
Cho nên, khi phiên dịch câu Phúc Âm Thánh
John: «Ðầu trước hết có Ngôi Hai, Ngôi Hai ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Hai
là Thiên Chúa», người Trung Hoa đã viết: «Thái sơ hữu Ðạo, Ðạo dữ Thần
đồng tại, Ðạo tức thị Thần.»
Thuyết Tam Tài với
Hồi giáo

Hồi gláo cũng chủ trương con người có ba
phần. Trong hội nghị tôn giáo tại Lahore, Pakistan, tháng 12, năm 1896,
ông Harzat Ahmad, đại diện chính thức của Hồi giáo đã dùng thuyết Tam
Tài để giải thích và toát lược thánh thư Koran. Ông cho rằng thánh thư
Koran chủ trương con người có 3 bình diện:
- Bình diện vật chất hay Naf-Ammara.
- Bình diện tâm hồn hay Nafs-lawwama.
- Binh diện siêu nhiên hay
Nafs-matmainnah.
Koran cũng xác nhận một, cách khéo léo
rằng:
- Thượng Ðế chẳng hề xa con người.
- Thượng Ðế đã truyền Thần Ngài vào trong
con người.
- Thượng Ðế thực sự đã tràn ngập con người
từ trong ra đến ngoài.
Thuyết Tam Tài với
Công giáo & Tin Lành

Công giáo, xét về phương diện giáo lý
công truyền, thì chỉ chủ trương con người có hai phần: Hồn, Xác.
- Hồn thì thiêng liêng, bất tử; xác thì
tử vong. Khi còn sống, thì hồn, xác kết hợp mật thiết với nhau thành một
con người, và sau này khi tới ngày tận thế và tới ngày phán xét chung,
xác mọi người sẽ sống lại, hợp cùng với hồn để được thưởng hay chịu phạt
đờì đời.
Công đồng Latran IV (1215) và Vatican I
(1869-1870) đã xác định con người chỉ có hai phần; hồn, xác và không
chấp nhận quan niệm Tam Tài về con người của Plato, của phái Gnosticism,
Manicheism, Apollinarianism.
Công đồng chung thứ 8, họp tại
Constantinople (869-870) phi bác lý thuyết cho rằng con người có hai
hồn, và đã xác định con người chỉ có một linh hồn biết nghĩa lý.
Ngược lại, Thánh kinh Công giáo lại chủ
trương thuyết Tam Tài về con người.
Trong quyển Con đường cứu rỗi (Le
chemin du Salut) của Charles Gerber, một tác giả thuộc giáo phái Cơ Ðốc
Phục Lâm, đã cho thấy:
- Chữ Thần được nhắc đến 827 lần trong
Thánh kinh.
- Chữ Hồn được nhắc đến 873 lần trong
Thánh kinh.
Giáo phái chứng nhân của Jehovah, sau khi
lấy Thánh kinh để chứng minh rằng hồn con người thường được chỉ bằng
những danh từ Psyché (Hi Lạp) hay Nephesch (Do Thái), còn lấy Thánh kinh
để chứng minh rằng hồn con người không bất tử, nhất là dựa vào câu
Ezechiel: «Hồn nào phạm tội, sẽ chết.» (Ezechiel, 18:24)
Quyển The Secret Teachings of all ages
(Vạn đại bí chỉ) cũng đã dùng Thánh kinh để chứng minh rằng hồn thì
tử vong, mà Thần thì bất tử.
Vua David, đã nói trong Thi Thiên (Psalm)
82, câu 6: «Ta đã nói: Các người là Thần, và tất cả đều là Con Ðấng Tối
Cao.»
Chúa Giêsu phán trong Phúc Âm Yoan,
chương 4, câu 24: «Thiên Chúa là Thần, nên những kẻ thờ phượng Ngài,
phải thờ phượng bằng Thần, và sự thật.» Ngài lại chủ trương muốn vào
nước Trời, phải được sinh lại bằng Thần, phải có Thần (Yoan, 3:4 -8).
Nói thế có nghĩa là nếu con người mà không có Thần sẽ không thờ phượng
Thiên Chúa một cách chân chính hữu hiệu được; nếu không có Thần không
vào được Nước Trời. Quan niệm Tam Tài về con người đã được thánh Paul
chủ trương hết sức rõ ràng. Trong thánh thư I gửi giáo đoàn
Thessalonica, chương V, câu 23, Ngài viết: «Ước gì toàn thân anh em
Thần, Hồn, Xác được giữ vẹn, không chê trách được, cho tới ngày Chúa
Giêsu Kitô chúng ta đến.» Trong thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, Ngài
viết: «Vì lời Chúa sống động, linh nghiệm, sắc bén hơn bất kỳ gươm hai
lưỡi nào, nó có thể thấu vào tới chỗ phân chia của Hồn và Thần.» (He.
4:12).
Bản Bible de Jerusalem (Bản Thánh kinh
Jerusalem) bình rằng đối với thánh Paul, TÂM phải nhường bước cho THầN,
thì con người mới có thể sống một đời sống thần minh.
Nếu vậy thì chủ trương của thánh Paul có
khác gì chủ trương của Ðạo Lão đâu ! Ðạo Lão Tử xưa đã dạy: «Tâm tử,
Thần hoạt.» (Tâm con người phải chết đi, cho Thần được sống động).
Paul Tillich, một thần học gia Thiên Chúa
Giáo nổi tiếng hoàn cầu hiện nay, đã thuyết giảng một bài làm chấn động
dư luận. Ðó là bài «Chiều kích sâu thẳm của đời sống con người». Bài
giảng đó đã được đăng tải vào trong Tuyển tập của ông nhan đề là The
Shaking of the Foundations, phát hành năm 1949 tại Anh Quốc. Trong
bài này, Tillich đưa ra một nhận định hết sức mới mẻ về Thượng Ðế. Thay
vì chủ trương Thượng Đế là một đấng ngự trên trời cao thẳm, mà mọi người
cố tin là có, ông lại cho rằng Ngài chính là Căn Cơ, Gốc Gác con người.
