CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 3

Tiểu sử đức Khổng

 

Giữa lúc thiên hạ đang quay cuồng trong khói lửa, con người thả lỏng lòng tham, đem kinh hoàng gieo rắc khắp nơi, thì đức Khổng ra đời, đem lại cho nhân quần một ý nghĩa mới mẻ về cuộc đời: Sống để thực hiện lý tưởng, để tiến tới hoàn thiện và một viễn tượng hòa bình xây dựng trên nền móng cải thiện nhân tâm, trật tự, hòa hợp.

Ngài sinh năm Canh Tuất, 551 trước kỷ nguyên, năm 21 đời Linh Vương nhà Chu, năm 22 đời Tương Công nước Lỗ, vào khoảng cuối đời Hồng Bàng, đồng thời với các tiên tri Ezechiel, Daniel bên Do Thái, triết gia Zoroastre bên Ba Tư, Pythagore và Solon bên Hi Lạp, đức Phật bên Ấn Độ, Lão Tử bên Trung Hoa.

Ngài sinh tại làng Xương Bình, ấp Trâu, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ. Cha là Thúc Lương Ngột, mẹ là Nhan Trưng Tại (Nhan thị). Ngài họ Khổng, tên Khâu, tự Trọng Ni; người đời sau xưng Khổng Tử hay Khổng Phu Tử.

Ngài xuất thân từ một gia đình bần bách, lại mồ côi cha từ tấm bé, nên biết nhiều nghề, đảm đang, tháo vát (LN IX, 2, 6).

Ngài có tầm vóc cao lớn (xem Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia) nên tuy sống một cuộc đời rất hoạt động, nhiều khi lại còn phong trần vất vả, mà vẫn khang kiện như thường. Có lẽ cả đời Ngài chỉ đau nặng một lần. (LN VII, 34; IX, 11; X, 13). Về phương diện tâm thần, Ngài:

- Thông minh hiếu học (LN VII, 19, 33).

- Say sưa nghệ thuật và lý tưởng (LN VII, 13, 16, 18, 19).

- Khiêm cung (LN VII, 1, 3, 5, 28, 32, 33; IX, 7; XIV, 30; MT Công Tôn Suu3 thượng, 2).

- Lễ độ (LN III, 12; IX, 15, 16; X, 1- 7, 11- 14).

- Nghiêm trang, hòa nhã (LN VII, 37).

- Luôn luôn cẩn trọng (LN X, 11; X, 6, 7) (MT Vạn Chương thượng, 8).

- Luôn luôn ở ăn theo đúng luật Trời (LN X, 8, 9) (MT Cáo Tử thượng 6; Ly Lâu thượng 18).

- Tùy thời xử thế (MT Vạn Chương hạ, 1, 4).

- Có niềm tin tưởng vững mạnh vào sứ mạng mà Thượng Đế giao phó cho Ngài (LN VII, 22; IX, 15).

- Thẳng tiến trên con đường hoàn thiện. (LN IX, 18; XIV, 37) để sau cùng:

- Thung dung Trung Đạo (LN II, 4; IX, 4; XIII, 21) (MT Tận Tâm hạ 7, 38) (Trung Dung XXX, XXXI).

Cuộc đời Ngài đã được mô tả đầy đủ trong Sử Ký Tư Mã Thiên. Đây xin tóm thành bốn thời kỳ:

1- Thời kỳ thơ ấu và tráng niên: Từ 1 đến 30 tuổi: Thời kỳ côi cút, nghèo nàn, hay làm, ham học.

2- Thời kỳ trưởng thành: Từ 30 đến 50 tuổi: Thời kỳ lập chí học đạo, sang Chu, sang Tề khảo sát phong tục, lễ nhạc, nghiên cứu sách vở tiền nhân.

3- Thời kỳ giảng giáo bằng phương pháp chính trị: Từ 50 đến 68.

- hoặc chấp chánh tại Lỗ (50- 55 tuổi)

- hoặc chu du thiên hạ (55- 68)

4- Thời kỳ giảng giáo bằng phương pháp giảng dạy, giáo dục môn đệ và trước tác: Từ 68 đến 73.

