THIÊN VĂN HỌC CỔ TRUNG HOA
» [mụclục]
[phi lộ] [chương
1] [chương 2]
[chương 3] [chương
4] [chương 5]
[chương 6] [chương
7] [chương 8]
Phi lộ
Ngày nay, khi mà thiên văn học thế giới đã
tiến những bước khổng lồ với những phương tiện tối tân như thiên lý kính
vĩ đại ở Palomar (đường kính 5 mét, nặng 15 tấn, ấy là mới kể nguyên có
mặt kính bằng thủy tinh!), với những cách chụp hình tân kỳ, những phương
pháp xem quang phổ (spectrographie) của các vì sao để xác định những
chất liệu có trên tinh tú, với những vệ tinh nhân tạo để thám thính vũ
trụ, nhất là thái dương hệ, với những phi thuyền để qua lại liên lạc với
nguyệt cầu, mà bàn về thiên văn học cổ Trung Hoa thì e có người cho là
lạc hậu.
Nghĩ vậy, đôi khi tôi đã muốn buông bút,
vì thấy không còn hứng thú gì mà viết về vấn đề này nữa. Nhưng sau cùng
tôi đã đổi ý, đơn thương độc mã, đi tìm hiểu đề tài này, khi thấy những
đại học giả ở các nước tân tiến hiện nay như
Joseph Needham cũng còn dám viết hàng mấy trăm trang về thiên văn
học Trung Hoa trong bộ sách vĩ đại của ông xuất bản 1959 nhan đề
Science and Civilisation in China
(Trung Quốc khoa học kỹ thuật sử), một bộ sách có thể nói là chấn động
dư luận hoàn cầu; hay khi thấy rằng ông Henri Michel năm 1955 còn dám
diễn thuyết về những phương pháp thiên văn học thời thượng cổ Trung
Hoa (Méthodes astronomiques des hautes époques chinoises) ở Palais
de la Découverte tại Paris.
|
Joseph
Needham (Thắng Nhũng Tử) và thủ bút
―
Hình bìa bộ sách vĩ đại
Science & Civilisation in China |
Thực ra vấn đề thiên văn chẳng bao giờ có
kim có cổ, vì bầu trời với các vì sao, với sông Ngân Hà, với mặt trời,
mặt trăng, ngày nào, đêm nào, mà chẳng xoay vần trên đầu con người; có
kim có cổ, chỉ là những cách thức chúng ta dùng để khám phá ra bí ẩn của
các vì sao, cũng như những quan niệm của chúng ta về vũ trụ.
Đã đành, thiên văn ngày xưa kém thiên văn
ngày nay về nhiều phương diện, như về thiên lý kính, về máy móc, dụng
cụ, về toán học, v.v. nhưng thiên văn xưa cũng vẫn là một cố gắng vượt
bực của tiền nhân để tìm hiểu vũ trụ.
Ngày nay, người ta dùng những thiên lý
kính tối tân; ngày xưa người ta chỉ dùng trần có đôi mắt vài ít nhiều
dụng cụ thô sơ để quan sát vòm trời; nhưng dẫu thời nào, thì sau những
ống kính, những con mắt, vẫn chỉ là «thần trí» dò xét và tìm hiểu. Khi
có những thần trí siêu việt thì nền thiên văn phát triển, bất kỳ là có
ít hay nhiều dụng cụ. Le Verrier (1811-1877) chẳng hạn chỉ dùng nguyên
có toán học cũng mà tìm ra được sao Neptune. Còn khi nào không có những
siêu nhân như Chu Công, Gia Cát, Lý Thuần Phong chẳng hạn thì thiên văn
ắt là phải thoái bộ.
Ngày nay, tuy nhân loại đã tiến bộ vượt
mức về phương diện thiên văn nhưng nay cũng như xưa, vũ trụ và tinh cầu
đối với chúng ta vẫn còn chứa đầy những bí ẩn. Cái mà ngày nay ta cho là
tân tiến, vài chục năm nữa có thể lại là cổ lỗ. Cái mà ngày nay chúng ta
chế cười là sai, là dở, ngày mai đây, có khi chúng ta lại thán phục là
phải là hay.
Vả lại những nhận xét về thiên văn của
tiền nhân vị tất đã là lạc hậu. Người Trung Hoa chẳng hạn, từ thời Xuân
Thu (722-481) đã biết «vẫn thạch» (aérolithe, météore hay météorite) tức
là những đá từ trời rơi xuống. Người Âu Châu thế kỷ 18, nghe chuyện ấy
cho là vô lý; mãi đến nay, mọi người mới công nhận đó là chuyện có thật.