Ông viết: «Tên gọi của Căn Cơ sâu thẳm
của muôn loài được gọi là Thượng Ðế. Danh từ Thượng Đế chính là để chỉ
chiều kích sâu thẳm đó. Nếu danh từ này chưa có ý nghĩa gì với bạn, bạn
hãy chuyển dịch danh từ đó thành chiều kích sâu thẳm của cuộc đời bạn,
thành nguồn gốc bản thể bạn, điều quan thiết tối hậu của bạn, và là điều
mà bạn chú trọng nhất. Có lẽ, để làm được như vậy, bạn phải quên đi
những gì mà truyền thống đã dạy bạn về Thượng Đế, phải quên ngay đi cả
danh từ Thượng Đế. Vì nếu bạn hiểu đư'ợc rằng Thượng Đế là chiều kích
sâu xa của cuộc đời bạn, bạn đã hiểu được rất nhiều về Thượng Đế. Hiểu
Thượng Đế như vậy, không thể rằng bạn là vô thần hay vô tín ngưỡng. Vì
bạn không thể nghĩ hay nói được rằng: Sự sống không có chiều sâu; sự
sống chỉ là nông cạn, hời hợt; bản thể chỉ là phiến diện, Nếu bạn thực
tình đã thốt ra những câu như trên, thì bạn là kẻ vô thần; bằng không,
thì bạn đâu phải vô thần. Ai hiểu biết được chiều sâu, tức là hiểu biết
Thiên Chúa.»
Giám mục John A. T. Robinson, Giám mục
giáo phận Woolwich tạl Anh quốc, tác giả cuốn sách nhan đề là Honest
to God tả lại rằng khi ông đọc bài giảng trên, ông đã mở mắt ra và
mục kích sự chuyển hóa của truyền thống giáo lý từ chiều cao thành chiều
sâu.
Nhiều môn phái Tin Lành, như
Transcendentalists (T), Anabaptists (A), Quakers (Q), và Liberal
Theology (LT) đều đồng thanh chủ trương Thượng Đế ngự trị trong lòng
chúng sinh và muôn vật.
Emerson (T) cho rằng: «Mặc khải cao siêu
nhất cho thấy rằng Thượng Đế đã ngự sẵn trong lòng mọi ngườ.»
Storch và Munstzer (A) tin rằng đấng
Christ ở trong lòng mọi người... Chẳng những con người có thể kết hợp
với Thượng Đế, lại còn có thể trở nên như Thượng Đế.
Niềm tin cốt cán của Giáo phái Quakers
chính là trong con người đã có Linh Quang Nội Tại (Inner Light), đã có
đấng Christ, đã có Thượng Đế. Chính vì vậy mà họ coi mọi người là anh
em, và cố gắng làm những công cuộc cứu trợ, để làm vơi nỗi khổ của nhân
loại.
Schleieremacher (LT) và phái Thần Học Tự
Do cấp tiến, cũng đồng ý trong tâm có Trời, cho nên tôn giáo đối với họ
chính là sự trực tiếp nhận ra rằng trong Hữu Hạn có Vô Cùng; trong Dị
Biệt, Tạp Thù, có Ðồng Nhất Bất Phân.
Thuyết Tam Tài với
Cao Ðài giáo

Cao Ðài giáo cũng chủ trương trong tâm
con người, còn có Ðạo, có Trời. Ðàn cơ ở Trúc Lâm thiền viện, giờ Tuất,
ngày 20-10-Quí Mão (14-11-1973), có ghi:
Ðạo có gì đâu, Ðạo ấy Trời.
Trời là Tiên, Phật cũng là Người.
Người mà giác ngộ, thành Tiên Phật.
Tiên, Phật vọng tâm cũng xuống đời.
Cuối đàn cơ lại có một đoạn như sau:
Ðạo là chân lý trọn bề,
Ở nơi tâm cảnh, chẳng hề có xa.
Tâm không tham vọng mị tà,
Cảnh dầu có biến, vẫn hòa cùng tâm.
Tâm là thiện ác khởi mầm.
Cũng là chủ tể, vững cầm hồn linh.
Tu tâm trước phải vẹn gìn,
Ðừng cho dục vọng nảy sinh nơi lòng.
Ðể tâm an định sạch trong,
Mới tường lẽ thiệt, tương đồng Thiên
Nhân.
Ðức Cao Ðài, khi sáng lập Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ, đã tuyên bố rõ ràng muốn đem THẦN trả lại cho con người.
Trong bài Thánh Ngôn, ngày 25-02-1926,
đăng tải trong Thánh Ngôn Hợp Tuyển, trang 8, có lời Ðức Cao Ðài phán:
«Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm, từ ngày đạo bị bế. Lập Tam Kỳ
Phổ Ðộ này, Thầy cho Thần hiệp Tinh, Khí, đặng đủ tam bửu, là cơ mầu
nhiệm siêu phàm, nhập thánh.
Từ ngày Ðạo bị bế, thì luật lệ hãy còn
nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên đình mỗi phen đánh tản Thần,
không cho hiệp cùng Tinh, Khí. Thầy đến đặng hoàn nguyên chân Thần cho
các con đắc Ðạo...»
Lời cơ trên kỳ kỳ, ảo ảo, nhưng chung qui
đã xác quyết: Lập ra Ðạo Cao Ðài để hoàn nguyên Chân Thần lại cho con
người. Và nếu con người không được hoàn nguyên Chân Thần thì không sao
thành Tiên, thành Phật được.
Cái nét đặc thù cao diệu nhất của Cao Ðài
chính là Thượng Đế chẳng ở đâu xa mà chính là đã ở sẵn trong lòng con
người, trong trung tâm đầu não con người, mà ta thường gọi là Nê Hoàn
Cung. Trời, hay Thần con người, hay Cao Ðài, hay Thầy, hay Thiên Nhãn đã
ngự trị sẵn nơi đó.
Có vậy ta mới hiểu những câu sau đây:
«Thầy ngự trong lòng mỗi chúng sinh
Chúng sinh giác ngộ, biết tu hành,
Thương yêu mựa tách người khôn dại,
Ðiều độ đừng chia kẻ dữ lành.»
Có hiểu Nhãn, hay Thiên Nhãn chính là
Thầy, là Thượng Ðế ta mới hiểu lời lẽ sau trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
«Con hiểu Thần cư tại Nhãn. Bố trí cho chư đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn
gốc Tiên Phật do yếu nhiệm tại đó.»
Thuyết Tam Tài với
Mật tông, Mật giáo
Ðông phương

Mật tông, mật giáo cho rằng các pháp môn
tu luyện tuy nhiều, nhưng có thể thâu tóm lại thành 3 loại:
Luyện xác (Hatha Yoga)
Luyện tâm (Lana Yoga)
Luyện thần (Raja Yoga)
tương ứng với ba phần xác, hồn, thần trong
con người.
Như vậy các Huyền Môn Tây Tạng, và Mật
Tông Ðông Phương cũng chấp nhận quan niệm Tam Tài về con người.
