THIÊN VĂN HỌC CỔ TRUNG HOA


» [mụclục] [phi lộ] [chương 1] [chương 2] [chương 3] [chương 4] [chương 5] [chương 6] [chương 7] [chương 8]

Chương 5

Dịch Kinh với Thiên văn học Trung Hoa

 

I. Thái Cực và vòng Dịch với thiên văn học

II. Thái Cực là vũ trụ, là toàn thể (Tout); Quần tinh, vạn tượng là phân thể (parties du Tout).

III. Quan niệm Âm Dương trong thiên văn học

IV. Tứ Tượng với thiên văn học

V. Ngũ Hành với thiên văn học

VI. Từ các quẻ Dịch đến quan niệm vũ trụ bất đồng đẳng (Anisotropie) trong Thiên văn học (Univers anisotropes)

VII. Định luật biến thiên và sinh trưởng, thu tàng áp dụng vào thiên văn

VIII. Định luật tụ tán của Dịch áp dụng vào thiên văn

 

Từ trước đến nay ít có người dùng Kinh Dịch để luận thiên văn. Điều đó rất dễ hiểu, vì trong Kinh Dịch, những đoạn có liên quan đến thiên văn một cách lộ liễu tổng cộng chừng mươi dòng.

Quẻ Bí viết: «Cương nhu giao thác, thiên văn dã. Quan hồ thiên văn dĩ sát thời biến.» . . [Bí, Thoán truyện] (Cứng mềm giao nhau đó là văn vẻ tự nhiên của trời vậy. Xem thiên văn để biết thời biến.)

Quẻ Phong viết: «Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thực, thiên địa doanh hư, dữ thời tiêu tức.» , , , [Phong, Thoán truyện]. Tạm dịch:

                   «Vầng Dương cao sẽ xế ngang,

              Trăng tròn rồi sẽ chuyển sang hao gầy.

                   Đất trời lúc rỗng, lúc đầy.

              Thăng trầm, tăng giảm, đổi thay theo thời.»

Hệ từ thượng , chương 4, viết: «Ngưỡng dĩ quan thiên văn, phủ dĩ sát địa lý.» . Tạm dịch:

                   «Ngẩng lên tinh tượng vời trông,

              Cúi nhìn cho thấu lạch sông, ngọn nguồn.»

Hệ từ hạ , khi bình giải hào Cửu tứ quẻ Hàm viết: «Nhật vãng tắc nguyệt lai. Nguyệt vãng tắc nhật lai. Nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên. Hàn vãng tắc thử lai. Hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên.» . [Hệ từ hạ, chương 5] Tạm dịch:

                   «Vầng trăng đắp đổi vầng Dương,

              Vầng Dương đắp đổi đài gương Quảng Hằng.

                   Mặt trời cùng với mặt trăng,

              Luân phiên đắp đổi nên hằng sáng soi.

                   Lạnh đi, nóng lạnh tới nơi,

              Nóng đi, lạnh lại trở lui thay liền.

                   Hàn, ôn đắp đổi thường xuyên,

              Cho nên tuế nguyệt miên triền sinh ra.»

Những tài liệu trên đây dĩ nhiên là không đủ để nhận định về thiên văn, cổ cũng như kim.

Sở dĩ ngày nay tôi có thể dùng Dịch để bình luận được về thiên văn là vì tôi có may mắn khai thác thêm được ít nhiều yếu tố của Kinh Dịch mà xưa nay chưa ai khai thác. Đó là:

- Dựa vào các đồ bản Dịch mà suy luận.

- Dựa vào Dịch số mà suy luận.

- Dựa vào các định luật của Dịch mà suy luận.

- Tham khảo thiên văn học hiện đại để chứng nghiệm.

Dựa vào những dữ kiện trên, tôi sẽ bàn mấy vấn đề sau đây:

1. Thái Cực và vòng Dịch với thiên văn học.

2. Thái Cực là vũ trụ, là toàn thể (Tout); Quần tinh, vạn tượng là phân thể (parties du Tout).

3. Âm Dương với thiên văn học.

4. Tứ Tượng với thiên văn học.

5. Ngũ Hành với thiên văn học.

6. Các quẻ Dịch với quan niệm Vũ trụ bất đồng đẳng (univers anisotrope).

7. Định luật biến dịch; định luật sinh, trưởng, thu tàng với thiên văn.

8. Định luật tụ tán của thiên văn.

 

I. Thái Cực và vòng Dịch với thiên văn học

Trong dân gian ta thường thấy trước cửa nhà có treo hình Bát quái với Thái Cực ở tâm điểm. Tại sao dân chúng lại trọng kính Bát quái đến như vậy?

