TRANG TỬ VÀ
NAM HOA KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Chương
1: Tìm Hiểu về Lão, Trang
Chương 3:
Trang Tử Nam Hoa Kinh -
lược dịch Nội Thiên
Tôi đến với Trang, đến với Nam Hoa Kinh, như người
đến chơi với một cổ nhân, như người bước vào một vùng đất mới mẻ, mặc dầu biết
rằng trước đây, nơi ấy đã có nhiều người khai thác, nhưng đối với tôi nó vẫn là
một giang sơn riêng biệt dành cho những kẻ hữu duyên.
Tôi không khai thác khía cạnh văn chương của
Trang.
Tôi cũng không lưu tâm đến bút pháp của Trang.
Bình Trang, tôi thủy chung chỉ muốn làm nổi bật
lên những phương thức mà Trang đã dùng để đi lên siêu việt, để giúp mọi người
sau này nhìn thấy rõ con đường dưỡng sinh, tu thân, cầu Đạo, đắc Đạo của Trang.
Từ lâu, đọc Lão Trang, tôi vẫn đinh ninh rằng các
Ngài là những nhà huyền học, nói theo từ ngữ Âu Châu, những con người đã siêu
phàm thoát tục, nói theo từ ngữ Á Châu. Gần đây, có dịp đọc quyển Creativity
and Taoism của Chuang Chung Yuan, tôi lại càng tin chắc như vậy.
Tiện đây, tôi xin trích dẫn ít nhiều tư tưởng, ít
nhiều nhận định về Lão Trang của Chuang Chung Yuan, cốt là để tóm tắt sơ lược
học thuyết Lão Trang, và cũng là để đưa ra ít nhiều tiêu chuẩn khả dĩ giúp được
cho chúng ta đi vào tư tưởng Trang một cách dễ dàng. Sau đây xin nhường lời cho
Chuang Chung Yuan:
«Đối với Lão Trang, đạt tới Bản thể tuyệt đối là
vào được lãnh vực siêu việt vô cùng, vào được cảnh giới Hư Vô, nơi đó ta có thể
cảm thông được với vạn hữu…»
«Chúng ta có thể đi vào cảnh giới Hư Vô bằng Điềm
hay bằng Trí. Điềm là điềm đạm hư vô, Phật gia gọi là định. Trí là Huệ hay Bát
nhã. Điềm tĩnh là phương pháp tiệm tu, Tuệ trí là phương pháp đốn ngộ. Hai
phương pháp này đều được đạo Lão mô tả, cùng có một mục đích là để vào được cảnh
giới Hư Vô. Hư Vô có thể là Thiên quang, hay là Thuần phác hỗn độn. Đó là hai
phương diện của một Thực thể.»
«… Cho nên muốn vào được cảnh giới Hư Vô, Vô thức
Đại đồng, vào tới Thiên Chân Bản thể, phải có chân trí huệ. Trí huệ mới là chìa
khóa để mở cửa Đạo, để phanh phui ra được mọi kỳ bí của Hư Vô. Ở nơi đó không
còn phân biệt nhĩ ngã, ở nơi đó vạn sự, vạn hữu là một…»
Như vậy muốn đạt Đạo, tri thức chưa đủ, phải có
tuệ giác nữa.
«Vào trong cảnh giới Hư Vô, vì cảm thông được với
vạn hữu, nên coi mọi sự như một, hòa hợp tuyệt đối, hết còn phân chia nhĩ ngã…»
Như vậy nhờ điềm đạm vô vi, nhờ trí huệ, con người
sẽ chuyển hóa được mình, cảm thông được với vạn hữu.
«Trang Tử cũng chủ trương cần phải thoát ly mọi
ràng buộc của thế giới biến thiên, mọi giá trị tương đối của ngoại cảnh. Càng bỏ
được cái phù du hư ảo bao nhiêu, thì càng đạt được đời sống đích thực bấy
nhiêu…»
«Như vậy, đối với Trang Tử, Chân nhân hay con
người giác ngộ là con người đã phá vỡ được cái kén Tiểu ngã, để hoà mình với Đại
ngã…»
Mượn những lời của Chuang Chung Yuan thay lời phi
lộ cốt là để nói lên nguyện ước của tôi muốn cho mọi người đọc Trang với một tâm
hồn cởi mở, đọc Trang không phải để nhớ lời Trang nói, hay chuyện Trang kể, mà
để chuyển hóa tâm thần, đi sâu được vào tâm linh siêu việt.
Nếu viết quyển sách này, tôi làm được một chút gì
để giúp cho người đọc tâm bình khí hòa, thân tâm an lạc, thần khí định tĩnh, vào
được khung trời nội tâm bao la, thời dẫu mất thì giờ bao nhiêu, tôi cũng cảm
thấy mình có được một niềm an ủi vô biên.
Sài thành, 01–8–1973.
I. TIỂU SỬ TRANG TỬ
THEO TƯ MÃ THIÊN
Tư Mã Thiên viết về Trang Tử như sau:
«Trang Tử là người xứ Mông tên Chu. Chu vốn làm
chức lại, coi vườn sơn ở Mông, đồng thời với Huệ Vương nước Lương, Tuyên vương
nước Tề. Trang Tử đa văn quảng kiến, học thức uyên thâm, nhưng căn cốt vẫn là
lời Lão. Cho nên sách ông viết hơn mười vạn chữ, đại để đều là ngụ ngôn.
