PHẦN I - KHẢO LUẬN

» mục lục | chương 1  2  3  4  5  6

CHƯƠNG 1

Những khái niệm cơ bản của đạo Lão

 

1. Đầu tiên có nhất thể: Thuyết thiên địa vạn vật nhất thể 

2. Nhất thể biến vạn thể

3. Các danh hiệu của nhất thể

4. Tâm điểm và vòng tròn (nhất thể và vạn thù)

5. Nhất thể vạn thù ở hai thế đối đỉnh

6. Nhất thể vạn thù với hai chiều thuận nghịch

7. Con đường trở về nhất thể là con đường qui tâm hướng nội

8. Hiểu chữ Nhất là hiểu được tinh hoa đạo giáo của Á đông nói chung và Lão giáo nói riêng

 

Xưa nay rất nhiều người thường cho rằng các đạo giáo và triết thuyết Á Đông hết sức là mơ hồ, huyền ảo. Khảo về các học thuyết Á Đông nhiều người cảm thấy như mình lạc vào một mê đồ trận, hay vào một khu rừng rậm giữa đêm tăm, không còn biết đầu đuôi phương hướng ra sao. Ấy chính là vì họ không có những khái niệm cơ bản chỉ nam. Cho nên muốn khảo sát các đạo giáo Á Đông nói chung, đạo Lão và Huỳnh Đình kinh nói riêng, chúng ta phải nắm vững ít nhiều tư tưởng then chốt của Tam giáo Đông phương.

1. Đầu tiên có nhất thể

Trước hết các đạo giáo Đông phương đều xác tín rằng có một thực thể tuyệt đối, một bản thể duy nhất uyên nguyên, vô hình vô ảnh, nhưng lại linh động biến hóa không cùng. Bản thể ấy đã sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng hữu hình, hữu tướng này. Đó là thuyết thiên địa vạn vật nhất thể 天 地 萬 物 一 體.

2. Nhất thể biến vạn thể

Bản thể duy nhất vô sinh, vô diệt, vô thuỷ, vô chung ấy là căn nguyên sinh xuất ra vũ trụ hữu hình, hữu sinh, hữu diệt, hữu thuỷ, hữu chung này. Nó mang muôn vàn danh hiệu. Dưới đây chỉ đan cử ít nhiều danh hiêu để rọi sáng vào ít nhiều tính cách của bản thể uyên nguyên ấy.

3. Danh hiệu của nhất thể

Bản thể ấy trước hết được gọi là Nhất 一 vì cũng như số một sinh ra mọi con số khác, bản thể duy nhất ấy cũng sinh ra mọi hiện tượng, mọi sinh linh.

Bản thể ấy cũng còn được gọi là Trung 中 vì nó lồng trong mọi hiện tượng, mọi sinh linh, để làm chân tâm, làm khu nữu, làm cốt lõi, nâng đỡ giữ gìn vạn sự, vạn loài.

Trung này vừa vô định tại, vô phương sở, vì bao trùm vũ trụ, vì là bản thể vũ trụ; vừa hữu định tại, hữu phương sở, vì nằm sâu trong lòng muôn loài muôn vật, từ tinh tú, nhật nguyệt đến vi tử, vi trần.

Phật giáo gọi bản thể ấy là:

- Tâm địa 心 地, vì sinh xuất muôn loài.

- Bồ đề 菩 提, vì đó là sở đắc của chư Phật.

- Pháp giới 法 界, vì dung nhiếp vạn tượng.

- Niết bàn 涅 槃, vì tịch nhiên thường lạc.

- Bất lậu 不 漏, vì không tì ố bợn nhơ.

- Chân như 真 如, vì vô vọng bất biến.

- Phật tính 佛 性, vì siêu xuất thị phi.

- Viên giác 圓 覺, vì phá sạch quần mê.

- Như lai 如 來, vì hàm nhiếp vạn linh.

- Mật nghiêm quốc 密 嚴 國, vì siêu việt huyền bí.

- Bản lai diện mục 本 來 面 目, vì là bộ mặt thật của con người từ muôn thủa.[1]

- Kim cương 金 剛, vì là bản thể bất diệt, trường sinh, vĩnh cửu nơi con ngườ i.[2]

Lão giáo gọi bản thể đó là:

- Tạo hóa chi nguyên 造 化 之 元, vì là căn cơ sinh hóa.

