»» [ mục lục ] [ phần A ] [ phần B ]


PHẦN B:

THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ TRONG TAM GIÁO VÀ CAO ĐÀI GIÁO

I. Phật giáo với thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể

II. Lão giáo

III. Nho giáo

IV. Cao Đài giáo

KẾT LUẬN

 

 

PHẦN B

KHẢO VỀ THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

TRONG TAM GIÁO VÀ CAO ĐÀI

 

I. PHẬT GIÁO VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ

Tuy Đức Phật không bàn về bản thể vũ trụ, nhưng sau này các triết gia Phật giáo cũng chủ trương Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

Đã đành vũ trụ này từ một bản thể là Chân Như mà sinh xuất ra, nhưng các triết gia Phật giáo thường đặt ra mấy vấn đề sau đây:

① Thực tướng của Chân Như bản thể ra sao?

② Chân Như bản thể làm thế nào mà sinh hóa ra vũ trụ?

③ Chân Như bản thể và vũ trụ hình tướng liên lạc với nhau ra sao?

Dưới đây xin lần lượt trình bày các cách trả lời cho 3 vấn nạn trên:

1. Thực tướng của Chân Như bản thể ra sao?

a. Có nhiều môn phái cho rằng Chân Như bản thể vì siêu việt nên không thể nào bàn cãi được, đoán định được.

Trong chiều hướng này, Pháp Tướng Tông dùng chữ: phế thuyên 廢 詮 , đàm chỉ 談 止 (miễn bàn, miễn nói).

Giáo phái Tam Luận dùng chữ: ngôn vong 言 忘 , lự tuyệt 慮 絕 (quên lời, bỏ nghĩ).

Thiền Tông dùng chữ: bất lập văn tự 不 立 文 字 (không dùng văn từ).

Chân Ngôn Tông dùng chữ: xuất quá ngôn ngữ đạo 出 過 言 語 道 (vượt trên ngôn từ).

Tịnh Độ Tông dùng chữ: bất khả xưng 不 可 稱 , bất khả thuyết 不 可 說 , bất khả tư nghị 不 可 思 議 (không thể gọi, không thể nói, không thể nghĩ bàn).

b. Có môn phái thời muốn nhấn mạnh về tính cách không tịch, tĩnh lãng của Chân Như bản thể, nên đã dùng những chữ như: Không tịch 空 寂 , hư vô 虛 無, không , chân không 真 空 để mô tả bản thể. Nhưng hư vô đây không phải là hư không, hư ảo, mà chính là Chân không 真 空 , Diệu hữu 妙 有, Căn nguyên sinh xuất vũ trụ.

Lục tổ Huệ Năng viết trong Pháp bảo đàn kinh: «Hư không hàm tàng hết sắc tướng, vạn vật, bao gồm nhật nguyệt, tinh cầu, sông núi, đất đai, suối nguồn, khe lạch, cây cối, núi rừng, người lành kẻ dữ, cái hay, cái dở, tất cả mọi núi Tu Di cũng đều ở trong Hư không. Tính người ta cũng ở trong Hư không. Tất cả đều như vậy.» [1]

Suzuki, một thiền sư Nhật bản, viết: «Không» là một trong những vấn đề quan trọng nhất của triết học đại thừa là chữ rắc rối nhất, khó hiểu nhất cho những người không phải là Phật tử. «Không» không có nghĩa là «tương đối, tương đãi» hay là sắc tướng, hay là hư vô, hư không, mà chính là «Tuyệt đối, tuyệt đại, siêu việt, bất khả tư nghị. Nó chính là Chân Như bản thể.» [2]

c. Có môn phái thời nhìn về phía tích cực, hiện hữu, khi bản thể đã tạo thành vũ trụ. Cho nên gọi Bản thể ấy là Chân Như.

Chân Như bản thể, tuy sinh xuất vạn hữu, nhưng viên dung, bất biến nên còn được gọi là: Nhất Như 一 如 , Như Như 如 如 , Nhất tâm pháp giới 一 心 法 界 .

Vì Chân Như bản thể là cốt lõi, là Chân thân, là Thực thể của vũ trụ hình tướng này, nên còn được gọi là: Trung đạo 中 道, Pháp thân 法 身, Như Lai 如 來, Pháp thể 法 體, Thực tại 實 在, Chân tâm 真 心

Vì Bản thể ấy là Chân tướng vũ trụ, minh linh viên giác, hoàn thiện tuyệt đối, nên còn được gọi là: Thực tướng 實 相 , Chân thật tướng 真 實 相 , thực tế 實 際, Chân thực tế 真 實 際 ; Viên thành thực tướng 圓 成 實 相 , Chân như 真 如, Chân như bổn tánh 真 如 本 性 , Chân như tánh 真 如 性, Chân đế 真 諦, Chân thiện 真 善, Viên giác 圓 覺.

Và cuối cùng để cho Bản thể cũng đượm màu Phật giáo, các triết gia Phật giáo còn gọi là Phật tính 佛 性

2. Chân Như bản thể là thế nào mà sinh hóa ra vũ trụ?

a. Chân Như duyên khởi

Thuyết này chủ trương vạn hữu đều do một Bản thể tuyệt đối là Chân Như sinh xuất ra. Chân Như này đồng bản thể với tâm linh con người, nên cũng có thể nói được rằng tất cả vạn hữu đều do Tâm ấy biểu hiện…

Vũ trụ này có 2 mặt:

- Một mặt vĩnh cửu bất biến, hay là Chân Như môn 真 如 門 (Tuyệt đối giới, bình đẳng giới).

- Một mặt biến thiên sinh diệt hay là Sinh Diệt môn 生 滅 門 (tương đối giới, sai biệt giới).

Thuyết này cho rằng Chân Như sinh ra vạn hữu là do vô minh. Mà vô minh là mê muội, là mù quáng. Ta thấy cung cách này không ổn, vì chẳng lẽ Chân Như tuyệt đối lại có thể mê muội mà sinh ra vũ trụ này hay sao?

b. Nghiệp cảm duyên khởi

Thuyết này chủ trương Chân Như sinh hóa ra vũ trụ do nghiệp lực (Karma) cảm triệu.

Thuyết nghiệp cảm (Karma) nếu áp dụng cho quần sinh, thì có phần đúng, nhưng nếu áp dụng cho Bản thể tuyệt đối, thì không ổn, vì chẳng lẽ Bản thể tuyệt đối cũng mắc vòng duyên nghiệp hay sao?

c. A-Lại-gia duyên khởi

Long Thọ bồ tát cho rằng: «Chân Như là Tuyệt đối; Vạn hữu là Tương đối.»