Thưa vì, truy kỳ nguyên, Thái Cực chính là Trời, là Thượng Đế, còn Bát quái tượng trưng cho các hiện tượng, cho vạn hữu, quần sinh. Như vậy bát quái có Tâm, mà Tâm ấy chính là Thái Cực.

Dịch là hình ảnh của vũ trụ. Nếu Dịch có tâm, có trục, thì bầu trời bao la này cũng phải có tâm có trục. Trục ấy và Tâm ấy ở đâu trên bầu trời?

Khảo thiên văn Trung Hoa ta thấy có hai thuyết:

a. Tâm vũ trụ là sao Bắc Thần.

b. Tâm của vũ trụ cách sao Bắc Thần chừng vài độ.

a. Tâm vũ trụ là sao Bắc Thần (étoile polaire)

Người Trung Hoa xưa tin rằng sao Bắc Thần (étoile polaire) là tâm điểm của bầu trời và các tinh cầu đều vận chuyển chung quanh sao bắc Thần.

Luận Ngữ có câu: «Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần, cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi.» , (Làm chính trị mà dùng đức độ [thì mọi người sẽ tùng phục qui thuận] y như sao Bắc Thần ở một chỗ mà mọi vì sao đều chầu về.)[1]

Thiên văn Trung Hoa xưa gọi sao Bắc Thần là:

- Thiên Hoàng Thượng Đế.[2]

- Bắc Cực.

- Thiên Cực.[3]

Lại cho rằng đấng Tối cao ngự trị tại đó.[4]

Như vậy, đối với dân Trung Hoa xưa, Bắc Thần đã là tâm điểm của hoàn võ, là nơi Thượng Đế ngự trị.

Còn vòng Hoàng Đạo, Xích Đạo có thể sánh với vòng Dịch bên ngoài, biến chuyển không ngừng nghỉ.

b. Tâm của vũ trụ gần sao Bắc Thần

Tuy nhiên quan niệm thiên văn trên không làm cho chúng ta được thỏa mãn, bởi lẽ: Tâm điểm của vòng Dịch là Thái Cực vô hình tướng. Chẳng lẽ trung tâm vũ trụ là sao bắc Thần lại hữu hình hữu tướng hay sao?

Theo Dịch, cái gì đã có hình tướng thì tất phải biến thiên. Như vậy, chẳng lẽ sao Bắc Thần, có hình tướng như mọi vì sao khác, lại bất biến, bất động hay sao?

Quả nhiên sau này Trầm Quát, một thiên văn gia đời Tống, đã sửa lại quan điểm của người xưa. Ông nhận định rằng sao Bắc Thần không phải là tâm điểm vũ trụ; trái lại, nó cách tâm điểm của bầu trời chừng 3 độ, và xoay quanh tâm điểm ấy.

Ông viết: «Trước thời nhà Hán, người ta tin rằng sao Bắc Thần là tâm điểm của bầu trời, vì thế được gọi là Cực Tinh. Tổ Hằng Chi (thế kỷ 5) nhờ ống vọng đồng đã tìm thấy rằng tâm điểm cố định của bầu trời cách sao Bắc Thần chừng non 1o.

«Trong những năm Hi Ninh (1068-1077, đời vua Tống Thần Tông) tôi vâng mệnh vua coi Khâm thiên giám. Tôi liền cố tìm Bắc Cực bằng ống vọng đồng. Ngay từ tối hôm đầu, tôi nhận thấy rằng: vì sao mà tôi có thể nhìn qua ống vọng đồng một lát sau lại chuyển động ra ngoài ống vọng đồng. Tôi cho rằng lỗ ống còn quá nhỏ. Cho nên tôi làm những ống có lỗ to dần thêm. sau ba tháng thí nghiệm, tôi mới làm được một ống nhòm có lỗ to đủ để nhìn thấy sao Bắc Thần xoay quanh mà không trật ra ngoài. Tôi nhận thấy rằng sao Bắc Thần xoay quanh và cách Bắc Cực khoảng 3o.

«Tôi liền vẽ nhiều đồ bản ghi chú vị trí của sao Bắc Thần từ khi sao lọt vào tầm ống nhòm, lúc chập tối, lúc nửa đêm, và lúc tảng sáng. Hơn 200 đồ bản như vậy đã chứng minh rằng sao Bắc Thần cũng là một sao xoay quanh Bắc Cực. Tôi liền làm sớ tấu trình lên vua để báo cáo.» [5]

Nhận định của Trầm Quát[6] có giá trị về ba phương diện:

a. Về phương diện triết học, nó cho thấy Vô là chủ chốt cho Hữu: Vô hình là chủ chốt cho hữu hình, hữu tướng.

b. Vì là Vô như vậy, nó mới có thể vừa làm cho tâm điểm giải thiên hà (galaxie) của chúng ta, vừa có thể làm tâm điểm hay trục cho các giải thiên hà khác.

c. Về phương diện khoa học, nó cho thấy tại sao các sao Bắc Thần lại có thể thay đổi sau một vài nghìn năm.

