PHẬT HỌC CHỈ NAM

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 14

MẠN ĐÀM VỀ THIỀN

 

Cách đây ít lâu tôi có soạn một bài khảo luận nhan đề Suy tư về Thiền. Bữa nay muốn hầu chuyện cùng quý vị về Thiền, thoạt đầu tôi muốn đem bài đó trình bày cùng quý vị, nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy nó không thích hợp, nên tôi soạn thảo lại một bài khác lấy tên là Mạn đàm về Thiền.

Sở dĩ tôi dùng bốn chữ Mạn đàm về Thiền, là cốt làm sao trình bày vấn đề cùng quý vị một cách hồn nhiên, giản dị, tránh hết những gì có vẻ trường ốc, kiểu điệu, khảo cứu. Chính vì vậy mà hôm nay, quý vị cũng đừng nên kỳ vọng nhiều ở nơi tôi, và miễn thứ cho những gì nông cạn, những gì thô sơ, những gì thiển cận trong bài nói chuyện hôm nay.

Tôi sẽ lần lượt trình bầy:

1. Bộ mặt đa dạng của Thiền.

2. Kinh nghiệm bản thân về Thiền.

3. Ba bản kinh căn bản của Thiền.

4. Sơ phác về lịch sử Thiền tông.

5. Cốt tủy của Thiền.

6. Kết luận.

 

1. BỘ MẶT ĐA DẠNG CỦA THIỀN 

Thiền quả là một cái gì đa dạng. Cao thì hết sức cao, thấp thì cũng hết sức thấp. Khi cao thôi vẫy vùng trong bản thể vũ trụ và Bản thể con người, chỉ bàn về Chân tâm, Vọng tâm, chỉ bàn về Bản thể và Hiện tượng, chỉ bàn về Giác ngộ, Siêu thoát. Khi thấp thời một ngu phu, ngu phụ cũng có thể thực hành được lập tức. Đó là ngồi cho ngay ngắn và thở cho điều hòa.

Chữ Thiền trong thời đại này trở nên hết sức quyến rũ. Nó gắn liền với công phu tu trì. Đối với quần chúng, ai không ngồi Thiền không tập thở, thì người ấy chưa tu.

Thiền cũng có thể là liều thuốc chữa bách bệnh. Người ta thường khoe ngồi Thiền là giảm áp huyết. Ngồi thiền làm cho cơ thể khoan giãn, tâm tư tĩnh định, nên có khả năng chữa được bệnh lo âu, phiền não, do đời sống vật chất, văn minh căng thẳng gây nên. Chính vì vậy mà ở Mỹ này có rất nhiều Thiền đường.

Thiền cũng có thể là một nghệ thuật sống. Sống đơn sơ, sống tự nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên.

Thiền cũng đã gợi hứng cho cả một nền văn học, nghệ thuật: ta có thơ Thiền, trà đạo (trà thiền), kiếm đạo, cung đạo, võ đạo như ta đã thấy nhất là ở Nhật Bản,

Nhiều người còn quảng cáo Thiền như là một phương cách giúp ta xuất hồn đi chu du khắp nơi mà không mất tiền mua vé máy bay, vé xe lửa, đằng vân như Tề thiên Đại thánh, đi khắp muôn phương, lên các cõi trời, và có thể gập tiên, gập Phật; có thể được ăn đào tiên, có thể được nghe thuyết pháp v.v...

Dầu sao thì thế lực của Thiền cũng đã có thời lớn mạnh đến nỗi làm lu mờ các tông phái Phật giáo khác. Ở Việt Nam hai chữ Cửa Thiền tức là Cửa Phật, tức là Chùa Chiền.

Ngày nay, ảnh hưởng Ấn giáo, Phật giáo đang thấm thấu vào Mỹ qua ngả Thiền. Ví dụ những thiền viện của các giáo phái The Self Realization Fellowship do Yogananda sáng lập, có đại bản doanh tại Los Angeles, hay phong trào The Transcendental Meditation Movement của Maharashi Mahesh, hay Thiền phái Liên Hoa của Nhật, tức phái Soka Gakkai v.v...

Tôi không phủ nhận một khía cạnh nào nói trên của Thiền. Trong buổi nói chuyện hôm nay, tôi không muốn đi sâu vào kỹ thuật Thiền, mà chỉ muốn trình bày cốt tủy của Thiền, đúng như các vị Tổ đã dậy. Thế là tôi muốn đưa quý vị lên tới Nguồn Thiền, bàn về tinh hoa của Thiền, để xem khi Thiền sơ phát, thì các Tổ Thiền muốn dậy gì, và bộ mặt thực của Thiền ra sao.

Thế là: 

«Muốn tắm mát, thời lên ngọn cái con sông đào,

Muốn ăn sim chín thời vào rừng xanh.» 

Khi đã đạt rõ mục đích, chúng ta mới có thể bàn về vấn đề một cách chính xác và khoa học được.

Tôi rất ngại khi phải đưa ra một định nghĩa về bất kỳ một vấn đề gì, vì một khi đã đem từ ngữ, đem tượng hình để cùm xiềng điều mình muốn quan sát, lập tức nó trở nên tù túng, mất tự nhiên, trở thành hữu hạn, trở thành vụng về. Dưới đây, tôi mượn lời thiền sư Suzuki, đưa ra một khái niệm tổng quát về Thiền như sau: «Thiền cốt yếu là nghệ thuật kiến chiếu vào Thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ phiền trược đến giải thoát; đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống, uống ngụm nước đầu nguồn. Thiền cốt bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sinh linh hữu hạn, luôn luôn quằn quại dưới ách khổ lụy trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả những năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mổi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi, đến không vùng thoát đâu được.»

Tôi sẽ lần lượt khai triển định nghĩa về Thiền nói trên trong buổi nói chuyện hôm nay.

 

2. KINH NGHIỆM BẢN THÂN TÔI VỀ THIỀN 

Thiền trước hết là nghệ thuật kiến chiếu vào Thể tánh của chúng ta.

Để hiểu những lời lẽ then chốt trên, tôi xin phép quý vị được đề cập đến một kinh nghiệm bản thân của tôi.

Tôi đã có duyên may tìm ra Thể tánh của mình, một cách ngẫu nhiên hết sức bất ngờ. Số là năm 1956, nhân có phong trào chấn hưng Khổng học, tôi được hội Cổ học Đà Nẵng mời làm Phó hội trưởng và yêu cầu tôi làm một bài thuyết trình về Khổng Giáo. Lúc ấy, tôi mới bắt đầu nghiên cứu đạo Khổng. Khi suy cứu về Trung dung, một hôm tôi mới trực giác rằng mình có Thiên tính, trực giác rằng mọi người phần xác, phần hồn ra còn có phần Thần, phần Thiền, và tôi bắt đầu tìm lại được học thuyết Tam Tài về con người. Tôi thấy rằng con người có ba phần:

Phần xác tức là phần địa, sống bằng giác quan.

Phần hồn tức là phần nhân, sống bằng tâm tư, trí lự.

Phần Thiền sống bằng linh tri, linh giác, huệ giác, lương năng.

Phần xác, phần hồn thời sống trong vòng sinh tử, lệ thuộc không gian thời gian.

Phần Thần, phần Thiền thời sống siêu không gian thời gian, trường sinh bất tử, hạnh phúc miên trường.

Khi ấy, lập tức tôi tìm ra được điểm tương đồng giữa các đạo giáo, và chủ trương tương đồng giữa các đạo giáo:

Phần hồn, phần nhân tương ứng với:

- Nhân tâm, nhân dục trong Nho giáo.

- Tâm hay Nhân tâm trong Lão giáo.

- Vọng tâm, Vọng ngã, Tiểu ngã trong Ấn giáo và Phật giáo.

Phần Thần, phần Thiên tương ứng với:

- Thiên tâm trong Khổng giáo.

