TƯ TƯỞNG LÃO HỌC &

SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM

Nhân tử Nguyễn Văn Thọ

Xem bài liên quan: Tư tưởng Nho học | Tư tưởng Phật học 

 

 Xưa nay, có rất nhiều người thường cho rằng các đạo giáo Á Đông, các triết thuyết Á Đông hết sức là mơ hồ, huyền ảo. Khảo về các học thuyết Á Đông nhiều người cảm thấy như mình lạc vào một mê đồ trận, hay vào một khu rừng rậm giữa đêm tăm, không còn biết đầu đuôi, phương hướng ra sao. Cho nên muốn khảo sát các đạo giáo Đông phương, ta cần phải nắm vững ít nhiều tư tưởng then chốt của Tam Giáo...

 

1. Đầu tiên có Nhất Thể

Trước hết các đạo giáo Đông Phương đều xác tín rằng có một thực thể tuyệt đối, một Bản Thể duy nhất, uyên nguyên, vô hình vô ảnh, nhưng lại linh động, biến hóa vô cùng. Bản Thể ấy, Lão Giáo gọi là ĐẠO.

ĐẠO vì là Bản Thể của vũ trụ, tuyệt đối, vô biên tế nên không thể dùng danh hiệu để tuyên xưng, không thể dùng ngôn từ để mô tả.

Đạo có 2 thế: Thế tiềm ẩn, và thế hiển dương.

Trước khi sinh ra vũ trụ, Đạo ở thế tiềm ẩn. Sau khi sinh ra vũ trụ, Đạo ở thế hiển dương. Vũ trụ này xét về phương diện Bản Thể thì hư tĩnh, vi diệu; xét về phương diện hình tướng, thì có giới hạn, có hình danh, sắc tướng.

Muốn hiểu rõ vũ trụ, thì phải bao quát cả hai mặt:

― Bản thể (Diệu), Hằng.

― Hình tướng (Khiếu), Biến của nó.

Đạo gia gọi đó là Diệu Khiếu Tề Quan.

Các ý tưởng trên đã được Lão Tử nói lên nơi chương I, Đạo Đức Kinh:

Hóa Công hồ dễ đặt tên,

 Khuôn Thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

 Không tên, sáng tạo thế gian,

 Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.

 Tịch nhiên cho thấy uy linh,

 Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

 Hai phương diện, một hóa nhi,

 Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,

 Đó là Chúng diệu chi môn,

 Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

Đạo khi chưa sinh hóa ra vũ trụ còn được gọi là:

Hư, Hư Vô, Hồng Mông, Hỗn Độn, Hư Không, Đạo, Vô Cực v.v...Hư Vô, Hư Không không phải là Hư Ảo mà là Thực Thể Bất Khả Tư Nghị, vô biên tế của vũ trụ.

Vì thế, Lão Tử nói: Thiên Hạ vạn vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư Vô (ĐĐK, chương 41).

Trang Tử cũng nói: Đầu trước hết có Vô, không hiện hữu, không tên tuổi. (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Thiên Địa). Hai chữ Vô Cực được Lão Tử đề cập nơi chương 28, Đạo Đức Kinh.

Các danh từ Không, hay Hư Vô cũng được các Đạo Gia thường dùng. Sách Xướng Đạo Chân Ngôn viết: Vạn vật bắt đầu từ Không. Thái Cực là Không. Không sinh ra Nhất, Nhất sinh ra Vạn, Vạn trở về Không. Không là Thủy Tổ muôn loài. Học giả cần biết Chân Không, cần phân biệt Linh Không với Ngoan Không. [1]

Xướng Đạo Chân Ngôn còn gọi Hư Vô là Vô Cực, là Đơn, là Đạo, là Bản Thể của Trời Đất. Sách viết: «Đơn là Bản Thể của vạn vật. Đơn là Đạo, Đạo là Bản Thể của Hư Vô. Hư Vô không thể đặt tên, nên Thánh Nhân tạm gọi là Đạo. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn, Vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư.» [2]

Sách viết thêm: «Đạo gia gọi là Hư, Phật gia gọi là Không. Hư Không nghe biết, nhìn biết mọi sự... Cho nên khi một người suy nghĩ, người cùng nhà không hay biết, mà Hư Không vô lượng đã biết, đã hay...Vì thế Nho Gia thận độc, úy không (cẩn thận khi ở một mình, sợ cái Không) [3]

Đạo sinh ra vũ trụ bằng sự hiển dương phóng phát, tức là bằng Đức[4] và cũng bằng sự phân liệt chia phôi.

Bản Thể ấy sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng, hữu hình, hữu tướng này. Đó là thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ.

 

2. Nhất Thể biến vạn thể

Bản thể duy nhất vô sinh, vô diệt, vô thủy vô chung ấy là căn nguyên sinh xuất ra vũ trụ hữu hình, hữu sinh, hữu diệt, hữu thủy, hữu chung này; nó mang muôn ngàn danh hiệu. Dưới đây chỉ đan cử ít nhiều danh hiệu để rọi sáng vào ít nhiều tính cách của Bản Thể uyên nguyên ấy.

 

3. Danh hiệu của Nhất Thể

Bản Thể ấy trước hết được gọi là NHẤT vì cũng như số Một sinh ra mọi con số khác, Bản Thể ấy cũng sinh mọi hiện tượng, mọi sinh linh.

Bản Thể ấy cũng còn được gọi là Trung, vì nó lồng trong mọi hiện tượng, mọi sinh linh, để làm Chân Tâm, làm Khu Nữu, làm Cốt Lõi, nâng đỡ giữ gìn vạn sự, vạn loài.

Trung này vừa vô định tại, vô phương sở, vì bao trùm vũ trụ, vì là bản thể vũ trụ; vừa hữu định tại, hữu phương sở, vì nằm trong lòng sâu muôn loài, muôn vật, từ tinh tú, nhật nguyệt, đến vi tử, vi trần. 

* Phật giáo gọi Bản Thể ấy là:

Tâm Địa vì sinh xuất vạn loài.

Bồ đề vì đó là sở đắc của chư Phật.

Pháp Giới vì dung nhiếp vạn tượng.

Niết Bàn vì tịch nhiên thường lạc.

Bất lậu vì không tì ố, bợn nhơ.

Chân Như vì vô vọng, bất biến.

Phật Tính vì siêu xuất thị phi

Viên giác vì phá sạch quần mê.

Như Lai vì hàm nhiếp vạn linh.

Mật nghiêm quốc vì siêu việt, huyền bí.

Bản Lai diện mục vì là bộ mặt thật của con người muôn thủa.

Kim Cương vì là Bản Thể bất diệt, trường tồn, vĩnh cửu nơi con người. 

* Lão giáo gọi Bản Thể đó là:

Đạo vì là đường đi, nước bước của nhân quần.

Tạo hóa chi nguyên vì là căn cơ sinh hóa.

Tiên thiên chủ nhân vì sẽ tạo dựng ra trời đất, vạn hữu,

Vạn tượng chủ tể vì sinh xuất mọi hiện tượng.

Huyền tẫn chi môn vì bao quát âm Dương (Huyền = Dương; Tẫn = âm).

Tổ Khiếu vì là nơi phát xuất muôn loài.

Cốc Thần vì ở sẵn ngay trong đầu não con người.

Chân Nhất Xứ vì Bản Thể ấy duy nhất.

Trung hoàng cung vì là Tâm điểm vạn hữu.

Mậu Kỷ môn vì là Tâm Điểm vạn hữu.

Chân Thoå vì là Tâm Điểm vạn hữu.

Huỳnh đình vì là Tâm Điểm vạn hữu.

Qui Trung vì là tâm điểm vạn hữu.

Ngưng kết chi sơû vì có Đắc Nhất thì luyện đơn mới thành.

Qui căn khiếu, Phục Mệnh quan vì đó là cùng đích muôn loài.

Huyền quan Khiếu vì là cửa sinh xuất muôn loài v.v...

* Khổng giáo gọi Bản Thể đó là:

Vô Cực. Thái Cực. Nhất. Trung

Và Dịch Kinh cũng chỉ triển khai mấy quan niệm đó... 

Nhất Thể đó khi thì được đạo Lão coi như là Vô Ngã và được hài danh bằng những danh từ như Đạo, Hư Vô, Hư, Vô, Vô Cực, Đơn, Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Hòa Nguyên Khí, Hạo Thiên chi khí v. v... Lão Tử, Trang Tử theo chủ trương này.

Đó cũng chính là chủ trương của Phật, của các đại hiền triết Hy lạp cổ thời như Pythagoras, Héraclitus, Parmenides, Plato, Anaximander v. v...

Đó là quan niệm Nhất Nguyên Vô Ngã theo danh từ Triết Học ngày nay.

Cũng Nhất Thể ấy, khi thì được đạo Lão coi như là Hữu Ngã và được gọi là Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Đó là Quan niệm Nhất Nguyên Hữu Ngã tương đương với quan niệm Đại Nhật Như Lai trong Phật Giáo, và Thượng Đế trong các đạo giáo.

Đạo Lão có khi còn dung thông 2 quan niệm trên làm một và gọi Bản Thể vũ trụ là Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Thượng Lão Quân.

 

4. Tâm điểm và vòng tròn

Nó tượng trưng cho Nhất Thể vạn thù. Quan niệm Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, Nhất thể tán vạn thù, vạn thù qui Nhất Thể còn được Dịch Kinh và các đạo gia, đạo sĩ xưa biểu hiệu tượng trưng bằng Tâm Điểm và Vòng Tròn.

Tâm điểm tượng trưng cho Bản Thể, căn nguyên, gốc gác, cùng đích muôn loài.

Vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho hiện tượng, cho luân lưu biến hóa. Trong quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh, do Tử Hà, Hàm Hư Tử chú, nơi tr. 4a, có một câu hết sức ý vị:

Nhất Thần chính vị nhi trung lập,

Vạn Thần triều củng nhi hoàn trần.

Huỳnh Đình chi thể dụng bị hĩ.

Nghĩa là:

  Một Thần chính vị nơi Trung Điểm,

Vạn thần chầu chực thành vòng quanh

Thể và dụng của Huỳnh Đình đầy đủ trong hai câu đó.

 

5. Nhất thể, vạn thù ở hai thế giới đối đỉnh

Từ hình vẽ TÂM ĐIỂM và vòng tròn chúng ta dễ dàng suy diễn ra được rằng: Vũ trụ này gồm có hai phần:

a.- Một thế giới của Bản Thể, của Thực Thể, lý tưởng siêu việt, thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, vĩnh cửu trường tồn. Đó là thế giới khinh thanh, bao la, tiềm ẩn, đồng đẳng, vô phân biệt. Đó là Chân Như Môn theo danh từ Phật Giáo, đó là Vô Vi, là Diệu, theo danh từ Lão Giáo, là Thể theo Nho Giáo.

b.- Một thế giới của hiện tượng, của giác quan, của thiên nhiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, những gì chất chưởng, những gì hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Ở nơi con người nó bao quát hết cả tâm tư, trí não giác quan, hình hài ta, tóm lại tất cả cái gì là vọng tâm, vọng ngã, cái gì là Tứ Đại Giả hợp, theo Phật giáo. Đó cũng chính là Sinh Diệt Môn theo danh từ Phật giáo, là Hữu Vi, là Khiếu theo danh từ Lão giáo, là Dụng theo Khổng giáo.

Phàm nhân thì sống phù phiếm, lênh đênh chìm nổi trên cái thế giới hiện tượng ấy, chỉ biết những gì là sắc tướng, chỉ thích những gì là phù hoa, chỉ mê những gì là hào nhoáng bên ngoài; lạc lõng trong muôn ngàn sai biệt; bị ngoại cảnh chi phối, thất tình lục dục đẩy đưa, từ ngữ tư tưởng ám nhãn, manh tâm, thu hẹp con người vô hạn của mình vào trong gông cùm của không gian thời gian, hình hài sắc tướng hữu hạn.

Thánh nhân trái lại đã xuyên qua được bức màn hiện tượng ấy để vào thế giới chân tâm, vô biên vĩnh cửu, thế giới bản thể vĩnh cửu, trường tồn: xuyên qua được tâm thức, để vào tới cõi Hư Vô, Chân thể, đồng đẳng với Thái Hư.

Chính vì thế mà sách Tham Đồng Khế có câu:

Chân nhân tiềm thâm uyên,

Phù du thủ qui trung

 Tạm dịch:

Chân nhân sống rất thâm trầm,

Phởn phơ khinh khoát, ôm cầm Khuôn thiêng.

 (Lý Lạc Cầu, Tiên Học diệu tuyển, tr. 86)

Tính Mệnh Khuê Chỉ có câu:

Ly chủng chủng biên,

Doãn chấp quyết trung

 Tạm dịch:

Lìa xa hết mọi vòng ngoài,

Trung Tâm giữ vững chẳng rời tấc gang.

 

6. Nhất thể vạn thù với hai chiều thuận nghịch.

Tâm điểm và vòng tròn còn giúp ta nhìn được hai chiều thuận nghịch, biến hóa của trời đất và của con người.

Ở nơi trời đất, thì chiều đi từ Bản Thể đi ra hiện tượng, đi từ Vô đến Hữu, chiều từ Tâm ra Biên, chiều từ Nhất sinh Vạn, là chiều Thuận, là chiều sinh hóa ra Vạn Hữu.

Đó là chiều Ly Tâm và đồng thời cũng là chiều đi xuống, chiều thoái hóa, từ Khinh Thanh ra dần, xuống dần đến Trọng Trọc, từ Phác Giản ra dần, xuống dần đến Tần Phiền.

Ở nơi con người, thì chiều Thuận chính là chiều Ly Tâm, là chiều Phóng Ngoại, Hướng Ngoại, từ Thần ra dần đến Tâm Tư, Ý Thức, Hình Hài, Ngoại Cảnh.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ thì ở nơi con người chiều Thuận sẽ được phác họa như sau:

TÍNH TÂM Ý TÌNH VỌNG (MÊ VỌNG).

(Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh tr. 8)

Ở nơi trời đất thì chiều biến hóa từ Biên trở về Tâm Điểm, chiều từ Vạn qui hoàn về Nhất, là Chiều Nghịch, là chiều Thăng Hoa sinh Thánh sinh Thần. Đó là chiều Đi Vào, Chiều Hướng Tâm, đồng thời cũng là Chiều Đi Lên, Chiều Tiến Hóa từ Trọng Trọc trở lại dần tới Khinh Thanh, từ Tần Phiền trở lần về tới Phác Giản.

Ở nơi con người thì Chiều Nghịch đó chính là Chiều Hướng Tâm, là Chiều Hồi Hướng, là Chiều Hướng Nội, chiều từ Hình Hài quay về với Thiên Tính, với Thần Linh, với Đạo Tâm, Chân Tâm nội tại.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ, thì ở nơi con người, chiều Nghịch sẽ được phác họa như sau:

VỌNG (MÊ VỌNG) ➔ TÌNH ➔ Ý ➔ TÂM ➔ TÍNH.

(Tính Mệnh Khuê Chỉ, Thuận Nghịch Tam Quan Đồ, q. Nguyên tr. 13a).

Chiều Nghịch này mới là chiều quan trọng.

Cuối cùng, mọi sự lại trở lại Hư Vô.

Vòng tuần hoàn, biến dịch của vũ trụ, được Trang Tử toát lược bằng một câu: «Vạn vật giai xuất ư cơ, giai nhập ư cơ.» Vạn vật đều xuất ở Cơ ra, rồi lại đều trở về Cơ. (Nam Hoa Kinh, Chí Lạc).

Đạo Đức Kinh viết: Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh, phục mệnh viết thường. (ĐĐK, chương XVI).

Dịch:

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.

 Ở nơi vòng DỊCH, thì chiều Thuận là chiều Quan Nguyệt Quật theo từ ngữ của Thiệu Khang Tiết, từ quẻ CẤU đến quẻ KHÔN.

Còn chiều Nghịch là chiều Kiến Thiên Căn theo Thiệu Khang Tiết, từ quẻ PHỤC đến quẻ KIỀN, rồi vào TRUNG CUNG THÁI CỰC. Thế là Quân tử HOÀNG TRUNG THÔNG LÝ, CHÍNH VỊ CƯ THỂ.

Dịch chủ trương Chiều Nghịch mới là chiều quan trọng, và Thánh Hiền xưa đã định nghĩa Dịch là Nghịch số. (Dịch Kinh, Thuyết quái, chương 3)

Liệt Tử viết trong Xung Hư Chân Kinh:

Hình thanh, vị, sắc đều do Vô Vi mà sinh ra.

Hình, thanh, vị, sắc khi còn, khi mất, khi có, khi không. Vô vi không bao giờ có cùng.

Hình, thanh, vị, sắc hình hiện ra bên ngoài, mà Vô Vi thì không bao giờ hình hiện.

Tất cả hình, thanh, sắc, tướng đều là chức năng của Vô Vi.

Vô Vi có thể Âm, có thể Dương, có thể mềm, có thể cứng, có thể vắn, có thể dài, có thể tròn, có thể vuông, có thể làm cho sống, có thể khiến cho chết, có thể nóng, có thể lạnh, có thể nổi, có thể chìm, có thể là Cung, có thể là Thương, có thể ẩn, có thể hiện, có thể đen, có thể vàng, có thể ngọt, có thể đắng, có thể tanh, có thể thơm. Tưởng không biết, không hay, mà cái gì cũng biết, cũng hay.

Liệt Tử còn viết: Xưa Thánh Nhân lấy Âm Dương bao quát trời đất, mà hữu hình thời sinh ra từ vô hình, nên trời đất dần dà mới có. Cho nên nói: Có Thái Dịch, có Thái Sơ, có Thái Thủy, có Thái Tố.

Thái Dịch là giai đoạn chưa có Khí.

Thái Sơ là giai đoạn Khí bắt đầu có.

Thái Thủy là giai đoạn Hình bắt đầu có.

Thái Tố là giai đoạn Chất bắt đầu có.

Khí, Hình, Chất có đủ, nhưng chưa chia lìa nhau. Cho nên gọi là Hồn Luân. Hồn Luân là khi vạn vật còn trà trộn, chưa phân ly... Nhìn không thấy, nghe không ra, theo không được nên gọi là Dịch. Dịch không giới hạn, không bến bờ. Dịch biến thành Nhất, Nhất biến thành Thất, Thất biến thành Cửu. Cửu là biến hóa đến cùng cực. Thế rồi lại trở về Nhất.[5]

Sách Linh Bảo Tất Pháp có một đoạn tương tự như vậy, mà tôi đã chuyển thành thơ như sau:

Tự Đạo phân chia số mới thành,

Ngũ Hành hình tượng: Đạo nha manh.

