TƯỢNG NGÔN PHÁ NGHI

NGỘ NGUYÊN LÃO NHÂN trước

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch


» MỤC LỤC » Quyển Thượng | Quyển Hạ | Phá nghi thi | Huyền tẫn chân khiếu thuyết | Tu chân yếu quyết

 

QUYỂN THƯỢNG

Thuận nghịch thuyết

Dược Vật Thuyết

Hỏa Hầu thuyết

THÊ VÂN SƠN, NGỘ NGUYÊN LÃO NHÂN TRƯỚC

棲 雲 山 悟 元 老 人 著

MÔN NHÂN NGỤY DƯƠNG THÀNH KHAN TỬ

門 人 魏 陽 誠 刊 梓

HẬU HỌC LƯU BỐC VÂN TRÙNG KHAN

後 學 劉 卜 人 重 刊

 

Tu chân chi đạo, sách xưa thường nói tới đạo Vô Vi, mà ít nói tới Đạo Hữu Vi. Vả Đạo Vô Vi thì chỉ có những bậc thượng trí mới đốn ngộ viên thông nó được. Biết một thông trăm lập tức bước lên thánh vức. Còn những hạng Trung Hạ, thì Tính Chất Ngu Độn, căn trần nặng nề, kiến thức hẹp hòi, nếu theo đạo Vô Vi thì lực lượng không bắt kịp, nên ắt không thể vạn duyên câu không, trực đăng bỉ ngạn. Ngụy Bá Dương tiên ông đời Hậu Hán chuẩn theo Kinh Dịch mà soạn ra bộ Tham Đồng Khế, dẫn dắt những người bậc Trung, bậc Hạ, lấy Hữu Tượng thí dụ vô tượng, lấy hữu hình dụ vô hình, nên bắt đầu mới có danh từ Kim Đơn, Duyên Hống, Sa Ngân, Ô Thố, Long Hổ, Anh Xá, Dược Vật, Lô Đỉnh, Phanh Luyện. v.v... Phép Pháp Tượng bắt đầu từ đó, và thành ra như một Đạo. Các vị Chân Nhân đều lấy Tham Đồng Khế làm tổ kinh mà soạn ra Đơn Kinh, bàn rõ Diệu Lý. Ý các Ngài dạy cho Hậu Học thấy cái này suy ra cái kia, mượn cái này chứng cái nọ.

Nếu học giả không tìm hiểu ý của ngụ ngôn, không biết lý của phép thủ tượng, thấy nói Kim Đơn, Duyên Hống, Lô Đỉnh thì nghĩ ngay đến ăn uống (phục thực) và cứ lo về Lô Hỏa; thấy nói Ô Thố, Long Hổ thì nghĩ là Tạng Phủ, và chuyên lo Tồn Tưởng; thấy nó Nhà Người, Nhà Ta, Nam Nữ, thì tưởng là Khuê Đơn (chuyện phòng the) nên lo Thái Thủ; thấy nói Nghịch Thuận Điên Đảo thì nghĩ là Cưỡng Tác, và nghĩ đến Vận Chuyển; thấy nói Tu Tính Vô Vi chi thuyết, thì nghĩ ngay đến Tịch Diệt và chủ trương Ngoan Không; thấy nói Tu Mệnh là Hữu Vi chi thuyết thì nghĩ là Bãi Lộng, và lo Chấp Tướng v.v... Tất cả đều là thấy hươu tưởng ngựa, thấy chim tưởng loan, không những vô ích cho Tính Mệnh, mà còn làm hại Tính Mệnh nữa. Đó đâu phải ý của tổ sư khi lập ra phép Thủ Tượng Dụ Ngôn đâu?

Tượng là Tượng Hình. Nói vật này mà tượng là vật khác, nói vật kia mà tượng vật này.

Ví dụ lấy chuyện mắt thấy nhãn tiền, mọi người đều hay biết mà luận, ví dụ như nấu nướng đồ ăn, thì cái Nồi là Đỉnh, Bếp là Lò. Trong nồi chứa nước, dưới bếp đốt lửa. Lửa bốc lên, nước chảy xuống. Để cho nước trong nồi ở trên, để cho lửa dưới bếp ở dưới. Thế là Thủy Hỏa điên đảo, hai bên tương tế, nhờ vậy mà đồ ăn mới chín. Phàm thủy phàm hỏa giúp nhau là như vậy. Ở nơi con người cương tính thì khô táo và động. Cho nên động thời thuộc Hỏa.Nhu Tính thời hoãn và Tĩnh. Tĩnh thuộc thủy. Dùng Nhu để dưỡng Cương, dùng Cương để đến với Nhu. Cương Nhu tương đáng không táo không hoãn, trở về trung chính, đại đạo dễ thành. Đó là cái lý của Thần Thủy Thần Hỏa tương tế. Lấy cái tượng của Phàm Thủy Phàm Hỏa tương tế mà ví dụ cái Lý của Thần Thủy Thần Hỏa tương tế, làm cho cái Lý ấy trở thành hiển nhiên vậy.

Lại như một người vốn có gia tài sản nghiệp phong phú, mà không biết an phận lại phá tán hết gia tài. Rồi hốt nhiên tự tri hối quá, khổ tâm lao lực trùng vụ sinh hoạt, dần dần tích tụ được tài vật, từ ít đến nhiều, cuối cùng tất phục hồi lại được gia nghiệp, thế là Hoàn Nguyên Phản bản được gia sản cũ.

Con người vốn có Tinh Thần, Linh Khí viên mãn, đầy đủ; khi giao vào Hậu Thiên, thuận chiều Tạo Hóa, phí Tinh, lao Thần, Nguyên Khí suy bại, Nguyên bản tiêu hao cho đến hết, nếu biết cải đầu hoán diện, trừng phẫn, trật dục, nhàn tà tồn thành, tiệm thứ dụng công, cuối cùng sẽ qui căn phục mệnh. Đó là Lý của Hoàn Nguyên Phản bản. Dùng cái tượng của Hoàn Nguyên Phản Bản, để ví dụ cái Lý của Hoàn Nguyên phản bản, làm cho cái Lý trở nên Hiển Nhiên vậy.

Lại như thế gian nam nữ tương phối, đôi bên hợp nhất, nên mới sinh con, sinh cháu. Thế là cái tượng Sinh Sinh của nhân loại, dùng để ví dụ cái Lý Sinh Sinh của Đơn Đạo, làm cho cái Lý trở nên hiển nhiên vậy.

Đơn Kinh chuyên dùng Tượng để ví dụ Lý, dạy người từ Tượng mà suy ra cái lý của sự việc, chứ không dạy người đi ngược với Chân Lý, rồi cứ bám vào tượng mà hoạt động, làm cho mọi người không chịu tìm cho ra nghĩa lý, chỉ nhận biết có tượng. Buồn thay!

Đơn kinh dùng Tượng thật nhiều. Học giả nên từ Tượng tìm cho ra nghĩa lý, mà được tượng thì phải quên lời, hiểy ý thì phải quên tượng, như vậy mới được.

 

.Thuận nghịch thuyết

Người thế gian chỉ biết Thuận hành mà không biết Nghịch Vận. Thế nào là Thuận? Thuận là thuận theo Tạo Hóa. Thế nào là Nghịch? Nghịch là đi ngược Tạo Hóa.