- Tiên thiên chủ nhân 先 天 主 人, vì sẽ tạo dựng ra đất trời vạn hữu.

- Vạn tượng chủ tể 萬 象 主 宰, vì sinh xuất mọi hiện tuợng.

- Huyền tẫn chi môn 玄 牝 之 門, vì bao quát âm dương (huyền 玄: dương; tẫn 牝: âm).

- Tổ khiếu 祖 竅, vì là nơi xuất phát muôn loài.

- Cốc thần 谷 神, vì ở sẵn ngay trong đầu não con người.

- Chân nhất xứ 真 一 處, vì bản thể ấy duy nhất.

- Trung hoàng cung 中 黃 宮, Mậu kỷ môn 戊 己 門, Chân thổ 真 土, Huỳnh đình 黃 庭, Qui trung 歸 中, v.v. vì là tâm điểm của vạn hữu.

- Ngưng kết chi sở 凝 結 之 所, vì có đắc nhất thì công cuộc luyện đơn mới thành.

- Qui căn khiếu 歸 根 竅, Phục mệnh quan 復 命 關, vì đó là cùng đích muôn loài.

- Huyền quan khiếu 玄 關 竅, vì là cửa sinh xuất vạn loài. (...)

Thực không sao kể xiết. Quí vị độc giả nào muốn thâu lượm thêm các danh từ về bản thể mà đạo Lão thường dùng, xin đọc Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨 nơi các hình: Phổ chiếu đồ 普 照 圖 (quyển Nguyên, tr. 7b), Tâm trung đồ 心 中 圖 (quyển Nguyên, tr. 10b), Thái dược qui hồ đồ 採 藥 歸 壺 圖 (quyển Lợi, tr.1b), Kiền khôn giao cấu đồ 乾 坤 交 媾 圖 (quyển Lợi, tr. 8a), An thần tổ khiếu 安 神 祖 竅 (quyển Hanh, tr. 9a).

Khổng giáo gọi bản thể đó là: Vô cực 無 極, Thái cực 太 極, Nhất 一, Trung 中; và Dịch kinh 易 經 cũng triển khai mấy quan niệm đó.

Nhất thể ấy, khi thì được đạo Lão coi là vô ngã 無 我, và được hài danh bằng những danh từ như: Đạo 道, Hư vô 虛 無, Hư 虛, Vô 無, Vô cực 無 極, Đơn 丹, Tiên thiên nhất khí 先 天 一 氣, Thái hòa nguyên khí 太 和 元 氣, Hạo nhiên chi khí 浩 然 之 氣. Lão Tử và Trang Tử theo chủ trương này. Đó cũng chính là chủ trương của Phật, của các đại hiền triết Hy Lạp cổ thời như Pythagore, Héraclite, Parménide, Platon, Anaximandre, v.v.[3] Đó là quan niệm Nhất nguyên vô ngã 一 元 無 我 theo danh từ triết học ngày nay.

Cũng nhất thể ấy, khi thì được đạo Lão coi như là hữu ngã 有 我, và được gọi là Thái Thượng Lão Quân 太 上 老 君, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn 原 始 天 尊, Ngọc Hoàng Thượng Đế 玉 皇 上 帝. Đó là quan niệm Nhất nguyên hữu ngã 一 元 有 我, tương đương với quan niệm Đại Nhật Như Lai 大 日 如 來 trong Phật giáo, và Thượng Đế 上 帝 trong các đạo giáo.

Đạo Lão có khi còn dung thông hai quan niệm nói trên làm một và gọi bản thể vũ trụ là Tiên Thiên Nhất Khí Thái Thượng Lão Quân 先 天 一 氣 太 上 老 君.[4]

4. Tâm điểm và vòng tròn (nhất thể và vạn thù)

Quan niệm Thiên địa vạn vật nhất thể, nhất thể biến vạn thù, vạn thù qui nhất thể còn được kinh Dịch và các Đạo gia thuở xưa biểu hiệu, tượng trưng bằng Tâm điểm và Vòng tròn.

Tâm điểm tượng trưng cho bản thể, căn nguyên, gốc gác, cùng đích của muôn loài.

Vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho hiện tượng, cho luân lưu biến hoá. Trong Huỳnh Đình nội cảnh do Tử Hà Hàm Hư Tử chú có một câu hết sức ý vị:

«Nhất thần chính vị nhi trung lập,

一 神 正 位 而 中 立

Vạn thần triều củng nhi hoàn trần.»

萬 神 朝 拱 而 環 陳

(Một thần chính vị nơi trung điểm,

Vạn thần chầu chực thành vòng quanh.)

Thể và dụng của Huỳnh Đình nằm trong hai câu đó.[5]

5. Nhất thể vạn thù ở hai thế đối đỉnh

Từ hình vẽ tâm điểm và vòng tròn ta dễ dàng suy diễn được rằng vũ trụ này gồm có hai phần:

- Một thế giới của Bản Thể, của thực thể, lý tưởng, siêu việt, thế giới của chân thiện mỹ, vĩnh cửu trường tồn. Đó là thế giới khinh thanh, bao la, tiềm ẩn và đồng đẳng, vô phân biệt. Đó là Chân như môn 真 如 門 theo danh từ Phật giáo, là Vô vi 無 為, là Diệu 妙 theo danh từ Lão giáo, là Thể 體 theo danh từ Nho giáo.

- Một thế giới của hiện tượng, của giác quan, của thiên nhiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, chất chưởng, hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Ở nơi con người nó bao quát tất cả tâm tư, trí não, giác quan, hình hài, tóm lại là tất cả những gì là vọng tâm 妄 心, vọng ngã 妄 我, là tứ đại giả hợp 四 大 假 合 theo từ ngữ Phật giáo. Đó là Sinh diệt môn 生 滅 門 theo Phật giáo, là Hữu vi 有 為 hay Khiếu 竅 theo Lão giáo, là Dụng 用 theo Nho giáo.

Phàm nhân thì sống phù phiếm, lênh đênh chìm nổi trên cái thế giới hiện tượng ấy, chỉ biết những gì là sắc tướng, chỉ thích những gì là phù hoa, chỉ mê những gì là hào nhoáng bên ngoài, lạc lõng trong muôn vàn sai biệt, bị ngoại cảnh chi phối, thất tình lục dục đẩy đưa, từ ngữ và tư tưởng ám nhãn, manh tâm; thu hẹp con người vô hạn của mình vào trong gông cùm không gian và thời gian, hình hài sắc tướng hữu hạn.

Thánh nhân trái lại, đi xuyên qua được bức màn hiện tượng ấy để vào thế giới chân tâm, vô biên vĩnh cửu, thế giới bản thể vĩnh cửu trường tồn, xuyên qua được tâm thức để vào tới cõi hư vô chân thể, đồng đẳng với Thái hư.

Chính vì thế mà Tham Đồng Khế 參 同 契 có câu: «Chân nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung.» 真 人 潛 深 淵 , 浮 游 守 歸 中.[6] Tạm dịch:

Chân nhân sống rất thâm trầm,

Nhởn nhơ khinh khoát ôm cầm khuông thiêng.

Tính Mệnh Khuê Chỉ có câu: «Ly chủng chủng biên, doãn chấp quyết trung.» 離 種 種 邊 允 執 厥 中.[7] Tạm dịch:

Lìa xa hết mọi vòng ngoài,

Trung tâm giữ vững, chẳng rời tấc gang.

6. Nhất thể vạn thù với hai chiều thuận nghịch

Tâm điểm và vòng tròn còn giúp ta nhìn thấy được hai chiều thuận nghịch biến hoá của trời đất và của con người.

Ở nơi trời đất, thì chiều từ Bản thể ra Hiện tượng là chiều từ tâm ra biên, từ nhất sinh vạn, là chiều thuận, là chiều sinh hoá ra vạn hữu. Đó là chiều đi ra, chiều ly tâm, và đồng thời cũng có thể gọi là chiều đi xuống, chiều thoái hoá, từ khinh thanh xuống dần, ra dần tới trọng trọc, từ phác giản xuống dần, ra dần tới tần phiền.

