PHẬT HỌC CHỈ NAM

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 15

THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

VỚI HOA NGHIÊM TÔNG

 

Toát lược thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể 

Các Thánh triết trong thiên hạ, xưa nay, không phân đạo giáo, đều nhất luật chủ trương:

1. Con người có Bản Thể Trời, Đạo, Chân Như.

2. Con người nếu biết đàng tu luyện, có thể sống kết hợp nhất như với Trời, Đạo, Chân Như (Union Mystique avec Dieu; Mystical union with God; Atonement = At one ment).

Họ chủ trương: Vũ trụ này đã từ một Đại Thể (Trời, Chân Như, Đạo) phóng phát tán phân ra mà thành (emanation theory), sẽ biến hóa đa đoan,, nhưng lúc chung cuộc, muôn loài lại trở về với Đại thể trên (Apocastatasis).

Học thuyết này, Âu Châu gọi là thuyết Phóng phát, Tán Phân (Emanation theory hay Monistic Theory).

Á Châu gọi là Thuyết Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể hay Nhất thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể.

Kinh Dịch cũng chủ trương như vậy.

Vì một kiếp người không sao đủ để trở về với Trời, với Chân Như, nên các triết gia theo chiều hướng trên, đều chủ trương con người sẽ luân hồi, sẽ tái sinh.

Có điều chắc chắn là các triết gia có chủ trương trên, bất kỳ thuộc tôn giáo nào, đều là những bậc thánh hiền đạo cao, đức cả. Lời họ giảng dạy đều giống nhau. Mạnh tử viết: Tiên thánh, hậu thánh kỳ quĩ nhất dã (Mạnh tử, Ly Lâu chương cú hạ, 1)

Ramakrishna viết: Thánh hiền sau trước đều có những lời giảng dạy như nhau (Tous les sages ont un enseignement unique. – L’enseignement de Ramakrishna, p. 256) 

THUYT THIÊN ĐỊA VN VT ĐỒNG NHT TH 

1. Vũ trụ hữu hình này là do một toàn thể phóng phát tán phân ra.

2. Như vậy vạn hữu cùng chung một Bản thể như nhau. Đồng căn, dị dạng, NHẤT THỂ VẠN THÙ.

3. Thượng đế, Chân Như tiềm anå trong lòng quần sinh, vũ trụ

4. GIÁC NGỘ là biết rằng mình có Bản thể Thượng đế, có Tính Trời, Tính Phật.

5. Tìm Đạo, tìm Trời, tìm Phật phải tìm trong lòng mình.

6. Lúc chung cuộc, vạn vật sẽ siêu thăng, trở về với Thượng Đế, với Chân Như. Như vậy chung cuộc là hòa hợp.

7. Vũ trụ, con người, và lịch sử sẽ biến hóa 2 chiều: vãng, lai; thuận, nghịch (Cyclical conception of History)

 

HOA NGHIÊM TÔNG VỚI THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ 

Tuy Đức Phật ít bàn đến Bản Thể vũ trụ, nhưng sau này, các triết gia Phật giáo, nhất là Hoa Nghiêm tông, hay bàn về vấn đề này và đã chủ trương Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất thể

Phật giáo đã có những thành ngữ như: Nhất tức Nhất thiết; Nhất thiết tức Nhất; Một là Tất Cả, Tất Cả là Một. Triệu Châu (778-897) có công án: Vạn pháp qui Nhất, Nhất qui hà xứ? Vạn Pháp trở về Một; một trở về đâu? Một vị Thượng Tọa tôi quen, trả lời: Nhất qui Bản Lai Diện Mục. Mà Bản Lai Diện Mục chính là Bản Thể của Vũ Trụ. 

Hoa Nghiêm Tông là một tông phái Phật giáo có từ đờì Đường, lấy kinh Hoa Nghiêm làm căn bản. Hoa Nghiêm là bộ kinh Đại Thừa do Long Thọ Bồ Tát xuống Long Cung sao chép lại.

Sách truyền từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào năm 418, thời Đông Tấn.