«Làm những bài Ngư phủ, Đạo Chích, Khư Khíp để chế
diễu những người theo Khổng tử, và làm sáng tỏ học thuật Lão Tử. Những tên Úy
Lũy, Hư Cang Tang Tử đều là chuyện bịa không có thực. Nhưng khéo viết văn, xếp
lời, chỉ việc, tả tình, để bài bác bọn nhà Nho, nhà Mặc. Dù những người học rộng
thời ấy, cũng không sao cãi, để gỡ lấy mình được. Lời Trang Tử mênh mông, phóng
túng, cốt cho sướng ý mình cho nên các bậc vương công đại nhân không thể dùng
được.
«Uy vương nước Sở (339–328) nghe biết Trang Tử là
người hiền, sai sứ mang nhiều lễ vật sang mời, hứa cho làm tướng quốc. Trang Chu
cười nói với sứ giả nước Sở: «Nghìn vàng là lợi lớn, khanh tướng là ngôi tôn.
Ông chẳng thấy con trâu đem tế Trời (trong lễ Giao) đó sao. Nuôi nấng trong vài
năm, cho mặc đồ gấm vóc để cho vào Thái Miếu. Lúc ấy dù muốn làm con lợn con côi
cút cũng không được nữa. Ông đi ngay đi. Đừng làm bẩn tôi. Tôi thà chơi đùa
trong rạch bùn cho thích, chứ không để cho kẻ có nước buộc ràng. Chung thân tôi
không làm quan, để sống cuộc đời thoải mái như ý thích.» (Sử ký Tư Mã Thiên,
Lão, Trang, Thân, Hàn liệt truyện)
II. NAM HOA KINH
Trang Tử viết một bộ sách sau này gọi là NAM HOA
KINH 南
華
經,
hay NAM HOA CHÂN KINH 南
華
真
經.
Theo Hán Thư Nghệ Văn Chí
漢
書
藝
文
志
thì Nam Hoa Kinh thoạt kỳ thủy có 52 thiên. Sau này Quách Tượng dồn lại còn có
33 thiên.
Ba mươi ba thiên lại chia làm 3 phần (theo bản
Quách Tượng): Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên.
Nội thiên gồm bảy thiên:
1. Tiêu Diêu Du – 2. Tề vật luận
– 3. Dưỡng sinh chủ – 4. Nhân gian thế – 5. Đức sung phù – 6. Đại tông sư – 7. Ứng đế vương
Ngoại thiên gồm 15 thiên:
8. Biền mẫu – 9. Mã đề – 10. Khư khiếp
– 11. Tại Hựu – 12. Thiên địa – 13. Thiên đạo – 14. Thiên vận
15. Khắc ý – 16. Thiện tính – 17. Thu thủy
– 18. Chí lạc – 19. Đạt sinh – 20. Sơn mộc – 21. Điền tử – phương – 22. Trí Bắc du
Tạp thiên gồm 11 thiên:
23. Canh Tang Sở – 24. Từ Vô Quỉ – 25. Tắc Dương
– 26. Ngoại vật – 27. Ngụ ngôn – 28. Nhượng vương – 29. Đạo chích – 30. Duyệt kiếm
– 31. Ngư phụ – 32. Liệt ngự khấu – 33. Thiên Hạ
Nơi đây ta không đi vào chi tiết, chỉ nói tóm tắt.
Các nhà bình giải thường cho rằng:
– Nội thiên là của Trang Tử viết (có thể trừ ra
một vài đoạn như đoạn Tử Tang Hộ trong thiên Đại Tông Sư. – Có người còn cho
rằng Nhân gian thế cũng không do Trang Tử viết.)
– Còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì hoặc do môn đệ
của Trang Tử viết ra, hoặc người sau viết ra mà mượn tên Trang Tử.
Trong Trang Tử bản dịch của Nhượng Tống, có dịch
lời bàn của Lâm Tây Trọng đời Thanh tổng luận về các thiên trong sách Nam Hoa
Kinh. Xin trích dẫn nơi đây để chúng ta có cái nhìn khái quát về Nam Hoa Kinh,
trước khi đi vào chi tiết:
«Trong ba mươi ba thiên, nói đi nói lại hơn
100.000 chữ. Đại ý chẳng qua là: tỏ rõ Đạo Đức, rẻ rúng Nhân Nghĩa, coi sống
chết là một, coi phải với trái in nhau; hư tĩnh, điềm đạm, vắng lặng, không làm,
thế đấy thôi.
«Thiên chia ra nào Nội, nào Ngoại, nào Tạp đều do
ở người đời, không phải do bản ý tác giả khi viết sách.
«Xét ra thì: bảy bài Nội Thiên là văn có đầu đề,
do chính tay Trang Tử định lấy. Còn Ngoại Thiên, đều lấy hai chữ trên đầu thiên
mà đặt tên… Ấy là những nhà văn không đầu đề. Người đời sau lấy những bài vặt
vãnh của Trang sắp đặt lại.