Và đây là các sao đã giữ vai trò Bắc Thần từ xưa đến nay trong thiên văn Trung Hoa:

(1) Tả Khu , Hữu Khu (khoảng năm 3000 tcn). Bắc Cực ở giữa hai sao này.

(2) Thiên Ất (3067 i Draconis)

(3) Thái Ất (42 hay 184 Draconis). Hai sao Thiên Ất và Thái Ất ở gần sao Hữu Khu và có lẽ đã được coi là sao Bắc Thần. Thái Ất được coi là sao Bắc Thần vào khoảng năm 2000, 1500 tcn.

(4) Thiên Đế Tinh (b Ursae Minoris, Kochab) đóng vai Bắc Thần khoảng năm 1000 tcn.

(5) Thiên Khu hay Nữu Tinh (4339 Camelopardi). Sao này có lẽ đã đóng vai Bắc Thần thời Hán (200 tcn - 200 cn).

(6) Thiên Hoàng Đại Đế (a Ursae Minoris) đóng vai Bắc Thần hiện nay.[7]

Có cái lạ là trong khi người Trung Hoa từ xưa đã biết lấy Bắc Thần làm tâm điểm vũ trụ thì người Âu Châu hãy còn ở trình độ lấy trái đất làm tâm điểm vũ trụ. Người Âu Châu xưa cho rằng: Trái đất bất động, làm tâm điểm vũ trụ.

Ngoài trái đất ra ta còn có 9 tầng trời:

Tầng thứ 1: Thái âm thiên (Mặt trăng: Lune)

Tầng thứ 2: Thủy tinh thiên (Thủy tinh: Mercure)

Tầng thứ 3: Kim tinh thiên (Kim tinh: Vénus)

Tầng thứ 4: Thái dương thiên (Mặt trời: Soleil)

Tầng thứ 5: Hùnh hoặc thiên (Hỏa tinh: Mars)

Tầng thứ 6: Tuế tinh thiên (Mộc tinh: Jupiter)

Tầng thứ 7: Trấn tinh thiên (Thổ tinh: Saturne)

Tầng thứ 8: Liệt tinh thiên (Monde des étoiles)

Tầng thứ 9: Tôn động thiên (Empyrée). Tôn động thiên không có sao nào, mà là nơi thần thánh ở.[8]

Như vậy, ít ra ta cũng thấy rằng: Quan niệm về tâm điểm vũ trụ của phương Đông và phương Tây ngược nhau.

Phương Đông cho rằng: Bắc Cực trên trời là tâm điểm vũ trụ. Phương Tây cho rằng: Trái đất là tâm điểm vũ trụ (ví dụ: Trời ở tâm điểm vũ trụ).

Phương Đông cho rằng: Cái gì ở tâm điểm là cao quý nhất, còn ở chu vi thì thấp kém nhất. Phương Tây cho rằng: Cái gì ở trung điểm thì thấp kém nhất, cái gì ở chu vi là cao quý nhất (ví dụ: Thượng Đế và liệt thánh ở vòng trời ngoài cùng).

Thiên văn học Trung Hoa, áp dụng Dịch lý, đã cho ta thấy rằng Thượng Đế là tâm điểm, là chủ chốt cho muôn loài, muôn vật, cho vũ trụ, quần tinh.

Như vậy, khảo Dịch, khảo thiên văn học Trung Hoa, ta biết được tín ngưỡng Trung Hoa xưa cao thấp ra sao, sánh với tín ngưỡng các dân tộc khác.

 

II. Thái Cực là Toàn thể (Tout) - Quần tinh, vạn tượng là phân thể (Parties du Tout)

Người Trung Hoa xưa cho rằng trời đất, quần tinh, vạn hữu đều là phân thể của một Toàn thể, đó là Thái Cực.

Quan niệm về vũ trụ sinh hóa (Cosmogénèse) này rất quan trọng về phương diện triết học và đạo giáo. Nó có thể chứng minh được bằng nhiều phương cách như sau:

a. Chứng minh bằng Dịch số

Nếu ta gọi Thái Cực là Một (=1) là Toàn thể, ta sẽ thấy trời đất, quần tinh, vạn hữu được phân chia theo lẽ Dịch như sau:

1 , 1/2 , 1/4 , 1/8 , 1/16 , 1/32 , 1/64 , … , 1/∞ .

Như vậy, ta thấy từ Thái Cực xuống dần đến trời, đất (Âm, Dương) đến quần tinh, vạn hữu, qự qua phân (differentiation; division) càng ngày càng trở nên nhỏ nhít.

