PHẦN I - KHẢO LUẬN
»
mục lục
| chương
1 2
3 4
5
6
CHƯƠNG 5
Lược khảo về những lễ nghi trì tụng Huỳnh
Đình
Có người đến được với Trời với Đạo bằng
trí huệ, có người đến được với Trời với Đạo bằng niềm tin và lòng sùng
tín.
Số người đến được với Đạo bằng trí huệ, dĩ
nhiên là rất ít. Đối với những người có đại căn này, thì đọc kinh là
hiểu nghĩa, coi kinh là phương tiện, và chẳng cần gì lễ nghi trì tụng.
Còn những người hạ căn, phải tin kinh,
kính kinh, và nhờ niềm tin ấy, kinh như sẽ có một huyền lực hộ trì họ.
Có lẽ chính vì vậy mà người xưa đã bao phủ Huỳnh Đình bằng nhiều lớp mây
huyền thoại, bằng một bầu không khí huyền linh, màu nhiệm để tín đồ đặt
hết niềm tin kính vào kinh. Khi đọc tất cả lễ nghi truyền thụ, cùng như
trì tụng kinh Huỳnh Đình, tôi liên tưởng đến lời Chúa Jésus trong Phúc
âm: «Nếu bạn có đức tin to bằng hạt cải, và bạn bảo cây dâu kia rằng:
Ngươi hãy bật rễ lên, ra trồng lại ở ngoài biển, và nó sẽ vâng lời bạn.»
(Luc. 17. 6)
Hay trong Phúc Âm thánh Marc: «Tôi nói
thực cùng các bạn nếu có ai nói với trái núi này rằng: Ngươi hãy bật lên
và hãy gieo mình xuống bể, và người đó không nghi ngờ gì trong lòng, và
tin rằng những điều mình nói sẽ xảy ra, thì hắn sẽ được như ý.» (Marc
11, 23)
Mới hay đức tin là mạnh. Và trong ngũ đức,
thì người xưa vẫn đặt chữ tín vào trung điểm. Mà lạ lùng thay, nhân loại
xưa nay thường sống về niềm tin ...
Xưa nay trong đạo Lão những người trì tụng
Huỳnh Đình đều trì tụng kinh này với niềm tin sắt đá rằng mình sẽ trở
thành thần tiên. Chính vì vậy mà xưa người ta luôn luôn chọn mặt gởi
vàng.
Trước khi truyền kinh, họ quan hình sát
sắc người đệ tử tương lai, và sau khi biết chắc chắn rằng người đó là
người nhân từ, trung tín, yêu thích đời sống đạo hạnh, muốn đi tìm những
điều huyền diệu, kính trọng thần minh, thầy mới truyền kinh cho trò và
dạy cho biết áo nghĩa huyền vi của kinh.[1]
Khi thầy đã đồng ý truyền kinh cho trò,
trò phải sửa lễ xin dâng cho thầy. Sau khi đã trai giới 9 hoặc 7 hoặc 3
ngày trò sẽ đem dâng cho thầy:
– 90 thước gấm huyền vân,
– 40 thước lụa là kim giản phụng văn.
– 9 cúc vàng.
Nếu nghèo thì có thể sửa lễ thanh đạm hơn
như:
– Lụa mộc trắng
– Vải xanh
– Vòng vàng, nhẫn vàng v.v...
Thầy trò lập minh ước trước là không được
tiết lộ bí quyết của Kinh cho ai, sau là thề hứa với Trời đất, với Thần
minh. Một người được truyền kinh, có quyền truyền kinh cho 9 người khác.
Như vậy dĩ nhiên là Huỳnh Đình kinh xưa
nay không được phổ biến. Và dù có được phổ biến chăng nữa, nhưng người
đủ sức hiểu kinh chắc là cũng ít có ai. Kinh đã tam sao thất bản, lời
bình thì nhiều khi hết sức bí ẩn, những bản dịch tiếng Việt thì đầy rẫy
những sự sai thác, như vậy thì làm sao mà sử dụng được kinh cho hữu
hiệu. Chính vì thế mà ở Việt Nam đã có những người coi Huỳnh Đình như là
những bài thần chú, cứ tụng lên là âm thanh của kinh sẽ có huyền lực
phác tác trên con người....
Lại cứ mỗi năm đến kỳ bát tiết 八 節 (Lập
xuân, Xuân phân, Lập hạ, Hạ chí, Lập thu, Thu phân, Lập đông, Đông chí)
trò phải đem dâng thày nhẫn vàng, và 9 thước lụa xanh. Thày ghi tên ngày
sinh tháng đẻ, quận huyện của đệ tử vào miếng lụa đó, lên đỉnh núi cao,
hướng về phía Bắc và tấu danh đệ tử lên Thanh Đế cung, và khai bẩm đại
khái rằng: «Xin cửu phủ ngũ nhạc, tứ linh, nhớ cho những tên mà tôi đã
trình tấu. Sau đây ba năm xin đến đón vi hình của họ, cho phép họ được
lên Bát cảnh, lên Thượng đế đình. Khải tấu xong đem chôn giải lụa nơi
triền núi.»
[2]
Như vậy muốn tu theo Huỳnh Đình, người xưa
cũng phải tốn nhiều tiền lắm. Thế là: không tiền âu cũng khó thành tiên.