Hai thời kỳ sau là thời kỳ quan trọng, ta sẽ lược khảo.

Đức Khổng nói: «Ngũ thập tri thiên mệnh» tức là 50 tuổi mới biết rõ về định mệnh con người, mới tìm ra được chân lý, chân đạo, nên từ đó ta thấy Ngài trở nên hoạt động phi thường. Cũng có lúc làm quan nước Lỗ, từ chức Trung Đô Tể đến chức Nhiếp Tướng Sự, hết lòng đem đạo giáo dạy dân, cảnh thái thịnh hòa bình, trật tự, bầu không khí đạo giáo dần dần bao trùm nước Lỗ. Nhưng sau vua Lỗ mắc kế mỹ nhân của Tề Cảnh Công, đâm mê say nữ sắc. Ngài liền bỏ đi du thuyết các nước, lúc đó đã 56 tuổi.

Ngài mỏi chân đi lại nhiều nước trong khắp vùng bình nguyên Hoàng Hà, Dương Tử; Bắc thì lên đến sông Hoàng Hà giáp địa phận nước Tấn; Nam thì tiến đến nước Thái, nước Sở, mà không vua nào chịu dùng. Trên con đường rao truyền đạo lý, Ngài đã gặp biết bao gian khổ:

- Bị vây ở đất Khuông (LN IX, 5; XI, 22).

- Bị mưu sát ở Tống (LN VII, 22; MT, Vạn Chương thượng 8).

- Thầy trò lạc nhau ở Trịnh.

- Bị cản trở ở đất Bồ.

- Bị bao vây đến tuyệt lương ở giữa nước Trần, nước Thái (LN XI, 2; XV, 1; MT Tận tâm hạ 18).

Nếm biết bao mùi vị đắng cay của thất bại:

- Vua chúa lừng khừng không chịu nghe (LN XV, 1; XVIII, 3).

- Quần thần gièm pha mưu hại (LN VII, 22).

- Các ẩn sĩ chê bai (LN XVI, 42; XVII, 5; XVIII, 5).

Thật là: «Bình sinh phong vũ lăng tằng thậm», đời phong sương luống trải mấy gió mưa…

Nhưng gian lao là trường rèn luyện chí khí: Ta có thể bình luận quãng đời phong trần của đức Khổng bằng những lời văn của Mạnh Tử:

«Trời kia khi sắp trao ai nhiệm vụ lớn, tất trước làm cho khổ chí, nhọc gân cốt, đói thể xác, cùng túng cái thân, động làm gì thì làm cho trái loạn ý mình muốn. Trời khiến thế, là để khích động cái tâm, kiên nhẫn cái tánh, bổ khuyết những chỗ còn sơ suất.» (MT Cáo Tử hạ 15).

Năm Ngài 68 tuổi, Quí Khang Tử nước Lỗ thay mặt vua Ai Công cho mời Ngài về. Ngài về cố quốc sau 13 năm phiêu bạt, thật là:

Ta từ viễn xứ trở về,

Chân trời vẫn dáng mây thề năm xưa.

Dòng sông nước vẫn lờ đờ,

Con đò năm trước bây giờ thay mui.

Gió qua sóng vỗ tay cười,

Sao lay động, nguyệt chìm xuôi theo dòng.

Trăng chưa vàng giấc mộng lòng,

Non xanh chưa hẹn thành công với đời.

Đã lâu trăng lạ nước người,

Ngàn thiêng nước độc, phương trời một ta.

Bụi đường ố áo hào hoa,

Mây lìa xa tóc, màu da hôn hoàng.

(Nhất Sơn - Vũ Quang Hân)

Ngài đã già… Ngài về Lỗ không phải để dự quốc chính nữa, mà là để truyền đạo bằng cách dạy học và đồng thời khảo sát, san định kinh điển. Ngài hoạt động vô cùng:

- Khảo sát nghi lễ của ba đời Hạ, Thương, Chu.

