PHẦN I - KHẢO LUẬN

» mục lục | chương 1  2  3  4  5  6

CHƯƠNG 6

Ít nhiều nhận định về kinh Huỳnh Đình

 

A. Người xưa nhận định về kinh Huỳnh Đình

- Huỳnh Đình và Đạo Đức kinh bổ túc lẫn nhau.

- Huỳnh Đình dạy về sở cư của thần Chân Nhất.

B. Những nhận định của riêng tôi về kinh Huỳnh Đình

1. Huỳnh Đình có nhiều bản văn khác nhau.

2. Huỳnh Đình là một kinh khó hiểu.

3. Huỳnh Đình chủ trương Tính mệnh song tu.

4. Những khám phá của Huỳnh Đình về các xoang não.

5. Huỳnh Đình kinh coi con người là toàn thể vũ trụ.

6. Đọc Huỳnh Đình và các kinh đạo Lão cần thấu triệt chủ trương:

Nhất thể biến vạn thù, vạn thù qui nhất thể

7. Huỳnh Đình kinh dạy phép quán tưởng thần linh, tồn thần linh, hô thần linh, cầu thần linh           

8. Huỳnh Đình dạy cầu thần khi đau ốm. 

9. Huỳnh Đình là Thái Cực là Cốc Thần ở Nê Hoàn cung.

10. Huỳnh Đình kinh bàn nhiều về ngũ tạng và đởm.

 

A. Người xưa nhận định về kinh Huỳnh Đình

Trước khi trình bày nhận định riêng tư của tôi về Huỳnh Đình, tôi thu nhập ít nhiều nhận định của người xưa về Huỳnh Đình.

Sách Đạo Học từ điển 道 學 辭 典 xếp hạng các kinh đạo Lão như sau:

Đại Đỗng Ngọc Kinh 大 洞 玉 經 dạy siêu phàm nhập thánh.

Xướng Đạo Chân Ngôn 唱 道 真 言 dạy luyện tâm.

Tham Đồng Khế 參 同 契, Ngộ Chân Thiên 悟 真 篇, Thanh Hoa 青 華 và Huỳnh Đình kinh 黃 庭 經 dạy phép tu mệnh. (Mà tu mệnh, liễu mệnh như đạo Lão thường hiểu, bao quát tất cả những phương thuật, giúp con người khỏe mạnh tăng thêm tuổi thọ.)

Tam Hoàng Nội Văn 三 皇 內文 cốt để độ người. [1]

Huỳnh Đình kinh của Tử Hà nơi phần phụ lục cuối sách nhận định: Huỳnh Đình thường bàn về hữu vi (Khiếu). Đạo Đức kinh thường bàn về vô vi (Diệu). [2]

Tuy nhiên cả hai quyển Huỳnh Đình của Tử Hà và của Vụ Thành Tử ở nhiều trang khác chủ trương rằng Huỳnh Đình thực ra giúp cho con người có được một lối sống toàn diện, viên mãn.

Huỳnh Đình kinh chẳng những dạy điều hòa ngũ tạng lục phủ 調 和 五 臟 六 腑, lại còn khiến cho hồn sướng 魂 暢, phách an 魄 安.[3] Chẳng những làm cho con người đẹp ra, trẻ lại, lại còn có thể giúp con người nhìn thấy quỉ thần. Tóm lại giúp ta: Toàn vẹn được hình hài, tập hợp chư thần, giúp cho ta có khí chính 氣 正, tâm thanh 心 清.[4]

Nhưng thực ra, Huỳnh Đình còn dạy con người một điều rất vi diệu, đó là chỉ cho con người biết đâu là tòa ngôi của Thần Chân Nhất 真 一 神, dạy con người biết đường, biết phép qui hướng về Nhất. Vì đây là điều cao quí nhất của Huỳnh Đình, bí ẩn nhất của Huỳnh Đình, nên tôi muốn sao lục lại các đoạn kinh văn, hoặc bình giải, hoặc phụ chú, để làm nổi bật lên Chí Đạo 至 道.

Trong bài tựa Huỳnh Đình kinh của Vụ Thành Tử có lời rất lạ lùng sau: «Bạn có tướng tiên, gặp được sách này của ta. Trong sách này đã mô tả sở cư của chư thần trong thân hình con người và nơi cư ngụ của thai thần 胎 神.»

Vụ Thành Tử giải: «Chư thần trong con người kể làm sao xiết. Nhưng thấy được nơi cư ngụ của chư thần, cũng là cùng đạt được điều bí mật vậy. Thai thần 胎 神 tức là Minh đường Tam lão 明 堂 三 老. Cũng gọi là Thai linh đại thần 胎 靈 大 神. Đó chính là căn bản của Huỳnh Đình vậy.» [5]

Rồi đọc Ngoại Cảnh thấy đây đó có những lời chú giải rời rạc. Nhưng nếu đem lắp tất cả lại sẽ được một sự chỉ dẫn hết sức là mạch lạc về Chân Nhất Thần 真 一 神.

Câu trên cho ta ba yếu tố:

– Minh đường tức là khoảng giữa hai làn mi, nơi trán.

– Thai thần là Minh đường Tam Lão, tức là Thần ngự nơi Minh Đường.

– Huỳnh Đình chi bổn, đó là gốc gác, căn cơ, đó là điều căn bản chính yếu của Huỳnh Đình.

Nơi quyển Ngoại Cảnh, khi bình giải câu: «Tâm hiểu căn cơ, dưỡng hoa thái.» 心 曉 根 基 養 華 采 (chương 14), Lương Khưu Tử giải: «Căn cơ chỉ người biết giữ được nhất; Dưỡng hoa thái nói về mặt mũi sáng láng, người có quang hoa.» [6]

Nơi chương 1 của Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Lương Khưu Tử chú, ta thấy bàn về họ tên và sắc phục cùng nơi sở cư của Nhất.

Nhất hay là Xích Tử hay là Chân Nhân, tên là Tử Đan, ở Minh Đường.

Huỳnh Đình ở trong đầu gồm ba cung Minh Đường, Đông Phòng, Đan Điền. Ba nơi đó đều gọi là Thượng Nguyên. Đó là Nhất vậy ... Cho nên người biết Nhất, là biết Nhất ở tại Minh Đường vậy.[7]

Nơi cuối kinh Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, Lương Khưu tử dành cả một trang để bàn về Nhất. Lại dùng tài liệu của Cát Hồng Bão Phác Tử mà cho biết tính, tử, phục sắc của Nhất. Phục sắc của Nhất được ghi là Xích y (Áo đỏ). [8]

Thứ đến ông bàn về bí quyết Thủ Nhất 守 一 của Trang Tử và Bão Phác Tử. Trang Tử thì nói: «Ngã thủ kỳ nhất, nhi xử kỳ Hòa.» 我 守 其 一 而 處 其 和. Bão Phác tử thì nói: «Nhân năng thủ Nhất vạn sự tất.» 人 能 知一 萬 事 畢. Tiên Kinh thì nói: «Tử dục trường sinh, thủ Nhất đương minh... Thủ Nhất tồn chân, nãi năng thông Thần, v.v.» 子 欲 長 生 守 一 當 明 ... 守 一 , 存 真 乃 通 神.

Cuối cùng viện dẫn lời Cao Tử 高 子 mà cho rằng: «Muốn thu thập toàn bộ tinh thần, chỉ có một nơi duy nhất. Đó là tĩnh tọa đem toàn bộ tinh thần về nơi giữa hai làn mi.» [9]

Và lập luận của Nội Cảnh và Ngoại Cảnh chung qui vẫn là: Muốn trường sinh phải Đắc Nhất 得 一,[10] bè bạn với Nhất.[11]

Nghiên cứu hai chữ Tử Đan 子 丹,[12] ta thấy:

– Tử 子 là liễu Nhất 了 一.

– Đan 丹 là Âm Dương hợp nhất 陰 陽 合 一, Thần Khí hợp nhất 神 氣 合 一.

Thần Tử Đan ngự nơi Tâm, mà Tâm màu đỏ nên nói mặc xích y 赤 衣. Nhưng theo kinh Dịch, thì Tâm 心 (Nê Hoàn 泥 丸, Minh Đường 明 堂) cũng là Trung điểm, nên cũng có màu vàng, vì thế đôi khi thấy nói: Thần Tử Đan mặc hoàng thường 黃 裳 (váy vàng), hay thần Tử Đan cho ăn cỗ màu vàng.[13]

Có vậy ta mới hiểu được những lời lẽ bí ẩn nơi chương 17 và chương 35. Chương 17 viết:

Linh đài uất ái vọng Hoàng dã,

靈 臺 鬱 藹 望 黃 野

Tam thốn dị thất hữu thượng hạ.

三 寸 異 室 有 上 下

Gian quan doanh vệ cao huyền thụ,

間 關 營 衛 高 玄 受

Động phòng tử cực linh môn hộ,

洞 房 紫 極 靈 門 戶

Thị tích Thái Thượng cáo ngã giả.

是 昔 太 上 告 我 者

Tả thần công tử phát thần ngữ,

左 神 公 子 發 神 語

Hữu hữu Bạch Nguyên tính lập xứ.

右 有 白 元 併 立 處

Linh đường, Kim quĩ, Ngọc phòng gian.

明 堂 金 匱 玉 房 間

Thượng Thanh chân nhân đương ngô tiền,

上 清 真 人 當 吾 前

Hoàng thường Tử Đan, khí tần phiền

黃 裳 子 丹 氣 頻 煩

Tá vấn hà tại lưỡng mi đoan.

借 問 何 在 兩 眉 端

Nội hiệp nhật nguyệt liệt tú trần

內 俠 日 月 列 宿 陳

Thất diệu Cửu nguyên quán Sinh môn...

七 曜 九 元 冠 生 門

Tạm dịch:

Linh đài chơi vơi vọng Huỳnh dã,

Nê Hoàn cung thất phân thượng hạ.

Doanh vệ u huyền oai phong giữ,

Động phòng, Tử cực có cửa linh,

Nơi xưa Thái Thượng dạy ta đó.

Tả thần công tử phát thần ngữ,

Hữu thần Bạch Nguyên cùng đứng chỗ.

Minh đường, Kim quĩ, Động phòng gian,

Thượng Thanh chân nhân tại mục tiền,

Hoàng thường Tử Đan, khí cương kiên

Dám hỏi đầu này sao đứng đó

Trong gồm nhật nguyệt với tinh quang,

Thất diệu, Cửu nguyên chiếu Sinh môn...

Nơi chương 35, ta thấy viết:

Đạm nhiên vô vị Thiên nhân lương,

淡 然 無 味 天 人 糧

Tử Đan tiến soạn, hào chính hoàng.

子 丹 進 饌 肴 正 黃

Tạm dịch:

Lượng của trời, người nhạt vô vị,

Tử Đan mời ăn, cỗ màu vàng...

Tất cả đều cho thấy: Muốn tìm Chân Nhất, phải tìm nơi lưỡng mi gian. Vào sâu ba tấc thấu Nê Hoàn...

Trong sách Huyền Diệu Cảnh 玄 妙 景 của Ly Trần Tử 離 塵 子 Lý Xương Nhân 李 昌 仁 (q. trung, tr.47) có hình vẽ Diện bích đồ 面 壁 圖 và thấy vẽ một hình người nơi giữa trán điểm một vòng với hai chữ Nê Hoàn 泥 丸.