«Tiêu Diêu Du cốt nói lòng người quen thành tựu
nhỏ nhen, nhưng LỚN mới là quí. Tề Vật Luận cốt nói lòng người thường quen câu
nệ chấp nhất, nhưng HƯ mới là hay. Dưỡng Sinh Chủ, cốt nói lòng người thường
miệt mài đối phó với vật ngoài, nhưng THUẬN mới là phải. Nhân Gian Thế là phép
vào đời. Đức Sung Phù là phép ra đời. Đại Tông Sư là phép trong có thể làm
thánh. Ứng Đế Vương là phép ngoài có thể làm vua. Ấy là nghĩa riêng của bảy bài
Nội Thiên. Thế nhưng lòng người có LỚN thì mới có thể HƯ; có HƯ thì mới có thể
THUẬN… Vào được đời rồi mới ra được đời… Trong làm nổi thánh, thì ngoài mới làm
nổi vua… Ấy là là những lẽ đi theo nhau của bảy bài Nội Thiên. Cứ thế thôi cũng
đã hết được ý chính.
«Ngoại Thiên, Tạp Thiên nghĩa tuy chia riêng,
nhưng lý cùng gửi lẫn… Như Biền Mẫu, Mã Đề, Khứ Khiếp, Tại Hựu, Thiên Địa, Thiên
đạo đều nhân Ứng Đế Vương mà bàn tới.
«Thiên vận thì nhân Đức Sung Phù mà bàn tới.
«Thu Thủy thì nhân Tề Vật Luận mà bàn tới.
«Chí Lạc, Điền Tử Phương, Tri Bắc Du thì nhân Đại
Tông Sư mà bàn tới.
«Riêng có ý Tiêu Diêu Du thì thấy rải rác cả ở
trong các thiên. Nghĩa Ngoại Thiên là thế.
«Canh Tang Sở thì là ý của Đức Sung Phù, nhưng gửi
trong đó lý của Đại Tông Sư, Ứng Đế Vương.
«Từ Vô Quỉ thì ý của Tiêu Diêu Du nhưng gửi vào đó
lý của Đại Tông Sư, Ứng Đế Vương và Nhân Gian Thế.
«Tắc Dương cũng là ý Đức Sung Phù mà gửi vào đó có
lý của Đại Tông Sư, Tề Vật Luận.
«Ngoại Vật thì là ý Dưỡng Sinh Chủ mà gửi vào đó
lý Tiêu Diêu Du. Ngụ ngôn, Liệt Ngự Khấu dồn lại là một thiên, thu thúc cho cả
bộ sách. Lý của bảy bài Nội Thiên đều thấy có đủ. Ấy là nghĩa của Tạp Thiên.
«Đến như Khắc Ý, Thiên Tính nghĩa cũng có qua loa,
nhưng đọc rồi không còn gì là thú vị.
«Nhượng Vương, Ngư Phụ, Đạo Chích, Duyệt Kiếm thì
không ăn nhập vào đâu cả, mà còn có nhiều câu nhảm nhí. Người xưa cho đó là
những phường ngu dốt đánh tráo vào. Xem ra quả có thế!
“Còn Thiên Hạ thì là của người sau viết ra khi sắp
lại văn Trang Tử. Ấy là bài “hậu tự” cho bộ sách mà thôi.
«– Vậy thì sao thiên thì gọi là Ngoại, thiên thì
gọi là Tạp, là cớ làm sao?
«– Ý là kẻ sắp văn Trang hồi ấy, thấy thiên nầy
bàn riêng một ý, mà nghĩa văn dễ hiểu, thì đặt lên bên trên mà gọi là Ngoại.
«Còn thiên nào gồm có nhiều ý mà lời lẽ khó hiểu
thì đặt xuống bên dưới mà gọi là Tạp. Cho nên lộn xộn không thứ tự như vầy.
«Tô Tử Chiêm nói: ‘Chia thiên, đặt tên, đều là do
người đời cả.’ Kể cũng đáng tin.»
III. CÁC NHÀ BÌNH GIẢI
TRANG TỬ
Các nhà bình giải Trang Tử xưa nay rất nhiều. Mỗi
người giải Trang Tử theo một khía cạnh, một đường lối. Người thì giải Trang theo
Lão, người thì giải Trang theo Khổng, người thì giải Trang theo Phật, người thì
giải Trang theo Trang.
Trong bộ sách này, tôi không chú trọng đến những
vấn đề chi tiết này, vì xét ra ai cũng có thể tìm ra được các người đã bình giải
Trang một cách dễ dàng. Thật ra tôi chỉ chú trọng tìm ra những tư tưởng then
chốt của Trang, cho nên những công việc gì có tính cách máy móc, tôi đều lướt
qua. Tuy vậy tôi cũng toát lược sau đây một đồ bản ghi ít nhiều tên các bình
giải, với thời đại, và nếu có thể được, sách họ chép về Trang Tử.
Những người giải Trang theo Lão, tôi ghi bên cạnh
chữ (L)
Những người giải Trang theo Khổng, tôi ghi bên
cạnh chữ (K)
Những người giải Trang theo Phật, tôi ghi bên cạnh
chữ (P)
Quí vị nào muốn biết chi tiết hơn xin đọc:
– Léon Wieger, Le Canon Taoiste,
Bibliographie générale.
– Léon Wieger, Nan Hoa Tchenn King. Nơi đầu
sách, Wieger đã liệt kê các tác giả bình giải về Trang Tử theo:
– Hán Thư Nghệ Văn Chí.
– Đường Thư Nghệ Văn Chí.
– Tùy Thư Kinh Tịch Chí.
– Tống Sử nghệ văn chí.
