THAM ĐỒNG KHẾ TRỰC CHỈ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ khảo luận & bình dịch

» Mục Lục


Bạt 2

Nhận định về Tham Đồng Khế

Nhân Tử Nguyễn văn Thọ

 

1) Ngụy Bá Dương viết Tham Đồng Khế năm 141.

Tham Đồng Khế như vậy đã được viết gần 2000 năm nay, và được gọi Đan kinh chi vương, sách đứng đầu mọi quyển Đan Kinh khác.

Ngụy Bá Dương viết Tham Đồng Khế, và chia sách thành 3 thiên:

a) Ngự Chính : Theo Trời hành sự,

b) Dưỡng Tính: Hàm dưỡng tính Trời.

c) Phục thực: Hàm dưỡng Khí Hạo Nhiên.

Ông Truyền sách cho Cảnh Hưu Từ, và Cảnh Hưu Từ đã viết quyển THAM ĐỒNG KHẾ Tiên Chú gồm Thượng Thiên, Trung Thiên, Hạ Thiên.

Sau lại truyền cho Thúc Thông, Thuần Vu Chân Nhân.

Ông này viết Tam Tướng loại:

Tam Tướng loại gồm 2 thiên và cho rằng: Tham Đồng khế bàn về Kinh Dịch, về đạo Hoàng Lão, và về phép luyện đan. 3 đạo đó là một đạo, ăn khớp nhau và khế hợp nhau.

Ta thấy:

3 tập Tham Đồng Khế của Ngụy Bá Dương, như Lưu Nhất Minh trình bày, là có 4 chữ.

3 tập của Cảnh Hưu Từ (Cảnh Tòng Sự) có 5 chữ.

2 tập của Thuần Vu Thúc Thông là tản văn.

Sách này do tôi khởi dịch ngày 15-11-2000, dịch xong ngày 28-4-2001.

2) Sao gọi là Tham Đồng Khế?

1. Khi tôi viết Bộ Kinh Dịch, tôi đã theo quyển Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy của Du Diễm mà giải 3 chữ Tham Đồng Khế như sau:

Tham là tham dự cùng Thái Cực.

Đồng là Hòa đồng cùng Thái Cực.

Khế là Khế hợp với Thái Cực. (Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy của Du Diễm, Tựa tr. 1)

Như vậy thì Tham Đồng Khế nghĩa cũng tương đương như Phối Thiên trong Trung Dung chương 26, 31 và Đạo Đức Kinh chương 68, nghĩa là Sống Hợp Nhất với Trời.

Tôi ưng ý lối dịch này nhất.

2. Richard Bertschinger tác giả quyển The Secret of Everlasting Life dịch Tham Đồng Khế là Can Tông Chi hay Akinness of the Three.

Ý nói Kinh Dịch, Hoàng (Hoàng Đế), Lão (Lão Tử) và phép Luyện Đơn đều đồng phù, khế hợp với nhau.

3. Cũng có người cho rằng:

Tham là Tham Thiên địa tạo hoá chi thể,

Đồng là Tư đồng loại sinh thành chi dụng.

Khế là Tạo hoá sinh thành chi công.

Lời giải này tương đương với lời giải của tôi.

4. Cũng có người cho rằng: Đại Dịch, Hoàng Lão, và Phục Thực cả 3 khế hợp nhau.

Thực ra, Phục Thực và Dưỡng Tính là Một. Mà Hoàng Lão thì bao quát cả trong ngoài, cả Dưỡng tính và Phục Thực. Phục Thực là Phục Tiên Thiên Chân Nhất chi Khí, là Dưỡng nuôi Khí Hạo Nhiên trong ta.

Nội kinh cho rằng: Căn vu trung giả, Tính viết Thần cơ. Căn vu ngoại giả, Mệnh viết Khí lập. Các chân nhân xưa đều cho rằng: Thần chủ bên trong, Khí từ ngoài tới, nên nói Dĩ Thần Ngự Khí.

Lời giải này tương đương với lời giải của Richard Bertschinger.

5. Lưu Nhất Minh ghi rõ ràng là Tham Đồng Khế bàn về Kinh Dịch, Hoàng Lão và phép Luyện Đơn.

3. Tại sao tôi lại dịch bộ Tham Đồng Trực Chỉ của Lưu Nhất Minh?

Năm 1963, có người biếu tôi bộ Chu Dịch Xiển Chân của Lưu Nhất Minh. Tôi đọc thấy cách giải các đồ hình của Chu Dịch giống hệt như cách giải của tôi, nên từ đó tôi rất quí Lưu Nhất Minh. Lưu Nhất Minh còn soạn ra 12 sách khác, như Tham Đồng Trực Chỉ, Ngộ Chân Trực Chỉ, Vô Căn Thụ Giải, Huỳnh Đình Kinh Giải, Ngộ Đạo Lục, Ngộ Đạo Phá Nghi, Hội Tâm Tập, Chu Dịch Xiển Chân, Thông Quan Văn, Tượng Ngôn Phá Nghi, Chỉ Nam Châm, Tham Ngộ Chân Ngôn, Tu Chân Biện Chứng, Tu Chân cửu yếu.

Lưu Nhất Minh (1734- 1821) là một học giả tài ba, bác lãm quần thư.

Ông là nhà Đơn Học lớn của Nhà Thanh. Ông chủ trương Tam Giáo quán thông chi lý. Ông là Chưởng Môn Toàn Chân, Long Môn Phái , đời thứ 11.

Lấy Trung Chính chi Đạo của Nho Gia làm gốc.

Ông cho rằng Đạo này Nho gia gọi là Trung Dung, Phật gọi là Nhất Thừa, Lão gọi là Kim Đơn.

Về phương diện luyện đơn, Ông chủ trương Tính Mệnh Song Tu, và có nhiều nhận xét rất độc đáo.

Ông là một trong những người đắc đạo mà tôi biết.

Chính vì thế mà tôi còn dịch thêm quyển Ngộ Chân Trục Chỉ, và Tượng Ngôn phá Nghi của ông.