Ở nơi con người thì chiều thuận chính là chiều ly tâm, là chiều phóng ngoại, hướng ngoại, từ Thần ra tới tâm tư, ý thức, hình hài, ngoại cảnh.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ, chiều thuận nơi con người được phác hoạ như sau: Tính 性 Tâm 心 Ý 意 Tình 情 Vọng 妄 (Mê vọng 迷 妄).[8]

Ở nơi trời đất thì chiều từ hiện tượng biến hoá trở ngược mãi về bản thể, chiều từ biên trở về tâm điểm, từ vạn qui hoàn về nhất, là chiều nghịch, là chiều thăng hoa, sinh thánh sinh thần. Đó là chiều đi vào, chiều hướng tâm, đồng thời cũng được gọi là chiều đi lên, chiều tiến hoá, từ trọng trọc trở lại dần tới khinh thanh, từ tần phiền trở ngược về phác giản.

Ở nơi con người thì chiều nghịch đó chính là chiều hướng tâm, chiều hồi hướng, hướng nội, từ hình hài quay trở về với thiên tính, với thần linh, với Đạo tâm, Chân tâm nội tại.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ, chiều nghịch nơi con người được phác hoạ như sau: Vọng 妄 (Mê vọng 迷 妄) Tình 情 Ý 意 Tâm 心 Tính 性.[9]

Chiều nghịch này mới là quan trọng. Đạo Đức Kinh viết: «Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh, phục mệnh viết thường.» 夫 物 芸 芸, 各 歸 其 根, 歸 根 曰 靜, 靜 曰 復 命, 復 命 曰 常 (chương 16). Tạm dịch:

Muôn loài sinh hoá đa đoan,

Rồi ra cũng phải qui hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nhiên, an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.

Ở nơi vòng Dịch, thì chiều thuận là chiều Quan nguyệt quật 觀 月 窟 theo từ ngữ của Thiệu Khang Tiết 邵 康 節, từ quẻ Cấu 姤 đến quẻ Khôn 坤. Còn chiều thuận là chiều Kiến thiên căn 見 天 根 theo từ ngữ của Thiệu Khang Tiết, từ quẻ Phục 复 đến quẻ Kiền 乾 rồi vào trung cung Thái cực, «Hoàng trung thông lý, chính vị cư thể» 黃 中 通 理 正 位 居 體. Dịch chủ trương chiều nghịch mới là chiều quan trọng, và thánh hiền xưa đã định nghĩa Dịch là Nghịch số.[10]

7. Con đường trở về nhất thể phải là con đường qui tâm hướng nội

Hiểu được hai chiều biến hoá ngược xuôi ấy ta thấy ngay:

– Đi ra ngoại cảnh là đi ra Đời bất kể ngoại cảnh ấy là đền đài, miếu mạo, thần phật chi chi đi nữa.

– Đi vào nội tâm mới là đi vào Đạo.

Có như vậy ta mới hiểu lời lẽ sau của Tính Mệnh Khuê Chỉ: «Muốn thoát luân hồi, phải thể hợp với Chí đạo. Muốn thể hợp với Chí đạo, tất phải quán chiếu bản tâm. Muốn quán chiếu bản tâm, tất phải nhắm mắt hồi quang nhìn vào hư không, đem ánh sáng tuệ quang chiếu diệu vào nơi thất tình lục dục chưa nhen nhúm, nơi mà bản thể chưa bị bát thức làm ô nhiễm. Ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư vọng, hợp nhãn quang, ngưng nhĩ vận, điều tị tức, khoá thiệt khí, tứ chi bất động, để cho ngũ thức của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân quay trở về gốc gác. Như vậy tinh, thần, hồn, phách, ý sẽ an vị. Suốt cả 12 giờ trong ngày, mắt luôn luôn nội quan quán chiếu nhìn vào khiếu ấy, tai trở ngược lại lắng nghe khiếu ấy, đầu lưỡi thường phong bế khí ấy, vận dụng thi vị,niệm niệm không rời khỏi khiếu ấy.» [11] Khiếu ấy chính là bản thể thần linh của con người, là bản thể tuyệt đối mà chúng ta đã đề cập trong suốt chương này.