 

LƯỢC SỬ CÁC TỔ HOA NGHIÊM 

1. Tổ đầu tiên là Đỗ Thuận hay Pháp Thuận (557-640)

Ngài xuất gia năm 18 tuổi. Học trò thánh tăng Đạo Trân. Ngài là một học giả nổi tiếng, Ngài còn được coi như là một thuật sĩ. Tục truyền vua Đường Thái Tông đau bệnh lao nhiệt, mời Ngài vào cung chữa bệnh. Ngài hứa chữa lành, nhưng xin nhà vua ân xá cho toàn dân. Vua làm theo và khỏi bệnh. Sau đó phong Ngài là Đế Tâm tôn giả (Người được vua quí trọng)

Ngài có bài tụng sau được coi như là một công án:

Thanh châu ngưu ngật thảo,

Ích châu mã phúc chướng.

Thiên hạ mịch y nhân,

Cứu chư tả bác thượng. 

Dịch:  

Bò Thanh Châu ăn cỏ

Ngựa Ích Châu chướng bụng.

Thiên hạ tìm thày thuốc,

Cứu bắp chân trái heo. 

Bài tụng này rõ ràng đưa ra tư tưởng: Lý sự vô ngại của Hoa Nghiêm Tông.

Ngài viết quyển Hoa Nghiêm Pháp giới quan mônVọng tận hoàn nguyên quan., Hoa ghiêm Ngũ giáo chỉ quán, Hoa Nghiêm Nhất thừa Thập Huyền môn v,v...  Tục truyền khi Ngài viết xong quyển Hoa Nghiêm Pháp giới quan môn, Ngài ném sách này vào lửa, với lời nguyện rằng: Nếu sách này, không có gì sai lời Phật dạy, thì xin cho sách đừng bị cháy. Mà sách hoàn toàn không bị cháy thật.

Người ta coi Ngài là Văn Thù Bồ Tát giáng trần. 

2. Tổ 2 là Vân Hoa Trí Nghiễm (602-688) 

Vân Hoa Trí Nghiễm Pháp sư hay Chí Tương Tôn Giả, sinh vào năm Khai Hoàng 20. Khi thụ thai Ông, nhà ngát mùi hương. Và sau này, Ông thông minh hơn người. Năm 12 tuổi, ngài Pháp Thuận đến nhà Ông, xin đem về làm con. Cha mẹ Ông bằng lòng. Pháp Thuận cho người dạy Ông kinh sách ngày đêm. Sau này Ông còn được mấy thày Bà La Môn dạy cho tiếng Phạn. Ông rất thông kinh sách Phật giáo, nhưng thường tự hỏi: Sách Phật như rừng vậy, phải học quyển nào? Ông đứng trước Tam Tạng Kinh, khấn nguyện và rút ra một quyển. Đó là Hoa Nghiêm kinh quyển 1. Ông liền tìm thày dạy Kinh Hoa Nghiêm. Ông viết nhiều về Kinh Hoa Nghiêm, như Thập Huyền môn, (Cổ Huyền môn), Lục Tướng, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm trung sưu huyền phân tề thông trí phương quĩ, Hoa Nghiêm ngũ thập yếu vấn đáp, Hoa Nghiêm Kinh nội chương môn đẳng tạp khổng mục chương v.v...

Trí Nghiễm rất tài hoa. Ông vẽ rất đẹp. Nhờ Ông mà Hoa Nghiêm Tông phát triển rất mạnh. Ông mất năm 72 tuổi.  

3. Pháp Tạng Pháp Sư hay Hiền Thủ pháp Sư (643-712) 

Pháp Tạng là Tổ 3, viết nhiều về Hoa Nghiêm như Hoa Nghiêm Kinh thám huyền ký, Hoa Nghiêm Kinh văn nghĩa tổng mục, Hoa Nghiêm kinh sách lâm, Hoa Nghiêm kinh vấn đáp, Hoa Nghiêm Kinh nghĩa hải bách môn, Hoa Nghiêm Kinh quan mạch nghĩa ký, Hoa Nghiêm Du Tâm Pháp Giới Ký, Hoa Nghiêm Tam Muội chương, Hoa Nghiêm phát Bồ Đề tâm chương,Hoa Nghiêm thập chủng chỉ quán, Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền quán hạnh pháp môn, Hoa Nghiêm Nhất thừa Giáo Nghĩa phân tề chương, Hoa Nghiêm Kinh chỉ qui, Hoa Nghiêm Kinh minh pháp phẩm nội lập tam bảo chương, Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ, vọng tận hoàn nguyên quan Hoa Nghiêm Kinh kim sư tử chương chú v.v...