Bàn về Kinh Truyện Tham Đồng Khế và cách chú giải Tham Đồng Khế,

Xưa nay Kinh Truyện hỗn độn, tuy nói TĐK có tam thiên, nhưng vắn dài không đều, kết lại thành vsăn, không theo các bản đương thời. Nay chia sách thành Kinh 1 quyển, Truyện 1 quyển, Tam Tướng loại 1 quyển.

Theo bản của Đỗ Nhất Thành, người Tô Châu chia kinh thành 3 thiên. Mỗi thiên đều có Tiêu Đề: Ví dụ:

Từ chương Càn Khôn cương nhu xuống dưới, và Tam Thánh thừa long ngự thiên, là Kinh Dịch:

Tương dục Dưỡng Tính chi đạo, là Đạo Hoàng Lão dạy Diên Mệnh, Dưỡng Tính, Trường sinh.

Duy Thánh Hiền xuống dưới, là Đạo Thánh Hiền phục thực phi thăng, là Kim Đơn chi Đạo. Nói như vậy có thể là cưỡng phân điều liệt, chưa đúng với yếu chỉ của lời Kinh.

2. Du Diễm, đời Nam Tống hay Nguyên, (Tống Bảo Hựu Sơ 1253-1258) Tống Diên Hựu 1314-1320) người Ngô quận, Tự Ngọc Ngô, Hiệu Toàn Dương Tử, Lâm Ốc Sơn Nhân, Thạch Giản Đạo Nhân dùng 10 năm khổ tâm, bỗng một đêm trong lúc định tĩnh, thì y như có người phụ nhĩ cho biết rằng: Nguỵ Bá Dương viết: Tham Đồng Khế, Từ Tòng Sự viết Tiên Chú, thẻ tre để lẫn lộn, nên mới có chuyện 4 chữ, 5 chữ và tản văn không đều nhau. Khi hết kinh sợ rồi, Ông liền nghiệm lại thuyết trên, cho nó theo đúng thứ tự, phân làm 3 thứ, nhưng vì các chú thích đã sẵn rồi, không thể sửa được. Du Diễm cho rằng Ông nhờ Tham Đồng Khế mà đắc đạo.

3. Đởi vua Chính Đức (Đinh Sửu 1517) Đỗ Nhất Thành đã cho rằng 4 chữ là Kinh, 5 chữ là Truyện, với Tam Tướng loại, là 3 loại sách. Mỗi sách lại có Bài Nguyên tựa. Đỗ cũng cho rằng mình nhờ Thanh tư mà Khoát ngộ.

4. Đời Gia Tĩnh triều Minh (Bính Ngọ 1546) Dương Dụng Tu khắc Tham Đồng cổ bản cũng giống bản cuả Đỗ Nhất Thành, nhưng lại nói đó là Thạch Hàm Bản, do một tiều phu đào được. Có bao giờ một sách bị chôn, sau 1500 thì làm sao mà các giản lại còn nguyên được.

Đại để bản của Đỗ thị và bản của Ngọc Ngô (Du Diễm), sửa lại các giản để sai. Dương thị y cứ vào bản của Đỗ Thị, nhưng lại nói thác là Thạch Hàm vậy.

Nay cổ bản đã thấy thì đúng là công lao của hai vị, Tuy nhiên Dương thị, Đỗ thị cách nhau 30 năm, thì dĩ nhiên là sách của Đỗ thị có trước.

4. Cách phân chương cú của Tham Đồng Khế.

- Bành Hiểu (?- 954) tự Chân Nhất Tử chia Tham Đồng Khế làm 91 chương.

- Chu Hi chia sách thành Ba quyển.

- Bảo Nhất, Toàn Đương theo Chu Hi.

- Thượng Dương Trần Chí Hư chia sách thành 33 chương.

- Tiềm Hư phân thành 49 chương.

- Đào Tố Tỷ phân làm 44 chương, nhưng kinh triện hỗn loạn, tam tự điên thác.

Có người lại phân thành: Kinh 18 chương, Truyện 18 chương, và Phú Ca 2 chương như Chu Dịch có 36 quẻ Chính và Thượng Kinh Hạ Kinh.

Tham Đồng Khế không bản nào giống bản nào. Thứ tự rất lộn xộn, cho nên bản của Lưu Nhất Minh rất khác biệt với các bản khác, tôi đã dịch Tham Đồng Khế theo quyển Tham Đồng Trực Chỉ của Lưu Nhất Minh.

Trong quyển này, tôi so sánh sách của Lưu Nhất Minh với sách của Bành Hiểu,

(Bí tàng, Bành Hiều, Chu Dịch Tham Đồng Khế, Tây Bắc Đại Học Xuất Bản Xã) , với sách của Phương Hú (Phương Hú, Chu Dịch Tham Đồng Khế, Triết Giang Cổ Tịch Xuất Bản xã). Các số bài ghi trong sách này nơi đầu mỗi chương là của Bành Hiểu, chỉ có vài bài Bành Hiểu không có, phải lấy của Phương Hú (Chu Dịch Tham Đồng Khế) có ghi số trang đã mượn trong sách.

Tôi theo Lưu Nhất Minh, nên Hai Thiên Đầu của Thuần Vu Chân Nhân, thì dịch theo tản văn.

3 thiên sau của Nguỵ bá Dương dịch bằng loại thơ 4 chữ.

3 thiên sau cùng của Cảnh Hưu Từ thì dịch bằng loại thơ 5 chữ.

Các lời dịch trên chỉ là đại khái, vì thơ rất tối nghĩa và khó dịch. Sau này có vị cao minh nào dịch hay hơn và sát nghĩa hơn thì xin chỉ dạy.

Tuy Nhiên, Du Diễm cho rằng Tham Đồng Khế là sách chí giản chí dị. Ông nghiên cứu nó trong 10 năm và nhờ nó mà Ông được giác ngộ. Ông viết trong bài tựa quyển Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy, đề tựa năm Chí Nguyên 21, đời Nguyên tức là năm Giáp Thân (1284) như sau: «Đạo luyện đơn của thần tiên thật là chí giản chí dị. Chẳng qua là O mà thôi. O là gì? Thưa là Thái Cực.» (Thần Tiên hoàn đan chi đạo, chí giản, chí dị, như thử O nhi dĩ hĩ. Thử O giả hà? Dịch chi Thái Cực thị dã.») (Chu Dich Tham Đồng Khế phát huy, tựa tr. 1)

Đông Hán Ngụy Bá Dương nhân đó luận về luyện Đan và gọi sách là Tham Đồng Khế.

