TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

» Mục lục » Lời tựa » Lời nói đầu


 

LỜI TỰA

 

Tác giả bộ Trung Dung tân khảo có nhã ý nhờ tôi đề tựa cuốn sách của ông. Tôi chẳng dám từ chối, trước để khỏi phụ lòng tin cậy của tác giả, sau vì tôi là một trong những người đầu tiên đã nhận thấy giá trị cuốn sách và đã trao tặng cho tác giả giải thưởng Lecomte du Noüy của Tinh Việt văn đoàn năm 1960-1961. Tôi đã đọc bộ sách, và đã cùng với tác giả thảo luận về đề tài cũng như về những quan niệm của ông trình bày trong đó, vậy thiết nghĩ tôi có thể tóm lược vài nét đại cương về cuốn sách để giới thiệu nó với độc giả. Trước tiên, đọc sơ qua bộ Trung Dung tân khảo, ta thấy ngay tác giả chẳng những khảo cứu Trung Dung, mà còn xây dựng một học thuyết mới mẻ về Trung Dung nữa.

Tác giả đã khảo cứu Trung Dung về nhiều khía cạnh:

- Từ nguyên (étymologie)

- Ngữ nghĩa (sémantique)

- Tượng hình (symbolique)

- Triết học (philosophie)

- Sử học (Histoire)

- Đạo học (Religion)

 Tác giả đã biến một đề tài rất khô khan, rất phức tạp, khó hiểu thành một đề tài linh động, hấp dẫn, sáng suốt. Được vậy, có lẽ vì tác giả đã tìm ra chìa khóa để mở kho tàng tư tưởng cổ nhân. Theo tác giả chìa khóa ấy đã dấu sẵn trong nhan đề sách, trong hai chữ Trung Dung và trong tượng hình của chữ Trung . Tác giả dịch Trung Dung là Trung điểm bất biến, và dùng hai chữ Trung Dung để tìm ra nguyên lý và cùng đích của cuộc đời. Cũng như trong hình học, trung điểm hay tâm điểm có thể sinh ra nhiều vòng tròn, thì trong Trời đất, một nguyên lý, một tâm điểm bất biến cũng có thể phát huy ra muôn vàn hình tượng tạo dựng nên muôn loài, muôn vật. Tác giả lại dựa vào định luật tuần hoàn, phản phúc của Trời đất, mà suy luận ngược lại rằng cùng đích cuộc đời của mỗi người chính là tìm ra tâm điểm bất biến của vũ trụ, của tâm hồn con người.

Tác giả dựa vào tượng hình, cho rằng chữ Trung chẳng qua là một vòng tròn với tâm điểm , hay một tấm bia tròn với một mũi tên xuyên qua giữa hồng tâm ϕ. Như vậy chữ Trung cũng đã đủ để ám chỉ nguyên lý và cùng đích của cuộc đời. Trong tất cả bộ sách tác giả chứng minh bằng mọi phương cách, cố dẫn chứng bằng lời lẽ của các nhà hiền triết Nho giáo để chứng minh rằng Trung tâm, Trung điểm là ngôi vị của Thái cực, của Trời.

Cho nên, muốn tìm đạo, tìm Trời, tìm tinh hoa nhân loại phải tìm trong tâm khảm con người, trong trung tâm điểm của con người. Tất cả vấn đề là làm sao tìm ra được tâm con người. Muốn đạt mục đích ấy, tác giả đã dùng phương pháp đạo giáo đối chiếu (religions comparées), triết học đối chiếu (philosophies comparées), tượng hình đối chiếu (symboliques comparées) để xác định đâu là tâm khảm con người.

Dựa vào những chứng cớ trên, tác giả chủ trương tâm khảm con người không nằm trong lồng ngực như nhân gian thường chủ trương, mà chính là ở giữa não thất III, ở giữa não con người. Nhờ những quan niệm vừa giản dị, vừa độc đáo nói trên, tác giả đã tìm ra được những gì bí ẩn của Trung Dung.

Trong ba tập Trung Dung tân khảo, tác giả đã dùng nhiều phương pháp khác nhau cốt chứng minh Trung Dung là Trung đạo hay là một huyền học.