- Khảo sát lý thuyết về nhạc và chia nhạc thành hai loại: Nhã (musique sacrée; hymne sacré), Tụng (musique classique).

- San định Kinh Thi.

- San định Kinh Thư và muốn phục hồi nền vương đạo chân chính.

- Khảo cứu Kinh Dịch.

- Viết Xuân Thu, tức là cuốn sử ký đầu tiên có niên hiệu mạch lạc từ đời Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công 14, gồm 240 năm (từ 721 đến 481 trước Tây lịch).

Năm Nhâm Tuất, 479 trước Tây lịch, một hôm Ngài dậy sớm đi tiêu dao trước cửa, tay chống gậy mà hát: «Thái sơn kỳ đồi hồ, lương mộc kỳ hoại hồ, triết nhân kỳ nuy hồ.» (Ôi non Thái bạt ngàn, lương mộc nát tan, triết nhân suy tàn.)

Hát xong Ngài vào ngồi giữa cửa. Tử Cống đến. Ngài kể chuyện chiêm bao sắp chết. Được mấy hôm thì mất, thọ 73 tuổi. Mộ Ngài hiện nay ở Khổng lâm thuộc huyện Khúc Phụ, Sơn Đông.

Tư Mã Thiên sau khi thuật sự tích đức Khổng có phê bình:

«Tôi đọc sách họ Khổng, tưởng tượng như trông thấy cách làm người của Thầy. Sang Lỗ xem nhà thờ Trọng Ni, nào xe, nào áo, nào đồ thờ; các học trò thời thường tới đó tập lễ. Tôi bồi hồi ở lại không dứt ra về được. Trong đời, vua chúa cho đến người tài giỏi nhiều lắm; sống thì vẻ vang nhưng chết rồi thì hết. Thầy Khổng áo vải truyền hơn mười đời mà học giả vẫn tôn trọng. Từ thiên tử đến vương hầu ở Trung Quốc này, hỏi đến sáu kinh, đều phải lấy Thầy làm chuẩn đích. Thật là bậc chí thánh vậy.» (Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia, bản dịch Nhượng Tống). Câu trên tuy là cảm tưởng, nhưng cũng là tổng luận về thân thế, sự nghiệp đức Khổng. Nếu cần thêm, thiết tưởng chỉ nên dẫn chứng câu của Nhiễm Hữu, môn đệ Ngài:

«Đạo Ngài để truyền bá cho quần chúng trăm họ. Nếu muốn Đạo ấy thực hiện mà dùng Ngài, Ngài sẽ tận tâm hành đạo mà không màng đến lợi phong ấp ngàn xã.» (Dụng chi hữu danh, bá chi bách tính… Cầu chi ư thử Đạo, tuy lụy thiên xã, phu tử bất lợi dã…) (Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Khổng Tử thế gia). Đạo ấy là Đạo gì mà làm cho Ngài mê say đến quên cả danh lợi, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát… Để tiện bề khảo cứu, xin kèm theo đây hai đồ biểu:

a.- Gia phả đức Khổng

b.- Tiểu sử đức Khổng với những niên kỷ, sử tích và các đoạn Tứ Thư có liên hệ.

GIA PHẢ ĐỨC KHỔNG

1- Vi Tử (em Trụ Vương 1191- 1154) được Võ Vương phong làm Tống hầu.

2- ?

3- ?

4- Tống Mẫn Công (935- 909); em Tống Dương Công (908- 893)

5- Tống Dương Công; Phất Phụ hà; Phòng Kỷ giết Dương Công, lên ngôi hiệu lệ Công (893- 859).

6- Tống Phụ Châu.

7- Thế tử Thắng.

8- Chính Khảo Phủ (sử gia, văn gia đời các vua Tống Đái Công (799- 766), Tống Vũ Công (765- 748), Tống Tuyên Công (747- 729).

9- Khổng Phụ Gia…?