Arago viết về lịch sử vẫn thạch như sau:
«Người Trung Hoa xưa tin rằng vẫn thạch có
liên quan đến chính sự, vì thế nên họ ghi chép hết. Không biết chúng ta
có quyền chê cười cái thiên kiến ấy chăng? Các nhà bác học Âu Châu hỏi
có khôn ngoan gì hơn, khi chối bỏ thực tại, đã quả quyết rằng những đá
trời rớt vào khí quyển là chuyện không thể có được. Hàn lâm viện khoa
học năm 1769 đã tuyên bố rằng tảng đá nhặt được ở gần Lucé, lúc nó rơi
xuống đất, tảng đá mà nhiều người đã theo dõi cho đến khi nó rơi, tảng
đá ấy không phải từ trên trời rơi xuống.
«Cuối cùng, biên bản của xã Julliac công
nhận rằng ngày 24/7/1870 đã có nhiều tảng đá rơi xuống đồng ruộng, xuống
nhà cửa, đường phố của xã, đã bị các báo chí đương thời cho là một
chuyện bịa đặt, tức cười, đáng thương hại, chẳng những đối với các học
giả mà còn đối với những người có đầu óc biết suy nghĩ nữa.»
Nhiều nhà thiên văn Trung Hoa xưa, nhất là
học phái Tuyên Dạ đã nghĩ được rằng bầu trời là một khoảng không vô tận
và các vì sao bềnh bồng vận chuyển trong đó. Cha Matteo Ricci
(1552-1610) sang Trung Hoa vào năm 1582 đã chê cười và cho rằng chủ
trương đó là sai, vì bầu trời theo quan niệm Ptolémée-Aristote phải làm
bằng thủy tinh dày đặc.
Ngày nay ắt hẳn ai cũng thấy phái Tuyên Dạ
đã đúng và cha Ricci đã sai.
Những nhận định về thiên văn học Trung Hoa
của các học giả Âu Châu hết sức khác nhau, tùy quan niệm mỗi người.
Cách đây hơn 100 năm, nhà bác học Whewell,
một người Anh không biết được chữ «chi là chưng» của Trung Hoa mà
dám viết rằng: «Chúng ta không thấy một nhận xét nào, một bằng chứng gì
có liên quan đến thiên văn trong lịch sử Trung Hoa và nền thiên văn của
họ không vượt quá một trạng thái tối ư thô sơ và kém cỏi.»
Ông Sédillot, một học giả người Pháp, đồng
thời với ông Whewell, cũng phê bình: «Thôi, chúng ta đừng nên quan tâm
đến những điều sai lạc của một dân tộc không bao giờ biết vươn lên để
suy cứu một cách khoa học. Hoàn toàn lệ thuộc vào vòng mê tín và khoa
đẩu số, họ không hề để ý đến những nhận xét của người xưa còn rải rác
trong kinh sử; ấy là chưa nói đến chuyện những nhận xét đúng hay sai, và
thay vì quan sát những hiện tượng trên bầu trời đầy sao với một sự tò
mò, một lòng tìm hiểu, quyết bám sát vào hiện tượng, cho đến khi tìm ra
được những định luật, những nguyên nhân của những hiện tượng ấy, người
Trung Hoa lại dùng sự bền bĩ cố hữu của họ để mơ màng vô tích sự về
thiên văn; thực là một hậu quả đáng buồn của một thói quen, một nếp sống
chiếu lệ, man rợ.»
Trái lại, nhà đại học giả Joseph Needham
lại lấy làm tức cười khi thấy có những người không biết gì về Trung Hoa
mà lại lớn tiếng mạt sát Trung Hoa như vậy.
Joseph Needham cho rằng Trung Hoa thực sự
đã đóng góp nhiều vào nền thiên văn học thế giới. Ông xác định rằng
người Trung Hoa :
(1) Đã biết dùng hệ thống các sao Bắc Đẩu
và vòng Xích Đạo để an các sao, thay vì dùng vòng Hoàng Đạo như người Hi
Lạp và người Âu Châu thời Trung Cổ. Từ Tycho-Brahé về sau, người Âu Châu
mới biết dùng hệ thống tọa độ Xích Đạo.
(2) Đã sớm biết rằng vũ trụ này vô biên và
các vì sao là những tinh thể lửng lơ chuyển vận trong khoảng không, chứ
không phải là được gắn liền vào những bầu trời bằng thủy tinh như chủ
trương Plolémée-Aristote và Âu Châu thời Trung Cổ.
(3) Đã xác định được vị trí tinh tú và lập
được những bản đồ thiên văn , ít nhất là hai thế kỷ trước mọi nước.
