TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN I: TRUNG DUNG KHẢO LUẬN

» Mục lục » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16


Chương 1

TÀN TÍCH VÀ XÂY DỰNG 

 

A. NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẠC VỀ TRUNG DUNG

Từ xưa đến nay, hai chữ Trung Dung đã thành sáo ngữ thông thường ở cửa miệng dân gian, Ai cũng cho rằng mình quán triệt đạo Trung Dung, tuy chẳng hiểu Trung Dung nói gì. Ai cũng cho rằng Trung Dung là không thái quá, không bất cập, một chủ nghĩa trung lập, nước đôi, lấp lửng giữa dòng, chẳng ra môn, mà cũng chẳng ra khoai, để rồi nhún vai ngâm lên hai câu thơ Xuân Diệu.

«Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.»

Nhưng nếu Trung Dung dễ dàng, thô thiển như vậy, thì tại sao danh nho ngàn đời dám cho nó là «tâm pháp» của Đạo Khổng, thì làm sao Chu Hi dám khen đó là một đạo tuyệt diệu Trời ban và không bao giờ thay đổi được.

Nhưng trước khi phục hồi Trung Dung, khảo sát Trung Dung, ta hãy nhỏ vài giọt lệ tâm tình khóc cho Trung Dung, vì Trung Dung cũng như học thuyết Khổng Tử đã bị nhiều học giả, vô tình hay hữu ý, buông lời phỉ báng tận tình.

Học giả Léon Wieger viết trong quyển Lịch sử đạo giáo và triết học Trung Hoa như sau: «Đức Khổng đòi hỏi nơi vương giả, nơi hiền nhân, quân tử cái gì? Bác ái hay hy sinh. Ồ! Đâu phải thế… Ngài đòi hỏi một khối óc trung lập, một con tim lạnh lùng na ná như chủ trương của Hồng phạm, Cửu trù: Chẳng thương chẳng ghét, không thiên kiến, không tin tưởng chắn chắn, không chí bền bỉ, không bản ngã… Thoạt tiên, đừng vội khen hay chê, theo hay bỏ… Rồi sau khi đã suy xét, đừng có nghiên theo cực đoan nào vì thái quá hay bất cập đều hại. Phải theo đường Trung Dung, có thái độ chiết trung. Đừng hăng hái nhiệt thành, chớ thất vọng lạnh lùng, bao giờ cũng điềm đạm theo thời. Phải bắt chước Trời lạnh lùng, không tây vị, và lúc hành sự phải biết chần chờ khoan dãn, len lỏi nước đôi.» [1]

Bình luận học thuyết Khổng Tử, ông René Grousset viết: «Tất cả những vấn đề cao cả, quan thiết đến định mệnh nhân loại đều bị hạ xuống thành chủ trương công ích hay tùy thời xử thế. Thiếu nền tảng siêu hình, luân lý Khổng Tử chỉ dựa vào những sự kiện xã hội.» [2]

Ông P.H. Bernard còn phán quyết hách dịch và dõng dạc gấp bội: «Cái mà xưa ta gọi là triết học Khổng Tử chỉ là sự phủ quyết của triết lý. Đó là bất cứ cái gì: Xã hội học, kinh tế học, một cuốn sách dạy lịch sự thơ ngây và thành thực, chứ nhất định không phải là triết lý thực sự.» [3]

Đọc những lời phê bình đó chúng ta cảm thấy chua xót vì thấy lỗi lầm chung của chúng ta là không hiểu, đã vội phê phán người xưa, thấy trân châu tưởng lầm là mắt cá.

Ông Robert Magnenoz suy nghĩ về duyên do thắng lợi của chủ nghĩa Cộng Sản ở lục địa Trung Hoa đã viết đại khái như sau:

«Âu Châu và Mỹ Châu đã ra công phá vỡ những con đê ngàn đời từng ngăn ngọn thủy triều Đông Á, đã cố phá những cơ cấu, những truyền thống và những nguồn gốc triết học Đông Phương. Những thân cây dân tộc Á Đông vì thế mà héo hon. Nhân đó, chủ nghĩa Cộng Sản mới có thể tháp vào mà mọc lên như qua cát, sắn bìm, làm nghẹt hết chồi văn minh Đông Á.» [4]

B. LÝ DO PHÁT SINH

Lời Ông Magnenoz thật hữu lý.