Khổng Phụ Gia làm tư mã đời Tống Mục Công (728- 720), Tống Trang Công (719- 710). Khổng Phụ Gia có bà vợ rất xinh đẹp là Ngụy Thị. Quan Thái tể nước Tống là Hoa Đốc, trông thấy đâm mê mẩn, sinh lòng muốn chiếm đoạt, bèn âm mưu giết Khổng Phụ Gia. Bà Ngụy Thị bị Hoa Đốc bắt, giữa đường tuẫn tiết theo chồng.

10- Mộc Kim Phụ (còn bé, được gia thần bế trốn sang Lỗ).

11- Kỳ Phụ Cao Di.

12- Khổng Phòng Thúc (nhiều người cho rằng mãi tới đời Khổng Phòng Thúc mới chạy sang Lỗ. Thuyết này không đúng, vì lúc ấy dòng họ Hoa đã sa sút.[1]

13- Bá Hạ.

14- Thúc Lương Ngột (làm quan tể ấp Tưu (Trâu). Thúc Lương Ngột năm 70 lấy bà Nhan Trưng Thị. Vợ chồng đi cầu đảo ở Ni Sơn, sinh ra Ngài).

 

TIỂU SỬ ĐỨC KHỔNG

A- Thời kỳ thơ ấu và tráng niên, từ 1 đến 30 tuổi.

B- Thời kỳ trưởng thành, lập chí học Đạo, sang Châu, sang Tề khảo sát lễ nhạc, nghiên cứu cổ sử, cổ tích (30- 50).

C- Thời kỳ chấp chính ở Lỗ (50- 55).

D- Thời kỳ chu du phiêu bạt (55- 68).

E- Thời kỳ trước tác, giảng học ở Lỗ (68- 73).

 

A- Thời kỳ thơ ấu và tráng niên (1- 30 tuổi).

 

NĂM

THIÊN HẠ SỰ

TUỔI

TÍCH SỰ

551 (Canh Tuất)

Linh Vương năm 21.

Lỗ Tương Công năm 22

Khổng Tử sinh

Ngài sinh tại làng Xương Bình, ấp Trâu, huyện Khúc Phụ. Cha là Thúc Lương Ngột. Mẹ là Nhan Thị.

549

 

3 t

Cha chết, chôn ở Phòng Sơn

546

 

6 t

Còn bé, Ngài thích chơi trò «trở đậu» (tế lễ)

537

Lỗ Chiêu Công năm 5

15 t

Lập chí học hành (LN II, 4)

533

 

19 t

Lấy bà Khiên Thị nước Tống.

532

 

20 t

Sinh Bá Ngư tên Lý.[2]

532

 

20 t

Làm Ủy Lại (giữ kho) cho họ Quí Thị.

Làm Thặng điền (coi cừu và bò) (xem MT Vạn Chương hạ 5).

530

 

22 t

Bắt đầu dạy học.[3]

527

 

25 t

Mẹ chết, chôn ở gần đường Ngũ Phụ; sau đem cải táng về cạnh mộ cha ở Phòng Sơn, phía Đông nước Lỗ (Lễ Ký II, Đàn Cung).[4]

523

 

29 t

Học đàn với Sư Tương, nước Lỗ (xem Xuân Thu, Chiêu Công 19).

 

B- Thời kỳ trưởng thành, lập chí học Đạo, sang Châu, sang Tề khảo sát lễ nhạc, nghiên cứu cổ sử, cổ tích (30- 50 tuổi) - (522- 502).

 

NĂM

THIÊN HẠ SỰ

TUỔI

TÍCH SỰ

522

Lỗ Chiêu Công

30 t

Lập chí học đạo (LN II, 4)

518

Bình Vương I

Chiêu Công 24

34 t

Nhờ nam Cung Kính Thúc đề bạt, Lỗ Chiêu Công cấp phương tiện cho đức Khổng sang Lạc Dương (Châu) khảo về lễ nghi, thư tịch. Ở Châu Ngài gặp Lão Tử, nhạc sĩ Trành Hoằng. Sau đó về Lỗ dạy học.

517

Quí Bình Tử đánh đuổi Chiêu Công; Chiêu Công trốn sang Tề ở Kiền hầu cho đến chết.