Tham là gì? Thưa là Tham dự cùng Thái Cực, Đồng là gì? Thưa là Hòa Đồng với Thái Cực, Khế là gì? Thưa là Khế Hợp với Thái Cực.

(Đông Hán Ngụy Bá Dương giả chi dĩ luận tác đơn chi ý, nhi hiệu kỳ thư vi Chu Dịch Tham Đồng Khế dã. THAM dã giả, tham hồ thử O dã. ĐỒNG dã giả, đồng hồ thử O dã. KHẾ dã giả, Khế thử O giả dã.)

Lưu Nhất Minh cũng cho rằng đạo luyện đơn rất giản đị (Kim Đơn chi đạo, chí ước nhi bất phiền nhĩ. Tham Đồng Khế trực chỉ tiên chú hạ biên, Cảnh Hưu Từ Chân Nhân soạn, tr. 1) Đó là Đaọ Phản Bản Hoàn Nguyên, tìm lại Bản Lai Diện Mục của mình, sống phối hộp với Trời, với Đạo (Xin cũng xem tr. 1, sách trên)

Thế mà tôi lại thấy sách có nhiều đoạn khó hiễu. Mới hay sự hiểu biết của người xưa rất là sâu sắc.

5. Bàn về Chú giải Tham Đồng Khế:

Chân Nhất (Bành Hiểu), Bão Nhất (Trần Hiển Vi) mỗi vị đều có sáng kiến riêng.

Toàn Dương Tử (Du Diễm) chuyên về Nội Đơn, bàn về Thanh Tịnh.

Thượng Dương Tử (Trần Chí Hư) nói về đan pháp nhiều.

Lục Tiềm Hư (Lục Tây Tinh) phát huy đan quyết. Ông được Lữ Tổ điểm hoá.

Bành Nhất Hát giảng Ngoại Đan.

Lý Hối Khanh (Lý Văn Chúc) nói về Càn Khôn, nhưng chưa thấu đáo, Ông giảng về Hối Tiền, Xóc Hậu, đầu đuôi mỗi tháng, gọi Nhị Dược là Diên Hống. Về sau gọi là Long Diên, Hổ Hống.

Phép luyện đơn dùng danh từ rất hóc búa, nghĩa lại không thống nhất, nên khó hiểu. Càng đi sâu tôi càng thấy chỉ là những cách ví von cho vui mà thôi. Đan là cái gì Hư Vô, nên không có hình tượng màu sắc, cũng không có gì là Long Hổ cả. Ngày nay các học giả Trung Hoa coi Luyện Đơn là một loại Khí Công mà thôi. Nói thế cũng không đúng, vì làm mất hết vẻ huyền bí của Đơn Đạo, nhưng lại thực tiễn và khoa học hơn.

Cái gì hay, cái gì phải, cái gì mà ta có thể chứng minh, kiểm soát đước thì ta giữ lấy, cái gì hoang đường, thì ta bỏ đi.

Đơn đạo manh nha từ thời Chiến Quốc, hình hiện vào thời Hán, thời Tấn, nhờ Ngụy Bá Dương thời Đông Hán, người Cối Kê, tác giả bộ Tham Đồng Khế (xuất bản khoảng năm 141), và Cát Hồng Bão Phác Tử, đời Tấn (284- 344), tác giả bộ Bão Phác Tử nội thiên.

Đơn đạo hoằng dương vào thời Đường , thời Tống nhờ: Chung Ly Quyền, Lữ Động Tân (798- ?), Trương Bá Đoan (987- 1082), Vương Trùng Dương (1112- 1170).

Thời Tần, thời Hán các đạo sĩ chuyên luyện ngọai dược, ngoại đơn.

Từ Chung Ly Quyền đến Lữ Đồng Tân, đơn đạo chuyển hướng thành Nội Đơn, và cho rằng trong con người đã có sẵn các chất liệu dễ luyện thuốc Trường sinh.

Luyện Đơn đại khái là sống một cuộc đời định tĩnh, suy tư để đạt tới chân thiện mỹ. Nó muốn dùng Dịch kinh để phối hợp Âm Dương, để phối hợp Khảm Ly và để tẩy rửa tâm hồn và hòa mình với đạo. Nếu tâm không thanh tịnh, nếu thần không tinh khiết, thì tu mấy cũng chỉ uổng công. Cho nên đạt Đạo, chính là Chân Nhân, chính là Phối Thiên.

(The meditative practice known as Inner Alchemy (neidan) was designed as a means to achieve individual spiritual perfection. It focus was the use of symbols drawn from chemical alchemy (waidan) and the Book of Changes (Yijing) to aid the adept in the process of purification , spiritual renewal and achieving union with the Tao... These disciplines reqired the cultivation of one’s moral integrity and spiritual purity, without these, other efforts would fail...This theorical framework underlies the artworks shown in the following entries, many of which show the specific phases in which the yin and yang energies of the body are reintegrated into an undifferentiated oneness. Central to these works is the idea that the goal of a Taoist trascendent was not immortality per se, but spiritual perfection and union with the Tao. Taoism and the arts of China, Stephen Little, p. 335 )

Tóm tắt Tam tướng loại của Thuần Vu Thúc Thông.