Tuyệt đối không trực tiếp tạo ra Tương đối, mà phải qua trung gian A-lại-gia (Alaya) hay Hàm tàng thức gồm mọi chủng tử của mọi biến hóa, chuyển dịch.

Thuyết này cũng na ná như thuyết «Vô cực nhi Thái cực» của Chu Liêm Khê.

d. Lục đại duyên khởi

Phái Chân Ngôn thì cho rằng vạn hữu này do Phật Tỳ Lư Giá Na 毗 盧 遮 那 (Vairocana = Đại Nhật Như Lai 大 日 如 來) phân hóa ra. Phật thân Đại Nhật Như Lai gồm lục đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, thức), nên vạn hữu từ tinh cầu đến nhân loại, đến vi trần đều gồm đủ lục đại, gồm đủ Bản thể của Đại Nhật Như Lai.

Thuyết này cũng tương đương như huyền thoại Ấn giáo: Prajapati, hay Purusa đã phân thân để sinh hóa ra vũ trụ…

e. Pháp giới duyên khởi

Thuyết này chủ trương: Bản thể khi tĩnh thì là Chân Như, khi động thì là vạn hữu. Như vậy, thực thể tức hiện tượng, hiện tượng tức thực thể, thiên biến vạn hóa mà thành ra vô số hiện tượng, nhưng không một hiện tượng nào mà không phải là sự hoạt hiện của Chân Như…

3. Chân Như bản thể và vũ trụ hình tướng liên lạc với nhau ra sao?

Về vấn đề này ta ghi nhận mấy khuynh hướng sau:

1. Bản thể siêu xuất hiện tượng (transcendance)

2. Bản thể tiềm ẩn trong lòng hiện tượng (Immanence)

3. Bản thể sinh hiện tượng, hiện tượng qui hoàn bản thể, cho nên:

- Bản thể là hiện tượng, hiện tượng là bản thể

- Sắc tức thị không, không tức thị sắc

Y thức như sóng là nước, nước là sóng…

Vì Phật giáo chủ trương Bản thể là vũ trụ, vũ trụ là Bản thể nên Phật giáo cũng đứng trong hàng ngũ phiếm thần…

Tường Duy Kiều, tác giả cuốn Đại Cương Triết Học Phật giáo (quyển này đã được Thích Đạo Quang dịch ra Việt văn) cũng công nhận như vậy. (xem sách đã dẫn nơi tr.36)

Vì chủ trương Vạn vật nhất thể, nên Phật giáo:

a. Chủ trương từ bi hỉ xả chẳng những đối với nhân quần mà cả với sinh linh.

b. Chủ trương con người đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật.

c. Chủ trương muốn thành Phật, muốn giải thoát con người phải qua nhiều kiếp (Transmigration, Renaissance, Métempsychose).

d. Chủ trương giải thoát là:

- Nhất trí với thực tại.

- Qui ư triệt để đại ngộ.

- Hòa hợp với Bản thể tuyệt đối…

(Xem Thích Đạo Quang, Đại cương Triết Học Phật giáo, tr. 54-56).

II. LÃO GIÁO VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ

Lão giáo cũng chủ trương: vũ trụ vạn vật đều do một Bản thể sinh hóa ra. Bản thể ấy, Lão giáo gọi là Đạo.

Đạo vì là Bản thể vũ trụ, tuyệt đối, vô biên tế, nên không thể dùng danh diệu để tuyên xưng, không thể dùng ngôn từ để mô tả.

Đạo có hai thế: Thế tiềm ẩn, và thế hiển dương.

Trước khi sinh ra vũ trụ, Đạo ở thế tiềm ẩn, Sau khi sinh ra vũ trụ Đạo ở thế hiển dương.

Vũ trụ này xét về phương diện Bản thể thì hư tĩnh, vi diệu, xét về phương diện hình tướng, thì có giới hạn, có hình danh, sắc tướng.

Muốn hiểu rõ vũ trụ thì phải bao quát cả hai mặt:

- Bản thể (Diệu )

- Hiện tượng (Khiếu )

Lão gia gọi thế là «Diệu khiếu tề quan» 妙 徼 齊 觀

Các ý tưởng trên đã được Lão Tử nói lên nơi chương I Đạo Đức Kinh:

 «Hóa công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn,

 Không tên sáng tạo thế gian,

Có tên là mẹ muôn vàn thụ sinh.

 Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi,

 Hai phương diện một hóa nhi,

Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,

 Ngài là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi…»

Đạo khi chưa sinh hóa ra vũ trụ còn được gọi là: , Hư vô 虛 無, Hồng mông 鴻 蒙, Hỗn độn 混 沌, Hư không 虛 空, Đạo , Vô cực 無 極 , v.v…

Hư vô, Hư không không phải là hư ảo, mà là Thực thể bất khả tư nghị, vô biên tế của vũ trụ…

Vì thế Lão Tử nói: «Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, Hữu sinh ư vô…» 天 下 萬物 生 於 有 ,有 生 於 無 (ĐĐK, 41)

Trang Tử cũng nói: «Đầu trước hết có vô, không hiện hữu, không tên tuổi.» (Trang tử Nam Hoa Kinh, Thiên địa)…

Hai chữ Vô cực được Lão tử đề cập đến nơi chương Tri kỳ hùng 知 其 雄 (ĐĐK, 28).

Các danh từ Không hay Hư vô 虛 無 cũng được các đạo gia thường dùng. Sách Xướng đạo chân ngôn viết: «Vạn vật bắt đầu từ không. Không sinh ra nhất, nhất sinh ra vạn, vạn trở về không. Không là thủy tổ muôn loài. Học giả cần biết chân không, cần phân biệt linh không với ngoan không…» [3]

Xướng đạo chân ngôn còn gọi Hư vô 虛 無 là Vô cực 無 極 là Đơn là Đạo , là bản thể của trời đất. Sách viết: «Đơn là bản thể của vạn vật. Đơn là Đạo, Đạo là bản thể của hư vô. Hư vô không thể đặt tên, nên thánh nhân tạm gọi là Đạo. Hư sinh Nhất, Nhất sinh vạn, vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư… [4]

Sách viết thêm: «Đạo gia gọi là Hư, Phật gia gọi là Không. Hư không nghe biết, nhìn biết mọi sự… Cho nên, khi một người suy nghĩ, người cùng nhà không hay biết, mà Hư không vô lượng, vô biên đã biết, đã hay… Vì thế Nho gia: Thận độc, úy không…» [5]

Đạo sinh ra vũ trụ bằng sự hiển dương phóng phát, tức là bằng Đức [6] và cũng bằng sự phân liệt chia phôi.