Có lẽ chính vì vậy mà nhiều đạo sĩ than vì nghèo, nên công phu tu luyện
phải diên trì.
Quyển Huyền Diệu Cảnh 玄 妙 景 của Ly Trần
Tử, Lý Xương Nhân, đã để cả một chương «Nội Ngoại Pháp, Tài, Lữ, Địa» 內
外 法 財 侶 地 để nói lên cái tâm tư đó. Ta đọc thấy cổ nhân xưa nói: «Muốn
cầu báu trên trời, phải mượn của thế gian ...»
[3]
Cát tiên ông 葛 仙 翁 nói: «Ta được chân
quyết từ 30 năm nay, chỉ vì không có tịnh thất và tiền của, nên khó liễu
đạt được chí đạo.»
[4]
Trương Tam Phong 張 三 丰 than:
Muốn cầu người ngoài giúp,
Chưa gặp được cao hiền,
Hoài bão thiên cơ mấy mươi niên ...
Lại tiếp:
Không tiền khó tu luyện,
Không dám nói cùng người.
Chỉ hận ta không tiền,
Ngày đêm tấu thượng thiên...
[5]
Thượng Dương Tử 上 陽 子 nói:
Được quyết, không tiền, sự bất tuyền,
Pháp, tài gồm đủ để thành tiên.
[6]
Người trì tụng Huỳnh đình phải trường
chay, nghĩa là không được ăn:
– Thịt lục súc (bò, ngựa, dê, gà, lợn,
chó),
– Cá tanh,
– Năm thứ rau cay: Như hành sống, tỏi, hẹ,
kiệu, rau hồ tuy (1 loại rau thơm).
Ngoài ra phải tránh những gì mà người đời
thường cho là uế tạp. Họ cẩn thận đến nỗi, mỗi khi đi vào những con
đường nhơ bẩn về, thời chẳng những phải tắm rửa, lại còn phải đốt hương
nơi phía tả mình để khu trừ uế khí, gọi đó là «dĩ Dương tiêu Âm» ...
Mỗi khi vào trai đường để tụng kinh, phải
trai giới, khiết tịnh, phải đốt hương, phải mặc pháp phục ...
Khi đi vào trai đường, phải tưởng như có
ngọc đồng, ngọc nữ phù ủng hai bên mình, phải mường tưởng như có vùng
mây tía xuống bao quanh mình, và lan tỏa khắp phòng. Phải hướng về phía
Bắc, tấu bái đức Cao Thượng, Vạn Chân, Ngọc Thần Thái Đạo Quân, phải
hướng về phía Đông, kính vái đức Phù Tang Thái Đế Dương Cốc Thần Vương
... Phải quay về hướng Đông mà trì tụng kinh này. Đọc lên một cách trầm
hùng, ngâm nga nho nhỏ, không được đọc nhầm lẫn. Nếu nhầm lẫn phải đọc
lại ba mươi chữ kinh trước khúc đó.
Khi đau yếu, nếu không cầm được quyển kinh
mà đọc, thời đọc thuộc lòng. Nếu không đọc được toàn kinh, thì đọc các
đoạn kinh nói về tên các thần mà thôi. Có người trì tụng kinh này mỗi
ngày hàng chục lần.[7]
Cả ở đầu hai quyển Huỳnh Đình kinh mà tôi
có, đều có ghi rõ nghi lễ trì tụng Huỳnh Đình. Bài kinh ở nơi mỗi quyển
mỗi khác. Nhưng tất cả đều nói lên lòng chí thành, chí kính. Và đại khái
đều là mường tưởng như là mình đang trì tụng kinh này trước mặt chư thần
... Nơi chương Huỳnh Đình Nội Cảnh khoa nghi trong quyển Huỳnh Đình Nội
Cảnh kinh tường chú của Tử Hà có bài kinh: Chí tâm qui mệnh lễ: «Tiên
thiên khí hóa, Thái Thượng Lão quân» mà sau này Cao Đài đã sửa qua lại
để làm kinh nhật tụng.
Chính vì vậy, mà Vụ Thành Tử cho rằng tụng
kinh này cốt là để: hoà thần chiêu linh 和 神 招 靈. Và nhiều đạo sĩ đã dùng
kinh này như là một phương tiện để hộ thân.
Quyên tử 涓 子 nói: «Linh Nguyên là thần của
tì. Dài 4 tấc, ngồi trên tì, như con trẻ, mặc áo vàng. Ngồi nơi trung
vị, của Minh đường Lão quân. Nếu trong mình có bệnh tật, hay khi ăn uống
không được tiêu hóa như ý, chỉviệc tồn tưởng đến phục sắc của Trung bộ
Lão quân, phảng phất như đang ngự nơi Tì, kêu tên thần Tì ba lần, xong,
nuốt tân dịch bảy lần. Vạn bệnh sẽ qua khỏi.»
[8]
Nơi đây tôi không ghi chép lại chính bản
các kinh hoặc chi tiết các nghi lễ để trì tụng kinh này. Riêng tôi, tôi
thấy tất cả những chuyện đó chỉ có một giá trị văn học, lịch sử. Nếu
mình có lòng thành khẩn thực sự, thành kính thực sự, sẽ lập tức cảm ứng
tới thần linh.
CHÚ THÍCH
»
mục lục
| chương
1 2
3 4
5
6
|