Tạo hóa là sinh nhân, sinh vật, sinh lão bệnh tử, luân hồi không ngừng, Nghịch Tạo Hóa là thành Tiên, thành Phật, bất sinh bất diệt, thọ cùng Trời Đất,

Con người từ khi thành thai sinh thân về sau, hai tám số đủ, giao vào Hậu Thiên, trong thì Thất tình Lục dục làm mê cái Chân, ngoài thì Vạn Duyên Vạn Sự làm mệt cái Hình, nhận Giả làm Chân, lấy Tà làm Chính, coi Khổ làm Sướng, thuận theo sở dục, không gì không làm, đem Tinh, Khí, Thần tam bảo bản lai của mình, tiêu hao cho hết. Làm cho Chân Tính viên minh của mình bị lu mờ đi. Đến khi khí nơi yết hầu bị đứt đoạn, mà cũng không biết ngừng nghỉ, cho nên bị Sinh Sinh, Tử Tử vạn kiếp trầm luân, cho nên nói Diêm La không gọi mà mình tự đến nộp mạng. Còn những bậc Đại Trí Tuệ, thì nghịch vận Tạo Hóa, không để cho tạo hóa câu thúc, không để cho Âm Dương hun đúc, không để cho vạn vật khiên dẫn, không dễ cho vạn duyên khiên di, trong lửa trồng sen, trong bùn chèo thuyền, mượn thế pháp để tu đạo pháp, y nhân đạo để toàn Thiên Đạo, đem vạn kiếp căn trần vứt bỏ đi, quét sạch mọi khách khí, mệnh do ta làm chủ không do Trời, trở lại bộ mặt Càn Nguyên xưa của ta, thoát Luân Hồi siêu xuất Tam Giới, trở thành Kim Cương bất hoại chi vật.

Vả trong chiều Thuận của Tạo Hóa mà vẫn vận dụng được Chiều Nghịch, có khẩu truyền tâm thụ hẳn hoi, thì ắt phải có Chân Sư điểm hóa, không thể tự nhiên mà biết. Học giả thế gian tự phụ vào ánh sáng đom đóm của mình, lại nhìn qua ống quản, chỉ biết vài thoại đầu, nhớ vài Công Án, mà đã cho mình là Biết Đạo, không chịu hỏi han ai, chỉ dùng mấy lời loạn đàm nơi cửa mồm, như người mù dẫn bọn mù, thật là tội lỗi.

Lại như một kẻ hồ đồ, không nhận được Chân Sư, sáng nói Vương chiều nói Lý. Học với hạng Tiều Thừa, mà cho mình là có Đạo, dù có người hay trước mắt cũng không chịu hạ mình cầu học, làm bậy làm bạ. Hoặc coi Tâm Khí hạ giáng, Thận Khí thượng thăng là Nghịch Hành, hoặc vận khí Hậu Thăng Tiền Giáng làm Nghịch Hành, hoặc coi Hoàn Tinh Bổ Não làm Nghịch Hành, hoặc coi Bế Khí Định Thần làm Nghịch Hành, hoặc Thái Âm bổ Dương làm Nghịch Hành, hoặc đàn bà nằm trên, đàn ông nằm dưới là Nghịch Hành, cứ như thế, trăm đường nghìn nẻo đều là đi Nghịch Thánh Đạo, không phài là Thuận Nghịch Tạo Hóa, không phải là Chí Sinh chi Đạo. Có biết đâu rằng Nghịch là trở về với Phụ Mẫu Sinh Thân chi sơ, như người bỏ nhà đi xa, nay lại trở về nhà. Tuy nói là Nghịch Hành nhưng kỳ thật là đi theo đúng lý (thuận lý nhi hành), đó chính là Nghịch trung chi Đại Thuận. Chỉ vì nó đi ngược với đường lối của thế nhân, nên gọi là Nghịch vậy. Bàng môn tả đạo, vì hiểu lầm chữ Nghịch, nên bày vẽ ra trăm nghìn công tác cho cái thân xác thịt này, để rồi ra đọa lạc vào không vong, Thật là ngu si vậy.

 

.Dược Vật Thuyết

Đơn kinh Tử thư nói tới Thái Dược để phanh luyện Kim Đơn đều là Tiên Thiên Vô Hình Vô Chất chi chân, không phải là Thế Gian Hữu Hình Hữu Chất chi dược, cũng không phải là vật gì hữu hình hữu chất trong thân thể con người.

Bởi vì từ sau khi con người sinh ra, đã Nhận Giả và đã Thất Chân, đem viên ngọc quí mình vốn có thủa ban đầu, tiêu hao cho đến hết. Trong con nghì chỉ còn toàn Âm chất và Tà Khí, như người mắc bệnh, chỉ còn chờ chết, nếu không có Linh Dược Chân Chính, thì làm sao biến Âm thành Dương, làm sao bảo toàn được Tính Mệnh? Chân Chính Linh Dược 真 正 靈 藥 là gì? Đó là Tiên Thiên Nhất Khí 先 天一 氣 vậy. Là Tiên Thiên Tinh Khí Thần Tam Bảo 先 天 精 氣 神 三 寶 vậy, Tiên Thiên Chân Nhất chi khí  先 天真 一 之 氣 còn gọi là Chân Chủng Tử 真 種 子.

Cái Khí này không rơi vào Sắc Tượng, nó là Chí Vô nhưng hàm Chí hữu, Chí Hư nhưng hàm Chí Thực, nó là Chân Không Diệu Hữu 真 空 妙 有. Nó thống nhiếp Tinh Khí Thần Tam Bảo. Tam Bảo này cũng không phải là Hữu Hình Chi Vật. Nó là Vô Hình Chi Chân 無 形 之 真. Ngọc Thiềm Ông viết: Cái Tinh này không phải là Giao Cảm Tinh, mà là nước rải của Ngọc Hoàng, cái Khí này không phải là cái Khí Hô Hấp, mà là cái khói của Thái Tố, cái Thần này không phải cái Thần Tư Lự, nhưng nó sánh được với Nguyên Thủy. Tuy chia thành Ba Nhà nhưng vẫn qui lại là một Tiên Thiên Nhất Khí, Tam gia hợp nhi thành Nhất Khí, Nhất Khí Phân nhi thành Tam Gia. Hái thuốc chính là hái cái Nhất Khí Tam Bảo đó. Dùng Chân Hỏa Đoàn Luyện nó sẽ thành Đơn, nó sẽ điểm hóa cho tất cả Âm Khí trong ta biến thành Thuần Dương. Thanh Tịnh không dính bụi bặm trần ai. Như người có bệnh dùng thuốc trị liệu cho thành người thường. Gọi là Dược Vật, là dùng phép Tượng Hình.