Chiều sinh hóa này đi từ Vô đến Hữu, từ khinh thanh đến trọng trược, để rồi lại xoay chiều chuyển dịch, biến hóa, cuối cùng lại trở về Nguồn gốc cũ là Đạo là Hư.

Ta có thể chứng minh những quan niệm đó bằng thư tịch Đạo giáo. Liệt Tử viết trong Xung Hư Chân Kinh:

«Hình, thanh, vị, sắc đều do Vô vi mà sinh ra.

Hình, thanh, vị, sắc khi còn, khi mất, khi có, khi không. vô vi bao giờ có cùng.

Hình thanh, vị, sắc hình hiện ra bên ngoài, mà vô vi thì không bao giờ hình hiện.

Nhưng tất cả hình, thanh, vị sắc đều là chức năng của vô vi.

Vô vi có thể Âm, có thể Dương, có thể mềm, có thể cứng, có thể vắn, có thể dài, có thể tròn, có thể vuông, có thể làm cho sống, có thể khiến cho chết, có thể nóng, có thể lạnh, có thể nổi, có thể chìm, có thể là cung, có thể là thương, có thể ẩn, có thể hiện, có thể đen, có thể vàng, có thể ngọt, có thể đắng, có thể tanh, có thể thơm. Tưởng không biết, không hay mà cái gì cũng biết, cái gì cũng hay…» [7]

Liệt Tử còn viết:

«Xưa thánh nhân lấy Âm Dương bao quát trời đất. Mà hữu hình thời sinh ra từ vô hình, nên trời đất dần dà mới có. Cho nên nói: Có Thái dịch 太 易 , có Thái sơ 太 初, có Thái thủy 太 始, có Thái tố 太 素 .

Thái dịch là giai đoạn chưa có Khí.

Thái sơ là giai đoạn Khí bắt đầu có.

Thái thủy là giai đoạn Hình bắt đầu có.

Thái tố là giai đoạn Chất bắt đầu có.

Khí, Hình, Chất có đủ nhưng chưa chia lìa nhau. Cho nên gọi là Hồn luân 渾 淪. Hồn luân là khi vạn vật còn trà trộn chưa phân ly… Nhìn không thấy, nghe không ra, theo không được nên gọi là Dịch . Dịch không giới hạn, không bến bờ. Dịch biến thành Nhất , Nhất biến thành Thất , Thất biến thành Cửu , Cửu là biến hóa đến cùng cực. Thế rồi lại trở về Nhất…» [8]

Sách Linh Bảo Tất Pháp có một đoạn tương tự như vậy, và tôi đã phiên dịch đại khái thành thơ như sau:

«Tự Đạo phân chia số mới thành,

Ngũ hành hình tượng: Đạo nha manh,

Năm phương vũ trụ: Thân phân liệt,

Chất sắc năm màu: Đạo tán sinh.

 Số từ vô số xuất sinh,

Trở về vô số mới thành vãng lai.

 Tượng từ vô tượng phân bài,

Trở về vô tướng, trong ngoài ấm êm.

 Vị hoàn vô vị mới nên,

Chất hoàn vô chất tinh tuyền trước sau.

 Chớ chia Đạo thể nhiệm màu,

Số kia bám víu vào đâu sinh thành.

 Muốn trừ cho hết tượng hình,

Ngừng cơ biến hóa, mối manh tiêu liền.

 Vị ngôi muốn hết dưới trên,

Thời đừng phân biệt bản nguyên làm gì.

 Đạo không phát tán chia ly,

Thời thôi vật chất biến đi từ đời,

 Đạo là vô số, vô ngôi,

Vô hình, vô chất, chia phôi nhẽ nào.

 Đạo trời vi diệu biết bao…» [9]

Vòng tuần hoàn biến dịch của vũ trụ đã được Trang tử toát lược bằng một câu: «Vạn vật giai xuất ư cơ, giai nhập ư cơ» (Vạn vật đều xuất ở Cơ ra, rồi lại đều trở về Cơ.) [10]

Đạo Đức Kinh, chương 16, viết:

«Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên,

Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng…» [11]

Con đường tu luyện để trở về kết hợp với Đạo với Trời đã được dấu ẩn ngay trong trung tâm đầu não con người.

Nhập Dược Kính, trang 10b, viết:

«Nê hoàn nhất khiếu đạt thiên môn,

 泥 丸 一 竅 達 天 門

Trực thượng Hư Hoàng Ngọc Đế tôn,

 直 上 虛 皇 玉 帝 尊

Thử thị chân nhân lai vãng lộ,

 此 是 真 人 來 往 路

Thời thời khóa hạc khứ triều nguyên…»

 時 時 跨 鶴 去 朝 元

Tạm dịch:

«Nê hoàn một khiếu thấu cửa trời,

Ngọc Hoàng Thượng Đế ấy tòa ngôi.

Thánh hiền lui tới duy đường ấy,

Cưỡi hạc băng chừng thẳng tới nơi…»

III. NHO GIÁO VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ

Ta sẽ dùng Dịch Kinh, một cuốn thánh thư của Nho giáo để xiển minh tư tưởng trên.

Dịch Kinh chủ trương:

1. Vũ trụ này đã do một Căn nguyên duy nhất, một Bản thể duy nhất phân hóa ra. Bản thể duy nhất ấy gọi là Thái Cực.

Thái Cực tuy là duy nhất nhưng thực ra đã bao hàm đủ âm dương. Bản thể duy nhất ấy gọi là Thái Cực.

Thái Cực tuy là duy nhất nhưng thực ra đã bao hàm đủ âm dương. Bản thể vũ trụ tuy là Nhất nguyên, nhưng lưỡng cực…

Dịch kinh đã cố trình bày tư tưởng trên bằng:

a. Hình vẽ Thái Cực [.

b. Bằng chữ: Chữ Dịch gồm 2 chữ Nhật Nguyệt .

Chữ Thổ gồm 2 nét Âm Dương và nét sổ | hợp nhất.

c. Bằng số: 5 hay 15

 5 = 2 + 3

15 = 6 + 9

2. Bản thể ấy đã sinh hóa, phóng phát ra vũ trụ bằng cách phân hóa.

 1 chia 2

 2 chia 4

 4 chia 8

 8 chia 16, chia 32, chia 64, v.v.

Dịch diễn tả tư tưởng ấy bằng chữ: «Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tưởng sinh bát quái.»

Hoặc bằng hình vẽ: Viên đồ và Hoành đồ.