Năm phương vũ trụ: Thần phân liệt,

Chất sắc năm màu: đạo tán sinh.

Số từ Vô Số xuất sinh,

 Trở về Vô Số mới thành vãng lai.

Tượng từ Vô Tượng an bài,

Trở về Vô Tướng trong ngoài ấm êm.

Vị hoàn Vô Vị mới nên,

Chất hoàn Vô Chất, tinh tuyền trước sau.

Chớ chia Đạo Thể nhiệm màu,

Số kia bám víu vào đâu sinh thành.

Muốn trừ cho hết tượng hình,

Ngừng cơ biến hóa, mối manh tiêu liền.

Vị ngôi muốn hết dưới trên,

Thời đừng phân biệt bản nguyên làm gì.

Đạo không phát tán, chia ly,

Thời thôi vật chất biến đi từ đời.

Đạo là Vô Số, Vô Ngôi,

Vô Hình, Vô Chất, chia phôi nhẽ nào.

Đạo Trời vi diệu biết bao... [6]

7. Con đường trở về Nhất Thể phải là con đường qui tâm hướng nội

Hiểu được hai chiều tiến hóa ngược xuôi ấy, ta sẽ thấy ngay:

*Đi ra Ngoại Cảnh là đi Ra Đời... Bất kể ngoại cảnh ấy là đền đài miếu mạo, Thần Phật hay chi chi nữa.

*Đi vào nội Tâm mới là đi Vào Đạo.

 Có vậy, ta mới hiểu lời lẽ sau đây của Tính Mệnh Khuê Chỉ:

Muốn thoát Luân Hồi, phải thể hợp với Chí Đạo, muốn thể hợp với Chí Đạo, tất phải quán chiếu bản tâm, muốn quán chiếu bản tâm, tất phải nhắm mắt hồi quang, nhìn vào hư không, đem ánh sáng Tuệ Quang chiếu diệu vào nơi Thất Tình chưa nhen nhúm, nơi mà Bản Thể chưa bị Bát Thức làm ô nhiễm; ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư Vọng, hợp Nhãn quang, ngưng Nhĩ vận, điều Tị tức, khóa Thiệt khí, tứ chi bất động, để cho Ngũ Thức của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân quay trở về gốc gác, như vậy tinh, thần, hồn, phách, ý sẽ an vị: suất cả 12 giờ trong ngày, mắt luôn nội quan quán chiếu nhìn vào Khiếu ấy, tai trở ngược lại lắng nghe Khiếu ấy, đầu lưỡi thường phong bế Khiếu ấy, vận dụng, thi vi, niệm niệm không rời khỏi Khiếu ấy... Khiếu ấy chính là Bản Thể Thần Linh của con người.

Đó là Bản Thể tuyệt đối mà chúng ta đã đề cập tới trong suốt cả chương này.

Thái Thượng nói: Ta từ vô lượng kiếp quan tâm đắc đạo, và tới được Hư Vô. (Thái Thượng viết: Ngô tòng vô lượng kiếp, quan tâm đắc đạo nãi chí Hư Vô.) (Tính Mệnh Khuê Chỉ, Hanh, tr. 3a).

Hiểu được Bản Thể là hiểu được Căn Nguyên, Cùng Đích vũ trụ và con người.

Hiểu được hai chiều Thuận, Nghịch nói trên là hiểu được nhẽ biến dịch tuần hoàn của vũ trụ, vạn hữu và của con người.

8. Chung qui, Hiểu chữ Nhất là hiểu được tinh hoa đạo giáo Á Đông nói chung, Lão Giáo nói riêng

Dù đứng trên lập trường Vô Ngã hay Hữu Ngã mà nhìn vào Nhất Thể, dù gọi Nhất Thể đó là Khí, là Thể, là Thần, là Lão, là Thiên, thì khái niệm cơ bản vẫn là:

Nhất thể đó linh minh, huyền diệu, có khả năng sinh xuất biến hóa ra vạn sự vạn hình.

Nhất Thể đó có thể hóa thành Tam Thể, Vạn Thể.

Nhất Khí đó có thể hóa thành Tam Khí, Vạn Khí.

Nhất Thần đó có thể hóa thành Tam Thần, Vạn Thần.

Nhất Lão đó có thể hóa thành Tam Lão, Vạn Lão.

Nhất Thiên đó có thể hóa thành Tam Thiên, Vạn Thiên.

Thế tức là hiểu Lẽ Một, sẽ hiểu được Căn Cơ, Gốc Gác của muôn loài, muôn vật, và có thể đi đến một kết luận hết sức triết học và khoa học sau đây: «Thiên, Địa, Nhân, Vật Nhất Tính, Đồng Thể.» (Tính Mệnh Khuê Chỉ, Nguyên, tr. 6a)

Suy ngược lại sẽ có:

Nếu Nhất Thần hóa Chúng Thần, thì Chúng Thần sẽ qui Nhất Thần; Nhất khí hóa Vạn Khí thì Vạn Khí cũng qui Nhất Khí.

Nếu trong con người có Chúng Thần, thì cũng có Nguyên Thần, có Nhất Thần.

Nếu trong con người có Vạn Khí, Ngũ Khí, Tam Khí, thì ắøt cũng có Chân Nguyên Nhất Khí hay Nguyên Khí.

Vì hiểu lẽ Một cho nên người đạo sĩ:

Chọn cái Tinh Hoa, bỏ cái Bác Tạp.

Chọn cái Giản dị, bỏ cái Tần Phiền.

Chọn Chân Tâm mà bỏ Thất Tình, Lục dục, Tam Thi, Tứ Đại, Âm Dương đối đãi.

Vì hiểu lẽ Một cho nên người đạo sĩ biết mình là Tiên Thiên Nhất Khí hóa thân, nghĩa là có đồng bản tính với Thượng Thần trong trời đất.

Vì biết lẽ Một cho nên hiểu rằng Chân Thần trong mình và Chân Thần trời đất là Một. Mình đây chẳng qua là Hóa Thân của Chân Thần đó mà mình chẳng hay.

Họa sĩ Wyzewa đã viết từ năm 1893:

Cái mà ta gọi là Thực Tại chẳng qua chỉ là hình ảnh của Bản Thể thầm kín nơi ta, phóng phát ra hư cảnh bên ngoài mà thôi. [7]

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

Vì thế nói: Thánh Nhân tẩy rửa tâm hồn, trở về náu ẩn trong nơi thầm kín. Trong đó vốn đã có Bản Thể uyên nguyên cùng với Thái Hư hỗn thành nhất khối. Vì thế nói: Thánh Nhân đồng thể với Thái Hư. [8]

Lão Giáo vì thế chủ trương Thủ Trung Bão Nhất, giữ Trung ôm Nhất.

Khổng giáo vì thế chủ trương: Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi, Đạo ta dùng chữ Nhất bao quát tất cả.

Tính Mệnh Khuê Chỉ có chép: «Khi Hoàng Đế lên núi Nga Mi, gặp Thiên Chân Hoàng Nhân ở Ngọc Đường và hỏi về cái đạo Chân Nhân. Hoàng Nhân đáp: Đó là cái đạo quí trọng nhất của Đạo Gia. Kinh của Đạo này, Thượng đế giấu trong 5 thành núi Côn Lôn (đầu não con người), cất trong hòm ngọc ( Trong sọ người), viết vào thẻ vàng, phong bằng bùn tím (Nê Hoàn), đóng ấn bằng chữ Trung (Trung Tâm đầu não con người).

Nhất đó ở Thái Uyên Bắc Cực (đầu), trước có Minh Đường (Trán), sau có Ngọc Trẩm (ót), trên là Hoa Cái (Đỉnh Đầu), dưới là Giáng Cung...» [9]

Với những lời lẽ mập mờ đó, Ta thấy ngay rằng Hoàng Nhân đã muốn nói như sau:

Muốn tìm Trời, tìm Đạo, tìm Nhất, tìm Trung, phải tìm nơi Trung Điểm đầu não con người.

Trước đó vài dòng Tính Mệnh Khuê Chỉ đã khéo léo đề cập tới Nê Hoàn Cung và trích dẫn Kinh Huỳnh Đình:

Nê Hoàn Cửu Chân giai hữu phòng,

Phương Viên Nhất Thốn xứ thử trung.

Đồng phục tử y, phi la thường,

Đãn tư nhất bộ thọ vô cùng.

Dịch:

Nê Hoàn Cửu Chân đều có phòng,

Vuông Tròn Một Tấc tại Não Trung.

Áo tía, quần là đều rỡ ràng,

Tâm tồn Cửu Chân, thọ vô cương.

(Huỳnh Đình Kinh chương 7 và Tính Mệnh Khuê Chỉ q. Lợi tr. 9a).

 

Nhập Dược Kính viết:

Nê Hoàn nhất khiếu đạt Thiên Môn,

Trực thượng Hư Hoàng Ngọc Đế Tôn.

Thử thị Chân Nhân lai vãng lộ,

Thời thời khóa hạc, khứ triều nguyên.

(Nhập Dược Kính, tr. 10b)

Nê Hoàn một khiếu thấu cửa Trời,

Ngọc Hoàng Thượng Đế ấy tòa ngôi.

Thánh hiền lui tới, duy đường ấy,

Cưỡi hạc băng chừng thẳng tới nơi.

 

Viết đến đây, tôi liên tưởng đến lời chú của Phật Giáo Tây Tạng: Um Mani Padme Hum, ôi Ngọc Châu Viên Giác nằm tại Liên Hoa Tâm, mà Liên Hoa Tâm theo lời bình giải của các đạo sư Tây Tạng, thì chính là Trung Tâm Đầu Não con người.

 

Tôi mở đầu đoạn này bằng Bản Thể Uyên Nguyên của vũ trụ và của con người, kế đến bàn về hai chữ Trung và chữ Nhất, cuối cùng kết thúc bằng chữ Nhất và đem chữ Nhất ấy vào Trung Tâm Đầu Não con người, vào Nê hoàn Cung, nơi mà từ vô lượng kiếp Đức Thái Thượng đã dạy đạo cho chúng ta, đúng như lời kinh Huỳnh Đình: Thị tích Thái Thượng cáo ngã giaû... (Huỳnh đình Kinh chương 17), thiết tưởng cũng đã phát quang được gai góc và để lộ ra con đường Đại Đạo...

 

VŨ TRỤ THÁM VI (TÌM HIỂU HUYỀN CƠ VŨ TRỤ)

Người xưa chỉ dùng Thần (tuệ giác = illumination, intuition), Trí (raisonnement), Giác quan để quan sát, suy tư và trực giác về vũ trụ, để tìm cho ra những điều vi ẩn của vũ trụ.

Lão giáo cũng như các Đạo khác ở Đông Phương xác tín rằng có một Thượng Đế Tuyệt Đối, một Bản Thể Duy Nhất, uyên nguyên, vô hình, vô ảnh, nhưng lại linh động, biến hoá vô cùng, đã sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng hữu hình, hữu tướng này. Đó là Thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể.

Bản Thể vô sinh, vô diệt, vô thuỷ, vô chung này, đạo Lão đã hài danh bằng nhiều danh hiệu, đại khái là:

 

a. Khi chưa có Trời Đất, thì Đạo hay Bản Thể tuyệt đối còn ở trong thế tiềm ẩn, chưa hiển dương, nên được gọi bằng những danh từ như: Hư Vô, Hư Không, Hồng Mông, Hỗn Độn, Vô Cực, Vô Vi, hoặc được tượng trưng bằng con số 1, hay bằng vòng tròn không có tâm điểm. Tất cả đều nói lên sự viên dung, toàn mãn, hoàn hảo, đồng đẳng tuyệt đối, không tịch tuyệt đối, hư tĩnh tuyệt đối.

b. Khi bắt đầu hiển dương, thì gọi là Đạo, là Thái Cực, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần, là Huyền Quan Khiếu, hay Huyền Tẫn chi môn, là 5, là 15, và được tượng trưng bằng vòng tròn có chấm ở giữa, hay bằng đồ hình Thái Cực mà ta vẫn thường thấy.

 

c. Khi đã có Trời đất, thì Bản Thể ấy tiềm ẩn dưới các lớp lang hiện tượng, và được gọi là Trung, là Đạo, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần v.v... hay được tượng trưng bằng vòng Dịch với:

- Thái Cực ở giữa, tượng trưng cho Bản Thể duy nhất.

- Các hào quải bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu, vạn tượng luân lưu biến hoá.

Ta vẽ lại, trình bày lại 3 quan điểm trên thành sơ đồ sau:

 

 Tiên Thiên (Chưa hiển dương): Đạo, Nhất, Hỗn Độn, Hư Vô, Hồng Mông, Thường, Hằng, Căn Nguyên, Vô vi, Tiên Thiên, Trường Sinh Bất tử.

Thuỷ Chung.  Tổ Khiếu. Đạo, Thái Cực, Huyền Tẫn, Huyền Quan, Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan.    

 Hậu Thiên (Đã hiển dương): Vạn Hữu, Vạn Tượng, Dị Biệt, Tạp Thù, Biến thiên, Ảo hoá, Lưu Mạt, Hũu Vi, Hậu Thiên, Sinh Diệt, Phù Sinh. 

 Nhờ những đồ hình và những quan niệm khái quát trên, ta hiểu được một điều rất trọng đại này là:

 Vũ Trụ hữu hình này sở dĩ có là do sự phóng phát, tán phân của một thực thể duy nhất.

 Thuyết Phóng Phát của hiền, thánh muôn phương khác với Thuyết Tạo Dựng của các Đạo Giáo Công Truyền Tây Phương (Công Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo) như sau: 

Thuyết Phóng Phát (Emanation)

1. Vũ Trụ Hữu Hình này là những phân thể của một Toàn Thể.

2. Vạn hữu đồng căn, dị dạng, nhất thể vạn thù.

3. Thượng Đế tiềm ẩn trong lòng sâu vạn hữu (Immanent)

4. Chung cuộc là Hoà Hài, Hợp Nhất, Siêu Thăng, Hoà Giải.

5. Lịch sử vũ trụ chuyển hoá 2 chiều, vãng lai, thuận nghịch, phản phục, thành một chu kỳ.   

Thuyết Sáng Tạo (Creationism).

1.  Vũ trụ Hữu Hình này là do quyền năng của Thượng Đế sáng tạo từ không.

2. Vạn hữu nhất nhất đều có bản thể riêng biệt.

3. Thượng Đế siêu việt, tách rời khỏi vạn hữu. (Transcendent).

4. Chung cuộc là Tan vỡ, kinh hoàng, là Tận Thế.

5. Lịch sử vũ trụ và con người chuyển biến một chiều, theo đường thẳng.

 Dựa vào Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của Lão Giáo, ta suy ra: 

1. Vạn Hữu đồng căn, dị mạt. Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. [10](Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a).

Người xưa cũng nói:

Thiên, Nhân nhất Lý.

Ngã Vật đồng nguyên 

2.Vạn vật hữu hình biến hoá có chu kỳ, theo 2 chiều tán tụ.

 -Chiều Tán:

Chiều phân hoá, giáng bản, qui mạt (Đi từ gốc tới ngọn).

Chiều giáng (từ Căn Nguyên Thái Cực xuống vạn vật, quần sinh, hào quái), chiều đi ra (từ nội tâm ra ngoại cảnh), chiều thuận (thuận theo dòng đời, thuận theo dục vọng), chiều ly tâm (từ hợp nhất ra phát tán chi ly.

 - Chiều Tụ:

Chiều hoà hợp, qui nguyên, phản bản, thăng, lai, nghịch, hướng tâm.

Hai chiều biến hoá thuận nghịch nói trên là 2 chiều biến hoá từ vô tướng ra hữu tướng, rồi lại từ hữu tướng trở về vô tướng.

Đạo đức Kinh Kinh Dịch đều đề cao chiều Nghịch hay chiều Phục.

Dịch Kinh viết: Số vãng giả thuận, tri lai giả nghịch. Thị cố Dịch nghịch số dã. (Dịch kinh, Thuyết quái, chương 3, tiết 2)

 Dịch:

 Tìm ra quá vãng là thường,

 Tương lai tiên đoán tỏ ràng mới cao.

 Dịch kinh có số ngược chiều,

 Ngược chiều thời thế khinh phiêu về nguồn.

Đạo Đức Kinh nơi chương 16 viết: «Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, phục mệnh viết trường.»

Dịch:

 Muôn loài sinh hoá đa đoan,

 Rồi ta cũng phải lai hoàn bản nguyên,

 Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,

 Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.

Chương 29 viết: «Thường đức bất thắc, phục qui ư vô cực.»

Chương 14 viết: «Phục qui ư vô cực.»

3. Vạn hữu vì là sự hiển dương của Đạo, của Bản Thể tuyệt đối, nên rất có giá trị.

4. Vạn hữu vì là phân thể của một đại thể, nên không có vật nào, người nào toàn mãn, mà phải dựa vào nhau, cái nọ bổ sung lẫn cái kia.

5. Mọi sự thay đổi trong vũ trụ đều có ảnh hưởng chẳng ít, thì nhiều, đến chung quanh.

 Liệt tử đã viết trong Xung Hư Chân Kinh, chương 3, đoạn C: «Nhất thể chi doanh hư, tiêu tức giai thông ư Thiên Địa, ứng ư vạn loại.» , .

Dịch: Mỗi một sự thay đổi, đầy vơi, tăng giảm nơi sự vật, đều thông với trời đất, ứng với muôn vật.

Người xưa còn nói:

Lạc hồng bất thị vô tình vật,

Hoá tác xuân nê, cánh bộ hoa

Dịch:

Hồng rơi chẳng phải vô tình,

Hoá thành bùn lại nuôi cành hoa xuân.

Nếu ta đồng ý dùng Tâm điểm và vòng tròn để tượng trưng cho Bản Thể và Hiện Tượng, ta sẽ thấy vũ trụ này gồm 2 phần:

a. Một Thế giới của Bản Thể, của Thực Thể, lý tưởng, siêu việt, thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, vĩnh cửu, trường tồn (Tâm Điểm). Đó là thế giới khinh thanh, bao la và đồng đẳng, vô phân biệt. Đạo Lão gọi đó là Đạo, là Tiên Thiên, là Vô Vi, là Hư, là Diệu.

b. Một Thế giới của Hiện Tượng, của giác quan, của Biến Thiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, những gì chất chưởng, những gì hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Đạo Lão gọi đó là Hậu Thiên, là Hữu Vi, là Khiếu (Vòng tròn bên ngoài).