Trong quyển Tính Mệnh Pháp Quyết Minh Chỉ 性 命 法 訣 明 指 của Triệu Tị Trần 趙 避 塵, đầu trang 27 có hình vẽ: giữa hai làn mi định là Tổ Khiếu 祖 竅. Nơi hình Phổ chiếu đồ 普 照 圖 trong Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨 (q. Nguyên, tr.7b), ta thấy giữa trán có một vòng lớn bao quát cả hai chữ Tính Mệnh 性 命. Trên có bài thơ:

Tam tuế chi khiếu,                   三 歲 之竅

Khiếu trung hữu diệu.             竅 中 有妙

Diệu khiếu tề quan,                 妙 竅 齊觀

Thị vị phổ chiếu:                      是 謂 普照

Tạm dịch:

Ba tuổi ấy khiếu,

Trong khiếu có Diệu,

Diệu khiếu thấy đều,

Thế là phổ chiếu...

Trong quyển Tu Thiền Định của Pháp sư Giác Nhiên nơi trang 58 viết: «Tập trung tư tưởng: Tư tưởng con người là một luồng điện mạnh nhứt, làm việc gì mà được thành công đều do tập trung tư tưởng lại (gọi là gom thần, trụ tâm), không cho thần lực tán loạn; cũng chẳng hay dòm ngó, nói làm thường thường gom kết tư tưởng lại, an tâm trụ thần ngay giữa chính giữa hai chơn mày (gọi là mắt giữa) chỗ ấn đường hay minh đường là Cửa sáng... vì ở nơi đây có cục hạch mà người Nhật gọi là Tổng Thủy Truyền, là nơi phát sinh trí huệ...» [14]

Tất cả những luận cứ trên, cho thấy rằng người xưa chẳng những cho rằng Huỳnh Đình dạy Tính mệnh song tu, nhưng thực ra cũng dạy cho ta phương pháp Liễu Nhất, Đắc Nhất. Và xin kết thúc nhận định của người xưa về Huỳnh Đình bằng câu: «Tử dục đắc Nhất vấn lưỡng đồng.» 子 欲 得 一 問 兩 瞳 (Nếu Bạn muốn được Nhất, hỏi đồng tử mắt.)[15]

Và bằng lời của Vụ Thành Tử: «Kinh này lấy Vô vi làm chủ, nên dùng hai chữ Huỳnh Đình làm tiêu đề.» [16]

B. Những nhận định của riêng tôi về Huỳnh Đình

1. Vấn đề dị bản của Huỳnh Đình kinh

Huỳnh Đình kinh vì truyền từ lâu đời, nên mỗi bản mỗi khác. Trong bài Huỳnh Đình dẫn 黃 庭 引, Tử Hà cũng đã viết:

«Trên trời bay xuống hai nguyên quân,

Đan Hà, Thanh Hà đều Thiên quân,

Truyền cho Nam Nhạc, Tử Hư nói:

Cõi thế Huỳnh đình nhiều văn sái.

Tiên sư trên trời xuống nhân gian,

Bản kín truyền cho phải chép lại.» [17]

Riêng hai bản Huỳnh Đình Nội Cảnh mà tôi có (một của Tử Hà chú, một của Vụ Thành Tử chú) so ra cũng thấy có nhiều chữ khác nhau. Thành thử mỗi khi gặp chữ khác nhau, tôi ghi chú lời kinh của cả hai bản để đối chiếu.

2. Huỳnh Đình kinh viết rất khó hiểu.

Khó hiểu vì từ ngữ khó hiểu, văn mạch khó hiểu, ý tứ khó hiểu. Nên nhiều khi phải dựa vào lời bình mới tìm ra được manh mối ý nghĩa. Những phải cái, cũng một câu, mà lời bình mỗi sách lại một khác, có khi lại mâu thuẫn nhau, thế thì còn biết làm sao mà tìm cho ra chính ý.

Đối với người có căn cơ cao, thì sự khó hiểu đó sẽ thúc đẩy suy tư và tìm hiểu, nhân đó hiểu thêm mãi ra. Còn người có căn cơ thấp, đọc không hiểu, hay hiểu sai hiểu quấy, thành thử nhiều khi ích không thấy lại thấy hại, hoặc ít là không thấy được hứng thú khi đọc kinh này...

Tôi thiết nghĩa rằng muốn hiểu rõ kinh này, phải có hai loại chìa khóa:

– Một loại chìa thông thường, là làm sao hiểu được hai chữ Tính Mệnh của Đạo lão, nhân đó hiểu được nhẽ Tính Mệnh song tu, có vậy sẽ hiểu Huỳnh Đình.

– Một loại chìa khóa đặc biệt là làm sao hiểu được tầm quan trọng của Nê Hoàn cung, nơi sở cư của Thượng thần trời đất trong con người.

Chính vì vậy mà nơi đây tôi sẽ cố trao lại cho độc giả hai loại chìa khóa ấy.

3. Thế nào là Tính Mệnh và Tính Mệnh song tu?

Tử Hà chân nhân khi giải Huỳnh Đình Nội Cảnh, thường thiên về tu Tính 修 性, nên thường lấy vô vi, lấy các từ ngữ luyện đan mà giải Huỳnh Đình, nên làm cho Huỳnh Đình càng thêm khó hiểu.

Trái lại, Vụ Thành Tử khi giải Huỳnh Đình thì lại bao quát cả hai phương diện Tính Mệnh song tu 性 命 雙 修, nên khi cần giải thấp, thì giải thấp, khi cần giải cao thì giải cao, từ hữu vi đến vô vi, từ hữu tướng đến vô tướng, không có gì là vướng mắc.

Tôi cũng theo đường lối của Vụ Thành Tử, và nhờ đó, bình giải Huỳnh Đình, dựa trên một căn bản vững chãi, và cũng hiểu rõ thêm được lẽ Tính Mệnh song tu của đạo Lão.

Nhiều đạo giáo, nhiều nhà tu hành cho rằng tu thân là tu tâm, luyện tính, nên khinh khi thân xác, coi xác thân thù địch, hành hạ xác thân đánh đập xác thân, nhiều khi ở dơ, ăn dơ, và cho đó là tinh tiến... Chính vì thế mà có nhiều thánh nhân các đạo giáo khác có khi đau ốm bệnh hoạn suốt đời.

Đạo Lão tuyệt đối không có chủ trương ấy. Trái lại chủ trương phải giữ gìn xác thân cho thanh khiết, mạnh khỏe, tập luyện cho khí lực dồi dào, cố thủ kiên trì cho tinh huyết được đầy đủ, cốt là làm sao cho mình sống lâu, sống vui, sống khỏe. Tất cả những cái đó gọi là tu Mệnh 修 命. Rồi ra mới luyện Thần, tập trung tinh thần, vô vi, định tĩnh. Tất cả những cái đó gọi là tu Tính 修 性.

Cái gì thuộc về Tiên thiên, vô vi thì gọi là Tính 性. Cái gì thuộc về Hậu thiên, hữu vi, hữu tướng thì gọi là Mệnh 命. Nơi con người, thì Thần là Tiên thiên, là Tính. Còn hồn xác khí phách, đều là Hậu thiên, là Mệnh.

Sách Đạo Học từ điển (tr. 139) cũng viết: «Tính là Tiên thiên, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm... Hồn là Hậu thiên, hữu sinh hữu diệt, hữu cấu hữu tịnh, hữu tăng hữu giảm...» [18]

Tính là Thần, là cái gì hết sức khinh thanh, nên dĩ nhiên là phải ở nơi cao nhất trong người, chính vì thế mà đạo Lão cho rằng Tính căn 性 根 ở đỉnh đầu, ở Nê Hoàn, ở Càn đỉnh 乾 鼎.

Mệnh thuộc phần hình hài nên dĩ nhiên là phải ở chỗ chứa thấp trong người. Chính vì thế mà đạo Lão cho rằng Mệnh 命 蒂 ở nơi xoang bụng phía sau rốn. Đó là Khôn lô 坤 爐 .

Giữa hai cực Càn Khôn đó là phần khí lưu chuyển tuần hoàn. Ta trình bày lại con người, theo đường hướng trên, bằng đồ bản sau:

 

TÍNH

Thần

Thái Cực

太 極

Tiên thiên nhất khí 先 天 一 氣

Chân 真, vô vi 無 為, vô dục 無 欲, bất sinh 不 生, bất tử 不 死.

 

 

MỆNH

 

hồn phách

魂 魄

Âm dương

陰 陽

Khí 氣 (khí hô hấp và khí tiềm tàng trong châu thân)

Vọng 妄, hữu vi 有 為, hữu tướng 有 相, sinh diệt 生 滅, sinh tử luân hồi 生 死 輪 回

Lục phủ ngũ tạng

六 腑 五 臟

Ngũ hành

五 行

Tinh hoa ngũ cốc 五 谷, ngũ vị 五 味

 

                         

Nhìn vào bản đồ này, ta sẽ thấy ngay rằng các phương pháp dưỡng sinh như ẩm thực, phương dược, án ma, đạo dẫn, các phương pháp yết tân dịch, thổ nạp, v.v. hoặc vận khí điều tức, đều thuộc phần hình khí, có thể làm cho con người sống lâu thêm ít nhiều kỷ, mạnh khỏe, tươi trẻ, linh sảng, chứ không thể làm cho con người đắc Nhất, đắc Đạo được.

Thế mới gọi là liễu Mệnh 了 命, và công phu tu luyện mới được có nửa phần, còn nửa phần nữa chính là liễu Tính 了 性, chính là ngưng thần nhập định, kết hợp với Thái Hư Vô Cực, trở nên đồng nhất cùng Bản thể huyền linh của vũ trụ, an nghỉ trong Thượng đế (tức là Hưu hồ Thiên quân 休 乎 天 鈞 theo lời Trang Tử trong Nam Hoa kinh, chương Tề vật luận). Đó là một điều hoàn toàn khác biệt với các công phu tu luyện để điều hòa, di dưỡng xác thân nói trên, mặc dầu hai đàng có liên lạc mật thiết với nhau.

Tu Tính mới thực sự là phép luyện tiên đan tối thượng của Lão giáo. Nó tương ứng với Chánh pháp nhãn tàng 正 法 眼 藏 của Phật giáo, với vi chỉ của khoa Huyền học các đạo giáo Âu châu: Sống kết hợp với Thượng Đế. Cho nên tu mệnh là siêu phàm, còn tu tính mới là nhập thánh.