- Đạo hay Thần trong Lão giáo.

- Atman, hay Đại ngã trong Ấn giáo.

- Đại ngã, Chân ngã, Chân tâm trong Phật giáo.

Tôi lại thấy rằng:

Chân đạo là đi vào nội tâm để tìm cho ra cái Bản thể siêu tuyệt của con người, và phần hồn chỉ là phần tạm bợ. Một lúc nào đó, nó cần phải chết đi, cần phải tiêu tan đi, thì cái Thần mới biểu dương được.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao

- Khổng giáo nói: Nhân dục tận, Thiên lý hiện.

- Đạo Lão nói: Tâm tử, Thần hoạt.

- Đạo Phật dậy diệt ngã, tức là diệt tiểu ngã, tượng trưng bằng Tham, Sân, Si.

- Đạo Bà la Môn nói: Tat tvam Asi: Con chính là Cái đó. Con chính là Atman vô thượng.

Và khi đọc lại Phúc Âm, tôi thấy Chúa Jesus, cũng luôn luôn nhấn mạnh: Phải bỏ bình (Mat. 16:24; Luke 9:23), Không được cứu hồn mình, mà phải bỏ hồn mình (Mat. 10: 37; 16: 24; Luke 9: 23- 24; Like 17- 33; John, 12:25); Mà phải sinh lại bằng Thần (Spirit) mới vào được nước Trời, nước Chúa (John. 3:4- 5).

Bản Kinh Thánh Vulgata, bằng tiếng La Tinh nhất luật dùng chữ Anima (Hồn) trong các câu then chốt trên. Các bản dịch Anh, Pháp sau này nhất luật dùng chữ Vie, chữ Life (sự sống) để dịch. Theo tôi các bản dịch Anh Pháp đã làm hư nguyên nghĩa. Thực hết sức tai hại.

Nếu dịch Anima là Hồn, lập tức Đông Tây sẽ gặp gỡ.

Sau khi đã tìm ra được phần Thiên, trong con người tôi thấy tầm nhìn, lối nghĩ của tôi trước đó thật là nông cạn, phù phiếm, sốc nổi.

Từ khi tìm ra được phần Thiên trong con người, tôi vào các đạo giáo thiên hạ một cách hết sức dễ dàng.

Và sau này, khi đi giảng dậy Triết học Đông phương tại Việt Nam hay tại Mỹ, tôi luôn luôn thôi thúc mọi người hãy cố bỏ lối sống phiến diện, phù phiếm, mà cố tìm cho ra một đời sống thâm trầm, phong phú hơn, sống động hơn. Nói cách khác, tôi đã cố gắng đem phần Thần trả lại cho con người.

Và để nhấn mạnh hai phần nông sâu trong con người, tôi thường kể chuyện sau:

Trước đây ở Việt Nam, thường có chuyện người Tầu để của. Một hôm có cặp vợ chồng người Trung hoa đến một làng Việt, gặp các kỳ lão, và cho biết cha ông xưa đã để của tại một địa điểm gần làng đó. Họ xin phép được đào lên, trước sự chứng kiến của dân làng. Đào được bao nhiêu họ sẽ chia đôi: họ một nửa, dân làng một nửa. Đến khi đào lên, quả tình moi lên được mấy cái chum, nhưng trong chum chỉ có toàn nước lã. Hai vợ chồng người Trung Hoa vật mình than khóc, cho rằng mình vô phúc, nên vàng chôn đã biến thành nước. Dân làng thấy vậy bỏ về. Từ ấy hai vợ chồng người Trung Hoa sống dở điên dở cuồng, và sống lây lất ở một miếu hoang gần đó. Dân làng hoàn toàn nghĩ rằng họ tiếc của nên phát điên, và không còn ai để ý đến họ nữa. Nhưng vào một đêm tối trời, hai vợ chồng đó ra chỗ để vàng đào lại, và đào sâu hơn. Quả nhiên bấy giờ họ đào được vàng, và trốn đi không phải chia xẻ cho ai.

Tôi nhân chuyện đó đã khuyên mọi người hãy cố đi sâu vào tâm khảm của mình, và sẽ tìm ra được Nguồn sinh lực, Nguồn hạnh phúc vô biên, địa vị sang cả tuyệt luân của mình.

Và tôi dã dùng hình vẽ đơn giản sau đây, để phân giới hạn giữa Hồn và Thần, để minh định địa vị của Hồn và Thần.

Tôi dùng hình Mặt Trời để tượng trưng cho phần Thần, phần Thiên, cho Bản tính hằng cửu, phần Chân Ngã, Đại Ngã, Chân Như.

Tôi dùng hình Mặt Trăng để tượng trưng cho phần Hồn, phần Nhân, phần Vọng Tâm, Vọng Ngã. Mặt Trời hay hình tròn tượng trưng cho cái gì hằng cửu, sáng láng, viên mãn.

Mặt Trăng hay hình Bán nguyệt, tượng trưng cho cái gì Biến thiên, sinh diệt, khi tỏ khi mờ, khi đầy khi vơi, khi vui khi buồn, khi sướng khi khổ.

Giữa hai hình, là một vùng đen sậm, tượng trưng cho bức màn vô minh, cho mây mù nhân dục, che lấp mất Nguồn gốc sáng láng, vĩnh cửu. 

Nhìn vào đồ hình này, ta sẽ hiểu khẩu quyết của Thiền:

Giáo ngoại biệt truyền,              敎 外 別 傳

Bất lập văn tự,                           不 立 文 字

Trực chỉ nhân tâm,                    直 指 人 心

Kiến Tính thành Phật.              見 性 成 佛

Dịch: 

Truyền nhau Đạo cả huyền vi

Chẳng nề kinh sách, tâm đi thẳng vào

Minh Tâm, kiến Tánh mới hào

Ấy là «thành Phật» tiêu hao gót đầu 

Tóm lại muốn thành Phật, điều kiện tiên quyết là phải cảm nghiệm được một cách mãnh liệt rằng mình có Phật tính, mình có Thiên Tính. Và khi cảm nghiệm được như vậy, con người sẽ giác ngộ.

Trong quyển Đạt Ma Huyết Mạch Luận có đoạn: «Muốn tìm Phật, cần thấy tánh, vì tánh là Phật. Nếu chẳng thấy tánh, thì niệm Phật tụnh kinh, chay lạt, giữ giới, nào có ích gì.» (Thiền Luận, Bộ Thượng, tr. 372).

Sự giác ngộ nói trên có thể đến một cách bất thình lình, có khi đến sau một thời gian lâu lai tiềm tàng suy cứu:

Bách Trượng (709- 788) giác ngộ khi bị thầy là Mã Tổ (709- 788) vặn mũi (Ib. tr. 382)

Hương Nghiêm (724- 814) giác ngộ khi đang chặt cây quét lá, bỗng nghe tiếng một viên sỏi đụng vào khóm tre (Ib. tr. 386)

Diên Thọ (904–975) nghe có tiếng bó củi rơi mà giác ngộ (Ib. tr. 399)

Cao Phong (1238–1285) giác ngộ sau khi tiềm tâm suy cứu nhiều ngày về mấy công án: Muôn vật trở về Một, Một trở về cái gì? Ai mang cho ông cái thân vô tri giác ấy? (Ib. tr. 405)

Bạch An Huệ Hải (1683–1768) giác ngộ sau nhiều ngày miệt mài suy tư về chữ Vô của Triệu Châu (Ib. tr. 407).

Từ trên sắp xuống, tôi chỉ muốn trình bày một vấn đề then chốt của Thiền đó là:

Con người có Phật tính, có Chân Tâm hằng cửu khuất lấp sau lớp Vọng tâm, Vọng ngã.