- Viên đồ: Bản thể vũ trụ và vạn hữu vẽ thành vòng Dịch tròn. Lúc đó: Tâm điểm là Thái cực. Vạn hữu là hào quái bao quanh bên ngoài. Thái cực hay Bản thể như vừng Thái dương sinh xuất muôn ánh hào quang vạn hữu…

- Hoành đồ: Bản thể vũ trụ (Thái cực) và Vạn hữu (hào quái)xếp thành hình ngang. Lúc ấy, Bản thể (Thái cực) là gốc cây, vạn hữu là như cành, như lá bên trên…

Viên đồ

 

Hoành đồ

 

3. Vòng biến dịch tuần hoàn của vũ trụ được tượng trưng bằng

a. Vòng dịch Tiên Thiên Bát Quái.

b. Bằng vòng dịch Tiên Thiên 64 quái.

c. Hoặc giản dị hơn, bằng vòng Thập nhị quái khí.

Ta có thể trình bày vòng tuần hoàn biến dịch một cách khác như sau:

Trông vào hình đồ trên ta thấy:

1- Thái cực ở Tâm điểm,

2- Vạn hữu được tượng trưng bằng sáu vòng tròn bao quanh.

3- Vòng biến dịch bắt đầu từ tâm điểm đi ra, tới biên, rồi lại quay ngược trở về tâm.

4- Càng đi ra, âm càng thịnh, dương càng suy. (âm từ 1 hào, dần dần tăng mãi lên cho đến 6 hào).

5- Lúc vòng Dịch quay trở về được đánh dấu bằng quẻ Phục (quay trở lại).

Như vậy Phục là bắt đầu con đường hồi tâm, qui tâm, hồi hướng, hướng nội. Phục cũng là kiến Thiên địa chi tâm 見 天 地 之 心 (Thấy được Tâm của trời đất), Bản thể của trời đất. Tâm trời đất cũng là Tâm mình…

6- Càng đi sâu vào Tâm, càng trở nên trong sáng: Âm căn càng ngày càng giảm, Dương quang càng ngày càng tăng. Vào đến vòng tròn thứ sáu là đạt Thuần Dương, Thuần Kiền.

7- Vào với Tâm điểm là đắc Đạo, đắc Nhất, đắc Thiên…

8- Vòng biến dịch tuần hoàn trên vẽ lại đời sống con người lý tưởng cũng như đời sống nhân quần, toàn bộ lịch sử tiến hóa con người. Chẳng những thế cũng còn vẽ lại được vòng biến dịch luân lưu của mặt trời, mặt trăng, hay nói rộng hơn là toàn thể chu kỳ biến hóa của vũ trụ…

9- Vòng biến dịch này có hai chiều:

- Con người nói riêng, nhân loại nói chung, khi còn trẻ sẽ hướng ngoại, đem tinh thần phục vụ giang sơn tổ quốc, cải thiện ngoại cảnh, đổi lấy miếng cơm manh áo, đóng góp với đời…

- Khi đã luống tuổi, khi đã trở về già, sẽ hướng nội, qui tâm, sẽ dùng ngoại cảnh để hỗ trợ cho tâm thần, tu luyện bản thân, tiến mãi trên con đường huyền hóa.

Vì thế Dịch mới nói: «Nhất Âm, nhất Dương chi vị đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã.» 一 陰 一 陽 之 謂 道 ,繼 之 者 善 也 ,成 之 者 性 也 (Hệ từ thượng, chương 5) (Một Âm, một Dương là đạo [đạo có 2 chiều Âm và Dương: chiều Âm đi trước, chiều Dương đi sau]. Theo được đường đó thời tốt, đi đến cùng đường sẽ thực hiện được tính Trời…)

Chỗ cao siêu của Dịch là cốt dạy con người «Tẩy tâm thoái tàng ư mật» 洗 心 退藏 於 密 (Hệ từ thượng, chương 11) (Tẩy rửa tâm hồn, trở về với tâm linh).

«Các chính Tính mệnh, bảo hợp Thái hòa.» 各 正 性 命 保 合 太 和 (Kiền quái, Thoán truyện) (Hoàn thiện tính mệnh mình, hợp nhất với Thái cực, Thái hòa…)

Quan niệm Nhất thể vạn thù đã đưa đến những hệ quả sau đây:

① Con người là một phân bộ trong thống thể vũ trụ, nên có liên quan mật thiết với vũ trụ.

Trình Minh Đạo (1032-1065) viết: «Ta và vạn vật đều chung một Bản thể.» (vạn vật với ta như là một cơ thể.) [12]

Lục Tượng Sơn (1140-1192) viết: «Việc ở trong vũ trụ chính là việc trong bổn phận mình; việc ở trong bổn phận mình, chính là việc ở trong vũ trụ.» [13]

Linh mục Vương Xương Chỉ, tác giả quyển Triết học luân lý của Vương Dương Minh, đã viết: «Tin rằng vũ trụ này là một thống thể, trong đó sự thác loạn của một bộ phận có ảnh hưởng đến toàn bộ vũ trụ, tin rằng con người là tâm điểm vũ trụ, tâm con người là tâm vũ trụ, đó là tư tưởng hàm tàng trong kinh điển, và đã được các triết gia thời Tống chủ trương. Cũng như các triết gia Trung Hoa khác, Vương Dương Minh cũng nhắc lại: «Con người là tâm điểm vũ trụ. Vũ trụ và ta là một thống thể.» [14]

Linh mục Matteo Ricci (1552-1610), sang giảng đạo bên Trung Hoa vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 đã nhận định như sau: «Trào lưu tư tưởng mà nhiều người đã theo hiện nay, theo tôi, có lẽ đã vay, mượn ở một giáo phái tà thần từ 500 năm nay (Tống Nho). Quan niệm ấy là: Thiên địa vạn vật nhất thể. Hóa công cũng với trời đất, người vật cỏ cây, tứ tượng, đều hợp thành như một cơ thể duy nhất, mà vạn vật là những phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy, họ rút ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể trở nên giống Trời.» [15]

② Mọi người đều giống nhau về phương diện bản thể.

Mạnh Tử nói: «Phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những bậc thánh nhân và chúng ta đều cùng một loại…» [16]

③ Con người có thể tiến tới Đại thể, có thể hòa đồng với Đại thể vũ trụ. Đó chính là chủ trương «Cao minh phối Thiên, bác hậu phối địa» của Trung Dung. (Trung Dung, 26)

Trình Tử cho rằng: «Thánh nhân phải có một tầm kích mênh mông như vũ trụ.» [17]

④ Thế giới là một nhà, người trong 4 biển đều là anh em.