 Người học Đạo, hiểu Đạo phải biết nhìn thấy cả hai mặt Biến, Hằng, Hữu Hạn và Vô Hạn, của một Bản Thể, một Thực Thể duy nhất. Có vậy, mới gọi được là Diệu, Khiếu Tề Quan.

 Người học Đạo cũng còn phải biết nhìn thấy Đạo Thể vô biên tế xuyên qua các lớp lang hiện tượng, các bức màn hình, thanh, niệm, dục.

 Thế mới hay: «Đắc Nhất vạn sự tất» . (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, ch. Thiên Địa: Thông Nhất, nhi vạn sự tất.)

  Trên đây đưa ra 5 vấn đề rất quan trọng:

- Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

- Thuyết Vạn Vật tương ứng, tương thừa, tương giao, tương tiếp.

- Thuyết Vạn Vật biến dịch, tuần hoàn.

- Thuyết Phóng Phát, Tán Phân (Emanation and division) thành vũ Trụ.

- Thuyết Thượng Đế ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu (God Immanent). Có như vậy,Thượng Đế mới ở khắp mọi nơi và thông biết mọi sự.

 

NHÂN SINH PHÁT DIỆU (VI DIỆU CỦA CUỘC ĐỜI)

 Từ trước đến nay, người ta thường học con người dưới những khía cạnh phiến diện, đa đoan, nên càng học càng lìa xa Chân, Diện, Mục con người, càng sao lãng cái Tinh Hoa Chí Bảo nơi con người.

 Cho nên, muốn học về con người cho thấu đáo, cho có cơ sở triết học, khoa học vững chắc, ta phải dựa vào:

 - Thuyết Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể.

 - Thuyết Nhất Thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể.

 - Thuyết Đạo nội tại, Thái Cực nội tại, Thượng đế nội tại. [11]

 1. Nơi con người có 2 phần Chân, Giả, Biến, Hằng.

 Trước hết, nếu ta chấp nhận thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, mà Nhất Thể đó ta đã biết là Đạo, là Thái Cực, là Thượng Đế, thì dĩ nhiên trong ta phải có phần Thiên, có Thái Cực, có Thượng Đế.

Như vậy, nhận định sơ bộ về con người đã cho thấy rằng: Trong ta có 2 phần:

- Một phần vĩnh cửu, bất biến, bất sinh, bất diệt. Đó là phần Thiên.

 - Một phần Biến Thiên, ảo hoá. Đó là phần Nhân.

  a. Phần Thiên, phần vĩnh cửu, bất biến: Đạo Lão gọi phần Vĩnh Cửu, Bất Biến đó là: Đạo, Cốc Thần, Thái Cực, Thiên, Đạo Tâm, Thiên Tâm, Thiên Địa chi tâm, Chủ Nhân Ông, Đơn v.v...

Châm thạch tử viết: Thiên Tâm giả, Bản Thể dã, Chủ Nhân Ông dã. 天 心 者 本 體 也, 主 人翁 也.[12]

 Vì biết mình có Đạo bất biến, vĩnh cửu ẩn tàng bên trong, nên Trang Tử mới nói:

«Thiên Địa dữ ngã tịnh sinh,     天 地 與 我 並 生

Nhi vạn vật dữ ngã vi nhất.»    而 萬 物 與 我 為 一[13]

 Dịch: 

Ta và Trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.

Từ Viên Tiên Sư viết:

Đương thời vị hữu tinh hà đẩu,            當

Tiên hữu Ngô, đương hậu hữu thiên. 先 有 吾 當 後 有 天 [14]

Dịch:

Trước khi Thiên Hán, quần tinh có,

Trước có ta, sau mới có Trời.

Và:

Ngã thể bản đồng Thiên địa lão,    我

Tu Di sơn đảo, tính do tồn.         須 彌 山 倒 性 猶 存[15]

Dịch:

Tính ta vốn thọ cùng trời đất,

Tu di sơn đảo, tính do tồn. 

b. Phần Nhân, phần biến thiên, ảo hoá nơi con người: gồm Nhục thân (xác) với lục căn (Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân, Ý), Nhân Tâm (Hồn), với Thất Tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục).

 Chia con người thành 2 phần biến, hằng như vậy, chẳng những hiểu được tinh hoa Đạo Lão, mà còn hiểu được các Đạo Giáo Á Đông, các Mật giáo Âu Châu.

Âm Phù Kinh viết:

Thiên tính nhân dã,   天

Nhân Tâm cơ dã.      人

Lập Thiên chi đạo    立

Dĩ định nhân dã        以

Dịch:

Thiên Tính là người,

Nhân Tâm là máy.

Lập ra Thiên Đạo,

Để định con người

 Sách Tiên Học Tập Cẩm của Cung Tùng Tiên, có đoạn như sau:

«Cái Thân ảo hoá là Nhục Thân (Xác). Cái Tâm ảo hoá là Nhân Tâm.

Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý đều do ảo thân mà ra.

Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn đều do Nhân Tâm mà ra.

Lục căn (Ảo Thân) mỗi mỗi đều đủ để làm hại sinh mệnh.

Thất tình, vọng niệm (Nhân Tâm) mỗi mỗi đều có thể đưa đến cõi chết.

Còn như cái Thân chân chính đó là Pháp Thân.

Cái Tâm Chân Chính đó là Thiên Tâm.

Ngũ tính nhân duyên (tức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), nơi Pháp Thân đều là những mầm mống giúp ta thành Đạo.

Ngũ Ban chí Bảo (tức là Nguyên Tinh, Nguyên Khí, Nguyên Thần, Nguyên Tánh, Nguyên Tình nơi Thiên Tâm), đều là vật liệu giúp ta luyện đơn.

Đem dùng những chất liệu ấy mà tu luyện, sẽ khởi tử, hoàn sinh, cải lão, hoàn đồng.

Vì con người không biết mình có Pháp Thân và Thiên Tâm, nên Pháp Thân mai một, Ảo Thân dụng sự, Thiên Tâm thoái vị, Nhân Tâm đương quyền.

Thiên Tâm bất cấu, bất tịnh, chí hư, chí linh, cảm nhi toại thông, đó là nơi nương tựa của Tính.» [16]

 Có người hỏi Doãn Chân Nhân về Lý Thái Cực. Chân Nhân đáp: «Thái Cực là Thiên Tâm nơi ta. Thích thị gọi là Viên Giác, Đạo gọi là Kim Đơn, Nho gọi là Thái Cực.

Gọi là Vô Cực rồi Thái Cực, có nghĩa là Siêu Việt tuyệt đối. Con người khi chưa bẩm sinh, thoạt kỳ thuỷ có điểm linh quang ấy, để làm chủ hình hài sau này, đó chính là Thái Cực.

Trước khi cha mẹ chưa sinh ra ta, cũng một điểm Thái Cực đó, vì chưa thuộc về hình hài, nên gọi là Vô Cực.

 Muốn biết Bản Lai Chân Diện Mục,

 Một vầng sáng láng lúc chưa sinh...» [17]

Phàm nhân thì sống phù phiếm, lênh đênh, chìm nổi, trên cái thế giới hiện tượng ấy, chỉ biết những gì là sắc tướng, chỉ thích những gì là phù hoa, chỉ chuộng những gì là phù phiếm bên ngoài, lạc lõng trong muôn sai ngàn biệt, bị ngoại cảnh chi phối, thất tình lục dục đẩy đưa; bị từ ngữ, tư tưởng ám nhãn, manh tâm; thu hẹp con người vô hạn của mình vào trong gông cùm của không gian, thời gian, hình hài, sắc tướng hữu hạn.

 Thánh nhân trái lại, xuyên qua được bức màn hiện tượng ấy, vào tới được thế giới Chân Tâm vô biên, vĩnh cửu, thế giới của vĩnh cửu, trường tồn; xuyên qua được tâm thức để vào tới Hư Vô, Chân Thể, đồng đẳng với Thái Hư.

Chính vì vậy mà sách Tham Đồng Khế có câu:

Thánh Nhân tiềm thâm uyên   

Phù du thủ qui trung           浮 游 守 規 中. [18]

Dịch:

 Chân Nhân sống rất thâm trầm,

 Nhởn nhơ, khinh khoát, ôm cầm khuôn thiêng.

 

Tính Mệnh Khuê Chỉ có câu:

Ly chủng chủng biên,    離

Doãn chấp quyết Trung.     允 執 厥 中 [19]

Dịch:

Lìa xa hết mọi vòng ngoài,

Trong Tâm giữ vững, chẳng rời tấc gang.

Để hiểu rõ con người, ta lập đồ bản sau:

 

Thái Cực

 

Thần

Tiên Thiên
nhất khí

Chân, Vô vi, Tính, Vô Dục, Tuyệt đối, Bất sinh, Bất tử.

Âm Dương

Hồn/ Phách

Khí (Chân Khí)

Phách (tinh)

Vọng,

Hữu Vi

Hữu Tướng Mệnh

Sinh tử`

Luân Hồi.

Tứ Tượng

Ngũ Hành

Lục Phủ (Xác)

Ngũ tạng (Xác)

Ngũ Vị

Tinh Hoa ngũ cốc

Vọng, Hữu Vi, Sinh, Tử, Luân Hồi.

 

Nhìn vào đồ bản trên, ta thấy con người có 3 phần. Thần, Hồn, Xác. Thần thời Bất biến. Đó là phần Thiên. Đó là Thái Cực trong ta. Còn Hồn, Xác là phần biến thiên, luân hồi, sinh tử.

 Chúng ta hay Lão Tử, hay Trang Tử, Liệt Tử hay chư Tiên trong Đạo Lão, cũng đều có một Thái Cực, một Thần, một Đạo như nhau nơi căn cốt. Mọi người khác nhau là từ ở các tầng lớp biến thiên nơi hồn phách, trí não, lục phủ, ngũ tạng bên ngoài.

 Chúng ta khác với Lão, Trang, chẳng những vì tâm hồn, thể phách khác nhau, mà còn khác hơn nữa là vì Lão, Trang thời biết trở về khế hợp với Đạo, với Thái Cực nơi tâm, biết:

Phục qui ư Vô Cực. (ĐĐK, tr. 28)

Phối Thiên (ĐĐK, tr. 68)

Hưu hồ Thiên Quân (yên nghỉ trong Trời) (Nam Hoa Kinh, ch. 2, C).

Đắc kỳ hoàn trung (vào được trung điểm vũ trụ) (Nam Hoa Kinh, ch. 2, C).

Còn chúng ta thì cứ luẩn quẩn nơi các vòng sinh, tử, hiện tượng, ái, ố bên ngoài, vì thế không thoát được sự hấp dẫn của vạn hữu (Attraction Universelle, Attraction électro-magnétique), và vì thế không thể băng mình tới cõi siêu việt được... 

Đã biết trong ta có Đạo, làm sao tìm cho ra, làm sao mà kiểm chứng? 

1. Người xưa cho rằng: Muốn tìm cho ra Đạo, ra Thái Cực trong con người, phải trở về Nguyên Thuỷ, Gốc Gác, vì thế nên phải tìm Đạo khi con người thoạt sinh thân, thụ khí.

Tử Dương Ông viết: «Khuyến quân cùng thủ sinh thân xứ.» 處.

Lại viết:

Cùng thủ sinh thân thụ khí sơ,    窮

Hạo quái thiên cơ câu tiết tận           皓 怪 天 機 俱 洩 盡 [20]

Trương Cảnh Hoà có thơ:

Hỗn nguyên nhất khí thị Tiên Thiên:     混

Nội diện hư vô, lý tự nhiên.                     內

Nhược hướng vị sinh tiền kiến đắc,      

Minh tri tất thị Đại La Tiên.               明 知 必 是 太 羅 仙 [21]

Dịch:

Hỗn Nguyên nhất khí ấy Tiên Thiên,

Tịnh tĩnh, hư vô, khớp tự nhiên.

Từ trước sinh ra, tìm mới thấy,

Hiểu thông nhẽ ấy, chính Chân Tiên. 

2. Người xưa chỉ thêm rằng khi ta đã sinh ra, thì Đạo ở nơi sinh xuất ra mọi niệm lự. Người xưa gọi thế là «Niệm Đầu Động Xứ»

 Trần Nê Hoàn nói: «Niệm đầu động xứ vi Huyền Tẫn». [22] 

3. Dẫu sao, thì Trời, thì Đạo cũng ở trong ta. Trang Tử viết: «Thiên tại nội, Nhân tại ngoại.» [23]

Sách Thượng Phẩm Đơn Pháp Tiết Yếu cũng quyết rằng Đơn, hay Đạo, hay Huyền Quan Khiếu, hay Tổ Khiếu chắc chắn là ở trong ta:

 Tại Nhân thân trung        在

 Mạc hướng ngoại cầu.   莫

và viện dẫn Kim Đơn Tứ Bách Tự cũa Trương Tử Dương:

 Thử khiếu phi phàm khiếu,  此

 Càn Khôn cộng hiệp thành        乾 [24]

4. Tống tiên sinh trong bài Giải Mê Ca cho biết:

«Đạo đã ở sẵn trong Nê Hoàn nơi óc não con người (Nê Hoàn, Niết Bàn, Tâm):

 Đạo bất viễn, tại Nê Hoàn. 道 不 遠, 在 泥 丸 [25] 

5. Để giản dị hoá, và phổ thông hoá, cách thấy Đạo, thấy Trời, tôi cho rằng: Lương Tâm là Tiếng Trời. Lương Tâm là Đạo, là Trời.

 Nghe được tiếng Lương Tâm là nghe được tiếng của Đạo, của Trời, là chứng minh được rằng trong Thân có Đạo, có Trời.

 Lương Tâm thời hằng cửu, bất biến, Đông Tây, kim cổ ai cũng như ai, mà chỉ có Thái Cực, có Trời trong ta mới hằng cửu, bất biến, nên chắc chắn Lương Tâm là Thiên Tâm.

Còn Nhân Tâm thời biến thiên, nên chắc chắn đó là Vọng Tâm, là Tư Tâm.

Đạo Học Từ Điển bình về Lương Tâm như sau:

«Đó là Thiên Tâm chi Tâm, bổn lai chi linh tính. Ai ai cũng đều có đủ, lương tâm nào cũng hoàn mỹ, viên thành. Nho nói: Không nghĩ sái quấy, tức là nhận được tiêu chuẩn hoàn thiện của Lương Tâm. Thích nói: Ly nhất thiết vọng tâm tức kiến Như Lai. Như Lai tức Lương Tâm vậy.Đạo nói: Trừ nhất thiết phiền não, sẽ được tâm thanh tịnh.»

 Nói đến Lương Tâm, không thể nào không nhắc tới một danh nho thời Minh là Vương Dương Minh (1472-1528) với Học Thuyết về Lương Tri của Ông. Trong phần phụ lục, sẽ sao lại những bài thơ bất hủ của Ông về Lương Tri, Lương Tâm. 

6. Hai chiều Thuận, Nghịch nơi con người.

Nếu ở trong vũ trụ có 2 chiều tiến thoái, thuận nghịch, vãng lai, thì ở nơi con người cũng có 2 chiều tiến thoái thuận, nghịch đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại:

Chiều Thuận là chiều từ Bản Thể sinh xuất ra hiện tượng.

Chiều Nghịch là chiều từ Hiện Tượng, vạn hữu quay trở về Bản Thể.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ thì ở nơi con người, chiều Thuận được phác hoạ như sau:

TÍNH - TÂM - Ý - TÌNH - VỌNG (Mê Vọng).

Và chiều Nghịch:

VỌNG - TÌNH - Ý - TÂM - TÍNH. (Bản Thể). [26]

Nhiều sách khác cho rằng: Chiều Thuận là chiều Thần sinh Khí, Khí sinh Tinh.

Chiều Nghịch là chiều Tinh hoá khí, Khí hoá Thần, Thần hoàn Hư, phục qui Vô Cực.

Cũng nên ghi nhận rằng: Trong chiều Thuận thời Thần Tán, Khí Sơ . Trong chiều Nghịch thì Thần Ngưng. Khí Tụ 神 凝 氣 聚 [27]

Chiều Thuận sinh nhân, sinh vật.

Chiều Nghịch sinh Tiên, sinh Thần, Thánh, Phật.

Tiên học từ điển định nghĩa:

Thuận là từ Vô nhập Hữu, Nghịch là từ Hữu nhập Vô, và đưa ra những câu:

Thuận sinh nhân, Nghịch sinh đơn (Trương Tam Phong).

Thuận vi Phàm, Nghịch vi Tiên, chỉ tại trung gian điên đảo điên. (Vô Căn Thụ).

Thuận tắc sinh Phàm, Nghịch tắc sinh thánh.

Thị tắc sinh Nhân, sinh Đơn, lý vô nhị trí dã. 

Nói cho rõ hơn, chiều Thuận là chiều hướng ngoại, đi ra ngoại cảnh. Chiều Nghịch là chiều hướng nội, đi vào nội tâm.

- Đi ra ngoại cảnh là đi vào Đời, bất kể ngoại cảnh ấy là đền đài, miếu mạo, Thần, Phật, chi chi đi nữa.

- Đi vào nội tâm, mới là vào Đạo, mới là đi Đạo.

Có vậy mới hiểu được lời đức Thái Thượng: «Ta từ vô lượng kiếp quan tâm đắc Đạo, và tới được Hư Vô.» [28]

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: «Muốn thoát luân hồi, phải thể hợp với Chí Đạo, muốn thể hợp với Chí Đạo, tất phải quán chiếu Bản Tâm. Muốn quán chiếu Bản Tâm, tất phải dắm mắt hồi quang,nhìn vào Hư Không, đem ánh sáng Tuệ Quang chiếu diệu vào nơi mà Thất Tình chưa nhen nhúm, nơi mà Bản Thể chưa bị Bát Thức làm ô nhiễm, ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư vọng. Hợp nhãn quang, ngưng nhĩ vận, điều tỵ tức, khoá thiệt khí. Tứ chi bất động để cho ngũ thức của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân quay về gốc gác, như vậy tinh, thần, hồn, phách, ý sẽ yên vị, suốt cả 12 giờ trong ngày, mắt luôn nội quan, quán chiếu, nhìn vào Khiếu ấy; tai trở ngược lại lắng nghe Khiếu ấy; đầu lưỡi thường phong bế Khiếu ấy. Vận dụng, thi vi, niệm niệm không rời Khiếu ấy.» [29] 

7. Tìm Đạo nơi Nhất niệm bất sinh.

Như vậy, đã biết Đạo ở nơi đâu, ta sẽ tìm được Đạo.