Ông được dân chúng gọi là Hiền Thủ (Hiền sĩ số một), nhà vua phong ngài là Quốc Nhất Pháp Sư (The Dharma Teacher Kou-I). Người ta còn coi Ngài như vị tổ sáng lập Hoa Nghiêm Tông.

Năm 16 tuổi, chặt một ngón tay cúng dường Phật. Năm 18 tuổi đi khắp nơi tìm thày dạy, nhưng không gặp ai vừa ý. Ông liền ẩn tu nhiều năm. Sau nghe biết Ngài Trí Nghiễm giảng kinh Hoa Nghiêm tại chùa Hoa Vân ở Kinh Thành, Ông tới xin làm đồ đệ.

Năm 28 tuổi, Hoàng Đế Võ Tắc Thiên mời Ông làm trụ trì một ngôi chùa Bà mới xây. Ngài được Hoàng đế mời thuyết pháp nhiều lần. Ngài giảng về Thập Huyền Môn và Lục Tướng. Trong đời Ngài, Ngài giảng kinh Pháp Hoa hơn 30 lần.

Pháp tạng mất năm 70 tuổi và được quốc táng.

4. Trừng Quán Pháp Sư (738-840) 

Trừng Quán Pháp Sư (738-840). Về năm sinh, năm tịch, của Pháp Sư Trừng Quán, ta thấy các học giả khòng đồng ý nhau. Tuệ Sĩ, Takakusu cho ngài sinh và tịch khoảng năm 760-820, nghĩa là sống có 60 năm. Garrna C.C. Chang, và Tuyên Hóa Thiền Sư, Chùa Vạn Phật, dựa vào truyền thuyết, cho rằng ngài thọ 102 tuổi (538-840), sống qua 9 đời vua (Huyền Tông 712-755, Túc Tông 756-760, Đại Tông 761-719, Đức Tông 719-804, Thuận Tông 804, Huệ Tông 805-820, Mục Tông 821-824, Kính Tông 825, Văn Tông 827-840. Ngài được phong là Thanh Lương Quốc Sư trong bảy đờì vua (Đại tông, Đức Tông, Thuận Tông, Huệ Tông, Mục Tông, Kính Tông, Văn Tông) Tuy danh vọng thế, nhưng ngài sống rất thánh thiện. Ngài lập Thập Nguyện, thề hứa luôn mặêc đạo bào, tránh tuyệt nữ sắc v.v...  Người ta coi Ngài là Hoa Nghiêm Bồ Tát hóa thân.

Ngài viết nhiều sách như Hoa Nghiêm Kinh sớ, Hoa Nghiêm Kinh tùy sớ diễn nghĩa sao, Hoa Nghiêm Kinh sớ sao, Trinh Nguyên tân dịch Hoa Nghiêm Kinh sớ Hoa Nghiêm hạnh nguyện sớ liệu, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm biệt hành sớ sao v.v...  Năm 1979. Đài Bắc đã cho xuất bản Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh thiển thích của ngài ra tiếng Trung Hoa và Anh ngữ (Flower Adornment Sutra Preface).

Ngài sinh sau Pháp Tạng 27 năm mà là Tứ Tổ cũng lạ. Sở dĩ đươc như vậy là vì Trừng Quán bài bác dị thuyết của Huệ Viễn, một đệ tử của Pháp Tạng, và tái lập lại giáo lý nguyên thủy của tông phái. 

5. Khuê Phong, Tông Mật Thiền Sư (780-841) 

Tông Mật vừa là Ngũ Tổ, vừa là Thiền Sư. Ngài giảng kinh Viên Giác, và viết Hoa Nghiêm nguyên nhân luận. Nhưng Ngài thua các Tổ trước.