Trương Hoành Cừ (1020-1077) làm bài Tây Minh, tóm tắt đại khái nhân sinh quan mình như sau: «Lấy thế giới làm một nhà, Trời đất làm cha mẹ, nhân loại làm anh em, vạn vật làm đồng loại của mình. Vì xem thế giới là một nhà, trời đất là cha mẹ, nên người ta phải giữ cho tròn bổn phận làm người, vì xem nhân loại đều là anh em, vạn vật đều là đồng loại, nên người ta phải rộng lòng nhân ái.» [18]

Lễ Ký nơi thiên Lễ Vận đã đề ra một thế giới đại đồng. Và kinh Dịch nơi quẻ Đồng Nhân cũng đưa ra một viễn tượng đại đồng mai hậu…

IV. CAO ĐÀI GIÁO VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ

Cao Đài giáo thừa hưởng tất cả kho tàng tư tưởng của Tam Giác nên khảo về Tam Giáo tức là mặc nhiên đã khảo về Cao Đài giáo.

Nhưng Cao Đài giáo cũng có một kho tàng tư tưởng riêng. Đó là Cơ Bút. Các bài Cơ Bút đã được ấn hành dưới nhan đề: Thánh Giáo Sưu Tập, gồm 5 tập, từ 1965 đến 1973.[19]

Dưới đây, sẽ chỉ dùng những tài liệu đặc biệt của Cao Đài giáo để trình bày học thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể với các hệ quả nó dẫn tới.

1. Cao Đài giáo chủ trương: Vạn vật nhất thể.

Nhất thể tuyệt đối, hay Thiên Nhãn, hay Cao Đài v.v… đã sinh hóa ra vũ trụ.

Đại Thừa Chân Giáo nơi trang 65 viết:

«Tại sao lại dạy thờ Thiên Nhãn?

Thiên Nhãn là căn bản chúng sinh.

Đó là một Đấng trọn lành,

Một ngôi Chúa tể hóa sanh muôn loài…»

Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967, nơi trang 39, viết:

«Thuở chưa dựng nên ngôi Trời đất,

Khoảng không gian mịt mịt mờ mờ,

     Hồn nhiên một khối ban sơ,

Vần vần luân chuyển gồm cơ nhiệm mầu,

Khí khinh khinh tỏa sâu rộng khắp,

Ánh huyền huyền bền chặt lưu hành,

     Vô hình, vô tình, vô danh,

Cưỡng viết: «Đại Đạo» hóa sanh vô cùng,

Tượng một điểm tựu trung duy nhất,

Là Lý, ngôi Thái cực Thánh hoàng,

     Vận hành phân khí tạo đoan,

Âm dương ngưng tụ, thế gian lập thành,

Một lý ấy hóa sanh trời đất,

Gồm chung bầu trời đất chở che,

     Ngũ hành luân chuyển mọi bề,

Thâu tàng, sinh trưởng, xuân hè thu đông.

Vạn vật cũng Lý đồng sinh hóa,

Nhơn nhơn đều Đạo cả dưỡng nuôi,

     Noãn, thai, thấp, hóa, vô hồi,

Trường tồn tiến thoái, cõi đời tam nguơn.

Có trời đất, có nhơn có vật,

Có đạo mầu, trời đất định phân,

     Thế nên khắp chốn hồng trần,

Đều do Lý Đạo tạo phần hữu vô…»

Như vậy: Vạn vật đều đồng một thể với Đạo với Trời.

Mọi người đều đồng bản thể với Đạo, với Trời.

Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967, nơi trang 35, viết:

«Đạo là ngôi Nhất Nguyên chủ tể,

Đạo cũng là đồng thể vạn linh.»

Thánh Giáo Sưu Tập 1968-69, nơi trang 200, viết: «…Vì các con là một trong vạn vật chúng sinh, mà vạn vật chúng sinh là bản thể của Đạo, mà bản thể của Đạo tức là bản thể của Thầy. Các con có thương nhau, tức là các con đã thương Thầy…»

Nơi trang 186 lại viết: «Thượng Đế chỉ nói một câu: Thầy là các con, các con là Thầy, có nghĩa rằng tất cả đồng chung một bản thể, tuy hình tướng bên ngoài và cách xưng hô có khác nhau, nhưng chung qui là có một, không riêng gì của ai…»

Đại Thừa Chân Giáo, nơi trang 65, viết:

     «Thật là diệu diệu, huyền huyền,

Trời người có một chẳng riêng khác gì.»

Thánh Giáo Sưu Tập 1966-67, nơi trang 36, viết:

«Con là một Thiêng liêng tại thế,

Cùng với Thầy đồng thể linh quang…

     Khóa chìa con đã sẵn sàng,

Khi vào cõi tục, khi sang Thiên đình…»

Nơi trang 229 viết:

«Người với Trời thể chất song song,

     Nếu mình bền chí gia công,

Tu thân luyện mạng cũng mong thành Trời.»

Cho nên mục đích chính yếu của Cao Đài chính là dạy con người giác ngộ chân lý: TRONG THÂN CÓ TRỜI.

Thánh Giáo Sưu Tập 1968-69, nơi trang 86, viết:

«Thầy ngự trong lòng mỗi chúng sinh,

Chúng sinh giác ngộ biết tu hành.

Thương yêu lựa tách người khôn dại,

Điều độ đừng chia kẻ dữ lành…»

Thánh Giáo Cao Đài thường xuyên nhắc đi nhắc lại: «Dưới lớp nhân tâm còn có Thiên tâm.» Thiên tâm ấy là:

- Thánh tâm, Linh tâm, (TGST 1972, tr. 48)

- Thiên tánh, Phật tánh, (TGST 1972, tr. 112)

- Tâm vương, (TGST 1972, tr. 137-138)

- Đạo tâm, (TGST 1972, tr. 99)

- Phật tâm, (TGST 1972, tr. 112)

- Kim thân, (TGST 1972, tr. 128)

- Kim thân Phật thể, (TGST 1972, tr. 129)

- Như Lai bổn tạng, (TGST 1972, tr. 128)

- Căn nguyên bổn tánh (TGST 1972, tr. 24)

- Chân ngã, Chân như bổn thể (TGST 1970-71, tr. 83-87)

Nó khác với cái phàm tâm, cái bản ngã, tức là cái ta nhỏ hẹp, hữu hạn nơi tâm tư bên ngoài, cũng còn gọi là cái Giả ngã… (TGST 1970-71, tr. 83, 87, 134; TGST 1972-73, tr.99, 105).