35 t

Sang Tề, học nhạc Thiều (LN VII, 13), bàn bạc chính trị với Tề Cảnh Công (LN XII, 11). Cảnh Công định tiếp Ngài theo hàng đại phu (LN XVIII, 3); lại định cắt đất Ni Khê phong cho Ngài. Án Anh can, nên Tề Cảnh Công lại thôi (LN XVIII, 3).

516

 

36 t

Đức Khổng trở về Lỗ (LN XVIII, 3). Ở Lỗ gần 15 năm, đến 50 mới tham chính.

510

 

42 t

- Dạy học (xem Khổng Tử thánh tích, trang 78).

- Dạy Bá Ngư (LN XVI, 13; LN XVII, 10).

- Trước tác (xem Khổng Tử thánh tích, trang 78).

505

Định Công 5

47 t

Hội kiến với Quí Hoàn Tử. Giải thích về con phần dương. Đức Khổng không ra tham chính, vì lúc ấy Dương Hổ thao túng quyền chính, có lần bắt giam cả Quí Hoàn Tử. Dương Hổ muốn dụ đức Khổng ra làm quan theo phe mình. Đức Khổng không chịu (LN XVII, 1; MT V, 13). Dương Hổ làm loạn, định giết Hoàn Tử; không thành, trốn sang Tề.

502

Định Công 8

50 t

Công Sơn Phất Nhiễu chiếm đất Phí, làm loạn, muốn mời đức Khổng, Ngài không đi (LN XII, 5).

 

C- Thời kỳ chấp chính ở Lỗ (50- 55 tuổi) - (502- 497).

 

NĂM

THIÊN HẠ SỰ

TUỔI

TÍCH SỰ

502

Định Công 8

50 t

Định Công mời đức Khổng làm Trung Đô Tể (quan coi ấp Trung Đô).

501

Định Công 9

51 t

Thăng chức Tư Không. Đồng thời Tử Lộ, Tử Du cũng ra làm quan với họ Quí.

500

Định Công 10

52 t

Phò Định Công đi phó hội Giáp Cốc với Tề Cảnh Công, đuổi bọn vũ công người mọi lai Giả, chém phường tuồng của lê Di, khiến cho Định Công thoát hiểm. Tế Cảnh Công tạ lỗi bằng cách trả lại Lỗ ba xứ Hoan, vân, và Qui Âm.

Luận về chim Thương Dương và cho rằng Thương Dương múa là điềm mưa lớn. (xem Xuân Thu, Định Công 10; hội Giáp Cốc).

498

Định Công 12

54 t

Tập trung quyền chính vào tay Định Công, bằng cách đề nghị phá ba ấp Phí, Hậu, Thành của ba họ Quí, Mạnh, Thúc. Nhưng chỉ phá được Phí và Hậu, còn ấp Thành thì Công Liễm Dương không cho phá (xem Xuân Thu, Định Công 12). Quí Sơn Bất Nữu (Phất Nhiễu) quan tể ấp Phí làm loạn. Thất bại, trốn sang Ngô (Xuân Thu, Định Công 12). Đức Khổng được phong chức Nhiếp Tướng Sự. Giết Thiếu Chính Mão ở cửa Lưỡng Quan. Nước Lỗ dần dà trở nên có trật tự, thịnh vượng.

497

Định Công 13, Tề Hầu dâng nữ sắc.

 

Đức Khổng thấy Định Công và Quí Hoàn mê nữ sắc, ba ngày không ra thiết triều, liền viện cớ thất thố, không chia thịt tế cho các quan ngày lễ Giao, từ quan bỏ Lỗ, sang Vệ (LN XIII, 9; XII, 6; XIV, 17).

 

D- Thời kỳ chu du liệt quốc, phiêu bạt, giang hồ (55- 68 tuổi) - (497- 484).