(4) Đã nghĩ ra cách dùng ống vọng đồng,
tiền thân của thiên lý kính để xem sao từ thế kỷ thứ 10, trong khi thiên
lý kính mãi đến năm 1609 mới được sáng chế ở Hòa Lan.
(5) Đã tìm ra được Tân Tinh (Novae) từ
1300 trước Công Nguyên.
(6) Đã biết vẫn thạch (météore, aérolithe,
météorite) từ thời Xuân Thu.
(7) Đã nhận định được những «nhật ban»
(hắc khí, hắc tử, hoặc ô: Tache solaire) từ thời Lưu Hướng (năm 28 tcn).
Trong khi đó thì Tân Tinh được tìm thấy
đầu tiên ở Âu Châu vào năm 1572 do Tycho-Brahé
và Nhật ban thì mãi đến năm1610 Galilée mới tìm ra được.
Gustave Schlegel, tác giả bộ Uranographie
chinoise (Tinh thần khảo nguyên), lại còn cho rằng người Trung Hoa đã
biết làm toán về thiên văn từ 17.000 năm trước Công nguyên.
Điều này dĩ nhiên là một sự khen tặng hới quá đáng.
Dẫu sao thì muốn khen hay chê, chúng ta
trước hết cần phải khảo sát vấn đề cho hẳn hoi, phải có những bằng chứng
cụ thể để nêu ra khi phán đoán, như vậy mới hợp lý.
Khoa thiên văn học của Trung Hoa có lẽ đã
phát sinh từ nhận định rằng số phận của con người dưới đất được gắn liền
vào với ảnh hưởng của bầu trời cũng như của mặt trăng, mặt trời và muôn
vì tinh tú. Vì vậy nên người xưa đã cố quan sát những biến dạng của mặt
trời, mặt trăng, và năm hành tinh chính là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, tức
là dựa vào những biến thái của Âm Dương, Ngũ Hành để suy ra họa phúc của
con người.
«Nhà thiên văn học Trung Hoa chú ý đến
tinh cầu trên trời, ghi chép những sự thay đổi trong sự vận hành của các
hành tinh, của mặt trời, mặt trăng, để biết những biến chuyển dưới hạ
giới và cũng là để đoán định cát hung của những biến chuyển ấy.
«Họ chia quốc gia làm chín miền, mỗi miền
chịu ảnh hưởng của ít nhiều tinh tú nhất định. Châu quận cũng được đặt
dưới ảnh hưởng của những vì sao nhất định, và do đó, có thể suy ra họa
phúc của mỗi miền.
«Họ đoán trước họa phúc ở trần gian theo
một vòng 12 năm của sao Thái Tuế (Mộc tinh hay Tuế tinh).
«Họ dựa vào màu sắc của năm thứ mây để
đoán trước sẽ có hạn hán, hay thủy tai, phong đăng, hòa cốc, hay mất mùa
đói kém.
«Họ xem 12 thứ gió để đoán định xem trời
đất hòa hài hay xung khắc ra sao, và tùy sự hòa hài hay xung khắc ấy, họ
sẽ suy ra các điềm cát hung. Nói chung, họ lưu ý đến 5 loại hiện tượng
để khải tấu lên nhà vua và giúp cho triều đình.»
Vì thế mà khoa thiên văn học Trung Hoa có
thể nói được đã là cha đẻ của mọi khoa chiêm tinh, đẩu số sau này. Hơn
thế nữa, các nhà thuật số còn gây được trong dân gian một phong trào thờ
sao cúng sao, mà ta thường gọi là «nhương sao giải hạn». Xin đan cử ít
nhiều ví dụ:
1. Khoa Tử Vi đẩu số
Khoa này thường dùng khoảng 108 vì sao lớn
nhỏ, để đoán định về số kiếp vận hạn con người. Những tên các sao dùng
trong Tử Vi ít khi biết được là sao gì trong thiên văn. Chúng ta chỉ
biết ít nhiều sao như sau đây:
- Tử Vi là sao Bắc Thần (Étoile polaire)
- Tham Lang là Khu Tinh (Duble)
- Cự Môn là Tuyền Tinh (Merak)
- Lộc Tồn là Ky Tinh (Phecda)
- Văn Khúc là Quyền Tinh (Megrez)
- Liêm Trinh là Hành Tinh (Alioth)
- Vũ Khúc là Khai Dương (Mizar)
- Phá Quân là Giao Quang (Alkaid)
- Thiên Cơ, Thiên Lương, Thiên Phủ, Thiên
Tướng là 4 sao trong số 6 sao của chòm sao Nam Đẩu (le Boisseau Austral)
(le Sagittaire)
- Hoa Cái (le Baldaquin; Cassiopée)
- Thiên Việt (Hữu Nhiếp đề: 6 sao trong
chòm sao Bouvier)
- Thiên Mã (Sao Phòng; 4 sao trong chòm
sao Scorpion)
- Thiên Trù (6 sao trong chòm sao Dragon),
v.v.
