PHẦN I - KHẢO LUẬN

» mục lục | chương 1  2  3  4  5  6

CHƯƠNG 3

Huyền nghĩa hai chữ Huỳnh Đình

 

1. Nguyên nghĩa hai chữ Huỳnh Đình: Huỳnh Đình là Thái cực, bản thể vạn hữu bản thể con người.

2. Huỳnh Đình là Chân Trung là Tâm điểm là Trung nhất.

3. Huỳnh Đình hay Trung điểm ở nơi đâu trong con người?

 

Người xưa khi đặt tên sách, thường toát lược cả nội dung sách vào đó. Cho nên nếu ta hiểu được ý nghĩa hai chữ Huỳnh Đình, ta sẽ hiểu được đại ý của sách.

1. Nguyên nghĩa hai chữ Huỳnh Đình

Huỳnh Đình nguyên nghĩa là Đình vàng.

Huỳnh 黃 là màu vàng. Đình 庭 nghĩa hẹp là sân; nghĩa rộng là nơi vua quan làm việc. Ví dụ: triều đình, phủ đình, pháp đình, tụng đình ...

Huỳnh là màu của Trung cung chân thổ 中 宮 真土, tức là màu sắc của Trung điểm vòng Dịch. Mà Trung điểm vòng Dịch chính là Thái cực, là căn cơ là bản thể vạn hữu, bản thể con người.

Dịch Kinh nơi quẻ Khôn có viết: «Quân tử Hoàng Trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp: Mỹ chi chí dã.» 君 子 黃中 通 理, 正 位 居 體, 美 在 其 中 而 暢 於 四 肢, 發 於 事 業:美 之 至 也.

Dịch:

«Hiền nhân thông lý Trung Hoàng,

Tìm nơi Chính vị, mà an thân mình.

Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh mỹ miều,

Phát ra sự nghiệp cao siêu,

Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi.» [1]

Trong quyển Tiên Học Từ Điển 仙 學 辭 典 của Đới Nguyên Trường 戴 源 長, nơi thành ngữ vương chủ trung tâm 王 主 中 心 có bình: «Vạn vật đều có một điểm (Thái cực) làm nhân 仁. Nó làm chủ ở ngay tâm trung vạn hữu vì thế gọi là vương 王. Cũng gọi là Thiên quân 天 君. Đó là nguồn gốc của Tính Mệnh. Tổ sư Hải Thiềm 海 蟾 viết: Trung ương chính vị bản Hư Vô, tự hữu tiên thiên thần khí đáo.»

Chính vì vậy, mà Huỳnh Đình kinh tối thiểu đã vạch ra cho chúng ta thấy đâu là Chân tâm, đâu là Trung tâm điểm con người. Chữ Đình 庭 gợi lên ý niệm đền đài. Thực vậy, Huỳnh Đình kinh chủ trương: Thân tâm ta chính là đền đài có muôn thần ở bên trong, và ở nơi tâm điểm, có ba ngôi Trời hiện diện.

Huỳnh Đình là Thái cực, là bản thể vạn hữu, bản thể con người.

Trong quyển Huỳnh Đình kinh giải 黃 庭 經 解 của Thê Vân Sơn 棲 雲 山 (tức Ngộ Nguyên Tử 悟 元 子, Lưu Nhất Minh 劉 一 明) có hình vẽ sau:

Chú thích hình vẽ: (1) Thái cực 太 極, (2) Đạo nghĩa chi môn 道 義 之 門, (3) Chân không 真 空,

(4) Bất nhị pháp môn 不 二 法 門, (5) Trung Thần 中 神, (6) Chúng diệu chi môn 眾 妙 之 門,

(7) Hư vô 虛 無, (8) Huyền tẫn chi môn 玄 牝 之 門, (9) Huỳnh Đình 黃 庭.

 Như vậy ta thấy rằng đức Đông Hoa Đế Quân đã giải Huỳnh Đình là: Thái cực, Chúng diệu chi môn, Trung thần, Đạo nghĩa chi môn, Huyền tẫn chi môn, Bất nhị pháp môn, Chân không, Hư vô, Trung thần ...

Đông Hoa Đế Quân còn viết: «Huỳnh Đình sinh xuất từ Tiên thiên, tàng ẩn ở hậu thiên. Vốn không hình tượng, không danh tự, nên tạm hình dung bằng vòng tròn O, tạm gọi là Huỳnh Đình.» [2]

«Vì là sinh cơ man mác, nên gọi là Huỳnh Đình, vì biến hóa khôn lường nên gọi là Thần 神. Huỳnh Đình là thể 體, Thần là dụng 用, hai đằng là một. Nho gia gọi là Đạo đức chi môn 道 德 之 門. Thích gọi là Bất nhị pháp môn 不 二 法門. Lão gọi là Chúng diệu chi môn 眾 妙 之門 hay Huyền tẫn chi môn 玄 牝 之 門. Vì không hình tượng nên người xưa lấy thần các cảnh mà hình dung thần Huỳnh Đình để mọi người nhận thần các cảnh, mà suy ra Thần «không cảnh» của Huỳnh Đình.» [3]

Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨 nơi chương An thần tổ khiếu hấp tụ tiên thiên 安 神 祖竅 翕 聚 先 天 (q. Hanh, tr. 9a) gọi Huỳnh Đình là:

Chân thổ Huỳnh Đình 真 土 黃 庭, Tiên thiên chủ nhân 先 天 主 人, Vạn vật chủ tể 萬 物 主 宰, Thái cực chi đế 太 極 之 蒂, Hỗn độn chi căn 混 沌 之 根, Chí thiện chi địa 至 善 之 地, Ngưng kết chi sở 凝 結 之 所, Hư vô chi cốc 虛 無 之 谷, Tạo hóa chi nguyên 造 化 之 源, Bất nhị pháp môn 不 二 法 門, Thậm thâm pháp giới甚 深 法 界, Qui căn khiếu 歸 根 竅, Phục mệnh quan 復 命 關, Trung Hoàng cung 中 黃 宮, Hi di phủ 希 夷 府, Tổng trì môn 總 持 門, Cực lạc quốc 極 樂 國, Hư không tạng 虛 空 藏, Tây nam hương 西 南 鄉, Mậu kỷ môn 戊 己 門, Chân nhất xứ 真 一 處, Huỳnh bà xá 黃 婆 舍, Thủ nhất đàn 守 一 壇, Tịnh thổ 淨 土, Tây phương 西 方, Hoàng trung 黃 中, Chính vị 正 位, Giá cá 這 箇, Thần thất 神 室, v.v. và Huỳnh Đình dĩ nhiên cũng là Tổ khiếu 祖 竅, là Tiên thiên Nhất điểm Linh quang 先 天 一點 靈 光, là Vô 無, là Viên giác 圓 覺, là Đan 丹.