Ta cũng có thể dùng những con số trong Hà Đồ để chứng minh rằng Vũ trụ là phân thể của Thái Cực. Trong Hà Đồ, ta có:

(7)

|

(2)

|

(8) - (3) - (5) / (10) - (4) - (9)

|

(1)

|

(6)

Ta thấy:     2 + 3 = 5

                   1 + 4 = 5

                   6 + 4 = 10

                   1 + 9 = 10

                   2 + 8 = 10

                   3 + 7 = 10

                   8 + 7 = 15

                   9 + 6 = 15

Mà như ta đã biết, các con số 5, 10, hay 5 + 10 = 15 ở trung điểm Hà Đồ đều tượng trưng cho Thái Cực; còn các số bên ngoài đều tượng trưng cho vạn hữu.

b. Chứng minh bằng Tượng (Symboles)

Nếu ta hình dung Thái Cực (hay Toàn thể) bằng hình Thái Cực, ta sẽ tượng trưng quần tinh, vạn hữu bằng bát quái.

Quần tinh, vạn hữu là phân thể của Thái Cực, y như Bát quái là phân thể của Thái Cực theo đồ bản sau.

 

Nghiên cứu đồ bản trên, ta thấy:

Kiền (Càn): thuần Dương, tương ứng với phần thuần Dương của Thái Cực.

Khôn: thuần Âm, tương ứng với phần thuần Dương của Thái Cực.

Tốn, Đoài: 1 hào Âm, 2 hào Dương, tương ứng với Dương nhiều Âm ít của Thái Cực.

Chấn, Cấn: 1 hào Dương, 2 hào Âm, tương ứng với Dương ít Âm nhiều của Thái Cực.

Khảm, Ly: ở vào nơi Âm Dương gần như ngang ngửa của Thái Cực (hào Âm hay hào Dương ở giữa là rất quý, nên ảnh hưởng có thể gần như quân bình với 2 hào ngoài).

Thế tức là bất kỳ hào quái nào (hiện tượng nào, vật thể nào) cũng là phân thể của Thái Cực và đều đã hàm tàng trong Thái Cực.

c. Chứng minh bằng huyền thoại

Người Trung Hoa đã dùng huyền thoại bàn Cổ để mô tả sự qua phân của Thái Cực thành trời đất, vạn hữu, tinh cầu.

Nhiệm Phưởng, thế kỷ 6 cn, đã viết về Bàn Cổ trong quyển Thuật Dị Ký như sau: «Xưa khi Bàn Cổ chết, đầu ông thành tứ nhạc; 2 mắt ông thành mặt trời, mặt trăng; mỡ ông thành sông biển; râu tóc ông thành cỏ cây. Thời Tần và Hán, người ta thường cho rằng đầu Bàn Cổ là Thái Sơn, bụng ông là Tung Sơn, tay trái ông là Hành Sơn, tay phải ông là Hằng Sơn, chân ông là Hoa Sơn. Tiên Nho cho rằng nước mắt Bàn Cổ chảy thành sông, hơi thở ông là gió, tiếng ông là sấm, con ngươi ông là chớp.» [9]

Đạo Lão sau này, lại phỏng theo huyền thoại Bàn Cổ và cho rằng Lão Tử đã phân hóa thành vũ trụ.

Chân Loan, trong quyển Tiếu Đạo Luận, đã tóm tắt quyển Thái Thượng Lão Quân tạo thiên lập địa sơ ký như sau:

«Lão Tử biến hóa hình hài. Mắt trái ngài thành mặt trời, mắt phải ngài thành mặt trăng, đầu ngài thành núi Côn Lôn, râu ngài thành các hành tinh và Nhị thập bát tú, xương ngài thành rồng, thịt ngài thành muôn thú, ruột ngài thành rắn, bụng ngài thành biển, các ngón tay ngài thành Ngũ Nhạc, lông mày ngài thành cỏ cây, tim ngài thành chòm sao Hoa cái, hai trái thận ngài hợp với nhau thành ra cha và mẹ của ‘Chân Yếu phụ mẫu’ [10]

Nhiều nước trên thế giới cũng có những huyền thoại tương tự. Iran có huyền thoại Gaya Maretan, các nước Bắc Ấu có huyền thoại Ymer, Ấn Độ có huyền thoại Purusha.[11]

d. Chứng minh bằng văn liệu Trung Hoa

Trong quyển ký sự của linh mục J.B. Du Halde về Trung Hoa và Mãn Châu, có ghi chép rằng: Thế kỷ 18 có một triết gia Trung Hoa tên là Tchin (?) đã chủ trương rằng trời, đất, nhật, nguyệt, tinh cầu đều phát xuất từ một đại thể, đó là Thái Cực. Ông giải thích quan niệm của ông bằng một bức họa.[12]

e. Chứng minh bằng thiên văn học hiện đại

Thuyết vũ trụ, tinh cầuđều từ một hồn khối phát sinh ngày nay được nhiều thiên văn gia Âu Châu chấp nhận.