Sở dĩ có sự mạt sát đả kích như vậy là vì phê phán sai lầm. Những lời phê phán sai lầm ấy không nên làm ta bỡ ngỡ vì ngay ở Á Đông ta, xưa nay nhiều người cũng có luận điệu ấy.

Lý do tổng quát là vì:

1.  Họ sẵn là thành kiến.

2.  Có thành kiến rồi họ vặn vẹo lời thánh hiền cho ăn khớp với những thành kiến mình. Văn còn nguyên, ý đổi hết vì bị tách khỏi chương cú.

3.  Họ dịch sai hay căn cứ vào những bản dịch sai mà lập luận.

4.  Khi đã trót phê phán, phiên dịch sai lầm, họ không có gan cải chính.

5.  Không hiểu hết ý tứ thâm viễn cổ nhân.

6.  Thành thử, có những học thuyết Khổng Tử giả, những đạo Trung Dung giả lưu hành.

Các học giả dựa vào những tài liệu sẵn có mà lập luận phê phán. Nên khi phê bình, có thể họ đã phê bình những ý tưởng của ai ai; khi mạt sát, họ mạt sát những chủ trương chi chi, chứ thực không phải ý tưởng chủ trương của Đức Khổng. Nhiều khi họ mạt sát chính ý kiến sai lầm của họ.

Họ y như hiệp sĩ Don Quichotte đại chiến với những máy xay gạo có quạt gió, vì tưởng đó chính là một đoàn khổng lồ, nghịch tặc. Họ như Don Quichotte rất có tâm huyết, nhưng đã hoài công khai chiến với chính những ảo tưởng, ảo vọng của họ.

Dân chúng thiếu thời giờ đọc sách, xét suy. Không đọc được nguyên văn chính bản, họ chỉ có thể dùng những bản dịch, xem những bài bình luận. Đọc những bản dịch ngây ngô,xem những bài bình luận nông cạn, dân chúng kết luận tư tưởng thánh nhân xưa nông cạn, lập luận thánh nhân xưa ngây ngô, nên họ chán, chẳng muốn theo.

Dân đã chán, thì đạo nào cũng lụn bại. Dân đã có thành kiến thì khó mà bỏ được. Các học giả bị tiêm nhiễm thiên kiến đang lưu hành trong dân gian thời đại mình, nên lúc khảo cứu rất dễ lầm lạc. Lầm lạc lại được truyền bá. Thế là vòng luẩn quẩn đi đi, lại lại, càng ngày càng to tát, nguy hại thêm.

Cho nên bao dang dở, bao chếch mác, bôi tro, trát trấu vào đạo Khổng nói riêng và các đạo nói chung là vì lầm lạc cả:

Hoặc giải thích nông cạn chẳng tinh tường,

Hoặc trình diễn nói năng không khúc chiết,

Hoặc sa vào vòng huấn hỗ, từ chương,

Hoặc không quán triệt hết điều hơn, lẽ thiệt.[5]

Mạnh Tử nói: «Đừng vì văn hại chữ, đừng vì chữ hại nghĩa. Lấy ý mình đón ý tác giả, thế mới được.» [6]

C.TÔN CHỈ VÀ CHƯƠNG TRÌNH KHẢO CỨU

Vậy khảo sát đạo Trung Dung, ta cần rất thận trọng. Ta nên khảo sát đạo Trung Dung với tinh thần vô tư, gạt bỏ thành kiến, hòa mình vào quan điểm của tiền nhân, cố tìm cho ra ý tứ cao siêu mạch lạc, ẩn áo.

