NGỘ CHÂN TRỰC CHỈ

悟 真 直 指

TỐNG, TỬ DƯƠNG TRƯƠNG CHÂN NHÂN trước 宋 紫 陽 真 人 著

THÊ VÂN SƠN, NGỘ NGUYÊN TỬ, LƯU NHẤT MINH chú 棲 雲 山 悟 元 子 劉 一 明 註

CỬU DƯƠNG SƠN, ẤN CHÂN TỬ CHU KIM TỈ hiệu chính 九 陽 山 印 真 子 周 金 璽 校 正

Môn nhân XUNG HOÀ TRƯƠNG DƯƠNG TOÀN hiệu duyệt  門 人 沖 和 張 陽 全 校 閱

Hậu học LÝ TỬ VIÊN trùng khan 後 學 李 紫 垣 重 刊

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch chú

» mục lục | quyển I | quyển II | quyển III | quyển IV


Quyển III

NGỘ CHÂN TRỰC CHỈ 悟 真 直 指

Ngũ ngôn luật thi nhất thủ (dĩ tượng Thái Ất hàm chân khí)

五 言 律 詩 一 首 以 象 太 乙 含 真 氣

TÂY GIANG NGUYỆT 西 江 月

(Gom 12 bài thơ tượng trưng cho 12 tháng)

Năm bài thơ Thất Ngôn Tuyệt Cú để tượng Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. 

 

.Ngũ ngôn luật thi nhất thủ (dĩ tượng Thái Ất hàm chân khí)

Nữ tử trước thanh y, (Ly)

Lang quân phi tố luyện. (Khảm)

Kiến chi bất khả dụng,

Dụng chi bất khả kiến.

Hoảng hốt lý tương phùng,

Yểu Minh trung hữu biến.

Nhất siếp hỏa diễm phi,

Chân nhân[1] tự xuất hiện.

Tạm dịch:

Cô dâu (Linh Tri) mặc áo xanh.

Chàng rể (Chân Tri) vận lụa trắng.

Nhìn thấy là Vô Dụng,[2]

Không thấy mới nên dùng.[3]

Gặp nhau trong Hoảng Hốt

Biến hóa tại Yểu Minh.

Chốc lát lửa bừng cao,

Chân Nhân liền xuất hiện.

Linh tri là Dương trung chi Âm, có đủ nhu Tính. Tính chủ Sinh thuộc Mộc. Mộc có màu Xanh. Cho nên nói: Nữ tử trước thanh y.

 Chân Tri là Âm trung chi Dương, có đủ Cương Tình. Tình chủ Sát thuộc Kim. Kim màu trắng. Cho nên nói: lang quân vi tố luyện.

Nhưng Tính Tình thời có phân Tiên Thiên, Hậu Thiên. Hậu Thiên là Tính Khí Chất và là Vọng Tình. Tính Tình Khí Chất thì có Hình có Tượng, là cái gì nhìn thấy được, nên không dùng được.

Tiên Thiên là Bản Tính là Chân Tình. Đó là Tính Tình Chân Không. Không hình không tượng, đó là cái có thể dùng. Nó không thể nhìn thấy được. Vì không nhìn thấy nó được, nên nó ở trong hoảng hốt Yểu Minh. Nói Hoảng Hốt, nói Yểu Minh, tức là có Khí mà không có Chất. Nhìn không thấy, nghe không ra, sờ không được. Như vậy làm sao mà ngưng kết và thành Đơn?

Nhưng tuy không thấy được, không nghe được, không sờ được, nhưng Tính Linh Tri và Tình Chân Tri, có lúc cũng gặp nhau trong Hoảng Hốt, cũng biến hóa trong Yểu Minh.

Khi gặp nhau và biến hóa như vậy, thì Thần Minh đưa đẩy, sẽ thu nhập được vào trong lò tạo hóa, lại được lửa tu luyện thên, thì trong giây lát, Khí Tiên Thiên từ không trung tới, sẽ ngưng kết thành tượng, và Chân Nhân sẽ xuất hiện trong phòng tối. Đó chính là Hoàn Đơn pháp tượng, Cho nên nói trong khoảnh khắc là Đơn Thành vậy. Nói có Chân Nhân xuất hiện, chính là Chân Âm, Chân Dương giao hợp bên trong. Một Điểm Sinh Cơ xuất hiện. Đó chính là Thánh Thai, Không cần đợi 10 tháng mới có được «Thân Ngoại Hữu Thân». Nếu quả có «Thân Ngoại Hữu Thân» xuất hiện, thì sao trong khoảng thời gian ngắn, lại có thể thoát thai hoán cốt, có «Thân ngoại Hữu Thân»?

Trong bài thơ này. Tiên Ông nói về Thái Ất hàm Chân Khí. Nếu ai hỏi: Chân Nhân xuất hiện nghĩa là gì, thì xin trả lời: Đó là Thái Ất hàm Chân Khí vậy.

 

.TÂY GIANG NGUYỆT.

西 江 月

(Gom 12 bài thơ tượng trưng cho 12 tháng)

Tiên Ông viết: Tây là phương của Kim. Giang là bản thể của nước. Nguyệt là cái Dụng của Đan.

 

Bài 1

Nội dược[4] hoàn đồng ngoại dược,[5]

Nội thông ngoại diệc tu thông.

Đơn đầu hòa hợp loại tương đồng,

Ôn Dưỡng lưỡng ban tác dụng.

*

Nội hữu Thiên Nhiên Chân Hỏa,

Lô trung hách hách trường hồng.

Ngoại lô[6] tăng giảm yếu cần công,

Diệu tuyệt vô quá chân chủng.[7]

Tạm dịch:

Nội Dược cũng là Ngoại Dược,

Hiểu Trong tất sẽ hiểu Ngoài.

Đơn đầu hòa hợp, Loại tương đồng.

Ôn Dưỡng có trình tự khác nhau.

*

Trong có Thiên Nhiên Chân Hỏa,

Tự nhiên rực cháy đỏ hồng.

Ngoại Lô biết Tăng Giảm Đoàn Luyện

Công phu ấy thật tuyệt diệu,

Chẳng qua là có được Chân Chủng

Nội dược là Linh Tính của Linh Tri. Ngoại dược là Chân Tình của Chân Tri.

Vì Linh Tri tàng ẩn ở Nhân Tâm, Nhân Tâm dụng sự, mượn Linh sinh Vọng, nên gọi là Nội Dược. Vì Chân Tri đầy đủ ở Đạo Tâm, nay Đạo Tâm thoái vị, nên Chân Tri không hiện ra, nên gọi là Ngoại Dược.

Chân Tri, Linh Tri xưa vốn một nhà, đồng xuất dị danh, cho nên nói: Nội dược hoàn đồng ngoại dược.

Nội dược cốt là để Tu Tính, nên cần thông hiểu. Ngoại dược cốt là để Tu Mệnh, nên cũng cần thông hiểu. Cho nên Kinh nói: Tu Mệnh bất tu Tính, thử thị Tu Hành đệ nhất bệnh. Tu Tính bất tu Mệbh, Vạn kiếp Âm Linh nan nhập thánh. Cho nên nói: Nội Thông ngoại diệc tu thông.

Tính là Âm, Mệnh là Dương. Kim Dịch hoàn Đơn là lấy Chân Âm, Chân Dương đồng loại, lưỡng huyền chi khí, hòa hợp với nhau mà thành. Nếu tu Mệnh mà không tu Tính, hoặc tu Tính mà không tu Mệnh, thế là Cô Âm, Quả Dương, Đại Đơn không kết được. Thế gọi là Tính Mệnh phải song tu là vì vậy. Nhưng Tính thì có tác dụng của Tính, Mệnh có tác dụng của Mệnh. Tính là Pháp Thân thượng sự, Mệnh là Ảo Thân thượng sự. Đôi bên ôn dưỡng đều có sự khác nhau. Cho nên nói công phu có 2 giai đoạn.

Tu Tính chi Đạo, là Đạo Vô Vi. Vô Vi chủ Tĩnh, không có chuyện Thi Vi giả tạo. Phải Thủ Trung Bão Nhất, thì trong lò tự nhiên có Chân Hỏa, lúc nào cũn g cháy đỏ, thế là dùng Văn Hỏa để ôn dưỡng vậy. Đến như Tu Mệnh chi Đạo, đó là Đạo Hữu Vi. Hữu Vi chủ động. Phải tăng giảm ở lò ngoài, cần công đoàn luyện. Thế là dùng Vũ Hỏa để đun sôi vậy.

Tăng là tăng cái Chân Tri còn chưa đủ. Thế là gặp điều lành phải cố giữ vậy (trạch Thiện cố chấp). Giảm là giảm cái Linh Tri có thừa. Đó là che dấu thông minh vậy (Chuyết Thông Hủy Trí).

Tăng tới khi không còn tăng được. Giảm cho tới khi không thể giảm được, thì Tính sẽ Định, Mệnh sẽ Ngưng. Chân chủng sẽ tới tay, thế mới là tuyệt diệu. Thế là Tính Mệnh Lưỡng Ban Tác Dụng. Khi Ngoại Đơn đã thành tựu, thu lấy đem vào trong Đỉnh thì là Nội Đơn. Thế là Kim Lai Qui Tính Sơ, Nãi Đắc Xưng Hoàn Đơn. (Kim trở về Tính lúc ban đầu, nên gọi là Hoàn Đơn).