Đến đời nhà Tống, Hoa Nghiêm nhận thêm Mã Minh (Acvaghosha) và Long Thọ (Nagarjuna) làm tổ 6 và 7.

Hoa Nghiêm Tông truyền sang Nhật do Thẩm Tường, đồ đệ của PhápTạng năm 740. Hiện nay tông này còn thịnh ở Nhật.[1] 

Sơ lược kinh Hoa Nghiêm 

Kinh Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatamsaka Sutra hay Gandavyhasutra, do Ngài Long Thọ, sinh sau Đức Phật 600 năm, xuống Long Cung sao chép đem về.

Nhưng cũng có người cho rằng, Ngài Mã Minh đã soạn sách này 100 năm trước Long Thọ. Ngài Long Thọ chỉ san định lại kinh này. Vì thế Hoa Nghiêm tông nhận cả 2 Ngài làm tổ.

Nguyên bản Hoa Nghiêm kinh gồm 48 phẩm với 100.000 ngàn bài Tụng,

Các bản dịch Hoa Nghiêm kinh:

1). Bản dịch đầu tiên (hay Cựu dịch) đời Đông Tấn (317-419) do ngài Phật Đà Bạt Đà La (Bud -dhabhadra - Giác Hiền), người Bắc Thiên Trúc dịch, gồm 60 quyển, 36 phẩm, 36.000 bài tụng.

Bản này gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm, hay Tấn Kinh, hay Cựu Kinh.

2). Bản 2 (hay tân dịch) đời nhà Đường (618-607) do Ngài Thực Xoa Nan Đà (Giksananda-Hỷ Học), người nước Vu Điền (Kotan) tái dịch bản cũ, gồm 80 quyển, 39 phẩm, 45.000 bài tụng, tức là hơn quyển trên 9.000 bài tụng.

Bản này gọi là bát thập Hoa Nghiêm hay Đường kinh hay Tân kinh.

3). Bản ba cũng đời Đường do ngài Bát Nhã nước Kế Tân (Kaboul), gồm 40 quyển, và dịch phẩm cốt yếu là Nhập Pháp Giới (kể truyện Thiện Tài Đồng tử)

Bản này còn gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm.

Kinh Hoa Nghiêm được dịch ra Việt Văn do Thích Trí Tịnh, năm 1965. Bản Hán Văn 80 quyển được xếp thành một bộ 8 quyển, khoảng 5600 trang. Thật là vĩ đại. Đây chính là tứ thập Hoa Nghiêm, gồm 40 phẩm.  

Đại ý Hoa Nghiêm 

Hoa Nghiêm bàn về lẽ sinh thành ra vũ trụ và cho rằng vũ trụ này là do một nguyên nhân sinh xuất ra. Nguyên nhân đó là Chân Như, hay Phật tính, hay Lý như Hoa Nghiêm thường dùng. Lý ấy sinh ra chúng sinh, vạn pháp, vạn sự.

Vì thế mới nói: Nhất tức nhất thiết (Một là Tất Cả)

Nhất thiết tức Nhất. (Tất cả là Một)

Tất cả đều dung thông, tương nhiếp, đều lồng vào nhau, không có gì ngăn ngại.(Nhất thiết pháp giới, hỗ tương duyên khởi, trùng trùng vô tận, viên dung vô ngại) Vì thế nên nói:

1. Lý pháp giới (Pháp giới Chân Như tiềm ẩn bên trong vạn hữu)

2. Sự Pháp giới (Vạn tượng, vạn hữu hiển lộ bên ngoài.

3. Lý Sự vô ngại pháp giới. (Thế giới của Lý và của Sự dung thông với nhau, không ngăn ngại nhau).

4. Sự sự vô ngại pháp giới (Hết thảy các sự vật trong hiện tượng giới đều không ngăn ngại nhau.) 

Trung Dung chương 30 có ý tưởng tương tự. Trung Dung viết:  

Đức Khổng nối tiếp đạo Thuấn, Nghiêu,

Làm sáng tỏ lối đường Văn, Võ.

Trên thuận thiên thời, dưới theo thủy thổ,

Như đất trời bát ngát, bao la,

Che chở muôn loài khắp gần xa.