Thiền có mục đích giúp con người đi sâu vào đáy lòng để tìm cho ra Chân bản thể ấy của mình, đồng thời cũng là bộ mặt thật của mình, là Bản Lai Diện Mục của mình.

 

3. BA BẢN KINH CĂN BẢN CỦA THIỀN 

Thiền tuy nói là không chấp trước vào một kinh sách nào, nhưng vẫn có ba kinh làm nền tảng. Thoạt kỳ thủy, Đạt Ma tổ sư (?- 528) khuyến khích đọc kinh Lăng Già.

Đến thời Hoằng Nhẫn (601–674), Huệ Năng (638–713) lại sùng thượng kinh Kim Cương.

Sau thời Huệ Năng, ta có kinh Pháp Bảo Đàn của Huệ Năng.

Ba kinh nói trên có liên quan gì đến Thiền? Dĩ nhiên là có!

Chúng ta sẽ bàn sơ về ba kinh trên. 

a) Kinh Lăng Già 

Kinh Lăng Già được dịch ra tiếng Trung Hoa đời Lưu Tống (424–454). Nó là một bản kinh tương đối khó đọc, khó hiểu.

Nó được Sư bà Diệu Không dịch và in năm 1971, và Thượng tọa Thích Thanh Từ dịch năm 1975. Lăng Già là tên một ngọn núi ở biển Nam. Núi này cao chót vót nhìn xuống biển cả, không có đường vào. Vua Dạ Xoa La Bà Na và Bồ Tát Ma Đế đến thỉnh Như Lai lên núi để giảng kinh. Toàn kinh là một cuộc đối thoại giữa Như Lai và Bồ tát Đại Huệ.

Kinh giảng về đề mục chính là Như Lai Tạng.

Như Lai Tạng chính là Chân Như Bản Thể của con người. Trong kinh còn dùng nhiều danh từ khác tương đương để gọi Như Lai Tạng, như Chân Như, Chân Tánh, Niết Bàn Tâm, Tâm, Không, Vô Diệt, Thường, Nhất Thiết Trí, Giải Thoát, Bình Đẳng, Bất Nhị v.v...

Như Lai Tạng, cái Bản Thể Chân Thường, hằng cửu, siêu việt ấy của con người, còn được gọi là Thánh đế đệ nhất nghĩa.

Kinh Lăng Già khuyên chúng ta phải tự tu, tự chứng lấy Chân Lý tuyệt diệu ấy ở nơi mình.

Muốn tới núi Lăng Già, biển phải lặng, gió phải yên. Muốn lên tới đỉnh Lăng Già, con người phải có bản lĩnh phi thường. Cũng một nhẽ, muốn chứng nghiệm được Như Lai Tạng nơi mình, lòng con người cần phải vắng lặng dục tình; con người cần phải vượt lên trên phạm vi ngôn ngữ, suy luận thông thường, phải dùng tuệ giác mới chứng nghiệm được Như Lai Tạng, cái Căn Phật đó ở nơi mình. Kinh gọi Tuệ Giác là Thánh trí tự giác của Như Lai, hay Giác, hay Bồ Đề...

b) Kinh Kim Cương 

Kinh Kim Cương đã được đại sư Cưu Ma La Thập, người xứ Dao Tần, sang Tầu khoảng năm 392, dịch ra tiếng Trung Hoa. Kinh Kim Cương rất phổ thông ở Việt Nam, và hiện nay có nhiều bản dịch ra tiếng Việt. Hiện ta có những bản dịch của Đoàn Trung Còn, Thích Tuệ Hải, Thích Thanh Từ v.v...  Kinh Kim Cương được phổ biến quảng đại trong quần chúng, có lẽ vì nó ngắn gọn. Có nhiều câu hầu như đã trở thành sáo ngữ, như: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. 應 無 所 住 而 生 其 心 (Không nên nương dựa vào đâu mà sinh tâm) (Kim Cương, 10).  

Hay: 

«Nhất thiết hữu vi pháp,         一 切 有 爲 法

Như mộng huyễn bào ảnh,    如 夢 幻 泡 影

Như lộ diệc như điện,              如 露 亦 如 電

Ưng tác như thị quán.»            應 作 如 是 觀

Năm 1965 tôi đã dịch đoạn trên như sau: 

«Hãy nhớ kỹ hình hài sắc tướng

Đều một tuồng mộng tưởng mau qua

Đều là bào ảnh quang hoa,

Sương vương ngọn cỏ, chớp lòa chân mây... » 

Hoặc: 

«Nhược dĩ sắc kiến Ngã,        若 以 色 見 我

Dĩ âm thanh cầu Ngã,             以 音 聲 求 我

Thị nhân hành tà đạo,             是 人 行 邪 道

Bất năng kiến Như Lai.»        不 能 見 如 來

Dịch: 

Đừng dùng thanh sắc cầu Ta,

Như Lai vô tướng đâu là sắc thanh.

Nếu là thanh sắc liệng vành

Như Lai mơ thấy, âu đành công toi. 

Và tôi đã tóm đại ý kinh Kim Cương bằng mấy vần thơ sau:

Hãy rũ bỏ phù vân sắc tướng,

Hãy cố tìm Vô Thượng Bồ Đề.

Niết Bàn muốn rõ nẻo về,

Đừng nên chấp trước đam mê lụy trần.

Con đường giải thoát nội tâm,

Cố suy cố nghĩ, cố tầm cho ra

Vọng tâm cố vén mây mù,

Băng qua hình tướng vào tòa Như Lai

Nơi vô trụ là nơi an lạc

Pháp vô vi là pháp thánh hiền

Chớ đừng dính líu sự duyên,

Đừng đem thanh sắc mà phiền Như Lai

Hãy nhớ kỹ hình hài, sắc tướng,

Đều một tuồng mộng tưởng mau qua,

Đều là bào ảnh quang hoa,

Sương vương ngọn cỏ, chớp lòa chân mây

Như Lai chẳng ở đây ở đó,

Chẳng đi đâu, chẳng có đến đâu,

Như Lai ở sẵn lòng sâu,

Vào sâu tâm khảm mà cầu Như Lai

Mục đích kinh Kim Cương hết sức giản dị.

Làm sao tìm ra được Kim Cương Thân bất hủy hoại trong cái sắc thân, cái vọng tâm biến thiên hủy hoại này? 

Lăng Già Kinh gọi Kim Cương Thân đó là Như Lai Tạng, còn Kim Cương Kinh gọi thân đó là Tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, hay Tâm Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Tóm lại, muốn hiểu kinh Kim Cương hay kinh Lăng Già nói riêng, các Kinh Đại thừa nói chung; muốn hiểu Thiền, muốn tu Thiền cho thấu triệt, cho rốt ráo, chúng ta phải phân biệt nơi con người chúng ta hai thứ Tâm, hai thứ con người, hai bộ mặt:

1/ Con người vĩnh cửu, tức là Chân Tâm Như Lai, tức Bản Lai Diện Mục siêu xuất không gian, thời gian, siêu xuất hình danh sắc tướng, không trụ trước vào hình danh, sắc tướng, «phi thân», «phi tướng», vô biên tế, siêu xuất sinh tử.

2/ Con người biến thiên, sinh tử, cái vọng tâm kết cấu bởi nhân duyên, bởi ngũ uẩn, lục trần, trụ trước vào hình danh sắc tướng; cái vọng tâm có quá khứ, hiện tại, tương lai; cái vọng ngã luôn bị tam độc tham sân si lũng đoạn; cái phàm tâm si mê, bị vô minh ô trược phủ lên trên những tấm màn âm u trùng điệp; cái phàm ngã thương đau, bị cuốn lôi trong cơn gió lốc luân hồi, chẳng khác gì những chiếc lá khô vô tri giác; cái bộ mặt hóa trang nhem nhuốc, bị trần ai ngoại cảnh thoa lên trên những lớp phấn son giả tạo, những lớp bùn nhơ của trần ai tục lụy, trơ trẽn đóng những vai trò đời ngớ nga ngớ ngẩn, như những con rối vong thân trên muôn ngả đường đời.