 

NĂM

THIÊN HẠ SỰ

TUỔI

TÍCH SỰ

497

Định Công 13

55 t

Sang Vệ. Đi qua đất Nghi (LN III, 24). Sang Vệ (LN XIII, 9) ở nhà Nhan Thù. Vệ Linh Công mới đầu cũng trợ cấp 60.000 thùng gạo như bên Lỗ. Sau lại sai Công Tôn Cổ tới nhà, ra ý dọa nạt. Đức Khổng bèn bỏ đi, sau 10 tháng ở Vệ. Muốn sang Trần, nhưng đi qua Khuông, bị người đất Khuông nhận lầm là Dương Hổ, nên bao vây. (LN IX, 5; XI, 22).

496

Định Công 14

56 t

Sang Bồ ở một tháng. Gặp lúc Công Thúc Thị (Công Thúc Tuất) nổi loạn chống với bè của Nam Tử nên bao vây đức Khổng, không cho trở về Vệ. Đệ tử là Công Lương Nhụ liều chết chống lại mới giải được vây.

Về Vệ, ở nhà Cao Cừ Ngọc. Nam Tử vời vào yết kiến (LN VI, 26). Tháp tùng vệ Linh Công và Nam Tử đi dạo phố. (LN IX, 17; XIII, 10). Đức Khổng tủi lòng bỏ sang Tào.

495

Định Công 15

(Định Công chết)

57 t

Bỏ Vệ sang Tào.

Bỏ Tào sang Tống.

494

Ai Công 1

(Phù Sai đánh Việt ở Cối Kê, phá thành Cối kê, tìm được xương người khổng lồ; cho sứ hỏi đức Khổng. Ngô đánh Trần, Tấn, Sở. Ngô quấy Trần.)

58 t

Ở Tống gặp nạn Hoàn Khôi. Hoàn Khôi đốn cây cho đổ, để đè chết đức Khổng và môn đệ. Sau lại đón đường giết. Thày trò phải cải trang, trốn sang Trịnh (LN VII, 22; MT Vạn Chương thượng 8). Thày trò lạc nhau ở Trịnh. Sang Trần ở nhà Tư Thành Trinh Tử.

- Đức Khổng luận về người khổng lồ Phòng Phong.

- Luận về mũi tên gỗ Hộ có đầu bịt đá của rợ Túc Thân.

493

Ai Công 2

59 t

Đức Khổng muốn trở về Lỗ (LN V, 21)

Nhưng lại sang VệVề Vệ: Phật bật làm loạn ở Trung Mâu (Tấn), mời đức Khổng. Ngài muốn đi, sau lại thôi.

Nhàn cư ở Vệ, học đánh khánh với Sư Tương (LN XIV, 42). Đ sang Tấn định gặp Triệu Ưởng. Đến sông Hoàng Hà nghe tin Triệu Ưởng giết hại hiền thần là Đậu Minh Độc và Thuần Hoa, nên lại trở về.

Về Vệ, ở nhà Cao Cừ Ngọc.

Vệ Linh Công vấn trận. Đức Khổng thoái thác. Vệ Linh Công coi thường đức Khổng, ngó lên trời xem chim nhạn bay thay vì bàn bạc. Đức Khổng bỏ sang Trần. Năm ấy Vệ Linh Công chết. (LN XV, 1)

492

Ai Công 3

Vệ Xuất Công với cha là Khoái Hội tranh ngôi. Quí Khang Tử lên thay Quí Hoàn Tử.

60 t

Quí Khang Tử thay vì nghe lời di chúc của cha là Quí Hoàn Tử là mời Khổng Tử, lại mời Nhiễm Hữu.

491

Ai Công 4

Thái Chiêu Công bị bắn chết. Thái đầu Ngô. Một số dân Thái bị di cư sang đất Sở.

61 t

Từ Trần sang Thái.

490

Ai Công 5

Tề Cảnh Công chết

62 t

Từ Thái qua Diệp. Diệp Công (Trần Chư Lương) hỏi Ngài về chính trị. (LN VII, 18; XIII, 16, 18). Từ Diệp về Thái, giữa đường gs85p Tràng Thư, Kiệt Nịch (LN XVIII, 5). Ở Thái.

489

Ai Công 6

Mùa hạ 489 Sở Vương mất ở Thành Phụ.