(Các số tr. ghi sau đây là số trang của sách này)

Tiên Ông dựa vào Trời Đất, gọi là Pháp Tượng. Vì Đại Đạo thời Vô Hình, mà Trời đất thì có tượng, cho nên lấy Hữu đi vào Vô Hình, lấy Thật chỉ cái Không. Nên cái đạo Hư Vô hiện rõ nơi Tượng vậy. (Tham Đồng Khế trực chỉ, tr. 22)

Khi một Âm đã sinh thì Tiên Thiên biến thành Hậu Thiên (Cấu). Dương dần dần tiêu, Âm dần dần trưởng, phóng túng theo dục tình, bỏ Chân theo giả. Nên nói: Ngũ hành thuận hành, pháp giới hỏa khanh dã. Ngũ hành thuận hành, pháp giới là lò lửa. Lại như sao dời khỏi ngôi, nhật quĩ đi sai đường, thì Hung cữu lập tức sinh ra, chuyện xảy ra sẽ như vậy (23)

Khi Thần minh muốn dạy người,

Thì Tâm Linh sẽ tự ngộ,

Hãy tìm cho ra mối manh,

Sẽ thấy rành cửa ngõ. (41)

Thiên đạo vô tư, thường truyền cho các bậc hiền tài, vì Đạo là điều quí báu của Trời Đất, không phải người đại trung đại hiêú thời không truyền, không phải đại đức, đại hạnh thời không trao. Nếu quả là người hiền đức thì có bao giờ lại không chịu truyền trao? (42)

Kim Đạo lấy luyện kỷ làm đầu, lấy Ôn Dưỡng làm cuối. Nhân tâm con người từ lâu đã phóng đãng, tính hư tích tập đã dày, thật là cái hại lớn cho công việc tu hành vậy. Rất khó mà hàng phục được. Luyện kỷ phải luyện tới độ Vạn hữu giai không, nếu không Đơn khó mà thành. (47)

Tu mệnh chưa xong, thì Sắc Thân khó lìa, tu tính chưa xong thì Pháp Thân khó thoát. (50)

Óc ở chỗ cao nhất trong con người, ở sau đầu. Ở chỗ tai mắt nghe nhìn không tới được. Thế là Dưỡng tính. Dưỡng Tính phải tới nơi thanh sắc câu hoá, không vô sở không, tới chỗ chí tĩnh, mới là cùng cực công phu. Bởi vì Tu Đạo mà không tới được chỗ chí tĩnh, thì chẳng những Dương Thần không hiện ra được, mà Âm Thần cũng không hiện ra nổi. Nếu mà Dưỡng Tính tới được chỗ Cực Tĩnh, thì Tính Mệnh đều tu xong, hình thần đều hoàn mỹ, tới kỳ sẽ thoát hoá, nhất định sẽ lên tới Huyền Đô, tức như Phật Tổ đã nói: Ta vì ngươi sẽ bảo đảm chuyện này, quyết định sẽ thành tựu (51)

Nói vậy, thời điều kiện tiên quyết đế Tu Hành, là phải tìm cho ra căn cốt Trời trong ta. Mà căn cốt Trời đó chính là Não Thất 3, là Nê Hòan Cung trong đầu óc con người, Nó cũng chính là Căn Bản con người chúng ta, là Tiên Thiên Hư Vô Chân Nhất chi Khí, là Nhất trong chúng ta,

Căn là Tiên Thiên Hư Vô chi nhất khí. Nhất thời sinh thiên, sinh địa, sinh vạn vật. Đó là gốc gác của Đạo. Người học Đạo, năng tri kỳ Nhất tắc vạn sự tất. Người tu đạo, năng đắc kỳ Nhất nhi Kim Đơn kết. (53)

Thượng Thiên bàn về Hoàn Đơn Đại Đơn, Nội Ngoại nhị dược, và tầng thứ điều hoà chúng. Hạ Thiên bàn về Đỉnh Khí vận hỏa, các tầng lớp, từ đầu đến cuối (54)

Tóm tắt Tham Đồng Khế của Ngụy Bá Dương

Muốn cho ai nấy đều biết chân lý. Các sách đơn kinh, tử thư sau này, đều dựa vào Tham Đồng Khế mà viết ra. Cho nên Tham Đồng là vạn cổ Đan Kinh Vương. Và chữ Kim Đan cũng bắt đầu từ đó. (58)

Người học cách Tu Tính Mệnh, mà lìa cái đạo Thiên Địa Âm Dương, Ngũ hành, thì không còn cái thuật nào khác. (58)

Thế là Lý của Tham Đồng Khế là lý của Kinh Dịch (59)

Thánh Nhân đứng đầu muôn loài, thừa lục long dĩ ngự thiên, nên động tĩnh tùy thời. Nhất nhất đều in như Kinh Dịch, không có chút chi dám sai ngoa. Vì Dịch lấy Âm Dương hòa bình làm căn bản. Ngự Chính Quan Thiên Đạo, Chấp Thiên hành. Thế nên nói là Năng Hòa. Hoà thời vạn dân sẽ nghe theo. Vương đạo thản thản, là Lộ Bình Bất Tà vậy. Còn sai Thiên Đạo, thất Thiên Hành thì là Bất hòa. Đã bất hòa thì trên dưới không ứng hợp nhau. Đó là Tà Đạo hiểm trở, nó làm khuynh nguy quốc gia vậy. Người tu đạo bắt chước đó nên lấy Cương Kiện Nhu Thuận làm Thể, lấy Cương Nhu Trung Chính làm dụng. Cương nhu hợp nhất, như Càn Khôn thất ngẫu (sánh đôi). Cương Nhu trung chính, như Khảm Ly chi quang thùy. Cương Nhu tương đương, Kiện Thuận hỗn thành, Tinh Khí sung túc, tâm quân hư linh, hồn nhiên Thiên Lý. Cứ Chính Tâm là Thân có thể tu được vậy. Vả trị thân trị quốc cũng chỉ có Một Lý. Tâm chính và Quân chính là Một Đạo vậy. Không thấy vị vua nào bất chính mà lại theo được đúng thời Trời. Chưa thấy ai có Tâm bất chính mà có thể giữ toàn được Đạo vậy. (60)

Vả đạo tu chân, cốt là Pháp Thiên, Hiệu Địa, một lời, một việc, phải hết sức cẩn mật, phải ám hợp Thiên Địa, Tạo Hóa, như vậy mới có thể Dữ Thiên Điạ hợp kỳ Đức, đoạt Thiên địa chi khí số và đem nó về cho mình. Hệ Từ Truyện viết: Quân tử cư kỳ thất, xuất kỳ ngôn, nói phải thì nghìn dặm cũng nghe theo. Cho nên phải Tu Từ, Lập kỳ thành để tiến đức. Vì là Tiến Đức, nên lời nói ắt là thành khẩn. (67)

Người biết Ngự Chính, sẽ nhìn thấy lối đường Trời Đất, sẽ theo được lối đường trời. Khi phát ra hiệu lệnh, sẽ thuận tiết Âm Dương, và không dám sai đường lối trời. Cho nên ngôn hành là khu cơ của người quân tử. Khu cơ đã phát, thì vinh nhục sẽ tới.