Bao lâu còn ôm ấp vọng tâm, vọng ngã, tưởng đó là mình, thì bấy lâu còn là những phàm phu, tục tử, còn là chúng sinh, còn chịu định luật quả kiếp, luân hồi.

Khi nào chứng ngộ được rằng mình có Chân tâm thuờng trụ nơi mình, tức là phát được Tâm chính đẳng chính giác, là vào được cõi Phật, và Niết Bàn lập tức hiện ra trong sát na...

Kinh Lăng Nghiêm nơi Chương 3 viết: «Tại sao, từ hồi nào đến giờ, các ông cứ nhận cái vọng thân tứ đại giả hợp này cho là thật thân mình; cái vọng tưởng sinh diệt này cho là thật «cảnh» của mình, mà lại bỏ cái Chân Tâm thường còn bất sinh, bất diệt của mình sẵn có kia đi? Bởi thế nên các ông phải nhiều kiếp sinh tử luân hồi, thật rất là oan uổng.»

c) Pháp Bảo Đàn Kinh 

Kinh này mô tả cuộc đời của Lục Tổ Huệ Năng từ một cư sĩ vô danh xay lúa, giã gạo bổ củi trong chùa, cho đến khi giác ngộ được truyền y bát, cho đến khi thành Lục Tổ hoằng dương Thiền học, uy nghi, trang trọng.

Vì các đại thiền sư sau này như Mã Tổ, Bách Trượng, Triệu Châu, Đơn Hà, Thạch Đầu, Hương Nghiêm, Qui Sơn v.v...  xa gần, trước sau, đều là các đệ tử nhiều đời của Ngài, và Ngũ Tông Thất Phái Thiền Trung Hoa sau này như Tào Động, Lâm Tế, Vi Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn, và hai phái của Lâm Tế là Huỳnh Long, và Dương Kỳ, đều phát nguồn từ Thiền Huệ Năng, nên theo tôi, muốn tu thiền, chỉ việc thâm cứu một quyển Pháp Bảo Đàn Kinh là đã đủ.

Ai đọc Pháp Bảo Đàn Kinh cũng phải chú tâm đến hai bài kệ của Thần Tú và của Huệ Năng làm, nhân dịp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn muốn truyền y bát.

Thần Tú là một người học vấn uyên thâm, văn chương lỗi lạc, hiện đang cầm đầu 500 tăng chúng, dưới quyền lãnh đạo của Hoằng Nhẫn. Huệ Năng là một người làm, xay thóc giã gạo trong bếp của chùa, chưa được quy y, thụ giới, lại không hề biết đọc, biết viết.

Bài kệ của Thần Tú: 

Thân thị bồ đề thụ,                

Tâm như minh kính đài,        

Thời thời cần phất thức,        

Vật sử nhạ trần ai.                   使

Chuyển dịch: 

Thần là cây bồ đề

Tâm như đài gương sáng

Thường ngày hằng chau chuốt

Chớ cho bám trần ai. 

Huệ Năng nhờ người đọc cho nghe bài kệ của Thần Tú. Nghe xong liền chê là bài kệ chưa đạt tới bản tính, và lập tức nhờ người viết bài kệ của ông như sau:

Bồ đề bản vô thụ              

Minh kính diệc phi đài       

Bản lai vô nhất vật            

Hà xứ nhạ trần ai?             

Chuyển dịch: 

Bồ đề vốn không cây

Gương sáng chẳng phải đài

Xưa nay không một vật

Nơi nào bám trần ai? 

Trong khi Thần Tú còn lo ôm ấp, chùi rửa vọng tâm, thì Huệ Năng một vút đã đạt tới Chân tâm. Hoằng Nhẫn trước công chúng thì khen kệ của Thần Tú, và lấy giầy xóa kệ của Huệ Năng đi. Nhưng Ngài gọi riêng Thần Tú vào chê rằng: Ngươi làm bài kệ này, chưa thấy được bản tính; mới ở ngoài cổng, chưa vào được trong nhà. Với cái nhìn, cái biết ấy, làm sao đạt được Vô Thượng Bồ Đề. Mặt khác, Ngài đi xuống bếp gập Huệ Năng ngầm hẹn canh ba đêm đó vào gập Ngài. Cũng trong đêm đó, Ngài truyền dậy Huệ Năng những vi ý của Kinh Kim Cương.

Huệ Năng sau khi đọc xong câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm của kinh Kim Cương, liền giác ngộ và ứng khẩu đọc rằng: 

Hà kỳ tự tính bản tự thanh tịnh,             何 其 自 性 本 自 清 凈

Hà kỳ tự tính bản bất sinh diệt,              何 其 自 性 本 不 生 滅

Hà kỳ tự tính bản tự cụ túc,                    何 其 自 性 本 自 具 足

Hà kỳ tự tính bản vô động dao,             何 其 自 性 本 無 動 搖

Hà kỳ tự tính năng sinh vạn pháp...       何 其 自 性 能 生 萬 法  

Dịch: 

Nào hay Tự Tánh sạch trong

Nào hay Tự Tánh vô cùng khinh phiêu

Nào hay gồm đủ mọi điều

Nào bay bất biến muôn chiều chẳng lay,

Nào hay muôn vật xưa nay

Đều do Tự Tánh phơi bầy hiển dương...  

Khẩu khí Huệ Năng chứng tỏ ông đã đạt tới Chân tâm thường trụ của đất trời. Ngũ Tổ nói: «Nếu không biết được Bản tâm, thời học pháp vô ích. Nếu biết được Bản tâm, thấy được Bản tâm, tức gọi là Trượng phu, là Thiên Nhân Sư Phật.»

Sau đó đem y bát truyền trao cho Huệ Năng, tôn xưng là Lục Tổ.

Mới hay các tổ Thiền chỉ truyền cho nhau Chân Tâm. Truyền Chân tâm tức là truyền Tâm ấn.

 

4. SƠ PHÁC LỊCH SỬ THIỀN TÔNG 

Đối với Thiền tông, Tổ Thiền dĩ nhiên là Đức Phật Như Lai.

A) Ấn Độ có tất cả 28 vị tổ sư Thiền. Trong đó ta biết ít là 6 vị. Đó là:

1/ Thích Ca.

2/ Ma Ha Ca Diếp.

3/Anan.

12/ Mã Minh

14/ Long Thọ.

28/ Đạt Ma.

B) Trung Hoa có 6 tổ:

1/ Đạt Ma tổ sư (528).

2/ Huệ Khả.

3/ Tăng Xán.

4/ Đạo Tín.

5/ Hoằng Nhẫn (601- 674).

6/ Huệ Năng (638- 713).

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có hai đại đệ tử:

Một là Huệ Năng, sáng lập ra Thiền Nam Tông còn gọi là Thiền Đốn Ngộ.

Hai là Thần Tú, sáng lập ra Thiền Bắc Tông hay Thiền Tiệm Tu.

Bắc Tông không chia ra môn phái.

Nam Tông, hậu duệ của Huệ Năng hết sức thịnh vượng, dần dà chia thành 5 nhà, hay 5 phái (Ngũ gia, ngũ phái):

1/ Lâm Tế.

2/ Vi Ngưỡng.

3/ Tào Động

4/ Vân Môn

5/ Pháp Nhẫn.

Phái Lâm Tế thịnh nhất, sau lại chia thành hai:

Hoàng Long và Dương Kỳ.

Vì thế người Trung Hoa sau này gọi gộp Nam Tông là Ngũ Gia, Thất Tông.

C) Thiền Việt Nam. Tất cả có 8 phái:

1/ Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Tỳ Ni Đa Lưu Chi (594) là học trò Tam Tổ Tăng Xán, sang Việt Nam đời vua Lý Phật Tử.)