Hậu thế học giả thấy đơn kinh nói về Dược Vật, lầm tưởng là cái gì Hữu Hình Hữu Chất chi vật 有 形 有 質之 物, nên đi vào núi hái dược thảo, phối hợp mà dùng mơ tưởng sẽ được trường sinh, hoặc lấy Ngũ Kim Bát Thạch luyện thành Đơn Dược mà dùng, mơ tưởng sẽ bay bổng lên Trời. Có biết đâu rằng Thuốc hữu hình chỉ chữa được những bệnh hữu hình, không thể chữa những bệnh vô hình. Muốn chũa những bệnh vô hình nếu không lấy được Tiên Thiên Chân Nhất chi khí thì không có thuật nào khác vậy. Tham Đồng Khế viết: Đồng loại dị thi công hề, phi chủng nan vi xảo 同 類 易 施 工 兮 非 種 難 為 巧. Ngộ Chân Thiên viết:

Trúc phá tu tương trúc bổ nghi,

竹 破須 將 竹 補 宜

Bão kê đương dụng noãn vi chi.

抱 雞當 用 卵 為 之

Vạn ban phi loại đồ lao lực,

萬 般非 類 徒 勞 力

Tranh tự Chân Diên hợp thánh ky.

爭 似真 鉛 合 聖 機

Đồ tre, muốn sửa phải dùng tre,

Muốn gà cần trứng, mới nên nghe!

Đồng loại chẳng dùng, hao phí sức,

Phải có Chân Duyên mới hành nghề.

Chân Diên chính là Tiên Thiên Chân Nhất chi khí. Đọc đoạn này xong, mới thấy tưởng phàm dược là tiên dược thật là sai lầm vậy.

 

.Hỏa Hầu thuyết

Đơn Kinh Tử Thư đều nói đến Hỏa Hầu, để ví dụ Công Phu vàThứ Tự Chuẩn Tắc tu trì. Vì Công Phu Tu Trì có trước có sau, có nhanh có chậm, có tiến, có thoái. Đáng đi trước mà lại đi sau, đáng đi sau mà lại đi trước, đáng nhanh lại chậm; đáng chậm lại nhanh; đáng tiến, lại thoái, đáng thoái lại tiến; lại như lửa trong lò, có Văn Hỏa, có Vũ Hỏa, có lúc phải ngừng. Cho nên cái thứ tự trong việc Tu Chân, nói theo Tượng thì là Hỏa Hầu. Vả dụng công Hỏa Hầu, không kể năm tháng, ngày giờ. Khắc khắc hành nó, đáng trước thì trước, đáng sau thì sau, đáng nhanh thì nhanh, đáng chậm thì chậm, đáng tiến thì tiến, đáng thoái thì thoái, tùy thời biến thông, tóc tơ không nhầm. Đáng trước thì trước nghĩa làtrước hết phải nghiêm bên trong; đáng sau nghĩa là phải đề phòng bên ngoài; đáng nhanh là phải nhanh khi dụng công; đáng chậm là chậm khi ôn dưỡng; đáng tiến là khi Dương chưa đủ thì phải tiến; đáng thoái là khi Âm vừa sinh thì phải thoái Âm. Đó là Thực Lý về Hỏa Hầu. Chứ không phải là như Công gia nói:Tí thời tiến Dương Hỏa, Ngọ thời thoái Âm Phù, Mão Dậu nhị thời nghi Mộc Dục; cũng không phải là Đông Chí tiến Dương Hỏa, Hạ Chí thoái Âm Phù; Xuân Phân Thu Phân thời Mộc Dục. Vả Trời có Tí Ngọ Mão Dậu; Người có Tí Ngọ Mão Dậu, chứ đâu phải Tí Ngọ Mão Dậu của Trời là Tí Ngọ Mão Dậu của người.

Trong con người lúc nào cũng có Tí Ngọ Mão Dậu. Cổ Kinh nói: «Bất tất Thiên biên tầm Tí Ngọ, Thân trung tự hữu nhất Dương sinh» 不 必 天 邊 尋 子 午, 身 中 自 有 一 陽 生. Vả coi Dương sinh là Tí, coi Âm sinh là Ngọ, Dương với Âm hợp nhau là Mão, Âm với Dương hợp nhau là Dậu, nên gọi là Hoạt Tí, Ngọ, Mão, Dậu vậy. Đâu phài là Tí Ngọ Mão Dậu chết trên khung Trời đâu? Sách Kim Đơn Tứ Bách Tự viết: «Hỏa Hầu không có thời, Đông Chí không tại Tí, cũng như nói Mộc Dục là Mão Dậu chỉ là cách so sánh mà thôi.» Ngộ Chân Thiên nói:

Tổng thức Chu Sa dữ Hắc Diên,

總 識朱 砂 與 黑 鉛

Bất tri Hỏa Hậu dã như nhàn,

不 知火 候 也 如 閑

Đại đô toàn tạ tu trì lực,

大 都全 藉 修 持 力

Hào phát sai thù bất kết đơn.[1]

毫 髮差 殊 不 結 丹

Nếu biết Chu Sa với Hắc Đơn,

Hỏa hầu không biết cũng như không.

Chung qui toàn dụng tu trì lực,

Nếu sai tơ tóc, sẽ hỏng Đơn,

Nói Đông Chí không tại Tí, thì Mão Dậu cũng là cách so sánh chơi mà thôi. Nói Hào Phát Sai Thù Bất Kết Đơn, thì biết ngay là không phải Thiên Biên Tí Ngọ Mão Dậu vậy. Nếu như nói Thiên Biên Tí Ngọ là 12 giờ, như vậy chỉ có 4 giờ tu trì, còn dư 8 giờ khác thì bỏ đi không dùng, thì làm sao nói được là Hào phát vô sai được?

Nhập Dược Kính viết: Trong một ngày có 12 giờ thì Ý cũng có thể đến, và ta đều thấy đều biết. Niên nguyệt nhật thời khắc khắc dụng công tu trì, phòng nguy lự hiểm, hào phát không được sai lầm. Đến như Hỏa Hầu trong 64 quẻ cũng là để nói lên lẽ Âm Dương Tiến Thoái, dạy người tùy thời gia giảm biến thông dụng công vậy. Đâu phải là dạy người cứ theo thứ tự 64 quẻ mà hành động đâu? Sách Ngộ Chân viết:

Quải trung thiết tượng bản nghi hình,

卦 中 設 象 本 儀 形

Đắc tượng vong ngôn ý tự minh,

得 象 忘 言 意 自 明

Cử thế mê đồ duy chấp tượng,

舉 世 迷 徒 唯 執 象

Khước hành quải khí vọng phi thăng.[2]

卻 行 卦 氣 望 飛 升

Từ quải vẽ nên tượng, ý, hình,

Biết tượng quên lời, ý tự minh.

Thế gian mê muội chuyên chấp tượng,

Mong hành quải khí với phi thăng.

Đọc sách phải biết cách Lập Ngôn Thủ Tựợng của người xưa, nên đã Đắc Ý thì phải Quên Tượng vậy.

Thiên kinh vạn quyển của Đạo Tu Chân chỉ là Tượng Ngôn mà thôi. Tuy cách Thủ Tượng không đồng nhất, nhưng chung qui đều cốt là phát minh lẽ Âm Dương thuận nghịch, Dược Vật Chân Gỉa, Hỏa Hầu Chuẩn Tác mà thôi. Ngoài ra kông có thuyết nào khác.

Tôi (Lưu Nhất Minh) được thày chỉ vẽ cho biết phải tìm cho ra Ý trong Tượng, nên không dám dề cao mình.

Nguyện cùng các bậc tri âm đem những điều khẩn yếu của Đơn kinh vẽ thành đồ bản, phân tách thị phi để phá mọi nghi ngờ của các học giả. Còn các điều khác, suy ra sẽ thấy.[3]

 

Hình 1. Thai Trung Diện Mục 胎 中 面 目

(Trong Hình vẽ,Ta thấy có 1 hình tròn, trên có Chữ Vô Cực, phía Phải có chữ Vô Thanh Vô Xú, phía Trái có chữ Vô Hình Vô Sắc, Dưới có chữ Bản Sinh Thân Xứ. Ý nói Tâm ta từ thủa Sơ Sinh, vốn là Viên Đồng với Hư Vô, với Vô Cực. Nghĩa là Ta với Trời là Đồng Đẳng. Nên nhớ Trung Dung đã dùng 4 chữ Vô Thanh Vô Xú để chỉ Thượng Đế không tiếng, không hơi, nơi cuối sách Trung Dung). [4]

Khi con người chưa sinh ra đời, khi Nam Nữ Âm Dương nhị khí giao cảm nhau, trong lúc yểu minh đó có một điểm sinh cơ, từ Hư Vô trung tới, gọi là Tiên Thiên Chân Nhất Tổ Khí 先 天 真 一 祖 氣. Cái khí này, nhập vào trong Tinh Huyết, đào dung hun đúc nó thành một khối duy nhất. Vô hình rồi sinh hình, vô chất rồi sinh chất, trong thì là Ngũ Tạng, Lục Phủ, ngoài thì là Ngũ Quan, Bá Hài, biến chi, hóa chi, đều tự nhiên mà thành toàn. Ngay người phụ nữ có mang cũng không biết làm sao mà tự nhiên như vậy.

Học giả không biết lý này nên nghi rằng con người trong bào thai, nhờ cuống rốn mà thông với Mẫu Khí, nên mẹ thở vào thì con cũng thở vào, khi mẹ thở ra thì con cũng thở ra, từ từ thành hình vậy. Thực ra không phải thế. Vì Khí Hô Hấp là Khí Hậu Thiên, mà Khí Hậu Thiên thì làm sao biến hóa tinh huyết cho thành hình được. Hơn nữa Khí Hô Hấp làm sao mà nhập vào bào thai? Có biết đâu rằng như trong bào thai của mẹ, chỉ có Tiên Thiên Nhất Điểm Tổ Khí 先 天 一 點 祖 氣, hồn hồn luân luân 渾 渾淪 淪, mới đầu thì Ngưng Thai, rồi Dưỡng Thai, cuối cùng thì Toàn Thai, từ đầu đến cuối đều nhờ Tổ Khí này mà thành tựu, không có chi khác. Trong khi đó tuy có Nhân Hình nhưng chưa có Nhân Đạo. Thiên Địa Vạn Vật, thủy hỏa, đao binh đều không thể làm thương hại, thất tình lục dục ngũ tặc đều không tới gần. Suy đến kỳ cùng, thì chỉ có Một Hư Không mà thôi. Cổ tiên dạy dân tu đạo, chính là dạy người trở lại cái Phụ Mẫu vị sinh thân dĩ tiền 父 母 未 生 身 以 前 đó, Diện Bạch là trở về cảnh giới Hư Không đó, cảnh giới Vô Thanh Vô Xú đó. Vô Thanh Vô Xú chính là Vô Cực. Không có Cực, tức là Vô vậy.

 

Hình 2. Anh Nhi diện mục 嬰 兒 面 目

(Hình này trong có Một vòng tròn trống, trên có chữ Thủy Cực, bên phải có chữ Hỗn Hỗn Độn Độn, bên trái có chữ Thanh Thanh Tĩnh Tĩnh, phía dưới có chữ Sinh Thân Chi Sơ.)

Con người từ trong bụng mẹ, 10 tháng thai viên, dưa chín rụng cuống, phá thai mà ra, chân hướng lên Trời, đầu hướng xuống đất, kêu oa một tiếng, mới tiếp hậu thiên chi Khí, từ mũi mồm xuống tới Khí Hải, hợp với Tiên Thiên Chi Khí. Tiên Thiên là Thể; Hậu Thiên là Dụng. Hậu Thiên nhờ Tiên Thiên mà hô hấp lại qua; Tiên Thiên nhờ Hậu Thiên mà xúc dưỡng huyết mạch. Không nhữnh thế: vừa thoạt kêu oa, thì Luân Hồi thức thần liền nhập vào Khiếu. Hợp với Tiên Thiên Nguyên Thần làm một. Nguyên thần nhờ Thức Thần mà tồn tại; Thức Thần nhờ Nguyên Thần mà Linh. Vả Anh Nhi vừa sinh, Tuy có Hậu Thiên Chi Khí, Hậu Thiên chi Thần. Và Tiên Thiên thống Hậu Thiên, Hậu Thiên thuận Tiên Thiên, hỗn thành Hỗn Hỗn Độn Độn, bất thức, bất tri, chỉ là Một Chân mà thôi.

Cổ Tiên dạy người Cùng Thủ Sinh Thân Xứ, tức là Cùng Thủ Nhân Sinh chi sơ, tức là Cùng Thủ Anh Nhi Diện Mục vậy.

Kẻ u mê không hiểu, nói bậy bạ rằng: Sinh Thân Xứ là Âm Hộ đàn bà. Không phải vậy. Sinh Nhân chi sơ là Anh Nhi Diện Mục, trắng trong không tì vết. Đó là Thánh Hiền Phôi Thai, Tiên Phật Căn Manh. Cho nên chim muông không bắt, tê hổ không làm tổn thương, vì nó Vô Tâm. Vô Tâm nên sinh tử không ngại, như vậy thì làm gì có tai hoạn. Đó là tượng Thủy Cực. Thủy Cực là Thủy Chi Cực, chưa giao với Hậu Thiên. Tuy đã hỗn hợp với Hậu Thiên, nhưng vẫn hoàn toàn do Tiên Thiên quản sự. Nhân vì là tại Vô Chi Cực cho nên từ Vô mà bắt đầu. 

Hình 3. Hài Nhi Diện Mục 孩 兒 面 目

(Hình có Ba Vòng Tròn Đồng Tâm. Phía trên có Chữ Thái Cực; phía phải có chữ Vô Tư Vô Dục; Phía trái có chữ Bất Sắc Bất Không; phía dưới có chữ Tiên Hậu Hợp Nhất.)

Con người từ đứa trẻ con (Anh Nhi) lớn lên, có thể đi, có thể chạy, có thể nói theo người chỉ dẫn, nên gọi là Hài Nhi, hay là Hài Đề Chi Đồng 孩 提 之 童. Anh Nhi thì vô thức vô tri (trẻ sơ sinh), Hài Nhi (trẻ con) thì hữu thức, hữu tri, như là một áng mây trên trời. Hữu Thức, Hữu Tri do từ Thủy Cực dần tới Thái Cực vậy. Thái Cực là Đại Chi Cực. Đã là Thái Cực thì cũng có khi rất nhỏ. Dương Cực thì cũng có lúc là Âm. Nhưng nhỏ chưa đến, Âm chưa sinh vậy. Nhỏ chưa đến, Âm chưa sinh, còn là lúc Tiên Thiên dụng sự, Hậu Thiên phục tàng. Tuy Hữu Thức, Hữu Tri, nhưng căn trần chưa phát, khách khí chưa sâm, đói ăn, lạnh mặc, hỉ lạc ai nộ tùy hưng tùy diệt, phú quí cùng thông bất tri bất hiểu, thuận kỳ Tự Nhiên, tuyệt nhiên không có tạp niệm. Đó là Thánh Hiền Phôi Thai, Phật Tiên căn manh. Kẻ ngu coi Hài Nhi là Anh Nhi, thật là không phải. Anh Nhi là Xích Tử, Hài Nhi là Đồng Tử. Tuy nhiên vẫn có Thiên Chân đầy đủ, tuy hình hài cao thấp khác nhau, nhưng tri thức không có khác biệt. Cho nên Cổ Tiên đã gọi Phản Bản Hoàn Nguyên là trở về Anh Nhi Diện Mục, chứ không phải Hài Nhi Ngoan Đồng diện mục vậy.[5]

 

Hình 4. Âm Dương Phân Phán 陰 陽 分 判

(Trong Hình Vẽ này, giữa là một hình tròn. Bên phải có chữ Nhị Bát Số Túc, bên trái có chữ Âm Dương Lưỡng Phân. Bên dưới có chữ: Linh Khiếu Khai, Thiện Ác Phân.)

Con người từ Hài Nhi lớn dần, và 2 khí Âm Dương túc mãn. Dương Cực Sinh Âm, sinh ra một Khiếu, Âm Dương phân chia, ở mỗi bên một phương. Trong Trực có Giả, như vậy mà Tri Thức mở mang dần, Thiện Ác phân biệt. Thế là Thái Cực phán mà Âm Dương sinh vậy.

Nói rằng Nhị Khí Túc, là như Mặt Trăng có Thượng Huyền Hạ Huyền, Lưỡng Huyền đó hợp nhau, ánh sáng tròn chĩnh, đày đủ. Nói thế nghĩa là Tiên Thiên Dương Cực là Thái Cực vậy. Dương Cực thì phải có Âm, như Thái Cực đã chia thì Âm Dương phân đôi vậy.

Người ngu không hiểu thế nào là Nhị Bát Sinh Âm, nên nghĩ rằng đến 16 tuổi là có Xuất Tinh. Không phải vậy: Cứ xem trong thế gian, có trẻ 14, 15 đã Xuất Tinh, cũng có trẻ 16, 17 tuổi mới Xuất Tinh, cũng có đứa 18,19 mới Xuất Tinh. Cho nên số có nhiều ít, nên biết vậy.

Cho nên nói Nhị Bát không phải là nói tuổi tác nào nhất định của con người, mà nói tới khi khí huyết con người sung mãn nhất vậy. 

Hình 5. Ngũ Hành Phân Vị 五 行 分 位

(Hình vẽ ở giữa có Ngũ Hành phân phối như sau:

Hỏa

Mộc  Thổ  Kim

Thủy

Bên phải có chữ Thức Thần tiệm khởi. Bên trái có chữ Căn Trần tiệm sinh. Phía dưới có chữ Ngũ Hành tương tường [=giết])

Khi Âm Dương phân, thì Ngũ Hành cũng loạn. Ngũ Hành là Ngũ Khí Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.

Ở Tiên Thiên thì Ngũ Hành là Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ. Ngũ hành bấy giờ là Nhất Khí, phát ra thành Ngũ Đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Ở Hậu Thiên thì Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ. Ngũ Hành tương sát lẫn nhau, phát ra thành Ngũ Tặc: Hỉ Nộ Ai Lạc Dục.

Ngũ Hành tương hợp thì Ngũ Đức bị, và Âm Dương hợp Nhất.

Ngũ hành mà phân tán thì Ngũ tặc hưng, và Âm Dương bị Bác Tạp.

Ngũ Hành phân thì Thức Thần tiệm khởi, căn trần tiệm phát. Chân giả thoái vị, Giả giả đương quyền, hài nhi diện mục cũng mất đi vậy.

Kẻ ngu cho rằng Ngũ Tạng là Ngũ Hành. Không phải vậy, vì Ngũ Tạng là Hữu Hình Hữu Chất chi trọc vật, là nơi quán xá của Hậu Thiên Ngũ Hành, chứ không phải là Đức Viên của Tiên Thiên Ngũ Hành. Nếu cho rằng Ngũ Tạng là Ngũ Hành, thì làm sao Ngũ Tạng có thể sinh, có thể hợp. Vả Ngũ Hành có Tiên Thiên, có Hậu Thiên. Tiên Thiên là khi con người chưa sinh thân thể, Hậu Thiên là sau khi con người đã có hình hài. Hai thứ Ngũ Hành tuy phân, nhưng chúng đều sống động, không có định vị, làm sao mà Ngũ Tạng là trọc vật lại có thể là Ngũ Hành được? [6] 

Hình 6. Hậu Thiên dụng sự 後 天 用 事

(Hình này ở giữa có 2 vòng tròn trong đen ngoài trắng. Phía phải có chữ Khí Chất Chi Tính Phát. Phía trái có chữ Căn Tượng Chi Khí Nhập, Phía dưới có chữ Dương Trung Sinh Âm. Hình này dạy ta phải biết phân biệt rằng Con Người có 2 tính: Tính người là Khí Chất Chi Tính; Tính Trời là Thiên Địa Chi Tính hay Thiên Mệnh Chi Tính. Chúng ta phải bỏ cái Tính Khí Chất Chi Tính, nhưng phải chắt chiu, phải theo cái Thiên Địa chi Tính. Trung Dung nói Suất Tính Chi vị Đạo: Theo Tính Trời gọi là Đạo. Đạo Phật gọi Thiên Địa chi Tính là Chân Tâm, Khí Chất chi Tính là Vọng Tâm. Có hiểu vậy mới tìm ra con đường Đạo.)

Âm Dương phán, Ngũ Hành phân, là giao vào Hậu Thiên Tiên Thiên thoái vị. Lúc ấy là Khí Chất chi Tính phát sinh ra, ngoại lai tập nhiễm chi trần cũng sinh. Lục căn môn đầu cửa nào cũng chiêu địch, thất tình nghiệt chủng chủng chủng sinh tai, thuần bạch chi thể dần dần bị Âm Khí nhập vào. Âm Khí nhất nhập, Âm Khí tiệm trưởng, Dương khí tiệm tiêu. Trưởng rồi lại trưởng, tiêu rồi lại tiêu. Thuận theo lòng dục, tới đâu thì tới.

Ngu nhân vì không biết nên cho rằng Khí Chất chi Tính là Chân Tính. Đâu phải vậy. Chân Tính là Thiên Mệnh chi Tính, thuộc Tiên Thiên, hữu ích cho đời. Khí Chất chi tính là Nhân Sinh Chi Tính, thuộc Hậu Thiên, làm hại cho đời. Làm sao dám nói Hậu Thiên chi Tính là Tiên Thiên Chi Tính được. 

Hình 7. Thuần Âm Vô Dương 純 陰 無 陽

(Có một Hình Tròn đen ở giữa. Bên phải viết: Dương Khí tiêu tận, phía trái viết: Âm Khí bất Thuần. Dưới cùng có chữ: Du hạc đăng diệt, Tủy Kiệt Nhân Vong.)

Đó là Hậu Thiên Dụng Sự, Âm Tiến Dương thoái. Ngày lại ngày, năm lại năm. Trong thì Vạn Niệm gây hại, ngoài thì Vạn Vật khiên dẫn. Nội ngoại Công Kích nên Dương Khí tiêu hết, nhất thân thuần Âm, tam bảo tiêu tận, hồn phách nan tồn, làm sao mà không chết cho được?

Người ngu không biết nên cho rằng Số tận, Mệnh tuyệt, và đổ cho Trời. Đâu phải vậy.

Con người sống được là nhờ Dương Khí giúp cho. Một điểm Dương Khí mà chưa tận thì chưa chết. Một điểm Âm khí mà chưa thuần hêt thì cũng chưa chết. Thuận theo Âm Khí tiêu diệt Dương Khí là tự mình tìm lấy tử lộ, đâu phải lỗi Trời.

7 đồ bản trên là Thuận Hành Tạo Hóa Sinh Nhân chi Đạo vậy. 

Hình 8. Luyện Kỷ Trúc Cơ 煉 己 築 基

(Hình vẽ có một vòng tròn đen. Bên phải có chữ Trừng Phẫn Trật Dục, bên trái có chữ Khắc Kỷ Phục Lễ, phía dưới có các chữ: Điều Trần Tẩy Cấu, Nhàn Tà Tồn Thành.)

Đạo Tu Chân là Đạo Phản Hoàn. Phản là mình đã đi, nay trở lại. Hoàn là Dương đã mất, nay lại phục hồi. Đó chính là từ Thuần Âm phản hoàn về cái Bản Lai Chân Dương vậy. Con người từ Hậu Thiên dụng sự, trong người còn toàn Thuần Âm, và Tiên Thiên Dương Khí đã tiêu tận, nếu không nhờ công phu hoàn phản thì làm sao trở về với Vô được. Muốn tìm lại được cái đã mất thì phải có công phu hoàn phản. Hoàn phản chính là Trúc Cơ Luyện Kỷ, là luyện cho sạch hết cái Lịch Kiếp Căn Trần, cái Khí Chất Thiên (thiên lệch) Tính. Nhất thiết tạp nhiễm khách khí, tức là công năng của Trừng Phẫn Trật Dục, Khắc Kỷ Phục lễ. Trừng phẫn trật Dục, Khắc Kỷ Phục Lễ, thời mới Vô Tư Vô Lự, bất động bất giao, căn bản mới kiên cố, cũng như làm nhà thì phải có nền móng vững chắc, gỗ lạt gạch ngói, do người làm ra sẽ đem đến tất cả, Luyện kỷ nằm trong Trúc cơ, Trúc Cơ cũnh không ngoài Luyện Kỷ.

Người ngu không biết lại chu rằng Luyện Kỷ là Thủ Tâm, Trúc Cơ là Bế Tinh. Không phải vậy.

Công phu luyện kỷ chỉ ngưng khi nào Âm tận, Dương thuần mà thôi. Nếu nói Thủ Tâm Bế Tinh là Luyện Kỷ Trúc Cơ, thì làm sao mà thành toàn kim đơn đại sự được, Cổ Tiên nói: Hoàn Đơn tại nhất thời, luyện kỷ tu thập nguyệt. Nói thế đủ biết Luyện Kỷ Trúc Cơ không phải là Thủ Tâm Bế Tinh vậy.[7] 

Hình 9. Thiên Lương Chân Tâm 天 良 真 心

(Trong hình vẽ có 2 vòng tròn: Một trắng bên trong với 2 chữ Chân Tâm, và một đen bên ngoài. Bên phải có chữ: Trúc Cơ Thời, Tu Dụng Thác Thược. Bên trái có chữ: Luyện Kỷ Thời, Hoàn Yếu Chân Diên. Phía dưới có chữ: Hắc Trung Hữu Bạch, Thư Lý Hoài Hùng.)

Luyện Kỷ Trúc Cơ không phải là chuyện Cưỡng Chế, Cưỡng Tác. Nếu mà khổ lực dụng công, thì trước tiên phải nhận ra Thiên Lương, Chân Tâm. Nhờ Chân Tâm mà Luyện Kỷ, thì trong cảnh hắc ám đó có một điểm Dương Khí phát hiện, gọi là Chân Linh. Chân Linh đã hiện thì tà chánh phân minh, rõ ràng không bị vật dục kéo lôi, không bị trần duyên làm ô nhiễm.

Luyện kỷ rất dễ. Nếu không nhận biết Chân Tâm, thì không phân biệt được chính tà, không biết rõ thị phi. Thế là dĩ tâm chế tâm, dùnh Nhân Tâm mà dụng công, cưỡng chế, cưỡng tác, cho nên nói: Khước trừ vọng tưởng trùng tăng bệnh, Xu hướng Chân Như diệc thị sai 卻 除 妄 想 重 增 病 趨 向 真 如 亦 是 差, làm sao tới được Vô Kỷ Chi Xứ.

Ngu nhân không biết, nhận lầm nhân tâm là Chân Tâm. Không phải vậy.

Chân Tâm là Vô Tâm. Vô Tâm chi Tâm mới là Thiên lương chi tâm. Có được Thiên Lương chi tâm ấy, thì làm sao mà con người không Phục Lễ được?

Bách Tự Bi viết: Động tĩnh tri tông tổ, vô sự cánh tầm thùy? 動 靜 知 宗 祖 無 事更 尋 誰. Hoàng Hạc Phú viết: Ly nội thất ban Chu Sa vô chân chủng, tắc thời thời nan lưu 離 內 七 般 朱 砂 無真 種 則 時 時 難 留. Trương Tam Phong nói: Trúc cơ thời, tu dụng thác thược, Luyện kỷ thời hoàn yếu Chân Diên 築 基 時 須 用 橐 籥, 煉 己 時 還 要 真 鉛. Tất cả đều là biệt danh của Thiên Lương Chân Tâm.

Ôi Thiên Lương Chân Tâm đâu có dễ biết? Nếu ai mà biết thì là Đắc kỳ Nhất nhi vạn sự tất.[8] 

Hình 10. Dương trưởng, Âm tiêu 陽 長 陰 消

(Giữa có 2 vòng tròn. Vòng ngoài đen vòng trong trắng. Bên phải có chữ Dương Khí nhật tiệm tăng, bên phải có chữ Âm Khí nhập tiệm giảm. Phía dưới có chữ: Chấn Phát Đạo Tâm, Tiêu Hóa Nhân Tâm.)

Nhận biết Thiên Lương Chân Tâm là Chủ Nhân Ông. Điềm nhiên ngồi ngự tại Trung Ương, vi Đạo nhật diệt, vi Công nhật trương. Dương khí ngày một tăng, Âm Khí ngày một tiêu. Lớn thì càng ngày càng lớn, nhỏ thì càng ngày càng nhỏ. cứ thế cho đến khi không còn cách nào tiêu trưởng thêm được nữa, thế mới là Cực Công.

Ngu nhân không biết tưởng cứ Tĩnh tọa vô vi, tịch diệt, ngoan không, thì Dương Khí tự nhiên sẽ trưởng, Âm Khí tự nhiên sẽ tiêu. Không phải vậy. Vả Hoàn Đơn là từ Âm Trung trở về Dương vậy, Nếu lấy Tĩnh tọa Vô Vi, tịch dệt, ngoan không, mà muốn phục Dương thì làm sao mà Dương tự lai, Âm tự thoái được?

Ngộ Chân Thiên viết:

Túng thức Chu Sa dữ Hắc Diên,

總 識朱 砂 與 黑 鉛

Bất tri Hỏa Hậu dã như nhàn.

不 知火 候 也 如 閑

Đại đô toàn tạ tu trì lực,

大 都全 藉 修 持 力

Hào phát sai thù bất kết đơn.

毫 髮差 殊 不 結 丹

Nếu biết Chu Sa với Hắc Đơn,

Hỏa hầu không biết cũng như không.

Chung qui toàn dụng tu trì lực,

Nếu sai tơ tóc, sẽ hỏng Đơn.

Như vậy, sẽ hiểu thế nào là Tiến Dương Thoái Âm vậy.[9] 

Hình 11. Toản Thốc Ngũ Hành 攢 簇 五 行

(Hình vẽ này ở giữa có Ngũ Hành phân phối như sau:

Thủy

Kim Thổ  Mộc

Hỏa

Bên phải có chữ: Ngũ Hành Nhất Khí, Bên trái có chữ: Tứ Tượng Hòa hợp. Phía dưới có chữ: Ngũ Đức câu bị, Tam Gia Qui Nhất.)

Dương Trưởng, Âm Tiêu cốt là biết Toản Thốc Ngũ Hành. Ngũ Hành Toản Thốc, thì đại Đạo có cơ thành.

Công phu Toản Thốc, là biết từ Hậu Thiên Ngũ Hành trở về Tiên Thiên Ngũ Hành. Hậu Thiên Ngũ Hành thì cái này khắc với cái kia, Tiên Thiên Ngũ Hánh thời cái này sinh cái nọ. Phản là từ Tương Khắc trở về Tương Sinh. Ngũ Hành tương sinh hồn nhiên Thiên Lý, thế là Ngũ Hành nhất khí, Tứ tượng hòa hợp vậy.

Người ngu không biết nghĩ rằng Lấy Ý dẫn khí Tâm Thận

Cho trên dưới Tương Giao; vận Can Phế chi khí cho tả hữu gặp nhau, thế là Toản Thốc Ngũ Hành. Không phải vậy. Vì Khí của Ngũ Tạng là vật hữu hình. Vật hữu hình là vật Hậu Thiên vật chất nhơ bẩn, có thành có bại, thì làm sao mà ngưng kết được Mệnh Bảo vĩnh cửu Bất Hoại được? [10] 

Hình 12. Âm Dương hỗn hợp 陰 陽 混 合

(Hình vẽ trên có 3 vòng tròn đồng tâm. Hình tròn ngoài cùng, ½ trái đen, ½ phải trắng. Hình tròn giữa ½ phải đen, ½ trái trắng. Hình tròn trong cùng hoàn toàn trắng. Trên vòng tròn có chữ Thái Cực. Phải có chữ Âm Trung Hữu Dương; Trái có chữ Dương Trung hữu Âm. Phía dưới có chữ Tức Anh Nhi Diện Mục.)

Ngũ Hành từ Âm Dương phân xuất. Ngũ Hành toản thốc là Ngũ Hành hiệp nhất, tức làÂm Dương hợp nhi vi Nhất. Âm Dương hỗn hợp, là Kim Đơn thành tượng, là Hài Nhi Diện Mục. Bất quá là Hậu Thiên chi khí, chưa Hóa tận; Chưa hóa tận, nay hoàn phục về với Tiên Thiên, và Hậu Thiên thuận theo Tiên Thiên, thì cũng không gây họa. Từ đó, thêm một lần công phu nữa, thì Kim Đơn thành vậy.

Kẻ ngu không biết hoặc nghĩ là Tâm Thận tương giao, hoặc Nhâm Đốc tương hội, hoặc Nam Nữ tương giao, là Âm Dương hợp nhất. Không phải vậy.

Vả Kim Đơn làTiên Thiên Hư Vô chi Khí ngưng kết mà thành, chứ đâu phải là Hậu Thiên hữu hình chi vật có thể ngưng kết mà thành đâu.[11] 

Hình 13. Hồn nhiên nhất Khí 渾 然 一 氣

(Trong Hình, giữa có Vòng tròn trắng chia đôi. Trên có chữ Thủy Cực. Bên phải có chữ: Cương Nhu Tất Hóa. Bên trái có chữ: Vật Ngã giai Không. Bên dưới có chữ Anh Nhi Diện Mục.)

Sau khi Âm Dương đã hoàn phản về Hỗn Thành Anh Nhi, liền vận Thiên Tiên Chân Hỏa để tẩy hết Hậu Thiên Dư Âm, và trở về địa vị Bất Thức, Bất Tri, Thần Tàng Khí Tụ, như nói là Đàn Ông Mang Thai vậy.

Sự mang thai này chính là Anh Nhi Diện Mục, Chính là Sinh Thân thụ Khí, Thủy Cực, Thái Ất hàm Chân khí.

Ngu nhân không biết cho la hái Hồng Diên, Chân Hống, là hái Mai Tử (quả Mai), mà ăn mà nuốt, tưởng thế là Kết Thánh Thai. Không phải thế. Nếu nó là Hồng Diên, Mai Tử kết thành Thánh Thai, thì cái thai đó chỉ là Súc Khối, Nhục Đoàn, là Xúc Tử Quỉ Thai mà thôi. Còn vọng tưỡng gì khác nữa.  

Hình 14. Thái không Hư Vô 太 空 虛 無

(Trong hình, chính giữa có một vòng tròn trắng. Bên trên có chữ Vô Cực. Bên phải có chữ: Hữu Vô Bất lập; bên trái có chữ: Thiên Địa qui Không; phía dưới có chữ Vị Sinh Thân Diện Mục.)

Thánh Thai ngưng kết, thêm vào 10 tháng ôn dưỡng, dùng Thiên Nhiên Chân Hỏa huân chưng phanh luyện, từ bé đến lớn, từ mềm đến cứng, bác tận quần Âm, Thai viên, Đơn thành. Như dưa chín rụng cuống, hốt nhiên đả phá hỗn độn, sinh ra Thanh Tịnh pháp thân, nhảy vào cảnh Thái Không Hư Vô, và siêu xuất ra ngoài Tam Giới, tức là Vị Sinh Thân Dĩ Tiền Diện Mục, tức là Vô Cực Diện Mục, là Đạo qui Vô Cực, hình thần câu diệu, dữ Đạo hợp Chân, thế là chí bình sinh của Đại Trượng Phu đã thực hiện được rồi vậy.

Kẻ ngu không biết, hoặc Đối Kính Diễn Thần, hoặc Mặc Tưởng Đỉnh Môn, hoặc Diện Bích vong hình, xuất Âm Thần v.v... Không phải vậy, Kim Đơn Thoát Hóa chi thần, là Dương Thần, cái gì là Thần xuất ra nhờ Tĩnh Công đều là Âm Thần. Dương Thần thời vạn tải trường tồn, bất sinh, bất diệt. Còn Ân Thần thì chưa bị Hỏa Luyện, là Phao Thân, hoặc Nhập Thân thiên môn vạn hộ, nếu không được Kim Đơn Đại Đạo điểm hóa, thì tuy Âm Thần ra vào tự tại, thì vẫn chưa thoát Luân Hồi. Cho nên nói: Nhiêu quân Thiên vạn kiếp, chung thị lạc Không vong 饒 君 千 萬 終 是 落空 亡. Bảy đồ Hình trên đều là Nghịch Hành Tạo Hóa Tu Tiên Chi Đạo.

14 đồ hình trên đều bàn về Thuận Hành, Nghịch Vận. Đại khái nên hiểu rằng phần dưới đây đều là đem Tượng Ngôn mà Phân phán tà chính, chỉ xuất thật nghĩa, Học giả nên loại suy mà tìm hiểu.[12]


CHÚ THÍCH

[1] Ngộ Chân Trực Chỉ, q.2, bài thơ 27.

[2] Ngộ Chân Trực Chỉ, q. 2, bài thơ 37.

[3] Bài Hỏa Hậu của Lưu Nhất Minh luận về hỏa hầu rất sơ sài. Tôi sẽ trở lại vấn đề.

[4] Các chú thich về Hình Vẽ và lời bàn của Dịch Giả trong quyển sách này đều được đánh chữ nghiêng và đặt trong ngoặc đơn.

[5] Tam giáo coi Trời là Vô Cực, là Xích tử Chi Tâm (Mạnh Tử, Ly Lâu Chươmg Cú Hạ, câu 12), là Anh Nhi Diện Mục (Tượng Ngôn Phá Nghi), là Bản Lai Diện Mục (Phật). là Vô. Suy ra, ta thấy rằng nếu trong ta có Vô Cực, thì Trời cũng luôn ở trong ta. Tam Giáo cho thấy Căn Nguyên ta là Trời, thì Mục Đích của ta cũng là Trời. Mà Trời thì Hoàn Thiện, nên Đại Học dạy ta Chỉ ư chí Thiện (nghĩa là phải Tiến tới Hoàn Thiện. Bức tranh Trời, tức là Vũ Trụ với Thiên Biến vạn Hóa được vẽ ngay trên Vô Cực. Vì thế, xét nguyên Vô Cực, thì nó là Vô. Bức tranh đó là tuồng Ảo Hóa, nên ta phải quên nó để trở về với Bản Thể ta là Vô Cực.

 Cho nên Vô Cực chính là Khuôn Mẫu con người lý tưởng của chúng ta, đó chính là Vòng Tròn trắng toàn vẹn bên trong.

 Chỉ nhìn vào mấy hình trên ta đã học được biết bao là bài học, đã tìm ra dược Chân Tướng, tìm ra được Căn Nguyên và Cùng Đích chân thực của cuộc đời chúng ta, đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời chúng ta: Chúng ta sinh ra để tiến hóa. Cái học này Mạnh Tử xưa gọi là cái học Tự Đắc (Mạnh Tử Ly Lâu hạ, tiết 14), mà lạ lùng thay cái mục đích mà chúng ta muốn vươn tới, cái mẫu người mà Chúng Ta muốn thực hiện, lại đã nằm sẵn trong chúng ta. Người xưa gọi thế là Qui Nguyên Phản Bản.

[6] Sống theo Ngũ Hành Tương Sinh, tức là sống theo Chiều Thuận của muôn vật, mới là Sống Đạo. Sống theo Ngũ Hành tương khắc, theo chiều Phá Tán, là sống theo Đời.

[7] Nói Chân Đạo là Đạo Hoàn Phản thật hết sức sâu xa. Nói Hoàn Phản là Hoàn Phản về với Bản Lai Diện Mục của mình, lại còn sâu xa hơn nữa.

[8] Chân Đạo là phải biết phân biệt Chân Tâm và Nhân Tâm hay Phàm Tâm. Chân Tâm là Lòng Trời, nhân Tâm là Lòng người. Biết dùng Lòng Trời để chế ngự lòng người, biết theo Quang Minh chính Đại (Lòng Trời, phối Thiên), biết chế ngự cái gì Tư Tà Hắc Ám (lòng người) thì sẽ dễ dàng đắc Đạo. Thế là luôn sống thuận theo tiếng của Lương Tâm, Lương Tri vậy.

[9] Đạo Lão, Đạo Khổng chung qui là Đạo Tự Nhiên dạy người: Khử Âm, Thoái Âm (Khử Nhân Dục), và Tiến Dương (Tồn Thiên Lý). Như vậy là một thứ công phu suốt đời.

[10] Học Dịch thì biết Ngũ Hành có hai chiều sinh khắc. Chứ chưa biết Ngũ Hành Tương Sinh là Chiều Sinh Thánh sinh thần, là Thiên Lý hồn nhiên bất hoại. Cũng không biết Ngũ Hành tương khắc là chiều hủy diệt, sinh nhân sinh vật. Xưa nay tôi luôn theo chiều thuận, và tránh mọi nghịch cảnh, nay nhờ Lưu Nhất Minh tôi mới thấu triệt nghĩa lý của Ngũ Hành Tương Sinh.

[11] Như vậy đạo Kim Đơn là đạo Ức Âm, tiến Dương. Khi tới Thuần Dương là Đơn Thành.

[12] Càng đọc tôi càng hiểu Tam Giáo tu hành cốt là dạy người thành Trời. Lúc đứng tuổi là lo làm người cho hẳn hoi. Lúc già là lo làm Trời, treo gương cho đời, tiến tới Chân Thiện Mỹ. Tiến tới Chân Thiện Mỹ, là thành Trời, là Tìm lại được Bản Lai diện Mục của mình, tìm ra được Xích Tử Chi Tâm của mình, hay Vô Cực, Thái Cực của mình. Tìm ra được Trời trong mình là tìm ra Niết Bàn trong Mình, tìm ra được Dương Thần. Bao lâu còn lo xuất Âm Thần, bỏ thân này lìa thân nọ, còn lo phao thân, là còn ở trong vòng Luân Hồi.

Cao đài có Cơ: Học là học để làm Trời, Có đâu kiếp kiếp làm người thế gian. Làm trời tức là Hình Thần câu diệu, dữ Đạo hợp chân vậy.

Chúng ta không nên lạc vào mê đồ trận từ ngữ của Phật Lão, mà phải có óc chất sáng suốt để nhận định.

Uổng thay, xưa nay không biết bao nhiêu người uổng phí thời gian, uổng phí tuổi già, vì không tìm ra được mục đích của con người. Theo tôi, thì Làm Trời cũng chính là làm Phật, làm Thánh, làm Tiên.

 

» MỤC LỤC » Quyển Thượng | Quyển Hạ | Phá nghi thi | Huyền tẫn chân khiếu thuyết | Tu chân yếu quyết