Người xưa biết rằng Đạo ở «niệm đầu động xứ», nên đã nói:

 Nhất niệm bất sinh, toàn thể hiện,   一

 Lục căn tài động, bị vân già.                     六 [30]

 Dịch:

 Một niệm chưa sinh toàn thể hiện,

 Lục căn vừa động bị mây che.

Tùng Giang, Vương Cảnh Dương Duy Nhất nói:

Yếu tri Tính Mệnh an thân xứ,   要

Ý vị manh thời hợp Thái Hoà.          意 合太 [31]

Dịch:

Biết nơi Tính Mệnh sinh thân xứ,

Lúc ý chưa sinh, hợp Thái Hoà.

Lại nói:

Dục niệm vị trừ, không học Đạo,

Tham tâm bất đoạn, mạc cầu Tiên. [32]

Dịch:

Dục niệm chưa trừ, không học Đạo (học Đạo uổng công),

Tham tâm chưa tuyệt, uổng cầu Tiên.

Tiêu Dao Đại Sư viết:

«Nếu mà một niệm không sinh tức thoát sinh tử. Tới được một nơi một niệm không sinh, là thấy được Bản Lai Diện Mục [33]

Hoài Nam Tử viết: «Thanh tĩnh vô vi, nhập ư Thiên môn». [34]

Chúng ta kết luận đoạn này bằng 2 bài thơ tứ tuyệt:

Học Đạo, tu cùng Thiên Địa Tâm,     學 地 心

Hãn văn thế thượng, hữu tri âm.         罕

Đô duyên thử lý nan khinh tiết,            都

Tận hướng bàng hề, khúc kính tầm.   盡 [35]

Dịch:

Học Đạo phải rành Thiên Địa Tâm,

Ít nghe trần thế có tri âm,

Toàn vì nhẽ ấy, không khinh tiết,

Đường tà, nẻo vạy, mới đâm sầm.

Duy Giác Thiền Sư viết:

Khuyến quân học Đạo, mạc tham cầu,  勸

Vạn sự vô tâm, Đạo hợp đầu,                  萬

Vô tâm thuỷ thể Vô Tâm Đạo,                 無

Thể đắc Vô Tâm Đạo dã hưu.           體 [36]

Dịch:

Khuyên ai học Đạo chớ tham cầu,

Vạn sự vô tâm, hiệp Đạo mầu.

Vô Tâm khế hợp Vô Tâm Đạo,

Khế hợp Vô Tâm, Đạo mới cao.

 Chỗ cao siêu nhất của Đạo Lão là dạy con người Phối Thiên. Lão Tử trong chương 68 Đạo Đức Kinh đã viết: Phối Thiên là cực điểm của người xưa.

Các đạo sĩ lớn xưa nay cũng coi mình là Vô Cực, là Thái Cực, là Trời.

Đạo học cầu chân, chương X, viết:

Hướng tiền, thần tụ, đồng Vô Cực,

Kim tán, trần ai mãn thế đồ.

Dục qui Chính Vị Hoàng Trung Lý,

Nê hoàn vạn vựng kíp hồi qui.

Dịch:

Khi xưa Thần Tụ, đồng Vô Cực,

Nay tán:Trần ai mãn thế đồ.

Muốn về Nguyên Vị Hoàng Trung Lý,

Nê Hoàn vạn vựng kíp hồi qui.

Lão giáo chủ trương rằng khi ta chưa sinh ra, thì là Trời, là Thuần Kiền. Nhưng khi ta đã sinh ra, thì chúng ta biến thành Ly. Mà quẻ Ly là quẻ Kiền bị thay ruột bằng một hào Âm. (Ngã sinh chi tiền, Thiên vi chủ, Ngã sinh chi hậu, Tâm vi chủ). Nên tất cả công trình tu luyện là phải biết dùng Hào Dương của quẻ Khảm để biếân Ly, thành Kiền. Đó là Khầu quyết Dĩ Khảm Điền Ly, biến Ly thành Kiền.

Nam Hoa Kinh viết: Thiên tại nội, Nhân tại ngoại. (Nam Hoa Kinh, chương XVII, Thu Thuỷ, cuối đoạn A) (Trời ở trong, người ở ngoài)..

Vì trong ta có Trời, nên tu luyện cốt là bỏ được cái Lốt Người, mà giữ nguyên được cái Cốt Trời.

Đạo Lão gọi thế là Tâm Tử Thần Hoạt, Tâm con người có chết đi, thì Thần bên trong mới sống động.

Trang Tử gọi thế là Dữ Thần vi Nhất. Nên Một với Thần (Nam Hoa Kinh, Khắc Ý, cuối phần B).

Các vị Đạo Sĩ xưa đi theo hai con đường: 

1. Một là Đạo Học của Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử v.v.. v với chủ trương Thanh Tĩnh, Vô Vi, Thủ Trung Bão Nhất. Đạo Đức Kinh chương LXII viết:

Đạo là bí quyết muôn loài,

Là châu, là báu của người hiền lương.

Đạo còn là chốn dựa nương,

Cho người bạc đức có đường dung thân.

Lời hay, ý đẹp gian trần,

Đều do nguồn đạo tinh thuần phát ra.

Mấy đời những kẻ gian tà,

Mong nhờ lượng cả khỏi ra thân tàn.

Cho nên đã tiếng vua quan,

Phải đâu rỡn ngọc, đùa vàng trêu ngươi.

Phải đâu tứ mã rong chơi,

Vua quan cốt để Tiến Trời vào thân.

Người xưa chuộng Đạo muôn phần,

Vì khi Đắc Đạo luỵ trần tiêu tan,

Đạo là vật báu thế gian,

 2. Hai là Tiên Học, đặt cho mình mục tiêu phản lão, hoàn đồng, trường sinh bất lão.

Nguỵ bá Dương (thế kỷ 2) tác giả bộ Tham Đồng Khế, là người đã xây nền tảng Tiên Học. Nhưng Tiên Học hay Nội Đơn (Esoterical Alchemy) hưng thịnh từ thời nhà Hán.

Đó là chủ trương, từ thời nhà Hán, của Hán Chung Ly, của Lữ Đồng Tân (798-) cho tới các vị tổ Tiên Học sau này như Lưu Thao, Trương Bá Đoan (984-1082), Tiết Đạo Quang, Trần Nam, Bạch Ngọc Thiềm (Nam Tông), Vương Trùng Dương (1112-1170) với bảy đệ tử là Khưu Xử Cơ (1148-1227), Lưu Xử Huyền, Đàm Xử Đoan (1123-1185), Mã Ngọc (1123-1183), Hách Đại Thông (1140-1212), Vương Xử Nhất (1142-1217), và Tôn Bất Nhị (1119-1182); (Bắc Tông); Lục Tiềm Hư (1520-1606) (Đông Phái); Lý Hàm Hư (đời Thanh) (Tây Phái); Lý Đạo Thuần (đời Nguyên) (Trung Phái) với những hậu duệ trứ danh như Doãn Chân Nhân sư đệ, Huỳnh Nguyên Cát, Lưu Nhất Minh v.v...

Phái Tiên Học đóng góp rất nhiều cho tư tưởng nhân loại:

 * Chẳng hạn họ đã tìm ra được rằng: Nê Hoàn Cung trong trung tâm đầu não con người chính là Bản Thể con người, chính là Căn Nguyên và Cùng Đích con người. Họ gọi đó là Thiên Đường, là Thiên Tâm, là Bồng Lai v.v... (xem Chú Thích 17 của chương này) )

 * Họ chủ trương Tính Mệnh Song Tu. Mà Tính là Thái Cực là Tuyệt đối. Mệnh là Âm Dương, là Tương Đối. Chân Mạch Tử cho rằng: Thần là Tính, Tức (Khí, Hơi) là Mệnh (Tiên Học, tr. 35). Ngộ Chân Trực Chỉ viết: Tính là Pháp Thân thượng sự, Mệnh là Ảo Thân thượng sự. Tính là Vô Vi chi đạo, Mệnh là Hữu Vi chi đạo (Ngộ Chân trục chỉ, tr. 1).

 * Họ dạy con người phải biết thở qua 2 Mạch Nhâm Đốc. Như vậy con người có 2 cách thở. Một là Thở bằng Mũi mà người xưa gọi là Phàm Tức, và Thở qua 2 Mạch Nhâm Đốc mà người xưa gọi là Chân Tức. Khi biết thở bằng Chân Tức, thì thở bằng mũi sẽ đình. Huỳnh Nguyên Kiết gọi thế là Phàm Tức đình nhi Chân Tức hiện.

Tôi đã bỏ ra nhiều thì giờ để luyện tập lối thở qua hai Mạch Nhâm Đốc, và kiểm chứng được rằng người xưa nói thật không ngoa. Có điều là lối luyện tập trên rất là nguy hiểm, và rất khó luyện, vì không có thày truyền. Cho nên từ khi sang Mỹ tôi đã bỏ không còn luyện tập như xưa nữa, vì sợ sẽ Thọ Cùng Thiên Địa nhất ngu phu (là một kẻ ngu phu sống lâu cùng trời đất).

* Họ biết rằng 2 mạch Nhâm Đốc là một vòng Từ Tuyến đứt quãng, nên lúc thở qua Nhâm Đốc, phải biết Khoá Lưỡi (Để) và Khép Chặt Hậu Môn (Toát).

Tiên gia có khẩu quyết: Hậu Thăng tiền Giáng Định Nhất Chu (Trước xuống sau lên, định một vòng). Mạch Đốc là Thăng Tiến Dương Hoả, Mạch Nhâm là Giáng, Thoái Âm Phù. 

*Thiết tưởng nên nói thêm về 2 Mạch Nhâm Đốc và Nê Hoàn Cung trong con người.

Ở ngoài vũ trụ thì Vòng Hoàng Đạo là vòng Đại Chu Thiên. Quần tinh đều xoay quanh vòng Hoàng Đạo này. Tâm Điểm bất biến của vũ trụ là sao Bắc Thần hay nói đúng hơn là khoảng không cách sao Bắc Thần 1 độ. Nhà Thiên Văn Tổ Hằng Chi (430-501) đã khám phá ra chuyện này.

Còn trong con người thì 2 Mạch Nhâm Đốc là Vòng Tiểu Chu Thiên, còn Nê Hoàn Cung hay Tổ Khiếu Trung Cung Thái Cực trên đầu. Huyệt Vĩ Lư là quẻ Phục, Huyệt Hội là quẻ Kiền. Huyệt Thừa Tương, chỗ lõm dưới môi dưới là quẻ Cấu, Huyệt Hội Âm là quẻ Khôn. Thần dẫn Khí qua tủy sống lên Nê Hoàn (Thần Tức tương y), rồi lại từ Nê Hoàn chuyển qua Thừa Tương xuống Hội Âm. Cứ như vậy hoài. Khi Thần khí lên tới Nê Hoàn, thì con người có thể ngưng thở (Định Tức). Đó là đi vào Đại Định (samadhi). Đại Định tức là Thai tức (respiration embryonnaire). Xưa có những người nhập định được cả giờ hay nhiều giờ; người xưa tính giờ bằng thắp tàn mấy nén nhang. (Xem Thái Thanh Trung Hoàng Chân Kinh, tr. 7a, Pháp Quyết Minh Chỉ, tr. 10b, quyển 4. Tiên Thiên Chính Lý Trục Luận, tr. 33a, Đạo Nguyên Tinh Vi Ca quyển thượng,tr. 15a, Sao Kiểu Động Chương, quyển Hạ, tr. 8a, Pháp Quyết Minh Chỉ, q. 5, tr. 17a, q. 8, tr. 15a, q. 9, tr. 6a, Tiên học diệu tuyển tr. 345 v.v...).

Tuy nhiên nhiều đạo gia thường lấy Hạ Đơn Điền (huyệt Khí Hải phía dưới Rốn) làm nơi thu thần, định khí. (Xin đọc Tính Mệnh Khuê Chỉ). Tôi không bàn thêm.

 Như vậy Đạo Lão đã tìm thấy Trời, thấy Đạo, thấy Thái Cực trong Tâm, và tìm ra cách phối Thiên, ngay trong con người. Tôi không muốn đi sâu thêm vào vấn đề phức tạp này. 

Cách hô hấp đặc biệt của Đạo Lão trên đây đã trở thành môn Khí Công, hay Nội Công của Trung Hoa (Xin đọc bộ Phương Xuân Dương, Trung Quốc Khí Công Đại Thành Tập, Cát Lâm Khoa Học Kỹ Thuật xuất bản xã).

 *Tiên Gia còn đề cao Mạch Âm Kiều. Các sách Tiên Học còn gọi nó là Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan, Sinh Tử Lộ hay Sinh Tử Khiếu, Hư Nguy Huyệt, Tẫn Môn, Tử Lộ v.v...

Âm Kiều cắt 2 mạch Nhâm Đốc nơi khỏang giữa Hội Âm (Nhâm Mạch) và Trường Cường, Vĩ Lư (Đốc Mạch). Âm Kiều dưới thông tới gót chân, trên thông tới Tình Minh (mắt).

Nó giải thích được câu của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư: Thánh Nhân chi tức dĩ chủng (Thánh Nhân thở bằng gót chân.).

Tôi giải thích thêm vế Nhâm Đốc và Âm Kiều như sau:

Huyệt Hội Âm của Mạch Nhâm là quẻ Khôn. Huyệt của Mạch Đốc là quẻ Phục. Âm Kiều cắt chính giữa 2 mạch Nhâm Đốc nên gọi là Sinh Tử Lộ, Phục Mệnh Quan, vì đó là nơi mà con người thoát vòng Sinh Tử (tượng trưng bằng Mạch Nhâm), và được Trời gọi về, sau khi đã làm trọn Mệnh Trời, và trở về được với Căn Trời (Qui Căn Khiếu). Sau đó con người sẽ vào được Cửa Trời (Vĩ Lư). Vĩ Lư chính là cái Cổng Trời, Đạo Bà La Môn cũng gọi Vĩ Lư là Cửa Trời (Brahma’s Gate) (Xem Hồ Phu Thâm, Trung Hoa Đạo giáo Đại Từ Điển tr. 1173, 1174, 1175). 

 * Tiên gia sáng lập ra Đơn Đạo

Dưới khía cạnh Triết Học, Đơn Đạo chung qui là tất cả những công trình suy tư, tìm hiểu về Bản Thể Chân Thực của con người, cũng như tất cả các phương pháp các giai trình để thực hiện Bản Thể ấy. Đơn đạo chẳng qua là những áp dụng của Dịch vào phương pháp tu trì.

Theo Dịch, thì Bản Thể vũ trụ là Thái Cực duy Nhất, duy Tinh. Thái Cực này đã sinh xuất ra vũ trụ và con người, bằng cách phóng phát, tán phân (Émanation), và vẫn luôn luôn tiềm ẩn trong lòng sâu con người.

 Suy tư tìm kiếm cốt là tìm ra Căn Bản ấy.

 Tu luyện cốt là để trở về với Căn Bản ấy.

 Trường sinh bất tử chính là khế hợp với Căn Bản ấy.

Nếu Thái Cực đã phóng phát ra con người và ra quần sinh vũ trụ, thì con đường về với Thái Cực là con đường nội tâm, phương pháp tu luyện để trở về với Thái Cực là phương pháp Thu Nhiếp, Ngưng Tụ, Hoà Hài. Con đường Nội Tâm chính là chiều nghịch của vòng Dịch. Nếu Thái Cực đã tiềm ẩn đáy lòng, thì Trường Sinh Dược, mục đích của khoa Luyện Đan cũng đã sẵn có ở nơi Thân, Tâm con người.

Dưới khía cạnh Đạo Giáo, thì Đơn Đạo chính là công trình để tìm cho ra Thượng Đế tiềm ẩn đáy lòng.

Mục đích tối hậu của Đơn Đạo chính là đi đến chỗ hợp nhất với Thiên Tâm, với Thượng đế.

Tất cả các phương pháp tu luyện chung qui là sửa sang cho Tâm Thần trở nên xứng đáng với Toà Ngôi của Thượng Đế chí tôn.

 Sau đây, xin bàn qua về khoa Luyện Đơn của Đạo Lão. 

1. Trước hết, ta tìm hiểu về chữ Đơn

- Chữ Đơn, đầu tượng Nhật, chân tượng Nguyệt.

Chấm ở giữa là Thử Châu (Thái Cực)

Nét ngang là « Được».

Trước thời Hán, thì gọi là Đạo , sau thời Hán thì gọi là Đơn 丹 [37]

Thế nghĩa là: Đơn chính là Thái Cực, bao quát Âm Dương, đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, và thu gọn lại ở thế cực tiểu, như hạt vừng (Thử) theo từ ngữ Trương Tam Phong. Tu Đơn Đạo cốt là để đắc Thái Cực, đắc Đạo, vì Đơn chính là Đạo, là Thái Cực vậy.

Đơn chính là Độc Nhất. Chỉ có Đạo là Độc Nhất Vô Nhị, cho nên gọi là Đơn.

Trời được Một thời trong xanh, đất được Một thời đầy đặn, người được Một thời Trường Sinh. [38]

Định nghĩa này cho thấy: Muốn trường sinh phải Đắc Đơn, Đắc Đạo, Đắc Nhất.

 - Kết Đơn chi Đạo chỉ là Nhất mà thôi. Mà Nhất chẳng qua chỉ là Hư mà thôi. [39]

 Định nghĩa này đưa ta trở về với Hư với Vô Cực.

 Định nghĩa này còn cho thấy Đơn là Thái Cực tiềm ẩn trong thân.

 - Tâm là Đơn, Đơn là Tâm. [40]

 - Đơn là Đạo, Đạo là Đơn. [41]

 - Đơn là Bản Thể, là gốc gác của Trời đất, vạn vật.