Trung đạo (ésotérisme)[1] tức là giai đoạn «nhập thất» [2] được truyền tâm pháp, và những lẽ huyền vi, khác với ngoại đạo (exotérisme) hay giai đoạn sơ bộ của các đạo giáo tức là giai đoạn mới được truyền thụ những điều thô thiển phù phiếm.[3]

Chu Hi cũng đã nhận chân Trung Dung có mục đích tối hậu là đưa con người đến chỗ cùng huyền, cực thánh.[4] Như đã nói trên, Trung đạo là một giai đoạn đạo giáo tối thượng, nên chỉ chú trọng đến những lẽ huyền vi cao diệu, vì thế còn gọi là huyền học (mysticisme). Nó đòi hỏi con người một tư chất thông minh đặc biệt, một cố gắng không ngừng, và một ân sủng đặc biệt của Thượng đế. Vì thế những người phàm trần khó bề thấu hiểu, tiến tới. Xưa ở cổng trường của Pythagore có dựng tượng thần Hermès, và bệ tượng có đề hai chữ: Eskato béléloï nghĩa là: «Phàm phu xin lùi gót.» [5]

Dẫu sao, cũng nên bàn qua về Trung đạo, về huyền học để đọc giả dễ thông cảm với tác giả bộ Trung Dung tân khảo này. Trung đạo hay huyền học có nét đại cương sau đây:

1) Tin tưởng, và hơn thế nữa, cảm giác thấy một nguyên lý bất biến, hay nói nôm na là có Trời, có Thượng đế tiềm ẩn trong tâm hồn mình.

2) Tu sửa tâm hồn mình cho hết khuyết điểm dở dang, để nên giống khuôn thiêng bất biến, nên giống khuôn thiêng hoàn thiện của Trời nơi đáy lòng mình.

3) Mục đích tối hậu của công cuộc tu thân, của cuộc đời là để trở nên hoàn thiện như Trời, để kết hợp với Trời, đó là «phối Thiên» theo Trung Dung.

4) Phương tiện mục đích để đạt mục tiêu đó là học hỏi không ngừng để tìm ra nguồn gốc định mệnh hết sức cao quí của con người, triền miên suy tư để tìm ra những định luật Trời đất, những định luật tâm lý hầu giúp mình cải tiến, biến hóa tâm hồn, tiến tới tinh hoa, tiến tới hoàn thiện, tóm lại là cố gắng mãi mãi, cố gắng không ngừng, để lướt thắng mọi trở lực, băng qua mọi giai đoạn, và chỉ ngừng lại ở mức hoàn thiện. Đó là «Chỉ ư chí thiện» của Đại học.

5) Kết quả tối hậu mà con người sẽ gặt hái được tức là «Phối Thiên» tức là kết hợp với Trời, cùng đất Trời trường sinh bất tử. Những quan niệm, những chủ trương nói trên đã được đề cập tới trong Trung Dung, và đã được đề cập tới một cách tinh vi tế nhị, kiến người ta phải suy tư nhiều mới nhận thức được. Những quan niệm này cũng không phải là di sản riêng tư của Trung Dung hay của Khổng thuyết, mà trái lại chúng là di sản của danh nhân, hiền triết mọi nơi, mọi đời: Lão Tử, Trang tử, Bồ đề đạt ma, Krishna, Orphée, Hermès, Pythagore, Platon, Jean de la Croix hay Eckhart cũng chẳng chủ trương chi khác lạ hơn... Dịch kinh cũng đã viết: «Thiên hạ lo gì nghĩ gì? đường đi khác nhau, nhưng mục đích là một, tư lự trăm chiều mà chân lý không hai.» [6]

Bộ Trung Dung tân khảo gồm ba tập:

- Tập một: Trung Dung khảo luận

- Tập hai: Trung Dung bình dịch

- Tập ba: Trung Dung yếu chỉ phụ lục.