Mới hay:

«Tâm xích tử trọn lành trọn tốt,

Tánh viên minh ẩn lốt vạn thù…»

(TGST 1972-73, tr.130)

«Đeo đai sắc tướng hữu hình,

Quên mình vẫn có riêng mình Tạo công»

(Ibid., tr.130)

«Đạo vốn vô sanh cùng bất diệt,

Kim thân hằng hữu tại thân này…»

(Ibid., tr.128)

Giác ngộ chính là khi cái ta bản ngã (phàm tâm) tìm ra được cái Ta Thiên tánh (Thiên tâm).

«Còn cái ta là ai? Có phải cái Ta là Thiên tánh, trong cái bản ngã của thiên hạ chăng? Nếu ta bản ngã không tìm được cái Ta Thiên tánh, thì biết đời thuở nào mới kết quả được ý nghĩa của câu: «Thầy là các con, mà các con là Thầy.» (TGST 1970-71, tr.134)

Học Đạo, tìm Đạo, học triết để biết mình, chung qui là cốt tìm cho ra Cốt lõi con người, Trục cốt con người, cũng như Cốt lõi, Trục cốt vũ trụ, Trung điểm vũ trụ, trung điểm con người, chính là đi tìm cho ra cái Ta bao quát cổ kim, Vũ Trụ… cái Tâm Vũ Trụ…

«Nên duyên Tiên Phật diệt lòng trần,

Không chánh, không tà, không ngã nhân.

Chỉ một cái tâm, tâm vũ trụ,

Thoát ly vạn tướng phục nguyên thần…

Nguyên Thần thường trụ chẳng phong ba,

Đáy nước bửu châu hiện chói lòa.

Bát nhã khai tâm vô nhất niệm,

Trên trời, dưới thế biết rằng Ta.

Rằng Ta là một Cái Ta chung,

Rộng lớn bao la ở khắp cùng.

Ta chẳng có ta mà vẫn có,

Có Ta, Ta cũng chỉ Tâm Trung.»

(TGST 1972-73, tr.78)

2. Cao Đài chủ trương: Phản bổn hoàn Nguyên, Qui căn phản bản.

Đại Thừa Chân Giáo viết nơi trang 124:

«Một Lý phân hai thuận nghịch hành,

Nghịch hành tu luyện đắc trường sinh.

Vô vi Đại Đạo nào ai thấu,

Thấu đặng về nơi Tử Phủ thành…»

Nhưng như trên đã chứng minh, Đạo hay Thượng đế hay Thiên Nhãn, hay Chân Như Phật tánh đã tiềm ẩn trong lòng con người để làm căn cơ, để làm căn nguyên, bản thể con người, thì nghịch hành, hay qui nguyên phản bản, chính là đi vào tâm để mà tìm Đạo tìm Trời. Đó cũng chính là một chủ trương cốt cán của Cao Đài…

Thánh Giáo Sưu Tập 1972-1973 cũng đã xác định Qui Nguyên là Qui Tâm, (xem sách trích dẫn nơi tr. 67).

Thánh Giáo Sưu Tập 1970-1971, nơi trang 53, viết:

«Đạo tại tâm hề, Phật tại tâm,

Vọng cầu bôn ngoại thị hôn trầm,

Nhơn nhơn tự hữu Như Lai tính,

Tánh đắc Như Lai pháp diệu thâm…»

Thánh Giáo Sưu Tập 1965, nơi trang 51, viết: «Đạo vẫn luôn luôn ở tại trong tâm tánh của mỗi người nhưng tiếc vì người chưa khổ công nghiền ngẫm, học hỏi giáo lý, nên chưa tìm phăng ra mối.»

Đại Thừa Chân Giáo (tr. 118) viết:

«Các con phải hiểu phải tàng,

Đạo Thầy u ẩn minh quang tâm điền,

     Con nào hữu kiếp thiện duyên,

Gặp minh sư chuyển diệu huyền nơi tâm.»

Thánh Giáo Sưu Tập 1972, nơi trang 165, viết:

«Đạo tại tâm trung chẳng phải xa,

Thật hành quyết chí sẽ tìm ra.

Phật, Tiên, Thượng đế không xa lắm,

Xa hoặc được gần cũng bởi ta…»

Cao Đài Giáo Lý cũng cho ta thấy thực sự Đạo ở nơi đâu, Trời ở nơi đâu trong con người.

Thánh Giáo Sưu Tập 1968-69, nơi trang 5, đã cho biết chỗ cất giấu chìa khóa thiêng để mở mọi cửa nhiệm huyền: «Bao nhiêu huyền bí thiêng liêng, nhiệm màu siêu việt, nhưng chìa khóa mở, đức Chí Tôn đã đặt trong chỗ cao nhất của mỗi người, hãy tìm lấy và mở lấy. Hỡi chư hiền.»

Chỗ cao nhất trong con người là nơi đâu? Thưa là Nê Hoàn Cung, là Não Thất Ba, nơi tâm điểm đầu não con người. Cửa trời ở đấy, Thượng Đế ở đấy, Thiên Nhãn ở đấy, Thiên thai cũng là đấy.

Đại Thừa Chân Giáo, nơi trang 61 viết: «Huyền quan nhất khiếu là chi? Là Thiên Nhãn vậy. Nó ở ngay Nê Hoàn cung, gom trọn chơn dương chính đạo…»

Nơi trang 56 lại viết: «Chữ Cao Đài là gì? Là Côn Lôn đảnh hay là Nê huờn, thuộc về thượng giới… Thiên môn là cái gì? Là cái khiếu Nê Hoàn cung đó. Chừng nào linh hồn phá Thiên Môn đặng là nhập vào Thượng Thanh Cung.»

Nơi trang 56, Đại Thừa Chân Giáo còn cho biết:

Trong hình thập tự, nơi nét sổ ngang có Tam Thanh chi vị. Tam Thanh là Chân Thanh, Ngọc Thanh và Thượng Thanh.

Chân Thanh là Nguyên khí, Thượng Thanh là Nguyên Thần, Ngọc Thanh là Nguyên tinh. Nếu Thượng Thanh là Nê Hoàn cung, là Não Thất Ba, thì Chân Thanh và Ngọc Thanh phải là xoang não bên của đầu não con người chứa đựng Nguyên tinh, Nguyên khí, Nguyên thần con người…

Nếu Thiên Nhãn ở đó, thì Chân Như Phật tánh cũng ở đó, Thiên Thai lạc cảnh cũng ở đó, Tâm vương cũng ở đó, nơi Trời người gặp gỡ cũng ở đó…

Đại Thừa Chân Giáo viết nơi trang 66:

 «Mỗi người có tánh Như Lai,

Tìm ra thấy sẵn Thiên thai bên mình.»