 

Bài 2

Thử Đạo chí thần, chí thánh,

Ưu quân phận bạc nan tiêu.

Điều hòa Diên Hống bất chung chiêu,

調

Tảo đổ Nguyên Châu hình triệu.

*

Chí sĩ nhược năng tu luyện,

Hà phường tại thị cư chiêu.

Công Phu dung dị dược phi dao,

Thuyết phá nhân tu thất tiếu.

Tạm dịch:

Đạo này chí thần, chí thánh,

Tiếc vì Ông phước bạc không hiểu,

Đó là Điều Hòa Duyên Cống mà thôi.

Chỉ một sáng, Nguyên Châu đã hình hiện.

*

Nếu chí sĩ biết tu luyện

Xá chi ở chợ hay trong thành.

Công phu dễ, thuốc chẳng xa,

Nói ra thiên hạ sẽ cười xòa.

Bài từ trước nói về hai thứ Nội Ngoại Dược Vật. Bài từ này nói về cách hành trì luyện Ngoại Đơn.

Đạo Kim Đơn thật là Chí Thần, Chí Thánh. Người tu nó, cứ cắm sào là thấy bóng, lập tức bước lên thánh vị. Nhưng sợ người phúc phận bạc nhược, khó tiêu thụ được.

Cái mà Đạo Kim Đơn khó được, đó là Chân Tri chi Chân Diên, Linh Tri chi Chân Hống. Nếu biết được Chân Tri, Linh Tri và Điều Hòa nó, thì Cương Nhu sẽ tương đáng, Tính Tình như Nhất, không đợi phải qua hết buổi sáng, mà Lương Tri Lương Năng đã sớm hình hiện, y như có hạt Nguyên Châu ở trong tối có thể sáng ra vậy. Vì cái Linh Căn của Lương Tri, Lương Năng, từ lâu đã bị mai một, không thể xuất hiện ra được. Nay được Chân Tri, Linh Tri hai đằng hợp nhất, Linh Căn của Lương Tri Lương Năng, tuy chưa hoàn toàn hiện ra, nhưng Một điểm Linh Cơ của nó đã sinh ra từ trong Hoảng Hốt, Yểu Minh. Khi đã có Một Điểm Sinh Cơ, từ bé dần thành lớn, dần dần sẽ thấy thuần toàn. Hình triệu là thấy được cái Thuần Toàn của nó vậy.

Nếu có người chí sĩ nào, cần cù tu luyện, thì không cần phải lìa thế, trốn đời, chẳng cứ là ở triều ở chợ, mà vẫn tu được đạo Kim Đơn, mà Dược vật vẫn thành. Công phu thật là giản dị, không phải cầu bên ngoài. Nghĩa là đối với người bây giờ nếu ta đem chuyện này nói ra, thì họ sẽ cười phá lên. Họ cười chính là vì phàm thánh đều đi cùng đường, Thiên Nhân đều cùng một Lý, khác nhau chăng là tại chỗ Thuận Nghịch mà thôi.

 

Bài 3

Bạch hổ Thủ Kinh chí bảo,

Hoa Trì Thần Thủy Chân Kim.

Cố tri Thượng Thiện, lợi nguyên thâm,

Bất tỉ tầm thường dược phẩm.

*

Nhược yếu tu thành cửu chuyển,

Tiên tu luyện kỷ, trì tâm.

Y thời thái thủ, định phù trầm,

Tiến Hỏa tu phòng nguy thậm.

Tạm dịch:

Bạch Hổ là Thủ Kinh chí bảo

Hoa Trì, Thần Thủy chính Chân Kim.

Biết đựợc Chí Thiện trong ta,

Không phải tầm thường Dược Thảo.

*

Muốn tu Cửu Chuyển Hoàn Đơn

Trước phải Trì Tâm Luyện Kỷ

Phải biết Thái Thủ, biết Phù Trầm.

Tiến Hỏa phải đề phòng nguy hiểm.

Bài Từ trên bàn về điều hòa Diên Hống cho thành Đơn. Nhưng muốn điều hòa Diên Hống, thì cần phải biết Đại Dược là Chân Tri của Chân Diên, rồi mới có thể ra tay. Chân Tri chính là Chân Tình. Tại Pháp Tượng thì là Bạch Hổ, hay là Hoa Trì, Thần Thủy. Chân Tình ẩn trong Vọng Tình. Tình thuộc Kim, nên gọi là Bạch Hổ. Chân Tình tuy ẩn trong Vọng Tình, nhưng cũng có lúc nó hiển lộ ra. Thế là Thiên Địa chi Tâm được thấy lại, thế là Sinh Cơ manh nha. Vì thế gọi là Thủ Kinh. Thủ là Bắt đầu.

Kinh là Đạo Thường Hằng Vĩnh Cửu. Khi Đạo vừa mới bắt đầu, thì Vô trung sinh Hữu, Âm trung hàm Dương, đó là Mẹ muôn vật, đó là Sinh Cơ. Cái Chấm Sinh Cơ ấy, chính là Căn Cơ sinh Thánh sinh Hiền, là Căn Bản thành Phật, thành Tiên, cho nên gọi là Chí Bảo. Sinh Cơ ấy gọi là Hoa Trì, Thần Thủy. Hoa Trì là Huyền Quan Nhất Khiếu, là Chúng Diệu Chi Môn.

Vì trong chứa Sinh Cơ, nên gọi là Hoa Trì. Vì Sinh Cơ này điều lý bách hài, dưỡng nuôi ngũ tạng, nên gọi là Thần Thủy. Vì Sinh Cơ này đã được Lửa đoàn luyện, ngưng kết bất tán, kiên cố bất hoại, nên gọi là Chân Kim. Thủ Kinh là Thần Thủy, là Chân Kim. Tất cả đều là Sinh Cơ, hay là Thượng Thiện chi Tính. Thượng Thiện là Chí Thiện vậy. Chí Thiện vô ác, gồm đủ Chúng Lý và ứng vạn sự, y như nước co nguồn. Nguồn nước tuy xa, nhánh sông tuy dài, sinh ra lợi ích vô cùng cho vận vật. Nó bảo Mệnh ta, toàn hình ta, là Dược Phẩm chí chân vậy. Không thể sánh nó với những dược phẩm tầm thường do kim thạch mà có. Nhưng dược vật này dấu trong Hậu Thiên, may ra mới hiện hình, nên được mất dễ dàng, không thể ở lâu. Nếu muốn tu thành Cửu Chuyển, Vĩnh Viễn Bất Hoại, thì trước hết phải Luyện Kỷ, Trì Tâm, tiêu hết khách khí trần tình. Phải biết y thời Thái Thủ, để định Phù Trầm.

Linh Tri thì dấu trong Nhân Tâm. Nhân Tâm mà động, thì Linh Tri bay mất, nên gọi là Dễ Nổi (Dị Phù). Chân Tri thì có đủ trong Đạo Tâm. Đạo Tâm tối thì Chân Tri tàng, nên gọi là Dễ Chìm (Dị Trầm).

Luyện kỷ, trì Tâm là luyện khứ Nhân Tâm Linh Tri, làm cho cái Nổi Chìm xuống,

Y thời Thái Thủ tức là Thái Thủ Đạo Tâm Chân Tri làm cho cái gì bị Chìm được Nổi lên lại.

Phù Trầm Điên Đảo tức là dùng Đạo Tâm mà chế Nhân Tâm. khiến Nhân Tâm phải thuận Đạo Tâm; dùng Linh Tri thống suất Chân Tri, dùng Linh Tri nuôi Dưỡng Chân Tri. Nhân Tâm Tĩnh Đạo Tâm sẽ tồn. Chân Tri Linh Tri sẽ Đồng Khí liên chi. Và Kim Đơn có hi vọng thành tựu.

Nhưng Dược Vật thì dễ biết, Hỏa Hậu thì khó hay. Tiến hỏa công phu phải biết Dược Vật non già, phài biết Nhanh Chậm Cát Hung. Nếu ra tay bừa bãi, thì sẽ vô ích mà còn có hại. Cho nên nói: Tiến Hỏa tu phòng nguy thậm.

 

Bài 4

Nhược yếu Chân Diên Lưu Hống,

Thân trung bất ly gia thần.

Mộc Kim gián cách hội vô nhân,

Toàn trượng môi nhân câu dẫn.

*

Mộc tính ái Kim thuận Nghĩa,

Kim tình luyến Mộc từ Nhân.

Tương Thôn Tương Đạm khước Tương Thân,

Thuỷ giác Nam Nhi hữu dựng.

Tạm dịch:

Nếu muốn Chân Diên lưu được Hống

Thì Đạo tâm phải thân cận Nhân Tâm,

Đạo Tâm, Nhân Tâm nay gián cách,

Muốn hợp toàn nhờ Thổ mối manh.

*

Mộc tính yêu Kim, thuận Nghĩa,[8]

Kim tình luyến Mộc từ Nhân,[9]

Đôi đằng hợp nhất kết Kim Đan,

Mới biết Nam Nhi cũng mang thai.