2/ Phái Vô Ngôn Thông [Thiền sư Vô Ngôn Thông (?- 826), đồng thời với Quy Sơn (771- 853) và Huỳnh Bá (586), sang Việt Nam năm 850, đời Đường Tuyên Thông. Lúc ấy Việt Nam đang bị Bắc thuộc lần thứ 5].

3/ Phái Thảo Đường [Thiền sư Thảo Đường bị vua Lý Thánh Tông bắt từ Chiêm Thành về năm 1069. Thiền sư là người Trung Hoa thuộc phái Vân Môn, và là học trò Vân Môn (949).]

4/ Phái Trúc Lâm Yên Tử, do vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sáng lập.

5/ Phái Tào Động [phái này truyền sang miền Nam (Đàng Ngoài) do Thiền sư Tri Giáo Nhất Cú, đời pháp 27 Tào Động, khoảng thế kỷ XVII. Các chùa Hòa Giai, Hàm Long, Trấn Quốc ngày nay thuộc Tào Động.]

6/ Phái Lân Giác (1696) ở Bạch Mai (Bắc Việt) thuộc dòng Lâm Tế, truyền sang Việt Nam đời vua Lê Hi Tông.

7/ Phái Nguyên Thiều thuộc dòng Lâm Tế, do Thiền sư Nguyên Thiều truyền vào Trung Việt Huế, năm 1712, đời Lê Dụ Tông.

8/ Phái Thiệt Diệu Liễu Quán, do Thiền sư Liễu Quán (- 1743) người Việt Nam thuộc dòng Lâm Tế, sáng lập. Thiền Lâm Tế dần dần truyền xuống miền Nam.

 

5. CỐT TỦY CỦA THIỀN 

- Mục đích của Thiền là làm Phật, làm Tổ, chứ không phải là làm tăng hay làm Phật tử.

- Thiền là quán chiếu nội tâm, để tìm cho ra Phật tính bên trong, chứ không phải là van vái, cúng quải, lễ bái bên ngoài.

- Thiền không cầu Phật bên ngoài, không quy y với Phật bên ngoài, mà cầu Phật nơi tâm, quy y Phật nơi tâm.

- Thiền đề cao giá trị con người, muốn khai phóng, triển dương những năng lực còn tiềm ẩn nơi con người.

- Thiền giúp chúng ta phá vỡ vòng tù túng của các khuôn sáo, phép tắc giả tạo bên ngoài, để sống một đời sống thực sự tự do, hồn nhiên, khinh khoát.

- Thiền muốn chúng ta vươn vượt lên trên các phạm trù ngôn ngữ, lý luận thông thường, để cảm nghiệm thấy cái Bản thể chân thường, viên dung, toàn mãn bất khả tư nghị của vũ trụ và của con người.

- Chúng ta có thể dùng đời sống hoặc lời lẽ các thiền sư danh tiếng để chứng minh những điều trên.

Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28 ở Ấn Độ, và là sư tổ khi Đông độ. Ngài vào Trung Quốc năm 520 đời Lương Vũ Đế, và đã được vua vời vào bệ kiến tại kinh đô lúc ấy là Kiến Khang.

Phật giáo truyền bá vào nước Tầu, vào khoảng năm Vĩnh Bình thứ 10, đời Minh đế nhà Đông Hán, tức là năm 67 Tây lịch.

Tính đến đời Lương Vũ Đế, Phật giáo đã có 500 năm lịch sử. Đạo Phật lúc đó đã biến thành một đạo giáo quần chúng, chỉ lo xây chùa đúc tượng, cầu Phật, cúng tăng bên ngoài, chứ không biết gì về bí quyết tìm Phật nơi tâm, tìm Niết bàn nơi tâm.

Lương Vũ Đế khi gặp Đạt Ma đã hãnh diện khoe rằng đã cho xây nhiều chùa, cho chép nhiều kinh, độ nhiều tăng, và hỏi Đạt Ma như vậy công đức của vua ra sao? Đạt Ma thưa không có gì! Dưới đây là lời đối thoại giữa Lương Vũ Đế và Đạt Ma:

Lương Vũ Đế hỏi: Từ ngày tức vị đến nay, trẫm cất chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể, có công đức gì không?

Sư đáp: Đều không có công đức.

Đế nói: Sao không có công đức?

Sư nói: Đó chỉ là nhân hữu vi, chỉ đem đến quả nhỏ trong cõi trời người, như bóng theo hình, tuy có nhưng không thực.

Đế hỏi: Vậy công đức chân thực là gì?

Sư nói: Trí phải thanh tịnh, thể phải lắng không. Đó là chân công đức. Công đức ấy không thể lấy việc thế gian mà cầu được.

Lương Vũ Đế hỏi: Chân lý cùng tột của đạo thánh là gì?

Sư đáp: Khuếch nhiên vô thánh, nghĩa là trống rỗng hồn nhiên không có gì là thánh.

Đế hỏi: Trước mặt trẫm là ai?

Sư đáp: Không biết.  

Tôi cô đọng ý Đạt Ma trong cuộc đối thoại trên thành mấy vần thơ sau:

Xây chùa, đúc tượng, chép kinh,

Độ tăng, niệm Phật, công lênh đáng gì!

Trí thanh, tâm tịnh huyền vi

Chân Tâm thể nhập diệu kỳ biết bao!

Vào nơi Vô Tướng mới hào,

Thánh phàm như nhất, nhẽ nào biện phân.

Sá chi vọng ngã phàm trần,

Nay còn mai mất, bận tâm làm gì!

 Lương Vũ Đế với Đạt Ma là hai thái cực. Lương Vũ Đế, một con người còn ôm ấp cái tâm phan duyên, cái vọng tâm sinh diệt, luôn luôn chạy theo sắc tướng phù phiếm bên ngoài, thì làm sao có thể hiểu được Đạt Ma, một người đã đạt tới Chân Tâm minh linh huyền diệu của vũ trụ, và của con người?

Như trên đã nói, mục đích Thiền là làm Phật, là thực hiện Phật tính nơi tâm, chứ không phải là lậy Phật, lễ Phật bên ngoài.

Các tổ Thiền chỉ truyền thụ cho nhau Chân Lý duy nhất này. Các kinh Lăng Già, Kim Cương, Pháp Bảo Đàn chỉ xiển minh chân lý duy nhất này:

Trong kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thích Thanh Từ dịch, Phật Học Viện Quốc Tế phát hành năm 1982, nơi đầu phần II, trang 134, Bồ tát Đại Huệ đã xác quyết với Phật rằng chư Phật xưa nay đã đồng thanh dậy rằng trong thân mọi chúng sinh, dưới lớp xống áo nhơ bẩn của tham dục, sân si, vọng tưởng và các thứ trần lao, đều đã có sẵn Như Lai Tạng với 32 tướng của Phật, chẵng khác nào như một viên ngọc vô giá đã bị buộc vào một chiếc áo dơ bẩn.

Nguyên văn như sau: «Khi ấy Bồ tát Đại Huệ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trong kinh Phật nói Như Lai Tạng, Tự Tính thanh tịnh chuyển 32 tướng vào trong thân tất cả chúng sinh, như hạt châu rất quý cột trong chéo áo nhơ. Như Lai Tạng thường trú không biến đổi cũng thế, cột trong chiếc áo nhơ ấm giới và tham dục, sân si, vọng tưởng chẳng thật, các thứ trần lao làm ô uế. Đây là lời diễn nói của chư Phật... »

Đẹp đẽ thay lời tuyên xưng của Kinh Lăng Già về con người!

Khi đọc kinh Kim Cương do cụ Đoàn Trung Còn chú thích, tôi cũng thấy đầy dẫy những lời chú thích hết sức là cao siêu về thân thế và giá trị tuyệt luân của con người.