Thuyết Tam Tài với
Thông Thiên Học

Thông Thiên Học, tuy chia con người thành
7 bình diện chính, 49 bình diện phụ, nhưng vẫn chấp nhận quan niệm Tam
Tài về con người. Trong bài khảo cứu về Thánh ngữ AUM, do ông Fr. Mylne
biên soạn theo tài liệu của ông, Arthur M. Coon, và đã được đăng tải
trong tập san Tìm hiểu Thông Thiên Học, 1965, số Xuân Ất Tị, ta thấy nơi
chú thích 1, trang 62, ghi như sau:
Theo Giáo lý Thông Thiên Học, con người
gồm có:
– CHÂN THẦN hay Ðiểm Linh Quang của Ðức
Thượng Ðế vô cùng tinh anh, ngự trị tại cõi Niết Bàn.
– CHÂN NHÂN hay là Tam Thể Thượng gồm có
Tiên Thể, Thánh Thể, và Thượng Trí, hoạt động ở trong những cõi Niết
Bàn, Bồ Ðề và Thượng Thiên.
– PHÀM NHÂN hay Tam Thể Hạ, gồm hạ trí,
thể vía, và xác thân hoạt động ở những cỏi hạ thiên, trung giới và hồng
trần.
Nhưng theo tôi, cái điều quan trọng của
Thuyết Tam Tài là trong con người, dưới lớp Phàm Ngã, còn có Chân Ngã;
dưới lớp Nhân Tâm, còn có Thượng Đế làm chủ chốt.
Ðiều này cũng chính là niềm tin của Thông
Thiên Học.
Trong Theosophia 3, do Thông Thiên
Học Việt Nam, chi bộ Phụng Sự phát hành, từ trang 13 đến 34, ông Lê
Thiện Duyên, một hội viên Thông Thiên Học, khi giải thích dấu hiệu Thông
Thiên Học đã viết:
«Ấn Tín Salomon, tức là hình ngôi sao sáu
cánh cài lên nhau, chính là biểu tượng:
Thượng Đế và Con người; Thượng Đế nội tâm
(tức là Chân Ngã) và Phàm Ngã.
Chân Ngã và Phàm Ngã, hay nói cách khác,
Thượng Đế và Tâm hồn con người, liên lạc với nhau hết sức là mật thiết,
như hai hình tam giác xuôi, ngược, trong ấn tín Salomon, được cài lên
nhau, hết sức là gắn bó, đến nỗi không thể nào gỡ ra được, rứt ra được.
Tam giác có đầu quay lên, tượng trưng cho
Thượng Đế, hay con người thiêng liêng hay Chân ngã hay Chân Thần.
Tam giác đầu quay xuống tượrng trưng cho
Phàm Ngã.
Như vậy ý nghĩa tổng quát của ấn tín
Salomon, có ý muốn nói rằng hành giả nào muốn tìm đến thập tự Tau, tức
cửa Ðạo, thì điều kiện tiên quyết là phải hợp nhất giữa mình và Thượng
Đế. Ðiều này chỉ có thể đến, khi con người sống thuận theo Thiên Cơ và
đồng thời khi thuận Thiên, tức nhiên nơi con người có sự hòa hợp giữa
Chân Ngã và Phàm Ngã. Trong Phàm Ngã luôn luôn hiện diện tinh thần của
Chân Ngã để nhờ đó, ta soi sáng bước đường hiệp nhất giữa con người và
Thượng Ðế.»
Như vậy tôi đã chứng minh được điều mà tôi
muốn chứng minh. Ðó là đối với Thông Thiên, trong Hồn còn có Thần; trong
Nhân tâm còn có Thượng Đế làm chủ chốt.
Thuyết Tam Tài
trong Văn chương và triết học

Dante, một văn sĩ Ý thời Trung Cổ
(1265-1321), cũng công nhận thuyết Tam Tài về con người. Nền nhân bản
của ông coi vũ trụ là một toàn thể, và con người là nhãn giới tiếp giáp
giữa Thượng Đế và vạn vật, là một thực thể duy nhất, nhưng nối kết với:
– Thế giới vật chất bằng ngũ quan.
– Thế giới tư tưởng bằng tâm tư.
– Thế giới huyền vi bằng Thần.
Averroès (l126- l198), một triết gia Ả Rập
ở Tây Ban Nha, đồng thời cũng là một nhà học giả Hồi giáo trứ danh, đã
từng bình giải các tác phẩm của Aristotle, cũng chủ trương rằng hồn con
người có liên lạc mật thiết với khối óc, và sẽ chết theo khối óc; nhưng,
trong con người còn có Lý, tức là Nguyên căn vĩnh cửu. Tu luyện Lý ấy
con người sẽ có thể kết hợp với Lý Sống Ðộng, với Ðại Trí vĩnh cửu phổ
quát.
Môn phái Valentinian (thành lập vào
khoảng năm 140 do Valentinus ở Alexandria, (cũng cho rằng con người có
thể chia thành ba hạng:
– Phàm phu tục tử, xác đất vật hèn
(Hyliques)
– Con ngườl có nhân cách (Psychiques)
– Con người có tiên cách (Spirituels)
Theo Papus, thì các triết gia huyền học
hiện đại, khoa học huyền bí hiện đại, môn phái thần bí Allen Kardec và
một số môn nhân Rosi-Crucians, cổ giáo Ai cập, mật giáo Kabbalah Do
Thái, Pythagoras, Paracelsus và thánh Paul đều chủ trương thuyết Tam Tài
với con người.
Từ ngữ với Thuyết
Tam Tài

Nhị tổ điều tâm - tranh
Thạch Khác 石 恪 (Ngũ Đại)
Khảo từ ngữ các nước, ta thấy nước nào
cững có những tiếng để chỉ Hồn và Thần và cũng phân biệt Lương Tâm và
Nhân Tâm.
Ta có thể viết:
Thần = Lương Tâm
Hồn = Nhân Tâm
Như vậy, phần Thiên, phần Thần nơi chúng
ta là Lương tâm, phổ quát vĩnh cửu; còn phần Nhân nơi ta là Nhân Tâm,
biến thiên hạn hẹp.
Lương tâm thời phi nhân, phi ngã.
Nhân tâm thời mang sắc thái riêng tư của
mỗi người. Nó là những bộ mặt hóa trang, mà mỗi người đã đeo lên trên
Lương tâm – Chân diện mục – của con người.
Khi ta làm điều gì xấu, thì Lương Tâm oán
trách ta.
Còn Tâm hồn ta thì xấu hổ, phàn nàn, hối
hận.