Cái gì là Gốc của Trời đất, vạn vật? Đó là Đơn, là Đạo. Nó Hư Vô không thể đặt tên, nên tạm gọi là Đạo. Hư sinh Một, Một sinh Vạn, Vạn qui Nhất, Nhất qui Hư. [42]

Định nghĩa này lại càng cho thấy: Đơn là Thái Cực và sách Đại Động chân kinh cũng cho rằng:

Muốn tìm gốc gác phải tìm nơi Thái Cực.[43]

Xướng Đạo Chân Ngôn còn cho rằng: khi con người bừng tỉnh, nhận ra được Thái Cực nơi Tâm, tức là nhìn thấy Bản Lai Diện Mục của mình, thấu triệt được Căn Nguyên của mình. [44]

Những danh từ như:

-Cùng thủ sinh thân, thụ khí sơ. [45]

-Thử mễ bảo Châu. [46]

- Nhất lạp Kim Đơn. [47]

- Nhất lạp túc [48]

đều là những danh từ để chỉ Thái Cực tiềm ẩn nơi Tâm.

 - Kim Đơn: Kim là Pháp Thân bất hoại. Đơn là Thực Tướng Viên Mãn. [49]

Định nghĩa này cho thấy: Đơn của Lão Giáo tức là Pháp Thân của Phật Giáo.

- Đơn Đạo dạy con người con đường Hoàn Phản, Phản Bản, Hoàn Nguyên. Chính vì thế mà người xưa định nghĩa:

Thất phản là Phản Bản.

Cửu Hoàn là Hoàn Nguyên.[50] 

2. Muốn phản bản hoàn nguyên phải đi theo chiều nghịch. chiều hướng nội.

-Muốn phản bản, hoàn nguyên phải đi theo chiều nghịch, chiều qui tâm, hướng nội.

 «Thuận sinh nhân, nghịch sinh Đơn.» (Trương Tam Phong).

 «Thuận vi phàm, nghịch vi tiên.» [51]

 « Phải hồi tâm, mới có thể hướng Đạo. [52]

Tôn Bất Nhị viết:

 Thuận kỳ cơ, để hành nhân đạo. [53]

 Nghịch kỳ cơ, để hành Tiên Đạo. [54]

 Sinh cơ ngoại phát, gọi là Thuận. [55]

 Sinh cơ nội liễm, gọi là Nghịch. [56]

Tiên Học Diệu Tuyển viết: «Kim đơn Đại Đạo từ Hữu Vi nhập Vô Vi, tức là Liễu Mệnh (lo cho thân thể khang cường) (Nguyễn Văn Thọ), kiêm Liễu Tính (tu tâm, luyện Thần ) (Nguyễn Văn Thọ), có như vậy Thần Hình mới song toàn, viên mãn.» [57]

 Xướng Đạo Chân Ngôn viết:

 «Tâm nội quan tâm, mịch bản tâm,

 Tâm tâm câu tuyệt, kiến Thiên Tâm.

 Chân Tâm minh triệt, thông tam giới,

 Ngoại đạo, thiên ma bất cảm sâm.» [58]

 Dịch:

 Rong ruổi trong tâm, kiếm bản tâm,

 Phàm tâm diệt tích, kiến Chân Tâm.

 Chân Tâm minh triệt, thông tam giới,

 Ngoại đạo, thiên ma chẳng dám sâm.

«Xưa nay, thánh hiền cầu Đạo, đều không hướng ngoại tìm cầu. Chỉ tĩnh định mà cầu ở nơi nhất tâm...trong đó có đủ mọi sự.» [59]

 Tôn Bất Nhị còn gọi công trình đi từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên là Cửu Chuyển hoàn đơn, hay Phản Hoàn, Nghịch Chuyển. [60]

 Kim Đơn Đại Đạo trọng tại Nghịch Chuyển Tạo Hoá, cho nên nếu Tạo Hoá phát tán đi từ Nhất ra Vạn, để sinh hóa ra vạn hữu, thì Tu Đơn phải đi từ Vạn trở về Nhất, phải thu nhiếp, hòa hài, tập hợp để trở về với Thái Cực Tiên Thiên. [61]

Trương Bá Đoan cũng lý luận tương tự như vậy. Ông viết: «Nhận rằng Đạo từ Hư Vô sinh xuất vạn vật, theo chiều Thuận, còn Tu Nội Đơn thời đi ngược lại: Phải trở về Hư Vô, phải hợp nhất với Đạo.

Luyện Đơn diệu dụng, theo Kiền Khôn,

Kiền Khôn vận chuyển, sinh Ngũ Hành.

Ngũ Hành thuận chuyển sinh sống chết,

Ngũ Hành nghịch chuyển hoá Kim Đơn.» [62]

3. Phải thu nhiếp tất cả về Một.

- Thu nhiếp Ngũ Khí, Ngũ Hành (Tinh, Thần, Hồn, Phách, Ý) trở về Thái Cực.

Người xưa gọi thế là Toàn Thốc Ngũ Hành hay Ngũ Khí Triều Nguyên.

- Thu nhiếp Tứ Tượng (tinh thần, hồn, phách) về với Thái Cực. Người xưa gọi thế là: Tứ Tổ qui gia.

- Thu Nhiếp Tam Tài về cùng Thái Cực (Tinh, khí Thần). Tam Hoa qui đỉnh.

- Thu Nhiếp Lưỡng Nghi về cùng Thái Cực (Lưỡng Nghi đây là Thần Khí). Và tới đây, thì các danh từ trở nên vô cùng hùng hậu, bởi vì thay vì dùng 2 chữ Thần Khí, thì người ta nói Long Hổ: Anh Nhi, Xá Nữ; Kim Ô, Ngọc Thố; Diên, Hống; Hắc Qui, Xích Xà; Khảm Ly; Thủy Hỏa; Âm Dương; Kim tinh, Mộc dịch; Mã Ngưu; Thần Thủy, Hoa Trì v.v... 

4. Thu Nhiếp tất cả về Thái Cực, Trung Cung.

- Muốn thu nhiếp, phải thu nhiếp về một nơi nào. Nguyên tắc là thu nhiếp về Trung Cung, Thái Cực. Lúc ấy, Trung Cung Thái Cực được gọi là Huỳnh Bà Xá, Trung Cung, Trung Hoàng, Mậu Kỷ Môn, Phục Mệnh quan v.v...

Nhưng trên thực tế là thu nhiếp về 1 Đơn Điền nào đó trong con người (hoặc Thượng, Trung, Hạ). Nhưng chung qui, thường là thu nhiếp về Thượng Đơn Điền hay Nê Hoàn Cung.

 Tính Mệnh Khuê Chỉ tóm tắt bằng câu sau: «Tứ Tượng, Ngũ Hành toàn thốc ư nhất đỉnh. Hồn hữu linh ư Thiên Cốc, Lý Ngũ Khí ư Nê Hoàn.» [63]

Nếu ta dùng quan niệm Đạo Giáo mà tìm hiểu khoa Luyện Đơn, ta sẽ thấy một chiều hướng thứ 2, với những nét chính yếu sau đây:

 Trong tâm ta có Đạo, có Trời, mà ta chẳng biết, chẳng hay. Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 11a có thơ:

 Tá vấn Chân Nhân hà xứ lai?

 Tòng tiền nguyên chỉ tại Linh Đài.

 Tích niên, vân vụ, thâm già tế,

 Kim nhật tương phùng, đạo nhỡn khai.

Dịch:

 Chân Nhân ướm hỏi tới từ đâu?

 Tâm khảm tiềm tàng sẵn đáy sâu.

 Thủa trước Linh Đài vân vụ phủ,

 Ngày nay gặp gỡ hết xa nhau.

 Như vậy, con người phải tu tâm, luyện kỷ, định tĩnh, thanh hư, để mong thấy Đạo, thấy Trời hiện ra trong tâm khảm mình.

 Tam Mao Chân Quân có thơ:

 Linh Đài trạm trạm tự băng hồ,

 Chỉ hưá Nguyên Thần lý diện cư.

 Nhược hướng thử trung lưu nhất vật,

 Khởi năng chứng Đạo, hợp Hư Vô.

Dịch:

 Tâm linh vằng vặc tự băng hồ,

 Chỉ khứng Nguyên Thần lý diện cư.

 Nếu để vật chi vương vấn đó,

 Làm sao chứng Đạo, hợp Hư Vô.

5.Thế nào là Đơn thành.

Đây là một vấn đề có thể làm chúng ta điên đầu. Tiên hiền cho rằng sẽ luyện thành Nhất lạp Thử Châu, hay luyện thành Thánh Thai. Tôi suy tư về vấn đề này rất nhiều, và thấy nếu hiểu theo nghĩa đen thì không ổn vì luyện đơn là trở thành Thái Cực, mà Thái Cực thì vô hình tượng, vô thanh, vô xú, nên chúng ta phải hiểu theo nghĩa bóng.

Tôi giải vấn đề như sau:

Đạo Lão chũ trương con người có 3 phần, là:

Tinh (Xác).

Khí (Hồn)

Thân (Thần)

Có Xác thì chúng ta phải làm ăn, và phải luyện xác cho khoẻ mạnh.

Có Hồn, thì chúng ta phải làm người, và phải luyện hồn cho thành một con người xứng đáng với danh vị con người.

Có Thần nên phải làm Thần, Phật, Thánh, Tiên.

Cho nên đơn thành là khi con người bỏ được lốt người, mà mặc lấy cốt Tiên, cốt Trời. Biết mình chính là Tiên, là Phật tại thế.

 Sách Thái Thượng Bảo Phiệt viết: «Văn Đạo Tử một hôm gặp một đạo sĩ, liền mời vào nhà đãi đằng, xong mới hỏi đâu là Huyền Môn Diệu Chỉ. Đạo Sĩ đáp:

Tâm tức thị Đạo,

Đạo tức thị Tâm.

Tâm dữ Đạo ly,

Tắc tạo Lục Đạo Tam Đồ,

Tâm dữ đạo hợp,

Tắc tạo Bồng Lai Tam Đảo. [64]

Dịch:

Tâm là Đạo, Đạo là Tâm,

Bỏ Tâm tìm Đạo, hỏi tầm đâu ra.

Tâm kia và Đạo lìa xa,

Thì là Lục Đạo, Tam Đồ chẳng sai.

Tâm Kia mà hợp Đạo Trời,

Bồng Lai, Tam Đảo tức thời hiện ra.

Cuối sách Tính Mệnh Khuê Chỉ có một bức tranh, với bài thơ sau của Mã Ngữ:

Tụng Kinh, Trai Giới tổng giai không,

Hà tất tham thiền, uổng phí công.

Kham tiếu danh sơn bôn tẩu khách,

Bất tri Phật tại kỷ tâm trung.

Dịch:

Tụng Kinh, Trai giới thảy đều không,

Khỏi phải tham thiền uổng phí công.

Nực cười thiên hạ tìm trong núi,

Chẳng hay rằng Phật tại tâm trung.

Như vậy là người xưa nhiều người đã tin rằng mình chính là Phật, là Trời. Tiếc rằng chúng ta không có cái nhìn sáng tỏ như vậy.

Người xưa còn nói:

Dữ Đạo vi thể, siêu xuất Thiên Địa. (Có Đạo làm Bản Thể mình, sẽ siêu xuất Thiên Địa).

Chân Nhân khế Đạo cố viết Chí Nhân (Chân Nhân là người kết hợp với Đạo, cho nên gọi là Chí Nhân,)

Tham Đồng Khế cho rằng Đơn thành là thành Phật (Xem Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. 3, chương Linh Đơn nhập đỉnh, trường dưỡng Thánh Thai, tr.376-377), và nuốt được Kim Đan là thoát vòng sinh tử.

Thâu Thạch Giản viết:

Nhất lạp xan hề, Thiên Địa thọ,

Tử sinh, sinh tử bất tương can. [65]

Nuốt hạt Kim Đơn, thọ vô cùng,

Từ nay sinh tử đã thoát vòng,

Thiết tưởng nên nhấn mạnh rằng phải sống sao cho thật tự nhiên. Lão tử dạy trong chương 25 Đạo đức Kinh: «Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên Pháp Đạo, Đạo pháp Tự Nhiên.» (Người khuôn theo phép đất đai, Khuôn Trời Đất lấy, Đạo cai quản Trời. Tự Nhiên, Đạo cứ thảnh thơi.)

 

 NHỮNG BIẾN THÁI CỦA ĐẠO LÃO QUA CÁC THỜI ĐẠI

Như chúng ta đã thấy, Đạo Lão theo đà thời gian đã khoác nhiều bộ mặt khác nhau:

- Biến thái thứ 1 là từ một triết thuyết, một nghệ thuật sống, một đạo huyền đồng siêu việt, dành cho một ít ẩn sĩ siêu phàm, đạo Lão đã trở thành một tôn giáo ẩn sâu vào lòng quần chúng với những tín ngưỡng, những phù chú ma thuật, những đền miếu, những lễ nghi thờ phụng.

Đạo, hay Nguyên lý tối cao lúc ban đầu dần dần được hình dung hóa, nhân cách hóa thành Thái Nhất, Nguyên Thủy Thiên Tôn hay Ngọc Hoàng Thượng đế. Lão Tử được suy tôn thành Thái Thượng Lão Quân và được tôn sùng như là hiện thân của Thượng đế từ đời nhà Hán.

Đó là công trình của các vua nhà Hán như Hán Văn Đế (179-156) Hán Vũ Đế (140-86) các vua nhà Đường như Đường Cao Tổ, Lý Uyên (620-627), Đường Huyền Tông (713-756), Hiến Tông (806-820), Mục Tông (821-825), Vũ Tông (841-847), các vua nhà Tống như Tống Chân Tông (998-1023), Tống Huy Tông (1101-1126), các vị Thiên sư, cái vị đạo sĩ như Trương Đạo Lăng, Trương Giác, Trương Lỗ, Trương Tu, Trịnh Tư Viễn, Khấu Khiêm Chi, Bão Phác Tử v.v… Về phương diện Đạo giáo, Đạo Lão đã đặt nặng vấn đề giao tiếp với thần tiên, cầu trường sinh bất tử.

- Biến thái thứ 2 của Đạo Lão là bùa chú, phù thủy môn, hô phong, hoán võ, hô thần, trừ quỉ v.v… Đó là những bí thuật của các thầy phù thủy pháp môn, mà ngày nay rất ít người biết được.

- Biến thái thứ 3 của Đạo Lão là các phương thuật dưỡng hình, dưỡng sinh với thủ thuật, công phu như:

. Đạo dẫn, ma sát.

. Võ công như Bát Đoạn Cẩm, Lục Đoạn Cẩm, Thập Nhị Đoạn Cẩm, Thái cực quyền.

. Khí công tức là vận khí điều tức.

. Tĩnh công tức là đặt nặng vấn đề giữ yên tâm thần, định hồn phách.

- Biến thái thứ 4 là đi tìm các phương dược để bổ dưỡng thân tâm.

Chính vì thế mà đã có một số đạo sĩ đã trở thành những y sư danh tiếng như Đào Hoằng Cảnh (452-536), Cát Hồng (281-340), Tôn Tư Mạc (581-682) v.v.

- Biến thái thứ 5 của đạo lão là chủ trương sống thoát vòng cương tỏa của xã hội, sống tùy ý, tùy thích. Đó là chủ trương của Trúc Lâm Thất Hiền thời Tam quốc gồm các nhân vật như Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Sơn Đạo, Hướng Tú, Vương Nhung…

- Biến thái thứ 6 của đạo Lão là luyện nội đan để cầu trường sinh bất tử mà người chủ xướng là Ngụy Bá Dương thời Hán (thế kỷ 2), tác giả bộ Tham Đồng Khế.

Phương pháp luyện nội đơn này chẳng qua là vận khí, điều tức, tập trung tâm thần để đi đến chỗ xuất thần huyền hóa. Cho nên, tuy dùng những thuật ngữ đặc biệt, nhưng bộ mặt thực của khoa luyện nội đơn cũng chỉ là tu luyện tâm thần để đi đến chỗ phối kết với Trời với Đạo, mà ta đã đề cập đến rất nhiều ở bên trên.

- Biến thái thứ 7 của đạo Lão là những phương thuật luyện ngoại đơn, gồm tất cả các phương thức làm cho thân xác trở nên khinh phiêu bất tử.

Từ thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch, Tống Vô Kỵ học trò Tiện Môn Tử Cao đã có chủ trương rằng con người có thể thoát xác để trường sinh. Rồi tiếp đến có Bão Phác Tử một người đã dùng cả đời để luyện thuốc trường sinh. Công cuộc cầu trường sinh này gồm:

- Phương pháp Tịch cốc để cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng, tinh khiết.

- Hấp thụ khí âm dương tinh hoa của trời đất. Tắm ánh sáng mặt trời để hấp thụ khí dương. Uống sương móc hứng giữa thinh không lúc ban đêm để hấp thụ tinh hoa của khí Âm.

- Dùng những loại kim thạch, tinh hoa của âm dương để luyện thành kim đơn mà uống.

Người xưa cho rằng Lưu Hoàng (Soufre) và Vàng là tinh hoa của Dương. Những chất liệu trên không thể dùng thẳng được nên cần phải chuyển biến tinh luyện.

Muốn ăn Lưu Hoàng người ta dùng Đơn Sa hay Chu Sa hay Thần Sa (Cinabre) tức là một hợp chất gồm Thủy ngân và Lưu Hoàng (S2Hg).

Muốn điều chế vàng nhân tạo người ta dùng Chì có pha bạc hay Thạch tín (Plomb argentifère hay arsénifère). Điều chế chất chì này người ta được Hùng hoàng (Sulfure d’arsenic rouge) hay Thư Hoàng (Sulfure d’arsenic jaune) mà người ta coi như là vàng nhân tạo.

Đơn Sa, Chu Sa, Thần Sa và Hùng Hoàng, Thư Hoàng sau này được coi là linh đơn, hay ít nữa là được coi là những chất liệu chính dùng để chế linh đơn.

Đọc những thành phần các chất liệu dùng để luyện linh đơn như thấy trong bài Bát quỳnh đơn[66] hay Cửu chuyển hoàn đơn,[67] ta thấy chúng toàn là những loại kim thạch tối độc cho cơ thể con người. Hậu quả là các vua chúa đã uống qua linh đơn đều trở nên điên cuồng hay chết non ví dụ:

+ Ai Đế nhà Đông Tấn (361-366)

+ Đường Hiến Tông (805-820)

+ Đường Mục Tông (820-824)

+ Đường Vũ Tông (840-847)

Vị tiên ông chuyên luyện thuốc trường sinh là Cát Hồng Bão Phác tử cũng chỉ hưởng thọ có 61 tuổi.