Bài từ trước bàn về Thái Thủ cần phải nhờ vào công phu tu luyện. Mà Luyện Kỷ là là muốn cho Tam Gia tương kiến vậy. Kim Đơn chi đạo chỉ là hai chữ Cương Nhu. Trung Chính của Cương là Chân Tri. Thủ Tượng là Chân Diên. Trung Chính của Nhu là Linh Tri, Thủ Tượng là Chân Hống. Lấy 2 vật đó, hợp lại thành Đơn. Nhưng nếu Chân Tri không sáng lên, thì Linh Tri sẽ bay mất, vì thế Chân Tri là cái gì chế ngự được Linh Tri. Nhưng tuy Chân tri vốn chế ngự được Linh Tri, nhưng Linh tri lại nuôi dưỡng được Chân Tri. Nên Linh Tri là Gia Thần của Chân Tri. Nếu không Định được Linh Tri, thì Chân Tri sẽ không hiện. Cho nên nói: Nhược yếu Chân Diên lưu Hống, Thân trung bất ly Gia Thần. Thân là Chân Tri Linh Tri, Cương Nhu tương hợp.

Chân Tri là Vua, Linh Tri là Gia Thần. Nếu Gia Thần không thuận thảo thì Vua sẽ khó có cơ hành động. Vả Chân Tri Linh Tri tranh nhau trong kẽ tóc đường tơ. Linh Tri tận, thì Chân Tri hiện. Chân Tri tồn thì Cương Kiện. Linh Tri tĩnh thì Nhu Thuận. Cương Kiện Nhu Thuận, Tính Tình tương hợp. Cho nên Đơn Đạo lấy Chân Diên, Chân Hống, làm 2 dược liệu vậy.Chân Tri chi Duyên Tình thuộc Kim, Linh Tri chi Hống Tính thuộc Mộc.

Hậu Thiên là Dụng Sự, Tình Tây, Tính Đông, như Kim Mộc xa nhau, mỗi thứ một nhà, không tương hội vậy. Nếu Chân tính không tương thông, thì Chân Tình Chân Tính không hiện, Chân Tri Linh Tri không hợp. Chân Tín là Chân Ý vậy. Cũng còn gọi là Chân Thổ. Chân Thổ đã hiện, thì Kim Mộc sẽ hợp nhất. Chân Tín mà thông, thì Tính Tình sẽ tự hợp. Cho nên Chân Tín là người môi giới giữa Chân Tình Chân Tính.

Chân Tính là Mộc, chủ Thuận, chủ Nhân; Chân Tình là Kim, chủ Cương chủ Nghĩa. Tính Tình có Tín ở giữa điều hòa, thì Mộc Tính sẽ yêu Kim Tình và thuận Nghĩa. Kim Tình sẽ luyến Mộc Tính và Từ Nhân. Tính Tình hợp nhất. Tính Tình hợp nhất, cương nhu tương ứng, Nhân Nghĩa kiêm toàn, Chân Tri, Linh Tri đồng Khí. Tương thôn, tương đạo, tính định tình vong. Tiên Thiên chi Khí tự vô trung lai, ngưng kết thành một hạt châu, như hạt vừng (Thủ Châu), tượng là Thánh Thai nên nói Đàn Ông có mang là vì vậy.

 

Bài 5

Nhị Bát[10] thùy gia Xá Nữ,[11]

Tam Cửu[12] hà xứ Lang Quân?[13]

Tự xưng Mộc Dịch[14] dữ Kim Tinh,[15]

Ngộ Thổ khước thành Tam Tính.[16]

*

Cánh giả Đinh Công[17] đoàn luyện,

Phu Thê [18] thủy kết hoan tình.

Hà Xa[19] bất cảm tạm lưu đình,

Vận nhập Côn Lôn[20] phong đỉnh.

Tạm dịch:

Nhị Bát Xá Nữ nhà nào?

Tam Cửu Lang Quân nơi đâu?

Mộc Dịch, Kim Tình bồi thêm Thổ

Tam Gia tương Kiến đẹp biết bao?

*

Nhờ lửa Đinh Công đoàn luyện,

Vợ chồng hoan hỉ gặp nhau.

Hà Xa vận chuyển không gián đoạn,

Vận nhập Côn Lôn tối cao phong.

Bài Từ trên bàn về Tam Gia tương kiến, về Kết Thánh Thai. Nhưng Tam Gia tương kiến, mà không có Chân Hỏa đoàn luyện, thì Thánh Thai không kết.

Hai là số Âm Hỏa, Tám là số Âm Mộc. Cho nên gọi là Xá Nữ. Chín là số của Dương Kim, Ba là số Dương Mộc. Cho nên gọi là Lang Quân. Mộc Dịch là Hỏa. Mộc sinh Hỏa là một Họ. Kim Tinh là Thủy. Kim sinh Thủy là một Họ. Thổ ở Trung Ương cũng là một Họ. Ba Họ hợp nhau thành một Họ. Thế là đủ Ngũ Hành.

Đem sánh với người Tu Đạo, thì Nguyên Tính, Nguyên Thần là Mộc Hỏa một Họ. Nguyên Tình, Nguyên Tinh là Kim Thủy một Họ. Nguyên Khí là Thổ là Một Họ. Tam Tính đó là Nội Tam Tính.

Nhân, Lễ thuộc Mộc Hỏa là một Họ. Nghĩa Trí thuộc Kim Thủy là một Họ. Tín thuộc Thổ là một Họ. Cái Tam Gia này gọi là Ngoại Tam Tính. Người tu Đạo dùng Nội Tam Tính thống xuất Ngoại Tam Tính. Dùng Ngoại Tam Tính để thành toàn Nội Tam Tính. Chung qui là làm cho Tam Tính trở thành Nhất Tính. Nhưng Tam Tính đó cần phải dũng mãnh tu trì, chuyên tâm trí chí, phải hạ quyết tâm, hạ tử công phu, mới có thể qui về Nhất Tính.

Đinh Công đoàn luyện chính là công phu dũng mãnh tu trì. Từ bất Nhân trở thành Nhân, từ bất Nghĩa trở thành Nghĩa, từ bất Lễ trở thành Lễ, từ bất Trí trở thành Trí, từ bất Tín trở thành Tín. Nhân Nghĩa Lễ Trí đều trở về Tín. Tính Tình Tinh Thần hòa thành Nhất Khí. Tam Tính hòa hợp, Cương Nhu tương ứng, Tính Tình như Nhất, như vậy phu thê mới giao kết hợp hoan. Khi phu thê đã giao kết hợp hoan, thì càng lâu càng mạnh. Sức lửa không thiếu, và Nhất Khí Thành Công. Thế là tiến tới Thuần Dương, đến chỗ Vô Thanh, Vô Xú vậy. Vì thế viết: Hà Xa bất cảm tạm lưu đình, Vận nhập Côn Lôn phong đỉnh. Hà Xa là Bắc Phương Chính Khí, không phải làvận Thận Khí từ Vĩ Lư, qua Giáp Tích lên tới đỉnh đầu.

Đó chính là Nhất Khí thành công. Dùng nước giúp lửa, thủy hỏa phanh tiễn, không hề gián đoạn, y như nhức trong Hà Xa, vận lên vận xuống, vận chuyển ngày đêm không ngừng vậy. Côn Lôn là tổ sơn của muôn núi. Vận nhập Côn Lôn đỉnh là Tam Hoa qui Đỉnh, Ngũ Khí triều Nguyên, nhập vào Địa Vị «Chân Không Diệu Hữu», chỗ Bất Thức Bất Tri, luôn theo qui luật của Trời

 

Bài 6

Thất phản[21]: Chu Sa[22] phản bản,

Cửu Hoàn[23]: Kim Dịch[24] hoàn chân.

Hưu tương Dần Tí số Khôn Thân,

Đãn yếu Ngũ Hành thành chuẩn.

*

Bản thị Thủy Ngân nhất vị,

Chu lưu biến lịch chư Thần,[25]

Âm Dương số túc tự thông thần,

Xuất nhập khởi ly Huyền Tẫn (Nguyên Tẫn)[26]

Tạm dịch:

Thất phản; Chu Sa phản bản,

Cửu hoàn: Kim Dịch hoàn đơn.

Cần chi Dần Tí số Khôn Thân,

Cốt sao Ngũ Hành qui Nhất.

*

Vốn chỉ Thủy Ngân Nhất Vị

Chu lưu biến lịch khắp nơi.

Âm Dương số túc sẽ thông Thần

Xuất Nhập không rời Huyền Tẫn

Bài từ trên bàn về Ngũ Hành Toản Thốc (Ngũ Hành Hợp Nhất). Nếu biết vận hỏa đoàn luyện ắt sẽ thành công. Nhưng muốn đoàn luyện thì phải hiểu nghĩa lý của của Thất Phản, Cửu Hoàn.

Thất là Dương Số của Hỏa. Cửu là Dương Số của Kim. Tính của Linh Tri thời Nhu, trong có chứa Tà Hỏa. Tà Hỏa mà tiêu thì Chân Hỏa mới sinh. Như Linh Hống kết thành Châu Sa, sẽ không bao giờ còn bay đi mất được. Thế là Hỏa phản về Bổn vậy.