Như tứ thời luân lưu chuyển động,

Như nhật nguyệt hai vừng chiếu rạng.

Muôn loài cùng chung sống chẳng hại nhau,

Đi một chiều, chẳng phản bội chi đâu,

Tiểu đức như sông ngòi dinh dưỡng,

Đại đức luôn hóa sinh, tăng trưởng,

Phép tắc Trời cao cả xiết bao!  

Tôi nghĩ rằng nói Lý Sự vô ngại rất đúng. Ví như tôi ở trong tỉnh Westminster này, thì nào có thêm bớt, tăng giảm gì đối với thành phố này đâu?

Đối với Hoa Nghiêm kinh không gian và thời gian dung thông vô ngại.  

Không gian dung thông vô ngại, Kinh văn nói: 

Vô lượng vô số núi Tu Di,

Đều đem để vào một sợi lông,

Một thế giới để vào tất cả,

Tất cả thế giới để vào một.

Thể tướng thế giới vẫn như cũ,

Vô đẳng, vô lượng đều cùng khắp. 

Trong một chân lông đều thấy rõ,

Vô số vô lượng chư Như Lai,

Tất cả chân lông đều thế cả...  

Thời gian dung thông vô ngại, Kinh văn viết: 

Kiếp quá khứ để hiện, vị lai,

Kiếp vị lai để quá, hiện tại,

Ba đời, nhiều kiếp là một niệm,

Chẳng phải dài vắn: Hạnh giải thoát. 

Về thời gian và không gian dung thông vô ngại, Kinh văn viết: 

Khắp hết mười phương các cõi nước,

Mỗi đầu lông có đủ ba đời

Phật cùng quốc độ vô số lượng,

Tôi khắp tu hành trải trần kiếp,

Trong một niệm tôi thấy ba đời...  

(Xem Kinh Hoa Nghiêm, Lời nói đầu, Thích Trí Tịnh,) 

Việt Nam có những câu tương tự: 

Càn khôn rút lại đầu lông xíu,

Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng.

(Càn Khôn tận thị mao đầu thượng,

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung). ( Một Thiền sư đời Lý)

Hay: 

Người đời ngắm lại mà hay,

Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê. (Tản Đà) 

Cái lý tương dung, tương nhiếp này đã được Đại Sư Pháp Tạng chứng minh cho Hoàng Đế Võ Tắc Thiên xem vào khoảng năm 700.

Võ Tắc Thiên yêu cầu Ngài Pháp Tạng chứng minh cho thấy thế nào là Lý sự vô ngại, Sự sự vô ngại, Pháp Tạng nhận lời.

Vài ngày sau, Pháp Tạng mời Hoàng đế tới xem cách Ông chứng minh. Ông mời Hoàng đế vào một buồng mà chỗ nào cũng mắc kính: Trần nhà, sàn nhà, trên bốn bức tường, nơi bốn góc nhà thập phương đều treo những tấm gương lớn. Các gương đều quay vào nhau. Rồi Pháp Tạng để một tượng Phật ở chính giữa buồng, với một ngọn đuốc bên cạnh tượng

Hoàng đế la lên: Thật là lạ lùng, thật là kỳ diệu, khi bà nhìn thấy các gương phản chiếu lẫn nhau, trùng trùng, điệp điệp.

Và Pháp Tạng nói: Thưa Bệ Hạ, đây là một chứng minh về toàn thể Pháp Giới.

Trong mỗi tấm gương trong phòng này, Bệ Hạ thấy phản chiếu lại các gương khác, với hình đức Phật trong đó. Và gương nào cũng phản chiếu lại trung thực như vậy. Cho thấy tất cả đều dung thông, dung nhiếp lẫn nhau. Một là tất cả, tất cả là một. Cái lý Trùng trùng duyên khởi cũng được chứng minh... [2]

Ta nên nhớ Võ Hậu dù sao cũng là người đã cho thỉnh kinh HoaNghiêm từ nước Vu Điền (Turkestan) về, và đã cho dịch bộ kinh này ra, dưới quyền điều khiển của Ngài Thực Xoa Nan Đà (Giksananda, Hỷ Học). Sách dịch xong vào tháng 10 năm 699. [3]

Tôi nghĩ không phải Pháp Tạng đã tự nghĩ ra được phương pháp xếp gương trên, mà thực sự, đã phỏng theo thí dụ về Đế Võng, hay Đế Thích Võng, hay Ân Đà La Võng (Indra’net) nói trong kinh Hoa Nghiêm.