Chính vì vậy mà người xưa cho rằng cần phải phân biệt thấp cao. Nuốt tân dịch, thổ nạp, hô hấp bất quá là cho thân xác khỏe mạnh, chứ làm sao mà thành thánh, thành tiên cho được? Đó chính là ý nghĩa những câu:

– Yết tân, nạp khí thị nhân hành; hữu dược phương năng Tạo hóa sinh. 咽 津 納 氣 是 人 行 ; 有 藥 方 能 造 化 生 (Yết tân, nạp khí ấy nhân hành; có «thuốc» mới mong Tạo hóa sinh.) [19]

– Nhiêu quân thổ nạp kinh thiên tải; tranh đắc kim ô, nặc thố nhi. 饒 君 吐 納 經 千 載 ; 爭 得 金 烏 搦 兔 兒 (Dẫu anh thổ nạp nghìn năm suốt; cũng chẳng làm sao được tiên đan.) [20]

Dẫu sao thì đạo Lão cũng chủ trương tính mệnh song tu. Cổ tiên nói: «Tu tính tiên tu mệnh; phương nhập tu hành kính 修 性 先 修 命 ;方入 修 行 徑 (Muốn tu tính, trước phải tu mệnh; thế mới vào đường tu chân chính.) [21]

Trong quyển Tiên Học Từ Điển (tr. 10) có bài ca của Xao Hào 敲 爻 như sau:

Mệnh phải truyền,

Tính phải ngộ,

Siêu phàm nhập thánh, do mình cả.

Chỉ tu tính, không tu mệnh,

Đó là tu hành đệ nhất bệnh,

Chỉ tu tổ tính, chẳng tu đơn,

Vạn kiếp âm linh, khó thành thánh [22]

Đạt mệnh tông, mê tổ tính,

Khác nào soi gương không bửu kính,

Thọ cùng trời đất, một ngu phu,

Tuy được gia cơ, dùng chẳng biết.

Tính mệnh song tu, huyền hựu huyền,

Sóng thần, đáy biển đẩy pháp thuyền,

Giao long vùng vẫy, tay không bắt,

Mới hay tay thợ chẳng hư truyền. [23]

Tính mệnh song tu đại khái là như vậy.

Còn như nói Tính Mệnh song tu chính là chìa khóa giúp ta mở cửa Huỳnh Đình, thì tôi đã chứng minh nơi chương Nội dung chính yếu của Huỳnh Đình: Nhờ hiểu thế nào là Tính Mệnh song tu, tôi đã phơi bày, toát lược lại được nội dung Huỳnh Đình từ thấp đến cao.

4. Huỳnh Đình kinh có từ hơn 1600 năm nay, mà đã bàn được về các xoang não, về Nê Hoàn cung thật là một điều kỳ lạ.

Kỳ lạ hơn nữa, là các nhà bác học, y học ngày nay, tuyệt nhiên không hề đả động đến não thất ba với những ý nghĩa huyền học của nó. Riêng tôi, tôi cho rằng phải hiểu đại khái về óc não, và ý nghĩa, nhiệm vụ của các tầng óc não, ta mới có thể tu luyện dễ dàng hơn.

Sau nhiều năm để tâm suy cứu về vấn đề, lại tham bác đông tây, y khoa, triết học, đạo giáo đông tây, tôi đã đi đến những nhận định sau:

1. Nơi tâm điểm Não thất ba: Hư vô 虛 無, Thần 神, Tiên thiên chi khí 先 天 之 氣, Thiên tâm 天 心, Thiên tính 天 性. (Nơi đó thực là hư linh).

2. Não thất ba, và các xoang não: Hồn 魂. Nê Hoàn cung 泥 丸 宮, Thiên cốc 天 谷, Tổ khiếu 祖 竅, Huyền quan khiếu 玄 關 竅. (Trong các xoang não này có Khí 氣. Mà hồn là khí. Đây cũng là Nhân tâm 人 心, là Linh Đài 靈 臺, Linh Sơn 靈 山 của đạo Lão, trong quyển Tiên Học Từ Điển nơi chữ Tâm Tính có câu Tâm bao tính ngoại 心 包 性 外 [Tâm bao ngoài tính], nên tìm ra Tính sẽ tìm ra Tâm.)

3. Thể Lam (Thalamus), hay Động phòng 洞 房, hay Thị tầng 視 層 - Thể Hạ Lam (Hypothalamus) hay Hạ thị tầng 下 視 層 - Não đế 腦 蒂 (Brainstem, hay Myélencéphale). (Xét về cơ cấu, thì là Tinh 精. Xét về quan năng, chức vụ, thì gọi là Phách 魄. Có sách đạo Lão chủ trương Phách chủ cảm xúc (émotions), mà theo khoa học hiện đại thì nơi đây chủ trì các cảm giác. Xét về hoạt động, thì đây cũng có liên quan đến Ý 意, vì chuyên tâm chú ý, là nhiệm vụ nơi đây.) Như vậy, ta thấy vị trí của Tinh, Thần, Hồn, Phách, Ý đều nằm trong não bộ.

4. Vỏ não (cortex cérébral): Trí lự 智 慮, ý thức 意 識 (raisonnement et idées).

Đồ bản dưới đây cho thấy: Tinh, Hồn, Phách, Ý vây quanh một Thần. Có vậy thì Tinh, Thần, Hồn, Phách, Ý mới dễ qui trung, đoàn tụ... [24]

SƠ ĐỒ ÓC NÃO

I . Nê Hoàn cung (Não thất ba) (Thần, Hồn)

II. Thể Lam (Thalamus) =- Động Phòng (Tinh, Phách, Ý)

- Thể Hạ Lam (Hypothalamus) - Diencéphale (Tinh, Phách, Ý)

 - Não đế (Mésencéphale và myélencéphale) (Tinh, Phách, Ý)

III. Cortex cerébral: Vỏ não (Télencéphale) (Niệm lự).

 

Tại sao nói được rằng hiểu biết về óc não là chìa khóa giúp ta hiểu vi ý của đạo Lão, của Huỳnh Đình?

Bởi vì có minh định được đâu là Linh Đài, đâu là tâm khảm, đâu là Kiền đỉnh, đâu là Tổ khiếu, thì mới có thể thu thần định trí, mới hiểu thế nào là Tạo hóa qui trung chi diệu.

Huỳnh Đình kinh cho rằng não là Côn Lôn. Não ở trên và tượng Trời. Nên nói bổ thiên là bổ não. Chính vì vậy mới nói Tử dục bất tử tu Côn Lôn.[25]

Tung Ẩn Tử trong quyển Huỳnh Đình Ngoại Cảnh do ông giải, đã gọi Huỳnh Đình kinh là Thân Học 身 學.[26]

Có học biết về cơ thể, về thân thể con người, rồi ra mới biết rành đường quán tâm đắc đạo.

Nguyễn Đình Chiểu cũng nhận định rằng muốn tu tiên, muốn tìm đến chốn Đan Kỳ, thời trước hết phải đi qua cửa ải xác thân, mà Cụ gọi là ải Nhân xu. Cụ viết trong quyển Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật như sau:

Ngư rằng: Nhắm chốn Đan kỳ,

Éo le khúc nẻo, đường đi chẳng gần,

Nhiều non, nhiều núi nhiều rừng.

Nhiều đèo, nhiều ải, nhiều chừng động hang,

Chút công khó nhọc chẳng màng,

Chỉn lo góc hiểm mối đàng Nhân xu.

Tiều rằng: Ta dốc tầm phương,

Xin phân cho rõ cái đường Nhân xu.

Ngư rằng: Một ải Nhân xu,

Lấy da bao thịt làm bầu hồ lô.

Trổ thông chín ngách ra vô,

Mươi hai kinh lạc chia đồ dọc ngang,

Ngoài thời sáu phủ Dương quan,

Trong thời năm tạng xây bàn âm đô.

Hai bên tả hữu vách tô,

Có non Nguyên khí, có hồ huyết quan,

Có nơi Hồn Phách ở an,

Có nơi Thần chủ sửa sang việc mình.

Rước đưa có đám Thất tình,

Có vườn Ngũ vị nuôi mình tốt tươi...[27]

Huỳnh Đình kinh như vậy có một chủ trương hết sức rõ rệt. Đó là: Muốn tìm Đạo, tìm Trời, phải tìm trong thân, trong tâm. Và hai chữ Huỳnh Đình làm ta liên tưởng đến cuốn sách nổi tiếng của thánh Thérese d’Avila: Le Château intérieur (Lâu đài bên trong).

Bà viết: «Tôi đã coi tâm hồn chúng ta như một tòa lâu đài, thành bởi một khối kim cương hay thủy tinh trong vắt. Cũng như trên trời có nhiều nơi ở, lâu đài ấy cũng có nhiều phòng: phòng thì ở trên, phòng thì ở dưới, phòng thì ở bên, rốt cuộc ở trung tâm lâu đài, có một phòng chính, ở đó thường diễn biến ra các điều bí ẩn giữa Trời và Người. Các bạn cũng đã biết rằng thân cây cọ có nhiều lớp, bao quanh và che chở lớp tâm cây, ngon ngọt nhất. Cũng y thức thế, giữa lâu đài, có nơi sở cư của Vua, còn chung quanh là các phòng ốc khác.» [28]

Môn phái Tam Điểm cũng cho rằng đền thờ Jérusalem là hình ảnh con người. Đền thờ có hai cửa âm dương là Jachin và Boaz (Jachin: cửa Nam hay cửa Hữu. Boaz: cửa Bắc hay cửa Tả). Ở nơi con người thì hai cửa Âm Dương chính là không gian và thời gian. Tạo hóa đã dựng hai cột ấy trong não chất con người,và đã đặt chính nơi biên cương giữa tinh thần và vật chất.[29]

Còn Trung Cung thời là nơi hàm tàng Chân lý. Vào tới đó con người sẽ trở thành toàn mãn, thành chân nhân và sẽ biết rõ đường hướng phương cách tìm Thượng đế. Những bậc thang đưa tới Trung cung đó thời quanh co khúc khuỷu... [30]

5. Coi con người là toàn thể vũ trụ, gồm đủ các tầng trời, gồm đủ muôn vì tinh tú, gồm đủ chúng thần là một quan niệm khá độc đáo của Huỳnh Đình.

Nhưng thực ra các nhà huyền học đông tây xưa nay cũng đã chủ trương tương tự như vậy. Vivekananda chẳng hạn đã viết: «Mỗi một người chứa trong mình toàn thể vũ trụ.» [31]

Câu «Thử nhân hà khứ nhập Nê Hoàn» 此 人 何去 入 泥 丸 chương 19 Huỳnh Đình Nội Cảnh làm ta liên tưởng đến câu sau đây của Vivekananda: «Từ đó, thần Civa nhập vào óc tôi, và Ngài nhất định không muốn ra nữa.» [32]

Chủ trương Thượng đế ngự tại trung tâm đầu não con người cũng chính là của Áo Nghĩa thư, Bà La Môn giáo. Chandogya Upanishad viết:

Kìa xem trong chốn thiên đường,

Có cung nho nhỏ, nhỏ dường Liên hoa,

Bên trong là một tiểu tòa,

Trong tòa ai đó, tìm ra mới tình.

... Tuy là một khoảng tâm linh,

Nhưng mà trời đất trong mình gồm thâu,

Gồm thâu gió lửa tinh cầu,

Hai vầng nhật nguyệt, cũng đâu có ngoài,

Gồm thâu muôn sự trên đời,

Gồm thâu ngàn vạn khúc nhôi sự tình... [33]

Katha Upanishad viết:

Chân tâm chủ tể muôn loài,

Thể thời duy nhất, hình thời ngàn muôn,

Biết ngài ngự giữa tâm hồn,

Mới mong hạnh phúc trường tồn vô chung.