Người chủ xướng là Lemaître, một linh mục người Bỉ. Ông chủ trương tinh cầu đều từ một hồn khối thái sơ (atome primitif) sinh xuất.[13]

Thuyết này đã được nhiều thiên văn gia danh tiếng khác như Edington chấp nhận.[14]

Như vậy quan niệm của Dịch Kinh đã ăn khớp với những quan niệm mới mẻ nhất của thiên văn học. Dịch Kinh muốn chứng minh rằng nếu Thái Cực là Toàn thể, là Đại thể, thì vũ trụ cũng là một Toàn thể, một Đại thể bao quát cả không gian lẫn thời gian (trên dưới bốn phương là VŨ, xưa nay qua lại là TRỤ).[15]

Do đó các tinh cầu và vạn vật bên trong chỉ là những phân thể của một Đại thể. Đã là phân thể của một Đại thể, thì những ảnh hưởng đối với nhau tất nhiên phải có. Cho nên nói rằng: các vì sao, mặt trời, mặt trăng, các hành tinh, các sao chổi ảnh hưởng đến con người là một điều hết sức khoa học và hữu lý. Nói như vậy chẳng khác gì nói rằng các tế bào trong người đều có ảnh hưởng đến nhau, dẫu là xa cách nhau như tế bào đầu, tế bào chân chẳng hạn. (Tế bào đầu và tế bào chân có lẽ cũng xa nhau như các giải thiên hà [galaxies] xa nhất, xa nhau.) Một đám tế bào mà khởi loạn, thì các tế bào châu thân sẽ chịu ảnh hưởng và con người sẽ đi đến chỗ tiêu vong (như trong trường hợp bệnh ung thư chẳng hạn).

Cũng một lẽ, một sự bùng nổ trên mặt trời có thể sẽ gây bệnh hoạn tang tóc ở trái đất.

 

III. Quan niệm Âm Dương trong thiên văn học

Người Trung Hoa, trung thành với thuyết Âm Dương, đã phân trời đất, tinh cầu, vạn sự, vạn vật thành Âm Dương.

Trời là Dương; Đất là Âm.

Khinh thanh là Dương; Trọng trọc là Âm.

Mặt trời là Thái Dương; Mặt trăng là Thái Âm.

Đông Nam (là Dương); Tây Bắc là Âm, v.v.

Các sao trên trời cũng được phân thành Âm, Dương; điển hình nhất là các sao trong khoa Tử Vi.

Như ta đã biết, Dương tượng trưng cho: mặt trời, vua, cha, chồng, hiền nhân, quân tử, Trung Quốc, v.v.; Âm tượng trưng cho: đất, mặt trăng, hoàng hậu, con, bầy tôi, tiểu nhân, di địch, v.v.

Cho nên mỗi khi có nhật thực (éclipse de soleil), người Trung Hoa cho rằng ở dưới trần thế cương thường đã lỗi: tôi phản vua, con hại cha, hoàng hậu lấn át quyền vua, tiểu nhân lấn át quân tử, di địch lấn át Trung Hoa, v.v.

Tệ nhất là nhật thực vào tháng 4 và tháng 10. Tháng 4 là tháng thuần Dương (Kiền), là tháng Dương mạnh nhất. Mạnh nhất mà còn bị lấn át thì dĩ nhiên là nguy. Tháng 10 là tháng thuần Âm (Khôn) (tuy rằng vẫn được gọi là dương nguyệt). Tháng này dĩ nhiên là Dương quá yếu. Dương đã quá yếu mà còn bị lấn át nữa, thì còn gì là Dương.[16]

Người Trung Hoa vì trọng Dương khinh Âm nên trong sách Xuân Thu chỉ ghi nhật thực chứ không ghi nguyệt thực (éclipse de lune).

 

IV. Tứ Tượng với thiên văn

Nếu Dịch có Tứ Tượng, thì thiên văn học Trung Hoa cũng có Tứ Linh, và Nhị thập bát tú trên vòng Hoàng Đạo cũng được chia thành 4 nhóm, tương ứng với Tứ Linh. Vì thế ta có:

(1) Chòm Thanh Long phía Đông gồm 7 sao: Giác , Cang , Đê , Phòng , Tâm , Vĩ , Cơ .

(2) Chòm Chu Tước phía Nam gồm 7 sao: Tỉnh , Quỉ , Liễu , Tinh , Trương , Dực , Chẩn .

(3) Chòm Bạch Hổ phía Tây gồm 7 sao: Khuê , Lâu , Vị , Mão , Tất , Chủy , Sâm .

(4) Chòm Huyền Võ phía Bắc gồm 7 sao: Đẩu , Ngưu , Nữ , Hư , Nguy , Thất , Bích .