– Đường Lục Đức Minh kinh điển thích văn.
– Tống Trịnh Tiều thông chí.
– Minh Vương kỳ tục văn hiến thông khảo.
– Tiều Hoằng kinh tịch chí.
– Đạo tạng mục lục.
– Trầm Yến Mưu Kính, Trang Tử soán tiên.
|
Đời |
Tên tác giả |
Sách |
|
|
NGỤY
魏
(221-265)
|
Nguyễn Tịch
阮 籍
|
Đạt Trang luận
達 莊
論
|
|
|
TẤN
晉
(265-419)
|
Hướng Tú
向 秀
Quách Tượng
郭 象
Tư Mã Bưu
司 馬
彪
Thôi Tuyển
崔 譔
Chi Độn
支 遁
|
Trang Tử giải nghĩa
莊 子解
義
(Bình giải Trang Tử) |
|
|
LƯƠNG
梁
(502-557) |
Lương Giản Văn Đế
梁
簡 文
帝
|
Trang Tử giải sớ
莊 子解
疏
|
|
|
ĐƯỜNG
唐
(620-905) |
Lục Đức Minh
陸 德
明
Thành Huyền Anh (P)
成玄英 |
Kinh điển thích văn
經 典
釋 文
Trang Tử sớ
莊 子疏 |
|
|
TỐNG 宋
(960-1278) |
Thang Hán
湯 漢
Trần Cảnh Nguyên
陳景元
(Bích Hư Tử)
碧 虛
子
Vương Bang
王 雱
(con Vương An Thạch
王安石)
Lã Huệ Khanh
呂 惠
卿
Lâm Hi Dật (N)
林 希
逸
Chử Bá Tú (L)
褚 伯
秀
La Miển Đạo (L)
羅 勉
道
Lưu Thần Ông
劉 辰
翁
|
Nam Hoa chương cú
南 華
章 句
Trang Tử chú
莊 子注
Trang Tử chú
莊 子注
Trang Tử khẩu nghĩa
莊 子口
義
Nam Hoa chân kinh nghĩa hải soán vi
南 華真 經 義 海 纂 微
Nam Hoa quản kiến
南 華
管見
Trang Tử tuần bản
莊 子循
本
Trang Tử điểm hiệu
莊 子點
校 |
|
|
NGUYÊN
元
(1280-1333) |
Ngô Trừng
吳 澄
Lý Trị
李 治
|
|
|
|
MINH
明
(1368-1628) |
Đường Thuận Chi
Trương Tứ Duy
Thích Đức Minh
Tiều Hoằng
焦 竑
Lục Trường Canh
陸 長
庚
Lục Tây Tinh (P)
陸 西
星
Qui Hữu Quang
歸 有
光
Phương Dĩ Trí
方 以
智
Chu Đắc Chi
朱 得
之
Tôn Gia Cẩm
孫 嘉
淦
Ngô Thế Thượng
吳 世
尚
|
NH Kinh thích lược
南華經釋略
Trang Tử bổ chú
莊 子補
注
TrangTử Nội thiên chú
莊子內篇注
Trang Tử Dực
莊 子翼
Nam Hoa Chân Kinh phó mặc
南 華
真 經 副 墨
Nam Hoa Thông Nghĩa
南華通義
Nam Hoa Thông
南 華
通
Trang Tử giải
莊 子
解 |
|
|
THANH
清
(1644-1911)
|
Vương Phu Chi
王 夫
之
Cao Thu Nguyệt
高 秋
月
Diêu Nãi
姚 鼐
Lưu Hồng Điển (N)
劉 鴻
典
Lục Thụ Chi (N)
陸 樹
芝
Lâm Tây Trọng
林 西
仲
Chương Bính Lân章
炳 麟
|
Trang Tử giải nghĩa
莊 子
解 義
Trang Tử thích ý
莊 子
釋 意
Trang Tử chương nghĩa
莊 子
章 義
Trang Tử tuyết
莊 子
雪
Trang Tử nhân
莊 子
因 |
|
|
CẬN KIM |
Mã Tự Luân
馬 敘倫
Trương Thế Lao (P)
張 世 犖
Cao Hanh
高 亨
Chương Thái Viêm (P)
章 太 炎
Lưu Văn Điển
劉 文
典
Nghiêm Phục
嚴 復 |
Trang Tử giảng chứng
莊 子
講 證
Trang Tử kim tiên
莊 子
今 箋
Trang Tử bổ nghĩa
莊 子
補 義
Trang Tử bình
莊 子
評
|
|
|
VIỆT NAM
|
Nguyễn Duy Cần
Nhượng Tống |
Nam Hoa Kinh
Trang Tử tinh hoa
Nam Hoa kinh |
|
|
ANH |
H. Giles (trans.)
James Legge |
Chuang Tzu 1961 ed.
The Texts of Taoism 1959 |
|
|
PHÁP |
Léon Wieger |
Les Pères du Système Taoiste, v.v |
|
IV. ĐẠI CƯƠNG
HỌC THUYẾT TRANG TỬ
Lâm Tây Trọng cho rằng: «Trong 33 thiên, nói đi
nói lại hơn 100.000 chữ, đại ý chẳng qua là: tỏ rõ Đạo Đức, rẻ rúng nhân nghĩa
coi sống chết như nhau, phải trái như nhau, hư tĩnh điềm đạm, vắng lặng, không
làm thế đấy thôi.»