63 t

(Ngô đánh Trần. Sở cứu Trần, đem quân đến Thành Phụ). Vua Sở bắt được một thứ quả lạ, đem hỏi đức Khổng. Đáp: đó là quả bèo. Vua Sở mời Ngài. Ngài toan đi hội kiến. Đại phu hai nước Trần, Thái sợ, đem quân vây Ngài ở cánh đồng giữa Trần và Thái. Tuyệt lương. (xem LNXI, 2; XV, 1; MT Tận Tâm hạ 18). Sở Vương cứu. Muốn đem đất Thư Xã 100 dặm dâng cho Ngài. Tử Tây can. Gặp Sở Cuồng là Tiếp Dư (LN XVIII, 5).

Ở Sở về vệ, không tham chính vì Vệ loạn. Hai cha con Khoái Hội và Xuất Công tranh ngôi với nhau (LN VII, 14).

Khổng Tử bàn về thuyết chính danh (LN XIII, 3).

485

Ai Công 10

67 t

Vợ Ngài là bà Khiên Quan Thị mất.

484

Ai Công 11

Tề Lỗ đánh nhau ở lang. Nhiễm Hữu thắng.

68 t

Quí Khang Tử sai Công Hoa, Công Tân, Lâm đi mời đức Khổng trở về Lỗ.

 

E- Thời kỳ trước tác, giảng học ở Lỗ (68- 73 tuổi) - (484- 479).

 

NĂM

THIÊN HẠ SỰ

TUỔI

TÍCH SỰ

484

Ai Công 11

68 t

Về Lỗ. Bàn về chính trị với Ai Công (LN II, 19; TD XIX) và với Quí Khang Tử (LN XII, 17, 18, 19; XII, 24).

Soạn Thi, Thư, Lễ, Nhạc (LN VII, 17; IX, 14).

Bàn về nhạc với thái sư nước Lỗ (LN III, 23).

Khảo Kinh Dịch (LN VII, 16).

Viết Xuân Thu (MT Đằng Văn Công hạ 9).

Dạy học trò, văn, hạnh, trung, tín (LN VII, 24).

Cư xử với mọi người lịch sự, chu đáo (LN X).

Tiến mãi trên đường nhân nẻo đức (LN IX, 4).

Bá Ngư chết

482

Ai Công 14. Tề Giản Công bị Trần Hằng giết. (Nhật thực, sao chổi).

71 t

Họ Thúc bắt được kỳ lân ở huyện Gia Tường (LN IX, 8; Xuân Thu, Ai Công XIV). Nhan Hồi chết (LN XI, 7, 8, 9, 10).

Khổng Tử bàn phạt Tề (LN XIV, 22).

Mạnh Ý Tử chết.

Những câu Luận Ngữ có thể nói trong thời kỳ này: LN XIV, 37; XV, 18, 19; XVIII, 8).

Xuân Thu đến đây ngừng.

481

Ai Công 15

72 t

Tử Lộ chết ở Vệ, bị phe Khoái Hội xả thịt, làm thịt ngâm giấm. Khổng Tử khóc thương như con. (Lễ Ký, Đàn Cung II, 7)

479

Ai Công 17 (Nhâm Tuất)

73 t

Đức Khổng mất ngày 18/2, táng ở Khổng Lâm

 

CHÚ THÍCH

[1] Các tài liệu về gia phả Khổng Tử đã rút từ:

1– James Legge, Chinese Classics, I, pp. 56 trở đi.

2– Tưởng Bá Tiềm, Chư Tử Thông Khảo, tr. 35.

3– Đông Châu Liệt Quốc, Võ Minh Trí dịch, tr. 90 trở đi (hồi 8).

[2] Khổng Tử có người con gái, sau gả cho Công Dã Tràng. (LN V, 1).

[3] Ở Lỗ lúc ấy đã có những sách như: Dịch Tượng, Lỗ Xuân Thu, Thi, Nhạc, v.v… (xem Xuân Thu, Chiêu Công, 2).

[4] Có thuyết cho rằng bà Nhan Thị chết khi Khổng Tử mới 16 tuổi.


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo