HỆ TỪ HẠ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12


CHƯƠNG 12

(Chương 12 gồm 7 Tiết)

Toát lược

 

Tiết 1.

乾,天 也,德 險,夫 坤,天 也,德 阻。

Phù Kiền thiên hạ chi chí kiện dã. Đức hạnh hằng dị dĩ tri hiểm. Phù Khôn thiên hạ chi chí thuận dã. Đức hạnh hằng giản dĩ tri trở.  

Dịch. Tiết 1.

Kiền thời mạnh nhất trần gian,

Dễ dàng, mà biết gian nan ở đời.

Khôn là nhu thuận, tuyệt vời,

Dễ dàng, mà thấu truyện đời khó khăn. 

Đường lối của Đất Trời rất là giản dị. Cho nên Kinh Dịch cũng dạy ta theo đường lối giản dị mà hành xử.

Theo đường lối giản dị, nhưng vẫn phải biết những nỗi phiền toái, phức tạp ở đời để mà tránh. Có như vậy, mới là thông minh duệ trí. 

 

Tiết 2.

心,能 慮,定 凶,成 者,

Năng duyệt chư tâm. Năng nghiên chư hầu chi lự. Định thiên hạ chi cát hung. Thành thiên hạ chi vĩ vĩ giả. 

Dịch. Tiết 2.

Làm cho lòng dạ lâng lâng,

Nhưng mà tâm trí vẫn hằng xét soị.

Định hay, định dở cho đời,

Làm cho vạn sự xong xuôi, hoàn thành. 

Kinh Dịch làm ra cốt để giúp chúng ta có được một tâm hồn tĩnh lãng, sảng khoái, một khối óc biết suy tư, biết phân biện thế nào là hung cát ở trên đời, và đi đến thành công trong mọi công trình gắng gỏi.

Biết trong lòng mình có Thái Cực (Thượng đế), có Đạo, cho nên tâm thần vui thỏa. Biết sự đời phức tạp, nên sẽ vận dụng hết trí lực để suy tư, nghiên cứu, nhận định tình hình cho kỹ càng, toan tính kỹ càng những đường đi nước bước để xu cát, tị hung. Cố gắng vươn lên, làm việc luôn có tổ chức, phương pháp, kiểm điểm, để làm gì cũng đi đến thành toàn. 

 

Tiết 3.

故,變 為,吉 祥,象 器,占 來。

Thị cố biến hóa vân vi. Cát sự hữu tường. Tượng sự tri khí. Chiêm sự tri lai.

Dịch. Tiết 3.

Cho nên, biến hóa phân trình,

Cốt là diễn tả công lênh, việc làm.

Làm hay, sẽ được cát tường,

Rõ ràng sự vật, nhờ nương ảnh hình.

Biết chiều hung họa, ngay lành,

Nhờ Hào quẻ Dịch, đoán rành tương lai. 

Bất kỳ những biến hóa của Trời Đất, hay những hành vi của nhân quần, cũng đều có những yếu tố giúp ta đoán định được cát hung, thành bại. Những Tượng hình của quẻ, hay những hiện tượng của Đất Trời có thể giúp ta chế ra được khí cụ, vật dụng. Quan sát các căn do, biết được cơ vi đích thực của sự tình, thấu rõ được các yếu tố tạo nên mỗi hoàn cảnh, sẽ giúp ta đoán định được tương lai. 

 

Tiết 4.

位,聖 能。人 謀,百 能。

Thiên địa thiết vị. Thánh nhân thành năng. Nhân mưu quỉ mưu. Bách tính dữ năng. 

Dịch. Tiết 4. 

Đất trời định vị, an bài,

Thánh nhân giúp dập, hòa hài công lao.

Người mưu, rồi lại Thần mưu,

Làm cho thiên hạ, biết chiều hành vi.

Hành vi, cốt để phát huy,

Những gì tiềm ẩn, siêu vi nơi người. 

Thánh nhân cùng với Trời Đất hợp thành Tam tài. Đất trời là môi trường hoạt động để cho Thánh nhân phát huy mọi khả năng của mình. Giúp người, giúp Thần minh làm nên công việc, và khiến bách tính cũng được dự phần vào sự thông minh, tài trí của mình.

Thánh nhân là người tìm ra được các định luật chi phối mọi cuộc biến thiên trong hoàn võ. Tìm ra được các định luật biến hóa ( mà ta thường gọi là Dịch Lý), sẽ giúp ta hiểu được đường lối của quỉ thần, của nhân loại.

Viết Kinh Dịch, ghi lại tâm tư, tức là chia sẻ những khám phá, những kinh nghiệm mình cho người, để cho người cũng trở nên thông sáng như mình. Như vậy, người viết Dịch cũng có lòng ưu ái đối với nhân quần vậy. 

 

Tiết 5.

告,爻 言,剛 居,而 見矣。

Bát quái dĩ tượng cáo. Hào Thoán dĩ tình ngôn. Cương nhu tạp cư. Nhi cát hung khả kiến hĩ. 

Dịch. Tiết 5.

Dùng hình tám quẻ dạy đời,

Theo tình Hào, Thoán, tùy thời đổi thay.

Cương, nhu, xen kẽ phơi bày,

Cho nên, hung cát thấy ngay rõ ràng. 

Dịch kinh có nhiều cách thức để dạy người:

* Các quẻ thì lấy Tượng mà dạy ta đạo làm người. Mỗi quẻ đều là một bài học luân lý (Xem Đại Tượng Truyện).

* Đọc Hào từ, Thoán từ sẽ hiểu được tâm tư của Thánh Hiền xưa.

Ví dụ: Các ngài muốn chúng ta:

*Uyển chuyển, thức thời, giàu không kiêu, khó không nản.

*Khi suy, không ù lì, thất vọng; khi thịnh, không phóng túng, buông lung.

*Làm gì cũng có tính toán, nghiên cứu, đề phòng.

*Tích phúc, từ những phúc cỏn con, tránh họa từ những họa nhỏ nhít.

*Chẳng những tránh thất bại, mưu thành công, mà còn cố tránh cả những trách móc của lương tâm, sự khinh chê của quần chúng.

*Sống để mà tiến, biết định luật thiên nhiên để mà khai thác thiên nhiên.

*Học hỏi, suy tư để tạo cho mình một đời sống phong phú về mọi phương diện.

Xem các Hào: Âm dương có xứng ngôi xứng vị, hay không xứng ngôi xứng vị, cũng như sự tỷ ứng của các Hào, sẽ suy ra sự cát hung của các Hào.

Xem tài đức ta có xứng đáng với chức vụ ta đang giữ hay không?. Xem ta được người chung quanh yêu ghét ra sao, sẽ suy ra được cát hung của mỗi người.  

 

Tiết 6.

言,吉 遷。是 生,遠 生,情 生。凡 情,近 凶,或 之,悔 吝。

Biến động dĩ lợi ngôn. Cát hung dĩ tình thiên. Thị cố ái ố tương công nhi cát hung sinh. Viễn cận tương thủ nhi hối lận sinh. Tình ngụy tương cảm nhi lợi hại sinh. Phàm Dịch chi tình. Cận nhi bất tương đắc. Tắc hung. Hoặc hại chi. Hối thả lận.  

Dịch. Tiết 6.

Biến thiên, biến động miên man,

Bày ra lợi hại, đôi đàng khác nhau.

Cát hung, tùy ở tâm đầu.

Tùy nơi tình cảm nông sâu, hay hèn.

Cho nên, yêu ghét giao duyên,

Làm cho hung cát, triền triền phát sinh,

Xa, gần, ảnh hưởng đua tranh,

Làm cho hối lận, mối manh phơi bầy.

Với nhau, đối đãi giả ngay,

Làm cho lợi hại có bài sinh ra.

Dịch kinh, trong cả toàn pho,

Gần mà chẳng hợp, tức là chẳng hay.

Chẳng hay, họa hại có ngày.

Phàn nàn, tủi hận dắt dây hiện hình.

Các Hào phơi bày nhẽ cát hung, thành bại thật là rõ ràng. Ta chỉ cần xem:

a). Các Hào có xứng ngôi, xứng vị hay không.

b). Các Hào ứng hợp, có xung khắc với nhau hay không?

c). Các Hào trung chính, hay bất trung chính  (trung là ở giữa. Ví dụ: hào 2,  4. Còn chính ví dụ: Hào lẻ phải là Dương, như hào 1, 3, 5. Hào chẵn phải là Âm ví dụ hào 2, 4, 6. Nếu trái lại, Dịch gọi là bất trung, bất chính)

d). Tình hình chung của mỗi quẻ, là chúng ta biết được cái hay, dở của từng nhân vật trong quẻ. 

*Áp dụng vào cuộc đời

Ngự Án cho rằng chúng ta nên xét tình hình qua 5 khía cạnh sau đây để đoán hung cát.

1. Thời (Thời đại mình ra sao).

2. Vị ( Địa vị mình ra sao ?).

3. Đức (Đức độ, tài ba mình ra sao).

4. Tỉ  (Mình gần ai ?).

5. Ứng ( Ai giúp mình). 

*Dĩ nhiên, sinh vào thời buổi loạn ly, thì khác với sinh vào thời thái thịnh.

*Hoàn cảnh của một người có địa vị, dĩ nhiên khác với hoàn cảnh của một anh bạch đinh.

* Một xã hội, mà mọi người đều được xử dụng một cách thích hợp với khả năng của mình, dĩ nhiên phải khác với một xã hội mà mọi người được xử dụng một cách bừa phứa.

*Những sự hung cát ta gặp, một phần  cũng vì ta ở gần quân tử hay tiểu nhân, có người nâng đỡ hay không có người nâng đỡ. 

Dịch còn đưa ra mấy tiêu chuẩn đoán định cát hung rất là lý thú sau đây:

1) Ta và người ta cộng tác với có thành thực với nhau hay không?

2) Ta và người ta cộng tác với, có thương ta hay không? Và, Dịch kết luận:  Không hợp nhau mà phải sống bên nhau,  không thành khẩn với nhau mà vẫn cộng tác với nhau, là mầm mộng sinh ra mọi điều hung họa.

Thưc là chí lý!  Với những tiêu chuẩn ấy, ta sẽ thấy tình đời, thấy vẻ mặt thực của đời hiện lên một cách rõ ràng. 

 

Tiết 7.

慚,中 枝,吉 寡,躁 多,誣 游,失 屈。

Tương bạn giả kỳ từ tàm. Trung tâm nghi giả kỳ từ chi. Cát nhân chi từ quả. Táo nhân chi từ đa. Vu thiện chi nhân kỳ từ du. Thất kỳ thủ giả kỳ từ khuất. 

Dịch. Tiết 7.

Manh tâm phản loạn, bội tình,

Những người thế ấy, lời đành rối ren.

Lòng nghi, lời lẽ tần phiền,

Người ngay, lời lẽ một niềm đơn sơ.

Người hăng, người tức, huyên hoa,

Người hăng, người tức, nói ra nhiều lời.

Những người giả đức bên ngoài,

Tức thời lời lẽ bài nhài, huyên thuyên.

Đuối tình, lời lẽ rối ren,

Đuối tình, đuối lý, hóa nên rối mù. 

Cuối cùng, Dịch dạy chúng ta xét lời ăn, tiếng nói để mà tìm hiểu lòng người. Theo Dịch thì:

*Người sắp phản loạn, lời nói sẽ rối ren, ngượng ngập.

*Khi trong dạ nghi nan, lời nói sẽ tần phiền, phức tạp.

*Người ngay, lời nói sẽ giản dị, ít oi.

*Người hung hăng, lời nói sẽ rườm rà.

*Người giả dạng nhân đức, lời nói sẽ mơ hồ, không chính xác.

*Người không có lập trường, không tự tín, lời nói sẽ không vững chãi, không sáng suốt,  và sẽ ấp úng.

Tiết này cho ta thấy rõ, Dịch Kinh quả là một khoa học thực nghiệm. Dịch dạy chúng ta luôn quan sát những hiện tượng, rồi lại phải xuyên qua các hiện tượng, để có cái nhìn tinh tế về thực trạng bên trong

Dịch dạy chúng ta phải tìm cho ra những cơ vi, những then chốt của những hiện tượng bên ngoài, và càng đi sâu vào lòng sự vật, vào lòng mình, càng thấy Trời, thấy Đạo, thấy Thái Cực huyền hóa hoạt động ở bên trong. Dịch khởi từ Thái Cực, từ Nhất, suy mãi ra muôn ngàn  hiện  tượng,  muôn vàn  lời  lẽ. Học Dịch xong , ta lại phải biết cô đọng, biết tổng hợp, để tìm lại được lẽ Nhất Quán của Trời Đất. Chúng ta lại phải đi từ Vạn để trở về Nhất, vươn từ Vạn hữu , Vạn Tượng để trở về Đại Nhất, trở về Thái Cực, trở về Tuyệt Đối. Có vậy, vòng tuần hoàn của Trời Đất mới được hoàn tất, và công trình ta mới được thành toàn.

Cho nên, tôi muốn lấy chữ Nhất, là một chữ chí giản chí dị, để mà kết thúc toàn thiên Hệ Từ này. Đó chính là tinh thần của Dịch Kinh vậy. 


» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12