Thái Thượng nói: «Ta từ vô lượng kiếp đã quan tâm đắc đạo, và tới được hư vô.»[12] Hiểu được bản thể là hiểu được căn nguyên và cùng đích của vũ trụ và con người. Hiểu được hai chiều thuận nghịch nói trên là hiểu được lẽ biến dịch tuần hoàn của vũ trụ và vạn hữu và của con người.

8. Chung qui: Hiểu chữ Nhất là hiểu được tinh hoa đạo giáo Á Đông nói chung, Lão giáo nói riêng

Dù đứng trên lập trường hữu ngã hay vô ngã mà nhìn vào Nhất thể, dù gọi Nhất thể đó là Khí, Thể, Thần, Lão, hay Thiên, khái niệm cơ bản vẫn là: Nhất thể đó linh minh, huyền diệu, có khả năng sinh xuất biến hoá ra vạn sự, vạn hình.

– Nhất thể đó có thể biến thành tam thể, vạn thể.

– Nhất khí đó có thể biến thành tam khí, vạn khí.

– Nhất thần đó có thể biến thành tam thần, vạn thần.

– Nhất lão đó có thể biến thành tam lão, vạn lão.

– Nhất thiên đó có thể biến thành tam thiên, vạn thiên.

Thế tức là hiểu lẽ Một sẽ hiểu được căn cơ gốc gác của muôn loài muôn vật, và có thể đi đến một kết luận hết sức triết học và khoa học sau đây: Thiên địa, nhân vật nhất tính, đồng thể.[13] Suy ngược lại ta có:

– Nếu nhất thần hoá chúng thần thì chúng thần qui nhất thần; nhất khí hoá vạn khí thì vạn khí qui nhất khí.

– Nếu con người có chúng thần thì cũng có nguyên thần, nhất thần.

– Nếu trong người có vạn khí, ngũ khí, tam khí, thì ắt cũng có chân nguyên nhất khí hay nguyên khí.

Vì hiểu lẽ Một nên người đạo sĩ: Chọn cái tinh hoa, bỏ cái bác tạp. Chọn cái giản dị, bỏ cái tần phiền. Chọn cái chân tâm, bỏ cái thất tình lục dục, tứ đại, tam thi, âm dương đối đãi.

Vì hiểu lẽ Một, người đạo sĩ biết rằng mình là Tiên thiên Nhất Khí hoá thân, nghĩa là đồng thể với Tối Thượng thần trong trời đất.

Vì hiểu lẽ Một nên hiểu rằng mình và chân thần trong mình và chân thần trời đất là một. Mình đây chẳng qua là hoá thân của chân thần đó mà mình chẳng hay.

Hoạ sĩ Wyzowa đã viết năm 1893: «Cái mà ta gọi là thực tại, chẳng qua chỉ là hình ảnh của bản thể thầm kín nơi ta, phóng phát ra hư cảnh bên ngoài mà thôi.» [14]

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: «Vì thế nói thánh nhân tẩy rửa tâm hồn, trở về náu ẩn trong nơi thầm kín. Trong đó vốn đã có bản thể uyên nguyên cùng với thái hư hỗn thành nhất khối. Vì thế nói: Thánh nhân đồng thể với thái hư.» [15]

Lão giáo vì thế mà chủ trương Thủ trung bão nhất 守 中 抱 一, Khổng giáo vì thế mà chủ trương Ngô đạo nhất dĩ quán chi 吾 道 一 以 貫 之. Tính Mệnh Khuê Chỉ chép: «Xưa Hoàng Đế lên núi Nga Mi gặp thiên chân Hoàng Nhân ở Ngọc Đường và hỏi về cái đạo Chân Nhất. Hoàng Nhân đáp: Đó là điều quí trọng nhất của Đạo gia. Kinh của đạo này, Thượng Đế giấu trong năm thành của núi Côn Lôn, cất trong hòm ngọc, viết vào thẻ vàng, phong bằng bùn tía, đóng ấn bằng chữ Trung. Nhất đó ở Thái uyên Bắc cực, trước có Minh đường sau có Ngọc chẩm, trên là Hoa cái, dưới là Giáng cung.» [16] Với những lời lẽ mơ hồ đó, ta thấy Hoàng Nhân muốn nói như sau: Muốn tìm Trời, tìm Chân đạo, tìm Nhất, tìm Trung, phải tìm nơi trung điểm đầu não con người.