Thánh Giáo Sưu Tập 1972, nơi trang 138, viết:

«Tâm vương ngự trị ở con người,

Đó cũng là nơi hiệp với Trời…»

Đọc Giáo Lý Cao Đài ta thấy niềm tin rằng con người đã từ khối Đại Linh Quang xuống hồng trần, nên cần phải tu trì để trở về ngôi vị cũ, trở về quê hương cũ… (Thánh Giáo Sưu Tập 1970, các trang 87,185,195, 198, 199, 200, v.v…)

Vì thế mới chủ trương:

«Xưa toàn linh bước vào cõi tạm,

Tạm đầy rồi vượt phẩm Phật tiên,

Phải đâu, căn kiếp nghiệp duyên,

Sở sanh, sở trụ ở miền trần gian…»

(TGST 1970, tr. 198)

Như vầy là Cao Đài chấp nhận quan niệm Luân Hồi, chuyển kiếp… Và vì Cao Đài chủ trương vạn vật đồng nhất thể nên chủ trương: Ái vật, Ái nhân… (TGST 1972-73, tr. 24)

«Đạo tuy định nghĩa khắp muôn phương,

Căn bản làm đầu, một chữ thương,

Thương chúng, thương mình, thương tất cả.

Thì đem chân đạo sớm hoằng dương…»

(TGST 72-73, tr. 157)

Tu hành đắc đạo là: «Quán triệt chỗ hư linh để xả vạn duyên mà đắc pháp.» (TGST 1972, tr.133)

Thành Tiên, thành Phật, thành Trời:

«Đạo có gì đâu, Đạo ấy Trời,

Trời là Tiên Phật cũng là người.

Người hay giác ngộ thành tiên Phật,

Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời…»

(TGST 1972, tr. 170)

Theo Cao Đài, tu hành có mục đích là thành tiên, thành Phật, thành Trời.

«Tu hành là học làm Trời,

Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian?»

(TGST 70-71, tr.134)

Cho nên đắc đạo là: Trở về được với Điểm Đạo trong con người…

«Khi nhìn qua tất cả vạn vật, hình thức vẫn khác nhau, danh tánh khác nhau, nhưng tựu trung vẫn có một điểm đạo. Đó là Thượng Đế chí tôn, đó là nhân bản, đó là Thánh, Hiền, Tiên, Phật.» (TGST 1970, tr. 95)

Thế là đắc Nhất, thế là hợp nhất với Thượng Đế…

«Rồi từ cái được nhiều như vậy, các con nếu biết phương pháp để đạt tới sự đắc nhất, là chìa khóa mở cửa đạo, hiệp với đạo, hiệp với Thầy vậy.» (TGST 1970, tr. 207-208)

Thế là dùng lẽ MỘT mà cắt nghĩa tất cả.

Một là Bản nguyên vũ trụ, Một là căn do mọi biến hóa trong vũ trụ, và lúc chung cuộc con người lại trở về với Một, vạn hữu lại trở về với Một. Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể hay ở chỗ đó, mà đẹp cũng ở chỗ đó…

«Một là tất cả đó con ôi,

Tất cả biết gom: một lẽ Trời,

Mới ứng dụng vào trong thế sự,

Không là những chuyện nói đùa thôi…»

(TGST 1970-71, tr. 210)

Cao Đài còn có nguyện ước là đưa Việt Nam về với Căn Bản siêu việt đó;

«Đi về đâu VIỆT NAM ơi,

Về nơi Nhân Bản của Trời trước kia…»

(TGST 1970-71, tr. 215)

 

.KẾT LUẬN.

Xin kết luận Thiên Khảo Luận này bằng mấy ước mong:

* Ước mong rằng: những nét chính yếu về triết học, và đạo giáo nêu trên, sẽ vạch ra cho nhân loại sau này một con đường tiến hóa chân chính, để qui Căn phản Bản…

* Ước mong rằng học thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ vì phối hợp được mọi tinh hoa của nhân quần tự cổ chí kim, từ đông sang tây, sẽ góp được vào công cuộc xây dựng một ĐẠI ĐẠO cho nhân quần…

Saigon, 23.9.1976.

 


 

[1] Pháp bảo đàn kinh, Bát nhã phẩm đệ nhị. - Xin xem: Thích Đạo Quang, Đại cương triết học Phật giáo.

[2] Empty (Sunya) or emptiness (sunyata) is one the most important notions in Mahayana philosophy and at the same time the most puzzling for non-buddhist reader to comprehend. Emptiness does not mean «relativity» or «phenomenality» or «nothingess» but rather means the absolute or something of transcendental nature, although this rendering is also misleading as we shall see later…

 Dr. Suzuki, Manual of Zen Buddhism, p. 29.

[3] Phàm vật giả thủy ư không, Thái cực giả không dã. Không năng sinh Nhất, Nhất năng sinh vạn, dĩ vạn hoàn Nhất, Nhất phục hoàn không… 凡 物 者 始 於 空 , 太 極 者 空 也 .空 能 生 一 , 一 能 生 萬 , 以 萬 還 一 , 一 復 還 空 .

Không giả vạn vật chi tổ dã. Học giả yếu kiến Chân không, vật kiến giả không, yếu kiến Linh không, vật kiến ngoan không… 空 者 萬 物 之 祖 也 .學 者 要 見 真 空 , 要 見 靈 空 , 勿 見 頑 空. Xướng đạo chân ngôn, q.2, tr.9.

[4] Đơn giả thiên địa chi bản dã. Hà dĩ vi thiên địa vạn vật chi bản. Đơn giả, Đạo dã. Hư vô chi thể dã. Hư vô bất khả lập danh. Cố thánh nhân dĩ Đạo danh chi. Hư sinh Nhất, Nhất sinh vạn, vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư. 丹 者 天 地 之 本 也 .何 以 為 天 地 萬 勿 之 本 丹 者 , 道 也 .虛 無 之 體 也 .虛 無 不 可 立 名 .故 聖 人 以 道 名 之 虛 生 一 , 一 生 萬 , 萬 還 一 , 一 還 虛. Xướng đạo chân ngôn, q.3, tr.19.

[5] Đạo gia vị chi Hư, Phật gia vị chi Không. Không năng vô sở bất kiến, vô sở bất văn. Không vô sở cách, Không bản vô lượng vô biên. Cố nhân phát nhất niệm, đồng thất chi nhân bất tri, nhi vô lượng vô biên chi Không tri chi. Nhu gia chi thận độc Úy không cố dã… 道 家 謂 之 虛 佛 家 謂 之 空 空 能 無 所 不 見 無 所 不 聞 空 無 所 隔 , 空 本 無 量 無 邊 .故 人 發 一 念 同 室 之 人 不 知 而 無量 無 邊 之 空 知 之 .儒 家 之 慎 獨 畏 空 故 也. Xướng đạo chân ngôn, q.5, tr. 31.