Tiếng Pháp, tiếng Anh gọi Lương tâm là
Conscience. «Con-» là «cùng», «Science» là «biết», mà đã «cùng biết»,
thì phải là HAI chứ là MỘT làm sao? .
Những cảm nghĩ
của tôi về Xác, Hồn, Thần
Quan niệm Tam Tài về con người giúp tôi
nhìn tỏ về con người. Theo huyền học Kabbalah Do Thái, thì bình diện Tâm
Hồn cũng được gọi là bình diện tinh tú (Astral plane).
Ông Desbarolles, tổ sư khoa xem chỉ tay
Âu Chãu, cũng đã theo truyền thống Kabbalah mà chia con người thành ba
bình diện:
– Bình diện thần minh.
– Bình diện tâm hồn hay bình diện Tinh tú.
– Bình diện vật chất hay bình diện phàm
trần.
Cũng có người lại chia Hồn thành Hồn Nước
(âme liquide); Hồn Khí (âme aérienne).
Tôi vẫn cho hồn là KHÍ. Nhưng nhìn sâu
sắc hơn lại thấy hồn có hai phương diện:
– Hồn Trọc = Phách (cấu tạo bằng trọc
khí). Ðây là sở cư của thất tình lục dục, mà các nền luân lý của các Ðạo
giáo cố công tìm cách kềm chế, chuyển biến.
– Hồn Thanh - Thanh Khí = Hồn (Cấu tạo
bằng thanh khí). Lòng yêu chuộng nghệ thuật cũng từ nơi đây phát sinh.
Dù Hồn là thanh khí, hay trọc khí cũng
vẫn là cái gì hữu hạn, biến thiên, nên nó chính là cơ sở tạo nên cá
nhân, cá tính, tạo nên phân biệt.
Vì hữu hạn, nên bao giờ cũng khao khát,
cũng khắc khoải. Vì biến thiên, nên vẫn ở trong vòng sinh tử, luân hồi.
Vì mang đầy cá nhân, cá tính, nên còn hết sức là ti tiểu.
Á Ðông mỗi khi kể chuyện người chết hiện
hồn về đều mô tả như là một làn sương khói, tuy vẫn thấy hình, nhưng sờ
nắm không còn được nữa. Ðại khái vẫn như là một «làn KHÍ» tụ lại...
Thần, đối với tôi là một Linh Quang. Gọi
là Linh quang vì nó tỏa lan khắp vũ trụ. Nó là một loại ánh sáng vi tế
hơn «vũ trụ tuyến», có thể xuyên thấu mọi sự, chứ không phải thứ ánh
sáng thông thường có tốc độ 300.000 ngàn cây số một giây, mà mắt phàm ta
nhìn thấy được.
Vì tỏa lan khắp nơi, xuyên thấu mọi sự,
nên được gọi là ở khắp nơi, «vô sở bất tại». Vì thế Dịch kinh viết:
«Thần vô phương, nhi Dịch vô sở.» Vì xuyên thấu mọi sự nên có năng lực
vô biên. Vì là Linh Quang nên thông sáng vô cùng tận. Người xưa cho Thần
là thông minh vô cùng, phép tắc vô cùng, ở khắp mọi nơi chính là vì vậy.
Lúc mà THẦN đã thông, không còn bị kẹt
trong sa mù nam châm của khí, của hồn; và trong vòng trọng trọc của vật
chất, xác thân, lúc ấy Thần sẽ vô biên, sẽ khinh khoát, sẽ vĩnh cửu.
Người xưa gọi thế là Giải thoát.
Hiểu Thần, Hồn, Xác như vậy, mới có thể
hiểu nghĩa đích thực của các đạo giáo, và về các vấn đề hữu hạn, vô hạn;
tù túng, giải thoát; biến thiên và hằng cửu.
Thần trong quan niệm Tam Tài của tôi phải
được hiểu là Tuyệt đối thể vô biên vô tận. Nơi đây không còn Thanh và
Sắc... Nơi đây là nơi vắng lặng không hư, chỗ qui tụ, hòa hài của thánh
hiền, Tiên, Phật muôn thủa, muôn nơi... Ðược vậy, chính là vì đây là
«Nơi không Nơi», «không đây, không đó».
Quan niệm Tam Tài về con người đề cao giá
trị của con người. Nó giúp chúng ta thấy rằng tuy các bình diện bên
ngoài, các bình diện xác hồn con người thì biến thiên, sinh tử, nhưng
bình diện căn cốt của con người lại trường sinh, vĩnh cửu.
Mới hay:
Cái tạm bợ bao ngoài vĩnh cửu,
Áo thô sơ che dịu gấm hoa !
Rồi ra vàng ngọc chói lòa,
Trời người hợp nhất, Trung Hòa vô biên.
– Vì con người có Xác, nên mới có Ngũ
Quan để tiếp xúc với ngoại cảnh.
– Vì con người có Hồn, cho nên có thất
tình lục dục, có trí lự để suy tư, để yêu cái này, ghét cái nọ.
– Vì con người có Thần nên có Linh giác,
Linh cảm, Linh Tri, Linh Tính, hay Tuệ giác, để tiếp xúc với Thần Linh,
để khám phá ra những bí nhiệm của Trời đất.
Bên Á Châu cho rằng cái hiểu biết cao
siêu, toàn bích là do Tuệ giác, Linh tri, Linh Giác. Bên Âu Châu thì cho
là do Thượng Đế mặc khải. Càng ngày các bậc thượng trí, thượng nhân
trong thiên hạ đều chủ trương rằng Linh Tri, Linh Giác hay Mặc khải
không phải là hồng ân dành cho một số người nào đặc biệt, cho một thời
đại nào đặc biệt, mà bất kỳ ai, nếu dày công tu luyện, sẽ đạt tới Linh
Giác. Người ta thường cho rằng chỉ có đại thánh, đại hiền mới được diễm
phúc đối thoại với Thượng Đế. Riêng tôi, tôi thấy chúng ta thường xuyên
đối thoại với Thượng Đế, qua tiếng Lương Tâm, mà chúng ta không hề hay
biết...
Các tôn giáo công truyền xưa nay quan
niệm hết sức sơ sài về Thần, Hồn, Xác. Hỏi bản tính Thượng Đế là gì, của
Thần là gì, thì nói là tính thiêng liêng. Hỏi bản tính của hồn là gì
cũng trả lời là tính thiêng liêng. Nhưng nếu hỏi thêm thiêng liêng có
bản chất là gì, chắc là không trả lời được Khi biết mù mờ về con người,
sẽ bế tắc khi nói về trường sinh, và giải thoát, và cũng sẽ rất hồ đồ về
phương pháp tu luyện. Ðối với tôi truy nguyên về bản tính của Thần, Hồn,
Xác là một vấn đề tuyên quyết, một vấn đề căn bản. Chúng ta hãy đi từ
cái thô thiển nhất, trang trọng nhất, để tiến lên dần tới cái khinh
thanh nhất và tế vi nhất.