Trước đó vài dòng, Tính Mệnh Khuê Chỉ đã khéo léo đề cập Nê hoàn cung và trích dẫn lời kinh Huỳnh Đình:

Nê hoàn cửu chân giai hữu phòng,         泥 丸 九 真 皆 有 房

Phương viên nhất thốn xứ thử trung.      方 圓 一 寸 處 此 中

Đồng phục tử y, phi la thường,                 同 服 紫 衣 飛 羅 裳

Đãn tư nhất bộ thọ vô cùng.                     但 思 一 部 壽 無 窮

Viết đến đây tôi liên tưởng đến lời chú của Phật giáo Tây Tạng: Um Mani Padme Hum (Ôi ngọc châu viên giác nằm tại liên hoa tâm). Liên hoa tâm, theo lời bình giải của các đạo sư Tây Tạng, chính là trung tâm đầu não con người.

Mở đầu chương bằng bản thể uyên nguyên của vũ trụ và của con người, kế đến bàn hai chữ Trung và Nhất, cuối cùng kết thúc bằng chữ Nhất, và đem chữ Nhất ấy vào trung tâm đầu não con người, vào nê hoàn cung nơi mà từ vô lượng kiếp đức Thái Thượng đã dạy đạo cho chúng ta, đúng như lời kinh Huỳnh Đình nơi chương 7: «Thị tích Thái Thượng cáo ngã dã.» 是 昔 太 上 告 我 也 (Ấy chính là nơi mà xưa kia đức Thái Thượng đã dạy ta), thiết tưởng tôi cũng đã phát quang được gai góc và để lộ ra con đường Đại đạo.


CHÚ THÍCH

[1] Doãn chân nhân , Tính Mệnh Khuê Chỉ , quyển Hanh , tr. 2b.

[2] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, quyển Hanh , tr. 1a.

[3] Nghiêm Xuân Hồng, Nguyên tử, Hiện sinh, và Hư vô, Hoàng đông phương xb, 1969, quyển thượng.

[4] Tử Hà 紫 霞, Huỳnh đình nội cảnh kinh tường chú 黃 庭 內 景 經 詳 注, tr. 2a: Phù Lão Quân giả, Đạo khí chi tổ, vạn hoá chi tông, tòng tiên thiên, tiên địa, không động hư vô trung sinh xuất nhất khí, danh viết Đạo khí. Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh cửu, cửu sinh vạn. Vạn khí sinh vạn thần. Cố trì thánh hiệu viết: Tiên Thiên Nhất Khí Thái Thượng Lão Quân. 夫 老 君 者, 道 氣 之 祖, 萬 化 之 宗, 從 先 天, 先 地, 空 洞 虛 無 中 生 出 一 氣, 名 曰 道 氣. 道 生 一, 一 生 二, 二 生 三, 三 生 九, 九 生 萬. 萬 氣 生 萬 神. 故 持 聖 號 曰: 先 天 一 氣 太 上 老 君.

[5] Tử Hà 紫 霞, Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh Tường Chú 黃 庭 內 景 經 詳 注, tr. 3a.

[6] Lý Lạc Cầu 李 樂 俅, Tiên Học Diệu Tuyển 仙 學 妙 選, tr. 86.

[7] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, quyển Hanh , tr. 8b. Lý Lạc Cầu Tiên Học diệu tuyển 仙 學 妙 選, tr. 71, 86, 87.

[8] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, Thuận nghịch tam quan đồ 順 逆 三 關 圖, q. Nguyên, tr. 13a.

[9] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, Thuận nghịch tam quan đồ 順 逆 三 關 圖, q. Nguyên, tr. 13a.

[10] Dịch nghịch số dã 易 逆 數 也. Dịch Kinh 易 經, thuyết quái 說 掛, chương 3.