Nơi trang 21, chú 3, cụ viết: Cái thân hình xác thịt người ta, ví dầu có to lớn lắm, thì cũng bằng núi Tu Di là cùng. Đó chỉ tạm gọi là to lớn mà thôi. Còn cái không phải thân (phi thân), cái Pháp thân, cái Phật tánh, cái Như Lai Tánh, mới thật to lớn, vì Nó bao gồm vũ trụ, vạn vật. Nó tỉ như không gian vô tận.

 Nơi trang 51, chú 1, cụ viết: «Người tu Đại thừa nên nhận thấy Đức Chân Phật là Chân Ngã, Như Lai Tạng hay Như Lai Tánh, Chân Như có đủ bốn đức Vô Lượng: Từ bi, Hỉ xả, Chân Phật ấy Chân Ngã ấy tức là Đức Thích Ca Mâu Ni, và cũng là một người chân thật của chúng ta vậy. Đức Chân Phật ấy, Chân Ngã ấy, xưa nay vẫn ở trong chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn thấy, vì bị các phiền não che ngăn vậy.» 

Thế thật là: 

Lơ thơ chùa rách giữa đàng

Ai hay lại có Phật vàng ở trong

Trong thân xác tướng long đong

Ai hay lại có chủ ông đất trời! 

Riêng tôi, mỗi khi tôi nghe những lời thơ bi quan, như: 

Bể thảm mênh mông sóng ngập trời

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Dù ai ngược gió ai xuôi gió

Xem lại cũng trong bể thảm thôi 

Tôi thấy lòng xìu lại như uống phải liều thuốc ngủ. Còn khi nghe thấy những câu kinh, câu chú hùng tráng tuyên xưng giá trị con người, tôi vui mừng đến như muốn nhẩy múa lên.

Và tôi rất lấy làm lạ là con người vô cùng cao cả như vậy, mà lại trở thành những thứ bình vôi già cũ, như cụ Phan Khôi đã đề cập tới, lòng càng ngày càng teo lại, càng thắt lại, vì những vôi hòn, vôi cục học thuyết này, chủ nghĩa nọ, mà người ta cứ tống mãi vào lòng mình, trong khi trên phương diện thực tế, mỗi khi mở đôi mắt ra là có thể thâu cả vũ trụ vào trong, mỗi khi suy tư mường tượng là có thể gom dĩ vãng, tương lai nhân quần vào nằm gọn trong tâm thần, trí lự. Hay tệ hơn nữa, con người luôn xưng mình là những kẻ phàm hèn, tội lệ, những hạng ăn mày ăn xin...  Tôi cho rằng thái độ ấy là một thứ thái độ bao che, những lời nói giả vờ không thực, cốt che dấu sự thực, che dấu thân phận sang cả của mình, để cho đất trời khỏi ghen ghét mình, cũng y như các bà nhà quê, đẻ con ra đặt hết tên Cún, tên Vàng, lại đến tên Vện, tên Mực, không dám đặt cho con mình những tên đẹp, không muốn ai khen con mình kháu khỉnh, bầu bĩnh, dễ thương...

Tuy nhiên, nếu không biết mình có căn Phật, cốt Phật, thì không sao hiểu Thiền.

Lâm Tế thiền sư, khi không hét, cũng nói được những câu sâu sắc.

Ngày kia Ngài nói: «Trên đống thịt đỏ lòm, có một vị chân nhân thường ra vào theo lới cửa mở trên mặt các người. Thầy nào sơ tâm, chưa chứng được thì nhìn đây.»

Có một thầy bước ra hỏi: «Vô vị chân nhân ấy là gì?» Lâm Tế bước xuống Thiền sàng, nắm cứng thầy ta, hét lớn: «Nói đi! Nói đi!» Thầy ta đang lính quýnh thì Tổ buông ra, trề môi nói: «Vô vị chân nhân, ồ chỉ là một cái cọc phân khô.» Rồi đi thẳng vào phương trượng. (Thiền Luận, quyển Thượng, tr.24) 

Thế tức là: 

Biết ra: tức Phật, tức Trời,

Vô minh, ngu muội, muôn đời phàm phu! 

Trong Thiền Luận quyển 1, nơi trang 555, có bài Bạch Ẩn tọa thiền ca. Tôi tóm thâu lại thành mấy vần thơ sau đây: 

Chúng sinh là Phật bổn lai,

Như băng với nước, rằng hai nhẽ nào.

Nước không băng khởi nơi nao?

Chúng sinh không có, Phật đào đâu ra?

Đạo Trời kề sát bên ta

Kiếm đôn, kiếm đáo, càng xa đạo Trời.

Vẫy vùng trong nước kìa ai,

Mà gào nước uống, xin hoài thương sao!

Kìa ai, con một phú hào,

Lộn sòng cùng tử, ra vào truân chiên!

Luân hồi sáu cõi triền miên

Kìa ai chìm đắm giữa miền vô minh!

Hãy nhìn cho tỏ Tánh mình

Rồi ra sẽ thoát khỏi vành nhiễu nhương.

Vui trong «Bất Dị» miên trường

Trăng «từ» rải sáng muôn phương rạng ngời.

Pháp Thân tỏa rạng muôn nơi,

Liên hoa đua nờ, khắp trời liên hoa..

Một khi đã biết Phật tức Tâm, Tâm tức Phật, thời những chuyện cầu Phật, niệm Phật, lễ Phật bên ngoài đối với nhiều vị Thiền sư đã trở nên không còn cần thiết:

Có một thầy tăng đến kiếm Triệu Châu hỏi: «Tôi sẽ hành cước về phương Nam, Thầy có vui lòng khuyên bảo điều gì không?» Châu nói: «Nếu ông sang phương Nam, nơi nào có Phật, ông cứ lặng lẽ đi qua, nơi nào không có Phật, cũng đừng ở lại.» 

Một thầy tăng hỏi Kim Sơn Đạt Quán: «Thầy có niệm Phật không?» Sư đáp: «Không hề.» «Tại sao không?» «Vì e dơ miệng.» (Thiền Luận, quyển Trung, chú thích 2 & 3, tr. 80). 

Thiền sư Đơn Hà, trong một đêm đông đã chẻ tượng Phật, đem đốt để sưởi.

Indra đời Nguyên đã vẽ thành tranh và Sở Thạch (1296-1397) đã đề bút vào tranh như sau:

Cổ tự thiên hàn độ nhất tiêu,                      古

Bất câm phong lãnh, tuyết phiêu phiêu.   不

Hiện vô thiện lợi hà kỳ đặc,                         現

Đán thủ đường trung mộc phật thiêu.         旦  

Dịch: 

Đêm đông chùa cổ ngủ nhờ đêm

Gió thổi, tuyết rơi, lạnh khắp miền

Nay thấy tượng kia không ích lợi

Chi bằng bổ đốt sưởi ấm thêm. 

Thiền sư Thích Thanh Từ bình về tích này một cách hết sức sâu sắc như sau: «Quên tâm mình chạy theo hình thức bên ngoài, càng tu càng xa đạo. Không có sự giác ngộ nào ngoài tâm mà có. Phật là giác, nếu chúng ta cầu Phật mà quên tâm, thử hỏi có bao giờ thấy Phật. Những hình tượng Phật, Bồ Tát thờ bên ngoài, chỉ là phương tiện gợi lại cho chúng ta nhớ bản tâm. Nếu chúng ta không chịu nhớ bản tâm, cứ cầu cạnh nơi hình tượng bên ngoài, thật là một việc trái đạo. Vì thề thiền sư Đơn Hà đã bạo dạn đem thiêu tượng phật gỗ. Viện chủ Hướng nóng lòng hỏi: «Tại sao thiêu tượng Phật của tôi?» Sư đáp: «Thiêu tìm xá lợi.» Thật là một câu đáp bất hủ. Vậy mà Viện chủ còn ngây thơ hỏi: «Phật gỗ làm gì có xá lợi.» Sư bảo: «Thỉnh thêm hai vị nữa thiêu.» Quả nhiên một tiếng sấm sét mang tai, làm sao Viện trưởng không tỉnh ngộ được. Do đó người sau nói: «Đơn Hà thiêu Phật gỗ, Viện chủ rụng lông mày.» (Đơn Hà thiêu mộc Phật, Viện chủ lạc mi mao). Hành động táo bạo của Đơn Hà là một sức mạnh phi thường, đánh thức được người đang chìm trong giấc mê hình thức... » (Thích Thanh Từ, Trung Hoa chư Thiền đức hành trạng, Tập Một, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, 1988. Lời dẫn đầu.) 