Chu Hi nói: Đạo Trung Dung là một đạo Trời ban. Đức Khổng cho ra rằng Trời ban đạo đó cho nhân loại từ thời vua Nghiêu, khoảng 1500 năm trước ngài. Mạnh Tử thời Chiến Quốc, Miễn Trai đời Tống[7] đã ghi lại rõ ràng chuỗi liên châu đạo thống, xác định những bậc thánh hiền đã được vinh hạnh cầm bó đuốc chân lý soi cho đời qua các thế hệ. Bao ẩn áo của đạo Trung Dung cũng đã được nghiên cứu qua các thời đại.

Vậy trong công trình khảo sát Trung Dung,chúng ta phải lần lượt đi từng bước một:

1.  Đọc Kinh Thi để tắm mình trong bầu không khí tín ngưỡng Trung Hoa thời cổ.

2.  Nương vào Mạnh Tử, Miễn Trai tiên sinh để dò ra đạo thống Trung Dung.

3.  Cố gỡ mối tơ vò siêu hình học của Trung Dung nói riêng và Khổng giáo nói chung. Mối tơ vò ấy là hai chữ Tính, Mệnh.

4.  Tìm tinh hoa Khổng giáo trong Tứ thư, Ngũ kinh.

5.  Tìm hiểu hai chữ Trung Dung.

6.  Trở về Trung Dung để tìm hiểu ý tứ, mạch lạc.

7.  So sánh Trung Dung và Dịch lý để suy ra bản thể và hiện tượng và những vũ trụ quan, nhân sinh quan, sử quan tương ứng, cũng như những định luật chính chi phối hoàn võ và con người. Tìm dấu vết Trung Dung và Dịch lý trong các thư tịch, đền đài khắp hoàn cầu để tìm ra mối tương đồng giữa các quốc gia các thế hệ…

8.  Cuối cùng chúng ta mơi kết luận tổng quát.

Chúng ta phải vất vả như vậy, phải đi quanh quất trong rừng lịch sử,triết học, văn chương, như vậy mới có thể lên tới đạo Trung Dung được, vì nó quá cao, quá khó.

Chúng ta đừng sốt ruột; sốt ruột sẽ hỏng việc: mạ có thời gian mọc, mới thành cây lúa; nếu nương nó lên cho chóng dài, chóng lớn, nó sẽ chết.

Vậy muốn tìm cho ra manh mối đạo Trung Dung, ta phải ngang nhiên rong ruổi trên triền không gian và thời gian, lật gai góc cá học thuyết, mà tìm cho ra đường lớn của người xưa. Nhưng trước khi lên đường, chúng ta những muốn nói như Lý Thái Bạch:

Đường đi khó, tìm đường đi khó quá…

Rút kiếm bén, ngỡ ngàng trông đây đó,

Lòng hoang mang ta biết sẽ đi đâu?

Muốn qua Hoàng Hà, băng giá lấp sông sâu !

Muốn trèo non Thái, tuyết một mầu ảm đạm !

Muốn khuây khỏa, vừa ra khe buông câu tạm,

Đã mơ màng thuyền mộng lướt Trời mây !

Đường muôn ngả, đường muôn ngả đâu còn đây ?

Khó đi quá, tìm đường đi khó quá …

Nhưng gió lộng sẽ phá muôn tầm sóng cả,

Thổi buồm mây một lá tếch ngàn khơi,

Đại đạo lớn, lớn trùm cả khung Trời,

Mà bịn rịn, ta chưa ra đi nổi…[8]

Nhưng mà thôi, ta hãy ra đi …

Vì: «Đã sinh ra ở trần hoàn,

   Phải tìm cho biết ngọn nguồn, lạch sông...»

 


CHÚ THÍCH

[1] Ceci posé, du prince et de ses auxiliaires, de l’homme supérieur, de l’altruiste conçu à sa manière, Confucius exige quoi… la charité, le dévouement… Oh! pas du tout. Il exige la neutralité de l’esprit et cette froideur du cœur que nous avons vu préconisées par la Grande Règle. Pas de sympathie, pas d’antipathie, pas d’idée préconçue, pas de conviction ferme, pas de volonté tenace, pas de moi personnel… D’abord, à première vue, ne pas approuver, ne pas désapprouver, ne pas embrasser, ne pas repousser… En suite, après réflexion, ne jamais se déterminer pour un extrême, car excès et déficit sont également mauvais.