[11] Doãn chân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, quyển Hanh , tr. 2b. Dục tức luân hồi, mạc nhược thể hồ chí đạo. Dục thể chí đạo, mạc nhược quán chiếu bản tâm. Dục chiếu bản tâm, ưng tu phổ nhãn hư giám, thường giáo lãng nguyệt huy minh, mỗi hướng định trung huệ chiếu, thời thời bảo đắc thử thất tình vị phát chi trung, thời thời toàn đắc thử bát thức vị nhiễm chi thể. Ngoại tức chư duyên, nội tuyệt chư vọng. Hàm nhãn quang, ngưng nhĩ vận, điều tị tức, giam thiệt khí, tứ chi bất động, sử nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân chi ngũ thức các phản kỳ căn, tắc tinh, thần, hồn, phách, ý chi ngũ linh các an kỳ vị. Nhị lục thời trung, nhãn thường yếu nội quán thử khiếu, nhĩ thường yếu nghịch thính thử khiếu, chí ư thiệt chuẩn thường yếu đối trước thử khiếu, vận dụng thi vi niệm niệm bất ly thử khiếu, hành lập tọa ngọa tâm tâm thường tại thử khiếu. 欲 息 輪 回, 莫 若 體 乎 至 道. 欲 體至 道, 莫 若 觀 照 本 心. 欲 照 本 心, 應 須 普 眼 虛 鑒, 常 教 朗 月 輝 明, 每 向 定 中 慧 照, 時 時 保 得 此 七 情 未 發 之 中, 時 時 全 得 此 八 識 未 染 之 體. 外 息 諸 緣, 內 絕 諸 妄. 含 眼 光, 凝 耳 韻, 調 鼻 息, 緘 舌氣, 四 肢 不 動, 使 眼, , , , 身 之 五 識 各 返 其 根, 則 精, , , , 意 之 五 靈 各 安 其 位. 二 六 時 中, 眼 常 要 內 觀 此 竅, 耳 常 要 逆 聽 此 竅, 至 於 舌 准 常 要 對 著 此 竅, 運 用 施 為 念 念 不 離 此 竅, 行 立 坐 臥 心 心 常 在 此 竅.

[12] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, quyển Hanh , tr. 3a. Thái thượng viết: Ngô tòng vô lượng kiếp lai, quán tâm đắc đạo nãi chí hư vô. 太 上 說 : 吾 從 無 量 劫 來 觀 心 得 道 乃 至 虛 無.

[13] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, quyển Nguyên , tr. 6a. 天 地 人 物 一 性 同 體.

[14] Ce que nous appelons la réalité n'est que la projection au néant externe de l’image de notre essence intime. Cf. Pierre Francastel, Art et Technique, p.198.

[15] Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, Trung tâm đồ 中 心 圖, quyển Nguyên , tr. 10b. Cố viết: thánh nhân dĩ thử tẩy tâm thối tàng ư mật, kỳ trung bản hư nguyên dữ thái hư hỗn nhi vi nhất. Cố viết: thánh nhân dữ thái hư đồng thể. 故 曰: 聖 人 以 此 洗 心 退 藏 於 密, 其 中 本 虛 原 與 太 虛 渾 而 為 一. 故 曰: 聖 人 與 太 虛 同 體.

[16] Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, Kiền Khôn giao cấu 乾 坤 交 媾, quyển Lợi , tr. 9b. Tích Hoàng Đế thướng Nga Mi sơn kiến thiên chân Hoàng Nhân ư Ngọc đường, thỉnh vấn chân nhất chi đạo. Hoàng Nhân viết: Thử Đạo gia chi chí trọng, kỳ kinh Thượng Đế bí tại Côn Lôn ngũ thành chi nội, tàng dĩ ngọc hàm, khắc dĩ kim trát, phong dĩ tử nê, ấn dĩ Trung chương. Ngô văn chi kinh vân: Nhất tại Bắc cực Thái uyên chi trung, tiền hữu Ngọc đường, hậu hữu Ngọc chẩm, thượng hữu Hoa cái, hạ hữu giáng cung. 昔 黃 帝 上 峨 嵋 山 見 天 真 皇 人 於 玉 堂, 請 問 真 一 之 道. 皇 人 曰: 此 道 家 之 至 重, 其 經 上 帝 秘 在 昆 侖 五 城 之 內, 藏 以 玉 函, 刻 以 金 札, 封 以 紫 泥, 印 以 中 章. 吾 聞 之 經 云: 一 在 北 極 太 淵 之 中, 前 有 明 堂, 後 有 玉 枕, 上 有 華 蓋, 下 有 絳 宮.


» mục lục | chương 1  2  3  4  5  6