Biết ngài bất biến thung dung,

Lồng trong trời đất lao lung chuyển vần,

Biết Ngài thần giữa chúng thần,

Biết Ngài duy nhất giữa quần sinh ban.

Bao niềm mơ ước chứa chan,

Biết Ngài phân phát cho toàn sinh linh,

Biết Ngài ngự giữa lòng mình,

Mới mong hạnh phúc siêu sinh trường tồn... [34]

Gần đây, trong quyển Thông điệp tình yêu nhân hậu gởi cho các tâm hồn nhỏ, tức là Nhật ký của Margarita (người Bỉ) mà Chúa Giê su nhận mình là tác giả, ta thấy có câu sau: «Nếu người ta không có cảm giác như một giác quan thứ sáu về sự hiện diện của Cha trong họ cho dầu cảm giác đôi khi mờ ảo, thì Cha cho con hay, không ai có thể nên thánh được. Đối với một số đông người, than ôi, giác quan thứ sáu ấy bị bóp nghẹt bởi nết xấu dưới mọi hình thức.» [35]

Đọc Huỳnh Đình ta thấy phát ra một niềm tin sắt đanh rằng con người nhờ công phu tu luyện có thể trở thành thần linh. Quan niệm này thực ra không phải là dị đoan mê tín. Gần đây Vivekananda viết: «Không có giáo lý nào khác ngoài niềm tin rằng khả năng trở thành thần linh đã được ghi tạc vào trong con người, và con người có khả năng tiến hóa vô tận...» [36]

6. Đọc Huỳnh Đình kinh, và các kinh của đạo Lão cần phải thấu triệt chủ trương: Nhất thể biến vạn thù, vạn thù qui nhất thể. 一 體 變萬 殊 , 萬 殊 歸 一 體

Khi đã nắm được chốt then ấy, thì dẫu Huỳnh Đình kinh và các nhà bình giải có nói:

Nhất khí sinh tam khí, vạn khí,

Nhất thần sinh bá thần, vạn thần,

Nhất Thiên sinh Tam thiên, cửu thiên,

Nhất Lão sinh Tam Lão, vạn Lão.

Nhất Thể sinh Tam thể, vạn thể.

Người tu đạo cũng không vì thế mà lạc lõng bối rối, bởi vì họ chỉ việc thu nhiếp tất cả lại thành Một mà thôi:

Vạn thiên, tam thiên trở lại thành Nhất Thiên.

Vạn thần thu nhiếp lại còn độc Thần.

Tam Lão trở về cùng Nhất Lão.

Tam đan thu nhiếp lại còn Nhất đan.

Chính vì vậy mà Tử Hà khi bình chương nhất, Nội Cảnh đã có viết: «Người tu đạo, ở nơi trung tâm điểm, hợp Tam Đan thành Nhất Đan. Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.» [37]

Theo từ ngữ Huyền học Âu Châu, thì ta có thể nói như sau: «Thượng đế là bản thể mọi thể xác và mọi tâm hồn như lời Saint Hilaire.»[38]

Hay nói: «Thượng đế là Khuôn thiêng duy nhất muôn loài muôn vật» như lời Robert Grosse Tête.[39]

Chủ trương Nhập Nê Hoàn là thăng thiên cũng đã được các nhà huyền học Âu Châu diễn tả như sau: «Trời ở trong mỗi người chúng ta chứ không ở bên ngoài.» [40]

Albert le Grand cũng viết: «Lên cùng Thượng đế là đi vào tâm hồn. Ai vào được tới tâm khảm mình, sẽ siêu thoát, và đạt tới Thượng đế ...» [41]

Bà thánh Thérèse d’Avila nói cách khác: «Thực đó là một ân sủng lớn mà Thượng đế ban, khi ngài giúp ta tìm Ngài trong ta.» [42]

Tử Hà chân nhân bình về Huỳnh Đình như sau: «Huỳnh là màu của Trung ương. Đình là Trung điểm của bốn phương. Luyện đan tại đó. Kết đan tại đó. Hoàn đan tại đó. Dưỡng thần tại đó. Một Thần chính vị nơi trung điểm. Vạn thần triều củng thành vòng quanh. Đó là gồm đủ hết thể và dụng Huỳnh Đình.» [43]

Tôi góp ý thêm: Trung ương, trung điểm ấy là tại trung tâm óc não, tại Nê Hoàn cung, tại Thiên cốc. «Một Thần chính vị cư Thiên cốc, vạn thần triều củng thành vòng quanh.» Và tôi tin chắc rằng tư tưởng trên của tôi ăn khớp với tư tưởng của các vị đạo gia chân chính xưa nay.

Hoàng Nguyên Cát nói: «Đầu người ta có chín cung, trong đó có một nơi gọi là Thiên cốc, thanh tĩnh không bụi bậm. Nếu có thể an thần ở trong, hào ly không cho rong ruổi ra ngoài, sẽ thành Chân, chứng thánh ... Huỳnh Đình kinh nói: Tử dục bất tử tu Côn Lôn. Đủ biết rằng trì thủ được thiên cốc ấy, là điều huyền diệu vô cùng vậy.» [44]

Doãn chân nhân 尹 真 人 nói: «Thiên cốc Nguyên Thần, giữ được là Chân ...» [45]

Khưu Xử Cơ 邱 處 機 có thơ:

Cửu thị Côn Lôn, thủ Chân Nhất,

久 視 崑 崙 守 真 一

Thủ đắc Ma-ni viên hựu xích.

守 得 摩 尼 圓 又 赤

Thanh hư hạo khoáng Đà la môn,

清 虛 浩 曠 陀 羅 門

Vạn Phật thiên tiên tòng thử xuất.[46]

萬 佛 千 仙 從 此 出

Triệu Thai Đỉnh 趙 台 鼎 cho rằng: «Côn lôn là óc não. Bổ thiên là Bổ não.» [47]

Doãn Chân Nhân cho rằng: «Hỗn bá linh ư Thiên cốc. Lý ngũ khí ư Nê Hoàn.» 混 百 靈 於 天 谷 . 理 五 氣 於 泥 丸.[48]

Nói thế tức là chấp nhận Nê Hoàn là nơi hội tụ mọi tinh hoa.

7. Huỳnh Đình kinh chuyên dạy phép QUÁN TƯỞNG THẦN LINH, TỒN THẦN LINH, HÔ THẦN LINH, CẦU THẦN LINH.

Thế nào là Quán tưởng thần linh? Đó là luôn luôn mường tưởng trong thân mình có chư vị thần linh ở.

Về phương pháp quán tưởng thần linh này, đầu sách Huỳnh Đình Nội Cảnh của Vụ Thành Tử có ghi rõ. Xin toát lược đại khái như sau:

Thanh Hư chân nhân nói rằng: «Phàm tu Huỳnh đình nội cảnh kinh, thời nên y theo phép Điền thần hỗn hóa 填 神 混 化 của Đế quân. Sau khi đã đọc kinh và Lễ xong, thời ngồi ngay ngắn hướng về phương Đông, nhắm mắt lại tưởng chừng như thấy hình sắc, kích thước các vị thần trong mình, kêu tính danh các vị thần đó, và đặt để vào mỗi cung tương ứng. Nếu không tu theo phép này thì dẫu tụng kinh Huỳnh Đình vạn lần, cũng không gìn giữ được Chân thần, và cũng không cảm ứng được cùng thần linh, như vậy chỉ tổ làm hao tổn khí lực, bì quyện tinh thần, không ích lợi gì cho công trình tu dưỡng cả...

Sau đó Vụ Thành Tử liệt kê tính danh, sắc phục, kích thước 13 vị thần chính trong người.

Trong 13 vị thần đó, đã có 7 vị ở trên đầu mặt, còn 6 vị ở tạng phủ, 7 vị thần ở đầu mặt:

1. Thần tóc tên Thương Hoa 蒼 華, tự Thái Nguyên 太 元, hình dài 2 tấc 1 phân.

2. Thần óc tên Tinh Căn 精 根, tự Nê Hoàn 泥 丸, hình dài 1 tấc, 1 phân.

3. Thần mắt tên Minh Thượng 明 上, tự Anh Huyền 英 玄, hình dài 3 tấc.

4. Thần mũi tên Ngọc Lũng 玉 壟, tự Linh Kiên 靈 堅, hình dài 2 tấc 5 phân.

5. Thần tai tên Không Nhàn 空 閑, tự U Điền 幽 田, hình dài 2 tấc 1 phân.

6. Thần lưỡi tên Thông Mệnh 通 命, tự Chính Luân 正 綸, hình dài 7 tấc.

7. Thần răng tên Ngạc Phong 崿 峰, tự La Thiên 羅 千, hình dài 1 tấc 5 phân.

Các thần đầu mặt đều mặc áo tía, quần là, đều có hình như trẻ nít. Hãy để tâm tư mường tượng và an vị vào chính phương vị.

Các thần tạng phủ:

1. Thần tim tên Đan Nguyên 丹 元, tự Thủ Linh 守 靈, hình dài 9 tấc, mặc áo gấm đỏ, quần là.

2. Thần phổi tên Hạo Hoa 皓 華, tự Hư Thành 虛 成, hình dài 8 tấc, mặc áo gấm trắng thắt lưng vàng.

3. Thần gan tên Long Yên 龍 煙, tự Hàm Minh 含 明, hình dài 6 tấc, mặc áo gấm xanh, mặc váy.

4. Thần thận tên Huyền Minh 玄 冥, tự Dục Anh 育 嬰, hình dài 3 tấc 6 phân, mặc áo gấm xanh.

5. Thần tì tên Thường Tại 常 在, tự Hồn Đình 魂 停, hình dài 7 tấc 3 phân, mặc áo gấm vàng.

6. Thần đởm tên Long Diệu 龍 曜, tự Uy Minh 威 明, hình dài 3 tấc 6 phân, mặc áo gấm 9 màu, quần hoa màu lục.

Sáu vị lục phủ chân nhân 六 腑 真 人 kể trên ở nơi ngũ tạng, lục phủ hình dáng như anh nhi, sắc như hoa đồng 華 童 (trẻ nhỏ đẹp).

Nơi đây tôi bỏ đi những chi tiết về lễ nghi quán thần, và bài kinh. Xin tham khảo thêm Huỳnh Đình Nội Cảnh, Vụ Thành tử, các trang 5a, 5b.

Phép quán tưởng thần linh của Đạo Lão, cũng giống như phép quán tưởng về chúa Giêsu và các sự thương khó Ngài của Công giáo, hay phép niệm Phật quán, niệm Kim thân quán của Thiền Tông.

Có nhiều người cho rằng quán tưởng như vậy là còn ở trình độ thấp. Phải vô niệm, vô trước, vô sắc tướng mới là cao.