Đế Võng là một chiếc Bảo Võng, treo trên nóc điện Đế Thích, có muôn vàn châu ngọc, phản chiếu lẫn nhau, trùng trùng vô tận. Hoa Nghiêm chư sư dùng Đế Thích Võng để ví dụ Nhất tâm sinh Vạn Tâm, và chư pháp trùng trùng duyên khởi.[4]

Kinh Hoa Nghiêm quảng diễn tư tưởng trên. Hoa Nghiêm là Tràng Hoa.

Kinh này thuyết minh Chân Lý, mà Chân Lý là Đạo, là Tuyệt Đối, ly ngôn tuyệt tướng, nên phải dùng một hình ảnh mà diễn tả: Hình ảnh đó là một tràng hoa gồm nhiều thứ hoa, để trang nghiêm Phật Quốc. Hoa có nhiều loại, có muôn hình tướng khác nhau, tượng trưng cho VẠN VẬT. Nhưng hoa được xâu lại thành một Tràng Hoa dài, trang hoàng nơi Phật thuyếp pháp. Tràng Hoa tượng trung cho một cái gì chung cho muôn loài, đó là Bản Thể, là Lý, là Lý Tánh, là Chân Như.

Riêng tên Kinh đã diễn tả rõ ràng cái Chân Lý tuyệt vời: Tướng hay Sự thì nhiều và sai khác, nhưng Thể hay Lý chỉ có Một Tuy Tướng không phải Thể, nhưng rời Tướng thì không tìm thấy Thể. Lìa các bông Hoa thì không tìm thấy tràng hoa. Động đến tràng hoa là động đến các bông hoa. Chạm đến một bông hoa là ảnh hưởng đến tất cả tràng hoa. Ý muốn nói rằng: Toàn thể Pháp Giởi vũ trụ là MỘT, CHÂN và BÌNH ĐẲNG (The Universe is One and real and identical to itself). MỘT LÀ TẤT CẢ, TẤT CẢ LÀ MỘT. Phật và Chúng Sinh không khác, đều có đồng một Bản Thể Chân Tâm. Khi nào giác thì là Phật, còn mê là Chúng Sinh. Đó là lý: VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ.

Đã là MỘT, thì Vạn vật đều liên quan mật thiết với nhau, dính chùm với nhau. Chính vì thế mọi người đều liên quan mật thiết với nhau, không thể sống lẻ loi, chia rẽ được. Ta là Người, Người là Ta, nên Phật Giáo luôn dạy mọi người Từ Bi Chính vì thế mà các hàng Bồ Tát luôn xả thân cứu độ chúng sinh.[5]

Thủ Lăng Nghiêm quyển 3 có câu:  

Như nhất chúng sinh vị thành Phật,

Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn.

(Như một chúng sinh chưa thành Phật,

Chúng tôi nguyện chẳng nhập Niết Bàn.) 

Hoa Nghiêm Kinh dạy con người sống hết sức đẹp đẽ:

Có tâm từ muốn che chở chúng sinh,

Có tâm từ muốn làm ích chúng sinh.

Lòng rộng mở, yêu thương và khoan dung.

Lòng vô ngại, không làm trở ngại ai.

Lòng bao la, tràn ngập vũ trụ,

Lòng vô biên, rộng rãi tựa không gian,

Lòng thanh tịnh có trí huệ và công phu ba kiếp. 

(A great compassionate Heart, which longs to protect all,

A great loving heart, which longs to benefits all beings,

An understanding heart, which breeds sympathy and tolerance,

A free heart which longs to remove obstructions from others,

A heart which fills the universe,

A heart endless and vast as space.