2. Diễn Cầm Tam Thế
Diễn Cầm Tam Thế thời dùng Nhị thập bát tú
để đoán định về số mạng con người theo nguyên tắc Niên vi cốt, Nguyệt
vi bì (năm sinh thuộc sao nào làm cốt; tháng sinh thuộc sao nào làm
da; cốt da vừa nhau thời tốt; da cốt không vừa nhau thời xấu…) Nhị thập
bát tú cao siêu ở trên trời nay biến thành những con thù đủ loại nơi
trần thế. Ví dụ: Giác là con sâu, Cang là con rồng, Đê là con nhím,
Phòng là con thỏ, Tâm là con chồn, Vỹ là con cọp, Cơ là con báo, v.v.
3. Khoa Bát Tự
Khoa Bát Tự cũng là một khoa đẩu số chỉ
dùng Can Chi của Năm, Tháng, Ngày, Giờ sinh và 48 vì sao để đoán định
mệnh con người. Khoa này do Trần Tử Bình lập vào đời Tống, và giản dị
hơn Tử Vi.
4. Khoa Lục Nhâm
Khoa này chỉ dùng khoảng 30 sao để đoán
định may rủi của từng ngày từng giờ.
a. Trong Thập nhị tướng
ta chỉ biết:
- Chu Tước (les sept domiciles du
Palais Austral)
- Thanh Long (les sept domiciles du
Palais Oriental)
- Bạch Hổ (les sept domiciles du
Palais Occidental)
- Huyền Vũ (les sept domiciles du
Palais Boréal)
- Thái Âm (Mặt trăng)
- Câu Trần (la Garde: ít sao thuộc
chòm Tiểu Hùng Tinh)
b. Trong Thập nhị thần
ta chỉ biết sao Thái Ất (3067 i du Dragon)…
5. Khoa Nhật Nguyệt
Tinh
Khoa này chỉ dựa vào:
- Mặt trời (Thái Dương)
- Mặt trăng (Thái Âm)
và Ngũ Tinh là:
- Kim Tinh (Thái Bạch)
- Mộc Tinh (Mộc Đức)
- Thủy Tinh (Thủy Diệu)
- Hỏa Tinh (Vân Hán)
- Thổ Tinh (Thổ Tú)
Cộng với La Hầu (Râhou) và Kế Đô (Ketou)
để đoán may rủi mỗi năm. Họ còn bày ra cách cúng sao để giải hạn…
Tất cả những khoa đẩu số, lý số nói trên
tuy đều dựa vào ảnh hưởng của các vì sao để đoán định họa phúc con
người, nhưng hoàn toàn xa lạ với khoa thiên văn học Trung Hoa. Thiên văn
hay Chiêm tinh là quan sát các vì sao trên trời để suy ra họa phúc nơi
trần thế, còn các khoa đẩu số, lý số nói trên chỉ cần biết đến sao trên
giấy tờ. Vì thế khoa thiên văn học không chú trọng đến các khoa lý số
khác, và chúng ta cũng sẽ gạt qua một bên tất cả các khoa lý số nói
trên. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhận định rằng đối với Á Đông thì các
vì sao cũng như mặt trời, mặt trăng có ảnh hưởng rất lớn đối với đời
sống nhân loại. Điều đó, ngày nay, khoa học cũng đã bắt đầu phải công
nhận.
Tài liệu về thiên văn học cổ của Trung Hoa
ở Việt Nam hiện nay không được dồi dào. Thực là khó mà tìm được một tài
liệu viết bằng Việt ngữ về vấn đề này.
Những sách viết bằng ngoại ngữ về thiên
văn học Trung Hoa thì rất nhiều, nhưng tiếc là các thư viện công cũng
như tư ở Việt Nam không có được mấy cuốn. Thật là một điều đáng tiếc.
Chính vì thế mà thiên khảo luận này không thể nào thập toàn thập mỹ.