 Suivre toujours la voie moyenne, prendre une position moyenne. Jamais de chaud enthousiasme, jamais de désespoir glacé; toujours un calme opportunisme. Imiter la froide impartialité du Ciel, et, dans l’action, temporiser comme lui et louvoyer… (L. Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine, p. 135.)

[2] Les plus hauts problèmes de la destinée humaine étaient ramenés à une question d’utilité ou mieux d’opportunité sociale. Dépourvue de base métaphysique, la morale de Confucius sera simplement fondée sur les faits sociaux. (Trần Văn Hiến Minh, La conception confucéenne de l’homme, p. 15)

[3] Ce qu’on appelait la philosophie confucianiste, dit-il, était la négation de la philosophie; c’était tout ce qu’on voudra: de la sociologie, de l’économie politique, un manuel de civilité naïve et honnête - tout, sauf une philosophie véritable. (Ibidem, p. 13)

[4] L’Europe, puis l’Amérique, se sont acharnées à rompre les digues séculaires des institutions, des traditions et des philosophies qui contenaient la marée asiatique. Le traumatisme que le XXè siècle a produit sur des civilisations qui étaient contemporaines des Pharaons, s’est développé en une prolifération artificielle d’idées qu’il aurait fallu au préalable adapter et non pas servir, à ces peuples politiquement jeunes, comme des panacées universelles.

 Le nationalisme d’abord, et son cousin germain, le communisme, entés sur des troncs étiolés, ont proliféré comme une liane parasite et menacent d’étouffer les vielles souches des civilisations asiatiques. C’est ce que récoltent les Blancs pour avoir soulevé le couvercle de la boîte à Pandore et laisser s’échapper des idées qu’eux seuls avaient réussi à domestiquer. C’est ce qu’ils récoltent aussi pour avoir oublié que celui qui sème le vent récolte la tempête. (De Confucius à Lénine – Préface)

[5] Hoặc thích yên nhi bất tinh. Hoặc ngữ yên nhi bất tường… Hoặc nịch ư huấn hỗ từ chương. Hoặc cấm độc thư cùng lý. 或 釋 焉 而 不 精, 或 語 焉 而 不 詳 [...] 或 溺 於 訓 詁 辭 章, 或 禁 讀 窮 理. (Trung Dung phú)

[6] Mạnh Tử viết: Bất dĩ văn hại từ, bất dĩ từ hại ý, dĩ ý nghịch chí, thị vị đắc chi. 孟 子 曰: 不 以 文 害 辭, 不 以 辭 害 意, 以 意 逆 志, 是 謂 得 之 (Mạnh Tử – Vạn Chương chương cú thượng, số 4). Phan Bội Châu, Khổng học đăng II, tr. 620.

[7] Xem Phụ lục 1.

[8] … Bạt kiếm tứ cố, tâm mang nhiên !               

Dục độ Hoàng Hà, băng tắc xuyên,              欲 渡 黃 河 冰 塞 川

Tương đăng Thái Hàng, tuyết ám thiên,       將 登 太 行 雪 暗 天

Nhàn lai thùy điếu tọa khê thượng,                閒 來 垂 釣 坐 溪 上

Hốt phục thừa chu mộng nhật biên.              忽 復 乘 舟 夢 日 邊

Hành lộ nan ! Hành lộ nan !                            行 路 難 行 路 難

Đa kỳ lộ, kim an tại?                                         多 歧 路 今 安 在

Trường phong phá lãng, hội hữu thì,             長 風 破 浪 會 有 時

Trực quải vân phàm tế thương hải.                直 掛 雲 帆 濟 滄 海

Đại đạo nhược thanh thiên,                            

Ngã do bất đắc xuất…                                    

(Bài thơ «Hành lộ nan» 行 路 難 của Lý Thái Bạch 李 太 白)

» Mục lục » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16