Tôi càng ngày càng nhìn nhận thấy rằng: Dưới lớp lang biến ảo của hình hài, thể xác, trí lự, tâm tư, còn có cái Vô Cùng. Cái Vô Cùng trong tôi, trong quý vị chính cũng là cái Vô Cùng nơi chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tiên Thánh muôn đời. Đó chính là Chân Tâm, là Đại Ngã, là Niết Bàn.

Cái Vô Cùng đó chính là «Chánh Pháp Nhãn Tàng», «Niết Bàn Diệu Tâm», «Thực Tướng Vô Tướng», «Vi Diệu Pháp Môn» mà Đức Phật truyền cho Ca Diếp, mà các Tổ Thiền Trung Hoa và Việt Nam truyền thụ cho nhau, dưới hình thức Tâm Ấn.

Giác Ngộ chính là lúc con người vượt lên trên được cái bức màn vô minh của ngoại cảnh, của hình hài, của tâm thức, mà thể nhập vào cảnh giới vô cùng, vô biên, vô ngại đã ở sẵn trong tâm khảm mình, mà cũng chính là Bản Thể mình.

Nói nôm na, thì Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm, Chân Như Bản Thể chẳng qua chỉ là Lương Tâm nơi tôi và quý vị.

Vương Dương Minh có làm 7 bài Tứ Tuyệt vịnh Lương Tâm mà ông gọi là Lương Tri; tôi xin phỏng dịch để cống hiến quý vị: 

Thân anh, ai nấy có Thiên Chân

Khỏi phải cầu nhân, phải vấn nhân

Hãy dựa Lương Tri tu đức nghiệp

Giấy cũ đọc chi, phí tinh thần

 

Lương tri thấy được lúc độc tri,

Ngoài biết ấy ra há biết gì?

Ai ai cũng có Lương Tri sẵn,

Hồ dễ mấy ai biết Lương Tri.

 

Hồ dễ mấy ai biết Lương Tri,

Mình ngứa, mình đau, tự mình ghi.

Đem cái ngứa đau cùng người hỏi,

Ngứa đau hồ dễ với người chia?

 

Trong tâm ai cũng có Trọng Ni,

Kiến văn trùm lấp mới u mê,

Nay ta đem chỉ chân «đầu diện»,

Chính thực Lương Tri chớ khả nghi.

 

Sao anh suốt buổi chạy Tây, Đông,

Trong vòng phiền não uổng dụng công,

Đừng nói Thánh Môn không khẩu quyết,

Lương Tri hai chữ ấy Tham Đồng.

 

Trong ta ai cũng sẵn nam châm,

Căn Nguyên vạn hữu sẵn nơi tâm,

Nực cười ta trước nhìn lộn ngược,

Ngoại cảnh chi li vất vả tầm.

 

Vô thanh vô xú lúc độc tri,

Áy thực Kiền, Khôn, vạn hữu ki.

Vứt bỏ cửa nhà, kho vô tận,

Từng cửa xin ăn, thực thảm thê...

 Bài thơ của Vương Dương Minh cũng chính là chủ trương đi vào tâm mà tìm Phật của Đạt Ma và của các thiền sư.

Muốn đạt tới đạo Thiền, phải có đủ Giới, Định, Tuệ, và thực hiện Chân Tâm. Giới hạnh là da, thiền định là thịt, trí huệ là xương, Chân Tâm mới là tủy. [1]

Một thiền sinh, khi chưa giác ngộ, thường bị các thiền sư xỉ vả, đánh đập. Mỗi khi vào «tham thiền», tức là vào phòng thầy, để trình bày những suy tư của mình về một vấn đề, phải lậy bên ngoài cửa mấy lậy; khi vào phòng rồi lại phải lậy mấy lậy, hết sức là cung kính thầy. Nhưng khi đã giác ngộ có thể đánh lại thầy, có thể cuốn chiếu không thèm nghe thầy dậy nữa. Làm như thế mà thầy không giận, trái lại còn mừng rỡ, vì trò mình đã nhận thấy chân giá trị siêu việt của nó. Đó là trường hợp của Bách Trượng và Lâm Tế. Một hôm, nhân cùng nhau đối thoại về bầy le bay trên trời, Bách Trượng bị Mã Tổ vặn mũi đau chết điếng, và ông giác ngộ.

Sau đó, Bách Trượng phát huy bản lãnh, đã cuốn chiếu, không thèm nghe thầy giảng, đẩy lui thầy vào hậu trường, dọc ngang như một chúa tể.

Lâm Tế trước khi giác ngộ, đã nhiều lần cắn răng để cho thầy là Huỳnh Bá đánh, đánh mỗi lần mấy chục hèo, chỉ vì tội dám hỏi thầy về đạo. Khi đã giác ngộ đã dám đánh Đại Ngu thiền sư, bạn thầy mình, và đánh lại cả thầy mình là Huỳnh Bá.

Nói cách khác, khi chưa giác ngộ, khi còn là chúng sinh, một thiền sinh, theo lời Suzuki, «thực chẳng khác nào một con chó quèn, lang thang đầu đường, xó chợ, nguẩy đuôi ăn mày đầu tôm, xương cá và tình thương, bị trẻ con đánh đuổi không tiếc, giờ đây biến thành sư tử lông gáy vàng, một khi rống lên, là khiếp đảm tất cả các tâm hồn hèn yếu... » [2]

 Tóm lại, khi chưa giác ngộ, khi chưa biết mình có Pháp thân Như Lai, viên mãn, trường tồn, vĩnh cửu trong thần, thì là chúng sinh mê lạc, sống trong cảnh phù du hư ảo của các hiện tượng biến thiên, sinh tử luân hồi bên ngoài. Lúc ấy cần phải hướng ngoại, cần trông vào tha lực, cần phải cầu cạnh, van vái cúng quải, trì trai, niệm Phật. Sau khi đã giác ngộ được Tự Tính, được Pháp Thân tự tại, vô ngại nơi mình, thì tất cả những chuyện tụng niệm, van vái cúng quải bên ngoài đều trở nên vô ý nghĩa. Như vậy ta mới hiểu tại sao Đức Sơn không hề bao giờ cầu nguyện, sám hối; Kim Đạt Quán không hề bao giờ niệm Phật; Đơn Hà đốt tượng, Huệ Năng xé kinh. Tất cả đều chỉ muốn nói lên sự cần phải phá vỡ các khuôn khổ ước lệ của gian trần, thì mới đạt được nguồn sống khinh phiêu hào sảng vô cùng tận của trời đất nơi mình.

Lúc ấy, hạnh phúc của thiên nhiên, bên trong thì từ tâm khảm, từ linh đài con người, bên ngoài thì từ muôn phương, muôn vật tỏa tung ra. Con người lúc ấy trở về với cái Sơ tâm, cái tâm nhất quán, cái tâm vị loạn, vị phân của thuở ban đầu; trở về với cái trạng thái hồn nhiên, vô tư, vô cầu, như như, tự tại; trở về với cái Bản Lai diện mục của mình, nên luôn luôn hồn nhiên, luôn luôn vui sống...  Vẻ đẹp của đất trời lúc ấy như ngưng đọng lại trong cái Hiện Tại miên trường vô cùng tận, và người với cảnh tạo nên một khúc hòa ca không còn biết đâu là chủ khách.