Aldous Huxley phê bình phép quán tưởng hình sắc ấy như sau: «Quán tưởng về những nhân vật và những đặc tính của họ, đòi hỏi phải dùng nhiều suy luận và tưởng tượng. Nhưng thực ra suy tư, phân tách và tưởng tượng chính là những trở ngại ngăn chận không cho tâm hồn đạt tới viên giác. Đó là một điều mà các nhà huyền học Đông, Tây đều nhất trí. Cho nên người đạo sĩ, thay vì quán tưởng vào thần linh vô ngã, lại quán tưởng vào thần linh hữu ngã nào đó với những đức tính của các ngài, sẽ tạo ra những chướng ngại không cho họ tiến tới được sự hợp nhất cao siêu hơn.» [49]

Kinh Kim Cương cũng viết:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,       若 以 色 見 我

Dĩ âm thanh cầu ngã,          以 音 聲 求 我

Thị nhân hành tà đạo          是 人 行 邪 道

Bất năng kiến Như Lai.       不 能 見 如 來

Dịch:

Nếu mà lấy sắc xem ta,

Thanh âm cầu ngã đều là tà môn,

Thế là đi lạc nẻo đường,

Làm sao mong thấy tỏ tường Như Lai.

Dĩ nhiên nếu đi được đến vô tướng, thì đã đạt tới cứu cánh... Nhưng đối với đại đa số, thì phải đi từ sắc tướng, mới tới được vô tướng, phải đi từ hữu vi, mới lên được tới vô vi, phải đi từ ảo thân mới lên được tới Chân thần, thế tức là theo quan niệm «Sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền» 貴 以 賤為 本 高 以 下 為 基 (Quí dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ) của Đạo Đức kinh (chương 39).

Nếu tâm niệm được như thế, thì phép quán tưởng thần minh của Huỳnh Đình không có gì là dị đoan sai trái. Huỳnh Đình kinh viết: «Thần tiên cửu thị vô tai hại.» 神 仙 久視 無 災 害 (chương 9).

Huỳnh Đình kinh và các nhà bình giải Huỳnh Đình chỉ dạy quán tưởng thần minh, nhưng không dạy phép quán tưởng thần minh thế nào cho hữu hiệu nhất.

Nhân đọc phép niệm Phật quán, và phép niệm Kim thân quán của Thiền Tông trong quyển Pháp môn tọa thiền của pháp sư Giác Nhiên, thấy có giải thích tại sao lại niệm Phật, tại sao lại quán tưởng kim thân Phật, lời lẽ rất xác đáng, xin sao lục ra đây để bổ sung phép quán tưởng thần minh của Huỳnh Đình.

Giác Nhiên viết: «Niệm tưởng đến danh hiệu của các vị Phật hay các vị Bồ tát là cốt để định trụ vọng tâm, lìa xa loạn tưởng mà cũng là ý nghĩa trau tâm của hành giả. Khi niệm tưởng đến A Di Đà là cần trau dồi đức tánh của mình trở nên vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng cam lộ vương như lai, bình đẳng tánh, niệm không tranh, vô tranh niệm.» (tr. 136) [...] «Vậy khi hành giả quán tưởng đến Phật, thì phải tự xét nơi mình coi lời nói việc làm và tâm niệm của mình có toàn chân, toàn thiện hay không? Vì quán tưởng đến Phật là quán tưởng đến ta, bởi ta là Phật, Phật chính là ta, tại sao ta không được như Phật? Tại sao Phật không giống như ta? Nếu một khi ta tham thiền quán sát như thế, để trau dồi hạnh đức, và luyện tập bản năng của mình đến chỗ toàn chân chí thiện, ấy cũng là vi yếu của đạo.» (tr. 138)

Viên Đốn Tử 圓 頓 子, trong quyển Huỳnh Đình kinh giảng nghĩa, còn cho rằng Huỳnh Đình kinh dạy phép tồn thần. Ông viện dẫn, mấy câu sau đây của Huỳnh Đình kinh:

– Trú dạ tồn chi khả trường sinh.           晝 夜 存 之 可 長 生 (Nội Cảnh, ch. 8)

– Năng tồn Huyền Minh vạn sự tất.      能 存 玄 冥 萬 事 畢 (Nội Cảnh, ch. 25)

Và giải tồn thần 存 神 như sau: «Tồn thần là không còn suy tưởng gì, bất quá là đem thần quang ngưng tụ lại một điểm nào, không nhất định là phải tồn thần vào một điểm nào trong thân, mà cũng có thể tồn thần, ngưng thần vào một điểm ngoài thân.» [50]

Như vậy, Tồn thần 存 神 đồng nghĩa với Ngưng thần 凝 神, Tụ thần 聚 神, Định thần 定 神, v.v.

Người tu đạo mà biết luôn luôn tu thần, tồn thần, không cho thần linh trong con người mình tản mạn, phá tán đi, là đã lên tới một mức độ cao siêu vậy.

Ta có thể nói: Quán tưởng tức là méditation. Tồn thần tức là concentration. Mà tồn thần dĩ nhiên là cao hơn quán tưởng.

Tôi nhận định như sau về tồn thần và quán tưởng:

Xưa nay có hai con đường lên tới siêu việt: Một là con đường viên giác; Hai là con đường sùng kính.

Con đường viên giác (tức chủ trương Nhất quán hay Chân Nhất chi đạo) đại khái chủ trương rằng: Trong mình có bản thể tuyệt đối.

Con người viên giác hay giác ngộ trực giác thấy bản thể tuyệt đối, thông đạt và thể nhập tức khắc với bản thể tuyệt đối. Âu Châu dùng những danh từ Illumination, Gnose để chỉ Viên giác. Ấn độ gọi thế là Nhất nguyên (Advaita). Gaudapada và Sankara là những người chủ xướng thuyết này.

Người theo con đường sùng tín, thấy Trời, Phật, Thần, Chúa ngự trong lòng mình, nên đem hết tâm thần để kính mến Trời, Phật, Thần, Chúa; mong kết hợp với Trời, Phật, Thần, Chúa, cũng vẫn cảm thấy có Chúa, có Tôi, nghĩa là trong cái đồng vẫn có cái dị.

Ấn Độ gọi đó là con đường sùng tín hay Bhakti, Ramanoudja chủ xướng thuyết này mà ông gọi là Vishishtadvaita. Công giáo gọi thế là con đường Huyền nhiệm, và các thánh hiền Công giáo thường theo con đường này ...

Huỳnh Đình kinh theo con đường này. Nhưng Huỳnh Đình kinh có một điểm khác là thay vì đặt vấn đề:

Chúa / Tôi

Phật / Tôi

Thần / Tôi

Trời / Tôi

thì lại đi từ Tôi tới Đa thần, rồi dần dần mới đến Tôi và Thượng thần. Thế là từ đa thần qui về Nhất thần, từ Tam điệp, Tam đan qui về Nhất đan, Nhất Thần, Nhất Tâm, đem tinh hoa tứ chi bá hài, tam hoa ngũ khí, chư thần qui tụ về một điểm Trung Hoàng nơi Nê Hoàn cung tại tâm điểm đầu não con người.

Có nắm vững được chủ trương Thủ Trung Bão Nhất 守 中 抱 一 của đạo Lão thì mới có thể theo con đường Huỳnh Đình đã vạch ra mà vẫn tinh tiến đến cùng cực được. Nếu không biết lẽ Nhất nguyên, không biết lẽ Vạn thù nhi nhất bổn thì mãi mãi cũng sẽ chỉ luẩn quẩn trong vòng hình danh, sắc tướng, đa nguyên bác tạp mà thôi.

Chính vì vậy mà người muốn tu theo Huỳnh Đình phải tâm niệm lời chỉ dẫn của Tử Hà chân nhân:

Nhất thần chính vị cư trung lập,

一 神 正 位 居 中 立

Chư thần triều củng nhi hoàn trần.

諸 神 朝 拱 而 環 陳

Huỳnh Đình chi thể dụng bị hĩ. [51]

黃 庭 之 體 用 備 矣

(Một thần ngự giữa nơi tâm điểm,

Chư thần chầu quanh thành vòng tròn.

Đó là thể dụng của Huỳnh đình.)

Như vậy ta thấy rõ: Đa thần là cái dụng 用 của Huỳnh Đình; Nhất thần là cái thể 體của Huỳnh Đình.

Người tu cần phải đi từ cái dụng trở về cái thể, từ Đa Thần đến Nhất Thần, từ đa tạp đến Nhất nguyên, Nhất Đạo. Có như vậy ta sẽ phanh phui ra được cái mà người xưa gọi là:

– Chân nhất chi đạo 真 一 之 道 (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Lợi, tr. 9b, chương Kiền Khôn giao cấu, khứ khoáng lưu kim 乾 坤 交 媾 去 礦 留 金).

– Vô danh chi cổ giáo 無 名 之 古 教 (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a, chương Tà chính thuyết 邪 正 說).

Tóm lại quán tưởng thần minh, cũng như tồn thần có mục đích tối hậu là kết hợp nhất như 一 如 với: (1) Đạo; (2) Trời; (3) Thái thượng Lão quân (theo danh từ Lão giáo).

8. Huỳnh Đình còn cho rằng trong khi đau yếu, hoặc thập tử nhất sinh, nếu đã quen tồn thần, quán tưởng, thì cũng có thể hô thần, cầu thần, chữa bệnh hoặc cứu mạng.

Ví dụ, Huỳnh Đình kinh Nội Cảnh viết:

– Suyễn tức, hô hấp thân bất khoái,                              喘 息 呼 吸 身 不 快

Cấp tồn Bạch Nguyên hòa lục khí. (ch. 9) [52]            急 存 白 元 和 六 氣

(Mỗi khi suyễn tức, thân không khoái,

Tồn thần Bạch Nguyên điều lục khí.)

– Lâm tuyệt hô chi diệc đăng tô,                                    臨 絕 呼之 亦 登 蘇

Cửu cửu hành chi phi Thái Hà. (ch. 10)                       久 久 行之 飛 太 霞

(Gần chết hô tên liền sống lại,

Niệm thần mãi vậy lên Thái Hà) [53]

- Thùy tuyệt niệm thần tử phục sinh,                            垂 絕 念神 死 復 生

Nhiếp hồn hoàn phách vĩnh vô khuynh. (ch.11)        攝 魂 還魄 永 無 傾

(Gần chết niệm thần lại phục sinh,

Nhiếp hồn hoàn phách hết đảo khuynh.) [54]

– Bách bệnh thiên tai đương cấp tồn. (ch.12)              百 病 千 災 當 急 存

(Bách bệnh thiên tai cầu ngay tới.) [55]

Quan điểm trên của Huỳnh Đình làm ta liên tưởng đến các phép chữa bệnh bằng đức tin của các giáo phái hiện đại như: Christian Science ở Mỹ; Espirittista Christiana ở Phi Luật Tân; hoặc tới phép chữa bệnh bằng cách niệm A Di Đà Phật song song với việc vận khí điều tức của thiền tông.[56]

Bước vào lãnh vực này chúng ta thấy nhiều điều kỳ ảo, khó mà cắt nghĩa rạch ròi được.

Ví dụ gần đây bên Phi Luật Tân có những người thuộc môn phái Espirittista Christiana, như Terte, Blanche, hoặc không thuộc môn phái nào như Tony Agpaoa, chuyên dùng tay không để mổ xẻ, và chữa bệnh. Các vị thần y ấy - chúng ta hãy tạm dùng danh từ đó - chữa được rất nhiều bệnh, họ cho rằng họ chữa được bệnh là nhờ thần quyền, thần lực.

Sự kiện này đã làm chấn động năm châu, và nhiều bệnh nhân từ khắp các nước trong thế giới kéo đến Phi xin chữa bệnh. Có nhiều phái đoàn quan sát của Mỹ, gồm nhiều nhà khoa học, thần linh học, v.v. đã sang quan sát sự kiện, quay phim, chụp ảnh tại chỗ. Ông Harold Sherman sau khi đã sang Phi khảo sát sự kiện, cùng với một phái đoàn gồm có những nhân vật lỗi lạc trong các giới đạo gia, khoa học, y học Mỹ Nhật, lúc về đã viết một quyển sách hơn 300 trang phúc trình tỉ mỉ về những sự kiện lạ lùng trên.

Bản phúc trình xác nhận:

– Các thần y đã mổ xẻ trong nhiều năm nay cho rất nhiều người, toàn bằng tay không, không dùng dao kéo.

– Bệnh nhân khi mổ xẻ vẫn tỉnh táo không đau ốm.

– Không hề dùng phương pháp khử trùng, mà bệnh nhân vẫn như thường.

– Mổ xong, buông tay ra là da thịt bụng lại liền như cũ.

– Các thần y đó đã chữa khỏi rất nhiều bệnh.

– Đã có những bác sĩ và nhà khoa học gia Mỹ đến thụ giáo với các thần y này và phụ tá họ trực tiếp trong vòng vài tháng, và thú nhận đó là những chuyện có thực, chứ không phải là ma thuật hay thôi miên hay lừa bịp.

– Đã chụp và quay phim được rất nhiều trường hợp mổ xẻ, mà theo dõi được bằng phim ảnh tất cả các diễn tiến của các cuộc mổ xẻ.

– Các thần y, khi được phỏng vấn, đều quả quyết rằng sở dĩ mình chữa được bệnh, là nhờ thần thánh phụ thể...[57]

Về phương pháp trị bệnh của Thiền tông, ta thấy ghi: «Trong khi cơ thể bất hòa, nhức mình, nặng đầu, nghẹt mũi, nóng lạnh ... no hơi, ăn không tiêu v.v... Khi ấy hành giả ngồi ngay thẳng, bắt đầu thở mạnh như vầy: NAM, MÔ, A hít vô từ sống mũi xuống chấn thủy và chạy thẳng xuống đơn điền (dưới rún 5 phân) vừa đầy hơi rán thở vô cho thẳng bụng dưới. Kế bắt đầu từ từ thở ra niệm: DI, ĐÀ, PHẬT, (từ đơn điền lên tới chấn thủy lên luôn sống mũi) thở ra cuối hơi, hóp bụng vô cho thật sát, cứ mãi thở và niệm Phật đến liên tiếp như vậy từ một trăm đến hai, ba, bốn, năm trăm hơi tùy theo sức của hành giả. Khi nào thấy hơi mệt, và ấm áp cả thân mình thì cứ để tự nhiên cho hơi thở điều hòa lấy.» (Muốn cho có phần kết quả trong phương pháp này, thì mỗi lần thở từ 300 hơi sắp lên mới thấy ứng nghiệm.) [58]

Những chứng cớ trên cho ta thấy rằng phép hô thần, cầu thần để chữa bệnh cho mình, chẳng có gì là mê tín, với điều kiện tiên quyết là trước khi muốn thực hành chữa bệnh, phải hun đúc niềm tin cho vững mạnh trong vòng một thời gian lâu lai, ít là năm năm.

Bác sĩ Decker hỏi thần y Terte, người Phi Luật Tân, làm sao có thể có thần lực để chữa bệnh. Ông Terte trả lời: «Có thể mất từ 3 đến 5 năm. Trong khi đó ông chỉ việc đọc mỗi đêm Phúc Âm Gioan chương 15, 16, và 17.»

Ông Decker kể thêm: «Trước đây đêm nào tôi cũng đọc thánh vịnh David thứ 119. Nhưng 3 tới 5 năm thì quá lâu, tôi không chờ được...» [59]

Và như vậy sự khỏi bệnh nơi mình, nơi người có thể cắt nghĩa bằng một trong những lý do sau:

– Thần linh trực tiếp phụ thể để chữa bệnh.

– Lòng tin mãnh liệt có thể chữa lành bệnh.

– Sức mạnh của ý chí có thể chữa lành bệnh.

– Sau nhiều năm tháng tồn thần, tụ thần, thần lực trong người gia tăng, do đó có thể vận dụng thần lực đó để chữa bệnh.

– Tự kỷ ám thị có thể chữa lành bệnh.

– Mình đã xử dụng được huyền năng, huyền lực sẵn có trong trời đất để chữa bệnh.

– Vận khí điều tức để gây lại thể quân bình trong người nên có thể chữa lành bệnh.

– Sau khi tu luyện nhiều năm nhiều tháng, sau khi đã đi được vào những tầng sâu con người, lúc ấy có thể sử dụng được nguồn huyền lực sẵn có trong con người để lành bệnh.

Điều mà tôi muốn nhấn mạnh nơi đây là: Định tĩnh lâu ngày, thần lực sẽ tăng. Thần lực tăng, các khả năng nơi con người đều tăng, và như vậy người đạo sĩ như đã có được chiếc nhẫn thần, có thể sử dụng được các nguồn huyền lực trong trời đất. Vấn đề chữa bệnh chỉ là một trong những hậu quả là người tu luyện lâu năm có thể gặt hái được.[60]

9. Trên đây, tôi đã bàn nhiều đâu là Huỳnh Đình trong con người, và dùng đủ mọi chứng lý đạo học, Dịch học, y học để đi đến kết luận rằng: Huỳnh Đình là Thái cực, là Cốc thần, mà Thái cực hay Cốc thần thì ở ngay nơi tâm điểm đầu não con người.

Điều đó thực ra cũng rất chính thống, và các sách đạo Lão cũng nhiều nơi công nhận như vậy.

Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨 viết: «Ngô thân trung chi Huỳnh Đình, Thái cực lập yên.» 吾 身 中之 黃 庭 太 極 立 焉 (q. Hanh, tr. 12b)

Sách Kim Đan Đại Thành 金 丹 大 成 (tr. 4) viết: «Đầu hữu cửu cung, trung hữu Nê hoàn.» 頭 有 九宮 中 有 泥 丸.

Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨 viết: «Đầu hữu cửu cung, trung hữu Cốc thần.» 頭 有 九 宮 中 有 谷 神 (q. Hanh, tr. 21b)

Tiên Học Diệu Tuyển 仙 學 妙 選 (tr. 131) viết: «Ngũ khí câu triều ư Thượng điền, tam hoa giai tụ ư Càn đỉnh.» 五 氣 俱 朝 於 上 田 , 三 華 皆 聚 於 乾 頂.

Nhưng mặt khác, khi đọc các lời bình Huỳnh Đình kinh và đọc nhiều sách đạo Lão khác, thì thấy xưa nay có rất nhiều người chủ trương Huỳnh Đình ở nơi khoảng gần rốn, nơi Chấn Thủy ...

Ta lập sơ đồ dưới đây để toát lược lại quan niệm thông thường của các đạo gia về Tam thiên, Tam cung, Tam Lão, Tam đan như sau:

 

TAM

THANH

TAM

CẢNH

TAM

QUÂN

 

TAM

CUNG

TAM

ĐAN

Ngọc Thanh

Thánh cảnh

Nguyên thủy Thiên bảo quân

Nê hoàn

Thượng đan

Thượng thanh

Chơn cảnh

Ngọc thần Linh bảo quân

 Giáng cung (Huỳnh đình)

Trung đan

Thái thanh

Tiên cảnh

Đạo đức thần bảo quân

Đan điền

Hạ đan

 

Người khẳng định mạnh nhất rằng trong khoảng giữa bụng là Huỳnh Đình có lẽ là tác giả vô danh của quyển Dưỡng Sinh Bí Lục 養 生 祕 錄.

Ta thấy ghi: «Trung hoàng là chốt then của khoa luyện đan. Nó là nơi tổng hội của 8 phương. Tức gọi là Trung cung, Huỳnh Đình, Huyền tẫn, Tiên thiên nhất khí hay Chỉ ư chí thiện. Lấy đốt giữa ngón tay giữa làm tắc chuẩn, thì từ rốn lên 3 tấc 6 phân, tính vào 1 tấc 3 phân là Huỳnh Đình vậy.» [61]

Quyển Tiên Học Chân Thuyên 仙 學 真銓 của Nguyên Đồng Tử 元 同 子 có ghi: «Tĩnh tâm nhìn vào nơi dưới tim, trên rốn khoảng một bàn tay tức Trung cung. Chỉ cần thanh tĩnh, để tóc xõa tự nhiên, chuyên nhất, trì cửu, sẽ trực thượng dữ thiên thông.» [62]

Có một điều kỳ lạ là thời trung cổ bên Âu Châu cũng có một môn phái tu luyện chuyên nhìn rốn, đồng thời niệm tên Chúa Giêsu, để cầu giải thoát.

Tu sĩ Barlaam tố cáo họ với giáo chủ Constantinople như sau: «... Họ nhịn thở thật lâu và luôn mồm tụng niệm: Lạy Chúa, xin thương xót tôi. Cằm họ gập xuống ngực, và mắt nhìn chăm chú vào rốn. Họ cho rằng bụng là nơi chứa hồn, và họ nhờ phương pháp này có thể xuất thần, thấy được nước trời trong thân xác họ, và thấy thân thể họ phát quang, y như chúa Jésus khi Ngài ở trên núi Thabor.» [63]

Barlaam gọi họ là những tu sĩ nhìn rốn (Ombilicaires). Các nhà khảo cứu đạo giáo gọi họ là Hésychastes (tĩnh tu). Dân chúng gọi họ là Người có Hồn nơi rốn (Omphalopsychoi).[64]

Sở dĩ tôi ghi lại những sự kiện trên, là để cho chúng ta có cái nhìn trung thực về lịch sử đạo Lão, và cũng là vì trong quá khứ đã có nhiều người tin theo như vậy.

Riêng tôi, tôi dứt khoát chủ trương Nê Hoàn hay Cốc thần mới chính là Huỳnh Đình. Bụng chỉ đóng một vai trò thứ yếu, mặc dầu là chúng ta thường nói: Dĩ thực vi tiên ...

10. Huỳnh Đình kinh nói về ngũ tạng và đởm.

Bàn về Huỳnh Đình như vậy cũng đã khá nhiều. Chỉ cần ghi nhận thêm: Huỳnh Đình Nội Cảnh nói hơi nhiều về ngũ tạng và về đởm. Nội Cảnh chỉ có 36 chương mà 13 chương (8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 31, 32, 33, 34, 35) nói về ngũ tạng và đởm. Nói đi rồi lại nói lại. Có lẽ tác giả Ngoại Cảnh đã thấy điều này nên cắt xén một số chương này và đã toát lược lại cho ngắn hơn, gọn hơn.

Trên đây, tôi đã trình bày mọi khía cạnh của Huỳnh Đình, từ thấp đến cao, để quí vị tùy nghi từ cao xuống thấp, hoặc đi từ thấp lên cao. Bình dịch quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh này tôi chỉ muốn nói lên niềm tin của người xưa là:

– Trong con người, có thần trời đất ngự.

– Con người có thể trực tiếp được với thần minh bằng cách định thần quán tưởng.