Tính của Chân Tri thời Cương, trong tàng Táo Kim. Táo Kim hóa mà Chân Kim thuần. Như trọc Kim hóa thành Dịch Chấp. Hống là thứ Kim chí tĩnh, chí minh. Thế là Kim hoàn kỳ Chân vậy.

Nghĩa của Thất Phản Cửu Hoàn trong Đơn Kinh. Bàng Môn Tả Đạo thì đếm từ Tí đến Khôn là Cửu Hoàn, từ Dần đến Khôn là Thất Phản. Như vậy, đâu có hiểu Thất Phản, Cửu Hoàn? Nếu không hiểu nghĩa Thất Phản Cửu Hoàn, thì là sao hiểu được Ngũ Hành Thành Chuẩn?

Hỏa phản Bản, tức là Hỏa Trung Xuất Mộc và có Thần Linh. Thần Linh tức là Linh Tri bất muội.

Kim hoàn Chân tức là Thủy Trung Sinh Kim và có Tinh Nhất.

Tinh Nhất là Chân Tri thường Tồn, Linh Tri bất muội. Chân Tri thường Tồn, thì Chân Tri là Linh Tri, Linh Tri tức là Chân Tri. Kim Mộc Thủy Hỏa, Tứ tượng Hoà hợp, qui về Trung Ương. Ngũ Hành Nhất Khí, Bất Thiên, Bất Ỷ, Hồn Nhiên Thiên Lý, thế là Ngũ Hành Thành Chuẩn.

Mà công phu Ngũ hành Thành Chuần là Thủy trung Kim, nhất vị Đại Dược vận dụng.

Thủy Ngân là Thủy trung Ngân chính là Thủy trung Kim. Đó chính là một điểm Chân Tình của Chân Tri. Trong Chân Tri có chứa Tiên Thiên chân nhất chi khí. Đó là Căn Cơ của Ngũ Hành, là Căn Bản của Tứ Tượng. Động thì sinh Dương, Tĩnh thì sinh Âm. Chu lưu qua các giờ của Tứ Tượng, Ngũ Hành. Đạo Phản Bản chính là lúc đáng Tiến Dương Hỏa để mà hái lấy Chân Tri, lúc đáng vận Âm thì tiến Âm Phù, để nuôi dưỡng cái Chân Tri đó.

Dương Hỏa, Âm Phù số túc, thì Ngũ Hành Hỗn Hóa, Lương Tri, Lương Năng tịch Nhiên bất động, Cảm Nhi Toại Thông, thì tự nhiên sẽ Thông Thần. Thần là Âm Dương Bất Trắc. Âm Dương Bất Trắc thì Thánh Thai ngưng kết. Hiệu là Cốc Thần. Cốc Thần Bất Tử là Thiên Địa căn. Đó là Huyền Tẫn chi Môn là Thiên Địa Căn. Âm Dương Số túc là Huyền Tẫn đã lập. Huyền Tẫn lập, thì Cốc Thần ra vào nơi Cửa Huyền Tẫn, và sẽ trường Sinh bất tử. Cho nên nói: Yêu đắc Cốc Thần trường bất tử, Tu bằng Huyền Tẫn lập căn cơ.

 

Bài 7

Hùng[27] lý nội hàm Thư [28] chất,[29]

Phụ Âm khước bão[30] Dương Tinh.[31]

Lưỡng ban hòa hợp Dược phương thành,

Điểm hóa phách tiêm, hồn thắng.[32]

*

Tín đạo Kim Đơn nhất lạp,

Xà thôn lập biến thành Long.

Kê San diệc nãi[33] Loan Bằng,

Phi nhập Chân Dương[34] thanh cảnh.

Tạm dịch:

Trong Dương mà lại có Âm,

Trong Âm mà lại có Dương.

Âm Dương Hòa Hợp đơn sẽ thành,

Cái gì Chếch Lệch sẽ san bằng.

*

Đạo Kim Đơn chỉ duy một hạt,

Rắn nuốt dược sẽ thành Rồng.

Gà nuốt được sẽ biến thành Loan Bằng,

Bay thẳng về Chân Dương Thanh Cảnh.

Bài từ trên nói về Thất Phản Cửu Hoàn. Cần phải đủ số Âm Dương. Nhưng vận Âm vận Dương, thì phải biết Chân Âm, Chân Dương. Hùng lý nội hàm Thư Chất là ở nơi quẻ thì Ly Trung Hư, ở nơi người là Nhân Tâm tàng ẩn Linh Tri. Phụ Âm khước bão Dương Tinh là ở nơi quẻ thì là Khảm Trung Mãn, ở nơi người thì là Đạo Tâm đầy đủ Chân Tri.

Chân Tri Linh Tri, hai thứ Dược Vật đó, hòa hợp sẽ thành Đơn. Phách là Âm Trung Chi Dương, là Chân Tri chi Thần. Hồn là Dương Trung chi Âm. Là Linh Tri chi Thần.

Phách Tiêm là Dương Thiếu (Dương ít). Hồn thắng là Âm đa. Dương thiếu, Âm đa, là thiên lệch không đều nên Kim Đơn không thành. Tuy Chân Tri, Linh Tri tương hợp, nhưng Hồn Phách cũng đã qui về Trung Chính, hóa thành Chân Tính, Chân Tình. Âm Dương hỗn hợp, Thiên Lý chiêu chương (sáng tỏ), Nhân Dục tiêu diệt, Lương Tri, Lương Năng, tròn vành vạnh, sánh rờ rỡ, sạch lâng lâng, đỏ hây hây, thành một viên Kim Đơn, treo lơ lửng trong thái không, soi khắp Tam Thiên, Đại Thiên Thế Giới, tung hoành, thuận nghịch, không gì ngăn che.

Đơn này ai đã nuốt vào, lập tức thành tiên, như rắn nuốt được sẽ hóa thành rồng, như gà mà nuốt được, sẽ biến thành chim loan, chim bằng, sẽ lập tức bay về cảnh Chân Dương. Nhưng nói Rắn ăn, gà nuốt là nói theo ẩn dụ Đơn Pháp. Xà thuộc Hỏa, ở phía Nam là quẻ Ly, Long thuộc Mộc, ở phía Đông là quẻ Chấn, Kê tại Dậu, thuộc Kim, là Đoài, Loan Bằng gần nước. ở phía Bắc là Khảm. Xà thôn thành Long, là Hỏa Trung xuất Mộc. Ly san thành Loan Bằng là Thủy trung hữu Kim.

Hỏa trung Xuất Mộc, Thủy lý sinh Kim. Kim Mộc hợp nhất, Thủy Hỏa tương tế, nhất khí hỗn nhiên, hữu vô bất lập, vật ngã qui không, hình thần câu diệu, nhập ư thánh, không biết không hay nên gọi là Thần vậy.

Thoát ly thế giới phàm tục, nhập vào Thanh Dương chi cảnh, thế đâu phải là lời nói bậy?

 

Bài 8

Thiên Địa[35] tài giao Bĩ Thái,

Chiêu Hôn hảo thức Truân Mông.

Phúc[36] lai, Thấu[37] Cốc,[38] Thủy triều tông,

Diệu tại Sưu Thiêm Vận Dụng.

*

Đắc Nhất vạn ban giai tất,

Thể phân Nam Bắc Tây Đông.

西

Tổn chi hựu Tổn thận tiền công,

Mệnh bảo bất nghi khinh lộng.

Tạm dịch:

Hiểu lẽ Bĩ Thái, Truân Mông Trời Đất,

Hiểu rằng tai hoa qui về trục Xe

Và muôn nước đều thông ra biển

Thì sẽ biết được cái Vi Diệu của Sưu Thiêm.

*

Hiểu được Một là xong tất cả,

Hết phân Nam Bắc Tây Đông.

Khách khí cố lo trừ cho hết

Đừng đem Mệnh Bảo để rỡn chơi.

Đạo Kim Đơn là Đạo Tạo Hóa. Đạo Tạo Hóa là Đạo Nhất Âm, Nhất Dương. Trong một năm, tháng Dần thì Thiên Khí thượng thăng, Địa khí hạ giáng, gọi là Thái; nơi tháng Thân, thì Địa Khí thượng Thăng, Thiên Khí hạ giáng là Bĩ.

Trong một ngày, giờ Tí là đầu buổi sáng, trong giờ Tí thì Dương Khí nội động, Âm Khí xuất ngoại là Truân. Giờ Ngọ là đầu buổi chiều, trong giờ Ngọ thì Dương Khí ngoại chỉ, Âm khí nội sinh là Mông.

Bĩ Thái là Xuân Thu Âm Dương thăng giáng trong một Năm. Truân Mông là Chiêu Hôn, Âm Dương vãng lai.

Xem Trời Đất mới biết lẽ thông tắc Bĩ Thái, mới biết lẽ Tiêu Tức của (Đày Vơi) Chiêu Truân, Mộ Mông Sáng Truân, Chiều Mông) trong một ngày.

Vả Âm Dương Tiêu tức trong một ngày thì cũng như Âm Dương Tiêu Tức trong một năm. Nhưng Âm Dương trong một năm, thì cũng như Âm Dương trong một ngày. Đôi bên đều là Một Khí.