Trong tập Trung Dung khảo luận, ta có dịp cùng tác giả đi chu du trong “rừng nho, biển thánh”, thưởng thức kinh Thi, tìm lại bí quyết tương truyền từ Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Vũ, Chu Công cho tới Khổng Tử, Mạnh Tử, khảo sát đường lối tư tưởng của danh nho danh sĩ Trung Hoa, cũng như của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mở rộng tầm khảo sát ra cho tới các đạo giáo, các môn phái triết học, các phát minh tối tân của y học, khoa học. Tất cả những khảo sát đó cốt để tìm ra nguyên lý cuộc đời, tìm ra đường đi, nước bước của con người, của nhân loại tùy theo mỗi tuổi mỗi thời, và cũng là để tìm ra cùng đích cao sang tối hậu của con người.

Trong tập Trung Dung bình dịch, tác giả đã dùng các thể thơ lục bát, song thất lục bát và thơ mới để dịch toàn bộ Trung Dung. Vì dịch giả thấu triệt được mạch lạc ý tứ Trung Dung, nên thường dịch rất lưu loát. Tác giả lại còn toát lược đại ý mỗi chương mỗi đoạn để độc giả thấy rõ ý nghĩa mạch lạc Trung Dung. Ngoài ra, trong mỗi bài mỗi đoạn, tác giả còn trưng thêm nhiều danh ngôn, danh ý để đối chiếu, như muốn đem Trung Dung hòa tấu chung với bản nhạc tư tưởng mọi nơi mọi đời, vừa làm tăng thêm ý vị Trung Dung, vừa giúp độc giả hiểu thấu sâu rộng.

Trong tập Trung Dung yếu chỉ và phụ lục, tác giả thâu tóm vi ý Trung Dung bằng 200 câu thơ song thất lục bát, lời văn giản dị, nhẹ nhàng. Ngoài ra còn thêm một phần phụ lục rất dồi dào, tập trung lại nhiều thiên khảo luận có dính dấp tới Trung Dung, để mọi người rộng đường tham khảo.

Đọc bộ Trung Dung tân khảo, ta nhận thấy tác giả đã dày công nghiên cứu và làm sáng tỏ một vấn đề then chốt của đạo Nho. Tuy là một thiên khảo luận, một đề tài triết học và siêu hình học nhưng tác giả đã có một lối hành văn dễ hiểu, không nhàm chán.

Đằng khác, tác giả còn đưa ra nhiều quan điểm triết học, và nhân sinh quan rất mới mẻ, mặc dầu vốn đã tiềm tàng trong Tứ thư, Ngũ kinh. Thiết tưởng cũng nên nêu ra ít nhiều chủ trương của tác giả:

I. Về con người, tác giả phân tách ra nhiều tầng lớp, và chủ trương trong lớp nhân tâm phù phiếm, biến thiên còn có lớp đạo tâm, thiên tâm là khu nữu, làm tiêu chuẩn, chủ chốt. Mọi nơi mọi đời đều hướng về chân tâm ấy như là quê thật của mình. Đó là thiên địa chi tâm, đó là núi Côn Lôn với dân Trung Hoa, đó là núi Tu Di với dân Ấn Độ; đó là Jerusalem, là núi Sion đối với dân Do Thái, đó là Athènes, là Delphes là nơi chôn nhau cắt rốn (emphalos = ombilic) đối với dân Hy Lạp, v.v.[7]

2. Tác giả dựa vào Trung Dung và Dịch kinh đưa ra một nhân sinh quan vô cùng biến hóa, luôn thích thời mà cũng luôn siêu thời trước thấp sau cao, trước trọng vật chất, sau trọng tinh thần, tuần tự nhi tiên đúng theo quẻ âm dương tiêu trưởng của Trời đất, để chung cuộc tiến tới hoàn thiện.

3. Tác giả cũng còn dựa vào vòng Dịch, để suy ra định luật tuần hoàn, và đưa ra một giả thiết mới mẻ về chu kỳ lịch sử nhân loại, gồm hai chiều xuôi ngược, từ tinh thần tiến ra vật chất, rồi từ vật chất trở lại tinh thần, và chủ trương rằng: lúc chung cuộc lịch sử, nhân loại sẽ sống hoàn thiện theo đúng thiên ý, phối hợp với Trời.

4. Tác giả còn đưa ra một giả thiết mới mẻ về y học, về cơ thể học (anatomie) khi chủ trương rằng trung tâm não bộ là chân tâm của con người, để đi đến một kết luận triết học, đạo học rằng Trời chẳng xa người mà tiềm ẩn trong ngay tâm khảm, trong đầu não con người.