Trong khoa thiên văn Âu Châu thời cổ, Tứ Tượng được thể hiện bằng:

- Bốn phương đất.

- Bốn phương trời.

- Bốn mùa.

- Bốn vì sao, đánh dấu bốn mùa: Aldebaran (sao Thiên Cao), Antarès (sao Tâm), Régulus (sao Nữ Chủ), và Fomalhaut (Bắc Lạc Sư Môn).

Tứ linh tượng trưng cho bốn cung trời. Bốn cung trời chính Tứ Linh là:

- Bò, tức là cung Kim Ngưu (Taureau).

- Sư tử, tức là cung Sư Tử (Lion).

- Phượng, tức là cung Thiên Yết (Scorpion).

- Người, tức là cung Bảo Bình (Verseau).[17]

V. Quan niệm Ngũ Hành với thiên văn học Trung Hoa

Dịch có Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, thì thiên văn cũng có:

- Kim Tinh (Vénus)

- Mộc Tinh (Jupiter)

- Hỏa Tinh (Mercure)

- Hỏa Tinh (Mars)

- Thổ Tinh (Saturne)

 

VI. Từ các quẻ Dịch đến quan niệm vũ trụ bất đồng đẳng (Anisotropie) trong Thiên văn học (Univers anisotropes)

Nếu ta nhận xét về Bát quái trên vòng Tiên thiên, hay Hậu thiên, ta sẽ thấy 8 quẻ ở vào 8 hướng và không quẻ nào giống quẻ nào.

Suy ra, vũ trụ và không gian hữu hình không thể nào đồng đẳng, mà mỗi hướng đều khác. Nhiều thiên văn gia và nhiều học giả ngày nay cũng chủ trương như vậy.[18]

VII. Định luật biến thiên và sinh trưởng, thu tàng áp dụng vào thiên văn

Dịch chủ trương bất kỳ hiện tượng gì cũng có biến dịch, cũng có đầy vơi, tăng giảm, cũng chịu định luật sinh trưởng, thu tàng.

Thiên văn học ngày nay đã chứng nghiệm điều đó. Vì trái đất quay nên bất kỳ thiên thể nào trên trời cũng y như rong ruổi trên đường trời. Nếu chúng ta chụp ảnh bầu trời từng ngày, từng tháng, từng mùa, ta sẽ thấy sự thay đổi vị trí các vì sao càng ngày càng rõ rệt. Trên vòng Hoàng Đạo, mỗi mùa đều có chòm sao riêng…

Ta cũng có thể chứng nghiệm điều này bằng cách quan sát bầu trời mỗi đêm. Ví dụ: vào khoảng giữa tháng 8 dương lịch, khoảng 10 giờ đêm, ta thấy nơi đỉnh đầu các sao Ngưu Lang (Altair), Chức Nữ (Véga). Trông về phía Nam, ta thấy các sao Tâm (Antarès), Vĩ (trong chòm Scorpion), Cơ (trong chòm Sagittaire).

Khoảng 5 giờ sáng, ta lại thấy ở đỉnh đầu là các sao: Khuê (chòm Carré du Pegase), Lâu (Hamal du Bélier), Mão (Pléiades), Thiên Thuyền (Mirfak du Persée). Nhìn sang phía Đông, ta thấy các sao Tất (Hyades), Chủy (chòm Orion 1 et 2 de la Tête), Sâm (Bételgeuse) và Thiên Cẩu (Sirius).

Sang tháng 10 dương lịch, khoảng 10 giờ đêm, ta lại thấy các sao Thất Bích (chòm Pégase) nơi đỉnh đầu. Khoảng 5 giờ sáng, ta sẽ thấy các sao Tất, Chủy, Sâm, và Thiên Cẩu nơi đỉnh đầu, v.v.

Các vì sao y như là những diễn viên, cứ đúng ngày, đúng giờ, lại hiện ra nơi sân khấu trời.

Vả lại các sao cũng có non, già, nóng, lạnh. Có những vì sao sơ sinh, có những sao gần mãn kiếp, y như số phận con người nơi trần gian này.

Ngày nay, các thiên văn gia phân loại sao thành 10 thứ hạng như sau:

- Hạng O    sức nóng 30.000o

- Hạng B     sức nóng 20.000o

- Hạng A    sức nóng 10.000o

- Hạng F     sức nóng 7.500o

- Hạng G    sức nóng 5.600o

- Hạng K    sức nóng 4.000o

- Hạng M    sức nóng 3.000o

- Hạng N và hạng R sức nóng xấp xỉ như hạng K và M

- Hạng S     thuộc hạng sao lạnh.