An thần tổ khiếu hấp tụ tiên thiên

Tất cả những ý niệm trên đều cho ta thấy rằng cổ nhân đã dùng hai chữ Huỳnh Đình 黃 庭 để giúp ta hiểu rõ Thiên địa vạn vật đồng nhất thể 天 地 萬物 同 一 體. Hơn thế nữa còn muốn cho ta thấy rằng cái bản thể linh minh huyền diệu, vĩnh cửu trường tồn ấy, lạ lùng thay, lại vẫn có nơi tâm thần chúng ta.

Nó chẳng những là Căn nguyên sinh ra ta, vì thế gọi là Tổ khiếu 祖 竅, nó còn ở ngay trong đầu não ta để hướng dẫn chỉ huy mọi công trình của ta, nên gọi là Cốc thần 谷 神, hay Nguyên thần 元 神, nó cũng còn là cùng đích cho ta và muôn loài muôn vật hướng về, qui về vì thế gọi là Qui căn khiếu 歸 根 竅, Phục mệnh quan 復 命 關...

Nó chính là Nguyên thần 元 神 sinh ra vạn thần trong ta, chính là Nguyên khí 元 氣, hay Tiên thiên khí 先 天 氣, Hạo nhiên khí 浩 然 氣 sinh ra mọi khí trong ta.

Như vậy, ngoài cái phần biến thiên chất chưởng là hình hài, tâm tư, trí lự của ta, ta còn có một phần linh thiêng, vĩnh cửu, bất biến, vô thủy vô chung ...

Hiểu lẽ đó nên Trang tử đã viết: «Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất.» 天 地 與 我 並 生 而 萬 物 與 我為 一.[4]

Dịch:

«Ta và trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.»

Trong quyển Từ Viên tiên sư chân kinh có bốn câu thơ sau:

«Đương thời vị hữu tinh hà đẩu,

當 時 未 有 星 河 斗

Tiên hữu ngô đương hậu hữu thiên.» [5]

先 有 吾 當 後 有 天

Dịch:

«Trước khi thiên hán, quần tinh có,

Trước có ta, rồi mới có trời.»

Và:

«Ngã thể bản đồng thiên địa lão.

我 體 本 同 天 地 老

Tu di sơn đảo, tính do tồn.» [6]

須 彌 山 倒 性 猶 存

Dịch:

«Tính ta vốn thọ cùng trời đất,

Tu di nghiêng đổ, tính vẫn còn ...»

Như vậy hai chữ Huỳnh Đình đã toát lược mấy ý niệm then chốt sau đây của đạo Lão:

(1) Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

(2) Bản thể con người đồng nhất với Bản thể vũ trụ, Tạo hóa.

(3) Bản thể ấy, Chân nguyên Linh khí ấy, Nhất điểm Linh quang ấy đã tiềm ẩn sẵn trong thân tâm ta.

Những quan niệm trên cũng đã được các đạo gia dùng làm đề tài ngâm vịnh. Tính Mệnh Khuê Chỉ đã sưu tập những bài thơ ấy.

Dưới đây xin đan cử một vài bài:

Tư Mã Tử Vi 司 馬 紫 微 có thơ:

«Hư vô nhất khiếu hiệu Huyền quan,

虛 無 一 竅 號 玄 關

Chính tại nhân thân thiên địa gian.

正 在 人 身 天 地 間

Bát vạn tứ thiên phân thượng hạ,

八 萬 四 千 分 上 下

Cửu tam lục ngũ liệt tuần hoàn. [7]

九 三 六 五 列 循 環

Đại bao pháp giới hỗn vô tích,

大 包 法 界 混 無 跡

Tế nhập vi trần bất kiến nhan.

細 入 微 塵 不 見 顏

Giá cá danh vi Tổ khiếu huyệt,

這 箇 名 為 祖 竅 穴

Thử châu nhất lạp chính trung huyền.» [8]

黍 珠 一 粒 正 中 玄

Tạm dịch:

Hư vô nhất khiếu gọi Huyền quan,

Giữa lòng trời đất, giữa tâm xoang,

8 vạn 4 nghìn phân thượng hạ,

9, 3, 5, 7 liệt tuần hoàn,

Lớn trùm pháp giới không hình dạng,

Nhỏ lọt vi trần, chẳng diện nhan,

Cái đó phải chăng là Tổ khiếu,

Chính trung chói lói hạt châu xoàn .

Đinh Dã Hạc 丁野鶴, Tiêu Diêu Du 逍遙遊 có thơ:

«Tam giáo nhất nguyên, giá cá viên,

三 教 一 元 這 箇 圓

Sinh tại vô vi, tượng đế tiên,

生 在 無 為 象 帝 先

Ngộ đắc thử trung chân diệu lý,

悟 得 此 中 真 妙 理

Thủy tri đại đạo tổ căn nguyên...» [9]

始 知 大 道 祖 根 源

Dịch:

Tam Giáo Hư Vô vẽ một vòng,

Sinh tại vô vi vạn tượng tông,

Có hiểu trung hoàng, chân diệu lý,

Rồi ra nguồn đạo sẽ khai thông ...

Tào Văn Dật 曹 文 逸 có bài thơ Đại đạo ca 大 道 歌 như sau:

«Tá vấn Chân nhân hà xứ lai?

Tòng tiền nguyên chỉ tại Linh đài.

Tích niên vân vụ, thâm già tế,

Kim nhật tương phùng đạo nhãn khai.»

借 問 真 人 何 處 來

從 前 原 只 在 靈 台

昔 年 雲 霧 深 遮 蔽

今 日 相 逢 道 眼 開

Dịch:

Chân nhân ướm hỏi tới từ đâu,

Tâm khảm tiềm tàng sẵn đáy sâu,

Thủa trước linh đài vân vụ phủ,

Ngày nay gặp gỡ hết xa nhau. [10]

2. Huỳnh Đình Chân Trung, là Tâm điểm, là Trung Nhất

Vụ Thành Tử giải nghĩa Huỳnh Đình như sau:

Huỳnh là màu của trung ương. Đình là trung điểm của 4 phương. Đối với vũ trụ bên ngoài thì là trung điểm trời đất người. Đối với nơi con người thì là trung tâm não bộ, tim và tì. Cho nên gọi là Huỳnh Đình.[11] Như vậy hai chữ Huỳnh Đình đã hàm ngụ mọi quan điểm về chữ trung của người xưa. Đó chính là:

– Doãn chấp quyết trung 允 執 厥 中 của Nghiêu Thuấn 堯 舜,

– Thời trung 時 中 của Khổng Mạnh 孔 孟,

– Vị phát chi trung 未 發 之 中 của Tử Tư 子 思,

– Hoàng trung thông lý 黃中通理 của Dịch kinh 易經.

– Trung lý ngũ khí 中 理 五 氣 của Độ nhân kinh 度 人 經.

– Trung Không 中 空 của Thích Ca 釋 迦.

– Thủ trung 守 中 của Lão tử 老 子... [12]

Các hình vẽ Tứ tượng, Ngũ hành, Hà đồ, Lạc thư, Cửu cung bát quái, tất cả đều nói lên ý niệm:

Trong vũ trụ có một bản thể làm khu nữu, làm trục cốt cho mọi hiện tượng biến thiên bên ngoài.

Thuyết này từ thủa xa xưa cũng đã được Tây phương chủ trương. Louis Lallemand, viết trong quyển La Vocation de L’Occident của ông đại khái như sau: «Dân Celtes xưa cũng chia nước thành năm miền là: Ulster, Connaught, Leinstor và Munster với một miền ở Trung điểm là Moath, miền trung ương này được coi là miền núm rốn ...»

Theo Louis Lallemand, thì các vũ trụ luận Âu châu cổ xưa đều chủ trương rằng vũ trụ này gồm có: Một phần tinh hoa ở trung điểm và tứ đại giả hợp ở bên ngoài.

Tâm điểm ấy tuy vô hình nhưng lại quan trọng nhất.[13]

Và như vậy, Đông cũng như Tây đều chủ trương rằng con người phải tìm cho ra trung cung, trung điểm của Trời đất và của lòng mình, mới mong siêu thoát. Trung cung ấy chính là Tổ khiếu, là Đan, là Chân Nhất, là Đạo, là Qui căn khiếu, Phục mệnh quan.

3. Huỳnh Đình hay Trung điểm ở nơi đâu trong con người?

Trước hết, có người cho rằng Huỳnh Đình tổ khiếu là Thái cực (trung điểm hoàn võ và con người) thì dĩ nhiên phải bàng bạc, bao la, không thể có định vị, phương sở.

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: «... Cái khiếu ấy phải tìm nơi thân ta. Nó không phải là miệng, mũi, tim, thận, gan, phổi, tì, vị, rốn, vĩ lư, bàng quang, cốc đạo, không phải là huyệt giữa thận, không phải ở dưới rốn 1 tấc 3 phân, không phải minh đường, nê hoàn, không phải quan nguyên khí hải, thế thì nó ở đâu? Thuần Dương tổ sư 純 陽 祖 師 nói:

«Huyền tẫn, huyền tẫn, chân huyền tẫn,

玄 牝 玄 牝 真 玄 牝

Bất tại tâm hề, bất tại thận,

不 在 心 兮 不 在 腎

Cùng thủ sinh thân thụ khí sơ,

窮 取 生 身 自 氣 初

Mạc quái thiên cơ đô tiết tận.»

莫 怪 天機 都 泄 盡

Dịch:

Huyền tẫn, huyền tẫn, chân Huyền tẫn,

Không ở nơi tâm, không ở thận,

Sinh thân thụ khí, ấy linh quang,

Thiên cơ như vậy đà lộ tận...[14]

Nơi hình An thần tổ khiếu đồ 安 神 祖 竅 圖, trong quyển Hanh bộ Tính Mệnh Khuê Chỉ còn có thơ:

«Giá cá khiếu,            這 箇 竅

Tuyệt trung biên,        絕 中 邊

Vô nội ngoại,               無 內 外

Thượng hạ viên,        上 下 圓

Đông tây hợp,             東 西 合

Nam bắc tuyền,          南 北 全

Hội thử ý,                     會 此 意

Tiện thành tiên.»        便 成 仙

Dịch:

Cái khiếu ấy,

Không trung, biên,

Không nội ngoại,

Trên dưới viên,

Đông tây hợp,

Nam bắc tuyền,

Hiểu ý ấy,

Sẽ thành tiên ...

Lập trường này làm ta liên tưởng đến lời kinh Kim Cương: «Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.» 應 無 所 住 而 生 其 心.

Hay bài toán mà Phật đặt ra cho A Nan nơi đầu kinh Lăng Nghiêm: «Cái thấy anh ở đâu?»

Lối nhìn viên dung như vậy là lối nhìn tiên thiên, khi chưa có sinh thành biến hóa, hay là khi gác mọi biến hóa sang một bên.

Nhưng một khi đã có biến hóa, thì lập tức phải có trung và biên; phải có bản vị, chính vị (position initiale, position centrale) và các dịch vị, biến vị (positions variables) sau này.

Cho nên trong thực tế, người ta vẫn đi tìm cho ra đâu là tâm điểm, đâu là trung điểm nơi con người.

Có nhiều thuyết về tâm điểm hay trung điểm, được trình bày lần lượt như sau:

(1) Rất nhiều người thường cho rằng Huỳnh Đình hay trung điểm con người ở nơi bụng; hoặc là ở:

– Khoảng rốn. [15]

– Xoang trống sau rốn và trước xương sống.

– Trên rốn 1 tấc 3 (chấn thủy, nơi vị trí của tì).

– Dưới rốn 1 tấc 3, nơi khí hải.

Những luận cứ mà người xưa dựa vào để biện minh rằng rốn hay chấn thủy, hay khí hải là tâm điểm con người có thể toát lược như sau:

– Vì nơi đó là khoảng giữa đầu và chân, là giữa tâm và thận.[16]

- Trời đất cách nhau 84000 dặm, thì nơi con người cũng vậy. Tâm và thận cách nhau 8 tấc 4 phân. Đó là lý luận mà Tính Mệnh Khuê Chỉ đưa ra nơi hình Trung tâm đồ 中 心 圖 trong quyển Hanh, tr. 10b.

Ngoài ra, nơi các hình: Phổ chiếu đồ 普 照 圖 (q. Nguyên, tr. 7b), Trung tâm đồ 中 心 圖 (q. Nguyên, tr.10b), An thần tổ khiếu đồ 安 神 祖 竅 圖 (q. Hạnh, tr.8b), Pháp luân tự chuyển đồ 法 輪 自 轉 圖 (q. Hanh, tr.12) đều cho ta thấy rõ rằng Huỳnh Đình là ở khoảng giữa bụng.

Trong quyển Dưỡng sinh bí lục 養 生 祕 錄 (tác giả không rõ; được chép trong Chính Thống Đạo Tạng 正 統 道藏) ta thấy ghi: «Vương Chân tiên sinh cho rằng: Trung Hoàng là đan quýnh 丹 扃 (then chốt hay cơ sở của luyện đan), nơi tổng hội của Tám hướng. Đó tức là Trung cung, Huỳnh đình, Huyền tẫn, Tiên thiên nhất khiếu, đó là Chỉ ư chí thiện. Nếu lấy hai lần đốt ngón tay giữa để định tiêu chuẩn cho 1 tấc, thì trên rốn (thận) 3 tấc 6 phân, và vào trong 1 tấc 3 phân là Huỳnh Đình vậy.» [17]

Viên Đốn Tử 圓 頓 子 trong quyển Huỳnh Đình kinh giảng nghĩa 黃 庭 經 講 義 viết: «Gốc gác, con người là đâu? Đó là xoang trống sau rốn. Khoảng trống phía sau rốn là Huỳnh đình vậy.» [18]

Trong quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh của Vụ Thành Tử chú cũng thấy giải: «Tì là Huỳnh Đình, mệnh môn, minh đường, trung bộ. Ở nơi đó có Lão Quân.»[19]

Trong quyển Tiên Học Từ Điển ghi: «Huỳnh Đình là xoang trống bên trong rốn.» 黃 庭 一 云 臍 內 空 處 也 . Thuyết trên còn cho rằng rốn đối với hài nhi lúc còn trong lòng mẹ là quan trọng nhất. Quan niệm lấy tì thổ 脾 土 làm trung cung Huỳnh đình, còn thấy nơi nhiều hình vẽ trong các sách cổ, trong đó: Tâm 心, can 肝, phế 肺, thận 腎 ở chung quanh, tì thổ 脾 土 ở chính giữa.

 

Mà lạ lùng thay, chữ Pancréas của Âu Châu cũng có nghĩa là «Cái tạo nên tất cả» (Pan: tất cả Créas: Tạo dựng). Ở nơi dân gian, ta thấy người ta thường tưởng trí thông minh con người tâm và lương tâm con người nằm ngay trong bụng. Cho nên nói:

– Sáng dạ, tối dạ.

– Tốt bụng, xấu bụng.

– Miệng Nam Mô, bụng một bồ dao găm.

– Lòng lang dạ sói, lòng độc miệng dữ.

– Đau lòng xót dạ...

Trong quyển Pháp môn tọa thiền của Pháp sư Giác Nhiên, nơi trang 29, có dạy phép thở thành vòng số 8 qua các huyệt vị trong người. Trong đó có ghi: Huỳnh Đình là ở «Chấn thủy trước ngực».

Trong hình Phổ chiếu đồ 普 照 圖, ta thấy ghi rõ: nơi rốn là Huỳnh Đình 黃 庭, Tổ khí huyệt 祖 氣 穴, Qui căn khiếu 歸 根 竅, Phục mệnh quan 復 命 關, Chân nhất khiếu 真 一 竅, v.v...

Phổ chiếu đồ

Quan niệm rằng trung tâm con người ở khoảng rốn, khoảng tì 脾 là sai. Nói rằng khí hải 氣 海 là huyệt quan trọng, tì (tụy tạng) là một cơ quan trọng yếu, thì đúng, còn nói rằng đó là cơ quan then chốt, đầu não thì hoàn toàn sai. Ngày nay với đà tiến hóa của khoa học, khi mà người ta hiểu rõ quan năng của từng bộ phận trong người, nhất là hiểu biết khá nhiều về tầm quan trọng của não bộ, thì những lý luận trên không còn chân đứng. Vả lại trời cũng chẳng cách đất 84000 dặm, từ đầu đến chân cũng chẳng thể là 8 thước 4 tấc, mặc dầu tấc đó là đốt ngón tay giữa. Nơi bụng dưới, ta thấy có những cơ quan bài tiết và sinh dục, nơi bụng trên ta thấy những cơ quan về tiêu hóa, chứ không có cơ quan nào để suy tư, hay sầu bi hoan lạc cả. Vả lại Thượng Thần không thể nào ở những nơi uế tạp như vậy được. Càng đọc tiếp các luận cứ tiếp theo đây, sẽ càng thấy quan niệm trên là không đúng.

(2) Có tất cả ba Huỳnh Đình trong con người:

Đi sâu hơn vào công trình đi tìm tâm điểm con người, ta thấy sự việc không đơn giản như vậy.

Có nhiều người chủ trương có ba Huỳnh Đình:

– Một ở trung tâm đầu não con người,

– Một ở giáng cung 絳 宮 (tâm),

– Một ở nơi tỳ 脾 (tụy tạng= Pancréas).

Trong đầu sách Huỳnh Đình Nội Cảnh, Vụ Thành Tử ghi: «Huỳnh là màu của trung ương. Đình là trung điểm của bốn phương. Nói về vũ trụ bên ngoài thì đó là: tâm của trời, đất, người. Nói về bên trong con người thì đó là: tâm của óc của tim, của tì.» [20]

Cũng trong quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh này nơi chương 15, khi giải câu: «Tam Lão đồng tọa các hữu bằng.» 三 老 同 坐 各 有 朋 giải rằng có ba Huỳnh Đình:

Thượng Thanh Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh - Vụ Thành Tử chú

Trong Thượng Huỳnh Đình (ở đầu não) có chư thần:

– Thượng Nguyên Lão Quân 上 元 老 君,

– Nê Hoàn Lão Quân 泥 丸 老 君,

– Thương Hoa Quân 蒼 華 君,

– Thanh Thành Quân 青 城 君,

– Minh Đường Trung Quân Thần 明 堂 中 君 神,

– Động Phòng Trung Phụ Mẫu 洞 房 中 父 母,

– Thiên Đình Chân Nhân 天 庭 真 人,

Nơi Trung Huỳnh Đình (ở ngực và bụng) cũng có chư thần:

– Trung Huyền Lão Quân 中 玄 老 君,

– Xích Thành Đồng Tử 赤 城 童 子 (thần ở tim),

– Đan Điền Quân 丹 田 君,

– Hạo Hoa Quân 皓 華 君 (thần phổi),

– Hàm Minh Quân 含 明 君 (thần gan),

– Huyền Anh Quân 玄 英 君 (thần thận),

– Đan Nguyên Chân Nhân 丹 元 真 人,

Nơi Hạ Huỳnh Đình cung có chư thần:

– Hạ Hoàng Lão Quân 下 黃 老 君,

– Thái Nhất Quân 太 一 君,

– Thái Thương Quân 太 倉 君,

– Hồn Đình Quân 魂 停 君,

– Linh Nguyên Quân 靈 元 君,

– Đan Điền Chân Nhân 丹 田 真 人...

Vị trí của ba Huỳnh Đình cung này như đã nói trên là trung tâm não bộ, tâm và tì.

Quan niệm rằng con người có ba Huỳnh Đình, ba Đan Điền chẳng qua là dựa vào thuyết Tam tài: Thiên - địa - nhân, Thần - Khí - Tinh.

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: «Muốn được trường sinh, phải biết cửu thị 久 視 (nhìn lâu). Cửu thị vào thượng đan điền, thời thần 神 trường sinh. Cửu thị vào trung đan điền, thời khí 氣 trường sinh. Cửu thị vào hạ đan điền thì hình 形 trường sinh. Mặt trời mặt trăng chiếu vào trong khoảng trời đất cho nên loài trai có thể hấp thụ ánh sáng mà sinh châu, đá có thể súc tích ánh sáng đó để mà sinh ngọc, phương chi là con người đã có sẵn hai vầng nhật nguyệt (hai con mắt) mà không biết hồi quang nội chiếu vào nơi bản thân để cho trân châu, mỹ ngọc được sinh ra trong mình hay sao?» [21]

(3) Có một số người lại quan niệm Huỳnh Đình chính là ở nơi trung tâm não bộ, là ở Nê Hoàn cung 泥 丸 宮.

Trong quyển Huỳnh Đình Ngoại Cảnh do Lương Khưu Tử chú, ghi: «Huỳnh Đình là ở giữa đầu con người. Đó là Minh đường, Động phòng, Đan điền. Từ giữa hai làn mi, đi vào 1 tấc là Minh đường; 2 tấc là Động phòng; 3 tấc là Đan điền. Ba chỗ đó đều là Thượng nguyên, là Một vậy ... Cho nên biết rằng Nhất ở nơi Minh đường nhất xứ vậy.» [22]

Từ lâu tôi vẫn chủ trương quan điểm này. Tôi lập luận rằng: Nếu Tâm điểm của vòng Dịch là Thái cực, nếu Tâm điểm của Trời là khoảng trống gần sao Bắc thần, thì tâm điểm con người phải ở trung tâm đầu não con người.

Trước hết ta hãy lưu ý vị trí tối cao của đầu não đối với con người. Sau là cơ cấu hết sức đặc biệt của não, của đầu. Không nơi đâu trong người có một hộp xương kín và chắc như vậy, do đó nó phải tàng trữ cái gì là quí báu nhất. Hơn nữa giữa đầu con người có một xoang trống chính trung, có các mạch máu, các thần kinh từ bốn phương tám hướng qui tụ về, thực là một vị trí hết sức là quan trọng.

Tôi lấy lẽ ngũ hành tương sinh và dùng hình vẽ sau đây để chứng minh một cách hết sức giản dị rằng ở nơi con người Trung điểm đã được đưa lên đầu. Ta hãy vẽ một ngôi sao năm cánh. Cánh trên tượng trưng cho đầu, hai cánh ngang tượng trưng cho hai tay, hai cánh dưới tượng trưng cho hai chân, rồi viết chữ Thổ nơi cánh đầu, sau đó ta viết theo chiều đồng hồ Kim Thủy, Mộc, Hỏa, ta vẽ được vòng Ngũ hành tương sinh, tương ứng với vòng Dịch. Ta vẽ đối chiếu hai hình để thấy rõ.

 

Khi khảo về các mô hình các nhà thờ Thiên chúa giáo, tôi cũng đã tìm thấy được thêm một chứng minh của giả thuyết trên của tôi.

Thực vậy, các nhà thờ Thiên Chúa giáo được chia thành hai loại chính:

a. Các nhà thờ thuộc giáo hội bên Đông, thường được xây theo hình tròn, có vòm. Và như vậy bàn thờ sẽ ở tâm điểm (édifices à plan central).

b. Các nhà thờ thuộc giáo hội La Mã (giáo hội bên Tây) thường được xây theo hình Thập tự, trong đó cánh trên là đầu người, cánh ngang là hai tay, cánh dưới là chân, là bụng, Liên lạc tượng hình giữa các nhà thờ kiểu chữ thập này (églises basilicales, structuration basilicale & développement horizontal) với thân thể con người đã được Léon Sprink chứng minh trong quyển Art sacré en Occident et en Orient chứng minh. Và khi ấy bàn thờ được đặt nơi đầu cánh trên thập tự, như vậy là nơi đầu.

Hai hình vẽ sau đây toát lược những quan điểm trên:

Trong chương tiếp sau đây, tôi sẽ bàn luận về Nê Hoàn nhiều hơn, và viện dẫn Huỳnh Đình để chứng minh Nê Hoàn cung là nơi quan trọng nhất trong con người. Ở đây, tôi chỉ muốn phanh phui những điều mà đạo Lão coi là bí ẩn, và giản dị hóa những gì mà người xưa trình diễn một cách hết sức khó khăn, đồng thời cũng sẽ nhân đó chứng minh Nê Hoàn là nơi quan trọng nhất.

A. Nếu theo quan niệm tam tài, thì trong người có 3 yếu tố cơ bản, đó là thần, khí, tinh. Do đó có 3 đan điền:

– Thượng đan điền hay Thiên cốc tương ứng với thần, nơi luyện thần. Thượng đan điền chính là Nê Hoàn cung.

– Trung đan điền, hay Giáng cung, hay Ứng cốc nơi để điều khí, vận khí.

– Hạ đơn điền, hay Khí hải, hay Linh cốc, nơi để luyện tinh.

B. Nếu theo quan niệm lưỡng nghi, thì ta sẽ có:

– Nê Hoàn Cung là Kiền đỉnh, hay Ngọc đỉnh, nơi luyện thần, tụ thần, thông tính thiên, dưỡng tính thiên.

– Hạ đan điền hay Khôn lô, hay Kim lô, nơi dưỡng mệnh, dưỡng thân hình.

Muốn được siêu thoát phải biết tu Côn Lôn (đầu não) Nê hoàn. Muốn được sống lâu, khỏe mạnh, hãy tu trung đan điền và hạ đan điền.

Theo quan niệm lưỡng nghi, đạo Lão phân tu thân 修 身 thành hai loại:

– Tu tính 修 性, tức là luyện thần, tụ thần, ngưng thần, luyện thần, hoàn hư, siêu thoát. Tu tính lấy nê hoàn cung 泥 丸 宮 làm cơ sở.

– Tu mệnh 修 命, tức là luyện cho thân xác khỏe mạnh, khinh khoát sống lâu. Tu mệnh bao quát tất cả các môn tiết dục 節 欲, cố tinh 固 精, đạo dẫn 導 引, ma sát 摩 擦, luyện khí 鍊 氣, điều tức 調 息, hoàn tinh bổ não 還 精 補 腦, v.v... Tu mệnh lấy Khôn lô 坤 爐, hay hạ đan điền làm cơ sở. Ấy là chưa kể đến những phương thức dùng ngoại dược như dùng lá câu kỷ 枸 杞, chử thực 楮 實 (quả cây ró), thiên môn đông 天 門 東, ngũ gia bì 五 茄 皮, địa du 地 榆, mi giác 糜 角 (sừng nai), tùng diệp 松 葉 (lá tùng) v.v. [23]

Căn bản của tu mệnh, hay tu dưỡng, hay dưỡng sinh, dưỡng thân chung qui vẫn chỉ là ái khí 愛 氣, bảo tinh 保 精 và phương pháp luyện đan của Lão giáo truy kỳ căn cũng chỉ gồm có hai phần chính:

– Luyện thần 鍊 神, đó là tu tính 修 性.