5. Nhưng có lẽ một phát minh độc đáo nhất là tác giả chỉ dùng một tâm điểm và một hay nhiều vòng tròn đồng tâm để mà khám phá ra huyền cơ vũ trụ, khám phá ra các tầng lớp trong con người, khám phá ra các định luật chi phối con người, và vũ trụ. Lúc thì tác giả để vòng tròn đứng nguyên cho ta thấy một chân tâm và nhiều tầng lớp khác nhau bao bọc; lúc để vòng tròn di động cho ta trông thấy sự biến thiên chất chưởng của các tầng lớp bên ngoài, và sự bất biến hằng cứu của trung tâm, cũng như để suy ra các định luật «hiển-vi», «tụ-tán», những lẽ «vãng-phản», «tồn-vong», «doanh-hư» của vũ trụ, của con người. Tác giả cũng chỉ dùng có một hình tròn để làm như một chìa khóa tìm ra tinh hoa các đạo giáo; tìm ra trung điểm, trung đạo của các đạo giáo; dùng một tâm điểm và nhiều vòng tròn đồng tâm để phơi bày những tương đồng tương dị của các đạo giáo, dùng hình tròn để tìm ra nguyên ủy thủy chung của cuộc đời, dùng một tâm điểm và nhiều vòng tròn đồng tâm để thuyết minh hai chiều vãng phản của cuộc đời, để chủ trương rằng con người phải luôn tiến bước không được dừng chân đứng lại ở chặng đường nào, ở giai cấp nào, mà phải tiến tới trung tâm điểm, tiến tới hoàn thiện.

Đọc bộ Trung Dung tân khảo, chẳng những ta thâu thái được tinh hoa đạo Nho, mà còn lĩnh hội được quan điểm, tư tưởng của các bậc hiền triết mọi nơi mọi thời.

Đọc Trung Dung, ta liên tưởng tới những học thuyết Âu Á cổ kim đã lấy Trung điểm, lấy Trời làm khởi điểm và cùng điểm của vũ trụ, của con người.

Sách Zohar chẳng hạn cũng đã gọi khởi điểm đó là Yod. Tâm điểm tối thượng ấy dần dà biến thành nhiều tầng lớp, để phát sinh ra muôn vật, phát sinh ra vũ trụ; tầng trong tế vi, cao diệu tầng ngoài cục mịch thô sơ, như áo như vỏ hỗ trợ tầng trong.

Tâm điểm là Thượng đế, các tầng lớp bên ngoài là những lớp vỏ, lớp áo, là quần sinh vũ trụ. Lúc chung cuộc, đấng Tối Cao sẽ vứt bỏ mọi lớp áo xống bên ngoài, mà hiện ra trong vinh quang tuyệt đối; vả lại mọi sự cũng trở về cội gốc như đã phát sinh ra do cội gốc, như Henri Sérouya đã trình bày trong cuốn Kabbale.

René Guénon một nhà huyền học cận đại cũng đề cập nhiều đến Trung điểm, Trung Dung trong các sách của ông.[8]

Nhà triết học trứ danh hiện đại là Carl G. Jung cũng đã dày công khảo cứu về Trung Dung, Trung điểm theo ý nghĩa huyền học.[9]

Trong cuốn Jnana Yoga, ông Vivekananka nhà hiền triết Ấn Độ cũng chủ trương cần phải tìm cho ra tâm điểm bất biến của vũ trụ và của tâm hồn con người, rồi ra mới xác định được các tầng cấp giá trị. Ông quan niệm tâm điểm vũ trụ hay Thượng đế ở ngay trong tâm hồn con người, và quyết đoán rằng các hiền triết xưa nay đều quay về thâm tâm mình để tìm cho ra tâm điểm bất biến đó.[10]

… Hai chiều tiến hóa, vãng phản của tâm thần mà tác giả luôn luôn đề cập tới trong bộ Trung Dung tân khảo làm chúng ta nhớ lại quan niệm của Pythagore về định luật «Âm dương tiêu tức» của Trời đất.[11]

Tóm lại, với công phu tìm tòi khảo sát, tác giả cuốn Trung Dung tân khảo đã khai thác được cả một kho tàng tư tưởng của cổ nhân, đã tìm ra được nhiều điều bí ẩn về thân thế và định mệnh con người, đã phơi bày ra được các tầng lớp trong con người, đã phác họa được vòng tuần hoàn của cuộc đời, vẻ ra được một con đường để con người có thể đi theo, xuyên qua vật chất trần thế để hoàn thiện mình, tiến tới Thượng đế, nguồn gốc của mọi vật.