Khi đáng Dương thì dụng Dương, khi đáng Âm thì dụng Âm. Dụng Dương là Tiến, Dụng Âm là Thoái. Tiến thoái có tuần tiết, nên gọi là Thiên Nhân Hợp Phát. Dùng Âm Dương để ban hiệu lệnh vậy.

. Người biết Ngự Chính, sẽ nhìn thấy lối đường Trời Đất, sẽ theo được lối đường trời. Khi phát ra hiệu lệnh, sẽ thuận tiết Âm Dương, và không dám sai đường lối trời. Cho nên ngôn hành là khu cơ của người quân tử. khu cơ đã phát, thì vinh nhục sẽ tới. (68)

Người tu đạo nếu có thể Dĩ Nhân Tâm hợp Thiên Tâm, thì Âm Dương sẽ điên đảo trong chốc lát (71)

Có bên trong, mới hình ra bên ngoài. Tâm mà chính, thì lời sẽ lành (72)

Dịch làm gì có Tâm. Tính Mệnh chi Đạo chính là Dịch Đạo vậy. Dịch đã vô tâm, thì người tu đạo cũng vô tâm. Cái dụng của Vô Tâm là cái dụng của thuận thời. Thuận thời là Thuận Lý. Cứ thuận lý mà hành sự, sẽ cảm động được Trời, chứ không phải là do người, như vậy thì làm gì còn tâm? (74)

Lấy chữ Nhật đặt lên trên, chữ Nguyệt đặt xuống dưới thành chữ Dịch, lấy Nghĩa Cương Nhu tương đương. Đó là suy từ 2 chữ Đồng Loại Tương Tòng mà kết thành chữ. (75)

Sánh với người tu đạo cũng vâỵ. Dương khí vừa thịnh, nhưng còn yếu, Phải nuôi dưỡng cái Nhất Điểm Sinh Cơ đó, Để lấy đó là Căn Bản cho sự Hoàn phục bản nguyên. Không bao giờ được xa lìa nó. (82)

Lương tri, lương năng, Đạo Tâm thường tồn, Nhân Tâm an tĩnh. Hồn nhiên Thiên Lý, chỉ ư chí thiện. Thấy lại được Bản Lai, Cương Nhu như nhất chi diện mục, Ngã Mệnh do Ngã bất do Thiên. Thiên tức Ngã, Ngã tức Thiên. Dữ Thiên vi đoà. Chẳng phải là vui lắm sao(100)

Hằng thuận địa là học theo phép Đất nhu thuận, cái gì cũng mang tải, cái gì cũng sinh. Thừa Thiên tuyên là học theo phép trời Cương Kiện, cái gì cũng bắt đầu, không có gì khuất phục được. Có thể Pháp Địa là Nhu Thuận phối địa, có thể Pháp Thiên là Cương Kiện Phối Thiên. Nếu mà Cương Kiện được như Trời, Nhu Thuận được như Đất, thì sẽ dị tri, giản năng (Hệ Từ thượng, chương I), thế là Lương Tri, Lương Năng, hồn nhiên Thiên Lý, Chí Thiện, Vô Ác vậy.(105)

Dương dụng sự thì mọi sự thông suốt, như là đất bằng vậy. Âm dụng sự, thì vạn vật bế tắc, như là đất dốc. (106)

Cũng như vua thừa thiên ngự trị, bắt chước trời đất, dùng cả 2 bên Cương Nhu, hợp đức với Trời Đất, cùng mặt trời, mặt trăng hợp sáng, theo tiết tấu của bốn mùa, hợp lẽ cát hung của quỉ thần, trước Trời Trời không trách, sau Trời cho đúng chiều Trời (Trước Trời, Trời chẳng trách đâu, Sau Trời cho hợp cơ màu thời gian. (Kiền, hào Cửu Ngũ). Dùng cách đó trị đời, thì đời sẽ trị, dùng cách đó để tu đạo thì đạo sẽ thành. Trong thì mình thành thần thánh, ngoài sẽ giúp người thành Nhân. Tuy 10 đời vẫn còn, sẽ thọ lâu bền, sánh với người thường, chuyện càng quá dễ. Xưa Phục Hi, Thần Nông tu theo đạo này, nên hưởng thọ mãi mãi. Hoàng Đế tu đạo này đã cưỡi rồng về Trời, đó là ít bằng chứng vậy.(106- 107)

Trên đây, mượn Dịch Lý, hoặc nói Thiên Đạo, hoặc nói Vương Đạo, phân ra mà nói. Tiết này tổng kết lại bằng 2 chữ Ngự Chính, để cho rõ nghĩa hai chữ Phản Hoàn. Phản Hoàn là từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên, là công dụng của Hữu Vi. Cho nên nói Ngự Chính đứng đầu là Đỉnh Tân Cách Cố. Đạo Phản Hoàn cốt ở sự Đổi Mới. Mà muốn đổi mới, thì không gì bằng Bỏ Đi Cái Cũ. Cái cũ là gì? Là cái gì dơ bẩn ta đã vương phải trước. Vứt bỏ cái gì dơ bẩn trước đây, thì Nhân Tâm sẽ được yên tĩnh. Đỉnh là đồ dùng để nấu thuốc, nấu đồ ăn. Nó có thể đổi mới mọi sự. Cho đồ vào Đỉnh để luyện ra cái gì mới, thì Đạo Tâm sẽ sinh. Quản quát duy mật E dè cái mắt không nhìn, Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng, là hạ công phu ở chỗ Chí Vi Chí Ẩn, cốt là làm cho Nhân Tâm được Nhu Thuận. Khai thư bố bảo là làm cho biến và giữ lấy cái Biến, làm cho Thông và giữ cái Thông. Nhất cử nhất động phải vận Thần Cơ làm phát động cái Đạo Tâm cương kiện. (110)

Người tu đạo, sẽ dùng chân tình của Đạo Tâm, có đủ cương khí, như chuôi sao Khuê trên trời, như những nhà chấp pháp trong quốc gia vậy, sẽ dùng Chân Tình của Đạo Tâm để mà Giác Chiếu, như sao Văn Xương trên Trời giữ về ký lục vậy. Đạo Tâm làm chủ như sao Bắc Thần trên trời, như vì vua nơi nhân gian vậy.