Xác dĩ nhiên là trọng trọc và thô thiển.
Xác là vật chất hữu hình. Xác gắn liền với ngoại cảnh, với vật chất, với
đất. Xác có ngũ quan để liên lạc với ngoại cảnh. Cỏ cây thảo mộc, cầm
thú đều có sinh, có hủy. Xác con người cũng có sinh, có hủy. Chết đi xác
con người lâu dần sẽ đồng hóa với đất đai. Ai là người mà đã chẳng chứng
kiến cảnh tan rã, hủy hoại của thân xác con người?. Xác như vậy là Ðất,
là Nước.
Hồn con người, xét về bản tính, là KHÍ.
Khảo từ ngữ Nhật Bản, ta thấy có điều lạ lùng này, là chữ Khí trong
tiếng Nhật tương đương với chữ Hồn. Người Nhật rất chú trọng đến phần
KHÍ trong con người, vì nó liên quan đến sức khỏe con người, tâm trạng
con người. Họ cũng cho rằng bầu khí quyển bên ngoài mà biến chuyển, thì
tâm trạng con người cũng biến chuyển.Vì thế khi viết thư từ cho nhau,
bao giờ cũng bàn về thời tiết trước tiên. Ví dụ họ viết: «Ten ki ga ii
desu.» (Khí Trời tốt), «Ten ki ga warui desu.» (Khí trời xấu) Khi muốn
hỏi thăm sức khỏe nhau họ nói: «Ki bun ga ikaga desu ka?» (Khí phận Ngài
hôm nay ra sao?) Tâm trạng vui buồn trong con người, hay dở trong con
người, được coi như là khí khi tốt, khi xấu trong con người.
– Ki bun ga ii desu = Khí phận tốt - Vui =
Sảng khoái - dễ chịu.
– Ki bun ga warui desu = Khí phận xấu =
Bực bội, khó chịu.
Có điều Khí đây là thứ Khí đặc biệt: Ðó
là những «ions» + và «ions» – , nên luôn luôn phát sinh ra một từ lực và
một từ trường. Khi gặp nhau, từ lực, từ trường của mỗi người đan quyện
với từ trường từ lực của mọi người; rồi từ lực, từ trường của mình lại
đan quyện với từ lực từ trường của quần sinh, vũ trụ. Chính vì vậy mà
các đạo giáo Ðông Phương cho rằng con người bị «nhân duyên triền phược»
và con người tự giam hãm mình vào trong những vòng cương tỏa gian trần.
Dịch nói: «Tại thiên thành tượng.» Ở nơi
tâm hồn, ta thấy đầy dẫy những ảnh tượng mà gian trần , mà xã hội đã in
vào. Những ảnh tượng này thường ảnh hướng rất nhiều đến tâm trạng con
người. Và những bão tố trong tâm hồn bên trong cũng y như những bão tố
từ trường nơi vũ trụ bên ngoài. Ý niệm của chúng ta cũng bắt đầu hình
thành ở nơi đây. Âu Châu có nhiều môn phái coi tính chất của hồn tương
đương với tính chất các vì tinh tú, nên gọi thể hồn là ASTRAL (thể tinh
tú).
Nó đề cao giá trị con người, vì cho thấy
Thần con người và Thần Trời đất là Một... Nó chỉ vẽ cho con người con
đường đạo giáo chân thường: đó là đi vào nội tâm mà tìm Ðạo tìm Trời. Nó
lại dạy con người một bí quyết hết sức nhiệm mầu khác là một khi đã đạt
Thần, đạt Ðạo, đạt Thiên, lập tức phải rũ bỏ những gì biến thiên, tử
sinh, hư ảo: đó là vật chất xác thân, đó là nhân tâm, tiểu ngã nếu chẳng
vậy không thể nào thực hiện được khẩu quyết: «Ta và Cha Ta là Một.»
(Yoan 17: 20-21)
Cho nên, tu luyện thời mới đầu là lo cho
thân xác được thoải mái, khoẻ mạnh; rồi lo cho tâm hồn ngày một nên tế
vi, tinh khiết, tỉnh lãng, thanh cao.
Cuối cùng là đạt trạng thái thần linh,
tức là sống một cuộc đờl huyền hóa với trời đất, hồn nhiên, vô vi, vô
dục, khoáng đãng, hư linh bất muội. Thế chính là đạt đạo, đắc đạo, phổ
quát, bất biến, trường tồn, vĩnh cửu.
Thực tế hơn, thì phải nói ta có thể cảm
thấy xác thân, cảm thấy hồn dễ dàng, vì xác thân nằm trong phạm vi giác
quan chúng ta, vì tâm hồn chúng ta có thất tình lục dục, có những thú
thanh cao thuộc về thi ca, nghệ thuật. Nhưng còn Thần, còn Trời nơi ta,
ta nghĩ rằng ta không sao cảm thấy được.
Tuy nhiên, ta vẫn có trong tầm tay ta một
phương tiện để cảm thấy Trời, thấy Thần trờl đất nơi ta. Thực vậy Trời
chẳng ở đâu xa, Trời đã ở ngay trong tâm hồn ta. Trời chính là Lương tâm
chúng ta.
Tâm tư con người hằng giây, hằng phút
biến thiên; Lương tâm con người muôn đời bất biến. Lương tâm con người
vượt tầm không gian, thời gian; đã hiện diện ở nơi con người đầu tiên
trên mặt đất, và sẽ hiện diện y như vậy nơi con người sau chót. Nó mới
chính là Lời Chúa, nó mới chính là Thánh kinh, nó mới không sai lầm, nó
mới vĩnh cửu.
Lương tâm chính là cái gì cao quí nhất,
đẹp đẽ nhất của nhân quần. Sống hoàn toàn thuận theo lương tâm, tức là
sống hoàn toàn thuận theo Thiên Lý, và như vậy sẽ là một vị Thánh, Hiền,
Tiên, Phật ngay từ khi còn ở gian trần này. Phật, Thánh xưa nay chẳng
qua là những hiện thân của Lương tâm, của Thượng Đế...