Sau khi thấy các linh đơn rất là nguy hiểm, các vua chúa đã có những phản ứng khác nhau như sau:

1. Ra lệnh hành quyết hết các thầy luyện đan như đời vua Đường Y Tông (860).

2. Nhận thuốc trường sinh, nhưng chỉ sẽ uống lúc hấp hối như vua Văn Tuyên Đế nhà Bắc Tề (550-559).

3. Bắt các tử tội phải thí nghiệm thuốc trường sinh như trường hợp vua nước Ngụy là Đạo Vũ Đế đã làm năm 400.

Nhà văn hào Tô Đông Pha được biếu thuốc trường sinh, đã viết thư cho bạn như sau: «Mới đây đệ có nhận được một ít chu sa thần dược màu tuyệt đẹp, nhưng đệ không đủ can đảm dùng linh đan ấy.» (Xem Trần Văn Tích, Tư tưởng Lão Trang trong Y thuật Đông phương, tr. 141).

 

 NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC NƠI LÃO TRANG

Những trình bày và nhận xét trên đã cho chúng ta thấy:

+ Phương pháp luyện ngoại đơn đã hoàn toàn thất bại.

+ Chủ trương xác thân con người có thể nhờ dược liệu, nhờ công phu tu luyện mà trở nên bất tử được chỉ là một ảo vọng, vì hễ là hợp chất, tạp chất thời trước sau cũng phải ly tan. Mà Á Đông vẫn cho thân này là Tứ đại giả hợp thì làm sao mà trường cửu được cho cam?

+ Những chuyện con người có thể bạch nhật thăng thiên cũng là những chuyện huyền thoại hoang đường.

+ Những ma thuật phù chú sẽ dần dần đưa dân chúng vào một thế giới nghi kỵ lẫn nhau, và sợ hãi lẫn nhau. Đời xưa khi vua Hán Vũ Đế lâm bệnh, triều đình đã giết trước sau cả vạn người vì nghi là đã trù ếm vua.

+ Chủ trương con người có thể tịch cốc để cho xác thân trở nên phiêu bồng bất tử cũng đi ngược lại với định luật thiên nhiên.

* Còn như nói rằng con người cần phải dưỡng sinh, cần phải phòng bệnh, ăn ở cho sạch sẽ, ăn uống cho có tiết độ, lao tác sống động cho có chừng mực, đừng quá lao tâm lao lực, giữ cho lòng mình ung dung thoải mái, hồn nhiên khinh khoát, để sống cho khỏe mạnh, để sống cho trọn tuổi đời thì là những bài học hết sức là khôn ngoan và hữu lý, rất đáng cho chúng ta theo.

* Quan niệm vui sống, vui chết là một quan niệm hết sức là hào sảng. Thái độ này sẽ làm cho chúng ta sống bình thản hồn nhiên hết mọi lo âu, sợ hãi.

* Lão Trang lại còn chủ trương sống theo thiên nhiên, rũ bỏ nhân tạo. Đó là một chủ trương hết sức đẹp đẽ, cao siêu, nếu hiểu và áp dụng cho đúng đắn, nhất là vào thời buổi văn minh này, con người đang bị đủ mọi thứ gông cùm ngoại cảnh, lý thuyết, xã hội, tập quán, chính trị, văn minh vật chất buộc ràng, những bậc thức giả cũng nên rũ bỏ bớt những gì nhân vi, nhân tạo, rũ bỏ những gì giả tạo, bôi bác mà sống một cuộc sống đơn thuần, thành khẩn, an nhiên.

* Lão Trang có cái đẹp là từ thời Tuỳ, Đường đến nay nhất là từ Vương Trùng Dương và các đệ tử (đời Tống) đều nhất luật chủ trương Tam Giáo Đồng Nguyên, Tam Giáo Hợp Nhất. Đời Minh Gia Khánh 1562, Lâm Triệu Ân soạn quyển Tam Giáo Hội Biên cũng theo chiều hướng đó. Đời Minh Vĩnh Lạc có người soạn quyển Tam Giáo Nguyên Lưu Sưu Thần Đại Toàn, vẽ 181 hình Thánh, Tiên, Phật v.v.. (Xem Ho àPhu Thâm,Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xuất bản xã, 1995, các trang 1768, 468, 421.)

* Cao siêu nhất là lời kêu gọi của Lão Trang khuyên ta tìm về với Thiên Chân, trở về với Đạo với Trời.

Thiết tưởng chúng ta nên nghe theo lời kêu gọi đó mà rũ bỏ bớt những kiến thức đa đoan phù phiếm của tiểu trí để mà có cái nhìn bao quát của những bậc đại trí, đại huệ, thấy rằng mình hồn dung liên kết với Đạo, với Trời với vũ trụ vạn hữu, để mà sống cho khinh phiêu siêu thoát, tẩy rửa tâm tư cho sạch những tà tâm tà niệm, trở nên thuần nhất, tinh toàn, dữ Đạo hợp chân, dữ Thiên tương phối ….

Tôi nghĩ bàn về Đạo Lão như vậy, đã quá nhiều. Người xưa có câu:

Nhất ngôn bán cú tiện thông huyền,

Hà dụng đơn kinh thiên vạn biên.

Thông Huyền một chữ cũng thông,

Đơn kinh lọ phải thuộc lòng ngàn pho [68]

 

KHÁI LƯỢC VỀ LÃO GIÁO VIỆT NAM

(Trích sách Con Đường Tam Giáo Việt Nam của Lê Anh Dũng, Nxb Tp HCM, 1999, từ tr. 11 đến tr. 18)

 

Cái học Lão Trang trong sáu, bảy thế kỷ trước công nguyên ở Trung Quốc (thời Xuân thu Chiến quốc) là một học thuật tư tưởng. Các đạo gia không chủ trương những điều huyền bí, trước cảnh thiên hạ đại loạn họ chọn cuộc sống ẩn dật, di dưỡng thiên chân. Từ thế kỷ I, thời Đông Hán (Hậu Hán), với Trương Đạo Lăng , cái học Lão Trang biến thành một tôn giáo, gọi là Đạo giáo, Lão giáo.

Đạo giáo phát triển muôn vẻ. Các đạo sĩ (phương sĩ ) chuyên tâm vào bùa chú (phù chú hay phù lục ), luyện đan. Họ được gọi là phái thần tiên đan đỉnh và phù lục. Toàn bộ kinh điển Đạo giáo rất phức tạp, gồm 5.485 quyển, gọi chung là Đạo tạng , gồm Chính Đạo tạng, Tục Đạo tạng. Đạo giáo có nhiều môn phái, rất phức tạp, một số phái chủ yếu:

- Phái Chính nhất (Thiên sư đạo), phát triển mạnh ở phương Nam, tôn Trương Đạo Lăng làm Thiên sư; con cháu họ Trương đời đời làm thủ lãnh. Các đạo sĩ không xuất gia, gọi là hỏa cư đạo sĩ.

- Phái Toàn chân, xuất hiện thời Liêu Kim, phát triển rộng ở phương Bắc, có cả đạo sĩ và đạo cô, đều xuất gia, gọi là mao sơn đạo sĩ.

Có thể Lão giáo du nhập Việt Nam khoảng thế kỷ II, bấy giờ đã mang màu sắc Đạo giáo. Nguyên vì ở Trung Quốc, sau khi Hán Linh đế mất (năm 189), xã hội đại loạn, người Hán chạy sang Giao Châu lánh nạn rất đông, trong đó có nhiều đạo sĩ tịch cốc (nhịn ăn), luyện pháp trường sinh.

Quan lại Trung Quốc sang đô hộ nước Nam hầu như đều sính phương thuật. Theo Đại Việt sử ký toàn thư , quyển 3, Thái thú Sĩ Nhiếp lâm bịnh, chết đã ba ngày, lại được một đạo nhân là Đổng Phụng đến cho thuốc cải tử hoàn sinh. Lại chép việc Thứ sử Trương Tân (sang Giao Châu từ năm 201) hay đội khăn đỏ, đọc kinh sách Đạo giáo. Đời Đường, năm 865, Cao Biền sang nước Nam đàn áp các cuộc khởi nghĩa của dân Việt. Cao là một thuật sĩ có hạng, chuyên về phong thủy ­嗣水, ráo riết tìm phá long mạch, trấn yểm các nơi anh linh tú khí của nước Nam, cốt ý cho nước Nam không còn sinh ra nhân tài, anh hùng hào kiệt, sẽ phải lệ thuộc dưới ách đô hộ của phương Bắc đời đời.

Đạo Lão Việt Nam cũng khá phức tạp, vừa mang màu sắc Đạo giáo, vừa chịu ảnh hưởng các Đạo gia, và đồng thời cũng kết hợp với Thần đạo của người Việt; vì thế, đạo Lão ở Việt Nam có nhiều khuynh hướng.

I. CÁC KHUYNH HƯỚNG TIÊU BIỂU CỦA LÃO GIÁO VIỆT NAM

1. Khuynh hướng phù chú và bạo động

Bùa chú trong một thời gian dài có ảnh hưởng trong các sinh hoạt xã hội. Chẳng hạn, cọp được coi là loài thú tính dương, nên có thể khu trừ tà ma (tính âm), do đó nhiều nhà dán bùa vẽ hình cọp trước cửa để che chở gia đình, và lá bùa ấy có tên trừ tà trị bệnh, trấn trạch bình an.

Đạo giáo có sức lôi cuốn nông dân vào các hội bí mật, hoặc để tương trợ nhau chống lại cường hào ác bá, hoặc để mưu đồ quốc gia đại sự. Đời Trần Phế đế, ở lộ Bắc Giang có Nguyễn Bổ, năm 1379 xưng vương, hiệu Đường lang Tử y. Đời Hồ có Trần Đức Huy cũng dùng phương thuật thu hút đông người theo, bị Hồ Quý Ly dẹp năm 1403. Thời kháng Pháp có đạo sĩ Trần Cao Vân (1866-1916), tên thật là Trần Công Thọ, hiệu Hồng Việt, quê làng Tư Phủ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Miền Nam có Thiên địa hội lôi cuốn hàng ngàn người. Có Phan Phát Sanh (Phan Xích Long) xưng hoàng đế, nổi lên đánh Pháp (cuối tháng 3.1913); nghĩa quân đeo bùa, mang giáo mác, gậy gộc, bất chấp súng đạn của giặc. Còn rất nhiều những phong trào như thế khắp cả nước, như Mạc Đình Phúc (miền Bắc), Võ Trứ (miền Trung), Nguyễn Hữu Trí (miền Nam)...

2. Khuynh hướng phong thủy và sấm ký

Khoa phong thủy (địa lý) ở nước Nam và việc tiên tri loan truyền sấm ký rất được quần chúng ưa thích. Đời Trần?Hồ ở lộ Tân Hưng có Trần Quốc Kiệt làm quan chức an phủ sứ, soạn Hình thế địa mạch ca. Đời Mạc có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), hiệu Bạch Vân Cư sĩ , đời gọi Trạng Trình, nổi tiếng vì nhiều tiên tri ký bí. Đời vua Lê chúa Trịnh ở làng Tả Ao, tỉnh Nghệ An, có Nguyễn Đức Huyên vang danh nhờ khoa địa lý. Đời Tây Sơn ở huyện La Sơn, tỉnh Hà Đông có Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu tử) cũng nổi tiếng về phong thủy.

Sấm ký cũng được nhiều cao tăng sử dụng. Làng Cổ Pháp, tỉnh Bắc Ninh, trong phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi có nhiều nhân vật lừng lẫy: sư Định Không (thế kỷ VIII, đời thứ tám); sư La Quý An (852-939, đời thứ mười); sư Vạn Hạnh (thế kỷ XI, đới thứ mười hai)...

3. Khuynh hướng trường sinh bí thuật

Vua Trần Dụ tông (1341-1369) cầu đạo trường sinh với đạo sĩ Huyền Vân tu ở núi Niết (núi Phụng Hoàng), huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đời Trần Thuận tông (1388-1398) có quan tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, tên Từ Thức, người Hóa Châu. Đời Trần?Hồ ở xã Cổ Định, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, có Trần Tu vào ẩn tu ở núi Nưa (Na Sơn). Đời vua Lê chúa Trịnh ở huyện Đông Thành có Phạm Viên...

Triều Lê Cảnh hưng có Nguyễn Hoãn, làng Lan Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, làm quan Lại bộ thượng thư, Viện quốc công, Quốc sư Quốc lão. Gia phả họ Nguyễn, mục Tiên khảo đạo tu lục cho biết ông tu tiên từ năm ba mươi ba tuổi (Ất sửu 1745), đọc Đạo đức kinh. Năm bốn mươi bốn tuổi lập tĩnh thất để tu luyện ngay trong nhà. Năm bốn mươi tám tuổi thờ thần Ngũ Nhạc. Sau lại xây thêm tháp mười hai tầng để luyện khí âm dương... Vì cuồng vọng, ông về sau đi lạc sang tà đạo. Mất năm 1792, thọ tám mươi tuổi.

4. Phương hướng thanh tĩnh, nhàn lạc

Triết lý vô vi thanh tĩnh của Lão-Trang ảnh hưởng giới Nho sĩ rất nhiều, tạo cho con người xu hướng ẩn dật, ưa thích gần thiên nhiên, tìm cái thú nhàn lạc bên chén rượu cuộc cờ, tiêu dao với ngón đàn, vần thơ, hay nét thư họa... Xu hướng này thích hợp khi con người không gặp thời, hoặc khi đã chán cuộc đời phồn tạp. Vì thế, Nho sĩ Việt Nam thời xưa luôn luôn trang bị cho bản thân tư tưởng xuất xử. Gặp thời hay, được thi thố tài năng thì xuất , tham gia việc nước. Lúc bất đắc chí, khi tuổi già hay chán quan trường thì xin bỏ về điền dã; đó là xử .

Đời Trần, Nguyễn Phi Khanh viết:

Bách niên phù thế nhân giai mộng,

Bán nhật thâu nhàn ngã diệc tiên.

(Cuộc đời nổi trôi trăm năm kiếp người như giấc mộng, Ăn trộm được cái nhàn nửa ngày thì ta cũng là tiên).

Đời Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Nhưng trong mọi việc đà ngoài hết,

Được một ngày là tiên một ngày.

Hay là:

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,

Nhìn xem thế sự tựa chiêm bao.

Đời Lê-Mạc, có Nguyễn Hãng, quê xã Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây, thi đậu hương cống nhưng không làm quan, về ẩn tu ở xã Đại Đồng, phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ông lấy hiệu Nại Hiên. Triều Lê (khi trung hưng) phong tặng là Thảo Mao Dật sĩ. Ông sáng tác những bài phú như Đại Đồng phong cảnh phú, Tam Ngung động phú, Tịch cư ninh thể phú... Những bài này ca ngợi thú ở ẩn non cao.

Đời Tây Sơn, có Phan Huy Ích (1750-1822), quê ở Nghệ An, lấy hiệu Bảo chân Đạo nhân. Năm 1796 ông dựng nhà tại kinh thành Thăng Long, đặt tên là Bảo chân quán. Trong bài ký do ông sáng tác để nói về Bảo chân quán, ông bày tỏ mục đích là để sớm hôm quanh quẩn ở đó, khi dựa bao lơn uống trà, khi đến dòng sông buông câu, khi khảy đàn nhắp rượu, khi ngâm vịnh tùy hứng... Đời Nguyễn có Nguyễn Công Trứ (1778-1858), người xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là một con người độc đáo, tiêu biểu chi lối sống xuất xử vẹn toàn của nhà Nho. Ông từng tự hào:

Tri túc, tiện túc; đãi túc, hà thời túc?

Tri nhàn, tiện nhàn; đãi nhàn, hà thời nhàn?

Cầm kỳ thi tửu với giang san,

Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế?

Khuynh hướng thanh tĩnh, nhàn lạc còn thấy được qua thú chơi cây kiểng và hòn non bộ. Người ta chơi một gốc cây sù sì, nho nhỏ, uốn cành sửa lá theo ý riêng, hoặc bày vài hòn đá con con, chông chênh trên một bể nước cạn. Thêm vào vài nhánh lá, chiếc cầu, con thuyền, lác đác một hai tượng sành tí xíu hình lão tiều, ông câu, hay đôi bạn đang đánh cờ... Đó là cả một thế giới riêng của con người đem thu nhỏ lại từ hình ảnh thật của thiên nhiên bao la. Chơi cây kiểng và hòn non bộ từ lâu đời vẫn được coi như thú tiêu khiển thanh tao, giúp con người di dưỡng tánh tình. Nó được xếp hạng không kém bốn thú tài tử cầm, kỳ, thi, họa. Người sành chơi, khi đứng trước một chậu kiểng đẹp, một hòn non bộ khéo đắp, có thể dễ mê mẫn tâm hồn, đắm mình trong sức tưởng tượng phong phú, và quên cả thực tại phồn tạp bên ngoài.

II. LÃO GIÁO KẾT HỢP VỚI THẦN ĐẠO VIỆT NAM

Từ lâu đời, người Việt có một đức tin sâu sắc vào sự trường cữu của anh linh những công thần, hào kiệt. Lúc sống, làm rường cột chống đỡ sơn hà xã tắc, cứu dân giúp nước. Khi thác, trở thành thần thánh, hiển hích, âm phò mặc trợ cho đồng bào. Thần đạo Việt Nam giản dị như vậy, và đó cũng là một truyền thống yêu nước và lòng kính trọng nghìn đời của dân tộc đối với các vị anh hùng, những bậc kỳ tài của đất nước. Cái đình làng, tục thờ thành hoàng, đền thờ hay lăng, miếu các danh tướng lương thần đều là nét tín ngưỡng Thần đạo của người Việt.

Đạo Lão cũng như đạo Phật đã khéo dung hợp, hòa nhập với những tín ngưỡng cổ truyền trong lòng xã hội Việt Nam. Đế quốc phong kiến phương Bắc đã thất bại khi tìm cách dập tắt tín ngưỡng bản địa này của người Việt. Trong lúc nước mất chủ quyền, chính tín ngưỡng Thần đạo đã nuôi dưỡng ý thức quốc gia, khơi lòng yêu nước, để khi thời cơ đến thì gây phong trào khởi nghĩa, đánh đuổi ngoại xâm.

Trong toàn bộ lịch sử lâu dài vừa đấu tranh giữ nước vừa ra sức dựng nước, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu bất khuất, không phải chỉ với phương tiện vật chất hữu hình, mà còn có cả sức mạnh vô hình là đức tin mãnh liệt vào khí thiêng sông núi, tin rằng có biết bao thế hệ anh linh tiền nhân dân tộc đang cùng đứng chung chiến tuyến với chính nghĩa của dân tộc để bảo vệ sự độc lập, thống nhất, trường tồn của Việt Nam.