Chân tình không hôn ám, ngũ nguyên, ngũ đức sẽ tương sinh, sẽ hồn nhiên nhất khí. Như Khôi Tinh chỉ chỗ nào, bất kể là Ngũ Vĩ sai hay đúng, đều ứng thời cảm động. (112)

Nếu người tu đạo mà làm cho Đạo Tâm được hưng phấn, chế ngự được Nhân Tâm, thì Chân Tình sẽ không bị lu mờ, Chân tri sẽ thường tồn, Âm khí giảm bớt, Dương Khí thuần dần. Thế là Đỉnh Tân Cách Cố (thay cũ, đổi mới), Tính Định, Mệnh Ngưng. Từ Hữu Vi nhập Vô Vi, toàn thân theo đúng lý, muôn lo đều ngừng. Làm gì còn có chuyện Ngạo Kháng sai Đạo, hay tà nịnh lạc nẻo, hay làm sai làm dở đến bị tai hung?

Ôi, Tu Chân Đạo, cũng là Đạo Ngự Chính, nếu Đạo Ngự Chính mà biết thế nào là Cát Hung, thì cũng biết thế nào là cát hung trong Đạo Tu Chân. Tiên Ông trong thiên trên đem đạo Ngự Chính sánh với Đạo Tu Chân. Thật là vi diệu vậy. (113)

Dưỡng Tính.

Cho nên Tiên Ông dạy Dưỡng Tính thì đưa ra chủ đề là: Muốn tu Tính, trước hết phải tu Mệnh. Nghĩa là muốn Dưỡng Tính phải lo Tu Mệnh. (119)

Cho nên trước tiên phải tu Hữu Vi Phản Hoàn chi Đạo, để mà củng cố Mệnh Cơ. Sau đó mới Hành Bão Nhất Vô Vi chi đạo, để hoàn thành việc Tu Tính. Tính Mệnh tu xong, sẽ bất sinh, bất diệt, cùng đất trời đồng thọ. (120)

Thượng Đức là những người dùng Đạo để Toàn Hình, Bão Nguyên Thủ Nhất, hành Vô Vi chi Đạo. Thế là làm được công việc. Cho nên nói: Thượng Đức vô vi, không cần quan sát, tìm cầu. Hạ Đức thì dùng thuật để kéo dài mạng sống. Từ miễn cưỡng rồi mới an lạc. Đó là tu theo Hữu Vi, như vậy mới được hoàn nguyên.

Cho nên nói: Hạ Đức vi chi, kỳ dụng bất hưu. Vả bậc Thượng Đức chẳng cần sát cầu, vì bậc Thượng Đức thời Thiên Chân còn nguyên vẹn, khách khí chưa xâm nhập nổi, nếu đốn ngộ được bản tính, thì chẳng tu chẳng chứng, cũng sang được bờ bên kia, không cần phải quan sát, tìm cầu. Còn Hạ Đức thì vất vả đi vào hữu dụng, vì ở nơi họ, Thiên Chân đã khuy tổn, tri thức đã khai mở, nên dẫu đốn ngộ bản tính thì cũng chưa thuần thuận ngay được. Nên phải dùng phép Tiệm Tu, công lực có lúc tăng, lúc giảm. Tăng rồi lại tăng, giảm rồi lại giảm. Cho đến khi Nghĩa Tinh, Nhân Thục, thì mới có thể ngưng nghỉ. Vì thế mà không ngừng nghỉ mới là quí vậy. (138)

Chân Nhân chính là Thần Minh, cũng còn là Thánh Thai. Nó chính là Tiên Thiên hư vô Chân Nhất chi Khí. Ngưng kết thành Tượng. Chân Nhân đó, chí Thần, chí Diệu, phi sắc, phi không, tức sắc, tức không. Sạ Trầm là Tịch Nhiên bất động; Sạ Phù là Cảm nhi toại thông vậy. Sắc Không bất câu, động tĩnh tự nhiên, chí vô nhưng hàm chí hữu, chí hư nhưng hàm chí thật. Khí Ngũ hành Âm Dương cái gì cũng sẵn có. (141)

Phục Thực.

Khí thuộc Mệnh, Lý thuộc Tính. Hoài Huyền là cốt để Lập Mệnh. Bão chân là cốt để Tận Tính. Phục là Phục Khí để Dưỡng Hạo Nhiên Chính Khí. Mệnh là do ta tự tạo. Luyện là luyện kỳ Chân, để thành toàn bản lai Thiên Chân. Tính không thể tối. Cửu là Thuần Dương Vô Âm, là Kim Cương bất hoại trong ta, thế là Phục Luyện Cửu Đỉnh. Không phải là Cửu Đỉnh, Lô Hoả, Phục Thực của đời sau, cũng không phải là Ngự Nữ Khuê Đơn, cái tà thuyết của Cửu Đỉnh. Nếu mà định nói Lô Hoả Khuê Đơn thì sao lại nói Hoài Huyền Bão Chân. (154)

Tà nguỵ trừ đi là Thoái Âm vậy. Chính khí thường tồn là Tiến Dương vậy. (155)

Tiến Dương Thoái Âm, gia công phục luyện, thì lâu ngày sẽ thấy Âm Tận Dương Thuần. Hình sẽ hoá thành Khí, Khí sẽ hoá thành Thần, Thần sẽ hoá thành Hư. Thân ngoại có thân, và sẽ vũ hoá đăng tiên. (155)

Vậy Tiến Dương hoả thoái Âm Phù là Dưỡng nuôi Chính Khí đất trời, mà Thoái Âm phù là tiêu trừ tà ngụy. (156)