Người tu Đạo biết vận dụng lai vãng, biết bắt chước thời tiết Bĩ Thái, biết theo lẽ Chiêu Hôn Truân Mông, gặp thời Dương thì tiến Dương Hỏa. Gặp thời Âm thì vận Âm Phù. Dương Cương Âm Nhu không sai thời tiết, cứ theo đúng nghĩa lý mà sinh hóa. Toản Thốc Ngũ Hành, hòa hợp Tứ Tượng, Như 30 tai hoa quay về trục xe và làm xe chạy, như trăm nghìn nhánh sông đều đổ xuống biển, một khí Hồn Nhiên. Cái vi diệu của Kim Đơn ngưng kết chính là nhờ biết Sưu Thiêm vận dụng vậy.

Sưu là vứt bỏ hết cái Giả Âm giả Dương. Thiêm là Thêm được cái gì là Chân Âm, Chân Dương. Giả Âm Khứ thì Chân Âm Hiện, Giả Dương Tiêu thì Chân Dương Sinh. Chân Âm Chân Dương qui ư Trung Chính. Hai bên hợp nhất, Chân Tri, Linh Tri, Tính Tình tương đầu, thấy lại được Lương Tri, Lương Năng, Bản Lai Diện Mục của Mình. Công trình Sưu Thiêm thật là tuyệt vời vậy.

Đại để tu Đơn là biết Chân Âm, Chân Dương, và Tiên Thiên Chân Nhất chi khí. Khí đó có từ khi Hồng Mông vừa chia. Âm Dương vừa phân. Khi chưa phát thì là Chân Không, khi đã Phát ra thì là Diệu Hữu. Thủ Tượng thì là Thủy Trung Kim, thủ Thể thì là Bỉnh Di chi Thiên Lương, thủ Dụng thì là Tinh Nhất chi Đạo Tâm.

Đơn Đạo chỉ thủ Đạo Tâm nhất vị Đại Dược, Cái Đạo Tâm ấy tuy là Nhất vị, nhưng thống suất Khí Ngũ Hành. Vì Đạo Tâm chính là Chân Nhất chi Thủy hóa ra.

Nhất là số đầu các con số, trong Nhất đã có Ngũ. Ngũ quay về Một. Khi mọi sự đã qui về Một, thì không còn thể gọi là Đạo Tâm nữa, mà chỉ là Hồn Nhiên Thiên Lý mà thôi.

Cho nên Nho Gia gọi Hồn Nhiên Thiên Lý là Thái Cực, Đạo Gia gọi Hồn Nhiên Thiên Lý là Kim Đơn, Thích thị gọi Hồn Nhiên Thiên Lý là Viên Giác.

Sách xưa nói: Đắc kỳ Nhất, vạn sự tất. Tức là ý này.

Được Nhất rồi, thì là Mệnh bảo. Nhất đã tới tay, thì không còn phân Đông Tây Nam Bắc.

Phải dùng phép Toản Thốc (Hợp Nhất), và chỉ dùng Đạo Tâm đề phòng Nhân Tâm. Tổn Nhi Hựu Tổn, là bao nhiêu Khách Khí của Nhân Tâm, đều trừ khử hết, chỉ còn thuần có Nhu Thuận chi Linh Tri, thế là Nhân Tâm cũng biến thành Đạo Tâm rồi vậy. Vả trong Nhân Tâm có Thức Thần cư ngụ. Thức Thần có Lịch Kiếp Căn Trần và hiện thế tích tụ chi Khí, và nhất thân Khí Chất chi tà. Nếu tất cả những họa căn đó, mà không tẩy sạch hết, nếu còn chút chi vương vấn, nhất thời lại phát hiện ra, thì cái Mệnh bảo hữu lậu trước kia có được bao nhiêu công phu thì cũng bị phế bỏ hết. Vì thế cho nên nói:Thận Tiền Công, và Mệnh Bảo bất nghi khinh lộng.

Cổ Tiên xưa nói: Nhất hào Dương Khí bất tận bất tử, Nhất hào Âm Khí bất tận bất tiên.

Cho nên khi Đơn đã thành rồi, thì phải lo vứt bỏ Cái Chủng Tử Luân Hồi từ muôn kiếp đó đi ngay, thì cái Mệnh Bảo mới chính thực là của ta, và không hề hư hoại được.

 

Bài 9

Đông Chí nhất Dương lai phục,

Tam Tuần tăng nhất Dương hào.

Nguyệt Trung Phục Quái Sóc Thần triều,

Vọng bãi Kiền chung Cấu triệu.

*

Nhật hựu biệt vi Hàn Thử,

Dương sinh Phục khởi trung tiêu.

Ngọ thời Cấu tượng nhất Âm triêu,

Luyện dược tu tri hôn hiểu.

Tạm dịch:

Đông Chí Nhất Dương lai phục,

Mỗi tháng tăng một Dương Hào.

Mỗi tháng quẻ Phục sinh sáng ngày 30

Ngày 15 hết Kiền rồi sang Cấu,

*

Mỗi ngày phải phân Nóng Lạnh

Phục Dương sinh lúc nửa đêm

Quẻ Cấu sinh ra khi giờ Ngọ

Luyện thuốc phải tường Sáng Tối.

Bài từ trên bàn về Sưu Thiêm công phu, cốt dạy dân bắt chước Trời mà hành sự. Sáng tối trong Trời Đất là tạo hóa. Sớm Tối trong một năm. Tháng 11 là Đông Chí Nhất Dương sinh: cứ mỗi ba mươi ngày là tăng 1 Dương Hào. Như tháng 11 Tí, thì Một Dương sinh là Phục. Tháng 12 Sửu, nhị Dương sinh là Lâm, thánh Giêng Dần tam Dương sinh là Thái, tháng 2 Mão, tứ Dương sinh là Đại Tráng, tháng 3 Thìn, ngũ Dương sinh là Quải, tháng Tị, lục Dương sinh là Kiền. Đó là 6 quẻ Dương quải.

Đến tháng 5 là Ngọ, nhất Âm sinh là Cấu, mỗi tháng (3 tuần) 30 ngày tăng 1 Âm hào.

Tháng 6 là Mùi tăng 2 Âm là Độn, tháng 7 Thân tăng 3 Âm là Bĩ.

Tháng 7 Dậu tăng 4 Âm là Quan, tháng Chín là Tuất 5 Âm sinh là Bác.

Tháng 10 là Hợi 6 Âm sinh là Khôn. Đó là 6 quẻ Âm Quải.

6 tháng Dương là Buổi Sáng. 6 tháng Âm là Buổi Chiều. Thế là Sáng Tối trong một năm vậy.

Trong mỗi một tháng, giữa ngày 30 và mồng Một, là Mặt Trăng Mặt Trời giao hội, là lúc mặt trăng mượn ánh sáng của mặt Trời.

Mồng ba là bắt đầu có Ánh Sáng, và Thủy Triều ứng theo mà có, thành quẻ Phục. Mỗi hai ngày rưỡi, tăng một Dương Hào. Tới ngày 15 là ngày Nhật Nguyệt Tương Vọng. Ánh sáng đầy đủ nên gọi là Kiền.

Từ mồng Một đến 15, là sáu quẻ Dương (Phục, Lâm, Thái, Đại Tráng,Quải, Kiền). Hết Rằm là Kiền hết (Vọng bãi, Kiền chung).

Từ 16 đến 18, Một Âm Sinh, Dương Quang đã giảm, quẻ Cấu bắt đầu. Mỗi 2 ngày rưỡi, tăng một Âm hào, đến ngày 30 (Hối), thì Dương Quang tận tiêu. Chỉ còn một vầng đen là quẻ Khôn. Từ 16 đến 30 là 3 quẻ Âm (Cấu, Độn, Bỉ, Quan, Bác, Khôn). Hai ngày rưỡi là một Hầu. 12 Hầu gồm đủ Thề quẻ Âm Dương, thế là Sáng Chiều của một tháng.

Trong một ngày lại có Nóng Lạnh. Cứ mỗi đêm vào giờ Tí, thì Nhất Dương sinh là quẻ Phục, Mỗi thời tăng một Dương hào. Đến giờ Tị thì Lục Dương Sinh là Kiền. Đến Ngọ thì Nhất Âm sinh là Cấu. Mỗi thời tăng một Âm Hào, đến giờ Hợi thì Sáu Âm sinh là Khôn. 12 giờ hành 12 quẻ Lục Dương Lục Âm. Thế là Sáng Chiều của một ngày.

Thánh Nhân xưa đem một năm Âm Dương, sáng chiều vào trong một tháng; đem một tháng Âm Dương sáng chiều vào trong một ngày; đem Âm Dương sáng chiều của một ngày vào trong một giờ. Một giờ có tám khắc. Một khắc có 15 phân. Tám Khắc là 120 phân.

4 khắc trên có 60 phân là Lục Dương.

4 khắc dưới có 60 phân là Lục Âm.

Lại đem Âm Dương Hôn Hiểu của mỗi giờ đem vào trong một khắc.

Mỗi khắc là 15 phân. Bảy phân rưỡi trên là Dương, Bảy phân rưỡi dưới là Âm.

Trong một phiến khắc thái thủ Đại Dược, đem về Tạo Hóa Đỉnh Lô, vận Dương Hỏa Âm Phù đoàn luyện thành Đơn. Cho nên nói: Bất khắc thời trung phân Tí Ngọ, Vô Hào Quải nội biệt Kiền Khôn.