– Luyện khí 鍊 氣, cố tinh 固 精, đó là tu mệnh 修 命.

Hiểu được đại cương ấy sẽ hiểu được những gì là nội dược 內 藥, ngoại dược外 藥, và mới hiểu được tại sao hai chữ Âm dương 陰 陽, Diên hống 鉛 汞 lúc thì chỉ Nhân tâm 人 心, Đạo tâm 道 心, Tâm 心, thần 神, khí 氣, lúc thì lại là khí huyết 氣 血, tinh huyết 精 血, v.v. [24]

Cho nên đạo Lão bao giờ cũng chủ trương: Tính mệnh song tu 性 命 雙 修. Đối với đại đa số, thì nên Tu Mệnh trước, tu Tính sau, như Lão tử đã nói: Quí dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ ... 貴 以 賤為 本 , 高 以 下 為 基.[25] Đối với các bậc đại căn đại giác mới tu Tính trước, Tu Mệnh sau.

Những luận cứ trên cốt chỉ muốn chứng minh rằng: Hạ đan điền, rốn hay chấn thủy, v.v. đều không phải là Chân tâm, là Trung tâm đích thực nơi con người.

Tâm điểm con người cũng không phải là ở nơi khoảng tim (giáng cung) mặc dầu bên Đông cũng như bên Tây đã có nhiều môn phái chấp đó là Trung tâm điểm con người.[26]

Tâm điểm con người thực sự là ở trung tâm đầu não con người. Đó là Huỳnh Đình.

Khảo về đầu não con người, ta thấy có thể vẽ thành những vòng tròn bao quanh đầu mặt con người một cách hết sức chính xác. Những hình chụp trong quyển Anatomy for Students and Teachers của Walter T. Foster [27] chứng minh điều đó. Nếu thế thì ta xác định được một cách chính xác rằng Huỳnh đình chính là Tâm điểm đầu não ở Nê Hoàn Cung.

Nơi ấy chính là:

– Huyền quan khiếu 玄 關 竅, vì là nơi thần khí 神 氣 hợp nhất.

– Thiên cốc 天 谷 và có Cốc thần 谷 神 trời đất ngự trị.

– Linh đài 靈 臺 vì đó chính là Tâm con người mà tâm con người chính là đền thờ Thượng đế, đền thờ Thần linh.

– Đó chính là Cao Đài 高 臺. Vì đạo Lão xưa đã gọi đầu Cao Đài. [28]

– Đó chính là Côn Lôn đỉnh 崑 崙 頂, là Thiên đường 天 堂, là Bát Nhã ngạn 般 若 岸, Ba La Mật địa 波 羅 蜜 地, Đà La Ni môn 陀 羅 尼 門 như Tính Mệnh Khuê Chỉ đã ghi nơi hình Càn Khôn giao cấu đồ 乾 坤 交 媾 圖 (Tính Mệnh Khuê Chỉ, quyển Lợi tr. 8a).

Léon Sprink trong quyển L’Art Sacré en Orient et on Occident, nơi tr. 32, có một nhận định hết sức khoa học và cũng hết sức thâm trầm là: «Có nhiều loài vật có cơ cấu ngược nhau: Chẳng hạn như nếu ta đem loài polypiers fossiles lộn ngược phía trong ra phía ngoài, ta sẽ được hình dung của loài Flagellés fossiles.» [29]

Theo tôi đó chính là định luật Âm Dương điên đảo của Dịch kinh. Và tôi suy thêm rằng: Nếu nơi bụng dưới con người có «động phòng» 洞 房 để tạo nên con người, thì ở nơi đầu não cũng có «động phòng» để tạo nên Thánh thần, nên tiên phật.

Léon Sprink còn nhận định rằng nơi trán các thánh, tượng phật thường thấy có ngôi sao, hoặc một điểm tròn mà ông gọi là Urna (tiếng Ấn độ). Ông cũng còn nhận định thêm rằng các nữ Ấn độ thường đeo ngọc nơi giữa trán, hoặc mang một điểm son nơi giữa trán. Ở Châu Phi cũng có nhiều người thích một vết chàm vào giữa trán. Khảo về các xác ướp Ai cập ông cũng thấy điểm giữa trán được đặc biệt ám chỉ, vì nó là đỉnh một hình vuông, còn ba đỉnh kia thì ở hai vai và ở khoảng ngực nơi chấn thủy.[30] Ông dựa vào ông Brewster, tác giả quyển Gautame Bouddha, Paris 1929, mà nhận định thêm rằng: Điểm Urna nơi trán Phật là dấu hiệu chỉ rõ dòng dõi sang cả và định mệnh cao sang của Phật.[31]

Tôi nghĩ rộng hơn rằng ai ai cũng có một Urna thiên nhiên, vì Trời đã tạo cho mọi người một Nê Hoàn cung, nơi sở cư thường trú của Trời, theo nhiều đạo giáo, nhất là theo đạo Bà La Môn. Đó chính là bằng cớ chứng minh mọi người đều có một dòng dõi, sang cả, một định mệnh sang cả, miễn là giác ngộ được điều đó, thực hiện được lý tưởng đó ... Đó cũng chính là vi chỉ của Huỳnh Đình kinh.


CHÚ THÍCH

[1] Kinh Dịch, quẻ Khôn, Văn ngôn, hào lục nhị.

[2] Huỳnh Đình xuất ư tiên thiên, tàng ư hậu thiên, bản vô hình tượng diệc vô danh tự, cưỡng nhi đồ chi giá cá O nhi dĩ. Cưỡng nhi danh chi Huỳnh Đình dã. 黃 庭 出 於 先 天, 藏 於 後 天, 本 無 形 象 亦 無 名 字, 強 而 圖 之 這 箇 O 而 已. 強 而 名 之 黃 庭 也. Lưu Nhất Minh 劉 一 明, Huỳnh Đình kinh giải 黃 庭 經 解, tr. 3.