Tóm tắt Trang như vậy, chưa làm nổi bật được tinh
thần của Trang, chủ trương của Trang.
Thực ra Trang là một nhà huyền học, cũng như Lão
Tử.
«Thiên hạ thiên» bình về Trang Tử như sau: «Thượng
dữ Tạo vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh vô chung thủy giá vi hữu…» Trên thời
vui chơi cùng đấng Tạo Hóa, dưới thời bè bạn với những người đã thoát vòng sinh
tử, thủy chung…» (Thiên Hạ thiên, F). Như vậy muốn hiểu Trang Tử phải hiểu qua
những nguyên tắc những chủ trương chính yếu của khoa huyền học.
Nơi chương Đại Cương Đạo Đức Kinh, trong quyển Đạo
Đức Kinh tôi đã giải thích thế nào là Huyền Học, tưởng cũng nên nhắc lại nơi
đây.
Huyền học (Mystique) là một danh từ tặng dữ cho
những ai có một đời sống siêu nhiên mãnh liệt, y thức như đã tiếp xúc được với
luồng huyền lực vô biên của vũ trụ.
Những nhà huyền học là những người:
1. Có tâm thần rất thông minh tinh tế.
2. Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình.
3. Nhận thức được tấn tuồng biến thiên ảo hóa của
vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.
4. Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến
chỗ cao minh linh diệu.
5. Sống phối hợp với Trời, coi mình như là hiện
thân của Thượng Đế.
Các nhà huyền học Đông cũng như Tây đều tin tưởng
rằng sau bức màn hiện tượng biến thiên, chất chưởng, còn có một bản thể siêu
việt, tuyệt vời.
Cái Ngài không biết dùng danh từ gì để mô tả Tuyệt
đối thể ấy cho hay, cho phải, cho nên hoặc là tuyên bố mình bất lực trước Tuyệt
đối vô biên ấy, hoặc là dùng những danh từ tiêu cực mơ hồ để diễn tả, để đề cập
đến Tuyệt đối thể ấy.
Các Ngài cho rằng con người sinh ra phải tìm về
cho được tới nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy, và tất cả các sự biến hóa của
vũ trụ lúc chung cuộc cũng kết thúc trọng đại thể vô biên vô tận ấy.
Mà nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy đã tiềm ẩn
ngay trong lòng con người. Con người chỉ việc lắng lòng lại, chỉ việc thu thần
định trí, nhìn sâu vào tâm khảm mình sẽ tìm ra được bản thể siêu việt huyền
nhiệm ấy.
Khi đã đạt tới cõi tâm linh siêu vi, huyền nhiệm
ấy, con người sẽ thoát đựợc mọi trạng thái vong thân, và vươn vượt được lên trên
cái thế giới tương đối gồm các cặp mâu thuẫn như: Thị phi, thiện ác sinh, tử, và
thoát ly được hết những gì hữu hạn, nhân vi, kiềm tỏa tù túng con người.
Khi đã đạt được tới cõi tâm linh ấy thì lập tức
cũng sẽ thâm nhập hòa động được với cõi vô biên man mác, và chính nhờ đó mà con
người lấy lại được cái phẩm giá vô song của mình. Vì nhận ra được chiều kích
Mênh Mông vô hạn, vì nhận ra được giá trị vô biên của mình, con người sẽ không
còn chịu cho ai đặt một thứ cùm xiềng, triền phược nào trên con người, không
chịu cho mình trở thành công cụ của ngoại cảnh, không chịu lệ thuộc vào bất cứ
cái gì bên ngoài.
Lúc ấy đời sống con người sẽ trở nên hồn nhiên,
tiêu sái thảnh thơi hạnh phúc. Và từ đây, sẽ không còn lo âu, không còn háo hức,
vì biết rằng ngoại cảnh chẳng qua chỉ là những tấn tuồng phù du, hư ảo. Và cũng
từ đây, con người sẽ hạnh phúc, thoải mái vì biết rằng mình đã nắm giữ được một
cái gì quí báu nhất, linh thiêng nhất trần gian.
Tóm lại nhà huyền học luôn luôn lo trau chuốt nhân
cách, cố sống sao cho tinh ròng viên mãn, để có thể rung cảm, để có thể hòa
nhịp, để có thể hòa đồng được với Đạo, với Đạo thể, với vũ trụ chi tâm, với
Thiên địa chi tâm. Đạo chỉ mặc khải cho những tâm hồn tinh ròng, thanh khiết,
siêu vi, cho nên chỉ có những bậc chí nhân trong thiên hạ mới khám phá ra được
Trời, được Đạo nơi tâm khảm mình, mới thường xuyên đối thoại với Đạo với Trời,
mới khám phá ra được những điều kỳ bí trong cõi siêu linh, huyền diệu.
Nếu một nghệ sĩ dùng tài nghệ mình, tâm linh mình,
mà khám phá ra được và diễn tả ra được Thần Linh hay Thái Hòa tiềm ẩn trong đáy
lòng vũ trụ, trong đáy lòng vạn vật, khiến cho người khác cũng được thưởng thức
và được cảm thông với nguồn mạch huyền linh ấy một phần nào, thì các nhà huyền
học có bổn phận khám phá ra và diễn tả lại Thần Linh ngự trị nơi đáy lòng mình,
bằng lời lẽ, bằng đời sống để những người bàng quan cũng được cùng mình chia sẻ
sự cảm thông, hòa hợp ấy…
Trang Tử là một nhà huyền học nên lời lẽ của Ông,
tư tưởng của Ông tuy là ẩn ước, bóng bảy, nhưng nếu chúng ta tìm được chốt then
đường hướng của Ông, cũng như của đời Ông, ta sẽ thấy chúng trở nên hết sức rõ
ràng.