Các sao càng trẻ càng trắng. Các sao có tuổi thì ngả màu vàng. Các sao già thì biến sang màu đỏ.[19]

VIII. Định luật tụ tán của Dịch áp dụng vào thiên văn

Nói đến Âm Dương tức là nói đến định luật vãng lai, tụ tán. Hiểu được định luật tụ tán tức là hiểu được quá khứ vị ali của vũ trụ.

Thực vậy, nếu ta coi vũ trụ như là một bầu tròn và chấp nhận rằng vũ trụ này không im lìm, mà biến dịch luôn, thì tất nhiên ta phải chấp nhận rằng: hoặc nó đang trong thời kỳ tán, hoặc nó đang trong thời kỳ tụ.

Đầu thế kỷ 20, khoa thiên văn học Âu Châu mới khám phá ra rằng vũ trụ chúng ta đang ở trong thời kỳ tán.

Nhờ phương pháp thâu quang phổ (spectroscopie) và dựa vào định luật Doppler Fizeau[20] các thiên văn gia khám phá ra rằng các giải thiên hà (galaxies) đang đua nhau tiến về miền biên viễn của vũ trụ, y như là cái bọt xà phòng của trẻ con chơi, đang được thổi phồng lên, theo lý thuyết của Georges Lemaître, đã được Hubble và Eddington chấp nhận.[21]

Nếu như vậy thì khi vũ trụ tán đến một cực điểm, sẽ bắt đầu tụ dần lại, co lại, vì «Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu» và đại vũ trụ sẽ trở dần về tâm điểm, thực hiện một cuộc phản bản hoàn nguyên vĩ đại.[22]

Kết luận

Những áp dụng của Dịch lý trên đây vào thiên văn học mới đầu ngỡ là tầm thường, nhưng nếu ta chịu suy nghĩ, cân nhắc, sẽ thấy nó có một tầm quan trọng hết sức lớn lao về phương diện đạo giáo cũng như về phương diện triết học, khoa học.

Tóm lại, ta thấy vũ trụ này là sự hiển dương, phân hóa của Thái Cực, của Thượng Đế; tuy có doanh, hư, tiêu, trưởng, nhưng chính nhờ có sự thăng trầm, biến hóa, vãng lai, phản phục, tụ tán ấy mà sẽ vĩnh cửu qua muôn vàn đợt sinh sinh, diệt diệt vô cùng tận.

Vũ trụ này là một đại thể có tôn ti, trật tự, và biến động theo những định luật cố định.

Học Dịch cũng như là học thiên văn, cốt là tìm cho ra những định luật chi phối mọi sự biến thiên, tiến thoái ấy.

 

CHÚ THÍCH

[1] Luận Ngữ, II-1.

[2] C’est une seule étoile répondant à la dernière étoile de la queue de la petite Ourse, ou à notre étoile polaire. Le nom chinois de cette étoile est significatif, car tandis que toutes les autres étoiles ont un mouvement, l’étoile polaire parait sans mouvement, et être le point fixe autour duquel tous les autres astérismes tournent et auxquels il semble imprimer le mouvement. Elle était donc comme le Souverain du Ciel, et on lui donne conséquemment le nom. -- Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, Tome I, p.523.

[3] Thiên cực nhất tinh danh Bắc Cực, vị tại trung ương, tứ phương sở thủ chính, cố viết Trung cung, viết Thiên cực, tức bắc thần dã. 天 極 一 星 名 北 極, 位 在 中 央, 四 方 所 守 正, 故 曰 中 宮, 曰 天 極, 即 北 辰 也. Ibid. , p. 524.

[4] Thiên trung cung, Thiên cực tinh, kỳ nhất minh giả Thái Nhất thường cư. 天 中 宮, 天 極 星, 其 一 明 者 太 一 常 居. Ibid., p. 524, note 1.

[5] Joseph Needham, Science and Civilisation in China, Vol III, p. 262.

[6] Thực ra Hạch Manh đời Hán cũng đã nói: «… Cho nên, chỗ không có sao, Thần Cực ở yên một chỗ.» Cf. Lê Quí Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, quyển I, tr.86.

[7] Joseph Needham, Science and Civilisation in China, Vol III, p. 260-261.

[8] Lê Quí Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, quyển I, tr.88.

[9] Jen Fang, Chou yi ki, q. 1, tr. 1a, édition Han Wei tseng-cheu (Hán Ngụy tùng thư). Xem Henri Maspéro, Le Taoisme, p.109.

[10] Henri Maspéro, Le Taoisme, p.108-109.

[11] Linh mục Hoàng Sĩ Quý có viết một bài giá trị về đề tài Con người và vũ trụ này, nguyên tựa là: Le Mythe indien de l’homme cosmique dans son contexte et dans son évolution, đăng trong Revue de l’histoire des religions (Annales du Musée Guimet) - PUF.