[3] Nhân kỳ hồn nhiên sinh cơ, cố danh Huỳnh Đình. Nhân kỳ biến hóa bất trắc, cố vi chi Thần. Huỳnh Đình thể dã, Thần kỳ dụng dã. Nhất vật nhi nhị danh. Nho tu chi vi Đạo nghĩa chi môn, Thích tu chi vi Bất nhị pháp môn, Đạo tu chi vi Chúng diệu chi môn, hựu vi Huyền tẫn chi môn. Nhân kỳ vô hình vô tượng, cố đạo tổ dĩ chư cảnh chi thần hình dung kỳ Huỳnh Đình chi thần, sử nhân ư chư cảnh chi thần truy cứu kỳ Huỳnh Đình vô cảnh chi thần nhĩ. 因 其 渾 然 生 機, 故 名 黃 庭. 因 其 變 化 不 測, 故 謂 之 神. 黃 庭 體 也, 神 其 用 也. 一 物 而 二 名. 儒 修 之 為 道 義 之 門, 釋 修 之 為 不 二 法 門, 道 修 之 為 眾 妙 之 門, 又 為 玄 牝 之 門. 因 其 無 形 無 象, 故 道 祖 以 諸 景 之 神 形 容 其 黃 庭 之 神, 使 人 於 諸 景 之 神 追 究 其 黃 庭 無 景 之 神 耳. Lưu Nhất Minh 劉 一 明, Huỳnh Đình kinh giải 黃 庭 經 解, tr. 3.

[4] Nam Hoa kinh 南 華 經, Tề vật luận 齊 物 論.

[5] Từ Viên Tiên Sư Chân Kinh, Bảo thiên xã kinh khan. Tỉnh thành Học viện Tiền Tụ kinh đương tàng bản, Quang tự thập thất niên 1801, tr. 39a.

[6] Như trên, tr. 37a.

[7] Theo thuyết xưa, trời đất cách nhau 84000 dặm, và thiên địa gian, hay thiên địa chi tâm ở giữa (xem Tính Mệnh Khuê Chỉ q. Nguyên, tr. 10b nơi hình Trung tâm đồ 中 心 圖) 3, 5, 9, 6 là các con số trong Hà đồ, Lạc thư...

[8] Bài thơ này trích trong Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 11, chương An Thần Tổ Khiếu 安 神 祖 竅.

[9] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, q. Hanh, tr. 11a.

[10] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, q. Hanh, tr. 11a.

[11] Vụ Thành Tử, Huỳnh Đình kinh, tr. 3b.

[12] Doãn chân nhân 尹 真 人, Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, q. Hanh, tr. 9b.

[13] «Le groupement ou la subdivision des unités sociales (chez les Celtes) ne se fait pas au hasard, constate H. Hubert, mais sur une sorte de rythme ou de loi numerique. De là vient la conception toute idéale des cinq royaumes d’Ulster, Connaught, Leinster et Munster, avec le royaume central de Meath contenant l’Omphales, le nombril, le pays central, le point de divergence des grandes routes.» H. Hubert: Les Celtes depuis l’époque de Tène et la civilisation celtique, Paris 1932, p. 270-271. Louis Lallemand, La Vocation de l’Occident, p. 23.

       Celte formule quaternaire semble avoir été l’application d’une loi universelle d’après laquelle quatre modalités d’existence ou d’expression seraient nécessaires pour traduire selon l’espace et le temps, un principe spirituel. Les aspects multiples en les quels se refracte ici bas, la plénitude ineffable des réalités qui transcendent ce monde de la division, peuvent en règle générale, être en effet ramenés dans chaque cas à quatre representations fondementales: ainsi les quatre animaux de la vision d’Ezechiel, ou les quatre fleuves en lesquels il est dit qu’au Paradis terrestre se partage la source des eaux vives. C’est là l’un des sens symboliques de la croix, et la vérité que les pythagoriciens ont révérée dans la «tétractys» sacrée, tenant quatre pour le nombre de la création.

       ... C’est ainsi que le message du Christ a été transcrit en quatre évangiles selon saint Jean, saint Matthieu, saint Marc et saint Luc, dont les différences de nature ont été symbolisées par l’aigle, l’homme, le lion et le boeuf. Saint Irénée, auquel remonte cette correspondance établie entre les évangélistes et les animaux, d’Ezechiel, la relie d’ailleurs expressément (Adversus Hoeréses III-II-8) aux quatre régions du monde où nous sommes et aux quatre vents principaux. Au surplus; saint Thomas d’Aquin, Dante, et bien d’autres soutiennent que tout texte inspiré, c’est-à-dire traduisant en mode humain les vérités surnaturelles, possède quatre sens. Du même point de vue, on peut observer que toutes les cosmogonies anciennes présentent le monde comme constitué de QUATRE éléments: le feu, l’air, l’eau et la terre. La «quintessence» qu’elles considèrent en outre, n’est pas un cinquième élément à proprement parler; elle appartient à un ordre de réalités-subtil, intermédiaire entre l’esprit et la matière, et c’est en quelque sorte, la matière première immatérielle de la création, contenant unis dans l’indistinction originelle, les principes des quatre éléments.

        D’une manière générale la quintessence symbolise la pure réalité spirituelle par rapport à ses traductions quaternaires, entachées des servitudes d’expression ou d’incarnation. C’est par exemple le Christ, Verbe divin, par rapport aux évangélistes, témoins inspirés participant de sa lumière. La quintessence n’est pas un symbole, elle a sa réalité propre encore qu’insaisissable aux sens humains. Il semble qu’ainsi l’Apocalypse représente la quintessence des Evangiles. Quant à la loi du quaternaire dans le temps il suffit de rappeler ici les quatre âges de l’humanité, les quatre époques de la vie humaine, les quatre saisons de l’année. (Sđd. 23-24).

[14] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 9a.

[15] Xem Ngũ Chân Nhân Đan Đạo Cửu Thiên, phần hậu bạt; Xướng Đạo Chân Ngôn, quyển 3, tr. 20a.

[16] Như trên.

[17] Lý Lạc Cầu 李 樂 俅, Tiên Học Diệu Tuyển 仙 學 妙 選, tr. 164.

        Ngọc Chân tiên sinh vị Trung hoàng vi đan quýnh, thị bát phương tổng hội xứ, tức sở vị Trung cung, Huỳnh Đình, Huyền tẫn, Tiên thiên nhất khí, Huyền quan nhất khiếu, sở vị Chỉ ư chí thiện dã. Dĩ trung chỉ tiết văn vi tắc, tề (thận) chi thượng tam thốn lục phân, kỳ trung nhất thốn tam phân xứ, nãi Huỳnh Đình dã. 玉 真 先 生 謂 中 黃 為 丹 扃, 是 八 方 總 會 處, 即 所 謂 中 宮, 黃 庭, 玄 牝, 先 天 一 氣, 玄 關 一 竅, 所 謂 止 於 至 善 也. 以 中 指 節 文 為 則, 臍 (腎 ) 之 上 三 寸 六 分, 其 中 一 寸 三 分 處, 乃 黃 庭 也.