Ông viết trong thiên Ngoại vật:
«Có nơm là vì cá,
Được cá hãy quên nơm.
Có dò là vì thỏ,
Được thỏ hãy quên dò.
Có lời là vì ý,
Được ý hãy quên lời.
Ta tìm đâu được người biết quên lời,
Hầu cùng nhau đàm luận…»
Thế tức là ông muốn nhắn nhủ chúng ta đừng nên câu
nệ vào những lời nói của Ông, những bút pháp của Ông, đừng có bận tâm đến những
CHI NGÔN (gặp đâu nói đó).
TRÙNG NGÔN (Gán lời mình nói cho một nhân vật lịch
sử nào).
NGỤ NGÔN (Nói bằng thí dụ, sự tích, bóng gió) (Xem
Thiên hạ, F), nhưng phải chú trọng đến những tư tưởng của Ông, đến chủ trương
chính yếu của Ông.
Đại khái Trang Tử chủ trương:
Vũ trụ này có hai phần:
1. Một là Đạo. Mà Đạo thời vô sở bất tại, vô biên
tế, duy nhất bất khả phân, vĩnh cửu trường tồn (6 f, g).
2. Hai là Hình tướng biến thiên, luẩn quẩn trong
vòng tương đối, sinh tử (6 e, f).
Hai đàng tuy vô cùng khác biệt, nhưng lại liên lạc
hết sức chặt chẽ, hết sức mật thiết nhau, đến nỗi có thể nói được là: Đâu có
hiện tượng, thời đấy có Đạo, và như vậy cái hữu hạn vừa nằm trong cái vô cùng
vừa hàm chứa được cái vô cùng …
Từ trong lòng Đạo mà nhìn ra, thì muôn loài muôn
vật là một, hoàn toàn giống nhau, vô cùng vô tận như nhau.
Từ trong cảnh giới hiện tượng mà nhìn ra, thì muôn
loài muôn vật hết sức khác nhau, biến thiên, phù du, ảo hóa.
Trong con người cũng có hai phần:
1. Một là Đạo thể vô biên tế bên trong.
2. Hai là Con người phàm tục bên ngoài, với những
thất tình lục dục, niệm lự biến thiên, tri thức, phán đoán thường nhật, thông
thường, tử sinh vô định.
Thiên XVII Thu Thủy có một câu bất hủ, tóm tắt
được quan niệm này, đó là: THIÊN TẠI NỘI NHÂN TẠI NGOẠI (Thu Thủy, A)
Trong xã hội loài người ông cũng cho thấy có hai
phần:
– Một là Thiên nhiên: Thiên nhiên là cái gì thuộc
thiên chân Thiên tính, và như vậy chắc chắn là hoàn mỹ.
– Hai là Nhân tạo. Mà nhân tạo là tất cả những gì
do khối óc con người bày vẽ ra, cho nên dĩ nhiên là kém cỏi, dĩ nhiên là vụng
về, không thể nào đem lại hạnh phúc thật cho con người được (Xem Chương XI, f. –
6 a).
Và dĩ nhiên Ông chủ trương con người đạo hạnh phải
siêu xuất:
– Khỏi vòng hiện tượng có giới hạn, để vươn lên
tới Đạo thể vô biên, vô hạn (Xem 17a, 6g, 12i, k, 16b).
– Khỏi vòng niệm lự, tri thức, nhận định gian trần
để đạt tới siêu thức (Xem Chương 2, c).
– Thoát vòng kiềm tỏa của nhân vi, nhân tạo, để
trở về với Thiên nhiên, vì nhân vi nhân tạo không thể nào đem lại hạnh phúc thực
sự cho con người (Xem 8 a, b, c, d. – 9 a, b, c. – 10 d, 11 a, 12 o, 13 b, c, 14
f, 17 a, 25 g).
Chính vì thế mà Ông đả kích tất cả những gì mà con
người đã vẽ vời ra, bất kỳ về phương diện gì:
– Kiến thức (25 h)
– Luân lý (8 a, 17 a, 25 h)
– Chính trị (9 c, 19 a, 29 b)
– Nghệ thuật (9 a)
– Kỹ thuật, cơ khí văn minh (12 k)
Ông hoàn toàn thoát sáo, thoát hết mọi khuôn khổ
bên ngoài, và cho rằng có vậy tâm thần mới được phiêu diêu sảng khoái.
Tuy nhiên Ông không hề đả phá một cách tiêu cực,
nhưng thực ra Ông tích cực dạy con người phải đi tìm cái cao siêu, vĩnh cửu, cái
lý tưởng, tinh hoa, dạy con người phải sống phối kết với Trời, với Đạo, cùng đất
trời trường sinh, bất tử. Có như vậy mới đáng gọi là đại nhân, có như vậy mới là
biết được cái đại dụng cái vô dụng của cuộc đời (Chương I).