Pierre Abelard, một triết gia Pháp, thời
trung cổ (1079- 1142) đã nói rằng: «Con người phạm tội là khi nào làm
điều trái nghịch với lương tâm. Cái lề luật thiên nhiên ấy đã có trước
sự mặc khải của các đạo giáo. Trước Moses, con người đã biết sống theo
thiên lý. Socrates và Plato còn có đời sống thánh thiện hơn những người
Công giáo sau này. Người Công giáo, người Do Thái và nhà triết học khi
đàm thoại với nhau đã gặp nhau ở điểm tương đồng này, là lấy lương tâm
làm kim chỉ nam cho luân lý và cho nhân loại...»
Tôi đã dùng thuyết Tam Tài, để nghiên cứu
sự diễn biến của Văn Hóa, của Ðạo giáo và của Lịch sử trên triền thời
gian.
Thời Thượng cổ, nhân loại sống theo chữ
Thiên, và đã tin rằng con người gồm đủ Tam Tài: Thần, Hồn, Xác. Nền đạo
giáo cao siêu nhất của thời đại ấy là Thiên đạo, mà Thiên đạo là luyện
Thần để sống phối hợp vớl Thượng Đế. Ðạo Lão gọi thế là Luyện Thần hoàn
Hư, phục qui Vô Cực.
Không thể nói được là ai đã lập ra Thiên
đạo, vì Thiên đạo từ muôn thủa đã bàng bạc trong vũ trụ, và đã ẩn áo
trong tâm linh con người Thánh, hiền, Tiên, Phật là những người có công
khám phá ra Thiên đạo, và đã thực hiện Thiên đạo. Cho nên đối với tôi,
Thiên đạo là «Ðạo vũ trụ», là «tôn giáo vũ trụ» (cosmic religion). Nó là
của chung của muôn phương, và đã dành sẵn cho những tâm hồn thành khẩn
nhất, đẹp đẽ nhất, hào sảng nhất. Nó có mục đích tối hậu là làm cho con
người trở thành Thần, Phật, chứ không chủ trương van vái, lạy lục Thần,
Phật.
Thời Trung cổ, nhân loại theo quan niệm
«lưỡng nguyên», và chỉ còn tin rằng con người có xác, có hồn. Nên cái
đạo phổ biến nhất của thời ấy là đạo «tu tâm», sống sao cho công bằng,
bác ái. Thời Trung cổ sống theo chữ Nhân. Các Ðạo giáo được sáng lập
phần lớn là trong thời đại này. Chúng là những «Ðạo giáo lịch sử»
(historical religions), nghĩa là có người sáng lập hẳn hoi, có khuôn
phép, lễ nghi hẳn hoi. Tuy nhiên, chúng chỉ dạy rằng con người là con
người. Con người không thể nào trở thành thần minh. Ðạo giáo lập ra cốt
là để ca tụng thần minh, thờ phụng Thần minh, van vái thần minh để cầu
phúc, nhương tai. Chúng có mục đích dạy con người thương yêu nhau, giúp
đỡ lẫn nhau. Thế là đạo giáo đặt trọng tâm đi vào đời, để cải thiện đời,
cải thiện xã hội. Ðạo giáo trong thời đại này, với hai chủ trương chính
yếu là thờ phượng Thần Linh và yêu mến tha nhân, đã trở nên phóng ngoại,
và dần dần đánh mất chiều kích tâm linh. Chủ trương của tôn giáo trong
thời kỳ này là con người không bao giờ có thể nên bằng Thần Linh, không
bao giờ có thể trở thành Thần Linh. Như vậy, con người đã từ chối giá
trị siêu việt của mình, và đành mang lấy thân phận tôi đòi, đối với Thần
Linh. Thật là:
Ra vào theo lũ thanh y,
Dãi dầu tóc rối, da chì quản bao.
(Kiều)
Thời Cận kim, nhân loại chạy theo chủ
nghĩa Duy vật, chỉ tin rằng con ngườl duy có xác. Hồn chỉ là hư danh,
hay phụ tượng không đáng kể. Và cái đạo phổ quát nhất là cái đạo hình
thức bên ngoài; là những công trình khai thác ngoại cảnh. Trào lưu được
sùng thượng là xu phụ xác thân, tiền tài, danh lợi, hưởng thụ khoái lạc
nhãn tiền.
Nhưng theo lẽ Dịch, cái gì cùng cũng sẽ
biến; cái gì «vãng», cũng có lúc «phản». Vì thế nên trong tương lai, ta
có thể tin chắc chắn rằng nhân loại sẽ đi lại ba chặng đường Tam Tài,
nhưng sẽ đi theo chiều ngược, nghĩa là sẽ đi từ Vật đạo, tới Nhân đạo,
rồi cuối cùng sẽ trở về Thiên đạo. Như vậy thuyết Tam Tài cho chúng ta
một cái nhìn toàn bích về vai trò các đạo giáo, và ý nghĩa lịch sử nhân
quần. Quan niệm Tam Tài cho thấy con người có 3 thứ đạo phải theo, phải
giữ.
1. Vì có xác nên con người có Vật đạo. Vật
đạo là lo khai thác ngoại cảnh, thích ứng với ngoại cảnh, để cho xác
thân được no ấm, khỏe mạnh.
2. Vì có hồn, con người phải theo Nhân
đạo. Nhân đạo dạy tu tâm, luyện tính, ăn ở xứng đáng với danh nghĩa con
người, đối đãi với nhau cho vẹn tình, vẹn nghĩa, vẹn niềm kính ái, thủy
chung, cốt sao cho tâm tư an lạc, gia đình đầm ấm, xã hội hòa ái.
3.Vì có Thần, nên con người phải theo
Thiên đạo. Thiên đạo có mục đích tìm ra Chân Thần khuất lấp sau những
bức màn hiện tượng tâm tư dầy đặc, trở thành Thần Linh, siêu xuất sinh
tử. Như trên đã nói, hồn là phần biến thiên trong con người mà đã biến
thiên ắt phải ở trong vòng sinh tử. Thần mới là phần bất biến trong con
người. Mà đã bất biến, mới bất sinh, bất tử.
Mục đích tối hậu của con người là rũ bỏ
cái xống áo biến thiên, sinh tử bên ngoài, để mà thể hiện cái Bản thể
Thần Linh bất tử bên trong.
Nho gia gọi thế là: Khử nhân dục, tồn
Thiên Lý.
Lão Trang gọi thế là: Tâm tử, Thần hoạt.
Bà La Môn gọi thế là: Tat Tvam Asi: Con là
Cái Ðó.
Phật giáo gọi thế là thoát vọng tâm, thể
hiện Chân tâm; siêu sinh tử, nhập Niết Bàn.