Chỉ cần biết thế nào là Sáng Tối của Âm Sinh Dương Sinh. Hiểu Sáng Tối, thì một ngày, một tháng, một năm của Tạo Hóa sẽ nằm trong một giờ, một khắc.

Những kẻ ngu si trong đời hoặc lo tọa công vào Tí Ngọ, hoặc lo hành Khí vào hai ngày Sóc Vọng, hoặc lo tu dưỡng vào các ngày Đông Chí Hạ Chí, họ có hiểu thế nào là Sáng Chiều đâu?

 

Bài 10

Bất biện Ngũ Hành, Tứ Tượng,

Na phân Chu Hống Diên Ngân.

Tu Đơn hỏa hậu vị tằng văn,

Tảo tiện xưng hô cư ẩn.

便

*

Bất khẳng tự tư kỷ thác,

Cánh tương thác lộ giáo nhân.

Ngộ tha vĩnh kiếp tại mê tân,

Tự nhẫm khi tâm an nhẫn.

Tạm dịch:

Không phân Ngũ Hành Tứ Tượng,

Thì sao hiểu Chu Hống, với Duyên Ngân,

Chưa biết gì về Hỏa Hậu,

Mà dám xưng Mình là Cư Ẩn.

*

Không biết mình đã sai,

Còn đem cái sai đó dạy cho người

Dẫn người đi vào Bến Mê,

Mà không biết là đã lừa người,

Sao nhẫn Tâm thế được?

Bài Từ trên dạy muốn luyện dược, phải biết thế nào là Âm Dương, Hôn Hiểu, bài từ này dạy thêm rằng: người không biết Âm Dương Hôn Hiểu mà sao dạy đời được Đạo Thần Tiên. Phải biết Thành Kỷ rồi mới Thành Vật sau, tu Đạo trước rồi mới tu Đức sau.

Những kẻ u mê trong trần thế, không biết thực tế của Tứ Tượng Ngũ Hành, không biết Ngụ Ngôn về Chu Sa, Duyên Ngân, chưa hiểu Dược Vật, chưa rõ Hỏa Hầu, chỉ học được Bàng Môn Tiểu Pháp, mà đã tự phụ cho rằng Mình đã nắm được Đạo, xưng mình là Cư Ẩn. Không nhận là mình đã sai lầm, mà còn đem cái sai lầm đó dạy đời, thì có khác nào một người mù hướng dẫn một bọn mù, dẫn nhầm người vào bến Mê Tân, muôn đời không sao thoát khỏi được. Y như một người đem cái Khi Tâm, Nhẫn Tâm của Mình, nhập và Vô Gián Địa Ngục, không có ngày ra ra khỏi, như vậy mà cầu Thành Đạo làm sao?

 

Bài 11

Đức hạnh tu du bát bách,

Âm công tích mãn tam thiên.

          滿

Quân tề vật ngã, dữ thân oan,

         

Thủy hợp thần tiên bản nguyện.

         

*

Hổ hủy đao binh bất thương,

Vô thường hỏa trạch nan khiên.

Bảo phù giáng hậu khứ triêu thiên,

Ổn giá loan xa phượng liễn.

Tạm dịch:

Đức hạnh phải dư bát bách,

Âm công phài quá tam thiên

Người, ta là một, không có bạn thù,

Như vậy mới dược như nguyền

*

Tê hổ, đao thương không phạm,

Hóa trạch vô thường không thể đốt tan.

Bửu phù ban xuống gọi triêu thiên

Ta sẽ về bằng loan xa, phượng liễn.

Bài từ trên nói về bàng môn, tả đạo vì không hiểu Đạo nên làm tổn thương Đức, không thể tu đức. Bài từ này nói sau khi tu Đạo phải tu đức. Tu Đạo là tu cho mình, tu đức là tu cho người. Tu đạo thì có cùng, tu đức thì vô cùng. Cho nên thần tiên, sau khi thành đạo, thì ba nghìn công đức đày đủ, và 800 hạnh toàn, Mình Người đều quên, không phân thân thù, lượng cả như Trời Đất, bao la vạn vật, gồm thâu Đạo Đức, như vậy mới được như nguyện.

Khi đạt tới được địa vị này, thì trong ngoài đều không, không còn phân Hữu, Vô, hình thần câu diệu. Hổ, Tê không hại được, đao binh không hề hấn được, lò lửa vô thường không thiêu đốt được. Một khi Trời giáng bảo phù gọi về, sẽ cưỡi xe loan phượng về Trời. Đại trượng phu công thành danh mãn, há không sảng khoái sao?
 

Bài 12

Ngưu Nữ tình Duyên Đạo hợp,

Qui Xà dĩ bỉnh thiên nhiên.

Thiềm Ô ngộ Sóc hợp Thiền Quyên,

Nhị Khí tương tư vận chuyển.

Bản thị Kiền Khôn diệu dụng,

Thùy năng vi thử chân thuyên.

Âm Dương bĩ cách khước thành khiên,

Trẩm đắc thiên trường địa viễn.

Tạm dịch:

Chức Nữ, Ngưu Lang Duyên hội hợp.

Qui Xà tương hợp cũng tự nhiên

Kim Ô Ngọc Thỏ gặp nhau ngày Sóc

Đều là Âm Dương tương luyến

Đó là Diệu Dụng của Kiền Khôn

Ai mà biết nổi Chân Lý đó?

Âm Dương gàng quải se vô Duyên

Nói chi chuyện Thiên Trường Địa Cửu?

11 bài từ trên đây, đều nói về Đạo luyện Kim Đơn, đều là phối hợp Chân Âm, Chân Dương đồng loại chi dược, có vậy mới thành Đơn, nếu có ai nghi thế là Cưỡng Tác mà thành, thực ra không phải Cưỡng Tác, nhưng mà là vận dụng tự nhiên. Cho nên bài từ này tổng kết ý kinh văn trên, để học giả cùng cứu được Thật lý. Ví như hai sao Ngưu, Nữ gặp nhau mồng Bảy tháng Bảy, như Qui Xà giao hợp nhau theo giống loài, Mặt Trăng Mặt Trời giao nhau ngày Hối Sóc (30, Mồng 1), đều là Âm Dương nhị khí, một Cảm, một Ứng, tự nhiên giao hợp, thế là đúng cái diệu dụng của Đất Trời. Đó là Đạo Một Âm, Một Dương, Âm Dương tương tư, nhất khí lưu hành. Âm rồi Dương, Dương rồi Âm, Âm Dương vãng lai, nên bốn mùa xoay vần và Vạn Vật sinh. Cái Sinh Cơ đó không hề ngừng, cho nên xưa nay mới tồn tại được.

Người tu đạo nếu không biết lý lẽ này, mà bỏ đi lẽ Âm Dương tạo hóa, lại chước không chấp tướng, cưỡng tác, cưỡng vi, làm cho Âm Dương chia phôi, thì chẳng những không giúp gì được cho Tính Mệnh, mà còn làm hại Tính Mệnh, mang lỗi không thể tha. Như vậy mà còn muốn được thiên trường địa cửu cùng trời đất, thành tiên nhân bất tử thì làm sao được? Phi lý thay!

Vả Thiên trường, Địa cửu chi đạo, là đạo Chân Âm Chân Dương phối hợp. Chân Âm, chân Dương trong đó có sinh cơ, thánh thai tự nhiên ngưng kết. Từ Vô tới Hữu, từ Hữu tới Vô, thoát Ảo thân, mà xuất hiện Chân Thân, có thể cùng Thiên Địa đồng Trường cửu. Muốn đực Trường Cửu như Trời Đất mà bỏ Chân Âm, Chân Dương thì không còn phương pháp n ào khác.

Thêm một bài từ Tây Giang Nguyệt nữa để tượng trưng tháng Nhuận.

Bài từ này cùng với 5 bài Ngũ Ngôn Tứ tuyệt nữa, cứ theo như Tựa Trước của Tiên Ông, thì không có ghi trong Chính Tập, mà thuộc vào Ngoại Tập. Xem xét ý bài từ thì là bàn về Tu Mệnh trước, tu Tính sau. Tiết Đạo Trần có viết ba bài Chú. Nhân vì Bàn về Tu Mệnh, nên đề vào Chính Tập. Nay tôi cũng theo như vậy.

 

Đơn thị sắc thân chí bảo,

Luyện thành biến hóa vô cùng.

Cánh năng Tính thượng cứu Chân Tông,

Quyết liễu vô sinh diệu dụng.

*

Bất đãi tha thân hậu thế,

Nhỡn tiền hoạch Phật thần thông.

Tự tòng Long Nữ trước tư công,

Nhĩ hậu thùy năng kế chủng.

Tạm dịch:

Đơn là vật Chí Bảo của Sắc Thân

Luyện thành biến hóa vô cùng

Tìm hiểu Chân Tông của Tính

Thì nó là Diệu Hữu của Vô Sinh

*

Không cần đợi tới lai sinh,

Cũng đã có thần Thông của Phật.

Nương theo Công Đức của Long Nữ,

Thì còn ai theo nổi gót Ông?