Ông cũng chủ trương cái tuyệt đối nằm sẵn ngay
trong lòng cái tương đối, cũng như thường xuyên bao trùm, khỏa lấp cái tương
đối, cho nên khi đã vươn được lên cõi Đại Nhất, Đại Đồng, con người sẽ hóa giải
được mọi chuyện phân biệt lăng nhăng do khối óc con người tự tạo ra.
Cho nên chủ trương của Ông là coi thường mọi
chuyện đời tương đối, coi in một như nhau mọi cuộc biến thiên: sống chết, vắn
dài, xa gần, cao thấp, quí tiện, hay dở, phải trái, yểu thọ v.v… (xem Chương 2).
Trong quyển Creativity and Taoism, Chuang
Chung Yuan cho rằng đạo Lão có hai phương pháp, hai con đường để đạt tới Tuệ
giác, đó là:
– Minh (hoặc là Trí): Nhìn thấu Bản thể.
– Định (hoặc là Điềm): Giữ tâm thần định tĩnh.
Tư Mã Thừa Trinh (Ssu– Ma Cheng Chen) một đạo sĩ
thế kỷ thứ 10, đã cho rằng chữ TRÍ (nơi thiên THIỆN TÍNH, a) tương đương với chữ
HUỆ (prajna), chữ ĐIỀM (Thiên Tính, a) tương đương với chữ ĐỊNH (Dhyana).
Nơi chương 22, Trang Tử viết:
“Khiết Khuyết hỏi Bị Y về Đạo. Bị Y bảo: ‘Hãy giữ
thần hình cho ngay ngắn. Hãy tập trung tinh thần mà nhìn vào Duy Nhất. Trời sẽ
hòa điều với bạn. Hãy thu nhiếp trí lự, hãy hợp nhất với Tuyệt đối. Thần sẽ
giáng xuống lòng Bạn. Đức sẽ trở nên vẻ đẹp của Bạn. Đạo sẽ là nhà của Bạn. Bạn
hãy hồn nhiên, ngây thơ như con nghé mới sinh, đừng tìm duyên cớ mà chi.’Nói
chưa dứt, Khiết Khuyết đã ngủ say (nhập định). Bị Y rất đẹp lòng, vừa đi vừa
hát:
«Xác như xương khô,
Lòng như tro nguội.
Đã có chân tri,
Xá gì duyên cớ...
Mịt mịt mờ mờ,
Vô tâm khinh khoát,
Người ấy là ai.» (Thiên 22e)
Chuyện này có mục đích cho ta thấy con người có
siêu xuất lên trên tâm tình, trí lự, có định tĩnh, vô vi, mới có thể tiến vào
cõi tâm linh siêu việt.
Thiền Tông sau này cũng đã đúng theo hai phương
pháp này để đi đến giác ngộ.
Trang Tử cũng còn dạy chúng ta đừng để cho ngoại
cảnh, đừng để cho thất tình lục dục làm điên đảo, làm hư hoại tâm thần (5c,
23f).
Mỗi xuyến xao tâm thần là một tai hại, vì nó vừa
làm giảm thọ con người, vừa làm cho chúng ta mất bình tĩnh trong sáng (23g, f)
Những câu khuyên bảo, chỉ dẫn của Trang Tử về
đường tu đạo nhiều khi rất là vắn vỏi, nhưng rất là thâm trầm ý vị. Nơi chương
23, Trang Tử viết:
«Dục tĩnh tắc bình khí. Dục thần tắc thuận tâm.
Hữu vi dã dục đáng, tắc duyên ư bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ chi loại, thánh nhân chi
đạo.» 欲
靜
則
平
氣.
欲
神
則
順
心.
有
為
也
欲
當,
則
緣
於
不
得
已.
不
得
已
之
類,
聖
人
之
道
(Muốn được tĩnh lãng, hãy giữ cho khí bình. Muốn có thần, hãy giữ cho tâm
thuận. Muốn làm cho phải, thì chỉ khi cần thiết, bất đắc dĩ mới làm. Chỉ bất đắc
dĩ, mới chịu lam làm, chịu bỏ trạng thái tĩnh lãng tâm thần, đó là đường lối
thánh nhân vậy).
Chương 12, Trang Tử viết: «Thần toàn giả thánh
nhân chi đạo dã.» 神 全 者 聖 人 之
道 也 (Giữ thần cho
toàn vẹn là đạo thánh nhân).
Ông lại để Khổng Tử bình luận về những người theo
huyền học như sau:
«Họ là những người theo thuật của Ông Hỗn Độn. Họ
chỉ biết Tuyệt đối, mà không biết Tương đối. Họ chuyên trị tâm, mà không cần trị
ngoại cảnh. Họ rõ được quang minh, về được với Thuần phác Duy Nhất. Họ vô vi
tĩnh lãng để trở về trạng thái thuần phác nguyên thủy. Họ hòa đồng với Tính, ôm
ấp lấy Thần…»
Trang Tử cũng còn khuyên chúng ta an thời thuận xử
(23 g, f), đừng bon chen vào chốn công danh lợi lộc, đừng có chống lại với thiên
nhiên, với tha nhân (6b, 33b), có vậy mới được sung sướng hạnh phúc.
Lại cũng đừng nên để cho những khuôn phép gian
trần ràng buộc tâm tư mình (ch.2, ch.3), hãy có một đời sống cao đại, một tâm
hồn thoát tục (11e). Hãy rũ bỏ hình tướng hữu hạn mà băng lên sống trong vô tận,
vô cùng (5e, 11e, 15a, 16b, 19e, 22e, 23b, c, 24h).