Không chấp nhận mình có Thần, vĩnh viễn
không bao giờ vào được Nước Trời. (Yoan, 3:5-6), vĩnh viễn không bao giờ
trở thành Tiên, Phật. Thần trong con người là hạt giống Tiên, Phật,
Thần, Thánh. Không có Thần, dẫu tu muôn đời cũng không thoát được kiếp
người... Ấp trứng gà, làm sao nở ra lại thành chim phượng?.
KẾT LUẬN
Quan niệm Tam Tài, mà tôi đã trình bày như
trên, có một tầm kích hết sức quan trọng,
Nó giúp chúng ta đi sâu vào chiều sâu tâm
hồn, để tìm cho ra Thần Linh vỉnh cửu, tiềm ẩn bên trong. Nó vạch lại
cho chúng ta thấy con đường mà hiền thánh xưa nay đã dùng, để bước vào
cửa Ðạo, cửa Trời.
Nó không phải là một cuộc thăm dò, bàn cãi
suông, mà chính là một công cuộc thăm dò để tìm hiểu về thân thế và định
mệnh con người, với mục đích đem lại một sự biến chuyển nội tâm hoàn
toàn, một sự tái tạo, phục sinh không tiền, khoáng hậu. Nó cũng sẽ làm
đảo lộn quan niệm thông thường về đạo giáo. Thay vì vụ vào những hình
thức thờ phụng, cúng quải, van vái bên ngoài, nó thôi thúc chúng ta
hướng nội, quay về với bản tâm, để tìm cho ra Thần Trời đất, tìm cho ra
Thượng Đế làm căn cốt bên trong. Có vậy mới mong khế hợp nhất như với
Thượng Đế, mới mong giải thoát thật sự.
Xưa có một người hỏi Ðốn Ngộ thiền sư. Thế
nào là Phật?
Thiền sư trả lời: «Gánh nước bán đầu
sông.» Nghĩa là trong ta đã có một dòng sông linh thiêng, vĩnh cửu, đã
có một vị Phật vô biên, mà ta không biết, lại vất vả, chen chúc nhau, đi
cầu Phật ở bên ngoài, cầu Chúa ở bên ngoài; đi mua những thứ nước đục,
mà người ta ngạo nghễ đem bán cho chúng ta với một giá rất đắt, ngay bên
bờ sông tâm linh của chúng ta...
Câu chuyện trên làm ta liên tưởng đến lời
Thiên Chúa, ghi trong Jeremiah 2:13, đã trách dân Do Thái:
«Dân ta lầm lỗi hai đàng,
Bỏ ta suối mát, đào quàng giếng khơi,
Nước thời chẳng thấy tăm hơi,
Giếng dò, giếng nứt, ôi thôi, khốn nàn
!»
Vương Dương Minh xưa cũng có những lời,
những ý tương tự. Tôi mượn ý, mượn lời ông phóng tác thành bài thơ sau:
Sao thắc mắc lo suốt ngày, suốt buổi?
Sao học hành, bàn cãi mãi mà chi?
Bao nghi nan, mâu thuẫn của vấn đề,
Dùng trực giác, phá tan trong chốc lát.
Lòng con người có chỉ nam từ sơ phát,
Trong lòng người đã sẵn đấng muôn
trùng.
Có mọi sự trong kho báu đáy lòng,
Sao ta vẫn ăn xin từng cửa ngõ?
Ước mong bài khảo luận về thuyết Tam Tài
này sẽ giúp quí vị, trong muôn một, tìm ra được Thần Linh nơi tâm khảm,
vượt qua trần hoàn này trong vinh quang, và thực hiện được Bản thể tối
hậu của mình, dữ Thiên đồng nhất.

CHÚ THÍCH
Un penseur
de l'antiquité, Soplocle, je crois, dit: «Quelles que soient les choses
admirables qu'il y ait dans le monde, rien n'est plus admirable que
l'homme.» – Henri Montherlant. Nouvelles littéraires, No 2399 du
17 au 23 Septembre 1973, p. 12.
Mạnh Tử,
Tận tâm chương cú hạ.
Tư tri
nhân, bất khả dĩ bất tri Thiên. (Trung Dung, XX)
«I
recognized the center of the empyrean as a point of intuitive perception
in my heart. Irradiating splendor issued from my nucleus to every part
of the universal structure. Blissful amrita, the nectar of immortality,
pulsed through me with a quicksilvelike fluidity. The creative voice of
God I heard resounding as A um,. the vibration of the Cosmic Motor.
Suddenly the breath returned to my lungs. With the disappointment almost
unbearsble, I realiled that my infinite immensity was lost. Once more I
was limited to the humiliating cage of the body, not easily accomodative
to the Spirit. Like a prodiga child, I had run away from my macrocosmic
home and lmprisoned my self in a narrow microcosm.» – Paramahamsa
Yogananda, Autobiography of a yogi (Los Angeles: Self Realization
Fellowship). pp. l49-l5l, 1946.
Katha Up.
IV, 1-4. 10-11. Cf. A Source Book of Indian Philosophy, p.47.
Chandogya
Up. III,XIV. 1-2, 4. A Source Book of Indian Philosophy, p.65.
Radhakrishnan, East & West, Some Reflections, Harper and
Brothers, Publishers. New York. 1956, p. 22.
Thủ Lăng
Nghiêm, diễn dịch Hán văn ra Việt ngữ và giải thích. Linh Sơn Phật Học
Nghiên Cứu Hội phát hành. q.II, tr. 90.
Ib. tr.
56.
Ib. tr.
69.
Thiên địa
dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất.
Harsat
Ahmad, The philosophies of the teachings of Islam, 1959, p. 19.
But we
created man, and we know what his soul whispers; for we are nigher to
him than his jugular vein! (The Qur’ ân, L. 50)
And when
I have fashloned it, and breathed into it of my spirit... ( The Qur’ân
XV. 30)
He is the
first and the last; and the outer and the inner... ( The Qur’ân, LVII.
30)
L’Esprit
(Ruah en hébreu. Pneuma en Grec, mot qui se rencontre 827 fois dans la
Blile) c'est le souffle de vie qui est communiqué par Dieu... L' âme
(Nephesch en Hébreu, Psuche en Grec, mot mentionné 873 tois dans la
Bible) désigne avant tout la vie individuelle, la vie passagère. Of
Charles Gerbier. Le Chemin du Salut, chapitre: L’Homme est-il
immortel?)
According
to the Scriptures, Spirit is indestructible, but soul is destructible.