Trong buổi nói chuyện này tôi chỉ muốn nói về cốt tủy của Thiền, tinh hoa của Thiền, với hoài bão là đánh thức cái Căn Trời, Cốt Phật đang còn ngây ngất, đang còn ngủ vùi nơi quý vị. Chính vì vậy, mà tôi đã không đề cập đến các cách ngồi thiền, các cách hít thở, các cách chỉ quán thông thường. Quý vị nào muốn khảo những vấn đề trên, xin đọc:

- Các chương 61, 62 trong kinh Trung A Hàm, có ghi các lời Phật dậy cho con mình là Đại Đức La Hầu La về phương pháp hành thiền, phương pháp chú niệm vào hơi thở, các đề tài chỉ quán như Từ, Bi, Hỉ, Xả v.v..

-Pháp Môn Tọa Thiền của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, thuộc Tịnh Xá Minh Đăng Quang.

-Pháp Hành Thiền trong Phật Giáo, bản dịch Phạm Kim Khánh, do chùa Pháp Vân, Pomona ấn tống.

-Từng bước nở hoa sen, của Thượng Tọa Nhất Hạnh, gồm 47 bài thi kệ nhật tụng cho các người tập thiền.

Tôi cũng không muốn làm điên đầu quý vị với những công án, với những thoại đầu. Tôi cũng không muốn kể lại những lời lẽ kỳ bí, những hành vi kỳ quái của một số vị tổ sau này.

Tôi hiện có quyển Minh tâm kiến tính thoại Thiền tông, bằng chữ Hán, do Bồ Đề Học Xá tại Hồng Kông biên soạn, trong đó có cho chúng ta một số chìa khóa để hiểu các công án.

Thượng Tọa Thích Thanh Từ trong bộ Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trang, nơi «Lời nói đầu», cũng cho chúng ta một số chìa khóa:

Ví dụ:

- Người tu Thiền tông cốt nhận được Bản tâm, thấy được Bản tính của mình.

Như vậy nó là của báu nơi chính mình, không thể cầu nó nơi ai được

Khái niệm này giúp ta hiểu tại sao khi Huệ Hải đến cầu Phật pháp nơi Mã Tổ, đã bị Mã Tổ quở rằng: Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, lại bỏ nhà chạy đi tìm cái gì?

- Thiền tôn lấy bản tâm làm chủ, nên sự tu hành của Thiền sư là sống trỡ lại với ông chủ của mình trong mọi hành động, mọi thời gian. Tất cả hình thức bên ngoài, đối với thiền sư không có gì là quan trọng. Dù ngồi thiền suốt ngày, dưới con mắt các Ngài, vẫn thấy chưa phải là tinh tấn.

- Huống nữa, quên tâm mình, chạy theo hình thức bên ngoài càng tu càng xa đạo.

Thượng tọa Thích Thanh Từ đã dùng những lời trên để giải thích chuyện Đơn Hà đốt tượng Phật, và kết quả là đã khai ngộ cho vị viện trưởng trụ trì...

Chân tâm là chỗ bặt suy nghĩ, càng suy nghĩ càng xa. Thiền tông xưa nay truyền trao chỉ có một chân tâm không gì khác. Người tu thiền vừa nóng lòng tìm chân tâm, thì không bao giờ thấy nó...  Vì thế Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền vừa hỏi: «Thế nào là Phật pháp?» liền bị Thiền Sư Hoàng Bá đập cho một gậy, ba phen hỏ, đều bị ăn ba gậy...

Lâm Tế hận, bỏ đi, đến hỏi Đại Ngu tại sao mình bị đánh vô cớ. Đại Ngu giảng giải, Lâm Tế Nghĩa Huyền mới đại ngộ.

- Chân tâm hằng lộ liễu trong mọi hành động của ta. Nếu ta trực nhận là thấy, bằng không trực nhận tìm hoài suốt kiếp cũng chẳng gập. Người học đạo không chịu ngay nơi hành động của mình trực nhận chân tâm, mải cầu thiện tri thức chỉ dậy cho thể hội. Nhưng làm sao chỉ dậy được, vừa nói ra là đã sai rồi.

Vì thế Sư Sùng Tín theo hầu Thiền sư Đạo Ngộ mấy năm mà chưa được thầy chỉ dậy. Nóng lòng, sư hỏi: «Con theo hầu thầy mấy năm nay mà chưa được thầy chỉ dậy tâm yếu». Đạo Ngộ bảo: «Ta đã từng chỉ dậy tâm yếu cho ngươi rồi.» «Thày dậy con lúc nào?» «Khi ngươi bưng cơm lên thì ta nhận, khi người dâng trà lên thì ta tiếp, ngươi xả lui ra thì ta gật đầu, đâu ta không dậy tâm yếu cho ngươi». Nhân câu nói này sư Sùng Tín tỉnh ngộ.

 

6. KẾT LUẬN 

Hòa thượng Dược Sơn một hôm được viện chủ thỉnh sư cho tăng chúng nghe một thời pháp. Sư bảo: «Được, đánh trống lên.» Tăng chúng hội họp lại chờ nghe. Sư bỏ vào phương trượng. Viện chủ theo vào hỏi: «Hòa thượng hứa nói pháp sao không nói tiếng nào?» Sư đáp: «Pháp (kinh) thì đã có pháp sư chuyên môn giảng luận thì đã có luận sư chuyên môn giảng. Ông trách tôi nỗi gì?»

Hòa thượng Pháp Diễn ngày kia thượng đường, câm lặng. Sư hết nhìn bên trái, lại nhìn bên mặt, rốt cùng giơ cao cây gậy lên nói: «Chỉ dài một thước mộc.» Rồi sư hạ đường, không giảng giải gì thêm.

Lão Tử, Đạo Đức Kinh có câu: «Trí giả bất ngôn, ngôn giả bất trí.» (Người biết thì không nói, người nói thì không biết).

Các vị thiền sư xưa kia vì biết quá nhiều về Thiền, nên khi giảng về Thiền lại lặng thinh.

Ngày nay, tôi chẳng phải thiền sư, cũng không phải Phật tử mà lại dám nói về Thiền trước mặt nhiều Phật tử, nhiều học giả rất rành về Thiền, trong một giờ vừa qua. Như vậy ắt là lầm sai vô số. Tôi chỉ còn biết xin quý vị lượng thứ.

Sau hết vì mục đích của Thiền là liễu đạt chân tâm, nên để kết luận tôi xin cống hiến quý vị bài thơ của Ức Sơn chủ làm khi cưỡi lừa qua cầu nhỏ, bị té, và sau đó giác ngộ Chân tâm. Bài thơ đó như sau: 

Ngã hữu thần châu nhất lõa,        我 有 神 珠 一 顆

 Cửu bị trần lao cơ tỏa.                   久 被 塵 勞 羈 鎖

Kim triêu trần tận, quang sinh,     今 朝 塵 盡 光 生

Chiếu kiến sơn hà vạn đóa.          照 見 山 河 萬 朶

Chuyển dịch: 

Thần châu sẵn có nơi mình,

Bấy lâu bụi lấp ra tình âm u.

Sáng nay, bụi sạch trơn tru,

Chiếu soi vạn khoảnh, thiên khu sơn hà.[3] 


CHÚ THÍCH

[1] Thiền Luận, quyển Thượng, tr. 300, chú *.

[2] Thiền Luận, bản dịch Trúc Thiên, quyển Thượng, tr. 392.

[3] Thiền luận, quyển Trung, tr. 300.


» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20