CHƯƠNG I
(Chương I gồm 3 Tiết)
Những tiêu chuẩn đã dùng để viết Kinh Dịch
Chương này nói rõ thêm về đường lối người xưa dùng để viết Dịch:
a). Dùng cỏ thi làm phương tiện cho Thần minh phát biểu ý
kiến.
b). Dùng số để tượng trưng vũ trụ, vạn hữu.
c). Thuận theo đạo đức.
d). Khảo sát các định luật vật lý, tâm lý để cuối cùng tìm ra
được Bản thể, được Thiên đạo.
Tiết 1.
昔 者 聖 人 之 作 易 也 幽 贊 於 神 明 而 生 蓍
Tích giả Thánh nhân chi tác Dịch dã. U tán ư thần minh nhi sinh
thi.
Dịch. Tiết 1.
Thánh xưa làm bộ Dịch kinh,
Cốt là minh xiển Thần minh lối đường.
Cỏ thi bói toán cát tường,
Cốt là phô diễn, hiển dương u huyền.
Thánh nhân xưa làm Dịch, đã tìm ra cách để giúp cho Thần minh
phát biểu ý kiến: đó là dùng cỏ thi. Người xưa coi cỏ thi là
thần thảo. Cọng cỏ thi có thể dài tới một trượng, và mỗi bụi cỏ
thi lớn có thể tới 100 cọng.
Tiết 2.
參 天 兩 地 而 倚 數 .
Tham Thiên lưỡng địa nhi ỷ số.
Dịch. Tiết 2.
Ba Trời, hai đất giao duyên,
Bao nhiêu số khác triền triền xuất sinh.
Chữ Tham Thiên, lưỡng địa mỗi người giải một cách.
Ta giải một cách giản dị như sau: Thiên nhiên có Trời Đất,
Âm Dương, thì Dịch cũng có số chẵn lẻ.
Lẻ là Dương thuộc Trời, Chẵn là Âm thuộc đất.
Lấy số 3 làm số đầu của các số lẻ. Lấy số 2 làm đầu các số chẵn.
Vì thế nên nói: Tham thiên, lưỡng địa. Các số khác, nhân đó mà
sinh ra, vì thế nên nói nhi ỷ số (ỷ là dựa vào). Như vậy,
Số 1 là Thái Cực, Tuyệt đối, không thuộc về Âm Dương
tương đối.
Tiết 3.
觀 變 於 陰 陽 而 立 卦 .發
揮 於 剛 柔 而 生 爻 . 和 順 於 道 德 而 理 於 義
.窮 理 盡 性 以 至 於 命
Quan biến ư Âm Dương nhi lập quái.Phát huy ư Cương Nhu nhi sinh
Hào. Hòa thuận ư đạo đức nhi lý ư nghĩa. Cùng lý tận tính dĩ chí
ư mệnh.
Dịch.
Tiết 3.
Âm Dương biến hóa liên canh,
Thánh nhân lập quẻ, mặc tình phỏng theo.
Cương, Nhu mô phỏng nên Hào.
Thuận theo đạo đức, dạy điều phải nên.
Biết cùng kỳ lý sự duyên,
Lý cùng, tính tận, để nên phận mình.
Phận mình, hợp với khuôn xanh,
Thế là Thiên Mệnh đạt thành, chẳng sai.
Trong trời đất, Âm Dương, Tinh thần, Vật chất luôn giao thoa với
nhau, để tạo dựng nên muôn vàn tình trạng, muôn vàn hoàn cảnh
biến thiên. Thánh nhân cũng bắt chước đó, cũng làm ra quẻ Dịch
(Quan biến ư Âm Dương nhi lập quái). Trong mỗi hoàn cảnh,
các yếu tố cấu tạo, vì mạnh yếu khác nhau, nên vẫn giao thoa,
tác dụng lẫn nhau, để luôn tạo ra những sắc thái mới. Thánh nhân
bắt chước đó, mà lập nên Hào Cương, Hào Nhu (Phát huy ư cương
nhu nhi sinh Hào). Mỗi Hào Cương Nhu mà biến động, sẽ tạo
nên 1 quẻ, với hoàn cảnh mới, y thức như trong đời sống quốc
gia, xã hội. Sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo, sẽ đem lại một
sự thay đổi toàn diện. Hoặc sự biến chuyển của ngoại cảnh, cũng
sẽ tạo ra những hoàn cảnh mới, những cục diện mới. Cũng như
người viết Dịch, khế hợp với bản nguyên
ứng biến, thuận theo thời thế,
hoàn cảnh (Hòa thuận ư đạo đức nhi lý ư nghĩa), khảo sát
để biết tận tường (cùng lý), thấu triệt bản tính người
vật (tận tính), để cuối cùng đạt tới Thiên Đạo, tới Tạo
Hóa (Dĩ chí ư mệnh).