Chính Thần đạo Việt Nam cũng thể hiện tình yêu nước Việt Nam. Người Việt theo đạo Lão nhưng vẫn không hề mất bản sắc của mình. Do đó, bên cạnh các vị thần tiên của đạo Lão theo kinh điển Trung Quốc truyền sang, dân Việt vẫn thờ chung các vị thần của người Việt. Thí dụ, Thông thánh quán ở vùng Bạch Hạc (Việt Trì) đã thờ thần sông Tam Giang là vị phúc thần của địa phương. Các đạo quán khác thờ thần núi Tản Viên (núi này ở tỉnh Sơn Tây), gồm ba ngọn cao ngất, nên cũng gọi là núi Ba Vì), thờ thần sông Tô Lịch, Lý Ông Trọng... Từ đời Trần, đức Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn được thờ ở Vạn Kiếp, Chí Linh, rồi lan truyền nhiều nơi. Đời Hậu Lê, có đền thờ bà chúa Liễu Hạnh. Các nữ thần khác cũng được dân gian thờ phụng khắp trong nước.

III. MỘT SỐ ĐẠO QUÁN NỔI TIẾNG

1. Thông thánh quán

Ở vùng Bạch Hạc (Việt Trì), dựng khoảng năm 650-655, đến thế kỷ XIV thì không còn.

2. Thái thanh cung

Cung được dựng ở kinh thành Thăng Long, bên trái. Bên phải là chùa Vạn tuế. Vua Lý Thái tổ (1010-1028) cho cất cung và chùa này khi mới dời đô về Thăng Long.

3. Trấn vũ quán

Cũng được xây dựng lúc vua Lý Thái tổ vừa dời đô về Thăng Long (1010), hiện nay nằm ở góc đường Quan Thánh và đường Thanh Niên, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Quán thờ đức Huyền thiên Trấn vũ để hộ trì mặt phía bắc của thành Thăng Long. Quán này còn được gọi là đền Trấn vũ hay Chân vũ. Đời vua Lê Hy tông (1676-1704), tượng đức Trấn vũ được đúc bằng đồng đen cao 3,96 mét, nặng 4 tấn. Năm 1893, lại xây thêm một bệ đá cho tượng. Bệ này cao 1,20 mét.

4. Ngọc thanh quán

Quán nằm trên núi Đại Lai (Thanh Hóa). Năm 1398, Hồ Quý Ly mưu việc dứt ngôi nhà Trần, ép vua Trần Thuận tông (1388-1398) thoái vị, và cưỡng bách vua về tu tiên ở quán này.

5. Nghinh tiên quán (hay Vọng tiên quán)

Nguyên vua Lê Thánh tông chơi Hồ Tây, gặp một thiếu nữ xinh đẹp, xướng họa thơ rất ưng ý nên vua Lê rước lên xe đưa về cung. Khi đến cửa Đại Hưng thành Thăng Long (nay là cửa Nam Hà Nội), thiếu nữ bay lên trời, biến mất. Vua cho cất tại cửa Đại Hưng lầu Vọng tiên để kỷ niệm, sau chốn này thành quán Vọng tiên hay Nghinh tiên nằm ở phố Hàng Bông, Hà Nội.

6. Tiên tích tự

Vua Lê Hiển tông chơi hồ Kim Âu phía nam thành Thăng Long gặp hai cô tiên, nên cho cất Tiên tích tự ở đấy làm kỷ niệm. Hồ Kim Âu nay ở vị trí nhà ga đường sắt Hà Nội.

7. Đền Ngọc sơn

Đền nằm trên một gò đất nổi lên ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm. Thoạt đầu nơi đây thờ đức Quan thánh Đế quân, sau trùng tu lại, thờ Phật, gọi là chùa Ngọc sơn. Năm 1841, biến thành đền thờ đức Văn xương Đế quân. Về sau lại thờ thêm đức Lữ tổ và đức Trần Hưng đạo.

8. Bảo chân quán

Do Phạm Huy Ích cất tại Thăng Long năm 1796.

IV. THƯỢNG SƯ NỘI ĐẠO

Đây là một đạo trường lớn của đạo Lão ở Việt Nam thời xưa. Đời Hậu Lê, Trần Toàn là người làng Yên Đông, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê (thời gian 1527-1529), ông từ quan về quê tu hành, đắc đạo, được Thiên đình phong chức Thượng sư, lo trừ tà khử quái suốt hai vùng châu Hoan (Thanh Hóa) và châu Ái (Nghệ An). Thượng sư đến làng Từ Minh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa mở đạo trường. Vua Lê Thần tông (1619-1662) ban cho trường tên là Nội đạo trường. Lúc Thượng sư thoát xác, Vua lại truy phong là Phục ma Thượng đẳng Phúc thần và cho lập đền thờ.

Thượng sư có ba con trai là Nhật Quang, Nguyệt Quang, và Ngọc Quang, đều tinh thông đạo pháp của Thượng sư truyền dạy. Ba vị nổi danh lừng lẫy, đời xưng tán, gọi là Tam thánh Nội đạo. Sau khi Thượng sư về Trời, Ngọc Quang kế tục đạo nghiệp của cha, lãnh phần điều khiển Nội đạo trường.

Triều đình đã công nhận đạo trường này. Nó có uy thế rất lớn. Chi nhánh của Nội đạo trường xuất hiện khắp nơi, nào là làng Từ Quang (tức Từ Minh trước kia, huyện Hoằng Hóa), là làng Yên Đông (huyện Quảng Xương), đều ở tỉnh Thanh Hóa; hoặc ở tỉnh Nghệ An, ở hạt Huệ Lai, tỉnh Hưng Yên; hay ở Nhật Tảo (tỉnh Hải Dương), ở làng Giảng Võ (gần Hà Nội)...

Về sau, Nội đạo trường thờ cả bà chúa Liễu Hạnh, đức Trần Hưng đạo, đức Phù đổng Thiên vương, thần núi Tản Viên, thần Bạch Mã...

V. THI LÃO HỌC

Triều Lý Cao tông (1195) và triều Trần Thái tông (1247) đều mở khoa thi Tam giáo. Riêng về nội dung thi Lão giáo, Nguyễn Đổng chi đã sưu tầm được một đề thi và một bài trả lời các câu hỏi ra trong đề đó. Nghiên cứu tài liệu này, có thể hiểu được phần nào sự học Lão của người Việt đời trước. Sau đây là bài thi:

1. PHÁP MÔN LÀ GÌ?

Mọi pháp quy tôn, muôn đời chẳng đổi, muôn thánh ngàn thần, một môn đồng hội, ấy gọi là pháp môn vậy.

2. PHÙ THỦY LÀ GÌ?

Khí âm khí dương hỗn hợp mà thành ra thiêng, dùng nước đại bi phun cho ma sợ, ấy gọi là phù thủy vậy.

3. PHÁP MÔN LẤY AI LÀM THÁNH?

Pháp môn do Thái thượng Lão quân lập ra cho nên tôn Ngài làm Thánh.

4. PHÙ THỦY LẤY AI LÀM THẦY?

Phù thủy do Chân vũ Tiên sinh lập ra cho nên tôn Ngài làm Thầy.

5. TỨ THÁNH, TỨ GIÁC, TỨ TUNG, TỨ DUY LÀ Ý THẾ NÀO?

Thiên bồng, Thiên du, Bảo đức, Hắc sát gọi là Tứ thánh. Càn, Khôn, Tốn, Cấn gọi là Tứ giác. Thiên hoa, Địa hoa, Lão hạc, Đồng trụ gọi là Tứ tung. Tí, Ngọ, Mão, Dậu gọi là Tứ duy.

6. TAM GIỚI, TAM THANH, TAM ĐỘNG, TAM TY LÀ THẾ NÀO?

Dục giới, sắc giới, vô sắc giới ấy là Tam giới. Ngọc thanh, Thượng thanh, Thái thanh, ấy là Tam thanh. Động chân, Động huyền, Động vi ấy là Tam động. Lôi đình, Linh bảo, Thái huyền ấy là Tam ty.

7. ÔN, HOÀNG, DỊCH, LỆ SINH VÀO BUỔI NÀO?

Vua Hoàng Đế có bốn người con bất tài tên là, Ôn, Hoàng, Dịch, Lệ sinh vào đời Chuyên Húc.

8. TỐN, LY, KHÔN, ĐOÀI SINH ĐƯỢC MẤY CON?

Tốn sinh ra được bốn con là Đông, Tây, Nam, Bắc. Ly sinh được chín con từ Nhất bạch, Nhị hắc đến Bát bạch, Cửu tử. Khôn sinh ra sáu con tức là Thái âm, Lục khí. Đoài sinh ra bảy con tức là Bắc đẩu Thất tinh. Ấy là Tốn, Ly, Khôn, Đoài có hai mươi sáu con vậy.

9. HÀNH MÃN TAM THIÊN SỐ, THỜI ĐƯƠNG TỨ VẠN NIÊN LÀ GÌ?

Số Trời thành 1.000, số đất thành 1.000, số người thành 1.000, ấy là hành mãn tam thiên số. Từ Thái dịch đến Thái sơ là 10.000 năm, từ Thái sơ đến Thái thủy 10.000 năm, từ Thái thủy đến Thái tố 10.000 năm, từ Thái tố đến Thái cực 10.000 năm. Ấy là thời đương tứ vạn niên.

10. ĐẠO CẠO LONG HỔ PHỤC, ĐỨC TRỌNG QUỶ THẦN KINH CHỈ VỀ THẦY NÀO?

Đạo chí cao không thể vượt qua được, mà rồng là dương tinh, cọp là âm tinh đều phục đạo cao. Đức chí hậu không thể vượt qua được, mà quỷ là khí tán, thần là khí tinh đều sợ đức trọng. Ấy là Đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh, chính là chỉ sư Phổ Am vậy.

11. PHÉP BẮT TÀ TRÓI QUỶ DÙNG LINH PHÙ NÀO? ĐỌC THẦN CHÚ NÀO?

Nếu được đàn tràng cho chỉnh túc, pháp tịch cho hẳn hoi, niệm thấy tam giới mà muôn thánh đều đến, trống đánh ba hồi mà muôn thần đều nhóm họp, trước phải gọi tướng, thứ phải sai đi. Tưởng đến thiên võng mà kín đáo ra bùa, bắt tay ấn mà thiêng liêng chú bút, bốn chữ thánh đè năm chữ quỷ, chữ (...?) hợp với vạn linh. Dùng những bùa thiêng Bạch xà, Độc cước, đọc những thần chú Thái thượng, Tề thiên.

12. MUỐN CHO ĐỜI NÀY, DÂN NÀY ĐỀU VÀO TRONG ĐÀI XUÂN, CÙNG BƯỚC LÊN CÕI THỌ THÌ PHẢI DÙNG THUẬT GÌ?

Nếu trước hết chính tâm thì bọn tà mị không thể rục rịch. Trước hết chính thân thì khí tà không thể xâm phạm. Tâm chính rồi thì lấy đó ra ơn cho dân. Thân chính rồi thì lấy đó mà giúp chúng.

Qua bài làm của thí sinh đời trước, cùng với cách ra câu hỏi như thế, có thể phỏng đoán rằng trọng tâm cái học Lão giáo đời xưa nặng về Đạo giáo (Taoist religion) hơn là Đạo học (Taoist philosophy).

VI. CẦU TIÊN

Cầu tiên là một phương tiện liên lạc, tiếp xúc (thông công) giữa cõi người hữu hình với các đấng tiên thánh trong cõi vô hình. Người cầu tiên có thể do nhiều mục đích khác nhau: hoặc mượn thơ phú xướng họa để tiêu khiển thanh tao, hoặc xin thuốc chữa bịnh, hoặc hỏi việc tương lai hậu vận, hoặc hỏi thiên cơ quốc sự, hoặc để học hỏi trực tiếp đạo lý với thần tiên. Thông thường các đấng thiêng liêng tùy duyên hóa độ, cũng vì từ bi, cho nên mượn những mục đích bình thường của thế nhân (thơ phú, xin thuốc...) để gây đức tin, rồi dẫn dắt đến chỗ học đạo thánh hiền.

Thời kỳ Việt Nam còn dưới ách thực dân Pháp, ở tỉnh Nghệ An có nhiều nơi cầu tiên, gọi là Thiện đàn. Ở miền Nam, đầu thế kỷ XX nhiều địa danh và các đàn tiên đã gắn liền với lịch sử khai đạo Cao đài như đàn ở Miễu Nổi (Bình Lợi, Gò Vấp), ở chùa Ngọc hoàng (Đất Hộ, tức Đa Kao), đàn Minh thiện (Thủ Dầu Một), đàn Hiệp minh (Cái Khế, Cần Thơ), đàn ở núi Thạch Động (Hà Tiên), đàn ở chùa Quan âm (núi Dương Đông, Phú Quốc), đàn ở phố Hàng Dừa (đường Arras, Sài Gòn, nay là Cống Quỳnh).

Qua mười chín thế kỷ, đạo Lão hầu như dần dần vắng bóng ở Việt Nam. Cho đến đầu thế kỷ XX, khi đạo Cao đài ra đời, dường như có những mối liên hệ gần gũi với đạo Lão. Đạo Cao đài thờ Ngọc hoàng Thượng đế (cũng là Cao đài Tiên ông), Diêu trì Kim mẫu, Thái thượng Lão quân, v.v... cũng là các đấng vốn được sùng bái, tôn thờ trong đạo Lão cổ truyền. Bản thân các tín đồ Cao đài vẫn coi mình là học trò Tiên, tu đạo Tiên. Phương tiện cơ bút là một điểm tương đồng khác giữa đạo Lão xưa và đạo Cao đài nay. Việc dạy giáo lý qua hình thức thơ phú trong Cao đài cũng cho thấy đường nét của văn hóa Lão-Trang. Như vậy, phải chăng sau mười chín thế kỷ, đạo Lão ở Việt Nam không hoàn toàn biến mất? Phải chăng đã có một sự hồi phục đạo Lão xưa trong một nền tôn giáo mới là Cao đài? Trả lời thích đáng câu hỏi này cần có sự tiếp tục nghiên cứu trong một chuyên khảo khác về Tam giáo Việt Nam, kể từ đầu thế kỷ XX trở đi.


Phụ Lục

Mấy bài thơ về Lương Tâm, Lương Tri của Vương Dương Minh.

1. Nhĩ thân các các hữu Thiên Chân,

Bất dụng cầu nhân, cánh vấn nhân.

Đãn trí Lương Tri thành chức nghiệp,

Mạc tòng cố chỉ phí tinh thần.

Thân anh ai nấy có Thiên Chân,

Khỏi phải cầu nhân, phải vấn nhân.

Hãy dựa Lương Tri, tu đức nghiệp,

Giấy cũ đọc chi, phí tinh thần.

2. Lương tri tức thị độc tri thì,

Thử tri chi ngoại cánh vô tri.

Thuỳ nhân bất thức Lương Tri tại,

Tri đắc Lương Tri khước thị thuỳ?

Lương tri thấy được lúc độc tri,

Ngoài biết ấy ra há biết gì?

Ai ai cũng có Lương Tri sẵn,

Hồ dễ mấy ai biết Lương Tri?

Cá cá nhân tâm hữu Trọng Ni,

Tự tương văn kiến khổ già mê,

Nhi kim chỉ dữ chân đầu diện,

Chỉ thị Lương Tri cánh mạc nghi.

Trong tâm ai cũng có Trọng Ni,

Kiến văn trùm lấp, mới u mê,

Nay ta đem chỉ Chân Đầu Diện,

Chính thực Lương Tri chớ khá nghi.

4. Vấn quân hà sự nhật động đồng,

Phiền não trường trung thố dụng công.

Mạc dạo Thánh Môn vô khẩu quyết.

Lương Tri lưỡng tự thị Tham Đồng.

Sao anh suốt buổi chạy Tây, Đông,

Trong vòng phiền não, uổng dụng công.

Đừng nói Thánh Môn không khẩu quyết,

Hai chữ Lương Tri chính Tham Đồng.

(Hai chữ Lương Tri trong đạo Khổng cũng có giá trị như bộ sách Tham Đồng Khế của Đạo Lão.)

5. Nhân nhân tự hữu định bàn châm,

Vạn hoá căn nguyên, bản tại Tâm.

Khước tiếu tòng tiền điên đảo kiến,

Chi chi diệp diệp ngoại đầu tầm.

Trong ta ai cũng sẵn Nam Châm,

Căn nguyên vạn hoá sẵn nơi Tâm.

Nực cười ta trước nhìn lộn ngược,

Ngoại cảnh chi li vất vả tầm.

6. Vô thanh vô xú độc tri thì,

Thử thị Kiền Khôn, vạn hữu ki.

Phao khước tự gia vô tận tạng,

Diên môn trì bát, hiệu bần nhi.

Vô thanh, vô xú lúc độc tri,

Ấy thực Kiền Khôn, vạn hữu ki.

Vứt bỏ cửa nhà kho vô tận,

Từng cửa ăn xin, thực thảm thê. 

Léon Wieger, Textes Philosophiques, tr. 259-260.

 


[1] Phàm vật giả thủy ư Không, Thái Cực giả Không dã. Không năng sinh Nhất, Nhất năng sinh Vạn, dĩ Vạn hoàn Nhất, Nhất phục hoàn Không.

Không giả, vạn vật chi tổ dã. Học giả yếu kiến Chân Không, vật kiến Giả Không, Yếu kiến Linh Không, vật kiến Ngoan Không... ―  Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 2, tr. 9.

[2] Đơn giả thiên địa chi bản dã. Hà dĩ vi Thiên Địa vạn vật chi bản. Đơn giả, Đạo dã. Hư Vô chi thể dã. Hư Vô bất khả lập danh. Cố thánh nhân dĩ Đạo danh chi. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn. Vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư.  Xướng đạo Chân Ngôn, q. 3, tr. 19.

[3] Đạo Gia vị chi Hư, Phật gia vị chi Không. Không năng vô sở bất biến, vô sở bất văn. Không vô sở cách, Không bản vô lượng, vô biên. Cố nhân phát nhất niệm, đồng thất chi nhân bất tri, nhi vô lượng vô biên Hư Không tri chi. Nhu gia chi thận độc uý không cố dã. ―  Xướng đạo chân ngôn, q. 5, tr. 31.