[6] Đạo tán vi Đức 道 散 為 德, les produits divers du Principe sont les manifestations de sa vertu. Đức vi Đạo chi kỷ dã 德 為 道 之 己 也 , la chaîne infinie de ses manifestations de la vertu du Principe, peut s’appeler le dévidage du Principe. (Léon Wieger, Les Pères du Système taoiste, p. 29)

[7] Xem Xung Hư Chân Kinh 沖 虛 真 經, chương I.

[8] Xem Xung Hư Chân Kinh 沖 虛 真 經, chương I.

[9] Ngọc thư viết: Nhất tam ngũ, thất cửu. Đạo chi phân nhi hữu số. Kim mộc thủy hỏa thổ, Đạo chi biến nhi hữu tượng. Đông tây nam bắc trung, Đạo chi liệt nhi hữu vị. Thanh bạch xích hoàng hắc, Đạo chi tán nhi hữu chất. Số qui ư vô số, tượng phản ư vô tượng, vị chí ư vô vị, chất hoàn ư vô chất. Dục Đạo chi vô số, bất phân chi tắc vô số hĩ. Dục Đạo chi vô tượng, bất biến chi, tắc vô tượng dã. Dục Đạo chi vô tượng, bất biến chi, tắc vô tượng dã. Dục Đạo chi vô vị, bất liệt chi tắc vô vị hĩ. Dục Đạo chi vô chất, bất tán chi tắc vô chất hĩ. Vô số Đạo chi nguyên dã, vô tượng Đạo chi bản dã, vô vị Đạo chi chân dã. 玉 書 曰 : 一 三 五 , 七 九 道 之 分 而 有 數 .金 木 水 火 土 , 道 之 變 而 有 象 .冬 西 南 北 中 道 之 列 而 有 位 .青 白 赤 黃 黑 , 道 之 散 而 有 質 .數 歸 於 無 數 象 反 於 無 象 , 質 還 於 無 質 欲 道 之 無 數 , 不 分 之 則 無 數 矣 欲 道 之 無 象 不變 之 則 無 象 也 .欲 道 之 無 位 , 不 列 之 則 無 位 矣 欲 道 之 無 質 , 不 散 之 則 無 質 矣 .無 數 道 之 原 也 , 無 象 道 之 本 也 , 無 位 道 之 真 也. Linh Bảo Tất Pháp, hạ quyển, tr. 12a.

[10] Nam Hoa Kinh, Chí Lạc.

[11] Phù vật vân vân; Các qui kỳ căn; Qui căn viết tĩnh; Tĩnh viết phục mệnh; Phục mệnh viết trường… 夫 物 芸 芸 , 各 歸 其 根 . 歸 根 曰 靜 , 靜 曰 復 命 復 命 曰長.

[12] Vạn vật dữ ngã nhất thể dã. 萬 物 與 我 一 體 也 (Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, II, tr.700)

[13] Vũ trụ nội sự nãi kỷ phận nội sự. Kỷ phận nội sự, nãi vũ trụ nội sự. 宇 宙 內 事 乃 己 分 內 事 . 己 分 內 事 乃 宇 宙 內 事 (Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, II, 715)

[14] … Considérer l’univers comme faisant un tout et où le désordre d’une partie se répercute dans le tout, considérer encore l’homme comme un centre de cet univers et faire du cœur de l’homme le cœur de l’univers telle est l’idée contenue dans les livres classiques et exprimée surtout par les philosophes des Song… Avec tous les penseurs chinois, il (Wang Yang Ming) répète que l’homme c’est le cœur de l’univers, l’univers avec moi constitue un seul corps. (Wang Tchang Tche, S.J., La Philosophie morale de Wang Yang Ming, pp. 74-75).

[15] Mais l’opinion la plus suivie actuellement et qui me parait (pare) empruntée à la secte des idoles depuis 500 ans (Philosophie des Song) c’est que tout ce monde est fait d’une seule substance, et que le Créateur du monde avec le ciel et la terre, les hommes et les animaux, les arbres et les végétaux, et les quatre éléments forment un corps continu dont les divers êtres sont les membres. C’est de cette unité de substance que l’on déduit le devoir de la charité envers les hommes et la possibilité pour tous de devenir semblables à Dieu. (Henri Bernard Maýtre, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, p. 108).

[16] Mạnh Tử, Cáo tử (thượng), tiết 7: Cố phàm đồng loại giả cử tương tự dã. Hà độc chí ư nhân nhi nghi chi? Thành nhân dữ ngã đồng loại dã. 故 凡 同 類 者 舉 相 似 也 . 何 獨 至 於 人 而 疑 之 . 聖 人 與 我 同 類 也.

[17] Nhân hữu đẩu sao chi lượng, hữu phủ hộc chi lượng, hữu chung đỉnh chi lượng, hữu giang hồ chi lượng. Giang hồ chi lượng cố đại hĩ, nhiên hữu nhai sĩ, diệc hữu thời nhi mãn. Duy thiên địa chi lượng tắc vô mãn. Thánh nhân hữu thiên địa chi lượng dã.

 (Uyên giám loại hàm, mục chữ Thánh, tr. 4670)

[18] Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 64.

[19] Ngoài ra, các bài Cơ Bút còn được kết tập theo từng chủ đề riêng như khuyến tu hoặc dạy Pháp (tức là dạy luyện đan, luyện đạo); được in ấn và lưu hành trong một chi phái hay hội thánh nào đó, vốn là nơi đã thiết đàn để có các bài Cơ Bút ấy. Các bài khuyến tu, khuyến thiện thì có tính phổ truyền (phổ biến rộng rãi cho mọi người trong và ngoài đạo) nhưng các bài Cơ Bút dạy Pháp (luyện đan, luyện đạo) thì có tính mật truyền (chỉ truyền cho một vài tín đồ được tuyển chọn). Đã là mật truyền thì thân thiết như cha con cũng không được phép truyền dạy cho nhau hay đưa nhau đọc. Có những đàn Pháp quan trọng (thí dụ: dạy khẩu quyết hay chỉ điểm cách khai mở huyệt đạo, v.v.) thì các đấng Thiêng Liêng (thông qua đồng tử ứng khẩu) sẽ vấn đáp trực tiếp với tu sĩ. Cơ bút không dùng ở đây để tránh tiết lậu ra người ngoài, vì e rằng những kẻ hiếu kỳ, bạc hạnh, căn trí thấp thỏi, lén đọc và tự luyện tập theo sai lạc, dẫn tới điên loạn.


»» [ mục lục ]  [ phần A ]  [ phần B ]