Viết về một vấn đề cũ đã khó, viết về một đề tài cũ mà còn tìm ra được những cái hay, cái mới lại càng khó hơn. Tác giả cuốn Trung Dung tân khảo đã thành công về điểm sau này.

Người Nhật đã nói: «Ông Khổng tại Nhật Bổn là ông Khổng sống, ông Khổng tại Trung Hoa là ông Khổng chết.» Đó là vì người Nhật đã biết tìm cái mới, cái tinh hoa của Khổng học, trong khi người Trung Hoa chỉ biết truyền dạy cho nhau một chiều về tư tưởng người xưa từ mấy ngàn đời.

Ước gì cuốn Trung Dung tân khảo này sẽ gây cảm hứng cho nhiều tâm hồn thiện chí khác chịu khó tìm tòi khảo cứu Khổng thuyết, một học thuyết đã làm nền tảng cho văn hóa Á Đông, để vị Vạn thế thánh sư của Trung Hoa trở thành Đức Khổng sống trên đất Việt Nam, hầu mưu ích cho cá nhân và cho cả dân tộc.

Sài gòn, ngày kỷ niệm Khổng Tử 28-9-1963

PHẠM ĐÌNH TÂN

Đoàn trưởng Tinh Việt Văn đoàn


[1] Xem các đồ bản của tác giả như các tầng lớp con người (hình 3). Trung đạo (hình 19)

[2] Tử viết: «Do chi sắt, hề vi ư Khâu chi môn.» Môn nhân bất kính Tử Lộ. Tử viết: «Do dã thăng dường hĩ, vị nhập thất dã.» 子 曰: 由 之 瑟 奚 為 丘 之 門. 門 人 不 敬 子 路. 子 曰: 由 也 升 堂 矣, 未 入 室 也 (Luận Ngữ, Tiên tấn, XI câu 14)

[3]... C'est un jour heureux, un jour d'or, comme disait les Anciens, que celui où Pythagore recevait le novice dans sa demeure et l'acceptait solennellement au rang de ses disciples. On entrait d'abord en rapports suivis et directs avec le maître; on pénétrait dans la cour intérieure de son habitation, réservée à ses fidèles. De là le nom d'ésotériques (ceux du dedans) opposé à celui d’exotériques (ceux du dehors). La véritable initiation commençait... (Edouard Schuré, Les grands initiés, p. 327)

[4] Chung ngôn thánh thần công hóa chi cực. 終 言 聖 神 功 化 之 極. Trung Dung, chương I.

[5] cf. Les grands initiés, p. 318.

[6] Thiên hạ hà tư hà lự? Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự? 天 下 何 思 何 慮? 天 下 同 歸 而 殊 塗, 一 致 百 慮. 天 下 何 思 何 慮? (Dịch hệ từ hạ)

[7] Xem các ảnh trong phụ lục IX.

[8] Như các cuốn của René Guénon: Le Symbolisme de la Croix, L'homme et son devenir selon le Védanta, Symboles fondamentaux de la science sacrée…

[9] Xem Carl Gustav Jung, Psychology and Alchemy.

[10] Xem Swami Vivekananda, Jnana Yoga, tr. 138 và 500.

[11] “C’est donc en Égypte que Pythagore acquit cette vue d’en haut qui permet d’apercevoir les sphères de la vie et les sciences dans un ordre concentrique de comprendre l’involution de l’esprit dans la matière par la création universelle et son évolution ou sa remontée vers l’unité par cette création individuelle qui s’appelle le développement d’une conscience…» (Edouard Schouré, Les grands Initiés, p. 284)

» Mục lục » Lời tựa » Lời nói đầu