Duyên Đốc Tử nói: Nhất Điểm Dương Tinh, Bí tại Hình Sơn. Không ở Tâm Thận mà ở nơi Huyền Quan Nhất Khiếu. Nhất Điểm Dương Tinh, chánh là Đơn vậy. Bí tại Hình Sơn (Giấu tại trong đầu), là vật chí quý của Sắc Thân vậy. Đơn không là chi khác chính là Tiên Thiên Nhất Điểm chí Dương chi Tinh, còn gọi là Tiên Thiên Chân Nhất chi Khí, hay Hạo Nhiên Chính Khí. Khi ẩn thì là Chân Không, khi phát huy ra thì là Diệu Hữu. Bản thể nó là Thiên Lương, Công Dụng nó là Đạo Tâm. Đó là cái gì Chí Bảo trong Sắc Thân con người. Nó không phải là vật sở hữu của Tâm Thận, mà tàng ẩn trong Huyền Quan Khiếu. Khiếu này không chốn không nơi, không hình không tượng. Cho nên Đơn này cũng không chốn không nơi, không hình không tượng. Tùy ý động tĩnh, Sắc Không không cầm giữ được. Hoạt hoạt, bát bát, như vận hỏa hầu thành vật kiên thật, thường ứng, thường tĩnh, thường tĩnh thường ứng, biến hóa vô cùng, thần diệu bất trắc. Dù Thiên Địa Thần minh cũng không có được nó. Thế mà nó ở ngay trong Sắc Thân con người, lại có thể điểm hóa được Sắc Thân, cho nên gọi là Pháp Thân. Cho nên cổ tiên xưa có nói: Tạo Hóa của Mệnh có dính líu đến Thân con người. Dính líu đến thân con người là dính líu tới Pháp Thân. Pháp thân thành tựu, Thánh Thai hoàn toàn, Mệnh cơ vững chãi, hết còn Hữu Vi, Vô Vi bừng sáng. Có thể Tu Tính vậy. Chân Tông của Tính là cái diệu dụng của Vô Sinh.

Tu Mệnh cốt là được trường sinh. Tu Tính là để Vô Sinh. Vô Sinh thời Vô Tử. Vô Sinh, Vô Tử, đồng thể với Thái Hư, sẽ được Hình Thần Câu Diệu, thoát khỏi Luân Hồi, siêu xuất ngoài vòng Trời Đất, không đợi tới lai sinh, ngay bây giờ có được Thần Thông của Phật. Vì Đạo Vô Sinh là Đốn Ngộ Viên Thông, vạn hữu giai không, lên ngay Bờ Bên Kia.

Xưa trong Hội Linh Sơn, đức Phật thuyết pháp, có nàng Long Nữ vừa 7 tuổi, từ đất vọt lên, hiến cho đức Phật một bảo châu và lập tức thành Phật. Tiên Ông đưa ra công án Long Nữ hiến châu, để chứng minh tu trì Tính Chân Không.

Tu trì Tính Chân Không tức là Long Nữ hiến bảo châu, là Hiểu được Chân Không, bất sinh bất diệt, tức là được thần thông của Phật.

Nhưng nếu không tu Mệnh Lý, thì Tính Lý khó mà thực hiện. Chung qui là nếu đốn ngộ viên thông, biết dưỡng Chân Tính, mà vẫn còn ra vào trong Hậu Thiên, mà chưa được Đại Hỏa Đoàn Luyện, nếu còn một chút Thẩm Lậu nào, thì vẫn còn trong nạn Phao Thân nhập thân. Cho nên phải tu Mệnh trước và Tu Tính sau.

Phải đoàn luyện trong lò lửa lớn, là tẩy sạch bợn nhơ vật chất, từ đó hành Vô Vi chi Đạo đề Tu Tính, dần dà sẽ Đốn Ngộ và sẽ đi thẳng lên đến chỗ Thượng Thừa Diệu Giác, thì làm sao còn Phao Thân Nhập Thân được nữa. Cho nên nói: Bất đãi tha thân hậu thế, nhãn tiền hoạch Phật thần thông. Mới hay Kim Đơn Đại Đạo, chưa Tu Tính nhưng tu mệnh trước.

 

Năm bài thơ Thất Ngôn Tuyệt Cú để tượng Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Bài 1

Nhiêu quân liễu ngộ Chân Như Tính,

Vị miễn phao thân khước nhập thân.

Hà tự cánh kiêm tu Đại Dược,

Đốn siêu vô lậu tác Chân Nhân.

Tạm dịch:

Dù Anh đã ngộ Chân Như Tính,

Cũng chưa thoát được phao thân với Nhập thân.

Sao không Kiêm Tu đại dược,

Siêu trên vô lậu, thành Chân Nhân?

Tính của Chân Như, là Thiên Chân tự như, không hề có miễn cưỡng, là Tính phi sắc, phi không, nên gọi là không hay, không biết, thuận theo phép tắc Trời. Muốn tu theo Tính này, phải liễu ngộ Tính đó. Khi đã ngộ Tính đó rồi, phải đem Tính đó luyện thành một vật Kim Cương bất hoại, thì mới là hay. Nếu đã ngộ rồi mà không biết luyện, Mệnh do ta mà do Trời, khi đại hạn đến, mà không có gì để nắm giữ, thì phao thân, nhập thân, làm sao mà tránh được.

Sau khi đã đốn ngộ, vẫn không phế bỏ tiệm tu, dùng Dương Hỏa Âm Phù phanh luyện đại dược, điểm hóa quần Âm, thoát vòng vật chất. Chân Thân xuất hiện, như vậy vào nước không chết đuối, vào lửa không cháy, tê hổ không gây thương tích, đao binh không xâm phạm, thế là thành Vô Lậu Chân Nhân rồi vậy. Sau khi Lục Tổ được Ngũ Tổ truyền thụ, ẩn giữa bọn thợ săn, hòa mình với họ mà thành chính quả. Tử Hiền được đốn ngộ viên thông, biết mình không phải tự mình hướng thượng, mà phải nhờ Hạnh Lâm truyền thụ, nên mới được đại thành. Đó đều là cách tu Đại Dược vậy. Nếu quả thực đã liễu ngộ Chân Như thì đã thành Đạo.

Khi Lục Tổ đã nhận thấy: Bản lai vô nhất vật, thì Ngũ Tổ đã để một nửa đêm để dạy ngài cái gì. Tử hiền đã đốn ngộ viên thông, thì tại sao còn cầu Hạnh Nhân điều gì? Mới hay Đốn Ngộ Tiệm Tu, hai điều không thể thiếu một. Hoặc đốn ngộ trước rồi tiệm tu sau. Hoặc tiệm tu trước rồi đốn ngộ sau, Tính Mệnh phải song tu, công phu phải có 2 giai đoạn. Bài Từ này dạy đi từ Tính đến Mệnh, từ Đốn đến Tiệm vậy.

 

Bài 2

Đầu thai đoạt xá cập di cư,

Cựu trú danh vi tứ quả đồ,

Nhược hội hàng long tịnh phục hổ,

Chân kim khởi ốc kỷ thời khô?

Tạm dịch:

Những chuyện Đoạt Xá với Di Cư,

Đầu Thai, Cựu Chú, Tứ Quả Đồ.

Sao bằng Hàng Long cùng Phục Hổ,

Nhà bỗng sinh vàng chẳng hề khô.

Đầu thai, là xem biết ai thuộc gia đình giàu có, thì sẽ nhập vào người đàn bà khi họ sinh nở.

Đoạt xá là khi người đàn bà sinh nở thì đã có một âm hồn chờ đầu thai, nay không đợi nó nhập vào, mà mình nhập vào trước, chiếm chỗ của người vậy.

Di cư là thân thể suy bại nay chọn một thân thể cường tráng mà nhập vào.

Cựu trú là có người khỏe mạnh vừa bạo bệnh chết, nên mượn xác mà nhập, thế là mượn nơi cư trú đã sẵn có.

Đầu thai, Đoạt xá là 2 chuyện đại đồng tiểu dị. Di cư, cựu trú cũng thế.

Bốn chuyện này đều là chuyện Âm Thần xuất nhập. Nhà Phật gọi đó là Tứ Quả Đồ, hay là Ngoại Đạo, do hàng Nhị Thừa mà ra, chứ không phải là Phật Pháp thượng thừa Ngộ Chân Như. Khác với thường nhân là ở chỗ đến đi phân minh.

Còn chuyện Kim Đơn Đại Đạo hàng Đông Gia Chân Tính chi Long, phục Tây gia Chân Tình chi Hổ, dĩ Tình qui Tính, dĩ Tính dưỡng Tình, Tính Tình tương hòa, Long Hổ tương hội, sinh ra Pháp Thân một trượng sáu, y như có hoàng kim trong nhà, cùng với Trời Đất trường cửu, đó là vật không khô héo, cần gì phải rời cái này chuyển cái kia.

 

Bài 3

Giám hình bế tức tư thần pháp,

Sơ học gian nan hậu thản đồ.

Điều hốt tổng năng du Vạn Quốc,

Nại hà ốc cựu khước di cư?

Tạm dịch:

Treo gương nhịn thở tư Thần Pháp,

Mới học gian nan, sau dễ dàng

Âm Thần xuất nhập chơi muôn nước,

Cần chi mượn xác với di cư?