Dẫu sao thì thiên khảo luận này sở dĩ mà
thành hình được cũng là nhờ những tác phẩm hay những biên khảo của
Joseph Needham, Chavannes, Leopold de Saussure, Gustave Schlegel, John
Chalmers, Henri Michel, J.B. Du Halde và các sách bằng Hán văn như Sử
Ký của Tư Mã Thiên, Tạo Hóa Thông của Nguyễn Ấn Trường,
Quản Khuy Tập Yếu, Đẩu Thủ Hà Lạc Lý Khí Ngao Đầu, và một
quyển Thiên Văn Thư từ thời đầu nhà Mạc (chép tay)… Thiên khảo
luận này sẽ là một thiên khảo luận mạch lạc gồm nhiều chương dài ngắn
không đồng đều, chứ không phải là một vài bài viết tùy hứng, chiếu lệ.
Nó cũng là biên khảo về một bộ môn khoa học, cho nên đôi khi cũng đòi
hỏi sự chú ý của độc giả, chứ không phải là những mẩu chuyện để mua vui
trong lúc trà dư tửu hậu.
Sau phần Phi Lộ, thiên khảo luận này sẽ
lần lượt trình bày các đề mục sau đây:
1. Tầm quan trọng của thiên văn học Trung
Hoa.
2. Ít dòng lịch sử về thiên văn học Trung
Hoa.
3. Những dụng cụ và những phương pháp dùng
trong thiên văn học Trung Hoa.
4. Dịch Kinh với thiên văn học Trung Hoa.
5. Khái lược về thiên văn học Trung Hoa
theo Vương Trí Viễn đời Tống.
6. Khái lược về thiên văn theo Tư Mã Thiên
thời Tiền Hán.
7. Khái lược về thiên văn theo Quản Khuy
Tập Vận.
8. Huyền nghĩa của vòng Chu Thiên.
9. Những lý thuyết về thiên văn Trung Hoa.
10. Thiên văn và lịch số.
11. Lược luận về cách xem thiên văn và
thời tiết Trung Hoa.
12. Phong vũ ca hay cách xem thiên văn
thời tiết của các bậc tiên Nho Việt Nam.
13. Bảng đối chiếu các sao trong thiên văn
Trung Hoa với các sao trong thiên văn Âu Mỹ.
Viết về
thiên văn giữa những tiếng ồn ào của trần thế, trong một thành phố thời
chinh chiến, nơi mà con người sống chen chúc, vất vả, đến nỗi không còn
có chỗ, không còn có thì giờ để nhìn lên trời mây và tinh tú, nơi mà ánh
đèn điện và đèn néon đã làm nhòa mất ánh trăng đêm; viết về thiên văn cổ
Trung Hoa mà tài liệu không được dồi dào, tri âm không có lấy một ai,
thì dĩ nhiên là không sao tránh khỏi được sự thiếu sót, ước mong quí vị
độc giả lượng thứ.
CHÚ THÍCH
Cf.
Camille
Flammarion, La
Mort
et son Mystère, Vol.I, tr. 395-396.
[2]
Cf. Joseph
Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.438-440.
[3]
Ibid. p. 209.
[4]
Ibid. p. 460.
[5]
Cf. Joseph Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III,
p.438.
[6]
Ibid. p.458.
[7]
Ibid. p.458.
[8]
Ibid. p. 458.
[9]
Ibid. p.424.
[10]
Ibid. p.433.
[11]
Ibid. p.435.
[12]
Ibid. p.426.
[13]
Ibid. p.434.
[14]
Henri Michel, Méthodes astronomiques des hautes époques chinoises,
p.2.
[15]
Năm loại hiện tượng có lẽ là: mưa, ấm, rét, gió và thời gian xuất hiện
của chúng, theo Hồng Phạm.
[16]
Joseph Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III,
p.190.
[17]
Xem Địa lý Chính tông, q.6, tr.1.
[18]
Xem Sử Ký Tư Mã Thiên, q.27, ch. Thiên Quan thư, tr.1a,1b. và
Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, nơi mục lục các
sao ở cuối quyển 2.
[19]
Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, nơi mục lục các
sao ở cuối quyển 2.
[20]
12 tướng: Quý Nhân, Đằng Xà, Chu Tước, Lục Hợp, Câu Trần, Thanh Long,
Thiên Không, Bạch Hổ, Thái Thường, Huyền Vũ, Thái Âm, Thiên Hậu.
[21]
12 Thần: Thiên Cương, Thái Ất, Thắng Quan, Tiểu Cát, Truyền Tống, Tòng
Khôi, Hà Khôi, Đăng Minh, Thần Hậu, Đại Cát, Tòng Tào, Thái Xung.
» [mụclục]
[phi lộ] [chương
1] [chương 2]
[chương 3] [chương
4] [chương 5]
[chương 6] [chương
7] [chương 8]
|