Bách xúc thời Âm là Khước trừ tà khí, thời khắc cẩn thận vậy. Câu súc Cấm Môn là: Hộ trì chính Khí, không bao giờ ngơi. Cấm Môn là Huyền Tẫn chi Môn, là Sinh Môn Tử hộ. Đó là lò Sinh Sát, là khiếu Âm Dương. Sinh ra ta từ đó, làm ta chết cũng từ đó. Kết thai, Thoát Thai cũng từ đó. Giữ được nó thì sống, làm mất nó sẽ chết. Đó là cái cửa khẩu tối ư quan hệ, cho nên gọi là Cấm Môn. Cái cửa đó, mọi người ra vào,mọi người qua lại, nhưng cái mà Bách Tính thường dùng lại không hay biết. Nếu có ai hỏi Cửa ấy hình dáng ra sao, thì ta sẽ nói: Dưới Trời, Trên đất, phía Tây là mặt Trời, phía Đông là mặt trăng, ở giửa hình chữ Thập, nơi 4 phương gặp gỡ. Nó rất sáng. Nó là một Khổng Khiếu, trông xa thì nhỏ như lông, trông gần thì to bằng Thế Giới, vạn tượng sâm la, bách bảo đều đủ, có đủ Đất Trời. Không hiểu có ai biết nó không, nếu có ai biết nó, nó sẽ xua đuổi tà khí. Từ chỗ chết trở về Bản nguyên, nó sẽ giữ được Chính Dương, từ chỗ sinh ra ta trở về Bản Nguyên. Có thể tuỳ tâm vận dụng, quay tả quay hữu, y như ý muốn. Vả Đạo Hoàn Nguyên, Phản bản, chỉ là điều hoà tính tình, hỗn hợp Âm Dương mà thôi. (169)

Thức Thần là chủng tử sinh Luân Hồi, là nguồn gốc làm ta bị Tử Sinh. Nếu không trừ nó đi, thì không bao giờ ta nắm được Tính Mệnh chúng ta. Phương pháp trừ diệt, nếu không dùng Chân Tri Chân Tình thời không xong. Chân Tri Chân Tình có đủ Tiên Thiên Chân Nhất chi khí. Khí này chí đại, chí cương, có sức thoái trừ quần ma, giết được tam thi. (175)

 

Tóm Tắt Tham Đồng Khế của Du Diễm

Thân Thế của Ngụy Bá Dương. (188)

Tóm tắt Tham Đồng Khế : Ngự Chính, Dưỡng Tính, Phục Thực. (191)

 

Tóm tắt Tham Đồng Khế của Cảnh Hưu Từ

Mặt trời 1 năm đi 1 vòng trời, phân thành 4 mùa, Xuân, Hạ, Thu, Đông, ứng tứ khí Mộc Hoả, Kim Thuỷ. Mỗi mùa Thổ vượng 18 ngày, hoà hợp tứ tượng. Tứ quí, Ôn, Nhiệt, Lương, Hàn. Ngày Đêm dài vắn đều là Ngũ Hành tinh khí.

Cho nên nói: Nhật hợp Ngũ Hành Tinh. Mặt trăng, 1 tháng đi một vòng trời. Mỗi tháng gặp mặt trời 1 lần. 1 năm gặp 12 lần. Mỗi tháng có Huyền (mồng 8, 23), Vọng (15), Hối (30), Sóc (1). Tuỳ ánh sáng mặt trời mà xa cách, tiến thoái. Sáu tháng đêm dài, sáu tháng đêm vắn. Ứng với Luật Lã nên thành 12 tháng. Cho nên nói: Tháng theo Lục Luật. Mỗi tháng 5 ngày là 1 Hầu, cộng sáu Hầu. Mỗi Hầu có 5 độ (210)

Nhật Nguyệt hiệp nhất là Thần, vãng lai là Hoá. Vạn vật không có Thần thì không sinh, không có Hoá thì không thành. Nhất là Thần, Lưỡng là Hoá. Chỉ có Thần mói có thể Hoá, có Hoá mới thành Thần. Có thể là Thần, có thể biến hoá, cho nên mới Thần hoá bất trắc. (210)

Ôi! Chỉ có một câu Tuỳ thời, thuận tiết, mà hoàn thành được Kim Đơn Diệu Chỉ, còn nói được gì hơn?. Cho nên có thể ngậm miệng, không cần bàn luận chi cả. Kim đơn chi đạo, thuỷ chung chỉ là tu trì Thiên Tâm mà thôi. Thiên Tâm chính là Đại Dược. Nếu biết Tuỳ Thời, Thuận Tiết, thì Thiên Tâm sẽ Thường Tồn, từ mềm non, đến cứng cát, từ nhỏ cho tới lớn. Càng lâu thì công trình càng thâm hậu, vĩnh viễn bất hoại. Thế cho nên nói, Biết Một là xong tất cả. Cần gì nói nhiều? (223)

Cho nên mượn Kinh Dịch đặc biệt nói về Bốn Quẻ Kiền Khôn, Khảm Ly. Coi một năm là Kiền Khôn vãng lai, một tháng là Khảm Ly Nhật Nguyệt hợp ly, hiển lộ ra được đầu mối của Thiên Tâm, để hướng dẫn cho bọn hậu thế mù mờ. (224)

Huyền Tẫn, Cốc Thần, thuận thì sinh nhân, sinh vật nhi thành Ảo Thân, Nghịch thì sinh Tiên nhi thành Chân Thân. Thuận nghịch chi gian, mà Chân Ảo hết sức khác nhau. (239)

Người Thượng Đức hành Vô Vi chi đạo, vì ở nơi họ, Thiên Chân chưa bị thương tổn, Âm Dương hoà hợp. Khiếu Nhân Tâm còn đóng, mà Đạo tâm thời còn nguyên vẹn, cho nên gọi là Có.