[4] Đạo tán vi Đức: Les produits divers du Principe sont les manifestations de sa Vertu. Đức vi Đạo chi kỷ dã: La chaine infinie de ses manifestations, de la Vertu du Principe, peut s'appeler le dévidage du Principe. ―  Les Pères du Système Taoiste, Léon Wieger p. 29.

[5] Léon Wieger, Les Pères du Système Taoiste, Xung Hư Chân Kinh, chương I.

[6] Ce que nous appelons la Réalité n'est que la projection au néant externe de l'image de notre Essence intime. ―  Pierre Francestel, Art et Technique, p. 198.

[7] Ngọc thư viết: Nhất, tam, ngũ, thất, cửu, Đạo chi phân nhi hữu số. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Đạo chi biến nhi hữu tượng. Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, Đạo chi liệt, nhi hữu vị. Thanh, bạch, xích, hoàng, hắc, Đạo chi tán nhi hữu chất. Số qui ư Vô Số, Tượng phản ư Vô Tượng, Vị chí ư Vô Vị, Chất hoàn ư Vô Chất. Dục Đạo chi vô số, bất phân chi tắc vô số hĩ. Dục Đạo chi vô Tượng, bất biến chi tắc vô tượng dã. Dục Đạo chi vô Vị, bất liệt chi, tắc vô Vị hĩ. Dục Đạo chi vô Chất, bất tán chi, tắc vô Chất hĩ. Vô Số, Đạo chi nguyên dã, Vô tượng Đạo chi Bản dã, Vô Vị Đạo chi Chân dã. ―  Linh Bảo Tất Pháp,  tr. 12a.

[8] Cố viết: Thánh Nhân dĩ thử tẩy tâm thoái tàng ư mật, kỳ trung Bản Hư Nguyên dữ Thái Hư hỗn nhi vi Nhất. Cố viết: Thánh Nhân dữ Thái Hư đồng thể.  ―  (Xem Tính Mệnh Khuê Chỉ, nơi hình Trung Tâm Đồ, q. Nguyên Tr. 10b)

[9] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Lợi, tr. 9b.

[10] Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

Vũ Trụ này do Nhất Thể phóng phát ra, đã được chứng minh là một học thuyết dành cho các cao nhân, danh phái, còn quần chúng thì tin và Thuyết Tạo Dựng, mà các Đạo giáo Công Truyền Âu Châu như Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo giảng dạy. (Xem trang 11 và 12 chương này.)

 Trong tập Khảo Luận về Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của tôi, tôi đã chứng minh rằng có nhiều hiền thánh Công Giáo (mystiques) như John of the Cross, Teresa of Avila, và nhiều hiền thánh Do Thái giáo thuộc Mật Tông Kaballah, hay nhiều Hiền Thánh Hồi Giáo thuộc môn phái Sufism (Bạch Y) cũng theo Thuyết Phóng Phát, Tán Phân, và chủ trương Thượng Đế ở trong lòng sâu vạn hữu.

Đây xin trưng thêm 1 tài liệu về một học thuyết của một vị thánh hiền Hồi Giáo mới chết năm 1934: Đó là Ông Cheikh Ben Aliona. Tài liệu này được đăng tải trong Lotus Bleu, Paris, số 39, tr. 89-106, và trong Gabriel Gobron, Histoire du Caodaisme, tr. 92.

Nội dung như sau:

Học Thuyết của Ben Aliona như thế nào?

Aliona chủ trương: Thượng Đế duy nhất và Nhất Thể. Thế giới hữu hình, hữu hạn này chỉ là những màn che «barzakh» làm cho chúng ta không trông thấy thế giới chân thực (Thế giới vô cùng).

Thế giới này do Thượng Đế phóng phát ra, ngược lại với Thánh Thư Hồi giáo Coran. Coran chủ trương thế giới này đã được tạo dựng. Chủ trương thế giới này được tạo dựng dành cho quần chúng (Focara), còn cái Vi Diệu (Le Sirr= caché), thì chỉ dành cho một số môn đệ hiểu được áo nghĩa (bathen). Thuyết Phóng Phát ăn khớp với Thuyết «Thượng Đế nội tại». Ai hiểu được Chân Thể mình sẽ biết Thượng đế; ai thăm dò Chân Thể đó sẽ tới gần Thượng Đế). «Thuyết Thượng Đế nội tại» cũng không loại trừ «Thuyết Thượng Đế siêu việt.»

Nguyên văn chữ Pháp:

Les doctrines de Ben Aliona? Unité de Dieu (le monde temporel n’est qu’un exemple de voiles» barzakh» nous cachant le monde réel: l’infini), Univers émané de Dieu, à l’inverse du Coran créationiste pour la masse des Focara, croyants ordinaires; le Sirr (caché) est réservé à certains disciples capables de saisir le «Bathen» (le sens occulte), émanationisme s’accordant avec l’immanentisme (qui pourrait connaitre son proprium, connaitrait Dieu; qui le scrute avec attention, s’approche de Dieu); doctrine de l’immanence n’excluant pas la transcendance...

Quyển Histoire du Caodaisme, nơi tr. 91, khi mô tả lại đời sống của Ben Aliona, có những dòng bất hủ sau đây:

«Nhờ ở phái Soufisme (Bạch Y), ông biết được Mật giáo của Hồi Giáo, và nhờ Mật giáo đó, ông có được khuymh hướng vươn lên tới Đại Đạo (bao quát Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, v.v...) Tất cả những mặc khải trước sau đều bổ sung lẫn nhau, và tất cả đều cùng do một nguồn mặc khải siêu việt:»Các đấng tiên tri, dẫu là vạn người - theo một ngạn ngữ của môn phái Soufisme - cũng chỉ là Một, cũng chỉ là những tia lửa của một thứ lửa duy nhất.

[11] Thiên địa vị phân, Thái Cực tại thiên địa chi thuỷ; Thiên địa ký phân, Thái Cực tại Thiên địa chi trung. ― Huỳnh Nguyên Kiết, Lạc Dục Đường ngữ lục, tr. 50.

[12] Tiên Học, tr. 30.

[13] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận.

[14] Từ Viên Tiên sư chân kinh, tr. 39a.

[15] Ibidem, tr. 17a.

[16] Ảo hoá chi thân, nhục thân dã. Ảo hoá chi tâm, nhân tâm dã. Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân, Ý, câu ảo thân chi sở xuất. Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, giai Nhân Tâm chi sở xuất. Lục căn môn đầu, dạng dạng túc dĩ táng mạng. Thất tình, vọng niệm, kiện kiện năng dĩ chí tử. Chí ư Chân Chính chi thân, Pháp Thân dã. Chân Chính chi tâm, Thiên Tâm dã. Ngũ tính nhân duyên, câu giai thành Đạo chi chủng. Ngũ ban chí bảo, tận hệ luyện đơn chi tài. Thái chi, tu chi, khởi tử, hồi sinh, phản lão, hoàn đồng.

Đãn thử thân «Thiên Tâm», nhân đa bất thức, sở dĩ Pháp Thân mai một, ảo thân dụng sự; Thiên Tâm thoái vị, Nhân Tâm đương quyền.

Thử Thiên Tâm bất cấu, bất tịnh, chí hư, chí linh, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông. Thị tính chi sở ký dã. ― Cung Tùng Tiên, Tiên Học Tập Cẩm, tr. 215.

[17] Thỉnh vấn Thái Cực chi lý.

Sư viết: Thái Cực giả ngô thân chi Thiên Tâm dã. Thích Thị viết: Viên giác, Đạo viết: Kim Đơn, Nho viết: Thái Cực.

Sở vị Vô Cực nhi Thái Cực giả, bất khả cực nhi cực chi chi vị dã. Phàm nhân thuỷ sinh chi sơ, chỉ thử nhất điểm Linh Quang. Sở dĩ chủ tể hình hài giả, tức thử Thái Cực dã. Phụ mẫu vị sinh chi tiền, nhất phiến Thái Cực, nhi kỳ sở dĩ bất thuộc hồ hình hài giả, nãi vi Vô Cực dã.

 Dục thức Bản Lai Chân Diện Mục,

 Vị sinh thân xứ, nhất luân minh.

Liêu Dương diện mục vấn đáp thiên. tr. 2b.

[18] Lý Lạc Cầu, Tiên Học diệu tuyển, tr. 86.

 Nguỵ Bá Dương, Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy. tr. 18a.

 Nguỵ Bá Dương giải Chân Nhân là Nguyên Thần, và Giải Thâm Uyên là Thái Uyên, là Nê Hoàn Cung, là Thiên Cốc, là Thiên Đường,v.v...

Sách viết: Chân Nhân tức Nguyên Thần dã. Thâm Uyên tức Thái Uyên dã. Dị danh chúng đa, kim thí cử nhi ngôn chi viết:

Nê Hoàn Cung, Lưu Châu Cung, Ngọc Thanh Cung, Thuý Vi Cung, Thái Vi Cung, Thái Ất Cung, Thái Huyền quan, Huyền Cung, Huyền Môn, Huyền Thất, Huyền Cốc, Huyền Điền, Sa Môn, Đệ Nhất Quan, Đô Quan, Thiên Quan, Thiên Môn, Thiên Cốc, Thiên Điền, Thiên Tâm, Thiên Luân, Thiên Trục, Thiên Nguyên, Thiên Trì, Thiên Căn, Thiên Đường, Thiên Cung, Kiền Cung, Kiền Gia, Giao Cảm Cung, Ly Cung, Thần Cung, Thần Thất, Thần Quan, Thần Phòng, Thần Đô, Huyền Đô, Cố Đô, Cố Hương, Cố Khưu, Cố Lâm, Cố Cung, Tử Phủ, Tử Kinh Thành, Tử Kim Đỉnh, Cống đỉnh, Ngọc Đỉnh, Ngọc Thất, Ngọc Kinh, Ngọc Vũ, Dao Phong, Đệ Nhất Phong, Tối Cao Phong, Chúc Dung Phong, Côn Lôn Đỉnh, Không Động Sơn, Bồng Lai, Thượng Đảo, Thượng Cung, Thượng Kinh, Thượng Huyền, Thượng Nguyên, Thượng Cốc, Thượng Thổ Phủ, Thượng Đan Điền. Kỳ danh tuy chúng, kỳ thật tắc nhất dã.

Thuý Hư Thiên vân: Thiên hữu thất tinh, địa thất bảo. Nhân hữu thất khiếu quyền qui não.

Thái Cổ tập vân: Kim đơn vận đáo Nê Hoàn Huyệt, Danh tính tiên tương ký Thiên Đô, thị dã.

Cố Đế Nhất hồi nguyên chi Đạo, tố lưu bách mạch, thượng bổ Nê Hoàn. Não thực tắc Thần toàn, Thần toàn tắc hình toàn dã.

Kim Nguỵ Công vị Chân Nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung giả, tuỳ chân tức chi vãng lai, nhiệm chân khí chi thăng giáng. Tự chiêu chí mộ, Nguyên Thần thượng thê ư Nê Hoàn dã. Huỳng Đình Kinh vân: Tử dục bất tữ tu Côn Lôn. Tĩnh trung ngâm vân: Ngã tu Côn Lôn đắc Chân Quyết. Phục Mệnh Thiên vân: Hội hướng ngã gia viên lý, tài bồi nhất mẫu Thiên Điền. Hoàn nguyên Thiên vân: Ngộ Đạo hiển nhiên minh khuếch lạc, nhàn nhàn đoan toạ vận Thiên Quan.

Thử nãi chí giản chí dị chi đạo...

 Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy, tr. 18a.

[19] Tính Mệnh Khuê Chỉ, tr. 8b.

[20] Kim Đơn yếu quyết, tr. 1b.

[21] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 11a.

[22] Tiên Học Từ Điển, tr. 76. ―  Thượng Phẩm Kim Đơn bí quyết, tr. 2b.

[23] Nam Hoa Kinh, XVII, Thu Thuỷ, A.

[24] Thượng phẩm Đơn Pháp Tiết Yếu, tr. 2b.

[25] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 139.

[26] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 13. Chương Thuận Nghịch Tam quan Đồ.

[27] Tiên học Diệu Tuyển, tr. 184.

[28] Thái Thượng viết: Ngô tòng vô lượng kiếp lai, quan tâm đắc Đạo nãi chí Hư Vô. 太 上 曰: 吾 從 無 量 劫 來 觀 心得 道, 乃 至 無. Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 3a.

[29] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 2.

[30] Trương Chuyết tú tài. ― Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 5.

[31] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 121.

[32] Ib. tr. 139.

[33] Nhược nhất niệm bất sinh tức thoát sinh tử. Hướng thử nhất niệm bất sinh xứ, tức kiến Bản Lai Diện Mục. ― Tiên Học diệu tuyển, tr. 141.

[34]. P. Léon Wieger, Textes Philosophiques, Confucianisme, Taoisme, Bouddhisme, Hien Hien 1930, tr. 333.

[35] Tùng giang, Dương cảnh Dương Duy Nhất, Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 140.

[36] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 4b.

[37] Đơn tự, đầu tượng Nhật, cước tượng Nguyệt. Trung Nhầt điểm vi thử Châu. Nhất hoạch vi đắc. Hán dĩ tiền vị chi Đạo, Hán dĩ hậu, vị chi Đơn. ― Tiên Học Từ Điển, tr. 62.

[38] Đơn giả, đơn dã. Duy Đạo vô đối, cố viết Đơn. Thiên đắc Nhất dĩ thanh, địa đắc nhất dĩ doanh, nhân đắc Nhất dĩ trường sinh.

[39] Kết Đơn chi đạo, Nhất nhi dĩ hĩ...Nhất vô tha...Hư nhi dĩ hĩ. ― Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 2, tr. 11.

[40] Tâm tức Đơn, Đơn tức Tâm. ― Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 231.

[41] Đơn tức Đạo dã, Đạo tức Đơn dã. ― Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 263.

[42] Đơn giả, Thiên Địa vạn vật chi bản dã, hà vị dĩ vi Thiên Địa vạn vật chi bản, viết: Đơn giả, Đạo dã. Đạo giả, Hư Vô chi thể dã. Hư Vô bất khả lập danh, cố thánh nhân cưỡng dĩ Đạo danh chi. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn, Vạn qui Nhất, Nhất qui Hư. ― Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 3, tr. 19a.

[43] Căn bản do tòng Thái Cực tầm. ― Đại Đỗng chân kinh, tr. 4b.

[44] Đỗng kiến Bản Lai Diện Mục, chứng triệt Nguyên Căn. ― Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 1, tr. 2b.

[45] Kim đơn yếu quyết, tr. 1b.

[46] Trương Tam Phong, Đạo thuật hối tông, q. 3, tr. 101.

[47] Xướng Đạo Chân Ngôn, q.2, tr. 8.

[48] Nhất lạp túc trung tàng thế giới. ― Tiên học, tr. 30.

[49] Kim giả, bất hoại chi Pháp Thân, Đơn giả, viên thành chi thực tướng. ― Tiên Học, tr. 9.

[50] Thất phản giả, phản bản. Cửu hoàn giả, hoàn nguyên. ― Hoàn Nguyên Thiên, tr. 4a. Hậu tự.

[51] Trương Tam Phong Đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 59.

[52] Trương Tam Phong Đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 56.

[53] Thuận kỳ cơ nhi hành nhân đạo. ― Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 20.

[54] Nghịch kỳ cơ, nhi hành Tiên Đạo. ― Ib. tr. 20.

[55] Sinh cơ ngoại phát vi Thuận. ― Ib. tr. 20.

[56] Sinh cơ nội liễm vi Nghịch. ― Ib. tr. 20.

[57] Kim đơn Đại Đạo tòng hữu vi nhi nhập vô vi, tức Liễu Mệnh nhi kiêm Liễu Tính, phương thị Thần Hình câu diệu. ― Tiên học diệu tuyển, tr. 99.

[58] Tiên Học diệu tuyển, tr. 383.

[59] Cố tòng thượng thánh hiền cầu Đạo, đô bất hướng ngoại trì cầu, tĩnh nhi cầu chi ư nhất tâm, vô bất cụ túc. ― Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 4, tr. 35.

[60] Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 13-14.

[61] Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 14.

[62] «Nhận vi Đạo tự Hư Vô sinh vạn vật, thị thuận sinh quá trình, nội đơn tu luyện tắc phản thử. Đương phục qui Hư Vô, dữ Đạo hợp nhất.

Đại Đơn diệu dụng pháp Kiền Khôn,

Kiền Khôn vận hề, ngũ hành phân.

Ngũ Hành thuận hề, thường Đạo hữu sinh hữu tử,

Ngũ hành nghịch hề, đơn thể thường linh, thường tồn.»

認 為 道 自 虛 無 生 萬 物, 是 順 生 過 程. 內 丹 修 鍊 則 反 此, 當復 歸 虛 無, 與 道 合 一.

大 丹 妙 用 法 乾 坤,

冢坤 運 兮 五 行 分.

眇行 順 兮, 常 道 有 生 有 死.

眇行 逆 兮, 丹 體 常 靈 常 存.

Trung Quốc Đạo Giáo, Khanh Hi Thái chủ biên, tr. 305.

[63] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 10a.

[64] Xem Thái Thượng bảo Phiệt, q. Hiếu tr. 16.

[65] Tính Mệnh Khuê chỉ, tr. 372.

[66] Bát quỳnh đơn: 1. Đơn sa (Chu sa): Sulfure de Mercure - 2. Hùng hoàng: Réalgar, Sulfure d’Arsenic rouge - 3. Thư Hoàng: Sulfure d’arsenic jaune - 4. Lưu Hoàng: Soufre - 5. Nhung diêm: Borate de Soude - 6. Vân Mẫu: Mica - 7. Tiêu Thạch: Salpêtre - 8. Không thanh (Sulfate de Cuivre).

[67] Cửu chuyển hoàn đơn gồm 14 vị. Ngoài tám vị của bài Bát quỳnh đơn còn có 6 vị khác là: Bạch thạch anh (quartz blanc) - 2. Tử thạch anh (quartz violet) - 3. Thanh đại (Plombagine) - 4. Dương khởi thạch (Actiolite) - Kim nha thạch (dent de tigre) - 6. Hồ phấn (Céruse). (Xem Henri Doré, Variétés sinologiques, No 66, Chapitre II, Section B, Art. V. La pilule d’immortalité.

[68] Tiên Học diệu Tuyển tr. 9.