Giám Hình là treo gương trên tường, giữ thần bên trong, lâu ngày Âm Thần sẽ xuất ngoại.

Bế Tức là không thở ra mới đầu vài lần, sau thì 10 lần, 100 lần. Dần dần tới mãi mãi không thở ra, Khí hành bên trong.

Tư Thần là Mặc Triều Thượng Đế, hay cưỡi mây hiển thánh. hay Tư Thần từ Thóp mà ra, hoặc tự Minh Đường (giữa 2 làn mi) mà ra. Những chuyện như vậy có rất nhiều. Mới học thì khó, sau đường đi sẽ bằng phẳng. Sau nhiều năm tháng có thể xuất Âm Thần đi chơi. Đó mới là cô âm mà thôi. Khi Khí Huyết đã suy bại, bỏ xác này nhập xác kia, thì nào có ích gì cho Tính Mệnh?

 

Bài 4

Thích thị giáo nhân tu Cực Lạc,

Chỉ Duyên Cực Lạc thị Kim Phương.

Đại đô sắc tướng duy tư bảo,

Dư nhị phi chân mạn độ lường.

Tạm dịch:

Phật dạy con người tu Cực Lạc

Cực Lạc chính là luyện Kim Đơn

Thân ta duy nó là quí nhất,

Ngoài đó không chi để luận bàn.

Cực Lạc ở phương Tây. Tây cũng là Kim Phương. Ở nơi con người là Cương Kiện Chân Tri chi tình. Tình này kiên trinh, tinh túy, không chi dời đổi được. Như vàng ròng kiên cố, không bao giờ bị hủy hoại.

Tu Cực Lạc tức là Tu Cái Chân Tri chi Chân Kim vậy. Chân Kim mà đoàn luyện xong, có cương có nhu, bao nhiêu cặn bã sẽ tiêu sạch. Nó vốn quang minh, và là vật chí bảo. Xưa Phật Nhiên Đăng tu theo nó, nên đã thành đựơc Linh Lung Bảo Tháp. Phật Thích Ca tu theo nó, nên đã thành Trựơng Lục Kim Thân.

Đại khái rằng trong Sắc Thân con người, đều tu theo Cương Kiện Chân Như chi tình và coi nó là vật Chí Bảo. Ngoài nó ra, thì không còn gì là đúng là hay nữa, mà là cái gì sai sót.

 

Bài 5

Tục ngữ thường ngôn hợp thánh đạo,

Nghi hướng kỳ trung tế tầm thảo.

Nhược tương nhật dụng điên đảo cầu.

Đại địa trần sa tận thành bảo.

Tạm dịch:

Tục ngữ xưa nay hợp thánh đạo,

Cứ trong tục ngữ mà suy khảo,

Trong điều nhật dụng biết suy cầu

Suy cho lộn lạo tường tận hết,

Sẽ thấy trần gian toàn bảo châu.

Đạo chẳng xa người. Người ta lập Đạo lại muốn xa người. Đạo Tính Mệnh là Đạo Chân Thường. Đạo Chân Thường là thứ đạo ta dùng hằng ngày. Tuy mọi người dùng nó mà không hay biết.

Muốn tu Tính Mệnh, thì phải biết suy cho kỳ cùng lý Đạo Chân Thường. Nếu quả thật Tế Tâm Cùng Lý, thì chẳng cần đọc thiên kinh, vạn quyển, cứ xem trong thường ngôn, tục ngữ, cũng hiểu được Thiên cơ.

 Gọi người tốt là Lão Thật Nhân, là Chính Kinh Nhân, có lương tâm, có Thiên Lý, có thể diện, biết dừng lại, khi đủ dùng, biết tiến thoái, biết trông trước sau, tứ thông bát đạt, chân đi đúng đường.

Gọi Ngạt nhân là Bất thị Nhân, kẻ không có lương tâm, không có thiên lý, chỉ biết tổn người, ích mình, man tâm muội kỷ, thương thiên, hại lý, lấy khổ làm sướng, coi giả làm chân, mất ba, bỏ bốn, theo Đông bỏ Tây, không biết sống chết, không biết hay dở, chỉ biết một mà chẳng biết hai, chỉ biết có mình mà không biết có người.

Những lời nói đó, phát ra tự vô ý, mà suy ra thì rất có ý vị. Biết đâu chẳng nêu ra được từ trong những tục ngôn cổ ngữ đó một hai điều đáng nghiên cứu, thế là trong thực dụng thường hành xứ, biết đi ngược đường mà tìm cầu, thì tất cả thế gian này đều là châu bảo, đâu đâu cũng là Đạo, dù trái dù phải cũng không sai trái.

Học giả trong thế gian đều nói Đạo không thể nói được, nếu không có thật lạc công phu, không cùng cứu được Tính Mệnh, lại nếu không biết đê tâm, hạ khí, cầu học với sư hữu để biết thêm điều mới, thì không thể nhận chân được điều hay. Từ không có vật chi, một mình tay trắng đi tìm cái quí. Có thái độ như vậy, dù là kẻ xuất gia, đi khắp chân trời cũng không ích lợi gì.

Bài này ý nói Đạo ở khắp nơi, đâu đâu cũng có (tại tại xứ xứ đô hữu), nên nó cũng biểu hiện trong tục ngữ thường ngày. Vì thế trong bài thơ số bảy, quyển Trung có nói: Thử ban chí bảo gia gia hữu, Tự thị Ngu Nhân thức bất toàn (Xem sách này, tr. 42), nên nếu ta biết Dụng Tâm Thể Hội, biết nghịch cầu kỳ ý, thì ở đâu cũng thu hoạch được ích lợi.

Người tu đạo trọng lẽ Nghịch Hành. Biết rằng trong ta có Đạo, có Trời. Biết rằng cốt lõi, căn nguyên chúng ta vốn là Đạo là Trời, thì chúng ta sẽ thấy chúng ta luôn sống trong Cực Lạc.

Xem bài Bốn bên trên.


CHÚ THÍCH

[1] Chân Nhân = Kim Đơn.

[2] Cái gì thuộc Hậu Thiên không thể dùng.

[3] Cái gì thuộc Tiên Thiên mới đáng dùng.

[4] Nội dược = luyện khí hóa thần chi cơ chất. Gió là Kim Dịch.

[5] Ngoại dược= Luyện tinh hóa khí chi cơ chất.

[6] Ngoại lô = Nê Hoàn.

[7] Chân Chủng = Nội dược.

[8] Chân Tính, Linh Tri, Nhân Tâm.

[9] Chân Tình, Chân Tri, Đạo Tâm.

[10] Nhị Bát = Âm số.

[11] Xá Nữ = Chân Âm.

[12] Tam Cửu = Dương số.

[13] Lang Quân = Chân Dương.

[14] Mộc Dịch = Chân Âm hay Thần Thủy.

[15] Kim Tinh = Chân Dương hay Thần Hỏa.

[16] Tam Tính = Mộc Dịch (Thần Thủy), Kim Tinh (Thần Hỏa), Ý Thổ.

[17] Đinh Công = Trong Thập Can thì Bính Đinh thuộc Hỏa. Bính là Dương Hỏa, Đinh là Âm Hỏa. Chỉ Văn Hỏa, Vũ Hỏa.

[18] Phu Thê = Chân Dương (Chân Diên) + Chân Âm (Chân Hống).

[19] Hà Xa = là Tí Ngọ nơi 2 Mạch Nhâm Đốc.

[20] Côn Lôn = Nê Hoàn.

[21] Thất Phản = Hà Đồ viết: Địa Nhị sinh Hỏa, Thiên Thất Thành Chi. Phản là Mộc Hỏa thượng viêm, lại phản vu thượng.

[22] Chu Sa = Thủy Hỏa hợp Khí = Chân Hống.

[23] Cửu Hoàn = Hà Đồ viết: Địa Tứ sinh Kim, Thiên Cửu Thành Chi. Hoàn = Kim Thủy hạ trầm. lại Hoàn vu hạ.

[24] Kim Dịch = Kim Thủy hợp Khí nên là Chân Diên.

[25] Chư thần = Tam Điền, Ngũ Tạng.

[26] Huyền Tẫn = hay Huyền Quan. Có người cho nó ở giữa 2 làm mi, có người cho nó ở giữa 2 quả thận, có người cho nó là Đan Điền, có người cho nó là Bản Tâm, Bản Thể của Con Người.

[27] Hùng = Ly hỏa.

[28] Thư = Hào Âm trong quẻ Ly = Chu lý Hống.

[29] Trong quẻ Ly, có Chân Âm.

[30] Khước bão có bản viết: Bão phước.

[31] Trong quẻ Khảm có Chân Dương.

[32] Hồn tiêm phách thắng có bản viết: Phách Tiên Hồn thánh.

[33] Diệc nãi có bản viết Diệc khả.

[34] Chân Âm = Khảm thủy.

[35] Thiên Địa = Thuần Dương, Thuần Âm.

[36] Phúc = Tim xe, găm xe.

[37] Thấu = chỗ các tim xe gặp nhau.

[38] Cốc = Chỗ Tim xe gặp nhau trong trục Xe.


» mục lục | quyển I | quyển II | quyển III | quyển IV