[18] Lý Lạc Cầu 李 樂 俅, Tiên Học Diệu Tuyển 仙 學 妙 選, tr. 29. Căn giả hà? tề nội không xứ dã. Tề nội không xứ tức Huỳnh Đình dã. 根 者 何? 臍 內 空 處 也. 臍 內 空 處 即 黃 庭 也.

[19] Vụ Thành Tử chú, Huỳnh Đình Nội Cảnh 黃 庭 內 景, tr. 1a.

[20] Vụ Thành Tử chú, Huỳnh Đình Nội Cảnh 黃 庭 內 景, 3b.

[21] Dục đắc trường sinh, tiên tu cửu thị. Cửu thị ư Thượng đan điền tắc Thần trường sinh; cửu thị ư Trung đan điền, tắc Khí trường sinh; cửu thị ư Hạ đan điền, tắc Hình trường sinh. Phù nhật nguyệt chi chiếu vu thiên địa gian, loa bạng hấp chi tắc sinh châu ngọc, ngoan thạch súc chi tắc sản ngọc. Hà huống nhân thân hữu nhật nguyệt khởi bất năng hồi quang nội chiếu, kết tự kỷ chi trân châu, sản tự kỷ chi mỹ ngọc tai? 欲 得 長 生, 先 修 久 視. 久 視 於 上 丹 田 則 神 長 生; 久 視 於 中 丹 田, 則 氣 長 生; 久 視 於 下 丹 田, 則 形 長 生. 夫 日 月 之 照 于 天 地 間, 螺 蚌 吸 之 則 生 珠 玉, 頑 石 畜 之 則 產 玉. 何 況 人 身 自 有 日 月 豈 不 能 回 光 內 照, 結 自 己 之 珠 產 自 己 之 美 玉 哉? Tính Mệnh Khuê Chỉ 性 命 圭 旨, quyển Hanh, tr. 15a, chương Trập tàng khí huyệt 蟄 藏 氣 穴.

[22] Huỳnh Đình giả tại đầu trung. Minh đường, Động phòng, Đan điền, thử tam xứ thị dã. Lưỡng mi gian, khước nhập nhất thốn vi Minh đường, nhị thốn vi Động phòng, tam thốn vi Đan điền. Thử tam xứ vi Thượng nguyên. Nhất dã... Cố tri Nhất giả, tại Minh đường nhất xứ dã黃 庭 者 在 頭 中 明 堂, 洞 房, 丹 田, 此 三 處 是 也. 兩 眉 間, 卻 入 一 寸 為 明 堂, 二 寸 為 洞 房, 三 寸 為 丹 田. 此 三 處 為 上 元. 一 也... 故 知 一 者, 在 明 堂 一 處 也. Lương Khưu Tử chú, Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, tr.1a.

[23] Xem Đạo Học Từ Điển 道 學 辭 典 nơi các chữ Tu thân, Tu luyện, Trường sinh bất lão, lý khí hình, Hình khí chất, Đạo giáo, Dưỡng sinh, Dưỡng mệnh, Dưỡng hình, Dưỡng tâm... Xem Tiên Học Từ Điển 仙 學 辭 典, nơi các chữ: Tính học mệnh học, Tính mệnh căn nguyên, Nhân tâm, Đạo tâm, Hạ, Trung Thượng đan điền, Tam cốc, Tam cung, Tam điệp, Hạ đức, Thượng đức, Bản mệnh, Tận tính, Liễu mệnh, Điều tức, Điều thần.

[24] Xem Tiên Học Diệu Tuyển 仙 學 妙 選, tr. 266-267, tr. 243-278. Trang 293 ghi: Cổ tiên vân: Ngọc dịch luyện kỷ dĩ liễu tính. Nhiên hậu Kim dịch dĩ liễu mệnh. 古 仙 云: 玉 液 鍊 己 以 了 性. 然 後 金 液 以 了 命.

      - Hoàng Hạc Phú Chân Bản 黃 鶴 賦 真 本 tr. 17 giải hai câu trên như sau: Ngọc dịch chỉ thần khí, Kim dịch hay Kim ba chỉ tinh, huyết. Thần khí có thể thông tính thiên, Tinh huyết có thể dưỡng thân mệnh. 玉 液 指 神 氣. 金 液 (金 波) 指 精 血. 神 氣 可 以 通 性 天. 精 血 可 以 養 身 命. Lữ Động Tân Thuần Dương Tử 呂 洞 賓 純 陽 子, Hoàng Hạc Phú Chân Bản 黃 鶴 賦 真 本, Chân Thiện Mỹ xb, Đài Bắc 1960, tr. 17.

      - Triệu Tị Trần 趙 避 塵, Tính Mệnh Pháp Quyết Minh Chỉ 性 命 法 訣 明 指 nơi tr. 1b q. 2, có ghi: «Tính giả tâm dã,... Mệnh giả hình dã.» 性 者 心 也... 命 者 形 也.

      - Xem Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Lợi tr. 8b, q. Nguyên tr. 13b, và 12b, 12a.

[25] Tử Hà Hàm Hư Tử chú, Huỳnh Đình Nội Ngoại cảnh, nơi tr. 1, quyển Hậu thiên quán thuật 後 天 串 述.

[26] N’oublions pas qu’en Orient et depuis la plus haute antiquité, le nombril avait une signification sacrée et symbolisait non seulement le centre, comme le fameux «ombilic de la terre» que l’on situe encore en Russie, sur le Saint Sépulcre de Jérusalem, mais aussi une source de ravitaillement physique et spirituel.

       Thiên Chúa giáo thường thờ trái tim Chúa và Đức Mẹ, các ảnh tượng đúng đều lấy Tâm làm cứ điểm (xem Léon Sprink, L’Art sacré en Occident et en Orient, p. 46-58.

       Trong quyển A Search for the Truth của Ruth Montgoméry, tác giả cho rằng nơi bụng dưới có một từ trường. Nó tung hỏa sinh lực ra châu thân. Nếu người có nhân điện mạnh đặt tay vào nơi đó, có thể tăng từ điện lực cho bệnh nhân và nhân đó chữa được bệnh. Ta thấy viết: «By placing his fingers over nerves relay in the lower abdomen a human current is transmitted throughout the body...» (tr. 173) «... The lungs draw in the energy, but the magnetic field must draw the energy from the lungs in order to radiate it through the body. Everything is centered in the belly.» (p. 175)

[27] Walter T. Foster, Anatomy for Students and Teachers, Foster Art Service Inc. 430 W. 6th Street, Tustin California.

[28] Vụ Thành Tử chú, Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, chương 1, tr. 2a.

[29] Léon Sprink, L'Art sacré en Occident et en Orient, p. 32.

[30] Sđd., tr. 45, 46, 47.

[31] Sđd., tr. 45.


» mục lục | chương 1  2  3  4  5  6