Ngoài ra cũng đừng muốn nhốt, đừng cố nhốt mọi
người vào cùng một khuôn khổ, nhưng hãy để cho muôn loài phát triển theo căn cơ,
theo thiên tính của chúng (2 a).
Thiên Biền Mẫu có nói: “Cẳng le thì ngắn, cố mà
nối dài thì nó khổ. Chân hạc thì dài, chặt bớt thì nó đau. Cho nên tính mà dài
không phải là cái nên chặt bớt, tính mà ngắn không phải là cái nên nối thêm: thế
thì không có gì là lo.” (Cố phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu, hạc hĩnh tuy
trường, đoạn chi tắc bi. Cố tính trường phi sở đoản, tính đoản phi sở tục, vô sở
khứ ưu dã) 有
虞
氏
舜
是
故
鳧
脛
雖
短,
續
之
則
憂;
鶴
脛
雖
長,
斷
之
則
悲.
故
性
長
非
所
斷,
性
短
非
所
續,
無
所
去
憂
也
(Biền Mẫu, VIII a).
Thực đúng như trong Thiên hạ thiên đã nói: «Trang
Tử trên thì vui cùng tạo Hóa, dưới thì bè bạn với những người đã thoát vòng sinh
tử, thủy chung …» (Thượng dữ Tạo Vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh, vô chung
thủy giả vi hữu …)
上
與
造
物
者
游,
而
下
與
外
死
生,
無
終
始
者
為
友.
(Thiên hạ, 33 f).
Những lời nói của Trang Tử hết sức sắc bén, như
cợt, như đùa, nửa hư, nửa thực, nhưng chung qui Ông chỉ muốn cho người nghe Ông
có cái nhìn rộng hơn, lối sống hay hơn, lý tưởng hơn, nhất là bỏ được hữu hạn,
mà vươn lên tới vô cùng … (6 g, j).
Lúc thì ông vui miệng nói ngay (chi ngôn
卮
言),
lúc thì ông làm sống động lại các nhân vật lịch sử cho họ nói những lời mà ông
muốn (trùng ngôn 重
言),
lúc thì ông kể truyện ngụ ngôn (ngụ ngôn
寓
言)
(ba chữ chi ngôn, trùng ngôn, ngụ ngôn này ta sẽ thấy trong thiên Thiên
hạ, 33f), lúc thì ông tranh luận, lúc thì ông lý luận, so sánh, lúc thì đàm
thoại, lúc thì vấn đáp, tất cả đều có mục đích phá cái vỏ “ngã chấp” của ta, để
cho chúng ta mở mắt ra nhìn thấy khung trời nội tâm, khung trời bản thể vô biên,
vô tận.
Bất kỳ một hoàn cảnh nào, bất kỳ một câu chuyện
gì, đối với Trang, cũng như là một chiếc bàn đạp, để tung mình lên cho đến cõi
siêu vi.
Nhờ đó Trang không xa lìa phàm nhân, không xa lìa
đời sống hằng ngày, mà vẫn giữ được cái nhiệm vụ là giúp con người siêu lên khỏi
những cái nhỏ hẹp của cuộc sống hằng ngày, để bay vào tới cõi u linh, huyền
diệu.
Đọc Trang, ta sẽ nhận định được rằng nếu ta còn
câu nệ, không thoát sáo, không thoát được ràng buộc của tha nhân, của xã hội,
thì không bao giờ chúng ta có thể có được một đời sống nội tâm phong phú đích
thực…
Trang chỉ duy muốn cho chúng ta được sống tiêu
diêu, khinh khoát trong cõi Tuyệt đối vô cùng, mà ông gọi là:
Vô vi chi nghiệp (6g) (cái nghề nghiệp Vô vi)
Vô hà hữu chi hương (1f) (cái làng ở nơi đâu)
Khoáng mạc chi dã (1f) (Cánh đồng không bao la
rộng rãi)
Trang cũng chỉ muốn chúng ta trở thành những:
– Thần nhân
– Thánh nhân
– Chí nhân
– Chân nhân (1c, 2c, f)
– Những người đạt tới Chí đạo (11c)
Mà chân nhân thì trên phải hòa mình được với Đại
thể, dưới thì vui sống được với mọi người, mọi loài, mọi vật, với cảnh trí thiên
nhiên, với mọi hoàn cảnh mình gặp. (2h, 3 abc, 5d v.v…)
Tâm hồn thì như làn nước lắng chiếu soi được trời
đất nhân quần một cách hết sức vô tư và chân thật. (4, 13a)
Đọc Trang, trước hết phải hiểu tinh thần của
Trang, chủ trương của Trang.
Sách của Trang là cả một kho tàng châu báu, nhưng
thay vì để kho tàng ấy chất đống vào một nơi, ông đem nó vung vãi ra trong một
vùng lớn lao gồm mười vạn chữ, dấu chúng vào trong những ngụ ngôn, những huyền
thoại, những câu chuyện bông lơn. Ta hãy quên lời, quên chuyện của Trang kể, mà
chỉ lưu tâm lượm lặt lấy những tư tưởng của Trang, đó chính là những châu ngọc
thực sự mà Trang dành cho chúng ta vậy.
|