A pure heart which conforms to the wisdom and merits of the past, the present and the future... [6]

 Cuối bộ Hoa Nghiêm có kể truyện Thiện Tài Đồng tử đi học đạo Bồ tát với 53 cao tăng, cư sĩ. Trước là để Phát tâm bồ đề, sau là để cầu Thiện trí thức. [7]

Kinh Hoa Nghiêm đã được Thiền Sư Tuyên Hóa giảng dạy bằng tiếng Anh, tại Chùa Vạn Phật, bắt đầu ngày 13 tháng 6, 1971, kéo dài 1 năm rưỡi. [8]

Hằng Thiệt Pháp Sư, năm 1976, trong khi Tam Bộ Nhất Bái từ Pasadena lên chùa Vạn Phật, cũng trì tụng kinh này trong thời gian ấy. [9]

Các tổ Hoa Nghiêm trì tụng kinh này suốt đời. Cụ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng giảng kinh này tại Chùa Liên Hoa trong vòng 5 năm rưỡi. Hòa thượng Thích Thanh Từ giảng kinh này bằng 60 tapes. Thật là những vị đáng kính phục!

Tóm tắt học thuyết Hoa Nghiêm: Bao giờ tư tưởng và lời lành của Phật cũng sáng ra và dội ra các nơi trong mọi vật cho đến trong hạt cát nhỏ nhất. Vạn vật ở thế gian đều ăn chịu và tiếp ứng với nhau, đồng soi sáng cho nhau. Phật với người đồng một tánh Chân Như. Phật quyết đưa về cõi Giác tất cả loài người, bao giờ còn một sinh mạng phải cứu vớt, thì lòng Phật chưa yên.[10]

Vĩ đại thay là con người.

Ta và Phật là Một.

Ta và chúng sinh là một.

Ta và vũ trụ là một.

Ta phải học hỏi để mở mang Trí Huệ.(Trí)

Ta phải tu thân để mở rộng Từ Bi Tâm. (Bi)

Ta phải Tinh Tiến (tiến hóa) để tăng Uy Dũng.(Dũng)

Tiên giác, giác hậu giác!

Niết Bàn là Thái Cực, là Chân Như trường tồn, bất biến. Niết Bàn là toàn bích, toàn thể, là tuyệt đối, là căn cơ.

Luân hồi là Âm Dương là Vạn Pháp ảo hóa, biến thiên. Luân Hồi là chi tiết, ngọn ngành, là tương đối.

Hãy bỏ biến thiên để trở về Bất Biến.

Hãy bỏ tương đối về với Tuyệt đối.

Hãy bỏ ngọn ngành về với căn cơ.


CHÚ THÍCH

[1] Xem The Buddhist Teaching of Totality, The Philosophy of Hwa Yen Buddhism, Garma C.C. Chang pp. 231-240; Thực Dụng Phật Học Từ Điển, tr. 1474-1476); Flower Adornment Sutra, Preface, Tripitaka Master Hua 16- 47.

[2] The Buddhist teaching of Totality,The Philosophy of Hoa Nghiêm Philosophy, Garma C. C. Chang, p. 23-24.

[3] Xem sách trích dẫn trên, trang 22.

[4] Xem Thực dụng Phật Học từ điển, tr. 1031-1032, và 649. Xem Indra’net trong The Philosophy of Totality, Gamma C.C. Chang, pp, 156, 165-166, 224, 229.

[5] Tìm hiểu Kinh Hoa Nghiêm, Minh Lạc Vũ Văn Phường, tr. 9-10.

[6] Xem The Buddhist Teaching of Totality, Garma C.C. Chang, pp. 26-27.

[7] Xem phần tóm tắt quyển Bồ tát đạo, trong Toát lược triết lý kinh Hoa Nghiêm và Bồ tát đạo, Minh Đức Thanh Lương, tr. 45-118.

[8] Xem Flower adornment Sutra, Preface, p. 15, và phần Hán văn ở nửa sau, tr. 9.

[9] Xem Đại Phương đẳng Phật Hoa Nghiêm kinh thiển thích, tr. 13.

[10] Xem Các Tông phái Đạo Phật, Đoàn Trung Còn, tr. 46.


» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20