Obviously then, they are not synonymous. It is clearly stated that the
soul that sinneth, it shall die; but the Spirit shall return to God who
gave it. Cf. Manly Palmer Hall, The Secret Teachings of all Ages,
p. clv.
Bible de
Jerusalem, p. 1525, note a.
The first
of these in date tor me (though not in composition) was a sermon by Paul
Tillich, which appeared in his collection The Shaking of the
Foundations, publlshed ln England in 1949. lt was called The Depth of
Existence' and it opened my eyes to the transtormation that seemed to
come over so much of the traditional religious symbolism,when it was
transposed from the heights to the depths. God. Tillich was saying, is
not a projection 'out there',an Other beyond the akies, of whose
existence we have to convince ourselves, but the Ground of our very
being.
The name of this infinite and
inexhaustible depth and ground of all being is God. That depth is what
the word God means. And if that word has not much meaning for you,
transiate it, and speak of the depth of our life, of the source of our
being, of your ultimate concern, of what you have taken seriously
without any reservtion. Perhaps, in order to do so,you must forget
evrything traditional that you have learned about God, perhaps even that
word it self. For you know that God means depth, you know much about
him. You cannot call yourself an atheist or unbeliever. For you cannot
think or say: Life has no depth ! Life is shallow. Being itself is
surface only. If you could say this in complete seriousness, you would
be an stheist; but otherwise you are not. He who knows about depth,
knows about God.
John A. T. Robinson, Bishop of Woolwich,
Honest to God, The Westminster Press Philadelphia, 1963. pp. 21.
22.
Emerson
thought that the «highest revelation» was that God was in every
person... (Paul F. Boller, Jr., American Transcendentalism,
1830-1860, G.P. Putnam's sons, New York, Capricorn Books, New York,
1974, p.78.
Storch
spoke of the mystics’ belief in the indwelling of the Christ in man...
Not only could the individual be united with God through; his
suffrerings; he could become as God... ( Jack Gratus, The False
Messiahs, Taplinger Publishing company, New York, 1976. p. 93)
They
spoke of the light Within, or of Christ within, even of God within... In
the world at large, Quaker concern early manifested itself in the
alleviation of suffering and in philanthropic works.
Xem
Ðại Thừa Chơn Giáo, các trang 56, 61. Cao Ðài Giáo Lý, số 74, tháng
Giêng. năm Nhâm Tí, tr.5. Cao Ðài Giáo Lý, Kỷ niệm Rằm tháng hai, Mậu
Ngọ, tr. 20.
Autant
que le Dhyana Yoga est commun à tous les Yogas, on pourrait réduire
cette classification à trois, c'est-à-dire: Hatha Yoga. Lana Yoga et
Raja Yoga. Chacun conduit à la perfection et au contrôle indomptable de
l'un des trois asvects de l'homme: le vremier. celui de l'homme
phvsique; le second, celui de l'homme mental: et le troisième celui de
l'homme spirituel...
Le Yoga, comme un tout unifié, peut être
conidéré comme une méthode efficace et scientifique de développer la
triple nature de l'homme par le moyen de la concentration mentale sur
les diverses fonctions psycho-physiques, les pouvotrs mentaux, et les
forces spirituelles expérimentées par et au moyen de l'organisme humain.
(Le Yoga Tibétain et les Doctrines Secrète, Édité par le Dr W. Y. Evans
Vents, M.A.D. Litt. D.Sc. de Jesus College, Oxford- Traduction francaise
de Marguerite la Fuente, pp. 44-45)
The result, as Dante. a leading scholar puts it, is a humanism that can
accept the Cosmos as a whole and yet see in MAN the horison between God
and Nature, a being utterly one and yet linked by his senses to the
world of matter, by his mind to the world of thoughts and by his spirit
to the world of Mystery. The Cultural Approach to History, p. 210.
II
(Averròes) pensait que l' âmê humaine est étroitement assoclée avec le
cerveau et meurt avec cet organ, mais qu' il existe en l'homme un,
Raison, Principe dotê d' immortalité, en cultivant ce Principe, on peut
s’unir à la Raison Active, à l’Intellect, agent universel et éternnel...
Le Mens;
le corps sidéral; le corps terrestre. C'est toujours le monde divin, le
monde abstrsctif, le monde instinctif. Le corps terrestre, fait de
matière et qui doit nécessairement retourner à la matière, est porté
vers les jouissances de la matière, il cherche à séduire et à corrompre,
par l'attrait des plaisirs sensuels, le Mens deatinê à le dominer et à
le conduire, il a pour auxiliaires les passion, surtout la volupté.
Le corps sidéral est l’intermédiaire entre
l’âme et le corps matériel. II sert de lien entre le coeur, source de la
vie du corps, et le cerveau, siège de la vie, de l’âme.
Le Mens, l’âme. est l’étincelle divine qui
vit en nous: C’est notre guide, notre conscience, notre flambeau,
pendant notre séjour sur la terre...
Desbarolles, Mystères de la main,
p. 27.
Cette âme (âm liquide) est le siège de notre «individualité» présente,
mais elle est destinée à se dissoudre dans le Léthé comme le corps dans
la Terre. L’autre âme, c’est le PNEUMA, le char de l’esprit, ainsi que
l’appelait Platon, le noyau sans cesse grossi de l’immortalité de l’âme,
l’embryon du corps glorieux. Raoul Auclair, Le Livre des Cycles,
p. 143-144.
II n'y a de péché que lorsque l'homme agit contrairement à sa propre
conscience. La loi naturelle précède la révélation surnaturelle (avant
Moise, déjà les hommes ont vécu selon Dieu. Socrate et Platon avaient
plus de foi chrétienne que bien des chrétiens qui ont vécu après eux) et
le Chrétien, le Juif et le philosophe qui discutent dans son dialogue,
se rencontrent sous l'égide de la loi morale et de l'humanité. Paul
Sander, Histoire de la Dialectique, Nagel, p. 67.
Vấn quân
hà sự nhật đồng đồng,
Phíền não trường trung thố dụng công.
Mạc đạo thánh môn vô khẩu quyết,
Lương tri lưỡng tự thị Tham Ðồng.
Nhân nhân tự hữu định bàn châm.
Vạn hóa căn nguyên bản tại tâm.
Khước tiếu tòng tiền điên đảo kiến,
Chi chi diệp diệp ngoại đầu tầm.
Vô thanh vô xú. độc tri thì.
Thử thị Kiền Khôn vạn hữu ki,
Phao khước tự gia vô tận tạng,
Diên môn trì bát, hiện bần nhi.
P. Léon Wieger, Textes Philosophiques,
Imprimerie de Hien Hien,1930, p. 260. |