– Con người nếu biết tu luyện, biết định thần, biết điều tức dẫn đạo, có thể có một đời sống khỏe mạnh, an lạc thư thái, và cuối cùng có thể trở thành thần minh, dữ Đạo hợp chân 與 道 合 真, dữ Thiên vi Nhất 與 天 為 一.

Ước mong độc giả nắm được những tư tưởng then chốt ấy, biết được đường hướng tu luyện là: phản thân nhi thành, tâm nội quán tâm mịch Bản tâm, và mục phiêu tu luyện là trở thành thần minh. Có nắm được những tư tưởng then chốt ấy mới sử dụng hữu hiệu Huỳnh Đình kinh, và biến Huỳnh Đình kinh thành phương tiện cho mình trở thành Chân nhân 真 人, Thiết hán 鐵 漢 ...[65]


CHÚ THÍCH

[1] Đạo Học từ điển 道 學 辭 典, nơi chữ Đạo thư 道 書, tr. 205: Đại Đỗng Ngọc Kinh dĩ hóa phàm. Xướng Đạo Chân Ngôn dĩ luyện tâm. Tham Đồng, Ngộ Chân, Thanh Hoa, Huỳnh Đình dĩ liễu mệnh. Tam Hoàng Nội Văn dĩ độ nhân. 大 洞 玉 經 以 化 凡. 唱 道 真 言 以 鍊 心. 參 同, 悟 真, 青 華, 黃 庭 以 了 命. 三 皇 內 文 以 度 人...

[2] Huỳnh Đình đa ngôn khiếu, Đạo Đức đa ngôn diệu. 黃 庭 多 言 竅, 道 德 多 言 妙.

[3] Độc chí vạn biến, tất năng động kiến quỉ thần, an thích thiên hồn, địa phách, điều hòa ngũ tạng lục phủ, sinh hoa sắc, phản anh hài, nãi bất tử chi đạo dã. 讀 至 萬 遍, 必 能 洞 見 鬼 神, 安 適 天 魂, 地 魄, 調 和 五 臟 六 腑, 生 華 色, 反 嬰 孩, 乃 不 死 之 道 也.

        Xem phụ lục của Huỳnh Đình kinh, Tử Hà chú, tr. 10a... Thần thất minh chính, thai chân an ninh, linh dịch lưu thông, bách quan lãng thanh, trường vị hư doanh... 神 室 明 正, 胎 真 安 寧, 靈 液 流 通, 百 關 朗 清, 腸 胃 虛 盈...

       Vụ Thành Tử chú, Huỳnh Đình Nội Cảnh, tr. 1b

       Hình sung hồn tinh 形 充 魂 精 (tr. 1b)

       Hình cố thần khiết. Nội triệt thân linh, ngoại giáng anh thánh. Ẩn chi đại động, ư thị nhi chí... 形 固 神 潔. 內 徹 身 靈, 外 降 英 聖. 隱 芝 大 洞, 於 是 而 至. (tr. 1b. 2a).

[4] Toàn hình tập thần, khí chính, tâm thanh. 全 形 集 神, 氣 正, 心 清. Xem phụ lục của Huỳnh Đình kinh, Tử Hà chú, tr. 9a.

       Trừng chính thần khí. Thần khí chính tắc nội tà bất năng can. 澄 正 神 氣. 神 正 則 內 邪 不 能 干. (tr.1b, 9a)

[5] Tử hữu tiên tướng, đắc ngô thử thư. Thử văn la liệt nhất hình chi thần thất xứ, Thai thần chi sở tại nhĩ. 子 有 仙 相, 得 吾 此 書. 此 文 羅 列 一 形 之 神 室 處, 胎 神 之 所 在 耳. (Lời bình: Ư hình, trung chư thần, nãi bất đô tận, nhi mục kỳ thất trạch, diệc bị cùng, ủy mật hỹ. Thai thần tức Minh đường Tam Lão quân, sở vị Thai linh đại thần dã. Thử tối vi Huỳnh đình chi bổn.) 於 形, 中 諸 神, 乃 不 都 盡, 而 目 其 室 宅, 亦 備 窮, 委 密 矣. 胎 神 即 明 堂 三 老 君, 所 謂 胎 靈 大 神 也. 此 最 為 黃 庭 之 本. Vụ Thành Tử chú, Huỳnh Đình Nội Cảnh, tr. 1b.

[6] Căn cơ giả, vị nhân tri thủ Nhất dã. Hoa thái giả, vị nhân diện mục nhuận trạch, thể hữu quang hoa dã... 根 基 者, 謂 人 知 守 一 也. 華 采 者, 謂 人 面 目 潤 澤, 體 有 光 華 也.

[7] Huỳnh Đình giả tại đầu trung, Minh đường, Động phòng, Đan điền, thử tam xứ thị dã... Lưỡng mi gian, khước nhập nhất thốn vi Minh đường, nhị thốn vi Động phòng, tam thốn vi Đan điền. Thử tam xứ vi Thượng Nguyên, Nhất dã... Xích tử hóa vi Chân nhân, tại Minh đường trung, tự Tử Đan. Cố tri Nhất giả, tại Minh đường nhất xứ dã. 黃 庭 者 在 頭 中 明 堂, 洞 房, 丹 田, 此 三 處 是 也... 兩 眉 間, 卻 入 一 寸 為 明 堂, 二 寸 為 洞 房, 三 寸 為 丹 田. 此 三 處 為 上 元, 一 也... 赤 子 化 為 真 人, 在 明 堂 中, 字 子 丹. 故 知 一 者, 在 明 堂 一 處 也. Lương Khưu Tử chú, Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, tr. 1a.

[8] Nhất hữu tính, tự, phục sắc... Tính tự, vị Tử Đan. Phục sắc, vị chu y dã... 一 有 姓, 字 服 色... 姓 字, 謂 子 丹. 服 色, 謂 朱 衣 也... Trang Tử viết: Ngã thủ kỳ Nhất, nhi xử kỳ hòa... 莊 子 曰 我 守 其 一, 而 處 其 和... Bão Phác tử viết: Dư văn chi sư vân: Nhân năng tri Nhất, vạn sự tất. 抱 朴 子 曰: 予 聞 之 師 云: 人 能 知 一, 萬 事 畢.

[9] Cố Tiên kinh viết: Tử dục trường sinh, thủ Nhất đương minh... Thủ Nhất, tồn chân, nãi năng thông Thần... Cao Tử Di Thư viết: Thu thập toàn phó tinh thần, chỉ tại nhất xứ. Vị tĩnh thời đương tụ toàn phó tinh thần ư lưỡng mi gian chi nhất xứ dã. 故 仙 經 曰: 子 欲 長 生, 守 一 當 明... 守 一, 存 真, 乃 通 神... 高 子 遺 書 曰: 收 拾 全 副 精 神, 只 在 一 處. 謂 靜 坐 時 當 聚 全 副 精 神 於 兩 眉 間 之 一 處 也. Lương Vụ Tử chú, Thái Thượng Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, tr. 7a.

[10] Tử năng thủ Nhất, vạn sự tất... 子 能 守 一, 萬 事 畢... Vụ Thành Tử chú, Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, tr. 3b.

[11] Vạn thế thường tồn dữ Nhất vi hữu... 萬 世 常 存 與 一 為 友... (1b. tr. 3b)

[12] Cũng có sách thay vì viết là Tử Đan 子 丹 đã viết là Kiết Đan 孑 丹. Kiết 孑 có nghĩa là «đơn chiếc» (Xem Thái Thượng Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Kinh Chú, Tung Ẩn Tử chú, tr. 12b).

[13] Huỳnh Đình Nội Cảnh, chương 17, 35.

[14] Pháp sư còn cho rằng chỗ ấy chính là Thiên nhãn, hay Huệ nhãn (con mắt thứ ba: troisième œil). Pháp sư cũng ghi nhận rằng trên các tượng Phật đều có một đốm giữa hai chân mày.

[15] Vụ Thành Tử 務 成 子 chú, Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, tr. 3b, nơi lời bình câu: Thùy dữ chi đẩu, nhật, nguyệt 誰 與 之 斗, 日, 月.

[16] Thử kinh dĩ Hư Vô vi chủ, cố dụng Huỳnh Đình tiêu chi nhĩ. 此 經 以 虛 無 為 主, 故 用 黃 庭 標 之 耳. Vụ Thành Tử 務 成 子 chú, Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh 黃 庭 內 景 經, Tự 序, tr. 1a.

[17] Cửu tiêu phi hạ lưỡng Nguyên quân. Đan Hà, Thanh Hà giai Thiên nhân. Khẩu truyền Nam nhạc, Tử Hư vân: Thế thượng Huỳnh Đình đa ngộ văn. Thượng thanh tiên sứ hạ dao kinh. Bí bản truyền chi, tế thảo tầm... 九 霄 飛 下 兩 元 君. 丹 霞, 青 霞 皆 天 人. 口 傳 南 嶽, 紫 虛 云: 世 上 黃 庭 多 誤 文. 上 清 仙 使 下 瑤 京. 祕 本 傳 之, 細 討 尋... Tử Hà chú, Huỳnh Đình Nội Cảnh, tr. 4b.

[18] Tính vi tiên thiên, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Hồn vi hậu thiên, hữu sinh hữu diệt, hữu cấu hữu tịnh, hữu tăng hữu giảm. 性 為 先 天, 不 生 不 滅, 不 垢 不 淨, 不 增 不 減. 魂 為 後 天, 有 生 有 滅, 有 垢 有 淨, 有 增 有 減.

[19] Nuốt nước bọt để nuôi thân, hút thở khí trời để dưỡng hình làm sao đòi thành tiên thánh được. Muốn thành tiên, phải có được mầm tiên, giống tiên. Mà mầm tiên giống tiên ấy chính là Tiên thiên nhất khí, là thần linh nội tại. Câu trên trong Ngộ Chân Thiên, trích lại trong Huỳnh Đình Nội Cảnh của Tử Hà chú, tr. 6a.

[20] Như trên.

[21] Tiên Học Từ Điển, tr. 156.

[22] Tôi không đồng ý, vì có nhiều vị thánh công giáo đau ốm suốt đời.

[23] Xao Hào ca viết: Mệnh yếu truyền, Tính yếu ngộ. Nhập thánh siêu phàm do nhữ tố. Chỉ tu tính, bất tu mệnh, chỉ thị tu hành đệ nhất bệnh. Chỉ tu tổ tính, bất tu đan, vạn kiếp âm linh nan nhập thánh. Đạt mệnh tông, mê tổ tính; kháp tự giám dung vô bửu kính. Thọ đồng thiên địa nhất ngu phu. Quyền ốc gia tài, vô chủ bính. Tính mệnh song tu, huyền hựu huyền. Hải để hồng ba, giá pháp thuyền. Sinh cầm, hoạt tróc giao long thủ, Thủy tri tượng thủ bất hư truyền. 敲 爻 歌 曰: 命 要 傳, 性 要 悟. 入 聖 超 凡 由 汝 做. 只 修 性, 不 修 命, 只 是 修 行 第 一 病. 只 修 祖 性, 不 修 丹, 萬 劫 陰 靈 難 入 聖. 達 命 宗, 迷 祖 性; 恰 似 鑑 容 無 寶 鏡. 壽 同 天 地 一 愚 夫. 權 握 家 財, 無 主 柄. 性 命 雙 修, 玄 又 玄. 海 底 洪 波, 駕 法 船. 生 擒, 活 捉 蛟 龍 首, 始 知 匠 手 不 虛 傳.