Người Hạ Đức hành Hữu Vi chi Đạo, vì ở nơi họ, Thiên Chân đã bị khuy tổn, Âm Dương bị tán hoán. Đạo Tâm khiếu bế, mà Nhân Tâm thời hành sự, cho nên gọi là Vô (243)

Quần âm mà hoá tận, thì Kim Đơn sẽ thành thục. Công phu mà chưa thành thì chưa ngưng nghỉ. Cổ tiên xưa nói: Còn chút Dương Khí thì chưa thể chết, còn chút Âm khí thì chưa thành Tiên (260)

Cho nên người tu đạo, phải tu cho tới thuần Dương, không còn chút Âm Khí nào, như vậy mới được. Trừ khử được chúng tà, và Chính Dương đã yên ổn, được vậy mà vẫn chưa ngừng công phu, như vậy sẽ được Thần linh, Khí sảng, như khi trời có mây mưa, sẽ giải trừ oi bức, phiền muộn, y như xuân khí nhuận trạch, hàn khí tiêu hết, thì băng tích sẽ tiêu tan. (260)

Đạo Kim Đơn là đạo điều hoà Âm Dương. Âm Dương hoà thì sinh Đơn, Âm Dương chống nhau thì làm hư Đạo. Suy diễn số Ngũ Hành sinh khắc, thì sẽ suy ra đạo Kim Đơn. (267)

Đạo Kim Đơn là suy tình hợp tính, là Tìm Chân trong Giả, tìm Sống trong chết, để cho Âm Dương tương hợp, trở lại Thiên Lý, không hay không biết, theo đúng phép tắc của Trời, tìm ra Bản Lai diện mục của mình, cho nên gọi là Hoàn Đơn. Hoàn Đơn là trở về với cái Bản Lai, Nguyên Hữu của mình, không hề có tăng có giảm, lại nói rằng: Hoàn Nguyên phản bản.

Ta không dám nói bậy. mà phỏng theo lời văn của thánh hiền xưa. Đó chính là lời tựa của Chân Nhân, cho nên đó là lời nói có gốc, lời nó có kê cứu.

Hoàn Đơn này, cổ lai thánh hiền, tuỳ phương tiện mà đặt tên, nên không đồng nhất.

Cổ Ký thì gọi là Long Hổ Đan, Hoàng Đế thì gọi là Mỹ Kim Hoa, Hoài Nam thì gọi là Thu Thạch, Ngọc Dương thì gọi là Hoàng Nha, Tham Đồng Khế thì gọi là Kim Sa, là Đao Khuê, tất cả đều cốt là hình dung ra Hoàn Đan là gì mà thôi.

Đạo này người Thượng Sĩ mà nghe được, thì chuyên cần tu hành, cho nên nói người Hiền thì nghe theo, còn kẻ Hạ Sĩ mà nghe thấy thì cưỡi toáng lên, Cho nên nói không hợp với kẻ bất tiếu (người hư).

Cho nên đạo cổ kim xưa nay, là nhân ngồi nói chuyên với nhau và thổ lộ tâm tình cho nhau nghe. Kim Đơn đại đạo xưa nay vốn là chuyện khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương thụ của Thánh Hiền. (268)

Phục là Phục tàng tiên thiên chi khí, mà không làm cho ý vọng động. Tức như Mạnh Tử nói: Ngã thiện dưỡng ngô Hạo nhiên chi khí vậy. Thực là dĩ hư cầu thực, là Phục Thực vậy. Tức như Mạnh Tử nói về Cái Khí vậy. Khí đó Chí đại, chí cương, trực dưỡng và vô hại, khí đó tràn đầy trong thiên hạ. Nuôi dưỡng hạo nhiên chi khí mà làm cho nó tràn đầy thiên địa, tạo hoá không giữ đựơc nó, vạn vật không di chuyển được nó, thế mới là Phục Thực. (273)

Nếu có chí sĩ, mà được sư truyền khẩu quyết, sẽ từ Hữu Vi mà vào Vô Vi, sẽ liễu Tính, liễu Mệnh, và được Hình Thần câu diệu, dữ Đạo hợp Chân và được gọi là Chân Nhân, thọ cùng Trời Đất, làm cho tứ chi kiên cố, nhan sắc tươi nhuận, tóc từ bạc trở thành đen, răng rụng sinh (291)

Có thể nói Tu Tính, là Vô Vi. Tu mệnh là Hữu Vi.

Tu Tính chính là Vô Dục Dĩ quan kỳ Diệu của Đạo Đức Kinh.

Tu Mệnh là Hữu Dục dĩ quan kỳ Khiếu của Đạo Đức Kinh (Xem Tinh Hoa các Đạo Giáo, tr. 202, chú 8)

Như vậy Tu Đơn có thể nói là Tu Mệnh. Sách Tiên Học Tập Cẩm nơi trang 229 nói: Tu kim đan dĩ liễu Mệnh. (THCDG, tr. 204, chú 40)

Khi tôi tập hít thở qua xương sống theo Đạo Lão trong vòng 8, 9 năm, tôi bỗng nhiên ngưng tập, vì nghĩ rằng làm như vậy là Thọ Cùng Thiên Địa nhất Ngu Phu.

Ngày nay bên Trung Quốc coi Luỵện Đan là Luyện Khí Công, mục đích là làm cho con người khỏe mạnh.

Tu Tính đề Biết Trời. (Xem Tinh Hoa các Đạo Giáo, tr. 203, chú thích 24), Tu Tính cốt là tìm cho ra được cốt lõi Trời, cốt lõi Trường Sinh bất tử của Con Người. (Xem THCDG, TR. 203, Chú 26)

Tu Mệnh để sống lâu thêm tuổi thọ. (Xem THCDG, TR. 203, chú thích 32.) Tu Mệnh cốt là để Cải biến Khí Chất (THCDG, tr. 204, chú 50).

Tu Mệnh là Tu Xác Thân, Tu Tính là luyện Tâm Hồn, để Tâm Hồn trở thành Thần Minh. Tu Tính chính là Tu Thiền.

Cho nên PHẬT GIÁO, LÃO GIÁO gặp nhau ở chỗ cao, gặp nhau ở Chân Tâm. Đó cũng chính là Trung Đạo của Trung Dung,

Tham Đồng Khế có thể tóm tắt đơn giản như sau:

Ôi! Chỉ có một câu Tuỳ thời, thuận tiết, mà hoàn thành được Kim Đơn Diệu Chỉ, còn nói được gì hơn?. Cho nên có thể ngậm miệng, không cần bàn luận chi cả. Kim đơn chi đạo, thuỷ chung chỉ là tu trì Thiên Tâm mà thôi. Thiên Tâm chính là Đại Dược. Nếu biết Tuỳ Thời, Thuận Tiết, thì Thiên Tâm sẽ Thường Tồn, từ mềm non, đến cứng cát, từ nhỏ cho tới lớn. Càng lâu thì công trình càng thâm hậu, vĩnh viễn bất hoại. Thế cho nên nói, Biết Một là xong tất cả. Cần gì nói nhiều? (223)