[12] «Disons de même à proportion que ce qui se trouve de plus subtil et de vivifiant dans le Tai-ki, dans le Suprême indéfini, qui a précédé immédiatement tous les êtres définis, a été comme le germe d’òu le Ciel et la terre ont été produits. Peut-ếtre ne me suis je pas encore rendu assez intelligible, je vais tracer sur le papier une figure qui vous mettra sous les yeux ce que je viens de proposer.»

 J.B. Du Halde, Description géographique, historique, chronologique, politique et physique de l’empire de la Chine et de la Tartarie chinoise, Tome 3, p. 52-53 (sách của thư viện dòng Tên).

[13] Georges Lemaître, L’Hypothèse de l’atome primitif, Essai de cosmogénie, Paris, 1946.

[14] Pierre Rousseau, Histoire de la Science, p. 769.

[15] Bửu Cầm, Tống Nho, tr.179.

[16] Tạ Quang Phát, Kinh Thi, Tiểu nhã, thập nguyệt chi giao, lời bình của Tạ Quang Phát nơi các trang 993, 995, 996.

[17] Công giáo đã khai thác đề tài Tứ linh này đến triệt để. Tứ linh tượng trưng cho 4 thánh sử (évangélistes) Công giáo: Bò tượng trưng cho thánh Luc; Sư tử tượng trưng cho thánh Marc; Phượng tượng trưng cho thánh Jean; Người tượng trưng cho thánh Mathieu.

 Quái thú mà Ezéchiel thấy trên bờ sông Kebar có 4 mặt: mặt người, mặt sư tử, mặt phượng, mặt bò (ezéchiel I, 4-12). Trong Khải Huyền (Apocalypse) ta lại thấy Tứ Linh: Bò, Sư tử, Người, Phượng vây quanh tòa Thiên Chúa (Apocalypse, 4, 7-8).

[18] Si le Cosmos était isotrope, il serait l’immuable, “le Même” de Platon, rien ne s’y manifesterait; il évoquerait l’image du Néant et de la Mort.

 Mais il n’est pas isotrope, il ne peut pas l’être; l’espace dans lequel voyage notre Terre est au moins polarisé par le Soleil.

 Dès qu’une direction de polarisation apparait, nous sommes certains qu’il y a un courant de forces circulant dans cette direction; le Néant isotrope s’anime; le mouvement naît et se propage, le milieu vit. Si plusieurs directions de polarisation s’enchevêtrent dans le même milieu, elles seront harmoniques entre elles ou dissonantes entre elles; dans le premier cas, les courants engendrés seront concordants, ordonnés, constructifs; dans le second cas, ils seront discordants désordonnée, destructifs.

 D. Néroman, La Leçon de Platon, Paris, 1943, p.258

 Xem thêm Cosmologie du XXè siècle, pp. 283, 286.

[19] Camille Flammarion: Astronomie populaire, p.460 et ss.

 Astronomie, Larousse, p. 338 et ss.

 Théophile Moreux, L’alchimie moderne, p. 39.

[20] En 1842, un professeur de mathématiques autrichien, Christian Doppler, découvrit ce que nous connaissons sous le nom d’effet Doppler. Les ondes de lumière nous paraissent plus longue, lorsqu’elles nous proviennent d’un objet qui s’éloigne de nous; elles semblent plus courtes et entassées, si l’objet s’approche de nous…

 Les ondes lumineuses en provenance d’une source qui s’éloigne tendent donc à se porter vers la zone rouge du spectre; c’est ce qu’on applelle le «décalage vers le rouge». Les astronomes en sont arrivés à la conclusion que ce décalage observé dans le spectre lumineux d’un corps céleste, signifie que ce corps s’éloigne de l’observateur.

 Bruce Bliven, Pourquoi fait-il noir la nuit? - Sélection du Reader’s Digest, Septembre, 1963.

[21] Georges Lemaître avait exposé, avec une rigueur impeccable, la théorie d’un univers en expansion… (Eddington) constata que Lemaître avait prédit le phénomène observé par Hubble et que la fuite des nébuleuses trahissait une expansion d’univers.

 Pierre Rousseau, Histoire de la Science, p. 769.

[22] An earlier theory of the expanding universe, put forth some years ago by Dr R.C. Tolman of the California Institute of Technology, suggests that the cosmic expansion may be simply a temporary condition which will be followed at some future epoch of cosmic time by a period of contraction.

 The universe in this picture is a pulsating balloon in which cycles of expansion and contraction succeed each other through eternity…

 Lincoln Barnett, The Universe and Dr. Einstein, p.110

 L’histoire de l’univers est périodique. L’instant initial n’est que le commencement d’une période.

 Cosmologie du XXè siècle, p. 335.


» [mụclục] [phi lộ] [chương 1] [chương 2] [chương 3] [chương 4] [chương 5] [chương 6] [chương 7] [chương 8]