[24] Nói cho đúng ra, thì Phách vẫn có thể là Khí nhưng không khinh thanh bằng hồn, hơn nữa Phách nhất định phải liên hệ chặt chẽ với xác hơn. Ta thấy nói: Hồn phách nhị khí chi linh 魂 魄 二 氣 之 靈 (Đạo Học Từ Điển, tr. 244), nhưng cũng thấy nói: Thác là thể phách, còn là tinh anh.

[25] Não vị Côn Lôn, cứ thượng tượng thiên. Bổ Thiên tức Huỳnh Đình kinh chi bổ não. Sở vị Tử dục bất tử tu Côn Lôn thị dã. 腦 謂 崑 崙, 居 上 象 天. 補 天 即 補 黃 庭 經 之 補 腦. 所 謂 子 欲 不 死 修 崑 崙是 也. Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 197, 198.

[26] Tung Ẩn Tử chú, Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, tr. 15a.

[27] Nguyễn Đình Chiểu, Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, tr. 97-98.

[28] J’ai considéré notre âme comme un château, fait d’un seul diamant ou d’un cristal très pur. Tout comme au ciel, il y a diverses demeures ce Château renferme plusieurs apparte-ments: les uns sont en haut, les autres en bas, d’autres dans les ailes, enfin au centre, au milieu de tous, se trouve le principal où se passent les choses les plus secrètes entre Dieu et l’âme.

       Vous savez comment la tige du palmier est formée de plusieurs enveloppes qui entourent et protègent la partie savoureuse, le coeur proprement dit de l’arbre, de même, au centre du château, se trouve la demeure du Roi, et tout autour sont d’autres demeures...

       Illan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, p. 164.

[29] The one of these pillars he set at the entrance of the porch on the right hand, or South, and called it Jachin, and the other at the the left hand, or North and called it Boaz. (Mackey’s revised Encyclopedia, volume 2, p. 778-779).

   ... In this respect, they are representative of Space and Time, which were cast by the Great Architect of the Universe in the clay ground of the brain and placed in the porchway of human consciousness, where they constitute the border between material and spiritual science. (Sđd., tr. 666)

[30] The Middle Chamber, the abiding place of Truth (Sñd., tr. 1109) until in the Middle Chamber of life - in the full fruition of manhood - the reward is attained, and the purified and elevated intellect is invested with the reward in the direction, now to seek God and God’s truth. (Sđd., tr. 1110)

[31] Un seul homme contient en lui l’univers tout entier.

La vie de Vivekananda, Tome 1, p. 92.

[32] Depuis Civa est entré dans mon cerveau et il n’en veut plus sortir... Sđd., q. I, tr. 160.

[33] Oh! now what is here in this city of Brahma (the body) is an abode a small lotus-flower (the heart). Within that is a small space. What is in that should be searched out, that assuredly, is what one should desire to understand ... As far, verily, as this world-space extends, so far extends the space within the heart. Within it indeed are contained both heaven and earth, both fire and wind, both sun and moon, lightenings and the stars, both what one possesses here and what one does not possess, everything here is contained within it.

       Chandogya Upanishads, 8. I. I – 2.

[34] The Inner Soul of all things, the one controller,

       Who makes his one form manifold.

       The wise who perceive Him as standing on oneself,

       They and no others, have eternal happiness,

       His who is the Constant among the inconstant, the intelligent among intelligences,

       The One among many, who grants desires,

       The wise who perceive Him as standing on oneself,

       They and no others, have eternal peace.

       Katha 5. 14 và Prasna 6. 5 – Brith. 4. 4. I – 2.

[35] Margarita, Thông điệp tình yêu nhân hậu gởi cho các tâm hồn nhỏ, Saigon 73, tr. 177.

[36] Nul autre dogme que la divinité inscrite en l’homme et son pouvoir d’évolution indéfinie. Vie de Vivekananda, Sđd., q. I, tr. 47.

[37] Tử Hà, Huỳnh Đình Nội Cảnh, tr. 2b. Tu đạo giả, cư trung nhi lập, hợp tam đan vi Nhất Hư Vô. Dĩ vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm... 修 道 者, 居 中 而 立, 合 三 丹 為 一 虛 無. 以 無 所 住 而 生 其 心...

[38] Il est manifeste que Dieu est la substance de tous les corps et de toutes les âmes. (Saint Hilaire). – Illan De Casa Fuerte, La Réligion essentielle, tr. 87.

[39] Dieu seul est la forme première et unique de toutes choses. (Sđd., tr. 126)

[40] Le Ciel est au dedans et non au dehors de chacun. (Emmanuel Svedenborg, Sđd., tr. 184).

[41] Monter vers Dieu, c’est entrer en soi même. Celui qui entre en lui même et pénètre au fond de son âme se dépasse et atteint vraiment Dieu. La Réligion essentielle, tr. 130.

[42] C’est une grande grâce que Dieu nous fait quand il nous aide à le chercher dans notre intérieur. (Sđd., tr. 167).

[43] Huỳnh giả trung ương chi sắc. Đình giả tứ phương chi trung. Luyện đan tại thử. Kết đan tại thử. Hoàn đan tại thử. Dưỡng thần tại thử. Nhất Thần chính vị nhi trung lập. Vạn Thần triều củng nhi hoàn trần. Huỳnh đình chi thể dụng bị hĩ. 黃 者 中 央 之 色. 庭 者 四 方 之 中. 煉 丹 在 此. 結 丹 在 此. 還 丹 在 此. 養 神 在 此. 一 神 正 位 而 中 立. 萬 神 朝 拱 而 環 陳. 黃 庭 之 體 用 備 矣. Tử Hà chú, Huỳnh Đình kinh, tr. 3b, 4a.

[44] Nhân đầu hữu cửu cung, trung hữu nhất sở, danh viết Thiên cốc thanh tĩnh vô trần, năng tương Nguyên thần an trí kỳ Trung, hào bất ngoại trì, tắc thành Chân, chứng Thánh, tức tại thử hĩ. Huỳnh Đình kinh vân: Tử dục bất tử tu Côn Lôn. Khả kiến thủ thử Thiên cốc hữu vô hạn chi diệu uẩn dã. 人 頭 有 九 宮, 中 有 一 所, 名 曰 天 谷 清 靜 無 塵, 能 將 元 神 安 置 其 中, 毫 不 外 馳, 則 成 真, 證 聖, 即 在 此 矣. 黃 庭 經 云: 子 欲 不 死 修 崑 崙. 可 見 守 此 天 谷 有 無 限 之 妙 蘊 也. Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 298.

[45] Thiên Cốc Nguyên thần thủ chi tự chân. 天 谷 元 神 守 之 自 真 (Sđd., tr. 390)

[46] Sđd., tr. 390.

[47] Não vị Côn Lôn. Cư thượng tượng thiên. Bổ thiên tức Huỳnh Đình kinh chi bổ não, sở vị Tử dục bất tử tu Côn Lôn thị dã. 腦 謂 崑 崙. 居 上 象 天. 補 天 即 黃 庭 經 之 補 腦, 所 謂 子 欲 不 死 修 崑 崙 是 也. Sđd., tr. 197.

[48] Sđd., tr. 391. Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Lợi, tr. 10a.

[49] Contemlation of persons and their qualities entails a great deal of analytic thinking and an incessant use of the imagination. But analytic thinking and imagination are precisely the things which prevent the soul from attaining enlightenment. On this point all the great mystical writers Chirstian and oriental, are unanimous and emphatic. Consequently, the would-be mystic who chooses as the object of his love and contemplation, not the godhead, but a person and personnal qualities, thereby erects insurmontable barriage between and the higher states of union...

       Aldous Huxley, Grey Eminence (New York 1941), p. 101.

       William Johnston, The Still Point, Perennial Library, Harper and Row, Publishers, New York, Evanston, San Francisco, London, 1971, p. 152-153.

[50] Viên Đốn Tử chú, Huỳnh Đình kinh giảng nghĩa.

       Lý Lạc Cầu, Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 41.

[51] Tử Hà chú, Huỳnh Đình Nội Cảnh, tr. 4a.

[52] Bạch Nguyên là thần phổi.

[53] Đây là thần tim, Đơn Nguyên.

[54] Đây là niệm thần gan Thanh đồng, Xá Minh.

[55] Đây là thần thận Huyền Minh.

[56] Giác Nhiên, Pháp Môn Tọa Thiền, tr. 59.

[57] Harold Sherman, Wonder healers of the Philippines, DeVorss and Co. Los Angeles, Calif.

[58] Giác Nhiên, Pháp Môn Tọa Thiền, tr. 59.

[59] Harold Sherman, Wonder healers in the Philippines, tr. 52.

[60] Evelyn Underhill, Mysticism, p. 183. The will ... is king, not only of the House of Life, but of the universe outside the gates of sense. It is the key to «man limitless»; the true «ring of Gyges,» which can control the forces of nature, known and unknown.

[61] Trung Hoàng vi đan quýnh, thị bát phương tổng hội xứ, tức sở vị Trung cung, Huỳnh Đình, Huyển tẫn, Tiên thiên nhất khí, huyền quan nhất khiếu. Sở vị chỉ ư chí thiện dã. Dĩ trung chỉ tiết văn vi tắc, Tề (Thận) chi thượng tam thốn lục phân, kỳ trung nhất thốn tam phân xứ nãi Huỳnh Đình dã. 中 黃 為 丹 扃, 是 八 方 總 會 處, 即 所 謂 中 宮, 黃 庭, 玄 牝, 先 天 一 氣, 玄 關 一 竅, 所 謂 止 於 至 善 也. 以 中 指 節 文 為 則, 臍 (腎 ) 之 上 三 寸 六 分, 其 中 一 寸 三 分 處 乃 黃 庭 也. Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 164.

[62] Tĩnh quán tâm hạ tề thượng ước nhất chưởng chi địa, sở vị Trung cung. Đãn Hư tĩnh, khinh tùng, chuyên nhất, trì cửu, tắc khả: Trực thượng dữ thiên thông. 靜 觀 心 下 臍 上 約 一 掌 之 地, 所 謂 中 宮. 但 虛 靜, 輕 鬆, 專 一, 持 久, 則 可: 直 上 與 天 通. Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 188.

[63] G. Welter, Histoire des Sectes chrétiennes des Origines à nos Jours, Payot Paris, 1950, p. 102.

[64] E. Royston Pike, Dictionnaire des Religions, p. 149 nơi chữ Hésychastes.

[65] Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, q. Hanh, chương Hàm dưỡng bản nguyên cứu hộ mệnh bảo 涵 養 本 原 救 護 命 寶 cho rằng: Muốn trở nên bất tử thì phải tìm cho được bất tử nhân 不 死 人 trong con người, Lão giáo gọi bất tử nhân 不 死 人 ấy là Thiết hán 鐵 漢. Phật gia gọi đó là Kim cương金 剛. Thiết hán hay Kim cương chính là Bản lai Diệu giác Chân tâm 本 來 妙 覺 真 心 của người đời.


» mục lục | chương 1  2  3  4  5  6